Uploaded by ngoduchoang2001

Thu hoạch Trung bộ kinh cuối kỳ -Ngô Đức Hoàng

advertisement
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HỌC VIỆT PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI TP.HỒ CHÍ MINH
KHOA PHẬT HỌC TỪ XA – KHÓA VII
MÔN HỌC : KINH TRUNG BỘ
BÀI THU HOẠCH CUỐI HỌC KỲ:
1. NHỮNG SUY NGHĨ VỀ MỘT BÀI KINH TÂM ĐẮC
NHẤT ĐÃ ĐƯỢC HỌC
2. PHÂN TÍCH LỜI DẠY CỦA PHẬT VỀ NGHIỆP
Giáo viên hướng dẫn : TT. TS. THÍCH VIÊN TRÍ
Học viên
: NGÔ ĐỨC HOÀNG
Pháp danh
: NGUYÊN MỸ
MSSV
: 0720000132
TP.HCM, Tháng 01 năm 2022
Câu 1:
Hermann Hesse (1877 – 1962) – nhà văn, nhà thơ người Đức đoạt giải Nobel Văn chương
1946 – phát biểu: “Nhưng nội dung tri thức của lời Phật dạy chỉ là một nửa của sự đóng
góp của Ngài. Nửa còn lại là đời sống của Ngài, đời sống thực mà Ngài đã sống…”[1]. Thật
vậy, cuộc đời đức Phật là một nguồn cảm hứng trào dâng và động lực mãnh liệt cho những
ai mong muốn đi tìm chân lý cuộc sống. Đặc biệt, dõi theo quá trình tầm sư học đạo và tự
tu chứng của Ngài, chúng ta “lông tóc dựng ngược”,[2] ngậm ngùi thán phục và rút ra nhiều
bài học cho việc tu tập bản thân.
Trong 152 bài của Kinh Trung bộ, có lẽ bài Vương tử Bồ-đề chứa đầy đủ nhất lời tự thuật
của đức Phật về quá trình tu tập của Ngài, từ lúc rời hoàng cung tầm sư học đạo, tu khổ
hạnh cho đến lúc tự chứng quả Chánh giác cũng như thời gian đầu thực hiện hoằng pháp.
Không chỉ thế, bài kinh còn dạy cho ta các vấn đề như: nghiệp, tinh thần tôn sư trọng đạo
của đức Phật, nghệ thuật thuyết giảng của Ngài. Và hơn thế nữa, kinh cũng gợi mở cho
người đọc các câu hỏi về nhiều vấn đề thú vị khác. Học viên đã đọc kinh Vương tử Bồ-đề
và nghe bài giảng kinh này nhiều lần nhưng lần nào lòng học viên cũng ngập tràn cảm xúc
và khám phá thêm điều mới lạ.
1. Giới thiệu tổng quan
Mọi việc bắt đầu từ một nhân vật gọi là Vương tử Bồ-đề.[3] Ông khánh thành lâu đài
Kokanada và muốn mời Phật cùng Tăng chúng đến để cúng dường trai tăng. Phật nhận lời.
Trong buổi gặp mặt ấy, Vương tử Bồ-đề trình bày quan điểm “Lạc [hạnh phúc] có được là
________________________________
[1]
Trích từ Viên Trí, Phật pháp qua lăng kính xã hội, NXB. Phương Đông, TP.HCM, tr.34
[2]
Xem thêm Thích Minh Châu dịch, “Đại Kinh Sư tử hống”, bài 12 trong Kinh Trung bộ, tập 1. Đây là
lời tán thán của Tôn giả Nagasamala sau khi nghe đức Phật thuyết giảng, trong đó Phật có tường thuật một
phần quá trình tu tập của Ngài.
[3] Vương tử Bồ-đề (P. Bodhi Rājakumāra, E. Prince Bodhi). Theo Chú giải trong TN. Trí Hải, Toát yếu
kinh Trung bộ, ông là con trai của vua Udana nước Kosambī và mẹ ông là con gái của vua Candappajjota
nước Avatī. Vương tử là người có kỹ năng điều khiển voi rất tốt và ông học kỹ năng này từ cha của mình.
nhờ khổ chứ không phải nhờ lạc”. Phật phản bác lại quan điểm này bằng cách kể lại quá
trình tầm cầu giác ngộ của chính Ngài kèm thêm một số hình ảnh ẩn dụ và lời dạy khác.
Cuối kinh, Vương tử tán thán Phật và xin quy y Tam bảo dù trước đó ông đã hai lần quy y.
2. Phật ba lần không bước lên tấm vải trắng – Bài học về phạm hạnh của người tu tập
và bài học về nghiệp
Đầu kinh, sau khi mời được đức Phật đến lâu đài Kokanada, Vương tử Bồ-đề cho trải vải
trắng từ bậc thấp nhất đón Ngài. Khi đức Phật đến nơi, Vương tử xin Thế Tôn bước lên tấm
vải để Vương tử nhận được phước báu, hạnh phúc và an lạc lâu dài. Đức Phật im lặng.
Vương tử nài nỉ lần hai rồi lần ba. Đức Phật vẫn im lặng, đứng yên. Tôn giả Ānanda phải
lên tiếng, yêu cầu Vương tử cho dẹp tấm vải vì Thế Tôn không muốn đi trên tấm vải. Tôn
giả Ānanda giải thích Như Lai còn nghĩ đến những người thấp kém, nghèo khó.
Đây là một bài học đạo đức cho chúng ta. Trong xã hội chúng ta hiện nay, người ta trưng
bày hàng trăm lẵng hoa, cờ xí đầy đường, bắt học sinh sinh viên bỏ học xếp hàng dài dằng
dặc để tiếp đón cán bộ từ cấp trên xuống thăm. Người được tiếp đón và người tiếp đón có
biết đâu cách nơi hội họp không xa, hàng vạn người nghèo đang sống lây lất. Họ có nghĩ
rằng hàng trăm lẵng hoa ấy rồi tiệc tùng xa hoa, việc bỏ giờ học của hàng trăm học sinh
gây ra bao nhiêu lãng phí cho xã hội? Trong Tăng đoàn cũng vậy, nhiều Tăng ni nhận cúng
dường và sử dụng những phương tiện cao cấp, đắt tiền, phô trương sự xa xỉ, giàu sang hơn
người. Điều nguy hại là người tu sĩ dễ có cảm giác tự phụ vì danh vọng, sự vượt hơn mọi
người do những trang bị xa hoa, lợi dưỡng này mang lại.
