Uploaded by Đức Phú Phạm

Đại chiến Thế giới Z – Max Brooks - Max Brooks

advertisement
Download từ: www.facebook.com/BookismVietNam
MỤC LỤC
GIỚI THIỆU
CẢNH BÁO
ĐỔ LỖI
CUỘC ĐẠI LOẠN
ĐẢO NGƯỢC TÌNH THẾ
MẶT TRẬN MỸ
XUNG QUANH THẾ GIỚI, VÀ TRÊN KHÔNG
CHIẾN TRANH TỔNG LỰC
TẠM BIỆT
BẢN QUYỀN
LỜI CẢM ƠN
GIỚI THIỆU
Thời kì ấy có nhiều tên gọi: “Cuộc Khủng Hoảng,” “Những Năm Tăm
Tối,” “Đại Dịch Biết Đi,” và cả một số tựa mới, “hợp thời” hơn chẳng hạn
như “Thế Chiến Z” hay “Đại Chiến Z Thứ I.” Cá nhân tôi thấy không thể
chấp nhận được cái biệt danh cuối cùng bởi nó ám chỉ rằng một cuộc “Đại
Chiến Z Thứ II” sẽ là điều tất yếu. Trong mắt tôi nó sẽ luôn là “Đại Chiến
Zombie.” Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều về độ chính xác khoa học của
từ zombie, sẽ khó có thể tìm ra một thuật ngữ nào phổ thông hơn dành cho
đám sinh vật suýt chút nữa đã tận diệt tất cả chúng ta. Zombie hiện vẫn là
một thuật ngữ vô cùng đáng sợ. Cho tới nay, không có lấy một từ nào khác
đủ khả năng khơi gợi lên biết bao cảm xúc và kí ức kinh hoàng đến vậy.
Chính những kí ức đó, những xúc cảm đó đã trở thành đề tài cho cuốn sách
này.
Bản ghi chép cuộc tranh đấu lớn nhất trong lịch sử nhân loại này ra đời
nhờ một cuộc chiến vụn vặt và cá nhân hơn giữa tôi và chủ tịch Ủy ban Báo
cáo Hậu chiến trực thuộc Liên Hiệp Quốc. Công việc mới đầu tôi làm cho
Ủy ban này rất được đầu tư chăm chút. Từ chi phí đi lại, quyền truy cập
thông tin mật, đội quân phiên dịch riêng (cả người lẫn máy) cho đến “anh
bạn chí cốt” bé nhỏ nhưng gần như vô giá: chiếc máy ghi âm kích hoạt bằng
giọng nói (món quà không gì có thể quí hơn đối với một đánh máy viên
chậm nhất quả đất), tất cả đều cho thấy tầm quan trọng của công việc tôi
đảm nhiệm đối với dự án này. Vậy nên khỏi nói cũng biết tôi gần như ngã
ngửa khi phát hiện ra phân nửa thành quả của mình đã bị lược bỏ trong bản
báo cáo cuối cùng.
“Nó cá nhân quá,” bà chủ tịch nói trong một buổi tranh luận vô cùng
“sinh động” giữa chúng tôi. “Quá nhiều ý kiến, quá nhiều cảm xúc. Đây
không phải mục đích của bản báo cáo này. Chúng ta cần số liệu rõ ràng,
rành mạch, không bị nhân tố con người tác động vào.” Tất nhiên bà ấy nói
đúng. Báo cáo chính thức là một bản tổng hợp những dữ liệu chính xác, một
bản “báo cáo hậu chiến đấu” với cái nhìn khách quan, cho phép các thế hệ
sau nghiên cứu các sự kiện đã diễn ra trong cái thập niên chết chóc ấy mà
không bị ảnh hưởng bởi “nhân tố con người.” Nhưng chẳng phải trong quá
khứ, chính nhân tố con người ấy đã giúp chúng ta đoàn kết lại thành một
khối vững chắc? Liệu các thế hệ tương lai có quan tâm đến các mốc niên
đại và số liệu thương vong không, hay cái họ quan tâm hơn lại là từng câu
chuyện của những con người không khác họ là bao? Khi loại đi cái nhân tố
con người, phải chăng chúng ta đang liều lĩnh vứt bỏ sợi dây tình cảm giữa
chúng ta và quá khứ, trở nên lãnh đạm với lịch sử để, lạy Chúa nhân từ, một
ngày kia chính chúng ta sẽ đi vào vết xe đổ? Và cuối cùng, chẳng phải đó
điều khác biệt duy nhất giữa chúng ta và những kẻ tử thù ta vẫn quen gọi là
“thây ma”? Tôi trình bày luận điểm của mình theo một cách có lẽ là hơi
thiếu chuyên nghiệp với “sếp” tôi. Ngay sau tôi vừa buông một câu chốt hạ
“chúng ta không thể để những câu chuyện này trôi vào quên lãng như thế
được,” bà ta đáp lời ngay, “Thế thì đừng. Viết sách đi. Cậu vẫn còn có các
ghi chép của mình và quyền lợi được tự do sử dụng chúng. Có ai ngăn cấm
cậu lưu lại những câu chuyện đó trong mấy trang sách <ngôn từ thô tục đã
được lược bỏ> của riêng mình đâu?”
Chắc chắn rằng vài nhà phê bình sẽ không ưa mấy việc cho xuất bản
một cuốn sách lịch sử cá nhân ngay khi thế giới chỉ vừa mới ổn định trở lại.
Dẫu gì thì cũng mới chỉ có mười hai năm kể từ khi Mỹ đại lục tuyên bố
Ngày Toàn Thắng ở Mỹ (VA Day), và cũng mới chỉ chưa được một thập kỉ
kể từ khi cường quốc cuối cùng được giải phóng nhân Ngày Toàn Thắng ở
Trung Quốc (VC Day). Do hầu hết mọi người đều coi VC Day là ngày
chiến tranh chính thức kết thúc, vậy nên làm sao mà ta có thể có được một
cái nhìn chân thực khi, theo như lời của một đồng nghiệp tôi ở UN: “Thời
gian chúng ta sống trong hoà bình ngang bằng thời gian chúng ta lâm
chiến.” Đây là một lập luận cũng có lí, và nó đòi hỏi phải có câu trả lời. Đối
với thế hệ này, những người đã chiến đấu và trải qua đau thương để đem lại
cho ta một thập kỉ bình yên, thời gian vừa là đồng minh vừa là kẻ thù.
Vâng, cần phải công nhận rằng những năm sắp tới sẽ giúp họ thêm hiểu rõ
các sự kiện đã qua, đem lại cách nhận định mới cho những kí ức thông qua
cái nhìn trưởng thành hơn của thế giới thời hậu chiến. Nhưng trong số các
kí ức đó, khá nhiều sẽ bị lãng quên, bị mắc kẹt trong những thân xác và linh
hồn quá tàn tạ hoặc ốm yếu, không thể chứng kiến thành quả chiến thắng
của mình được gặt hái. Chẳng ai lạ gì chuyện tuổi thọ trung bình trên toàn
thế giới giờ chỉ còn bằng một mẩu so với thời tiền chiến. Đói kém, ô nhiễm
môi trường, sự bùng phát trở lại của những căn bệnh đã bị diệt từ lâu là một
thực tại không chối cãi được, ngay cả nước Mỹ với nền kinh tế đang hồi
sinh và dịch vụ y tế phổ thông cũng không phải ngoại lệ; đơn giản là không
có đủ tài nguyên để giải quyết tất cả thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần.
Chính bởi kẻ thù thời gian này, tôi buộc phải bỏ qua việc có được cái nhìn
nhận sâu sắc hơn và xuất bản câu chuyện của những người sống sót. Có lẽ
vài chục năm sau, ai đó sẽ đảm nhiệm sư mệnh ghi chép lại kí ức của những
người sống sót già hơn, khôn ngoan hơn. Thậm chí có thể tôi sẽ là một
trong số họ
Dù rằng cuốn sách này chủ yếu ghi chép lại kí ức người trong cuộc, nó
vẫn bao gồm nhiều thông tin về khoa học công nghệ, xã hội, kinh tế,… có
trong bản Báo cáo Ủy ban bởi chúng có dính dáng đến câu chuyện của các
nhân vật góp mặt trong những trang giấy này. Cuốn sách này là của họ chứ
không phải tôi, và tôi đã hết sức cố gắng xóa bỏ sự hiện diện của mình.
Những câu hỏi được đưa vào trong sách chỉ nhằm mục đích thay thế cho
những câu độc giả có thể sẽ hỏi. Tôi đã gắng hết sức lược đi tất cả các phán
xét hay bình phẩm của bản thân, và nếu có bất kì một nhân tố con người
nào cần phải loại bỏ, hãy để nhân tố ấy là của tôi.
CẢNH BÁO
TRÙNG KHÁNH THƯỢNG, NƯỚC CỘNG HÒA LIÊN BANG
TRUNG QUỐC
[Vào thời hoàng kim trong giai đoạn trước chiến tranh, khu vực
này có tổng số dân hơn 35 triệu người. Giờ nó có chưa đến năm mươi
nghìn. Ở cái vùng này, kinh phí tái xây dựng được chuyển đến khá
chậm bởi chính phủ quyết định tập trung vào những vùng dân số đông
đúc hơn. Dọc bờ sông Yangtze không có hệ thống điện trung tâm,
không có nước máy. Nhưng đường phố đã không còn gạch đá vụn và
"hội đồng an ninh" đã ngăn không cho bất kì một vụ bùng phát nào
xảy ra sau chiến tranh nữa. Chủ tịch hội đồng đó là Kwang Jingshu,
một bác sĩ dù tuổi đã cao và mang một số thương tật trong chiến tranh
vẫn đến khám tận nhà cho bệnh nhân được.]
Trận bùng phát đầu tiên tôi chứng kiến xảy ra ở một ngôi làng vô danh
hẻo lánh. Dân sống ở đó gọi nó là “Đại Xưởng Mới”, nhưng đó chủ yếu là
do họ hoài niệm. Ngôi làng cũ của họ, “Đại Xưởng Cũ”, đã có từ thời Tam
Quốc với nhiều đồng ruộng, nhà cửa và thậm chí là cả cây cối tuổi đời lên
đến hàng trăm năm. Khi Đập Tam Sơn được xây xong và nước trong hồ
chứa bắt đầu dâng lên, phần lớn Đại Xưởng phải phá đi và xây lại ở vùng
đất cao hơn. Tuy nhiên, cái khu Đại Xưởng mới không còn là một ngôi làng
nữa mà là một "bảo tàng lịch sử quốc gia". Mấy người nông dân tội nghiệp
đó thấy làng mình được cứu nhưng rồi lại chỉ được làm khách về thăm chắc
phả đau lòng lắm. Đúng là trớ trêu. Có lẽ đó là lí do vài người trong số họ
quyết định đặt tên khu xóm mới xây là “Đại Xưởng Mới”: để giữ lại chút
gắn kết với di sản của mình dù chỉ là thông qua cái tên gọi. Tôi thì không
biết có cái khu Đại Xưởng Mới này, vậy nên chắc anh cũng có thể tưởng
tượng được tôi cảm thấy khó hiểu cỡ nào khi nhận được cuộc gọi ấy.
Cả khu bệnh viện lặng như tờ; đêm đó không đến mức nặng việc lắm,
mặc dù số lượng tai nạn do lái xe khi say xỉn ngày càng tăng. Thời đó xe
máy ngày càng có mốt. Bọn tôi hay đùa rằng mấy tay ở Harley-Davidson
của các anh giết nhiều thanh niên Trung Quốc hơn cả đám GI thời chiến
tranh Triều Tiên. Vậy nên tôi rất khoái ca trực yên tĩnh hôm đó. Tôi mệt rã
rời, lưng với chân thì nhức nhối. Tôi đang ra ngoài hút điếu thuốc và ngắm
hoàng hôn thì nghe thấy tên mình được gọi. Cô lễ tân hôm ấy mới vào làm
và tôi không nghe được cái giọng địa phương của cô ta. Vừa có một tai nạn
hay căn bệnh gì đó xảy ra. Ít nhất tôi cũng nghe được rằng đây là trường
hợp khẩn và hãy làm ơn gửi cứu trợ tới ngay.
Biết nói gì đây? Đám bác sĩ trẻ tuổi - mấy đứa nhãi ranh với cái tư
tưởng chữa bệnh chỉ là cách vỗ béo tài khoản ngân hàng, chắc chắn sẽ
không chịu giúp mấy tay “hai lúa” để làm ơn làm phước. Chắc tôi trong
thâm tâm vẫn hơi lí tưởng hoá. “Trách nhiệm của chúng ta là phải có nghĩa
1
vụ với nhân dân.” Đối với tôi mấy chữ đó vẫn còn chút trọng lượng…tôi tự
2
tâm niệm lại điều đó trong khi con xe Deer của mình nảy tưng tưng trên
con đường đất chính phủ đã hứa sẽ sửa nhưng mãi chưa bắt tay vào làm.
Lần ra được cái chỗ quái quỉ đó khó gần chết. Nó không tồn tại chính
thức nên chả có tên trên cái bản đồ nào hết. Tôi lạc mất vài lần và phải hỏi
đường dân địa phương. Họ lại cứ nghĩ tôi muốn đến cái làng bảo tàng. Khi
đến được chỗ mấy cái nhà trên đồi, tôi bắt đầu hơi mất kiên nhẫn. Lúc đó
tôi nghĩ, Mẹ kiếp, đây mà không phải việc quan trọng thì... Vừa nhìn thấy
mặt họ, tôi hối hận liền.
Có bảy người tất cả, ai nấy cũng nửa tỉnh nửa mê nằm trên chiếu. Dân
làng đã cho họ vào phòng hội đồng. Từ tường đến trần đều làm bằng xi
măng. Không khí thì lạnh lẽo, ẩm ướt. Tất nhiên là họ bị ốm rồi, Tôi nghĩ.
Tôi hỏi dân làng ai đã chăm sóc mấy người này. họ bảo là chẳng ai cả vì
không “an toàn.” Tôi thấy cửa bị khoá trái từ bên ngoài. Đám dân làng
trông sợ ra mặt. Họ co rúm lại, thì thầm; vài người đứng giữ khoảng cách
và cầu nguyện. Hành vi của họ khiến tôi thấy bực mình. Tôi không bực với
cá nhân họ, anh hiểu chứ, mà là về cái bộ mặt quốc gia mà họ đại diện. Sau
hàng mấy thế kỉ bị nước ngoài đô hộ, lợi dụng và lăng nhục, chúng tôi cuối
cùng cũng lấy lại được vị trí chính đáng của mình. Chúng tôi là cường quốc
giàu nhất và năng động nhất, dẫn đầu trên mọi mặt từ không gian vũ trụ cho
đến không gian ảo. Cuối cùng cũng đến kỉ nguyên mà cả thế giới phải thừa
nhận là "Thời Đại Của Trung Quốc” vậy mà trong số chúng tôi vẫn tồn tại
những kẻ như những người nông dân ngu dốt này, mê tín và mê muội như
lũ người man thời Ngưỡng Thiều.
Tôi vẫn đang mải chìm đắm trong dòng suy tư chỉ trích văn hoá mang
tính vĩ mô của mình khi quì xuống khám cho bệnh nhân đầu tiên. Bà ta bị
sốt cao, bốn mươi độ C và đang run lẩy bẩy. khi tôi thử nhấc các chi của bà
lên, bà ta thì thầm mấy tiếng rất khó hiểu. Cẳng tay phải của bà ta có một
vết thương, một vết cắn. Khi khám nghiệm kĩ hơn, tôi nhận thấy đây không
phải do động vật gây ra. Khẩu độ vết cắn cũng như vệt răng này là của một
con người nhỏ bé hoặc rất trẻ. Dù tôi chẩn đoán đây là nguồn gây nhiễm
trùng, cái vết thương lại sạch một cách đáng ngạc nhiên. Tôi lại hỏi dân
làng ai đã chăm sóc cho những người này. Họ lại một lần nữa nói rằng
không ai cả. Tôi biết rõ ràng không thể có chuyện như vậy. Miệng người
chứa nhiều vi khuẩn hơn cả những con chó bẩn thỉu nhất. Nếu chưa ai rửa
sạch vết thương cho người đàn bà này thì sao nó chưa sưng vù lên vì nhiễm
trùng?
Tôi khám cho sáu bệnh nhân còn lại. Tất cả đều có triệu chứng giống
nhau, ai cũng mang các vết thương tương tự ở nhiều chỗ khác nhau trên
người. Tôi hỏi người trông có vẻ tỉnh táo nhất ai hay con gì đã gây ra những
thương tật này. Anh ta nói với tôi rằng họ bị như vậy khi đang cố tìm cách
khống chế “thằng bé”.
“Ai?” Tôi hỏi.
Tôi được diện kiến “Người Khởi Bệnh” đằng sau cánh cửa khóa chặt
của một ngôi nhà bỏ hoang cuối làng. Thằng bé mới mười hai tuổi. Tay
chân nó bị người ta lấy dây nhựa gói hàng trói chặt lại. Phần da quanh chỗ
bị trói của nó đã bị cọ xước hếtnhưng lại không có chút máu me nào. Ngay
trên mấy vết thương khác như mấy vệt cào cấu trên tay và chân hay cái chỗ
trống to đùng khô cứng mà đáng ra là ngón cái chân phải của nó cũng
không có giọt máu nào. Thằng bé quằn quại như một con thú hoang; mấy
tiếng gào của nó bị cái miếng bịt mồm bóp nghẹt.
Ban đầu người dân ngăn tôi lại. Họ cảnh báo tôi đừng đụng vào thằng
bé, nói rằng nó bị “nguyền rủa.” Tôi bỏ hết ngoài tai và lôi khẩu trang, găng
tay ra. Da đứa bé lạnh buốt và xám xịt như cái sàn xi măng nó đang nằm
trên. Tôi không thể nào nghe được nhịp tim hay dò thấy mạch nó đâu hết.
Mắt nó trông hoang dại, trừng to và lún sâu vào trong hốc mắt. Chúng nhìn
tôi chằm chằm như ánh mắt thú ăn thịt vậy. Trong khi tôi khám xét thằng bé
có thái độ thù địch rất khó hiểu. Mấy cái tay bị trói của nó cứ cố tóm lấy tôi
còn mồm nó thì cứ đớp đớp tôi dưới lớp bịt.
Thằng bé lồng lộn mạnh bạo đến mức tôi phải nhờ hai anh dân làng to
con nhất giúp tôi ghì nó xuống. Mới đầu họ không dám nhúc nhích, cứ nấp
phía sau cửa như một lũ thỏ con. Tôi giải thích rằng nếu họ đeo găng và
mang khẩu trang thì sẽ không sợ nhiễm trùng. Khi thấy họ lắc đầu, tôi nói
đó là lệnh, mặc dù tôi chả có tí quyền chức gì để sai bảo họ.
Nói vậy là đủ. Hai gã trâu mộng quì xuống bên tôi. Một người giữ chân
thằng bé trong khi người kia tóm tay. Tôi thử lấy mẫu máu của nó nhưng lại
chỉ lấy được một cái mớ chất nâu nhầy nhầy. Trong khi đang rút mũi tiêm
ra, thằng bé lại bắt đầu vùng lên dữ dội.
Một tên trong số đám “lính” của tôi, người đang giữ tay thằng bé, không
dám tóm nữa và nghĩ rằng lấy gối đè tay nó xuống sàn chắc sẽ an toàn hơn.
Nhưng thằng bé lại giật và tôi nghe tiếng tay trái nó gãy lìa. Hai cái đầu lởm
chởm của cả xương quay lẫn xương trụ đâm xuyên qua mớ thịt xám ngoét
của nó. Dù thằng bé không hề kêu khóc, thậm chí dường như còn không
thèm để ý, cả hai trợ lí của tôi đều bật lùi lại và chạy ra khỏi phòng.
Tôi cũng lùi lại vài bước theo bản năng. Nói điều này ra kể cũng hơi
xấu hổ nhưng tôi làm ngành y gần như cả đời rồi. Tôi được huấn luyện
và…có thể nói là được “nuôi nấng” bởi Quân đội Giải phóng Nhân dân. Tôi
đã từng chữa chạy cho hàng chục thương tật chiến tranh, đối diện với tử
thần không chỉ một lần, vậy mà giờ đây tôi lại đang thực sự khiếp đảm đứa
bé yếu ớt này.
Thằng bé bắt đầu vặn vẹo người về phía tôi, tay nó đứt lìa. từng thớ thịt
với cơ cứ lần lượt bị rứt ra cho đến khi chỉ còn có mỗi một mẩu thịt. Giải
phóng được tay phải, nó bắt đầu lết mình băng qua sàn. Cái tay trái bị đứt
lìa vẫn còn buộc bên tay mặt.
Tôi chạy thục mạng ra ngoài, khóa trái cửa lại. Tôi cố gắng trấn tĩnh lại,
tìm cách kiểm soát nỗi khiếp đảm và xấu hổ. Tôi hỏi mấy người dân làng
bằng giọng vẫn còn hơi run rằng thằng bé bị nhiễm bệnh kiểu gì. Không ai
trả lời. Tôi bắt đầu nghe thấy tiếng cửa nện thình thình. Thằng bé đang yếu
ớt đập cái cửa gỗ mỏng. Tôi suýt chút nữa thì nhảy dựng lên. Tôi thầm vái
trời không ai nhận thấy mặt tôi đang ngày càng tái nhợt. Nửa vì sợ và nửa
vì cáu, tôi gào lên rằng tôi cần phải biết chuyện gì đã xảy ra với đứa trẻ này.
Một người phụ nữ trẻ bước lên phía trước, chắc là mẹ thằng bé. Nhìn là
biết chị ta đã khóc suốt mất ngày rồi; mắt chị ta khô và đỏ cạch. Chị thú
nhận rằng chuyện ấy xảy ra khi thằng bé cùng cha đi “câu trăng,” – thuật
ngữ chỉ việc đi lặn tìm kho báu trong cái đống đổ nát đã bị nhấn chìm ở khu
Hồ Chứa Tam Sơn. Do ở đó có đến hơn 110 ngôi làng, thị trấn và thậm chí
là thành phố bị bỏ hoang, người taluôn có khả năng sẽ lượm lặt được món
đồ nào đó có giá trị. Hồi đó chuyện này diễn ra như cơm bữa nhưng đồng
thời cũng khá là phi pháp. Chị ta thanh minh rằng họ không phải trộm cắp
gì hết, rằng Đại Xưởng Cũ là làng của họ và họ chỉ cố gắng thu hồi lại mấy
thứ bảo vật gia truyền từ những ngôi nhà chưa được dời đi. Chị ta tua đi tua
lại luận điệu đó, và tôi buộc phải cắt ngang lời mà hứa rằng sẽ không báo
với cảnh sát. Cuối cùng thì chị ta cũng giải thích rằng thằng bé gào khóc
chạy về nhà với một vết cắn trên chân. Nó không biết chuyện gì vừa xảy ra,
nước chỗ đó quá tối và đục. Không ai thấy tăm hơi cha thằng bé đâu cả.
Tôi rút điện thoại ra gọi cho bác sĩ Gu Wen Kuei, một chiến hữu thời
quân ngũ giờ đang làm ở Viện Bệnh Truyền Nhiễm ở Đại học Trùng
3
Khánh. Chúng tôi chào nhau qua loa, hỏi thăm sức khỏe, tình hình con
cháu; tất cả chỉ là phép xã giao. Sau đó tôi kể cho lão ta nghe về căn bệnh
đang bùng phát và nghe hắn cợt nhả chút xíu về thói quen vệ sinh cá nhân
của hội nông dân chân đất. Tôi cố nặn ra cười nhưng tiếp tục nói rằng tôi
nghĩ vụ việc này có vẻ nghiêm trọng. Lão ta hỏi lại tôi về các triệu chứng
với cái giọng nghe hơi miễn cưỡng. Tôi kể cho lão nghe tất cả: mấy vết cắn,
cơn sốt, thằng bé, cái cánh tay…mặt lão ấy đột nhiên cứng đơ lại. Nụ cười
của lão héo dần.
Lão bảo tôi cho lão nhìn thấy người bệnh. Tôi quay trở lại vào phòng
hội đồng và lia máy quay điện thoại qua từng bệnh nhân. Lão bảo tôi dịch
cái máy quay vào gầnmột số vết thương. Sau khi cho lão xem xong tôi nhấc
điện thoại về phía mặt mình.Lão không còn gọi hình nữa.
“Ông ở im đấy,” lão nói. Giờ lão chỉ còn là một cái giọng xa xăm, cách
biệt. “Lấy tên tất cả những ai đã tiếp xúc với người bệnh. Những ai đã
nhiễm bệnh rồi thì phải nhốt chặt. Nếu có ai đã bị hôn mê thì sơ tán cả
phòng và tìm lối thoát hiểm.” giọng lão ấy nghe lạnh lùng, máy móc, như
thể lão đã luyện nhẵn cái bài nói này hoặc là đang ngồi đọc từ đâu đó. Lão
hỏi tôi, “Ông có vũ khí gì không?” “Có để làm gì?” Tôi hỏi lại. Giọng lão
lại bắt đầu sự vụ sự việc, bảo rằng sẽ gọi lại sau. Lão nói lão cần phải gọi
cho vài người và rằng tầm vài tiếng nữa tôi sẽ có "hỗ trợ".
Chưa được một tiếng họ đã đến rồi. Năm chục người trong trực thăng
quân sự Z-8A; ai nấy đều mặc đồ bảo hộ sinh học. Họ nói họ là người của
Bộ Y Tế. Tôi chả hiểu họ định lừa ai. Nhìn điệu bộ hung hăng với cái thái
độ ngạo mạn đáng sợ ấy, đến ngay mấy tay nông dân chân đất mắt toét này
cũng nhận ra đây là bọn Guoanbu.
4
Mục tiêu đầu tiên của họ là phòng hội đồng. Bệnh nhân được khiêng ra
trên cáng, tay chân bị cùm, mồm thì bị bịt. Sau đó họ đi kiếm đứa bé. Nó
được đưa ra trong túi đựng xác. Mẹ thằng bé kêu khóc thảm thiết trong khi
chị ta cùng dân làng bị quây lại để “khám nghiệm.” Họ bị lấy tên, lấy mẫu
máu. Từng người một phải lột đồ ra để chụp ảnh lại. Người cuối cùng phải
khám xét là một bà lão già nua. Người bà gầy gò, lưng đã còng, mặt nhăn
nheo, chân thì bé tí chắc do hồi nhỏ bó chân. Bà dứ dứ nắm đấm xương xẩu
về phía lũ “bác sĩ.” “Đây là hình phạt của các ngươi!” bà gào lên. “Đây là
quả báo cho Phong Đô!”
Bà ta đang nhắc tới Thành phố Ma, nơi có nhiều đền đài, miếu mạo thờ
cúng cõi âm. Cũng như Đại Xưởng Cũ, thành phố đó không may mắn lại là
một trong những chướng ngại đối với cuộc Đại Nhảy Vọt của Trung Quốc.
Thành phố được di dời, sau đó phá huỷ rồi bị nhấn chìm gần như là toàn bộ.
Tôi vốn không phải người mê tín và tôi không bao giờ dám để mình nghiện
cái thứ thuốc phiện của dân ấy. Tôi là một bác sĩ, một nhà khoa học. Tôi chỉ
tin cái gì tôi nhìn tận mắt, sờ tận tay. Đối với tôi Phong Đô chỉ là cái chỗ
hút khách du lịch rẻ tiền, vô vị. Tất nhiên lời lẽ mụ khọm già này không ảnh
hưởng gì đến tôi hết, nhưng sắc giọng, cái sự giận dữ của bà ta… bà ta đã
chứng kiến đủ tai ương trong đời: lũ địa chủ, bọn Nhật, cơn ác mộng mang
tên Cuộc Cách mạng Văn hóa…bà biết lại sắp có biến xảy ra cho dù bà
không đủ học vấn để hiểu được nó.
Lão Kuei đồng nghiệp tôi hiểu quá rõ điều này. Lão thậm chí còn liều
mạng cảnh báo tôi, cho tôi đủ thời gian để gọi và cảnh báo vài người trước
khi “Bộ Y Tế” đến. Nó thể hiện qua lời lẽ của lão… lão nói một câu mà lâu
lắm chưa dùng, kể từ cái thời vẫn còn mấy cuộc xung đột “nho nhỏ” dọc
biên giới Liên Xô. Năm đó là năm 1969. Chúng tôi đang ở bên bờ sông
Ussuri, trong một cái boong-ke ngầm ở phần đất quân tôi nắm giữ cách cửa
sông Chen Bao chưa đầy một cây. Phía bọn Nga đang chuẩn bị tái chiếm
hòn đảo. Trọng pháo của chúng dồn dập nã sang bên chúng tôi.
Gu cùng tôi đang cố lấy mấy mảnh găm trên bụng một anh lính không
trẻ hơn chúng tôi là mấy. Ruột cậu ta đã bị xé toạc, máu với chất thải xú uế
thấm đẫm áo choàng. Cứ bảy giây là lại có một quả đạn pháo rơi xuống bên
cạnh và chúng tôi phải cúi gập người xuống che cho vết thương của cậu ta
khỏi bị đất cát bay vào. Và mỗi lần làm vậy chúng tôi lại ở đủ gần để nghe
cậu ta thì thào gọi mẹ. Chúng tôi cũng nghe thấy nhiều giọng nói khác đến
từ trong đêm tối bên kia cánh cửa dẫn vào boong-ke của chúng tôi. Những
giọng nói tuyệt vọng, giận dữ mà đáng ra phải ở bên kia sông. Canh cửa
boong-ke có hai người lính. Một trong số họ la lên “Spetsnaz!” và bắt đầu
nã đãn vào trong bóng tối. Giờ chúng tôi cũng bắt đầu nghe được nhiều
tiếng súng khác, của ta hay của địch, chúng tôi đều không hay.
Thêm một phát pháo nữa giáng xuống và chúng tôi chúi người che cho
chàng trai đang hấp hối. Mặt Gu cách tôi chỉ có vài phân. Trán lão ròng
ròng mồ hôi. Ngay cả trong cái ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu, tôi vẫn
thấy lão đang run cầm cập, mặt cắt không một giọt máu. Lão nhìn bệnh
nhân, rồi nhìn về phía cửa, rồi nhìn lại về phía tôi, rồi đột nhiên lão nói,
“Đừng lo, mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đó.” Cái tay này vốn cả đời chưa bao
giờ nói một câu gì nghe lạc quan. Gu là người hay lo lắng thái quá. Nếu lão
bị đau đầu, đó là do khối u não; nếu trời sắp mưa, mùa vụ năm nay coi như
đi đứt. Đây là cách lão kiểm soát tình huống. Giờ đây, khi thực tại còn thảm
khốc hơn bất kì dự đoán quái gở nào của lão, lão chỉ còn cách quay đầu đi
theo hướng ngược lại. “Đừng lo, mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đó.” Lần đầu
tiên mọi thứ diễn ra đúng như lão dự đoán. Quân Nga không vượt qua được
sông và chúng tôi thậm chí còn cứu sống được bệnh nhân.
Suốt mấy năm sau đó tôi toàn trêu lão rằng phải tốn công thế nào mới
cậy được chút lời lẽ tích cực ra khỏi mồm hắn, và lão luôn trả lời rằng
chuyện phải kinh khủng hơn nữa hắn mới nói lại câu đó. Giờ chúng tôi đã
cao tuổi rồi, và một thứ còn tệ hại hơn đang sắp đến. Nó xảy ra ngay sau khi
lão hỏi tôi có vũ khí không. “Không,” tôi đáp, “có để làm gì?” lão im lặng
một lúc. Tôi chắc chắn có người khác đang lắng nghe. “Đừng lo,” lão nói,
“mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đó.” Đó chính là lúc tôi nhận ra đây không phải
là một trận bùng phát dịch đơn lẻ. Tôi ngắt máy và ngay lập tức gọi cho con
gái tôi ở Quảng Châu.
Chồng con bé làm ở Telecom Trung Quốc và tháng nào cũng có một
tuần phải ra nước ngoài. Tôi bảo nó tốt nhất lần sau chồng nó bay thì hãy đi
cùng và nhớ mang đứa cháu tôi theo và ở lại bên đó càng lâu càng tốt. Tôi
không có thời gian giải thích; tín hiệu của tôi bị nghẽn ngay khi chiếc trực
thăng đầu tiên xuất hiện. Điều cuối cùng tôi có thể nói với con bé là “Đừng
lo, mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đó.”
[Kwang Jingshu bị MSS bắt giữ và tống giam không qua xét xử.
Khi ông trốn ra được, dịch bệnh đã bùng phát ra ngoài biên giới Trung
Quốc.]
LHASA, NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TIBET
[Thành phố đông dân nhất thế giới này vẫn chưa kịp hoàn hồn sau
khi kết quả cuộc tổng tuyển cử được công bố tuần trước. Đảng dân chủ
xã hội đã hạ gục và giành chiến thắng vang dội trước Đảng Llamist và
đường phố vẫn rộn ràng tiếng reo vui. Tôi hẹn gặp Nury Televaldi ở
một quán cà phê đông khách trên vệ đường. Chúng tôi phải hét lên để
át tiếng huyên náo.]
Trước khi bệnh dịch bùng phát, buôn lậu bằng đường bộ không được
chuộng lắm. Dàn xếp hộ chiếu, kiếm xe đi tua giả, vận động các mối liên hệ
và kiếm bảo kê ở bên kia biên giới tốn cả đống tiền. Hồi đó, hai con đường
buôn lậu béo bở nhất là vào Thái Lan hoặc Miến Điện. Ở Kashi, quê cũ của
tôi, chỉ có đường duy nhất là đi vào mấy nước Cộng hòa Liên Xô Cũ. Chả
5
ai muốn vào đó cả, thế nên lúc đầu tôi không phải là shetou. tôi là người
nhập khẩu: thuốc phiện thô, kim cương thô, gái, trai, bất cứ thứ gì đáng giá
của mấy cái đất nước hủ lậu ấy. Trận đại dịch thay đổi tất cả. Đột nhiên
chúng tôi trở nên rất đắt hàng, và không phải tất cả đề nghị đều đến từ phía
6
bọn liudong renkou mà còn có cả đám chóp bu, theo cách nói dân dã.
Khách tôi có chuyên gia đô thị, chủ trang trại tư nhân, thậm chí cả quan
chức nhà nước cấp thấp. Họ đều có rất nhiều thứ để mất. Họ không quan
tâm mình đang đi đâu, họ chỉ muốn thoát ra khỏi đây.
Anh có biết họ đang chạy trốn thứ gì không?
Tôi có nghe tin đồn. Thậm chí còn có cả một trận bùng phát dịch ở
Kashi. Chính phủ đã ém nhẹm mọi thứ khá chóng vánh. Nhưng chúng tôi
vẫn đoán, vẫn biết được có gì đó không ổn.
Chính quyền có tìm cách ngăn chặn các anh không?
Chính thức thì họ có làm. Buôn lậu bị phạt nặng hơn; các điểm chốt
biên giới được canh phòng nghiêm ngặt. Họ thậm chí còn công khai xử tử
vài shetou để làm gương. Nếu anh không biết câu chuyện thật, nếu anh
không nhìn nó từ góc nhìn của tôi, anh hẳn sẽ nghĩ cuộc ngăn chặn diễn ra
khá hiệu quả.
Anh nói nó không hiệu quả sao?
Tôi nói nó khiến túi nhiều người rủng rỉnh: lính biên phòng, quan chức
nhà nước, cảnh sát, thậm chí cả thị trưởng. Đó là thời hoàng kim của Trung
Quốc, và cách tốt nhất để vinh danh Mao Chủ Tịch là nhìn thấy mặt của
ngài trên càng nhiều tờ một trăm nhân dân tệ càng tốt.
Anh phất lên đến vậy cơ ?
Kashi là một thành phố mới phát triển. Tôi nghĩ đến 90 phần trăm hoặc
hơn tổng số vụ buôn lậu đường bộ từ hướng Tây đều trót lọt và vẫn còn lại
một chút cho đường hàng không.
Đường hàng không?
Chỉ một chút thôi. Tôi có tham gia chuyên chở renshe (người vượt biên)
bằng đường không, thi thoảng làm vài chuyến sang Kazakhstan hoặc Nga.
Mấy việc lẻ tẻ ấy mà. Nó không được như phía Đông. Mấy thành phố như
Quảng Đông hoặc Giang Tô tuần nào cũng tuồn được hàng ngàn người ra.
Anh có thể giải thích rõ hơn không?
Buôn lậu đường không trở nên rất béo bở ở các tỉnh miền Đông. Bọn
khách hàng giàu sụ, toàn những người có thể chi tiền cho các gói du lịch đặt
trước và visa du lịch hạng nhất. Họ xuống máy bay ở London hoặc Rome,
hay thậm chí ở San Francisco, vào khách sạn, ra ngoài thăm quan một ngày
và rồi cứ thế mà biến mất không một dấu vết. Cả một khoản lợi nhuận kếch
xù. Tôi rất muốn chuyển sang làm vận chuyển hàng không.
Thế còn căn bệnh thì sao? Chẳng phải có nguy cơ bị phát hiện sao?
Cái đó về sau mới có, sau vụ Phi cơ 575. Mới đầu không nhiều người
mang bệnh đi mấy chuyến bay này. Nếu có thì họ đều ở trong giai đoạn đầu.
Shetou vận chuyển lậu hàng không rất thận trọng. Nếu anh có triệu chứng
bệnh phát triển nặng, họ sẽ không dám lại gần anh. Họ phải đảm bảo cho
công việc kinh doanh của mình. Muốn lừa được nhân viên nhập cư trước
tiên phải lừa được shetou của mình. Đó là nguyên tắc vàng. Mọi cử chỉ
hành động cũng như bộ dạng của anh phải trông hoàn toàn khoẻ mạnh.
Ngay cả khi ấy, anh vẫn phải chạy đua với thời gian. Tước vụ Phi cơ 575,
tôi có nghe kể về một đôi vợ chồng, một doanh nhân thành đạt và vợ mình.
Tay doanh nhân bị cắn. Vết thương không nghiêm trọng mà là kiểu “ngấm
chậm”, các mạch máu lớn đều không bị thương tổn, anh hiểu chứ? Chắc họ
nghĩ phương Tây có thuốc. Rất nhiều người mắc bệnh nghĩ vậy. Hình như
họ vừa đến được phòng khách sạn của mình ở Paris thì ông chồng bắt đầu
quị. Vợ hắn định gọi bác sĩ nhưng hắn không cho. Hắn sợ cả hai sẽ bị trục
xuất về nước. Thay vào đó hắn ra lệnh cho vợ bỏ hắn ở lại và trốn ngay
trước khi hắn bắt đầu hôn mê. Tôi nghe người ta bảo rằng vợ hắn làm thế
thật, và sau hai ngày nghe toàn tiếng rên rỉ và đập phá, đám nhân viên
khách sạn quyết định mặc kệ cái biển KHÔNG ĐƯỢC QUẤY RẦY và
xông vào phòng. Tôi không rõ liệu có phải dịch bệnh ở Paris bùng phát là vì
thế hay không nhưng nghe cũng có lí.
Anh nói họ không gọi bác sĩ, rằng họ sợ bị trục xuất về nước, nhưng
nếu thế thì họ sang phương Tây kiếm thuốc làm gì?
Anh đúng là không hiểu tâm lí dân tị nạn gì cả. Họ đang tuyệt vọng. Họ
bị chết tắc giữa hai lựa chọn: bị kết liễu bởi căn bệnh mang trong người hay
bị chính quyền quây lại và “chữa trị”. Nếu anh có người thân, một thành
viên trong gia đình, một đứa con bị nhiễm bệnh, và anh nghĩ ở nước nào đó
vẫn còn le lói chút hi vọng, chẳng phải anh cũng sẽ sẵn sàng làm tất cả để
vượt sang bên đấy? Chẳng phải chính anh cũng sẽ muốn tin rằng vẫn còn hi
vọng sao?
Anh có nói rằng vợ doanh nhân kia cùng các renshe khác biến mất
không một dấu vết.
Lúc nào nó chả thế, thậm chí còn trước khi bùng phát dịch bệnh. Một số
ở với người thân, một số khác ở với bạn. Hầu hết đám dân nghèo phải làm
thuê để trả nợ cho đám mafia Trung Quốc. Phần lớn bọn họ cứ thế mà biến
mất hút vào phần bụng dưới của đất nước đó.
Khu thu nhập thấp ấy à?
Nếu anh muốn gọi nó như thế. Còn chỗ trốn nào lí tưởng hơn cái nơi mà
cả xã hội không ai muốn thừa nhận là có tồn tại. Chứ không thì làm sao ở
mấy khu ổ chuột của các nước phát triển lại có nhiều trận dịch lại bùng phát
ra như thế?
Người ta đồn rằng một số shetou có loan truyền tin về sự tồn tại của
một phương thuốc nhiệm màu ở các nước khác.
Vài người làm thế thật.
Anh thì sao?
[Im lặng.]
Không.
[Lại im lặng.]
Vụ Phi cơ 575 thay đổi buôn lậu bằng đường không như thế nào?
Luật lệ được siết chặt, nhưng chỉ ở một số nước. Shetou hàng không
vốn thận trọng nhưng cũng lại rất biết xoay xở. Họ có câu ngạn ngữ này,
“nhà của bất cứ đại gia nào cũng đều có lối vào cho người hầu.”
Nói vậy nghĩa là sao?
Nếu Tây Âu thắt chặt an ninh, đi qua đường Đông Âu. Nếu Mỹ không
cho nhập cảnh, đi vào từ phía Mexico. Nó giúp mấy nước của bọn da trắng
giàu có đó cảm thấy an toàn hơn mặc dù dịch bệnh đã bắt đầu bùng phát
trong ranh giới quốc gia của họ rồi. Hãy nhớ đây không phải lãnh vực
chuyên môn của tôi. Tôi chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ và các quốc
gia mục tiêu của tôi là trung tâm Châu Á.
Mấy quốc gia đó có dễ vào hơn không?
Họ gần như lạy chúng tôi buôn lậu sang đó. Mấy nước này kinh tế suy
thoái và quan chức bảo thủ, tham nhũng đến mức họ thậm chí còn giúp
chúng tôi giải quyết giấy tờ để lấy hoa hồng. Thậm chí còn có mấy shetou
hay cái gì đó tương tự trong ngôn ngữ của lũ man di này giúp chúng tôi đưa
renshe vượt biên các nước Cộng hòa Liên Xô cũ sang các nước như Ấn Độ
hay Nga hoặc thậm chí là Iran, dù tôi chả bao giờ dỏi hay muốn biết đám
renshe của mình đi đâu. Nhiệm vụ của tôi kết thúc ở biên giới. Tôi chỉ phải
lấy dấu giấy tờ, gắn biển vào xe, hối lộ lính biên phòng và lĩnh thù lao.
Anh có thấy nhiều con bệnh không?
Mới đầu thì không. Bệnh diễn tiến quá nhanh. Đây khác với đi đường
không. Muốn đến Kashi có khi phải mất vài tuần, và theo như tôi nghe nói
thì ngay cả vết thương ngấm chậm nhất cũng không thể trụ được quá vài
ngày. Các khách mang bệnh thường sống lại đâu đó dọc đường, bị cảnh sát
địa phương nhận diện tóm hết. Về sau, khi số người mang bệnh gia tăng
khiến cảnh sát bị áp đảo, tôi bắt đầu thấy nhiều con bệnh trên đường.
Chúng có nguy hiểm không?
Hiếm khi lắm. Thường thì chúng bị gia đình trói và bịt mồm lại hết rồi.
Lắm lúc tôi thấy cái gì đó chuyển động ở sau một chiếc xe, hơi cựa quậy
dưới các lớp quần áo hay chăn dày. Còn cả tiếng đập tay phát ra từ ngăn
hành lí hay về sau là từ mấy cái lỗ thông khí trên mấy cái thùng để đằng sau
xe. Lỗ thông khí… họ đúng là không biết chuyện gì đang xảy ra với người
thân của mình.
Anh có biết không?
Đến lúc đó thì rồi, nhưng tôi thừa hiểu giải thích cho họ chỉ phí nước
bọt. Tôi chỉ việc nhận tiền và đưa họ đi. Số tôi còn may. Tôi chả bao giờ
phải giải quyết mấy cái vấn đề của bọn buôn lậu đường thủy.
Đường đó khó hơn à?
Và cả nguy hiểm nữa. Người quen của tôi ở mấy tỉnh ven biển luôn bị
mối nguy treo lơ lửng trên đầu đó là có con bệnh thoát ra được và lây hết
cho cả tàu.
Họ đối phó như thế nào?
Tôi có nghe kể về khá nhiều “giải pháp.” Đôi lúc tàu được neo ở mấy
dải đất đảo hoang — đất ở đâu cũng được, không nhất thiết phải là quốc gia
đang định đến — và “tháo dỡ” những renshe đã bị nhiễm bệnh. Nghe đồn
có một số thuyền trưởng còn lái ra giữa đại dương và cứ thế quăng cả đám
mè nheo kia ra khỏi mạn tàu. Đó có thể là lí do xảy ra mấy vụ người đi bơi
và thợ lặn biến mất tăm, hoặc là lí do tại sao trên khắp thế giới người ta cứ
nói đã nhìn thấy chúng bước ra từ con sóng. Ít nhất tôi không phải giải
quyết mấy vụ đó.
Tôi cũng có gặp một vụ tương tự. Vụ đó cho tôi thấy đến lúc phải thôi
rồi. Hôm đó tôi gặp một cái xe tải cà tàng cũ kĩ. Tôi có thể nghe thấy tiếng
rền rĩ từ phía thùng xe. Từng nắm đấm cứ thế nện thình thình vào bức thành
nhôm. Cả cái xe lắc lư liên tục. Trong buồng lái là một tay đầu cơ ngân
hàng giàu có đến từTây An. Hắn kiếm được cả gia tài nhờ mua bán nợ thẻ
tín dụng Mỹ. Hắn đủ tiền để chu cấp cho cả cái đại gia đình nhà hắn. Bộ vét
Armani của hắn nhàu nhĩ, rách nát. Ngang mặt hắn có mấy vệt cào còn mắt
thì ánh lên vẻ sợ hãi đến rồ dại mà càng ngày tôi càng bắt gặp nhiều. Tay tài
xế có ánh mắt khác, cũng tương tự ánh mắt của tôi, ánh mắt của một kẻ
đang suy tư rằng có lẽ tiền chẳng bao lâu nữa sẽ chả còn tí nghĩa lí gì. Tôi
biếu hắn thêm năm chục và chúc hắn may mắn. Tôi chỉ làm được đến có
thế.
Cái xe ấy đi về đâu?
Kyrgyzstan.
METEORA, HI LẠP
[Các tu viện được xây dựng trên những triền đá dốc, không tiếp cận
được. Một số tòa nhà tọa lạc trên những bức vách cao gần như thẳng
đứng. Nơi đây trước vốn là nơi lẩn tránh quân Ottoman Thổ Nhĩ Kì.
Sau này, nó cũng là nơi ẩn náu khá lí tưởng đối với đám thây ma.
Những cái cầu thang thời hậu chiến, chủ yếu làm từ kim loại hoặc gỗ và
có thể dễ dàng rút ra rút vào, giúp đáp ứng nhu cầu của dòng thác
những người hành hương và khách du lịch. Trong vòng vài năm trở lại
đây, Meteora đã trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với cả hai nhóm
người trên. Một số người đến để ban tri thức cũng như được giác ngộ,
một số khác chỉ đến tìm chút bình yên. Stanley MacDonald rơi vào
hạng mục hai. Là một cựu binh của gần như mọi chiến dịch quân sự
trên khắp mọi nẻo miền đất quê hương Canada, ông lần đầu tiên chạm
trán với thây ma trong một cuộc chiến khác khi Tiểu đoàn Ba trực
thuộc đơn vị bộ binh PPCLI (Princess Patricia’s Canadian Light
Infantry) đang tiến hành các chiến dịch ngăn chặn buôn thuốc phiện ở
Kyrgyzstan.]
Làm ơn đừng nhầm chúng tôi với “Biệt đội Alpha” bên Mỹ.Chuyện này
xảy ra từ trước khi họ được ra quân, trước “Cuộc Đại Loạn,” trước khi
Israeli tự cách ly kiểm dịch…Thậm chí còn trước cả trận bùng phát công
khai nghiêm trọng đầu tiên ở thị trấn Cape. Đây là lúc bệnh dịch mới bắt
đầu lây lan, trước khi bất kì ai ý thức được điều gì đang xảy đến. Nhiệm vụ
của chúng tôi vẫn chả khác gì lệ thường: thuốc phiện và cần sa, hai loại cây
trồng xuất khẩu chủ yếu của bọn khủng bố trên toàn thế giới. Đó là tất cả
những gì chúng tôi phải đương đầu nơi mảnh đất khô cằn sỏi đá này từ
trước đến nay. Lái buôn, trộm cướp và lính đánh thuê. Chúng tôi chỉ lường
được đến mức đó. Chúng tôi chỉ sẵn sang cho những thứ đó.
Lối vào hang tìm khá dễ. Chúng tôi lần ra nó nhờ vệt máu dẫn ra từ xe
bộ hành. Liếc qua thôi chúng tôi biết ngay có gì đó không ổn. Không có
xác. Các bộ lạc đối nghịch luôn phanh thây nạn nhân và quẳng ra đó để
cảnh cáo nhau. Máu thì có, chảy lênh láng khắp nơi. Máu và mấy mẩu thịt
nâu thối rữa. Nhưng mấy cái xác chúng tôi tìm được chỉ độc có la thồ.
Chúng dường như bị thú hoang giết chết chứ không phải bị bắn hạ. Ruột
gan chúng bị xé ra và trên người đầy những vết cắn lớn. Chúng tôi đồ là do
chó hoang. Mấy cái đồ chết tiệt ấy to và dữ dằn ngang sói Bắc Cực, cứ kéo
bầy lang thang khắp các thung lung.
Điều khó hiểu nhất là đống hàng hóa vẫn nằm nguyên trong bao yên
hoặc văng tứ tung quanh mấy cái xác. Kể cả nếu đây không phải thành quả
của bọn khủng bố, kể cả nếu đây chỉ là một cuộc giết chóc trả đũa giữa các
7
bộ tộc hay đạo phái, không ai lại đi bỏ nguyên năm chục cân tiên nâu thô
chất lượng tốt, hay mấy khẩu súng trường chưa sứt mẻ gì, hay chiến lợi
phẩm cá nhân nhưđồng hồ, máy nghe đĩa, thiết bị định vị GPS.
Vệt máu dẫn từ khu tàn sát ven sông ấy lên núi. Rất nhiều máu. Người
nào mất từng ấy máu khi đã quị chắc sẽ không còn gượng dậy nổi nữa. Ấy
vậy mà tay này làm được. Hắn không được ai chữa trị. Không có bất cứ một
dấu vết gì khác. Theo như những gì chúng tôi quan sát được, gã này chạy,
chảy máu, ngã sấp mặt — chúng tôi vẫn thấy cái vết mặt máu me của hắn in
hằn trên cát. Chả hiểu sao hắn nằm im đó được một lúc mà không chết ngạt,
không chết vì mất máu.Rồi hắn lại đứng lên và bắt đầu lê bước. Dấu chân
mới khác hẳn so với dấu cũ. Chúng chậm hơn, gần nhau hơn. Chân phải
hắn bị kéo lê. Rõ ràng đây là lí do hắn làm rơi giày: một chiếc Nike cũ kĩ,
mòn vẹt. Trong các vệt châncó lấm chấm mấy giọt dịch gì đó. Không phải
máu, hoặc không phải của người, mà là mấy giọt chất gì đen đen, khô cứng,
đóng cặn mà chả ai trong số chúng tôi nhận ra là cái quái gì. Chúng tôi lần
theo mấy cái giọt ấy và vết chân đến tận cửa hang.
Không ai nổ súng, không có “tiếp đãi” gì hết. Lối vào hầm không một
bóng lính canh và mở toang hoác. Đập ngay vào mắt là thây người. Toàn
những người bị chính bẫy gài của mình giết. Dường như họ đã cố hết sức…
cố phi thục mạng…để trốn ra ngoài.
Sâu bên trong, ở căn buồng thứ nhất, chúng tôi bắt gặp những dấu hiệu
đầu tiên của một cuộc đấu súng đơn phương. Nói là đơn phương vì chỉ một
bên phía vách hàng lỗ chỗ vết đạn súng lục. Phía tường đối diện là các tay
súng. Tất cả đều bị xé xác. Chân cẳng, xương xẩu bị rứt ra và gặm nham
nhở… vài người tay còn cầm nguyên vũ khí, trong số đó có một bàn tay đứt
lìa vẫn đang tóm chặt khẩu Makarov. Bàn tay ấy cụt mất một ngón. Tôi tìm
thấy nó ở bên kia phòng cùng với xác một người không có vũ khí đã ăn gần
trăm phát súng. Đầu hắn bị vài viên đạn bắn văng đi. Cái ngón tay vẫn còn
kẹt trong răng hắn.
Buồng nào cũng có diễn tiến tương tự. Chúng tôi gặp các chướng ngại
nhỏ, vũ khí bị vứt chỏng chơ. Chúng tôi thấy thêm nhiều xác, hoặc là các
mảnh xác. Chỉ những các xác nào còn nguyên vẹn mới chết do đạn bắn vào
đầu. Lòi ra từ cổ và dạ dày chúng là những miếng thịt nhai nát và đang tiêu
hóa dở. Dựa vào mấy vệt máu, dấu chân, vỏ đạn và vết đạn ghăm, có thể
suy ra rằng toàn bộ trận chiến bắt đầu từ khu bệnh xá.
Chúng tôi tìm thấy mấy cái giường, tất cả đều đẫm máu. Cuối phòng là
một cái xác không đầu…tôi đoán là của một bác sĩ…nằm trên sàn đất cạnh
một cái giường đầy chăn ga và quần áo bẩn và một chiếc Nike bên chân trái
cũ kĩ, mòn vẹt.
Đường hầm cuối cùng chúng tôi rà soát đã bị bẫy kíp mìn nổ đánh sập.
Có một cánh tay tòi ra từ dưới lớp đã vôi. Nó vẫn còn động đậy. Theo bản
năng, tôi nghiêng về phía trước tóm lấy cái tay ấy. Ngay tức khắc tôi cảm
thấy cái nắm của nó. Cứng như thép, tí nữa thì bóp nát ngón tay tôi. Tôi rụt
lại, cố gỡ tay ra. Nó không chịu buông. Tôi giật mạnh hơn, dồn sức cả chân
trụ lại. Đầu tiên cái tay thoát ra, rồi đến cái đầu, cái mặt rách nát, đôi mắt
mở trừng trừng và cặp môi xám xịt, rồi đến cái tay kia vươn ra tóm lấy cổ
tay tôi và siết lại, sau đó đến cái vai. Tôi ngã ra sau, nửa thân trên của cái
thứ quái dị ấy cũng lao về phía tôi. Từ eo trở xuống vẫn bị kẹt dưới đống
đá, chỉ còn gắn với phần thân trên bởi một phần lòng. Nó vẫn còn cử động,
vẫn tóm lấy tôi, cố đút tay tôi vào mồm nó. Tôi với lấy vũ khí.
Phát bắn hướng lên trên, đâm xuyên cằm và bắn não nó tung tóe khắp
phần trần phía trên. Tôi là người duy nhất ở trong hầm khi chuyện xảy ra.
Tôi là nhân chứng duy nhất…
[Ông dừng lại.]
“Bị phơi nhiễm hóa chất lạ.” Họ bảo tôi vậy khi về Edmonton. Hoặc là
thế hoặc là do phản ứng phụ của thuốc phòng bệnh của bọn tôi. Họ còn
8
chêm thêm cả một mớ về PTSD cho đủ bộ. Tôi chỉ cần được nghỉ ngơi.
Nghỉ ngơi và “thẩm tra” dài hạn…
“Thẩm tra”… khi do người của ta thì nó là như vậy. Nó chỉ là “hỏi
cung” khi được áp dụng với địch. Họ dạy chúng tôi cách kháng cự kẻ địch,
cách phòng ngự trí óc và tinh thần. Họ không dạy chúng tôi cách kháng cự
đồng minh, nhất là những đồng minh anh tưởng là đang cố “giúp” anh nhận
ra “sự thật.” Họ không đánh gục tôi, Tôi đánh gục chính mình. Tôi muốn
tin họ và tôi muốn họ giúp tôi. Tôi là một người lính tốt, được huấn luyện kĩ
càng, già dặn kinh nghiệm; tôi biết những gì mình có thể làm cho đồng loại
và họ có thể làm đối với tôi. Tôi tưởng mình đã sẵn sàng đối phó với mọi
thứ. [Ông nhìn về phía thung lũng, mắt trông xa xăm.] Có ai tỉnh táo mà
lại sẵn sàng được cho chuyện này?
RỪNG MƯA NHIỆT ĐỚI, BRAZIL
[Tôi bị bịt mắt đưa tới để không làm lộ địa điểm của “chủ nhà” của
mình. Họ được gọi là Yanomami, “Những Người Tàn Bạo.” Không biết
rằng liệu có phải nhờ bản chất chinh chiến hay việc ngôi làng của họ
được treo trên những thân cây cao nhất đã giúp họ vượt qua đại dịch
này suôn sẻ tương đương nếu không muốn nói là hơn cả những quốc
gia công nghiệp hóa nhất. Không thể đoán được liệu Fernando
Oliveira, người đàn ông da trắng “từ bên rìa thế giới” hốc hác, nghiện
ngập này là khách, linh vật hay tù nhân của họ.]
Tôi luôn tự nhủ mình vẫn là một bác sĩ. Vâng, đúng là tôi cũng có của
ăn của để và ngày càng phất lên, nhưng ít nhất thành công của tôi có được
là nhờ thực hiện các ca chữa trị cần thiết. Tôi không chỉ cắt xẻ mũi cho lũ
thanh niên hay đính “cái ấy” của bọn Xu-đăng lên người lũ ca sĩ nhạc pop
9
dở ông dở thằng. Tôi vẫn là một bác sĩ, tôi vẫn cứu nhân độ thế.Và nếu
mấy tay giả nhân giả nghĩa ở phía Bắc thấy nó quá “vô đạo đức”, tại sao
đám dân bên đấy cứ lũ lượt kéo đến?
Kiện hàng từ sân bay được chuyển đến khoảng một tiếng trước khi bệnh
nhân nhập viện. Nó được bảo quản trong một thùng làm lạnh bằng nhựa,
loại hay để mang đi dã ngoại. Tim cực kì hiếm. Nó không như gan hay mô
da và nhất là thận. Kể từ sau khi điều luật “suy đoán đồng ý” được ban
hành, mấy thứ đó anh có thể kiếm được ở bất cứ bệnh viện hay nhà xác nào
trong nước.
Nó có được xét nghiệm không?
Xét nghiệm cái gì? Muốn xét nghiệm bất cứ thứ gì, anh phải biết anh
đang tìm cái gì. Hồi đó chúng tôi chưa biết về Đại Dịch Biết Đi. Chúng tôi
chỉ quan tâm đến những bệnh tật thông thường như viêm gan hay
HIV/AIDS. Ngay cả mấy bệnh đó chúng tôi cũng không đủ thời gian để xét
nghiệm.
Tại sao vậy?
Vì chuyến bay đã kéo dài quá lâu rồi. Cơ quan nội tạng không thể để
đông lạnh mãi được. Chúng tôi đã hơi phó mặc cho may rủi với ca này rồi.
Nó đến từ đâu vậy?
Chắc là Trung Quốc. Gã môi giới của tôi hoạt động ở Ma Cao. Bọn tôi
tin cậy hắn. Hồ sơ của hắn khá ổn. Khi hắn đảm bảo với chúng tôi đây là
hàng “sạch”,tôi tin lời hắn; tôi đành phải vậy. Hắn hiểu rõ những rủi ro liên
quan, tôi cũng vậy, và bệnh nhân cũng thế. Herr Muller bên cạnh chứng
bệnh tim thông thường còn bị mắc một biến dị genrất hiếm đó là tật tim
sang phải (dextrocardia) thuộc nhóm nội tạng lật (situs inversus). Cơ quan
nội tạng của ông ta nằm ở vị trí đối nghịch; gan ở bên trái, lối vào tim ở bên
phải, vân vân... Anh phải hiểu cái tình huống hi hữu mà chúng tôi đang phải
đối phó. Không thể cứ lấy một quả tim bình thường ra lật lại rồi ghép vào.
Làm vậy là vô ích. Chúng tôi cần một trái tim còn mới, khỏe mạnh từ một
“người hiến tạng” với cùng biến dị đó. Ngoài Trung Quốc thì còn đào ở đâu
ra một may mắn như thế?
Đó là do may mắn à?
[Mỉm cười.] Và “thủ đoạn chính trị.” Tôi bảo với tay môi giới thứ mình
cần, cho hắn biết chi tiết cụ thể, và thế là ba tuần sau tôi nhận được một email với tiêu đề gọn lỏn mấy chữ: “Đã có kết quả khớp.”
Và ông đã tiến hành phẫu thuật.
Tôi làm trợ lí còn bác sĩ Silva mới là người mổ chính. Hắn là một nhà
phẫu thuật tim uy tín chuyên tiến hành các ca hàng đầu ở Bệnh viện
Israelita Albert Einstein tại São Paulo. Ngay cả với một bác sĩ tim thì hắn
cũng quá tinh tướng. Làm việc cùng với… dưới trướng…cái tay mắc dịch
ấy đúng là một sự sỉ nhục. Hắn đối đãi với tôi như một thằng thực tập viên
năm nhất. Nhưng biết làm gì đây… Herr Muller cần một trái tim mới còn
ngôi nhà nghỉ ven biển của tôi cần một cái máy Jacuzzi mới.
Herr Muller bị gây tê mê mệt. Vài phút sau khi ca phẫu thuật kết thúc,
lúc nằm trong phòng hồi sức, các triệu chứng của ông ta bắt đầu xuất hiện.
Thân nhiệt, nhịp tim, độ bão hòa oxy của ông ta… Tôi bắt đầu lo, và chắc
nó cũng khiến tay “đồng nghiệp già dặn” của tôi chột dạ. Hắn bảo tôi đấy
chắc là một phản ứng thông thường đối với thuốc ức chế miễn dịch, hoặc
đơn giản là mấy biến chứng đã được tiên lượng trước của một lão già sáu
mươi bảy tuổi đời thừa cân, ốm yếu sau khi vừa trải qua một trong những ca
mổ khó khăn nhất trong y học hiện đại. Tôi thấy hơi lạ là cái lão khốn ấy
còn chưa xoa đầu tôi. Hắn bảo tôi về nhà tắm rửa, ngủ đi một chút hoặc gọi
gái và xả láng đi. Hắn sẽ ở đây trông chừng bệnh nhân và nếu có biến cố gì
thì sẽ gọi cho tôi.
[Oliveira giận dữ mím môi lại và nhai thêm một mớ lá gì đó bên
cạnh mình.]
Và tôi biết nghĩ gì đây? Chắc là do thuốc OKT 3. Hoặc là tôi chỉ đang
lo lắng thái quá. Đây là lần đầu tôi thực hiện một ca ghép tim. Tôi thì biết
gì? Ấy nhưng… nó khiến tôi nghĩ ngợi nhiều đến mức ngủ không nổi. Vậy
nên tôi hành động như bất kì bậc lương y nào khi bệnh nhân đang chịu đau
đớn: tôi đi xõa. Tôi nhảy nhót, tôi nốc rượu, tôi làm đủ thứ chuyện đồi bại
ba lăng nhăng cùng với ai hay cái gì tôi cũng không biết nữa. Mấy lần đầu
tôi còn không biết điện thoại tôi rung. Chắc phải đến một tiếng sau tôi mới
nghe máy. Graziela, cô lễ tân của tôi, đang cực kì hoảng loạn. Cô ta báo với
tôi rằng Herr Muller vừa bị hôn mê một tiếng trước. Cô ta nói chưa dứt câu
tôi đã ngồi trong xe rồi. Lái về phòng khám mất ba mươi phút, và trong suốt
quãng thời gian ấy tôi liên tục chửi Silva lẫn cả chính mình. Vậy là tôi đã
có lí do để lo lắng! Vậy là tôi đã đúng! Anh có thể nói lúc đó cái tính tự cao
của tôi nó trỗi dậy. Cho dù nếu tôi đúng thì ngay chính tôi cũng phải lãnh
hậu quả khôn lường, tôi vẫn rất khoái trá khi có cơ hội được làm ô danh đức
ngài Silva bất khả chiến bại.
Khi đến nơi, tôi thấy Graziela đang cố trấn an Rosi, một trong số các y
tá của tôi, giờ đang lên cơn cuồng loạn. Con bé tội nghiệp ấy gần như
không bình tĩnh lại được. Tôi tát cho nó một phát đau điếng ngang má — có
thế con bé mới nguôi lại — và hỏi nó chuyện gì đang diễn ra. Tại sao trên
đồng phục của nó lại lốm đốm máu thế kia? Bác sĩ Silva đâu? Tại sao một
số bệnh nhân lại ra khỏi phòng, và cái tiếng đập rầm rầm kia là cái quái quỉ
gì thế? Con bé nói tim Herr Muller đột nhiên ngừng đập. Nó giải thích rằng
khi đang tìm cách làm ông ta hồi tỉnh lại thì Herr Muller mở mắt ra và cắn
lấy tay bác sĩ Silva. Hai người bọn họ vật lộn với nhau. Rosi định giúp
nhưng tí nữa thì chính con bé cũng bị cắn. Nó bỏ Silva ở đấy, chạy ra khỏi
phòng và khóa trái cửa lại.
Tôi tí thì phì cười. Thật quá lố bịch. Chắc siêu nhân chỉ có chút sai sót
và chẩn đoán nhầm cho bệnh nhân. Chắc người bệnh chỉ gượng dậy khỏi
giường và do còn đang choáng váng tóm lấy bác sĩ Silva để lấy thăng bằng.
Chắc chắn phải có một lời giải thích hợp lí… ấy nhưng tôi cũng không thể
chối cãi được là đồng phục con bé đang dính máu và từ trong phòng của
Herr Muller vẫn còn vọng ra mấy tiếng lục đục. Tôi quay lại xe lấy súng,
chủ yếu để trấn an Graziela với Rosi chứ không phải để tự vệ
Ông có mang súng sao?
Tôi sống ở Rio. Chứ anh nghĩ tôi mang theo cái gì? “Cái ấy” à? tôi quay
lại phòng Herr Muller, gõ cửa mấy phát. Lặng thinh. Tôi thì thào gọi ông ta
và Silva. Không ai đáp. Dưới khe cửa máu đang rỉ ra. Vào phòng tôi thấy
máu lênh láng trên sàn. Silva nằm sõng soài trong góc phòng, Muller ngồi
lom khom bên cạnh, cái lưng phì nộn, trắng bệch và lông lá của lão quay lại
phía tôi. Tôi chả nhớ tôi gọi tên lão, chửi thề, đứng chết trân ở đấy hay làm
gì khiến lão để ý thấy tôi. Muller quay sang tôi, mồm há rộng, để rơi rớt ra
mấy mẩu thịt dính máu. Vết mổ được khâu lại bằng chỉ thép của lão đã bị
cậy bục gần hết. Từ chỗ vết rạch chảy ra một thứ dịch gì đó sền sệt, lầy
nhầy, đen đặc. Lão loạng choạng đứng dậy rồi chầm chậm tiến về phía tôi.
Tôi giương cao súng nhắm thẳng vào trái tim mới của lão. Đó là khẩu
“Desert Eagle” của Israel. Tôi dùng khẩu này bởi cái nó trông khá to và phô
trương. Thật phải cảm ơn trời phật là trước giờ tôi chưa bắn thử phát nào cả.
Tôi quên không tính đến lực giật. Phát đạn đi trệch mục tiêu, gần như bắn
toác cả cái đầu của lão. May thế cơ chứ. Cái thằng cha may mắn này tay
cầm nguyên khẩu súng còn bốc khói cứ đứng đực ra đó, một dòng nước tiểu
âm ấm chảy xuống dọc chân. Giờ đến lượt tôi bị Graziela cho ăn vài phát
tát. Chỉ khi ấy tôi mới hoàn hồn và gọi cho cảnh sát.
Ông có bị bắt không?
Anh điên à? Họ là cộng sự của tôi. Chứ anh nghĩ làm sao tôi kiếm được
mớ nội tạng cây nhà lá vườn đó. Anh nghĩ tôi giải quyết cái mớ hầm bà
lằng này kiểu gì? Mấy tay kia rất giỏi ba cái việc như thế này. Họ giúp tôi
giải thích với mấy bệnh nhân khác rằng một tay sát nhân cuồng loạn đã đột
nhập vào phòng khám và giết cả Herr Muller lẫn bác sĩ Silva. Họ cũng đảm
bảo rằng đám nhân viên không ai nói gì mâu thuẫn với câu chuyện đó hết.
Thế mấy cái xác xử lí kiểu gì?
Họ cho Silva vào danh sách nạn nhân “bị trộm xe”.Tôi chả biết họ
quăng xác hắn ở đâu; chắc là một con phố ổ chuột nào đó ở Cidade de
Deus, dàn cảnh một vụ mua bán ma túy không thành để dễ lấp liếm hơn.
Tôi hi vọng họ cho hắn một mồi lửa hoặc đem chôn hắn đi… càng sâu càng
tốt.
Ông có cho rằng ông ta…
Tôi chịu. Não hắn lúc chết vẫn chưa sứt sẹo gì. Nếu hắn không nằm
trong túi xác… nếu đất đủ mềm... Mất bao lâu hắn sẽ tự đào ra được?
[Oliveira nhai thêm một cái lá và mời tôi ăn cùng. Tôi từ chối.]
Còn ông Muller?
Không một lời giải thích với bất kì ai, kể cả vợ lão lẫn đại sứ Áo. Đơn
giản chỉ là một du khách bất cẩn khi đi thăm thú một thành phố nguy hiểm.
Tôi chả hiểu bà Frau Muller có tin câu chuyện ấy hay điều tra gì thêm
không. Chắc mụ ta chẳng nhận ra số mình may đến cỡ nào.
Tại sao lại may?
Anh đùa à? Nếu lão kia không sống lại trong phòng khám của tôi thì
sao? Nếu lão mò được về đến tận nhà thì sao?
Có thể có chuyện ấy sao?
Tất nhiên rồi! Nghĩ thử xem. Do tim lão bị nhiễm bệnh, virút có đường
xâm nhập thẳng vào hệ tuần hoàn nên chắc sau khi ghép được vài giây,
virút đã lên đến não lão rồi. Nếu anh ghép một cơ quan khác như gan hay
thận hay có thể là một miếng da ghép thì sẽ mất lâu hơn nhiều, nhất là nếu
lượng virút không lớn lắm.
Nhưng người hiến tạng…
…chưa chắc đã sống lại hẳn. Nếu người ấy chỉ mới bị phơi nhiễm thì
sao? Cơ quan nội tạng chưa bị bão hòa virút. Có thể chỉ có một lượng cực
nhỏ. Anh ghép cái cơ quan ấy cho người khác thì có khi phải mất đến vài
ngày, thậm chí vài tuần, virút mới thâm nhập được vào mạch máu. Lúc đó
chắc người bệnh đã gần bình phục và quay lại với đời sống thường nhật.
Nhưng người lấy nội tạng…
…chắc gì đã biết mình đang phải đương đầu với cái gì. Tôi có biết đâu.
Đây mới là mấy giai đoạn đầu, chả ai biết gì hết. Ngay cả nếu anh biết như
một số tay trong quân đội Trung Quốc… anh muốn nói về vô đạo đức đúng
không… Họ kiếm được cả triệu bạc nhờ cơ quan nội tạng của lũ tù chính trị
bị xử tử suốt mấy năm trước khi dịch bùng phát. Anh nghĩ chỉ vì mấy con
virút bọ mà họ lại thôi không đào cái mỏ vàng ấy à?
Nhưng làm thế nào…
Anh lấy tim khi nạn nhân vừa mất… hoặc là ngay khi còn đang sống…
hồi trước họ hay làm trò đó: phẫu thuật lấy nội tạng sống để đảm bảo nó
còn tươi… đem ướp đá, quăng lên máy bay chuyển đến Rio… Trung Quốc
trước vốn là nước xuất khẩu nội tạng người lớn nhất trên thị trường thế giới.
Có trời mới biết họ tống ra thị trường quốc tế bao nhiêu giác mạc, bao
nhiêu tuyến yên và… lạy Chúa tôi, bao nhiêu quả thận nhiễm virút. Và đấy
mới chỉ là nội tạng thôi! Anh cần tôi phải nói về trứng “được hiến tặng” từ
tù chính trị, tinh trùng hay máu? Anh tưởng nhập cư trái phép là lí do duy
nhất đại dịch này lan ra toàn cầu à? Đâu phải mấy trận bùng phát khởi đầu
là do dân Trung Quốc. Liệu anh có giải thích nổi chuyện cả đống người đột
nhiên lăn đùng ra chết rồi sống lại cho dù chưa bị cắn phát nào? Sao lại có
thể có một đống trận dịch bùng phát từ bệnh viện? Lũ Tàu nhập cư trái phép
không nhập viện. Anh có biết có bao nhiêu ngàn người được ghép nội tạng
chui trong những năm tiền Cuộc Đại Loạn? Chỉ cần 10% trong số họ bị
phơi nhiễm, thậm chí chỉ cần 1%…
Ông có bằng chứng nào hỗ trợ giả thiết này không?
Không… nhưng thế không có nghĩa là nó không xảy ra! Để tôi nhớ lại
tất cả các cuộc cấy ghép tôi đã thực hiện, toàn bộ số bệnh nhân từ Châu Âu,
các nước Ả Rập, thậm chí cả đám đạo đức giả người Mỹ. Đám Yankee các
anh chả mấy ai hỏi quả thận hay tuyến tụy mới của mình từ đâu chui ra, bất
kể là nó được lấy từ một đứa trẻ sông nơi ổ chuột ở Cidade de Deus hay
thằng học sinh vô phúc nào đó trong nhà thù chính trị Trung Quốc. Mấy
người không biết, mấy người cũng không thèm quan tâm. Mấy người kí
séc, nằm xuống dưới mũi dao rồi phi về Miami hay New York hay chỗ khỉ
khô nào đó.
Ông có thử truy tìm lại những bệnh nhân này để cảnh báo họ không?
Không. Tôi còn đang bận hồi phục sau vụ bê bối, xây dựng lại tên tuổi,
các mối khách hàng, tài khoản ngân hàng nữa. Tôi muốn quên tiệt đi, không
thèm điều tra thêm gì nữa. Đến khi tôi nhận ra mối họa thì nó đã bắt đầu
đứng ngoài cào cửa nhà tôi rồi.
CẢNG BRIDGETOWN, BARBADOS, LIÊN BANG TÂY ẤN
[Người ta bảo tôi đó là một chiếc “thuyền buồm,” mặc dù “buồm”
của tàu IS Imfingo lại là bốn tuốc bin gió dựng thẳng đứng trên cái
10
thân tàu ba thân bóng loáng. Cùng với hàng đống PEM , pin nhiên
liệu, công nghệ chuyển hóa nước biển thành điện năng, có thể thấy rõ lí
do “IS” là viết tắt của từ “Infinity Ship” – “Tàu Vô Hạn”. Dù được
xem như tương lai của ngành hàng hải, ít khi ta nhìn thấy một chiếc
không giương cờ chính phủ. Tàu Imfingo là tài sản tư và do cá nhân
điều khiển. Jacob Nyathi chính là thuyền trưởng của nó.]
Tôi sinh ra gần như là ngay thời hậu A-pác-thai ở Nam Phi. Hồi đó,
chính quyền mới không những hứa sẽ đem lại nền dân chủ với khẩu hiệu
“mỗi người một phiếu bầu” mà còn mang lại cả việc làm và nhà ở cho toàn
bộ đất nước. Cha tôi tưởng cái đó tức khắc có luôn. Ông không hiểu rằng
đây là mục tiêu dài hạn phải sau hàng chục năm, hàng bao thế hệ lao động
cật lực mới có thể đạt được. Ông tưởng nếu chúng tôi rời bỏ mảnh đất quê
hương bộ lạc tôi lên thành phố sống là sẽ có ngay một ngôi nhà mới tinh và
một công việc thù lao cao đợi sẵn đó. Cha tôi là một người chất phác, một
công nhân. Tôi không thể trách ông vì thiếu học cũng như không thể trách
giấc mơ gia đình được hưởng cuộc sống tốt hơn của ông được. Và thế là
chúng tôi đến sống ở Khayelitsha, một trong bốn thành phố cảng chính
ngoài thị trấn Cape. Cuộc sống cứ thế trôi ngày qua ngày trong tuyệt vọng,
hèn kém và đói nghèo. Đó là tuổi thơ của tôi.
Hôm chuyện ấy xảy ra tôi đang từ bến xe buýt đi bộ về. Khi ấy tầm năm
giờ sáng và tôi vừa hết ca chạy bàn ở T.G.I. Friday’s tại Victoria Wharf.
Đêm đó khá tuyệt vời. Tôi được lĩnh tiền bo khá hậu, còn tin báo nhận được
từ bên Tri Nations đủ để khiến bất cứ người Nam Phi nào phổng hết cả mũi.
Đội Springboks lại một lần nữa đè bẹp đội All Blacks!
[Ông vừa nhớ lại vừa mỉm cười.]
Chắc chính mấy dòng suy tư ấy làm tôi mất cảnh giác, hoặc có thể chỉ
đơn giản là tôi mệt đừ người ra rồi, nhưng tôi vẫn cảm thấy người mình
phản xạ theo bản năng trước cả khi tôi kịp nhận ra tiếng súng. Mấy vụ đấu
súng hồi đó xảy ra như cơm bữa, nhất là ở chỗ tôi sống. “Mỗi người một
khẩu súng”, đó là châm ngôn của tôi ở Khayelitsha. Ở đây anh như mấy tay
cựu binh vậy, kĩ năng sinh tồn tự nó ngấm vào máu. Bản năng của tôi sắc
bén như dao lam. Tôi cúi thụp xuống, xác định vị trí âm thanh đồng thời tìm
thứ có bề mặt cứng nhất để núp sau đó. Hầu hết nhà cửa quanh đây toàn lều
lán tạm bợ, làm từ gỗ vụn, tôn thiếc hay chỉ là mấy tấm nhựa đóng lên mấy
cái cột vẹo vọ sắp đổ. Năm nào cái khu này cũng bị hỏa hoạn ít nhất một
lần và đạn có thể bắn xuyên qua chúng dễ như chơi.
Tôi bỏ chạy và nấp sau một tiệm cắt tóc làm từ cái công-ten-nơ to ngang
chiếc xe. Không được hoàn hảo nhưng ít nhất nó cũng chống chịu được vài
giây, đủ lâu để ngồi chờ đạn vãn. Chỉ có điều là nó không chịu ngưng. Súng
lục, súng săn và cái tiếng lách cách không ai quên nổi, âm thanh của khẩu
Kalashnikov. Mấy vụ thanh toán băng đảng không thể kéo dài như thế này
được. Giờ có thêm cả tiếng la, tiếng hét. Bắt đầu có mùi khói. Tôi nghe thấy
tiếng la ó của đám đông. Tôi hé mắt nhìn ra. Hàng chục người đang gào lên
“Chạy đi! Trốn ngay! Chúng đang đến!”. Đa số họ vẫn còn mặc đồ
ngủ.Khắp mấy cái nhà xung quanh tôi đèn đuốc bật hết lên, có mấy người
thò mặt ra khỏi lều. “Chuyện gì thế?” họ hỏi. “Ai đang đến?” Đây toàn mấy
tay trẻ trẻ. Những người lớn tuổi hơn cứ thế chạy ngay. Họ có bản năng sinh
tồn kiểu khác. Bản năng ấy được rèn giũa trong giai đoạn họ là nô lệ trên
chính đất nước mình. Ngày ấy, ai cũng biết “chúng” là ai, và nếu “chúng”
đang đến, anh chỉ còn nước chạy trốn và cầu nguyện.
Ông có chạy không?
Sao mà được. Gia đình tôi, mẹ và hai cô em bé bỏng của tôi, họ sống
cách Đài phát thanh Zibonele có mấy “cánh cửa”, đúng cái nơi đám người
này đang chạy ra. Tôi không kịp nghĩ gì hết. Tôi ngu thật. Đáng ra tôi phải
quay đầu lại, tìm một cái ngõ vắng hay con phố yên tĩnh nào đó.
Tôi cố đâm xuyên qua đám đông, lao thẳng về hướng ngược chiều. Tôi
cứ nghĩ mình bám sát mấy bức vách lều là được. Tôi bị huých vào một bên
tường nhựa. Nó cuốn lấy người tôi trong khi cả ngôi nhà đổ sụp xuống. Tôi
bị kẹt, tôi không thở nổi. Có ai đó đạp lên tôi, nện đầu tôi xuống đất. Tôi
cựa quậy thoát ra, luồn lách và lăn vào giữa phố. Trong khi còn đang nằm
sấp đó, tôi thấy chúng: tầm mười hay mười lăm bóng người được soi rọi bởi
những túp lều đang cháy dở. Tôi không thấy mặt chúng nhưng tôi có thể
nghe thấy chúng rên rỉ. Chúng đang nặng nề lê bước về phía tôi với đôi tay
giương cao.
Tôi đứng dậy, đầu quay mòng mòng, toàn thân đau ê ẩm. Tôi lùi lại theo
bản năng, lùi vào trong “cửa” cái lều gần nhất. Có cái gì đó túm lấy tôi từ
phía sau, kéo rách cả cổ áo tôi. Tôi quay lại, cúi đầu và đạp thật mạnh. Hắn
khá to lớn, to và nặng hơn tôi vài cân. Chất dịch đen chảy ròng ròng xuống
cái áo trắng của hắn. trên ngực hắn tòi ra một con dao đâm xuyên qua
xương sườn, ngập đến tận cán. Hàm dưới của hắn mở rộng, nhả ra cái mảnh
cổ áo vừa rách của tôi đang kẹp chặt trong răng. Hắn gầm gừ, lao thẳng
đến. Tôi cố né. Hắn tóm cổ tay tôi. Tôi cảm thấy có cái gì vừa gãy và cơn
đau chạy dọc cơ thể tôi. Tôi khuỵu gối, cố lăn đi và ngáng chân hắn. Tay tôi
chạm vào một cái nồi to. Tôi tóm lấy nó và đập xuống thật mạnh. Nó đập
thẳng vào mặt hắn. Tôi liên tục nện vào sọ hắn cho đến khi xương nứt toác
ra và não bắn tung tóe dưới chân tôi. Hắn đổ sụp xuống. Tôi vừa thoát ra thì
thêm một tên nữa xuất hiện ở phía cửa. Lần này cái sự mỏng manh của tòa
nhà đã tạo cho tôi lợi thế. Tôi đạp tung bức tường sau lưng, lách ra ngoài và
đồng thời làm sập cả túp lều.
Tôi co giò chạy mà chả hiểu mình đi đâu. Mọi thứ như một cơn ác
mộng. Lều và lửa và những cái tay với ra nắm cứ thế mà lướt qua tôi. Tôi
chạy xuyên qua một cái chòi có người một phụ nữ đang trốn trong góc. Hai
đứa con của bà ta đang kêu khóc và rúc vào người mẹ mình. “Đi theo tôi!”
