Họ và tên: Phạm Võ Thùy Uyên MSSV: 2057010304 Môn học: Xã hội học đại cương ĐỀ KIỂM TRA GIỮA MÔN XÃ HỘI HỌC ĐẠI CƯƠNG Câu 1: Tiểu văn hóa và phản văn hóa khác biệt với văn hóa thống trị (văn hóa chủ đạo) như thế nào? Hãy dùng ví dụ thực tế để minh họa. (5 điểm) Câu 2: Xã hội hóa là gì? Xã hội hóa có vai trò như thế nào trong sự định hình tính cách, hành vi của cá nhân? Đối với xã hội nói chung, theo bạn, vai trò của xã hội hóa là gì? Hãy dùng ví dụ thực tế để minh họa. (5 điểm) BÀI LÀM: Câu 1: Theo quan điểm của xã hội học, văn hóa là tổng thể các phong tục, tập quán, kiến thức, đồ vật cụ thể, cách ứng xử học được từ quá trình tương tác trong các nhóm xã hội. Văn hóa là các thực tiễn chung có trong mọi nền văn hóa. Mọi người thể hiện văn hóa qua các hoạt động khác nhau trên nhiều lĩnh vực của đời sống như nghệ thuật, niềm tin, giáo dục, gia đình, kinh tế, kỹ thuật,… Văn hóa là để thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của con người. Văn hóa cũng mang tính phổ quát cho toàn nhân loại, nhưng cách thức thể hiện có thể khác ở từng nền văn hóa. Từ đó, tạo nên sự khác nhau giữa cộng đồng này với cộng đồng khác, giữa xã hội này với xã hội khác, đem lại bản sắc riêng cho cộng đồng, xã hội. Văn hóa luôn thay đổi theo quá trình canh tân và khuếch tán. Sự phát triển không ngừng của xã hội cũng dẫn đến sự thay đổi trong quan điểm sống của con người, từ đó văn hóa cũng dần thay đổi. Con người còn tiếp thu các văn hóa đến từ các xã hội khác bên ngoài. Tiểu văn hóa là văn hóa nằm bên trong một nền văn hóa chủ đạo rộng lớn hơn. Đó là văn hóa của các cộng đồng xã hội có những sắc thái khác với nền văn hóa chung của toàn xã hội. Thành viên trong tiểu văn hóa không chỉ là một phần của văn hóa lớn hơn mà còn chia sẻ bản sắc cụ thể trong một nhóm nhỏ hơn. Các cộng đồng này có những mô hình 1 ứng xử riêng phản ánh các đặc trưng của cộng đồng đó. Tiểu văn hóa là biến thể của những môi trường xã hội đặc thù, chứng tỏ những khác biệt vẫn có thể tồn tại bên trong một xã hội. Tiểu văn hóa chỉ có những nét khác biệt khá rõ so với nền văn hóa chung, song không đối lập với nền văn hóa chung đó, mà vẫn hướng tới bảo vệ những giá trị của nền văn hóa chung. Nếu xét về nhóm tiểu văn hóa dân tộc, nước ta có 54 nhóm tiểu văn hóa. Một ví dụ khác là về những người thích hóa trang (cosplayer) ở Việt Nam. Nhóm những người thích hóa trang này được xem là một tiểu văn hóa. Hóa trang không được xem là văn hóa chung ở Việt Nam. Đối với những người khác, hóa trang có thể bị xem là một sở thích kì lạ. Tuy nhiên, bên trong tiểu văn hóa này có thể thấy được những thành viên có cùng một sở thích là hóa trang, họ đồng tình và yêu thích việc hóa trang; và các thành viên trong tiểu văn hóa ấy có thể học hỏi, chia sẻ với nhau về những hoạt động xoay quanh việc hóa trang.. Song, tiểu văn hóa này không đối lập, chỉ khác biệt về những giá trị chung của văn hóa chủ đạo. Họ vẫn là một thành viên và phát huy những giá trị của văn hóa chủ đạo. Phản văn hóa là một loại tiểu văn hóa có xu hướng chống đối các khía cạnh nào đó của nền văn hóa rộng lớn hơn. Đó là tập hợp các chuẩn mực, giá trị của một nhóm người trong xã hội mà đối lập, xung đột với các chuẩn mực, giá trị chung của toàn xã hội. Trong khi tiểu văn hóa hướng đến bảo vệ những giá trị của nền văn hóa chung, thì phản văn hóa công khai bát bỏ những giá trị ấy. Một ví dụ về các nhóm người hút chích ma túy. Trước hết chúng được xem là một tiểu văn hóa bởi văn hóa chủ đạo phản đối việc sử dụng ma túy, tuy nhiên nhóm người này đồng tình với điều đó. Những giá trị trong tiểu văn hóa này khác và đối lập với những quy tắc và giá trị của xã hội chung. Hành vi của họ vi phạm pháp luật, bị xã hội lên án và phải chấp hành các biện pháp chế tài tiêu cực. Câu 2: Xã hội hóa là một quá trình văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là