Uploaded by Hiếu Lê

Bài hoàn chỉnh

advertisement
I. Mở đầu
Trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay, cùng với việc thúc đẩy phát
triển kinh tế - xã hội, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống,
xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trở thành nhiệm vụ
quan trọng của toàn dân nói chung và giới trẻ Việt Nam nói riêng. Một số nước
trên thế giới trong quá trình hội nhập đã không giải quyết đúng đắn mối quan hệ
giữa việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống với tiếp thu các giá trị văn hóa
của các quốc gia khác. Điều đó sẽ dẫn đến sự mai một của các giá trị văn hóa
truyền thống của quốc gia. Là một quốc gia đi sau, chúng ta có nhiều cơ hội học
hỏi và đúc kết nhiều kinh nghiệm từ những bài học thành công cũng như không
thành công của của các nước, nhằm hòa chung vào không khí hội nhập. Vì vậy,
chúng ta phải nhìn nhận một cách đúng đắn để có bước đi phù hợp, đặc biệt là
với giới trẻ. Giới trẻ chúng ta là lực lượng lao động chính trong tương lai, vì thế
nên cần phải có suy nghĩ chuẩn mực và tinh thần duy trì và kế thừa những giá
trị văn hóa truyền thống của đất nước.
Nhận thấy đây là một đề tài cực kì quan trọng đối với giới trẻ mà có quá ít
tài liệu tham khảo, người làm tiểu luận nhận thấy đây là thời điểm thích hợp
cảnh tỉnh giời trẻ về hiện trạng lệch chuẩn trong xã hội hiện nay. Bài tiểu luận
này sẽ làm rõ những lý luận về tồn tại xã hội, ý thức xã hội, đồng thời sẽ nêu
mối quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, ngoài ra bài tiểu
luận cũng sẽ nhận diện văn hóa truyền thống và những giá trị của văn hóa
truyền thống, đồng thời sẽ nêu lên thực trạng về vấn đề kế thừa những giá trị
văn hóa truyền thống của giới trẻ và những giải pháp khắc phục những thiếu
sót. Đề tài này sẽ bổ sung những thông tin hữu ích cho mọi người, đặc biệt là
giới trẻ, hướng giới trẻ đến với những văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
II. Phần lý luận
1. Định nghĩa tồn tại xã hội
Tồn tại xã hội là toàn bộ sinh hoạt vật chất và những điều kiện sinh hoạt vật
chất của xã hội. Tồn tại xã hội của con người là thực tại khách quan, là một kiểu
vật chất xã hội, là các quan hệ xã hội vật chất được ý thức xã hội phản ánh.
2. Khái niệm ý thức xã hội
Ý thức xã hội chính là xã hội tự nhận thức về mình, về sự tồn tại xã hội của
mình và về hiện thực xung quanh mình. Nói cách khác, ý thức xã hội là mặt
tinh thần của đời sống xã hội, là bộ phận hợp thành của văn hóa tinh thần của xã
hội. Văn hóa tinh thần của xã hội mang nặng dấu ấn đặc trưng của hinh thái
kinh tế - xã hội, của các giai cấp đã tạo ra nó.
3. Kết cấu của ý thức xã hội
Ý thức xã hội bao gồm tâm lý xã hội và hệ tư tưởng xã hội. Trong hệ tư
tưởng xã hội thì quan trọng nhất là các quan điểm, các học thuyết và các tư
tưởng. Trong tâm lý xã hội có tình cảm, tâm trạng, truyền thống...nảy sinh từ
tồn tại xã hội và phản ánh tồn tại xã hội ở những giai đoạn phát triển nhất định.
Tùy thuộc vào góc độ xem xét, người ta thường chia ý thức xã hội thành ý thức
xã hội thông thường và ý thức lý luận, tâm lý xã hội và hệ tư tưởng xã hội.