Tôi nói. “Làm ơn đi, chúng ta phải chạy ngay!” Tôi chìa tay ra và tiến lại
gần bà ta. Bà kéo mấy đứa con lại gần, vung loạn xạ một cái tua vít nhọn
hoắt. Mắt bà ta mở to đầy sợ hãi. Tôi có thể nghe thấy âm thanh vọng tới từ
phía sau… tiếng chúng đập phá, xô đẩy lều chõng để tiến đến. Tôi chuyển
từ tiếng Xhosa sang nói tiếng Anh. “Làm ơn mà,” tôi van lạy, “mấy người
phải trốn ngay!” tôi rướn về phía bà ấy nhưng bà ta đâm vào tay tôi. Tôi
phải bỏ bà ta lại. Tôi chả biết làm gì nữa. Hình ảnh bà ấy vẫn còn in hằn
trong tâm trí tôi mỗi khi tôi đi ngủ hay chỉ đơn thuần là nhắm mắt lại. Đôi
khi bà ấy là mẹ tôi, còn những đứa trẻ mếu máo là em tôi.
Tôi nhìn thấy phía trước mặt có ánh đèn sáng rực, chiếu xuyên qua
những cái khe nứt trên các ngôi nhà tạm bợ. Tôi chạy thục mạng. Tôi tìm
cách gọi họ. Tôi thở không ra hơi nữa. Tôi đâm xuyên qua tường một ngôi
nhà và đột nhiên tôi lọt ra chỗ đường trống. Ánh đèn pha làm tôi lóa cả mắt.
Tôi cảm thấy có cái gì đâm sầm vào vai. Chắc trước khi kịp ngã xuống tôi
đã bất tỉnh rồi.
Tôi tỉnh dậy trên giường bệnh ở bệnh viện Groote Schuur. Chưa bao giờ
tôi được nhìn thấy cảnh trí bên trong của một khu hồi sức như thế này. Mọi
thứ đều sạch sẽ và trắng tinh. Tôi tưởng mình đã nghoẻo rồi. Mớ thuốc men
càng làm tôi cảm thấy thế. Trước giờ tôi chưa từng dùng chất kích thích,
thậm chí còn không đụng đến một giọt rượu. Tôi không muốn bị như hàng
xóm của tôi, bị như cha tôi. Cả đời tôi cố giữ mình trong sạch, ấy vậy mà
giờ đây…
Cái mớ morphine hay gì gì đó họ truyền vào mạch tôi thật là sảng khoái.
Tôi chả còn quan tâm trời đất gì nữa. Tôi chả quan tâm khi họ bảo cảnh sát
đã bắn vào vai tôi. Tôi thấy người đàn ông nằm bên cạnh tôi được vội vã
cáng ra ngoài ngay sau khi vừa ngừng thở. Tôi thậm chí còn chẳng quan
tâm khi tôi nghe người ta bàn tán về chuyện bùng phát dịch “dại.”
Ai bàn về chuyện đó vậy?
Tôi không biết. Tôi bảo anh rồi, lúc đó tôi đang phê lòi ra. Tôi chỉ hơi
nhớ có nghe thấy mấy giọng giận dữ lớn tiếng cãi vã nhau ở hành lang
ngoài khu bệnh xá của tôi. “Đó không phải bệnh dại!” Một người quát.
“Bệnh dại không biến con người ta thành ra như thế được!” Rồi thì… có cái
gì đó… và sau đấy là “Được rồi, thế anh có ý kiến gì không, ngay dưới tầng
thôi đã có đến mười lăm ca rồi! Bố ai biết ngoài đường còn bao nhiêu người
nữa!” Buồn cười thật. Lúc nào tôi cũng nghĩ về cuộc trò chuyện đó, nghĩ
xem đáng ra khi ấy mình nên nghĩ gì, cảm thấy như thế nào và làm gì. Mãi
một lúc lâu sau tôi mới tỉnh táo lại và đối mặt với cơn ác mộng.
TEL AVIV, ISRAEL
[Jurgen Warmbrunn rất chuộng đồ ăn Ethiopia. Đó là lí do chúng
tôi gặp nhau ở một nhà hàng Falasha. Nhìn nước da sáng hồng, và cặp
lông mày trắng rậm rạp hợp tông với bộ tóc “Einstein” của ông, người
ta dễ lầm tưởng ông là một nhà khoa học lập dị hay một giảng viên đại
học. Cả hai đều không phải. Dù không bao giờ nêu đích danh tổ chức
tình báo Israeli nào ông đã từng hoặc vẫn phục vụ, Jurgen Warmbrunn
công khai thừa nhận rằng đã có thời ông có thể được coi là “một mật
thám viên”.]
Hầu hết mọi người không tin điều gì đó có thể xảy ra cho đến khi
chuyện đã rồi. Đấy không phải do ngu dốt hay một yếu điểm mà chỉ là bản
tính con người. Tôi không trách ai chuyện không tin. Tôi không tự cho
mình thông minh hay tốt đẹp gì hơn họ. Tất cả chỉ là do số kiếp con người
sinh ra là vậy. Tôi vô tình được sinh ra giữa một đám người lúc nào cũng sợ
bị diệt chủng. Nó là một phần bản sắc, một phần tư tưởng của chúng tôi, và
qua biết bao thăng trầm nó đã dạy cho chúng phải luôn đề cao cảnh giác.
Lời cảnh báo đầu tiên về trận đại dịch tôi nhận được là từ mấy anh bạn
kiêm khách hàng bên Đài Loan. Họ phàn nàn về phần mềm giải mã mới của
11
chúng tôi. Có vẻ nó không giải mã nổi mấy bức thư từ bên PRC , hoặc là
làm ăn vớ vẩn quá khiến bức thư dịch ra chả ai hiểu gì. Tôi đồ rằng vấn đề
không phải ở chỗ phần mềm mà nằm ở chính cái bức thông điệp được dịch.
Đám Cộng sản bên Trung Quốc đại lục… chắc giờ họ cũng không hẳn là
Cộng sản nữa nhưng mà… anh muốn gì ở một lão già như tôi? Dân Cộng
sản có cái tật dùng một mớ hổ lốn máy tính thuộc quá nhiều thế hệ và đến
từ nhiều quốc gia khác nhau.
Trước khi tôi trình giả thuyết này sang bên Taipei, tôi cho rằng mình
cũng nên xem lại mấy mẩu thông điệp khó hiểu kia. Tôi giật mình bởi các
chữ cái, kí tự đều được giải mã rất ngon lành. Nhưng về nội dung thì… nó
đề cập đến sự bùng phát của một loại bệnh truyền nhiễm mới. Căn bệnh ấy
đầu tiên khiến người nhiễm tử vong, sau đó xác người bệnh hồi sinh lại và
trở thành một kẻ cuồng sát. Tất nhiên tôi không tin đó là thật, nhất là vì vài
tuần sau cuộc khủng hoảng ở Eo biển Đài Loan nổ ra và mấy bức thư từ
liên quan đến vụ xác chết làm loạn ngưng bặt. Tôi nghi nó vẫn còn một lớp
lang mã hóa nữa, một bức mật thư ẩn trong mật thư. Từ thuở hồng hoang
khi loài người biết liên lạc chuyện ấy đã xảy ra quá thường xuyên rồi. Tất
nhiên bên Cộng sản không ám chỉ xác chết thật.Đó chắc phải là một hệ
thống vũ khí mới hoặc một sách lược chiến tranh tuyệt mật. Tôi để kệ nó
đó, cố quên đi. Thế nhưng theo như lời một người hùng dân tộc đất nước
các anh đã nói thì: “Giác quan nhện của tôi đang ngứa ran.”
Không lâu sau đó, khi đang ở bàn tiếp tân đám cưới con gái mình tôi có
nói chuyện với một giáo sư của con rể tôi. Ông ta giảng dạy ở đại học
Hebrew và là một tay nhiều chuyện, đã thế hôm ấy lại còn nốc hơi quá đà.
Hắn cứ lải nhải về việc ông anh họ đang công tác bên Nam Phi của hắn có
kể cho hắn nghe mấy giai thoại về lũ golem. Anh biết về golem chứ, cái
truyền thuyết về lão pháp sư làm cho mấy bức tượng vô tri sống dậy ấy?
Mary Shelley viết Frankenstein dựa trên ý tưởng đó. Lúc đầu tôi không nói
gì, chỉ ngồi im nghe. Lão kia tiếp tục chuyển sang ba hoa về chuyện con
golem này không phải làm từ đất hay hiền lành, dễ bảo gì hết. Ngay khi hắn
vừa nhắc đến xác người sống lại, tôi hỏi xin số ông anh họ hắn ngay. Hóa ra
tay này đã từng đến thị trấn Cape tham dự cái “Adrenaline Tour”. Hình như
cái đó là đi cho cá mập ăn.
[Ông đảo mắt.]
Có vẻ đám cá mập đã cho hắn một phát ngay vào cái bộ ngồi. Vậy nên
khi những nạn nhân đầu tiên từ thành phố cảng Khayelitsha được đưa vào
bệnh viện Groote Schuur hắn cũng đang nằm dưỡng thương ở đó. Hắn
không được tận mắt chứng kiến ca bệnh nào nhưng đám nhân viên có kể
cho hắn nghe cả đống chuyện, đủ đểlưu chật kín cái máy ghi âm cũ của tôi.
Tôi liền trình câu chuyện của gã kia cùng với đống e-mail đã được giải mã
của phía Trung Quốc lên cho cấp trên của mình.
Đây chính là lúc tôi được lợi từ tình trạng an ninh bấp bênh đặc biệt của
người dân mình. Thàng mười năm 1973, khi Ả Rập đánh lén và tí nữa thì
dồn hết chúng tôi ra Đại Trung Hải, chúng tôi đã có đầy đủ các thông tin
tình báo, đủ các dấu hiệu cảnh tỉnh chình ình ngay trước mặt, vậy mà chúng
tôi cứ “thây kệ nó”. Chúng tôi chưa bao giờ tính tới khả năng xảy ra một
cuộc tống tiến công có phối hợp từ nhiều nước liên minh, nhát là không thể
nào lại rơi vào một trong những ngày lễ thiêng liêng nhất của chúng tôi. Sự
đình đốn, tính cứng nhắc, tâm lí đám đông không thể tha thứ được, anh
muốn gọi đó là gì thì tùy. Hãy tưởng tượng một đám người đang nhìn vào
mấy dòng chữ viết trên tường, ai nấy cũng đều đang chúc mừng nhau vì đã
đọc đúng. Nhưng đằng sau đám người đó là một cái gương chỉ ra thông
điệp thật của dòng chữ kia. Không ai nhìn vào cái gương ấy. Không ai nghĩ
điều ấy lại là cần thiết. Và thế là sau khi tí nữa để bọn Ả Rập hoàn tất công
việc Hitler khởi xướng, chúng tôi nhận ra rằng cái ảnh phản chiếu trong
gương ấy không chỉ cần thiết mà nó còn phải trở thành một chính sách quốc
gia. Kể từ năm 1973 trở đi, nếu chín phân tích viên tình báo có chung một
kết luận, nhiệm vụ của người thứ mười là phải bất đồng quan điểm. Cho dù
khả năng ấy có không tưởng hay nghe cường điệu đến mức nào đi nữa, luôn
phải có người đào bới sâu hơn. Nếu nhà máy hạt nhân của quốc gia láng
giềng có thể được dùng để sản xuất plutonium cho vũ khí, anh phải đào;
nếu có tin đồn một tay độc tài nào đó đang thiết kể một khẩu trọng pháo đủ
lớn để bắn đạn mang mầm bệnh than xuyên quốc gia, anh phải đào; và nếu
có dù chỉ một chút xíu khả năng xác chết đang sống lại và trở thành những
cỗ máy giết chóc đói khát, anh phải đào và đào cho tới khi anh tìm ra sự
thật.
Và tôi đã làm như vậy. Tôi đào bới. Ban đầu không dễ dàng gì. Sau khi
Trung Quốc đã bị loại khỏi cuộc chơi… cuộc khủng hoảng ở Đài Loan đã
khiến mọi hoạt động thu thập tin tình báo bị cắt đứt… tôi còn rất ít nguồn
tin. Mấy thứ tôi lượm lặt được toàn mấy tin ba lăng nhăng, nhất là ở trên
mạng; thây ma đến từ vũ trụ và Vùng 51… mà sao đất nước các anh cứ bị
ám ảnh về Vùng 51 vậy? Về sau tôi bắt đầu kiếm được những thông tin hữu
ích hơn: những ca “bệnh dại” tương tự như ở thị trấn Cape… sau này nó
mới được gọi là bệnh dại Châu Phi. Tôi phát hiện ra vài bản đánh giá tâm lí
của một số binh sĩ Canada hoạt động trên núi vừa trở về từ Kyrgyzstan. Tôi
bắt gặp một bài blog của một y tá người Tây Ban Nha thuật lại cho bạn bè
nghe vụ án mạng của một bác sĩ phẫu thuật tim.
Thông tin của tôi chủ yếu đến từ Tổ chức Y tế Thế giới. Liên Hợp Quốc
quả là một bộ máy quan liêu kiệt tác. Vô số thông tin có giá trị bị chôn vùi
dưới hàng núi báo cáo chưa ai thèm đụng đến. Tôi phát hiện ra cả đống
trường hợp tương tự trên toàn cầu, tất cả đều bị gạt sang một bên với lời
giải thích là “có khả năng”. Những trường hợp này giúp tôi hoàn tất bức
tranh ghép liền mạch về mối hiểm họa mới này. Đối tượng điều tra đúng là
đã chết, chúng rất thù địch, và không thể chối cãi rằng chúng đang lây lan.
Tôi cũng đã có một phát kiến rất đáng tự hào: làm sao để tiêu diệt chúng.
Cứ nhắm vào não.
[Ông cười.]Ngày nay chúng ta nói về nó như thể đó là một phép màu,
tương tự như nước thánh hay đạn bằng bạc, nhưng chẳng phải tiễu trừ lũ
sinh vật này bằng cách tiêu hủy não chúng là điều quá hiển nhiên sao?
Chẳng phải đó cũng là cách duy nhất để tiêu diệt chúng ta?
Ý ông là con người?
[Ông gật đầu.] Chẳng phải chúng ta chỉ đơn giản có vậy thôi sao? Chỉ
là một bộ não sống sót nhờ một cỗ máy tinh vi và dễ tổn thương gọi là cơ
thể? Bộ não không thể sống sót nếu chỉ một phần cỗ máy ấy bị phá hoại hay
không được cung cấp những thứ thiết yếu như thức ăn hoặc oxy. Đó là điểm
khác biệt đáng kể duy nhất giữa chúng ta và “Những Kẻ Đội Mồ.” Não
chúng không cần hệ thống hỗ trợ nào cũng sống được nên ta cần trực tiếp
tấn công cái cơ quan ấy. [Tay phải ông làm thành hình khẩu súng và
chạm vào thái dương.] Giải pháp quá đơn giản, nhưng đó là nếu như
chúng ta nhận ra vấn đề! Căn cứ vào tốc độ lây lăn nhanh chóng của căn
bệnh, tôi nghĩ là tốt hơn hết nên kiểm tra lại với các đồng nghiệp tình báo
viên nước ngoài.
Paul Knight là bạn tôi từ rất lâu rồi, tận từ hồi chiến dịch Entebbe.
Chính hắn đã nghĩ ra cái trò lấy cái xe Mercedes đen khác giả làm xe của
Amin. Paul ngưng làm nhà nước ngay trước khi cơ quan hắn “cải tổ” và
chuyển sang làm cho một công ti tư vấn tư nhân ở Bethesda, Maryland. Khi
tôi đến thăm nhà hắn, tôi hết sức bất ngờ khi thấy không những hắn dành
thời gian rảnh của mình nghiên cứu cùng một đề tài mà tập hồ sơ của hắn
cũng dày ngang tôi. Cả đêm chúng tôi thức đọc xem người kia đã khám phá
ra những gì. Chẳng ai nói năng gì hết. Tôi nghĩ ngoài những câu chữ trước
mắt chúng tôi chẳng còn để ý trời đất gì nữa, thậm chí còn không biết đến
sự tồn tại của nhau. Chúng tôi đọc xong gần như cùng lúc, vừa khi hừng
đông bắt đầu lóe rạng.
Paul lật trang cuối rồi quay qua tôi và nói với giọng rất thản nhiên “Tình
hình khá tệ hả?” Tôi gật, hắn cũng gật, rồi sau đó nói tiếp “Vậy ta xử lí kiểu
gì giờ?”
Và bản báo cáo “Warmbrunn-Knight” đã ra đời như vậy.
Ước gì mọi người ngưng gọi nó bằng cái tên đó. Trên bản báo cáo đó
còn tận mười lăm cái tên nữa: các nhà virút học, tình báo viên, phân tích
viên quân sự, nhà báo, thậm chí cả một quan sát viên Liên Hiệp Quốc vốn
đang giám sát các cuộc bầu cử ở Jakarta khi trận bùng phát đầu tiên nổ ra ở
Indonesia. Tất cả đều là chuyên gia trong ngành và thậm chí ai cũng đã rút
ra được kết luận tương tự trước khi chúng tôi liên lạc với họ. Bản báo cáo
của chúng tôi dài chưa đến một trăm trang. Nó rất ngắn gọn, rất đầy đủ và,
theo ý kiến của bọn tôi, là tất cả những gì chúng ta cần để ngăn căn bệnh
này trở thành đại dịch. Tôi biết người ta chủ yếu ca ngợi sách lược chiến
tranh Nam Phi. Nó cũng đáng được như vậy. Nhưng nếu có thêm nhiều
người chịu khó đọc báo cáo của chúng tôi và tìm cách áp dụng những đề
xuất trong đó vào thực tiễn, sách lược kia chưa chắc đã cần phải có.
Nhưng cũng có một số người đọc và làm theo báo cáo của các ông.
Chính phủ các ông…
Có mấy ai đâu? Và hậu quả sao anh thấy rồi đó.
BETHLEHEM, PALESTINE
[Với vẻ ngoài vạm vỡ và nét quyến rũ đầy tao nhã, Saladin Kader
có thể trở thành một ngôi sao màn bạc. Anh thân thiện nhưng không
khúm núm,tự tin nhưng không ngạo mạn. Anh là giáo sư về quy hoạch
đô thị ở Đại học Khalil Gibran và tất nhiên là được học sinh nữ rất cảm
mến. Chúng tôi ngồi dưới bức tượng mang tên trường. Cũng như tất cả
mọi thứ trong thành phố thịnh vượng nhất Trung Đông này, cái chất
đồng bóng loáng của nó sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời.]
Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố Kuwait. Tôi thuộc là một trong số
những gia đình “may mắn” không bị trục xuất sau khi Arafat trở thành đồng
minh của Saddam năm 1991 và cùng nhau chống lại thế giới. Chúng tôi
không dư dật nhưng cũng không túng thiếu. Tôi sống khá thoải mái, thậm
chí còn được bao bọc khá kĩ. Lối sống ấy bộc lộ rõ qua từng cử chỉ hành vi
của tôi thời ấy.
Tan học, ngày nào tôi cũng đi làm thêm ở Starbucks. Tôi có xem một
bản tin của Al Jazeera từ sau quầy thanh toán. Lúc đó đang buổi chiều,
đúng giờ cao điểm, cả quán chật ních. Anh phải ở đó nghe tiếng hò hét,
tiếng reo mừng, tiếng huýt gió mới thấy chất. Độ ồn ở đây chắc cũng ngang
ngửa nơi diễn ra Đại Hội.
Tất nhiên chúng tôi đều cho đó toàn là những lời bịp bợm của bọn phục
quốc Do Thái. Ai chẳng nghĩ thế? Tôi biết nghĩ gì sau khi nghe đại sứ Israel
công bố trước Hội Đồng Liên Hiệp Quốc rằng đất nước ông ta đang thực thi
chính sách “tự nguyện cách li”? Chả nhẽ tôi lại đi tin cái câu chuyện điên rồ
của lão rằng bệnh dại Châu Phi thực chất là một đại dịch mới có khả năng
biến xác chết thành những kẻ ăn thịt khát máu à? Tin làm sao được cái thứ
vớ vấn đó, nhất là khi được nghe từ miệng kẻ tử thù của mình?
Tôi chả buồn nghe phần hai bài nói của lão béo ấy. Lão đề cập đến việc
cho phép bất cứ người Do Thái sinh ra ở nước ngoài nào, bất cứ người
ngoại quốc nào có bố mẹ là người Israel, bất cứ người Palestine nào hiện
đang sống trong vùng bị chiếm đóng trước kia hoặc có gia đình đã từng
sống trong lãnh thổ Israel được phép tị nạn mà không cần tra hỏi gì hết. Gia
đình tôi rơi vào nhóm cuối, vốn là dân chạy nạn trong cuộc chiến của bọn
12
phục quốc Do Thái năm 1967. Nghe theo sự chỉ đạo của PLO , chúng tôi
trốn khỏi làng, lòng tin tưởng rằng mình sẽ có thể hồi hương ngay khi
những người anh em từ bên Ai Cập và Syria đẩy lùi bọn Do Thái ra biển.
Tôi chưa bao giờ đến Israel, hay cái phần đất sắp sửa bị sát nhập thành một
tiểu bang của đất nước Palestine Thống Nhất.
Theo ông mục đích thực của chiêu bài bên Israel đang sử dụng là gì?
Tôi nghĩ thế này: Đám phục quốc do thái vừa bị tống ra khỏi vùng lãnh
thổ bị chiếm đóng. Cũng như ở Lebanon và mới gần đây là Dải Gaza,
chúng nói chúng tự nguyện rời đi, nhưng thực chất thì cũng như hồi trước,
chúng tôi biết chính mình đã đánh đuổi chúng đi. Chúng thừa hiểu đòn đánh
tiếp theo sẽ là cú đánh chí tử, tiêu diệt toàn bộ cái quốc gia hung tàn ấy. Và
để chuẩn bị cho phát giáng cuối cùng ấy, chúng đang tìm cách tuyển mộ
người Do Thái ở nước ngoài làm bia đỡ đạn và… và — hồi đấy tôi rất
khâm phục sự thông minh của mình sau khi nghĩ ra cái này — bắt cóc càng
nhiều người Palestine càng tốt để làm lá chắn người! Tôi đã biết hết các câu
trả lời. Tuổi mười bảy đứa nào chả thế?
Cha tôi không tin lắm cái nhìn thiên tài về địa chính trị của tôi. Ông làm
lao công ở bệnh viện Amiri. Ông trực hôm trận dịch dại Châu Phi cỡ lớn
đầu tiên bùng nổ. Ông không được tận mắt chứng kiến cảnh xác chết sống
lại hay vụ thảm sát của các bệnh nhân hoảng loạn và nhân viên an ninh,
nhưng ông đã chứng kiến hậu quả của nó đã đủ để khiến ông tin rằng ở lại
Kuwait chẳng khác nào tự sát. Ông quyết định rời đi ngay hôm Israel đưa ra
tuyên bố ấy.
Chắc ông hơi khó chấp nhận chuyện đó.
Thật đáng sỉ nhục! Tôi cố giúp ông nhìn ra sự thật, cố gắng thuyết phục
ông bằng mớ lôgic non trẻ của mình. Tôi đưa ông xem những bức hình lấy
từ Al Jazeera, những bức hình chụp ở bang Bờ Tây mới của Palestine; cảnh
ăn mừng, cảnh biểu tình. Ai có mắt cũng đều có thể thấy rõ ngày độc lập
hoàn toàn đã sắp đến. Quân Israel đã rút khỏi các khu vực chiếm đóng và
đang chuẩn bị sơ tán Al Quds, nơi chúng gọi là Jerusalem! Tôi chắc nịch tất
cả các cuộc chiến tranh phe phái, các cuộc bạo động giữa các nhóm phiến
quân sẽ ngớt đi một khi chúng ta đoàn kết lại giáng đòn kết liễu bọn Do
Thái. Sao cha tôi không thấy được điều đó? Chẳng lẽ ông lại không hiểu là
chỉ vài năm, vài tháng nữa thôi, chúng tôi sẽ trở về quê nhà với tư cách là
những giải phóng quân, không phải những con dân chạy nạn.
Cuộc tranh cãi ấy được giải quyết ra sao?
“Giải quyết”, cách nói hay đấy. Nó được “giải quyết” ngay sau trận
bùng phát thứ hai với qui mô lớn hơn ở Al Jahrah. Cha tôi ngay lập tức thôi
việc, rút hết mấy hào lẻ trong cái tài khoản gần như trống rỗng… hành lí
được chuẩn bị… vé đã được đặt trên mạng. Tiếng tivi nổi lên ồn ã, chiếu
cảnh cảnh sát chống bạo động đạp cửa xông vào một ngôi nhà. Chả thấy họ
đang bắn cái gì ở trong đó. Thông báo chính thức đổ hết lỗi lên đầu “những
kẻ cực đoan ủng hộ phương Tây.” Như lệ thường, tôi và cha mình đang cãi
nhau. Ông cố thuyết phục tôi về những gì ông đã thấy ở bệnh viện, cố nói
rằng đến khi giới cầm quyền thừa nhận nguy hiểm thì đã quá muộn rồi.
Tất nhiên tôi nhạo báng sự ngu dốt hèn mọn của ông, nhạo báng việc
ông sẵn sàng từ bỏ “Cuộc Kháng Cự”. Tôi còn có thể trông chờ gì vào một
người cả đời cọ toa lét ở cái đất nước mà nhân dân được đối xử chỉ hơn lũ
Philippines xuất khẩu lao động có tí xíu? Ông đã đánh mất chính kiến, đánh
mất lòng tự trọng. Đám phục quốc Do Thái đang chìa ra mấy lời hứa trống
rỗng về một cuộc sống tốt đẹp hơn và ông đang vồ lấy nó như chó thấy thịt
thừa.
Kiên nhẫn hết mức có thể, cha tôi cố làm cho tôi hiểu rằng ông chẳng
tha thiết gì đám người Israel hơn mấy tên cảm tử ở Al Aqsa, nhưng họ là
quốc gia duy nhất có vẻ đang chuẩn bị đương đầu với tai ương sắp đến, và
rõ ràng là nơi duy nhất sẵn sàng bảo vệ và cho gia đình chúng tôi chốn
nương thân.
Tôi cười thẳng vào mặt ông. Sau đó tôi ném cái tin trời đánh: tôi bảo
13
với ông rằng tôi đã tìm thấy trang web Hậu duệ của Yassin và đang đợi email từ một người tuyển quân đang hoạt động ở thành phố Kuwait. Tôi bảo
cha tôi cứ đi làm trâu ngựa cho lũ yehud nếu ông muốn, nhưng lần tới cha
con hội ngộ sẽ là khi tôi giải cứu ông khỏi trại tập trung. Tôi rất tự hào khi
phun ra những lời đó, nghe đậm chất anh hùng. Tôi nhìn trừng trừng vào
cha tôi, lúc đó đang đứng ở đầu kia cái bàn, và đưa ra phán quyết cuối cùng:
“Trong mắt thánh Allah, những kẻ không có đức tin đều là lũ súc vật đê tiện
14
nhất!”
Cái bàn ăn đột nhiên chết lặng. Mẹ tôi cúi mặt xuống, mấy đứa em gái
tôi thì nhìn nhau. Giờ chỉ còn nghe thấy mỗi tiếng cái tivi, nghe thấy mỗi cô
phóng viên hiện trường hoảng hốt kêu gọi mọi người giữ bình tĩnh. Cha tôi
không phải tạng người to lớn gì cho cam. Hồi đó, tôi nghĩ tôi còn đô con
hơn ông. Ông cũng không phải người hay cáu gắt; tôi gần như chưa bao giờ
thấy ông cao giọng. Tôi thấy trong mắt ông lóe lên cái gì đó mà tôi không
nhận ra, và đột nhiên ông tóm lấy tôi, nhanh như một cơn lốc. Ông lẳng tôi
vào tường, tát tôi đau đến mức ù cả tai đi. “Mày PHẢI đi!” ông vừa gầm lên
vừa tóm lấy vai tôi, liên tục đập tôi vào bức tường giẻ rách. “Tao là cha
mày! Mày PHẢI NGHE LỜI TAO!” Cú tát tiếp theo làm mắt tôi nổ đom
đóm. “MÀY SẼ ĐI VỚI GIA ĐÌNH NÀY HOẶC LÀ MÀY SẼ KHÔNG
SỐNG SÓT MÀ RA KHỎI CĂN PHÒNG NÀY!” Ông lại tiếp tục tóm, xô
đẩy gào thét và tát bôm bốp. Tôi chả hiểu cái người đàn ông này, cái con sư
tử đã thế chỗ người cha hiền lành, nhu nhược của tôi từ đâu mọc ra. Con sư
tử ấy đang bảo vệ lũ con của mình. Ông biết vũ khí duy nhất ông còn có thể
dùng để cứu mạng tôi là sự sợ hãi và nếu căn bệnh không làm tôi sợ thì, mẹ
kiếp, tôi sẽ phải sợ ông!
Nó có tác dụng không?
[Cười.] Như tôi thì cảm tử quân cái nỗi gì. Hình như tôi khóc suốt dọc
đường đi đến Cairo.
Cairo?
Không có chuyến nào bay trực tiếp từ Kuwait đến Israel. Và sau khi
Liên Đoàn Ả Rập thi hành chính sách hạn chế di chuyển thì ngay cả bay từ
Ai Cập cũng không được. Chúng tôi phải bay từ Kuwait sang Cairo rồi bắt
xe buýt băng qua sa mạc Sinai để đến chỗ chuyển giao ở Taba.
Khi đến gần biên giới, tôi được diện kiến Bức Tường lần đầu tiên trong
đời. Bấy giờ nó vẫn chưa được xậy xong, trên nền xi măng vẫn còn mấy
thanh thép trần tòi ra. Tôi có nghe về cái “hàng rào an ninh” khét tiếng —
điều người dân ở các nước Ả Rập không biết — nhưng tôi cứ tưởng nó chỉ
bao quanh Bờ Tây và Dải Gaza. Nhìn thấy nó ở nơi sa mạc hoang vu này,
tôi càng tin tưởng vào giả thuyết rằng bên Israel đang trông chờ một cuộc
tấn công dọc toàn bộ biên giới. Tốt, tôi thầm nghĩ. Cuối cùng bọn Ai Cập
cũng đã tìm lại được chút dũng khí.
Ở Taba, chúng tôi bị bắt xuống xe và được ra lệnh xếp hàng dọc đi băng
qua chuồng của mấy con chó to lớn trông rất dữ dằn. Chúng tôi từng người
một đi vào. Một anh lính biên phòng người gốc Phi đen đúa gầy gò —
15
Trước giờ tôi không hề biết Do Thái có người da đen — chìa tay ra. “Chờ
đó!” Anh ta nói với cái giọng Ả Rập rất khó nghe.
Rồi sau đó, “đến anh, đi đi!” Đứng trước tôi là một ông già. Ông để râu
dài bạc trắng và đi chống gậy. Ông vừa đi qua lũ chó, chúng ngay lập tức
nổi điên lên, tru tréo, gầm gừ, cắn đớp loạn xạ và cứ lao vào thành chuồng.
Ngay lập tức hai tay đô vật mặc thường phục tiến tới cạnh ông già, thì thầm
gì đó vào tai ông ta và đưa ông ấy đi. Tôi có thể thấy ông ấy đang bị
thương. Tấm áo dishdasha rách ngang hông của ông ố nâu màu máu. Nhưng
mấy gã này chắc chắn không phải bác sĩ, và cái xe đen không biển số họ
đưa ông lên cũng dứt khoát không phải xe cứu thương. Bọn khốn, tôi nghĩ
thầm trong khi người nhà ông già kia đứng nhìn ông mà kêu khóc. Loại bỏ
những người quá ốm yếu hay già cả mà chúng không muốn sử dụng. Sau đó
đến lượt chúng tôi đi qua lũ chó. Chúng không sủa tôi hay bất cứ ai trong
gia đình tôi cả. Hình như có con còn vẫy đuôi khi em tôi chìa tay ra. Nhưng
đến người đàn ông đi sau chúng tôi thì… tiếng sủa, tiếng gầm gừ lại nổi lên,
và mấy gã mặc thường phục bí ẩn kia lại đến. Tôi quay lại và ngạc nhiên
khi thấy anh ta là người da trắng, chắc là người Mỹ hoặc Canada… không,
chắc là người Mỹ đấy. Anh ta nói tiếng Anh cứ gào tướng lên. “Ê này, tôi là
người khỏe mạnh mà!” Anh ta gào lên và kháng cự lại. “Thôi nào, mẹ kiếp,
làm cái gì thế?” Anh ta ăn mặc rất lịch thiệp, diện bộ vét kèm cà vạt. Đống
hành lí hợp tông màu bị quẳng sang một bên khi anh ấy bắt đầu chống đối
lại mấy người Israel. “Này, thôi đi, cút xa tôi ra! Tôi cũng như mấy người
thôi mà! Đùa gì thế!” Mấy cái khuy áo của anh ta bục tung, làm lộ một
miếng băng thấm đẫm máu buộc quanh bụng. Khi bị lôi xềnh xệch vào
trong xe, anh ta vẫn cứ đấm đá và gào thét loạn xạ. Tôi hiểu không nổi. Tại
sao lại là họ? Rõ ràng là người Ả Rập hay không không quan trọng, hay
thậm chí là có bị thương hay không cũng vậy. Tôi thấy có vài người tị nạn
mang thương tích trầm trọng đi qua mà không hề bị lính canh làm gì. Họ
được đưa lên chỗ mấy chiếc xe cứu thương đang đợi sẵn. Lần này là xe cứu
thương thật chứ không phải mấy chiếc xe đen. Tôi đồ rằng lũ chó chắc đóng
vai trò gì đó. Hay chúng được dùng để dò bệnh dại? Mỗi cái đó là nghe hợp
lí nhất, và suốt dọc đường đến trại tị nạn ở ngoại ô Yeroham tôi cứ đinh
ninh như thế.
Đó có phải là khu tái định cư?
Tái định cư kiêm khu cách li. Hồi đó đối với tôi nó chả khác gì nhà
ngục. Những gì xảy đến với chúng tôi đúng y chang dự kiến của tôi: lều
chõng đủ kiểu, người người chen lấn chật chội, lính canh nhan nhản, dây
thép gai chăng tứ phương, lại còn cả cái ánh nắng như đổ lửa của mặt trời
sa mạc Negev nữa. Chúng tôi thấy mình như tù nhân.Thực chất chúng tôi
đúng là tù nhân, và dù gan tôi không đủ lớn để bảo với cha tôi rằng “nói rồi
không nghe”,nhìn gương mặt cay đắng của tôi chắc ông cũng đủ hiểu.
Tôi chỉ không lường trước được vụ khám sức khỏe. Ngày nào cũng có
cả một đội quân nhân viên y tế hùng hậu khám nghiệm chúng tôi. Máu, da,
16
tóc, nước bọt, thậm chí cả nước tiểu và phân … thật là quá sức mệt mỏi,
quá phỉ báng. Điều duy nhất khiến mọi thứ dễ chịu hơn một chút và thậm
chí còn có thể là giúp ngăn không cho một cuộc bạo động giữa đám người
Hồi giáo xảy ra đó là phần lớn bác sĩ và y tá lãnh nhiệm vụ khám sức khỏe
là người Palestine. Bác sĩ khám mẹ và các em gái tôi là một phụ nữ Mỹ đến
từ thành phố Jersey. Ông bác sĩ khám nghiệm chúng tôi đến từ Jabaliya ở
Gaza và chính ông mới chỉ mấy tháng trước còn là tù nhân ở đây. Ông liên
tục trấn an chúng tôi rằng, “Đến đây là một quyết định đúng đắn. Mấy
người sẽ thấy. Tôi hiểu là rất khổ, nhưng rồi mọi người sẽ thấy đây là cách
duy nhất.” Ông bảo với chúng tôi rằng mọi thứ phía Israel nói đều là sự
thật. Tôi vẫn không thể tin ông ta được, mặc dù càng ngày càng có một
phần trong tôi thực sự muốn.
Chúng tôi ở lại Yeroham đến ba tuần, mãi cho đến khi giấy tờ được xử
lí và khám xét xong xuôi. Anh biết không, trong suốt quãng thời gian đó họ
gần như không đoái hoài gì đến hộ chiếu của chúng tôi hết. Cha tôi đã làm
hết sức để đảm bảo rằng giấy tờ chúng tôi đều hợp lệ hết. Có khi họ còn
chẳng thèm quan tâm. Trừ khi bị Lực lượng Phòng vệ Israel hay cớm truy
bắt vì các hành vi trái với giáo huấn thì anh chỉ cần có cái giấy chứng nhận
sức khỏe tốt.
Bộ Công tác Xã hội cấp cho chúng tôi chứng từ trợ cấp nhà cửa, giáo
dục miễn phí, và cấp cho cha tôi một công việc với mức lương đủ để nuôi
sống cả nhà. Mọi thứ thật quá hoàn hảo, tôi vừa lên xe buýt đi Tel Aviv vừa
nghĩ. Chắc lại sắp có biến rồi đây.
Vào đến thành phố Beer Sheeba thì có biến thật. Lúc đó tôi đang ngủ,
tôi không nghe thấy tiếng súng hay nhìn thấy cảnh kính khoang lái vỡ nát
ra. Chiếc xe tròng trành mất kiểm soát khiến tôi giật mình tỉnh dậy. Chúng
tôi đâm vào một tòa nhà. Có tiếng người la hét, khắp nơi vung vãi đầy máu
và mảnh kính vụn. Cả nhà tôi ngồi gần chỗ cửa thoát hiểm. Cha tôi đạp
tung cửa và kéo chúng tôi ra ngoài đường.
Đang có một vụ đọ súng. Đạn nã ra từ phía cửa sổ, cửa ra vào. Tôi thấy
đây là cuộc chiến giữa binh lính và dân thường mang súng hoặc bom tự
chế. Đây rồi! Tôi reo thầm. Tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực!
Cuộc giải phóng đã bắt đầu! Trước khi tôi kịp chạy ra gia nhập hàng ngũ
các chiến hữu của mình, ai đó túm lấy áo tôi và kéo tôi vào một quán
Starbucks.
Tôi bị ném lên trên sàn cạnh gia đình mình. Mấy đứa em gái tôi đang
khóc thét lên còn mẹ tôi đang cố lấy thân mình che cho chúng. Cha tôi có
một vết đạn bắn ở trên vai. Một tên lính IDF đẩy tôi ngã dúi xuống đất,
ngăn không cho tôi nhìn ra phía cửa sổ. Tôi sôi máu lên; tôi ngó nghiêng
xung quanh tìm thứ gì đó làm vũ khí, chẳng hạn như một mảnh kính vỡ để
đâm xuyên cổ cái tên yehud này.
Đột nhiên cửa hậu quán Starbucks bật mở. Gã lính quay về phía đó và
khai hỏa. Một cái xác đẫm máu rơi xuống sàn nghe cái thịch ngay bên cạnh
chúng tôi, một quả lựu đạn lăn ra khỏi cái tay còn giật giật. Tên lính tóm lấy
quả bom, định ném nó ra ngoài phố. Bay được nửa chùng thì nó phát nổ.
Người tên lính ấy chắn chúng tôi khỏi vụ nổ. Hắn đổ sụp lên xác người anh
em Ả Rập vừa bị sát hại của tôi. Mỗi tội đó không phải người Ả Rập. Khi
vừa ráo nước mắt tôi nhận thấy hắn ăn vận một chiếc payess, một chiếc
yarmulke và còn có cả một chiếc khăn tzitzit đầy máu rơi ra từ trong cái
quần ẩm ướt, rách nát. Đây là một tên Do Thái, đám phiến quân vũ trang
ngoài đường phố là người Do Thái! Trận chiến ác liệt đang nổ ra xung
quanh chúng tôi không phải là một cuộc nổi dậy của các phần tử Palestine li
khai mà là phát súng đầu tiên khai màn cuộc Nội Chiến Israel.
Theo ông nguyên nhân của cuộc chiến ấy là gì?
Tôi nghĩ do nhiều nguyên nhân. Tôi biết việc hồi hương của người
Palestine cũng như việc rút khỏi Bờ Tây không được người dân đồng tình
lắm. Chắc Chương trình Tái định cư Chiến lược Hamlet đã khiến khá nhiều
người bức xúc. Rất nhiều người dân Israel đã phải đứng nhìn nhà cửa mình
bị san phẳng để nhường chỗ cho những khu dân cư tự cấp tự túc được gia
cố. Theo tôi thì Al Quds là giọt nước cuối cùng. Liên minh Chính phủ quyết
định rằng nơi ấy là một yếu điểm rất lớn, quá to không thể kiểm soát được,
một lỗ hổng dẫn ngay vào trung tâm Israel. Họ không chỉ sơ tán thành phố
mà còn cả dọc từ Nablus đến hành lang Hebron. Họ tin rằng xây một bức
tường ngắn hơn dọc mốc biên giới 1967 là cách duy nhất để đảm bảo an
ninh, cho dù quyết định ấy có thể gây phản ứng dữ dội từ phe cánh phải của
mình. Mãi sau này tôi mới biết điều đó, anh hiểu chứ, cũng như việc lí do
duy nhất phía IDF cuối cùng cũng thắng được đó là bởi phần lớn lực lượng
phiến quân thuộc phe chính thống cực đoan nên chưa từng phục vụ trong
quân ngũ. Anh biết điều đó không? Tôi thì không. Tôi nhận ra mình chẳng
hiểu gì về những người mình đã căm ghét suốt cả cuộc đời. Hôm đó mọi
thứ tôi nghĩ là sự thật đều tan thành mây khói và được thay thể bởi bộ mặt
của kẻ thù đích thực.
17
Tôi cùng gia đình chạy vào khoang sau của một chiếc xe tăng Israeli .
Đúng lúc ấy một cái xe không biển số hiện ra ở chỗ khúc quanh. Một quả
tên lửa cầm tay phóng thẳng vào động cơ của nó.
Cả cái xe bắn ngược lên không trung, rơi sấp xuống và phát nổ, biến
thành một quả cầu lửa khổng lồ. Còn vài bước nữa tôi mới chạm cửa xe
tăng. Từng đó thời gian là đủ để thấy câu chuyện phơi bày ra trước mắt. Có
mấy bóng người trèo ra khỏi xác xe đang cháy. Trông chúng như những
ngọn đuốc chậm chạp, áo quần, da thịt dính đầy xăng và bốc cháy phừng
phừng. Những người lính xung quanh chúng tôi bắt đầu khai hỏa vào đám
người đang đi tới đó. Tôi có thể thấy rõ mấy lỗ hổng trên ngực chúng, nơi
đạn bắn xuyên qua mà không gây tổn hại gì. Ông đội trưởng đứng cạnh tôi
gào lên “B’rosh! Yoreh B’rosh!” và mấy người lính chỉnh lại tầm ngắm.
Đầu những người… những con kia vỡ toác. Xác chúng vừa chạm đất thì lửa
trên người chúng cũng lụi, để lại đằng sau những cái xác không đầu cháy
đen thui. Đột nhiên tôi hiểu ra điều mà cha tôi đã cố cảnh báo tôi, điều mà
người Israel đã cố cảnh báo thế giới! Điều duy nhất tôi không hiểu nổi là tại
làm sao cả thế giới không một ai chịu lắng nghe.
ĐỔ LỖI
LANGLEY, VIRGINIA, MỸ
[Trông qua những tưởng văn phòng vị gián đốc Cục Tình báo
Trung ương này là của một doanh nhân hay bác sĩ hay của một hiệu
trưởng trường cấp ba làng nhàng nào đó. Trên giá sách có cả một bộ
sưu tập sách tham khảo đồ sộ đáng kinh ngạc, trên tường treo đầy ảnh
và bằng cấp còn trên bàn ông là một quả bóng chày được Johnny
Bench, người bắt bóng của đội Cincinnati Reds kí tặng. Chủ nhân căn
phòng đó, Bob Archer, có thể thấy rõ trên nét mặt tôi rằng tôi đang
trông đợi một cái gì đó khác. Tôi đoán rằng đó là lí do ông quyết định
cho tôi phỏng vấn ở đây.]
Mỗi lần nhắc đến CIA chắc thiên hạ lại nghĩ đến hai giai thoại nổi tiếng
và lâu đời nhất. Cái đầu tiên đó là nhiệm vụ của chúng tôi là rà soát khắp
nơi trên thế giới để tìm kiếm các mối nguy thấy rõ đối với nước Mỹ, còn cái
thứ hai là chúng tôi có đủ nguồn lực để thực hiện cái thứ nhất. Mấy cái giai
thoại này là sản phẩm phụ của một tổ chức mà về bản chất là phải bí mật
tồn tại và hoạt động. Bí mật là một khoảng không và chẳng có gì lấp đầy
khoảng không ấy hơn là mấy tin đồn dễ gây hoang tưởng. “Này, anh nghe
kể về vụ ai đó giết ai đó chưa? Tôi nghe đồn CIA tiếp tay đấy. Này, còn vụ
đảo chính ở nước Cộng hòa El Củ Chuối thì sao, chắc do bọn CIA rồi. Này,
cẩn thận đừng có vào cái trang web ấy, anh biết thừa ai lưu hồ sơ mọi
website thiên hạ truy cập mà, CIA!” Đấy là hình tượng của chúng tôi trong
mắt bàn dân thiên hạ trước chiến tranh, và chúng tôi cực kì sẵn sàng truyền
bá hình tượng đó. Chúng tôi muốn kẻ địch dè chừng chúng tôi, khiếp sợ
chúng tôi và phải suy nghĩ thật kĩ trước khi muốn làm hại nhân dân nước
chúng tôi. Nhờ cái hình ảnh một con bạch tuộc thông hiểu mọi thứ đó mà
chúng tôi mới có được ưu thế này. Nhược điểm duy nhất của nó là ngay cả
phe ta cũng tin vào hình tượng đó, vậy nên mỗi khi ở đâu có chuyện gì đột
ngột xảy ra, anh nghĩ người ta chỉ tay vào đâu: “Này, sao cái quốc gia điên
rồ kia kiếm được đầu đạn hạt nhân? CIA đâu hết rồi? Tại sao cả đống người
kia lại bị tên cuồng tín đó giết? CIA đâu hết rồi? Tại sao khi thây ma sống
lại, mãi tận khi chúng đập cửa sổ xông vào phòng khách chúng ta mới hay
tin? CIA chết đâu hết mẹ nó rồi!?!”
Thực ra thì, cả Cục Tình báo Trung ương lẫn bất cứ tổ chức tình báo
chính thống và không chính thống nào của Mỹ đều không thể trở thành một
đấng toàn năng thông suốt mọi sự trên khắp địa cầu được. Lí do đầu tiên,
chúng tôi không có kinh phí lớn cỡ đó. Ngay cả cái thời chiến tranh lạnh
còn được cấp ngân phiếu trống, có tai mắt trong mọi phòng kín, hang động,
ngõ hẻm, nhà chứa, boong-ke, văn phòng, nhà cửa, khoang xe, và ruộng lúa
trên khắp hành tinh này là điều không thể. Đừng hiểu nhầm ý tôi, tôi không
muốn nói chúng tôi vô dụng, và có lẽ chúng tôi có thể nhận trách nhiệm đối
với một số sự kiện mà đám người hâm mộ và nhà chỉ trích của chúng tôi đã
nghi ngờ chúng tôi suốt mấy năm nay. Nhưng nếu anh tính gộp tất các
18
thuyết âm mưu lũ thần kinh man mát nghĩ ra kể từ hồi Trân Châu Cảng
cho đến hồi trước Cuộc Đại Loạn, thì anh sẽ có được một cái tổ chức mạnh
hơn cả Hiệp chủng Quốc Hoa Kỳ nói riêng và toàn bộ nhân loại nói chung.
Chúng tôi không phải một tổ chức siêu nhiên với bí kíp có từ thời cổ đại
hay công nghệ của người ngoài hành tinh. Chúng tôi có những hạn chế rất
đời thường và nguồn lực cực kì ít ỏi, vậy nên sao chúng tôi phải mất công
truy cứu tất cả mọi mối nguy tiềm tàng? Cái này đúng với giai thoại thứ hai
về nhiệm vụ thực sự của một tổ chức tình báo. Chúng tôi không thể dàn trải
nhân lực đi tìm kiếm và hi vọng sẽ tình cờ bắt gặp những mối họa mới.
Thay vào đó, chúng tôi phải nhận diện và tập trung vào những mối họa rõ
rành rành ở hiện tại. Nếu mấy tay Xô Viết hàng xóm định châm lửa đốt nhà
anh, anh không có thời gian bận tâm về đám Ả Rập cuối phố. Nếu đột nhiên
bọn Ả Rập đứng trong sân nhà anh, anh không thể mất công cảnh giác với
phía Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và nếu một ngày kia lũ Hoa Cộng
đứng trước cửa nhà anh, một tay cầm giấy trục xuất tay kia lăm lăm chai
bom xăng thì không có chuyện anh ngó đằng sau dè chừng lũ xác chết biết
đi.
Nhưng chẳng phải dịch bắt nguồn từ Trung Quốc sao?
Đúng vậy. Và cả vụ Maskirovkas lớn nhất trong lịch sử mật thám hiện
đại cũng thế.
Gì cơ ạ?
Một chiêu lừa, một đòn nghi binh. Bên PRC biết họ là mục tiêu giám sát
số một của ta. Họ biết họ không thể giấu nhẹm các cuộc càn quét “An toàn
Sức khỏe” đang diễn ra trên khắp cả nước. Họ nhận ra cách tốt nhất để che
đậy hành động của mình là giấu nó ở nơi lộ liễu nhất. Thay vì nói dối về
mấy cuộc càn quét, họ nói dối về mục tiêu của các cuộc càn quét.
Có phải cuộc đàn áp phản động?
To hơn, toàn bộ biến cố ở eo biển Đài Loan: thắng lợi của Đảng Quốc
gia Độc lập Đài Loan, vụ ám sát bộ trưởng quốc phòng PRC, sự leo thang
căng thẳng, mấy lời đe dọa chiến tranh, các cuộc biểu tình và mấy vụ đàn
áp, tất cả đều do một tay Bộ An ninh Quốc gia tạo dựng. Tất cả đều nhằm
đánh lạc hướng thế giới khỏi cái mối hiểm họa thực sự đang lớn dần ở
Trung Quốc. Và nó đã thành công! Mọi tin tình báo về PRC chúng ta có,
mấy cuộc mất tích đột ngột, các vụ xử tử hàng loạt, lệnh giới nghiêm, các
vụ điều động dự binh — tất cả mọi thứ đều trông như sự chuẩn bị của Hoa
Cộng. Chiến lược ấy thành công quá rực rỡ, đến mức chúng tôi thực sự tin
rằng Thế Chiến thứ Ba sắp xảy ra ở eo biển Đài Loan và đã điều động mọi
nguồn lực tình báo từ các quốc gia khác ngay khi mấy trận đại dịch thây ma
bắt đầu xảy ra.
Phía Trung Quốc giỏi vậy cơ à?
Và chúng ta cũng tệ đến cỡ đó. Đó không phải một trong những thời
khắc huy hoàng nhất của Cục Tình báo. Chúng tôi vẫn còn chưa hoàn hồn
sau vụ thanh trừng…
Ý ông là vụ cải tổ?
Không, thanh trừng, vì đó là bản chất thật của chúng. Mức độ thiệt hại
đối với an ninh quốc gia Joe Stalin gây ra khi lão xử bắn hay bắt giam các
nhà lãnh đạo quân đội đắc lực nhất của mình cũng không thể bằng những gì
chính quyền gây ra đối với chúng tôi thông qua các cuộc “cải tổ”. Cuộc
xung đột biên giới vừa qua là một thảm họa và thử đoán xem ai lãnh trách
nhiệm. Chúng tôi được lệnh phải biện minh cho một nghị trình chính trị, và
khi nghị trình ấy trở thành cục nợ, những người lúc đầu ra lệnh cho chúng
tôi giờ vào hùa với đám đông đổ trách nhiệm cho chúng tôi. “Ai là người đã
khuyên chúng ta tiến hành chiến tranh? Ai lôi chúng ta vào cái mớ hỗn độn
này? Là CIA!” Tự bào chữa đồng nghĩa với vi phạm an ninh quốc gia.
Chúng tôi phải ngồi đó cắn răng chịu. Và kết cục là gì? Chảy máu chất
xám. Tại sao lại cứ phải ngồi lại chịu làm nạn nhân cho cuộc săn phù thủy
của chính giới nếu có thể chuyển sang làm tư: lương bổng hậu hĩnh hơn, giờ
giấc làm việc hợp lí hơn, và có thể, chỉ là có thể thôi, được những người
tuyển anh vào tôn trọng tí xíu. Chúng tôi mất đi rất nhiều người giỏi, rất
nhiều nhân sự có kinh nghiệm, nhanh nhạy và có đầu óc phân tích lí luận vô
giá. Chúng tôi chỉ còn lại một lũ hoạn quan thiển cận, cặn bã, nịnh hót.
Nhưng không thể tất cả đều như vậy được.
Tất nhiên là không. Vẫn có những người cố gắng bám trụ vì chúng tôi
thực sự tin tưởng vào công việc mình đang làm. Chúng tôi không làm vì
tiền hay điều kiện làm việc, hay thậm chí là để thỉnh thoảng được vỗ lưng
động viên. Chúng tôi làm vì chúng tôi muốn phục vụ Tổ quốc. Chúng tôi
muốn bảo vệ nhân dân. Nhưng ngay cả với lí tưởng như thế cũng sẽ có lúc
anh nhận ra tất cả mồ hôi nước mắt và máu của anh đều là công cốc cả.
Vậy là ông biết điều gì đang diễn ra.
Không… không… sao biết được. Có gì để xác nhận đâu…
Nhưng ông đã nghi ngờ.
Tôi cũng… hơi hoài nghi.
Ông có thể nói rõ hơn không?
Rất tiếc, tôi không thể. Nhưng tôi có thể nói rằng tôi đã có đưa chuyện
này ra nói với đồng nghiệp của tôi mấy lần.
Chuyện gì đã xảy ra?
Câu trả lời lúc nào cũng như nhau, “Coi chừng cái mồm đấy.”
Ông có bị sao không?
[Gật.] Tôi có nói chuyện với… một nhân vật có chức quyền… chỉ gặp
nhanh trong năm phút, bày tỏ sự lo lắng. Ông ta cảm ơn tôi đã đến và bảo sẽ
nghiên cứu vấn đề ngay. Ngày hôm sau tôi nhận được lệnh thuyên chuyển:
Buenos Aires, có hiệu lực ngay lập tức.
Ông có biết đến bản báo cáo Warmbrunn-Knight không?
Giờ thì biết, nhưng hồi đó…bản báo cáo ấy được Paul Knight trực tiếp
chuyển lên, trên đó có đánh dấu “Chỉ dành cho giám đốc”… Ba năm sau
khi Cuộc Đại Loạn xảy ra, người ta tìm thấy nó trong hộc bàn nhân viên
một văn phòng FBI ở San Antonio. Cuối cùng thì cũng chẳng để làm gì vì
ngay sau khi tôi bị chyển đi, Israel công khai tuyên bố chính sách “Cách li
Tự nguyện”. Thế là đột nhiên giai đoạn đưa ra cảnh báo đã chấm dứt. Mọi
thứ đều đã được công bố; giờ câu hỏi chỉ là có ai tin không thôi.
VAALAJARVI, FINLAND
[Đã đến mùa xuân, “mùa săn bắn”. Khi thời tiết ấm lên và mấy cái
xác đóng băng của lũ thây ma lại hoạt động trở lại, một số đơn vị N-For
(Northern Force – Lực lượng Bắc phương) của Liên Hợp Quốc lại đến
thực hiện cuộc “Lùng tìm và Truy diệt” hàng năm. Cứ qua mỗi năm số
lượng thây ma lại suy giảm. Cứ theo xu hướng hiện tại thì khu này
trong vòng một thập kỉ tới sẽ trở nên “an toàn”. Travis D’Ambrosia,
Lãnh đạo Quân Đồng minh Tối cao ở Châu Âu, trực tiếp đến giám sát
chiến dịch. Giọng vị tướng này có cái gì đó nhẹ nhàng, rầu rầu. Trong
suốt cuộc phỏng vấn, ông thường tránh ánh mắt tôi.]
Tôi không chối bỏ là đã có nhiều sai sót. Tôi không chối bỏ là chúng ta
đáng lẽ có thể chuẩn bị kĩ hơn. Tôi sẵn sàng là người đầu tiên đứng ra thú
nhận rằng chúng tôi đã làm người dân Mỹ thất vọng. Tôi chỉ muốn họ biết
vì sao.
“Nếu bên Israel nói đúng thì sao?” Đây là những lời đầu tiên của ngài
Chủ tịch sáng hôm sau ngày có bài diễn thuyết của Israel trước hội đồng
Liên Hợp Quốc. “Tôi không nói là họ đúng,” ông nhấn mạnh chỗ đó, “tôi
chỉ giả dụ vậy thôi?” Ông muốn được nghe ý kiến công bình, không phải ý
kiến cũ mèm. Ngài Chủ tịch Hội đồng Tham mưu là người như vậy đó. Ông
giữ cho câu chuyện chỉ ở mức “giả định”, gây cho người ta cảm giác đây
chỉ là một trò chơi trí tuệ. Nếu cả thế giới chưa sẵn sàng tin một điều cường
điệu như vậy, thì tại sao các nhân vật trong phòng này phải tin?
Chúng tôi hùa theo lâu hết cỡ có thể, vừa nói vừa cười hoặc thỉnh
thoảng chêm vào câu cợt nhả… Tôi chả rõ mọi người đổi giọng từ bao giờ.
Tôi nghĩ chả ai nhận ra vì nó quá kín đáo. Đột nhiên anh có cả một phòng
đầy chuyên gia quân sự, ai nấy đều đã có hàng chục năm kinh nghiệm chinh
chiến và được học hành cao hơn cả chuyên viên phẫu thuật não dân sự. Tất
cả chúng tôi đều nói rất công khai và thẳng thắn về chuyện liệu thảm hoạ
thây ma có thể xảy ra không. Cứ như thể…vỡ đập vậy; không còn gì cấm kị
nữa và sự thật cứ thế mà tuôn ra như thác. Thật là… không tưởng.
Vậy là ông cũng đã có những nghi ngờ của mình?
Có từ vài tháng trước khi Israel đưa ra tuyên bố kia; cả ngài Chủ tịch
cũng thế. Ai nấy trong phòng cũng đều đã nghe phong thanh hay nghi ngờ
gì đó.
Trong số các ông dã ai đọc bản báo cáo Warmbrunn-Knight chưa?
Không, không ai hết. Tôi có nghe nhắc đến nó nhưng chẳng biết nội
dung của nó ra sao. Hai năm sau khi Cuộc Đại Loạn xảy ra tôi mới có một
bản. Hầu hết các biện pháp quân sự nó đưa ra đều gần như là trùng với của
chúng tôi.
Cái gì của các ông kia?
Đề nghị mà chúng tôi chuyển lên Nhà Trắng. Chúng tôi vạch ra cả một
chương trình mang tính toàn diện để vừa loại bỏ mối nguy trong ranh giới
nước Mỹ, vừa ngăn chặn và giảm tải nó trên phạm vi toàn cầu.
Chuyện gì đã xảy ra?
Nhà Trắng rất ưng Giai Đoạn Một. Kinh phí thấp, tiến hành nhanh gọn
và nếu được thực hiện cẩn thận, kín đáo 100%. Nội dung của Giai Đoạn
Một là đưa một số Đội Đặc Nhiệm vào các khu vực thây ma chiếm đóng.
Họ được lệnh phải điều tra, cách li và tiễu trừ.
Tiễu trừ?
Đến tận gốc.
Đó là các đội Đặc Nhiệm Alpha?
Chính xác, và họ hoàn thành nhiệm vụ cực kì xuất sắc. Dù rằng hồ sơ
của họ sẽ phải bị niêm phong trong vòng 140 năm tới, tôi vẫn có thể nói
rằng đó là một trong những thời khắc đáng tự hào nhất trong lịch sử các
chiến binh tinh nhuệ của Hoa Kì.
Vậy vấn đề ở đâu?
Giai Đoạn Một chả gặp vấn đề gì cả, nhưng Đặc Nhiệm Alpha đúng ra
chỉ là giải pháp tạm thời. Nhiệm vụ của họ không phải ngăn chặn mối đe
dọa đó mà chỉ là cầm chân nó đủ lâu để có thời gian thực thi Giai Đoạn Hai.
Nhưng Giai Đoạn Hai đã không được hoàn tất.
Nó thậm chí còn không được bắt đầu, và đó chính là lí do quân đội Mỹ
không trở kịp tay như vậy. Thật đáng xấu hổ.
Để tiến hành Giai Đoạn Hai, cả đất nước này sẽ phải gánh vác một công
việc vô cùng nặng nề. Nó khổng lồ đến mức ta chưa từng gặp lại kể từ
những ngày khốc liệt nhất của Thế Chiến thứ Hai. Sẽ cần phải viện đến một
lượng ngân khố quốc gia cũng như hỗ trợ của toàn dân lớn phi thường mà
tại thời điểm đó không hề tồn tại. Người dân Mỹ vừa phải trải qua một cuộc
xung đột kéo dài và đẫm máu. Họ quá rệu rã rồi. Họ đã chịu đựng đủ rồi.
Như hồi những năm 1970s, con lắc đã dao động từ vị trí sẵn sàng chiến đấu
về một vị trí rất nản lòng.
Ở các chế độ chuyên chế — Cộng sản, Phát xít, tôn giáo chính thống —
sự ủng hộ của nhân dân không thành vấn đề. Anh có thể gây chiến, dãn dài
chiến tranh, anh có thể bắt bất cứ ai đi lính bao lâu cũng được mà không sợ
bất ổn chính trị. Nền dân chủ thì lại trái hoàn toàn. Sự ủng hộ của công
chúng là tài nguyên có hạn của quốc gia nên phải được tiện kiệm hết mức
có thể. Phải tận dụng thật khôn khéo, tằn tiện và mỗi lần đầu tư phải mang
lại lãi suất cao nhất có thể. Nước Mỹ rất nhạy cảm với sự mệt mỏi chiến
tranh gây ra, và không gì có thể gây phẫn nộ hơn là khi người dân cho rằng
mình sắp thua. Tôi dùng từ “cho rằng” bởi vì xã hội Mỹ thấm đậm tư tưởng
được ăn cả ngã về không. Chúng ta muốn có chiến thắng vang dội, cú dứt
điểm, đòn nốc ao ngay hiệp một. Chúng ta muốn biết và muốn thiên hạ biết
rằng chiến thắng của chúng ta không chỉ là tuyệt đối, nó còn phải làm địch
thủ tan tác hoàn toàn. Nếu không được như vậy thì… nói sao nhỉ… cứ nhìn
vị thế của chúng ta trước Cuộc Đại Loạn xem. Cuộc xung đột biên giới vừa
rồi chúng ta đâu có thua, ngược lại là đằng khác. Chúng ta đã hoàn thành
một nhiệm vụ cực kì khó khăn với lượng tài nguyên vô cùng ít ỏi, lại còn
trong hoàn cảnh rất bất lợi. Chúng ta có thắng, nhưng công chúng không
nghĩ như vậy vì đó không phải phát dứt điểm nhanh gọn chớp nhoáng hợp
với tinh thần dân tộc của chúng ta. Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian, đốt
quá nhiều tiền bạc; quá nhiều người đã hi sinh hoặc bị thương tật vĩnh viễn.
Chúng ta không chỉ đã tiêu hết sạch sự ủng hộ của công chúng, chúng ta
còn lỗ nặng.
Hãy cứ chỉ tính riêng lượng tiền đổ vào Giai Đoạn Hai thôi đã. Anh có
biết khoác được một bộ quân phục lên người một binh sĩ Mỹ tốn thế nào
không? Và đấy là không chỉ riêng thời gian anh ta mặc bộ quân phuc đó:
còn cả tập huấn, trang thiết bị, đồ ăn, chỗ ở, phương tiện di chuyển, thuốc
thang. Tôi đang nói về giá trị tài chính dài hơi mà đất nước này, những
người Mỹ đóng thuế, phải chi ra để trang trải cho anh lính đấy cho đến hết
đời. Đây là một gáng nặng kinh hoàng về tài chính, và hồi đó chúng tôi chật
vật lắm mới có đủ để duy trì lực lượng hiện có.
Ngay cả nếu ngân khố không trống rỗng, ngay cả nếu chúng ta có đủ
tiền để kiếm đủ người nhét vào mấy bộ quân phục đó và thực thi Giai Đoạn
Hai, anh thử nghĩ xem liệu chúng tôi có thể dụ được ai khoác cái đống áo
lính đó lên người? Mấu chốt nằm ở sự mỏi mệt với chiến tranh của nước
Mỹ. Nỗi kinh hoàng “truyền thống” đã tệ đủ lắm rồi — những người đã hi
sinh, những người bị thương tật, những người thương tổn về tâm lí — giờ
lại còn có cả một loại khó khăn mới, “những người bị phản bội". Chúng ta
là quân đội tình nguyện, và nhìn xem các tình nguyện viên của ta bị làm
sao. Anh đã bao nhiêu lần được nghe về một người lính nào đó bị gia hạn
thời gian phục vụ, hoặc một cựu dự bị binh sau mười năm sống đời dân sự
lại bị kêu gọi nhập ngũ rồi? Bao nhiêu người đã mất việc làm, nhà cửa? Bao
nhiêu người quay lại phá hoại đời sống của người khác hoặc thậm chí còn tệ
hơn, không thể trở về? Dân tộc Mỹ là những con người ngay thẳng, chúng
ta muốn một giao kèo công bằng. Tôi biết nhiều nền văn hoá khác cho rằng
chúng tôi thật ngờ nghệch và thậm chí là ngây ngô, nhưng đó là một trong
những nguyên tắc quan trọng nhất của chúng tôi. Nhìn thấy Chú Sam nuốt
lời, xâm hại đời tư của mọi người, xâm hại quyền tự do của họ thì đúng là…
Sau chiến tranh Việt Nam, khi tôi còn là một trung đội trưởng trẻ tuổi ở
Tây Đức, chúng tôi phải áp dụng cả một chương trình đãi ngộ để ngăn lính
không đào ngũ. Sau cuộc chiến vừa qua, không chính sách đãi ngộ nào,
không có mức lương thưởng hay giảm tải kì hạn hay công cụ tuyển mộ
19
online núp dưới vỏ bọc trò chơi điện tử nào có thể lấp đầy hàng ngũ đã
cạn kiệt của ta. Thế hệ này đã chịu quá đủ rồi, và đó là lí do vì sao khi thây
ma bắt đầu tàn phá đất nước chúng ta, chúng ta gần như qua yéu ớt và quá
bạc nhược để ngăn chặn chúng.
Tôi không đổ lỗi cho sự lãnh đạo của nhân dân và tôi cũng không muốn
nói rằng những người mặc quân phục như chúng ta cần phải biết ơn họ. Đây
là hệ thống của chúng ta và nó là hệ thống hàng đầu thế giới. Nhưng nó cần
được bảo vệ, cần được ủng hộ và không bao giờ được phép để cho bị lạm
dụng như vậy nữa.
TRẠM VOSTOK: NAM CỰC
[Trước chiến tranh, tiền đồn này được coi như một trong những nơi
hẻo lánh nhất trên Trái đất. Nằm gần địa cực Nam của thế giới, trên
lớp băng dày 4 cây số của Hồ Vostok, nhiệt độ nơi đây có lần đã đo
được đạt mực kỉ lục âm tám chín độ C và hiếm khi đạt trên âm hai
mốt. Cái lạnh khắc nghiệt cùng với việc các phương tiện di chuyển trên
bộ phải mất hơn một tháng mới đến được trạm đã giúp Vostok có được
sức hấp dẫn đối với Breckinridge “Breck” Scott.
Chúng tôi gặp nhau trong “Khu Vòm”, một căn nhà kính trắc địa
được gia cố. Nó lấy năng lượng từ nhà máy nhiệt điện của trạm. Nó
cùng một số sự cải thiện khác được ông Scott thêm thắt vào sau khi
thuê trạm đó từ phía chính phủ Nga. Kể từ Cuộc Đại Loạn, ông ta chưa
hề đặt chân ra khỏi trạm.]
Anh có hiểu gi về kinh tế không? Ý tôi là nền kinh tế tư bản khổng lồ,
mang tính toàn cầu trước chiến tranh ấy. Anh có biết nó hoạt động như thế
nào không? Tôi thì không, và bất cứ ai nói họ hiểu đều là lũ ba xạo. Không
có luật lệ, không có sự chính xác khoa học nào hết. Thắng, thua, tất cả chỉ
là may rủi. Qui luật duy nhất mà tôi thấy còn có lí tôi lại được học từ một
giáo sư lịch sử chứ không phải giáo sư kinh tế ở Wharton. “Nỗi sợ hãi,” ông
ta nói, “nỗi sợ hãi là mặt hàng đáng giá nhất trong vũ trụ.” Nghe xong tôi
sốc luôn. “Bật TV lên thử xem," ông ấy nói "Các anh chị thấy gì? Thiên hạ
tìm cách bán sản phẩm? Không. Thiên hạ tìm cách bán nỗi sợ rằng bạn phải
sống mà không có sản phẩm của người ta.” Ôi mẹ kiếp, lão nói quá chuẩn.
Nỗi sợ tuổi già, nỗ sợ cô đơn, nỗi sợ cái nghèo, nỗi sợ thất bại. Nỗi sợ là
cảm xúc cơ bản nhất ta có. Nỗi sợ là nguyên thuỷ. Sợ bán được hàng. Đó là
châm ngôn của tôi. “Sợ bán được hàng.”
Khi mới nghe về trận dịch, từ cái hồi nó vẫn còn được gọi là bệnh dại
Châu Phi, Tôi nhận thấy đây là cơ hội ngàn năm có một. Tôi sẽ chẳng bao
giờ quên được cái bản tin đầu tiên đó, vụ bùng phát dịch ở thị trấn Cape.
Chỉ có mười phút là tin tức thật còn lại là cả một tiếng toàn suy đoán xem
nếu chủng virút này lan đến Mỹ thì chuyện gì sẽ xảy ra. Lạy Chúa nhân từ,
cái tin đấy. Ba mươi giây sau tôi đã vớ điện thoại quay số nóng.
Tôi họp mặt với một số nhân vật thân cận. Họ đều đã xem cái bản tin
đấy. Tôi là người đầu tiên nghĩ ra một chiêu thức nghe khả dĩ: vắc-xin, một
loại vắc-xin cho bệnh dại. Ơn Chúa là dại không có thuốc chữa. Người ta
chỉ muốn mua thuốc chữa nếu họ nghĩ mình bị nhiễn bệnh. Nhưng còn vắcxin! Nó là thuốc ngừa! Chừng nào thiên hạ còn sợ căn bệnh kia thì họ còn
tiếp tục cần đến nó!
Chúng tôi có nhiều mối quan hệ trong ngành dược phẩm hoá sinh, với
20
cả còn quen biết kha khá với đám người trên Hill và Penn Ave . Chưa đến
một tháng chúng tôi đã có một nguyên mẫu hiệu quả và sau vài ngày là đã
có một bản đề xuất được viết ra chỉnh tề. Đánh đến lỗ gôn thứ mười tám thì
xung quanh ai nấy bắt tay nhau hết.
Thế còn FDA thì sao?
Trời đất, anh nói nghiêm túc đấy à? Hồi đó FDA là một trong những tổ
chức thiếu hụt vốn và được quản lí vớ vẩn nhất nước. Chắc họ vẫn còn đang
21
đập tay ăn mừng sau khi loại được chất nhuộm đỏ số hai
ra khỏi kẹo
M&M. Thêm nữa, chính quyền thời đó thoáng nhất lịch sử Mỹ. J. P.
Morgan và John D. Rockefeller mà sống lại chắc cũng thành fan cuồng của
cái tay điều hành Nhà Trắng lúc bấy giờ. Nhân viên của hắn thậm chí còn
không thèm đọc báo cáo đánh giá chi phí của chúng tôi. Tôi nghĩ chính họ
cũng đang cần một viên đạn ma thuật. Trong vòng hai tháng họ tìm cách
khiến FDA phải thông qua nó. Anh còn nhớ bài phát biểu trước Quốc hội
của tổng thống về việc nó đã được thử nghiệm ở Châu Âu một thời gian rồi
và thứ duy nhất ngăn cản nó là “bộ máy quan liêu vênh váo" của chúng ta
không? còn nhớ cái vụ “nhân dân không cần chính quyền vững mạnh, họ
cần sự bảo vệ vững mạnh, và họ cần nó khẩn cấp!” Lạy Chúa giáng sinh, tôi
nghĩ cả nửa đất nước nghe mà té đái ra quần. Múc độ tín nhiệm của lão hôm
đó tăng bao nhiêu nhỉ, 60 phần trăm, 70? Tôi chỉ biết rằng riêng ngày đầu
thôi mức IPO của chúng tôi tăng 389 phần trăm! Đỡ đi, Baidu chấm-com!
Và ông không biết liệu nó có công hiệu hay không à?
Chúng tôi biết nó có công hiệu với virút dại, và đó là những gì họ đã
nói, đúng không? Đây chỉ là một chủng virút dại rừng kì lạ nào đó.
Ai nói vậy cơ?
Thì anh biết đấy, “họ,” chẳng hạn như… Liên Hiệp Quốc hay là… ai đó
đó. Mọi người cuối cùng đều gọi nó là thế đúng không? "Bệnh dại Châu
Phi.”
Nó đã từng được thử nghiệm trên nạn nhân thật bao giờ chưa?
Tại sao? Mọi người toàn đi tiêm phòng cúm mặc dù chẳng biết là có
đúng chủng hay không nữa. Chuyện này thì khác gì ?
Nhưng mức thiệt hại…
Ai biết được nó lại phát triển nghiêm trọng đến thế? Anh biết thừa mấy
kiểu hoảng loạn vì bệnh dịch như thế này nhiều đến cỡ nào mà. Lạy Chúa,
nghe mà tưởng dịch hạch cứ ba tháng lại bùng phát khắp toàn cầu… sốt rét,
SARS, cúm gia cầm. Anh có biết người ta kiếm chác được bao nhiêu nhờ
mấy vụ hoảng loạn đấy không? Mẹ kiếp, tôi lần đầu kiếm tiền triệu nhờ
mấy viên thuốc chống phóng xạ vô dụng trong đợt mọi người còn đang hãi
bom bẩn.
Nhưng nếu có ai phát hiện ra…
Phát hiện ra cái gì? Chúng tôi chưa bao giờ nói dối, anh hiểu chứ? Họ
bảo chúng tôi đó là virút dại, vậy là chúng tôi chế vắc-xin phòng dại. Chúng
tôi nói nó được thử nghiệm ở Châu Âu và phương thuốc chúng tôi dựa vào
đó để bào chế cũng đã được thử nghiệm ở Châu Âu. Trên lí thuyết, chúng
tôi không nói dối. Trên lí thuyết, chúng tôi không làm gì sai trái cả.
Nhưng nếu có ai phát hiện ra đó không phải bệnh dại…
Ai sẽ đứng ra hô hoán đây? Giới y sĩ? Chúng tôi đã đảm bảo rằng đây là
thuốc kê theo đơn nên dám bác sĩ cũng có nhiều thứ để mất ngang ngửa
chúng tôi. Còn ai nữa nào? bọn FDA, bên đã cho phép nó thông hành? Lũ
thượng nghị sĩ đã bầu cho nó được thông qua? Các phẫu thuật viên? Nhà
Trắng? Đây là tình thế thua không được! Ai cũng trở thành anh hùng, ai
cũng kiếm được tiền. Sáu tháng sau khi Phalanx được đưa ra thị trường, anh
bắt đầu bắt gặp mấy loại hàng ăn theo rẻ hơn, toàn nhà bán lẻ uy tín với cả
mấy thứ đồ phụ kiện khác chẳng hạn như máy lọc không khí.
Nhưng virút này đâu có lây lan qua không khí.
Kệ chứ! Vẫn cùng thương hiệu! “Do Nhà sản xuất của…” Tôi chỉ việc
nói là “Có thể ngăn chặn phần nào lây nhiễm do virút.” Có thế thôi! Giờ tôi
đã hiểu tại sao hồi trước trong mấy nhà hát đông đúc người ta cấm kêu
cháy. Người ta sẽ không nói “Này, tôi không thấy có mùi khói, có cháy thật
không đấy,” không, họ sẽ nói rằng “Ôi mẹ kiếp, có cháy! CHẠY ĐI!”
[Cười.] Tôi kiếm bộn tiền nhờ bán máy lọc trong nhà, máy lọc trong xe;
món đắt hàng nhất của tôi là là cái thứ của khỉ nhỏ nhỏ gì đó anh đeo quanh
cổ khi lên máy bay! Tôi chả hiểu liệu nó có thể lọc được cỏ phấn hoa
không, nhưng nó bán chạy
Mọi việc tiến triển tốt đến mức tôi bắt đầu lập ra những công ti ma để
thực thi kế hoạch xây dựng các cơ sở sản xuất dọc đất nước, anh hiểu chứ?
Lượng lợi nhuận mấy công ti bù nhìn này kiếm được cũng không kém gì
hàng thật. Giờ thậm chí nó không còn là khái niệm về sự an toàn nữa, nó là
khái niệm của khái niệm của sự an toàn! Còn nhớ cái hồi Mỹ mới bắt đầu
có mấy ca bệnh, có cái tay ở Florida nói hắn bị cắn nhưng nhờ có Phalanx
mà sống sót không? HỠI ÔI! [Ông ta đứng lên, làm động tác dị hợm.]
Cho dù hắn có là ai thì cũng mong Chúa ban phước cho cái thằng não bã
đậu đó.
Nhưng đó đâu phải do Phalanx. Thuốc của anh có bảo vệ được ai
đâu.
Nó bảo vệ họ khỏi nỗi sợ hãi. Tôi chỉ bán cái đó thôi. Nhờ có Phalanx,
ngành thuốc hoá sinh bắt đầu phục hồi, thị trường chứng khoán nhờ đó mà
đã khởi động trở lại, rồi từ đấy mà nó tạo ra cảm tưởng là kinh tế đang phục
hồi, dẫn đến việc người tuêu dùng bắt đầu tự tin trở lại và kích thích kinh tế
phục hồi thật sự! Phalanx đã một tay chấm dứt suy thoái kinh tế. Tôi…
chính tôi đã chấm dứt cuộc suy thoái!
Rồi sau đó thì sao? Khi các trận bùng phát trở nên nghiêm trọng hơn
và báo giới cuối cùng cũng đã bắt đầu loan tin rằng chả có phương thuốc
nhiệm màu nào hết thì thế nào?
Mẹ kiếp, quá đúng! Cái con mụ khốn kiếp tên là cái quái gì đó đầu têu
đưa tin phải đem đi xử bắn! Nhìn thử xem mụ ấy đã làm gì! Đẩy hết cả lũ
vào thế kẹt! Chính mụ ta làm mọi thứ tuầy huầy ra! Chính mụ ta đã gây ra
Cuộc Đại Loạn!
Và ông không chịu bất kì trách nhiệm cá nhân nào?
Trách nhiệm cho cái gì? Cho việc kiếm tí xu còm à, còn lâu [cười]. Tôi
chỉ làm điều mà ai nấy đều làm. Tôi theo đuổi giấc mơ và tôi đã lĩnh phần
của mình. Nếu anh muốn trách ai thì hãy trách cái người đầu tiên gọi nó là
bệnh dại, hay những người biết nó không phải bệnh dại mà vẫn bật đèn
xanh cho chúng tôi. Mẹ kiếp, nếu anh muốn trách ai, sao không bắt đầu với
lũ cừu sẵn sàng xì tiền ra mà không chịu điều tra tử tế. Tôi không hề dí súng
vào đầu họ. Chính họ tự lựa chọn. Họ mới là kẻ xấu chứ không phải tôi. Tôi
chưa bao giờ trực tiếp làm hại ai, và nếu có ai đủ ngu để tự làm mình bị hại
thì tội nghiệp quá kia. Tất nhiên…
Nếu địa ngục có thực… [ông vừa nói vừa cười]… tôi chẳng muốn biết
có bao nhiêu tay đần độn như vậy đang chờ tôi dưới đó đâu. Tôi chỉ hi vọng
chẳng thằng nào muốn được hoàn tiền.
AMARILLO, TEXAS, MỸ
[Grover Carlson làm nghề thu thập nhiên liệu cho cái nhà máy
chuyển hoá sinh học thử nghiệm của thị trấn. Nhiên liệu mà ông ta phải
thu thập là phân. Tôi theo chân cựu trưởng ban nhân sự Nhà Trắng
Trong khi ông đẩy cái e cút kít dọc bãi cỏ đầy phân.]
Tất nhiên chúng tôi có một bản báo cáo Knight-WarnJews, anh nghĩ
chúng tôi là ai, CIA à? Chúng tôi đọc nó ba tháng trước khi Israel bắt đầu
công bố. Trước khi Lầu Năm Góc bắt đầu có động thái, nhiệm vụ của tôi là
phải trực tiếp tóm tắt tình hình cho tổng thống. Sau đó, ông ta dành cả một
cuộc họp thảo luận về ý nghĩa của nó.
Và đó là?
Tạm ngưng mọi thứ, tập trung toàn lực, lại ba cái thứ vớ vẩn của lũ gan
bé. Mỗi tuần bọn tôi nhận gần chục bản báo cáo như thế, chính phủ nào
chẳng gặp cảnh tương tự. Ai cũng nói ông ba bị của mình là “mối hiểm hoạ
lớn nhất đối với nhân loại.” Thôi nào! Tưởng tượng xem nước Mỹ sẽ ra cái
dạng gì nếu cứ mỗi lần có thằng hoang tưởng nào đó kêu “sói” hay "ấm lên
toàn cầu” hay “thây ma” là chính phủ liên bang lại phanh cái kít lại? Làm
ơn đi. Điều mà chúng tôi, điều mà tất cả các tổng thống kể từ thời
Washington đã làm và đưa ra một phản ứng phù hợp và đã được cân nhắc
dựa trên một bản phân tích mối đe doạ thực tiễn.
Và đó là các đội Đặc nhiệm Alpha.
Và một số thứ khác nữa. Nhìn kiểu cố vấn an ninh quốc gia coi nhẹ việc
này như thế nào thì tôi thấy chúng tôi có thời gian bàn thảo khá tử tế.
Chúng tôi có làm một thước phim hướng dẫn về việc phải làm gì trong
trường hợp bùng phát xảy ra dành cho lực lượng cảnh sát bang và cảnh sát
địa phương. Bộ Y tế có lập một trang trên website của mình để chỉ dẫn cho
dân chúng biết nên đối phó với các thành viên bị nhiễm bệnh trong gia đình
như thế nào. Và này, còn cả vụ tuồn Phalanx qua phía FDA thì sao?
Nhưng Phalanx đâu có tác dụng.
Đúng, và anh có biết mất bao lâu mới phát minh ra được một phương
thuốc hiệu nghiệm không? Hãy nhìn xem ta đã đổ biết bao nhiêu tiền bạc và
thời gian vào việc nghiên cứu cách điều trị ung thư hay AIDS. Anh có
muốn thành kẻ nói với người dân Mỹ rằng anh đang chuyển kinh phí từ một
trong hai thứ đó sang cho một thứ bệnh mới mà hầu hết thậm chí còn chưa
hề nghe danh? Nhìn thử xem trong và sau chiến tranh ta đã đổ bao nhiêu
vào việc nghiên cứu, vậy mà chúng ta vẫn không có được lấy một phương
thuốc hay loại vắc-xin. Chúng tôi biết Phalanx chỉ là một thứ để trấn an tinh
thần, và chúng tôi cực kì biết ơn điều đó. Nó giúp người dân bình tĩnh lại và
để chúng tôi làm việc của mình.
