Làng rừng Cà Mau review Nhà văn Xuân Sách đã viết nên một câu truyện xuất sắc trong Làng Rừng Cà Mau. Câu truyện bắt đầu với Hải – một đội viên của đội du kích Hàm Rồng – sinh hoạt ở tận cùng vùng đất mũi. Thông qua Hải, tác giả đã cho người đọc thấy được những đóng góp to lớn và thiết thực của người dân Việt Nam vào cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Cà Mau. Nổi bật trong số đó chính là đội thiếu niên du kích Hàm Rồng. Đội chỉ bao gồm những em thiếu niên mới 15,16 tuổi nhưng rất mưu trí và dũng cảm. Các em luôn hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao từ chuẩn bị cho trận đánh, vót chông, cắm chông, gài mìn, vẽ trận địa, bãi nổ cho tới những nhiệm vụ nguy hiểm và khó khăn như đưa đồ tiếp tế, vận chuyện vũ khí và lương thực vào chiến khu và cả chặn đánh địch. Cuốn sách không viết lên sự khó khăn và khắc nghiệt của thiên nhiên vùng đất mũi như bao cuốn sách khác. Thế nhưng, trong câu chuyện luôn tràn đầy sự tích cực, tươi sáng và đẹp đẽ. Những đứa trẻ như Hải, Hòa, Minh, Tiến, Vinh trông lại rất trẻ con, hồn nhiên và đầy vui vẻ, hạnh phúc. Chiến tranh hay cả thiên nhiên đều không thể quật ngã được ý chí bất khuất cũng như tâm hồn trẻ thơ của lũ trẻ. Chiến tích của đội thiếu niên Hàm Rồng được khéo léo luồn ghép vào câu truyện như một chỉnh thể hoàn chỉnh. Đánh trinh sát địch, đánh địch đổ bộ và cuối cùng là đánh địch xâm lấn và chủ động đánh địch phản công mở rộng vùng giải phóng. Trong cả cuộc chiến, hy sinh là điều không thể tránh khỏi nhưng t không thấy cái bi thương của các em khi làng bị phá, hay khi bị địch tấn công. Cả câu truyện chỉ hiện lên duy nhất một nốt trầm, một sự thật mà bất cứ ai trong giai đoạn đều không thể ngờ tới – Bác đã ra đi. Tin tức Bác ra đi đánh vào trong các em và các chiến sĩ Cách Mạng một nỗi đau tha thiết và xót xa. Ai ai, đặc biệt là những con người đất mũi, luôn luôn mong một lần được đón Bác vào miền Nam ruột thịt, được chiêu đãi bác bằng những của ngon vật lạ vùng sông nước. Thế nhưng, sau nốt trầm, lại là một tương lai tươi sáng. Một tương lai mà bác đã hằng mong, một Việt Nam thống nhất và giải phóng. Cuộc chiến giải phóng vùng Cà Mau được miêu tả rất ngắn gọn nhưng vô cùng xúc tích và cụ thể. Bắt đầu từ những khâu chuẩn bị thức ăn vũ khi tới tiềm phục và đánh đồn. Kết truyện, hình ảnh đoàn thuyền ngược xuôi đón dân trở về nơi ở cũ trong tấp nập nhưng lại vô cùng hân hoan và sống động khi ‘những chiếc thuyền ngược xuôi’ trên con sông đã được giải phóng. Làng Rừng Cà Mau là bản giao hưởng kể về những chiến công của đội du kích Hàm Rồng. Đội du kích chỉ gồm những em thiếu niên nhưng lại vô cùng xuất sắc và đạt được vô số chiến công hiển hách. Chính các em đã đóng góp một phần không nhỏ trong công cuộc giải phóng Cà Mau, giải phóng đất nước. Chính các em là tương lai của dân tộc, là thế hệ tiếp theo của một dân tộc Việt Nam quật cường và anh dũng.