Về việc Phật không bước lên tấm vải còn có một cách giải thích khác. Vốn Vương tử Bồđề không có con. Ông nghe nói cúng Phật sẽ thỏa mãn ước nguyện nên trải tấm vải trắng
mong Phật dẫm lên tấm vãi. Phật quán chiếu biết rằng vợ chồng Vương tử sẽ không có con
do ác nghiệp đã làm trong quá khứ nên Ngài từ chối bước lên tấm vải[1].
____________________________
[1]
Xem thêm TN. Trí Hải, Toát yếu kinh Trung bộ, NXB. Tôn giáo, Hà nội, 2002, tr.484
Nếu nguyên nhân vợ chồng Vương tử không có con là do họ đã gây ra ác bất thiện pháp từ
đời trước thì đây là một ví dụ sinh động về nghiệp[1]. Nghiệp do bạn tạo ra sẽ nằm đấy chờ
đợi, khi có duyên sẽ trổ. Kể cả một bậc Chánh đẳng Chánh giác như đức Phật cũng không
thể thay đổi nghiệp của bạn. Sự thay đổi ấy hay còn gọi sự chuyển nghiệp chỉ có thể thực
hiện bởi chính bản thân bạn mà thôi.
Và phải chăng hành động không bước lên tấm vải trắng của đức Phật còn là một gợi ý tinh
tế cho những người tu tập chúng ta hiểu rằng việc chuyển nghiệp không thể thực hiện thuần
túy bằng những nghi lễ bên ngoài cho dù nghi lễ ấy trang trọng và tốn kém đến mức nào.
Sự chuyển nghiệp chi có thể bằng sự thanh lọc thân tâm, lòng tin vào Phật pháp, tạo ra các
thiện nghiệp.[2]
3. Quan điểm sai trái của Vương tử Bồ-đề - Nghệ thuật thuyết giảng của đức Phật –
Phật không bao giờ che giấu những sai lầm của mình
Trong kinh, Vương tử Bồ-đề trình bày quan điểm của mình đến đức Phật: ““Lạc [hạnh
phúc] có được là nhờ khổ chứ không phải nhờ lạc”. Đây là nền tảng giáo lý của phái
Nigaṇṭha. Nigaṇṭha (còn gọi là đạo Jain) chủ trương tu khổ hạnh cực đoan. Giáo phái này
dựa vào niềm tin rằng sự hành xác tạo ra năng lượng tâm linh có thể sử dụng vào mục đích
giải thoát. Vào thời ấy, họ có các hình thức hành xác đa dạng và kỳ lạ: sống trần truồng,
___________________________________________
[1] Về ác bất thiện pháp của vợ chồng Vương tử Bồ-đề gây ra, Chú giải kinh Trường bộ có nói rõ. Từ
kiếp trước, hai vợ chồng Vương tử là một cặp vợ chồng đi trên một con tàu và gặp nạn. Hai người may mắn
thoát chết, dạt lên một đảo hoang. Trên đảo hoang có rất nhiều chim. Vì không có gì ăn, hai vợ chồng ăn
trứng chim và sau đó ăn cả những con chim non. Họ ăn rất nhiều từ lúc còn trẻ đến lúc về già và điều quan
trọng là trong suốt thời gian đó, cả hai vợ chồng chưa bao giờ có cảm giác hối hận. Xem thêm Eugene,W.B.
trans., Buddhist Legends – Dhammapada Commentary, Vol. II, Harvard University Press, Cambridge, 2015,
pp.369-70.
[2] Về vấn đề này, đức Phật thể hiện quan điểm rõ ràng trong kinh Ví dụ tấm vải. Khi Bà-la-môn Sudarika
Bharadvaja đặt vấn đề tắm sông Bahuka để gột rửa mọi ác nghiệp, Phật đã đọc một bài kệ phản bác hành
động ấy và khuyên rằng chỉ có kẻ sống thanh tịnh, luôn thành tựu thiện hạnh mới sống an lạc. Xem thêm
Thích Minh Châu dịch, “Kinh Ví dụ tấm vải”, bài kinh số 7 trong Kinh Trung bộ, tập 1.
nhịn ăn, sống như con bò, con chó…Giới tế sư Bà-la-môn phản đối kịch liệt các nhà tu khổ
hạnh vì họ không chấp nhận tế lễ và hy sinh mọi lạc thú, chứng minh rằng có một con
đường khác tự giải thoát mà không cần cúng tế. Điều này đương nhiên làm giảm giá trị các
lễ nghi cổ truyền và từ đó làm ảnh hưởng đến quyền lợi của giới Bà-la-môn. Thực chất, tu
khổ hạnh là một trong những phong trào đi tìm giải thoát có khuynh hướng chống lại những
nghi lễ rườm rà của văn hóa Veda và sự hợm hĩnh ngày càng tăng của giới Bà-la-môn của
Ấn-độ thời bấy giờ.[1]
Trước một kẻ đầy kiêu mạn, đố kỵ và nhiều phần xấu ác[2], Phật không vội đưa ra những
lời lẽ bác bỏ quan điểm ấy mà chỉ kể lại quá trình tu tập của Ngài khi còn là Bồ-tát. Ngài
trình bày chi tiết tỉ mỉ, rõ ràng và có logic, nhấn mạnh nhiều đến giai đoạn tu khổ hạnh để
làm bật lên những hình ảnh phản biện tư tưởng lấy khổ làm cứu cánh giải thoát. Xen giữa
những trải nghiệm của chính Ngài, đức Thế Tôn đưa ra nhiều hình ảnh ẩn dụ các khúc cây
vừa mang tính khoa học vừa rất thực tế nên hết sức dễ hiểu. Rồi Ngài không độc thoại mà
chọn cách hỏi đáp với người đối diện. Cách tiếp cận như vậy hoàn toàn thuyết phục Vương
tử Bồ-đề.
Rồi ở cuối kinh, khi Vương tử Bồ-đề hỏi Phật thời gian tu tập bao lâu sẽ đạt được mục đích
cứu cánh Phạm hạnh? Vốn biết Vương tử có và rất tự hào về kỹ năng huấn luyện voi nên
đức Thế Tôn lấy ngay công việc dạy voi để hỏi lại và dạy năm tinh cần chi cho Vương tử.
____________________________________________
[1]
Xem thêm H.W. Schumann, Đức Phật lịch sử (tiếng Đức), Trần Phương Lan dịch từ bản tiếng
Anh, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, TP.HCM, 2000, tr.34-7.