Sao, chả nhẽ anh muốn chúng tôi nói ra sự thật à? Rằng đây không phải
một chủng virút dại mới mà là một loại siêu đại dịch bí ẩn khiến cho xác
chết sống lại? Anh có tưởng tượng được mọi thứ sẽ rối loạn như thế nào
không? Biểu tình, bạo động, thiệt hại về tài sản lên đến hàng tỉ đô la... Anh
có tưởng tượng được mấy tay nghị sĩ chết nhát sẽ khiến bộ máy chính
quyền phải ngưng lại để họ có thể ép Quốc hội phải thông qua một cái “Đạo
luật Phòng chống Thây ma” nghe rất kêu nhưng thực chất vô dụng như thế
nào không? Anh có tưởng tượng được nó sẽ gây tổn hại cho thủ phủ chính
trị của bộ máy điều hành đến mức nào không? Chúng ta đang bàn về năm
tranh cử và một cuộc chiến cực kì khó khăn. Chúng tôi là “đội lao công,”
những thằng cha không may phải dọn dẹp đống phân bộ máy điều hành cũ
để lại và tin tôi đi, tám năm qua chúng tụ lại thành cả một núi cao kinh
hoàng! Lí do duy nhất chúng tôi còn giành lại được một chút quyền lực là
nhờ cái lão khờ mới được công kênh lên liên tục hứa rằng sẽ “thiết lập lại
hoà bình và phát triển thịnh vượng.” Dân Mỹ sẽ không chấp nhận bất cứ
thứ gì khác. Họ cho rằng mình đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn rồi và
nếu nói với họ rằng thời khắc khó khăn nhất còn nằm ở phía trước thì chẳng
khác nào đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị.
Vậy là ông chưa bao giờ thực sự tìm cách giải quyết vấn đề.
Ôi, thôi nào. anh có bao giờ “giải quyết” được đói nghèo không? Có
bao giờ “giải quyết” được tội phạm không? Có bao giờ “giải quyết” được
bệnh tật, được tình trạng thất nghiệp, được chiến tranh hay bất cứ thứ xấu
xa nào khác của xã hội không? Còn lâu mới được. Anh chỉ có thể hi vọng
rằng mình có thể quản lí được chúng đủ để giúp người dân tiếp tục sống.
Đó chẳng phải nhạo báng gì hết, đó là sự trưởng thành. Anh không thể
ngưng mưa được. Anh chỉ có thể xây một cái mái nhà và hi vọng nó không
bị dột, hay ít nhất là không dột lên đầu cử tri của anh.
Thế là sao?
Thôi nào…
Tôi hỏi thật mà. Thế nghĩa là sao?
Được rồi, gì cũng được thưa “Ông Smith lên chơi Washington,” nó
nghĩa là trong chính trị, anh cần tập trung vào nhu cầu của nền tảng quyền
lực của anh. Giữ cho họ vui vẻ và họ sẽ giữ anh ở lại trên ghế.
Đó có phải là lí do một vài trận bùng phát dịch đã bị lờ đi?
Lạy Chúa, anh nói như thể chúng tôi quên bẵng chúng đi vậy.
Lực lượng cảnh sát địa phương có yêu cầu được hỗ trợ thêm từ phía
chính phủ liên bang không?
Có khi nào lũ cớm không đòi thêm người, đòi trang thiết bị tốt hơn, đòi
thêm thời gian huấn luyện hay “vốn cho chương trình trợ giúp cộng đồng”
không? Mấy tay thỏ đế đó tệ gần như đám lính lệ, lúc nào cũng ỉ ôi về việc
không có đủ “thứ mình cần,” nhưng cái đám đó có phải đánh cược cả công
ăn việc làm chỉ vì nâng thuế không? Họ có phải giải thích với Peter Ngoại
Ô tại sao họ lấy tiền của hắn đưa cho Paul Ổ Chuột không?
Ông không sợ mọi sự bị vạch trần ra à?
Do ai?
Giới báo chí, cánh truyền thông.
Cánh “truyền thông”? Ý anh là ba cái mạng lưới do các tập đoàn lớn
nhất thế giới sở hữu ấy hả? Mấy cái tập đoàn mà nếu thị trường trứng khoán
có biến động thêm lần nữa là sẽ tuột dốc thảm hại đúng không? Phải anh
đang nói đến đám truyền thông đó không?
Vậy là ông chưa bao giờ tiến hành che đậy?
Chúng tôi không cần động tay; tự họ che đậy hết lại. Họ có nhiều thứ để
mất ngang chúng tôi, thậm chí là hơn. Với cả ngoài ra, họ đã có đưa một số
tin trước khi ở Mỹ phát hiện ca bệnh đầu tiên cả năm trời. Sau đó khi mùa
đông đến, Phalanx được tung ra thị trường, các ca bệnh bắt đầu giảm. Có lẽ
họ đã “khuyên can” vài đồng chí phóng viên trẻ tuổi còn đang cố chiến tiếp.
Nhưng thực tế thì sau vài tháng tất cả đều là tin cũ hết rồi. Tình hình đã trở
nên “kiểm soát được.” Mọi người đang dần dà học cách sống chung với nó
và đã bắt đầu muốn có cái gì đó khác. Truyền thông là một ngành kinh
doanh béo bở, và nếu muốn thành công thì phải luôn nóng hổi.
Nhưng vẫn còn môt số kênh truyền thông khác mà.
Tất nhiên là thế rồi, và anh biết ai chịu lắng nghe các kênh đó không?
Mấy tay công tử bột ngộ chữ, cái gì cái gì cũng biết. Và anh biết ai nghe lời
mấy đám đó không? Chẳng ai hết! Ai lại đi quan tâm đến mấy cái cộng
đồng thiểu số PBS-NPR ở nơi khỉ ho cò gáy nào đó không bám được trào
lưu? Mấy tay đầu khấc trịch thượng đấy càng kêu gào “Xác chết đang sống
lại” thì người dân Mỹ lại càng lờ đi.
Vậy thì, để tôi nói lại thử xem tôi có hiểu vị trí của ông không nhé?
Vị trí của nhà cầm quyền.
Vị trí nhà cầm quyền. Ở cương vị này, ông đã quan tâm đến vấn đề
theo đúng mức mà ông cho là cần thiết.
Đúng.
Vì lúc nào chính phủ cũng có rất nhiều thứ phải xử lí, nhất là vào lúc
này vì người Mỹ kị nhất là công chúng lại hoang mang thêm lần nữa.
Ừ đấy.
Thế nên ông cho rằng mối đe doạ này đủ nhỏ để được “kiểm soát”
dựa vào các đội Đặc nhiệm Alpha ở nước ngoài và việc huấn luyện thêm
cho lực lượng cảnh sát trong nước.
Anh hiểu vấn đề rồi đấy.
Mặc dù ông đã nhận được các dấu hiệu cảnh báo cho thấy điều
ngược lại, rằng nó không thể trở thành một phần của đời sống nhân dân
được và rằng đây là một thảm hoạ toàn cầu đang lớn dần.
[Ngài Carlson khựng lại, biếu tôi một ánh mắt hình viên đạn, sau đó
xúc nguyên một xẻng “nhiên liệu” cho vào trong xe.]
Lớn lên đi.
TROY, MONTANA, MỸ
[Theo như tờ quảng cáo, khu này là “Cộng đồng kiểu Mới” dành
cho “Nước Mỹ kiểu Mới.” Được dựa trên mô hình “Masada” của
Israel, khu dân cư này nhìn thoáng qua là biết ngay người ta xây nó với
chỉ một mục đích. Tất cả các ngôi nhà đều nằm trên cột, đủ cao để mỗi
nhà đều có tầm nhìn hoàn hảo ra bên ngoài bức tường bê tông gia cố
cao hơn sáu mét. Mỗi ngôi nhà nếu muốn vào đều phải sử dụng một cái
thang rút ra rút vào được. Các nhà được nối với nhau bằng lối đi cũng
rút được theo cách tương tự. Tất cả các mái nhà gắn pin mặt trời,
giếng được bao bọc cẩn thận, vườn tược, tháp canh và cánh cổng thép
gia cố dày, trượt ra trượt vào ấy khiến Troy rất được người dân ở đó
hoan nghênh. Nó thành công đến mức thiết kế viên của nó tới nay đã
nhận được thêm bảy đơn đặt hàng từ khắp dọc nước Mỹ. Vị thiết kế
viên của Troy ấy, kiến trúc sư trưởng kiêm thị trưởng đời thứ nhất, tên
là Mary Jo Miller.]
Vâng, tôi cũng có lo. Tôi lo việc trả tiền mua xe và khoản tiền vay của
Tim. Tôi lo về cái vết nứt ngày càng to ở bể bơi và về cái bộ lọc không
dùng Clo mới vẫn còn để sót lại vệt tảo. Tôi lo cho cái danh mục đầu tư của
mình mặc dù tay môi giới qua mạng của tôi đã trấn an tôi tằng đó chỉ là do
tật bồn chồn của những người lần đầu đầu tư và rằng hình thức này đem lại
22
nhiều lợi nhuận hơn hình thức 401(k) thông thường. Aiden cần một gia sư
toán, Jenna cần một đôi giày thể thao Jamie Lynn Spears đúng kiểu để đi
trại hè bóng đá. Bố mẹ Tim đang định đến ở cùng với chúng tôi trong mùa
Giáng sinh. Anh tôi lại phải vào trại cai nghiện. Finley bị giun sán. Một con
cá bị nấm mọc ở mắt trái. Đây chỉ là một vài lo lắng của tôi. Tôi có đủ thứ
để lo nghĩ rồi.
Bà có xem tin tức không?
Có, tầm năm phút mỗi ngày: mấy tin địa phương, tin thể thao, chuyện
phiếm người nổi tiếng. Sao tôi lại phải để cho cái TV làm mình bị xuống
tinh thần chứ? Chỉ cần đứng lên bàn cân mỗi dáng là tinh thần tôi đủ liêu
xiêu rồi.
Thế còn những nguồn khác thì sao? Đài chẳng hạn?
Lúc lái xe vào buổi ấy hả? Đó là khoảnh khắc tĩnh tại của tôi. Sau khi
chở lũ trẻ đến trường, tôi chuyển sang nghe [tên được giấu vì nguyên do
pháp lí]. Mấy cái trò đùa của hắn giúp tôi đủ sức trụ qua ngày.
Còn Internet thì sao?
Nó thì sao? Đối với tôi, nó dùng để mua hàng; đối với Jenna, nó là để
làm bài tập; đối với Tim, nó là để… làm mấy thứ mà thằng bé tối ngày thề
thốt sẽ không bao giờ rớ đến nữa. Tin tức duy nhất tôi bắt gặp là ở trang đầu
của AOL.
Chắc ở chỗ bà làm người ta phải bàn tán chứ…
À vâng, mới đầu thì có. Nó kiểu vừa sợ sợ, vừa lạ lạ, “biết gì không?
Tôi nghe người ta nói đây không phải bệnh dại đâu” và mấy thứ đại loại
như vậy. Nhưng rồi còn nhớ đến mùa đông thì mọi thứ bắt đầu yên ắng hơn
không? Và đằng nào thì ngồi tua lại tập Celebrity Fat Camp được chiếu tối
trước hay nói xấu bất cứ ai không có trong phòng lúc đó.
Có cái lần này, tầm tháng ba hay tháng tư gì đó, tôi đến cơ quan và thấy
cô Ruiz đang dọn trống bàn làm việc. Tôi tưởng cô ấy bị sa thải hoặc công
ti kiếm được nguồn rẻ hơn bên ngoài để làm thay việc của cô ta hay gì đó…
anh biết đấy, kiểu mấy mối nguy tôi coi là thật. Cô ta giải thích việc mình
rời đi là do “chúng.” Cô ấy lúc nào cũng nói thế. “Chúng” hay nói cách
khác là “mọi thứ trên đời.” Cô ấy nói gia đình mình đã bán nhà và đang
mua một cái nhà gỗ gần Fort Yukon, Alaska. Đây là điều ngớ ngẩn nhất tôi
từng nghe thấy, đặc biệt là lại được nghe từ miệng một người như Inez. Cô
ấy là một người Mexico “sạch”, không phải loại thiếu hiểu biết. Rất xin lỗi
khi phải dùng từ đó, nhưng đấy là cách nghĩ, là bản chất con người của tôi
hồi trước.
Chồng bà có bao giờ tỏ ra lo lắng gì không?
Không, nhưng lũ trẻ thì có, chỉ có điều chúng không nói ra hoặc không
tự ý thức được là mình đang lo. Jenna bắt đầu gây gổ. Aiden không chịu đi
ngủ nếu chúng tôi không để đèn sáng. Mấy thứ nhỏ nhỏ kiểu đó. Tôi không
nghĩ là chúng biết gì nhiều hơn Tim hay tôi, nhưng có lẽ chúng không có
những mối lo của người lớn để giúp chúng quên đi.
Bà và chồng bà đã phản ứng như thế nào?
Lấy Zoloft và Ritalin SR cho Aiden, còn Adderall XR thì cho Jenna.
Mấy thuốc đấy cũng có có tác dụng trong một thời gian. Tôi chỉ điên mỗi
cái là bảo hiểm không chi trả cho chúng vì bọn trẻ đang dùng Phalanx.
Chúng dùng Phalanx được bao lâu rồi?
Kể từ khi nó xuất hiện. Cả nhà chúng tôi đều dùng Phalanx, “Một liều
Phalanx, một lần thanh thản.” Đó là cách chúng tôi đề phòng… và Tim có
mua một khẩu súng. Lão ấy cứ liên tục hứa sẽ đưa tôi ra trường bắn để học
cách dùng súng. “Chủ nhật,” lúc nào lão ấy cũng nói thế, “Chủ nhật chúng
ta sẽ đi.” Tôi thừa hiểu hắn toàn hứa lèo. Chủ nhật là dành cho cái con bồ
ngực to chân dài mà lão suốt ngày chăm chút cho. Tôi chả quan tâm. Chúng
tôi có thuốc và ít nhất lão ấy biết dùng khẩu Glock. Nó trở thành một phần
trong đời sống thường nhật như chuông báo khói hay là cái túi khí trong xe.
Có thể thỉnh thoảng anh nghĩ về nó, nhưng lúc nào nó cũng chỉ là… “để đề
phòng thôi.” Với cả ngoài ra, đời đã có đủ thứ đau đầu rồi. Cứ mỗi tháng là
lại có thêm việc phải lo toan. Làm thế nào mà nắm bắt hết được? Làm sao
biết được cái nào là thật?
Vậy bà biết chuyện như thế nào?
Hôm đó trời vừa mới tối. TV có trận đấu hay. Tim đang ngồi trên ghế
bành với một chai Corona. Aiden chơi với mấy cái con Ultimate Soldiers
của nó. Jenna đang ở trong phòng làm bài tập. Tôi thì đang lấy đồ giặt ra
khỏi máy nên không nghe được tiếng Finley sủa. Có lẽ tôi cũng có nghe
thấy nhưng không để ý lắm. Nhà chúng tôi ở cuối khu, ngay dưới chân đồi.
Chúng tôi sống ở một vùng mới phát triển khá yên tĩnh thuộc Địa hạt Bắc
gần San Diego. Lúc nào cũng có thỏ và đôi lúc là hươu chạy qua bãi cỏ nên
Finley lúc nào cũng cứ làm loạn lên. Tôi nghĩ mình có ngó qua cái mẩu
giấy nhớ ghi phải mua cho nó cái vòng cổ gỗ sả. Tôi không nhớ rõ mấy con
chó khác cũng bắt đầu sủa hay thấy tiếng chuông báo động xe dưới phố lúc
nào. Chỉ khi nghe tiếng gì như tiếng súng bắn tôi mới giật mình. Tim chưa
nghe thấy gì hết. Lão để loa quá to. Tôi liên tục phải bảo lão ấy đi khám tai
đi. Có ai hồi tuổi hai mươi tham gia ban nhạc speed metal mà không bị…
[thở dài]. Aiden nghe thấy tiếng gì đó. Thằng bé hỏi tôi đấy là tiếng gì. Tôi
vừa định nói không biết thì thấy mắt nó mở to. Nó đang nhìn ra phía sau tôi,
nhìn vào cái cửa kính trượt dẫn ra sân sau. Tôi quay lại đúng lúc nó vỡ nát
ra.
Cái con kia cao tầm một mét tám, dáng gù gù, vai hẹp, bụng trương
phềnh, sồ sề. Nó để mình trần và cái nước da xám nghoét, lốm đốm của nó
trầy trụa và thủng lỗ chỗ. Nó có mùi gì như mùi biển, mùi của tảo thối và
nước muối. Aiden nhảy bật lên và chạy ra phía sau tôi. Tim phi ra khỏi ghế,
đứng chắn giữa tôi và cái con đó. Trong thoáng chốc, tôi cảm thấy như mọi
thứ dối trá, che đậy đều biến mất. Trong khi Tim đang hoảng loạn nhìn
quanh phòng tìm vũ khí thì bị nó tóm lấy áo. Cả hai ngã lăn ra và vật lộn
trên thảm. Tim hét bảo chúng tôi chạy vào phòng ngủ và bảo tôi lấy súng.
Vừa ra đến hành lang thì tôi nghe thấy Jenna hét. Tôi phi vào phòng con bé,
mở tung cửa ra. Lại một con nữa, to cao, cao tầm hơn mét chín, vai và tay
to lực lưỡng. Cửa sổ đã bị đập vỡ và nó đang tóm tóc Jenna. Con bé đang
gào thét “Mẹơimẹơimẹơi!”
Bà đã làm gì?
Tôi… tôi không chắc lắm. Khi tôi thử nhớ lại, mọi thứ cứ trôi vèo qua.
Tôi tóm cổ nó. Nó kéo Jenna về phía cái mồm đang há rộng. Tôi siết
mạnh… kéo giật lại… Lũ nhóc nói tôi rứt đứt tung đầu nó ra, thịt, cơ với
mấy thứ gì gì đó nữa treo lủng lẳng. Tôi nghĩ sao mà thế được. Chắc là khi
mà adrenaline chảy rần rật trong mạch máu như thế thì… tôi cho là dần dà
lũ nhóc chỉ thêm thắt vào trong kí ức của mình để biến tôi thành She-Hulk
hay gì đó. Tôi chỉ biết là tôi đã cứu được Jenna. Cái đó tôi có nhớ. Vài giây
sau, Tim bước vào phòng, áo bê bết một cái chất nhầy đen đặc. Một tay lão
cầm súng còn tay kia cầm dây xích của Finley. Lão ném chìa khoá xe cho
tôi và bảo tôi cho lũ trẻ lên xe. Lão chạy ra sân sau còn chúng tôi chạy ra
nhà để xe. Tôi nghe tiếng súng của lão trong khi đang khởi động xe.
CUỘC ĐẠI LOẠN
CĂN CỨ KHÔNG QUÂN VỆ BINH QUỐC GIA PARNELL:
MEMPHIS, TENNESSEE, MỸ
[Gavin Blaire điều khiển chiếc D-17 chiến đấu, thành phần chủ chốt
của Lực lượng Trinh sát Dân sự Trên không Mỹ. Đây là một nhiệm vụ
rất hợp với ông. Trong đời sống dân sự, ông điều khiển một chiếc khinh
khí cầu hiệu Fujifilm.]
Nó dãn đến tận chân trời: xe hơi, xe tải, xe buýt, xe RV, bất kì thứ gì lái
được. Tôi thấy xe rờ móc, xe trộn xăng. Tôi thậm chí còn thấy cả một cái xe
sàn phẳng chẳng có gì ngoài một cái biển quảng cáo “Hộp đêm cấp cao.”
Có người đang ngồi trên đó. Người ta ngồi trên đủ thứ, trên mái nhà, giữa
các giá hành lí. Nó gợi cho tôi nhớ lại một tấm ảnh xưa chụp tàu ở Ấn Độ,
trên đó người ta đeo bám như khỉ.
Đủ thứ linh tinh lăn lóc trên đường — vali, hòm, thậm chí còn cả mấy
thứ đồ nội thất đắt tiền. Tôi còn thấy cả một cái dương cầm nát bét như thể
bị quăng xuống từ nóc xe tải, không đùa đâu. Còn có cả một đống xe bỏ
hoang. Vài chiếc đã bị đẩy sang một bên, vài chiếc thì bị tháo dỡ hết đồ đạc,
lại có vài cái cháy đen. Có rất nhiều người đi bộ, đi trên vùng đất bên vệ
đường hoặc dọc hai mép đường. Vài người gõ gõ cửa kính xe, tay chìa ra đủ
thứ đồ. Đám đàn bà có vài người đang loã thể. Họ đang định tráo đổi. Chắc
là lấy xăng. Tôi không cho là họ muốn đi nhờ vì họ di chuyển còn nhanh
hơn xe. Điều ấy nghe thật vô lí nhưng mà… [nhún vai].
Ở phần đường dưới cách đấy tầm ba mươi dặm, tình hình giao thông có
tốt hơn chút. Nghe qua thiết tưởng mọi thứ sẽ dịu hơn. Không phải vậy.
Người ta nháy đèn, huých vào mấy cái xe đằng trước, ra ngoài xe gây gổ
với nhau. Tôi thấy có vài người nằm dọc ven đường, gần như không cử
động hoặc bất động hoàn toàn. Thiên hạ chạy vượt qua họ, ôm đủ thứ đồ,
bồng bế trẻ em hoặc chạy tay không, tất cả đều chạy cùng hướng dòng xe
cộ. Lui xuống vài dặm nữa, tôi hiểu ngay lí do.
Mấy cái con đó đang chạy thành đàn giữa đống xe. Tài xế ở làn ngoài
cố gắng quành xe ra khỏi đường, sa lầy trong đống bùn và làm làn trong kẹt
cứng. Không ai mở được cửa. Xe xếp quá sát nhau. Tôi thấy mấy con đó
với qua các cánh cửa sổ đang mở, kéo người ra ngoài hoặc tự kéo mình vào
trong xe. Rất nhiều tài xế bị kẹt trong xe. Cửa xe đóng chặt và tôi cho rằng
được khoá hết lại. Cửa kính được cuốn hết lên. Đó là kính chống vỡ. Đám
thây ma không vào được nhưng người sống cũng không thoát ra được. Tôi
thấy vài người hoảng loạn, bắn xuyên qua kính chắn gió, phá huỷ luôn lớp
bảo vệ duy nhất mà họ có. Ngu xuẩn. Đáng ra ở trong đó họ đã có thể câu
thêm một vài tiếng nữa và thậm chí là có thể tìm được cách thoát thân. Có
lẽ cũng chẳng có lối thoát nào nữa, chỉ có một kết thúc nhanh gọn hơn. Có
một cái xe chở ngựa được móc vào một cái xe ở giữa làn. Nó đang giật tới
giật lui loạn xạ. Lũ ngựa vẫn còn ở trong.
Cái đàn ấy tiếp tục di chuyển giữa đống xe, vừa đi vừa ăn dọn đường
dọc mấy cái làn xe. Tội nghiệp mấy người bên dưới chỉ muốn thoát ra. Họ
chả có điểm đến nào cố định cả, và đó là điều ám ảnh tôi nhất. Đây là cao lộ
I-80, dải đường cao tốc giữa Lincoln và Bắc Platte. Cả hai nơi đều đặc
nghẹt thây ma, cả mấy thị trấn nhỏ nhỏ ở giữa cung thế. Họ nghĩ mình đang
làm gì cơ chứ? Ai tổ chức cái cuộc di tản này? Có ai tổ chức không? Liệu
có phải mọi người thấy một dãy xe và cứ thế mà xếp hàng đằng sau, không
hỏi han gì hết? Tôi đã cố tưởng tượng xem cảm giác ấy nó như thế nào, kẹt
nhau sát sàn sạt, trẻ con thì kêu gào, chó thì sủa, mình thì biết rõ đằng sau
vài dặm cái gì đang đến và hi vọng, cầu nguyện rằng có ai đó trên đầu biết
mình đi đâu.
Anh có biết cái thí nghiệm mà một tay nhà báo Mỹ thực hiện ở Moscow
hồi những năm 1970 không? Hắn đứng xếp hàng trước một toà nhà. Nó chả
có gì đặc biệt cả, chỉ là một toà nhà được chọn hoàn toàn ngẫu nhiên. Và tất
nhiên, có người đứng xếp hàng sau hắn, rồi sau đó có một số người nữa
nhập hội, và rồi chưa gì thiên hạ đã xếp hàng dọc quanh cả khu. Chả ma
nào thèm hỏi cái hàng đó để làm gì. Họ chỉ cho là nó đáng công xếp. Tôi
không biết liệu câu chuyện đấy có thật không. Có thể nó chỉ là một lời đồn
đại, hoặc là một huyền thoại thời chiến tranh lạnh. Ai mà biết được?
ALANG, ẤN ĐỘ
[Tôi đứng trên bờ biển với Ajay Shah, cùng nhìn ra phía đống xác
gỉ sét của những con tàu từng một thời huy hoàng. Chính phủ đã không
có đủ vốn để dọn dẹp chúng đi. Thêm vào đó, Thời gian và các yếu tố
môi trường đã khiến phần thép của chúng trở nên gần như vô dụng. Vì
thế, chúng trở thành những đài tưởng niệm lặng im cho cảnh tàn sát
bãi biển này từng phải chứng kiến.]
Họ bảo tôi chuyện xảy ra ở đây không phải hiếm. Ở tất cả những nơi đất
giáp biển trên thế giới, người ta đều liều mạng leo lên bất cứ cái gì nổi được
với hi vọng sống sót được trên biển.
Tôi chẳng biết Alang là gì mặc dù đã sống cả đời gần Bhavnagar. Tôi là
nhân viên quản lí văn phòng, một tay dân công sở “năng nổ” kể từ khi tốt
nghiệp đại học. Tôi chỉ phải động chân động tay khi cần gõ bàn phím, và kể
từ ngày phần mềm của chúng tôi có chế độ nhận diện giọng nói thì thậm chí
cả việc đó cũng không cần thiết nữa. Tôi biết Alang là một cái cảng đóng
tàu, đó là lí do ngay từ đầu tôi đã cố tìm cách chạy ra đó. Tôi hi vọng gặp
được một khu công trường liên tục cho xuất xưởng hết tàu này đến tàu khác
và chở tất cả đến nơi an toàn. Hoá ra mọi thứ đều ngược lại. Alang không
phải nơi xây tàu, nó là nơi tiêu huỷ tàu. Trước chiến tranh, đây là nơi nghiền
phế liệu lớn nhất thế giới. Tàu thuyền từ khắp các quốc gia được các công ti
sắt phế liệu Ấn Độ mua lại, đưa lên trên bãi biển này, tháo hết máy móc cưa
ra và tháo rời cho đến khi không còn lại gì, kể cả cái vít nhỏ nhất. Hàng
chục con tàu tôi thấy ở đó không phải là những chiếc thuyền chất đầy
người, trong tình trạng hoàn hảo mà là những cái khung khổng lồ trơ trọi
đang nằm chờ chết.
Không có vũng cạn mà cũng chẳng có bờ trượt. Alang gọi là một dải cát
dài nghe còn có lí hơn là cảng. Bình thường người toàn phóng thẳng thuyền
lên bờ, khiến chúng mắc cạn như cá voi vậy. Tôi chỉ còn biết hi vọng vào
mấy chiếc tàu mới đến đang buông neo ngoài khơi, mấy chiếc mà có vừa đủ
thuỷ thủ đoàn với lạy trời là một chút nhiên liệu trong thùng. Một trong số
mấy con thuyền này, chiếc Veronique Delmas, đang cố kéo một chiếc tàu
mắc cạn ra ngoài khơi. Dây chão với dây xích được buộc lộn xộn vào phía
đuôi chiếc APL Tulip, một tàu tải hàng Singapore đã phần nào bị tháo dỡ ra
rồi. Tôi đến vừa đúng lúc chiếc Delmas khởi động động cơ. Tôi có thể thấy
nó kéo căng dây lên làm bọt nước toé trắng xoá. Tôi có thể nghe tiếng mấy
sợi dây yếu đứt tung to như súng nổ.
Còn về mấy sợi xích khoẻ thì… chúng trụ được lâu hơn cái vỏ tàu. Chắc
khi bị đem lên cạn sống chiếc Tulip đã bị nứt gãy nặng. Khi tàu Delmas bắt
đầu kéo, tôi nghe thấy tiếng cót két rất kinh dị, tiếng rền rất chói tai của kim
loại. Tàu Tulip đứt đôi, phần mũi ở lại trên bờ còn phần đuôi bị kéo tuột ra
ngoài biển.
Chẳng ai làm được gì hết. Tàu Delmas đã đạt vận tốc tối đa, kéo đuôi
chiếc Tulip ra chỗ nước sâu. Nó lật úp lại và đắm xuống chỉ trong vòng vài
giây. Trên đó chắc phải có ít nhất là cả ngàn người chen chúc nhau chật
ních trong từng căn phòng, từng hành lang và từng phân một trên boong.
Tiếng la hét của họ bị tiếng khí thoát ra như sấm rền nhấn chìm nghỉm.
Sao đám người đó không ngồi đợi trên boong mấy chiếc tàu mắc cạn
rồi kéo hết thang lên, khiến không ai lên được nữa?
Bây giờ anh đang tỉnh táo nhìn lại sự việc. Anh đâu có ở đó đêm hôm
ấy. Từ khu cảng cho đến tận bờ biển chật cứng. Lửa từ trong đất liền rọi
bóng cái cảnh điên loạn của những con người đang chạy trối chết. Hàng
trăm người cố bơi ra chỗ mấy con tàu. Sóng biển đặc nghẹt xác những kẻ
thất bại.
Hàng chục con thuyền cỡ nhỏ chạy tới chạy lui, vận chuyển người từ bờ
lên thuyền. “Đưa tiền đây,” có vài người nói, “tất cả mọi thứ mày có, rồi tao
sẽ chở mày.”
Tiền vẫn còn giá trị cơ à?
Tiền hay thức ăn hay bất cứ thứ gì họ thấy đáng giá. Tôi thấy có chiếc
chỉ chấp nhận phụ nữ. Phụ nữ trẻ ấy. Tôi thấy có chiếc khác chỉ đồng ý chở
người da trắng. Mấy tên khốn ấy dí đuốc vào mặt từng người để loại ra
những ai da đen như tôi. Tôi còn thấy một gã thuyền trưởng đứng trên
boong tàu của mình, tay vung vẩy súng và quát nạt, “Không chấp nhận tầng
23
lớp hạ đẳng, bọn tao không chở lũ tiện dân !” Tiện dân? Tầng lớp? Thời
nay ai đời còn suy nghĩ cái kiểu quái đản ấy nữa? Và thế này nó mới dị: vài
vị lão niên bước ra khỏi hàng! Anh có tin nổi không?
Anh cũng cần phải hiểu là tôi chỉ đang nhấn vào những trường hợp tệ
hại nhất thôi. Cứ mỗi một tay cơ hội hay một thằng loạn não đáng tởm là lại
có mười người tử tế, tốt bụng, chưa mắc chút nghiệp chướng nào. Có rất
nhiều ngư dân và chủ các con tàu nhỏ mà đáng ra có thể trốn thoát cùng gia
đình lại chọn cách liều mình liên tục quay trở lại bờ. Cứ thử nghĩ xem họ
đang liều mạng như thế nào: hoặc bị giết để cướp tàu, hoặc bị bỏ lại trên bờ,
hoặc bị tấn công ngầm từ bên dưới bởi cơ man nào là những cái thây ma…
Mấy con đó số lượng cũng kha khá. Rất nhiều người bị nhiễm bệnh tìm
cách bơi về phía tàu, chết đuối rồi sau đó sống lại. Thuỷ triều còn đang
thấp, vừa đủ sâu để chết đuối được nhưng lại vừa đủ nông để một con thây
ma đang đứng thẳng với tới được con mồi của mình. Rất nhiều người đang
bơi đột nhiên biến mất dưới mặt nước hoặc nhiều con thuyền bị lật úp và
hành khách bị kéo xuống. Ấy vậy nhưng vẫn có người tiếp tục quay lại bờ
hay thậm chí là nhảy xuống khỏi tàu để cứu những người đang ở dưới nước.
Tôi được cứu sống như vậy đó. Tôi là một trong số những người tìm
cách bơi. Mấy con tàu trông gần hơn vị trí thực của nó. Tôi bơi rất khoẻ
nhưng sau khi chạy bộ từ Bhavnagar, sau khi chiến đấu bảo toàn mạng sống
gần như là cả ngày, Tôi chỉ còn có vừa đủ chút sức lực để giữ lưng nổi lềnh
bềnh trên mặt nước. Khi đến được nơi cứu rỗi dự kiến của mình, tôi chẳng
còn tí hơi nào trong phổi để kêu cứu nữa. Chẳng có cái ván cầu tàu nào cả.
Bên mặt trơn nhẵn dựng cao chót vót trước mặt tôi. Tôi nện vào lớp vỏ
thép, gào lên với chút hơi sức cuối cùng.
Ngay khi vừa mới bắt đầu chìm xuống, tôi cảm thấy có một cánh tay
mạnh mẽ tóm quanh ngực mình. Đây là kết thúc, tôi nghĩ thầm; tôi trông
đợi rằng bất cứ giây phút nào thôi, tôi sẽ cảm thấy rắng cắm ngập vào thịt.
Thay vì kéo tôi xuống, cánh tay kia lôi tôi lên khỏi mặt nước. Rốt cục tôi lại
ở trên boong tàu Sir Wilfred Grenfell, một chiếc ca nô hải quân của Lực
lượng Bảo vệ Bờ biển Canada cũ. Tôi cố gượng nói, cố xin lỗi vì trên người
không mang tiền, cố giải thích rằng tôi có thể lao động, làm bất cứ thứ gì để
trang trải cho việc đi nhờ. Anh lái tàu chỉ mỉm cười. “Bám chắc vào,” anh
ta bảo tôi, “chúng ta chuẩn bị xuất phát.” Tôi có thể cảm thấy sàn tàu rung
lên rồi tròng trành chao đảo khi chúng tôi bắt đầu di chuyển.
Kinh khủng nhất là phải nhìn những con tàu chúng tôi đi ngang qua.
Một vài hành khách bị nhiễm bệnh trên tàu đã bắt đầu sống lại. Vài tàu trở
thành lò mổ di động, số còn lại bốc cháy bừng bừng ở chỗ bỏ neo. Có mấy
người nhảy xuống biển. Nhiều người nhảy xong không thấy trồi lên nữa.
TOPEKA, KANSAS, MỸ
[Với mái tóc đỏ dài, đôi mắt xanh lấp lánh và thân hình của một vũ
nữ hoặc một siêu mẫu thời tiền chiến, Sharon có thể được coi là xinh
đẹp theo gần như mọi tiêu chuẩn. Chỉ có điều cô mang tâm trí của một
đứa trẻ mới lên bốn.
Chúng tôi đang ở Trung tâm Phục hồi Chức năng cho Trẻ Hoang
Rothman. Bác sĩ Roberta Kelner, nghiên cứu viên của Sharon, gọi tình
trạng của cô là “may mắn.” “Ít nhất cô ấy vẫn còn chút ít khả năng
ngôn ngữ, một qui trình tư duy cố kết” bà giải thích. “Sơ đẳng thôi,
nhưng ít nhất là vẫn hoạt động tốt.” Bác sĩ Kelner rất hứng thú với
cuộc phỏng vấn nhưng bác sĩ Sommers, giám đốc chương trình của
Rothman, thì lại ngược lại. Kinh phí dành cho chương trình vốn đã nhỏ
giọt, và chính quyền hiện tại đang doạ sẽ ngưng toàn bộ chương trình.
Mới đầu Sharon khá rụt rè. Cô không chịu bắt tay tôi và rất ít khi
đón ánh nhìn của tôi. Mặc dù người ta tìm thấy Sharon trong đống đổ
nát ở Wichita, không ai biết được câu chuyện của cô xảy ra ở đâu.]
Bọn cháu ở trong một cái nhà thờ, Mẹ và cháu. Ba bảo chúng cháu ông
ấy sẽ đến tìm chúng cháu. Ba có việc phải đi. Bọn cháu phải chờ ông trong
nhà thờ.
Tất cả đều ở đó. Ai cũng có đồ. Họ có ngũ cốc và nước và nước hoa quả
và túi ngủ và đèn pin và … [cô giả động tác cầm một khẩu súng trường].
Cô Randolph có một cái như thế. Đáng ra cô ta không được phép. Chúng rất
nguy hiểm. Cô ấy nói với cháu chúng rất nguy hiểm. Cô ấy là mẹ Ashley.
Ashley là bạn cháu. Cháu hỏi cô ấy Ashley đâu. Cô ấy bật khóc. Mẹ bảo
cháu không được hỏi cô ấy về Ashley và nói với cô Randolph rằng Mẹ rất
tiếc. Cô Randolph trông rất bẩn thỉu, trên váy cô có dính vết gì đỏ với nâu.
Cô ấy béo. Tay cô ấy rất to và mềm.
Còn có mấy đứa trẻ khác, Jill và Abbie, và nhiều đứa khác nữa. Bà
McGraw đang trông chúng. Chúng có sáp màu. Chúng đang tô vẽ lên
tường. Mẹ bảo cháu ra chơi với chúng. Mẹ nói không sao đâu. Mẹ nói Cha
xứ Dan bảo không sao đâu.
Cha xứ Dan đang ở đó, cố gắng khiến mọi người lắng nghe mình. “Làm
ơn nào mọi người…” [cô giả giọng trầm] “Làm ơn hãy bình tĩnh, giới chức
trách đang đến, cứ bình tĩnh và đợi họ.” Khôngai nghe ông cả. Ai cũng
đang nói, chẳng ai ngồi cả. Mọi người cố gắng nói vào mấy cái thứ đồ của
mình [giả điệu bộ cầm điện thoại], họ rất tức giận với mấy thứ đồ đó, ném
chúng đi và nói bậy. Cháu thấy tội Cha Dan. [Cô giả tiếng còi báo động.]
Ở phía ngoài. [Cô lại giả âm thanh ấy. Bắt đầu nghe nhẹ nhàng rồi âm
lượng tăng dần, rồi sau đó yếu dần đi, cứ thế lặp đi lặp lại.]
Mẹ đang nói chuyện với cô Cormode và các bà mẹ khác. Họ đang cãi
nhau. Mẹ đang cáu. Cô Cormode liên tục nói [giọng nghe lè nhè, giận dữ],
“Thế nhỡ thế thì sao? Chị còn làm được gì nữa?” Mẹ đang lắc đầu. Cô
Cormode đang vừa nói vừa hoa tay múa chân. Cháu không thích cô
Cormode. Cô ấy là vợ Cha Dan. Cô ấy rất hách dịch và xấu tính.
Có người hét…“Chúng đến đấy!” Mẹ đến bế cháu lên. Họ lấy ghế của
chúng cháu và đặt nó ra cạnh cửa. Họ đặt hết tất cả ghế băng ra cạnh cửa.
“Nhanh lên!” “Chèn cửa lại!” [Cô giả mấy giọng khác nhau.] “Tôi cần
búa!” “Đinh!” “Chúng đang ở bãi đỗ xe!” “Chúng đang tiến về hướng này!”
[Cô quay sang phía bác sĩ Kelner.] Cho phép cháu nhé?
[Bác sĩ Sommers trông có vẻ do dự. Bác sĩ Kelner mỉm cười và gật
đầu. Sau đó tôi mới biết không phải vô cớ mà phòng này được cách
âm.]
[Sharon giả tiếng rên rỉ của một con thây ma. Đây thực sự là tiếng
kêu giống nhất tôi từng được nghe. Cứ nhìn cái vẻ khó chịu của bác sĩ
Sommers và bác sĩ Kelner thì rõ ràng là họ đồng quan điểm.]
Chúng đang đến. Chúng lớn dần. [Cô lại kêu. Rồi sau đó nện nắm tay
phải lên bàn.] Chúng muốn vào. [Cô đập mạnh, dồn dập.] Mọi người la
hét. Mẹ ôm chặt lấy cháu. “Không sao đâu.”[Giọng cô dịu lại, tự lấy tay
vuốt tóc mình.] “Mẹ sẽ không để chúng chạm đến con đâu. Shhhh….”
[Giờ cô đấm cả hai tay lên bàn, các cú giáng trở nên hỗn loạn hơn,
như thể đang có nhiều cái thây ma.] “Chặn cửa đi!” “Giữ chắc vào! Giữ
chắc vào!” [Cô giả tiếng kính vỡ.] mấy cái cửa sổ ở phía trước cạnh cửa bị
đập vỡ. Đèn tối om. Mấy người lớn bắt đầu sợ. Họ la hét.
[Giọng cô trở lại thành giọng mẹ mình.] “Shhhh…không sao đâu
cưng. Mẹ sẽ không để để chúng chạm đến con đâu.”[Tay cô chuyển từ tóc
xuống mặt, nhẹ nhàng vuốt trán và má cô. Sharon nhìn Kelner dò hỏi.
Kelner gật. Giọng Sharon đột nhiên giả tiếng cái gì rất to vỡ nát ra, từ
dưới cuống họng cô phát ra một giọng lào khào đầy đờm dãi.] “Chúng
đang tràn vào! Bắn đi, bắn đi!” [Cô giả tiếng súng nổ và rồi…] “Mẹ sẽ
không để chúng động đến con đâu, mẹ sẽ không để chúng động đến con
đâu.” [Sharon đột nhiên đánh mắt qua vai tôi, nhìn vào thứ gì không có
ở đó.] “Lũ trẻ! Đừng để chúng tóm được lũ trẻ!” Đó là giọng cô Cormode.
“Cứu lũ trẻ! Cứu lũ trẻ!”[Sharon giả thêm mấy tiếng súng nữa. Cô nắm
chặt hai tay lại thành một quả đấm to bự, nện cật lực xuống một thứ vô
hình nào đó.] Giờ lũ trẻ đã bắt đầu khóc. [Cô giả bộ đâm thọc, đấm đá
với đồ vật trên tay.] Abbie khóc rất to. Cô Cormode bế bạn ấy lên. [Cô giả
vờ nhấc thứ gì đó hoặc là ai đó lên và quăng thẳng vào tường.] Và rồi
Abbie nín ngay. [Cô lại bắt đầu vuốt ve mặt mình, giọng mẹ cô bắt đầu
trở nên mạnh bạo hơn.] “Shhh…không sao đâu cưng, không sao đâu
mà…” [Tay cô chuyển từ mặt xuống cổ và siết chặt lại.] “Mẹ sẽ không để
chúng động đến con đâu. MẸ SẼ KHÔNG ĐỂ CHÚNG ĐỘNG ĐẾN CON
ĐÂU!”
[Sharon bắt đầu hổn hển hớp hơi.]
[Bác sĩ Sommers định cản cô lại. Bác sĩ Kelner giơ một bàn tay lên.
Sharon dừng phắt lại, tay vung ra hai bên sau một tiếng súng.]
Mồm cháu có cái gì ấm, ướt và mằn mặn, mắt cháu cay xè. Có tay ai đó
nhấc cháu lên và bế cháu đi. [Cô đứng ra khỏi bàn, giả làm động tác
giống như chơi bóng bầu dục.] Bế cháu ra chỗ để xe. “Chạy đi, Sharon,
đừng dừng lại!” [Giờ là một giọng khác, không phải mẹ cô ấy.] “Cứ chạy
đi, chạy-chạy-chạy!” Chúng kéo cô đi. Tay cô bỏ cháu ra. Đôi tay ấy rất to,
mềm mại.
KHUZHIR, ĐẢO OLKHON, HỒ BAIKAL, THÁNH QUỐC NGA
[Cả căn phòng trống trơn, chỉ có một cái bàn, hai cái ghế và một cái
gương lớn mà gần như chắc chắn là kính một chiều ở trên tường. Tôi
ngồi đối diện người tôi chuẩn bị phỏng vấn, ghi chép lại trên một tập
giấy phát sẵn (máy ghi của tôi bị cấm vì “các lí do an ninh”). Mặt
Maria Zhuganova trông kiệt quệ, tóc chị đã bạc, người chị làm bục
căng các mép khâu của bộ quân phục đã sờn rách mà chị nhất quyết
mặc trong buổi phóng vấn này. Đúng ra thì chỉ có mình chúng tôi, mặc
dù tôi cảm thấy có nhiều cặp mắt đang dõi theo từ phía sau tấm kính
một chiều.]
Chúng tôi còn chẳng biết có thứ gọi là Cuộc Đại Loạn. Chúng tôi bị cô
lập hoàn toàn. Khoảng một tháng trước khi nó diễn ra, gần như cùng lúc cái
cô phóng viên Mỹ ấy đăng tin, trại của chúng tôi bị cắt liên lạc vô thời hạn.
Tất cả hệ thống ti vi đều bị đem ra khỏi trại, cả các loại đài, điện thoại cá
nhân nữa. Tôi có một cái điện thoại rẻ tiền loại dùng một lần với năm phút
trả trước. Bố mẹ tôi chỉ có thể trang trải từng ấy. Đáng ra tôi phải dùng nó
để gọi về vào hôm sinh nhật, sinh nhật xa nhà đầu tiên của tôi.
Chúng tôi đóng quân ở Bắc Ossetia, Alania, một trong số các nước cộng
hoà ở phía nam hoang dã của chúng tôi. Nhiệm vụ chính thức của chúng tôi
là “giữ gìn trật tự trị an,” ngăn chặn các cuộc xung đột sắc tộc giữa các
cộng đồng thiểu số ở Ossetia và Ingush. Chúng tôi vừa hết hạn đi lính thì họ
cách li chúng tôi khỏi thế giới. Họ nói đây là chuyện “an ninh quốc gia”.
“Họ” là ai?
Bất kì ai: các sĩ quan, Cảnh sát Quân đội, thậm chí cả một tay dân sự
mặc thường phục chả biết từ đâu đột nhiên xuất hiện. Hắn là một thằng rất
bẩn tính, mặt thì còi cọc như chuột kẹp. Chúng tôi gọi hắn như vậy đó:
“Mặt Chuột.”
Đã bao giờ chị thử tìm hiểu xem anh ta là ai chưa?
Sao cơ, cá nhân tôi á? Chưa hề. Chả ai thèm làm cả. Ồ vâng, chúng tôi
có phàn nàn; lính lúc nào chả phàn nàn. Nhưng cũng chẳng có thời gian mà
phàn nàn tử tế nữa. Ngay sau khi lệnh cắt đứt liên lạc được đưa vào hiệu
lực, chúng tôi luôn trong tình trạng trực chiến. Trước đó toàn ba cái nhiệm
vụ dễ dàng — nhàn tản, đơn điệu và chỉ thỉnh thoảng bị gián đoạn để hành
quân lên núi. Giờ có khi chúng tôi phải ở trên núi đến hàng mấy ngày trời
với đầy đủ quân trang, đạn dược. Chúng tôi vào từng ngôi làng, từng căn
nhà. Chúng tôi tra hỏi từng người dân và khách lữ hành và… tôi cũng
chẳng biết nữa… từng con dê chúng tôi bắt gặp.
Tra hỏi họ? Để làm gì?
Tôi không biết. “Tất cả mọi thành viên trong gia đình anh hiện có đang
ở đây không?” “Đã ai bị mất tích chưa?” “Đã ai bị động vật hay người
mang bệnh dại tấn công chưa?” Đây là phần tôi thấy khó hiểu nhất. Dại à?
Phần về động vật thì tôi hiểu nhưng mà người á? Còn cả khám xét cơ thể
nữa, phải lột sạch đồ của họ ra để quân y rà soát từng phân trên người họ,
tìm kiếm… cái gì đó… chúng tôi không được biết là cái gì.
Chả có nghĩa lí gì cả, tất cả đều vô nghĩa. Có lần chúng tôi tìm thấy cả
một kho vũ khí, toàn 74, có cả mấy khẩu 47 đời cũ nữa, rất nhiều đạn dược,
chắc là mua từ một tay cơ hội nào đó ngay trong tiểu đoàn của chúng tôi.
Chúng tôi không biết số vũ khí ấy là của ai; bọn buôn ma tuý hay lũ trộm
cướp địa phương hay thậm chí là các “Đội Báo Thù”, lí do chúng tôi được
triển khai. Và chúng tôi đã làm gì? Chúng tôi bỏ hết lại. Cái thằng dân sự
ấy, thằng “Mặt Chuột,” hắn có gặp riêng với vài vị trưởng lão trong làng.
Tôi chẳng biết họ bàn luận cái gì nhưng họ trông sợ chết khiếp: làm dấu
thánh, im lặng cầu nguyện.
Chúng tôi hiểu không nổi. Chúng tôi rối loạn, giận dữ. Chúng tôi chả
hiểu mình phải làm cái khỉ gì ở đây. Trong trung đội chúng tôi có môt lão
cựu binh già tên Baburin. Lão đã từng chiến đấu ở Afghanistan và hai lần ở
Chechnya. Người ta đồn rằng trong vụ đàn áp ở Yeltsin, chiếc BMP
24
đầu
tiên khai hoả vào Duma chính là của lão Duma. Hồi trước bọn tôi rất thích
nghe chuyện lão kể. Lão vốn tốt tính, lúc nào cũng say… nếu lão nghĩ lão
thoát được tội đó. Sau vụ vũ khí thì lão thay đổi. Lão không cười nữa,
không kể chuyện nữa. Tôi nghĩ kể từ đó lão không còn động đến một giọt
rượu nào nữa, và trong những lần hiếm hoi lão chịu mở mồm, lão chỉ nói
duy nhất một điều, “Không ổn rồi. Sắp có chuyện rồi đây.” Mỗi khi tôi gặng
hỏi lão về chuyện đó, lão chỉ nhún vai bỏ đi. Tinh thần mọi người xuống
khá thấp sau vụ đó. Ai cũng căng thẳng, nghi kị. Mặt Chuột lúc nào cũng
xuất hiện, lẩn khuất trong bóng tối, lắng nghe, quan sát, thì thầm vào tai các
sĩ quan của chúng tôi.
Hắn có đi cùng với chúng tôi vào hôm bọn tôi rà soát một thị trấn vô
danh, một khu xóm quê mùa trông như thể ở tận rìa trái đất. Chúng tôi tiến
hành sục sạo và thẩm vấn như thường lệ. Chúng tôi vừa chuẩn bị ngưng thì
đột nhiên có một đứa bé, một bé gái chạy dọc con đường duy nhất trong
làng về phía chúng tôi. Con bé đang khóc, rõ ràng là đang rất sợ hãi. Con bé
đang nói chuyện với bố mẹ… ước gì tôi đã có thời gian để học ngôn ngữ
của họ… và chỉ sang phía bên kia cánh đồng. Đằng đó có một bóng người
nhỏ, lại một bé gái khác, đang loạng choạng lội bùn đi về phía chúng tôi.
Trung uý Tikhonov giương ống nhòm và tôi thấy mặt ông tái hẳn đi. Mặt
Chuột ra đứng cạnh ông, nhìn qua ống nhòm của hắn và rồi thì thầm gì đó
với viên trung uý. Petrenko, xạ thủ của trung đội, được lệnh giơ vũ khí và
lấy tâm là bé gái kia. Anh ta tuân lệnh. “Ngắm trúng con bé chưa?” “Đã
trúng.” “Bắn.” Tôi nghĩ câu chuyện diễn tiến như vậy. Tôi nhớ có một
khoảng lặng. Petrenko quay ra nhìn ngài trung uý và xin phép ông ta lặp lại
mệnh lệnh. “Cậu nghe rồi đấy,” ông ta giận dữ nói. Tôi còn ở xa hơn cả
Petrenko mà vẫn nghe thấy. “Tôi nói hạ gục mục tiêu ngay lập tức!” Tôi có
thể thấy mũi súng của anh run run. Anh ta tầm vóc khá lùn, gầy gò nhỏ bé,
không phải can đảm hay mạnh mẽ gì cho cam nhưng đột nhiên anh ta hạ vũ
khí và nói mình sẽ không bắn. Thẳng thừng như vậy luôn. “Không, thưa
ngài.” Mặt trời lúc đó như đóng băng luôn. Không ai biết phải làm gì, đặc
biệt là Trung uý Tikhonov. Ai nấy đều nhìn nhau rồi lại nhìn ra phía cánh
đồng.
Chậm rãi, gần như là thong dong, Mặt Chuột bước ra. Con bé giờ đã
đến đủ gần để chúng tôi thấy được mặt. Mắt nó mở to, ghim cứng vào phía
Mặt Chuột. Nó giơ tay lên, và tôi nghe mãi mới ra được cái tiếng rên the
thé. Hắn giáp mặt con bé giữa cánh đồng. Chúng tôi hầu hết còn chưa kịp ý
thức được chuyện gì vừa xảy ra thì mọi thứ đã xong xuôi. Với chỉ một động
tác rất nhuần nhuyễn, Mặt Chuột rút ra một khẩu súng lục từ trong áo, bắn
con bé ngay giữa hai mắt, rồi sau đó quay người bình thản đi về phía chúng
tôi. Một người phụ nữ, chắc là mẹ con bé ấy, khóc oà lên. Chị ta khuỵu gối
xuống, phỉ nhổ và chửi bới chúng tôi. Mặt Chuột trông bình chân như vại,
thậm chí có khi còn không để ý. Hắn thì thầm gì đó với Trung uý Tikhonov,
rồi sau đó leo lại vào chiếc BMP như thể bắt taxi ở Moscow.
Đêm đó… khi nằm trằn trọc trên giường của mình, tôi cố không nghĩ về
chuyện vừa mới xảy ra. Tôi cố không nghĩ về việc Petrenko đã bị Cảnh sát
Quân sự bắt đi, hay việc vũ khí của chúng tôi đã bị khoá chặt lại trong kho.
Tôi biết đáng ra mình phải thấy thương hại con bé, thấy giận dữ, thậm chí là
căm thù Mặt Chuột và có lẽ là một chút tội lỗi vì tôi không động đến một
ngón tay để ngăn chặn chuyện ấy. Tôi biết đáng ra tôi phải cảm thấy như
vậy; vào lúc đó, thứ duy nhất tôi còn cảm thấy được là sự sợ hãi. Tôi cứ
nghĩ về điều Baburin đã nói, về việc sắp có điều tồi tệ xảy ra. Tôi chỉ muốn
về nhà, gặp bố mẹ tôi. Nếu như có vụ tấn công khủng bố nào đó thì sao?
Nếu có chiến tranh thì sao? Gia đình tôi sống ở Bikin, gần như sát nách
biên giới Trung Quốc. Tôi cần phải nói chuyện với họ, cần phải xem xem
họ có sao không. Tôi lo đến mức phát ói ra, ói nặng đến mức họ phải cho
tôi vào bệnh xá. Chính vì vậy mà hôm đó tôi không đi tuần được, chính vì
vậy mà chiều hôm sau khi họ về trại tôi vẫn còn nằm trên giường.
25
Tôi đang ở trên giường, đọc lại một ấn bản Semnadstat đã cũ. Tôi
nghe tiếng huyên náo, tiếng động cơ xe, giọng người nói. Có cả một đám
đông đã tập trung sẵn ở sân diễu hành. Tôi chen vào trong và thấy Arkady
đang đứng ở trung tâm đám đông. Arkady là tay bắn súng đại liên hạng
nặng trong đội của tôi, một người to lớn đồ sộ. Chúng tôi đánh bạn với nhau
vì anh ta khiến mấy tay lính khác không quấy rầy tôi, nếu anh hiểu ý tôi
muốn nói gì. Anh ta nói tôi gợi cho anh nhớ về em gái của mình. [Cười
buồn.] Tôi thích anh ta.
Có ai đó đang bò dưới chân anh. Trông như một bà cụ già, nhưng đầu
bà bị chụp bao bố và quanh cổ bà cuốn một sợi dây xích. Váy bà ta rách nát
và phần da dưới chân đã bị cạo hết ra. Không có tí máu nào, chỉ có cái thứ
mủ đen gì đó. Arkady đang sang sảng nói dở một bài diễn thuyết đầy giận
dữ. “Không dối trá gì nữa! Không còn có chuyện phải gặp là bắn thường
dân nữa! Đó là lí do tôi đã truất quyền cái tay zhopoliz kia…”
Tôi nhìn quanh tìm Trung uý Tikhonov nhưng không thấy ông ta đâu cả.
Tôi bắt đầu cảm thấy nhộn nhạo trong bụng.
“…bởi vì tôi muốn tất cả được chứng kiến!” Arkady nhấc dây, kéo cổ
bà cụ kia lên. Anh tóm lấy cái bao và xé toạc nó ra. Mặt bà ta xám ngoét,
toàn thân bà ta cũng vậy, mắt bà mở thô lố, trông rất dữ tợn. Bà ta gầm gừ
như sói và cố tóm lấy Arkady. Anh vươn một bàn tay mạnh mẽ ra siết
quanh cổ bà cụ, giữ bà ta ở cách một sải tay.
“Tôi muốn tất cả mọi người hiểu vì sao chúng ta phải ở đây!” Anh rút
dao từ trong thắt lưng ra và cắm thẳng vào tim bà cụ. Tôi há hốc mồm ra.
Tất cả đều thế. Con dao cắm ngập tận chuôi mà bà lão kia vẫn tiếp tục quằn
quại và tiếp tục gầm gừ. “Nhìn đây!” anh quát lớn, đâm bà lão thêm mấy
nhát nữa. “Các người hãy nhìn đây! Đây là điều họ đang giấu chúng ta! Đây
là thứ họ bắt chúng ta dốc sức đi tìm!” Vài cái đầu bắt đầu gật gù, một số
người xì xào đồng ý. Arkady tiếp tục nói, “Nếu những thứ này đầy rẫy ở
khắp nơi thì sao? Nếu chúng hiện đang ở quê nhà, nơi gia đình của chúng ta
ngay lúc này thì sao!” Anh ta đang cố nhìn vào mắt tất cả những ai có thể.
Anh không chú ý mấy đến bà cụ già. tay nắm của anh lỏng ra, bà cụ kia vặn
thoát ra được và cắn vào tay anh. Arkady gầm lên. Đấm tay anh nện vỡ mặt
bà cụ. Bà ta ngã quỵ xuống, lăn lộn và ho khạc ra cái thứ chất dịch đen đen
ấy. Anh lấy giày dứt điểm công việc. Tất cả chúng tôi đều nghe tiếng hộp sọ
bà ta nứt toác.
Máu chảy dọc vết cắn trên nắm tay của Arkady. Anh vung tay lên trời,
gào to lên, mạch máu trên cổ phình lộ rõ muồn muột. “Chúng tôi muốn về
nhà!” anh thét lớn. “Chúng tôi muốn bảo vệ gia đình mình!” Đám đông bắt
đầu có người hùa theo. “Đúng rồi! Chúng tôi muốn bảo vệ gia đình mình!
Đây là đất nước tự do! Đây là nền dân chủ! Không ai có quyền giam cầm
chúng tôi!” Tôi cũng đang hò hét, hùa vào với tiếng hô của mọi người. Bà
lão đó, cái con vật có thể lĩnh cả một con dao chính giữa tim mà không chết
kia… nếu chúng đang có ở quê nhà thì sao? Nếu chúng đang đe doạ người
thân chúng tôi… đe doạ bố mẹ tôi thì sao? Tất cả nỗi sợ hãi, tất cả những
nghi ngờ, tất cả những cảm xúc âm tính, rối bời đều hoà quyện lại trong cơn
giận dữ. “Chúng tôi muốn về! Chúng tôi muốn về!” Cứ thế hô vang, hô
vang, và rồi… một viên đạn bay sượt qua tai tôi và mắt trái Arkady nổ tung
ngược vào trong hốc mắt. Tôi không nhớ cảnh chạy nháo nhào hay hít phải
hơi cay. Tôi không nhớ các đặc công Spetznaz xuất hiện lúc nào nhưng đột
nhiên họ đã bao vây chúng tôi, đánh quị chúng tôi, trói hết tất cả lại. Có
người đạp lên ngực tôi mạnh đến mức tôi cứ ngỡ mình chết luôn ở đó rồi.
Có phải đó chính là Cuộc Thanh Trừng?
Không, đó chỉ là khởi đầu. Chúng tôi không phải đơn vị quân đội đầu
tiên nổi loạn. Nó bắt đầu vào tầm khoảng thời gian Cảnh sát Quân sự bắt
đầu cấm trại. Khi bọn tôi định làm cuộc “biểu tình” của mình, chính phủ đã
quyết định phải khôi phục kỉ cương như thế nào.
[Chị vuốt phẳng lại bộ quân phục, trấn tĩnh lại trước khi nói.]
“Thanh trừng”… hồi trước tôi cứ tưởng nó chỉ có nghĩa là tiêu diệt, gây
thiệt hại nặng nề, phá huỷ… thực chất nó có ý nghĩa là tiêu diệt mười phần
trăm tổng lực lượng, cứ mười người thì có một người phải chết… và đó
chính là điều họ đã làm đối với chúng tôi.
Đội Spetznaz bắt chúng tôi tập trung ở sân diễu hành, mặc đầy đủ quân
phục đúng tác phong. Sĩ quan chỉ huy mới của chúng tôi nói một tràng về
nhiệm vụ và trách nhiệm, về lời thề bảo vệ đất mẹ của chúng tôi, và về việc
chúng tôi đã bội lời thề đó như thế nào với hành động phản bội ích kỉ và sự
hèn nhát cá nhân của mình. Trước giờ chưa bao giờ tôi được nghe những từ
ngữ ấy. “Nhiệm vụ?” “Trách nhiệm?” Nước Nga, nước Nga của tôi thực
chất chỉ là một mảnh đất phi chính trị rối ren. Chúng tôi sống trong hỗn
loạn và tham nhũng, chỉ cố gắng kiếm đủ ăn qua ngày. Ngay cả quân đội
cũng không phải nơi pháo đài của những người ái quốc; đây là nơi để kiếm
lấy cái nghề, kiếm miếng ăn và kiếm chỗ ngủ, và có lẽ là kiếm được ít tiền
để gửi về nhà mỗi khi chính quyền có hứng muốn trả lương cho binh sĩ.
“Lời thề bảo vệ đất mẹ?” Đây không phải ngôn từ của thế hệ tôi. Đây là
ngôn từ của mấy tay cựu binh thời Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, kiểu mấy
lão đầu óc thất thường đã từng một thời bao vây Quảng Trường Đỏ với các
cái băng rôn Xô-viết rách rưới và cả dàn huy chương trên bộ quân phục bạc
màu, mục nát. Nhiệm vụ với Mẹ Tổ quốc chỉ là một trò đùa. Nhưng tôi
không cười. Tôi biết đao phủ sắp đến. Xung quanh chúng tôi là những
người mang vũ khí, trong chòi canh có lính chốt. Tôi đã sẵn sàng. Mọi thớ
cơ trong người tôi đều gồng lên, chuẩn bị đón nhận phát súng. Và rồi tôi
nghe được những lời ấy…
“Lũ trẻ hư các người nghĩ nền dân chủ là quyền được Chúa ban cho.
Các người kì vọng vào điều đó, các người đòi hỏi nó! Tốt, giờ các người sẽ
có cơ hội sử dụng nó.”
Từng câu từng chữ của lão ta vĩnh viễn in hằn trong tâm trí tôi.
Ý ông ấy là gì?
Chúng tôi sẽ quyết định ai là người phải bị trừng phạt. Chúng tôi được
chia ra làm các nhóm mười người và phải biểu quyết xem ai trong nhóm sẽ
bị xử tử. Và rồi chúng tôi… những người lính, chính chúng tôi sẽ phải tự
tay giết bạn mình. Họ đẩy mấy cái xe cút kít nho nhỏ qua chỗ chúng tôi. Tôi
giờ vẫn có thể nghe được tiếng bánh xe cót két. Chúng chở đầy đá, mỗi tảng
to tầm một lòng bàn tay, sắc và nặng trịch. Một số oà khóc, cầu xin chúng
tôi, van lạy như trẻ con. Một số người như Baburin thì chỉ im lặng quì
xuống, nhìn thẳng vào mặt tôi trong khi tôi giáng hòn đá xuống.
[Chị hơi thở dài, liếc nhìn cái kính một chiều qua vai.]
Thiên tài. Đúng là thiên tài bỏ mẹ. Xử tử như thường lệ có lẽ đã có thể
củng cố kỉ cương, lập lại trật tự từ trên xuống dưới, nhưng thông qua việc
biến chúng tôi thành tòng phạm, họ không chỉ trói buộc chúng tôi bằng sự
sợ hãi mà còn bằng cả cảm giác tội lỗi. Chúng tôi đã có thể nói không, đã
có thể chống lệnh và để bản thân bị tử hình nhưng chúng tôi lại không.
Chúng tôi hùa theo ngay. Chúng tôi hoàn toàn ý thức được lựa chọn của
mình và bởi vì lựa chọn ấy có giá đắt như vậy, tôi không nghĩ có ai lại
muốn phải đưa ra một lựa chọn như thế nữa. Hôm đó chúng tôi đã từ bỏ
quyền tự do của mình và chúng tôi hoàn toàn không hối tiếc khi phải làm
như vậy. Kể từ đó trở đi, chúng tôi sống trong tự do thực sự, cái quyền được
tự do chỉ tay về phía ai đó khác và nói “Họ bảo tôi làm vậy! Đó là lỗi của
họ, không phải của tôi.” Và lạy Chúa nhân từ, quyền tự do để nói rằng “Tôi
chỉ làm theo lệnh mà thôi.”
BRIDGETOWN, BARBADOS, LIÊN BANG TÂY ẤN
[Quầy rượu Trevor là hiện thân của “Miền Tây Ấn Hoang Dã,” hay
nói chính xác hơn là “Vùng Kinh tế Đặc biệt” của mỗi hòn đảo. Phần
lớn mọi người sẽ không thấy nơi đây mang dáng dấp cuộc sống ổn định
và thanh bình của Caribbean thời hậu chiến. Nó không được thành lập
với mục đích như vậy. Với hàng rào ngăn cách li cả khu vực khỏi phần
còn lại của hòn đảo và nếp sống hỗn loạn, bạo lực, suy đồi, các Vùng
Kinh tế Đặc biệt được thiết kế chuyên biệt để móc tiền dân “ngoại
đảo”. T. Sean Collins có vẻ hài lòng trước sự khó chịu của tôi. Anh
chàng người Texas cao lớn này đẩy một li rượu rum “kill-devil” về phía
tôi rồi gác đôi chân đi ủng đồ sộ lên bàn.]
Vẫn chưa có ai nghĩ ra được cái tên cho nghề cũ của tôi. Không có chức
tước hẳn hoi nào, ít nhất là chưa. “Nhà thầu tư nhân” nghe như kiểu tôi
chuyên đi trát vữa bôi tường. “An ninh riêng” nghe như lũ bảo vệ siêu thị
đần độn. “Lính đánh thuê” có lẽ là từ hợp nhất, nhưng đồng thời cũng khác
xa con người thật của tôi nhất. Lính đánh thuê nghe như một tay cựu binh
Việt Nam ria vểnh, đầu óc có vấn đề, người đầy xăm trổ, sống chui rúc ở
một nước Thế Giới Thứ Ba bẩn thỉu nào đó chỉ vì không thể thích nghi
được với cuộc sống thực. Đó hoàn toàn không phải là tôi. Vâng, tôi là cựu
binh, và vâng, tôi dùng những gì mình được huấn luyện để kiếm tiền…
quân đội có cái hay là lúc nào cũng hứa sẽ dạy cho anh các “kĩ năng hái ra
tiền,” nhưng họ lại chẳng thèm nhắc đến rằng cho đến hiện tại, không gì hái
ra nhiều tiền hơn biết cách giết người trong khi bảo vệ người khác khỏi bị
giết.
Có lẽ tôi đúng là lính đánh thuê, nhưng nhìn tôi anh không thể đoán ra
được. Tôi ăn mặc chải chuốt, có xe xịn, nhà xịn, thậm chí còn có cả một bà
giúp việc một tuần đến dọn dẹp một lần. Tôi có lắm bạn bè, có triển vọng
hôn nhân, và trình độ đánh gôn của tôi cũng ngang ngửa dân chuyên. Quan
trọng nhất là trước chiến tranh tôi làm việc cho một công ti bình thường
như bao công ti khác. Không phải đi theo dõi ai, không hội họp kín hay
phong bì lúc đêm hôm. Tôi có ngày nghỉ lễ và ngày nghỉ ốm, bảo hiểm y tế
toàn phần và gói dịch vụ nha khoa ngon nghẻ. Tôi trả thuế của mình, có
26
phần còn hơn mức; tôi trả vào tài khoản IRA
của mình. Đáng ra tôi có thể
làm việc ở nước ngoài; có chúa mới biết ở đó nhu cầu cao đến nhường nào,
nhưng sau khi chứng kiến những gì bạn bè tôi phải trải qua trong cuộc xung
đột biên giới vừa rồi, tôi nghĩ thôi bỏ, thà làm chân bảo vệ cho mấy lão
CEO bụng phệ hay đứa người nổi tiếng não rỗng vô dụng nào đó còn hơn.
Và đó là cương vị của tôi khi Đại Loạn xảy ra.
Anh bỏ quá cho tôi việc không đưa ra cái tên nào hết nhé? Vài người
vẫn còn đang sống, tài sản vẫn còn giá trị và… vẫn đe dọa sẽ đâm đơn kiện,
anh tin nổi không? Sau tất cả những gì đã xảy ra? Rồi, vậy là tôi không thể
nêu danh hay chỉ ra địa điểm nơi chốn nào hết, nhưng hãy tưởng tượng
chuyện xảy ra trên một hòn đảo… một hòn đảo lớn… một hòn đảo dài,
ngay cạnh Manhattan. Không kiện tụng được gì nếu nói vậy, phải không?
Khách hàng của tôi, chả rõ hắn làm gì. Hình như làm ngành giải trí, hay
tài chính cấp cao. Chịu. Tôi nghĩ chác hắn còn là một trong những cổ đông
kì cựu ở công ti tôi. Gì cũng được, hắn có tiền, sống ở căn biệt thự tiện nghi
ngay gần biển.
Khách hàng của tôi thích quen biết những người có danh phận. Kế
hoạch của hắn là bảo vệ những người có thể nâng cao hình ảnh của hắn
trong và sau chiến tranh, đóng vai Moses đối với những người đang hãi sợ
và những người nổi tiếng. Và anh biết gì không, họ cắn câu. Diễn viên, ca
sĩ, các rapper và vận động viên chuyên nghiệp và các gương mặt danh giá
như mấy người anh bắt gặp trên các chương trình đối thoại hay truyền hình
thực tế, hay thậm chí cả cái con điếm giàu có, hư hỏng, trông bạc nhược nổi
tiếng chỉ vì nó là một con điếm giàu có, hư hỏng, trông bạc nhược.
Có một lão là ông trùm làng thu âm với đôi khuyên tai kim cương to tổ
bố. lão có một khẩu AK giả với súng phóng lựu. Lão rất khoái nói về việc
đây là khẩu nhái y hệt khẩu trong Scarface. Tôi không nỡ tâm nói với lão
rằng Señor Montana dùng khẩu mười sáu A-1.
Có một cái tay nghệ sĩ hài chính trị, anh biết đấy, tay có chương trình
riêng của mình ấy. Hắn vừa rúc đầu vào ngực cái con vũ nữ thoát y Thái trẻ
măng vừa lảm nhảm rằng chuyện đang xảy ra không chỉ là về người sống
đối đầu với thây ma, nó sẽ tạo ra xung chấn lan tỏa đến mọi khía cạnh của
đời sống: xã hội, kinh tế, chính trị, thậm chí là môi trường. Hắn nói rằng từ
trong tiềm thức, mọi người đều đã ý thức được sự thật trong giai đoạn “Đại
Phủ Nhận,” và đó là lí do tại sao họ phát rồ lên đến vậy khi mọi thứ lộ ra.
Thực ra nghe cũng có lí, cho đến khi hắn bắt đầu phun ra một mớ về xi-rô
ngô với hàm lượng đường cao và tình trạng nữ giới hóa ở Mỹ.
Tôi cũng công nhận mọi thứ điên thật, nhưng thực ra cũng có phần đoán
được trước là những con người đó sẽ có mặt ở đây, ít nhất với tôi là thế. Tôi
chỉ không lường trước được đám “lính” của họ. Tất cả bọn họ, dù có là ai
hay làm nghề gì đi nữa đều phải có ít nhất vô số các nhà tạo mẫu và quan hệ
công chúng và trợ lí riêng. Có một số người tôi thấy khá được, làm chỉ vì
miếng cơm manh áo hoặc vì họ nghĩ mình sẽ được an toàn ở đây. Những
người trẻ tuổi chỉ đang cố kiếm chút lợi lộc. Không thể trách họ được. Về
phần mấy người còn lại thì… toàn lũ cặn bã đang phê mùi nước tiểu của
mình. Rất thô lỗ, tự phụ và liên tục sai khiến người khác. Có một gã tôi rất
ấn tượng bởi vì hắn đội cái mũ ghi dòng chữ “Hoàn Tất Đi!” Tôi nghĩ hắn
là quản lí chính của cái đứa phì nộn giật giải trong một chương trình tài
năng gì đó. Cái thằng kia chắc phải có mười bốn người dưới trướng! Tôi
nhớ lúc đầu mình nghĩ chăm sóc được hết đám người này là điều không thể,
nhưng sau chuyến tham quan ngôi nhà đầu tiên, tôi nhận ra sếp bọn tôi đã
tính đến tất cả.
Hắn biến nhà mình thành thiên đường trong mơ của dân sinh tồn. Hắn
có đủ lương khô để nuôi cả một đội quân vài năm liền và cả một nguồn
cung cấp nước vô tận nhờ cái máy lọc muối chạy thẳng ra biển. Hắn có tuốc
bin gió, bảng pin năng lượng mặt trời và các máy phát điện dự phòng với
nhiều thùng nhiên liệu chôn ngay dưới sân. Hắn có đủ liệu pháp an ninh để
ngăn chặn thây ma cho đến mãn đời: tường cao, cảm biến dò chuyển động,
và vũ khí, ôi mẹ kiếp, mớ vũ khí. Vâng, sếp bọn tôi đúng là đã đầu tư tử tế,
nhưng thứ làm hắn tự hào nhất lại là việc mọi phòng đều được lắp đặt để có
thể cùng lúc truyền hình trực tiếp lên mạng đến khắp mọi xó xỉnh trên thế
giới 24/7. Đây là lí do thực sự cho việc mời hết bạn bè “thân cận” và “chí
cốt” đến nhà. Hắn không chỉ muốn vượt qua đợt tai ương này trong tiện
nghi và thoải mái, hắn muốn ai nấy đều biết hắn đã làm được điều ấy. Đó là
khía cạnh danh tiếng, cách hắn đảm bảo được quảng bá cao cấp. Không chỉ
có mỗi webcam trong gần như tất cả các phòng, ở đây còn có cả cánh báo
chí mà anh thường thấy trên thảm đỏ Oscar. Thật tình tôi chưa bao giờ biết
ngành truyền thông giải trí nó lớn đến mức nào. Chắc ở đó phải có đến hàng
tá, tới từ đủ các tạp chí và kênh truyền hình. “Ông thấy thế nào?” Tôi nghe
câu ấy rất nhiều. “Anh làm ăn sao rồi?” “Ngài nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra?” và
thậm chí tôi thề là đã nghe thấy người hỏi “Cô đang mặc phục trang gì
vậy?”
Đối với tôi, khoảnh khắc kì quái nhất là khi đứng trong phòng bếp với
đám nhân viên và các vệ sĩ khác, cùng nhau xem bản tin về, đoán thử xem,
chính chúng tôi! Máy quay ở ngay phòng bên cạnh, chĩa vào vài “ngôi sao”
trong khi họ đang ngồi trên ghế bành xem một kênh tin tức khác. Thước
phim được truyền hình trực tiếp từ Khu Thượng Đông ở New York; đám
thây ma đang tràn ra Đại lộ số Ba, người dân đang đánh giáp lá cà với búa
và ống đồng, quản lí hãng Đồ dùng Thể thao Modell đang phân phát số gậy
bóng chày của mình và hét “Nện vào đầu chúng!” Có một tay mang giày
trượt patin, tay cầm gậy khúc côn cầu có gắn một con dao thái thịt to tổ
chảng phía đầu. Hắn phi với vận tốc chắc cũng gần ba mươi, với cái tốc độ
đó đáng ra hắn có thể chặt bay được một hai cái thủ. Máy quay thâu gọn
toàn bộ cảnh tượng. Một cánh tay thối rữa thọc ra từ cái cống thoát nước
ngay trước mặt hắn, cái tay tội nghiệp kia văng thẳng lên trời, ngã dập mặt
xuống, rồi sau đó la thét rầm trời khi cái tóc đuôi ngựa của hắn bị tóm lấy
và kéo ngược vào trong cống. Đúng lúc đó máy quay trong phòng khách lia
lại ghi hình phản ứng của đám người nổi tiếng. Có mấy người há hốc mồm
ra, một số là thật, một số là diễn. Tôi nhớ mình ít coi trọng những kẻ giả
khóc hơn cả con điếm hư hỏng khi nó gọi cái tay kia là “đần độn.” Ê, ít nhất
nó nói trung thực. Tôi nhớ mình đứng ngay cạnh một người, Sergei, một tên
to đồ sộ, mặt mũi rầu rầu, khổ sở. Những câu chuyện về việc lớn lên ở Nga
của hắn đã thuyết phục tôi rằng không phải mọi đất nước Thế Giới Thứ Ba
bẩn thỉu đều phải là nước nhiệt đới. Khi máy quay đang ghi lại phản ứng
của đám người tốt đẹp kia, hắn lẩm bẩm một mình cái gì đó bằng tiếng Nga.
Từ duy nhất tôi nghe được là “Romanovs” và tôi đang định hỏi ý hắn định
nói gì thì tất cả nghe thấy còi báo động.
Có thứ gì đó đã kích hoạt cảm biến áp lực chúng tôi đặt bao quanh
tường cách đây vài dặm. Chúng đủ nhạy để phát hiện một con zombie, và
giờ đây chúng đang rung loạn hết cả lên. Điện đàm của chúng tôi liên tục
kêu rè rè: “Có địch, có địch, góc tây nam… mẹ kiếp, có đến hàng trăm
con!” Ngôi nhà này rất rộng, tôi mất đến mấy phút mới vào được vị trí bắn.
tôi chả hiểu tại sao bên gác lại lo lắng đến vậy. Có đến vài trăm con thì đã
sao. Sẽ không đời nào chúng trèo qua được bức tường. Rồi sau đó tôi nghe
tiếng hắn la Chúng đang chạy! Ôi bố tổ, chúng nhanh quá!” Zombie chạy
nhanh, điều này làm tôi chột dạ. Nếu chúng biết chạy thì chúng sẽ biết trèo,
nếu chúng biết trèo, có lẽ chúng biết nghĩ, và nếu chúng biết nghĩ… giờ tôi
bắt đầu sợ. Tôi nhớ khi lên đến cửa sổ phòng khách ở tầng ba, đám bạn của
sếp tôi đều đang đổ xô vào lấy đồ trong kho vũ khí, chạy tán loạn như đám
nhân vật phụ trong phim hành động năm 80.
Tôi tháo chốt an toàn và mở nắp ống ngắm. Đây là kính ngắm đời mới
nhất, có kết hợp giữa khuếch sáng và hiển thị nhiệt. Tôi không cần đến cái
27
thứ hai vì lũ G không có thân nhiệt. Vậy nên khi thấy hình ảnh sáng xanh
lá chói lòa của hàng trăm bóng người đang chạy tới, họng tôi nghẹn lại. Đây
không phải thây ma.
“Đây rồi!” Tôi nghe tiếng họ hét. “Đó là ngôi nhà trên bản tin!” Họ
mang theo thang, súng, trẻ con. Vài người trên lưng đeo bao da to. Họ đang
lao về phía cửa trước, cánh cửa thép vững chắc có thể chặn được cả ngàn
con thây ma. Vụ nổ đánh bật nó ra khỏi bản lề, quăng thẳng nó về phía ngôi
nhà như cái phi tiêu khổng lồ. “Khai hỏa!” sếp tôi hét vào trong điện đàm.
“Hạ gục chúng! Giết chúng đi! Bắnbắnbắn!”
Những “kẻ tấn công,” xin phép gọi tạm vậy do không có từ chuẩn xác
hơn, dẫm đạp lên nhau để xông vào nhà. Sân nhà đầy xe đang đỗ, xe thể
thao và mấy chiếc Hummer, và thậm chí có cả một con xe tải khủng của
một tay cầu thủ NFL nào đó. Tất cả đều đang là mấy hòn lửa, nổ lật văng
sang bên hay chỉ đơn giản là cháy ngay tại chỗ, đám khói dầu dày đặc bốc
ra từ đống lốp làm ai nấy mù đường và ngạt thở hết. Chả còn nghe thấy gì
ngoài tiếng súng, của ta và của họ, và bên ta không chỉ có mỗi đội an nình.
Bất cứ vị tai to mặt lớn nào đang không ị đùn ra quần đều hoặc là muốn làm
anh hùng, hoặc là thấy cần bảo vệ danh tiếng trước mặt người của mình.
Rất nhiều người bắt đoàn tùy tùng của mình bảo vệ mình. Một số vâng lời,
toàn mấy tay trợ lí riêng tội nghiệp tuổi mới đôi mươi cả đời chưa từng bắn
phát súng nào. Họ không trụ được lâu. Nhưng cũng có một số người làm
chân lon ton trở mặt và gia nhập phe bọn tấn công. Tôi thấy một tên tạo
mẫu tóc trông rất ẻo lả lấy cái mở thư đâm vào mồm một mụ diễn viên và
chứng kiến thằng “Hoàn Tất Đi” cố gắng vật lộn giằng lấy quả lựu đạn của
thằng béo trong chương trình tài năng trước khi nó phát nổ trong tay cả hai,
thật trớ trêu.
Chẳng khác gì một cái nhà thương điên, thật đúng như những gì anh
hình dung về ngày tận thế. Một phần căn nhà đang bốc cháy, máu chảy
khắp nơi, xác người hoặc các mảnh xác vung vãi trên khắp các thứ đồ đắt
tiền. Tôi bắt gặp con chó tí tẹo của con điếm kia trong lúc cả hai đang cùng
chạy ra phía cổng sau. Nó nhìn tôi, tôi nhìn nó. Nếu bọn tôi có nói chuyện
thì chắc sẽ là, “Chủ mày đâu?” “Chủ mày thì sao?” “Kệ mẹ chúng nó.” Đó
là thái độ của rất nhiều tay lính đánh thuê ở đây, là lí do suốt đêm tôi không
nổ phát súng nào. Chúng tôi được thuê để bảo vệ đám nhà giàu chống lại
zombie, không phải chống lại những người không giàu khác chỉ muốn tìm
chỗ trú ẩn. Anh có thể nghe thấy tiếng họ la hét khi tràn qua cổng chính.
Không phải “lấy rượu” hay “thịt lũ đàn bà”; đó là “dập lửa đi!” và “cho phụ
nữ và trẻ em lên tầng!”
Trên đường ra bãi biển tôi vấp phải Ngài Tấu hài Chính trị trên đường
ra bãi biển. Hắn và cái con mụ tóc vàng da nhăn nheo tôi tưởng là đối thủ
chính trị của hắn đang hùng hục hành sự như thể ngày mai sẽ không đến
nữa vậy, mà này, có khi đối với họ, ngày mai không có thật. Tôi ra đến chỗ
bãi cát, tìm được một cái ván lướt sóng chắc còn đáng giá hơn ngôi nhà nơi
tôi lớn lên và bắt đầu chèo về phía ánh sáng đằng chân trời. Đêm đó trên
biển vô số tàu bè, rất nhiều người đang chạy trốn khỏi Dodge. Tôi hi vọng
một trong số họ sẽ cho tôi đi nhờ đến xa được cỡ Cảng New York. Hi vọng
tôi có thể dùng đôi khuyên tai kim cương hối lộ họ.
[Anh uống hết li rượu rum và ra hiệu lấy thêm li nữa.]
