Uploaded by truongtx.drive

Think Future - Tăng Trưởng Khả Quan Càng Cần Thay Đổi - June 2024

advertisement
Xuất khẩu - động lực quyết định tăng trưởng - sẽ khả quan
trong năm 2024 và 2025
So với các quốc gia khác trên thế giới, độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn.
Theo thống kê của World Bank, giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam
tương đương 94% GDP, xếp thứ 14 toàn cầu. Trong tổng xuất khẩu của Việt Nam,
xuất khẩu hàng hóa chiếm đa số với 82% GDP. Xuất khẩu dịch vụ, chủ yếu là dịch
vụ du lịch và vận tải chiếm 12% GDP. Để so sánh, hai thành tố quan trọng khác
của tăng trưởng kinh tế là bán lẻ hàng hóa dịch vụ (phản ánh sức cầu tiêu dùng
của dân cư) và đầu tư toàn xã hội (bao gồm đầu tư tư nhân, đầu tư công, đầu tư
của khối FDI...) chỉ chiếm lần lượt 61% và 33% GDP.
Những con số trên cho thấy xuất khẩu đang là động lực trực tiếp và có tác động
lớn nhất đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Xuất khẩu thuận lợi sẽ mang đến tăng
trưởng GDP tích cực và ngược lại. Năm 2018 và 2019, Việt Nam có được tăng
trưởng GDP trên 7%, mức cao nhất 10 năm. Cùng thời gian đó, xuất khẩu tăng
lần lượt +13.2% và +8.4%. Còn trong năm 2023, khi xuất khẩu giảm 4.6% thì GDP
cũng chỉ đạt 5%.
Nguyễn Đức Hùng
Linh
Founder & Chief
Advisor
Think Future
Consultancy &
Investment
Follow me on
Với tỷ trọng cao trên
GDP và tạo ra nhiều
công ăn việc làm,
xuất khẩu đang có
tác động rất lớn đến
tăng trưởng kinh tế
Việt Nam.
Tiêu điểm Tăng trưởng Kinh tế [6-2024]
Không dừng lại ở tác động trực tiếp, xuất khẩu còn có tác động gián tiếp đến tăng
trưởng qua việc làm và thu nhập, yếu tố ảnh hưởng hàng đầu đến sức cầu tiêu
dùng.
Trong năm 2023, khi xuất khẩu tăng trưởng âm thì tình trạng mất việc, giảm thu
nhập cũng gia tăng. Theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, số đơn
đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp trong năm 2023 đã tăng lên 1.1 triệu lượt, xấp xỉ
bằng năm 2020, năm xảy ra đại dịch (1.12 triệu lượt) và cao hơn nhiều số đơn
đăng ký thất nghiệp của các năm trước đại dịch. Trong hai năm 2018-2019 số đơn
đăng ký thất nghiệp chỉ là 770 nghìn và 850 nghìn lượt.
Sự bấp bênh của việc làm và thu nhập đã kìm hãm sức cầu tiêu dùng. Chỉ số bán
lẻ (đã loại trừ yếu tố lạm phát) của năm 2023 chỉ tăng 7.1% dù lãi suất đã được
kéo xuống rất thấp và thuế VAT được giảm xuống 8% với hầu hết các mặt hàng
tiêu dùng.
Trong khi đó, 3 năm trước Covid (2017-2019), chỉ số bán lẻ đều tăng trên 9% trong
môi trường lãi suất và thuế VAT cao hơn. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng
của nhóm ngân hàng có vốn nhà nước (nhóm Big4) năm 2018-2019 dao động
trong khoảng từ 6.7%-7.1%. Còn lãi suất huy động bình quân năm 2023 của nhóm
này giảm xuống 6.1%, đặc biệt 4 tháng cuối năm 2023, lãi suất huy động giảm
xuống dưới 5%.
Là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam lại đang phụ
thuộc rất lớn vào nhu cầu của các nền kinh tế phát triển. Mỹ, EU, Hàn Quốc và
Nhật Bản đang chiếm tới 53% giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Chính sự
sụt giảm xuất khẩu sang các thị trường này đã khiến tổng xuất khẩu giảm và làm
chậm tăng trưởng kinh tế. Năm 2023, xuất khẩu sang Mỹ giảm 11.3%, EU giảm
6.7%, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng giảm 3.7%.