một quá trình tương tác, qua đó cá nhân học hỏi và nội tâm hóa các giá trị, chuẩn mực, niềm tin của các nhóm xã hội mà họ tham gia. Kết quả của quá trình xã hội hóa là cá nhân nhận biết quy tắc chuẩn mực và điều chỉnh hành vi phù hợp với các giá trị, chuẩn mực, niềm tin trong nền văn hóa xã hội mà họ tham gia. Mỗi một xã hội đều xây dựng 2 một khung thể chế để xã hội hóa các thành viên. Xã hội hóa vừa là quá trình giúp mọi người học cách hành động đúng đắn, có được những kiến thức và kinh nghiệm trong mọi lĩnh vực của hoạt động sống phù hợp với những giá trị, chuẩn mực xã hội. Nhờ quá trình xã hội hóa mà xã hội có thể tồn tại và luân chuyển nền văn hóa của mình từ thế hệ này qua thế hệ khác. Xã hội hóa đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tính cách và hành vi của cá nhân. Xã hội hóa dạy cá nhân kiểm soát sự bốc đồng và định hình phát triển lương tâm thông qua việc họ nhận biết và nội tâm hóa những kỳ vọng của những người xung quanh họ. Từ đó, mỗi cá nhân ý thức được hành vi của mình, thấu hiểu bản thân cũng như các mối quan hệ xung quanh mình. Xã hội hóa dạy cá nhân cách thức chuẩn bị và thực hiện các vai trò xã hội cụ thể. Mỗi cá nhân từ đó nắm được nhiệm vụ, trách nhiệm của mình, và thực hiện đầy đủ vai trò đó. Ví dụ vai trò nghề nghiệp, vai trò giới trong Thiết chế Hôn nhân – gia đình. Xã hội hóa nuôi dưỡng những giá trị, niềm tin, chuẩn mực được chia sẻ trong nền văn hóa xã hội cụ thể để cá nhân nhận biết điều gì là quan trọng và cần thiết trong quá trình ứng xử. Xã hội hóa đưa con người sinh vật trở thành con người xã hội. Không ai có thể trở thành con người hoàn toàn nếu không có những kinh nghiệm xã hội, không có quá trình xã hội hóa. Một ví dụ điển hình là “em bé người sói” được sói nuôi dưỡng. Không có quá trình xã hội hóa, những em bé này phát triển chỉ như một con người sinh vật, không có được ý thức hành vi của con người cũng như những cách ứng xử hợp với chuẩn mực của xã hội. Đối với xã hội nói chung, xã hội hóa cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển xã hội. Xã hội hóa thúc đẩy sự phát triển xã hội trên nhiều lĩnh vực khác nhau nhờ phát huy những tiềm năng từ nguồn lực xã hội. Chẳng hạn, nhà nước Việt Nam đã và đang thực hiện xã hội hóa các lĩnh vực như giáo dục, y tế, thể thao,.. Nói cách khác, chính phủ kêu gọi sự hợp lực của tiềm năng trí tuệ và vật chất của nhân dân vào sự phát triển chung của đất nước. Cụ thể, giáo dục Việt Nam hiện nay ngoài các trường đứng dưới sự quản lý của nhà nước, ngày càng nhiều sự ra đời của những trường được quản lý bởi tư nhân; cũng như thế về y tế, bên cạnh bệnh viện công, nhiều phòng khám tư nhân ra đời. 3 Sự góp sức của nhân dân vào đã và đang góp phần vào sự phát triển chung của xã hội. Do đó, các hoạt động giáo dục, y tế mang tính xã hội. Ngoài ra, xã hội hóa giúp duy trì sự ổn định của xã hội. Từ việc xã hội hóa giúp cá nhân ý thức được những hành vi, ứng xử phù hợp với chuẩn mực của xã hội sẽ góp phần xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh. Nếu một xã hội phần lớn là những người thiếu ý thức hành vi, những ứng xử hợp chuẩn mực xã hội thì xã hội ấy sẽ không thể phát triển và nhanh chóng sụp đổ. Thêm vào đó, xã hội hóa giúp duy trì sự tồn tại của xã hội. Chẳng hạn như con cái sẽ học những kiến thức, thái độ sống, cách ứng xử,… từ các thế hệ đi trước. Khi lớn lên, những người con này trở thành cha mẹ, và tiếp tục truyền đạt lại những điều đó cho con cái. Cứ như thế tuần hoàn duy trì sự tồn tại của xã hội. Xã hội hóa cũng giúp lưu truyền những giá trị đảm bảo nền văn hóa được gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống văn hóa của người Việt Nam từ thuở xa xưa và vẫn được truyền đạt qua bao thế hệ đến nay nhằm giáo dục cho mỗi cá nhân về thái độ biết ơn đối với những thế hệ đi trước. 4