Ý thức xã hội thông thường hay ý thức thường ngày là những tri thức, những
quan niệm của con người hình thành một cách trực tiếp trong các hoạt động trực
tiếp hằng ngày nhưng chưa được hệ thống hóa, chưa được tổng hợp và khái
quát hóa
Ý thức lý luận hay ý thức khoa học là những tư tưởng, những quan điểm
được tổng hợp, hệ thống hóa và khái quát hóa thành các học thuyết xã hội dưới
dạng các khái niệm, các phạm trù, các quy luật.
Tâm lý xã hội là ý thức xã hội thể hiện trong ý thức cá nhân. Tâm lý xã hội
bao gồm toàn bộ tư tưởng, tình cảm, tâm trạng, thói quen, nếp sống, nếp nghĩ,
phong tục, tập quán, ước muốn...của một người, một tập đoàn người, một bộ
phận xã hội hay của toàn thể xã hội hình thành dưới tác động trực tiếp của cuộc
sống hằng ngày của họ và phản ánh cuộc sống đó.
Hệ tư tưởng là giai đoạn phát triển cao hơn của ý thức xã hội, là sự nhận
thức lý luận về tồn tại xã hội. Hệ tư tưởng có khả năng đi sâu vào bản chất của
mọi mối quan hệ xã hội; là kết quả của sự tổng kết, sự khái quát hóa các kinh
nghiệm xã hội để hình thành nên những quan điểm, những tư tưởng về chính trị,
pháp luật, triết học, đạo đức, nghệ thuật, tôn giáo...
4. Quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội
Quan điểm duy vật lịch sử khẳng định rằng, ý thức xã hội và tồn tại xã hội
có mối quan hệ biện chứng, các hình thái ý thức xã hội không phải là những yếu
tố thụ động; trái lại, mỗi hình thái ý thức xã hội đều cso sự tác động ngược trở
lại tồn tại xã hội, trước hết là tác động trở lại cơ sở kinh tế. Đồng thời, các hình
thái ý thức xã hội cũng tác động lẫn nhau theo những cách thức khác nhau. Tồn
tại xã hội nào thì có ý thức xã hội đấy. Tồn tại xã hội quyết định nội dung, tính
chất, đặc điểm, xu hướng vận động, sự biến đổi và phát triển của các hình thái ý
thức xã hội.
5. Tính độc lập tương đối của ý thức xã hội
5.1. Ý thức xã hội thường lạc hậu so với tồn tại xã hội
Lịch sử xã hội cho thấy, nhiều khi xã hội cũ đã mất đi, thậm chí đã mất rất
lâu, nhưng ý thức xã hội do xã hội đó sinh ra vẫn tồn tại dai dẳng. Điều này
biểu hiện đặc biệt rõ trong lĩnh vực tâm lý xã hội như trong truyền thống, tập
quán, thói quen.
5.2. Ý thức xã hội có thể vượt trước tồn tại xã hội
Khi khẳng định tính thường lạc hậu hơn của ý thức xã hội so với tồn tại xã
hội, triết học Mác – Lênin đồng thời thừa nhận rằng, trong những điều kiện nhất
định, tư tưởng của con người, đặc biệt những tư tưởng khoa học tiên tiến có thể
vượt trước sự phát triển của tồn tại xã hội, dự báo được tương lai và có tác dụng
tổ chức, chỉ đạo hoạt động thực tiễn của con người, hướng hoạt động đó vào
việc giải quyết những nhiệm vụ mới do sự phát triển chín muồi của đời sống vật
chất của xã hội đặt ra.
5.3. Ý thức xã hội có tính kế thừa
Tiến trình phát triển đời sống tinh thần của xã hội loài người cho thấy rằng,
các quan điểm lý luận, các tư tưởng lớn của thời đại sau bao giời cũng dựa vào
những tiền đề đã có từ các giai đoạn lịch sử trước đó.