Bước sang năm 2024, các nền kinh tế phát triển đang lấy lại đà tăng trưởng tích
cực, dự báo tăng trưởng đạt 1,7% trong năm 2024 và 1,8% vào năm 2025 (so với
mức 1,6% của năm 2023). Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự đoán thương
mại hàng hóa toàn cầu sẽ tăng lần lượt 2,6% và 3,3% trong các năm 2024 và
2025, sau khi giảm 1.2% vào năm 2023.
Xuất khẩu của Việt
Nam đang phụ
thuộc vào các thị
trường phát triển.
Năm 2024 và 2025,
dự báo tăng trưởng
kinh tế và thương
mại hàng hóa toàn
cầu sẽ tích cực hơn,
kéo theo nhu cầu
với hàng hóa Việt
Nam. Xuất khẩu của
Việt Nam trong 5
tháng tăng 15.2%,
riêng xuất khẩu sang
Mỹ tăng 22.3%
Sức mua cải thiện ở các nước phát triển đã có tác động rõ rệt đến kinh tế Việt
Nam. Xuất khẩu hàng hóa trong 5 tháng đầu năm 2024 tăng 15.2%, trong khi cùng
2
Tiêu điểm Tăng trưởng Kinh tế [6-2024]
kỳ năm 2023 giảm 11.7%. Xuất khẩu sang Mỹ, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản đều
quay lại tăng trưởng tốt, lần lượt đạt 22.3%, 16.1%, 10.9% và 3.2%.
Nói thêm về thị trường Mỹ, đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm hơn ¼ tổng
giá trị xuất khẩu của nước ta. Trong các năm 2021 và 2022, các nhà nhập khẩu
của Mỹ đã tăng nhanh nhập khẩu hàng hóa để bù đắp cho quãng thời gian gián
đoạn bởi Covid-19. Sang năm 2023, khi mối lo đại dịch qua đi, các nhà nhập khẩu
nhận thấy không cần thiết phải tích trữ quá nhiều hàng hóa nên đã chủ động giảm
nhập khẩu để giải phóng hàng tồn kho.
Đây là nguyên nhân khiến nhập khẩu hàng hóa của Mỹ trong năm 2023 giảm
160,5 tỷ USD (-5,1%). Trong đó, nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng như may mặc,
giày dép, điện thoại và đồ dùng gia đình - các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt
Nam - giảm 80,6 tỷ USD (-9,6%). Sang năm 2024, xu hướng nhập khẩu hàng hóa
của Mỹ đã tích cực hơn với mức tăng +1,7% trong 4 tháng đầu năm. Điều này lý
giải vì sao hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ giảm trong năm 2023 và
tăng trở lại trong những tháng đầu năm 2024.
Nhờ vào xuất khẩu khả quan, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý 1/2024
đã tăng lên 5,66%, so với mức tăng 3,32% của quý 1/2023. Số đơn đăng ký trợ
cấp thất nghiệp trong quý 1/2024 cũng giảm xuống còn 168 nghìn lượt, mức thấp
nhất trong 10 quý, cho thấy sự cải thiện ở khu vực việc làm và hoạt động kinh
doanh của doanh nghiệp.
Với dự báo kinh tế của các thị trường phát triển tiếp tục xu hướng tích cực và nhập
khẩu hàng hóa tiêu dùng của Mỹ đang tăng trở lại, chúng ta có thể tin tưởng rằng
xuất khẩu của Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2024 sẽ tiếp tục tăng
trưởng tốt như những tháng đầu năm.
Xuất khẩu khả quan
sẽ kéo tăng trưởng
GDP trong cả 2 năm
2024 và 2025.
Hơn nữa, xuất khẩu của năm 2025 cũng được kỳ vọng sẽ khả quan do các nền
kinh tế phát triển dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng cao (2024: 1,7% và 2025: 1,8%).
