IAS 2 HÀNG TỒN KHO Vào tháng 4 năm 2001 Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (Hội Đồng) đã chấp thuận đưa vào sử dụng IAS 2 Hàng tồn kho - chuẩn mực vốn đã được ban hành bởi Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế vào tháng 12 năm 1993. IAS 2 Hàng tồn kho thay thế cho IAS 2 Định giá và Trình bày Hàng tồn kho theo Giá gốc (ban hành vào tháng 10 năm 1975). Vào tháng 12 năm 2003 Hội đồng ban hành bản chỉnh sửa IAS 2 như là một phần của chương trình đầu tiên liên quan đến các dự án của Hội đồng. Bản chỉnh sửa IAS 2 cũng được tích hợp vào các tài liệu hướng dẫn (tài liệu SIC 1 Tính nhất quán – Các Phương pháp Tính giá khác nhau cho Hàng tồn kho). Các chuẩn mực khác có vài thay đổi nhỏ theo chuẩn mực IAS 2. Các chuẩn mực này bao gồm Chuẩn mực IFRS 13 Đo lường Giá trị Hợp lý (ban hành tháng 5 năm 2011), IFRS 9 Công cụ Tài chính (Kế toán Phòng ngừa Rủi ro và một số thay đổi có liên quan đến IFRS 9, IFRS 7 và IAS 39) (ban hành tháng 11 năm 2013), IFRS 15 Doanh thu từ Hợp đồng với Khách hàng (ban hành tháng 5 năm 2014), IFRS 9 Công cụ Tài chính (ban hành tháng 7 năm 2104) và IFRS 16 Thuê tài sản (ban hành tháng 1 năm 2016). NỘI DUNG từ đoạn CHUẨN MỰC KẾ TOÁN QUỐC TẾ SỐ 2 HÀNG TỒN KHO MỤC TIÊU 1 PHẠM VI 2 ĐỊNH NGHĨA 6 ĐỊNH LƯỢNG HÀNG TỒN KHO 9 Giá gốc hàng tồn kho 10 Các phương pháp tính giá hàng tồn kho 23 Giá trị thuần có thể thực hiện được 28 GHI NHẬN LÀ MỘT KHOẢN CHI PHÍ 34 TRÌNH BÀY 36 NGÀY HIỆU LỰC 40 THAY THẾ CÁC TUYÊN BỐ KHÁC 41 PHỤ LỤC Một số sự điều chỉnh với các tuyên bố khác PHÊ DUYỆT CỦA HỘI ĐỒNG VỀ CHUẨN MỰC IAS 2 ĐƯỢC BAN HÀNH VÀO THÁNG 12 NĂM 2003 CƠ SỞ KẾT LUẬN, XEM PHẦN C CỦA PHIÊN BẢN NÀY CƠ SỞ KẾT LUẬN Chuẩn mực Kế toán Quốc tế số 2 Hàng tồn kho (IAS 2) được quy định từ đoạn 1 – đoạn 42 và phần Phụ lục. Tất cả các đoạn đều có hiệu lực ngang nhau nhưng vẫn theo cấu trúc của Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế khi được Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế thông qua. Chuẩn mực IAS 2 phải được đọc cùng với phần mục tiêu và các cơ sở kết luận, lời nói đầu của các chuẩn mực IFRS và Khuôn mẫu chung về Báo cáo tài chính. Chuẩn mực IAS 8 Chính sách Kế toán, thay đổi trong ước tính kế toán và sai sót cung cấp cơ sở để lựa chọn và áp dụng chính sách kế toán trong trường hợp không có hướng dẫn cụ thể. Chuẩn mực Kế toán Quốc tế số 2 Hàng tồn kho MỤC TIÊU 1 Mục tiêu của chuẩn mực này là mô tả phương pháp kế toán cho hàng tồn kho. Vấn đề cơ bản của kế toán của hàng tồn kho là chi phí của hàng tồn kho được ghi nhận là tài sản và được chuyển kỳ đến khi doanh thu có liên quan được ghi nhận. Chuẩn mực này hướng dẫn xác định chi phí và việc ghi nhận sau đó như là một khoản chi phí bao gồm cả việc ghi giảm giá trị đến mức giá trị thuần có thể thực hiện được. Chuẩn mực này cũng hướng dẫn phương thức áp dụng xác định chi phí cho hàng tồn kho. PHẠM VI 2 Chuẩn mực áp dụng cho toàn bộ hàng tồn kho, ngoại trừ: (a) [đã xóa] (b) công cụ tài chính (xem Chuẩn mực IAS 32 Công cụ Tài chính: Trình bày và Chuẩn mực IFRS 9 Công cụ Tài chính); và (c) tài sản sinh học có liên quan đến các hoạt động nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp tại thời điểm thu hoạch (xem Chuẩn mực IAS 41 Nông nghiệp) 3 Chuẩn mực này không áp dụng cho việc xác định hàng tồn kho được nắm giữ bởi: (a) nhà sản xuất các sản phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp, sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, khoáng sản và các sản phẩm từ khoáng sản, phạm vi của các loại này được xác định bằng giá trị thuần có thể thực hiện được phù hợp với các thông lệ đã được quy định trong các ngành này. Khi các loại hàng tồn kho này được ghi nhận theo giá trị thuần có thể thực hiện được thì những sự thay đổi trong giá trị được ghi nhận vào lợi nhuận hoặc khoản lỗ trong kỳ có phát sinh sự thay đổi này. (b) các người môi giới - thương nhân hàng hóa thực hiện xác định hàng tồn kho theo giá trị hợp lý trừ đi chi phí bán. Khi các hàng tồn kho này được xác định theo giá trị hợp lý trừ đi chi phí bán thì những sự thay đổi trong giá trị hợp lý trừ đi chi phí bán được ghi nhận vào lợi nhuận hoặc khoản lỗ trong kỳ có phát sinh sự thay đổi này. 4 Hàng tồn kho quy định trong đoạn 3(a) được xác định theo giá trị thuần có thể thực hiện tại các giai đoạn sản xuất nhất định. Ví dụ: khi vụ mùa nông nghiệp được thu hoạch hoặc khi khoáng sản được chiết ra và bán hàng được đảm bảo bằng hợp đồng kỳ hạn hoặc sự bảo lãnh của chính phủ, hoặc khi thị trường sôi động và rủi ro không bán được các mặt hàng là không đáng kể. Những hàng tồn kho này không thuộc phạm vi yêu cầu xác định của Chuẩn mực này. 5 các người môi giới – thương nhân là người mua hoặc người bán hàng hóa thay cho người khác hoặc cho chính mình. Những hàng tồn kho được quy định tại đoạn 3(b) chủ yếu được mua với mục đích để bán trong tương lai gần và tạo ra lợi nhuận do sự thay đổi về giá hoặc từ biên lợi nhuận môi giới - thương mại. Khi những hàng tồn kho này được xác định theo giá trị hợp lý trừ đi chi phí bán, nó sẽ không thuộc phạm vi yêu cầu xác định của Chuẩn mực này. ĐỊNH NGHĨA 6 Các thuật ngữ được sử dụng trong Chuẩn mực này được hiểu cụ thể như sau: Hàng tồn kho là những tài sản: (a) Được giữ để bán trong điều kiện kinh doanh thông thường; (b) Đang trong quá trình sản xuất, kinh doanh dở dang để phục vụ cho việc bán; (c) Nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ được sử dụng trong quá trình sản xuất, kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ. Giá trị thuần có thể thực hiện là giá bán ước tính của hàng tồn kho trong điều kiện kinh doanh thông thường trừ (-) chi phí ước tính để hoàn thành và chi phí ước tính cần thiết cho việc bán hàng này. Giá trị hợp lý là giá có thể nhận được khi bán một tài sản hoặc thanh toán để chuyển nhượng một khoản nợ phải trả trong một giao dịch tự nguyện có tổ chức giữa các bên tham gia thị trường tại ngày xác định giá trị. (xem Chuẩn mực IFRS 13 Xác định Giá trị Hợp lý.) 7 Giá trị thuần có thể thực hiện là số tiền thuần mà một đơn vị kỳ vọng có thể hiện thực được từ việc bán hàng tồn kho trong điều kiện kinh doanh thông thường. Giá trị hợp lý phản ánh mức giá mà một giao dịch tự nguyện có tổ chức bán hàng tồn kho tương