Trong sự phát triển của mình, ý thức xã hội có tính kế thừa nên không thể
giải thích một tư tưởng nào đó nếu dựa vào trình độ, hiện trạng phát triển kinh
tế và các quan hệ kinh tế - xã hội.
Những giai cấp khác nhau kế thừa những nội dung ý thức khác nhau của các
thời đại trước. Các giai cấp tiên tiến tiếp nhận những di sản tư tưởng tiến bộ của
xã hội cũ để lại.
Ngược lại, những giai cấp lỗi thời và các nhà tư tưởng của nó thì tiếp thu,
khôi phục những tư tưởng, những lý thuyết bảo thủ, phản tiến bộ của những
thời kỳ lịch sử trước.
5.4. Sự tác động qua lại giữa các hình thái ý thức xã hội
Các hình thái ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội theo những cách khác
nhau, có vai trò khác nhau trong xã hội và trong đời sống con người. Tuy nhiên,
ở các thời đại và lịch sử khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau dù vai trò
của các hình thái ý thức xã hội không giống nhau nhưng chúng vẫn có sự tác
động qua lại lẫn nhau
Ở Hy Lạp cổ đại, ý thức triết học và ý thức nghệ thuật đóng vai trò đặc biệt
to lớn; còn ở Tây Âu thời Trung Cổ thì tôn giáo ảnh hưởng mạnh mẽ và chi
phối đến các hình thái ý thức khác như ý thức chính trị, ý thức pháp quyền, ý
thức triết học, ý thức đạo đức, ý thức nghệ thuật; còn ở nước Pháp sau thế kỷ
XVIII, và ở nước Đức cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, triết học và văn học
đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong việc truyền bà các tư tưởng
chính trị và pháp quyền, là vũ khí tư tưởng và lý luận trong cuộc đấu tranh
chính trị chống lại các thế lực cầm quyền của các lực lượng xã hội tiến bộ.
Trong sự tác động lẫn nhau giữa các hình thái ý thức, ý thức chính trị có vai trò
đặc biệt quan trọng. Ý thức chính trị của giai cấp cách mạng định hướng cho sự
phát triển theo chiều hướng tiến bộ của các hình thái ý thức khác.
5.5. Ý thức xã hội tác động trở lại tồn tại xã hội
Tồn tại xã hội chịu sự tác động trở lại của ý thức xã hội là một biểu hiện
khác của tính độc lập tương đối của ý thức xã hội.
Sự tác động trở lại đối với tồn tại xã hội của các hình thái ý thức xã hội
mạnh hay yếu còn phụ thuộc vào những điều kiện lịch sử cụ thể, vào các quan
hệ kinh tế vốn là cơ sở hình thành các hình thái ý thức xã hội; vào trình độ phản
ánh và sức lan tỏa của ý thức đối với các nhu cầu khác nhau của sự phát triển xã
hội; đặc biệt là vào vai trò lịch sử của giai cấp đại diện cho ngọn cờ tư tưởng
đó. Vì vậy, cần phân biệt ý thức xã hội tiến bộ với ý thức xã hội lạc hậu, cản trở
sự tiến bộ xã hội.