Đôi khi tôi tự hỏi, tại sao họ không chịu câm mẹ nó cái mồm lại? Không
chỉ riêng gì sếp tôi mà tất cả cái lũ ăn bám được nuông chiều ấy. Họ có
phương thức để tránh không bị hại, vậy sao không dùng nó; đi đến Nam
Cực hay Greenland hay cử ở im chỗ họ đang ở nhưng tránh xa khỏi con mắt
công chúng? Nhưng mà ngẫm lại, chắc họ không thể đâu, nó như kiểu một
cái công tắc anh không thể tắt được vậy. Có lẽ chính nhờ cái công tắc ấy mà
họ mới trở nên được như thế. Nhưng tôi thì biết cái quái gì?
[Anh bồi bàn mang thêm một li rượu nữa đến và T. Sean quăng cho
anh ta một đồng xu bạc.]
“Cứ có là phải khoe.”
ICE CITY, GREENLAND
[Ở trên mặt đất, ta chỉ có thể nhìn thấy được các ống phễu, những
ống thông gió khổng lồ được chạm khắc cẩn thận để liên tục mang
không khí tuy lãnh lẽo nhưng trong lành xuống mê trận kéo dài ba
trăm kilomét ở bên dưới. Trong số một phần tư triệu những người từng
sống trong kì quan kiến trúc thiết kế bằng tay không này, rất ít còn ở
lại. một số người ở lại để khuyến khích ngành du lịch thương mại dù
nhỏ nhưng đang phát triển. Một số ở đây với tư cách người coi sóc,
sống dựa vào khoản trợ cấp đến từ Chương trình Di sản Thế giới mới
được cơ cấu lại của UNESCO. Một số người như Ahmed Farahnakian,
cựu Thiếu tá của Lực lượng Không quân Quân đoàn Vệ binh Cách
mạng Iran, thì lại không còn chốn nào để nương thân nữa.]
Ấn Độ và Pakistan. Cũng như Bắc với Nam Triều Tiên hay NATO với
Khối Warszawa cũ. Nếu có hai phe nào định dùng vũ khí hạt nhân công
kích nhau, đó chắc chắn phải là Ấn Độ và Pakistan. Ai cũng biết điều đó, ai
cũng trông chờ điều đó, và đó chính là lí do tại sao điều đó không xảy ra. Vì
mối họa này đã quá hiển hiện, suốt mấy năm qua nhiều cơ quan bộ máy đã
được đưa vào hoạt động để phòng tránh nó. Đường dây nóng giữa hai thủ
đô được lắp đặt, các đại sứ gọi nhau bằng tên cúng cơm, và các đại tướng,
các chính trị gia và tất cả những ai tham gia vào qui trình này đều được
huấn luyện để đảm bảo rằng ngày họ lo sợ sẽ không bao giờ đến. Không ai
có thể tưởng tượng được rằng — tôi dứt khoát là không thể — mọi chuyện
lại xảy ra như thế.
Dịch bệnh không gây ảnh hưởng cho chúng tôi nặng như một số nước
khác. Đất nước chúng tôi nhiều đồi núi. Di chuyển khó khăn. Dân số chúng
tôi khá nhỏ; cứ nhìn vào diện tích đất nước của chúng tôi và nếu tính thêm
cả chuyện các thành phố của chúng tôi có thể được cách li dễ dàng bởi một
đội quân lớn tương ứng thì cũng dễ thấy giới lãnh đạo của chúng tôi lạc
quan đến cỡ nào.
Vấn đề nằm ở đám dân tị nạn, hàng triệu người từ phương đông, hàng
triệu! Họ tràn qua Baluchistan, làm hỏng hết các kế hoạch của chúng tôi.
Quá nhiều vùng đã bị lây nhiễm, hàng đàn thây ma đang chậm rãi tiến về
phía các thành phố của chúng tôi. Lính biên phòng của chúng tôi bị áp đảo,
cả đống tiền đồn bị chôn vùi bởi lớp lớp thây ma. Không có cách nào đóng
cửa biên giới và đồng thời xử lí các trận bùng phát dịch của chính chúng
tôi.
Chúng tôi yêu cầu bên Pakistan kiểm soát người dân của mình. Họ trấn
an chúng tôi rằng họ đang làm hết sức có thể. Chúng tôi biết thừa họ nói
láo.
Phần lớn dân ti nạn đến từ Ấn Độ, băng ngang qua Pakistan để đến nơi
nào đó an toàn. Cái lũ ở Islamabad rất sẵn lòng để họ đi. Thà đẩy vấn đề
sang cho nước khác còn hơn là phải tự mình giải quyết. Có lẽ chúng tôi đã
có thể phối hợp lực lượng, tổ chức một chiến dịch chung ở một địa điểm dễ
phòng thủ nào đó. Tôi biết kế hoạch đó đang được đề xuất. Các ngọn núi
trung tâm phía nam Pakistan: núi Pab, núi Kirthar, dãy núi Trung tâm
Brahui. Đáng ra chúng tôi có thể chặn đứng bất cứ số lượng người tị nạn
hay thây ma nào. Kế hoạch của chúng tôi bị từ chối. Bên đại sứ quán của họ
có vài tên tùy viên quân sự hoang tưởng nói thẳng với chúng tôi rằng bất cứ
người lính ngoại quốc nào đặt chân lên đất của họ sẽ được xem như hành
động tuyên bố chiến tranh. Tôi chả hiểu liệu tổng thổng của họ có được đọc
đề nghị của chúng tôi không; các nhà lãnh đạo của chúng tôi không bao giờ
nói chuyện trực tiếp với ông ta cả. Anh hiểu ý tôi khi nói về Ấn Độ và
Pakistan chưa. Chúng tôi không có mối quan hệ như của họ. Bộ máy ngoại
giao không được thiết lập. Có khi cái tay đại tá ăn cứt khốn nạn ấy lại đi
thông báo với chính phủ hắn rằng chúng tôi đang định xâm lược các tỉnh
phía tây của họ chứ chẳng đùa!
Nhưng chúng tôi biết làm gì? Mỗi ngày có đến hàng trăm ngàn người
vượt qua biên giới nước tôi, và có lẽ hàng chục ngàn trong số đó đã bị
nhiễm bệnh! Chúng tôi phải hành động dứt khoát. Chúng tôi phải tự vệ!
Có một con đường chạy giữa hai đất nước chúng tôi. Theo tiêu chuẩn
của các anh thì là loại nhỏ, thậm chí nhiều chỗ còn không được lát đường,
nhưng đây lại là đường huyết mạch phía nam ở Baluchistan. Chỉ cần cắt
được ở một chỗ, đoạn Cầu Sông Ketch, là 60 phần trăm lượng giao thông
của dân tị nạn sẽ bị chặn đứng. Đích thân tôi thực hiện nhiệm vụ đó, bay
vào ban đêm với một đoàn hộ tống hùng hậu. Chẳng cần đến máy phóng to
hình ảnh. Từ cách đó cả dặm đã nhìn thấy ánh đèn pha rồi, cả một dải trắng
dài, hẹp nổi lên trong bóng tối. Tôi thậm chí còn thấy cả chớp lửa của súng.
Cả khu bị lây nhiễm rất nặng. Tôi nhắm vào trung tâm móng cầu, chỗ khó
sửa nhất. Bom được thả rất gọn ghẽ. Đây là loại bom nổ mạnh, vũ khí nổ
thông thường, vừa đủ cho nhiệm vụ này. Hồi các anh còn là đồng minh của
chúng tôi, các phi cơ Mỹ đã có lần phá hủy một cây cầu do Mỹ hỗ trợ xây
dựng với mục đích tương tự. Bộ phận chỉ huy cấp cao thấy rõ được sự tréo
ngoe ấy. Cá nhân tôi thì lại chả quan tâm chuyện đó. Ngay khi cảm thấy
chiếc Phantom của mình nhẹ đi, tôi bật động cơ đẩy, đợi báo cáo của máy
bay trinh sát và dốc hết công sức ra cầu nguyện rằng phía Pakistan sẽ không
trả đũa.
Tất nhiên lời cầu của tôi không được đáp lại. Ba tiếng sau quân trong
đồn lũy của họ ở Qila Safed tấn công chốt biên giới chúng tôi. Tôi biết tổng
thống tôi và Ayatollah sẵn sàng hạ vũ khí. Chúng tôi đã có cái mình muốn,
họ đã trả được thù. Ăn miếng trả miếng, cho qua đi. Nhưng ai sẽ là người
đứng ra nói với phe bên kia? Đại sứ quán của họ ở Tehran đã tiêu hủy các
hệ thống mã và loa đài. Thằng đại tá mất dạy đó đã lấy súng tự sát để không
làm lộ “bí mật quốc gia.” Chúng tôi không có đường dây nòng, không có
kênh ngoại giao. Chúng tôi chẳng biết liên hệ với giới lãnh đạo Pakistan
kiểu gì. Chúng tôi thậm chí còn không biết liệu còn ai lãnh đạo ở bên đấy
nữa không. Mọi thứ rối tung lên, rối loạn chuyển thành giận dữ, giận dữ
được đổ lên đầu hàng xóm chúng tôi. Cứ mỗi giờ xung đột lại leo thang.
Xung đột biên giới, các cuộc không kích. Mọi thứ xảy ra quá nhanh, liên
tục ba ngày chiến tranh quy ước, chẳng bên nào có mục tiêu rõ ràng cả, chỉ
là giận dữ hoảng loạn.
[Ông nhún vai.]
Chúng ta đã tạo ra một con quái thú, một con quỉ dữ mang tên hạt nhân
mà không phe nào thuần hóa được… Tehran, Islamabad, Qom, Lahore,
Bandar Abbas, Ormara, Emam Khomeyni, Faisalabad. Không ai biết bao
nhiêu người chết trong các vụ nổ hoặc chết khi các đám mây nhiễm xạ lan
ra khắp các quốc gia của chúng tôi, lan ra cả Ấn Độ, Đông Nam Á, khu vực
biển Thái Bình Dương, lan ra Mỹ.
Chẳng ai nghĩ nó lại có thể xảy ra, nhất là giữa các nước chúng tôi. Lạy
Chúa, chính họ đã giúp chúng tôi thiết lập chương trình hạt nhân ngay từ
những ngày đầu! Họ cung cấp nguyên vật liệu, công nghệ, môi giới với các
toán nổi loạn ở Bắc Triều Tiên và Nga hộ chúng tôi… không có những
người anh em Hồi giáo thì chúng tôi đã không có năng lượng hạt nhân.
Chẳng ai ngờ được, cơ mà cũng chẳng ai ngờ được các xác chết sẽ sống dậy
đúng không? Chỉ một người duy nhất nhìn thấy trước được mọi chuyện, và
tôi không còn tin vào ông ta nữa rồi.
DENVER, COLORADO, MỸ
[Chuyến tàu của tôi đến trễ. Cây cầu rút ở phía tây đang được kiểm
tra. Todd Wainio có vẻ không phiền chuyện đứng đợi tôi trên ga.
Chúng tôi bắt tay dưới bức tranh Thắng Lợi treo ở sân ga, dễ chừng là
hình ảnh nổi bật nhất tượng trưng cho những gì nước Mỹ đã kinh qua
trong Thế Chiến Z. Bức tranh vốn được vẽ dựa trên một tấm ảnh, thể
hiện một toán lính đứng phía bên bờ New Jersey của sông Hudson
River, lưng quay về phía người xem để ngắm bình minh Manhattan
đang lên. Đứng bên những hình tượng khổng lồ hai chiều ấy, chủ nhà
của tôi trông rất nhỏ bé và yếu đuối. Cũng như hầu hết những người
thuộc thế hệ mình, Todd Wainio già trước tuổi. Nhìn vào cái bụng phệ,
mớ tóc bạc thưa thớt và ba vết sẹo sâu chạy song song dọc má phải anh,
rất khó đoán được rằng cựu binh Mỹ này nếu xét theo tuổi thì hãy còn
đương xuân.]
Trời hôm đó đỏ rực. Toàn bộ chỗ khói với mấy thứ rác rưởi thải vào
không khí suốt cả mùa hè khiến mọi vật như được chiếu dưới ánh đèn đỏ
vàng khè, như thể thế giới được nhìn qua lăng kính địa ngục vậy. Lần đâu
tiên tôi thấy Yonkers là như vậy đó, một thành phố ảm đạm, rỉ sét ở ngoại ô
phía bắc New York. Tôi nghĩ chưa ai từng nghe danh nó. Tôi dứt khoát là
chưa rồi, và giờ nó được vinh danh ngang tầm, gì nhỉ, Trân Châu Cảng…
không, không phải trận Trân Châu… đó là bị đánh úp. Trận này giống Little
Bighorn hơn, trong trận đó chúng ta… ờ thì… ít nhất là ban chỉ huy, họ biết
chuyện gì đang diễn ra, hay đáng ra họ phải biết. Ý tôi là, đây không phải
đánh úp gì sất, cuộc chiến… hay trường hợp khẩn cấp, hay anh muốn gọi
nó là gì thì tùy… nó diễn ra lâu rồi. Đã được, bao nhiêu nhỉ, ba tháng kể từ
khi mọi người hè nhau chạy loạn.
Anh chắc vẫn nhớ nó ra sao, bàn dân thiên hạ cuống hết cả lên… đóng
ván kín cửa nhà, trộm đồ ăn, súng, bắn bất cứ thứ gì động đậy. Họ chắc giết
còn nhiều người hơn, mấy tay Rambo và các vụ hỏa hoạn và các vụ tai nạn
giao thông và chung qui là… là cả cái mớ hỗn độn khỉ gió mà giờ ta gọi là
“Cuộc Đại Loạn” ấy; tôi nghĩ chính mấy thứ đó còn giết nhiều nhân mạng
28
hơn thằng Zack đầu tiên.
Tôi đoán mình cũng hiểu tại sao giới chức trách lại nghĩ một trận phản
công lớn sẽ là một ý kiến hay. Họ muốn dân chúng thấy họ vẫn làm chủ
được tình hình, làm cho ai nấy bình tĩnh lại để họ còn đối phó với vấn đề
thực sự. Tôi hiểu điều đó, và vì họ cần một chiến thắng vang dội để mang đi
tuyên truyền, tôi phải đến Yonkers.
Chiến đấu ở đây cũng không đến nỗi tệ hại lắm. Một phần của thị trấn
nằm ngay trong một cái thung lũng nhỏ, và ngay bên kia những quả đồi
phía tây là sông Hudson. Đại lộ Sông Saw Mill đâm xuyên trung tâm phòng
tuyến chính của chúng tôi và đám dân tị nạn chạy dọc đường cao tốc sẽ dẫn
mấy cái xác kia đến thẳng chỗ chúng tôi. Đây là một chỗ nút cổ chai tự
nhiên và là một ý hay… ý hay duy nhất trong ngày.
[Todd với tay lấy thêm một điếu “Q,” một loại thuốc lá Mỹ tự trồng,
lấy tên như vậy do hàm lượng thuốc lá của nó chiếm một phần tư.]
Sao họ không bố trí chúng tôi lên mái nhà? Chỗ đấy có một khu thương
xá, mấy cái nhà để xe, hàng đống nhà cao tầng mái phẳng. họ có thể nhét cả
một đại đội lên trên chỗ A&P. Chúng tôi có thể thấy cả thung lũng, và
chúng tôi sẽ hoàn toàn không phải lo bị tấn công. Có một cái khu nhà tập
thể, tôi nghĩ cao tầm hai chục tầng… mỗi tầng có cả một tầm nhìn chiến
lược hướng ra phía đường cao tốc. Tại sao mỗi cửa sổ không có một đội xạ
thủ?
Anh biết họ bố trí chúng tôi ra đâu không? Ngay dưới đất, ngay đằng
sau bao cát hoặc hố chiến đấu. Chúng tôi tốn quá nhiều thời gian, quá nhiều
công sức chuẩn bị mấy cái vị trí chiến đấu lằng nhằng. Chỗ “trú ẩn và ngụy
trang” tốt, họ bảo với chúng tôi như vậy. Trú ẩn và ngụy trang? “Trú ẩn”
nghĩa là được bảo vệ, bảo vệ theo lối thông thường, bảo vệ khỏi đạn và
pháo binh hay đánh bom không kích. Nghe thế có giống kẻ địch mà ta sắp
phải chống lại không? Bọn Zack giờ lại đi kêu gọi oanh tạc và hỗ trợ pháo
binh à? Và thế quái nào mà ta lại phải lo đi ngụy trang trong khi mấu chốt
của trận chiến là dụ lũ Zack đến thẳng chỗ chúng ta! Ngược đời bỏ mẹ!
Toàn bộ chuyện này!
Tôi dám chắc rằng chỉ huy phải là một tên thiểu năng Fulda Fucktards,
anh biết đấy, mấy tên đại tướng sắp xuống lỗ mấy năm cuối đời được tập
huấn để bảo vệ Tây Đức khỏi lũ Ivan. Cứng nhắc, thiển cận… chắc đầu óc
vẫn hơi thất thường sau mấy năm xung đột biên giới. Lão này chắc chắn là
một thằng FF vì mọi thứ chúng tôi làm giống y chang Phòng thủ Tĩnh thời
Chiến Tranh Lạnh. Anh có biết rằng họ còn định đào hố chiến đấu cho xe
tăng không? Đám kĩ sư cho nổ mấy cái hố đấy ngay ở chỗ bãi để xe A&P.
Các anh có xe tăng à?
Này nhé, chúng tôi có tất cả: xe tăng, xe Bradley, xe Humvee được vũ
trang đủ thứ từ súng máy năm mươi cal cho tới súng cối Vasilek hạng nặng
đời mới. Ít nhất mấy thứ đó có thể còn có ích. Chúng tôi có xe Humvee
Avenger có lắp đặt tên lửa đất đối không Stinger, chúng tôi có hệ thống lắp
cầu di động AVLB, rất phù hợp với cái rãnh sâu hơn bảy phân cạnh đường
cao tốc. Chúng tôi có một đống xe XM5 dùng cho chiến tranh điện tử được
nhét đầy ra đa và thiết bị nhiễu sóng và… và… à đúng rồi, và chúng tôi
29
thậm chí còn có hàng đống FOL cứ thế mà nằm chềnh ềnh ra đó ngay
giữa trận tiền. Sao cần phải thế khi vẫn còn áp suất nước và toa lét của từng
ngôi nhà và cao ốc trong khu vực vẫn còn xả được? Có quá nhiều thứ ta
không cần! Quá nhiều thứ rác rưởi chỉ để gây tắc ngẽn giao thông và trông
đẹp mắt, và tôi nghĩ đó mới là mục đích thực của chúng, chỉ để trông cho
đẹp.
Bày biện cho giới báo chí.
Quá chuẩn, chắc cứ hai hay ba người mặc quân phục là lại có một
30
phóng viên! Đi bộ hoặc đi xe. Tôi chả biết có bao nhiêu trực thăng đưa tin
đang lượn quanh… nhiều trực thăng như vậy những tưởng họ sẽ dành ra vài
chiếc đi cứu nạn Manhattan… Vâng, tôi nghĩ tất cả là để bày biện cho giới
báo chí, cho họ thấy sức mạnh hủy diệt màu xanh lá của ta… hay màu
nâu… có vài chiếc vừa được đưa về từ sa mạc chưa được sơn lại. Trận đánh
này có quá nhiều thứ chỉ để làm hàng, không chỉ riêng gì xe cộ mà cả chính
bọn tôi nữa. Họ bắt chúng tôi mặc MOPP 4 (Mission Oriented Protective
Posture), mấy bộ đồ to lớn cồng kềnh và mặt nạ bảo vệ khi đi trong môi
trường phóng xạ hoặc có vũ khí hóa sinh.
Hay cấp trên các anh tưởng virút thây ma lây được qua không khí?
Nếu là thế thật thì tại sao họ không bảo vệ bọn phóng viên? Tại sao
“cấp trên” chúng tôi hay bất cứ ai đằng sau phòng tuyến lại không mặc? Họ
ăn vận bộ đồ BDU mát mẻ thoải mái còn bọn tôi vã hết mồ hôi dưới hàng
lớp cao su, than và áo giáp dày cộp, nặng trịch. Và ai suy nghĩ cái kiểu thiên
tài gì mà bắt chúng tôi mặc giáp hết vậy hả? Vì cánh nhà báo chửi tội không
có đủ áo giáp trong cuộc chiến trước à? Sao lại cần mũ bảo hộ khi đánh
nhau với thây ma? Bọn nó mới là lũ cần mũ bảo hộ, không phải chúng tôi!
Và rồi còn cả Net Rigs… hệ thống tích hợp chiến đấu Land Warrior. Nó là
cả một bộ trang thiết bị điện tử cho phép chúng tôi kết nối với nhau và cấp
trên kết nối với chúng tôi. Anh có thể tải bản đồ, dữ liệu GPS, dữ liệu trinh
sát từ vệ tinh ở thời gian thực, tất cả thông qua kính hiển thị. Anh có thể xác
định được vị trí chính xác của mình trên chiến trường, vị trí của đồng đội,
của địch… anh còn có thể nhìn qua máy quay trên vũ khí của mình hoặc
của bất kì ai khác để quan sát xem bên kia bờ rào hay quanh chỗ góc tường
kia có cái gì. Land Warrior cho phép mỗi người lính có được thông tin của
cả một trụ sở chỉ huy và cho phép trụ sở chỉ huy điều khiển riêng lẻ từng
người lính một. “Trọng tâm mạng,” tôi liên tục nghe thấy mấy ông sĩ quan
đứng trước máy quay nói thế. “Trọng tâm mạng” và “chiến tranh công nghệ
cao.” Thuật ngữ nghe kêu đấy, nhưng chúng chẳng có tí ý nghĩa khỉ mẹ gì
khi anh đang phải đào hố chiến đấu trong bộ MOPP, ăn vận giáp toàn thân
và Land Warrior trang thiết bị chiến đấu, và lại còn làm vào ngày nóng nhất
trong mùa hè nóng kỉ lục nữa chứ. Tôi không thể tin nổi là mình vẫn còn
đứng được ở đấy khi Zack bắt đầu xuất hiện.
Mới đầu chỉ xuất hiện lẻ tẻ, một hai con gì đó đi đứng lảo đảo giữa mấy
cái xe bỏ hoang đỗ đầy trên đại lộ trống không ấy. Ít nhất dân tị nạn đã được
sơ tán. Được, thêm một việc nữa họ hoàn thành tốt. Chọn chỗ nút cổ chai và
sơ tán dân thường, giỏi lắm. Những thứ khác thì…
Zack bắt đầu tiến vào khu vực tiêu diệt đầu tiên, khu vực chỉ định của
MLRS. Tôi không nghe thấy tiếng tên lửa được phóng đi vì mũ trùm ngăn
hết âm thanh, nhưng tôi có thấy chúng lao xuống mục tiêu. Tôi thấy đường
bay chúng cong vòng xuống, vỏ tách ra để lộ mấy quả bom bi trong ống
nhựa. Chúng to tầm một quả lựu đạn, dùng chống người và có chút ít công
31
dụng chống giáp. Chúng rải ra giữa đám G , cứ đập vào đường hay xe là
phát nổ. Thùng xăng xe nổ tung như núi lửa phun, tạo ra những cái cột lửa
và mảnh văng, tăng phần nguy hiểm cho “cơn mưa sắt.” Thực tình mà nói,
cảnh lúc đấy ảo thật, mọi người hú hét vào trong micro, cả tôi cũng thể,
ngắm nhìn lũ thây ma ngã gục. Chắc lúc ấy có tầm ba mươi, hay bốn mươi
hoặc năm mươi con zombie trên cái đường cao tốc ấy, trải dọc trong vòng
nửa dặm. Đợt đánh bom mở màn hạ gục ít nhất là ba phần tư.
Chỉ có ba phần tư.
[Todd giận dữ hít một hơi dài hết sạch điếu thuốc. Anh ngay lập tức
với tay lấy thêm điếu nữa.]
Đúng, và đáng ra nó phải khiến chúng tôi lo lắng ngay tắp lự. “Cơn mưa
sắt” đánh trúng tất cả, xé nát nội tạng của chúng; bao nhiêu thứ lục phủ ngũ
tạng và thịt da văng tung tóe khắp nơi, rơi ra từ người chúng trong khi
chúng lê chân đến chỗ bọn tôi… nhưng phát bắn vào đầu… anh đang tìm
cách tiêu hủy bộ não, không phải cơ thể, và chừng nào não chúng vẫn còn
hoạt động và khả năng di chuyển vẫn còn đôi chút thì… vài con đi bộ,
những con tã quá đứng không nổi thì bò. Vâng, đáng ra chúng tôi phải lo,
nhưng không có thời gian.
Cái đám lẻ tẻ kia giờ đã thành cả một đàn. Thêm nhiều G, giờ có đến cả
tá rồi, ken đặc giữa đống xe đang cháy dở. Bọn Zack buồn cười ở chỗ…
anh cứ tưởng chúng phải ăn diện bảnh bao lắm. Cánh truyền thông đã khắc
họa chúng như thế đúng không, nhất là vào lúc đầu… G mặc áo váy công
sở, như kiểu một phiên bản của đời sống thường nhật ở Mỹ, mỗi tội chết
sạch rồi. Trông chúng chẳng có tí nào như vậy. Hầu hết những người nhiễm
bệnh, những người nhiễm bệnh đầu tiên, những con đi đợt đầu hoặc chết
trong khi đang được điều trị hoặc chết ở nhà, ngay trên chiếc giường của
mình. Hầu hết mặc áo bệnh nhân hoặc đồ ngủ, áo ngủ. Có đứa mặc đồ ngủ
len hoặc đồ lót… hoặc chả mặc gì, rất nhiều con trần như nhộng. Anh có
thể thấy được mấy vết khoét đã khô máu trên người chúng. Ngay cả khi
đang mặc nguyên bộ đồ bảo hộ ngột ngạt, nhìn vết thương của chúng vẫn
thấy lạnh toát người.
Đợt “mưa sắt” thứ hai còn không có tác dụng bằng một nửa đợt một,
chẳng còn thùng xăng nào để bắt lửa, và giờ cái đám G đông đảo kia lại vô
tình che cho nhau khỏi bị dính phát nào vào đầu. Tôi không sợ, lúc ấy là
chưa. Tôi không còn hăng máu nữa nhưng tôi chắc khi Zack bước vào vùng
tiêu diệt của quân đội thì đầu tôi sẽ bốc trở lại.
Lần này tôi cũng lại không nghe được tiếng mấy chiếc Paladin vì chúng
ở tận trên đồi xa chỗ tôi quá, nhưng chắc chắn tôi nghe được và thấy được
đạn của chúng nã xuống. Đây là đạn HE 155s, lõi nổ mạnh với vỏ phân
mảnh. Chúng còn gây ít thiệt hại hơn đống tên lửa!
Tại sao vậy?
Thứ nhất là không có hiệu ứng bong bóng. Khi bom nổ gần chỗ anh, nó
khiến chất lỏng trong người anh vỡ tung ra như quả bóng bay. Chuyện đó
không xảy ra với lũ Zack, chắc vì cơ thể chúng có ít nước hơn chúng ta
hoặc lượng nước trong cơ thể chúng dính chắc hơn. Tôi chả biết. Nhưng
tóm lại nó chẳng có tác động khỉ mẹ gì, cả hiệu ứng SNT cũng thế.
SNT là gì?
Sudden Nerve Trauma, Chấn thương Thần kinh Đột ngột, hình như
người ta gọi nó như thế. Nó là một hiệu ứng khác khi bom nổ tầm gần. Độ
chấn thương lớn đến mức đôi khi các cơ quan nội tạng, kể cả não, tất cả mọi
thứ, ngưng hoạt động ngay lập tức như thể anh bị Chúa tắt công tắc vậy. Nó
là do xung điện hay cái gì gì đấy. Tôi chịu, tôi phải bác sĩ quái đâu.
Nhưng hiệu ứng đó không xảy ra.
Không có chút nào! Ý tôi là… đừng hiểu nhầm… bọn Zack cũng không
thể đi xuyên qua lằn đạn mà không sứt sẹo gì. Chúng tôi có thấy nhiều cái
xác bị nổ tung ra, văng thẳng lên trời, xé nát thành từng mảnh, thậm chí còn
có mấy cái đầu còn sống nguyên, mắt mồm vẫn còn cử động, bắn tung lên
trời như nút chai Cristal vậy… rõ ràng là chúng tôi có hạ được bọn chúng,
nhưng không đủ nhiều hay đủ nhanh như mức cần thiết!
Đám kia giờ đông nghẹt như lũ cuốn, cả một dòng thác đặc xác người,
lề mề, rên rỉ, giẫm đạp lên những người anh em đang bị trọng thương của
mình để dần dần tiến về phía chúng tôi như một cơn sóng chậm chạp.
Vùng tiêu diệt tiếp theo sử dụng vũ khí hạng nặng để bắn trực tiếp, đạn
120 của súng chính xe tăng và súng máy cùng tên lửa FOTT của xe
Bradleys. Mấy chiếc Humvee cũng bắt đầu khai hỏa súng cối và tên lửa và
Mark-19, một loại súng tương tự súng máy chỉ có điều bắn lựu. Trực thăng
Comanche mang súng máy và ống phóng tên lửa Hellfire và Hydra gầm rú
bay đến nghe như thể cách đầu chúng tôi có vài phân.
Thật chẳng khác nào cảnh trong cái cối xay thịt hay cái máy xẻ gỗ, trên
đầu cái đàn thây ma kia thịt xác bay mù như mùn cưa.
Không gì có thể sống sót thoát ra, tôi nghĩ thầm, và xem ra tôi cso vẻ
đúng được một lúc… cho đến khi hỏa lực bắt đầu ngớt.
Bắt đầu ngớt?
Yếu dần đi, nhỏ dần đi…
[Anh im lặng mất một giây, và rồi sau đó ánh mắt anh tập trung lại
đầy giận dữ.]
Không ai tính đến chuyện đó hết, không ai cả! Đừng có đem ba cái
chuyện cắt giảm ngân sách và thiếu hụt nguồn cung ra để bố láo với tôi!
Thứ duy nhất thiếu hụt là đầu óc tỉnh táo! Không một ai trong số mấy thằng
cha quân hàm tốt nghiệp West Point, War College, huân chương đặc mông,
quân hàm bốn sao thèm hỏi, “Này, ta có cả đống vũ khí nuột nà, liệu có đủ
đồ cho chúng nó bắn không!?!” Không ai tính xem pháo binh cần lượng đạn
dược cỡ nào cho chiến dịch kéo dài, MLRS cần bao nhiêu quả tên lửa, cần
bao nhiêu đạn pháo… xe tăng có thứ gọi là đạn pháo… về cơ bản nó như
đạn súng ngắn cỡ lớn. Nó chứa mấy viên vôn-fram nhỏ nhỏ bên trong…
cũng không hoàn hảo, phải phí mất tầm trăm viên cho mỗi con G, nhưng
mẹ kiếp, ít nhất nó vẫn còn có tí hữu hiệu! Mỗi chiếc Abrams có mỗi ba đầu
đạn, ba! Ba trong tổng số bốn mươi! Còn lại toàn là đầu đạn HEAT hoặc
SABOT! Anh có biết một viên “Đạn Bạc,” loại đạn xuyên giáp, nghèo Uran
sẽ có tác dụng gì với một đống xác chết di động không? Không gì hết! Anh
có biết tôi thấy thế nào khi nhìn cả một cái xe tăng hơn sáu chục tấn khai
hỏa vào một đám đông mà kết quả chẳng được cái mẹ gì không! Ba đầu đạn
pháo! Và còn mớ đạn pháo tổ ong thì sao? Dạo này suốt ngày nghe nhắc
đến nó, đạn tổ ong, mấy cái đinh sắt nhỏ nhỏ giúp biến bất cứ thứ vũ khí
nào thành súng ngắn. Ta cứ nói về chúng như thể đây là phát minh gì mới,
nhưng chúng có lâu rồi, từ tận hồi ở Triều Tiên. Chúng ta có loại dùng cho
tên lửa Hydra và súng Mark-19. Cứ tưởng tượng xem, chỉ cần một khẩu 19
bắn ra ba trăm năm mươi viên mỗi phút, mỗi viên có, bao nhiêu nhỉ, một
32
trăm cái phi tiêu ! Chắc thế không đủ để làm thay đổi cục diện… nhưng
mà … Mẹ kiếp!
Hỏa lực bắt đầu ngớt, Zack vẫn đang đến… và nỗi sợ hãi… ai cũng cảm
thấy được, nó lẩn trong mệnh lệnh của các chỉ huy, trong hành động của
những người xung quanh tôi… Có cái giọng gì đó trong đầu cứ kêu nhặng
xị lên “Mẹ kiếp, mẹ kiếp.”
Chúng tôi là phòng tuyến cuối cùng. Đáng ra chúng tôi chỉ phải hạ một
vài con G may mắn thoát khỏi cú đấm sắt khổng lồ của những thứ hạng
nặng. Có lẽ người ta nghĩ cứ ba người thì chỉ một người là phải nổ súng, cứ
mười người thì mới có một người giết được một con.
Hàng ngàn con kéo tới, tràn hết cả ra ngoài thanh chắn an toàn của con
đường cao tốc, tràn xuống dọc hai phố bên sườn, xung quanh các ngôi nhà,
ở cả bên trong nữa… đông kinh hoàng, tiếng rên của chúng to đến mức dội
xuyên cả mũ trùm.
Chúng tôi mở chốt an toàn, nhắm mục tiêu, lệnh khai hỏa được ban
33
phát… Tôi là lính súng SAW , một loại súng máy hạng nhẹ dùng để bắn
từng đợt ngắn, có kiểm soát trong khoảng thời gian đủ lâu để nói hết câu
“chết đi, mẹ mày, chết đi.” Lượt bắn đầu quá yếu. Tôi bắn trúng một con
ngay giữa ngực. Tôi thấy nó bổ ngửa ra sau, ngã xuống đường, rồi bật ngay
dậy như thể chưa có gì xảy ra cả. Trời đất… cái lúc mà chúng đứng dậy…
[Điếu thuốc cháy xuống chỗ ngón tay anh. Anh buông rơi và lấy
chân dẫm tắt nó mà không để ý.]
Tôi cố hết sức kiểm soát hỏa lực và cơ thắt của mình. “Nhắm vào đầu
đi,” tôi tự nhủ. “Bình tĩnh nào, nhắm vào đầu đi.” Và khẩu SAW của tôi lại
liên tục gầm lên “Chết đi, mẹ mày, chết đi.”
Đáng ra chúng ta đã có thể chặn được chúng, đáng ra chúng ta phải làm
được, một người với một khẩu súng trường, ta chỉ cần có thế thôi đúng
không? Lính chuyên nghiệp, các xạ thủ được đào tạo bài bản… sao mà
chúng vượt qua được hàng ngũ của ta? Giờ họ vẫn còn hỏi vậy, toàn mấy
nhà chỉ trích và lũ tướng tá biết tuốt không có mặt ở đó. Anh nghĩ nó đơn
giản đến thế sao? Anh nghĩ là sau khi được “dạy” là phải ngắm vào trọng
tâm cơ thể suốt quãng đời làm lính, đột nhiên anh có thể trở thành thiện xạ,
phát nào cũng bắn bay đầu được sao? Anh nghĩ rằng với cái áo bó và mũ
trùm ngột ngạt này thay đạn hay thông súng dễ lắm à? Anh nghĩ rằng sau
khi chứng kiến tất cả kì quan quân sự hiện đại thất bại thảm hại, rằng sau
khi trải qua ba tháng của Cuộc Đại Loạn và chứng kiến thế giới của anh bị
một kẻ thù đáng ra không thể tồn tại ăn tươi nuốt sống anh có thể giữ được
bình tĩnh và tay cò không run rẩy à?
[Anh chĩa thẳng ngón tay đó vào mặt tôi.]
Thế mà chúng tôi làm được! Chúng tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ của
mình và bắt lũ Zack phải trả giá cho mỗi phân chúng nhích tới! Có lẽ nếu
chúng tôi có thêm người, thêm đạn dược, có lẽ nếu người ta để chúng tôi
tập trung làm nhiệm vụ…
[Ngón tay anh co lại vào trong nắm tay.]
Land Warrior, thứ hàng công nghệ cao, giá đắt đỏ, thiết kế cao cấp và
trọng tâm mạng Land Warrior khốn nạn ấy. Thấy cái thứ ngay trước mặt đã
đủ tệ lắm rồi, ấy nhưng mà kết nối với vệ tinh trinh sát lại còn cho thấy thực
sự cái bầy thây ma này lớn đến nhường nào. Chúng tôi đang phải đối mặt
với hàng nghìn con, nhưng ngay phía sau chúng là hàng triệu con! Hãy nhớ
rằng chúng tôi đang đương đầu với phần lớn số người bị nhiễm bệnh ở New
York! Đây chỉ là cái đầu của một con rắn thây ma dài dằng dặc kéo dãn từ
tận Quảng trường Thời đại! Chúng tôi không cần phải chứng kiến cảnh đó.
Tôi không cần biết điều đó! Cái giọng nói sợ sệt kia giờ nghe không còn
nhỏ bé nữa. “Mẹ kiếp, MẸ KIẾP!” Và đột nhiên nó không còn ở trong đầu
tôi nữa. Nó ở trong tai tôi. Mỗi khi có thằng đần nào không nhịn được
mồm, Land Warrior đảm bảo tất cả chúng tôi đều nghe được hết. “Đông
quá!” “Rút con mẹ nó đi thôi!” Có ai đó tôi không biết tên ở tiểu đội khác
bắt đầu rú lên “Tôi bắn trúng đầu nó mà nó không chết! Chúng không chết
kể cả khi bị bắn vào đầu!” Chắc hắn bắn trượt bộ não, chuyện đó có thể xảy
ra, viên đạn chỉ bắn sượt sọ… nếu hắn bình tĩnh động não một chút thì đã
có thể nhận ra điều đó. Cơn hoảng loạn lây lan còn kinh hơn Khuẩn Z và hệ
thống Land Warrior kì diệu giúp phát tán cái loại vi khuẩn ấy qua không
khí. “Gì cơ?” “Không chết à?” “Ai nói đấy?” “Mày bắn trúng đầu à?” “Ôi
mẹ kiếp! Chúng bất tử!” Anh nghe thấy những thứ tương tự thế khắp dọc
mạng lưới, các mẩu truyện được phát tán trên xa lộ thông tin.
“Tất cả bình tĩnh lại!” ai đó quát tháo. “Giữ vững hàng ngũ! Ngắt kết
nối mạng!” Giọng này nghe có vẻ già, nhưng bất chợt nó bị một tiếng la
thất thanh át đi và đột nhiên kính hiển thị của tôi và chắc là của tất cả những
người khác choán đầy hình ảnh máu phọt tung tóe vào một cái mồm đầy
răng gãy lởm chởm. Cảnh tượng ấy xuất phát từ một tay ở trong sân một
ngôi nhà phía sau phòng tuyến. Chắc khi bỏ đi chủ nhà có nhốt vài thành
viên đã hóa thây ma của gia đình trong đó. Chắc xung chấn của vụ nổ làm
yếu cửa hay sao đó. Chúng xông hết ra ngoài, đụng đầu đúng cái tay số đen
ấy. Máy quay trên súng hắn rơi đúng góc rất chuẩn, ghi hết lại mọi sự. Có
tất cả năm con, một nam, một nữ, ba đứa trẻ, chúng ghìm ngửa hắn ra, gã
đàn ông đè trên ngực hắn, lũ trẻ tóm tay, tìm cách cắn xuyên bộ đồ. Mụ đàn
bà giật mặt nạ bảo hộ của hắn ra, anh có thể thấy nỗi kinh hoàng trên nét
mặt hắn. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên nổi tiếng la của hắn khi bị con mụ kia
cắn đứt cằm và môi dưới. “Chúng ở sau lưng!” có ai la lên. “Chúng xông ra
từ mấy ngôi nhà! Phòng tuyến bị chọc thủng rồi! Chúng ở khắp nơi!” Đột
nhiên màn hình tối om, có ai bên ngoài đã ngắt kết nối, và cái giọng kia, cái
giọng già già lại quay trở lại… “Ngắt kết nối mạng!” ông ta ra lệnh, cố hết
sức kiểm soát giọng nói của mình và rồi kết nối ngắt luôn.
Tôi chắc phải mất hơn vài giây, dứt khoát phải thế, kể cả nếu chúng
lượn lờ trên đầu bọn tôi từ nãy giờ, nhưng mà có vẻ như ngay sau khi
34
đường dây liên lạc bị ngắt, không trung đặc tiếng JSF. Tôi không thấy
chúng thả bom. Tôi đang ở dưới hố, nguyền rủa quân đội, nguyền rủa Chúa
và nguyền rủa đôi tay mình vì tội không chịu đào sâu hơn. Mặt đất rung
chuyển, trời tối sầm lại. Gạch vữa mảnh vụn rơi tứ tung, đất cát, tro tàn của
cái gì đó đang cháy bay qua trước mặt tôi. Tôi cảm thấy có một khối gì đó
đâm sầm vào giữa bả vai tôi, mềm mềm và nằng nặng. Tôi lật người lại, đó
là cái đầu và một phần thân cháy đen thui nhưng vẫn tìm cách cắn đớp! Tôi
35
sút văng nó ra và loạng choạng bò ra khỏi hố, chỉ sau khi quả JSOW cuối
cùng được thả xuống.
Tôi nhìn vào đám khói đen mà lúc trước là bầy zombie. Con đường cao
tốc, những ngôi nhà, tất cả đều bị đám mây đen kịt này che phủ. Tôi nhớ
mang máng có thấy những người khác chui ra khỏi hố, cửa sập trên xe tăng
và xe Bradleys mở tung hết ra, ai nấy đều nhìn đăm đăm về phía bóng tối.
Có một cái sự yên lặng, tĩnh mịch mà tôi thấy như kéo dài cả giờ.
Và rồi chúng xuất hiện, xông thẳng ra từ đám khói như thể trong ác
mộng của bọn trẻ con! Có vài đứa bốc khói, có đứa thậm chí còn đang cháy
dở… vài đứa đi, vài đứa thì bò, có đứa lại tự lết cái xác rách nát của mình
đi… chắc tầm một phần hai chục đứa vẫn còn di chuyển được, nghĩa là
còn… mẹ kiếp… vài chục à? Và đằng sau đó, trộn lẫn vào trong hàng ngũ
chúng và đang đều đều tiến bước về phía chúng tôi là hàng triệu con mà đợt
không kích còn chưa đụng tới!
Và đó là lúc phòng tuyến sụp đổ hoàn toàn. Tôi không nhớ hết được
cùng lúc. Tôi có nhớ mấy cảnh: cảnh người chạy, cảnh kêu gào, cảnh bọn
phóng viên. Tôi vẫn nhớ một tay nhà báo có bộ ria to đùng giống của
Yosemite Sam cố rút khẩu Beretta ra khỏi cái áo gi lê trước khi bị ba con G
đang cháy phừng phừng kéo ngã xuống… Tôi nhớ có thằng phá tung cửa
một cái xe báo chí, nhảy vào, đẩy một ả phóng viên tóc vàng xinh đẹp ra
ngoài và định lái đi trước khi một cái xe tăng đè nát cả hai. Hai trực thăng
đưa tin đâm vào nhau, đổ lên đầu chúng tôi một trận mưa sắt. Một phi công
Comanche… thằng này can đảm phết… cố khởi động cánh quạt nhắm vào
phía lũ G đang đi đến. Lưỡi quạt chém một đường xuyên qua cả đám trước
khi vướng vào một cái xe và quăng hắn thẳng vào chỗ khu A&P. Bắn
nhau…bắn nhau loạn xạ… Tôi ăn một viên ngay xương ức, chính ngay
mảnh giáp ngực. Cảm giác như thể vừa chạy tông vào tường vậy mặc dù tôi
đang đứng yên. Nó đẩy tôi ngã dập mông, tôi không thở nổi, và đúng lúc đó
có thằng đần nào đó quăng nguyên quả lựu đạn mù ra trước mặt tôi.
Cả thế giới trắng xóa, tai tôi rung lên. Tôi đông cứng người… có tay ai
dó cào cào người tôi, tóm lấy tay tôi. Tôi đấm đá lia lịa, tôi thấy chỗ đũng
bắt đầu âm ấm và ẩm ướt. Tôi gào lên nhưng chẳng còn nghe được giọng
mình nữa. Thêm mấy cánh tay nữa xuất hiện, khỏe hơn, tìm cách lôi tôi đi
đâu đó. Tôi đá đạp, giãy giụa, chửi thề, khóc lóc… đột nhiên một nắm tay
thụi tôi một quả ngay hàm. Nó không làm tôi ngất đi, nhưng tôi thả lỏng
người ra ngay. Đây là đồng minh của tôi. Zack không đấm. Họ kéo tôi vào
chiếc Bradley gần nhất. Tầm nhìn của tôi bình phục lại vừa đủ lâu để thấy
vệt sáng biến mất khi nắp xe đóng lại.
[Anh với tay lấy thêm điếu Q nữa, nhưng rồi đột nhiên lại thôi.]
Tôi biết mấy ông sử gia “chuyên nghiệp” rất thích nói rằng Yonkers là
“thất bại thảm họa của bộ máy quân sự hiện đại,” rằng nó là minh chứng
cho câu ngạn ngữ quân đội vừa hoàn thiện được nghệ thuật chiến đấu cho
cuộc chiến trước thì cuộc chiến sau đã đến. Cá nhân tôi thì thấy mấy lão đấy
toàn sủa bậy. Vâng, chúng tôi không được chuẩn bị. Đồ nghề, các bài huấn
luyện của chúng tôi, mọi thứ tôi vừa mới nói, toàn đồ hạng nhất, tiêu chuẩn
vàng. Nhưng thứ vũ khí thất bại thực sự không phải là thứ anh lôi ra từ dây
chuyền lắp ráp. Nó lâu đời như… tôi cũng chả biết, chắc nó lâu đời như
chiến tranh vậy. Đó là nỗi sợ, chỉ có nỗi sợ thôi và anh không cần phải là
Tôn Tử mới nhận ra rằng chiến đấu không phải là để giết chóc hay làm tổn
thương đối phương, nó là để dọa cho hắn đủ sợ, phải lui quân. Bẻ gãy tinh
thần chúng, đó là thứ mà mọi quân đội thành công đều phải hướng tới, từ
kiểu tô vẽ mặt của các bộ tộc cho đến “chiến tranh chớp nhoáng” cho đến…
ta gọi đợt đầu của Chiến tranh Vùng vịnh lần Hai là gì nhỉ, “Gây sốc và Đe
dọa”? Một cái tên thật là hoàn hảo, “Gây sốc và Đe dọa”! nhưng nếu kẻ
địch không thể bị gây sốc và đe dọa thì sao? Không chỉ là không chịu để bị
như vậy mà là không thể về mặt sinh học! Đó là điều đã xảy ra ở ngoại ô
New York ngày hôm ấy, đó là thất bại tí nữa khiến chúng ta thua cả cuộc
chiến. Việc ta không thể gây sốc và đe dọa Zack quay vòng lại đập thẳng
vào mặt ta và cho phép Zack gây sốc và đe dọa ta! Chúng không biết sợ!
Dù ta có làm gì, có giết bao nhiêu người đi nữa, chúng sẽ không bao giờ
khiếp sợ!
Đáng ra trận Yonkers là ngày ta khôi phục lại lòng tự tin của người dân
Mỹ, thay vào đó gần như ta bảo họ đào sẵn hố mà chờ chết đi. Nếu không
có Kế hoạch Nam Phi, tôi dám cá bây giờ chúng ta đang đi lặc lè với rên rỉ
cả nút rồi.
Điều cuối cùng tôi còn nhớ là chiếc Bradley bị tống cho lăn tùng phèo
như xe đồ chơi Hot Wheels. Tôi chẳng biết bị bắn trúng chỗ nào, nhưng
chắc là cũng ở gần. Nếu lúc đấy tôi còn đứng tơ hơ ở bên ngoài thì chắc
chắn giờ này tôi đã không còn đứng ở đây.
Anh đã bao giờ chứng kiến tác động của vũ khí nhiệt áp chưa? Đã bao
giờ anh hỏi những người vai đính sao về chuyện đó chưa? Tôi sẵn sàng
đánh cược “hai hòn” của mình là anh sẽ không bao giờ được nghe đầy đủ.
Người ta sẽ nói cho anh về nhiệt độ và áp suất, về khối cầu lửa liên tục lan
rộng, liên tục phát nổ, và gần như là đè nát và đốt cháy bất cứ thứ gì cản
đường. Nhiệt độ và áp suất, nhiệt áp nghĩa là như thế đấy. Nghe đủ tởm rồi
đúng không? Thứ mà họ sẽ không kể cho anh là cái hậu quả ngay sau đó, về
cái vùng chân không được tạo ra sau khi quả cầu lửa kia đột ngột co lại. Bất
cứ ai còn sống cũng sẽ bị tống hết khí ra khỏi phổi, hoặc — và họ sẽ không
bao giờ thú nhận chuyện này với bất cứ ai — phèo phổi sẽ bị kéo tuột ra
ngoài mồm. Rõ ràng là không ai sống đủ lâu để kể lại cái câu chuyện kinh
dị đó, và có lẽ đó là lí do vì sao Lầu Năm Góc ém nhẹm sự thật giỏi đến
vậy, nhưng nếu anh có nhìn thấy bức hình của một con G hay được chứng
kiến một nguyên mẫu còn sống thật và cả hai túi thở lẫn ống khí của hắn
treo lủng lẳng trên môi, nhớ cho hắn số tôi. Tôi lúc nào cũng sẵn sàng gặp
mặt một cựu binh Yonkers.
ĐẢO NGƯỢC TÌNH THẾ
ĐẢO ROBBEN, TỈNH CAPE TOWN, LIÊN HIỆP CÁC NƯỚC
NAM PHI
[Xolelwa Azania đón tiếp tôi ở chỗ bàn làm việc, mời tôi đổi chỗ với
ông để tôi được đón làn gió biển mát rượi tràn qua cửa sổ. Ông xin lỗi
vì “đống bừa bộn” và nhất định dọn hết chỗ giấy tờ khỏi mặt bàn trước
khi chúng tôi tiếp tục. Ông Azania đang đọc nửa chừng tập ba của bộ
Nắm đấm Cầu vồng: Nam Phi Thời Chiến. Thật là tình cờ, tập này lại
nói về chủ đề chúng tôi đang bàn thảo, bước ngoặt trong cuộc chiến
chống thây ma, thời khắc đất nước này tự kéo mình dậy từ bên bờ
vực.]
Vô cảm, một từ khá tầm thường để miêu tả một trong những nhân vật
gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử. Một số người xem ông ta như vị cứu
tinh, số khác lại chửi ông là quỉ dữ, nhưng nếu anh từng gặp Paul Redeker,
từng bàn luận về thế giới quan với ông ta và các vấn đề đang tồn tại trên thế
giới, hay quan trọng hơn là giải pháp cho các vấn đề đó, có lẽ trong số các
ấn tượng của anh về ông ta, sẽ luôn xuất hiện một từ đó là vô cảm.
Paul luôn tin rằng, à, có lẽ không phải lúc nào cũng vậy, nhưng ít nhất là
trong suốt quãng đời trưởng thành của mình, ông luôn tin rằng khuyết điểm
cơ bản nhất của con người là cảm xúc. Ông ta thường nói rằng trái tim chỉ
nên tồn tại để bơm máu lên não, rằng bất cứ thứ gì khác cũng đều gây tốn
thời gian và năng lượng. Các nghiên cứu của ông ta thời còn học đại học,
tất cả đều viết về những “giải pháp” thay thế cho những khúc mắc về lịch
sử, xã hội, chính là thứ đã khiến chính quyền A-pác-thai chú ý đến ông ta.
Nhiều sử gia tâm lí học đã cố liệt ông ta vào hạng phân biệt chủng tộc,
nhưng theo đúng như ông ta đã từng nói, “tệ phân biệt chủng tộc là một sản
phẩm phụ đáng tiếc của cảm xúc vô lí.” Có người đã phản biện rằng, một
tên phân biệt chủng tộc muốn ghét một tộc người nào đó, hắn ít nhất phải
yêu tộc người còn lại. Redeker tin rằng cả yêu lẫn ghét đều không liên quan.
Đối với ông, chúng là “những rào cản đối với con người,” và, lại theo như
lời ông ta, “hãy tưởng tượng xem chúng ta sẽ đạt được những gì nếu loài
người loại bỏ nhân tính.” Ác độc à? Phần lớn sẽ coi đó là vậy, còn những
người khác, nhất là một cái đại thể nhỏ nắm trung tâm quyền lực ở Pretoria,
tin rằng đây là “một nguồn trí tuệ đã được giải phóng vô giá.”
Lúc bấy giờ là đầu những năm 1980, một thời điểm quan trọng cho
chính quyền A-pác-thai. Đất nước này đang nằm trên một cái giường đầy
chông gai. Anh có phe ANC, anh có Đảng tự do Inkatha, anh còn có cả các
thành phần cực đoan cánh phải trong tầng lớp nhân dân Châu Phi đang chỉ
muốn công khai nổi loạn để thực hiện cả một cuộc đấu tranh chủng tộc. Ở
biên giới, Nam Phi phải đối mặt với toàn các quốc gia thù địch và, trong
trường hợp của Angola, là một cuộc nội chiến do Xô-viết hỗ trợ và Cuba
khởi xướng. Thêm vào đó, họ đang bị các nước dân chủ phương Tây ngày
càng cô lập (bao gồm cả một lệnh cấm vận vũ khí quan trọng) vậy nên
chuyện cánh Pretoria lúc nào cũng phải lo về trận chiến sinh tồn cuối cùng
không có gì là lạ cả.
Đây là lí do họ chiêu mộ Redeker để chỉnh sửa lại “Kế hoạch Da cam”
tuyệt mật của chính phủ. Bản “Kế hoạch Da cam” đã có từ thời chính quyền
A-pác-thai lần đầu lên nắm quyền lực năm 1948. Nó là kịch bản ngày tận
thế dành cho cộng đồng da trắng thiểu số của đất nước này, dùng để đối phó
với một cuộc nổi dậy tổng lực của dân Châu Phi bản xứ. Trong suốt mấy
năm trời nó liên tục được cập nhật dựa trên tình hình chiến lược thay đổi
không ngừng của khu vực. Cứ mỗi thập kỉ trôi qua tình hình lại càng xấu
hơn. Với tình hình các bang láng giềng giành độc lập tự chủ ngày càng
nhiều và lượng người đòi quyền tự do trong số đông quần chúng đang liên
tục nhân lên, Pretoria nhận ra rằng một cuộc đối đầu toàn diện sẽ không chỉ
đặt dấu chấm hết cho chính phủ Nam Phi gốc Âu mà còn cho cả chính
những người Nam Phi gốc Âu nữa. Đây là lúc cần đến Redeker. Kế hoạch
Da cam được hoàn thiện rất đúng lúc vào năm 1984 của ông ta là chiến lược
sinh tồn tối thượng cho người dân Châu Phi. Không biến số nào bị bỏ qua
cả. Số liệu dân số, địa hình, tài nguyên, hậu cần… Redeker không chỉ cập
nhật bản kế hoạch để tính đến cả số vũ khí hóa học của Cuba và khả năng
hạt nhân của nước chúng tôi mà còn cả, và đây mới là thứ khiến “Da cam
Tám-Tư” có tính lịch sử đến vậy, quyết định xem những ai sẽ được cứu và
những ai phải đem thí mạng.
Thí mạng?
Redeker tin rằng cố bảo vệ tất cả mọi người sẽ khiến nguồn lực của
chính phủ bị đẩy dồn đến mức quá tải, và kết quả là kí án tử cho toàn dân.
Ông so sánh nó với việc những người sống sót trên một con tàu đắm làm lật
chiếc thuyền cứu hộ đơn giản bởi vì nó không có đủ chỗ cho tất cả. Redeker
thậm chí còn tính cả xem nên cho ai “lên thuyền.” Ông tính đến mức thu
nhập, chỉ số IQ, khả năng sinh sản, cả một danh sách “những phẩm chất cần
thiết,” bao gồm cả vị trí tương đối của đối tượng so với vùng có tiềm năng
biến động. “Thương vong đầu tiên của cuộc xung đột phải là tình cảm của
chính chúng ta,” đó là câu kết trong bản đề xuất của ông, “vì nếu nó sống
sót, chúng ta sẽ bị diệt vong.”
Da cam Tám-Tư là một kế hoạch kiệt xuất. Nó rất rõ ràng, lô-gíc, hiệu
quả, và nó đã biến Paul Redeker thành một trong những kẻ bị căm ghét nhất
Nam Phi. Mới đầu kẻ thù của ông là một số nhân vật Nam Phi gốc Âu cấp
tiến theo trào lưu chính thống, các nhà tư tưởng phân biệt chủng tộc và phe
cuồng giáo. Sau này, sau khi chế độ A-pác-thai sụp đổ, tên tuổi ông bắt đầu
được truyền bá trong cộng đồng. Tất nhiên ông ta được mời đến một buổi
điều trần “Sự thật và Hòa giải”, và dĩ nhiên, ông ta bỏ ngoài tai. “Tôi sẽ
không giả vờ có một trái tim để tự cứu mình,” ông công khai tuyên bố và
còn nói thêm rằng, “Dù tôi có làm gì thì chắc họ vẫn sẽ đến lùng tôi ấy mà.”
Và tất nhiên họ đã làm như vậy, mặc dù không phải theo cách Redeker
có thể đoán được. Nó xảy ra trong giai đoạn Đại Loạn ở nước chúng tôi. Nó
bắt đầu vài tuần trước Cuộc Đại Loạn ở đất nước các anh. Redeker lúc đó
đang sống trong một cái cabin ở Drakensberg, được mua với số tiền ông
tích lũy hồi còn làm tư vấn kinh doanh. Ông ta thích kinh doanh, anh biết
đấy. “Một mục tiêu, không cảm xúc,” ông từng nói thế. Ông không ngạc
nhiên chút nào khi cửa bay văng khỏi bản lề và đặc vụ Tình báo Quốc gia
xông vào. Họ xác nhận lại tên tuổi, danh tính, và các hoạt động trong quá
khứ của ông. Họ hỏi thẳng rằng có phải ông ta là tác giả kế hoạch Da cam
Tám-Tư không. Tất nhiên ông gật đầu, mặt không biến sắc. Ông đã nghi
ngờ và chấp nhận rằng chuyến “viếng thăm” này là đòn trả thù cuối cùng;
thế giới đằng nào cũng sắp diệt vong rồi, vậy sao không trừ khử vài con
“quỉ dữ A-pác-thai” trước. Ông ta không thể ngờ nổi các đặc vụ NIA ấy lại
hạ mũi súng và bỏ mặt nạ phòng độc. Họ mang đủ màu da: đen, Châu Á, da
màu, và thậm chí cả một người da trắng, một người Nam Phi gốc Âu cao
lớn tiến lên phía trước và hỏi thẳng thừng, không thèm xưng tên tuổi, chức
hiệu… “Ông đã lên kế hoạch cho chuyện này đúng không?”
Vâng, đúng là Redeker đang tự nghiên cứu một giải pháp cho căn đại
dịch thây ma này. Ông ta còn biết làm gì hơn ở cái chỗ trốn hẻo lánh ấy? Nó
chỉ là một bài tập trí não; ông tin rằng sẽ chẳng còn ai sống sót để đọc kế
hoạch ấy. Nó không có tên, như sau này ông ta giải thích là “bởi vì tên chỉ
tồn tại để phân biệt giữa cái này với cái kia,” và cho đến thời điểm đó,
không hề tồn tại một kế hoạch nào như vậy cả. Một lần nữa, Redeker đã
tính đến tất cả mọi thứ, không chỉ tình hình chiến lược của cả quốc gia mà
còn cả sinh lí, hành vi và “phương châm chiến đấu” của thây ma. Anh có
thể tìm hiểu chi tiết về “Kế hoạch Redeker” ở bất cứ thư viện công cộng
nào trên thế giới, còn đây là những điểm chính cơ bản:
Đầu tiên, không thể nào cứu được tất cả. Dịch bệnh đã lây lan quá rộng
rồi. Lực lượng vũ trang đã bị suy yếu đến mức không thể cô lập mối họa
này một cách hiệu quả được nữa. Thêm nữa là khi họ dàn quân quá mỏng
dọc đất nước như vậy thì sẽ chỉ có thể yếu thêm đi thôi. Lực lượng của
chúng ta phải được củng cố lại, rút về những “vùng an toàn” đặc biệt như
núi, sông hay một hòn đảo xa bờ nào đó mà hi vọng là có thể tận dụng được
những chướng ngại tự nhiên. Một khi được tập trung lại ở trong khu vực
này, lực lượng vũ trang có thể tiêu diệt hết thây ma trong phạm vi biên giới
khu vực ấy, rồi sau đó sử dụng những nguồn tài nguyên có sẵn để chống lại
những đợt tấn công tiếp theo của thây ma. Đây là phần đầu của kế hoạch và
nó nghe cũng có lí như bất cứ cuộc rút lui quân sự thông thường nào.
Phần hai của bản kế hoạch là về vấn đề sơ tán dân thường, và ngoài
Redeker thì đúng là không ai có thể nghĩ ra được. Theo ông ta, chỉ một
phần nhỏ dân số có thể được đem di tản đến khu vực an toàn. Cứu họ không
chỉ để lấy nguồn lao động phục vụ công cuộc khôi phục kinh tế thời chiến
mà còn để duy trì tính hợp pháp và sự ổn định của chính phủ, để cho những
người đang ở trong khu vực thấy rằng các nhà lãnh đạo đang “che chở cho
họ.”
Cuộc di tản nửa mùa này còn có một lí do nữa, một lí do vô cùng hợp lí
và rất đáng kinh tởm. Nhiều người tin rằng lí do ấy sẽ giúp Redeker mãi
mãi có được cái bệ cao nhất trong điện thờ dưới địa ngục. Những người bị
bỏ lại phía sau sẽ được dồn vào những vùng cách li đặc biệt. Họ sẽ phải làm
“mồi sống,” đánh lạc hướng lũ thây ma, không cho chúng bám đuôi quân
đội đến vùng an toàn của họ. Redeker lập luận rằng những người tị nạn
khỏe mạnh và đang bị cô lập ấy phải được giữ sống, được bảo vệ tốt và
thậm chí nếu được tiếp tế nhu yếu phẩm nếu có thể để giữ chân bọn thây
ma. Anh đã nhìn ra cái sự thiên tài, cái sự bệnh hoạn chưa? Bắt giam người
ta bởi vì “cứ mỗi một con zombie vây hãm những người sống sót kia sẽ
tương ứng với một con zombie không thể lao vào phòng tuyến của ta
được.” Đó là lúc đặc vụ Nam Phi gốc Âu kia nhìn Redeker, làm dấu thánh
và nói, “Chúa cứu rỗi ông.” Một người khác nói, “Chúa cứu rỗi tất cả chúng
ta.” Đặc vụ da đen ra dáng người chỉ huy nhiệm vụ nói. “Giờ đưa hắn ra
khỏi đây đi.”
Mấy phút sau họ đã lên trực thăng bay về Kimberley, chính cái căn cứ
ngầm nơi Redeker lần đầu viết kế hoạch Da cam Tám-Tư. Ông được đưa
vào trong một cuộc họp những thành phần còn sống sót của nội các chính
phủ. Ở đó bản báo cáo của ông được đọc to trước cả phòng. Đáng ra anh
phải chứng kiến cái cảnh náo động khi ấy, trong đó giọng lão bộ trưởng
quốc phòng là to nhất. Lão là người Zulu, một tay rất hung hãn, thà lao
xuống đường chiến đấu còn hơn chui rúc trong hầm trú ẩn.
Ngài phó tổng thống lo phần quan hệ công chúng nhiều hơn. Ông không
dám tưởng tượng cái đầu mình sẽ bị treo giá bao nhiêu nếu kế hoạch này bị
lọt ra ngoài.
Ngài tổng thống trông như thể vừa bị Redeker sỉ nhục. Ông tóm ve áo
bộ trưởng bộ an toàn và bảo mật, yêu cầu trả lời xem thế quái nào mà ông ta
lại đi lôi cổ cái tên tôi phạm chiến tranh A-pác-thai mất trí này đến trình
diện mình.
Ngài bộ trưởng lắp bắp rằng ông không hiểu tại sao tổng thống lại giận
dữ đến vậy, nhất là khi chính ông ta mới là người ra lệnh truy tìm Redeker.
Ngài tổng thống vung tay lên trời quát lớn rằng mình không hề ra cái
mệnh lệnh nào như thế cả, và rồi, từ đâu đó trong phòng bật lên một giọng
nói nhỏ, “Chính tôi.”
Nãy giờ ông ấy ngồi dựa lưng vào tường; giờ ông đã đứng lên, lưng
còng đi vì tuổi tác, phải chống gậy, ấy nhưng nhuệ khí của ông vẫn mạnh
mẽ như ngày nào. Vị chính khách cao tuổi ấy là cha đẻ của nền dân chủ mới
thiết lập của chúng tôi. Ông sinh ra đã mang cái tên Rolihlahla, dịch nôm là
“Kẻ gây rối.” Khi ông đứng lên, tất cả đều ngồi xuống, tất cả ngoài Paul
Redeker. Ông nhìn Redeker không rời mắt, cười với ánh mắt ấm áp trứ
danh của mình và nói, “Molo, mhlobo wam.” “Xin chào, người đồng
hương.” Ông chậm rãi bước đến chỗ Paul, quay về phía bộ máy điều hành
của Nam Phi, cầm lấy mớ giấy tờ trên tay người đàn ông gốc Âu kia và đột
ngột sang sảng nói bằng một giọng rất trẻ trung, “Kế hoạch này sẽ cứu nhân
dân chúng ta.” Và rồi, tay chỉ về phía Paul, ông nói tiếp, “Người đàn ông
này sẽ cứu nhân dân chúng ta.” Và rồi khoảng khắc ấy xảy ra, cái khoảnh
khắc có lẽ sẽ mãi còn gây tranh cãi trong giới sử gia cho đến khi nó rơi vào
dĩ vãng. Ông ôm lấy người đàn ông da trắng gốc Âu kia. Đối với người
bình thường thì đó chỉ là cái ôm thân thiện đặc trưng của ông ta, nhưng đối
với Paul Redeker… Tôi biết phần lớn các nhà sử gia tâm lí vẫn tiếp tục xây
dựng ông thành một kẻ vô lương tâm. Hầu hết mọi người đều coi đó là điều
hiển nhiên. Paul Redeker: không cảm xúc, không biết thương cảm, không
có trái tim. Tuy nhiên, một trong số những tác giả được trọng vọng nhất của
chúng tôi, bạn cũ kiêm người viết tiểu sử của Biko, lại giả định rằng
Redeker thực chất là một con người rất nhạy cảm, thậm chí quá nhạy cảm
để sống được trong cái chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Ông khẳng
định rằng mối thâm thù với cảm xúc của Redeker là cách duy nhất để ông
không hóa dại trước những cảnh tàn khốc và sự thù địch mà ông phải chứng
kiến hàng ngày. Không ai biết gì nhiều về thời thơ ấu của Redeker, không
biết liệu rằng ông ta có bố mẹ không hay được nhà nước nuôi, liệu rằng ông
có bạn bè hay đã từng được cảm nhận tình yêu thương từ bấy kì ai không.
Những người làm việc cùng ông ta sẽ khó mà nhớ được đã từng thấy ông có
giao thiệp xã hội hay thể hiện một hành động nồng ấm nào dù chỉ là nhỏ
nhất. Cái ôm đến từ vị cha già của đất nước, cái cảm xúc chân thật ấy đã
xuyên thấu lớp vỏ bọc bất khả xâm phạm của Redeker…
[Azania cười ngượng.]
Có lẽ tôi đa cảm quá. Ai mà biết được, có khi hắn đúng là con quỉ dữ vô
nhân tính và cái ôm của ông già kia không có chút tác động nào. Nhưng có
thể nói rằng đó là ngày cuối cùng người ta nhìn thấy Paul Redeker. Đến tận
bây giờ, vẫn không ai biết chuyện gì đã xảy đến với ông ta. Chính vào trong
những tuần hỗn loạn khi Kế hoạch Redeker Plan được thực thi trên khắp
dọc đất nước là lúc tôi vào cuộc. Cũng phải tốn công thuyết phục ít nhiều,
nhưng một khi thuyết phục được họ rằng tôi đã làm việc cùng Paul Redeker
rất nhiều năm và quan trọng nhất là tôi nắm rõ hơn bất cứ ai còn sống ở cái
nước Nam Phi này lối suy nghĩ của ông ta thì họ lắc đầu sao được nữa? Tôi
hoạt động trong đợt lui quân, và rồi sau đó là trong những tháng ngày củng
cố lại lực lượng, và mãi đến khi chiến tranh kết thúc. Ít nhất họ cũng coi
trọng công việc của tôi, nếu không thì sao họ lại cho tôi cái chỗ ở xa hoa thế
này? [Cười.] Paul Redeker, thiên thần kiêm quỉ dữ. Có người thù ghét ông
ta, có người tôn thờ ông ta. Riêng tôi thì chỉ thương hại ông ta. Nếu ông ta
vẫn còn sống ở đâu đó, tôi thực sự hi vọng ông ta đã tìm được sự thanh
thản.
[Sau khi nhận cái ôm chào tạm biệt từ chủ nhà của mình, tôi được
đưa ra chỗ phà về đất liền. An ninh được kiểm soát rất nghiêm ngặt
trong lúc tôi kí thẻ ra vào. Anh lính gác gốc Âu lại chụp ảnh tôi thêm
một lần nữa. “Cẩn thận không bao giờ thừa cả,” anh ta nói, đưa tôi
một cây bút. “Còn rất nhiều tay muốn tống gã này xuống địa ngục.”
Tôi đặt bút kí bên cạnh tên mình, ngay dưới cái tiêu đề Viện Tâm Thần
Đảo Robben. TÊN BỆNH NHÂN ĐANG ĐƯỢC THĂM VIẾNG:
PAUL REDEKER.]
ARMAGH, AILEN
[Mặc dù không theo đạo công giáo, Philip Adler vẫn gia nhập đám
đông du khách đến thăm nơi trú ẩn thời chiến của Giáo Hoàng. “Vợ tôi
là người Bayern,” ông giải thích trong quầy rượu chỗ khách sạn chúng
tôi. “Bà ấy phải hành hương về Nhà thờ Thánh Patrick.” Đây là lần
đầu tiên ông rời Đức kể từ khi chiến tranh kết thúc. Chúng tôi chỉ tình
cờ gặp nhau. Ông không phản đối việc tôi ghi lại câu chuyện của mình.]
Hamburg bị lây nhiễm rất nặng. Chúng nhan nhản trên đường, trong các
tòa nhà, tràn ra từ phía cầu Neuer Elbtunnel. Chúng tôi đã tìm cách lấy xe
thường dân chặn nó lại nhưng chúng vẫn lách được qua bất kì chỗ hổng nào
như mấy con sâu to xác, khát máu. Người tị nạn cũng tứ tung hết lên. Có
người đến từ tận Saxony, cho rằng mình có thể trốn ra biển. Tàu thuyền đã
ra khơi từ lâu rồi, cả cái cảng là một mớ hỗn độn. Có hơn ngàn người mắc
kẹt ở Reynolds Aluminiumwerk và ít nhất còn gấp ba chỗ đó ở ga Eurokai.
Không thức ăn, không nước sạch, chỉ biết ngồi đó đợi được cứu trong khi
thây ma cứ lúc nhúc ở bên ngoài, còn bên trong thì chẳng biết bao nhiêu
đang mang bệnh.
Cả cái cảng đặc nghẹt xác, mà lại toàn là xác đang động đậy. Chúng tôi
lấy vòi phun nước chống bạo động ra để đẩy chúng vào trong phía cảng; nó
giúp tiết kiệm đạn và dọn sạch đường phố luôn. Ý tưởng rất hay, cho đến
khi vòi không còn áp suất nữa. Hai ngày trước đó chúng tôi vừa mất đi sĩ
quan chỉ huy của mình… một tai nạn dớ dẩn. Có người bắn con zombie
đang sắp vồ lấy ông. Viên đạn bắn xuyên qua đầu nó, mang theo một số mô
não nhiễm bệnh bay thẳng vào vai ngài đại tá. Thật điên rồ, đúng không?
Trước khi chết ông trao lại quyền chỉ huy khu vực cho tôi. Nhiệm vụ chính
thức đầu tiên của tôi là phải giải quyết ông ta.
Tôi đặt bộ chỉ huy ở khách sạn Phục Hưng. Đây là một địa điểm khá tốt,
có tầm bắn ngon lành và đủ chỗ chứa đơn vị của chúng tôi cũng như vài
trăm người dân tị nạn khác. Lính của tôi, những người không phải gác chốt
chặn, đang tìm cách biến các tòa nhà tương tự thành nơi giống như vậy. Do
đường xá đã được chặn và tàu không hoạt động nữa, tôi thấy tốt nhất nên
cách li càng nhiều dân thường càng tốt. Cứu viện sắp đên rồi, chỉ còn là vấn
đề thời gian nữa thôi.
Tôi đang chuẩn bị ra quân lệnh đi lùng tìm các thứ tái chế được thành
vũ khí đánh cận chiến vì đạn dược đang cạn dần thì lệnh lui quân đến.
Chẳng có gì bất thường cả. Từ khi Cuộc Đại Hoảng Loạn nổ ra đơn vị của
chúng tôi cứ phải rút quân đều đều. Điều bất thường lại là điểm tập kết. Lần
đầu tiên sư đoàn sử dụng tọa độ lưới bản đồ kể từ khi rắc rối xảy ra. Trước
đó họ chỉ dùng các địa danh dân sự trên kênh mở; nó giúp người tị nạn biết
tập kết ở đâu. Giờ đây nó lại là một bức thông điệp mã hóa trên cái bản đồ
mà từ thời chiến tranh lạnh kết thúc chúng tôi đã không còn dùng nữa. Tôi
phải kiểm tra lại tọa độ đến ba lần sợ nhầm. Họ bố trí chúng tôi ở
Schafstedt, phía bắc Kênh đào Kiel. Sao không nhảy bố sang Đan Mạch
luôn đi!
Chúng tôi cũng được lệnh tuyệt đối cấm không được di tản dân thường.
Tệ hơn nữa là chúng tôi được lệnh cấm báo cho họ biết về cuộc dời quân!
Thật vô lí. Họ muốn chúng tôi rút về Schleswig-Holstein nhưng phải bỏ dân
tị nạn lại à? Họ muốn chúng tôi cứ thế cúp đuôi bỏ chạy à? Chắc chắn có
nhầm lẫn gì rồi.
Tôi hỏi xin xác minh. Họ xác nhận. Tôi lại hỏi xin thêm lần nữa. Chắc
họ đọc sai bản đồ hay thay mã mà không báo lại cho chúng tôi. (Đây đâu
phải lần đầu họ mắc sai làm ấy.)
Đột nhiên tôi được nói chuyện với Đại tướng Lang, chỉ huy toàn bộ Mặt
trận Phương Bắc. Giọng lão nghe run run. Ngay cả giữa tiếng súng nổ tôi
vẫn nghe được. Lão bảo tôi lệnh không có gì là nhầm lẫn cả, rằng tôi phải
tập kết những thành viên còn sống sót của Đồn Hamburg và ngay lập tức
hành quân lên phía bắc. Không thể có chuyện như thế được, tôi tự nhủ. Thật
buồn cười, phải không? Những thứ khác tôi chấp nhận được, chuyện xác
chết đang đội mồ dậy để ăn tươi nuốt sống cả thế giới, nhưng còn chuyện
này… tuân theo cái mệnh lệnh có thể gián tiếp gây ra một cuộc thảm sát.
Ừ thì tôi là một quân nhân tốt, nhưng tôi cũng là dân Tây Đức. Anh có
hiểu cái sự khác nhau không? Ở phía Đông, họ được dạy là họ không chịu
trách nhiệm cho những tội ác xảy ra trong Thế Chiến thứ Hai, và rằng với
vai trò những người cộng sản tử tế, họ cũng chỉ là nạn nhân của Hitler như
tất cả mọi người mà thôi. Anh đã hiểu tại sao bọn đầu trọc và bọn Phát xít
nguyên bản chủ yếu đến từ phía đông chưa? Chúng không thấy có trách
nhiệm với quá khứ, không như người miền Tây bọn tôi. Từ nhỏ chúng tôi
đã được dạy là phải mang theo nỗi nhục của ông cha. Chúng tôi được dạy
rằng cho dù có khoác trên người bộ quân phục, nhiệm vụ đầu tiên của
chúng tôi vẫn là với lương tâm của mình, cho dù hậu quả có thế nào chăng
nữa. Tôi đã được dạy dỗ như thế đó, và tôi đã phản ứng theo đúng như vậy.
Tôi nói với Lang tôi không thể làm trái lương tri mà tuân theo mệnh lệnh
này, rằng tôi không thể bỏ mặc những con người này không được ai bảo vệ.
Nghe đến đây, lão nổi đoá lên.. Lão bảo rằng tôi sẽ thực thi mệnh lệnh hoặc
tôi, và quan trọng hơn là lính của tôi, sẽ bị coi là phản nghịch và bị truy tố
“theo kiểu Nga.” Và thế là đã đến nước này đây, tôi nghĩ. Chúng tôi đều đã
nghe về chuyện ở Nga… các cuộc nổi loạn, các cuộc đàn áp, các cuộc thanh
trừng. Tôi nhìn quanh đám lính của mình, toàn lũ mới mười tám, mười chín
tuổi đời, đứa nào cũng mỏi mệt, sợ hãi và đang chiến đấu giữ lấy mạng
sống. Tôi không thể làm vậy với chúng. Tôi ra lệnh lui quân.
Họ nhận lệnh như thế nào?
Không một lời phàn nàn, ít nhất là không phải với tôi. Họ có chút cãi vã
nội bộ. Tôi giả vờ không biết. Họ đã làm tròn nghĩa vụ của mình.
Còn những người dân thường thì sao?
[Ngập ngừng.] Chúng tôi nhận được những thứ xứng đáng. “Mấy
người đi đâu đấy?” họ kêu lên từ trong những ngôi nhà. “Quay lại đây, bọn
hèn!” Tôi cố gắng đáp lại. “Không, chúng tôi sẽ quay lại giúp mọi người,”
tôi nói. “Ngày mang chúng tôi sẽ mang thêm quân đến. Cứ ở yên đấy, mai
chúng tôi sẽ quay lại.” Họ không tin. “Dối trá!” Tôi nghe tiếng một phụ nữ
quát lớn. “Các người đang mặc cho con tao chết!”
Phần lớn bọn họ không dám đi theo do e ngại lũ zombie trên phố. Vai
người can đảm bám lấy xe bọc thép của chúng tôi. Họ cố tìm cách xông vào
cửa sập. Chúng tôi đẩy họ xuống. Chúng tôi phải đống hết các chốt tren xe
lại vì người dân kẹt trong các tòa nhà bắt đầu ném đủ thứ xuông đầu chúng
tôi, đèn bàn, đồ đạc. Lính tôi có anh còn bị ném trúng cả xô đầy cứt đái
người. Tôi nghe tiếng đạn va leng keng trên cái cửa sập chiếc Marder của
tôi.
Trên đường ra khỏi thành phố chúng tôi có gặp những người cuối cùng
của Đơn vị Phản ứng Bình ổn Nhanh mới thành lập. Tuần vừa rồi họ đã
phải chịu thương vong nặng nề. Lúc đó tôi chưa biết họ là một trong số
những đơn vị liệt vào dạng tốt thí. Họ được lệnh phải yểm trợ cuộc lui quân
của chúng tôi, ngăn không cho quá nhiều zombie hoặc người tị nạn bám
theo. Họ được lệnh phải cầm cự đến cùng.
Chỉ huy của họ đứng trên đỉnh vòm chiếc Leopard của mình. Tôi có
quen hắn. Chúng tôi có cùng phục vụ trong đơn vị IFOR của NATO ở
Bosnia. Có lẽ nói hắn đã cứu mạng tôi thì cũng hơi quá, nhưng đúng là hắn
có đỡ một viên đạn từ phía Serbian mà tôi dám chắc là dành cho tôi. Lần
cuối cùng tôi gặp hắn là ở trong một bệnh viện Sarajevo, cợt nhả về chuyện
trốn ra khỏi cái nhà thương điên mà dân tình gọi là đất nước này. Giờ chúng
tôi ở đây, đi dọc cái xa lộ tan hoang nằm ở trung tâm Tổ quốc. Chúng tôi
nhìn nhau, giơ tay chào. Tôi chui lại vào chiếc APC và giả vờ nghiên cứu
bản đồ để tài xế không thấy không thấy nước mắt tôi đang lăn dài trên má.
“Khi về,” tôi tự nhủ, “mình sẽ giết chết cha thằng chó ấy.”
Đại tướng Lang.
Tôi lên kế hoạch hết rồi. Tôi sẽ làm mặt thản nhiên, không cho lão cớ gì
để nghi ngờ. Tôi sẽ nộp báo cáo và xin lỗi về cách xử sự của mình. Chắc
lão sẽ muốn nói chuyện riêng gì đó với tôi, tìm cách giải thích hay biện hộ
cho cuộc lui quân. Tốt, tôi nghĩ thầm, tôi sẽ kiên nhẫn ngồi nghe, khiến lão
mất cảnh giác. Sau đó, khi lão đứng dậy bắt tay tôi, tôi sẽ rút súng bắn phòi
mớ não Đông phương của hắn lên trên bản đồ cái thứ từng là đất nước
chúng tôi. Chắc toàn bộ đám bậu sậu của lão cũng sẽ ở đó, mấy tay bù nhìn
“chỉ nghe theo lệnh.” Tôi sẽ xử hết trước khi chúng hạ tôi! Thật hoàn hảo.
Tôi sẽ không bước mốt hai mốt thẳng xuống địa ngục như một thằng trong
Đoàn Thanh Niên Hitler biết điều. Tôi sẽ cho hắn và tất cả mọi người thấy
một Deutsche Soldat chân chính phải như thế nào.
Nhưng chuyện đã không xảy ra như thế.
Không. Tôi cũng có đặt được chân vào văn phòng Đại tướng Lang.
Chúng tôi là đơn vị cuối cùng vượt qua kênh đào. Lão đợi bọn tôi. Ngay khi
báo cáo được đưa lên, hắn ngồi xuống bàn, kí vài sắc lệnh cuối cùng, ghi
địa chỉ và niêm phong một bức thư gửi gia đình rồi tự găm một viên đạn
vào sọ.
Thằng khốn nạn. Giờ tôi còn thấy ghét hắn hơn cả khi đang trên đường
rời Hamburg.
Tại sao vậy?
Vì bây giờ tôi đã hiểu tại sao chúng tôi phải làm điều mình vừa thực
36
hiện, chi tiết bản Kế hoạch Prochnow.
Điều này không khiến ông thông cảm cho ông ta à?
Anh đùa sao? Đây chính là lí do tôi ghét lão ấy! Lão biết đây chỉ là
bước khởi đầu của cả một cuộc chiến tranh trường kì và chúng tôi sẽ cần
những người như lão để giúp giành chiến thắng. Mẹ thằng hèn. Còn nhớ tôi
đã nói gì về việc phải lắng nghe lương tri của mình không? Anh không thể
đổ tội cho ai khác, không thể đổ cho tác giả bản kế hoạch, cho sĩ quan chỉ
huy, cho bất cứ ai ngoài chính bản thân mình. Anh phải tự đưa ra quyết định
và mỗi ngày trôi qua là lại phải đau đớn sống với hậu quả của những quyết
định ấy. Lão biết điều này. Chính vậy nên lão bỏ mặc chúng tôi như chúng
tôi đã bỏ mặc những thường dân đó. Lão nhìn thấy con đường phía trước,
một con đường lên núi khấp khuỷu gập ghềnh và dốc đứng. Tất cả chúng
tôi đều phải lê bước trên con đường đó, ai nấy cũng kéo sau lưng tảng đá
nặng trịch của những gì mình đã làm. Lão không làm được. Lão không thể
gánh vác nổi sức nặng ấy.