[2]
Nhận xét tính cách Vương tử Bồ-đề này dựa vào câu chuyện kể trong Chú giải kinh Trường bộ.
Sau khi xây xong lâu đài Kokanada, Vương tử không muốn bất kỳ ai cũng có một lâu đài kiến trúc giống
mình nên nảy ý định giết hoặc cắt tay cắt chân người thợ cả xây dựng lâu đài. Biết ý định xấu ác đó, chàng
thanh niên Sañjikāputta mật báo cho người thợ. Nhờ đó, ông ấy và vợ con đã trốn thoát được. Xem thêm
Eugene,W.B. trans., Buddhist Legends – Dhammapada Commentary, Vol. II, Harvard University Press,
Cambridge, 2015, pp.367-68. Ngoài ra, sự kiêu mạn cũng thể hiện ở việc Vương tử không đích thân thỉnh
Phật mà lại sai thanh niên Sanjikaputta.
Đúng là kỹ năng hoằng pháp tuyệt vời và uyển chuyển thích ứng cho từng đối tượng nghe
Pháp.
Một điều học viên cảm thấy thật sự thán phục là khi kể về hành trình tu tập của mình, Phật
không ngần ngại kể rất chi tiết về giai đoạn tu khổ hạnh, về sai lầm của Ngài. Ngài mô tả
rất kỹ và đầy hình tượng về thân thể gầy yếu, xấu xí, trơ xương cũng như những cảm giác
đau nhói mà Thế Tôn phải chịu đựng khi thiền nín thở. Đức Phật không giấu diếm, Ngài
lấy chính những sai lầm của mình làm bài học cho chúng sanh. Một phạm hạnh hiếm có mà
mọi người có tâm nguyện hoằng pháp hoặc trở thành người truyền cảm hứng cần khắc dạ
ghi tâm!
4. Vấn đề quy y Tam bảo
Vương tử Bồ-đề là một người khá đặc biệt: ông quy y đến ba lần! Lần thứ nhất, khi đang
còn trong bụng mẹ, mẹ ông đã gặp Phật tại tu viện Ghosita và xin Phật chứng minh cho con
bà quy y. Lần thứ hai, khi còn rất bé, bà vú bế trên tay, gặp Phật ở vườn Lộc Uyển và cũng
xin Phật quy y. Và khi gặp Phật lần này, ông lại xin quy y Tam bảo lần thứ ba.[1]
Tình tiết này cho ta biết đức Phật không giới hạn số lần quy y. Tuy nhiên, một câu hỏi gợi
lên: có nên quy y cho trẻ còn quá nhỏ hoặc thậm chí còn trong bào thai không? Quy y Tam
bảo là một hành động phải tự phát nguyện, có tác ý mà đứa trẻ lại hoàn toàn chưa có ý thức.
Theo lý giải của học viên, việc Vương tử Bồ-đề được quy y Tam bảo từ khi còn trong bụng
mẹ rồi lần hai khi còn bé là một phước báu của ông. Điều đó là quả ngọt từ thiện nghiệp
nào đó ở các kiếp trước của Vương tử. Bởi không dễ dàng gì ta được quy y sớm như vậy.
__________________________________
[1] Con có một nhận xét về thanh niên Sanjikaputta. Đây là một nhân vật phụ trong câu chuyện nhưng
qua vài nét mô tả, kinh cho ta thấy tính cách của Sanjikaputta. Dường như chàng thanh niên này có thiện
tâm và lòng tin vào Phật hơn nhiều so với Vương tử Bồ-đề. Ngoài chuyện Sanjikaputta giúp người thợ cả
và gia đình thoát khỏi cái chết (xem chú thích ở trang 3) thì ở cuối kinh, chàng thanh niên tỏ ra không hài
lòng và có ý thúc giục Vương tử Bồ-đề quy y Tam bảo. Chàng nhắc nhở Vương tử không nên chỉ nói những
lời tán thán mà còn phải có hành động cụ thể, đó là quy y nhận thọ ngũ giới. Có lẽ chàng biết rõ tâm của
Vương tử còn nhiều lậu hoặc cần được diệt trừ.
Dẫu lúc quy y, người ấy chưa sinh ra hoặc chưa biết nói thì sự kiện quy y đó đã gieo một
hạt giống trong tâm thức để đến một lúc nào đó duyên đủ, người ấy chợt tỉnh ngộ và biết
cần phải đi theo Phật pháp.
Đó là một kinh nghiệm của bản thân con. Con sinh ra trong một gia đình thuận thành Phật
tử, được quy y rất sớm tại chùa Long Khánh, Quy Nhơn. Con còn nhớ hàng tuần đều được
cha mẹ dẫn đi chùa, tụng kinh. Sau năm 1975, do hoàn cảnh khó khăn, việc tu tập của gia
đình không còn như trước. Rồi học xong phổ thông, vào đại học, đi làm, con vô minh quên
hết những giáo lý đã được học, những bài kinh đã từng thuộc. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn,
học viên lăn vào vòng thế tục. Thành công nhiều nhưng vẫn cảm thấy không an lạc. Một
lần về thăm quê, ghé ngang chùa Long Khánh, nghe tiếng chuông chùa vang lên trong buổi
chiều yên tĩnh, những ký ức ngày xưa vọng về. Chợt nhớ ra mình từng quy y ở chùa này,
nhớ đến những lần theo cha mẹ lễ chùa. Niềm khao khát tìm học những gì Phật dạy bùng
cháy và hiểu rằng mình cần phải làm gì để cuộc sống có ý nghĩa hơn. Ngày xưa, quy y một
cách vô thức vì cha mẹ. Bây giờ, khi đã nhận thức được sự cao quý của giáo pháp, con có
ý định sẽ quy y một lần nữa để tác ý trước Tam bảo và nguyện giữ giới hạnh.
5. Quá trình tu tập của đức Phật
Như đã trình bày ở phần đầu, quá trình tu tập của đức Thế Tôn trong kinh Vương tử Bồ-đề
luôn làm học viên tràn ngập cảm xúc và thu nhận rất nhiều bài học. Trong kinh, Phật tự
thuật đầy đủ các giai đoạn tu tập từ lúc rời bỏ hoàng cung cho đến lúc đắc Chánh quả.
