Uploaded by Mint Min

bài thu hoạch

advertisement
Việt Nam với hơn 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước luôn là 1 điều đáng tự hào với
mọi công dân của đất nước này. Những thế hệ sau này muốn hiểu rõ hơn về lịch sử, về công ơn
của Đảng, nhà nước và của ông cha ta, việc học tập bộ môn Lịch sử Đảng và xem những bộ
phim tài liệu về đề tài chiến tranh là hết sức cần thiết.
Được đạo diễn bởi nhà làm phim người Pháp Daniel Costelle, phim tài liệu “Những điều
chưa biết về chiến tranh Việt Nam” là sự chắp nối lên từ những thước phim thật thô sơ chưa qua
xử lí hình ảnh, không hề được dàn dựng công phu hay có bất kì kĩ xảo điện ảnh nào, song cũng
chính vì thế mà bộ phim mang đến cho người xem cảm nhận chân thật nhất về cuộc chiến tranh
đẫm máu này. Là tập thứ 2 trong loạt phim, “Bí mật về vũ khí” giới thiệu chi tiết về những
phương tiện và vũ khí vô cùng hiện đại được cả quân đội Mĩ và quân đội Việt Nam sử dụng
trong giai đoạn 1960-1970 của cuộc chiến, như: máy bay chiến đấu MiG, máy bay C47, máy bay
B-52, bom CBU 24, và đặc biệt là bom Napan- được mệnh danh là “vũ khí khủng khiếp nhất
toàn bộ cuộc chiến”- tạo nên bởi chất phốt pho có khả năng hút sạch không khí xung quanh và
chất Napan có thể bám vào da, gây bỏng tới tận xương. Mĩ đã liên tục chế tạo ra hàng loạt các vũ
khí ngày một tối tân, nhưng vũ khí càng có sức phá hủy mạnh mẽ hơn thì quân đội Mĩ lại càng bị
tiêu diệt nhiều hơn, chứng tỏ tính phi nghĩa và vô nhân đạo của cuộc chiến này khi khiến vô số
mạng người bị lấy đi, không chỉ là quân đội mà còn có dân thường.
Xuyên suốt khắp bộ phim là hình ảnh những chiếc máy bay của Mĩ bay lượn trên bầu trời
Việt Nam, song không phải cất cánh để mang theo những ước mơ và hi vọng như ý nghĩa ban
đầu của loại phương tiện này, mà lại để rải bom, gieo rắc sự chết chóc và nỗi kinh hoàng cho cả
1 đất nước. Vì quân ta thường ẩn náu trong rừng để đánh du kích, Mĩ quyết định dùng máy bay
phun chất độc làm rụng lá và diệt cỏ để phá sạch rừng, không chỉ có chất độc trắng và xanh mà
còn có cả chất độc da cam/ dioxin. Vào thời điểm ấy, hơn 1/3 diện tích rừng Việt Nam đã bị hủy
diệt, nhưng hậu quả nặng nề nhất mà thứ chất độc ấy để lại chính là cho con người, ước tính
khoảng 400 000 người đã thiệt mạng hoặc tàn tật và 500 000 trẻ em sinh ra dị tật, dị dạng suốt
đời vì chất độc hóa học này.
Chất lượng hình ảnh của bộ phim vốn không quá tốt, nhưng đủ làm người xem chìm trong
nỗi sợ hãi và choáng váng sau khi xem xong, vì phần lớn thời gian trước mắt là ánh sáng chớp
liên tục của những viên đạn liên thanh bắn ra, bên tai lại là những tiếng nổ đùng đoàng không
dứt. Chỉ xem một đoạn phim thôi đã khiến chúng ta phải cảm thấy như thế, thật không thể tưởng
tượng nổi cảm giác của những con người không may sinh ra giữa khói lửa của bom đạn có bao
nhiêu là hoảng loạn, bao nhiêu là vất vả. Mỗi lần bom bị thả xuống, chúng ta chỉ thấy được trên
phim những đám khói đen mịt dày cuồn cuộn dày đặc cao tít đến tận trời, chẳng biết rõ được có
bao nhiêu người đã thiệt mạng vì vụ nổ ấy, cũng chẳng thể hiểu rõ được nỗi đau xé lòng của gia
đình họ khi vĩnh viễn mất đi 1 người thân.
Ở cuối tập phim có những số liệu về thiệt hại và thương vong được đưa ra, với những người
may mắn được sống ở thời bình như chúng ta, có thể chúng khiến ta ngạc nhiên, có thể chúng
khiến ta đau lòng, song cũng chỉ là những con số mà thôi. Nhưng với những người trong cuộc,
đó lại là sự mất mát không gì có thể bù đắp nổi. Chắc hẳn chẳng người xem nào có thể quên
được hình ảnh những tù nhân bị chúng bắt tay trói về phía sau, cổ lại bị buộc dây nối với nhau
thành 1 hàng để dẫn đi vô cùng tàn bạo, hay hình ảnh những người lính còn sống sót nhăn mặt vì
vết thương đau đớn, một số khác lại anh dũng ngã xuống nơi chiến trường, xác la liệt khắp nơi.
Chẳng biết đến tận bây giờ họ đều đã được đưa về an nghỉ nơi quê nhà, bên cạnh phần mộ của tổ
tiên chưa, hay còn người vẫn phải nằm sâu dưới nền đất lạnh lẽo cô đơn ấy, không ai hay biết.
Phần lớn những con người xung phong tình nguyện đứng lên bảo vệ đất nước thời ấy đều là
những thanh niên trẻ tuổi đang ở giai đoạn đẹp nhất của đời người, vì trái tim yêu nước thiết tha
cháy bỏng mà sẵn sàng hi sinh cả thanh xuân của mình, một lòng chiến đấu vì Tổ quốc chẳng
cần được ghi công, như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết trong bài thơ “Đất nước”:
“Có biết bao người con gái con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Ðất Nước.”
Download