VIỆN ĐIỀU DƯỠNG CỰU BINH YEVCHENKO, ODESSA,
UKRAINA
[Căn phòng không có cửa sổ. Mấy cái bóng đèn huỳnh quang tù mù
rọi soi các bức tường bê tông và đám chiếu chưa được giặt rửa. Bệnh
nhân ở đây chủ yếu bị rối loạn đường hô hấp, nhiều người bệnh tình
trầm trọng hơn do thiếu thốn thuốc men. Ở đây không có bác sĩ còn các
y tá và hộ lý đang bị quá tải gần như không thể làm gì giúp họ thuyên
giảm. Ít nhất căn phòng ấm áp, khô ráo, và ở giữa mùa đông của cái
đất nước này, đây là một sự xa hoa không bút nào tả xiết. Bohdan
Taras Kondratiuk ngồi thẳng dậy trên mảnh chiếu cuối phòng. Do là
một người hùng chiến tranh, với ông chỉ một miếng vải treo lên cũng
đủ riêng tư rồi. Ông ho vào trong chiếc khăn tay trước khi nói.]
Loạn lạc. Tôi chả biết còn phải tả thế nào nữa, tất cả mọi thứ tổ chức,
tôn ti, trật tự đều bị sụp đổ hết. Chúng tôi đã trải qua bốn cuộc đụng độ ác
liệt: Luck, Rovno, Novograd, và Zhitomir. Mẹ sư Zhitomir. Quân của tôi
rệu rã lắm rồi, anh hiểu không. Những thứ họ chứng kiến, những thứ họ
phải làm, và lúc nào cũng phải lui binh, bọc hậu, tháo chạy. Ngày nào anh
cũng nghe tin về một thành phố nữa bị thất thủ, một con đường nữa phải
chặn lại, một đơn vị nữa bị áp đảo.
Đáng ra Kiev phải là nơi an toàn đằng sau phòng tuyến. Đáng ra nó phải
là trung tâm vùng an toàn mới của chúng tôi, có quân đóng chốt, được tiếp
tế đầy đủ, yên tĩnh. Vậy chuyện gì đã xảy ra khi chúng tôi vừa chân ướt
chân ráo đến? Tôi được lệnh nghỉ ngơi và tái trang bị à? Sửa chữa xe cộ, tái
thiết quân số, chữa trị vết thương à? Không, tất nhiên không. Tại sao mọi
thứ lại phải chạy theo đúng kịch bản? Trước đây có bao giờ thế đâu.
Vùng an toàn lại được dịch chuyển thêm phát nữa, lần này là về Crimea.
Chính phủ đã di dời… bỏ chạy… đến Sevastopol. Trật tự trị an đã sụp đổ.
Kiev đang được di tản toàn diện. Đây là nhiệm vụ của quân đội, hay là của
thành phần quân đội còn sót lại.
Đại đội của chúng tôi được lệnh giám sát tuyến đường thoát hiểm ở Cầu
Patona. Đây là cây cầu được hàn hoàn toàn bằng điện đầu tiên trên thế giới,
và hồi trước nhiều người nước ngoài vẫn hay so sánh nó với Tháp Eiffel.
Thành phố có lên kế hoạch làm một dự án trùng tu lớn, một giấc mơ khôi
phục lại ánh hào quang xưa. Những cũng như mọi thứ khác ở đất nước
chúng tôi, giấc mơ đó không bao giờ thành hiện thực. Ngay cả trước thời kì
loạn lạc, cây cầu này đã là một nút ách tắc giao thông rất kinh khủng. Giờ
nó lại còn chật cứng người dân di tản. Đáng ra cây cầu phải được cách li
khỏi giao thông trên đường, nhưng mấy cái chướng ngại mà họ hứa với
chúng tôi đâu rồi, mớ bê tông và sắt thép có thể chặn đứng bất kì ai tìm
cách xông vào đâu rồi? Khắp nơi cơ man nào là xe, mấy chiếc Lags nhỏ và
Zhigs cũ rích, vài chiếc Mercedes, và cả một cái xe tải GAZ to khổng lồ ở
ngay chính giữa, bị lật úp sang một bên! Chúng tôi tìm cách di dời nó, lấy
dây xích buộc quanh trục xe và dùng xe tăng kéo đi. Vô ích. Chúng tôi còn
làm gì được nữa đây?
Anh phải hiểu chúng tôi là một trung đội thiết giáp. Lính lái xe tăng,
không phải cảnh sát quân sự. Chúng tôi chẳng thấy tay MP nào. Chúng tôi
được đảm bảo rằng họ sẽ có mặt ở đây, nhưng chúng tôi chẳng thấy hay
nhận được tin gì từ phía họ hết, cả mấy “đơn vị” dọc các cây cầu khác cũng
thế. Thật quá bằng trò đùa khi gọi họ là “đơn vị”. Họ chỉ là những toán
người mặc quân phục, nhân viên bán hàng và đầu bếp; bất cứ ai vô tình có
chút dây mơ rễ má với quân đội đột nhiên bị giao trọng trách kiểm soát giao
thông. Không ai trong số chúng tôi sẵn sàng cho việc này cả, chúng tôi
không được huấn luyện, được trang bị… Mớ trang thiết bị chống bạo động
họ hứa với chúng tôi đâu hết cả rồi, khiên, áo giáp, vòi phun nước đâu?
Lệnh của chúng tôi là “xử lí” tất cả người di tản. Anh hiểu “xử lí” là gì chứ?
Xem xem có ai đã bị nhiễm bệnh chưa. Vậy chứ lũ chó nghiệp vụ đâu hết
mẹ nó rồi? Không có chó thì kiểm tra tình trạng nhiễm bệnh kiểu gì đây?
Chúng tôi phải làm gì đây, đi săm soi từng người một à? Chính xác! Đó
chính là điều họ bắt chúng tôi làm. [Lắc đầu.] Họ thực sự nghĩ những con
người khốn khổ đang sợ hãi, hoảng loạn ấy với cái chết đằng sau lưng và sự
an toàn — cái họ cho là an toàn — chỉ cách phía trước có vài mét lại đi xếp
hàng ngay ngắn và để chúng tôi lột sạch đồ ra khám nghiệm từng phân một
trên cơ thể họ à? Họ nghĩ lũ đàn ông sẽ cứ đứng đấy nhìn chúng tôi khám
xét vợ, mẹ và con gái cưng của mình à? Anh có tưởng tượng nổi không? Và
chúng tôi cố gắng làm thật. Chúng tôi còn lựa chọn nào đây? Họ phải được
cách li nếu chúng tôi muốn sống sót. Sơ tán dân cư để làm gì nếu họ mang
mầm bệnh theo cùng?
[Lắc đầu, cười cay đắng.] Thật là một thảm họa! Một số người không
chịu, số khác xông bừa qua hay thậm chí nhảy xuống sông. Đánh nhau nổ
ra. Lính tôi nhiều người bị đánh cho thậm tệ, ba người bị đâm, một người bị
một lão già đang hoảng sợ cầm khẩu Tokarev cũ kĩ rỉ sét bắn cho phát. Tôi
dám chắc anh ta chết trước khi kịp chạm mặt nước.
Tôi không có mặt ở đó, anh hiểu chứ. Tôi đang ở bên cái điện đài tìm
cách gọi hỗ trợ! Cứu viện đang đến, họ cứ nói vậy, đừng đầu hàng, đừng
tuyệt vọng, cứu viện đang đến.
Bên kia dòng sông Dnieper, Kiev đang cháy. Những cột khói đen bốc
lên từ trung tâm thành phố. Chúng tôi đứng xuôi chiều gió, cái mùi thật
kinh tởm, mùi gỗ, mùi cao su và mùi thịt cháy nồng nặc. Bọn tôi không biết
giờ chúng còn cách đây bao xa, chắc tầm một cây, có thể còn ít hơn. Phía
trên đồi, lửa đã bao trùm cả khu tu viện. Thật là thê thảm. Với các bức
tường cao, vị trí đắc địa của nó, chúng tôi đã có thể chống cự lại. Bất cứ tay
sinh viên sĩ quan năm nhất nào cũng có thể biến nó thành một pháo đài bất
khả xâm phạm — dự trữ đồ dưới tầng hầm, chặn cửa lại và cho lính bắn tỉa
lên trên các tòa tháp. Chúng có thể bảo vệ cây cầu cho đến… cho đến hết
đời!
Tôi nghĩ hình như mình vừa nghe thấy gì đó, một âm thanh từ phía bên
kia sông… cái âm thanh đó, anh biết đấy, khi tất cả bọn chúng đi cùng
nhau, khi chúng đang ở gần, chính nó… thậm chí giữa tiếng hét la, tiếng
chửi rủa, tiếng còi kêu inh ỏi, tiếng súng xa, anh vẫn nhận ra âm thanh ấy.
[Ông thử giả tiếng rên rỉ của chúng nhưng lại gục xuống ho khù
khụ. Ông giơ khăn lên mặt. Giở ra thấy dính đầy máu.]
Chính âm thanh đó đã khiến tôi bỏ cái điện đài. Tôi nhìn về phía thành
phố. Có thứ đập vào mắt tôi, một cái gì đó bên trên mái nhà và đang tiến lại
rất nhanh.
Mấy chiếc phản lực phóng vèo qua đầu chúng tôi, bay cao ngang tầm
ngọn cây. Có bốn chiếc, Sukhoi 25 “Rooks,” khá gần, và đủ thấp để nhìn
thôi cũng nhận ra được. Quái gì thế, tôi nghĩ thầm, họ định yểm trợ đường
dẫn lên cầu à? Chắc định đánh bom khu vực phía đằng sau? Nó có chút
công hiệu ở trận Rovno, ít nhất trong vòng vài phút. Mấy chiếc Rooks đánh
vòng lại như thể đang xác định mục tiêu, sau đó bẻ cánh xuống thấp và lao
thẳng về phía chúng tôi! Cha mẹ quỉ thần ơi, tôi nghĩ thầm, họ sắp đánh
bom cây cầu! Họ đã từ bỏ cuộc di tản và giờ đang đi giết hết tất cả!
“Ra khỏi cầu!” Tôi bắt đầu hét. “Tất cả ra ngay!” Sự hoảng loạn lan
truyền trong đám đông. Nó như thể một làn sóng, một dòng điện. Mọi
người bắt đầu là hét, xô đẩy tới lui, đâm hết vào nhau. Hàng chục người
nhảy xuống nước mà trên mình vẫn mang quần áo nặng trịch và giày dép
khiến họ không bơi được.
Tôi đang kéo mọi người sang, bảo họ chạy đi. Tôi thấy bom được thả,
nghĩ rằng mình có thể chúi người xuống vào mấy giây cuối, tự bảo vệ mình
khỏi vụ nổ. Rồi sau đó dù bật mở, và thế là tôi biết. Chỉ trong khoảnh khắc,
tôi đứng bật dậy và phi trối chết như thỏ. “Đóng cửa lại!” Tôi gào lên.
“Đóng cửa lại!” Tôi lao vào trong chiếc xe tăng gần nhất, đóng sầm cửa vào
và gia lệnh cho cả đội lái kiểm tra lại chốt cửa! Đây là chiếc xe tăng T-72 đã
lỗi thời. Chúng tôi không biết liệu hệ thống quá áp còn hoạt động không,
mấy năm rồi đã kiểm tra nó đâu. Chúng tôi chỉ còn biết vừa hi vọng, cầu
nguyện, vừa lo sợ trong cái quan tài bằng sắt. Tay xạ thủ đang khóc nức nở,
anh lái xe thì ngồi cứng đờ, sĩ quan chỉ huy, một hạ sĩ cơ sở mới chỉ hai
mươi tuổi đời, đang co quắp trên sàn, tay nắm chặt cây thánh giá nhỏ đeo
trên cổ. Tôi đặt tay lên đầu thằng bé, trấn an nó rằng chúng ta sẽ không sao
trong khi mắt vẫn dán vào kính tiềm vọng.
RVX không được phun ra dưới dạng khí ga. Nó phun ra dưới dạng mưa
phùn: mấy giọt nhơn nhớt bé tí xíu bám vào bất cứ thứu gì chúng tiếp xúc.
Nó ngấm vào người qua lỗ chân lông, mắt, phổi. Tùy vào liều lượng, hiệu
ứng có thể xảy ra ngay tức thì. Tôi có thể thấy tứ chi đám người đang sơ tán
bắt đầu run rẩy, tay buông thõng xuống hai bên trong khi chất độc ngấm
dần vào hệ thống thần kinh trung ương. Họ giụi mắt, cố tìm cách nói, tìm
cách cử động, tìm cách di chuyển. Tôi lấy làm mừng mình không phải ngửi
mùi cái đống đang ở trong quần áo lót của họ khi bàng quang và ruột đột
ngột tống hết tất cả ra.
Tại sao họ lại làm vậy? Tôi không hiểu. Bộ chỉ huy cấp cao không biết
rằng vũ khí hóa học không có tác dụng đối với thây ma à? Họ chưa học
được gì từ vụ Zhitomir à?
Cái xác đầu tiên bò dậy là một phụ nữ, chỉ trước những người khác một
hai giây, một bàn tay co giật tóm dọc lưng một người hình như đã cố gắng
che chở cho bà ta. Ông kia trượt sang một bên trong khi mụ ấy đứng lên
trên hai đầu gối run rẩy. Mặt mụ lốm đốm và nổi chằng chịt mạch máu đen.
Tôi nghĩ mụ nhìn thấy tôi, thấy xe tăng của chúng tôi. Hàm mụ bạnh ra, tay
mụ giơ lên. Tôi có thể thấy những kẻ khác đang sống lại, cứ bốn mươi, năm
mươi người thì lại có một, tất cả những người đã bị cắn và hồi nãy cố che
đậy vết thương.
Và rồi tôi hiểu ra. Vâng, họ đã rút ra bài học từ vụ Zhitomir, và giờ họ
đã tìm ra cách sử dụng tối ưu hơn đống vũ khí thời chiến tranh lạnh. Làm
thế nào để cách li người nhiễm bệnh một cách hiệu quả? Làm thế nào có thể
ngăn không cho người di tản lây lan bệnh dịch ra sau phòng tuyến? Đó là
một cách.
Chúng bắt đầu sống lại hoàn toàn, đứng lại được, từ từ lê bước qua cầu
về phía chúng tôi. Tôi gọi tay xạ thủ. Hắn lắp bắp mãi không đáp được một
câu. Tôi đá vào lưng hắn, quát nạt ra lệnh ngắm mục tiêu! Mất đến vài giây
nhưng hắn chỉnh tâm súng vào cái mụ đàn bà đầu tiên và bóp cò. Tôi bịt
chặt tai lại khi khẩu Coax rú lên. Các chiếc xe tăng khác cũng làm tương tự.
Hai mươi phút sau, mọi thứ đã kết thúc. Tôi biết đáng ra tôi phải đợi
lệnh, ít nhất báo cáo lại tình hình hoặc kết quả cuộc không kích. Tôi có thể
thấy thêm 6 phi đội Rooks bay qua đầu, năm đội hướng về các phía các cây
cầu khác, đội còn lại bay về phía trung tâm thành phố. Tôi ra lệnh cho toàn
đại đội rút lui, hướng về phía tây nam và vứ thế mà đi. Quanh chúng tôi rất
nhiều thi thể, những người qua được cầu trước khi bị tấn công khí độc. họ
nổ nghe lốp bốp khi chúng tôi cán qua.
Đã bao giờ anh đến khu Bảo tàng Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại chưa? Đó
là một trong những tòa nhà ấn tượng nhất Kiev. Bãi đất đầy máy móc: xe
tăng, súng, đủ thể loại, kích cỡ, từ thời Kháng chiến cho đến thời hiện đại.
Ở lối vào bảo tàng có hai chiếc xe tăng quay mặt vào nhau. Chúng giờ được
trang trí bằng những bức vẽ đầy màu sắc và trẻ con được phép trèo lên đó
chơi. Có cả một cái Thập tự Sắt, cao cả mét, được làm từ hàng trăm cây
Thập tự Sắt thật lấy từ đám thuộc hạ tử trận của Hitler. Có một cái tranh
treo tường cao từ sàn đến trần vẽ một cuộc chiến lớn. Tất cả những người
lính phe tôi đều đoàn kết lại, tạo thành một làn sóng của sức mạnh và lòng
can đảm đang sùng sục sôi, đánh thẳng vào bọn Đức, đuổi chúng ra khỏi
quê hương chúng tôi. Có rất nhiều biểu tượng cho công cuộc bảo vệ tổ quốc
nhưng không gì tuyệt vời hơn bức tượng Rodina Mat (Mẹ Tổ Quốc). Đây là
tòa nhà cao nhất trong thành phố, một tuyệt tác nghệ thuật cao hơn sau
mươi mét làm từ thép không gỉ nguyên chất. Đó là thứ cuối cùng tôi nhìn
thấy khi ở Kiev, tấm khiên và lưỡi gươm của bà mãi mãi giơ cao trong tư
thế chiến thắng, đôi mắt lạnh lùng, ngời sáng của bà nhìn xuống cảnh chúng
tôi tháo chạy.
CÔNG VIÊN HOANG DÃ TỈNH SAND LAKES, MANITOBA,
CANADA
[Jesika Hendricks ra dấu về phía khoảng đất hoang cận bắc cực. Vẻ
đẹp tự nhiên đã bị thay thế bởi những đống phế thải: xe cộ bị bỏ hoang,
gạch đá và xác người vẫn còn đông cứng trong lớp tuyết xám và băng.
Vốn gốc ở Waukesha, Wisconsin và giờ đã được nhập quốc tịch
Canada, chị hiện đang tham gia vào Dự án Khôi phục Thiên nhiên
Hoang dã của khu vực. Kể từ khi chính thức kết thúc xung đột, mùa hè
nào chị cũng đến đây cùng với vài trăm tình nguyện viên khác. Mặc dù
WRP tuyên bố đã có những bước tiến đáng kể, không ai dám khẳng
định mọi thứ sắp đi đến hồi kết.]
Tôi không trách họ, chính quyền ấy, những người đúng ra phải bảo vệ
chúng tôi. Khách quan mà nói, tôi nghĩ mình cũng hiểu. Họ không thể để tất
cả bám theo quân đội đi về phía tây đằng sau dãy núi Rocky. Họ làm sao
mà nuôi nổi chúng tôi, làm sao mà lọc được hết tất cả chúng tôi, và họ làm
sao có thể hi vọng chặn được cả binh đoàn thây ma dứt khoát sẽ đi theo
chúng tôi? Tôi có thể được tại sao họ muốn tống càng nhiều người di tản
lên phương bắc càng tốt. Họ còn biết làm gì hơn đây, đưa quân vũ trang ra
chặn chúng tôi ở dãy Rockies à? Hay dùng bom độc như bên Ukraina? Ít
nhất nếu đi lên phía bắc, chúng tôi còn có cơ hội. Một khi nhiệt độ tụt
xuống và đám thây ma đóng băng lại, trong số chúng tôi chắc sẽ có vài
người sống sót. Chuyện này xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, thiên hạ chạy
lên phía bắc hi vọng sẽ sống được cho tới khi đông về. Không, tôi không
trách việc họ muốn lái chúng tôi đi về hướng đó, chuyện đấy tôi tha thứ
được. Nhưng cái cách thực hiện vô trách nhiệm của họ, việc thiếu những
thông tin quan trọng mà đáng lẽ đã có thể giúp rất nhiều người sống sót…
cái đó tôi không bao giờ có thể bỏ qua.
Lúc đó là tháng tám, hai tuần sau vụ Yonkers và ba ngày trước khi chính
phủ bắt đầu rút về phía Tây. Quanh khu chúng tôi không có quá nhiều trận
bùng phát dịch. Tôi mới chỉ thấy có một, một đám sáu con ăn thịt một
người vô gia cư. Cảnh sát đã nhanh chóng hạ gục chúng. Chuyện xảy ra
cách nhà chúng tôi ba dãy và đó là lúc bố tôi quyết định rời đi.
Chúng tôi đang ở trong phòng khách; bố tôi đang học cách nạp đạn cho
khẩu súng trường mới mua trong khi mẹ đóng đinh kín các cửa sổ. Không
có kênh nào đưa tin về bất cứ thứ gì ngoài zombie, hoặc tường thuật trực
tiếp hoặc các thước băng quay được ở Yonkers. Giờ ngẫm lại, tôi vẫn không
tin nổi giới truyền thông làm ăn thiếu chuyên nghiệp đến cỡ nào. Thêu dệt
quá nhiều trong khi thông tin đưa quá ít. Toàn ba cái mẩu tin dễ nghe đến từ
cả một đội ngũ “chuyên gia”, cái nọ đá cái kia, cái nào cũng cố tỏ ra “bất
ngờ” và “chuyên sâu hơn” cái trước. Tất cả thật quá rối rắm, có vẻ chẳng ai
biết phải làm gì. Điều duy nhất họ nhất trí được với nhau đó là mọi công
dân nên “đi về phía Bắc.” Bởi vì thây ma sẽ đóng băng, cái lạnh cực độ là
hi vọng duy nhất của chúng tôi. Chúng tôi chỉ nghe được có thế. Chẳng có
hướng dẫn gì thêm về chuyện nên đi đâu, mang theo gì, sống sót kiểu gì,
chỉ có mỗi cái khẩu hiệu chết dẫm mà bất cứ ai trên ti vi cũng nói, hoặc
được giật tít chạy qua chạy lại góc dưới màn hình. “Đi về phía Bắc. Đi về
phía Bắc. Đi về phía Bắc.”
“Rồi,” bố nói, “tối nay chúng ta sẽ ra khỏi đây và đi về phía Bắc.” Ông
cố làm giọng kiên định, vỗ vỗ khẩu súng. Cả đời ông chưa một lần chạm
tay vào súng. Ông là một quí ông theo đủ mọi nghĩa — ông là một người rất
dịu dàng. Ông lùn, hói, mặt mũi phương phi mà cứ khi cười lại đỏ ửng lên,
ông rất hay đùa nhạt và quăng những câu bình phẩm ngô ngố. Ông lúc nào
cũng có thứ dành cho tôi, một lời khen hay một nụ cười, hay một chút tiền
tiêu vặt mà mẹ tôi không được biết. Ông là người chủ hộ tốt, ông để mẹ
quyết những thứ quan trọng.
Giờ mẹ đang tranh luận, tìm cách cho ông hiểu ra. Chúng tôi sống phía
trên đường băng tuyết, chúng tôi có tất cả mọi thứ mình cần. Tại sao phải đi
vào nơi hoang dã trong khi ta có thể tích trữ nhu yếu phẩm tiếp tục gia cố
nhà và đợi đợt giá buốt đầu tiên của mùa thu? Bố tôi không chịu nghe. Thu
đến có khi ta chết lâu rồi, có khi ngay tuần sau đã chết rồi! Bố tôi bị cuốn
vào trong Cuộc Đại Loạn. Ông bảo chúng tôi nó sẽ chẳng khác gì một
chuyến đi cắm trại dài ngày. Chúng tôi sẽ ăn bánh kẹp thịt nai và tráng
miệng bằng trái dại. Ông hứa sẽ dạy tôi cách câu cá và hỏi khi bắt được con
thỏ về làm thú cưng tôi muốn đặt tên nó là gì. Cả đời ông sống ở Waukesha.
Ông đã đi cắm trại bao giờ đâu.
[Chị chỉ cho tôi thấy thứ gì đó trong lớp băng, một đống đĩa DVD
vỡ.]
Đây là những thứ người ta mang theo: hàng chục cái máy sấy tóc,
GameCube, máy tính xách tay. Tôi không nghĩ họ lại ngớ ngẩn đến mức đi
tin rằng mình sẽ dùng đến chúng. Có lẽ vài người nghĩ vậy. Tôi cho là phần
lớn chỉ sợ mất đồ thôi, sợ rằng sáu tháng sau khi quay về lại thấy nhà đã bị
trộm viếng. Chúng tôi cứ tưởng đồ mình mang theo là hợp lí. Quần áo ấm,
đồ nấu ăn, mấy thứ trong tủ thuốc và tất cả chỗ đồ ăn đóng hộp chúng tôi
mang theo được. Trông đống đồ ăn như thể đủ dùng trong mấy năm liền.
Trên đường đi chúng tôi ăn hết phân nửa. Chuyện ấy không khiến tôi bận
tâm. Đây như thể một chuyến phiêu lưu, một cuộc hành trình lên phương
Bắc.
Chúng tôi không bị dính vào mấy vụ đường tắc nghẽn hay bạo động mà
anh vẫn thường nghe kể. Chúng tôi đi đợt đầu. Chỉ duy nhất có mấy ông
người Canada là đi trước chúng tôi, và phần lớn bọn họ đã đi từ lâu rồi.
Trên đường giao thông vẫn khá đông đúc, trước giờ tôi chưa tùng nhìn thấy
lắm xe đến thế, nhưng tất cả đều di chuyển mau lẹ và chỉ ùn tắc ở mấy chỗ
như các thị trấn ven đường hay công viên.
Công viên ư?
Công viên, các điểm cắm trại, bất cứ chỗ nào người ta nghĩ mình đã đủ
xa. Bố tôi rất khinh họ, chê họ là thiển cận và ngớ ngẩn. Ông nói chúng tôi
vẫn còn quá gần nơi tập trung đông dân và cách duy nhất để sống sót là đi
lên phía bắc càng xa càng tốt. Mẹ luôn cãi rằng đấy không phải lỗi của họ,
rằng phần lớn bọn họ chỉ bị hết xăng thôi. “Và đó là lỗi của ai,” Bố nói.
Chúng tôi có rất nhiều thùng xăng dự trữ trên nóc xe. Bố tôi đã bắt đầu tích
trữ ngay từ những buổi đầu của Cuộc Đại Hoảng Loạn. Chúng tôi băng qua
rất nhiều chỗ ùn tắc quanh mấy trạm xăng ven đường, hầu hết đều treo cái
biển HẾT XĂNG to đùng ở ngoài. Bố lái xe vèo qua. Ông lái qua rất nhiều
thứ, mấy cái xe chết máy cần được kích điện hay người đi bộ cần được cho
quá giang. Có rất nhiều người như thế, lũ lượt đi theo hàng bên vệ đường,
trông đúng cái kiểu dân tị nạn mà người ta hay hình dung. Thỉnh thoảng lại
có xe dừng lại cho vài người đi nhờ và thế là đột nhiên ai cũng muốn được
đi. “Thấy họ tự gây ra chuyện gì cho mình chưa?” Bố nói.
Chúng tôi có cho một bà lão đi nhờ, bà lủi thủi đi bộ một mình, tay kéo
theo cái vali hàng không. Bà trông rất vô hại, lẻ loi giữa cơn mưa. Chắc đó
là lí do mẹ bắt bố dừng xe lại cho bà ta đi nhờ. Bà ấy tên là Patty, đến từ
Winnipeg. Bà không nói làm thế nào lại ra được tận đây và chúng tôi cũng
không hỏi. Bà rất biết ơn và định đưa hết số tiền mình có cho bố mẹ tôi. Mẹ
không chịu nhận và hứa sẽ đưa bà ta đến tận chỗ chúng tôi đang đi. Bà khóc
nấc lên, giàn giụa cảm ơn chúng tôi. Tôi thấy thật tự hào vì bố mẹ tôi đã
làm điều đúng đắn, mãi cho đến khi bà hắt hơi và đưa khăn tay lên xì mũi.
Tay trái bà luôn được bỏ trong túi kể từ khi chúng tôi cho bà lên xe. Chúng
tôi thấy tay bà bị cuốn băng và trên đó có một vết ô sẫm màu nhìn như máu.
Bà nhận ra chúng tôi đã thấy cái đó và đột nhiên trở nên lo lắng. Bà bảo
chúng tôi đừng lo và rằng bà chỉ vô tình cắt đứt tay thôi. Bố nhìn sang mẹ,
và rồi cả hai trở nên im lặng. Họ không nhìn tôi, chẳng ai nói gì cả. Tối đó
đang ngủ thì tôi tỉnh dậy khi nghe tiếng cửa khoang hành khách đóng cái
rầm. Tôi nghĩ chắc chẳng có chuyện gì bất thường. Chúng tôi toàn phải
dừng lại để đi vệ sinh. Họ luôn gọi tôi dậy phòng khi tôi muốn đi, nhưng
lần này tôi chẳng biết trời đất gì hết ra cho đến khi xe bắt đầu di chuyển.
Tôi nhìn quanh tìm Patty nhưng bà không có ở đây nữa. Tôi hỏi bố mẹ
chuyện gì vừa xảy ra và họ bảo bà ấy nói bố mẹ cho mình xuống. Tôi ngoái
lại nhìn và hình như có nhận ra dáng bà ấy, cái hình thú bé xíu đang càng
lúc càng nhỏ dần. Tôi thấy bà ấy trông như thể đang đuổi theo chúng tôi,
nhưng tôi đã quá mệt và đầu óc quá rối bời nên không chắc được. Có lẽ tôi
chỉ đơn giản là không muốn biết. Tôi lờ đi rất nhiều thứ trong chuyến đi lên
phương bắc.
Những thứ nào?
Những “người đi nhờ xe” khác chẳng hạn, những người đi đứng chậm
rãi chẳng buồn chạy ấy. Không có nhiều vì hãy nhớ chúng tôi là đợt đầu.
Chúng tôi gặp tầm nửa tá là cùng, đi lang thang giữa đường, giơ tay lên khi
chúng tôi đến gần. Bố tôi đánh vòng xe né họ ra và mẹ bảo tôi cúi đầu
xuống. Tôi chưa từng thấy tận mặt ai cả. Tôi úp mặt vào ghế và nhắm mắt
lại. Tôi không muốn nhìn thấy họ. Tôi cố nghĩ về bánh kẹp thịt nai và quả
dại. Như thể đang đi về Miền Đất Hứa vậy. Tôi biết một khi đã đi lên phía
Bắc đủ xa, mọi thứ sẽ đâu vào đấy.
Hồi đầu thì đúng thế thât. Chúng tôi có một bãi cắm trại ngay cạnh bờ
hồ, quanh đấy không có quá nhiều người nhưng cũng vừa đủ để chúng tôi
cảm thấy “an toàn” trong trường hợp có cái thây nào xuất hiện, anh hiểu
chứ. Ai cũng rất thân thiện, tạo ra cả một không khí cộng đồng lớn, thoải
mái. Mới đầu nó như một bữa đại tiệc vậy. Đêm nào cũng có tổ chức nấu ăn
ngoài trời rất hoành tráng, mọi người cùng đóng góp những thứ mình săn
hoặc câu được, chủ yếu là câu được. Một số người sẽ quăng thuốc nổ xuống
hồ, kêu đánh bùm một cái và cá cứ thế mà nổi hết lên mặt nước. Tôi sẽ
chẳng bao giờ quên được những âm thanh đó, tiếng nổ hoặc tiếng máy cưa
khi người ta đốn cây hoặc tiếng nhạc xập xình từ loa trên xe và các thứ nhạc
cụ các gia đình khác mang theo. Đến tối tất cả chúng tôi cùng ngồi hát bên
đống lửa trại khổng lồ đốt lên bằng những khúc gỗ to xếp chồng lên nhau.
Đó là hồi chúng tôi vẫn còn có cây, trước khi đợt hai và đợt ba bắt đầu
đến, khi ấy người ta phải đốt đến lá và rễ cây, rồi cuối cùng đến bất cứ thứ
gì họ kiếm được. Cái mùi nhựa và cao su bắt đầu trở nên ngày càng kinh
tởm, ám cả vào trong mồm, trong tóc. Đến lúc đó cá đã bị đánh bắt sạch rồi,
và cũng chẳng còn thứ gì để săn bắt nữa. Không ai tỏ vẻ lo lắng gì cả. Mọi
người vẫn trông mong mùa đông sẽ đóng băng lũ thây ma.
Nhưng khi thây ma đóng băng hết thì mọi người sống sót qua mùa
đông kiểu gì?
Hỏi hay đấy. Tôi nghĩ hầu hết mọi người không ai nghĩ được xa thế đâu.
Có lẽ họ tưởng “giới cầm quyền” sẽ đến cứu họ hoặc họ có thể gói ghém
hành lí và đi về. Tôi dám chắc rất nhiều người không bận tâm đến bất cứ
thứ gì khác ngoài ngày mai ở phía trước, vui mừng rằng cuối cùng họ cũng
đã được an toàn và tin tưởng rằng mọi thứ sẽ tự được giải quyết. “Chúng ta
sẽ được về ngay ấy mà,” người ta nói. “Đến mùa Giáng sinh mọi thứ sẽ ổn
thỏa thôi.”
[Chị chỉ cho tôi thấy một thứ khác trong lớp băng, một cái túi ngủ
Sponge-Bob SquarePants. Nó nhỏ thôi và ố màu nâu bẩn.]
Anh nghĩ nên coi cái này là gì, giường nhiệt ở một bữa tiệc ngủ qua
đêm à? Ừ thì chắc họ không kiếm được cái túi nào tử tế — Các chỗ bán
trang thiết bị cắm trại bao giờ cũng hết hàng hoặc đóng cửa đầu tiên —
nhưng anh không thể tin nổi người ta lại có thể ngu ngốc đến mức nào. Rất
nhiều người đến từ các bang ở Sunbelt, thậm chí có người đến từ tận miền
nam Mexico. Có người chui vào túi ngủ mà vẫn mang nguyên giày, không
biết rằng nó khiến máu họ không lưu thông được. Có người uống rượu vào
cho ấm lên, không biết rằng thực chất việc tỏa ra nhiều nhiệt hơn sẽ làm
giảm thân nhiệt của họ. Có người mặc áo khoác to bự nhưng bên dưới chỉ
có độc chiếc áo phông. Họ làm việc nặng nhọc, nóng quá, cởi áo ra. Người
họ lúc ấy đầm đìa mồ hôi do vải bông giữ ẩm tốt. Có cơn gió thổi tạt qua và
thế là… cái tháng chín đầu tiên ấy rất nhiều người lăn ra ốm. nhiễm lạnh
với cảm cúm. Họ lây hết cho những người còn lại.
Lức mới đầu ai cũng thân thiện. Chúng tôi họp tác. Chúng tôi trao đổi
hay thậm chí là mua lại những gì cần thiết từ các gia đình khác. Lúc ấy tiền
vẫn còn chút giá trị. Ai cũng nghĩ ngân hàng sẽ sớm mở cửa lại thôi. Cứ khi
nào bố mẹ đi kiếm đồ ăn là họ lại nhờ hàng xóm trông nom tôi. Tôi có cái
đài sinh tồn nhỏ, loại sạc bằng tay quay, vậy nên tối nào chúng tôi cũng
nghe được tin tức. Toàn tin lui quân, tin các đơn vị quân đội bỏ mặc người
dân. Chúng tôi vừa nghe vừa cầm bản đồ nước Mỹ, chỉ vào các thành phố
và thị trấn đang được đưa tin. Tôi thường ngồi trên lòng bố. “Thấy chưa,”
ông nói, “họ không trốn đi kịp. Họ không khôn như mình.” Ông gượng
cười. Có một thoáng tôi nghĩ ông nói đúng.
Nhưng sau tháng đầu tiên, khi đồ ăn bắt đầu cạn kiệt và thời tiết ngày
càng lạnh lẽo, u ám hơn, mọi người bắt đầu lộ tính xấu. Không còn đốt lửa
trại chung nữa, không còn tụ tập ăn uống hay hát hò gì nữa. Cả trại trở
thành một mớ hổ lốn, không ai chịu dọn dẹp rác rưởi nữa. Có mấy lần tôi
dẫm phải phân người. Chẳng còn ai thèm vùi nó đi nữa.
Tôi không được phép ở một mình với hàng xóm nữa, bố mẹ tôi không
còn tin ai cả. Tình hình bắt đầu trở nên nguy hiểm, bắt đầu có nhiều vụ ẩu
đả xảy ra. Tôi chứng kiến hai mụ đàn bà tranh giành nhau một cái áo lông
thú và kết cục xé toạc nó ra. Tôi chứng kiến cảnh một ông bắt quả tang một
người khác trộm đồ trong xe của ông ta và lấy gậy sắt nện vỡ đầu người kia.
Hầu hết xảy ra vào buổi tối, tiếng va chạm và tiếng quát nạt. Tỉnh thoảng sẽ
nghe thấy tiếng súng nổ và tiếng ai đó kêu khóc. Có lần tôi nghe tiếng
người di chuyển ngoài cái lều tạm bợ chúng tôi mắc trên xe. Mẹ bảo tôi cúi
xuống và bịt tai vào. Bố đi ra ngoài. Bịt tai rồi tôi vẫn nghe thấy tiếng hét.
Tiếng súng của bố khai hỏa. Có người la hét. Bố quay vào xe, mặt trắng
bệch. Tôi chẳng dám hỏi ông chuyện gì vừa xảy ra.
Lần duy nhất mọi người còn đoàn kết lại được là khi thây ma xuất hiện.
Đó là những con bám theo những người đợt ba, đi một mình hoặc đi theo
nhóm nhỏ. Cứ vài ngày lại có con xuất hiện. Có người báo động và mọi
người sẽ tập trung lại để giải quyết chúng. Và rồi khi mọi thứ xong xuôi
chúng tôi lại tiếp tục trở mặt với nhau.
Khi trời lạnh đến mức nước hồ đóng băng, khi thây ma bắt đầu ngưng
xuất hiện, rất nhiều người nghĩ giờ đã đủ an toàn để bắt đầu đi bộ về.
Đi bộ? Không phải đi xe à?
Hết xăng rồi. Họ lấy hết ra để nấu ăn hoặc chạy máy sưởi trên xe. Ngày
nào cũng có mấy nhóm người đói rách tả tơi khiêng vác theo cả đống những
thứ đồ vô dụng mà họ mang lên, tất cả đều mang cái vẻ hi vọng trông rất
não nề.
“Họ định đi đâu cơ chứ?” Bố lại nói. “Họ không biết rằng ở dưới Nam
trời chưa đủ lạnh à? Họ không biết cái gì đang chờ đợi họ ở dưới đó à?” Bố
tin tưởng chắc nịch rằng nếu chúng tôi trụ được đủ lâu, sớm muộn gì tình
hình cũng sẽ sáng sủa hơn. Đó là hồi tháng mười, khi chúng tôi vẫn còn
trông ra hình người.
[Chúng tôi bắt gặp một đống xương, nhiều đếm không xuể. Chúng
nằm trong một cái hốc bị băng phủ phân nửa.]
Tôi là một đứa khá nặng cân. Tôi không chơi thể thao, tôi sống bằng đồ
ăn nhanh và thức ăn vặt. Vào tháng tám khi nhà tôi đến đây tôi chỉ gầy đi có
một tẹo. Đến tháng mười một thì tôi chỉ còn da bọc xương. Bố mẹ trông
cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Bụng bố không còn phệ nữa, còn xương gò
má mẹ thì nổi gồ lên. Họ cãi nhau rất nhiều, cãi nhau về đủ thứ. Điều ấy
làm tôi sợ hơn bất cứ thứ gì. Ở nhà họ không bao giờ lớn tiếng cả. Họ là
giáo viên, “người cấp tiến.” Thỉnh thoảng cũng có những bữa tối căng
thẳng, im ắng nhưng không bao giờ đến mức như thế này. Cứ hở ra là họ lại
hục hạc với nhau. Có một lần, tầm lễ Tạ ơn… tôi không chui ra khỏi túi ngủ
được. Bụng tôi trương phềnh lên và mũi mồm đầy vết lở loét. Trong cái xe
RV của hàng xóm bốc ra cái mùi gì đó. Họ đang nấu nướng, thịt, mùi thơm
phức. Bố mẹ đang cãi nhau ở ngoài. Mẹ bảo “nó” là lựa chọn duy nhất. Tôi
chẳng biết “nó” là cái gì. Mẹ bảo “nó” cũng “đâu tệ đến thế” bởi chính đám
hàng xóm chứ không phải chúng tôi mới là người tự tay “làm chuyện đó.”
Bố nói chúng tôi sẽ không hạ mình xuống cái mức đó và rằng mẹ nên thấy
tự xấu hổ. Mẹ cật lực công kích bố, rít lên rằng chính tại bố mà giờ chúng
tôi mới ở đây, tại bố mà giờ tôi đang sắp chết. Mẹ bảo bố rằng một thằng
đàn ông đích thực sẽ biết phải làm gì. Mẹ gọi bố là nhu nhược và rằng ông
muốn chúng tôi chết quách đi để ông có thể sống đúng với bản chất “thằng
ẻo lả” của mình mà mẹ đã biết thừa. Bố bảo mẹ câm cha cái mõm lại. Bố
chưa bao giờ văng tục. Tôi nghe thấy tiếng gì đó vọng vào, một tiếng thụi.
Mẹ quay trở vào, tay áp mớ tuyết vào phía mắt phải. Bố vào sau mẹ. Ông
không nói gì cả. Ông mang cái vẻ mặt trước nay tôi chưa từng thấy, như thể
ông đã lột xác hoàn toàn. Ông tóm lấy cái đài của tôi, thứ mọi người từ lâu
đã tìm cách mua lại… hoặc lấy cắp và quay trở ra ngoài, đi về hướng chiếc
RV. Mười phút sau ông quay lại, không mang theo cái đài nhưng có cả một
xô thịt hầm nóng hôi hổi. Ngon tuyệt đỉnh! Mẹ bảo tôi đừng ăn nhanh quá.
Bà bón cho tôi từng thìa một. Mẹ trông nhẹ nhõm hẳn. Bà hơi khóc một
chút. Bố vẫn mang cái vẻ mặt ấy. Cái vẻ mặt mà mấy tháng sau cũng xuất
hiện ở tôi, khi bố mẹ bị ốm và tôi phải tìm thức ăn cho họ.
[Tôi quì xuống xem xét đống xương. Tất cả đều bị đập vỡ, tủy rút
hết ra.]
Mùa đông thực sự đến vào đầu tháng mười hai. Tuyết phủ cao quá đầu,
thật thế luôn, cao đến hàng núi, dày đặc và xám xịt do dính chất bẩn. Cả trại
trở nên yên ắng. Không còn ẩu đả, bắn nhau gì nữa. Khi Giáng sinh đến thì
thức ăn có đề huề.
[Chị giơ lên cái gì trông như một cái xương đùi bé tí. Nó đã được ai
đó lấy dao cạo sạch trơn.]
Họ nói mùa đông năm đó có mười một triệu người chết, và đấy mới chỉ
là ở Bắc Mỹ. Còn chưa tính đến những nơi khác nữa: Greenland, Iceland,
Scandinavia. Tôi chẳng dám nghĩ về Siberia, cả đống người tị nạn đến từ
phía nam Trung Quốc, những người chạy sang từ bên Nhật cả đời chưa từng
ra khỏi thành phố, và cả những người ở bên Ấn Độ. Đó là Mùa Đông Xám
đầu tiên, khi các thứ bụi bẩn trên trời bắt đầu gây biến đổi khí hậu. Người ta
nói chỗ chất bẩn đó có một phần, tôi không biết chính xác bao nhiêu, là tro
bụi xác người.
[Chị cắm cột mốc vào bên trên cái hốc.]
Cũng mất khá lâu nhưng cuối cùng rồi mặt trời cũng lên, và khí hậu bắt
đầu trở nên ấm áp, tuyết bắt đầu tan. Đến giữa tháng bảy, mùa xuân cuối
cùng cũng đến và cả lũ thây ma cũng vậy.
[Một người khác trong đội gọi chúng tôi. Một con zombie bị chôn
nửa người, từ thắt lưng trở xống kẹt cứng trong băng. Cái đầu, tay, và
nửa thân trên vẫn sống nhăn, quẫy đạp và rên rỉ, tìm cách bò về phía
chúng tôi.]
Tại sao sau khi bị đóng băng chúng vẫn sống lại được? các tế bào trong
cơ thể người đều chứa nước đúng không? Và khi chỗ nước ấy đông lại, nó
nở ra và phá vỡ thành tế bào. Chính vì thế mà ta không thể cứ đông cứng
bất động người lại, thế thì tại sao bọn thây ma lại làm được?
[Con zombie thình lình lao mạnh về phía chúng tôi; phân thân dưới
đang bị đóng băng của nó đứt rời. Jesika giương cao vũ khí, một cái xà
beng dài bằng sắt, và bình thản đập vỡ sọ nó.]
CUNG ĐIỆN HỒ UDAIPUR, HỒ PICHOLA, RAJASTHAN, ẤN ĐỘ
[Bao phủ toàn bộ phần nền móng ở đảo Jagniwas, công trình kiến
trúc bình dị, gần như là từ trong truyện cổ tích hiện ra này đã một thời
là nơi ở của thái tử Ấn, rồi trở thành một khách sạn hạng sang, và rồi
thành nơi trú ẩn cho vài trăm dân tị nạn cho đến khi một trận bùng
phát dịch tả giết hết sạch. Dưới sự chỉ đạo của Quản lí Dự án Sardar
Khan, khách sạn này cũng như cái hồ và thành phố bao quanh nó cuối
cùng cũng đã bắt đầu hồi sinh. Khi hồi tưởng lại, ông Khan nghe không
giống một kĩ sư dân có học vấn cao, đã kinh qua chiến trận mà lại
giống một anh binh nhất trẻ tuổi đang sợ hãi đã từng có mặt ở một
tuyến đường vượt núi hỗn loạn.]
Tôi vẫn còn nhớ lũ khỉ, có đến hàng trăm con, trèo leo và nhảy nhót
giữa đám xe, thậm chí là trên đầu người ta. Tôi nhìn thấy chúng từ tận
Chandigarh, nhảy chuyền qua các mái nhà và ban công trong khi thây ma
tràn ra phố. Tôi vẫn còn nhớ cảnh chúng chạy tán loạn, hú hét inh ỏi, phóng
thẳng lên cột điện để tránh xa tầm tay bọn zombie. Có vài con thậm chí còn
chẳng cần đợi bị tấn công; chúng biết trước. Và giờ chúng đang ở đây, trên
tuyến đường mòn chật hẹp, quanh co vượt dãy Himalayan. Họ gọi đó là
đường, nhưng ngay cả trong thời bình, nó đã mang tiếng là một tử địa.
Hàng ngàn người tị nạn luồn lách hoặc trèo qua những thứ xe cộ chết máy
bị bỏ lại. Người ta vẫn còn cố gắng vác theo hành lí, thùng hộp; có gã vẫn
cứng đầu khư khư giữ lấy một cái màn hình máy tính. Một con khỉ nhảy
xuống đầu hắn, định lấy đó làm bàn đạp, nhưng gã kia đứng quá gần mép
núi và cả hai ngả lộn cổ xuống dưới. Dường như cứ mỗi giây là lại có ai đó
trượt chân. Đông người quá. Tuyến đường này thậm chí còn không có lan
can. Tôi thấy cả một cái xe buýt lật nhào xuống, tôi còn chẳng hiểu sao mà
thế được, nó có đang di chuyển đâu. Hành khách trên xe phải trèo ra ngoài
đằng cửa sổ vì cửa lên xe đã bị dòng người làm kẹt không mở được. Có một
chị vừa chui được nửa người ra khỏi cửa sổ thì cái xe bắt đầu lật. Tay chị ta
ôm thứ gì đó, cái thứ ấy đang tóm chặt lấy chị ta. Tôi cố tự nhủ rằng nó
không có chuyển động hay khóc lóc gì hết, rằng đó chỉ là một đống vải.
Không ai trong tầm với thèm giúp chị ta. Thậm chí còn không ai thèm nhìn,
họ cứ thế mà chen nhau đi tiếp. Thỉnh thoảng mỗi khi mơ về khoảnh khắc
ấy, tôi chả biết họ khác gì so với lũ khỉ.
Đáng ra tôi không phải ở đó, tôi thậm chí còn không phải kĩ sư tham
37
chiến. Tôi ở trong BRO ; nhiệm vụ của tôi là làm đường, không phải cho
nổ chúng. Tôi đang lang thang đi trong khu vực tập trung ở Shimla, cố tìm
xem đơn vị mình còn những ai thì có cái tay kĩ sư này, trung sĩ Mukherjee,
tóm tay tôi và hỏi, “Này anh, anh lính, anh biết lái xe không?”
Hình như tôi có lắp bắp trả lời có hay gì đó, và đột nhiên hắn đẩy tôi
vào ghế lái một chiếc xe jíp trong khi hắn nhảy vào ngồi ghế cạnh tôi, mang
theo một thiết bị trông giống bộ đàm và để ở trên đùi. “Quay lại chỗ đường
qua núi! Nhanh! Nhanh!” Tôi lái xe ra đường, vừa lạng lách vừa cố gắng
tuyệt vọng giải thích rằng thực chất tôi là tài xế lái xe lu, và ngay cả xe lu
tôi cũng không đủ trình độ lái. Mukherjee không thèm nghe. Hắn còn đang
mải hí hủi chỉnh cái thiết bị trên đùi. “Thuốc nổ sẵn sàng rồi,” hắn giải
thích. “Giờ ta chỉ còn phải chờ lệnh thôi!”
“Thuốc nổ nào?” Tôi hỏi. “Lệnh nào?”
“Lệnh cho nổ đường, đầu khấc ạ!” hắn quát lên, chỉ vào cái thứ trên đùi
mà giờ tôi đã nhận ra là kíp nổ. “Ta còn có thể chặn bọn chúng bằng cách
nào khác đây?”
Tôi có biết lờ mờ rằng việc rút lui vào trong dãy Himalaya có liên quan
đến một kế sách chiến lược nào đó, và một phần trong kế sách đó là phải
chặn hết tất cả các đường lên núi, không cho con thây ma nào lọt qua.
Nhưng tôi đến mơ cũng không nghĩ nổi là mình lại được tham gia trở thành
một thành phần quan trọng đến thế! Đang nói chuyện tử tế nên tôi sẽ không
nhắc lại cái phản ứng thô tục của tôi đối với Mukherjee cũng như cái phản
ứng không kém phần đạo mạo của Mukherjee khi chúng tôi đến được tuyến
đường đó và phát hiện ra nó vẫn còn đặc nghẹt dân tị nạn.
“Đáng ra nó phải trống trơn!” hắn hét lên. “Không còn người tị nạn nào
nữa chứ!”
Chúng tôi thấy một anh lính mang quân phục Rashtriya Rifles, người
đáng ra phải đứng trấn cổng con đường lên núi, chạy vọt qua xe. Mukherjee
nhảy ra tóm lấy anh ta. “Cái quái gì thế này?” hắn hỏi; hắn tướng tá cũng to
lớn, vạm vỡ và đang nổi trận lôi đình. “Đáng ra anh phải giữ trống đường
cơ mà.” Anh lính kia trông cũng cáu giận và sợ hãi không kém. “Anh muốn
tự tay bắn bà mình à, mời!” Anh ta đẩy viên trung sĩ sang một bên và tiếp
tục đi.
Mukherjee bật bộ đàm và báo cáo lại rằng đường vẫn còn rất đông. Có
người trả lời anh ta, một sĩ quan giọng the thé, hoảng hốt và nghe trẻ tuổi
hét lên rằng lệnh của hắn ta là phải cho nổ đường cho dù trên đấy có còn
bao nhiêu người đi chăng nữa. Mukherjee giận dữ đáp lại rằng hắn sẽ đợi
cho đến khi đường thông. Nếu bây giờ chúng tôi cho nổ, không những
chúng tôi sẽ tống thẳng hàng chục người xuống vực sâu mà còn khiến hàng
ngàn người bị kẹt lại ở phía bên kia. Giọng bên kia quát ngược lại rằng
tuyến đường này sẽ không bao giờ thông được, rằng đằng sau đám người
trên đường kia là cả một đàn nhung nhúc hàng mà chỉ Chúa mới biết có bao
nhiêu triệu con zombie. Mukherjee trả lời hắn sẽ chỉ cho nổ con đường khi
lũ zombie xuất hiện, không sớm không muộn dù chỉ một giây. Hắn sẽ
không trở thành đao phủ bất chấp thằng trung úy khốn nạn nào…
Đang nói Mukherjee bất chợt khựng lại giữa chừng và nhìn vào cái gì
đó đằng sau đầu tôi. Tôi quay ngoắt ra sau và đột nhiên thấy mình đang
nhìn thẳng mặt Đại tướng Raj-Singh! Tôi chả biết ngài từ đâu xuất hiện, tại
sao ông ta lại ở đây… Mãi đến bây giờ vẫn không ai tin tôi, không phải
không tin chuyện ông ấy có mặt ở đó, mà là tôi đã có mặt ở đó. Tôi chỉ cách
ông, cách Mãnh hổ vùng Delhi có vài phân! Tôi có nghe bảo rằng với
những ai mình kính trọng thì thường ta sẽ thấy họ trông cao lớn hơn. Trong
tâm trí của tôi, ông chẳng khác nào một gã khổng lồ, ngay cả với bộ quân
phục rách rưới, cái khăn xếp vấy máu, miếng vải che mắt phải và mẩu băng
trên mũi (đám lính của ông đã có người phải nện thẳng vào mặt ông để đưa
ông lên chiếc trực thăng cuối cùng ra khỏi Công viên Gandhi). Đại tướng
Raj-Singh…
[Khan hít sâu, ngực phổng lên vì tự hào.]
“Các quí ông,” ông bắt đầu nói… ông ấy gọi chúng tôi là “Quí ông” và
giải thích rất cẩn thận rằng tuyến đường này cần phải được phá hủy ngay
lập tức. Những đơn vị còn sót lại của không lực đã có chỉ đạo riêng về vấn
đề chặn các tuyến đường lên núi. Ngay lúc này đây, một chiếc phi cơ ném
bom Shamsher đang quần thảo ngay phía trên vị trí chúng tôi. Nếu chúng
tôi thấy mình không thể hoặc không sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ thì phi
công chiếc Jaguar được lệnh thực thi “Cơn giận của Shiva.” “Các anh có
biết đấy là gì không?” Raj-Singh hỏi. Có lẽ ông nghĩ tôi còn trẻ quá, chưa
đủ hiểu biết, hoặc có lẽ bằng cách nào đó ông đã đoán được tôi theo đạo
Hồi, nhưng ngay cả nếu tôi hoàn toàn mù tịt về vị thần hủy diệt của đạo
Hindu, bất cứ người lính nào cũng đều đã nghe tin đồn về cái mật danh “bí
mật” cho việc sử dụng vũ khí nhiệt hạch hạt nhân.
Làm thế chẳng phải sẽ phá hủy được tuyến đường ư?
Đúng, và phá luôn cả một nửa ngọn núi nữa! Thay vì một chỗ nút cổ
chai hẹp xung quanh bao bọc bởi vách đá dựng đứng, anh sẽ có gần như
nguyên cả một cái dốc thoải to đùng. Mục tiêu của việc phá hủy các tuyến
đường này là để tạo ra một rào cản ngăn không cho thây ma tiếp cận, và giờ
một tay đại tướng không quân ngu ngốc cuồng vũ khí hạt nhân nào đó sắp
sửa cho chúng một lối đi hoàn hảo dẫn thẳng vào khu vực an toàn!
Mukherjee nuốt khan, lung túng không biết làm gì, mãi cho đến khi ngài
Mãnh hổ chìa tay ra xin cái kíp nổ. Thật đúng là một người hùng, ông giờ
đây sẵn sàng vác trên vai gánh nặng của một kẻ sát nhân. Viên trung sĩ đưa
nó cho ông, mắt rơm rớm lệ. Đại tướng Raj-Singh cảm ơn hắn, cảm ơn cả
hai chúng tôi, thì thầm một lời cầu nguyện, và rồi nhấn cả hai ngón tay cái
xuống nút kích nổ. Chẳng có gì xảy ra cả, ông thử lại, không phản ứng gì
hết. Ông kiểm tra pin, kiểm tra dây nhợ và thử lần ba. Không có gì. Vấn đề
không phải do kíp nổ. Chỗ thuốc nổ được chôn ở vị trí một cây rưỡi dọc
tuyến đường, ngay giữa đám người tị nạn đã bị làm sao đó rồi.
Thế là hết, tôi nghĩ, chúng ta tiêu rồi. Tôi chỉ nghĩ được đến chuyện
chạy trốn đủ xa để tránh vụ nổ hạt nhân. Giờ tôi vẫn thấy tội lỗi vì đã suy
nghĩ như vậy, chỉ biết đến bản thân trong cái giờ phút như thế này.
Thật tạ ơn Chúa đã ban cho chúng tôi Đại tướng Raj-Singh. Ông phản
ứng ngay… theo đúng kiểu anh hi vọng một huyền thoại sống sẽ phản ứng.
Ông ra lệnh cho chúng tôi chạy đi ngay, tự cứu bản thân và đi đến Shimla,
rồi sau đó quay mình lao thẳng vào đám đông. Mukherjee và tôi nhìn nhau
và, nói ra kể cũng đáng tự hào, gần như không chút do dự chạy đuổi theo
ông ấy.
Chúng tôi cũng muốn trở thành anh hùng, muốn bảo vệ vị tướng của
mình và che chắn ông khỏi đám đông. Thật nực cười. Chúng tôi còn chẳng
nhìn thấy ông một khi đám đông đã nuốt chửng chúng tôi như một dòng
sông chảy xiết. Tôi bị xô đẩy từ mọi hướng. Tôi chẳng hiểu mình bị thụi
vào mắt lúc nào. Tôi gào lớn rằng tôi cần đi qua, rằng đây là nhiệm vụ của
quân đội. Chả ai nghe. Tôi bắn mấy phát chỉ thiên. Chả ai để ý. Tôi còn tính
bắn thẳng vào đám đông. Tôi cũng đang trở nên tuyệt vọng như họ. Qua
khóe mắt tôi bắt gặp cảnh Mukherjee cùng một người đàn ông khác ngã
nhào xuống vực, vẫn còn cố giằng nhau khẩu súng. Tôi quay người lại để
báo với Đại tướng Raj-Singh nhưng không thể tìm ra ông trong đám đông.
Tôi gọi tên ông, cố nhận ra ông giữa đám đầu người lố nhố. Tôi trèo lên nóc
một chiếc xe buýt nhỏ, tìm cách định hướng lại. Sau đó gió nổi lên; nó
mang theo cái mùi và cái tiếng rên rỉ vang vọng quanh các vách núi. Ngay
trước mặt tôi khoảng tầm nửa cây, đám đông bắt đầu tháo chạy. Tôi căng
mắt ra… nhíu mày lại. Bọn thây ma đang đến. Chậm rãi, khoan thai, và
cũng đông lúc nhúc như đám người tị nạn chúng đang xâu xé.
Cái xe lắc và tôi ngã lộn cổ xuống. Mới đầu tôi còn trôi nổi giữa biển
người, rồi đột nhiên tôi chìm xuống phía dưới, giày và những bàn chân trần
cứ thế mà dẫm đạp lên người tôi. Tôi cảm thấy xương sườn mình gãy nứt,
tôi ho ra và nếm thấy vị máu. Tôi kéo mình về phía dưới gầm cái xe buýt.
Người tôi mỏi nhừ, đau rát. Tôi không nói được nữa. Tôi gần như chả còn
nhìn thấy gì. Tôi nghe tiếng bọn zombie đang tới gần. Chắc chúng chỉ còn
cách tôi tầm hai trăm mét nữa thôi. Tôi thề sẽ không chết như những người
khác, như những nạn nhân bị xé nát ra thành từng mảnh, như cái con bò vật
vã, máu tuôn xối xả bên bờ dòng sông Satluj ở Rupnagar mà có lần tôi đã
chứng kiến. Tôi lóng cóng lần tìm súng, tay tôi không còn cử động được
nữa. Tôi chửi thề và khóc nức nở. Tôi cứ tưởng lúc đó mình phải tin vào
đạo lắm nhưng tôi lại sợ hãi và cáu giận quá đến mức tôi bắt đầu tự đập đầu
mình vào gầm xe. Tôi nghĩ nếu đập đủ mạnh tôi có thể tự nện vỡ sọ mình.
Đột nhiên có một tiếng gầm rung trời lở đất và mặt đất phía dưới tôi bật
ngược lên. Hàng loạt những tiếng kêu gào và rên rỉ hòa vào với một làn
sóng xung chấn bụi bị nén rất mạnh. Mặt tôi đập thẳng vào mớ máy móc
phía trên, lăn ra bất tỉnh.
Điều đầu tiên tôi nhớ được khi hồi tỉnh là một âm thanh rất mơ hồ. Mới
đầu tôi tưởng đó là tiếng nước. Nó nghe giống như vòi nước nhỏ giọt…
tạch-tạch-tạch, cứ như vậy đó. Tiếng tí tách ấy trở nên rõ hơn, và đột nhiên
tôi nhận ra hai âm thanh nữa, tiếng nhiễu điện của điện đàm tôi… chả hiểu
tại sao nó chưa bị nghiền cho bẹp dí… và cái tiếng tru muôn thủa của lũ
thây ma. Tôi bò ra khỏi gầm cái xe buýt. Ít nhất chân tôi vẫn đủ sức đứng
lên. Tôi nhận thấy tôi đang trơ trọi một mình, không còn dân tị nạn, không
còn Đại tướng Raj-Singh nữa. Tôi đang đứng giữa một tập hợp các thứ tư
trang bị vứt bỏ ngay chính giữa một tuyến đường lên núi bị bỏ hoang.
Trước mặt tôi là một cái vách bị cháy đen. Phía bên kia là phần còn lại của
con đường đã bị chặt đứt.
Tiếng rên vọng lại từ chỗ đó. Bọn thây ma vẫn đang tìm cách sang chỗ
tôi. Với đôi mắt trợn trừng và cánh tay duỗi thẳng, chúng cứ lũ lượt rơi
xuống khỏi cái ghờ đá lởm chởm. Đấy chính là nguồn phát ra cái tiếng tí
tách: tiếng cơ thể chúng đập xuống đáy thung lũng bên dưới.
Mãnh hổ chắc đã tự tay kích hoạt khối thuốc nổ. Chắc ông đến được
chỗ đống mìn cùng lúc với bọn thây ma. Tôi hi vọng nanh vuốt chúng chưa
kịp chạm vào ông. Tôi hi vọng rằng ông hài lòng với bức tượng của mình
giờ đang hiên ngang đứng nơi con đường cao tốc hiện đại xuyên núi với
bốn làn. Lúc đó tôi không nghĩ về sự hi sinh của ông. Tôi còn chả biết đây
có phải sự thực hay không. Tôi đứng im lặng nhìn cái thác thây ma, vừa
nhìn vừa lắng nghe báo cáo của các đơn vị khác trên điện đài:
“Vikasnagar: An toàn.”
“Bilaspur: An toàn.”
“Jawala Mukhi: An toàn.”
“Tất cả các tuyến đường báo cáo lại an toàn: Hết!”
Mình đang mơ à, tôi nghĩ, mình điên rồi à?
Con khỉ không giúp ích được gì hết. Nó ngồi trên đỉnh cái xe buýt,
ngắm nhìn lũ thây ma đâm đầu xuống chỗ chết. Mặt nó trông thật bình tĩnh,
thật thông minh, như thể nó thực sự hiểu chuyện gì đang xảy ra vậy. Tí chút
nữa thì tôi đã muốn nó quay sang tôi và nói, “Đây là bước ngoặt của cuộc
chiến! Cuối cùng chúng ta cũng chặn được chúng rồi! Cuối cùng ta cũng an
toàn rồi!” nhưng thay vào đó nó lại trưng “của quí” ra và tương một bãi vào
mặt tôi.
MẶT TRẬN MỸ
TAOS, NEW MEXICO
[Arthur Sinclair Junior là hình ảnh đặc trưng cho giới quí tộc của
thế giới cũ: cao, gầy, tóc bạc cắt ngắn và mang chất giọng đớt miền
Harvard. Ông nói vào hư vô, rất ít khi nhìn vào mắt tôi hay dừng lại
cho tôi hỏi. Trong cuộc chiến, ngài Sinclair là giám đốc cục DeStRes
mới mở của chính phủ Mỹ, hay nói đầy đủ ra là Department of
38
Strategic Resources .]
Tôi chẳng hiểu ai nghĩ ra cái từ viết tắt “DeStRes” hay liệu họ có nhận
thấy nó nghe rất giống “distress” không nhưng rõ ràng là không thể nào
hợp. Thiết lập tuyến phòng ngự ở Dãy Rocky có thể tạo ra một “khu an
toàn” trên lí thuyết nhưng thực tế khu đó chủ yếu chỉ toàn gạch đá và dân tị
nạn. Số lượng người bị chết đói, bệnh tật, vô gia cư lên đến hàng triệu.
Công nghiệp đang trong tình trạng bất ổn, giao thông vận tải và trao đổi
thương mại đã đình trệ hoàn toàn, và vấn đề còn bị lũ thây ma đang tấn
công Phòng lũy Rocky cũng như đang bùng phát lại trong vùng an toàn của
ta làm phức tạp hóa thêm. Chúng ta phải vực người dân đứng lên lại — cho
họ cơm ăn, áo mặc, nhà cửa, và đưa họ trở lại làm việc — nếu không thì cái
vùng an toàn này sẽ chỉ để trì hoãn điều không tránh khỏi mà thôi. Đây là lí
do DeStRes được thành lập, và như anh có thể tưởng tượng, tôi phải vừa
làm vừa học rất nhiều.
Tôi không thể nào tả nổi trong mấy tháng đầu tiên tôi phải nhồi nhét bao
nhiêu thứ thông tin vào trong cái bộ não già khô quắt này; nào là giao ban,
nào là đi thanh tra… khi mà tôi có thời gian để ngủ, dưới gối bao giờ cũng
là một quyển sách, mỗi đêm lại có một quyển mới, từ Henry J. Kaiser cho
đến Võ Nguyên Giáp. Tôi cần mọi ý tưởng, mọi câu chữ, mọi gam kiến
thức và trí tuệ để giúp tôi hàn gắn mảnh đất hoang tàn này lại và biến nó trở
thành cỗ máy chiến tranh hiện đại của Mỹ. Nếu lúc bấy giờ bố tôi mà còn
sống, ông chắc sẽ cười vào mặt cái sự đau khổ của tôi. Ông rất ủng hộ chính
sách Kinh tế Mới, làm quan chức thân cận của FDR dưới vai trò kiểm soát
viên bang New York. Ông sử dụng những cách thức mà bản chất gần như là
Mác-xít, cái thể loại tập thể hóa mà có thể khiến Ayn Rand đội mồ dậy và
gia nhập hàng ngũ bọn thây ma. Hồi trước tôi luôn tránh xa những bài học
mà ông cố tìm cách truyền lại cho tôi, đâm đầu vào tận Phố Wall để không
phải học. Giờ tôi đang vắt óc ra để nhớ lại. Có một thứ mà mấy tay Kinh tế
mới ấy làm được giỏi hơn bất cứ thế hệ nào trong lịch sử nước Mỹ đó là tìm
ra và khai thác được đúng thứ công cụ và tài năng.
Công cụ và tài năng?
Một thuật ngữ có lần con trai tôi nghe được trong phim. Tôi thấy nó tả
khá chuẩn nỗ lực tái thiết của ta. “Tài năng” chỉ lực lượng lao động tiềm
năng, mức độ chuyên nghiệp của lực lượng ấy, và cách thức tận dụng nguồn
lao động đó một cách có hiệu quả. Thẳng thắn mà nói, nguồn tài năng của
ta thấp ở mức kinh hoàng. Nền kinh tế của ta mang tính chất hậu công
nghiệp hay nói cách khác là kinh tế dịch vụ, phức tạp và chuyên môn hóa
cao đến độ mỗi cá nhân chỉ có thể hoạt động được trong khuôn khổ cấu trúc
bó hẹp đã được phân hóa của mình. Anh đáng ra phải được đọc về vài cái
“chức vụ” liệt ra trong bản điều tra dân số đầu tiên của chúng tôi; ai nấy
cũng đều là một kiểu “điều hành viên”, một “nhà đại diện”, một “nhà phân
tích” hay một “nhà tư vấn,” tất cả đều rất phù hợp với xã hội thời tiền chiến,
nhưng tất cả lại đều không thích hợp với cuộc khủng hoảng hiện nay.
Chúng ta cần thợ mộc, thợ xây, thợ máy, thợ làm súng. Vâng, đúng là chúng
ta có những người đó nhưng lại không đủ số lượng cần thiết. Cuộc khảo sát
lao động đầu tiên nói rõ rằng hơn 65 phần trăm lực lượng lao động dân sự
hiện tại được liệt vào dạng F-6, không có nghề thích hợp. Chúng tôi cần có
một chương trình tái đào tạo việc làm khổng lồ. Tóm lại, chúng ta cần bắt
khá nhiều tay văn phòng đi lấm bùn.
Nó diễn tiến rất chậm. Không có giao thông hàng không, đường bộ và
đường sắt đang rối loạn cả lên, và còn nhiên liệu nữa, lạy Chúa nhân từ, đi
dọc từ Blaine, Washington đến Imperial Beach, California không kiểm nổi
một thùng xăng. Thêm vào đó là việc nước Mỹ thời tiền chiến không những
có hệ thống cơ sở hạ tầng dành cho di chuyển xa mà nó còn gây tách biệt
kinh tế nghiêm trọng. Có nguyên cả một khu ngoại ô toàn những người làm
nghề thuộc tầng lớp thượng trung lưu, chẳng ai có ngay cả cái kiến thức cơ
bản nhất để thay một cái cửa sổ vỡ. Những người biết về chuyện đó sống
trong khu “ổ chuột” của những người lao động chân tay, đi bằng xe thời tiền
chiến mất đến một giờ, nghĩa là nếu đi bộ sẽ mất nguyên ngày. Đừng có
tưởng gì lung tung, lúc mới đầu hầu hết mọi người toàn di chuyển dựa vào
đôi chân.
Vấn đề cần giải quyết — không, thách thức, không có vấn đề nào ở đây
hết — là mấy cái trại tị nạn. Có đến hàng trăm trại, có trại chỉ nhỏ ngang
bãi để xe, có trại trải rộng ra đến hàng dặm, phân bố rải rắc khắp các vùng
núi và bờ biển, chỗ nào cũng cần trợ giúp của chính phủ, toàn những khoản
bòn rút rất kinh đối với các nguồn tài nguyên đang cạn kiệt một cách nhanh
chóng. Trước khi lao vào đương đầu với các thách thức khác, việc dọn
trống mấy cái trại này phải là ưu tiên số một. Bất cứ ai thuộc loại F-6 nhưng
đủ khỏe mạnh trở thành lao động không chuyên: dọn dẹp gạch đá, thu
hoạch mùa màng, đào mộ. Cần đào rất nhiều mộ. Bất cứ ai A-1, những
người có kĩ năng thích hợp phục vụ cho chiến tranh gia nhập chương trình
CSSP của chúng tôi, hay còn gọi là Chương trình Tự cung Tự cấp Cộng
đồng (Community Self-Sufficiency Program). Một toán hướng dẫn viên ô
hợp được giao nhiệm vụ truyền lại cho đám dân văn phòng suốt ngày ngồi
một chỗ, bằng cấp đầy người những kiến thức cần thiết để tự sinh tồn được.
Thành công vang dội. Trong vòng ba tháng lượng yêu cầu trợ cấp chính
phủ giảm đáng kể. Tôi không thể nào nói hết được cái này quan trọng đối
với chiến thắng của ta như thế nào. Nó giúp chúng tôi chuyển từ nền kinh tế
sinh tồn, tổng bằng không sang nền sản xuất chiến tranh toàn diện. Đây
chính là Đạo luật Tái giáo dục Quốc gia, qui trình phát triển tự nhiên của
CSSP. Tôi có thể nói đây là chương trình huấn luyện việc làm lớn nhất kể từ
Chiến tranh Thế giới Thứ hai, thậm chí có thể còn là cấp tiến nhất trong lịch
sử nước ta.
Thỉnh thoảng đã có lúc ông nhắc đến những vấn đề NRA phải đối
mặt…
Tôi đang chuẩn bị nói đến phần đấy đây. Ngài tổng thống trao cho tôi
quyền lực tôi cần để đối mặt với bất cứ thách thức nào về mặt vật chất cũng
như hậu cần. Thật không may, thứ mà ngay cả ngài ấy cũng như bất cứ ai
trên đời không thể trao cho tôi đó là quyền lực thay đổi cách nghĩ của người
khác. Như tôi đã giải thích, nước Mỹ có một nguồn lực lao động bị phân
hoá và trong nhiều trường hợp, sự phân hóa đó có bao hàm chút yếu tố văn
hóa. Trong số các huấn luyện viên của chúng tôi, rất nhiều người là dân
nhập cư thế hệ đầu. Đây là những người biết tự lo cho mình, biết cách sinh
tồn với rất ít nguồn lực và lao động dựa trên những thứ sẵn có. Đây là
những người sân sau có vườn tược, những người tự sửa nhà, những người
giữ được cho đồ dùng điện máy chạy được lâu hết mức có thể. Việc những
người này dạy cho số còn lại cách từ bỏ lối sống tiêu dùng thoải mái, ăn sãn
là tối quan trọng mặc dù chính thành quả lao động của họ lại là thứ đã giúp
ta duy trì lối sống đó.
Vâng, phân biệt chủng tộc có tồn tại, nhưng cũng còn có cả phân biệt
giai cấp nữa. Anh là luật sư có chức quyền cao cho một công ti. Cả đời anh
chỉ xem xét hợp đồng, môi giới các giao dịch, nói chuyện trên điện thoại.
Đó là sở trường của anh, đó là thứ đem lại tiền của cho anh và là thứ cho
phép anh bỏ tiền ra thuê thợ đến sửa toa lét, giúp anh tiếp tục ngồi nói
chuyện điện thoại. Anh càng làm nhiều, anh càng kiếm được nhiều, anh
càng thuê được nhiều người để giúp anh không bị lãng phí thời gian và đi
kiếm được thêm nhiều tiền hơn. Đời là như vậy đó. Nhưng một ngày kia nó
đổi khác. Không ai cần người xem lại một hợp đồng hay môi giới một giao
kèo mới. Nó chí cần toa lét được sửa. và đột nhiên người làm công kia lại
trở thành thầy giáo hay thậm chí là sếp của anh. Với vài người, điều này
còn đáng sợ hơn lũ thây ma.
Có một lần, trong chuyến đi thực tế xuyên LA, tôi ngồi cuối một lớp tái
giáo dục. Tất cả học viên đều đã từng nắm giữ các chức vụ cao trong ngành
giải trí, một mớ tạp nham bao gồm người đại diện, quản lí, “giám đốc điều
hành sáng tạo”, chả hiểu là cái chức gì nữa. Tôi hiểu sự miễn cưỡng, sự
kiêu căng của họ. Trước chiến tranh, ngành giải trí là mặt hàng xuất khẩu
đáng giá của Mỹ. Giờ họ lại đang được huấn luyện để trở thành bảo vệ cho
một cơ xưởng vũ khí ở Bakersfield, California. Có một bà giám đốc tuyển
diễn viên nổi khùng lên. Sao họ lại dám sỉ nhục bà ta như vậy! Bà có bằng
MFA về lĩnh vực Khái niệm Sân khấu, bà ta đã tuyển diễn viên cho ba bộ
phim truyền hình đạt doanh thu cao nhất trong năm phần vừa qua và giảng
viên của bà ta có làm suốt mấy đời cũng không thể mơ thấy số tiền bà ta
kiếm được trong một tuần! Bà ta cứ liên tục lôi tên cúng cơm của giảng
viên minh ra mà réo. “Magda,” bà ta liên tục nói, “Magda, đủ lắm rồi.
Magda, cho tôi xin.” Mới đầu tôi tưởng bà ta chỉ đang tỏ thái độ thô lỗ thôi,
hạ nhục giảng viên thông qua việc không sử dụng chức danh của cô ấy. Sau
này tôi mới biết cô Magda Antonova từng dọn dẹp nhà cửa cho bà này.
Vâng, vài người rất khó chấp nhận chuyện đó, nhưng rất nhiều người trong
số họ sau này thú nhận rằng công việc mới khiến họ cảm thấy thỏa mãn hơn
so với những gì tương tự như nghề cũ của họ.
Tôi có làm quen với một người trên chuyến phà ven biển đi từ Portland
đến Seattle. Ông từng làm ở bộ phận cấp phép của một công ti quảng cáo,
chuyên quản lí việc mua lại bản quyền các ca khúc nhạc rock kinh điển để
dùng cho quảng cáo trên ti vi. Giờ ông là thợ nạo ống khói. Do phần lớn các
ngôi nhà ở Seattle đã mất hệ thống sưởi trung tâm và mùa đông giờ ngày
càng dài và lạnh, ông rất ít khi phải ngồi không. “Tôi giúp hàng xóm mình
giữ ấm,” ông nói đầy tự hào. Tôi biết nói thế này nghe hơi bị Norman
Rockwell quá, nhưng tôi liên tục nghe được những câu chuyện như thế.
“Thấy mấy đôi giày kia không, tôi làm đấy,” “Nhìn cái áo len kia kìa, làm
từ lông lũ cừu nhà tôi đấy,” “Thích mớ ngô chứ? Từ vườn tôi mà ra đấy.”
Thành quả này có được nhờ một hệ thống mang tính địa phương hơn. Nó
mang lại cho mọi người cơ hội được chứng kiến thành quả lao động của
mình, đem lại cho họ cảm giác tự hào cá nhân khi biết họ đang có những
đóng góp cụ thể, rõ ràng cho thắng lợi và nó cho tôi cảm thấy mình là một
phần trong số đó. Tôi cần cái cảm xúc đó. Nó giúp giữ tôi tỉnh táo để thực
hiện những nhiệm vụ khác của mình.
Nói về “tài năng” thế là đủ rồi. “Công cụ” là những vũ khí chiến tranh,
và những phương thức để sản xuất ra những thứ vũ khí đó, về mặt công
nghiệp hoặc hậu cần.
[Ông xoay ghế, chỉ vào một tấm ảnh phía trên bàn. Tôi nghiêng
người gần lại và thấy rằng đó không phải ảnh mà là một cái nhãn được
đóng khung.]
Các thành phần:
Mật từ Mỹ
Đại hồi từ Tây Ban Nha
Cam thảo từ Pháp
Vani (rượu whisky ngô) từ Madagascar
Quế từ Sri Lanka
Đinh hương từ Indonesia
Lộc từ Trung Quốc
Dầu tiêu từ Jamaica
Dầu nhựa thơm từ Peru
Và đó mới chỉ đủ cho một chai nước hoa quả trong thời bình. Chúng ta
còn chưa đả động đến những thứ như máy tính hay tàu sân bay chạy bằng
năng lượng hạt nhân.
Cứ thử hỏi một người bất kì xem quân Đồng minh giành thắng lợi trong
cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ hai như thế nào. Những ai không biết nhiều
sẽ trả lời đó là do quân số hay tài lãnh đạo của ta. Những người không biết
gì hết sẽ bảo là nhờ những kì quan công nghệ như ra đa và bom nguyên tử.
[Nhăn mặt.] Bất cứ ai với dù chỉ những hiểu biết sơ đẳng nhất về cuộc
chiến đó sẽ nêu ra cho anh ba lí do thực sự: đầu tiên đó là khả năng sản xuất
ra nhiều trang thiết bị hơn: nhiều đạn dược, đậu, và băng gạc hơn phe địch;
thứ hai là các tài nguyên thiên nhiên có sẵn để sản xuất ra các thứ trang
thiết bị đó; và thứ ba, các phương tiện hậu cần giúp chuyên chở những thứ
tài nguyên đó đến nhà máy và cả chuyên chở những sản phẩm hoàn chỉnh
được xuất xưởng ra tiền tuyến. Quân đồng minh có nguồn tài nguyên, có
phân xưởng công nghiệp, và nguồn lực hậu cần của cả hành tinh. Mặt khác,
phe Phát xít phải sống dựa vào những thứ tài nguyên hiếm hoi chúng kiếm
được trong khu vực lãnh thổ của mình. Lần này chúng ta là phe Phát xít.
Bọn thây ma kiểm soát phần lớn phần đất liền trên thế giới, trong khi hoạt
động sản xuất chiến tranh của nước Mỹ dựa trên những gì thu hoạch được
trong phạm vi những bang miền Tây. Đừng mất công nghĩ đến nguyên liệu
thô từ các vùng an toàn ở các nước khác; hạm đội tàu giao thương của ta
đang mang dân tị nạn chật kín khoang trong khi hầu hết lực lượng hải quân
đều đang phải nằm lại ở cảng do thiếu thốn nhiên liệu.
Chúng ta cũng có vài lợi thế. Căn cứ nông nghiệp ở California ít nhất
cũng có thể xóa bỏ nạn đói nếu tái cấu trúc lại được. Mấy tay trồng quýt
không chịu yên lặng ra đi, cả đám chủ trang trại cũng thế. Mấy trùm thịt bò
nắm trong tay rất nhiều đất màu mỡ có tiềm năng nông nghiệp mới là tệ hại
nhất. Anh đã nghe đến cái tên Don Hill chưa? Đã xem bộ phim Roy Elliot
làm dựa trên hắn chưa? Khi ấy bệnh dịch lây đến thung lũng San Joaquin,
bọn thây ma tràn quà hàng rào nhà hắn, tấn công lũ gia súc, xé xác chúng ra
như kiến lửa Châu Phi vậy. Và hắn đứng ngay giữa trung tâm, vừa bắn vừa
gào rống như Gregory Peck trong phim Duel in the Sun. Tôi làm việc với
hắn một cách rất công khai, trung thực. Cũng như với những người khác, tôi
đưa cho hắn hai lựa chọn. Tôi nhắc cho hắn nhớ rằng mùa đông đang đến
và vẫn còn đang rất nhiều người chết đói lang thang ngoài kia. Tôi cảnh báo
hắn rằng khi đám người tị nạn đói khát đến hoàn thành nốt công việc bọn
thây ma đã khởi xướng, hắn sẽ không được chính phủ bảo hộ. Hill là một
tay cứng đầu, gan dạ nhưng hắn không ngu. Hắn đồng ý giao lại đất đai và
đám gia súc của hắn với điều kiện là không ai đụng vào con giống của hắn
và những người khác. Chúng tôi đồng ý.
Thịt nướng mềm mại, ngon ngọt — anh còn có thể nghĩ ra một biểu
tượng nào khác thích hợp hơn cho cái lối sống thời tiền chiến của ta không?
Và chính cái lối sống ấy đã trở thành lợi thế thứ hai của ta. Nguồn tài
nguyên của ta chỉ có thể được bổ túc bằng cách tái chế. Điều này chẳng có
gì là mới cả. Bên Israel đã bắt đầu thực hiện chuyện ấy ngay khi họ đóng
cửa biên giới và kể từ đó quốc gia nào cũng áp dụng hình thức này không
theo cách này thì cách khác. Tuy nhiên, khối lượng tái chế dự trữ của họ
không thể nào sánh với những gì ta có. Cứ thử nghĩ về cuộc sống ở nước
Mỹ thời tiền chiến đi. Ngay cả những người thuộc dạng trung lưu cũng đều
được tận hưởng hoặc coi là dĩ nhiên một mức độ tiện nghi về vật chất mà
bất cứ quốc gia nào ở bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử đều chưa từng nghe
đến. Chỉ tính riêng ở lưu vực Los Angeles, số lượng áo quần, đồ làm bếp,
đồ điện tử, xe cộ đã gấp ba lần số dân thời trước chiến tranh rồi. Mỗi ngôi
nhà, mỗi khu vực đều có đến hàng triệu chiếc xe ra vào. Chúng ta có cả một
ngành công nghiệp với hơn trăm ngàn người làm việc ba ca một ngày, bảy
ngày một tuần: thu thập, phân loại, tháo dỡ, lưu trữ và chuyển các bộ phận,
mảnh miếng đến các nhà máy ở ven biển. Cũng có chút rắc rối, như mấy tay
chăn gia súc, chẳng ai lại muốn đem giao nộp chiếc Hummer hay mấy chiếc
xe Ý cổ. Buồn cười thật, chẳng còn tí xăng nào để chạy chúng nhưng người
ta vẫn cứ cố giữ lấy. Tôi cũng không bận tâm chuyện đó mấy. So với mấy
căn cứ quân sự thì đối phó với họ đúng là một ân huệ.