5.1 Tầm sư học đạo– Kiên định tìm con đường giải thoát
Trừ đoạn đức Phật kể về kinh nghiệm đạt Sơ thiền khi còn bé, dưới bóng mát cây jambu,
trong kinh không nói gì đến giai đoạn đức Phật còn ở hoàng cung. Nhưng chúng ta có thể
suy đoán: là thái tử con vua Suddhodana, là người sẽ thay thế vua cha, thái tử Siddhatha
chắc chắn phải được hưởng một nền giáo dục tốt nhất lúc bấy giờ. Nhà vua đã tuyển chọn
những người thầy giỏi nhất dạy cho thái tử đủ mọi lĩnh vực từ văn hóa nghệ thuật, khoa
học, luận lý học… Và trong một xã hội thấm đẫm văn hóa Veda, hiển nhiên thái tử phải
được học rất nhiều về tri thức tôn giáo cùng các nghi thức tế lễ Veda. Thế giới quan và các
khái niệm tâm linh của Veda góp phần hình thành hệ tư tưởng của đức Phật sau này.
Siddhatha là một con người nhạy cảm và thiên về suy tư[1]. Những vấn đề về cuộc đời lúc
nào cũng ẩn chứa khổ đau vô thường luôn làm chàng trai trẻ trầm ngâm suy nghĩ. Văn hóa
Veda với những lễ nghi tế tự quá phức tạp cùng với các tế sư Bà-la-môn ngày càng kiêu
mạn không đem lại câu trả lời cho chàng trai trẻ.
Thế là thái tử Siddhatha rời bỏ cung điện, từ bỏ ngai vàng, bước vào một hành trình đầy bất
trắc nhằm tìm con đường thoát khổ cho loài người. Việc đầu tiên Ngài làm là gia nhập hội
chúng, học đạo từ đạo sư nổi danh Ālāra Kālāma.
Đây là một bài học cho chúng ta. Nhiều người cứ hỏi: “Trên đường đạo, có nên tìm thầy
không? Kinh sách ấn tống khắp nơi, cứ tìm đọc và tự học, việc gì tìm thầy?”. Đây là một
quan điểm hết sức sai lầm. Nhà toán học, vật lý thiên tài Isaac Newton từng nói: “Nếu tôi
nhìn thấy được xa hơn bởi vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ”. Bạn không thể trở
thành bác sĩ bằng việc mua và đọc sách y khoa. Đó nói về môn thế học, học đạo giải thoát
còn khó hơn nhiều. Học đạo không chỉ học kiến thức mà còn học tu. Một người thầy giỏi
không những dạy ta giáo lý mà còn dạy ta cách tu tập, phát hiện những chướng ngại cản
bước đường tu của ta và giúp ta vượt qua chúng. Tất nhiên phải chọn đúng thầy vì thời nào
cũng đầy những kẻ vỗ ngực xưng tên, lòe bịp người đời.
Bằng vào trí thông minh phi thường và sự tinh tấn, Sa-môn Gotama đã chứng được thiền
Vô sở hữu xứ, được xác nhận bởi Ālāra Kālāma. Vị đạo sư trân trọng mời Ngài cùng chung
vai lãnh đạo hội chúng. Sa-môn Gotama từ chối, chia tay với thầy để tiếp tục hành trình
tầm sư học đạo. Một lần nữa, Ngài gia nhập hội chúng và học đạo với đạo sư lừng danh
Uddaka Rāmaputta. Mọi chuyện lặp lại, Ngài nhanh chóng chứng được mức thiền Phi tưởng
phi phi tưởng xứ và lại từ chối lời kêu gọi trở thành người lãnh đạo cùng với Uddaka
Rāmaputta. Tất cả chỉ vì Ngài đã học, đã chứng và đã thấy pháp môn hai vị đạo sư “…
không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến giác ngộ…”. Samôn Gotama lại lên đường đi tìm chân lý, đi tìm câu trả lời rốt ráo và tối hậu.
________________________________________
[1]
Xem thêm H.W. Schumann, Sđd., tr.16-7.
Đây lại là một bài học lớn cho chúng ta. Bỏ qua những người đi tu vì thất tình, buồn chuyện
gia đình; hầu hết chúng ta dấn thân vào con đường tu tập nhằm sống an lạc và tiến đến giác
ngộ, giải thoát. Vậy mà, trong quá trình tu tập, đôi khi chúng ta lại quên mất mục đích tối
hậu đó. Đôi lúc, sau khi đạt được một số thành tựu nào đó, chúng ta trở nên kiêu mạn, mất
chánh niệm tỉnh giác, bỏ quên ước mơ lớn của cuộc đời và trở thành kẻ lạc đường, lầm lối.
Tuy chưa tìm được con đường giải thoát nhưng người Sa-môn nhiệt huyết ấy đã thu thập
được tri thức phóng khoáng và trải nghiệm tâm linh sâu sắc khác với những gì gò bó, rườm
rà của lễ nghi Veda mà chàng đã biết trước đây. Hơn nữa, Sa-môn Gotama ghi nhận được
thiền định là một pháp môn cực kỳ quan trọng cho việc điều phục tâm. Tuy nhiên, thiền
định là điều kiện cần nhưng không phải là điều kiện đủ để chứng đắc giải thoát.
5.2
Trải nghiệm lối tu khổ hạnh
Từ giả đạo sư Uddaka Rāmaputta, hướng về dãy núi Himalaya, Sa-môn Gotama dừng chân
ở Uruvelā. Tại đây, Ngài thực hành lối tu khổ hạnh. Lối tu này dựa vào niềm tin rằng sự
hành xác tạo ra được năng lượng tâm linh giúp người tu đạt được mục đích giải thoát. Đọc
những tự thuật của đức Phật về giai đoạn này, chúng ta không thể không lạnh người, khâm
phục trước ý chí kiên cường và kham nhẫn của Ngài.
Sa-môn Gotama thử mọi loại hình thức khổ hạnh. Ngài khổ hạnh trên thân, dày vò thân thể
theo nhiều cách như sống lõa thể , không tắm rửa và nhịn ăn. Ngài nhịn ăn đến mức “…thân
của Ta trở thành hết sức gầy yếu. Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành những gọng cỏ hay
những đốt cây leo khô héo (….) da đầu Ta trở thành nhăn nheo khô cằn như trái bí trắng và
đắng bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nheo khô cằn.”. Ngài cũng thử cả
những cách khổ hạnh trên tâm, dùng ý chí trấn áp tâm dao động, thử phương pháp Thiền
nín thở, nhưng rồi cũng không đạt được sự giác ngộ mà “…thân của Ta vẫn bị kích động,
không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy.”