Với xu hướng này, chúng ta có thể tự tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ có diện mạo
khởi sắc hơn trong cả hai năm 2024 và 2025.
3
Tiêu điểm Tăng trưởng Kinh tế [6-2024]
Việt Nam - Hai Nền Kinh Tế Trong Một Quốc Gia
Dù tăng trưởng không còn là mối lo, một điểm yếu cố hữu trong cơ cấu kinh tế
Việt Nam đang bộc lộ ngày một rõ nét. Đó là sự lệch pha giữa doanh nghiệp nội
địa và doanh nghiệp FDI.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu và trong xuất
khẩu, khối FDI lại đang ở vị trí dẫn dắt với tỷ trọng 72%, tương đương 59% GDP.
Xuất khẩu của khối FDI đa phần là những hàng hóa công nghiệp có giá trị cao như
điện tử, điện thoại và máy móc thiết bị. Ngược lại, xuất khẩu của khối trong nước
chiếm tỷ trọng nhỏ và chủ yếu là các mặt hàng có hàm lượng công nghệ thấp như
nông, thủy sản, đồ gỗ và may mặc. Có thể nói tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang
phụ thuộc phần lớn vào khối FDI và xuất khẩu của khối FDI.
Trong khi đó mức độ lan tỏa từ khối FDI sang khối doanh nghiệp nội địa không
cao. Tỷ trọng giá trị nhập khẩu trên xuất khẩu của khối FDI liên tục duy trì ở mức
trên 81% qua nhiều năm. Điều này có nghĩa khối FDI mới chỉ dừng lại sử dụng
những tư liệu sản xuất đơn giản của địa phương như lao động giá rẻ, đất đai và
nguyên vật liệu cơ bản (điện, nước, nhiên liệu, dịch vụ logistic). Từ lâu nay, khối
FDI gần như không có nhu cầu chuyển giao công nghệ hay tìm cách tăng tỷ lệ nội
địa hóa dù chúng ta đã có nhiều cơ chế khuyến khích.
Điểm yếu cố hữu
trong nền kinh tế
đang bộc lộ ngày
một rõ, đó là sự lệch
pha giữa nhóm
doanh nghiệp nước
ngoài và doanh
nghiệp trong nước.
Tăng trưởng kinh tế
đang bị phụ thuộc
vào nhóm nước
ngoài trong khi năng
lực cạnh tranh của
nhóm trong nước
còn hạn chế.
Trái ngược với các doanh nghiệp FDI, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam
còn yếu. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy qua lĩnh vực kinh doanh bán lẻ. Nhiều
công ty của Thái Lan đã thâm nhập sâu và chiếm lĩnh thị trường bán lẻ đầy tiềm
năng của Việt Nam.
Tập đoàn CP Group của Thái Lan từ lâu đã thống trị ở mảng thức ăn chăn nuôi và
thịt gia súc, gia cầm. Nhiều “đại gia” Thái khác thì đã trở thành là cổ đông lớn,
thậm chí thâu tóm các công ty hàng đầu của Việt Nam như Sabeco, Vinamilk, hay
chuỗi siêu thị Big C và MM Mega Market Việt Nam (Metro Cash & Carry trước
đây). Ở chiều ngược lại, chưa có một công ty bán lẻ nào của Việt nam đạt được
vị trí như vậy tại Thái Lan. Với những mảng kinh doanh bán lẻ đòi hỏi vốn và công
nghệ cao hơn như thương mại điện tử hay ứng dụng gọi xe (ride hailing), doanh
nghiệp nội địa sẽ càng khó để có chỗ đứng ở ngay thị trường trong nước.
Tại Việt Nam, doanh nghiệp nội địa có thể chia thành 2 khối, doanh nghiệp nhà
nước và doanh nghiệp tư nhân. Khối doanh nghiệp nhà nước, nhóm đang nắm
giữ những nguồn tài nguyên quan trọng nhất của quốc gia như khoáng sản, viễn
thông, cảng, năng lượng lại không thể hiện được vai trò dẫn dắt. Tăng trưởng vốn
đầu tư của khối doanh nghiệp nhà nước thường xuyên thấp hơn mức tăng trưởng
vốn đầu tư chung của cả nền kinh tế.