tự trên thị trường chính (hoặc thị trường có lợi nhất) mà ở đó hàng tồn kho này được thực hiện giữa các bên tham gia thị trường tại ngày xác định giá trị. Giá trị thuần có thể thực hiện được là giá trị cụ thể do đơn vị xác định trong khi giá trị hợp lý không do đơn vị xác định. Giá trị thuần có thể thực hiện của hàng tồn kho có thể không bằng giá trị hợp lý trừ đi chi phí bán. 8 Hàng tồn kho bao gồm hàng hóa được mua và giữ để bán lại, ví dụ, hàng hóa do đơn vị bán lẻ mua để bán lại hoặc đất đai và các tài sản khác được nắm giữ để bán lại. Hàng tồn kho cũng bao gồm thành phẩm hoặc sản phẩm dở dang do đơn vị sản xuất ra và cả các nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ được sử dụng trong quá trình sản xuất. Các chi phí phát sinh để hoàn thành một hợp đồng với một khách hàng không làm phát sinh hàng tồn kho (hoặc các tài sản nằm trong phạm vi của các Chuẩn mực khác) sẽ được ghi nhận phù hợp với Chuẩn mực IFRS 15 Doanh thu từ Hợp đồng với Khách hàng. Xác định Hàng tồn kho 9 Hàng tồn kho phải được xác định ở mức thấp hơn chi phí và giá trị thuần có thể thực hiện. Chi phí hàng tồn kho 10 Chi phí của hàng tồn kho bao gồm tất cả các chi phí mua, chi phí chế biến và các chi phí khác phát sinh để có được hàng tồn kho ở địa điểm và trạng thái hiện tại. Chi phí mua 11 Chi phí mua hàng của hàng tồn kho bao gồm giá mua, thuế nhập khẩu và các loại thuế khác (Cơ quan thuế không hoàn lại cho đơn vị) và chi phí vận chuyển, giao nhận và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc mua thành phẩm, nguyên vật liệu và dịch vụ. Các khoản chiết khấu thương mại, giảm giá và các khoản mục tương tự khác được trừ (-) vào chi phí mua hàng. Chi phí cải biến 12 Chi phí cải biến hàng tồn kho bao gồm các chi phí liên quan trực tiếp đến từng đơn vị thành phẩm được sản xuất, chẳng hạn như chi phí nhân công trực tiếp. Chi phí này cũng bao gồm sự phân bổ một cách có hệ thống định phí và biến phí của chi phí sản xuất chung phát sinh trong quá trình chuyển hóa nguyên vật liệu thành thành phẩm. Định phí sản xuất chung là những chi phí sản xuất gián tiếp, tương đối ổn định và không phụ thuộc quy mô sản xuất, chẳng hạn như chi phí khấu hao, bảo dưỡng nhà xưởng, máy móc thiết bị và quyền - sử - dụng tài sản được sử dụng trong quá trình sản xuất và chi phí quản lý, hành chính của nhà xưởng. Biến phí sản xuất chung là những chi phí sản xuất gián tiếp có sự thay đổi trực tiếp hoặc gần như trực tiếp theo quy mô sản xuất, chẳng hạn như chi phí nguyên vật liệu gián tiếp và chi phí nhân công gián tiếp. 13 Việc phân bổ định phí sản xuất chung vào chi phí cải biến được dựa trên công suất bình thường của phương tiện sản xuất. Công suất bình thường là số lượng sản phẩm ước tính đạt được trung bình qua một số kỳ hoặc mùa vụ trong các điều kiện sản xuất bình thường, có tính đến công suất hao hụt do dừng sản xuất để bảo trì theo kế hoạch. Mức độ sản xuất thực tế có thể được sử dụng nếu mức độ này xấp xỉ với công suất bình thường. Định phí sản xuất chung này được phân bổ cho từng đơn vị sản phẩm sẽ không tăng khi sản xuất ít hơn hoặc khi máy móc không hoạt