Trong số các đối thủ của tôi, đám khó nhằn nhất có lẽ là những người
mặc quân phục. Tôi không có quyền kiểm soát trực tiếp bất cứ bộ phận
R&D nào của họ, họ được thoải mái bật đèn xanh cho bất cứ thứ gì họ
muốn. Nhưng do hầu hết các chương trình của họ đều được giao cho các
nhà thầu dân sự và các nhà thầu ấy lại cần đến nguồn tài nguyên do
DeStRes kiểm soát, tôi mới là người nắm quyền kiểm soát thực sự. “Ông
không thể đem vứt xó chỗ Máy bay Ném bom Tàng hình của chúng tôi
được,” họ gào lên. “Ông là cái của khỉ gì mà dám ngưng việc sản xuất xe
tăng của chúng tôi?” Mới đầu tôi còn tìm cách tranh luận với họ: “Mấy
chiếc M-1 Abram có động cơ phản lực. Anh lấy đâu ra nhiên liệu cho nó
bây giờ? Tại sao lại cần máy bay tàng hình để chống lại một kẻ địch không
có ra đa?” Tôi cố làm cho họ hiểu rằng cứ dựa trên những gì ta có so với
những gì chúng ta đang phải đối mặt, đơn giản là lượng vốn bỏ ra phải đem
lại mức lợi nhuận cao nhất, còn theo cách nói của họ là đáng đồng tiền bát
gạo nhất. Họ thật không thể chịu đựng nổi, cứ gọi điện liên tục hoặc xông
thẳng lên văn phòng tôi mà không thèm hẹn trước. Chắc tôi cũng không thể
trách cứ gì được họ, nhất là sau cái cách chúng ta đối xử với họ sau cuộc
xung đột biên giới vừa rồi, và đặc biệt không thể sau khi họ bị giần cho tơi
bời ở Yonkers. Họ đang đứng trên bờ vực sụp đổ, và rất nhiều người cần
chỗ xả giận.
[Ông cười tự tin.]
Tôi bắt đầu sự nghiệp của mình trên sàn giao dịch ở NYSE, vậy nên tôi
có thể quát to và dai ngang bất cứ ông trung sĩ huấn luyện chuyên nghiệp
nào. Sau mỗi “cuộc họp”, tôi lại trông chờ một cuộc gọi, cái cuộc gọi mà từ
lâu tôi đã vừa sợ hãi vừa hi vọng được nhận: “Ông Sinclair, tổng thống đây,
xin cảm ơn sự cống hiến của ông và bây giờ chúng tôi sẽ không còn cần…”
[Cười.] Cuộc gọi ấy chẳng bao giờ đến. Chắc chẳng ai ham hố công việc
này.
[Nụ cười ông tắt dần.]
Tôi không có ý nói rằng tôi không phạm sai lầm. Tôi biết tôi hơi cứng
nhắc đối với Bộ phận Khinh khí cầu của không lực. Tôi không hiểu nổi các
giao thức an ninh của họ cũng như khinh khí cầu có người lái thì giúp ích
được gì trong chiến tranh chống thây ma. Tôi chỉ biết rằng do nguồn khí
heli có quá ít, thứ khí nâng đạt hiệu quả chi phí cao nhất là hidro và tôi sẽ
không đời nào phung phí nhân mạng hay của cải vào vào một cái hạm đội
Hindenburg thời hiện đại. Tôi cũng phải được đích thân ngài tổng thống
thuyết phục cho mở lại dự án nhiệt hạch lạnh đang thử nghiệm ở
Livermore. Ông nói rằng cho dù ít nhất cũng phải mấy thập kỉ nữa mới có
bước đột phá thì “lên kế hoạch cho tương lai sẽ cho người dân thấy họ vẫn
có tương lai.” Tôi quá bảo thủ đối với một số dự án, trong khi với các dự án
khác tôi lại quá phóng khoáng.
Dự án Áo Vàng — Giờ tôi vẫn thấy day dứt mỗi khi nghĩ về nó. Mấy
tay đầu to mắt cận ở Thung lũng Silicon Valley, toàn các thiên tài trong lĩnh
vực của mình, chính họ đã thuyết phục tôi rằng họ có một “vũ khí kì diệu”
mà trên lí thuyết có thể giúp giành chiến thắng chỉ trong vòng bốn mươi
tám tiếng kể từ khi được triển khai. Họ có thể chế tạo những tên lửa tí hon,
hàng triệu quả, kích thước ngang cỡ đạn rimfire 22 mili, có thể được phóng
dàn trải ra từ máy bay chuyên chở và rồi dùng vệ tinh nhắm vào não của
mọi con zombie ở Bắc Mỹ. Nghe kêu phết, đúng không? Cá nhân tôi thấy
thế.
[Ông tự lẩm bẩm.]
Cứ khi nào nghĩ về những gì mình đã đổ vào đó, những gì đáng ra
chúng ta đã có thể sản xuất được… ôiii… giờ nuối tiếc cũng vô ích.
Đáng ra trong suốt giai đoạn chiến tranh tôi đã phải đối đầu với quân
đội, nhưng tôi rất mừng là cuối cùng tôi đã không phải làm vậy. Khi Travis
D’Ambrosia trở thành chủ tịch Bộ Tham Mưu, ông ấy không chỉ đề ra tỉ lệ
39
tài-nguyên-trên-hiệu-suất-tiêu-diệt, viết tắt là RKR
mà còn đưa ra cả một
chiến lược bao hàm để thực hiện nó. Tôi luôn lắng nghe mỗi khi ông bảo tôi
một loại vũ khí nào đó nắm vai trò chiến lược. Tôi rất tin cậy ý kiến của ông
về những vấn đề như Quân phục Chiến đấu mới hay Súng trường Bộ binh
Tiêu chuẩn.
Điều tuyệt vời nhất đó chính là văn hóa RKR bắt đầu được lan truyền
dần trong hàng ngũ quân đội. Trên các con phố, quầy rượu, trên tàu anh có
thể nghe thấy lính tráng bàn tán; “Tại sao phải dùng X khi với cùng một giá
sản xuất ra được chục cái Y mà lại có thể giết được nhiều Z hơn đến hàng
trăm lần.” Hội nhà binh bắt đầu tự phát kiến ra những ý tưởng, chế tạo ra
nhiều công cụ đem lại hiệu quả chi phí cao hơn bất cứ thứ gì chúng tôi hình
dung ra được. Tôi nghĩ họ khoái như thế lắm — sáng chế, thích ứng lại,
nghĩ xa hơn đấm quan chức chúng tôi. Bên lục quân làm tôi ngạc nhiên
nhất. Tôi trước giờ vẫn cứ nghĩ họ toàn lũ Neanderthal đầu khấc trán ngắn,
vung tay đánh đấm, mồm mép cứng đơ, dư thừa testosterone. Tôi không
ngờ nổi rằng lực lượng này luôn phải lấy đồ ở bên thủy quân, và vì các vị
đô đốc chẳng bao giờ mặn mà gì lắm với chiến tranh trên cạn nên ứng biến
luôn là một trong những phẩm chất được trọng vọng nhất của họ.
[Sinclair chỉ về phần tường đối diện phía trên đầu tôi. Trên đấy có
treo một cây gậy sắt nặng trịch, phía đuôi là một thứ gì đó lai tạp giữa
xẻng và rìu chiến hai lưỡi. Tên chính thống của nó là Dụng cụ Đào hào
Bộ binh Tiêu chuẩn, tuy nhiên phần lớn lại gọi nó là “Gậy thông não”
hay đơn giản chỉ là cái “Thông não.”]
Hội lính lục quân chế ra cái đó đấy, chỉ dùng có mỗi thép tái chế được
từ xe hơi. Trong thời chiến chúng ta sản xuất ra hơn hai mươi ba triệu chiếc.
[Ông mỉm cười đầy hãnh diện.]
Và bây giờ chúng vẫn được sản xuất thêm.
BURLINGTON, VERMONT
[Mùa đông năm nay đến muộn hơn. Kể từ khi chấm dứt chiến
tranh, năm nào nó cũng đến muộn như vậy. Tuyết phủ trắng các ngôi
nhà cũng như các khu nông trại quanh đó, đóng băng cây cối lại và che
đi con đường đất cạnh bờ sông. Nơi đây mọi thứ trông đều thật thanh
bình, ngoại trừ cái người đàn ông đang đi bên cạnh tôi. Ông nhất quyết
bắt tôi gọi ông là “lão khùng” bởi vì “ai cũng gọi tôi như thế, khách khí
làm gì?” Ông bước đi rất nhanh nhẹn và mạnh bạo, chiếc gậy mà vị
bác sĩ (kiêm vợ ông) đưa cho chỉ được dùng để khua khoắng lung
tung.]
Thật tình mà nói, tôi chẳng ngạc nhiên khi mình được đề cử vào vị trí
phó tổng thống. Ai cũng biết một đảng liên hiệp là điều không thể tránh
khỏi. Tôi là một ngôi sao sáng, ít nhất là cho đến khi tôi “tự hủy.” Họ nói
tôi như thế đúng không? Toàn lũ chết nhát và đạo đức giả, thà chết chứ
không dám nhìn một người đàn ông thực thụ thể hiện đam mê của mình.
Nếu tôi không phải chính trị gia đệ nhất thế giới thì đã sao? Tôi nói những
gì tôi cảm nhận được, và tôi không ngại nói toạc móng heo ra. Đây là một
trong những lí do chính khiển tôi trở thành một lựa chọn hợp lí cho vi trí
phụ lái. Chúng tôi phối hợp rất ăn ý; ông ấy là nguồn sáng, tôi là nguồn
nhiệt. Đảng phái khác nhau, tính cách khác nhau, và nói thẳng ra là cả màu
da cũng khác nhau nữa. Tôi biết mình không phải lựa chọn số một. Tô biết
bên đảng của tôi muốn ai lên. Nhưng nước Mỹ chưa sẵn sàng đi xa đến thế,
mặc dù nó nghe thật là ngu si, xuẩn ngốc và cực kì cổ hủ. Họ thà để một tay
cấp tiến phổi bò lên làm phó tổng thống còn hơn ai đó trong số “những
người kia.” Vậy nên tôi không ngạc nhiên chuyện mình được đề cử. Tôi
ngạc nhiên với tất cả mọi thứ khác.
Ý ông là các cuộc bầu cử à?
Bầu cử? Honolulu vẫn chẳng khác nào cái nhà thương điên; binh lính,
thượng nghị sĩ, người tị nạn, ai nấy đều cứ chạy loạn hết cả vào với nhau để
kiếm thức ăn, chỗ ngủ hay tìm hiểu xem cái quái gì đang xảy ra. Và so với
khu vực đất liền thì đây còn là thiên đường. Phòng tuyến Rocky vừa mới
được thiết lập; toàn bộ khu vực phía Tây của nó là vùng chiến sự. Tại sao
phải mất công bầu cử lằng nhằng nếu có thể bắt Quốc hội bỏ phiếu ủng hộ
gia hạn quyền lực trong trường hợp khẩn? Tổng chưởng lí đã thử cách này
khi hắn còn là thị trưởng New York, và cũng tí nữa thì thành công. Tôi giải
thích với tổng thống rằng chúng ta không có đủ nhân lực cũng như tài
nguyên để làm bất cứ thứ gì khác ngoài đấu tranh sinh tồn.
Ông ấy nói gì?
Ờ thì, đại khái là thuyết phục tôi thay đổi suy nghĩ.
Ông có thể giải thích thêm không?
Tôi giải thích được, nhưng tôi không muốn trích sai lời ông ấy. Đống
nơ-ron già cỗi này giờ không còn hoạt động được như xưa nữa.
Xin ông hãy cứ thử.
Anh sẽ đến thư viện kiểm chứng lại chứ?
Tôi xin hứa.
Rồi… chúng tôi đang ở trong văn phòng tạm thời của ông, cái khách
sạn đóng vai “dinh tổng thống”. Ông vừa được tuyên thệ nhậm chức trên
chiếc Không Lực Hai. Sếp cũ của ông ta đang được nghỉ dưỡng ở phòng
bên cạnh. Từ cửa sổ anh có thể chứng kiến khung cảnh hỗn loạn trên phố,
cảnh thuyền ngoài khơi xếp hàng chuẩn bị cập cảng, cảnh máy bay hạ cánh
cứ ba mươi giây một chiếc và đội thợ máy dưới mặt đất đưa chúng ra khỏi
đường băng để lấy chỗ cho các chiếc khác. Tôi chỉ về phía đó, vừa chỉ trỏ
vừa lớn giọng thể hiện cái nhiệt huyết trứ danh của mình. “Chúng ta cần có
một chính phủ ổn định, và cần gấp!” Tôi nói đi nói lại. “Trên lí thuyết thì
bầu cử cũng ổn nhưng giờ không phải lúc lôi lí tưởng cao xa ra.”
Ngài tổng thống rất bình tĩnh, bình tĩnh hơn tôi nhiều. Chắc nhờ được
huấn luyện trong quân đội… ông nói với tôi, “Đây là lúc duy nhất ta cần
viện đến lí tưởng cao xa bởi vì giờ ta chỉ còn có những lí tưởng ấy mà thôi.
Chúng ta không chỉ đẩu tranh để bản thân được sống sót, mà còn phải đấu
tranh để nền văn minh của chúng ta vẫn còn tồn tại được. Chúng ta không
có trụ cột nâng đỡ. Chúng ta không có di sản kế thừa chung, không có lịch
sử hàng triệu năm. Gắn kết chúng ta chỉ có những mơ ước và hứa hẹn. Tất
cả những gì chúng ta có… [cố hồi tưởng lại]… tất cả những gì chúng ta có
là những gì chúng ta muốn trở thành.” Anh hiểu ý ông ấy chứ. Đất nước
này chỉ tồn tại bởi vì nhân dân tin vào nó, và nếu nó không đủ mạnh mẽ để
bảo vệ chúng ta trong lúc nguy biến như thế này thì nó còn tương lai gì để
mà hi vọng gì được nữa? Ông ấy biết nước Mỹ cần có một Caesar, nhưng
trở thành một người như thế sẽ đặt dấu chấm hết cho nước Mỹ. Họ nói thời
thế tạo anh hùng. Tôi không tin thế. Tôi đã chứng kiến rất nhiều sự yếu
đuối, rất nhiều những thứ nhơ bẩn. Những người đáng ra phải xông pha
gánh vác thì lại không thể hoặc không dám làm. Lòng tham, nỗi sợ hãi, sự
ngu xuẩn, và lòng căm thù. Tôi đã chứng kiến những điều ấy từ trước đến
nay, bây giờ tôi vẫn bắt gặp. Sếp tôi là một con người vĩ đại. Chúng ta thật
may tận mạng mới có được ông ấy.
Việc bầu cử đã định hướng cho toàn bộ bộ máy chính quyền của ông.
Rất nhiều đề xuất ông đưa ra mới đầu nghe rất điên rồ, nhưng một khi
chúng ta đi qua được lớp lang đầu tiên, anh sẽ nhận ra rằng dưới đó tồn tại
một lôgíc cốt lõi không thể bác bỏ được. Cứ nhìn vào đống luật trừng phạt
mới xem, cái mớ đó làm tôi phát điên. Nhốt người ta vào cũi? Vụt roi công
khai ngay giữa quảng trường!?! Quái gì đây, Old Salem à, Afghanistan của
Taliban à? Nghe thật mọi rợ, thật không giống bản chất người Mỹ chút nào,
nhưng khi thực sự đầu tư suy nghĩ về các lựa chọn thì lại khác. Biết làm gì
với lũ trộm cắp bây giờ, tống chúng vào tù à? Làm thế giúp gì được cho ai?
Sao lại có thể bắt những công dân có khả năng lao động đi nuôi ăn, nuôi
mặc và canh gác các công dân có khả năng lao động khác? Quan trọng hơn,
tại sao lại loại bỏ hình phạt trong khi chúng có thể trở thành vật cản hữu
dụng đến vậy? Vâng, người ta sợ đau đớn — sợ đòn roi, sợ gậy gộc —
nhưng nó chưa là gì khi so với bị lăng nhục trước công chúng. Ai cũng sợ
tội lỗi của mình bị phanh phui. Khi mọi người đang đoàn kết lại, giúp đỡ
lẫn nhau, tìm cách bảo vệ và chăm lo cho nhau, không hình phạt gì có thể tệ
bằng việc dắt người ta ra giữa quảng trường với cái biển to đùng ghi chữ
“Tôi Trộm Củi Của Hàng Xóm.” Nỗi nhục là một vũ khí rất mạnh, nhưng
nó phụ thuộc vào việc liệu mọi người có làm việc tử tế không. Không ai
được phép đứng trên pháp luật, và được chứng kiến cảnh một thượng nghị
sĩ ăn mười lăm roi do trục lợi chiến tranh có thể giúp giảm tỉ lệ phạm tội tốt
hơn là cho cảnh sát đứng trực khắp các nẻo đường. Ừ thì cũng có các băng
nhóm, nhưng đây là lũ hay tái phạm, đã được cho rất nhiều cơ hội rồi. Tôi
vẫn nhớ quan chưởng lí có đề xuất rằng chúng ta tống hết chúng vào vùng
bị nhiễm bệnh, đỡ cho ta phải hao phí nhân lực và không phải lo đối phó
với những mối hiểm họa tiềm tàng khi chúng còn ở đây. Cả ngài tổng thống
và tôi đều phẩn đối đề xuất ấy; tôi phản bác dựa trên cơ sở đạo đức, của
tổng thống dựa trên cơ sở thực tiễn. Đây vẫn là đất thuộc lãnh thổ của Mỹ,
đúng là có bị nhiễm bệnh đấy, nhưng ta vẫn hi vọng có một ngày giải phóng
được. “Chúng ta thực sự không muốn,” ông nói “phải đối đầu với mấy tay
tù tội này khi chúng đã trở thành Tân Lãnh Chúa của Duluth.” Tôi cử tưởng
ông đang đùa nhưng về sau, khi đã được chứng kiến chuyện đó xảy ra ở
một số nước khác, chứng kiến cảnh những phạm nhân bị đày ra ngoài lên
nắm quyền kiểm soát những thái ấp cô lập và trong vài trường hợp là hùng
mạnh, tôi nhận ra chúng tôi vừa né được một một phát đạn rất hiểm. Đám
băng nhóm là cả một vấn đề đối với chúng tôi về mặt chính trị, xã hội và cả
kinh tế nữa, nhưng chúng tôi còn biết làm gì với những kẻ không muốn hợp
tác với người khác?
Ông có sử dụng hình phạt tử hình đúng không?
Chỉ những trường hợp cực đoan quá thôi: kích động nổi loạn, phá hoại,
âm mưu li khai chính trị. Zombie không phải kẻ thù duy nhất, ít nhất hồi
đầu là vậy.
Còn những người theo trào lưu chính thống thì sao?
Chúng tôi cũng có một số tay tôn giáo chính thống, có nước nào không
có đâu? Rất nhiều tên nghĩ rằng chúng ta đang làm trái với ý Chúa.
[Ông cười khẩy.]
Xin lỗi nhé, tôi phải biết giữ ý hơn, nhưng mà thật tình, chẳng lẽ đáng
sáng tạo tối cao của vô vàn vũ trụ lại để kế hoạch của mình bị vài anh Vệ
binh Quốc gia Arizona làm cho lung lay à?
[Ông vẩy tay xua suy nghĩ ấy đi.]
Chúng thu hút được chú ý dư luận nhiều hơn mức cho phép, tất cả chỉ vì
thằng điên đó định ám sát tổng thống. Thực chất, chúng là mối nguy với
chính mình nhiều hơn, cứ nhìn vào mấy vụ tự sát tập thể, mấy vụ giết trẻ
con “nhân đạo” ở Medford đó… toàn chuyện kinh khủng. Bọn “Greenies”,
phiên bản cánh trái của lũ chính thống cũng chẳng hơn gì. Chúng tin rằng vì
thây ma chỉ ăn thịt thú vật nhưng lại không chạm vào cây cối nên ý chỉ của
“Thánh Nữ” là phải đặt thực vật lên trên động vật. Chúng gây rối một chút,
đỏ thuốc diệt cỏ vào nguồn cung cấp nước của thành phố, đặt bẫy trên cây
để ngăn không cho thợ đốn gỗ sử dụng chúng phục vụ sản xuất chiến tranh.
Cái thể loại khủng bố sinh thái này lên báo ầm ầm nhưng không ảnh hưởng
gì lắm đến an ninh quốc gia. Lũ Rebs thì lại khác: bọn li khai chính trị được
vũ trang, có tổ chức. Đây có lẽ là mối họa hiển hiện nhất đối với ta. Đây
cũng là lần duy nhất tôi thấy ngài tổng thống lo lắng. Ông không để lộ ra,
giấu chúng dưới lớp mặt nạ ngoại giao trang nghiêm. Ở chỗ công cộng, ông
coi nó chỉ như một “vấn đề” kiểu chia lương thực hay tu sửa cầu đường.
Khi ở chỗ riêng tư ông nói… “Chúng phải được tiễu trừ nhanh chóng, dứt
khoát, và bằng mọi biện pháp.” Tất nhiên ông chỉ nói về những tay đang ở
trong vùng an toàn khu vực phía Tây. Lũ nổi loạn cực đoan này hoặc là
không ưa chính sách thời chiến của chính phủ hoặc đã định li khai từ mấy
năm trước rồi và chỉ mượn cuộc khủng hoảng này làm cái cớ. Đây chính là
“kẻ thù của quốc gia,” bè lũ thù trong mà bất cứ ai đã từng tuyên thệ bảo vệ
tổ quốc đều có nhắc đến trong lời thề của mình. Chúng tôi chẳng cần đắn đo
khi tim cách giải quyết thích hợp cho chúng. Nhưng bọn li khai ở phía đông
dãy Rocky, lũ đang ở trong các vùng bao vây bị cách li… đây mới là lúc
mọi thứ trở nên “phức tạp.”
Tại sao vậy?
Bởi vì, như người ta nói là “Chúng tôi không bỏ rơi nước Mỹ. Nước Mỹ
bỏ rơi chúng tôi.” Nó cũng có nhiều cái đúng. Chúng ta đã bỏ rơi họ. Đúng,
chúng ta có để lại một số chiến sĩ Biệt Kích tình nguyện, cố thử tiếp tế cho
họ bằng đường không và đường biển, nhưng đứng trên quan điểm đạo đức,
họ thực sự đã bị bỏ rơi. Tôi không thể trách chuyện họ muốn tự đi theo con
đường của mình, chẳng ai có quyền làm thế. Đó là lí do khi bắt đầu thu hồi
lại những vùng lãnh thổ bị mất, chúng ta đều cho các vùng đất li khai cơ hội
tái nhập hòa bình.
Nhưng bạo lực đã có xảy ra.
Giờ tôi vẫn còn gặp ác mộng, những nơi như Bolivar và Black Hills.
Tôi chưa từng được tận mắt thấy mấy bức ảnh, không thấy cảnh bạo lực hay
hậu quả của nó. Tôi lúc nào cũng thấy sếp mình, một con người cao lớn,
mạnh mẽ, tràn đầy sinh lực càng lúc càng yếu ớt, xanh xao. Ông đã trải qua
rất nhiều, vác trên vai cả một gánh nặng lớn lao. Anh có biết ông không hề
thử tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy đến với họ hàng mình ở Jamaica không?
Thậm chí còn không thèm hỏi. Ông dồn toàn tâm toàn trí vào vận mệnh
quốc gia, quyết tâm bảo vệ giấc mơ đã tạo nên nó. Tôi không biết liệu thời
thế có tạo ra anh hùng không, nhưng tôi biết nó có thể giết chết họ.
WENATCHEE, WASHINGTON
[Nụ cười của Joe Muhammad toe toét, rộng như đôi vai của anh
vậy. Mặc dù công việc chính của anh là chủ tiệm chủ hàng sửa xe đạp
của thị trấn, anh dành thời gian rảnh rỗi điêu khắc kim loại nóng chảy,
biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật tinh tế. Anh nổi tiếng
nhờ bức tượng đồng đặt phía trên khu thương xá ở Washington, D.C.,
đó chính là Đài tưởng niệm Đội An ninh Khu vực bao gồm hai công
dân đang đứng thẳng, và một người đang ngồi trong chiếc xe lăn.]
Cái cô tuyển dụng trông lo ra mặt. Cô ta cố tìm cách thuyết phục tôi từ
bỏ ý định. Tôi đã nói chuyện với đại diện bên NRA chưa? Tôi đã biết về
những công việc cần thiết phục vụ cho chiến tranh khác chưa? Mới đầu tôi
chẳng hiểu gì cả; tôi lúc bấy giờ đang làm trong một nhà máy tái chế. Đây
chính là mục đích của Đội An ninh Khu vực mà, đúng không? Đây là một
dịch vụ tình nguyện bán thời gian sau khi đi làm về. Tôi thử giải thích điều
này với cô ta. Chắc có gì đó tôi không hiểu. Trong khi cô ta còn đang viện
ra những lí do nửa mùa vớ vẩn, tôi để ý thấy cô ta đánh mắt về phía cái xe
lăn của tôi.
[Joe bị tàn tật.]
Anh tin nổi không? Nạn diệt chủng đang đến tận nhà gõ cửa mà con mụ
này còn muốn cư xử sao cho không khiếm nhã cơ à? Tôi cười. Tôi cười
thẳng vào mặt mụ ta. Sao, mụ ấy nghĩ tôi vác xác đến đây mà không biết
trước nhiệm vụ mình phải làm gì à? Cái con mụ đần độn này có thèm đọc
cẩm nang an ninh của mình không vậy? Tôi đọc rồi. Cái chương trình NST
này mục đích là để tuần tra khu phố của mình, đi bộ hoặc, như trong trường
hợp của tôi, lăn bánh dọc quanh các vỉa hè, dừng lại kiểm tra mỗi nhà. Nếu
vì bất cứ lí do gì mà phải đi vào trong nhà, ít nhất phải có hai thành viên
đứng đợi ngoài phố. [Chỉ về phía mình.] Đây! Và mụ ta nghĩ chúng ta
đang phải đối mặt với cái gì? Mình đâu phải nhảy rào hay chạy băng qua
sân bãi để đuổi theo chúng. Chúng tự mò đến chỗ chúng ta. Và khi chúng
làm vậy, cứ giả sử là chúng đến đông quá xử lí không nổi đi nhé? Mẹ kiếp,
nếu tôi không lăn nhanh được hơn bọn zombie, tôi sao mà thọ được đến tận
bây giờ? Tôi bình tĩnh trình bày trường hợp của mình một cách rất mạch
lạc, và thậm chí tôi còn thách mụ ta đưa ra một tình huống mà thể trạng của
tôi sẽ là một vấn đề. Mụ ta chịu. Mụ lẩm bẩm gì đó về việc phải hỏi lại ý
kiến CO của mụ, và hỏi rằng liệu mai tôi có thể quay lại không. Tôi không
chịu, tôi bảo với mụ rằng cứ gọi CO của mụ đi, và gọi cả CO của hắn hay
40
bất cứ ai, đến ngay cả lão Gấu cũng được, nhưng tôi sẽ không đi đâu hết
cho đến khi nào có được cái áo cam. Tôi quát to đến mức ai nấy trong
phòng đều nghe thấy hết. Mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía tôi, rồi về phía
mụ ta. Thế là xong. Tôi được nhận áo và đi ra khỏi đó sớm hơn bất cứ ai
khác trong ngày.
Như tôi đã nói, An ninh Khu vực là phải tuần tra khu phố. Đây là một
đơn vị bán quân sự; chúng tôi phải đi nghe giảng và tham gia khóa huấn
luyện. Có chỉ huy và các điều lệ, nhưng chúng tôi chẳng bao giờ phải giơ
tay chào hay gọi người ta là “ngài” hay thứ gì đại loại như thế. Gàn như
cũng không có qui định gì về việc vũ trang cả. Hầu hết là đồ đánh giáp lá cà
— rìu, gậy, mấy cái xà beng và dao phay — chúng tôi lúc đó chưa có cái
Thông não. Trong đội ít nhất phải có ba người mang súng. Tôi mang khẩu
AMT Lightning, súng cạc bin bán tự động bắn đạn .22 mili. Nó không bị
giật nên tôi có thể bắn mà không cần phải khóa bánh lại. Đây là một khẩu
súng tốt, nhất là khi đạn dược được tiêu chuẩn hóa và vẫn còn có bán.
Nhân sự các đội thay đổi tùy theo lịch của mọi người. Hồi đó mọi thứ
khá hỗn loạn, DeStRes đã tái cơ cấu mọi thứ. Ca đêm khá khó nhằn. Người
ta đã quên rằng ban đêm nó thực sự tối như thế nào khi không có đèn
đường. Cũng chẳng có mấy ánh đèn từ nhà dân rọi ra. Hồi đó mọi người đi
ngủ sớm lắm, thường cứ tối trời là lên giường rồi, vậy nên ngoài mấy ánh
nến hoặc nếu ai đó có giấy phép sử dụng máy phát điện, nếu chẳng hạn họ
đang làm công việc cần thiết phục vụ cho chiến tranh tại gia, thì nhà nào
cũng tối om. Đến cả trăng sao còn chẳng có, khí quyển chứa nhiều thứ rác
rưởi quá rồi. Chúng tôi dùng đèn pin đi tuần, loại đèn dân sự mua ngoài
hàng; hồi đó vẫn còn pin, đầu dán giấy bóng kính đỏ để bảo vệ tầm nhìn
đêm. Chúng tôi dừng lại ở mỗi khu nhà, gõ cửa, hỏi người đang ca gác xem
có vấn đề gì không. Mấy tháng đầu thì có hơi đáng sợ chút vì cái chương
trình tái định cư. Có nhiều người ra trại đến mức mỗi ngày có đến hàng
chục người hàng xóm mới, thậm chí là bạn ở cùng nhà.
Hồi trước chiến tranh, khi còn sống ở khu ngoại ô Stepford, tôi không
hề nhận ra chúng ta sung sướng thế nào. Tôi có thực sự cần một căn nhà
rộng gần nghìn mét vuông với ba phòng ngủ, hai phòng tắm, một căn bếp,
một phòng khách, một phòng làm việc và nguyên cái văn phòng không? Tôi
sống một mình được mấy năm thì đột nhiên một ngày có cả một gia đình
sáu người từ Alabama đến với thư từ của Bộ Gia Cư. Mới đầu kể cũng hơi
sợ sợ nhưng rồi quen nhanh lắm. Tôi không thấy phiền hà gì với gia đình
nhà Shannon, tên cái gia đình đó đó. Chúng tôi chung sống cũng hòa thuận,
và khi có người đứng gác tôi ngủ ngon hơn. Đây là một đạo luật mới cho
những người ở nhà. Luôn phải có một người làm gác đêm. Chúng tôi có ghi
danh hết họ lại để đẳm bảo đây không phải phường trộm cắp. Chúng tôi
xem chứng minh thư, xem mặt, hỏi xem mọi thứ quanh đây có yên ắng
không. Thường thì họ bảo là có, hoặc báo lại mấy tiếng ồn mà chúng tôi
phải đi kiểm tra. Đến năm thứ hai, khi người tị nạn không còn xuất hiện
thêm nữa và mọi người quen nhau hết rồi, chúng tôi chả buồn kiểm tra danh
sách với chứng từ gì hết nữa. Khi ấy mọi thứ bình ổn hơn. Còn cái năm đầu
tiên, khi bên cảnh sát vấn còn đang cải tổ lại và khu an toàn vẫn chưa hoàn
toàn được bình định…
[Rùng mình tạo hiệu ứng.]
Vẫn còn khá nhiều nhà bị bỏ hoang, lỗ chỗ vết đạn hoặc bị đột nhập vào
hoặc chỉ đơn giản là rỗng tuếch, cửa nẻo mở toang. Chúng tôi dấn băng
cảnh sát lên khắp các cửa, kể cả cửa sổ. Nếu có cái nào bị đứt, điều ấy nghĩa
là trong nhà có zombie. Chuyện đó có xảy ra mấy lần rồi. Tôi đợi ở ngoài,
súng lên đạn sẵn. Thỉnh thoảng có nghe thấy tiếng hét, đôi khi là tiếng súng.
Có lúc còn nghe thấy tiếng rên, tiếng xô đây, rồi sau đó đồng đội anh chui
ra, cầm theo thứ vũ khí dính đầy máu và một cái đầu vừa bị chặt. Bản thân
tôi cũng đã phải hạ vài con. Đôi lúc khi mà đồng đội tôi đang ở trong nhà
và tôi ở ngoài phố canh chừng, tôi nghe thấy tiếng động, tiếng vật lộn, tiếng
chà xát, như thế có thứ gì đang lết mình đằng sau bụi rậm. Tôi chiếu đèn
vào đó, gọi hỗ trợ và rồi hạ gục nó.
Có lần tí nữa tôi dính chưởng. Chúng tôi đang vào dọn dẹp một căn nhà
hai tầng: bốn phòng ngủ, bốn phòng tắm, đã bị sập mất ở chỗ cửa sổ phòng
khách, nơi có ai đó đã phóng nguyên cả con xe jíp Liberty qua. Cộng sự của
tôi xin phép đi giải quyết. Tôi để cô ấy chui ra sau chỗ bụi rậm. Tại tôi cả.
Tôi quá phân tâm, quá để ý đến những gì đang diễn ra trong nhà. Tôi không
chú ý đằng sau lưng. Đột nhiên tôi thấy xe mình bị giật giật. Tôi quay lại,
nhưng bánh phải đang bị cái gì đó tóm lấy. Tôi quành người, rọi đèn vào
chỗ đó. Một con “lê lết,” loại bị mất hết chân cẳng. Nó nằm trên đường gầm
gừ dọa tôi, tìm cách trèo lên xe. Cái xe lăn ấy đã cứu mạng tôi. Nó cho tôi
vừa đủ mấy giây để rút khẩu cạc bin ra. Nếu lúc ấy tôi đang đứng, có thể nó
đã tóm được mắt cá tôi hay thậm chí còn xin nguyên một miếng. Đây là lần
cuối cùng tôi buông lơi công việc của mình.
Zombie không phải là vấn đề duy nhất của chúng tôi. Còn có cả bọn
trộm cắp, không phải loại ra tù vào tội đã quen mà chỉ là những người đang
tìm cách sinh tồn. Đám lấn chiếm đất đai cũng vậy; hai trường hợp này
thường được giải quyết êm thấm. Chúng tôi đưa họ về, cung cấp những thứ
họ cần, để ý chăm lo cho họ cho đến khi người bên Gia Cư đến giải quyết
nốt.
Cũng có mấy tay trộm thực thụ, dân chuyên hẳn hoi. Đó là lần duy nhất
tôi bị thương.
[Anh vạch áo xuống, để lộ ra vết sẹo tròn to cỡ đồng mười xu thời
tiền chiến.]
Đạn chín li, xuyên qua vai phải. Đồng đội tôi đuổi hắn ra khỏi căn nhà.
Tôi ra lệnh cho hắn đứng lại. Đó là lần duy nhất tôi phải giết người, thật là
ơn Chúa. Khi đạo luật mới được đưa vào áp dụng, mấy thứ tội phạm thông
thường gần như tiệt hết.
Rồi còn cả bọn trẻ hoang nữa, anh biết đấy, mấy đứa nhóc vô gia cư mồ
côi cha mẹ. Chúng tôi thường thấy chúng nằm co quắp trong tầng hầm, tủ
quần áo, dưới gầm giường. Rất nhiều đứa đi bộ đến đây từ tận mạn phía
đông. Đứa nào cũng dặt dẹo, suy dinh dưỡng, ốm yếu. Rất nhiều lần chúng
bỏ chạy. Đó là những lần duy nhất tôi thấy không vui khi, anh biết đấy,
mình không đứng dậy đuổi theo được. Có người khác sẽ đuổi theo, đuổi kịp
khá nhiều, nhưng không phải lúc nào cũng thế.
Vấn đề lớn nhất là bọn quisling.
Quisling?
Ừ, anh biết đấy, cái lũ hóa dại xong bắt đầu hành xử như lũ zombie.
Anh có thể giải thích rõ hơn không?
Ờ thì, tôi không phải bác sĩ tâm lí nên tôi không biết nhiều thuật ngữ
lắm.
Thế cũng được.
Thì theo như cách hiểu của tôi, có một loại người không thể đối mặt với
những tình huống đánh-lại-hay-chết. Họ luôn bị thu hút về phía những gì họ
sợ hãi. Thay vì chống lại, họ muốn làm chúng hài lòng, muốn gia nhập hàng
ngũ của chúng, muốn trở thành chúng. Chắc đó là chuyện xảy ra trong các
vụ bắt cóc, anh biết đấy, như vụ của Patty Hearst hay hội chứng Stockholm,
hoặc là như trong chiến tranh bình thường, khi người dân nước bị xâm lược
lại gia nhập quân đội kẻ thù. Bọn cộng tác viên này đôi khi còn cực đoan
hơn cả những người chúng bắt chước, như lũ Phát xít Pháp đấy, một trong
số những quân đội cuối cùng của Hitler. Có lẽ đó là lí do chúng ta gọi bọn
41
đấy là quisling, hính như đây là từ gốc Pháp thì phải.
Nhưng trong cuộc chiến này không thể làm thế được. Anh không thể cứ
giơ tay đầu hàng và nói, “Ê, đừng giết tôi, tôi về phe các người.” Trong
cuộc chiến này không có vùng trung lập, không có chuyện đi lại. Chắc
người ta không chấp nhận được điều đó. Nó đẩy họ đi quá mức chịu đựng.
Họ bắt đầu hành xử như lũ zombie, rên rỉ như chúng, thậm chí còn tấn công
và tìm cách ăn thịt người khác. Chúng tôi phát hiện trường hợp đầu tiên như
vậy đó. Hắn là một gã đàn ông trưởng thành, tầm ngoài ba mươi. Hắn trông
bẩn thỉu, loạng choạng lê bước dọc vỉa hè. Chúng tôi tưởng hắn chỉ đang bị
sốc thôi, cho đến khi hắn cắn vào tay một người trong đội tôi. Mấy giây ấy
thật kinh khủng. Tôi hạ thằng Q ấy với một phát súng vào đầu và rồi quay
sang phía đồng đội mình. Anh ta sụp xuống bên vệ đường, chửi bới loạn xạ,
nước mắt nước mũi tùm lum, mắt không dứt ra được khỏi cái vết cắn nham
nhở chỗ cẳng tay. Đây là án tử và anh ta biết điều đó. Anh ấy đang chuẩn bị
tự xử thì chúng tôi phát hiện ra ở chỗ đầu cái tên tôi vừa bắn hạ đang có
máu đỏ phun ra xối xả. Khi sờ thử người thì thấy hắn vẫn còn ấm! Anh phải
chứng kiến cảnh tay đồng đội tôi tí thì phát điên. Đâu phải ngày nào cũng
được đấng tối cao trên trời ban phước lành. Nản cái là tay này cũng tí nữa
thì ngỏm. Thằng kia mồm nhiều vi khuẩn đến mức súy khiến tay kia tử
vong do nhiễm khuẩn tụ cầu.
Chúng tôi cử tưởng mình vừa phát hiện ra điều gì mới lạ nhưng hóa ra
chuyện này đã có lâu rồi. Phía CDC đang sắp sửa công bố rộng rãi cho toàn
dân. Họ thậm chí còn cử cả một chuyên gia đến từ Oakland để hướng dẫn
cho chúng tôi biết phải làm gì khi gặp chúng. Tôi sững sờ luôn. Anh có biết
quisling chính là lí do khiến nhiều người nghĩ họ miễn nhiễm không?
Chúng cũng là nguyên nhân giúp mấy thứ thần dược vớ vẩn kia được thổi
phồng đến thế. Thử nghĩ mà xem. Có ai đó dùng Phalanx, bị cắn nhưng vẫn
sống sót. Hắn còn biết nghĩ gì nữa? Hắn chắc còn chẳng biết quisling là cái
giống gì. Chúng cũng hung bạo như zombie và đôi lúc thậm chí còn nguy
hiểm hơn.
Tại sao vậy?
Xem nào, đầu tiên là chúng không bị đóng băng lại. Ý tôi là, ừ thì nếu
chúng tiếp xúc lâu với cái lạnh thì cũng có, nhưng trong điều kiện khí hậu
lạnh vừa vừa, nếu chúng vẫn còn mặc quần áo ấm thì chẳng sao hết. Chúng
cũng khỏe lên khi ăn thịt người khác. Không giống bọn zombie. Chúng có
thể cầm cự lâu dài được.
Nhưng anh có thế hạ gục chúng dễ dàng hơn mà.
Đúng và sai. Ta không cần phải nhắm vào đầu chúng; có thể nhắm vào
phổi, vào tim, vào bất cứ đâu và cuối cùng chúng sẽ chảy máu đến chết.
Nhưng nếu bắn một phát không hạ được chúng, chúng sẽ tiếp tục xông lên
cho đến khi nào chết thì thôi.
Chúng không thấy đau sao?
Còn lâu. Cái kiểu ý chí vượt trên tất cả ấy, khi anh dồn toàn tâm toàn trí
vào một việc gì đó thì anh có thể ngăn tín hiệu truyền lên não hãy đại loại
thế. Tốt nhất anh nên nói chuyện với một chuyên gia.
Xin cứ nói tiếp đi.
Được rồi, thì đấy, đó là lí do chúng tôi không bao giờ có thể thuyết phục
được chúng. Chẳng còn có thể nói năng gì được nữa. Họ là zombie, có lẽ về
bề ngoài thì không phải, nhưng về phía trong thì không khác biệt gì hết.
Thậm chí ngay cả nhìn bên ngoài cũng khó đoán nếu chúng trông bẩn thỉu
vừa đủ, máu me vừa đủ, bệnh hoạn vừa đủ. Zombie không nặng mùi lắm
đâu, nhất là nếu chúng đi tách bầy và vẫn còn mới. Làm thế nào mà phân
biệt được mấy tên giả mạo này với mấy cái bị thịt thối rữa kia? Sao làm
được. Bên quân đội có cho chúng tôi chó nghiệp vụ hay cái gì đâu. Anh
phải dùng mắt mà dò.
Thây mà không chớp mắt, tôi cũng chẳng hiểu vì sao. Chắc bởi vì giác
quan nào chúng cũng dùng ngang nhau nên não chúng không đánh giá cao
thị lực. Có thể bởi vì cơ thể chúng không có nhiều dịch nên chúng không
thể cứ dùng để làm ướt mắt. Ai mà biết được, nhưng chúng không chớp mắt
còn quisling thì lại có. Đó là cách nhận ra chúng; lùi lại vài bước và đợi
mấy giây. Lúc tối thì dễ hơn, chỉ cần chiếu đèn vào mặt chúng. Nếu chúng
mà không chớp mắt là hạ ngay.
Còn nếu có chớp thì sao?
Lệnh của chúng tôi là phải bắt sống bọn quisling nếu có thể, và chỉ sử
dụng vũ lực gây chết người khi cần phải tự vệ. Nói cái này ra nghe thật điên
rồ, bây giờ nó vẫn thế, nhưng mà chúng tôi có tóm được vài đứa, trói gô cổ
lại và đem giao nộp cho cảnh sát hoặc Vệ binh Quốc gia. Tôi chẳng rõ họ
làm gì với chúng. Tôi có nghe về Walla Walla, anh biết chứ, cái nhà tù nơi
có đến hàng trăm tên như vậy được cho ăn mặc và thậm chí còn chữa trị ấy.
[Anh đảo mắt lên trời.]
Anh không tán thành chuyện này sao.
Này này, tôi không muốn đả động gì đâu nhé. Anh muốn bới móc cái
đống bầy nhầy ấy thì cứ đi mà đọc báo đi. Năm nào cũng có một tay luật sư
hay linh mục hay chính trị gia tìm cách đổ thêm dầu vào lửa để phục vụ
mục tiêu của mình. Cá nhân tôi thì không quan tâm. Tôi chẳng có tí cảm
xúc gì đối với chúng cả. Tôi nghĩ điều đáng buồn nhất ở bọn này là chúng
đã từ bỏ quá nhiều thứ và rồi cuối cùng mất tất cả.
Tại sao vậy?
Bởi vì mặc dù chúng ta không phân biệt được chúng, bọn zombie thật
lại có thể. Còn nhớ hồi mới bước vào cuộc chiến, khi mọi người còn đang
tìm cách khiến cho lũ thây ma chống lại nhau không? Có cái “tài liệu minh
chứng” về các cuộc đấu đá nhau — có một số nhân chứng và thậm chí cả
một thước phim về hai con zombie ăn thịt lẫn nhau. Quá ngu xuẩn. Đấy là
bọn zombie tấn công quisling, nhưng nhìn thì ai mà biết được. Quisling
không hề kêu la. Chúng cứ nằm im đấy, thậm chí không thèm đánh lại,
chậm rãi, cứng nhắc quặn quại, bị chính cái sinh vật chúng muốn trở thành
ăn tươi nuốt sống.
MALIBU, CALIFORNIA
[Tôi chẳng cần nhìn ảnh cũng nhận ra đây là Roy Elliot. Chúng tôi
cùng đi uống cà phê ở quán Malibu Pier Fortress mới được khôi phục
lại. Những người ngồi quanh chúng tôi cũng nhận ra ông, nhưng khác
với thời tiền chiến, họ tôn trọng đứng cách ông ra.]
42
ADS, đó là kẻ thù của tôi: Hội chứng Suy sụp Vô triệu chứng , hoặc là
43
Hội chứng Tuyệt vọng Ngày tận thế , tùy theo người anh tiếp chuyện. Dù
tên nó có là gì đi chăng nữa thì trong mấy tháng đầu tiên, nó cướp đi nhiều
sinh mạng ngang ngửa nạn đói, bệnh dịch, xung đột giữa người với người
hay lũ thây ma. Mới đầu không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chúng ta vừa
mới bình ổn được dãy Rocky, chúng ta đã dọn sạch vùng an toàn, và vậy mà
hàng ngày số người chết vẫn lên tới gần cả trăm. Đây không phải tự tử, cái
đó chúng ta gặp nhiều. Không, cái này khác hẳn. Một số người bị mấy vết
thương nhẹ hoặc mắc bệnh dễ dàng chạy chữa; một số khỏe mạnh hoàn
toàn. Họ chỉ lên giường đi ngủ và sáng hôm sau thì không dậy nữa. Vấn đề
ở đây là tâm lí, người ta cứ thế đầu hàng, không muốn nhìn thấy ngày mai
vì biết rằng nó chỉ mang lại thêm nhiều đau đớn. Mất niềm tin, mất ý chí
chống chịu, cuộc chiến nào chuyện ấy chẳng xảy ra. Thời bình nó cũng xảy
ra, có điều là không ở quy mô như thế này. Đó chính là sự bất lực, hay ít
nhất là cảm giác mình đang bất lực. Tôi hiểu cái cảm giác đó. Cả đời tôi
làm đạo diễn phim. Họ gọi tôi là thần đồng, đứa bé thiên tài bất khả chiến
bại, mặc dù tôi đã rất nhiều lần thất bại.
Đột nhiên tôi trở thành một gã vô danh tiểu tốt, một tên F-6. Thế giới
đang hóa thành địa ngục và tất cả những tài năng được tán dương của tôi
đều không thể giúp ngăn chặn điều ấy. Khi tôi nghe về ADS, chính phủ vẫn
đang cố giữ im lặng vụ này — tôi phát hiện ra thông qua một đối tác ở
Cedars-Sinai. Khi nghe kể về nó, có cái gì đó chợt lóe lên. Nó giống như
lần đầu tôi làm cái phim ngắn Super 8 và chiếu cho ba mẹ tôi xem. Tôi
nhận thấy cái này mình làm được. Kẻ thù này tôi chống lại được!
Và ai cũng biết phần còn lại.
[Cười.] Tôi ước thế đấy. Tôi đến thẳng chỗ chính quyền, họ từ chối.
Thật vậy sao? Nhìn vào sự nghiệp của ông, tôi cứ tưởng…
Sự nghiệp nào? Họ cần lính và nông dân, những công việc đích thực,
còn nhớ không? Đại khái nó như thế này “Ôi, rất tiếc, không được đâu,
nhưng cho tôi xin chữ kí được không?” Vâng, tôi không phải loại dễ dàng
từ bỏ. Khi tôi tin mình có thể thực hiện được gì với tài năng của mình,
không có chuyện nói chữ “không”. Tôi giải thích với đại diện bên DeStRes
rằng Chú Sam sẽ không mất một xu nào. Tôi sẽ sử dụng trang thiết bị của
tôi, nhân sự của tôi, tôi chỉ cần họ cho tôi quyền tiếp xúc với quân đội.
“Hãy để tôi cho người ta thấy các ông đang làm gì để chấm dứt chuyện
này,” tôi nói vậy với ông ta. “Hãy để tôi cho họ thứ gì đó để tin vào.” Và lại
một lần nữa, tôi bị từ chối. Hiện tại quân đội có nhiều nhiệm vụ quan trọng
hơn là “đứng tạo dáng trước máy quay.”
Ông có lên gặp cấp trên của ông ta không?
Gặp ai? Chẳng có chuyến phà nào đến Hawaii và cái lão Sinclair thì cứ
tất tả ngược xuôi dọc Bờ Tây. Bất cứ ai có thẩm quyền hỗ trợ đều hoặc là
không thể gặp được hoặc còn quá mải quan tâm đến các vấn đề “quan
trọng” khác.
Sao ông không trở thành phóng viên tự do, kiếm lấy một cái phiếu
thông hành báo chí của chính phủ?
Thế tốn thời gian quá. Hầu hết các phương tiện truyền thông đại chúng
đều bị đánh sập hoặc bị liên bang thâu tóm. Các thành phần còn sót lại có
nhiệm vụ phải phát lại các bản tin thông báo an toàn cho công chúng để
đảm bảo rằng bất cứ ai dù mới nghe cũng biết phải làm gì. Mọi thứ vẫn
đang rối tung rối mù lên. Ta đến đường xá đi được còn gần như không có
chứ đừng nói đến các cơ quan để cấp cho tôi chức vụ phóng viên chuyên
trách. Có khi phải mất đến vài tháng. Vài tháng, trong khi cứ mỗi ngày lại
có hàng trăm người chết. Tôi không đợi được. Tôi phải hành động ngay lập
tức. Tôi kiếm một cái máy quay DV, mấy cục pin sơ cua và một cái sạc
chạy năng lượng mặt trời. Thằng con trưởng của tôi đi theo phụ trách phần
âm thanh và “AD thứ nhất.” Chúng tôi mất hết một tuần để tìm chuyện mà
đưa tin, chỉ hai cha con với hai chiếc xe đạp leo núi.
Chúng tôi chẳng phải đi đâu xa. Ngay ngoại ô Đại Los Angeles, ở một
thị trấn mang tên Claremont, có năm trường đại học — Pomona, Pitzer,
Scripps, Harvey Mudd và Claremont Mckenna. Khi Cuộc Đại Loạn mới nổ
ra, khi mọi người còn đang chạy tứ tán, ba trăm sinh viên quyết định ở lại
chiến đấu. Chúng biến trường Cao đẳng Phụ nữ ở Scripps thành một thành
phố trung cổ. Chúng lấy đồ tiếp tế từ các khu khuôn viên trường khác; vũ
khí thì bao gồm đồ tạo tác phong cảnh và súng ROTC bắn tập. Chúng làm
vườn, đào giếng, gia cố thêm một bức tường có sẵn. Trong khi các dãy núi
bốc cháy phừng phừng phía sau lưng và bạo lực bắt đầu nổ ra ở các khu
ngoại ô xung quanh, ba trăm đứa sinh viên đó đã đẩy lùi mười ngàn con
zombie! Mười ngàn, trong vòng bốn tháng, cho đến tận khi Inland Empire
44
được bình ổn. Chúng tôi rất may mắn khi đến đó đúng lúc trận chiến đã
bắt đầu ngã ngũ, vừa kịp chứng kiến cảnh những con thây ma cuối cùng bị
đánh gục, chúng kiến cảnh đám sinh viên đang reo mừng và binh lính cùng
nối tay nhau đứng dưới lá cờ Hoa Kỳ quá khổ tự thêu, phấp phới bay trên
tòa tháp chuông Pomona. Quả là một câu truyện tuyệt vời! Nguyên cả
thước phim thô dài chín mươi sáu tiếng. Tôi còn muốn quay nhiều hơn,
nhưng thời gian gấp lắm rồi. Cần phải nhớ một ngày ta mất đến hàng trăm
người.
Chúng tôi phải cho ra lò tập phim này càng sớm càng tốt. Tôi mang
thước phim ấy về nhà để chỉnh sửa, chắp nối lại. Vợ tôi đóng vai người dẫn.
Chúng tôi làm ra mười bốn bản ở các định dạng khác nhau và tối thứ bảy
tuần đó đem công chiếu ở nhiều trại tị nạn cũng như nơi trú ẩn khắp dọc
LA. Tôi gọi nó là Thắng lợi ở Avalon: Trận chiến của Năm Trường Đại
học.
Cái tên Avalon tôi lấy từ trong một thước phim có sẵn được một đứa
sinh viên quay khi vẫn đang bị vây hãm. Đó là đêm trước trận tiến công
cuối cùng và tệ hại nhất chúng phải chống trả, khi từ phía chân trời có thể
thấy rõ nguyên một đàn thây ma mới đang đến từ phía đông. Bọn trẻ đang
miệt mài làm việc — mài vũ khí, gia cố lại các tuyến phòng thủ, đứng canh
trên tường và các tòa tháp. Trên cái loa vẫn thường bật nhạc để giữ vững
tinh thần mọi người vọng ra tiếng hát. Một sinh viên Scripps với giọng ca
thiên thần đang hát một bài của Roxy Music. Giọng ca ấy thật tuyệt vời, và
cũng thật tương phản với trận cuồng phong đang sắp đổ bộ. Tôi lấy nó làm
nhạc nền cho đoạn phim “chuẩn bị lâm trận”. Tôi giờ vẫn thấy nghẹn ngào
mỗi khi nghe lại.
Khán giả tiếp nhân bộ phim ra sao?
Thành công vang dội! Không chỉ riêng gì cảnh ấy mà là cả bộ phim; ít
nhất là tôi nghĩ vậy. Tôi mong đợi một phản ứng ngay tức khắc hơn. Reo
hò, vỗ tay. Ngay cả với bản thân mình tôi cũng chẳng bao giờ dám thú
nhận, nhưng tôi đã có cái ý nghĩ tự cao tự đại rằng sau khi xem phim xong
người ta lao đến chỗ tôi, nước mắt giàn giụa, tóm lấy tay tôi, cam ơn tôi vì
đã chỉ cho họ ánh sáng cuối đường hầm. Họ thậm chí còn không thèm nhìn
vào mặt tôi. Tôi cứ đứng cạnh cửa như một người hùng chinh chiến nào đó.
Họ im lặng xếp hàng đi qua chỗ tôi , mắt chăm chăm nhìn xuống mũi giày.
Tối đó tôi về nhà suy nghĩ rằng, “Thôi không sao, nó cũng là một ý tưởng
hay, có lẽ cái nông trại khoai tây ở Công viên MacArthur Park sẽ cần người
phụ giúp.”
Chuyện gì xảy ra sau đó?
Hai tuần trôi qua. Tôi có một công việc đích thực, giúp mở lại tuyến
đường ở Hẻm Núi Topanga. Rồi một ngày nọ có người đến trước cửa nhà
tôi. Cứ thế cưỡi ngựa đến như thể trong phim miền tây cũ của Cecil B. De
Mille. Ông ta là chuyên gia tâm thần học ở sở y tế hạt tại Santa Barbara. Họ
đã nghe về sự thành công của bộ phim của tôi và hỏi rằng tôi còn bản nào
không.
Thành công á?
Chính xác. Hóa ra, ngay sau đêm “công chiếu” của Avalon, số trường
hợp ADS ở LA giảm nguyên 5%! Mới đầu hò tưởng chỉ là bất thường số
liệu gì đó, mãi cho đến khi nghiên cứu sâu thêm mới nhận ra rằng sự sụt
giảm này thể hiện rõ nhất ở những cộng đồng nơi bộ phim được trình chiếu!
Và không ai nói gì với ông sao?
Chẳng ai cả. [cười.] Quân đội không nói, chính quyền thành phố không
nói, ngay cả những người điều hành mấy khu tị nạn nơi bộ phim vẫn được
chiếu mà tôi không hay biết cũng không nói năng gì. Tôi không quan tâm.
Cái chính là nó đã có hiệu quả. Nó đã làm nên sự khác biệt và giúp tôi kiếm
được một công việc trong suốt giai đoạn chiến tranh. Tôi tụ tập một số tình
nguyện viên và những thành viên cũ trong nhóm làm phim xưa mà tôi còn
tìm lại được. Cái thằng quay cái cảnh Claremont, Malcolm Van Ryzin,
45
46
vâng, chính tay Malcolm đó đó, hắn trở thành DP của tôi. Chúng tôi
trưng dụng một khu nhà lồng tiếng bỏ hoang ở Tây Hollywood và bắt đầu
sản xuất ra hàng trăm bản. Chúng tôi đem chiếu ở trên mỗi chuyến tàu, mỗi
đoàn lữ hành, mỗi chuyến phà ven biển lên phương Bắc. Cũng phải mất
một thời gian mới có phản hồi. Nhưng mà một khi phản hồi đã xuất hiện
thì…
[Ông mỉm cười, giơ hai tay lên làm điệu bộ bái tạ.]
Giảm mười phần trăm khắp toàn bộ khu vực an toàn ở miền tây. Lúc đó
tôi cũng đang tất tả ngược xuôi ngoài đường để quay lại thêm nhiều câu
chuyện nữa. Anacapa đã xong xuôi rồi, và chúng tôi đã hoàn tất được một
nửa Mission District. Đến khi Dos Palmos được trình chiếu, ADS giảm 23
phần trăm… Chỉ đến lúc ấy chính quyền mới bắt đầu quan tâm đến tôi.
Thêm nguồn lực chăng?
[Cười.] Không. Tôi chẳng hề hỏi xin trợ giúp và họ chắc chắn cũng sẽ
không thèm cấp thêm thứ gì. Nhưng tôi rốt cục đã tiếp cận được với quân
đội và điều đó đã mở ra cho tôi cả một thế giới mới.
Có phải đó chính là lúc ông bắt đầu quay Ngọn Lửa Của Các Vị
Thần?
[Gật đầu.] Quân đội có hai chương trình vũ khí laze đang hoạt động:
Zeus và MTHEL. Zeus ban đầu được thiết kể với mục tiêu dọn dẹp bom
đạn, dùng để kích hoạt mìn và bom chưa nổ. Nó đủ nhỏ và nhẹ để gắn lên
một chiếc Humvee chuyên dụng. Xạ thủ ngắm mục tiêu qua một cái máy
quy đồng trục trong tháp súng. Anh ta sẽ chỉnh cho tâm ngắm vào trên bề
mặt mục tiêu, rồi sau đó khai hỏa một chum tia xung kích xuyên qua cùng
cái ống kinh quang học đó. Nghe có bị kĩ thuật quá không?
Không sao đâu.
Tôi xin lỗi. Tôi bị cuốn hẳn vào trong dự án này. Chùm tia này là một
dạng laze thể rắn dùng trong công nghiệp được đem ra vũ khí hóa, nó là cái
loại vẫn dùng để cắt thép trong các nhà máy đó. Nó có thể cắt xuyên qua
lớp vỏ ngoài của một quả bom hoặc nung nó nóng lên và rồi phát nổ.
Nguyên lí này cũng có thể áp dụng cho zombie. Ở mức mạnh nó sẽ xuyên
thẳng qua trán của chúng. Ở mức nhẹ, nó luộc chín não chúng cho đến khi
nổ bục và phòi hết ra đằng tai, mũi và mắt. Đoạn phim tôi quay được thật
đúng là mê li, nhưng Zeus chẳng khác nào súng đồ chơi nếu đem so với
MTHEL.
Đây là từ viết tắt của Mobile Tactical High Energy Laser, đồng thiết kế
bởi Mỹ và Israel để bắn hạ các đầu đạn cỡ nhỏ. Khi Israel tuyên bố tự cách
li, và khi hàng loạt các băng nhóm khủng bố cứ nã đạn súng cối với tên lửa
qua bức tường an ninh, MTHEL là thứ đã chặn hết chúng lại. Nó cả về hình
dạng lẫn kích thước đều trông như cái đèn rọi hồi Thế Chiến Thứ Hai, nó
thực chất là laze deuterium fluoride, mạnh hơn hẳn laze rắn Zeus. Tác động
của nó thật là tàn khốc. Nó thổi bay thịt đi, còn trơ lại mỗi xương, chỗ
xương ấy bị hâm lên trắng xóa và rồi tan thành bụi. Khi xem lại ở tốc độ
thường, trông nó thật quá sức tưởng tượng, nhưng còn khi xem quay
chậm… ngọn lửa của các vị thần.
Có thật là chỉ một tháng sao khi bộ phim được trình chiếu số ca ADS
đã giảm đi phân nửa không?
Tôi thấy nói thế thì hơi quá, nhưng cứ vào những giờ nghỉ là người ta
lại rồng rắn xếp hàng. Có người tối nào cũng đi xem. Tấm áp phích quảng
cáo in cận cảnh một con zombie đang bị nghiền ra thành từng phân tử. Bức
hình ấy được lấy từ trong phim, đó là một cảnh kinh điển: lớp sương mù
buổi sớm giúp dùng mắt thường nhìn thấy được chùm tia. Lời tựa phía bên
dưới chỉ giản dị có một chữ “Tiếp.” Bộ phim ấy đã một tay cứu cả cái
chương trình này.
Chương trình của ông à?
Không, Zeus và MTHEL.
Chúng đang gặp trục trặc sao?
MTHEL sẽ phải kết thúc một tháng sau khi bộ phim được quay. Zeus đã
bị ngưng từ lâu rồi. Chúng tôi phải năn nỉ, vay mượn, và thậm chí là trộm
cắp mới tái khởi động lại được chúng để còn quay. DeStRes đã liệt cả hai
vào dạng hao tốn tài nguyên quá mức.
Thật vậy sao?
Quá đúng luôn. Cái chữ “M” mà viết tắt cho “Mobile” trong MTHEL
nghĩa là “Cơ động”, nhưng thực chất nó cần đến cả một sư đoàn xe chuyên
dụng, tất cả đều phải rất tinh vi, không cái nào chạy được trên mọi địa hình
và mỗi chiếc đều bị lệ thuộc vào chiếc kia. MTHEL cũng cần đến một
nguồn năng lượng khổng lồ và một lượng lớn các hóa chất độc hại, bất ổn
định để phục vụ cho qui trình tạo tia laze.
Zeus tiết kiệm hơn một chút. Nó dễ làm nguội hơn, dễ bảo quản hơn, và
bởi vì nó gắn được lên xe Humvee, nó có thể được mang đến bất cứ nơi nào
cần thiết. Vấn đề là tại sao lại cần đến nó? Ngay cả ở mức năng lượng cao,
người xạ thủ vẫn phải giữ cho tia ở yên vị trong vài giây trên một mục tiêu
mà xin thưa với anh là đang di động. Một tay súng cừ khôi chỉ cần nửa
quãng thời gian đó là đã có thể hoàn tất công việc với số lượng tiêu diệt
được cao gấp đôi. Điều này làm mất đi khả năng bắn liên thanh, đúng thứ ta
cần khi bị tấn công theo bầy đàn. Thậm chí, cả hai thiết bị này đều cần phải
cắt cử nguyên cả một đội lính bộ binh ra canh giữ, con người lại phải đi bảo
vệ thứ máy được thiết kế để bảo vệ con người.
Chúng dở tệ đến thế sao?
Nếu được dùng cho mục đích ban đầu của mình thì không đến nỗi.
MTHEL giúp bảo vệ Israel khỏi các vụ đánh bom oanh tạc của bọn khủng
bố, và thậm chí Zeus còn được đưa vào sử dụng lại để giải quyết mớ bom
đạn chưa nổ, hỗ trợ việc hành quân của quân đội. Với vai trò là vũ khí
chuyên dụng, chúng rất tuyệt vời. Với vai trò vũ khí diệt zombie, chúng
chẳng khác nào mớ đồ phế thải.
Vậy tại sao ông còn làm phim về chúng?
Vì dân Mỹ là tín đồ công nghệ. Đây là một nét cố hữu trong đường lối
tư tưởng của đất nước này. Dù ta có nhận ra hay không, ngay cả một tên
căm ghét công nghệ cứng đầu cứng cổ nhất cũng không thể phủ nhận năng
lực công nghệ của nước ta. Chúng ta đã xẻ được nguyên tử, chúng ta đã đặt
chân lên mặt trăng, chúng ta đưa vào trong mỗi ngôi nhà, mỗi công ti một
lượng đồ dùng, thiết bị nhiều hơn bất cứ nhà văn khoa học viễn tưởng thời
trước nào có thể đoán được. Tôi chẳng biết đây có phải điều gì tốt đẹp
không, tôi không đủ tư cách để mà đánh giá. Nhưng tôi biết rằng cũng như
mấy tên cựu vô thần đang chui rúc trong hố, hầu hết các công dân Mỹ đều
đang cầu nguyện được vị Chúa khoa học cứu rỗi.
Nhưng có cứu được đâu.
Không quan trọng. Bộ phim thành công vang dội đến mức tôi được yêu
cầu làm cả một chương trình phim dài tập. Tôi gọi nó là “Vũ Khí Kì Diệu,”
bảy bộ phim về các thiết bị tối tân nhất của quân đội ta, đứng trên phương
diện chiến thuật mà nói thì chẳng cái nào làm nên được gì khác biệt, nhưng
chúng lại đem lại cho ta thắng lợi trên mặt trận tinh thần.
Thế chẳng phải là…
Dối trá? Không sao cả. Có thể nói là như vậy. Vâng, đó chính là những
lời dối trá và đôi khi đó không có gì là xấu xa hết. Lời nói dối không tốt và
cũng không xấu. Chúng cũng như ngọn lửa, có thể giữ ấm cho ta hoặc thiêu
cháy ta, tùy vào cách chúng được sử dụng. Những lời dối trá của chính
quyền thời trước chiến tranh để làm ta vui vẻ, mù quáng, đó là những lời
nói dối thiêu đốt, bởi vì chúng không cho ta làm những việc cần thiết. Tuy
nhiên, khi tôi làm Avalon, mọi người đã đang cố gắng hết sức để sinh tồn.
Những lời nói dối trong dĩ vãng trôi qua lâu rồi và giờ sự thật nhan nhản
khắp nơi, vật vờ đi trên phố, phá cửa xông vào nhà, giương vuốt ra siết cổ
người ta. Sự thật ở đây là cho dù chúng ta có làm gì đi nữa, có khả năng
phần lớn, hay thậm chí là tất cả, sẽ không bao giờ thấy được tương lai. Sự
thật ở đây là có thể kỉ nguyên của loài người đang sắp chấm dứt và sự thật
lạnh lẽo đó cứ mỗi đêm lại đưa hàng trăm người vào cõi vĩnh hằng. Họ cần
một thứ gì đó để sưởi ấm. Và thế là tôi nói dối, và cả tổng thống cũng nói
dối, và mọi bác sĩ, cha xứ, mọi trung đội trưởng và tất cả các bậc cha mẹ
đều vậy. “Chúng ta sẽ không sao đâu.” Đó là thông điệp của chúng tôi. Đó
là thông điệp của mọi nhà làm phim trong giai đoạn chiến tranh. Anh có
biết đến Thành Phố Hero không?
Tất nhiên.
Phim rất hay đúng không? Marty đã quay nó trong giai đoạn vây hãm.
Chỉ mình ông ta, dùng bất cứ thứ gì lượm lặt được để mà quay. Quả là một
kiệt tác: lòng dũng cảm, sự quyết tâm, nghị lực, lòng tự trọng, tình bác ái,
danh dự. Nó thực sự khiến cho anh lấy lại được niềm tin vào nhân loại. Nó
vượt xa bất cứ thứ gì tôi từng quay. Anh nên xem thử.
Tôi đã xem rồi.
Bản nào?
Sao cơ ạ?
Anh xem bản nào?
Tôi không biết là…
Là có hai bản? Anh phải về nghiên cứu thêm đi, chàng trai. Marty có
làm một bản trong thời chiến và một bản thời hậu chiến. Bản anh xem có
phải dài chín mươi phút không?
Tôi nghĩ vậy.
Nó có cho thấy bộ mặt tàn tệ của những anh hùng trong Thành Phố
Hero không? Nó có chiếu ra những cái bạo lực, cái phản bội, cái ác độc, cái
bệnh hoạn, cái xấu xa không đáy ẩn trong tim các vị “anh hùng” đó không?
Không, tất nhiên là không. Tại sao lại phải chiếu? Đó là thực tại của chúng
ta và chính nó đã khiến rất nhiều người chui lên giường, thổi tắt nến và trút
hơi thở cuối cùng. Thay vào đó, Marty chọn cách chiếu gương mặt kia,
gương mặt giúp họ có sức mà lết ra khỏi giường vào sáng hôm sau, khiến
họ đào bới, nhặt nhạnh, lần mò và chiến đấu để bảo toàn sinh mạng vì có ai
đó nói với họ mọi thứ rồi sẽ ổn thôi. Có một từ dùng để chỉ cái loại nói dối
này. Hi vọng.
CĂN CỨ KHÔNG QUÂN VỆ BINH QUỐC GIA PARNELL,
TENNESSEE
[Gavin Blaire đưa tôi vào văn phòng sĩ quan chỉ huy phi đội, Đại tá
Christina Eliopolis. Thật khó có thể hình dung con người nổi tiếng với
cá tính nóng như lửa và bảng thành tích chiến tranh xuất chúng gần
như huyền thoại ấy lại có thể mang trên mình dáng vẻ nhỏ nhắn như
của một đứa trẻ. Mái tóc dài đen mượt và nét mặt thanh thoát của chị
càng làm gợi ra một cái sức trẻ trường tồn vĩnh cửu. Chỉ khi chị bỏ cặp
kính râm xuống, tôi mới nhìn thấy ngọn lửa hừng hực đang bùng cháy
đằng sau đôi mắt của chị.]
Tôi từng là phi công Raptor, lái chiếc FA-22. Đây thực sự là chiếc máy
bay chiến đấu tuyệt vời nhất từng được thiết kế, không cần phải bàn cãi gì
cả. Khả năng bay cũng như chiến đấu của nó có thể khiến đến ngay cả Chúa
lẫn tất cả các thiên thần của ngài đều phải gờm. Đây là tượng đài đại diện
cho sức mạnh công nghệ của Mỹ… và trong cuộc chiến này, sức mạnh đó
chẳng có chút nghĩa lí gì cả.
Chắc chị thấy khó chịu lắm.
Khó chịu à? Anh có hiểu tôi cảm thấy sao khi đột nhiên bị bảo rằng mục
tiêu cả đời mà mình đã vì nó phấn đấu, vì nó chấp nhận hi sinh rất nhiều, vì
nó chịu đựng đủ thứ gian khổ, vì nó đã cố vượt qua những giới hạn của bản
thân mà chính mình còn không biết có tồn tại giờ đã bị coi là “vô dụng về
chiến lược”?
Chị có cho rằng đó là cảm nhận chung của nhiều người?
Nói thế này cho dễ hiểu nhé; Nga không phải là quân đội duy nhất bị
chính phủ mình thanh trừng. Đạo luật Tái thiết Lực lượng Vũ trang gần như
đã giải thể lực lượng không quân. Một số tay “chuyên gia” nào đó ở bên
DeStRes đã quyết định rằng tỉ lệ tài-nguyên-trên-hiệu-suất-tiêu-diệt của
chúng tôi, hiệu số RKR của chúng tôi, bị mất cân đối nhất trong số tất cả
các binh chủng.
Chị có thể lấy cho tôi một số ví dụ không?
Lấy về cái JSOW nhé? Nó là một loại bom trọng trường, dùng GPS và
Định vị Quán tính để dẫn đường, có thể được phóng ra từ cách xa đến bốn
mươi dặm. Phiên bản gốc có thể mang theo một trăm bốn mươi đầu đạn nhỏ
BLU-97B, mỗi đầu đạn có một kíp nổ đúc hình nếu phải chống mục tiêu
bọc thép, một hộp mảnh văng nếu chống lính bộ binh, và một vòng zirconi
để biến toàn bộ khu vực công kích thành chảo lửa. Nó được coi như đỉnh
47
cao quân sự, cho đến trận Yonkers. Giờ chúng tôi được bảo rằng số chi
phí dành cho một bộ JSOW — nguyên liệu, nhân lực, thời gian và năng
lượng, chưa kể đến nhiên liệu và công bảo trì trên mặt đất cho các máy bay
chuyên chở — có thể dùng để chi trả cho nguyên một trung đội lính bộ binh
đủ sức cân một lượng G cao gấp một nghìn lần. Nó không đáng đồng tiền
bát gạo, cũng như rất nhiều bảo vật cũ của chúng tôi. Họ sát phạt chúng tôi
như laze công nghiệp cắt xuyên khối sắt vậy. Chiếc B-2 Spirit, vứt; chiếc B1 Lancer, vứt; ngay cả mấy chiếc BUFF cũ, mấy chiếc B-52 Ú Ý Dị Hợm,
vứt nốt. Cứ tính vào cả mấy chiếc Eagle, Falcon, Tomcat, Hornet, JSF và
Raptor là số lượng máy bay chiến đấu bị loại bỏ do vài con chữ sẽ vượt cả
48
số lượng bị bắn hạ do SAM, Flak và phi cơ kẻ thù trong toàn bộ lịch sử. Ít
nhất chúng không bị đem tiêu hủy, thật là ơn Chúa, chỉ bị đem xếp xó trong
49
mấy khu nhà kho hay mấy cái nghĩa địa trên sa mạc ở AMARC. “Đầu tư
dài hạn,” họ gọi nó như thế. Anh luôn có thể tin tưởng vào điều này; ngay
cả khi chúng ta đang ở trong một cuộc chiến, chúng ta luôn chuẩn bị sẵn
sàng cho cuộc chiến tiếp theo. Lực lượng không vận của ta, ít nhất là cái tổ
chức đó, gần như còn nguyên vẹn.
Gần như?
Mấy chiếc Globemaster phải bị loại bỏ, cũng như bất cứ thứ gì chạy
động cơ “ngốn xăng”. Vậy là chúng tôi chỉ còn máy bay chạy bằng cánh
quạt. Tôi chuyển từ lái một thứ gần tương tự chiến đấu cơ X-Wing sang thứ
đồ cùi hơn cả một chiếc U-Haul.
Đó có phải nhiệm vụ chính của không lực không?
Tiếp tế đồ bằng đường không là nhiệm vụ chính của chúng tôi, nhiệm
vụ duy nhất còn có tí ý nghĩa.
[Chị chỉ vào một bản đồ ố vàng trên tường.]
Chỉ huy căn cứ cho phép tôi giữ nó, sau chuyện xảy ra với tôi.
[Đó là bản đồ lục địa Mỹ thời chiến. Toàn bộ phần đất phía tây dãy
Rocky được tô màu xám nhạt. Giữa vùng màu xám có đủ loại vòng với
các màu khác nhau.]
Các hoang đảo giữa một đại dương Zack. Màu xanh thể hiện những cơ
sở quân sự còn hoạt động. Một vài cơ sở đã được chuyển thành trại tị nạn.
Một số vẫn hỗ trợ cho chiến tranh. Một số nơi thì được bảo vệ tốt nhưng
không có ý nghĩa gì về chiến lược.
Các Vùng Đỏ được gọi là “Có Khả Năng Hỗ Trợ Phản Công”: nhà máy,
hầm mỏ, nhà máy điện. Trong mỗi đợt lui quân, quân đội đều cắt cử lại một
nhóm canh gác. Nhiệm vụ của họ là phải trông coi và bảo quản những cơ sở
đó để sau này có thể đưa chúng vòa công cuộc phục vụ chiến tranh. Các
Vùng Xanh Dương là khu vực của dân thường, nơi người ta vẫn còn đang
chống cự, kiếm được chỗ trú thân và đã tìm cách xoay xở được trong khu
vực đó. Tất cả các vùng này đều cần được tiếp tế và đó chính là nhiệm vụ
của “Không Vận Lục Địa”.
Đây là cả một hoạt động qui mô khổng lồ, không chỉ về mặt chuyên cơ
và nhiên liêu mà còn về cả mặt tổ chức nữa. Ta phải giữ liên lạc với các hòn
đảo này, xử lí các yêu cầu của họ, phối hợp với DeStRes, rồi sau đó kiếm đủ
các loại nguyên vật liêu cho mỗi chuyến hàng cũng như sắp xếp thứ tự ưu
tiên cho chúng. Điều này đồng nghĩa với việc đây là nhiệm vụ nặng nhọc
nhất trong lịch sử không lực.
Chúng tôi thường không chuyển hàng tiêu dùng, những thứ cần phải
chuyển thêm đến thường xuyên như đồ ăn và thuốc thang. Chúng được liệt
vào dạng DD, viết tắt của “dependency drop”, nghĩa là đồ chuyển phụ
thuộc, và chúng phải đứng sau SSD – self-sustaining drop – đồ giúp tự duy
trì, ví dụ như dụng cụ, phụ tùng thay thế, và dụng cụ để làm ra các thứ phụ
tùng. “Họ không cần cá,” Sinclair nói vậy, “họ cần cần câu.” Dẫu vậy, cứ
mỗi khi thu đến chúng tôi lại thả cho họ rất nhiều cá, và lúa mì, và muối, và
rau quả khô và bột phấn rôm… Mùa đông vô cùng khắc nghiệt. Còn nhớ
hồi trước chúng dài thế nào không? Giúp người ta tự giúp mình về lí thuyết
mà nói thì không có gì để chê trách, nhưng vẫn cần phải giữ cho họ sống.
Đôi khi chúng tôi phải thả cả người, các chuyên gia như bác sĩ hay kĩ
sư, những người với kiến thức anh không thể học được từ trong một quyển
hướng dẫn. Có rất nhiều huấn luyện viên trực thuộc Lực lượng Biệt kích
được thả vào Vùng Xanh Dương, không chỉ để hỗ trợ cải thiện phương
pháp tự phòng vệ của họ mà còn để giúp họ chuẩn bị cho ngày có thể ta sẽ
xuất quân phản công. Tôi thực sự rất khâm phục họ. Hầu hết bọn họ đều
biết mình sẽ phải ở lại đó trong một thời gian dài; rất nhiều Vùng Xanh
Dương không có sân bay, vậy nên họ sẽ phải nhảy dù vào đó, không có hi
vọng được đón về. Không phải tất cả các Vùng Xanh Dương đều an toàn
mãi được. Một số sau một thời gian lại bị zombie tràn vào. Những người
chúng tôi thả vào đều biết mình đang phải liều thế nào. Thật là quả cảm, tất
cả bọn họ.
Cả các phi công cũng vậy.
Này, tôi cũng đâu có nói giảm nói tránh các rủi ro mà chúng tôi phải
gánh chịu. Ngày nào chúng tôi cũng phải bay qua hàng trăm, có khi hàng
nghìn dặm đất bị chiếm đóng. Vậy nên chúng tôi mới có mấy Vùng Tím.
[Chị chỉ vào phần màu cuối cùng trên bản đồ. Các vòng tròn màu tím
số lượng rất ít và phân bố tản mát.] Chúng tôi có thiết lập một số cơ sở
cung cấp nhiên liệu và sửa chữa. Rất nhiều chuyên cơ không đủ tầm để đến
được những vùng thả đồ hẻo lánh phía Bờ Tây nếu không có cơ sở tiếp tế
nhiên liệu giữa chừng. Các cơ sở đó giúp giảm thiểu số lượng máy bay
cũng như phi hành đoàn bị thất lạc trên đường làm nhiệm vụ. Nhờ có chúng
mà khả năng sống sót của các phi đội của chúng tôi tăng lên đến 92 phần
trăm. Thật không may, tôi nằm trong số tám phần trăm còn lại.
Tôi chẳng thể nào biết được chính xác tại sao chúng tôi bị rơi: máy móc
trục trặc hay do kim loại đã bị hao mòn kết hợp với điều kiện thời tiết. Cũng
có thể do số hàng chúng tôi phải chuyên chở, bị đánh dấu hoặc xử lí nhầm.
Chuyện này xảy ra thường xuyên hơn mọi người nghĩ. Đôi khi nếu các thứ
vật liệu độc hại không được đóng gói đúng qui chuẩn hoặc, lạy Chúa nhân
từ, một tay thanh tra QC đầu óc bã đậu nào đó cho người của hắn lắp ráp bộ
phận kích nổ trước khi đóng thùng lại để chuyên chở… chuyện đó đã xảy ra
với một người bạn của tôi, một chuyến bay theo thông lệ từ Palmdale đến
Vandenberg, thậm chí còn không phải đi qua vùng thây ma. Hai trăm kíp nổ
Loại 38, tất cả đều được lắp ráp hoàn hảo với pin năng lượng đang “vô
tình” chạy, tất cả đều được kích hoạt ở cùng tần số với điện đài của chúng
tôi.
[Chị búng tay.]
Đó đã có thể là chúng tôi. Chúng tôi đang di chuyển từ Phoenix đến một
Vùng Xanh Dương ở ngoại ô Tallahassee, Florida. Lúc ấy đã là cuối tháng
mười, gần như là giữa mùa đông. Honolulu vẫn đang cố làm thêm mấy
chuyến thả hàng nữa trước khi thời tiết buộc chúng tôi phải ngưng hoạt
động cho đến tận tháng ba. Đây là chuyến chở hàng thứ chín trong tuần này
của nhóm tôi. Chúng tôi đều dùng “tweek,” mấy viên thuốc kích thích nhỏ
màu xanh giúp anh có sức tiếp tục hoạt động mà không ảnh hưởng gì đến
phản xạ hay đầu óc. Chúng cũng có tác dụng, nhưng chúng làm tôi cứ hai
mươi phút là phải chạy đi “công cán” một lần. Đồng đội tôi, cánh đàn ông,
rất khó chịu với tôi về chuyện này, anh biết đấy, mấy con đàn bà cứ đi liên
tục. Họ không lộ hẳn ra ngoài mặt nhưng tôi cũng cố nhịn càng lâu càng tốt.
Sau hai tiếng bay rung lắc loạn xạ, tôi chịu không nổi nữa và phải
chuyển cần điều khiển sang cho phi công phụ. Tôi vừa mới khóa quần xong
thì đột nhiên máy bay xóc một phát mạnh như thể Chúa vừa mới sút một cú
vào đuôi chúng tôi… và đột nhiên máy bay đâm thẳng đầu xuống đất. Cái
nhà vệ sinh trên chiếc C-130 của tôi không hẳn là nhà tắm tử tế, chỉ là một
cái bồn cơ động với tấm màn nhựa nặng trịch. Chắc chính nó đã cứu mạng
tôi. Nếu lúc ấy tôi mà bị kẹt trong một cái khoang vệ sinh thật chắc sẽ bị bất
tỉnh do va đập hoặc không kịp mở chốt cửa… Đột nhiên có một tiếng rít rất
chói tai, và rồi một luồng khí áp suất cao kéo tuột tôi ra phía phần thân sau
máy bay, ngang qua chỗ lúc trước vẫn còn là cái đuôi.
Tôi quay mòng mòng, không thể kiểm soát được. Tôi lờ mờ nhìn thấy
máy bay của mình, cả một khối kim loại xám xịt đang nhỏ dần và bốc khói
trên đường rơi xuống. Tôi cố rướn thẳng người, bật mở dù. Tôi vẫn còn
choáng váng, đầu óc quay cuồng, hổn hển hớp hơi. Tôi dò dẫm tìm điện
đàm và bắt đầu gân cổ lên gào, kêu gọi đồng đội nhảy ra khỏi máy bay.