Khối doanh nghiệp
nhà nước đang nắm
giữ những nguồn tài
nguyên quan trọng
nhất của quốc gia
lại chưa thể hiện vai
trò dẫn dắt.
Giai đoạn 2017-2023, trong khi vốn đầu tư của khối tư nhân và FDI đạt tăng trưởng
trung bình 11% và 7%/năm thì khối DNNN lại giảm 1%. Tín dụng cho khối doanh
nghiệp nhà nước cũng kém khả quan tương tự, giảm trung bình 4%/năm trong
giai đoạn 2017-2022.
4
Tiêu điểm Tăng trưởng Kinh tế [6-2024]
Để so sánh chúng ta có thể nhìn sang SK Group, tập đoàn công nghiệp lớn thứ 2
của Hàn Quốc. SK khởi đầu là một công ty dệt may trong thập niên 60 và 70. Sang
thập niên 80, SK bắt đầu lấn sân vào lĩnh vực lọc hóa dầu (SK Energy) và nhanh
chóng trở thành một trong những công ty dẫn đầu về lọc hóa dầu tại Hàn Quốc.
Sang thập niêm 90, tập đoàn này tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực viễn thông với
SK Telecom và trở thành công ty đầu tiên trên thế giới cung cấp dịch vụ CDMA.
Như vậy SK trước năm 2000 gần giống với sự kết hợp của Petro Vietnam và
MobiFone của Việt Nam. Tuy nhiên SK không dừng lại ở đó. Khoảng năm 2010,
họ dần thâu tóm công ty con làm bán dẫn của Hyundai, lập ra SK Hynix vào năm
2012. SK Hynix và mảng bán dẫn hiện là một trong những trụ cột của SK, chiếm
30%-40% trong tổng doanh thu hơn 100 tỷ USD của tập đoàn này.
Trong 10 năm trở lại đây, SK đang đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực năng lượng mới.
Hàng tỷ USD đã được rót vào các nhà máy pin xe điện, động cơ hydrogen, nhà
máy sản xuất hydrogen hay nhà máy thu hồi CO2 trên toàn cầu. Công ty này cũng
tích cực tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới nổi. Năm 2018 và 2019, SK đã
nhanh chóng giải ngân 2 tỷ USD vào những công ty hàng đầu của Việt Nam là
Vingroup và Masan.
So sánh với một tập
đoàn tư nhân của
Hàn Quốc là SK
Group, nhờ tiếp cận
các nguồn lực quan
trọng là năng lượng
và viễn thông, tập
đoàn này đã phát
triển thành một đế
chế công nghệ bán
dẫn và năng lượng
mới, dẫn dắt kinh tế
Hàn Quốc.
Ví dụ này cho thấy khi được tiếp cận những nguồn lực và nguồn tài nguyên dồi
dào (ở đây là lọc hóa dầu và viễn thông), một công ty tư nhân có thể phát triển
mạnh mẽ để dẫn dắt kinh tế của Hàn Quốc như thế nào.
Còn khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam hiện nay lại đang phải xoay xở trong
các lĩnh vực kinh doanh có độ cạnh tranh cao. Hệ quả tất yếu là tốc độ tích lũy vốn
và công nghệ chậm, làm giảm khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
Một minh chứng là vốn đầu tư của khối tư nhân. Sau Nghị quyết 10/2017 về phát
triển kinh tế tư nhân, đầu tư của khối này đã tăng tốc rất nhanh. Trong 3 năm 20172019, trung bình tăng trưởng đầu tư của khối tư nhân là 18%, gấp đôi khối FDI
(8%) và vốn đầu tư công (9%). Khối tư nhân đã thực sự là động lực chính kéo
tổng đầu tư cũng như cả nền kinh tế trong giai đoạn đó.