động. Những chi phí sản xuất chung không được phân bổ sẽ được ghi nhận là chi phí trong kỳ mà nó phát sinh. Trong những kỳ sản xuất cao hơn bình thường thì định phí sản xuất chung được phân bổ cho từng sản phẩm sẽ giảm và vì vậy hàng tồn kho không được xác định cao hơn chi phí. Biến phí sản xuất chung được phân bổ cho từng đơn vị sản phẩm trên cơ sở sử dụng thực tế của phương tiện sản xuất. 14 Một quy trình sản xuất có thể tạo ra nhiều loại sản phẩm cùng một lúc. Ví dụ, trường hợp các sản phẩm chung được sản xuất hoặc khi có một sản phẩm chính và một sản phẩm phụ. Khi chi phí cải biến cho từng loại sản phẩm không thể tách ra thì những chi phí này được phân bổ theo tiêu thức thích hợp và nhất quán. Việc phân bổ này có thể dựa trên, ví dụ như, doanh thu của từng sản phẩm hoặc là tại một thời điểm trong quá trình sản xuất khi mà các sản phẩm này có thể được xác định riêng biệt hoặc là tại thời điểm hoàn thành sản xuất. Hầu hết các sản phẩm phụ có giá trị nhỏ. Trong trường hợp này, các sản phẩm phụ được xác định theo giá trị thuần có thể thực hiện và giá trị này được trừ (-) khỏi chi phí của sản phẩm chính. Kết quả là giá trị của sản phẩm chính sẽ không khác biệt lớn so với chi phí của nó. Các chi phí khác 15 Các chi phí khác bao gồm chi phí hàng tồn kho chỉ trong phạm vi mà những chi phí phát sinh để có được hàng tồn kho ở địa điểm và trạng thái hiện tại. Ví dụ: Trong chi phí hàng tồn kho, nó có thể bao gồm các chi phí phi sản xuất chung hoặc chi phí thiết kế sản phẩm cho các khách hàng cụ thể. 16 Ví dụ về những chi phí không được tính vào chi phí hàng tồn kho mà được ghi nhận vào chi phí trong kỳ khi mà: (a) Giá trị các khoản hao hụt bất thường của nguyên vật liệu, nhân công hoặc các chi phí sản xuất khác; (b) Chi phí lưu kho, trừ khi những chi phí này cần thiết cho giai đoạn sản xuất tiếp theo; (c) Chi phí quản lý doanh nghiệp mà không góp phần đưa hàng tồn kho ở địa điểm và trạng thái hiện tại; và (d) Chi phí bán hàng. 17 Chuẩn mực IAS 23 Chi phí Đi vay quy định một số tình huống hiện hữu mà ở đó các chi phí đi vay được tính trong chi phí hàng tồn kho. 18 Một đơn vị có thể mua hàng tồn kho với các điều khoản trả chậm. Trong trường hợp thỏa thuận mua bán có yếu tố tài chính, chẳng hạn, là sự chênh lệch giữa giá mua khi áp dụng các điều khoản tín dụng thông thường với giá mua trả tiền ngay, thì được ghi nhận là một khoản chi phí lãi vay trong suốt thời kỳ có liên quan đến khoản chi phí tài chính đó. Chi phí hàng tồn kho của nhà cung cấp dịch vụ 19 [Đã xóa] Chi phí của sản phẩm nông nghiệp được thu hoạch từ tài sản sinh học 20 Theo Chuẩn mực IAS 41 Nông nghiệp, hàng tồn kho bao gồm sản phẩm nông nghiệp mà đơn vị thu hoạch từ các tài sản sinh học được ghi nhận ban đầu theo giá trị hợp lý trừ đi chi phí để bán tại thời điểm thu hoạch. Đây là chi phí của hàng tồn kho tại ngày áp dụng Chuẩn mực này. Kỹ thuật xác định chi phí hàng tồn kho 21 Các kỹ thuật xác định chi phí hàng tồn kho, như phương pháp chi phí định mức hoặc phương pháp giá bán lẻ, có thể được sử dụng cho việc thuận tiện nếu các kết quả tính toán xấp xỉ chi phí. Phương pháp chi