Việc hành trì khổ hạnh với ý chí phi thường như vậy làm cả năm anh em Kondaññā thán
phục, cùng tham gia phương pháp hành trì khắc nghiệt cực độ với Ngài. Họ tôn Sa-môn
Gotama làm lãnh đạo nhóm và ai cũng tin rằng chàng sẽ là người đầu tiên chứng đạo.
Vậy mà cả năm vị khổ hạnh đều thất vọng, thậm chí phẫn nộ vì người anh hùng của họ, Samôn Gotama đã không theo đuổi lối tu khổ hạnh và lại ra đi. Lý do: thái tử Sidhatha xác
định rằng lối tu tự hại thân tâm này không thể đưa Ngài đến mục đích giải thoát tối hậu!
Sa-môn Gotama đã mất gần sáu năm cho phương pháp tu này. Nhưng sáu năm ấy không
vô ích, chàng đã học được cách cảm nhận và chế ngự các cảm thọ. Chàng cũng rút ra được
một kinh nghiệm thực tế là khi thân thể không đủ khỏe thì không thể có tinh tấn để chứng
đạt.
Mỗi lần đọc đến những gì đức Phật trải qua trong sáu năm khổ hạnh này, học viên đều lặng
người và tự hỏi mình đã kham nhẫn đến đâu, ý chí mình đủ mạnh đến đâu? Tại sao đôi lúc
mình dễ dàng buông xuôi trước những khó khăn, chướng duyên trong hành trình tu tập?
5.3
Giác ngộ – Thành quả của tri thức và sáng tạo
Sa-môn Gotama rời bỏ nếp sống khổ hạnh và bắt đầu một cuộc cách mạng tâm linh. Giờ
đây, với tất cả những tri thức tích lũy về kinh điển Veda từ thời ở hoàng cung cho đến tri
thức về thiền định học từ hai đạo sư và cả những trải nghiệm khổ hạnh tự thân, Sa-môn
Gotama đã có đủ nền tảng để suy tư, tổng hợp và sáng tạo con đường riêng của mình – con
đường Trung đạo – đưa con người đến chỗ thoát khổ, chứng đắc Thánh quả giác ngộ.
Người ta thường mô tả sự giác ngộ của đức Phật như một tia chớp vụt sáng, như một sự
ngọn lửa bùng cháy khi Ngài ngồi thiền suốt 49 ngày dưới cây Bồ Đề. Theo học viên, nếu
đó là ngọn lửa thì nó chỉ có thể bùng cháy nhờ những tri thức và trải nghiệm đã được tích
lũy trước đó, bằng sự tỉnh thức và thanh lặng do hoạt động thiền định mà Ngài đã trải qua.
Người tu tập phải biết tinh tấn học hỏi, tich lũy tri thức, phải biết giữ giới và hành thiền để
thanh lọc tâm, phát triển và duy trì tỉnh thức nhằm hướng tới nguồn tuệ giác và đạt được trí
tuệ giác ngộ, đúng với tinh thần “Duy Tuệ Thị Nghiệp” của Học Viện Phật Giáo Việt Nam.
6. Một thắc mắc nhỏ về cấu trúc của kinh
Trong kinh, sau khi Phật từ biệt đạo sư Uddaka Rāmaputta, Ngài du hành đến Uruvela và
tìm thấy một địa điểm khả ái, thuận tiện cho việc tu tập. Sau đó, đức Thế Tôn khởi lên ba
ví dụ vi diệu. Ba ví dụ này nhằm bác bỏ quan điểm hành xác, chịu khổ có thể đi đến giải
thoát. Nếu đức Thế Tôn đã xác định tu khổ hạnh là một điều sai lầm thì tại sao Ngài lại bắt
đầu thực hành khổ hạnh: “Này Vương tử, rồi Ta suy nghĩ: “Ta hãy nghiến răng…”
Đứng về mặt logic thì ba ví dụ nói trên sẽ hợp lý hơn nếu xuất hiện ở cuối phần tu tập khổ
hạnh của Thế Tôn.
7. Kết luận
Con là kẻ sơ cơ về Phật Pháp. Tuổi gần 60 mới có duyên được học và nghe kinh Trung bộ.
Càng đọc càng thấm. Kinh có nhiều tầng ý nghĩa mà những gì ta đọc dăm lần chỉ thấy được
chóp của “tảng băng chìm”, càng đọc càng khám phá ra những phần “tảng băng chìm” nằm
dưới những hàng chữ. Chỉ một kinh Vương tử Bồ-đề đã cho con quá nhiều bài học, quá
nhiều điều phải suy nghĩ. Còn nhiều vấn đề khác trong kinh như: sự tôn sư trọng đạo của
đức Phật khi Ngài nghĩ đến hai đạo sư ngay khi thành đạo ; lòng thương tưởng chúng sinh
của Ngài; phân tích cách xử sự của năm anh em Kondaññā với đức Thế Tôn… mà do trình
độ thấp kém, con chưa thể lĩnh hội hết. Con nguyện sẽ cố gắng học Pháp nhiều hơn để nâng
cao trình độ, dành nhiều thời gian hơn nữa để đọc và hiểu sâu sắc hơn các bài kinh Phật
dạy.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. TÀI LIỆU GỐC
Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung bộ, 3 tập, NXB. Hồng Đức, Hà Nội.
II. TÀI LIỆU THAM KHẢO
Burlingame, E.W. trans., Buddhist Legends – Dhammapada Commentary, Vol. II, Harvard
University Press, Cambridge, 2015.
Schumann, H.W, Đức Phật lịch sử (tiếng Đức), Trần Phương Lan dịch, NXB. Thành phố
Hồ Chí Minh, TP.HCM, 2000.
TN. Trí Hải, Toát yếu kinh Trung bộ, NXB. Tôn giáo, Hà nội, 2002.
Viên Trí, Phật pháp qua lăng kính xã hội, NXB. Phương Đông, TP.HCM, 2012.
Câu 2:
Hoàng hôn dần xuống. Những tia nắng chiều bình yên còn sót lại chiếu lên mái chùa cong
và những chậu cây bon-sai trầm mặc trong sân. Có ba người lặng lẽ ngồi bên bàn đá. Sư
thầy thong thả rót từng chén trà. Một người trung niên ăn mặc chỉnh chu trông như thầy
giáo, đôi mắt tinh anh sau cặp kính cận dày. Một thanh niên trên dưới hai mươi, dáng điệu
bồn chồn như có điều tâm sự.