6. Ý nghĩa phương pháp luận của mối quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý
thức xã hội
Tồn tại xã hội và ý thức xã hội là hai phương diện thống nhất biện chứng của
đời sống xã hội. Vì vậy, công cuộc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới phải
được tiến hành đồng thời trên cả hai mặt tồn tại xã hội và ý thức xã hội. Cần
quán triệt rằng, thay đổi tồn tại xã hội là điều kiện cơ bản nhất để thay đổi ý
thức xã hội. Mặt khác, cũng cần thấy rằng không chỉ những biến đổi trong tồn
tại xa hội mới tất yếu dẫn đến những thay đổi to lớn trong đời sống tinh thần
của xã hội mà ngược lại, những tác động của đời sống tinh thần xã hội, với
những điều kiện xác định cũng có thể tạo ra những biến đổi mạnh mẽ, sâu sắc
trong tồn tại xã hội. Trên sở nghiên cứu mối quan hệ biện chứng tồn tại xã hội
và ý thức xã hội, ta rút ý nghĩa phương pháp luận là xem xét, giải quyết các
hiện tượng thuộc ý thức xã hội trước hết phải xuất phát từ cơ sở vật chất, cơ sở
kinh tế đã sinh nó, đồng thời phải xem xét tính độc lập tương đối. Từ đó khẳng
định vai trị động lực tư tưởng khoa học,tiến bộ
II. Liên hệ thực tế
1. Nhận diện văn hóa truyền thống
Khái niệm văn hoá truyền thống dân tộc được tạo thành từ ba khái niệm là
văn hoá, truyền thống, dân tộc. Dân tộc nói ở đây là dân tộc Việt Nam với 54
sắc tộc trong lãnh thổ Việt Nam. Truyền thống nói ở đây là không hiện đại. Còn
văn hóa nói ở đây là sản phẩm (vật chất và tinh thần) do con người tạo ra. Văn
hóa truyền thống là văn hóa được hình thành trong thời quá khứ xa xưa và được
truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Văn hoá truyền thống có tính phổ biến, ổn định, được kết tinh trong đời sống
của một cộng đồng và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác qua con
đường xã hội hoá. Văn hoá truyền thống thể hiện ở nhiều phương diện khác
nhau: vật chất và tinh thần, vật thể và phi vật thể, cả trong cơ sở hạ tầng lẫn
kiến trúc thượng tầng của xã hội. Văn hoá tinh thần thể hiện ở tư tưởng, tâm lý,
tính cách, qua lối sống, thói quen của cộng đồng, dân tộc. Văn hoá là sản phẩm
của con người, gắn liền với sự vận động của thực tiễn xã hội, có tính lịch sử.
2. Giá trị văn hóa truyền thống
Giá trị văn hóa là cái dùng để căn cứ vào đó mà xem xét, đánh giá, so sánh
nền văn hóa của dân tộc này với nền văn hóa của dân tộc khác, là cái để xác
định bản sắc văn hóa của một dân tộc, những nét đặc thù về truyền thống,
phong tục, tập quán, lối sống của một dân tộc trên nền tảng các giá trị chân,
thiện, ích, mỹ (Sỹ, 2001, tr.19).
Mỗi dân tộc có những bản sắc văn hóa riêng, nó thể hiện tập trung ở truyền
thống văn hóa và mỗi nền văn hóa cũng có những giá trị riêng của nó. Giá trị
văn hóa là những giá trị tiêu biểu, cốt lõi cho tất cả các các thành viên đang
sống trong cộng đồng đó được tích lũy qua quá trình hoạt động của họ. Chính
quá trình hoạt động đó, đã tạo nên những bản sắc văn hóa riêng của cộng đồng
của họ. Những truyền thống đó được truyền lại cho thế hệ sau và cùng với thời
gian và sự biến thiên của lịch sử sẽ được bổ sung bằng các giá trị mới.