phí định mức được tính theo mức sử dụng bình thường của nguyên vật liệu và công cụ dụng cụ, nhân công, hiệu quả và hiệu suất sử dụng. Các yếu tố này thường xuyên được xem xét lại và nếu cần thiết, sẽ được điều chỉnh theo các điều kiện hiện tại. 22 Phương pháp giá bán lẻ thường được dùng trong ngành bán lẻ để xác định hàng tồn kho số lượng lớn các mặt hàng thay đổi nhanh chóng và có biên lợi nhuận tương tự mà không thể sử dụng các phương pháp tính giá thành khác. Chi phí của hàng tồn kho được xác định bằng doanh thu của việc bán hàng tồn kho trừ đi một tỷ lệ phần trăm biên lợi nhuận phù hợp. Tỷ lệ phần trăm này được xem xét bằng cách giảm giá hàng tồn kho xuống thấp hơn giá bán ban đầu của các loại hàng tồn kho này. Thông thường mỗi bộ phận bán lẻ sẽ sử dụng một tỷ lệ phần trăm bình quân . Các công thức chi phí 23 Chi phí của hàng tồn kho của các loại không thể thay thế cho nhau theo một cách thông thường và các loại hàng hóa được sản xuất hoặc dịch vụ được cung cấp theo từng dự án riêng biệt, sẽ được xác định theo cách định danh riêng biệt từng chi phí đơn lẻ của nó. 24 Phương pháp định danh riêng biệt chi phí có nghĩa là các chi phí cụ thể được gán cho từng mặt hàng được xác định trong hàng tồn kho. Phương pháp này phù hợp với các mặt hàng của hàng tồn kho được tách riêng cho từng dự án cụ thể, không phân biệt chúng được mua về hay được sản xuất ra. Tuy nhiên phương pháp định danh riêng biệt không phù hợp khi áp dụng cho việc tính giá các mặt hàng của hàng tồn kho số lượng lớn mà thông thường hoán đổi cho nhau. Trong những tình huống này, phương pháp của chọn lựa các mặt hàng tồn kho đó có thể được sử dụng để xác định ảnh hưởng dự kiến đến lãi hoặc lỗ. 25 Đối với hàng tồn kho không thuộc các trường hợp quy định trong đoạn 23, chi phí hàng tồn kho sẽ được áp dụng theo công thức “Nhập - trước, Xuất - trước” (FIFO) hoặc công thức bình quân gia quyền. Một đơn vị sẽ sử dụng một công thức chi phí giống nhau cho tất cả các loại hàng tồn kho có cùng bản chất và công dụng đối với đơn vị. Đối với hàng tồn kho khác nhau về bản chất và công dụng, các công thức chi phí khác nhau có thể được xem xét áp dụng. 26 Ví dụ: Trong cùng một đơn vị, hàng tồn kho được sử dụng trong bộ phận điều hành này có thể có công dụng khác với cùng loại hàng tồn kho đó khi được sử dụng trong một bộ phận điều hành khác. Tuy nhiên, sự khác biệt về khu vực địa lý của hàng tồn kho (hoặc các quy định khác nhau về thuế) chưa đủ là cơ sở để áp dụng các công thức tính chi phí hàng tồn kho khác nhau. 27 Công thức FIFO giả định rằng các mặt hàng của hàng tồn kho đã được mua trước hoặc sản xuất trước thì được bán trước, và do đó những mặt hàng còn tồn kho vào cuối kỳ là những mặt hàng được mua hoặc sản xuất gần nhất. Theo công thức chi phí bình quân gia quyền, chi phí của mỗi mặt hàng được xác định dựa trên chi phí bình quân gia quyền của các mặt hàng tương tự nhau tại đầu kỳ và chi phí của các mặt hàng tương tự được mua về hoặc sản xuất ra trong kỳ. Số liệu bình quân này có thể được tính theo kỳ, hoặc theo mỗi lần nhập thêm hàng, phụ thuộc vào tình hình thực tế của đơn