BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN BÀI TẬP LỚN BÀI TẬP NHÓM MÔN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH ĐỀ TÀI: Phân tích giai đoạn tìm được cứu nước của Hồ Chí Minh (1911 - 1920) Họ và tên : Nguyễn Anh Thy Lớp : LSIC65B Mã sinh viên : 11231493 Hà Nội, 2024 1. Hành trang tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh Đất nước Chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng tác động mạnh mẽ đến tư tưởng yêu nước của Hồ Chí Minh. Trong hành trang của những người yêu nước Việt Nam lúc bấy giờ đều có một điểm chung, đó là lòng yêu nước sâu sắc, ở Nguyễn Tất Thành tình cảm yêu nước của Người gắn liền với lòng thương dân vô hạn. Chủ nghĩa yêu nước đã được khẳng định xuyên suốt qua chiều dài lịch sử 4000 năm dựng nước, giữ nước của nhân dân ta. Hồ Chí Minh đã viết: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lịch sử ta có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta”. Chính những điều này đã bồi đắp nên tư tưởng yêu nước của Người, thôi thúc Người đấu tranh anh dũng bất khuất vì độc lập tự do của tổ quốc nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam từ sớm. Năm 1908 Nguyễn Tất Thành đã tham gia phong trào chống thuế của nông dân Thừa Thiên Huế tại tòa Khâm sứ Trung kỳ. Thời gian sống ở Huế là khoảng thời gian hình thành thế giới quan về thời cuộc với xã hội đương thời và có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành tư tưởng yêu nước của Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, truyền thống đoàn kết của nhân dân ta cũng có tác động mạnh mẽ đến tư tưởng yêu nước của Bác. Sinh ra và lớn lên trong một xã hội nông nghiệp, Hồ Chí Minh đã chứng kiến và trải nghiệm sâu sắc tinh thần đoàn kết của người dân trong cuộc sống hàng ngày. Người nhận thức rõ rằng, chỉ có sự đoàn kết mới tạo nên sức mạnh để chống lại kẻ thù xâm lược và giành lại độc lập cho dân tộc. Điều này thể hiện rõ trong tư tưởng của Người về đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là nhân tố quyết định cho sự thành công của cách mạng. Sự căm thù của người Việt Nam đối với thực dân Pháp: Từ năm 1858 đến năm 1884 triều đình nhà Nguyễn đi từ đầu hàng từng bước đến đầu hàng toàn bộ trước quân xâm lược qua nội dung 4 bản hiệp ước mà triều đình kí với thực dân Pháp, biến nước ta từ một nước phong kiến độc lập trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến, khiến đời sống các tầng lớp nhân dân ngày càng bị bần cùng hoá. Thực dân Pháp đã thi hành chính sách “khai thác thuộc địa” hết sức tàn bạo đối với nước ta, gây ra sự biến động to lớn về chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam, đẩy người dân vào cảnh lầm than cùng cực. Điều này dấy lên trong lòng từng người dân Việt Nam nói chung hay Hồ Chí Minh nói riêng sự căm phẫn, thù hận thực dân Pháp và chế độ thuộc địa, tạo nên mâu thuẫn vừa cơ bản vừa chủ yếu. Đứng trước những mâu thuẫn dân tộc và giai cấp ngày càng gay gắt, các phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân ta diễn ra đa dạng, sôi nổi: khởi nghĩa Yên Thế, Phong trào Cần Vương, Phong trào Đông Du, Phong trào Duy Tân, Phong trào Đông Kinh nghĩa thục... nhưng phần lớn đều thất bại với nguyên nhân sâu xa là do thiếu đường lối chính trị đúng đắn, khoa học, thiếu sự lãnh đạo của một giai cấp tiên tiến. Cách mạng Việt Nam đứng trước cuộc khủng hoảng trầm trọng về đường lối cứu nước. Nguyễn Tất Thành dù rất khâm phục tinh thần yêu nước của các sĩ phu, văn thân, chí sĩ xả thân vì nước, nhưng Người không tán thành đường lối cứu nước của các bậc tiền bối. Thất bại của các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… nói lên một sự thật lịch sử: không thể cứu nước trên lập trường phong kiến hay lập trường của giai cấp tư sản, tiểu tư sản.