3. Thực trạng vấn đề kế thừa giá trị văn hóa truyền thống hiện nay của giới trẻ
Giới trẻ ngày càng thờ ơ với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ hiện nay có tâm lý sống buông thả, quay lưng
lại với giá trị đạo đức truyền thống văn hóa của dân tộc. Họ không muốn quan
tâm đến nội dung và thường cổ vũ, tán dương cho những bản nhạc, những bài
hát nhịp điệu mạnh như nhạc Rock, nhạc Ráp và thậm chí là những bài hát có
nội dung nhạt nhẽo vẫn được giới trẻ cổ vũ. Những bản nhạc, các bài ca cách
mạng, các dòng dân ca truyền thống đang dần bị lãng quên, không thu hút được
giới trẻ quan tâm. Các hình ảnh, tin tức, ấn phẩm độc hại không lành mạnh,
không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc thường xuất hiện trên các
trang mạng thông tin toàn cầu
Bên cạnh đó, tuy đã được học lịch sử, truyền thống văn hóa, văn minh của
dân tộc, nhưng nhìn chung sự hiểu biết của giới trẻ về những vấn đề này chưa
nhiều, chưa sâu sắc. Phần lớn sinh viên chưa được thử thách trong thực tiễn,
chưa được trải nghiệm nhiều trong cuộc sống. Vì thế, khi gặp khó khăn hay
đứng trước những biến động của lịch sử - xã hội dễ làm họ trở nên hoang mang,
dao động, mất phương hướng
4. Nguyên nhân của những thực trạng vấn đề kế thừa giá trị văn hóa truyền thống
hiện nay
4.1. Nguyên nhân khách quan
4.1.1.
Sự tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế
Toàn cầu hóa là một quá trình biến các vùng miền, các cộng đồng người
khác nhau từ trạng thái biệt lập, tách rời nhau thành một trạng thái khác về chất,
bằng sự liên kết gắn bó thành một thể thống nhất hữu cơ trên quy mô toàn cầu.
Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế là điều kiện để các quốc gia dân tộc có cơ hội
trao đổi, hiểu biết lẫn nhau, bổ sung và làm giàu cho nhau đặc biệt là trên lĩnh
vực văn hóa. Đây cũng là cơ hội để chúng ta có thể phát triển một cách nhanh
chóng và có hiệu quả, nhưng cũng là thách thức lớn lao đối với nước ta trên
nhiều mặt, trong đó văn hóa chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Ngày nay,
quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, sự thâm nhập
của văn hóa độc hại, sự lai căng văn hóa, lối sống thực dụng và mặt trái tiêu cực
của nền kinh tế thị trường đã và đang làm suy thoái những giá trị văn hóa truyền
thống, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước. Toàn cầu hóa, hội
nhập quốc tế đã tác động đến văn hóa theo nhiều chiều hướng khác nhau, nhưng
trong đó có theo chiều hướng tiêu cực. Hiện nay, ở nước ta các thể chế về văn
hóa chưa phát triển, các “hàng rào” ngăn cản tác động tiêu cực về văn hóa chưa
đầy đủ, kém hiệu quả và đồng bộ. Vì vậy, toàn cầu hóa có thể dẫn đến nguy cơ
sâm nhập ồ ạt các luồng văn hóa từ bên ngoài như: sách, báo, phim ảnh, băng
hình… có nội dung không lành mạnh, kích động bạo lực nhập lậu vào nước ta.
Theo đó, đã gây ra những tác động xấu đến đạo đức, lối sống thực dụng, ngoại
lai, tư tưởng phản động đi ngược lại các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc,
làm cho các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã vốn có vị trí
quan trọng trong hệ giá trị văn hóa truyền thống của người Việt Nam đang có
nguy cơ xuống dốc, tha hóa và mai một. Những hiện tượng suy đồi đạo đức
đang trở thành vấn nạn của xã hội trở thành những tín hiệu báo động trong đời
sống văn hóa đạo đức của nước ta hiện nay.
4.1.2.