Tuy nhiên, sang giai đoạn hậu Covid (2022-2023), đầu tư của khối tư nhân chỉ
tăng trung bình 6%/năm, thấp hơn khối FDI (10%) và càng thấp hơn vốn đầu tư
công (20%). Thị trường đầu ra co hẹp, thủ tục pháp lý kéo dài, rủi ro kinh doanh
DNNN hoạt động
kém hiệu quả,
doanh nghiệp tư
nhân bị sức ép
cạnh tranh cao, đây
là một lý do khiến
doanh nghiệp Việt
nam đang thua
ngay trên sân nhà
5
Tiêu điểm Tăng trưởng Kinh tế [6-2024]
gia tăng khiến các doanh nghiệp tư nhân chậm đầu tư phát triển dù họ là khối có
sự năng động và hiệu quả cao hơn khối DNNN.
Khối doanh nghiệp nhà nước được tiếp cận các nguồn tài nguyên quan trọng
nhưng hoạt động kém hiệu quả. Khối doanh nghiệp tư nhân phải xoay sở trong
môi trường cạnh tranh cao, đối mặt với nhiều rủi ro từ biến động thị trường cho
đến thủ tục pháp lý. Đây là một lý do quan trọng khiến các doanh nghiệp Việt Nam
đang thua trên sân nhà, chưa nói đến việc vươn ra thế giới.
Giải bài toán cân đối tăng trưởng và ổn định vĩ mô
Doanh nghiệp là cái gốc của nền kinh tế. Khi năng lực cạnh tranh của doanh
nghiệp thấp, tăng trưởng sẽ không thể cao. Thiếu những trụ cột của doanh nghiệp
nội địa thì chỉ cần một sự “đỏng đảnh” nào đó của doanh nghiệp FDI, kinh tế sẽ
lập tức bị ảnh hưởng. Trong khi đó, các chính sách thúc đẩy tăng trưởng trong
thời gian qua lại đang nói quá nhiều ở phía kích cầu, không phải kích cung, tức hỗ
trợ doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân.
Kể từ khi đại dịch nổ ra, Việt Nam đã hướng mọi biện pháp thúc đẩy tăng trưởng
vào chính sách tài khóa và tiền tệ. Thực tế thì sau khi đã nới lỏng một thời gian
dài, cả chính sách tài khóa và tiền tệ đều đã bị kéo căng hết mức. Về phía tài khóa
là giảm thuế VAT và tăng đầu tư công. Ngân sách cho đầu tư cơ bản năm 2024
đã không thể tăng thêm, dừng lại ở xấp xỉ 700 nghìn tỷ. Về phía tiền tệ, lãi suất đã
giảm xuống mức “thấp nhất 20 năm”, không thể giảm thêm.
Tuy nhiên điều thấy rõ trong năm 2023 đó là tăng trưởng kinh tế Việt Nam không
nhờ sự nới lỏng tài khóa hay tiền tệ này mà khả quan hơn. Một lý do đơn giản là
thương mại toàn cầu và xuất khẩu rất ít liên quan đến lãi suất VND. Doanh nghiệp
FDI, nhóm chiếm tới ¾ giá trị xuất khẩu, hoàn toàn có thể vay bằng USD với lãi
suất thấp theo những quan hệ sẵn có với ngân hàng nước ngoài.
Trong khi đó, giảm sâu lãi suất VND đang gây sức ép lên các cân đối vĩ mô quan
trọng, rõ rệt nhất là tỷ giá và bong bóng tài sản.
Với tỷ giá, kể từ đầu năm, đồng VND đã mất giá xấp xỉ 5% so với USD. Trước
năm 2022, tỷ giá rất ổn định, thậm chí đồng VND còn lên giá. Tuy nhiên kể từ năm
2022, tỷ giá liên tục chịu sức ép do lãi suất đồng VND giảm trong khi đồng USD
lại tăng.
Doanh nghiệp là cái
gốc của nền kinh tế,
doanh nghiệp yếu,
thì dù nới lỏng chính
sách thế nào cũng
khó tạo ra tăng
trưởng. Chưa kể
tăng trưởng của Việt
Nam lại phụ thuộc
rất lớn vào xuất khẩu
của khối FDI, khối
không chịu ảnh
hưởng nhiều bởi lãi
suất VND.