Không ai trả lời. Tôi chỉ thấy có thêm một cái dù nữa, người duy nhất thoát
ra kịp.
Đó thực sự là khoảnh khắc kinh khủng nhất, cứ đòng đưa treo vô dụng ở
đó. Tôi vẫn có thể thấy chiếc dù kia, ở phía bên trên và cách tôi khoảng ba
cây rưỡi về phía bắc. Tôi đảo mắt tìm những người khác. Tôi lại thử dùng
điện đàm nhưng không bắt được tín hiệu. Chắc nó đã bị hư hại lúc tôi “thoát
thân.” Tôi tìm cách xác định phương hướng, ở đâu đó phía nam Louisiana,
một khu vực đầm lầy hoang dã trải dài bất tận. Tôi không chắc lắm, đầu tôi
vẫn đang hơi nhập nhằng. Ít nhất tôi vẫn còn đủ tỉnh táo để kiếm tra các thứ
đồ thiết yếu. Tay chân tôi đều cử động được, tôi không thấy đau đớn hay
chảy máu chỗ nào. Tôi kiểm tra lại thấy bộ đồ nghề sinh tồn của mình còn
50
nguyên vẹn, vẫn được đeo bên đùi, và vũ khí của tôi, khẩu Meg, vẫn đang
thọc vào lườn tôi.
Không lực có huấn luyện trước cho chị cách xử lí những tình huống
như vậy không?
Chúng tôi đều phải qua chương trình Trốn thoát và Lẩn tránh Willow
Creek trong dãy núi Klamath ở California. Thậm chí còn có vài con G thật
thả lẫn vào, được đánh dấu, theo dõi và cắt đặt ở một số vị trí nhất định để
tạo cho chúng tôi “cảm giác thật.” Cũng khá giống những gì trong quyển
cẩm nang sinh tồn dân sự: di chuyển, ẩn nấp, làm sao để hạ được Zack
trước khi nó tru lên làm lộ vị trí của mình. Chúng tôi ai cũng “qua truông,”
ý tôi là sống qua được, mặc dù có vài phi công không đủ sức cân Khu Số
Tám. Chắc họ không chịu nổi áp lực thật. Phải đơn thương độc mã trong
lãnh thổ kẻ thù chẳng bao giờ làm tôi bận tâm. Với tôi chuyện ấy xảy ra
như cơm bữa.
Lúc nào cũng vậy sao?
Muốn biết một mình đơn độc trong khu vực thù địch ra sao, cứ nhìn vào
bốn năm theo học ở Colorado Springs của tôi là biết.
Nhưng còn những nữ phi công khác mà…
Các sĩ quan thực tập, các đối thủ cạnh tranh khác, chỉ có điều là sở hữu
cùng một bộ phận bài tiết. Tin tôi đi, khi bắt đầu có áp lực thì không còn chị
em gì với nhau nữa. Không, chỉ có tôi, mỗi mình tôi thôi. Luôn tự chủ, luôn
tự lập và luôn tự tin, không nghi ngờ gì hết. Đó là những thứ duy nhất giúp
tôi vượt qua bốn năm địa ngục trần gian ở Học viện, và đó là những thứ duy
nhất tôi có thể tin tưởng vào khi đặt chân vào cái bãi lầy ngay giữa lãnh thổ
lũ G.
Tôi tháo dù — người ta dạy rằng đừng phí thời gian tìm cách che giấu
nó đi làm gì — và đi về hướng cái dù kia. Mất đến vài tiếng lội bì bõm qua
chỗ nước lạnh buốt khiến mọi thứ phía dưới gối tôi tê dại. Tôi không suy
nghĩ tỉnh táo được, đầu óc tôi vẫn đang quay quay. Tôi biết mình không thể
biện hộ gì được, nhưng đó là lí do tôi không để ý thấy lũ chim đột nhiên bay
vọt về phía ngược lại. Tôi có nghe thấy tiếng la, rất mơ hồ và vọng lại từ
đâu đó xa xăm. Tôi có thể thấy cái dù bị mắc vào cây. Tôi bắt đầu chạy, lại
thêm một thứ tối kị nữa, gây náo loạn lên mà không chịu dừng lại nghe
ngóng xem có thằng Zack nào không. Tôi chẳng thấy gì cả, chỉ có mỗi mấy
cành cây trần trụi xám xịt cho đến khi chúng chình ình ngay phía trước mặt.
Nếu không có Rollins, phi công phụ của tôi, chắc giờ tôi không còn ngồi
đây được nữa.
Anh ta đang lủng lẳng chỗ đai dù, đã chết ngắc, người giật giật. Bộ đồ
51
bay của anh ta đã bị xé toạc ra và lục phủ ngũ tạng treo tòng teo… đong
đưa trên đầu năm đứa đang vục mỏ vào lớp nước nâu đỏ mà ăn ngấu
nghiến. Có đứa còn bị quấn cổ vào một phần ruột. Mỗi lần cử động là nó lại
giật Rollins một phát, khiến anh ta trông như cái chuông vậy. Chúng chẳng
để ý gì đến tôi hết. Tôi ở ngay trong tầm với mà chúng chẳng thèm đếm xỉa.
Ít nhất tôi vẫn còn đủ tỉnh táo để gắn nòng giảm thanh vào. Đáng ra
không nên phí cả băng như vậy, lại thêm một lần ngu nữa. Tôi cáu đến mức
tí nữa thì xông vào cho xác chúng mấy phát sút. Thật quá xấu hổ, tôi cảm
thấy thật căm ghét chính bản thân mình…
Tự căm ghét bản thân?
Tôi làm mọi sự hỏng bung bét ra! Phi cơ của tôi, đồng đội của tôi…
Nhưng đó chỉ là một tai nạn. Đâu phải lỗi của chị.
Sao mà anh biết được? Anh đâu có ở đấy. Mẹ kiếp, chính tôi còn không
có ở đó. Tôi chẳng biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi có làm nhiệm vụ của mình
đâu. Tôi còn đang bận ngồi bên cái xô như một con đàn bà!
Tôi thấy trong lòng thật bức bối. Mẹ cha cái đồ yếu đuối, Tôi tự sỉ vả
mình, mẹ cha cái đồ vô dụng. Tôi bắt đầu quay cuồng, không chỉ tự thấy
ghét mình nữa mà còn ghét bản thân vì đã ghét bản thân. Nghe có nghĩa lí
gì không? Chắc tôi cứ đứng đực ra đấy, run rẩy, vô dụng và chờ Zack đến.
Nhưng rồi điện đàm của tôi bắt đầu phát ra mấy tiếng rời rạc. “A lô? A
lô? Có ai ở đó không? Có ai thoát ra khỏi vụ máy bay rơi kia không?” Đây
là giọng phụ nữ, nghe cách ăn nói thì rõ ràng đây là dân thường.
Tôi trả lời ngay, xưng danh tính và yêu cầu cô ta làm tương tự. Cô ta
bảo tôi cô là một không vệ, và bí danh của cô ta là “Mets Fan,” gọi tắt là
“Mets”. Hệ thống Không Vệ là một mạng lưới những người trực điện đàm
riêng biệt. Họ có nhiệm vụ phải báo cáo lại những phi hành đoàn nào bị rơi
máy bay và làm những gì có thể để hỗ trợ giải cứu họ. Hệ thống này không
hiệu quả gì lắm, chủ yếu bởi vì có quá ít người, nhưng có vẻ hôm nay vận
may đã mỉm cười với tôi. Cô ta bảo cô nhìn thấy khói và xác chiếc máy bay
Herc’ của tôi và dù có lẽ chỉ cách chỗ tôi có 1 ngày đường, cabin của cô ta
bị rất nhiều thây ma bao vây. Trước khi tôi kịp nói gì cô ta đã bảo tôi đừng
lo lắng, trấn an tôi rằng cô đã báo lại vị trí của tôi cho đội tìm kiếm cứu nạn
và giờ tốt nhất nên ra chỗ đất trống để được đón về.
Tôi lần tìm máy định vị GPS nhưng khi bị cuốn ra khỏi máy bay nó đã
văng ra khỏi bộ đồ của tôi. Tôi có một cái bản đồ sinh tồn dự phòng nhưng
nó quá to, quá chung chung và thêm vào đó, tôi đã bay qua nhiều bang đến
mức nó gần như chỉ là cái bản đồ nước Mỹ… Đầu tôi vẫn đang hơi bay bay
vì cáu giận và nghi ngờ. Tôi nói với cô ta tôi không biết vị trí của mình ở
đâu, không biết phải đi đâu tiếp…
Cô ta cười. “Thế trước nay cô chưa bao giờ bay như thế này à? Cô vẫn
chưa lưu được từng phân của lộ trình bay vào trí nhớ à? Khi còn đang lơ
lửng trên không cô chưa nhận ra mình đang ở đâu ư?” Cô ta rất tin tưởng
tôi, cố bắt tôi động não chứ không đưa sẵn cho tôi câu trả lời. Tôi nhận ra
rằng đúng là mình biết rất rõ khu vực này, rằng tôi đã bay ngang qua đây ít
nhất hai chục lần trong vòng ba tháng vừa qua, và rằng chắc chắn tôi đang ở
chỗ nào đó mạn lưu vực sông Atchafalaya. “Nghĩ đi,” cô ấy bảo tôi, “lúc
nhảy dù cô nhìn thấy những gì? Có thấy sông suối, đường xá gì không?”
Ban đầu tôi chỉ nhớ được có mỗi cây, cả một vùng đất xám xịt trải dài vô
tận không có đặc điểm gì nổi trội hết, và rồi dần dần, khi đầu óc bắt đầu hết
mù mờ, tôi nhớ có thấy cả sông lẫn đường. Tôi kiểm tra bản đồ và nhận ra
rằng ngay phía bắc chỗ tôi đứng là xa lộ I-10. Mets bảo tôi đó là chỗ thích
hợp nhất để được đội S&R đón về. Cô ta bảo sẽ mất cùng lắm là một hai
ngày nếu tôi bắt đầu di chuyển ngay và không phung phí thời gian nữa.
Khi tôi chuẩn bị rời đi, cô ta bảo tôi đứng lại và nghĩ thử xem có quên gì
không. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ cái lúc ấy. Tôi quay lại phía Rollins. Mắt anh
ta đang hấp háy mở lại. Tôi cảm thấy mình nên nói gì đó, có lẽ là một lời
xin lỗi, và rồi tôi cho anh ta một phát đạn vào giữa trán.
Mets bảo tôi đừng tự trách mình, và dù có chuyện gì xảy ra đi chăng
nữa thì cũng đừng để nó làm tôi phân tâm, quên mất việc phải làm. Cô ta
nói, “Hãy sống sót, hãy sống sót và hoàn thành nhiệm vụ của mình.” Rồi cô
nói thêm, “Và đừng có lãng phí thời lượng nữa.”
Cô ta đang nói về lượng pin còn lại — cái gì cô ta cũng biết — vậy nên
tôi tắt bộ đàm và bắt đầu đâm xuyên qua cái đầm lầy, di chuyển lên phía
bắc. Giờ đầu tôi tỉnh như sáo, Những gì học được từ hồi còn ở Creek đã bắt
đầu quay trở lại. Tôi đi rón rén, tôi dừng lại, tôi lắng nghe. Tôi cố đi trên
chỗ đất khô nhiều hết mức có thể, và tôi chỉnh tốc độ chạy sao cho thật nhịp
nhàng. Tôi phải bơi mấy lần, sợ ra phết. Tôi dám thề là đã có hai lần tôi
cảm thấy có cánh tay quệt vào chân tôi. Có lần tôi phát hiện ra một con
đường, nhỏ thôi, chưa đến hai làn đường và bị hư hỏng nghiêm trọng. Ít
nhất thì thế vẫn tốt hơn là phải lội qua đám bùn. Tôi báo lại với Mets phát
hiện của mình và hỏi xem liệu nó có đưa tôi thẳng đến chỗ xa lộ kia không.
Cô ta bảo tôi hãy tránh xa nó cũng như tất cả các con đường dọc khu hạ lưu
này ra. “Có đường là sẽ có xe,” cô nói, “mà đã có xe là sẽ có G.” Cô ta đang
nói đến những tài xế bị cắn và chết khi còn ngồi sau vô lăng, và bởi vì bọn
thây ma không đủ IQ để mở cửa xe hay tháo đai an toàn nên chúng sẽ suốt
đời bị kẹt trong xe.
Tôi hỏi cô ta thế thì có gì nguy hiểm đâu. Vì chúng không chui ra ngoài
được nên nếu tôi không để chúng thò tay qua cửa sổ tóm lấy mình, việc tôi
có gặp bao nhiêu cái xe “bỏ hoang” trên đường thì cũng có vấn đề gì đâu.
Mets nhắc lại với tôi rằng một con G bị kẹt trong xe vẫn có thể tru được và
điều đó đồng nghĩa với việc vẫn có thể gọi những con khác được. Giờ thì
tôi lại chẳng hiểu gì hết. Nếu tôi phải lãng phí thời gian tránh mấy con
đường với chỉ vài chiếc xe có Zack thì tại sao tôi lại tìm đường ra một cái
xa lộ đặc nghẹt những thứ tương tự?
Cô ta bảo, “Lúc đó cô sẽ ở vùng đất cao hơn khu đầm lầy. Làm sao có
chuyện thêm zombie đến tóm cô được?” Do được xây dựng ở phía trên khu
đầm lầy đến mấy chục mét, đoạn này của xa lộ I-10 là nơi an toàn nhất cả
khu vực. Tôi thú nhận rằng tôi chưa nghĩ đến chuyện ấy. Cô ta cười và nói
rằng, “Đừng lo cưng à. Tôi đã nghĩ đến đó rồi. Cứ nghe tôi và tôi sẽ đưa cô
về nhà.”
Và tôi đã làm đúng như vậy. Bất cứ thứ gì chỉ cần hơi giống đường thôi
tôi cũng tránh xa tuốt và cứ nhằm những chỗ hoang vu nhất mà đi. Tôi nói
là “hoang vu” nhưng thực chất chẳng thể nào mà tránh được tất cả các dấu
hiệu của nhân loại hay thứ lâu lắm rồi đã từng là nhân loại. Có giày dép,
quần áo, rác rến, va li rách nát và đồ leo núi. Tôi thấy cả một đống xương
trong một vũng bùn. Chẳng biết của người hay vật nữa. Có lần tôi thấy
nguyên bộ xương sườn; Chắc là một con cá sấu, to ra phết. Tôi chẳng muốn
nghĩ mất bao nhiêu con G mới hạ được nó.
Tên G đầu tiên tôi bắt gặp vóc dáng nhỏ thó, chắc là một đứa trẻ, tôi
chẳng rõ. Mặt nó đã bị ăn mất, từ da, mũi, mắt, môi cho đến tóc tai… chúng
không bị ăn hết hẳn mà treo lủng lẳng hoặc có mấy miếng còn dính trên cái
hộp sọ hở lộ cả ra. Chắc còn có nhiều vết thương nữa, tôi cũng không rõ.
Nó bị tắc trong bộ đồ leo núi dân sự, kẹt cứng luôn với mấy cái dây rút
cuốn chặt quanh cổ. Cái quai đeo vai của nó bị vướng vào gốc cây, nó quẫy
đạp loạn xạ, nửa thân ngâm dưới nước. Chắc não nó vẫn còn nguyên vẹn,
và thậm chí là cả một số sợi cơ hàm nữa. Cái hàm đó bắt đầu đớp đớp khi
tôi đến gần. Tôi chả hiểu làm thế nào mà nó biết tôi đang ở đó chắc khứu
giác nó vẫn còn hoạt động được, hoặc có thể là thính giác.
Nó không tru được, cổ nó bị tổn thương quá nặng rồi, nhưng tiếng quẫy
nước của nó có thể gây chú ý, vậy nên tôi chấm dứt quãng đời đau khổ của
nó, nếu nó thực sự đang đau khổ, và cố gắng không nghĩ về nó. Đây lại là
một bài học chúng tôi được dạy ở Willow Creek: đừng viết cáo phó cho
chúng, đừng cố mường tượng xem hồi trước chúng là ai, sao mà chúng mò
được đến đây, sao mà chúng lại trở thành như thế này. Tôi biết, ai mà chẳng
làm thế đúng không? Ai có thể nhìn vào mấy cái con kia mà lại không bắt
đầu nghĩ lan man? Như kiểu đọc xong một quyển sách vậy… trí tượng
tượng của anh cứ thế mà bay bổng. Và đó là lúc ta trở nên xao nhãng, bất
cẩn, không đề phòng và kết cục là để cho ai đó khác tự hỏi chuyện gì đã xảy
đến với chính ta. Tôi cố gắng không nghĩ về con bé, về cái thứ đồ ấy. Thay
vào đó, tôi tự hỏi sao mãi tới giờ chỉ thấy có độc mình nó.
Đây là một câu hỏi sống còn, không chỉ là nghĩ vẩn vơ, vậy nên tôi bật
điện đàm lên hỏi Mets xem liệu tôi có đang bỏ sót điều gì không, Liệu rằng
có khu nào tôi cần phải tránh không. Cô ấy nhắc lại cho tôi nhớ rằng phần
lớn khu này không có dân vì các Vùng Xanh Dương ở Baton Rouge và
Lafayette đã hút đi về cả hai phía hầu hết bọn G rồi. Thật là chẳng biết có
vui được hay không, bị kẹt ở ngay giữa hai vùng nhiễm bệnh dịch nặng
nhất. Cô ta cười rồi nói…“Đừng lo, cô sẽ không làm sao đâu.”
Tôi thấy có cái gì đó ở phía trước, một khối gì trông rất giống bụi cây,
nhưng lại quá vuông vắn và có đôi chỗ phản sáng lại. Tôi bảo lại với Mets.
Cô ta bảo tôi đừng có lại gần đó, cứ đi tiếp và tập trung vào mục tiêu. Lúc
bấy giờ tôi đang cảm thấy khá tuyệt vời, cái đứa tôi cũ bắt đầu quay trở lại.
Khi đến gần, tôi nhận ra đó là một chiếc xe, SUV loại Lexus Hybrid. Nó
bán đầy bùn đất, rêu phong và ngập nước đến tận cửa. Chỗ cửa sổ phía sau
bị chất đầy đồ dùng sinh tồn: lều, túi ngủ, dụng cụ nấu bếp, súng săn và một
đống thùng đạn, tất cả đều còn mới nguyên, một số thứ vẫn còn ở trong túi
nhựa. Tôi đi vòng ra phía cửa lái bênvà thấy thấp thoáng khẩu .357. Nó vẫn
còn được nắm chặt trong bàn tay ố nâu, nhăn nheo của gã tài xế. Hắn ngồi
ngay ngắn, mắt nhìn thẳng về phía trước. Phía bên sọ của hắn có ánh sáng
chui lọt qua. Hắn đã thối rữa rất kinh rồi, ít nhất phải một năm, có khi còn
hơn. Hắn mặc quần kaki sinh tồn, cái loại được đặt từ trong các danh mục
đồ đi săn bắn cao cấp. Trông chúng vẫn còn khá sạch sẽ. Chỗ máu duy nhất
là do bắn ra từ vết thương ở đầu. Tôi chẳng thấy có vết thương nào khác
nữa, không có vết cắn, chẳng có gì cả. Nó tác động vào tôi rất mạnh, hơn cả
cái con bé không mặt mũi kia. Tay này có tất cả những gì cần thiết để sống
sót, tất cả ngoại trừ ý chí. Tôi biết đây chỉ là một giả thiết. Có lẽ còn có vết
thương ở đâu đó mà tôi không thấy được, ẩn bên dưới lớp quần áo hoặc bị
mất đi do phân hủy cấp cao. Nhưng tôi biết mà, áp mặt vào lớp kính, tôi
đứng ngắm minh chứng cho thấy bỏ cuộc dễ như thế nào.
Tôi đứng đờ ra đấy mất một lúc, đủ lâu để khiến Mets phải hỏi tôi
chuyện gì đang xảy ra vậy. Tôi tả lại cho cô ta nghe những gì mình thấy, và
không cần lưỡng lự, cô ta bảo tôi phải đi ngay đi.
Tôi bắt đầu cãi lại. Tôi cho rằng mình nên ít nhất lục lọi cái xe để xem
có thứ gì cần dùng không. Cô ấy nghiêm nghị hỏi tôi rằng trên đấy có thứ gì
tôi cần chứ không phải muốn không. Tôi nghĩ một lúc và thú nhận rằng
chẳng có gì như vậy cả. Hắn có nhiều thứ đồ nghề nhưng toàn đồ dân sự, to
lớn và kềnh càng; thức ăn chưa được nấu chín, vũ khí không có giảm thanh.
Bộ đồ nghề sinh tồn của tôi đã có khá đủ rồi, và nếu vì một lí đo nào đó mà
tôi không thấy có chiếc trực thăng nào đứng đợi sẵn ở xa lộ I-10, tôi luôn có
thể dùng nó làm kho đồ tiếp tế khẩn cấp.
Tôi nêu ra ý tưởng sử dụng chính chiếc SUV. Mets hỏi tôi có xe kéo với
cáp kích đích điện không. Tôi trả lời không như một đứa trẻ con. Cô ta hỏi,
“thế còn chần chừ gì nữa?” hay gì đó tương tự vậy, thúc giục tôi đi tiếp. Tôi
bảo cô ta chờ một phút, tôi ấp mặt mình vào cửa kính bên ghế lái, thờ dài và
lại thấy rã rời, kiệt sức. Mets tiếp tục mè nheo, giục giã tôi. Tôi bảo cô ta
câm cha nó cái mồm đi, tôi chỉ cần vài phút, vài giây để… tôi cũng chẳng
biết để làm gì nữa.
Chắc tôi tì ngón cái lên nút “truyền” hơi lâu, bởi vì Mets đột nhiên hỏi,
“Cái gì đó?” “Cái gì là cái gì?” Tôi hỏi. Cô ta đã nghe thấy gì đó, cái gì đó
ở phía bên tôi.
Cô ta nghe thấy trước cả chị sao?
Chắc thế, bởi vì một giây sau, một khi đầu óc tôi đã bắt đầu tỉnh táo và
dỏng tai lên, tôi cũng bắt đầu nghe thấy nó. Tiếng rên rỉ… rất to và gần kề,
theo sau là tiếng chân bì bõm.
Tôi nhìn lên, xuyên qua cái cửa kính ô tô, xuyên qua cái lỗ trên sọ gã tài
xế, xuyên qua cái cửa kính bên kia, và đó là lúc tôi thấy con đầu tiên. Tôi
quay người lại và thấy có thêm năm con nữa đang tiến đến chỗ tôi từ mọi
hướng. Và đằng sau chúng là tầm mươi, mười lăm con nữa. Tôi nổ phát
súng đầu tiên, viên đạn bay tuốt đi tận đâu.
Mets bắt đầu nói chuyện lại, yêu cầu tôi báo cáo tình hình xung đột. Tôi
nói số lượng cho cô ta và cô ta bảo tôi giữ bình tĩnh, đừng tìm cách chạy, cứ
ở yên đấy và làm theo những gì đã được học ở Willow Creek. Tôi bắt đầu
hỏi làm thế nào mà cô ấy biết về Willow Creek thì cô ta quát tôi bảo ngậm
mồm lại mà chiến đấu đi.
Tôi trèo lên nóc chiếc SUV — anh phải tìm vật phòng ngự gần nhất —
và bắt đầu tính khoảng cách. Tôi nhắm mục tiêu đầu tiên, hít một hơi thật
sâu và hạ hắn. Muốn đánh đấm cho ra trò là phải biết ra quyết định với tốc
độ tối đa mà xung điện hóa trong cơ thể truyền đi được. Khi đi lội bùn tôi
quên mất cái khả năng tính toán chi li trong vòng có vài giây bọ ấy, giờ nó
đã quay trở lại. Tôi rất bình tĩnh, rất tập trung, mọi thứ nghi ngờ và yếu
đuối đều đã bay mất hết. Có cảm giác như toàn bộ cuộc chiến kéo dài đến
mười tiếng, nhưng chắc thực tế nó chỉ có tầm chục phút. Tổng cộng sáu
mươi mốt con, cả một vành đai xác chết chìm nghỉm dày đặc. Tôi từ tốn
kiểm tra chỗ đạn dược còn lại và đợi đợt tấn công tiếp theo. Chẳng còn gì
nữa.
Mất thêm khoảng hai mươi phút nữa Mets mới yêu cầu tôi cập nhật tình
hình. Tôi tính số lượng thây ma bị hạ cho cô ta và cô ta nhờ tôi nhắc cho cô
ta nhớ đừng bao giờ trêu ngươi tôi lên. Tôi cười vang, lần đầu tiên kể từ khi
đáp xuống đây. Tôi lại cảm thấy tuyệt vời, mạnh mẽ và tự tin. Mets nói lại
với tôi rằng mấy thứ phiền nhiễu này đã làm bốc hơi bất cứ cơ hội ra được
xa lộ I-10 trước khi trời tối của tôi, và rằng có lẽ tôi nên bắt đầu nghĩ đến
chuyện tìm chỗ ngủ.
Tôi đi xa chiếc SUV hết mức có thể trước khi trời bắt đầu xâm xẩm và
tìm được một chỗ khá tử tế trên cành một cái cây cao. Bộ đồ nghề của tôi có
một cái võng vi sợi tiêu chuẩn; một phát minh tuyệt vời, nhẹ, chắc và có
móc cài để ngăn cho mình không bị lăn ra ngoài. Nó cũng có công dụng để
giúp tôi bình tĩnh lại, đi vào giấc ngủ nhanh hơn… ờ hờ! Chuyện tôi phải
thức gần bốn mươi tám tiếng chẳng có nghĩa lí gì cả, cả chuyện tôi đã cố
thực hiện các bài tập hít thở được dạy ở Creek hay chuyện tôi còn nuốt hai
52
viên Baby-Ls. Đáng ra chỉ được uống có một viên nhưng tôi cho rằng đó
chỉ dành cho những đứa èo uột. Tôi lại là chính tôi rồi cơ mà, nhớ không,
tôi cân được, với lại tôi cũng cần ngủ.
Vì cũng chẳng còn việc gì làm hay nghĩ ngợi, tôi hỏi Mets xem nói
chuyện về cô ta có được không. Thực sự thì cô ta là ai? Tại sao cô lại phải ở
trong một cái cabin bỏ hoang ở giữa Cajun? Nghe giọng cô ta không giống
giọng người Cajun, cô ta thậm chí còn chẳng nói giọng nam. Và làm thế
nào mà cô ta lại biết nhiều về chương trình huấn luyện phi công đến vậy
nếu chưa từng tự mình trải nghiệm? Tôi bắt đầu thấy hơi nghi nghi, bắt đầu
mập mờ hình dung ra được cô ta thực sự là ai.
Mets lại bảo với tôi rằng sau này sẽ có thừa thời gian cho một tập The
View. Bây giờ tôi cần đi ngủ và hoàng hôn dậy báo cáo lại với cô ta. Tôi
cảm thấy mấy viên Ls bắt đầu phát huy tác dụng giữa chữ “báo” và chữ
“cáo.” Đến chữ “ta” thì tôi đã lăn đùng ra rồi.
Tôi ngủ say như chết. Khi mở mắt ra thì trời đã sáng rồi. Tôi đã mơ về
Zack, chứ còn gì nữa đâu. Khi tôi tỉnh dậy tiếng rên rỉ của nó vẫn vang
vọng trong tai tôi. Và rồi khi nhìn xuống tôi nhận ra đây không phải là mơ.
Chắc phải có đến ít nhất là trăm con đứng quanh cái cây. Chúng đều đang
thèm thuồng với với lên trên, đứa nào cũng tìm cách trèo lên đầu nhau để
đến được chỗ tôi. Its nhất chúng không thể làm vậy được, đất đây không đủ
cứng. Tôi không có đủ đạn để xử hết bọn chúng, và vì đấu súng ở đây có
thể sẽ cho những đứa khác có thêm thời gian để mò đến, tôi quyết định tốt
nhất nên thu dọn đồ nghề và tìm cách tẩu thoát.
Chị đã lên kế hoạch cho tình huống như thế này?
Không hẳn là có kế hoạch, chỉ là họ đã có huấn luyện chúng tôi cách xử
lí những tình huống như thế này. Nó cũng giống như nhảy ra khỏi máy bay:
ước lượng vị trí đáp, chúc xuống và lăn vòng, để thả lỏng và bật dậy càng
nhanh càng tốt. Mục tiêu là tạo khoảng cách thật xa giữa mình và kẻ tấn
công. Sau đó chạy, đi bộ, hay thậm chí “bước nhanh”; vâng, đúng là người
ta có dặn chúng tôi nên cân nhắc giải pháp đó. Cái chính là chạy đi được đủ
xa để có thời gian tính toán bước kế tiếp. Theo như bản đồ của tôi, xa lộ I10 đủ gần để tôi phóng thục mạng ra đó, được trực thăng cứu hộ phát hiện
và cứu đi trước khi mấy cái đồ thối tha này bắt kịp. Tôi bật điện đàm, báo
cáo lại tình hình với Mets và bảo cô ta đánh điện cho S&R yêu cầu cứu trợ
khẩn cấp. Cô ta bảo tôi cẩn thận. Tôi nhún người, nhảy xuống đúng một
hòn đá ngầm và làm nứt mắt cá chân.
Tôi nhào xuống nước, ngã dập mặt. Cái lạnh là thứ duy nhất giúp tôi
không bị xỉu đi vì đau quá. Tôi trồi lên phun nước phì phì, nghẹt thở, và
cảnh đầu tiên tôi nhìn thấy là nguyên cả một đàn thây ma đang nhằm tôi mà
lao tới. Mets chắc cũng biết có chuyện chẳng lành khi thấy tôi không thông
bảo đã hạ cánh an toàn. Hình như cô ta có hỏi tôi có chuyện gì không, mặc
dù tôi cũng chẳng nhớ. Tôi chỉ nhớ tiếng cô ta quát nạt bắt tôi đứng dậy mà
chạy. Tôi thử dồn lực vào mắt cá chân nhưng một cơn đau nhói chạy xuyên
qua chân và cột sống. Nó có thể chịu được lực, nhưng mà… Tôi kêu to đến
nỗi chắc chắn cô ta có thể nghe thấy tiếng của tôi vọng vào từ cửa sổ cabin
của mình. “Ra khỏi đó mau,” co ta quát… “CHẠY ĐI!” Tôi bắt đầu đi cà
nhắc, lội nước văng tung tóe với đằng sau là hơn một trăm con G đang bám
sát đít. Cảnh ấy chắc phải hài lắm, một lũ tàn tật gồng sức lên chạy đua.
Mets quát, “Nếu đứng được trên đó thì có nghĩa là chạy được! Đấy
không phải xương mang lực! Cô làm được mà!”
“Nhưng đau quá!” Tôi có nói thế thật, nước mắt trào ra, còn sau lưng thì
Zack đang hú gọi đòi ăn trưa. Tôi ra đến chỗ xa lộ, phủ bóng lên trên trên
khu đầm lầy như một tàn tích của hệ thống dẫn nước La Mã cổ. Mets đã nói
đúng về độ an toàn của nó. Chỉ có điều chẳng ai trong bọn tôi tính đến việc
tôi bị chấn thương hay cái đuôi thây ma tôi đang kéo theo. Không có đường
lên trực tiếp nên tôi phải cà nhắc lao vào một cái đường nhỏ cạnh đấy mà
ban đầu Mets bảo tôi tránh xa. Khi bắt đầu đến gần tôi hiểu ra lí do. Có đến
hàng trăm thứ gạch đá và xe hơi rỉ sét chất chồng lên nhau và cứ mười xe
thì có ít nhất một con G kẹt bên trong. Chúng thấy tôi và bắt đầu rống lên,
âm thanh vang xe ra đến hàng dặm theo đủ mọi hướng.
Mets gào lên, “Giờ thì đừng có lo về chuyện đó! Cứ leo lên cái chỗ
đường nối và coi chừng cái lũ thây thộp chó đẻ đó!”
Thây thộp?
Những cái con thò tay qua cửa kính xe. Trên đoạn đường trống thì ít
nhất tôi còn có thể tránh được, nhưng ở chỗ đường nối thì lại bị ép vào từ
hai bên. Đó là phần tệ nhất cho tới lúc bấy giờ, mấy cái phút tìm cách lao
lên chỗ xa lộ. Tôi phải luồn lách giữa các xe; tôi không thể phi lên nóc xe
với cái mắt cá của mình. Mấy cánh tay thối rữa thò ra với lấy tôi, tìm cách
chụp lấy bộ đồ bay hoặc cổ tay tôi. Mỗi phát đạn lại làm tôi mất thêm một
giây quí giá. Cái dốc lên nghiêng đã làm tôi chậm hẳn lại rồi. Mắt cá tôi giật
đùng đùng, phổi tôi đau rát, và cái bầy kia đang nhanh chóng bắt kịp tôi.
Nếu mà không có Mets…
Cô ta liên tục quát nạt tôi. “Mẹ cái con ôn kia, nhấc mông lên!” Lúc này
cô ta chả buồn giữ ý gì nữa. “Đừng có bỏ cuộc đấy… CẤM TIỆT mày bỏ
cuộc đấy!” Cô ta nói không ngừng, dứt khoát không cả nể gì tôi cả. “Mày là
cái giống gì vậy, một con nạn nhân ẽo ượt à?” Lúc đó tôi nghĩ mình chính
xác là như vậy. Tôi biết tôi sẽ chẳng bao giờ chạy thoát kịp. Cơn mệt mỏi,
cơn đau và tôi nghĩ trên hết là cơn tức giận vì đã làm mọi thứ hỏng bi bét
đến mức này. Tôi thậm chí còn định quay mũi súng lại, tự trừng phạt mình
vì tội… anh biết đấy. Và rồi Mets thực sự chạm nọc tôi. Cô ta gầm lên,
“Mày là cái quái gì thế, con mụ mẹ mày à!?!”
Thế là xong. Tôi cong mông phi thẳng lên đường quốc lộ.
Tôi báo lại với Mets rằng tôi đã đến nơi, rồi tôi hỏi, “Giờ làm cái khỉ mẹ
gì đây?”
Đột nhiên giọng cô ta dịu hẳn xuống. Cô ta bảo tôi nhìn lên. Từ phía
mặt trời buổi sớm, có một chấm đen đang hướng về chỗ tôi. Nó đang đi dọc
đường xa lộ và đang nhanh chóng trở thành hình dạng một chiếc UH-60.
Tôi reo lên và đốt pháo báo hiệu.
Điều đầu tiên tôi nhận thấy sau khi họ kéo tôi lên khoang đó là đây là
máy bay dân sự, không phải biệt đội Tìm kiếm và Cứu nạn của chính phủ.
Phi đoàn trưởng là một người Cajun hộ pháp với một bộ râu dê dày và đang
đeo kính râm. Ông ta hỏi, “Cô chui từ cái chỗ đếch nào lên thế?” Rất xin lỗi
nếu tôi làm giọng không đúng. Tôi tí nữa thì bật khóc và thụi cho ông ta
một cú vào cái bắp tay to ngang đùi của ông ta. Tôi cười lớn và bảo họ làm
ăn nhanh nhẹn thật. Ông ta nhìn tôi với vẻ không hiểu gì hết. Sau này tôi
mới biết đây không phải đội giải cứu mà chỉ là một trực thăng vận tải
thường xuyên giữa Baton Rouge và Lafayette. Lúc đó tôi chưa biết, và tôi
cũng không quan tâm. Tôi báo lại với Mets rằng tôi đã được đón đi, rằng tôi
đã an toàn. Tôi cảm ơn cô ấy vì tất cả những gì cô ấy đã làm cho tôi, và…
và để tôi không bật ra mà khóc, Tôi cố cợt nhả mấy câu về việc cuối cùng
cũng có thời gian cho cái tập The View đó. Tôi chẳng thấy trả lời gì cả.
Cô ta nghe có vẻ là một Không Vệ tuyệt vời.
Cô ta là một người phụ nữ tuyệt vời.
Chị nói lúc đó chị đã có chút “nghi ngờ”.
Không một thường dân nào, kể cả một Không Vệ già dặn, lại có thể biết
nhiều về không lực đến vậy. Cô ta quá rành, biết quá nhiều, đặc biệt thứ
kiến thức nền mà chỉ những ai đã trải qua mới biết.
Vậy cô ta là phi công.
Chắc chắn vậy; không phải thuộc không lực — nếu thế tôi đã nhận ra
rồi — nhưng chắc đã từng trong hải quân hoặc lục quân. Họ cũng mất nhiều
phi công ngang với không lực trong mấy chuyến hàng tiếp tế như chuyến
của tôi, và cứ mười người thì có đến tám không được liệt tên. Chắc cô ta
cũng gặp tình cảnh như tôi, phải bỏ máy bay, mất hết phi hành đoàn, thậm
chí còn tự trách móc mình như tôi. Bằng cách nào đó cô ta đã tìm thấy cái
cabin kia và trở thành một Không Vệ tuyệt đỉnh trong suốt giai đoạn còn lại
của cuộc chiến.
Nghe cũng có lí.
Ừ, phải không?
[Có một khoảng lặng. Tôi quan sát biểu cảm chị ta, chờ xem có lộ ra
gì không.]
Gì vậy?
Chẳng ai tìm thấy cô ta cả.
Không.
Hay cái cabin.
Không.
Và trong hồ sơ của Honolulu không có tên bất kì Không Vệ nào với
mật hiệu Mets Fan cả.
Cũng chịu tìm hiểu đấy nhỉ.
Tôi…
Chắc anh cũng đã đọc bản báo cáo hậu hành động của tôi, đúng không?
Dạ vâng.
Và cả bản đánh giá tâm lí họ viết sau khi chính thức thẩm vấn tôi nữa.
Ờ thì…
Thì sao, đó toàn thứ ba xạo hết, được chưa? Nếu mọi thứ cô ta nói với
tôi đều là những thứ tôi đã được chỉ dẫn thì sao, nếu đội bác sĩ tâm lí
“khẳng định” rằng điện đàm của tôi đã bị hư hại trước khi tôi tiếp đất thì đã
sao, và nếu Mets là viết tắt của Metis, mẹ của Athena, vị nữ thần Hi Lạp với
đôi mắt xám đục đầy giông tố thì liên quan cái mẹ gì. Ôi, bọn tâm thần liều
phết, đặc biệt khi cái đám ấy “khám phá ra” rằng mẹ tôi lớn lên ở khu
Bronx.
Thế còn cái câu cô ta nói về mẹ của chị?
Ai chả có xung đột với bà già? Nếu Mets là một phi công, cô ta bản tính
sẽ thích cá cược. Cô ta biết nhiều khả năng sẽ chạm được đúng huyệt nếu
đá vào “mẹ.” Cô ta biết cơ hội của mình, thử liều một phen… Mà này, nếu
họ nghĩ đầu óc tôi không còn bình thường, tại sao tôi chưa bị cấm bay? Tại
sao họ vẫn để tôi nắm giữ cái công việc này? Có thể cô ấy đã từng là phi
công, có thể cô ấy đã từng lấy một ai đó như vậy, có thể cô ấy từng mơ
được trở thành phi công nhưng không tiến xa được như tôi. Hoặc có thể cô
ấy chỉ là một giọng nói cô đơn, sợ sệt đang cố gắng làm những gì có thể để
giúp đỡ một giọng nói cô đơn, sợ sệt khác khỏi có cái kết cục như mình. Ai
cần quan tâm cô ấy từng hay vẫn là ai? Cô ta đã có mặt khi tôi cần, và trong
suốt phần đời còn lại của mình, cô ta sẽ luôn ở bên tôi.
XUNGVÀ QUANH
THẾ
GI
Ớ
I
TRÊN KHÔNG
TỈNH BOHEMIA, LIÊN MINH CHÂU ÂU
[Nó có tên gọi là Kost, nghĩa là “Khúc Xương,” và chỉ riêng tính
kiên cố của nó thôi cũng đã thừa đủ để bù đắp cho vẻ ngoài không lấy
gì làm thẩm mỹ lắm. Trông như thể được mọc thẳng lên từ nền đá rắn,
tòa lâu đài thế kỉ mười bốn được xây dựng theo lối kiến trúc Gôtíc này
phủ lên thung lũng Plakanek một cái bóng rất uy vệ. Đó là hình ảnh
David Allen Forbes đang muốn lưu lại trên giấy bút. Đây sẽ là cuốn
sách thứ hai
Zombie: Trên
dưới một gốc
ông càng làm
của ông, Những Tòa Lâu Đài Trong Cuộc Đại Chiến
Lục Địa. Người đàn ông mang quốc tịch Anh ấy ngồi
cây, bộ quần áo vá víu cùng thanh gươm Scotland của
như tô điểm thêm cho cái khung cảnh thời vua Arthur
này. Ông đột ngột thay đổi phong thái ngay khi tôi đến, chuyển từ một
người nghẹ sĩ thong dong sang thành một người kể chuyện đầy lo lắng.]
Khi nói rằng trong lịch sử các nước thuộc Tân Thế Giới không tồn tại
các thành trì kiên cố như của chúng tôi, ý tôi chỉ muốn nhắc đến Bắc Mỹ.
Tất nhiên là dọc khu vực Caribbean có các pháo đài ven biển của Tây Ban
Nha, và còn cả những tòa thành chúng tôi cùng phía bên Pháp xây dựng ở
Lesser Antilles. Rồi còn cả những di tích của người Inca ở dãy Andes, mặc
53
dù họ chưa trực tiếp bị bao vây bao giờ.
Thêm nữa là khi tôi nói “Bắc
Mỹ,” tôi không tính gộp cả các di chỉ của người Maya và Aztec ở Mexico
— có cái Trận chiến ở Kukulcan, dù chắc giờ nó được gọi là Toltec, đúng
54
không? Mấy người ở đó họ ngăn được bước tiến của từng đấy con Zed
ngay trước thềm của cái kim tự tháp tuyệt vời ấy. Vậy nên khi tôi nói “Tân
Thế Giới,” thực chất là tôi đang nói về Mỹ và Canada.
Đây không phải là phí báng gì, anh hiểu chứ, xin đừng nghĩ theo chiều
hướng như vậy. Cả hai đều là những đất nước còn trẻ, các anh không có lịch
sử bị hỗn loạn thể chế như các nước Châu Âu chúng tôi sau khi La Mã sụp
đổ. Các anh lúc nào cũng có một chính phủ quốc gia thường trực với đủ lực
lượng để bảo vệ trật tự và luật lệ.
Tôi biết điều này không đúng trong cuộc hành trình mở rộng về phương
Tây hoặc trong cuộc Nội Chiến của các anh, và cũng xin phép được nói là
tôi không loại trừ những chiến lũy thời tiền Nội Chiến hay trải nghiệm của
những người đã phải bảo vệ nó. Tôi hi vọng một ngày nào đó được tham
quan Pháo đài Jefferson. Tôi nghe bảo những người sống sót ở đó đã phải
trải qua cả một thời kì nhiều giông tố. Tất cả những gì tôi đang muốn nói là,
trong lịch sử Châu Âu, chúng tôi có đến ngót triệu năm hỗn loạn mà đôi khi
sự an toàn chỉ đến trụ tường châu mai thành lũy lãnh chúa của anh là dừng.
Nghe thế có nghĩa lí gì không? Tôi lại nói năng lăng nhăng rồi; ta nói lại từ
đầu nhé?
Không sao, không sao, thế cũng được mà. Xin ông cứ tiếp tục.
Anh sẽ loại đi những đoạn vớ vẩn chứ?
Dạ vâng.
Ờ rồi. Lâu đài. Xem nào… Tôi không muốn phóng đại tầm quan trọng
của chúng trong cuộc chiến. Thực chất, nếu đem chúng ra so sánh với bất
cứ loại thành trì cố định nào, hiện đại, đã được sửa đổi và đại loại vậy,
những gì chúng đóng góp dường như không đáng kể mấy, trừ khi anh là
người như tôi thì chính những đóng góp đó sẽ cứu mạng anh.
Điều này không có nghĩa là bát cứ pháo đài to lớn nào cũng trở thành
Đấng cứu thế của chúng tôi. Đầu tiên, anh phải hiểu được cái sự khác biệt
cố hữu giữa một tòa lâu đài và một cung điện. Rất nhiều nơi được gọi là lâu
đài nhưng thực chất chỉ là mấy tòa nhà to lớn đồ sộ, hoặc là đã bị chuyển
thành như thế sau khi giá trị phòng ngự của chúng trở nên lỗi thời. Những
pháo đài bất khả xâm phạm một thời giờ có quá nhiều cửa sổ ở tầng trệt,
đến mức nếu lấy gạch ra bít lại chắc đến mọt đời. Thà ở trong một khu
chung cư hiện đại loại bỏ hết thang còn tốt hơn. Và nếu những cái cung
điện kia chỉ được xây dựng để thể hiện đẳng cấp, những nơi như “Lâu đài”
Chateau Ussé hay Prague, chúng chẳng khác nào bẫy tử.
Cứ nhìn vào điện Versailles đi. Đó là một thảm họa điển hình. Bảo sao
chính phủ Pháp quyết định xây đài tưởng niệm quốc gia trên tàn dư của nó.
Anh đã đọc cái bài thơ của Renard chưa? Cái bài viết về những bông hồng
giờ mọc ở vườn tưởng niệm, cánh chúng nhuộm đỏ máu những kẻ bị
nguyền ấy?
Không phải chỉ cần có tường cao kiên cố là đủ để sinh tồn lâu dài. Cũng
như bất cứ địa điểm phòng ngự cố định nào khác, lâu đài ẩn chứa nhiều
nguy hiểm đến từ bên trong cũng như bên ngoài. Cứ nhìn vào lâu đài
Muiderslot ở Hà Lan đi. Chỉ cần một người viêm phỏi là đủ. Thêm vào đó
là một mùa thu ẩm ướt, lạnh lẽo, thiếu ăn, thiếu thốn thuốc thang tử tế…
Thử tưởng tượng xem mọi thứ sẽ như thế nào, bị kẹt bên trong những bức
tường đá cao chót vót, mọi người xung quanh ốm thập tử nhất sinh, biết
rằng mình cũng chẳng còn bao lăm nữa, biết rằng hi vọng mong manh duy
nhất là phải trốn thoát. Các đoạn nhật kí của một số những người đang hấp
hối có ghi lại chuyện con người ta tuyệt vọng đến hóa dại, nhảy thẳng vào
con hào đặc nghẹt Zed.
Và còn cả các vụ hỏa hoạn như ở Braubach và Pierrefonds; hàng trăm
người bị kẹt không biets chạy đi đâu, chỉ biết ngồi đợi bị ngọn lửa thiêu
cháy đen thui hay bị khói làm cho chết ngạt. Còn có cả mấy vụ nổ bất ngờ
nữa, có người chẳng hiểu làm sao mà lại tìm thấy bom mìn nhưng chẳng
biết xử lí hay thậm chí bảo quản thế nào. Ở Miskolc Diosgyor, Hungary,
theo như tôi hiểu là có ai đó kiếm được nguyên cả một kho chất nổ sử dụng
natri quân sự. Đừng có hỏi tôi chính xác thì nó là cái gì và tại sao mà họ có
được nó, nhưng có vẻ chẳng ai biết nước mới là chất xúc tác chứ không
phải lửa. Người ta kể là có ai đó hút thuốc trong kho vũ khí, gây ra một vụ
hỏa hoạn nhỏ hay gì gì đó. Cái bọn đần kia tưởng chúng ngăn được cháy nổ
bằng việc lấy nước ra dội vào mấy cái thùng đấy. Nó đục nguyên một lỗ to
tổ chảng trên tường và bọn thây ma cứ thế mà tràn vào như vỡ đập vậy.
Ít nhất đó là do thiếu hiểu biết. Tôi không thể nào tha thứ được chuyện
xảy ra ở Chateau de Fougeres. Họ bị cạn kiệt nhu yếu phẩm, nghĩ rằng
mình có thể đào hầm chui bên dưới những kẻ đang tấn công mình. Họ nghĩ
đây là cái gì, Cuộc Đào Thoát Vĩ Đại à? Họ có khảo sát viên chuyên nghiệp
nào đi cùng không? Họ có biết tí gì về lượng giác cơ bản không? Cái chỗ ra
khỏi hầm chết tiệt ấy bị thiếu mất hơn nửa cây, tòi lên ngay chính giữa tổ
mấy thứ đồ khốn kiếp ấy. Cái lũ ngốc này thậm chí còn không nghĩ đến
chuyện trang bị thuốc nổ vào trong hầm.
Vâng, có quá nhiều thảm họa, nhưng cũng đã có một số thành công
đáng kể. Nhiều tòa thành chỉ bị vây hãm ngắn hạn nhờ may mắn tọa lạc ở vị
trí chiến lược. Một số chỗ ở Tây Ban Nha, Bayern hay Scotland phía bên
55
trên bức tường Antonine chỉ phải trụ vài tuần, hay thậm chí là vài ngày.
Với một số chỗ như Kisimul người ta chỉ việc trải qua một đêm khá mệt
mỏi. Nhưng rồi cũng có một số chiến thắng đích thực, như tòa thành
Chenonceau ở Pháp, một lâu đài kì lạ hơi mang phong thái của Disney,
được xây dựng trên một con cầu bắc qua sông Cher. Khi đã chặt đứtcả hai
điểm kết nối với đất liền và có tính toán chiến lược tương đối, họ trụ lại
được ở đó suốt mấy năm liền.
Họ có đủ đồ dùng trong suốt mấy năm sao?
Ôi lạy Chúa, không. Họ chỉ đơn giản là ngồi đợi khi tuyết bắt đầu rơi,
sau đó đi lùng sục các vùng nông thôn lân cận. Theo như tôi nghĩ, gần như
ai bị vây hãm cũng đều phải làm thế, dù có ở trong lâu đài hay không. Tôi
chắc rằng những người ở trong “Vùng Xanh Dương” chiến lược của các
anh cũng làm tương tự, ít nhất là những người sống ở phía trên đường tuyết
rơi. Chính vì lí do này mà chúng tôi thấy rất may mắn khi phần lớn Châu
Âu đóng băng vào mùa đông. Rất nhiều người tôi nói chuyện đã đồng ý
rằng khi mùa đông đến, mặc dù nó dài lê thê và rất khắc nghiệt, lại trở
thành một lệnh ân xá trời ban. Chỉ cần không bị chết cóng, rất nhiều người
sống sót đã tranh thủ lúc bọn Zedcòn đang đóng băng đi sục sạo các vùng
xung quanh để kiếm bất kì thứ gì cần thiết cho mấy tháng ấm hơn.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi nhiều người chọn ở lại trong thành trì của
mình ngay cả khi có cơ hội trốn thoát, cho dù là Bouillon ở Bỉ hay Spis ở
Slovakia hay thậm chí ở cả quê nhà như Beaumaris ở Wales. Trước chiến
tranh, những nơi này chẳng khác nào hiện vật trong bảo tàng, chỉ là một cái
vỏ trống rỗng gồm những gian phòng không mái và các bức tường đồng
tâm cao. Hội đồng thành phố đáng ra phải được Huân chương Chữ thập
Victoria cho những gì họ đã đạt được, tổng hợp tài nguyên, tổ chức lại dân
chúng, khôi phục lại ánh hào quang xưa cho những phế tích này. Họ chỉ có
vài tháng trước khi cuộc biến độnglan đến vùng họ sống tại Anh. Thậm chí
còn ấn tượng hơn đó là câu chuyện về Conwy, vừa là một lâu đài vừa là một
bức tường bảo vệ cả thị trấn. Dân cư ở đây không chỉ được sống an toàn và
khá thoải mái trong giai đoạn chiến tranh bế tắc, nhờ có đường ra biển mà
Conwy còn trở thành bàn đạp cho lực lượng của chúng tôi một khi chúng
tôi bắt đầu tái chiếm lại đất nước mình. Anh đã đọc Camelot Mine chưa?
[Tôi lắc đầu.]
Anh đi mua ngay một bản đi. Một cuốn tiểu thuyết cực hay, dựa trên trải
nghiệm của chính tác giả khi còn là một trong những người bảo vệ thành trì
Caerphilly. Khi chuyện xảy đến ông còn đang ở trên tầng ba căn hộ của
mình ở Ludlow, Wales. Khi hết đồ dùng và tuyết đã bắt đầu rơi, ông ta
quyết định đi tìm chỗ ở nào đó cố định hơn. Ông ta vô tình bắt gặp một phế
tích, nơi ấy đã từng được bảo vệ một cách nửa mùa và kết cụ là công cốc.
Ông ta chôn mấy cái xác, đạp bể sọ vài tên Zed đóng băng và bắt đầu một
mình khôi phục lại tòa thành này. Ông làm việc không mệt mỏi, xuyên suốt
cái mùa đông khắc nghiệt nhất trong lịch sử. Đến tháng năm, Caerphilly đã
sẵn sàng cho cuộc vây hãm mùa hè, và đến mùa đông năm sau, nó đã trở
thành nơi trú ẩn cho vài trăm người sống sót khác.
[Ông cho tôi xem một bản phác thảo của mình.]
Thật là một kiệt tác, đúng không, lớn thứ hai trên toàn bộ Quần đảo
Anh.
Cái nào lớn thứ nhất vậy?
[Ông ngập ngừng.]
Windsor.
Windsor là tòa thành của ông.
Ờ thì, đâu phải của riêng gì tôi.
Ý tôi là ông đã có mặt ở đó.
[Lại thêm một khoảng lặng.]
Về mặt phong ngự mà nói, nó gần như là hoàn hảo. Trước chiến tranh,
nó là tòa thành có người ở lớn nhất Chấu Âu, rộng gần mười ba mẫu. Nó có
giếng nước riêng và đủ chỗ chứa thức ăn để dùng cho nguyên cả một thập
kỉ. Kể từ vụ hỏa hoạn năm 1992, một hệ thống phòng cháy chữa cháy tối
tân đã được thiết lập, và sau này do e ngại các mối đe dọa khủng bố, hệ
thống an ninh đã được nâng cấp lên ngang tầm bất cứ nơi nào khác ở UK.
Ngay cả công chúng cũng không biết số tiền thuế của mình được đem đổ
vào đâu: kính chống đạn, tường gia cố, chấn song rút ra rút vào được và tấm
cửa sắt được giấu rất khéo trong các khung cửa sổ cũng như cửa ra vào.
Nhưng trong số những kì tích thực hiện được ở Windsor, không gì có
thể sánh bằng chuyện lấy dầu thô và khí tự nhiên từ các mỏ ở dưới móng
lâu đài. Hồi những năm 1990 người ta đã phát hiện ra các mỏ này nhưng
không khai thác được vì một số lí do chính trị và môi trường. Nhưng còn
chúng tôi thì chẳng có gì phải ngần ngại cả. Đội ngũ kĩ sư hoàng gia của
chúng tôi lập một giàn giáo bắc ngang qua tường và mở rộng ra đến tận địa
điểm khoan dầu. Thật là một thành quả đáng khâm phục, và giờ chắc anh đã
hiểu vì sao nó trở thành xuất phát điểm cho các đường cao tốc được gia cố
của chúng tôi. Về mặt cá nhân mà nói thì tôi chỉ quan trọng chuyện có
phòng ốc ấm áp, đồ ăn nóng hổi và, trong trường hợp khẩn cấp… bom xăng
và hào lửa. Công nhân đó không phải cách chặn bọn Zed hiệu quả gì cho
cam, nhưng nếu có thể khiến chúng mắc kẹt và cầm chân chúng phía trong
ngọn lửa thì… với cả ngoài ra, khi đạn dược đã hết sạch và chẳng còn gì
khác ngoài một đống vũ khí cận chiến thời trung cổ thì còn biết làm gì nữa
đây?
Mấy thứ khí giới đó không phải hiếm, trong các bảo tàng, các bộ sưu
tập của tư nhân… và không một cái nào là hàng giả đem trang trí. Chúng
đều là đồ thật, rất bền bỉ và đã kinh mùi chiến trận. Chúng lại một lần nữa
trở thành một phần của đời sống con dân nước Anh, những công dân bình
dị đi tuần tiễu cùng với cây thương, chiếc kích hoặc rìu chiến hai lưỡi. Bản
thân tôi cũng đã sử dụng khá thuần thục thanh gươm hai lưỡi này, mặc dù
nhìn vào chắc anh không nghĩ thế đâu.
[Ông hơi ngượng nghịu ra dấu về phía thanh kiếm cao gần như
ngang ông.]
Nó cũng không thực sự lí tưởng cho lắm, đòi hỏi kĩ năng phải rất khéo
léo, những dần dần anh cũng hiểu ra mình làm được gì, những gì anh chưa
bao giờ nghĩ mình hay những người xung quanh lại có khả năng.
[David do dự trước khi nói tiếp. Rõ ràng là ông ta đang cảm thấy
không thoải mái. Tôi chìa tay ra.]
Rất cảm ơn ông đã dành chút thời gian…
Vẫn… còn một thứ nữa.
Nếu ông thấy không tiện…
Không, không sao, nói ra cũng được mà.
[Hít một hơi.] Bà ấy… bà ấy không chịu rời đi, anh hiểu chứ? Bất chấp
sự phản đối của Quốc hội, bà ấy vẫn quyết định ở lại Windsor “trong giai
đoạn này,” theo như cách nói của bà ấy. Tôi cứ ngỡ đó chắc là do cái tính
vương giả không phải lối, hoặc có thể là do bà ta sợ quá không muốn rời đi.
Tôi cố hết sức làm cho bà ấy hiểu, gần như quì hẳn xuống mà van xin bà ấy.
Chẳng phải khi biến tất cả các tài sản của bà trở thành vùng được bảo vệ
cho những ai có thể đến được và phòng thủ được chúng thông qua Nghị
định Balmoral là bà đã làm quá đủ rồi sao? Tại sao không đi ẩn náu cùng
với gia đình ở Ai Len hay đảo Man? Hoặc nếu bà nhất quyết ở lại Anh, sao
không ít nhất đi đến trụ sở chỉ huy tối cao phía bắc bên kia bức tường
Antonine?
Bà ấy đã nói gì?
“Sự khác biệt lớn nhất của chúng ta là những gì ta làm cho người
khác.”[Ông hắng giọng, môi hơi thoáng run rẩy.] Cha của bà đã nói như
vậy; đó là lí do vì sao trong cuộc Đại Chiến Thế Giới lần hai ông không
chạy sang Canada, lí do mẹ bà trong suốt mùa bão tuyết đi thăm những
người dân thường đang phải chen chúc nhau trong các ga điện ngầm ở
London. Cũng chính vì lí do đó mà cho đến nay, chúng tôi vẫn còn là
Vương quốc Liên hiệp Anh. Nhiệm vụ họ gánh vác, sứ mệnh mà họ gánh
vác là phải trở thành hiện thân cho những gì tốt đẹp nhất của tinh thần dân
tộc chúng tôi. Họ phải luôn là một tấm gương cho những người khác, là
người mạnh mẽ nhất, can đảm nhất và vĩ đại nhất. Hiểu theo một cách khác,
chính họ mới là người bị chúng ta cai trị chứ không phải ngược lại, và họ
phải hi sinh tất cả, tất cả mọi thứ, chỉ để mang trên vai cái gánh nặng kinh
khủng này. Nếu không thì họ để làm gì? Cứ quẳng hết cái mớ truyền thống
chết tiệt này đi, lôi cái máy chém ra và coi như xong chuyện. Tôi thấy họ
cũng như mấy cái lâu đài: những di tích cũ nát, lỗi thời, không có một chức
năng hiện đại nào khác ngoài thu hút du khách. Nhưng khi bầu trời trở nên
đen tối và Tổ quốc bắt đầu kêu gọi, cả hai đều tìm lại được ý nghĩa cho sự
tồn tại của mình. Một thứ bảo vệ thân xác của chúng tôi, thứ còn lại che chở
tâm hồn chúng tôi.
ĐẢO SAN HÔ ULITHI, HIỆP CHỦNG QUỐC MICRONESIA
[Trong Thế Chiến Thứ II, hòn đảo san hô rộng lớn này là một trong
những căn cứ tiến công chính của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ.
Trong Thế Chiến Z, nó không chỉ coi giữ các chiến hạm Mỹ mà còn cả
hàng trăm loại tàu bè dân sự. Một trong số đó là tàu UNS Ural, trạm
phát thanh đầu tiên của đài Radio Free Earth. Giờ với tư cách một viện
bảo tàng dành cho các thành tựu của dự án này, nó là tâm điểm của bộ
phim tài liệu Ngôn từ Chiến tranh của Anh. Một trong những đối tượng
được phỏng vấn trong bộ phim tài liệu này là Barati Palshigar.]
Thiếu hiểu biết là một thứ giặc. Các thứ dối trá, mê tín, thông tin sai
lệch, thông tin bóp méo. Đôi khi, nó lại là sự thiếu hụt thông tin. Thiếu hiểu
biết đã giết chết hành triệu người. Thiếu hiểu biết đã gây ra cuộc Đại Chiến
Zombie. Tưởng tượng thử xem mọi chuyện sẽ khác như thế nào nếu hồi đó
chúng ta biết những thứ như bây giờ. Tưởng tượng thử xem mọi thứ sẽ ra
sao nếu ta biết về virút thây ma rõ như bệnh lao chẳng hạn. Tưởng tượng
thử xem mọi chuyện sẽ diễn tiến thế nào nếu tất cả mọi công dân trên thế
giới, hay ít nhất là những người có nhiệm vụ bảo vệ những công dân đó,
biết được chính xác mình đang phải đối mặt với cái gì. Ngu dốt là một thứ
giặc, và các bằng chứng chính xác sẽ là vũ khí.
Khi tôi mới tham gia vào Radio Free Earth, nó vẫn mang tên là Chương
trình Cung cấp Thông tin về Sức khỏe và An toàn Quốc tế. Cái tên “Radio
Free Earth” là do những cá nhân và cộng đồng giám sát các buổi phát thanh
của chúng tôi.
Đây là dự án quốc tế đầu tiên, tổ chức chỉ vài tháng sau khi Kế hoạch
Nam Phi được triển khai, và trước cuộc hội nghị ở Honolulu mấy năm.
Cũng như cách cả thế giới xây dựng chiến lược sinh tồn dựa trên Kế hoạch
56
Redeker, chúng tôi được hình thành dựa trên nền tảng của Radio Ubunye.
Radio Ubunye là gì vậy?
Các bản phát thanh dành cho những công dân bị cô lập của Nam Phi. Vì
chính phủ họ không đủ nguồn lực để hỗ trợ về mặt vật chất, họ chỉ có thể
hỗ trợ bằng thông tin. Họ là quốc gia đầu tiên, ít nhất là theo như tôi biết,
bắt đầu phát những bài phát thanh đa ngôn ngữ một cách thường xuyên.
Bên cạnh việc cung cấp những kĩ năng sinh tồn thiết thực, họ thậm chí còn
đi thu thập và đề cập đến tất cả mọi thứ thông tin sai lệch đang lan truyền
trong các tầng lớp nhân dân. Chúng tôi lấy khuôn mẫu ấy của Radio
Ubunye và đem áp dụng cho cộng đồng thế giới.
Tôi được đưa lên bong ngay đúng lúc mọi thứ bắt đầu, theo đúng nghĩa
đen luôn. Khi ấy các lò phản ứng của tàu Ural vừa mới được đưa vào hoạt
động lại. Ural vốn là một chiến hạm Xô-viết, sau đó được sung vào lực
lượng Hải quân Liên bang của Nga. Hồi đó SSV-33 đã phải đóng nhiều vai
trò: tàu chỉ huy, trạm theo dõi tên lửa, chiến hạm theo dõi điện tử. Thật
không may, con tàu này lại hoàn toàn không có giá trị, bởi vì, như họ nói
với tôi, hệ thống của nó phức tạp đến mức ngay cả thủy thủ đoàn của nó
cũng phải bó tay. Phần lớn quãng đời của nó bị buộc vào cột ở căn cứ hải
quân Vladivostok, hỗ trợ cũng cấp điện cho căn cứ. Tôi không phải kĩ sư
nên chẳng biết làm thế nào mà họ thay thế được các thanh nhiên liệu đã cạn
kiệt trên tàu hay chỉnh lại các hệ thống liên lạc cồng kềnh của nó để kết nối
được với hệ thống vệ tinh toàn cầu. Tôi chuyên về ngôn ngữ, đặc biệt là các
thứ tiếng ở vùng Tiểu lục địa Ấn Độ. Chỉ có hai người chúng tôi, tôi cùng
với ông Verma, phải lo cho cả tỉ con người… ờ thì… ít nhất lúc đó vẫn còn
là tỉ.
Verma gặp tôi trong một trại tị nạn ở Sri Lanka. Ông ta là một biên dịch
viên, còn tôi là thông dịch viên. Trước đó vài năm chúng tôi đã có làm việc
cùng nhau tại đại sứ của đất nước chúng tôi ở London. Hồi đó chúng tôi
tưởng việc thế là đã kinh lắm rồi; đúng là một lũ ếch ngồi đáy giếng. Khối
lượng công việc nặng không thế tưởng tưởng tượng nổi, một ngày làm
mười tám tiếng, đôi khi lên đến tận hai mươi. Tôi chẳng hiểu bọn tôi ngủ
vào lúc nào. Cứ mỗi phút là lại có một đống thông tin thô, một đống các thứ
thư từ được gửi đến. Chúng phần lớn liên quan đến các kĩ năng sinh tồn cơ
bản: cách lọc nước, tạo nhà kính trong nhà, cách nuôi trồng và chế biến bào
tử mốc để làm penicillin. Đống tài liệu khổng lồ này sẽ thường có các dữ
kiện và thuật ngữ mà tôi trước giờ chưa từng nghe tới. Tôi chưa từng biết
đến “quisling” hay “trẻ hoang”; tôi không biết “Lobo” là cái giống gì cũng
như chưa từng nghe đến vụ thuốc chống zombie giả Phalanx. Tôi chỉ biết
rằng đột nhiên có một người mặc quân phục đến tống cho tôi một mớ chữ
và nói rằng “Chúng tôi cần dịch chỗ này ra Marathi trong vòng mười lăm
phút nữa để thu âm.”
Mọi người phải đính chính những loại thông tin sai lệch nào?
Anh muốn tôi bắt đầu từ đâu đây? Y học? Khoa học? Quân sự? Tâm
linh? Hay tâm lí? Cá nhân tôi thấy tâm lí là cái hạng mục dễ điên đầu nhất.
Người ta cứ muốn nhân cách hóa cái đám dịch bệnh biết đi ấy. Trong chiến
tranh, chiến tranh thông thường ấy, chúng ta dành ra rất nhiều thời gian để
bôi nhọ kẻ thù, tạo ra khoảng cách về mặt cảm xúc. Chúng ta sẽ bịa chuyện
hoặc gán cho đối phương những cái tên mang tính xúc phạm… cứ nhớ lại
chuyện hồi trước bố tôi hay gọi dân Đạo Hồi là gì… và giờ trong cuộc
chiến này, dường như mọi người lại lao đầu đi tìm sự tương đồng giữa mình
và kẻ thù, tìm cách gán chút nhân tính cho cái thứ rõ ràng không còn là
giống người nữa.
Anh có thể nêu cho tôi vài ví dụ được không?
Có rất nhiều thứ quan niệm sai lệch: zombie có trí tuệ; chúng biết cảm
nhận và thích nghi, biết cách sử dụng công cụ và thậm chí là một số vũ khí
của con người; chúng vẫn còn lưu giữ kí ức hồi còn sống; hoặc là có thể
giao tiếp với chúng cũng như huấn luyện chúng trở thành thú cưng. Thật là
đau lòng khi cứ phải liên tục đính chính lại hết tin đồn này đến tin đồn khác.
Cuốn cẩm nang sinh tồn dân sự có hỗ trợ được chút ít nhưng vẫn còn rất
nhiều hạn chế.
Thật vậy sao?
Tất nhiên. Căn cứ vào các phần đề cập đến SUV và các loại hỏa khí cá
nhân, anh có thể thấy rõ ràng tác giả là một người Mỹ. Nó không tính đến
khác biệt văn hóa gì hết… không tính đến một loạt các giải pháp mà người
bản địa tin rằng sẽ bảo vệ họ khỏi lũ thây ma.
Chẳng hạn như…?
Tôi không muốn đưa ra quá nhiều thông tin, làm thế thì khác gì lên án
kín cả cái cộng đồng nơi “giải pháp” này bắt nguồn. Là một người Ấn Độ,
tôi phải đối mặt với rất nhiều khía cạnh của chính văn hóa nước mình,
những thứ nay đã trở nên rất tai hại. Có cái vụ ở Varanasi, một trong những
thành phố cổ nhất trên Trái Đất, gần nơi được cho là Đức Phật đã có bài
thuyết pháp đầu tiên. Đó cũng là nơi mỗi năm hàng nghìn người hành
hương theo dòng Hindu đến nhắm mắt xuôi tay. Trong thời tiền chiến, khắp
dọc con đường sẽ nhan nhản xác. Giờ đống xác đấy đã bắt đầu đứng lên lại
và đi tấn công. Varanasi là một trong những Vùng Trắng nóng bỏng nhất,
một tổ thây ma. Cái tổ này trải rộng khắp gần hết dọc sông Ganges. Trước
khi chiến tranh nổ ra khoảng vài chục năm, công năng chữa bệnh của con
sông này đã được khoa học chứng minh, do độ ô-xi hóa cao của nước hay
57
sao đó. Thật là bi kịch. Hàng triệu người đổ xô đến hai bên bờ con sông,
khiến tình hình càng lúc càng trầm trọng. Ngay cả sau khi chính phủ rút về
trong dãy Himalayas, khi hơn 90 phần trăm đất nước đã chính thức bị thây
ma chiếm đóng, cuộc hành hương ấy vẫn tiếp tục. Nước nào cũng phải đối
mặt với tình huống tương tự. Ai trong đội ngũ nhân viên trên khắp toàn cầu
của chúng tôi cũng đã ít nhất một lần phải đối mặt với những sự thiếu hiểu
biết chết người như thế này. Một gã người Mỹ có kể cho chúng tôi về một
giáo phái mang tên “Những Con Cừu của Chúa”. Họ tin rằng cuối cùng thời
kì hoàng kim cũng đã đến và nếu càng mau bị nhiễm bệnh thì càng nhanh
được lên thiên đường. Có một chị — tôi sẽ không nói chị ta là dân nước nào
— đã phải tìm mọi cách xóa bỏ cái quan niệm rằng quan hệ tình dục với
một trinh nữ có thể “tẩy trừ” cái “lời nguyền.” Tôi chẳng biết bao nhiêu cô
gái hay bé gái đã bị hãm hiếp chỉ để “tẩy trần .” Ai cũng rất căm giận nhân
dân nước mình. Ai cũng cảm thấy tự xấu hổ. Một đồng nghiệp người Bỉ của
tôi còn so sánh nó với bầu trời đang ngày một tối tăm hơn. Anh ta gọi đó là
“cái xấu ẩn chứa trong tâm hồn tất cả chúng ta.”
Tôi cũng không cho rằng mình có quyền phàn nàn. Tính mạng tôi chẳng
bao giờ bị đe dọa, dạ dày tôi lúc nào cũng có cái để cho vào. Tôi có thể ngủ
không nhiều nhưng ít nhất có thể ngủ mà không cần lo lắng. Quan trọng
hơn, tôi không phải làm ở ban IR của tàu Ural.
IR?
Information Reception – Ban Tiếp Nhận Thông Tin. Những thông tin
chúng tôi đưa lên sóng đâu phải bắt nguồn từ tàu Ural. Nó đến từ khắp nơi
trên thế giới, từ các chuyên viên và nhóm chuyên viên ở các vùng an toàn
trực thuộc chính phủ nhiều quốc gia. Họ gửi những phát kiến của mình cho
các nhân viên IR để chuyển lại cho chúng tôi. Phần lớn lượng thông tin này
được truyền qua các băng tần dân sự mở ngỏ thông thường. Và trong số đó,
rất nhiều băng tần đặc kín tiếng người kêu cứu. Có đến hàng triệu sinh
mạng bất hạnh rải rác trên khắp thế giới, tất cả đều đang kêu gào van lạy
vào trong máy vô tuyến của mình khi con cái họ chết đói hoặc thành lũy
tạm của họ bị cháy rụi, hoặc khi bọn thây ma tràn qua tuyến phòng ngự của
họ. Ngay cả nếu anh không biết tiếng của họ, và thực tế là rất nhiều nhân
viên trực không biết, cái chất thống khổ trong giọng nói ấy không thể lẫn đi
đâu được. Họ cũng không được phép đáp trả; không có thời gian cho việc
đó. Mọi thứ truyền phát thông tin đều phải được dành hết cho công việc
chính. Tôi chẳng muốn biết các nhân viên IR cảm thấy ra sao về việc đó
đâu.
Khi buổi phái thanh cuối cùng được truyền đến từ Buenos Aires, khi cô
ca sĩ người La-tinh nổi tiếng hát cái bài hát ru Tây Ban Nha đó, một nhân
viên trực của chúng tôi chịu không nổi nữa. Nó không phải quê ở Buenos
Aires, nó thậm chí còn không phải dân Nam Mỹ. Nó chỉ là một thằng bé
thủy thủ người Nga mười tám tuổi đời, tự bắn não mình văng tung tóe khắp
loa đài. Thằng nhóc ấy là người đầu tiên, và kể từ khi chiến tranh kết thúc,
tất cả các nhân viên IR khác đều có kết cục tương tự. Giờ không ai trong số
họ còn sống. Người cuối cùng là anh bạn Bỉ của tôi. “Anh sẽ mang những
giọng nói đó theo mình,” một buổi sáng anh ta nói với tôi như vậy. Chúng
tôi đang đứng trên boong, nhìn về phía lớp sương nâu bẩn, ngóng đợi một
bình minh cả hai đều biết sẽ không bao giờ lên. “Những tiếng kêu khóc ấy
sẽ đi theo tôi suốt đời, không bao giờ yên nghỉ, không bao giờ nhạt nhòa,
không bao giờ ngừng kêu gọi tôi xuống nhập bọn với họ.”
KHU PHI QUÂN SỰ: NAM TRIỀU TIÊN
[Hyungchol Choi, phó giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương
Triều Tiên, chỉ về phía phần đất khô cằn, đồi núi trập trùng và không
có gì đặc biệt ở phía Bắc chỗ chúng tôi. Có thể dễ dàng nhầm nó với
Nam California nếu không có mấy cái xe tải bỏ hoang, bảng quảng cáo
đã phai hình và hàng rào dây kẽm gai chạy về hai phía chân trời.]
Chuyện gì đã xảy ra? Không một ai biết. Không một quốc gia nào lại có
khả năng đẩy lùi căn đại dịch này như Bắc Triều Tiên. Phía Bắc có sông,
phía Đông và Tây có biển, và về phía Nam [ông chỉ tay vào Khu Phi
Quân Sự], đường biên giới được canh gác cẩn mật nhất trên Trái Đất. Anh
có thể thấy địa hình núi non hiểm trở thế nào, rất dễ bảo vệ, nhưng còn cái
anh không thể thấy đó là trên những ngọn núi kia có nguyên cả một khu hạ
tầng cơ sở liên hợp quân sự-công nghiệp khổng lồ. Chính phủ Bắc Triều đã
học được một bài học rất thấm từ sau chiến dịch đánh bom của chúng tôi
hồi những năm 1950. Kể từ đó họ đã làm việc cật lực để tạo ra cả một hệ
thống ngầm dưới lòng đất, cho phép họ khơi mào chiến tranh từ một địa
điểm an toàn.
Dân số họ bị quân sự hóa rất mạnh, được huấn luyện sẵn sàng đến mức
so với họ thì Israel chẳng khác nào Iceland. Hơn một triệu đàn ông và phụ
nữ hiện đang phục vụ trong quân ngũ và có thêm năm triệu nữa trong lực
lượng dự bị. Thế là gần một phần tư dân số rồi, chưa kể đến việc gần như ai
thuộc quốc gia đó cũng đều đã có một lần trong đời trài qua đào tạo quân sự
cơ bản. Nhưng quan trọng hơn cả việc đào tạo, và quan trọng nhất đối với
thể loại chiến tranh như thế này, là mức độ kỉ luật quốc gia gần như siêu
phàm. Dân Bắc Triều Tiên ngay từ nhỏ đã được dạy rằng mạng sống của họ
là vô nghĩa, rằng họ tồn tại chỉ để phục vụ Tổ quốc, phục vụ Cuộc Cách
Mạng, và phục vụ Lãnh Đạo Tối Cao.
Điều này gần như trái hoàn toàn với Nam Triều Tiên. Xã hội chúng tôi
rất thoáng. Chúng tôi phải như thế. Bán buôn quốc tế là nguồn sống chính
của chúng tôi. Chúng tôi theo chủ nghĩa cá nhân, mặc dù chắc không được
như người Mỹ các anh, nhưng chúng tôi cũng có đủ kiểu biểu tình và gây
rối trật tự công cộng. Xã hội chúng tôi tự do và phân tách đến mức suýt
58
chút nữa thì không thực hiện được Điều lệ Chang trong giai đoạn Đại
Loạn. Đối với Bắc Triều Tiên, mấy vụ khủng hoảng nội bộ như thế này là
điều không tưởng. Họ là một dân tộc mà ngay cả khi chính quyền gây nạn
59
đói trầm trọng, sẽ thà ăn thịt trẻ con chứ không chịu hở ra một câu chống
đối. Sự phục tùng này ngay cả Adolf Hitler cũng chỉ dám mơ đến. Nếu cho
mỗi người dân một khẩu súng, một hòn đá, hay thậm chí chỉ làm nắm tay
không, chỉ họ về phía lũ zombie đang tới gần và nói “Đánh!”, từ bà già cho
đến trẻ nhỏ sẽ đều răm rắp tuân theo. Đây là đất nước sinh ra cho chiến trận,
đã lên kế hoạch, chuẩn bị, và đứng ở thế sẵn sàng kể từ ngày 27 tháng bảy,
1953. Nếu muốn tìm ra một đất nước không chỉ sống sót qua được chuỗi
ngày tận thế ta phải đối mặt mà còn dành được chiến thắng vang dội, đó chỉ
có thể là Nhà nước Cộng Hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Nếu thế thì chuyện gì đã xảy ra? Khoảng chừng một tháng trước khi bên
chúng tôi bắt đầu xuất hiện vấn đề, trước khi trận bùng phát dịch đầu tiên
được phát hiện ở Pusan, Bắc Triều đột nhiên cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao
một cách rất bí hiểm. Không ai báo cho chúng tôi biết tại sao tuyến đường
sắt, tuyến đường bộ kết nối duy nhất giữa hai bên, lại bất thình lình bị đóng
cửa. Cũng không ai hiểu tại sao một số công dân phía bên tôi, những người
đã đợi cả mấy chục năm để gặp lại họ hàng bên phía Bắc, lại đột nhiên bị
một cái dấu cao su đạp tan mơ ước của mình. Không có bất cứ lời giải thích
nào hết. Tất cả những gì chúng tôi nhận được chỉ là cái cớ “vấn đề an ninh
quốc gia” cũ mèm của họ.
Không như những người khác, tôi không tin rằng đây là bước dạo đầu
của một cuộc chiến mới. Mỗi lần phía Bắc dọa sử dụng vũ lực, họ luôn phát
những tín hiệu giống nhau. Không một dữ kiện vệ tinh nào, của chúng tôi
hay của phía Mỹ, cho thấy dù chỉ một động thái thù địch. Không có điều
động quân, không tiếp thêm nhiên liệu cho máy bay, không triển khai chiến
hạm hay tàu ngầm. Nếu có bất cứ thứ gì khác thường thì đó chính là việc
lực lượng chúng tôi dọc Khu Phi Quân Sự bắt đầu để ý thấy quân số bên kia
biến mất dần. Lính biên phòng chúng tôi nhẵn hết mặt. Trong suốt mấy năm
liền, chúng tôi đã chụp lại hết mặt mũi của họ, đặt cho họ các thứ biệt danh
như Mắt Rắn hay chó Bun, thậm chí còn tổng hợp cả hồ sơ về đọ tuổi, lai
lịch và đời sống riêng tư. Giờ họ cứ lặn dần, biến đi đằng sau hệ thống hầm
hào được che kín.
Máy đo địa chấn của chúng tôi cũng yên ắng như vậy. Nếu phía Bắc đã
khởi công đào hầm hay tích lại các thứ xe cộ ở phía bên kia khu “PQS,” nó
đã đến tai chúng tôi như ở Nhà hát Opera Quốc gia.
Panmunjom là khu vực duy nhất dọc khu PQS để cho hai bên gặp nhau
thương lượng trực tiếp. Chúng tôi chia nhau quyền cai quản các phòng hội
thảo, và quân hai bên đứng canh cách nhau có mấy mét trên một cái sân
rộng. Lính canh được luân chuyển liên tục. Một đêm nọ, phân đội Bắc Triều
Tiên bước vào trong trại lính, không thấy đơn vị thay thế nào bước ra. Cửa
nẻo được đóng chặt. Đèn đuốc tắt ngóm. Và chúng tôi không còn gặp lại họ
nữa.
Hoạt động xâm nhập tình báo của họ cũng ngưng hẳn. Mật thám từ bên
phía Bắc trà trộn vào thường xuyên và dễ đoán như mùa màng vậy. Phần
lớn nhìn phát là biết ngay, mặc đồ lỗi mốt và hỏi han giá cả các thứ mặt
hàng đáng ra phải biết rồi. Hồi trước chúng tôi phát hiện ra cả đống, nhưng
kể từ khi các trận dịch bùng phát, số lượng điệp viên giảm xuống còn
không.
Thế còn điệp viên của các ông ở phía Bắc thì sao?
Biến mất nốt, tất cả bọn họ, gần như cùng lúc với khi tất cả mọi thứ
thiết bị theo dõi điện tử của chúng tôi không còn dò được gì nữa. Ý tôi ở
đây không phải là không có tín hiệu radio nào bất thường mà là không còn
có chút tín hiệu nào nữa. Dần dần, tất cả mọi kênh từ dân sự đến quân sự
đều tắt ngóm. Ảnh chụp từ về tinh cho thấy trên ruộng đồng có ít nông dân
hơn, trên phố xá ít người qua lại hơn, các dự án lao động công ích vắng
bóng “tình nguyện viên” hơn, điều mà trước giờ chưa từng. Nhoằng một
cái, từ Yalu đến tận vùng PQS đã không còn một bóng người. Đứng từ quan
điểm tình báo, trông cứ như thể cả đất nước, mọi người đàn ông, đàn bà và
trẻ con ở Bắc Triều Tiên đã biến mất.
Điều bí ẩn này làm chúng tôi càng thêm lo, trong khi ở nhà đã có đủ thứ
để đau đầu rồi. Tính tới thời điểm đó dịch đã bùng phát ở Seoul, P’ohang,
Taejon. Mokpo phải đi sơ tán, Kangnung bị cô lập, và tất nhiên, chúng tôi
cũng có một vụ Yonkers ở Inchon. Thêm vào đó, chúng tôi cũng cần phải
cắt cử ít nhất một nửa số các sư đoàn hiện tại ra canh biên giới phía bắc. Rất
nhiều người trong Bộ Quốc Phòng tin rằng phe Pyongyang rất ngứa ngáy
muốn gây chiến, háo hức đợi khi chúng tôi gặp lúc bĩ cực nhất để mà rầm
rầm xông qua Vĩ tuyến 38. Giới tình báo chúng tôi cực lực phản đối. Chúng
tôi liên tục nói với họ rằng nếu bên kia đang đợi lúc chúng ta gặp bước gian
truân kinh khủng nhất, đây chính là thời cơ chín muồi cho họ.