Sự tác động của cuộc cách mạng 4.0
Cuộc cách mạng 4.0 đã mở ra một thời kỳ phát triển mới trong lịch sử loài
người nhờ những đột phá về công nghệ bằng trí tuệ nhân tạo, các thiết bị di
động, khả năng kết nối bằng máy tính, những tính năng xử lý thông tin tăng lên
gấp nhiều lần so với trước. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi toàn
diện cách sống, làm việc và quan hệ giữa các cá nhân trong xã hội, theo đó đã
làm thay đổi trực tiếp đến văn hóa. Chúng ta thấy rằng nếu xét về mặt bản chất,
văn hóa thường mang trong mình tính dân tộc, tính bản địa rất sâu sắc thì hiện
nay với sự tác động ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 bản chất đó đã
có nguy cơ bị phai nhạt. Một số nước lớn muốn thực hiện tham vọng về lợi ích,
mục đích chính trị của họ cũng như muốn gây ảnh hưởng về văn hóa với các
nước khác ngày càng cao. Vì vậy, việc giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân
tộc ở các nước đang đối mặt với những thách thức trực tiếp và gay cấn đang
diễn ra mà không một cá nhân hay một quốc gia, dân tộc nào có thể thờ ơ, đứng
ngoài “vòng xoáy” của nó. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra
những sản phẩm mới có tính hấp dẫn, lôi cuốn giới trẻ nhưng bên cạnh đó cũng
làm nảy sinh các hiện tượng, các trào lưu tôn sùng “hàng ngoại”, không chỉ về
sản phẩm vật chất mà còn ở lĩnh vực văn hóa tinh thần, phong cách, lối sống,
giao tiếp, ứng xử. Những giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức tốt đẹp được gìn
giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ đang có nguy cơ bị mai một.
4.2. Nguyên nhân chủ quan
Về chủ quan, thế hệ trẻ ngày nay ít quan tâm để ý đến vấn đề bản sắc văn
hoá. Họ thiếu ý thức giữ gìn, bởi thực chất là họ không hiểu được bản sắc văn
hoá dân tộc là gì và cũng không cần hiểu.
5. Giải pháp về những vấn đề kế thừa giá trị văn hóa truyền thống hiện nay
5.1. Nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong nhà trường nhằm
phát huy giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong xây dựng lối sống mới
cho sinh viên trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay
Giáo dục lý tưởng, đạo lý làm người, lối sống mới là nội dung giáo dục hàng
đầu trong nhà trường hiện nay và phải đặc biệt coi trọng. Môi trường giáo dục
trong nhà trường là môi trường gần, tác động trực tiếp đến sự hình thành, phát
triển nhân cách, lối sống sinh viên. Công tác giáo dục đạo đức, xây dựng lối
sống mới cho sinh viên trong nhà trường phải hướng tới những giá trị văn hóa,
đạo đức tốt đẹp của cha ông ta.
Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội trong nhà trường cần phải nâng
cao phẩm chất, năng lực hoạt động của mình, nội dung và hình thức sinh hoạt
của tổ chức phải phong phú, đa dạng, thiết thực, tạo ra được nhiều phong trào
cho giới trẻ. Các hoạt động chính trị, văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, tham
quan, dã ngoại, hoạt động nhân đạo, từ thiện, hoạt động tình nguyện vì cộng
đồng… sẽ có tác động tích cực đối với sinh viên trong kế thừa và phát huy
những văn hóa truyền thống của dân tộc
5.2. Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho
giới trẻ trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay
Giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho giới trẻ là phải làm cho họ biết giữ
gìn và tô thắm những giá trị đó của dân tộc, cái đã làm nên vẻ đẹp Việt Nam,
bản sắc dân tộc Việt Nam, nhân cách, lối sống con người Việt Nam. Chúng ta
biết rằng, những giá trị đạo đức truyền thống nếu không được củng cố trong sự
đổi mới, không được phát triển và nâng lên ở một tầm cao mới để đáp ứng
những đòi hỏi của lịch sử, sẽ gây cản trở, ách tắc, tạo nên sự xung đột giữa sức
nặng, uy lực của truyền thống với yêu cầu đổi mới, vươn lên của cuộc sống hiện
tại. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chúng ta muốn nhanh chóng vươn lên cái mới,
cái hiện đại nhưng cũng dễ tự đánh mất mình, tự hủy hoại nền tảng bên trong
của sự phát triển bền vững và lâu dài, đó là văn hóa Việt Nam, đạo đức truyền
thống Việt Nam. Hội nhập mà không hòa tan, mở cửa mà vẫn giữ được bản sắc
văn hóa dân tộc, tiếp thu văn hóa, văn minh nhân loại để làm giàu kho tàng văn
hóa Việt Nam, đó là một đòi hỏi, thách thức lớn đối với giới trẻ Việt Nam. Đây
là một yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài, mang tính quy luật, là một trong
những phương hướng tốt nhất để phát huy những giá trị đạo đức truyền thống
theo tinh thần cách mạng. Nhằm góp phần xây dựng giới trẻ Việt Nam về trí
tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống có nhân cách tốt đẹp, góp phần khắc
phục tình trạng sa sút nghiêm trọng về mặt quan hệ đạo đức đang diễn ra hiện
nay.
6. Nhận thức và quan điểm cá nhân
III. Kết luận
Bài tiểu luận đã góp phần làm rõ những thực trạng và nguyên nhân dẫn đến
sự lệch chuẩn trong việc kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống
của giới trẻ hiện nay. Những nguyên nhân xuất phát từ khách quan hay chủ
quan đều có thể khắc phục nếu có sự quan tâm từ các tổ chức xã hội hay chính
nhà trường. Đồng thời, chính bản thân giới trẻ cũng phải xây dựng một lối sống
tích cực, tiến bộ để phát huy và giữ gìn các giá trụ văn hóa truyền thống tốt đẹp
của nước nhà. nếu chúng ta biết tận dụng cơ hội, đẩy mạnh phát huy những ảnh
hưởng tích cực, hạn chế những tiêu cực vì thách thức và cơ hội, tích cực và tiêu
cực không tự chuyển hóa cho nhau mà đòi hỏi chúng ta phải chủ động nắm bắt
cơ hội thì chúng ta sẽ thành công trong xây dựng một nền văn hóa tiên tiến,
đậm đà bản sắc dân tộc.
Tài liệu tham khảo
Nguyen, C. T. T. (2021, April 2). [PDF]Nghiên Cứu Các Nhân TỐ ảnh Hưởng đến giá Trị Văn
Hóa Truyền Thống ở Nước Ta Trong Giai đoạn Hiện nay.pdf. Tạp chí Khoa học và Công
nghệ. https://tailieumienphi.vn/doc/nghien-cuu-cac-nhan-to-anh-huong-den-gia-tri-vanhoa-truyen-thong-o-nuoc-ta-tron-vi6juq.html
Nguyễn, H. T. T. (2014). Giá Trị Đạo Đức Truyền Thống Dân Tộc Với Việc Xây Dựng Lối Sống
Mới Cho Sinh Viên Việt Nam Trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hóa Hiện Nay .
https://doi.org/https://hcma.vn/Uploads/2014/6/4/nguyen_thi_thanh_ha_la.pdf
Thinh, N. (2021, November 27). Ý Thức xã hội là gì? Kết cấu, vai trò, Tính độc Lập Tương đối.
LyTuong.net. https://lytuong.net/y-thuc-xa-hoi-la-gi/#2_Ket_cau_cua_y_thuc_xa_hoi
Trịnh , N. H. (2021). Quan Hệ Biện Chứng Giữa Tồn Tại Xã Hội và ý Thức Xã Hội, Sự Vận
Dụng Trong Việc Xây Dựng ý Thức Xã Hội Chủ Nghĩa ở Việt Nam Hiện Nay.
Tô, D. T. P. (2023, August 22). Phân tích mối Quan hệ biện Chứng Giữa tồn Tại xã hội và ý
thức xã Hội?. Luạt Minh Khuê. https://luatminhkhue.vn/phan-tich-moi-quan-he-giua-tontai-xa-hoi-va-y-thuc-xa-hoi.aspx
Đặng, D. T. P. (2017). Văn Hóa Truyền Thống Của Dân Tộc Việt Nam Trước Yêu Cầu Phát
Triển Mới.
Download