Một lúc sau, có vẻ không nhịn được, chàng thanh niên cất tiếng:
-
Bạch sư, hôm nay con được hân hạnh tham dự buổi từ thiện cùng chùa. Suốt buổi từ
thiện, tiếp xúc với những người dân có hoàn cảnh khó khăn ở xã mình, con cứ băn khoăn
mãi. Tại sao trên đời có những người khổ sở như vậy? Người thì quá nghèo, không lo được
một bữa ăn đàng hoàng cho gia đình; người thì tàn tật bẩm sinh; kẻ thì bệnh hoạn đeo
đẳng… Nhìn các mạnh thường quân, con thấy hình ảnh khác xa: giàu có, lành lặn, học thức
cao…Con chợt nghĩ quả là đúng khi người ta nói cuộc đời này vốn dĩ không công bằng. Kẻ
sinh ra đã ở trong gia đình quyền quý; người cất tiếng khóc chào đời đã thiếu mẹ, thiếu sữa,
khiếm khuyết thân thể… Xin sư chỉ dạy cho con.
Sư thầy hiền từ nhìn chàng thanh niên, trả lời:
-
Với những gì con thấy hôm nay, thật dễ hiểu khi con cho rằng cuộc đời này không
công bằng. Thế nhưng, nếu xét một con người trong muôn kiếp luân hồi trôi dạt thì mọi thứ
hóa ra rất công bằng. Những kẻ sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn hay thuận lợi, thân thể
lành lặn hay tàn phế đều do nghiệp lực từ các kiếp trước chi phối, con ạ.
Chàng thanh niên chau mày:
-
Con có nghe nói nhiều nghiệp. Nhưng mỗi người nói một ý, nhiều thông tin quá nên
bây giờ con vẫn hoang mang. Xin thầy dạy con về khái niệm này…
Người trung niên cất tiếng:
-
Phật dạy, nghiệp có nghĩa là hành động. Những hành động có tác ý. Có ba loại
nghiệp: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Tất cả những gì con chủ ý hành động, nói ra
hoặc suy nghĩ đều sinh ra nghiệp. Nghiệp ấy có thể là nghiệp lành, nghiệp ác mà cũng có
thể không lành, không ác.
-
Cám ơn chú cho con một định nghĩa chính xác về nghiệp. Nhưng nghiệp sẽ ảnh
hưởng đến cuộc đời con như thế nào? Đặc tính của nghiệp là gì?
Sư thầy thong thả rót tiếp trà, nhẹ nhàng nói:
-
Con đã hỏi một câu hỏi hay. Chính đức Phật đã cho chúng ta câu trả lời về ảnh hưởng
và đặc tính của nghiệp ở bài “Tiểu nghiệp phân biệt” trong Trung bộ kinh.
Sư thầy dừng lời, khẻ mỉm cười nhìn người trung niên. Người trung niên nghiêm trang, cất
giọng:
-
Phật thuyết như sau: “Này thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là
thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp
phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu.”
Chàng thanh niên kính cẩn lắng nghe. Một lúc sau, chàng nói:
-
Thưa sư, thưa chú. Lời đức Phật thật thâm sâu. Ở tầng văn bản bình thường, không
khái niệm nào trong câu trên mà con không hiểu. Nhưng xét ý nghĩa thì … Mong được sư
và chú giải thích chi tiết cho con.
[Là chủ nhân của nghiệp – Vấn đề tự do lựa chọn của con người]
Sư thầy từ tốn:
-
Nghiệp là hành động do con người tác ý tạo ra. Vì có chủ ý, cho nên con người
không thể phủ nhận chính mình quyết định hành động và hành động đó nằm trong trách
nhiệm của mình chứ không phải một ai khác. Vậy ta có thể nói chắc chắn con người là chủ
nhân của nghiệp.
Chàng thanh niên hấp tấp hỏi:
-
Thế sư giải thích sao về những hành động con ngưởi phải làm do điều kiện, hoàn
cảnh sống. Chẳng hạn, người ta phải đi trộm cắp vì quá nghèo. Hoặc sinh ra trong một tụ
điểm hút chích nên họ cũng lao vào đường nghiện ngập…
Người trung niên nghiêm mặt:
-
Phật giáo không phủ nhận rằng con người bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi hoàn cảnh và
môi trường của mình. Nhưng Phật không coi những ảnh hưởng đó có tính cách tuyệt đối.
Có thể người đó sinh ra trong một môi trường không thuận lợi và cái lề dành cho ý chí tự
do của người ấy rất hẹp nhưng cái lề ấy lúc nào cũng có sẵn. Trong lịch sử, đã có biết bao
nhiêu nhân vật vĩ đạo và cao thượng xuất thân từ những môi trường tồi tệ và tiêu cực nhất.
Ngược lại, đã có biết bao nhiêu kẻ phạm trọng tội xuất thân và lớn lên trong những hoàn
cảnh mà yếu tố kinh tế, xã hội và di truyền đều thuận lợi nhất.
Sư thầy tiếp lời:
-
Phản ứng trước một tình thế cụ thể cũng vậy. Trước mỗi hành động, lời nói của
mình, con người luôn có khoảng khắc suy nghĩ để lựa chọn. Hầu như người ấy luôn có thể
hành động theo nhiều cách khác nhau. Một người buông lời không đúng, làm nhục con thì
việc chọn lời đáp trả cay nghiệt hay từ ái là do con chứ không phải ai khác.
Chàng thanh niên như nhớ tới chuyện gì, đỏ mặt:
-
Nhưng khi người ta nói gièm pha vô cớ, cơn giận nổi lên, con phản ứng lại một cách
vô thức, đâu thể coi đó là tác ý?
Sư cười:
-
Vẫn là nghiệp. Những hành động tưởng chừng không suy nghĩ kia thực ra đã được
những thói xấu, những chủng tử sân si bên trong con điều khiển. Con tác ý bằng thói quen,
bằng tật xấu của mình. Trong khi đó, tại sao một người tu tập thuận thành gặp tình huống
như vậy lại phản ứng nhẹ nhàng hoặc nhún vai cho qua? Rèn luyện thân tâm để loại bỏ
những chủng tử xấu và gieo nhiều hạt giống lành luôn là điều cần thiết con ạ.