vị. Giá trị thuần có thể thực hiện 28 Chi phí của hàng tồn kho có thể không thu hồi được nếu những hàng tồn kho này bị hư hỏng, nếu bị lỗi thời toàn bộ hoặc một phần, hoặc nếu giá bán của chúng đã và hiện giảm xuống. Chi phí của hàng tồn kho cũng có thể không thu hồi được nếu chi phí ước tính để hoàn thiện hoặc chi phí ước tính để bán hàng đã và hiện tăng lên. Việc ghi giảm chi phí hàng tồn kho xuống dưới mức giá trị thuần có thể thực hiện nhằm phù hợp với quan điểm tài sản không được phản ánh lớn hơn số tiền ước tính có thể thu hồi được từ việc bán hay sử dụng tài sản đó. 29 Hàng tồn kho thường được ghi giảm đến mức giá trị thuần có thể thực hiện cho từng loại mặt hàng cụ thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cũng có thể phù hợp cho từng nhóm tương tự hoặc liên quan đến nhau. Ví dụ như các loại mặt hàng hàng tồn kho được sản xuất trên cùng một dây chuyền sản xuất có cùng mục đích và sử dụng cuối, và được sản xuất và tiếp thị trong cùng một khu vực địa lý cụ thể, và thực tế không thể đánh giá một cách riêng biệt với mặt hàng khác trong cùng dây chuyền sản xuất đó. Việc ghi giảm hàng tồn kho trên cơ sở phân loại món hàng tồn kho, chẳng hạn như thành phẩm, hoặc toàn bộ hàng tồn kho cho từng bộ phận điều hành cụ thể là không phù hợp. 30 Ước tính giá trị thuần có thể thực hiện được căn cứ trên bằng chứng tin cậy nhất hiện có tại thời điểm ước tính được thực hiện, của số tiền hàng tồn kho ước tính thu hồi. Việc ước tính này cần xem xét đến các yếu tố sự biến động của giá bán hoặc chi phí trực tiếp liên quan đến các sự kiện diễn ra sau ngày kết thúc kỳ kế toán cho đến khi các sự kiện này khẳng định các điều kiện hiện có vào cuối kỳ đó. 31 Việc ước tính giá trị thuần có thể thực hiện cũng xem xét mục đích nắm giữ hàng tồn kho. Ví dụ, việc xác định giá trị thuần có thể thực hiện của số lượng hàng tồn kho được nắm giữ để đáp ứng việc cung cấp dịch vụ hoặc hàng hóa theo giá hợp đồng. Nếu hợp đồng bán hàng ít hơn số lượng tồn kho nắm giữ thì giá trị thuần có thể thực hiện của phần vượt này được căn cứ dựa trên giá bán chung. Các khoản dự phòng có thể phát sinh từ các hợp đồng bán hàng vượt quá số lượng hàng tồn kho đang nắm giữ hoặc từ các hợp đồng mua đã ký. Các khoản dự phòng này được thực hiện theo quy định trong Chuẩn mực IAS 37 “Dự phòng, Nợ Tiềm tàng và Tài sản Tiềm tàng”. 32 Các nguyên vật liệu và công cụ dụng cụ nắm giữ để sử dụng trong sản xuất của hàng tồn kho không được ghi giảm thấp hơn chi phí nếu thành phẩm do chúng góp phần cấu thành nên dự kiến sẽ được bán với giá bằng hoặc cao hơn chi phí. Tuy nhiên, khi sự giảm giá của nguyên vật liệu chỉ ra rằng chi phí này của các thành phẩm đó cao hơn giá trị thuần có thể thực hiện, thì các nguyên vật liệu này sẽ được ghi giảm xuống bằng giá trị thuần có thể thực hiện. Trong trường hợp này, chi phí thay thế của các nguyên vật liệu này có thể được xem là cách xác định tốt nhất của giá trị thuần có thể thực hiện. 33 Trong từng kỳ tiếp theo, giá trị thuần có thể thực hiện sẽ được đánh giá lại. Trong trường hợp các điều kiện trước đây gây ra sự giảm giá trị của hàng tồn kho