Tae Han Min’guk tí nữa thì sụp đổ hoàn toàn. Người ta đã bắt đầu âm
thầm lên kế hoạch tái định cư theo kiểu Nhật Bản. Các biệt đội bí mật đã đi
khảo sát sẵn một số địa điểm ở Kamchatka rồi. Nếu Điều lệ Chang mà
không công hiệu… nếu chỉ thêm vài đơn vị nữa bị hạ gục, nếu chỉ thêm vài
vùng an toàn nữa bị lây nhiễm…
Có lẽ chúng tôi sống sót được là nhờ phía Bắc, hoặc ít nhát là nhờ nỗi
sợ người phương Bắc. Thế hệ tôi không coi Bắc Triều Tiên là một mối họa.
Tôi đang nói đến dân thường, anh hiểu chứ, những người cỡ tuổi tôi coi họ
là một đất nước tụt hậu, đói kém, thất bại. Thế hệ của tôi sinh ra và lớn lên
trong thời kì hòa bình, phát triển thịnh vượng. Họ chỉ sợ duy nhất một vụ
hợp nhất như kiểu Đức, kéo theo việc hàng triệu tên cộng sản cũ giờ đang
vô gia cư nhào đến kiếm chác.
Thế hệ đi trước chúng tôi thì lại không như vậy… bố mẹ, ông bà chúng
tôi… những người luôn bị mối họa xâm lược treo lơ lửng trên đầu, những
người luôn biết rằng bất cứ lúc nào còi báo hiệu cũng có thể hú lên, ánh
sáng có thể sẽ tắt phụt, và những ông chủ nhà băng, các thầy cô giáo và lái
xe taxi sẽ bị kêu gọi phải cầm vũ khí lên chiến đấu bảo vệ quê nhà. Tinh
thần và tâm trí họ lúc nào cũng cảnh giác. Cuối cùng chính họ chứ không
phải chúng tôi đã qui tụ lại được tinh thần dân tộc.
Tôi vẫn đang cố thuyết phục người ta tổ chức một chuyến đi thám hiểm
sang bên Bắc Triều Tiên. Tôi đang liên tục gặp chướng ngại. Họ bảo tôi
rằng vẫn còn quá nhiều việc phải làm. Đất nước vẫn còn đang bất ổn.
Chúng tôi vẫn còn những cam kết quốc tế cần thực hiện, quan trọng nhất là
đưa người tị nạn trở về Kyushu…. [Khịt mũi.] Bọn Japsare đấy mắc nợ
chúng tôi khá nhiều đấy.
Tôi không cần một lực lượng trinh sát. Chỉ cần cho tôi một chiếc trực
thăng, một chiếc thuyền câu cá; chỉ cần mở cổng ở Panmunjom và để tôi đi
bộ vào. Nếu ông kích hoạt cái bẫy gì đó thì sao? Họ bác lại. Nếu nó là bẫy
hạt nhân thì sao? Nhỡ may ông mở nhầm cổng của cả một thành phố ngầm
và hai mươi triệu con zombie cứ thế mà tràn ra thì sao? Lập luận của họ
không phải không có lí. Chúng tôi biết khu PQS có rất nhiều thứ bẫy. Tháng
trước một máy bay chở hàng bay gần không phận của họ đã bị tên lửa đất
đối không nhắm bắn. Bệ phóng hoàn toàn tự động, được thiết kế làm vũ khí
trả thù, đề phòng trường hợp toàn bộ dân số đã bị xóa sổ.
Theo lẽ thường thì chắc họ đã di tản hết xuống các khu liên hợp dưới
lòng đất. Nếu đó là sự thật thì những ước tính về kích thước cũng như độ
sâu của các cơ sở đó bị sai lệch rất nhiều. Có khi toàn bộ dân số giờ đang ở
dưới lòng đất, lao động cật lực cho những dự án chiến tranh trong khi
“Lãnh Đạo Tối Cao” tiếp tục lấy rượu Tây và phim khiêu dâm Mỹ ra tự trấn
an mình. Họ có biết là cuộc chiến đã kết thúc rồi không? Phải chăng lãnh
đạo của họ đã lại một lần nữa nói dối họ, bảo họ rằng thế giới họ từng biết
đã không còn nữa? Có lẽ họ coi việc xác chết sống dậy là một điều “tích
cực”, một cái cớ để siết chặt thêm ách đô hộ đối với một xã hội lấy nô dịch
mù quáng làm nền tảng. Lãnh Đạo Tối Cao luôn muốn trở thành thánh
sống, và giờ đây với tư cách là chủ sở hữu của không chỉ thức ăn, không khí
mà còn cả nguồn sáng của cái mặt trời nhân tạo, có lẽ cuối cùng hắn cũng
đã hiện thực hóa được cái ảo tưởng biến thái của mình. Có thể ban đầu kế
hoạch là vậy, nhưng rồi có cái gì đó sai lệch trầm trọng. Cứ thử nhìn xem
chuyện gì đã xảy đến với “thành phố chuột chũi” bên dưới Paris. Nếu như
chuyện đó cũng xảy ra đối với Bắc Triều Tiên, chỉ có điều là ở tầm quốc gia
thì sao? Có lẽ trong mấy cái hang động đó đang lúc nhúc hai mươi ba triệu
con zombie, lũ rô bốt gầy đét đang hú hét trong bóng tối, chỉ đợi ngày được
sổng ra.
KYOTO, NHẬT BẢN
[Trong tấm ảnh cũ của Kondo Tatsumi là một cậu thiếu niên gầy gò,
mặt đầy mụn với đôi mắt đỏ cạch, trông lờ đờ và vài sợi tóc vàng
nhuộm sáng chạy dọc mái tóc rối bời. Người tôi đang tiếp chuyện trên
đầu không một sợi tóc. Đầu tóc cạo gọn gàng, nước da rám nắng và săn
chắc, ánh mắt sắc sảo không bao giờ rời khỏi mắt tôi. Mặc dù anh cử
chỉ rất thân mật và tâm trạng thoải mái, nhà sư chiến binh này vẫn
mang vẻ điềm đạm của một con mãnh thú đang ngơi nghỉ.]
Tôi đã từng là một thằng “otaku.” Tôi biết thuật ngữ này mang những
nghĩa rất khác nhau đối với nhiều người, nhưng đối với tôi nó chỉ đơn thuần
mang nghĩa “kẻ ngoại đạo.” Tôi biết người Mỹ, đặc biệt là lớp trẻ, luôn
thấy bị áp lực xã hội ràng buộc. Con người ai chẳng thế. Tuy nhiên, nếu
cách hiểu của tôi về văn hóa đất nước các anh là đúng thì chủ nghĩa cá nhân
luôn được khích lệ. Các anh tôn trọng những “kẻ nổi loạn,” những “kẻ quậy
phá,” những người tự hào đứng tách biệt hẳn khỏi đám đông. Đối với các
anh anh, tính cá nhân là một cái huân chương danh dự. Đối với chúng tôi,
đó lại là một cái ruy băng đầy nhục nhã. Trước chiến tranh, chúng tôi sống
trong một ma trận rất phức tạp và gần như vô tận, xây dựng từ những phán
xét cùa người ngoài. Diện mạo của anh, cách nói năng của anh, tất cả mọi
thứ từ sự nghiệp cho đến cách anh hắt xì đều phải được lên kể hoạch và
điều phối sao cho phù hợp với giáo lí cứng nhắc của Khổng Tử. Một số
người có đủ dũng khí, hoặc vì thiếu dũng khí, nên đã chấp nhận sống với
giáo lí ấy. Những người khác, như tôi chẳng hạn, chọn cách sống lưu đày ở
một thế giới tốt đẹp hơn. Thế giới đó chính là không gian ảo, và nó được
thiết kế dành riêng cho tầng lớp otaku Nhật Bản.
Tôi không dám nói về hệ thống giáo dục của các anh hay bất cứ quốc
gia nào khác, nhưng hệ thống của chúng tôi gần như dựa hoàn toàn vào khả
năng ghi nhớ các dữ kiện. Ngay từ ngày đầu tiên khi chúng tôi đặt chân vào
một lớp học, trẻ con Nhật Bản thời tiền chiến bị nhồi cho hàng đống thứ dữ
kiện và số liệu không có chút ứng dụng nào trong đời sống thường nhật.
Những dữ kiện này không có chút ý nghĩa bài học, không bối cảnh xã hội,
không gì liên kết với thế giới con người bên ngoài. Chúng không có lí do
nào để tồn tại ngoài việc có nắm chắc mới lên lớp được. Trẻ em Nhật thời
tiền chiến không được dạy cách tư duy, chúng tôi được dạy cách ghi nhớ.
Chắc anh cũng hiểu một hệ thống giáo dục như thế này có thể dễ dàng
dẫn đến việc con người ta rút vào cư ngụ trong thế giới ảo. Trong một thế
giới chỉ có thông tin mà không có bối cảnh, nơi địa vị được quyết định bởi
những gì thu thập và sở hữu được, những người thuộc thế hệ tôi chẳng khác
nào thần thánh. Tôi là một sensei, một chuyên gia về tất cả những lĩnh vực
tôi tìm hiểu, cho dù đó có là nhóm máu của nội các thủ tướng, hóa đơn thuế
60
của Matsumoto và Hamada hay là vị trí và tình trạng của tất cả các thanh
kiếm shin-gunto trong cuộc Chiến Tranh Thái Bình Dương. Tôi chẳng phải
lo về diện mạo, phép xã giao, điểm số hay tiền đồ. Không ai có thể đánh giá
tôi được, không ai có thể làm tôi tổn thương. Trong thế giới này tôi có
quyền lực và quan trọng hơn, tôi được an toàn!
Khi cuộc khủng hoảng lan sang đến Nhật Bản, đám bọn tôi cũng như tất
cả những người khác, đều quên hết đi những thứ ám ảnh cũ của mình và
dành toàn bộ sức lực cho bọn thây ma. Chúng tôi nghiên cứu sinh lí, hành
vi, yếu điểm của chúng cũng như phản ứng của thế giới đối với cuộc tấn
công của chúng. Cái chủ đề cuối cùng là sở trường của một đứa trong đám
bạn tôi, khả năng hạn chế dịch trong phạm vi các hòn đảo gốc của Nhật. Tôi
thu thập số liệu dân số, các mạng lưới giao thông, chủ trương của cảnh sát.
Tôi ghi vào đầu tất cả mọi thứ từ quy mô hạm đội tàu buôn của Nhật cho
đến số lượng đạn tối đa một khẩu súng trường quân đội Type 89 chứa được.
Không một thông tin nào là quá vụn vặt hoặc quá vu vơ. Chúng tôi đang
thực thi một sứ mệnh, chúng tôi ngủ rất ít. Khi trường học đóng cửa, chúng
tôi gần như có thể ngồi máy tính hai mươi bốn tiếng một ngày. Tôi là người
đầu tiên xâm nhập được vào ổ cứng máy tính cá nhân của Tiến sĩ Komatsu
và đọc được chỗ dữ liệu thô cả một tuần lễ trước khi ông ta trình bày với
Nghị viện những phát hiện của mình. Điều này đã làm dậy sóng giang hồ.
Nó giúp nâng cao thêm vị thế của tôi trong mắt những người hiện vốn đang
ngưỡng mộ tôi sẵn rồi.
Có phải Tiến sĩ Komatsu là người đầu tiên đề xuất việc di tản?
Đúng vậy. Cũng như chúng tôi, ông cũng đã thu thập những dữ liệu
tương tự. Nhưng trong khi bọn tôi tìm cách ghi nhớ chúng, ông ta phân tích
chúng. Nhật Bản là một quốc gia bị quá tải dân số: một trăm hai tám triệu
người chen chúc nhau trên chưa đến ba trăm bảy mươi ngàn kilômét vuông
đất, hoặc là đồi núi hoặc là các đảo bị đô thị hóa quá mức. Do có tỉ lệ tội
phạm thấp, lực lượng cảnh sát Nhật rất mỏng và được trang bị cực sơ sài
nếu so với các nước công nghiệp khác. Nhật gần như là một quốc gia phi
quân sự. Nhờ sự “bảo hộ” từ phía Mỹ, lực lượng phòng vệ nước tôi chưa
một lần được lâm chiến kể từ năm 1945.
Ngay cả lực lượng được triển khai ở Vùng Vịnh cũng chỉ mang tính làm
hàng, chẳng bao giờ phải đánh đấm gì ra trò và phần lớn thời gian chiếm
đóng họ ngồi yên vị bên trong bốn bức tường được canh phòng nghiêm ngặt
của căn cứ. Chúng tôi tiếp cận được tất cả những thứ thông tin này, nhưng
lại không đủ khả năng để nhận ra chúng mang ý nghĩa gì. Vậy nên tất cả
chúng tôi đều rất bất ngờ khi Tiến sĩ Komatsu tuyên bố công khai rằng tình
hình hiện đang rất vô vọng và Nhật Bản cần phải được sơ tán khẩn cấp.
Nghe thế chắc anh thấy hãi lắm.
Không hề! Nó tạo nên cả một cơn sốt. Mọi người đua nhau tìm kiếm
xem dân chúng sẽ tái định cư ở đâu. Liệu rằng đó sẽ là phía Nam, trên các
đảo san hô ở trung tâm và Nam Thái Bình Dương, hay chúng ta sẽ di tản
lên phương Bắc, định cư ở vùng Kuriles, Sakhalin, hay ở một địa điểm nào
đó thuộc Siberia? Bất cứ ai tìm ra được câu trả lời sẽ trở thành otaku vĩ đại
nhất trong lịch sử thế giới ảo.
Anh không lo cho sự an nguy của chính bản thân sao?
Tất nhiên là không rồi. Nhật Bản đã đến lúc diệt vong rồi, nhưng tôi
không sống ở Nhật. Tôi sống trong thế giới thông tin trôi nổi tự do. Bọn
61
siafu, thuật ngữ chúng tôi dùng để chỉ những người bị lây nhiễm, không
có gì đáng sợ cả, chúng cần phải được nghiên cứu. Anh không thể hiểu nổi
tôi xa rời thực tại đến cỡ nào đâu. Tất cả mọi thứ từ văn hóa của tôi, cách
tôi được nuôi dạy, và bây giờ là cả cái lối sống otaku của tôi đều đã cô lập
tôi hoàn toàn. Kệ cho Nhật Bản đi sơ tán, kệ cho Nhật Bản bị hủy diệt, tôi
vẫn sẽ bình chân như vại ngồi trên đỉnh núi thế giới ảo của tôi mà quan sát
tất cả.
Thế còn cha mẹ anh thì sao?
Họ thì sao? Chúng tôi sống chung một nhà nhưng rất ít khi nói chuyện.
Chắc họ nghĩ tôi đang học. Ngay cả khi trường đóng cửa hết rồi tôi vẫn bảo
họ rằng tồi cần ôn thi. Họ chẳng hỏi han gì hết. Tôi và cha tôi hiếm khi nói
chuyện với nhau. Sáng ra mẹ tôi sẽ để khay đồ ăn ở cửa phòng tôi và cả tối
cũng vậy. Lần đầu tiên bà không để khay thức ăn ở đó, tôi chẳng để tâm
lắm. Sáng đó tôi thức dậy như thường; tự tưởng thưởng cho mình như
thường; bật máy như thường. Mãi đến trưa tôi mới bắt đầu đói. Tôi ghét
mấy cái cảm xúc đó, đói hay mệt hay tệ nhất là ham muốn nhục dục. Đó là
những thứ gây mất tập trung về thể xác. Chúng khiến tôi khó chịu. Tôi miễn
cưỡng rời mắt khỏi màn hình máy tính và mở cửa phòng. Không có đồ ăn.
Tôi gọi mẹ. Không ai đáp. Tôi vào bếp, vớ lấy ít mì sống và lại chạy vào
bàn. Tối đó tôi lại phải làm vậy, và cả sáng hôm sau cũng thế.
Anh không thắc mắc rằng cha mẹ mình ở đâu à?
Lí do duy nhất khiến tôi quan tâm đó là bởi tôi phải lãng phí thời gian tự
kiếm đồ ăn. Trong thế giới của tôi quá nhiều thứ hay ho đang diễn ra.
Thế còn những otaku khác thì sao? Họ không bàn tán nỗi sợ hãi của
mình à?
Chúng tôi chia sẻ thông tin chứ không phải cảm xúc, ngay cả khi họ bắt
đầu biến mất dần. Tôi có để ý thấy ai đó đã ngưng trả lời thư điện tử hoăc
lâu rồi không đăng gì lên cả. Tôi có thể thấy rằng hôm đó họ không lên
mạng hoặc máy chủ của họ không còn hoạt động nữa.
Và điều đó có khiến anh thấy sợ không?
Nó khiến tôi thấy bực mình. Tôi không chỉ mất đi nguồn tin mà còn
đang mất đi những lời khen tiềm năng. Khi đăng lên một tin gì đó về các
cảng di tản của Nhật mà chỉ có mỗi năm mươi người trả lời chứ không phải
sáu mươi là tôi đã khó chịu rồi, rồi khi chúng tụt từ năm mươi xuống bốn
lăm, rồi xuống đến ba mươi…
Chuyện này kéo dài trong vòng bao lâu?
Khoảng ba ngày. Bài gửi cuối cùng từ một otaku ở Sendai có nói rằng
bọn thây ma giờ đang tràn ra từ Bệnh viện Đại học Tohoku, ở cùng cho với
căn hộ của cậu ta.
Và việc ấy có làm anh lo không?
Tại sao lại phải lo? Tôi còn đang bận nghiên cứu mọi thứ có thể về qui
trình di tản. Cách nó được thực thi, các cơ quan chính phủ nào sẽ có liên
quan? Liệu rằng các trại tị nạn sẽ ở Kamchatka hay Sakhalin, hay cả hai?
Và cái nạn tự tử đang hoành hành trong cả nước mà tôi đọc được này là sao
62
đây? Có quá nhiều câu hỏi, quá nhiều dữ liệu cần phải khai thác. Đêm đó
tôi tự nguyền rủa mình vì dám tắt đèn đi ngủ.
Khi tôi tỉnh dậy, màn hình trống trơn. Tôi thử bật lên. Không gì xảy ra.
Tôi thử khởi động lại máy. Không gì xảy ra. Tôi để ý thấy mình đang chạy
pin dự trữ. Không thành vấn đề. Tôi có đủ nguồn năng lượng dự trữ cho
mười tiếng đồng hồ làm việc liên tục. Tôi cũng để ý thấy mình không còn
vạch sóng nào. Tôi tin không nổi mắt mình. Kokura nói riêng và Nhật bản
nói chung có một hệ thống mạng không dây rất tối tân mà đáng ra không
thể sập được. Một may chú có thể bị sập, thậm chí còn có thể là một vài,
nhưng toàn bộ mạng lưới mà bị sập á? Tôi nhận ra chắc chắn đây là do máy
mình rồi. Không chạy đi đâu được. Tôi lấy máy xách tay ra bật lên. Không
tín hiệu. Tôi chửi thề và đứng dậy đi bảo với cha mẹ tôi cần mượn máy của
họ. Họ vẫn chưa về. Điên tiết, tôi bốc máy thử gọi vào di động mẹ tôi. Đây
là loại điện thoại không dây, chạy bằng năng lượng trên tường. Tôi rút thử
di động mình ra. Không có sóng.
Anh có biết chuyện gì xảy đến với họ không?
Không. Ngay đến tận ngày hôm này tôi vẫn mù tịt. Tôi biết chắc rằng
họ không bỏ rơi tôi. Chắc cha tôi đang ở cơ quan thì bị thây ma tóm được,
mẹ tôi chắc khi đi chợ thì bị kẹt ở đâu đó. Có thể cả hai bị mất tích khi đang
cùng nhau đi đến hay về từ văn phòng tái định cư. Bất cứ chuyện gì cũng có
thể xảy ra. Chẳng có tí giấy thông báo hay bất cứ thứ gì cả. Tôi đã cố gắng
tìm hiểu kể từ hồi đó.
Tôi quay trở vào phòng bố mẹ để kiểm tra lại cho chắc rằng họ đi vắng
thật. Tôi lại thử gọi điện. Lúc đó vẫn chưa sao. Tôi vẫn kiểm soát được. Tôi
thử vào mạng lại lần nữa. Thế có nực cười không? Điều duy nhất tôi nghĩ
tới đó là tìm cách trốn tránh thực tại, quay trở lại với thế giới của tôi, được
an toàn. Không có gì xảy ra cả. Tôi bắt đầu phát hoảng. “Nhanh lên nào,”
Tôi bắt đầu nói, tìm cách đấu trí với cái máy. “Nhanh lên, nhanh lên,
NHANH LÊN! NHANH LÊN! NHANH LÊN!” Tôi bắt đầu nện cái màn
hình. Nắm tay tôi gãy đánh rắc. Tôi hoảng sợ khi nhìn thấy máu của chính
mình. Hồi nhỏ tôi không chơi thể thao, chưa một lần bị chấn thương, thế
này thật quá sức chịu đựng. Tôi nhấc cái màn hình lên và quăng nó vào
tường. Tôi khóc như một đứa bé, kêu gào, hít thở hổn hển. Tôi quằn quại
nôn thốc tháo ra khắp sàn. Tôi đứng dậy khật khừ đi ra phía cửa chính. Tôi
chẳng biết mình cần tìm cái gì mà phải đi ra ngoài. Tôi mở cửa nhìn vào
trong bóng tối.
Anh có thử gõ cửa nhà hàng xóm không?
Không. Lạ thật đấy nhỉ? Ngay cả khi đã tuyệt vọng đến cùng cực, cái
thói e ngại giao tiếp của tôi vẫn còn là một rào cản lớn đến mức tôi không
dám chạm mặt ai cả. Tôi đi vài bước, trượt chân và ngã bổ vào một cái gì
mềm mềm. Nó lạnh lẽo, ẩm ướt, dính bầy nhầy vào tay, vào quần áo tôi. Nó
hôi thối kinh tởm. Toàn bộ cái hành lang này nồng nặc mùi xú uế. Đột
nhiên tội nhận ra cái tiếng ma sát nhẹ nhẹ, đều đều, nghe như thể có thứ gì
đang lết xác tiến về chỗ tôi.
Tôi gọi với ra, “Ai đó?” Tôi nghe thấy một tiếng kêu lào khào, yếu ớt.
Mắt tôi bắt đầu nhìn quen bóng tối. Tôi bắt đầu nhìn ra cái hình hài ấy, to
lớn, mang dáng người, đang bò sấp bụng. Tôi ngồi ngay đơ ra đó, muốn bỏ
chạy nhưng đồng thời cũng muốn… muốn biết chắc hẳn. Cảnh cửa phòng
tôi tỏa ra một vùng sáng mờ tôi tối lên bức tường phía xa. Khi cái con kia đi
vào chỗ ánh sáng, tôi nhìn thấy mặt nó, hoàn toàn nguyên vẹn, rất người,
mỗi tội mắt tòi ra ngoài treo lủng lẳng. Con mắt trái nhìn tôi chằm chằm và
cái tiếng rên khào khào của nó giờ trở nên the thé hơn. Tôi đứng bật dậy,
phóng thẳng vào bên trong căn hộ của mình và khóa chặt cửa phía sau lưng.
Tôi tỉnh cả người, có lẽ mấy năm rồi tôi mới thấy như thế, và đột nhiên
tôi nhận ra rằng tôi ngửi thấy mùi khói, nghe thấy từ xa có mấy tiếng kêu la
thất thanh. Tôi lại chỗ cửa sổ kéo rèm lên.
Kokura trông chẳng khác nào địa ngục. Lửa cháy, gạch đá rơi ngổn
ngang… bọn siafu ở khắp nơi. Tôi chứng kiến chúng đập cửa xông vào
từng căn hộ, ngấu nghiến ăn thịt những người trốn trong góc nhà hoặc trên
ban công. Tôi chứng kiến người ta nhảy xuống đất chết luôn hoặc bị
gãychân và xương sống. Họ nằm trên vệ đường, không thể cử động, đau
đớn kêu khóc trong khi bọn thây ma dần dần tiến lại chỗ họ. Có một người
ở căn hộ đối diện chỗ tôi tìm cách đánh lại chúng với một cây gậy chơi gôn.
Nó cong vòng quanh đầu con zombie, chẳng có tác dụng gì cả rồi năm con
khác quật người kia xuống sàn.
Và rồi… có tiếng đập cửa. cửa nhà tôi. Cái tiếng… [dộng nắm tay]
bom-bombom-bom… ở chỗ dưới cùng, gần cái sàn. Tôi nghe thấy tiếng con
kia rên rỉ bên ngoài. Tôi cũng nghe thấy nhiều thứ tiếng khác nữa, vọng lại
từ các căn hộ khác. Đó là hàng xóm tôi, những người tôi luôn tìm cách
tránh né, những người mà tên tuổi mặt mũi tôi chỉ nhớ láng máng. Họ đang
kêu gào, van lạy, vật lộn và khóc nức nở. Tôi nghe thấy có giọng nói ở phía
tầng trên, một phụ nữ trẻ hoặc một đứa bé, đang gọi tên ai đó, van lạy họ
dừng lại. Nhưng giọng nói đó ngay lập tức bị một loạt tiếng rên nuốt chửng
mất. Tiếng đập cửa phòng tôi bắt đầu trở nên to hơn. Đã có thêm nhiều con
siafu xuất hiện. Tôi tìm cách di chuyển đồ đạc trong phòng khách ra chặn
cửa. Thật phí công. So với các anh, căn hộ của chúng tôi không nhiều nhặn
đồ đạc gì cho cam. Cánh cửa bắt đầu gãy nứt. Tôi có thể thấy cái bản lề bắt
đầu căng quá sức chịu đựng. Tôi ước tính mình còn vài phút nữa để tẩu
thoát.
Tẩu thoát? Nhưng nếu cửa bị chặn…
Trốn ra ngoài cửa sổ ấy, nhảy xuống ban công căn hộ bên dưới. Tôi nghĩ
mình có thể lấy ga giường buộc thành dây… [cười ngượng]…Tôi nghe về
phương pháp này từ một otaku chuyên nghiên cứu các vụ vượt ngục ở Mỹ.
Đó là lần đầu tiên tôi áp dụng kiến thức của mình vào thực tiễn.
May mà vải lanh không bị rách. Tôi trèo ra khỏi căn hộ của mình và bắt
đầutụt dần xuống căn hộ bên dưới. các cơ của tôi bị chuột rút ngay. Tôi
chẳng chịu chăm chút gì chúng và giờ đến lượt chúng báo thù. Tôi cố gắng
kiểm soát chuyển động của mình, và cố không nghĩ đến việc mình đang
cách mặt đất mười chín tầng. Gió thổi rất khó chịu, kho nóng do lửa cháy.
Một cơn gió thổi tôi đập vào mặt bên tòa nhà. Tôi bật ra khỏi lớp bê tông và
tí thì tuột tay. Tôi có thể cảm thấy chân mình chạm vào thanh chắn ban
công ở bên dưới. Lấy hết can đảm, tôi thả lỏng vừa đủ để tuột xuống được
thêm vài phân nữa. Tôi ngã dập mông, thở hổn hển và ho khù khụ vì khói.
Tôi có thể nghe thấy tiếng động trong căn hộ của tôi ở tầng trên, bọn thây
ma đã xông được vào. Tôi ngó lên ban công và thấy một cái đầu, con siafu
chột đang tìm cách lách qua khe giữa thanh chắn và sàn ban công. Nó mắc
kẹt ở đó một lúc, nửa trong nửa ngoài, rồi sau đó phóng mạnh về phía tôi
thêm phát nữa và ngã tùng bê xuống. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên cái cách nó
vẫn cố với với lấy tôi trong khi rơi. Cái hình ảnh lúc đó trông thật quái đản:
treo lơ lửng trong không khí, tay với ra, tròng mắt troe lủng lẳng giờ bay
ngược lên đập vào trán.
Tôi có thể nghe thấy tiếng những con siafu khác đang rên rỉ ở ban công
bên trên và quay đầu lại để xem trong căn hộ có con nào đang ở trong này
cùng với tôi không. May mà cửa nẻo ở đây cũng được chặn hết lại như ở
trên chỗ tôi. Tuy nhiên, khác với phòng tôi, bên ngoài không có tiếng đập
cửa. Nhìn lớp tro trên thảm tôi cũng thấy thêm an lòng. Tro phủ dày, không
bị xáo trộn, nghĩa là căn phòng suốt mấy ngày nay chưa có ai hay bất cứ
con gì bước qua. Mới đầu tôi tưởng chỉ có mình tôi trong này, nhưng rồi tôi
để ý thấy cái mùi.
Tôi mở cửa nhà tắm và bị một cái làn hơi hôi thối vô hình đẩy bật lại.
Trong bồn là một người phụ nữ. Cô ta đã rạch cổ tay, cắt nhiều đường dài,
dọc theo động mạch cho chắc. Cô ta tên là Reiko. Đó là người hàng xóm
duy nhất tôi còn có ý định tìm hiểu. Cô ta là nhân viên phục vụ cao cấp ở
một câu lập bộ dành cho doanh nhân nước ngoài. Tôi hay ngồi tưởng tượng
xem cô ta khoả thân trông như thế nào. Giờ thì tôi biết rồi.
Lạ một cái là tôi chỉ phiền mỗi chuyện mình chẳng biết tụng niệm câu
gì để cho cô ta yên nghỉ. Tôi đã quên đi những gì khi còn nhỏ được ông bà
dạy cho, coi chúng là thông tin lỗi thời. Tôi đã quá xa cách với những
truyền thống của mình, thật đáng xấu hổ. Tôi chỉ biết đứng đực ra đó và lẩm
bẩm một câu xin lỗi vụng về gì đó vì phải lấy chăn chiếu của cô ta.
Chăn chiếu của cô ta ư?
Để làm dây. Tôi biết mình không thể ở đây lâu được. Ngoài việc xác
chết để đây dễ ảnh hưởng sức khoẻ, ai mà biết khi nào thì bọn siafu ở tầng
này sẽ nhận ra sự hiện diện của tôi và nhào đến. Tôi phải ra được khỏi toà
nhà này, ra khỏi thành phố, và hi vọng là sẽ tìm được cách trốn ra khỏi Nhật
Bản. Tôi chưa có kế hoạch gì cụ thể cả. Tôi chỉ biết là mình phải xuống
tiếp, từng tầng một, cho đến khi chạm mặt đường. Tôi ước tính khi dừng
chân ở mấy căn hộ mình sẽ có thể lấy thêm đồ tiếp tế, và mặc dù phương
pháp đu dây của tôi có nguy hiểm thật, ít nhất nó còn đỡ hơn bọn siafu chắc
chắn đang lẩn khuất trên các hành lang và cầu thang.
Tôi tưởng đường phố phải là nơi nguy hiểm hơn chứ?
Không, an toàn hơn. [Thấy vẻ mặt của tôi.] Không, thật đấy. Tôi biết
được điều này ở trên mạng. Bọn thây ma di chuyển rất chậm chạp và chỉ
cần chạy hay thậm chí đi bộ thôi cũng đã đủ để bứt đuôi chúng rồi. Trong
các khu nhà, tôi dễ bị kẹt trong các khe hẹp, nhưng ở ngoài trời, tôi không
thiếu lựa chọn. Hơn nữa, tôi có nghe một tay sống sót kể trên mạng rằng sự
hỗn loạn một trận bùng phát gây ra có thể sẽ có lợi cho mình. Khi có cả một
đống người hốt hoảng chạy loạn, đánh lạc hướng bọn siafu thì chúng để ý
đến tôi làm gì? Nếu đi đứng cẩn thận, di chuyển mau lẹ và không bị thằng
tài xế hay viên đạn lạc nào tông vào người, tôi tin rằng mình có thể lách qua
khung cảnh loạn lạc dưới phố. Vấn đề là làm thế nào mà xuống được đến
đấy.
Tôi mất đến tận ba ngày mới xuống được tầng trệt. Một phần là do tôi
không có tí sức bền nào. Ngay cả vận động viên chuyên nghiệp có khi còn
khó mà leo nổi cái dây tự chế ấy, thử tưởng tượng xem tôi thì sẽ thế nào.
Giờ ngẫm lại tôi mới thấy thật đúng là nhờ phước đức ông bà mình mới
không lộn cổ xuống hay mấy vết trầy xước mới không bị nhiễm trùng.
Người tôi như cái máy chạy bằng adrenaline và thuốc giảm đau. Tôi kiệt
sức, lo sợ, thiếu ngủ trầm trọng.Tôi không thể nghỉ ngơi như bình thường
được. Khi trời tối, tôi đem đủ thứ đồ mình khiêng nổi ra chặn cửa rồi chui
vào một góc ngồi khóc tấm tức, chăm sóc vết thương và nguyền rủa cái sự
yếu đuối của mình cho đến khi trời hửng sáng. Có một đêm tôi chợp mắt
được một chút, thiu thiu đi vài phút, nhưng rồi đột nhiên có tiếng một con
siafu đập cửa rầm rầm khiến tôi phi thục mạng ra ngoài cửa sổ. Suốt tối
hôm đó tôi phải nằm co quắp ngoài ban công căn hộ kế bên. Cái cửa kính
trượt bị khóa còn tôi thì không đủ sức đạp nó mở ra.
Tôi còn bị chậm trễ do yếu tố tâm lí, không phải yếu tố sức khỏe. Cái
máu otaku trong tôi dứt khoát đòi phải tìm cho bằng được những thứ đồ
dùng sinh tồn phù hợp, không cần biết tốn thời gian thế nào. Các lần tìm
kiếm trên mạng đã dạy tôi đủ thứ về các loại vũ khí, quần áo, đồ ăn và
thuốc thang phù hợp. Vấn đề là làm thế nào mà tìm được chúng trong các
căn hộ chung cư của bọn dân văn phòng.
[Cười.]
Tôi đã tạo ra một cảnh tượng khá lố lăng, tuột dần xuống sợi dây vải đó
trong khi trên người khoác cái áo mưa của một doanh nhân, lưng đeo cái
cặp “Hello Kitty” hồng chói của Reiko. Mất rất lâu, nhưng đến ngày thứ ba
tôi đã kiếm được mọi thứ mình cần, mọi thứ ngoại trừ một vũ khí thích hợp.
Không có cái gì sao?
[Mỉm cười.] Đây không phải như bên Mỹ. Bên đấy hồi trước súng ống
còn nhiều hơn người ngợm. Thật luôn — một otaku ở Kobe đã trộm được
thông tin này trực tiếp từ Hội Súng Quốc Gia.
Ý tôi là một thứ công cụ gì đó, búa, xà beng…
Có anh công sở nào lại tự đi sửa chữa đồ đạc trong nhà? Tôi có nghĩ đến
chuyện lấy gậy gôn — món này không thiếu — nhưng tôi đã được chứng
kiến cái ông ở căn hộ bên kia làm ăn ra sao với nó. Tôi có tìm thấy một cây
gậy bóng chày bằng nhôm, nhưng nó đã bị sử dụng nhiều đến mức cong
vẹo hết cả, chẳng còn ích gì. Tôi xin thề là đã lục lọi khắp nơi nhưng chẳng
có gì đủ cứng hay chắc hay sắc bén để dùng tự vệ cả. Tôi cũng đã tính rằng
khi ra đến phố,có thể tôi sẽ may mắn hơn — một chiếc dùi cui từ một anh
công an đã chết hay thậm chí cả súng của quân đội.
Tí nữa thì mấy cái tính toán ấy đã cho tôi về chầu ông vải. Tôi còn cách
mặt đất bốn tầng nữa và đã hết dây mà leo xuống. Cứ mỗi lần dừng tôi lại
nối dài dây thêm mấy tầng nữa, chỉ vừa đủ để lấy thêm chăn chiếu buộc
tiếp. Lần này tôi biết sẽ là lần cuối. Lúc đó tôi đã lên hết kế hoạch đào tẩu
của mình: nhảy vào ban công tầng bốn, xông vào căn hộ tìm thêm vải vóc
(tôi đã từ bỏ ý định tìm vũ khí rồi), tuột xuống bên vệ đường, mượn tạm cái
xe máy ở gần nhất (mặc dù tôi chẳng hiểu lái kiểu gì), phòng đi như mấy
63
tên bosozoku thời xưa, và có lẽ là tóm lấy một hai cô trên đường. [Cười.]
Não tôi lúc đó gần như sắp ngưng hoạt động rồi. Ngay cả nếu phần đầu của
kế hoạch diễn ra suôn sẻ và tôi xuống được đến mặt đất trong tình trạng
đó… ờ, vấn đề là tôi không làm được như vậy.
Tôi nhảy xuống ban công tầng bốn, với lấy cái cửa trượt và ngay lập tức
nhìn thẳng mặt một con siafu. Đây là một gã trai trẻ, trung tuần hai mươi,
mặc một bộ vét rách nát. Mũi hắn đã bị cắn mất và hắn đang rê rê cái mặt
đầy máu trên tấm kính. Tôi nhảy bật lại, tóm lấy sợi dây tìm cách trèo
ngược lên. Tay tôi không thèm phản ứng gì hết, không đau đớn hay nhức
nhối gì cả — chỉ đơn giản là chúng đã đến giới hạn chịu đựng của mình.
Con siafu bắt đầu hú lên và lấy tay đập cửa kính. Tuyệt vọng, tôi tìm cách
lắc lư sang hai bên, hi vọng có thể đạp vào thành tòa nhà và bắn sang hành
lang căn hộ kế bên. Tấm kính vỡ vụn và con siafu lao đến tóm chân tôi. Tôi
bật ra khỏi tòa nhà, thả tay ra và dùng hết sức phi thân đi… và tôi nhắm
trượt.
Lí do duy nhất chúng ta giờ còn ngồi đây nói chuyện đó là tôi rơi chéo
xuống cái ban công bên dưới mục tiêu của mình. Tôi tiếp đất bằng chân,
loạng choạng lao về phía trước và tí nữa thì đâm bổ xuống phía tường bên
kia. Tôi dò dẫm bước vào trong căn hộ và ngay lập tức đảo mắt xung quanh
xem có con siafu nào không. Phòng khách trông trống trải, có duy nhất một
cái bàn truyền thống nhỏ được kê ra chặn cửa. Chắc chủ nhà cũng đã tự sát
như những người khác. Tôi không ngửi thấy mùi gì hôi thối cả nên tôi đồ là
ông ta đã nhảy ra ngoài cửa sổ. Tôi nghĩ là giờ mình đã được ở một mình,
và mới chỉ cảm thấy hơi nhẹ lòng vậy thôi mà chân tôi đã sụm luôn xuống.
Tôi ngồi tựa lưng vào tường phòng khách, mệt gần như muốn ngất. Tôi thấy
bên phía tường đối diện có một bộ ảnh. Chủ căn hộ này là một người đàn
ông đã cao tuổi, và các bức ảnh thể hiện một cuộc sống rất thi vị. Ông ta có
một gia đình đông đúc, nhiều bạn bè, và đã đi đên những địa điểm rất thú vị
và lạ lùng trên thế giới. Tôi còn chưa bao giờ tưởng tượng ra chuyện rời
phòng ngủ của mình, dừng nói gì đến việc sống một cuộc sống như thế. Tôi
tự hứa với mình rằng nếu tôi thoát ra được khỏi cơn ác mộng này, tôi sẽ
không chỉ sinh tồn, tôi sẽ sống!
Mắt tôi hướng về phía thứ đồ vật duy nhất còn lại trong phòng, một cái
Kami Dana, hay còn gọi là bệ thờ Shinto cũ. Ở phía sàn bên dưới có cái gì
đó, chắc là thư tuyệt mệnh. Có lẽ gió đã thổi nó bay mất khi tôi bước vào.
Tôi cảm thấy cứ để nó ở đó thật không phải đạo. Tôi bước khập khiễng qua
căn phòng và cúi xuống nhặt nó lên. Nhiều cái Kami Dana có một cái
gương nhỏ ở chính giữa. Trong tấm gương đó, tôi bắt gặp bóng phản chiếu
của một thứ gì đang lết ra khỏi phòng ngủ.
Lượng adrenaline lại trào lên ngay khi tôi quay người lại. Cái ông già
kia vẫn còn ở đây, cái vết băng trên mặt cho thấy rằng ông ta chỉ vừa mới
sống dậy. Ông ta lao về phía tôi; tôi cúi người né. Chân tôi vẫn còn đang
run và ông ta tóm được tóc tôi. Tôi vặn người, tìm cách thoát ra. Ông ta kéo
mặt tôi về phía mặt mình. Lão già này trông thế mà khỏe như vâm, cơ bắp
các kiểu cũng cứng cáp tương tự, nếu không muốn nói là còn hơn cả tôi.
Nhưng xương của ông ta lại khá giòn, và tôi nghe tiếng chúng gãy khi tôi
tóm lấy cánh tay đang nắm lấy tôi. Tôi đạp vào ngực ông ta, ông ta bật
ngược lại, cánh tay bị gẫy vẫn còn túm nguyên một nắm tóc tôi. Ông ta va
vào tường, làm tranh ảnh rơi hết xuống, kính vỡ rơi như mưa lên đầu. Ông
ta gầm gừ và lại lao về phìa tôi thêm lần nữa. Tôi lùi lại, gồng người lên,
tóm lấy cánh tay chưa gãy của ông ta. Tôi bẻ nó ra phía sau lưng lão, tay kia
tóm lấy gáy lão, hét lên một tiếng mà tôi còn không biết mình có thể làm
được, và đẩy lão, tống lão thẳng ra phía ban công và lao thẳng xuống dưới.
Lão ngã ngửa mặt trên vệ đường, đầu vẫn ngửa lên gừ gừ dọa tôi trong khi
người đã nát bấy.
Đột nhiên cửa trước có tiếng rầm rầm, lũ siafu khác đã nghe tiếng bọn
tôi vật lộn. Giờ tôi phản ứng hoàn toàn theo bản năng. Tôi phi vào phòng
ngủ của ông già kia và bắt đầu xé ga trải giường ra. Tôi nghĩ cũng sẽ không
mất nhiều, chỉ cần thêm ba tầng nữa và… đột nhiên tôi khựng lại, đứng chết
trân, im như tượng. Có một thứ khiến tôi chú ý, bức ảnh cuối cùng treo trên
bức tường phòng ngủ. Đây là ảnh trắng đen, bị hạt, và trong đó là một gia
đình truyền thống. Có một bà mẹ, một ông bố, một cậu bé, và một cậu thiếu
niên mặc quân phục mà tôi đoán là ông già kia. Tay ông ấy cầm cái gì đó,
thứ ấy khiến tim tôi tí thì ngừng đập. Tôi vái lạy người đàn ông trong ảnh
và nói mà tí nữa thì đổ lệ “Arigato.”
Tay ông ấy có cái gì vậy?
Tôi tìm thấy nó ở dưới đáy một cái rương trong phòng ngủ, bên dưới
một đống thứ giấy tờ được buộc chặt và chỗ vải rách rưới còn lại của bộ
quân phục trong bức ảnh. Bao đựng màu xanh lá, hơi sứt mẻ, làm từ nhôm
quân đội và chuôi cầm, vốn gốc làm từ da cá mập, giờ đã được thay thế
bằng chuôi da tự chế, nhưng còn lớp thép… sáng lóa như bạc, và được rèn
tay, không phải rập máy… một đường cong tori nhẹ kèm đỉnh dài, thẳng
tuột. Nó có một số đường uốn phẳng, rộng, trên có hình kikusui, con dấu
Hoàng gia của Nhật, và còn cả một đường viền thực, không phải ố do axit,
bao quanh chỗ lưỡi kiếm được mài giũa cẩn thận. Thật là một thứ vũ khí
tinh xảo, và có thể thấy rõ nó được rèn ra để lâm trận.
[Tôi ra dấu về phía thanh gươm bên cạnh anh. Tatsumi mỉm cười.]
KYOTO, NHẬT BẢN
[Sư phụ Tomonaga Ijiro biết ngay tôi là ai trước khi tôi kịp vào
phòng. Dường như từ cách đi, cái hơi người, thậm chí cả cách thở của
tôi cũng đặc sệt chất Mỹ. nhà sáng lập tổ chức Tatenokai hay còn gọi là
“Hiệp hội Khiên bảo vệ” của Nhật cúi chào và bắt tay tôi, sau đó mời
tôi đên ngồi trước mặt ông như một đứa học trò. Kondo Tatsumi, phó
chỉ huy của Tomonaga, đem trà ra cho chúng tôi và đến ngồi cạnh
người thầy già cả. Tomonaga bắt đầu cuộc phỏng vấn với một lời xin lỗi
trong trường hợp tôi cảm thấy không thoải mái với diện mạo của ông.
Đôi mắt vô hồn của người thầy này đã không còn hoạt động kể từ khi
ông còn là một thiếu niên.]
Tôi là một tên “hibakusha.” Tôi bị mù vào lúc 11:02 sáng, mùng chín
tháng tám, 1945, tính theo lịch của các anh. Tôi đang đứng ở trên đỉnh
Kompira, trực đài quan sát không kích với một số đứa bạn cùng lớp. Ngày
hôm đó trời đất âm u nên tôi chỉ nghe chứ gần như không thấy chiếc B-29
bay qua đầu. Đó là chiếc B-san duy nhất, chắc chỉ là bay trinh sát, không
đáng phải báo cáo lại. Tôi suýt bật cười khi bạn bè của tôi nhảy xuống khe
trú ẩn. Tôi cứ dán mắt vào phần trời phía trên thung lũng Urakami, hi vọng
thấy được chút ít chiếc máy bay đánh bom của Mỹ. Thay vào đó, tôi chỉ
thấy được một làn chớp sáng rực, thứ cuối cùng tôi còn được nhìn thấy.
Ở Nhật, dân hibakusha, “những kẻ sống sót trong vụ nổ bom,” có một
thứ bậc rất đặc biệt trong xã hội. Chúng tôi được người ta thông cảm,
thương tiếc: là nạn nhân, anh hùng và biểu tượng của mọi đề tài chính trị.
Ấy nhưng trong xã hội, chúng tôi chẳng khác gì những kẻ bị ruồng bỏ.
Không gia đình nào cho phép con cháu lấy chúng tôi. Hibakusha là lũ mang
dòng máu nhơ bẩn trong hồ gen trong sạch của Nhật. Nỗi nhục này đối với
tôi rất cá nhân. Bên cạnh việc là một hibakusha, chuyện tôi bị mù lòa cũng
là một gánh nặng.
Phía bên kia cánh cửa sổ viện điều dưỡng, tôi có thể nghe thấy tiếng Tổ
quốc đang cố gắng tự xây dựng lại. Và cống hiến của tôi đối với công cuộc
này là gì? Chẳng gì cả!
Tôi đã thử tìm việc rất nhiều lần, bất kể công việc ấy có lặt vặt hay đáng
khinh đến đâu. Không ai nhận tôi cả. Tôi vẫn là một lão hibakusha, và tôi
đã học được rất nhiều cách từ chối sao cho lịch sự. Em trai tôi nài nỉ tôi đến
sống với nó, nói rằng vợ chồng nó sẽ chăm lo cho tôi và thậm chí còn giao
cho tôi vài công việc “có ích” quanh nhà. Với tôi nó còn tệ hơn cả viện điều
dưỡng. Nó vừa được xuất ngũ và gia đình nhà nó đang định có em bé. Làm
phiền chúng nó vào thời điểm này đúng là không chấp nhận được. Tất
nhiên, tôi cũng đã từng tính đến việc tự kết liễu cuộc đời. Tôi thậm chí còn
nhiều lần thử thực hiện rồi. Có gì đó ngăn cản tôi, khiến tôi dừng tay lại
mỗi lần mình vớ lấy vỉ thuốc hay mảnh thủy tinh vỡ. Tôi tự nhủ đó là sự
yếu đuối, chứ còn có thể là cái gì khác đây? Đã là hibakusha, một kẻ ăn
bám, và giờ đây còn là một lão hèn không phẩm giá. Hồi đó nỗi nhục của
tôi cứ kéo dài triền miên. Đúng như lời Nhật Hoàng đã nói trong bài phát
biểu tuyên bố đầu hàng với nhân dân, tôi thực sự đang “gánh chịu điều
không thể gồng gánh được.”
Tôi rời viện điều dưỡng mà không nói lại với em mình. Tôi chẳng biết
mình sẽ đi đâu, chỉ biết rằng tôi cần phải tránh thật xa cuộc đời mình, kí ức
của mình, chính bản thân mình, càng xa càng tốt. Tôi cứ đi, gần như luôn
phải cầu xin… tôi chẳng còn tí danh dự nào để mất nữa… cho đến khi tôi
tới được Sapporo trên đảo Hokkaido. Khu vực hoang dã nơi phương bắc
lạnh lẽo này vốn là quận ít dân nhất Nhật Bản, và sau khi mất đi Sakhalin
và Kuriles, nó trở thành một thứ mà như người phương Tây vẫn hay nói:
“bến đáp cuối cùng.”
Tại Sapporo, Tôi gặp một người làm vườn Ainu, Ota Hideki. Ainu là
nhóm người bản địa lâu đời nhất Nhật Bản, và có địa vị xã hội thậm chí còn
thấp hơn người Hàn.
Có lẽ đó là lí do ông ta thương hại tôi, một kẻ cùng khổ bị bộ tộc
Yamato xua đuổi. Có lẽ lí do chỉ là ông ta không có ai để truyền nghề lại.
Con trai ông ta không bao giờ trờ về từ Manchuria. Ota-san làm việc ở
Akakaze, một khách sạn hạng sang cũ giờ là trung tâm hồi hương cho người
Nhật định cư ở Trung Quốc. Mới đầu ban điều hành phàn nàn rằng không
đủ tiền thuê thêm một người làm vườn nữa. Ota-san tự lấy tiền túi ra trả tôi.
Ông ta là người thầy đồng thời cũng là người bạn duy nhất của tôi. Khi ông
chết, tôi đã định tự vẫn theo ông. Nhưng do bản tính hèn mạt, tôi không
dám thực hiện. Thay vào đó, tôi tiếp tục tồn tại, âm thầm làm việc trong khi
Akakaze từ một trung tâm hồi hương trở thành một khách sạn hạng sang và
Nhật Bản từ một mớ hoang tàn bị cai trị trở thành một cường quốc kinh tế.
Khi nghe tin về trận bùng phát dịch trong nước đầu tiên tôi vẫn còn
đang làm ở Akakaze. Tôi đang tỉa dở hàng dậu trồng theo phong cách
phương Tây gần nhà hàng thì nghe lỏm được mấy thực khách bàn tán vụ
giết người ở Nagumo. Cứ theo như câu chuyện của họ, một người đàn ông
đã giết vợ mình, rồi sau đó xông vào ngấu nghiến cái xác như một con chó
hoang vậy. Đây là lần đầu tiên tôi nghe đến từ “bệnh dại Châu Phi.” Tôi cố
lờ nó đi và quay lại với công việc, nhưng ngày hôm sau người ta lại còn bàn
tán nhiều hơn, thêm nhiều tiếng thì thầm bên bãi cỏ và hồ bơi. Vụ Nagumo
chẳng là gì nếu đem so với vụ bùng phát dịch nghiêm trọng hơn ở bệnh viện
Sumitomo tại Osaka. Và ngày hôm sau là Nagoya, rồi đến Sendai, rồi đến
Kyoto. Tôi cố lờ đi các câu chuyện ấy. Tôi đến Hokkaido để trốn tránh
thiên hạ, để sống nốt quãng đời còn lại trong tủi nhục và đớn hèn.
Cái người mà cuối cùng cũng thuyết phục được tôi rằng đang có biến đó
là ông quản lí khách sạn, một người cứng nhắc, không cợt nhả với cách nói
đầy vẻ lễ nghi. Sau trận bùng phát dịch ở Hirosaki, ông ta tổ chức một cuộc
họp toàn nhân viên để xóa bỏ triệt để ba cái tin đồn về việc xác chết đang
sống lại. Tôi chỉ có thể nghe được giọng ông ấy, nhưng anh có thể biết được
nhiều điều về một con người thông qua cách họ nói năng. Ông Sugawara
phát âm từng câu từng chữ quá cẩn thận, nhất là những nguyên âm cứng,
sắc gọn. Ông ta đang tìm cách bù trừ hơi thái quá cho tật nói lắp. Tật này
chỉ xuất hiện khi ông ta quá lo lắng. Tôi đã từng nghe thấy cơ chế tự vệ
trong giao tiếp này từ cái ông Sugawara-san dường như luôn bình tĩnh này
nhiều lần rồi, lần đầu là trong trận động đất năm ’95, và sau đó là vào năm
’98 khi Bắc Triều Tiên bắn một quả “tên lửa thử nghiệm” hạt nhân tầm xa
qua lãnh thổ nước tôi. Cách nói năng của Sugawara-san hồi trước gần như
rất tinh tế, giờ nó vang to hơn cả tiếng còi báo không kích thời tôi còn trẻ.
Và thế là, lần thứ hai trong đời, tôi bỏ đi. Tôi đã định cảnh báo em trai
tôi, nhưng đã quá lâu rồi, tôi chẳng biết liên hệ với nó kiểu gì hay thậm chí
nó có còn sống hay không nữa. Đó là ành động ô nhục cuối cùng và có lẽ
cũng là lớn nhất của tôi, gánh nặng lớn nhất sẽ cùng theo tôi xuống mồ.
Tại sao thầy lại bỏ đi? Thầy lo sợ cho sự an nguy của mình ư?
Tất nhiên không! Tôi còn mừng nữa ấy chứ! Cuối cùng cũng được chết,
được chấm dứt chuỗi ngày đau khổ, đó thật là một ân sủng trời ban… Điều
tôi sợ là lại một lần nữa trở thành gánh nặng cho những người xung quanh.
Trì hoãn ai đó lại, chiếm mất chỗ, khiến người khác gặp nguy hiểm khi tìm
cách cứu một lão già mù lòa không đáng cứu… và nhỡ mà ba cái tin đồn về
việc xác chết sống lại hóa ra lại là thật thì sao? Nhỡ may tôi bị nhiễm bệnh
và sau khi chết sẽ quay trở lại đe dọa mạng sống đồng bào tôi thì sao?
Không, lão già hibakusha nhục nhã này sẽ không chấp nhận một số phận
như thế. Nếu phải chết, tôi sẽ chết như tôi đã sống. Bị quên lãng, cách li, và
cô độc.
Tôi bỏ đi ngay đêm đó và bắt xe đi nhờ xuống phía Bắc dọc theo đường
cao tốc DOO của Hokkaido. Tôi chỉ mang theo một chai nước, một bộ quần
64
áo để thay và cây trượng ikupasuy, một loại xẻng dài, phẳng, khá giống
trượng Thiếu Lâm mà suốt mấy năm nay tôi dùng làm gậy để đi lại. Lúc đó
trên đường vẫn còn một lượng lớn xe cộ — chúng tôi vẫn còn nhập được
dầu từ Indonesia và Vùng Vịnh — và rất nhiều tài xế xe tải cũng như xe
máy đã tử tế cho tôi “quá giang.” Với mỗi người, câu chuyên của chúng tôi
đều chuyển sang hướng cuộc khủng hoảng: “Ông biết chuyện Lực lượng Vệ
Binh đã được triển khai chưa?”; “Chính phủ sắp tuyên bố tình trạng khẩn
cấp đấy”; “Ông có biết rằng tối qua có một trận bùng phát không, ngay ở
chính Sapporo ấy?” Không ai biết hôm sau chuyện gì sẽ xảy ra, đợt tai
ương này sẽ lan rộng đến đâu, hay ai sẽ là nạn nhân tiếp theo, ấy vậy mà,
cho dù tôi có nói chuyện với ai hay giọng họ nghe có vẻ hoảng loạn đến đâu
đi chăng nữa, cuộc nói chuyện nào cũng kết thúc với câu “Nhưng chắc giới
quan chức sẽ nói cho ta biết phải làm gì thôi.” Một tài xế xe tải nói vậy,
“Chỉ nay mai thôi, rồi ông sẽ thấy, cứ kiên nhẫn đợi và đừng gây náo loạn.”
Đó là giọng người cuối cùng tôi còn được nghe, trước khi tôi rời bỏ nền văn
minh và đi sâu vào trong dãy núi Hiddaka.
Tôi rất quen thuộc khu vực công viên quốc gia này. Năm nào Ota-san
cũng đưa tôi đến đây hái sansai, một loại rau dại rất có sức hút đối với các
nhà làm vườn, dân đi bộ và đầu bếp từ khắp nơi trên đảo. Cũng như một
người giữa đêm tỉnh dậy có thể biết chính xác vị trí của từng thứ đồ vật
trong căn phòng ngủ tối thui, tôi biết chính xác mọi con sông, tảng đá, mọi
cái cây và bãi rêu. Tôi thậm chí còn biết mọi hồ nước nóng lộ thiên nên
chẳng bao giờ thiếu nước khoáng nóng để tắm. Ngày nào tôi cũng tự nhủ
“Đây là một chỗ chết thích hợp, sớm muộn gì mình cũng sẽ gặp tai nạn, ngã
hay sao đó, hay có lẽ mình sẽ bị ốm, mắc phải thứ bệnh gì đó hoặc ăn phải
thứ rễ cây độc hại gì đó, hoặc có lẽ cuối cùng mình sẽ đủ gan nhịn ăn luôn.”
Ấy vậy mà ngày nào tôi cũng ăn uống, tắm rửa tử tế, ăn mặc ấm áp và coi
chừng chỗ mình đi lại. Mặc dù tôi mong được chết, tôi liên tục dè chừng
sao cho điều ấy không xảy đến.
Tôi chẳng biết chuyện gì đang xảy đến với đất nước của tôi. Tôi có thể
nghe thấy các âm thanh ở ngoài xa, tiếng trực thăng, máy bay chiến đấu,
tiếng rền rĩ liên hồi trên cao của các loại máy bay phản lực dân sự. Có lẽ
mình đã sai lầm, tôi nghĩ, có lẽ cuộc khủng hoảng đã qua rồi. Biết đâu đấy,
có khi “giới cầm quyền” đã chiến thắng và cơn nguy ấy đang dần dần nhạt
nhòa đi trong tâm trí mọi người. Có lẽ việc tôi rời đi chỉ góp phần tạo ra
một vị trí trống mới ở Akakaze và có lẽ, một sáng nào đó, tôi sẽ bị đánh
thức dậy bởi tiếng càu nhàu của các nhân viên kiểm lâm cáu kỉnh, hay tiếng
cười đùa, trò chuyện của đám học sinh đi dã ngoại. Một sáng nọ cũng có
một thứ đánh thức tôi dậy, nhưng đó không phải tiếng cười của lũ trẻ, và
không, cũng không phải một trong số chúng.
Đó là một con gấu, thuộc chủng gấu nâu higuma to lớn vẫn thường đi
lang thang trong các miền hoang dã ở Hokkaido. Gấu higuma vốn di cư ra
đây từ bán đảo Kamchatka và cũng hung tợn, mạnh mẽ như những người
anh em Siberia của nó. Con này to khổng lồ luôn, tôi có thể ước lượng được
dựa vào tông giọng cũng như độ vang trong tiếng thở của nó. Tôi đoán nó
cách tôi không quá bốn hay năm mét gì đó. Tôi chậm rãi đứng lên, không
sợ hãi gì hết. Ngay cạnh tôi là cây trượng ikupasuy. Đó là thứ vũ khí duy
nhất của tôi, và nếu tôi mà quyết định sử dụng, nó sẽ trở thành một thứ vũ
khí phòng ngự khá tốt.
Nhưng thầy đã không dùng.
Tôi chẳng muốn dùng. Con thú này không chỉ là một đồ dã thú háu đói
ngẫu nhiêu nào đó. Tôi tin rằng đây là định mệnh. Cuộc gặp gỡ này chắc
chắn là ý chỉ của kami.
Kami là ai vậy?
Kami là gì. Kami là các sinh linh trú ngụ trong mọi mặt của đời sống.
Chúng ta cầu nguyện với họ, tôn trọng họ, tìm cách làm hài lòng họ để
mong được họ ban ân sủng. Họ chính là những linh hồn đã đưa đường cho
các tập đoàn lớn của Nhật đến phù hộ cho một nhà máy mới xây, và chỉ dạy
cho thế hệ người Nhật của tôi phải sùng bái Nhật Hoàng như một vị chúa.
Kami là nền tảng của Shinto, dịch nôm ra là “Con Đường Của Các Vị
Thần,” và sùng bái thiên nhiên là một trong những nguyên tắc cổ xưa,
thiêng liêng nhất của nó.
Vậy nên tôi tin rằng sự việc hôm đó xảy ra là do ý chỉ của Kami. Khi đi
trốn vào nơi hoang dã, tôi đã phá hoại sự thuần khiết của thiên nhiên. Sau
khi bôi nhọ danh dự bản thân, danh dự của gia đình, danh dự của đất nước,
tôi cuối cùng cũng đã thực hiện nốt công đoạn cuối cùng đó là bôi nhọ danh
dự thánh thần. Giờ họ đã cắt cử một kẻ ám sát đến để thực hiện cái việc bấy
lâu nay tôi không dám làm, xóa đi vết nhơ của tôi. Tôi cảm ơn sự nhân từ
của họ. Lệ tuôn trào ra khỏi mắt khi tôi chuẩn bị đón nhận phát giáng.
Không có gì xảy ra cả. Con gấu ngưng phì phò thở và rên lên một tiếng
cao chói, nghe như một đứa con nít vậy. “Ngươi bị sao vậy?” Tôi thực sự đã
nói như vậy với một con thú ăn thịt nặng ba trăm kilogram. “Nhanh lên, kết
liễu ta đi!” Con gấu tiếp tục rên như một con chó đang hoảng sợ, rồi sau đó
hùng hục chạy ra khỏi chỗ tôi như một con mồi đang bị săn đuổi. Chỉ khi ấy
tôi mới nghe thấy tiếng kêu. Tôi quay người lại, cố tập trung tai nghe. Căn
cứ vào vị trí cái mồm của nó, tôi nhận ra nó cao hơn tôi. Tôi nghe thấy tiếng
một chân của nó bị kéo lê trên nền đất ẩm ướt và tiếng khí thoát ra lục bục
từ mọt vết thương lớn trên ngực nó.
Tôi có thể nghe thấy tiếng nó vươn tay ra tóm lấy tôi, rên rỉ và quơ quào
vào hư vô. Tôi né được chuyển động vụng về của nó và nhặt cây ikupasuy
lên. Tôi đánh thẳng vào nơi phát ra tiếng kêu. Tôi vung tay thật nhanh, và
cú đánh truyền xung động ra khắp tay tôi. Con quái thú ấy ngã gục xuống
đất và tôi hét lên đầy vẻ vang!
Thật khó mà tả được cảm xúc của tôi lúc đó. Một ngọn lửa bừng cháy
trong tim tôi, tạo nên một sức mạnh và lòng quả cảm đẩy bay mọi nỗi nhục
của tôi như thể mặt trời xua tan đi đêm tối. Đột nhiên tôi nhận ra Chúa đã
ban phước cho tôi. Họ không cử con gấu đến để giết tôi, nó được cử đến để
cảnh báo tôi. Lúc đó tôi chưa hiểu vì sao, nhưng tôi biết mình phải sống
được cho đến ngày tìm ra được nguyên do đó.
Và suốt mấy tháng sau tôi đều làm vậy: tôi sinh tồn. Tôi chia dãy
65
Hiddaka trong đầu tôi ra thànhvài trăm chi-tai. Mỗi chi-tai có một vật thể
gì đó để phòng thân — một cái cây hay một tảng đá cao, phẳng — một chỗ
nào đó tôi có thể ngủ mà không sợ bị tấn công. Tôi luôn ngủ vào ban ngày
và chỉ di chuyển, hái lượm hay đi săn vào ban đêm. Tôi không biết liệu lũ
quái thú kia có dựa dẫm vào thị lực nhiều như con người hay không, nhưng
66
tôi sẽ không cho chúng bất cứ một lợi thế nào dù là nhỏ nhất.
Việc tôi mất đi thị lực cũng đã giúp tôi liên tục cảnh giác trong lúc di
chuyển. Những người mắt sáng thường không coi trọng chuyện đi đứng;
làm sao họ có thể vấp phải một thứ mà đã trông thấy rõ ràng rồi cơ chứ?
Vấn đề không phải ở con mắt mà là ở bộ óc, ở cái cách nghĩ biếng nhác do
cả đời phụ thuộc vào thị lực. Những người như tôi thì lại không như vậy.
Tôi lúc nào cũng phải dè chừng nguy hiểm, phải tập trung, phải cảnh giác,
và có thể nói là “đề phòng từng bước.” Để ý thêm một mối nguy nữa thì có
hề gì. Mỗi lần đi, tôi chỉ đi tối đa vài trăm bước. Sau đó tôi dừng lại, lắng
nghe và ngửi mùi gió, thậm chí còn áp tai xuống đất. biện pháp này chưa
bao giờ làm tôi thất vọng cả. Tôi không bao giờ bị bất ngờ, không bao giờ
mất cảnh giác.
Thầy có gặp vấn đề gì với việc xác định từ xa không, không thấy được
kẻ tấn công mình từ cách đó vài dặm chẳng hạn?
Do tôi hoạt động về đêm nên không thể dùng thị lực được, và nếu có
con quái thú nào cách tôi vài cây số thì có làm hại được gì tôi đâu. Không
cần phải dè chừng trừ khi chúng bước vào cái có thể được gọi là “vòng an
ninh giác quan,” cựu li tối đa của tai, mũi, đầu ngón tay và chân của tôi.
67
Vào những ngày tốt trời, khi điều kiện thuận lợi và Haya-ji có nhã ý muốn
hỗ trợ, cái vòng đó trải ra rộng gần nửa cây. Vào những ngày xấu trời, cái
vòng đó tụt xuống còn khoảng dưới ba mươi, có khi là mười lăm bước.
Những tình huống như thế rất ít khi xảy ra, chỉ trong trường hợp tôi đã làm
gì đó khiến các kami nổi giận, mặc dù tôi không thể tưởng đó có thể là gì.
Lũ quái thú kia cũng rất tử tế, luôn báo trước cho tôi mỗi khi tấn công.
Cái tiếng kêu chúng phát ra khi phát hiện con mồi không chỉ báo cho tôi
biết về sự hiện diện của nó mà còn cả hướng đi, khoảng cách và cả vị trí
chính xác mà nó sẽ tấn công. Tôi nghe thấy tiếng kêu của nó văng vẳng trên
các ngọn đồi và các cánh đồng và biết rằng khoảng tàm nửa tiếng nữa, sẽ có
một con thây ma đến thăm tôi. Khi gặp tình huống đó tôi sẽ dừng lại, và rồi
kiên nhẫn chuẩn bị tiếp đón cuộc tấn công. Tôi tháo balô ra, giãn gân cốt,
đôi khi là tìm một chỗ nào đó ngồi im lặng thiền. Tôi luôn biết khi nào
chúng đến đủ gần để tấn công. Tôi lần nào cũng vái chúng một vái cảm ơn
vì đã tử tế báo trước cho tôi. Tôi thấy hơi thương hại cái thứ đồ hôi thối vô
tri kia, mất công chậm rãi đến tận đây chỉ để chấm dứt cuộc hành trình với
một cái sọ nứt và một cái cổ đứt lìa.
Thầy lúc nào cũng dứt điểm kẻ thù với một đòn đánh sao?
Đúng vậy.
[Ông giả động tác vung một cây ikupasuy.]
Đâm thẳng về phía trước, không bao giờ chém. Ban đầu tôi nhắm vào
cổ. Dần dần khi đã có thêm kinh nghiệm, tôi học cách đánh vào đây…
[Ông lấy tay để ngang vào chỗ lõm giữa trán và mũi.]
Khó hơn so với chặt đầu một chút, xương chỗ đấy rất dày và cứng,
nhưng nó phá hủy được bộ não, chứ còn chặt đầu thì luôn cần phải có thêm
đòn kết liễu thứ hai.
Thế còn trong trường hợp có nhiều kẻ tấn công thì sao? Như vậy có
rắc rối hơn không?
Có, hồi đầu thì thế. Khi số lượng chúng gia tăng, tôi ngày càng hay bị
bao vây. Những trận chiến hồi mới đầu khá là… “lộn xộn.” Phải thú thực là
tôi đã để cảm xúc chi phối mình. Tôi là một cơn cuồng phong, không phải
là một ánh chớp. Trong một trận đánh ở “Tokachidake,” tôi hạ hết bốn mươi
mốt con trong cũng từng ấy phút. Mất đến hai tuần mới tẩy hết được các
thứ chất dịch của chúng trên quần áo tôi. Sau này, khi bắt đầu thử nghiệm
các chiến thuật sáng tạo hơn, tôi để các vị thần sát cánh bên mình trong mỗi
trận chiến. Tôi dẫn đám quái thú ấy đến chỗ mấy hòn đá cao và đứng từ trên
cao đập vỡ sọ chúng. Tôi thậm chí còn phát hiện ra một hòn đá mà chúng
có thể leo lên theo tôi được, không phải tất cả cùng một lúc, anh hiểu chứ,
mà là từng con một để tôi có thể đẩy chúng xuống chỗ đất đá lởm chởm bên
dưới. Tôi luôn cảm ơn linh hồn của từng hòn đá hay vách núi hoặc con thác
đã đẩy chúng xuống sâu hàng nghìn mét. Tôi không muốn phải làm như vậy
nhiều. Trèo xuống nhặt xác chúng rất nguy hiểm và mất thời gian.
Thầy đi nhặt lại xác chúng sao?
Để đem đi chôn. Tôi không thể cứ để chúng ở đó, làm thế báng bổ quá.
Thế thật không… “phải đạo.”
Thầy có nhặt được hết lại xác chúng không?
Tất cả. Lần đó, sau vụ Tokachi-dake, tôi mất đến ba ngày đào hố. Bao
giờ tôi cũng tách rời đầu chúng ra; gần như lần nào tôi cũng đem đốt, nhưng
riêng sau vụ Tokachi-dake, tôi ném chúng vào trong một miệng núi lửa để
68
cơn giận của Oyamatsumi có thể khử đi sự ô uế của chúng. Tôi không
hiểu hết tại sao mình lại làm như vậy. Tôi chỉ thấy mình cần phải tách rời
ngọn nguồn cái ác.
Câu trả lời đến với tôi vào đêm trước ngày đánh dấu mùa đông thứ hai
tôi sống ẩn dật. Đây là đêm cuối cùng tôi ngủ trên cành cây. Một khi tuyết
rơi, tôi sẽ phải quay lại cái hang mình trú ngụ trong mùa đông trước. Tôi
vừa mới nằm thoải mái, đợi cái ấm áp của ánh bình minh đưa tôi vào giấc
ngủ thì nghe tiếng bước chân, quá nhanh và quá mạnh mẽ không thể là một
con quái thú được. Tối đó Haya-ji quyết định hợp tác với tôi. Ngài đem lại
cái mùi chỉ có thể là của một con người. Tôi đã nhận ra một điều đáng ngạc
nhiên là bọn thây ma không có mùi. Vâng, chúng có chút mùi thối rữa, có
thể nồng nặc hơn nếu đã chết từ lâu, hoặc nếu đám thịt chúng nuốt vào đã
bục tung qua bụng và đọng lại thành một đống thối rữa trong quần áo.
Nhưng ngoài mấy cái mùi đó ra thì chúng có một thứ mà tôi gọi là “chất hôi
không mùi.” Chúng không tiết mồ hôi, không tiết nước tiểu hay phân.
Chúng thậm chí trong dạ dày và răng còn không có vi khuẩn, thứ khiến hơi
thở con người trở nên hôi hám. Cái con động vật hai chân đang nhanh
chóng tiếp cận vị trí của tôi không bị như thế. Hơi thở, cơ thể, quần áo của
anh ta rõ ràng là đã lâu chưa được giặt rửa.
Trời vẫn còn tối nên anh ta không để ý thấy tôi. Tôi nhận thấy rằng con
đường anh ta đang đi sẽ đưa anh ta thẳng đến chỗ dưới cành cây của tôi. Tôi
chậm rãi và yên lặng chùng người xuống. Tôi không chắc liệu anh ta có
hung hãn, bị điên hay vừa mới bị cắn không. Tôi không muốn liều.
[Đến đoạn này, Kondo chen vào.]
KONDO: Trước khi tôi kịp nhận ra thì thầy đã đè lên người tôi rồi.
Thanh kiếm của tôi văng đi, chân tôi sụm xuống.
TOMONAGA: Tôi nhảy vào giữa hai bên xương bả vai của cậu ta,
không đủ mạnh để gây thương tật gì vĩnh viễn, nhưng cũng đủ để tống hết
khí ra khỏi cơ thể còm nhom, suy dinh dưỡng của cậu ta.
KONDO: Thầy đạp tôi ngã sấp bụng, mặt tôi cắm vào đất, cạnh cây
trượng trông như xẻng của thầy ép chặt vào gáy tôi.
TOMONAGA: Tôi bảo cậu ta nằm im, rằng nếu cử động là tôi giết
ngay.
KONDO: Tôi tìm cách nói, vừa ho sù sụ vửa bảo rằng tôi không có ác ý
gì, rằng tôi thậm chí còn không biết thầy đang ở đó, rằng tôi chỉ muốn đi
qua đây thôi.
TOMONAGA: Tôi hỏi cậu ta đang định đi đâu.
KONDO: Tôi bảo lại với thầy là Nemuro, cảng sơ tán chính ở
Hokkaido, nơi ấy có lẽ vẫn còn sót lại một phương tiện vận chuyển cuối
cùng, hoặc một con tàu đánh cá, hoặc… cái gì đó có thể giúp tôi đến được
Kamchatka.
TOMONAGA: Tôi không hiểu gì cả. Tôi yêu cầu cậu ta giải thích.
KONDO: Tôi kể lại mọi chuyện, về căn bệnh, về cuộc di tản. Tôi bật
khóc khi nói với thầy rằng Nhật Bản đã bị bỏ rơi rồi, rằng Nhật Bản giờ
không còn là gì nữa.
TOMONAGA: Và đột nhiên tôi hiểu ra. Tôi hiểu tại sao các vị thần lại
cướp đi thị lực của tôi, tại sao họ lại cử tôi đến Hokkaido đẻ học cách chăm
sóc đất đai, và tại sao họ lại cử con gấu đến cảnh báo tôi.
KONDO: Thầy vừa cười vừa kéo tôi dậy và giúp tôi phủi bớt bụi đất
khỏi quần áo.
TOMONAGA: Tôi bảo với cậu ta rằng Nhật Bản chưa bị bỏ rơi, nhất là
bởi những người đã được thánh thần lựa chọn làm người chăm sóc cho nó.
KONDO: Mới đầu tôi không hiểu…
TOMONAGA: Vậy nên tôi giải thích rằng, cũng như bất kì khu vườn
nào, Nhật Bản sẽ không thể bị héo tàn và chết đi. Chúng ta sẽ chăm sóc nó,
chúng ta sẽ bảo tồn nó, chúng ta sẽ tiêu diệt cơn đại dịch biết đi đang lây
lan và làm ô uế nó, chúng ta sẽ khôi phục lại vẻ đẹp và sự thuần khiết của
nó để một ngày kia, con cháu nó có thể trở về.
KONDO: Tôi tưởng thầy bị điên, và tôi đã nói thẳng như thế vào mặt
thầy. Hai người chúng tôi chống lại cả triệu con siafu sao?
TOMONAGA: Tôi đưa trả cậu ta cây kiếm; sao mà tôi thấy độ nặng với
khả năng thăng bằng của nó quen quen. Tôi bảo với cậu ta rằng có thể
chúng ta sẽ phải đối mặt với năm mươi triệu con quái vật, nhưng lũ quái vật
ấy sẽ phải đối mặt với các vị thần.
CIENFUEGOS, CUBA
[Seryosha Garcia Alvarez đề nghị tôi gặp ông ấy trong văn phòng.
“Cảnh đẹp như mơ ấy,” ông ta hứa. “Anh sẽ không thấy thất vọng
đâu.” Tọa lạc trên tầng thứ sáu mươi chín của toà nhà Tiết kiệm và
Cho vay Malpica, tòa nhà cao thứ hai Cuba chỉ sau tòa tháp José Martí
ở Havana, văn phòng ông Alvarez có khung cảnh nhìn ra khu đô thị
tráng lệ và cảng biển nhộn nhịp bên dưới. Đây là khung “giờ vàng” đối
với những tòa nhà tự túc năng lượng như Malpica. Vào thời điểm này
trong ngày, các cánh cửa sổ quang điện của nó thâu gọn ánh mặt trời
hoàng hôn cùng cái sắc đỏ vô cùng tinh tế của nó. Alvarez đã nói đúng.
Tôi không thấy thất vọng tí nào.]
Cuba đã chiến thắng trong cuộc Chiến Tranh Zombie; có lẽ nói thế
không được khiêm tốn cho lắm nếu nhìn vào những gì đã xảy đến với rất
nhiều quốc gia khác, nhưng hãy thử so sánh đất nước này bây giờ với hai
mươi năm trước xem.
Trước chiến tranh, chúng tôi sống trong tình trạng bán cô lập, thậm chí
còn tệ hơn thời kì chiến tranh lạnh lên đến đỉnh điểm. Ít nhất vào thời cha
tôi thì còn có thể trông chờ vào phúc lợi kinh tế từ Liên bang Sô-viết và
đám con rối Hội đồng Tương trợ Kinh tế của họ. Nhưng kể từ khi khối liên
minh cộng sản tan rã, chúng tôi liên tục sống trong đói kém. Thức ăn chia
theo khẩu phần, nhiên liệu chia theo khẩu phần… ví dụ gần nhất tôi có thể
lấy ra so sánh là Anh Quốc thời bị oanh tạc, và cũng như bất cứ hòn đảo bị
vây hãm nào khác, chúng tôi luôn có một kẻ thù đe dọa.
Cấm vận của Mỹ mặc dù không chặt như thời chiến tranh lạnh nhưng
cũng bóp nghẹt đường kinh tế huyết mạch của chúng tôi thông qua việc
trừng phạt bất cứ quốc gia nào định tự do buôn bán trao đổi với chúng tôi.
Mặc dù chiến thuật này của Mỹ đã đủ thành công rồi, chiến thắng vang dội
nhất của nó lại là giúp Fidel dùng những kẻ đàn áp phương Tây làm cái cớ
để ngồi im trên ghế. “Mọi người đã thấy cuộc sống của mình khổ nhọc thế
nào rồi đấy,” ông ta nói. “Cấm vận đã gây ra cảnh này, bọn Yankee đã gây
ra tình cảnh này, và nếu không có tôi, ngay bây giờ đây chúng đã đổ bộ vào
bãi biển của ta rồi!” Hắn thật là khôn khéo, đúng là con cưng của
Machiavelli. Hắn biết chúng ta sẽ không bao giờ phế truất hắn chừng nào kẻ
thù vẫn còn lởn vởn trước cổng. Và thế là chúng tôi gồng lên chịu hết bao
khó nhọc và cảnh đàn áp, chịu đựng cảnh xếp hàng và phải nói năng thì
thầm. Đây là Cuba nơi tôi lớn lên, là Cuba duy nhất tôi có thể tưởng tượng
ra. Đó là cho đến khi xác chết bắt đầu sống lại.
Các trường hợp bùng phát khá nhỏ lẻ và được ngăn chặn rất nhanh, hầu
hết là dân tị nạn Trung Quốc và một vài thương nhân Châu Âu. Mỹ vẫn
cấm đi sang đây, vậy nên chúng tôi không bị dính đợt di tản hàng loạt đầu
tiên. Bản chất đàn áp của xã hội bảo thủ chúng tôi cho phép chính quyền
thực hiện những bước cần thiết để đảm bảo bệnh dịch không lây lan. Mọi
phương thức di chuyển nội địa đều bị cấm, và cả quân đội thường trực lẫn
dân quân địa phương đều được điều động. Bởi vì Cuba có tỉ lệ bác sĩ trên
đầu người rất cao, chỉ vài tuần sau khi đợt bùng phát đầu tiên xảy ra các nhà
lãnh đạo của chúng tôi đã biết được bản chất của căn bệnh.
Khi Cuộc Đại Loạn xảy ra, khi thế giới cuối cùng cũng chịu đối mặt với
cơn ác mộng đang đập cửa nhà họ, Cuba đã chuẩn bị sẵn sàng lâm trận rồi.
Nhờ địa thế thuận lợi mà chúng tôi không bị cả một đàn khổng lồ tấn
công trên cạn. Những kẻ xâm lược của chúng tôi đến từ đại dương, nói
chính xác hơn là từ một hạm đội đủ thứ tàu bè. Họ không chỉ đến lây lan
bệnh như ở các nơi khác trên thế giới, cũng có những kẻ muốn cai trị ngôi
nhà mới của mình như bọn khai khẩn người Tây Ban Nha thời hiện đại.
Cứ nhìn thử xem chuyện gì đã xảy đến với Iceland, cả một thiên đường
trước chiến tranh, an toàn đến mức không bao giờ cần có một quân đội
thường trực. Họ còn có thể làm gì khi quân đội Mỹ rút đi? Sao mà họ có thể
ngăn được dòng thác người tị nạn từ Châu Âu và miền tây nước Nga?
Chuyện một khu điền viên thanh bình phương Bắc trở thành một vạc máu
đông cứngchẳng có gì là khó hiểu cả, và đó cũng là lí do tại sao đến ngày
hôm nay, đây vẫn là Vùng Trắng nhiều thây ma nhất trên thế giới. Đó rất dễ
có thể là chúng tôi nếu không có tấm gương của những người anh em ở các
đảo Windward và Leeward nhỏ hơn.
Những người đàn ông và phụ nữ ấy, từ Anguilla cho đến Trinidad, đều
có thể tự hào là những người hùng vĩ đại nhất trong cuộc chiến. Đầu tiên họ
dẹp được hành loạt trận bùng phát trên các quần đảo của mình rồi sau đó,
không kịp dừng lại thở lấy hơi, đẩy lùi không chỉ cả đám zombie đến từ
biển mà còn cả một dòng người tị nạn nữa. Họ đổ máu để tránh cho ta
không phải gặp cảnh tương tự. Họ buộc những kẻ đáng ra sẽ là chủ nô của
chúng tôi phải suy tính lại kế hoạch xâm chiếm của mình. Chúng nhận ra
rằng nếu chỉ vài công dân chẳng có gì ngoài súng lục và dao rựa có thể bảo
vệ tổ quốc một cách kiên cường đến như vậy, nếu đổ bộ lên một đất nước
có đủ thứ từ xe tăng chiến đấu cho đến tên lửa chống tàu định vị bằng rađa?
Tất nhiên, những cư dân của quần đảo Lesser Antilles không chiến đấu
vì lợi ích của nhân dân Cuba, nhưng sự hi sinh của họ cho phép chúng tôi
được quyền tự đặt ra điều lệ của mình. Bất cứ ai đến đây tìm chỗ nương
thân sẽ đều phải nghe một câu nói rraats quen thuộc của các bậc phụ huynh
Bắc Mỹ, “Nhà của chúng tôi, luật của chúng tôi.”
Không phải dân tị nạn nào cũng là người Mỹ; Chúng tôi cũng có khá
nhiều người Mỹ Latinh, người Châu Phi, và thậm chí cả Tây Âu, nhất là
Tây Ban Nha — rất nhiều người Tây Ban Nha và Canada đã từng đến Cuba
để công tác hoặc vui chơi. Hồi trước chiến tranh tôi cũng có biết một số
người, họ rất tử tế, lịch sự, khác hẳn cái đám Đông Đức hồi tôi còn trẻ. Bọn
đấy cứ quăng cả nắm kẹo vào không trung và cười hô hố khi lũ trẻ con lao
ra vồ lấy như chuột.
Tuy nhiên, phần lớn những người đi thuyền đến đều là dân Mỹ. Mỗi
ngày lại có thêm người đi đến bằng thuyền hoặc phi cơ riêng, thậm chí còn
trên cả những con thuyền tự chế, khiến chúng tôi không thể không cười một
cách mