Đề bài: Phân tích hình ảnh Huấn Cao trong đoạn trích: “Huấn Cao, lạnh lùng, chúc… nhà ngươi đừng đặt chân vào đây” Bài Làm Nguyễn Tuân - một nhà văn nổi tiếng của làng văn học Việt Nam. Ông có những sáng tác xoay quanh những nhân vật lí tưởng về tài năng xuất chúng, về cái đẹp tinh thần như "chiếc ấm đất", "chén trà sương"... và một lần nữa, chúng ta lại bắt gặp chân dung tài hoa trong thiên hạ, đó là Huấn Cao trong tác phẩm "Chữ người tử tù". Nhà văn Nguyễn Tuân đã lấy nguyên mẫu hình tượng Cao Bá Quát làm nguồn cảm hứng sáng tạo nhân vật Huấn Cao. Họ Cao là một lãnh tụ nông dân chống triều Nguyễn năm 1854. Huấn Cao được lấy từ hình tượng này với tài năng, nhân cách sáng ngời và rất đỗi tài hoa. Đoạn trích diễn ra trong hoàn cảnh ông theo tiếng gọi của tự do ông Huấn đã cầm gươm chống lại triều đình. Mặc dù chí lớn không thành nhưng ông vẫn giữ được tư thế đường hoàng, oai phong, lẫm liệt. Là một tử tù đợi ngày ra pháp trường. Huấn Cao xuất hiện trong tác phẩm ở một cảnh ngộ rất đặc biệt: “cảnh gông cùm, xiềng xích, mất tự do” giúp xây dựng hình tượng nhân vật trong tình huống độc đáo. Chính trong hoàn cảnh cận kề với cái chết, vẻ đẹp Huấn Cao lại ngời sáng hơn bao giờ hết Tác giả miêu tả sâu sắc trạng thái tâm lý của Huấn Cao trong những ngày chờ thi hành án. Trong lúc này đây, khi mà người anh hùng "sa cơ lỡ vận" nhưng Huấn Cao vẫn giữ được khí phách hiên ngang, kiên cường. Tuy bị giam cầm về thể xác nhưng ông Huấn vẫn hoàn toàn tự do bằng hành động "dỡ cái gông nặng tám tạ xuống nền đá tảng đánh thuỳnh một cái" và "lãnh đạm" không thèm chấp sự đe dọa của tên lính áp giải. Dưới mắt ông, bọn kia chỉ là "một lũ tiểu nhân thị oai". Cho nên, mặc dù chịu sự giam giữ của bọn chúng nhưng ông vẫn tỏ ra "khinh bạc". Ông đứng đầu gông, ông vẫn mang hình dáng của một vị chủ soái, một vị lãnh đạo. Người anh hùng ấy dù cho thất thế nhưng vẫn giữ được thế lực, uy quyền của mình. Thật đáng khâm phục! Mặc dù ở trong tù, ông vẫn thản nhiên "ăn thịt, uống rượu như một việc vẫn làm trong hứng bình sinh". Huấn Cao hoàn toàn tự do về tinh thần. Khi viên cai ngục hỏi Huấn Cao cần gì thì ông trả lời: "Ngươi hỏi ta cần gì à? Ta chỉ muốn một điều là ngươi đừng bước chân vào đây ". Cách trả lời ngang tàng, ngạo mạn đầy trịch thượng như vậy là bởi vì Huấn Cao vốn hiên ngang, kiên cường. Ông không thèm đếm xỉa đến sự trả thù của kẻ đã bị mình xúc phạm. Huấn Cao rất có ý thức được vị trí của mình trong xã hội, ông biết đặt vị trí của mình lên trên những loại dơ bẩn "cặn bã" của xã hội Xét trên phương diện xã hội, Huấn Cao và quản ngục là những người ở vị thế đối nghịch, thậm chí đối kháng với nhau. Bởi một người là tử tù (quân phản nghịch chống lại triều đình), một người là cai tù (đại diện cho triều đình). Nhưng về phương diện nghệ thuật, Huấn Cao và quản ngục lại là những tri âm, tri kỉ. Chính những đối nghịch trong mối quan hệ xã hội và sự tri âm tri kỉ trong mối quan hệ nghệ thuật làm nên một tình huống độc đáo cho truyện ngắn. Tình huống truyện được xây dựng cực kịch tính, hấp dẫn, với không gian: nhà tù; thời gian: những giờ khắc cuối cùng của kẻ tử tù ngột ngạt căng thẳng; sự đối nghịch giữa viên quan ngục và Huấn Cao - một người là nghệ sĩ, một người lại trân quý cái đẹp, sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng. Sự cường quyền, áp bức đã bị khuất phục trước uy quyền của cái đẹp, trân trọng vẻ đẹp và nhân cách con người. Thái độ của Huấn Cao với quản ngục khi chưa hiểu rõ về con người của hắn cũng là một minh chứng. “Từ lúc Huấn Cao vào trong ngục, ngày nào Huấn Cao cũng được quản ngục “biệt đãi”. Huấn Cao tiếp nhận với một tư thế rất điềm nhiên như một hứng thú lúc bình sinh. Ông không bận tâm, vẫn nhận rượu thịt, ăn uống.” Khi quản ngục rón rén bước vào nhà giam nơi ngục tù bẩn thỉu, phòng của tử tù Huấn Cao, quản ngục có nói, “Tôi biết ngài là người có tài, tôi muốn biệt đãi riêng”. Muốn hỏi xem ngài có sai bảo gì nữa, dạy bảo gì nữa không thì Huấn Cao có trả lời lạnh lùng rằng “Ngươi hỏi ta có muốn gì hay không, ta chỉ muốn có một điều là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây nữa” những câu nói đó bộc lộ nên sự khinh miệt, coi thường không sợ cường quyền ta thấy rõ được khí phách của Huấn Cao. Chữ người tử tù khẳng định và tôn vinh sự chiến thắng của ánh sáng, cái đẹp, cái thiện và nhân cách cao cả của con người đồng thời bộc lộ lòng yêu nước thầm kín của nhà văn. Nghệ thuật tạo dựng tình huống truyện độc đáo, đặc sắc, là cuộc gặp gỡ và mối quan hệ éo le, trớ trêu giữa viên quản ngục và Huấn Cao. Sử dụng thành công thủ pháp đối lập, tương phản. Xây dựng thành công nhân vật Huấn Cao, con người hội tụ nhiều vẻ đẹp.Ngôn ngữ góc cạnh, giàu hình ảnh, có tính tạo hình, vừa cổ kính, vừa hiện đại. Không những tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao diễn tả hiện thực khắc nghiệt, đau thương đến quần quại, mà Nguyễn Tuân đã hướng ngòi bút theo chủ nghĩa lãng mạn với một cái tôi “ngông”, một cái tôi cá nhân được nhân vật và hiện diện trong xã hội thời kỳ 1930 đến 1945. Ở Huấn Cao ánh lên vẻ đẹp của cái "tài" và cái "tâm". Trong cái "tài" có cái "tâm" và cái "tâm" ở đây chính là nhân cách cao thượng sáng ngời của một con người tài hoa. Cái đẹp luôn song song "tâm" và "tài" thì cái đẹp đó mới trở nên có ý nghĩa thực sự. Xây dựng hình tượng Huấn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân đã thành công trong việc xây dựng nên chân dung nghệ thuật điển hình lí tưởng trong văn học thẩm mĩ. Dù cho Huấn Cao đã đi đến cõi nào chăng nữa thì ông vẫn sẽ mãi trong lòng người đọc thế hệ hôm nay và mai sau.