không còn tồn tại hoặc khi có bằng chứng rõ ràng của việc giá trị thuần có thể thực hiện tăng lên do tình hình kinh tế thay đổi, số tiền gốc ban đầu trước đây đã bị ghi giảm sẽ được hoàn nhập (ví dụ khoản hoàn nhập tối đa bằng với số tiền đã bị ghi giảm) để đảm bảo số tiền còn lại sẽ là thấp hơn chi phí và giá trị thuần có thể thực hiện điều chỉnh. Một ví dụ, khi một mặt hàng của hàng tồn kho đang được ghi nhận ở giá trị thuần có thể thực hiện, bởi vì giá bán của nó đã và hiện giảm và loại hàng tồn kho này vẫn đang được nắm giữ bởi đơn vị cho tới kỳ kế toán sau và tại kỳ kế toán sau thì giá bán tăng. GHI NHẬN LÀ MỘT KHOẢN CHI PHÍ 34 Khi bán hàng tồn kho, số tiền của các hàng tồn kho này sẽ được ghi nhận là chi phí trong kỳ mà doanh thu liên quan được ghi nhận. Số tiền của bất kỳ việc ghi giảm hàng tồn kho xuống giá trị thuần có thể thực hiện và toàn bộ khoản lỗ của hàng tồn kho sẽ được ghi nhận là một khoản chi phí trong kỳ hoặc là khoản lỗ. Bất kỳ các khoản hoàn nhập giảm giá tồn kho phát sinh từ việc gia tăng giá trị thuần có thể thực hiện, tương ứng với khoản đã ghi giảm giá trị hàng tồn kho trước đây sẽ được ghi nhận là một khoản làm giảm chi phí phát sinh trong kỳ thực hiện việc hoàn nhập. 35 Một số hàng tồn kho có thể được phân bổ cho các tài sản khác, ví dụ, hàng tồn kho được sử dụng như là một phần cấu thành của tài sản, nhà xưởng, máy móc thiết bị tự xây dựng. Các hàng tồn kho này phân bổ vào các tài sản theo kiểu này được ghi nhận là một khoản chi phí trong suốt thời gian hữu dụng của tài sản. TRÌNH BÀY 36 Báo cáo tài chính sẽ công bố : (a) các chính sách kế toán áp dụng trong việc xác định hàng tồn kho, bao gồm cả các công thức chi phí được áp dụng; (b) tổng số tiền còn lại của hàng tồn kho và số tiền còn lại của từng loại hàng tồn kho phù hợp với cách phân loại của đơn vị; (c) số tiền còn lại của hàng tồn kho được ghi nhận theo giá trị hợp lý trừ đi chi phí để bán; (d) số tiền hàng tồn kho được ghi nhận là một khoản chi phí trong kỳ; (e) số tiền của bất kỳ khoản ghi giảm hàng tồn kho được ghi nhận là một khoản chi phí trong kỳ theo quy định phù hợp với đoạn 34; (f) số tiền của bất kỳ khoản hoàn nhập của bất kỳ khoản ghi giảm nào được ghi nhận trước đây được ghi giảm chi phí trong kỳ theo quy định phù hợp với đoạn 34; (g) tình huống hay sự kiện dẫn đến việc hoàn nhập của việc ghi giảm hàng tồn kho theo quy định phù hợp với đoạn 34; và (h) Số tiền còn lại của các hàng tồn kho được cam kết như là khoản đảm bảo cho các khoản nợ phải trả. 37 Thông tin về số tiền còn lại theo từng loại hàng tồn kho khác nhau và biến động trong kỳ của các tài sản này là thông tin hữu ích đối với người sử dụng báo cáo tài chính. Việc phân loại hàng tồn kho thông thường là: hàng hóa, nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ dùng cho việc sản xuất, sản phẩm dở dang và thành phẩm. 38 Số tiền của hàng tồn kho được ghi nhận là một khoản chi phí trong kỳ, thường được trình bày là giá vốn hàng bán. Khoản giá vốn hàng bán này bao gồm các khoản chi phí trước đây được xác định trong giá trị hàng tồn kho được dùng để bán và chi phí sản xuất