[Là thừa tự của nghiệp – Có khả năng chuyển hóa nghiệp]
Lặng người một lát, chàng thanh niên nói như tâm sự:
-
Nghiệp sinh ra một cách vi tế hơn con vẫn thường nghĩ. Như thế thì trong muôn kiếp
trước và từ lúc sinh ra đến giờ, con tạo ra biết bao nhiêu nghiệp. Nghiệp lành cũng có mà
nghiệp xấu cũng nhiều…(Cười đau khổ) Nhưng chắc nghiệp xấu nhiều hơn. Đời con rồi
không biết ra sao…
Người trung niên thong thả:
-
Người đời thường ngộ nhận về Phật giáo và giáo lý của Phật. Họ cho rằng tư tưởng
Phật giáo bi quan, yếm thế, buông xuôi trong cuộc đời. Thực ra, đó là quan điểm Thiên
mệnh, định mệnh, không phải của Phật giáo. Người ta truyền cho nhau những câu như:
“Mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên” hay dẫn cả câu thơ Kiều “Bắt phong trần phải phong
trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Đấy là tư tưởng Nho giáo…
Sư thầy tiếp lời:
-
Phật cũng dạy chúng sanh hữu tình là thừa tự của nghiệp. Con hãy tưởng tượng một
người thừa kế tài sản của cha mẹ. Tài sản ấy gồm tiền bạc, công việc kinh doanh và cả
những món nợ. Theo thời gian, tài sản ấy không cố định mà thay đổi tùy theo khả năng
quản lý của người thừa kế. Nếu ông ấy giỏi, tiền bạc sẽ tăng lên, kinh doanh phát triển. Nếu
ông ấy kém, tiền mất và nợ càng chồng chất. Đây là một hình ảnh ẩn dụ rất hay, Phật dạy
ta biết nghiệp có thể được chuyển hóa, thay đổi. Con người khi sinh ra đã mang nghiệp từ
muôn kiếp trước nhưng họ hoàn toàn có thể làm tăng trưởng nghiệp thiện, giảm bớt nghiệp
ác hoặc ngược lại.
Chàng thanh niên tỏ ra thông hiểu:
-
Phải chăng việc chuyển nghiệp có thể thực hiện được bằng những buổi cầu kinh sám
hối? Con cũng thấy ở một số tôn giáo khác, người ta đi xưng tội và được người thầy tâm
linh thay mặt Thượng đế xóa tội…
Sư thầy cười:
-
Con cần dành nhiều thời gian hơn để suy ngẫm về hình ảnh chủ nhân và thừa tự
nghiệp. Đã là chủ nhân và người thừa tự nghiệp thì việc chuyển nghiệp phải chính do bản
thân người đó quyết định. Đạo Phật không công nhận một đấng tạo hóa và cũng không tin
rằng có một đấng thần linh có thể xóa nghiệp xấu cho một cá thể hữu tình nào. Nghiệp vận
hành theo một quy luật hiện hữu vượt thoát mọi sáng tạo, không do Phật tạo ra. Ngay cả
khi hiện hữu ở trần thế này dưới dạng một con người, Phật cũng phải chịu sự chi phối và
vận hành của nghiệp. Những lời kinh sám hối là một biện pháp nhắc nhở người đọc kinh
nhìn lại, kiểm điểm lại những hành động, lời nói và suy nghĩ của mình đã gây ra nhiều tổn
thương cho người khác và cả cho mình. Trong lúc đọc kinh, nếu người ấy có cảm giác hối
hận, bức rức thì đó cũng là một ý nghiệp thiện. Nhưng sau khi buông kinh ra, bước vào
cuộc sống thế tục, người ấy tiếp tục những hành động bất thiện thì xem ra cái nghiệp lành
đọc kinh chẳng là bao so với nghiệp xấu tiếp tục tăng cao. Tu tập theo lời Phật dạy: giữ
giới, phòng hộ sáu căn, chánh niệm tỉnh giác… là biệp pháp duy nhất để cải thiện tâm mình,
chuyển hóa nghiệp.
[Nghiệp là thai tạng – Lý thuyết nhân – duyên – quả]
Chàng thanh niên có vẻ tư lự:
-
Vậy tại sao Phật là ví nghiệp như là thai tạng. Đã là bào thai thì chín tháng mười
ngày sẽ sinh ra con. Làm sao ngăn chặn được kết quả của nghiệp ác?
Người trung niên bật cười:
-
Phật dạy có tất cả bốn loại sanh, không phải chỉ có thai sanh. Noãn sanh, thai sanh,
thấp sanh và hóa sanh. Thời gian không nhất thiết là chín tháng mười ngày…
Sư thầy cũng cười:
-
Chú nói đúng. Ý quan trọng hơn là Phật muốn dạy ta hiểu nghiệp như một thai tạng
nằm sẵn trong ta. Thai tạng ấy sẽ sinh ra sớm hay trễ hoặc thậm chí không sinh ra được tùy
vào các điều kiện tác động hay nói cách khác là tùy vào duyên. Nghiệp là nhân và sẽ trổ
quả nếu đủ duyên. Người ta thường nói về luật nhân–quả nhưng với Phật giáo, cần nói
chính xác hơn là luật nhân-duyên-quả. Nó cũng khẳng định khả năng chuyển nghiệp của
một con người. Trong đời sống hiện tại, khi con tác ý tạo ra các nghiệp mới thì chúng sẽ có
ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh quả của các nghiệp cũ.
[Nghiệp là quyến thuộc – Thái độ dũng cảm đối diện với quả của nghiệp]
Chàng thanh niên hỏi:
-
Vậy thế nào là quyến thuộc thưa sư?
Sư trả lời:
-
Khi sinh ra đời, lớn lên và trưởng thành, con có biết bao nhiêu mối quan hệ. Một ké
qua đường tình cờ gặp mặt, một người phục vụ trong khách sạn con ở… đấy là mối quan
hệ của lá. Họ chỉ thoáng qua bên con rồi như chiếc lá rụng hoặc theo gió bay đi. Một người
bạn thân thiết, một cộng sự lâu năm… đấy là mối quan hệ của cành. Gắn bó và ảnh hưởng
với nhau nhiều hơn. Nhưng cành có thể đổ mà cây vẫn đứng đó. Với cành với lá con có thể
đến, gặp nhau, chia sẻ rồi cũng có thể chia tay. Nhưng có những mối quan hệ là rễ mà dù
muốn dù không con cũng phải công nhận. Đó là mối quan hệ huyết thống, là cha mẹ, anh
em, là con cái… Con không thể rũ bỏ những mối quan hệ này được vì sinh ra họ đã là quyến
thuộc của con. Bằng hình ảnh này, Phật dạy ta phải hiểu rằng nghiệp từ muôn kiếp trước
và cả đời này đã và sẽ theo ta chừng nào ta còn trong vòng sinh tử. Con không thể tự huyễn
hoặc mình, xem như không có nó hoặc chối bỏ nó. Trái lại, con cần phải chọn cho mình
một thái độ dũng cảm, đối mặt nó. Đối mặt mà không sợ hãi, không buông xuôi.