Nới lỏng tiền tệ quá
mức đang tạo ra
nhiều sức ép đến
các cân đối vĩ mô
quan trọng, điển
hình là tỷ giá và bong
bóng tài sản
Vào đầu năm 2022, Châu Âu xảy ra nhiều biến động địa chính trị, kéo theo giá
hàng hóa tăng mạnh. Điều này đã khiến FED cũng như hầu hết các ngân hàng
trung ương trên thế giới phải tăng lãi suất để đối phó lạm phát. Lãi suất của Mỹ đã
tăng liên tục từ 0,25% lên 5,5%. Tại ASEAN, Thái Lan và Indonesia cùng tăng lãi
suất 8 lần liên tiếp. Trong khi đó Việt Nam giảm lãi suất từ 4.5% xuống 3%.
6
Tiêu điểm Tăng trưởng Kinh tế [6-2024]
Với bong bóng tài sản, trong giai đoạn Covid 2021-2022, một đợt sóng tăng giá
chứng khoán và sau đó là bất động sản đã diễn ra trên diện rộng. Bong bóng này
xì hơi vào cuối 2022 khi lãi suất điều hành tăng vào tháng 9 và 10 năm 2022. Trong
hai tháng đó, NHNN tăng lãi suất điều hành hai lần mỗi lần 1% để bảo vệ tỷ giá.
Vậy nhưng khi lãi suất được giảm trở lại vào đầu 2023, một đợt tăng giá bất động
sản khác lại nổ ra. Theo thống kê của batdongsan.com.vn, mức giá nhà chung cư
tại Hà Nội đã tăng 30%-40% kể từ cuối 2023 đến đầu 2024.
Ngoài bất động sản, giá vàng cũng nổi sóng. Chênh lệch giá vàng SJC trong nước
và giá vàng thế giới bắt đầu nới rộng cũng từ năm 2020, thời điểm lãi suất giảm.
Lãi suất tiền gửi thấp, giá nhà tăng, thiếu kênh đầu tư sinh lời tốt trong khi lo ngại
lạm phát cùng với đà tăng của giá vàng thế giới, người dân đã chuyển hướng
sang đầu tư và thậm chí đầu cơ vàng.
Vậy là năm 2024 xuất hiện tình huống “trăm dâu đổ đầu tằm”, đó là NHNN cùng
lúc phải ổn định tỷ giá và “bình ổn” giá vàng trong một không gian chính sách rất
eo hẹp.
Như đã phân tích ở trên, tăng trưởng của 2024 và 2025 chắc chắn sẽ khả quan
nhờ xuất khẩu, không phải nhờ nới lỏng tiền tệ. Vì vậy có thể coi việc nới lỏng tiền
tệ đến thời điểm này là đã hoàn thành sứ mệnh.
Cần lưu ý rằng lãi suất cho vay, yếu tố quyết định đến hỗ trợ tăng trưởng lại không
nhất thiết phải tăng theo lãi suất huy động. Nhìn lại thời gian đại dịch, các NHTM
đã giảm lãi suất cho vay chậm hơn lãi suất huy động và nhờ đó lợi nhuận của
ngành ngân hàng đã tăng mạnh. Thời điểm này là lúc các NHTM cần chia sẻ thực
chất hơn với doanh nghiệp bằng cách tăng lãi suất cho vay chậm hơn. Chính phủ
trong tháng 5 cũng đã ra chỉ thị là phải tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 1-2%
trong năm 2024.
Các NHTM cần chia
sẻ thực chất hơn với
doanh nghiệp bằng
cách tăng lãi suất
cho vay chậm hơn.
Như vậy thì chính sách tiền tệ và định hướng lãi suất trong năm 2024 cần phải rất
linh hoạt theo hướng tăng dần lãi suất huy động VND để hỗ trợ ổn định tỷ giá,
giảm bớt đầu cơ hình thành bong bóng tài sản trong khi cố gắng giữ, giảm hoặc
tăng chậm lãi suất cho vay. Làm như vậy thì năm 2024 và 2025 chúng ta chắc
chắn sẽ có được cả tăng trưởng và ổn định vĩ mô.
7
Tiêu điểm Tăng trưởng Kinh tế [6-2024]
Thay đổi cách nhìn về động lực tăng trưởng
Như phân tích ở trên, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn bởi xuất khẩu và
khối FDI. Nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất về lý thuyết có thể mang lại tăng trưởng.