chung không được phân bổ và các khoản hao hụt phát sinh bất thường của chi phí sản xuất của hàng tồn kho. Trong các tình huống, đơn vị có thể đưa các chi phí khác có liên quan như là chi phí phân phối sản phẩm. 39 Một vài đơn vị áp dụng mẫu biểu về báo cáo lãi hoặc lỗ mà trong đó số tiền được công bố khác với việc ghi nhận chi phí hàng tồn kho như là một khoản chi phí trong kỳ. Với mẫu biểu này, đơn vị trình bày sự phân tích chi phí theo sự phân loại theo bản chất của chi phí. Trong trường hợp này, đơn vị công bố các yếu tố trong chi phí của hàng tồn kho được ghi nhận là chi phí, bao gồm nguyên vật liệu và các hàng hóa, nhân công và các chi phí khác cùng với khoản thay đổi giá trị thuần của hàng tồn kho trong kỳ. NGÀY HIỆU LỰC 40 Đơn vị sẽ áp dụng Chuẩn mực này cho kỳ kế toán hàng năm bắt đầu từ hoặc sau ngày 1 tháng Giêng năm 2005. Việc áp dụng sớm hơn vẫn được khuyến khích. Nếu đơn vị áp dụng Chuẩn mực này cho kỳ kế toán trước ngày 1 tháng Giêng năm 2005 thì đơn vị phải công bố điều đó. 40A [Đã xóa] 40B [Đã xóa] 40C Chuẩn mực IFRS 13 được ban hành vào tháng 5 năm 2011 đã thay đổi định nghĩa về giá trị hợp lý trong đoạn 6 và đoạn 7 thay đổi. Đơn vị sẽ áp dụng những sự thay đổi này khi đơn vị áp dụng Chuẩn mực IFRS 13. 40D [Đã xóa] 40E Chuẩn mực IFRS 15 Doanh thu từ Hợp đồng với Khách hàng được ban hành vào tháng 5 năm 2014 đã điều chỉnh các đoạn 2, 8, 29 và 37 và đã xóa đoạn 19. Đơn vị sẽ áp dụng những sự thay đổi này khi đơn vị áp dụng Chuẩn mực IFRS 15. 40F Chuẩn mực IFRS 9, được ban hành vào tháng 7 năm 2014, đã chỉnh sửa đoạn 2 và đã xóa đoạn 40A, 40B và 40D. Đơn vị sẽ áp dụng những sự thay đổi này khi đơn vị áp dụng Chuẩn mực IFRS 9. 40G Chuẩn mực IFRS 16 Thuê tài sản, được ban hành vào tháng 1 năm 2016, đã thay đổi đoạn 12. Đơn vị sẽ áp dụng những sự thay đổi này khi đơn vị áp dụng Chuẩn mực IFRS 16. THAY THẾ CÁC TUYÊN BỐ KHÁC 41 Chuẩn mực này thay thế Chuẩn mực IAS 2 Hàng tồn kho (được chỉnh sửa năm 1993). 42 Chuẩn mực này thay thế Chuẩn mực SIC-1 Tính nhất quán – Các công thức Tính chi phí cho Hàng tồn kho. PHỤ LỤC Một số sự điều chỉnh với các tuyên bố khác Các điều chỉnh trong phần phụ lục này sẽ được áp dụng cho kỳ kế toán hằng năm bắt đầu từ hoặc sau ngày 1 tháng Một năm 2005. Nếu đơn vị áp dụng Chuẩn mực này cho kỳ kế toán trước đó thì những điều chỉnh này cũng phải được áp dụng cho những kỳ kế toán trước đó. ***** Những sự điều chỉnh nằm trong phần phụ lục này bắt đầu có từ khi Chuẩn mực này được thay đổi vào năm 2003 và tiếp tục được tích hợp vào trong các tuyên bố có liên quan được phát hành tại phiên bản này. ĐƯỢC CHẤP THUẬN BỞI HỘI ĐỒNG CHO IAS 2 BAN HÀNH VÀO THÁNG 12 NĂM 2003 Chuẩn mực Kế toán Quốc tế số 2 Hàng tồn kho (được chỉnh sửa vào năm 2003) được chấp thuận cho việc phát hành bởi mười bốn thành viên của Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế. Ngài David Tweedie Chủ tịch Thomas E Jones Phó Chủ tịch Mary E Barth Hans-Georg Bruns Anthony T Cope Robert P Garnett Gilbert Gélard James J Leisenring Warren J McGregor Patricia L O’Malley Harry K Schmid John T Smith Geoffrey Whittington Tatsumi Yamada