[Nghiệp là điểm tựa – Sự vận hành của nghiệp]
Chàng thanh niên hào hứng nói:
-
Con tri ân sư và chú đã cho con sáng tỏ về nghiệp. Đoạn cuối cùng lời Phật dạy con
có thể hiểu: nghiệp của một người là cơ sở để hình thành ra một người giàu hay nghèo,
thông minh hay đần độn, mạnh khỏe hay bệnh hoạn… Tuy nhiên… Tuy nhiên… Cho con
hỏi câu này: tại sao có những người vô cảm, ích kỷ, ác độc mà họ vẫn cứ giàu có, khỏe
mạnh thậm chí ngày càng phát đạt?
Sư thầy trầm ngâm:
-
Câu hỏi của con cũng chính là băn khoăn của nhiều người. Nỗi băn khoăn này thậm
chí làm họ nản lòng và mất niềm tin vào Phật pháp. Tìm hiểu giáo lý Phật giáo về nghiệp
mà bỏ qua khái niệm tái sinh và luân hồi thì sẽ bị bế tắc giống như trên. Sao vậy? Bởi vì
không phải tất cả những kẻ sát nhân đều bị treo cổ! Quả của nghiệp do duyên nên không
sanh ra không ở kiếp này mà một trong các kiếp sau. Luật nhân-duyên-quả chẳng bao giờ
không có hiệu lực. Vào một lúc nào đó những kẻ ấy phải trả giá cho hành vi của họ. Có thể
khó hiểu khi phải liên hệ kiếp sau và kiếp trước. Nhưng quả thực, điều chúng ta “không thể
thấy được” lại chính là điều mà đức Phật đã thấy và đã dạy. Trong kinh “Tiểu nghiệp phân
biệt”, Phật dạy kẻ sát sanh, tâm chuyên sát hại thì bị đọa vào cõi dữ còn nếu nhờ nghiệp
lành nào đó mà được sanh làm người thì người ấy phải bị đoản mạng và ngược lại kẻ từ bỏ
sát sanh, có lòng từ thương xót hạnh phúc chúng sanh sẽ sinh vào thiên giới còn vì duyên
nào đó mà sanh làm người thì người ấy được trường thọ. Tương tự, đức Thế Tôn đã đưa ra
sáu trường hợp mà người ấy sau khi tái sanh sẽ nhiều bệnh, ít bệnh; xấu xí , đẹp đẽ; quyền
thế lớn, quyền thế nhỏ; tài sản lớn, tài sản nhỏ; sinh ra trong gia đình quyền quý hay thấp
kém; đầy đủ trí tuệ hay trí tuệ yếu kém.
Người trung niên lên tiếng:
-
Xin sư cho con được nói thêm về hình ảnh điểm tựa. Archimedes, nhà toán học, vật
lý, thiên văn và nhà phát minh người Hy lạp nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng
Trái đất này lên”. Với vị trí điểm tựa tức độ dài cánh tay đòn thích hợp, một lực nhỏ có thể
tạo ra một tác động vô cùng lớn. Nghiệp là điểm tựa kết hợp với duyên là lực cũng thế. Khi
chúng ta tạo ra nghiệp mới thì tùy vào nghiệp thiện hay xấu ác mà điểm tựa này thay đổi,
có thể nâng hoặc hạ một con người hay cả một tập thể (trường hợp cộng nghiệp) lên đỉnh
cao hay xuống vực thẳm. Hiểu được hình ảnh đó, ta càng thêm cẩn trọng về mọi hành động,
lời nói và ý nghĩ của mình
Suy nghĩ một lúc, chàng thanh niên lên tiếng:
-
Đòn bẩy là một ví dụ rất hay về nghiệp. Như vậy, liệu chúng ta có thể tìm ra được
một mô hình toán học hoặc vật lý để tính toán được sự vận hành của nghiệp, để dự đoán
được quả nào của nghiệp sẽ sinh ra trong tương lai gần?
Người trung niên cười:
-
Đòn bẩy chỉ là một bài toán thô sơ cho mục đích minh họa dễ hiểu. Theo Phật giáo,
quả dị thục của nghiệp là một phạm trù bất khả tư nghì, không thể tư duy hay nói cách khác
không thể xây dựng một mô hình chính xác về nó được. Điều này cũng giống với khoa học
hiện đại. Con cũng đã biết, lúc đầu người ta cứ mong muốn xây dựng được một mô hình
dự đoán chính xác vị trí và vận tốc của một hạt vĩ mô khi nó di chuyển. Sau bao nhiêu nỗ
lực, cơ học lượng tử đã khẳng định không thể làm được điều đó mà chỉ có thể xác định xác
suất có mặt của hạt ấy trong một không gian nhất định – nguyên lý Heisenberg. Nghĩa là
chỉ có khả năng dự đoán khả năng, xu hướng xuất hiện của hạt ấy, còn chính xác như thế
nào thì không.
Sư thầy từ tốn:
-
Thay vì bỏ công sức ra để đi tìm một mô hình phản ánh sự vận hành của nghiệp, hãy
luôn tâm niệm lời Phật dạy: “Chắc chắn có ác nghiệp, có quả báo ác hạnh” và “Chắc chắn
có thiện nghiệp, có quả báo thiện hạnh”. Con nên dùng thời gian để thực hành nghiệp thiện,
đoạn trừ nghiệp ác.Con cũng dùng thời gian học Phật pháp để liễu tri nghiệp báo, thanh
lọc thân tâm, sẵn sàng đối diện với mọi quả nghiệp dù là tốt hay xấu trong tương lai. Muốn
vậy, chỉ có một cách duy nhất: học và tu tập theo lời Phật dạy.
Cả ba người ngồi im lặng bên bàn đá. Trời đã sẫm tối. Không gian chùa thêm vắng lặng.
Nghe rõ tiếng chim vỗ cánh bay về tổ, tiếng ễnh ương vọng lại từ xa. Mặt trăng đã lên cao
từ lúc nào, chiếu những tia sáng dịu dàng lên những tàn cây.
Download