Nhưng xét trong bối cảnh Việt Nam, tác động tới tăng trưởng từ giảm lãi suất thực
sự đang có khoảng cách. Dù lãi suất đã xuống rất thấp, tín dụng và đầu tư của
khối tư nhân vẫn tăng rất chậm. Như vậy cách nhìn lâu nay về kích cầu, trong kích
cầu thì đặt gánh năng lên chính sách tiền tệ cần phải xem xét lại.
Chính sách kích cung, tức hỗ trợ doanh nghiệp cần phải được ưu tiên. Để hỗ trợ
doanh nghiệp, các chính sách điều hành cần hướng đến cải thiện môi trường kinh
doanh, bảo hộ có chọn lọc và chia sẻ nguồn tài nguyên từ phía doanh nghiệp nhà
nước sang khối tư nhân. Có như vậy, khối doanh nghiệp tư nhân mới có thể đẩy
nhanh tốc độ tích lũy vốn và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Phải thay đổi cách
tiếp cận phát triển
kinh tế từ chỗ quá
chú trọng kích cầu
sang chú trọng
kích cung, tức hỗ
trợ doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiêp nhà nước, chúng ta cần đặt ra các chỉ tiêu KPI rõ ràng và
trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp. Việc thay đổi lãnh đạo ở một số tập đoàn
nhà nước lớn gần đây đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Đây sẽ là bài học quan trọng
để tiếp tục nâng cao hiệu quả của khối doanh nghiệp nhà nước, nơi sẽ vẫn tiếp
tục nắm những nguồn lực quan trọng nhất của quốc gia.
Tóm lại, một cách nhìn đúng về các động lực tăng trưởng sẽ giúp chính sách điều
hành kinh tế của Việt Nam “điểm đúng huyệt”, giúp tăng tốc nền kinh tế trong khi
vẫn đảm bảo ổn định vĩ mô, thành tố quan trọng hàng đầu để có tăng trưởng bền
vững./.
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm
Báo cáo này được biên soạn nhằm cung cấp thông tin và tài liệu tham khảo cho độc giả về các tình hình kinh tế và tài chính.
Mặc dù chúng tôi đã nỗ lực hết sức để đảm bảo tính chính xác và toàn diện của dữ liệu và thông tin trong báo cáo này,
chúng tôi không đảm bảo hoặc cam kết dưới bất kỳ hình thức nào về tính chính xác, đầy đủ, hoặc kịp thời của các thông tin
được cung cấp. Những nhận định, phân tích và dự báo trong báo cáo này chỉ là ý kiến chủ quan của tác giả tại thời điểm
công bố và có thể thay đổi mà không cần thông báo trước. Các thông tin được thu thập từ các nguồn tin cậy nhưng chúng
tôi không chịu trách nhiệm về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào từ các nguồn này. Báo cáo này không nên được coi là lời
khuyên tài chính, đầu tư, pháp lý, hoặc bất kỳ loại tư vấn chuyên nghiệp nào khác. Các nhà đầu tư và người đọc nên tự mình
tiến hành thẩm định độc lập trước khi đưa ra bất kỳ quyết định đầu tư nào. Việc đầu tư vào các công cụ tài chính luôn đi
kèm với rủi ro và có thể không phù hợp với mọi đối tượng nhà đầu tư. Giá trị của các khoản đầu tư có thể tăng hoặc giảm và
không có sự đảm bảo về lợi nhuận. Chúng tôi không chịu trách nhiệm cho bất kỳ tổn thất, thiệt hại, hoặc hậu quả nào phát
sinh từ việc sử dụng hoặc dựa vào thông tin trong báo cáo này, cho dù là trực tiếp hay gián tiếp. Mọi quyết định đầu tư dựa
trên báo cáo này hoàn toàn là trách nhiệm của người sử dụng. Người đọc cần lưu ý rằng mọi dữ liệu và thông tin chỉ mang
tính chất tham khảo và nên được đánh giá trong bối cảnh tổng thể và sự biến động của thị trường.
8
Download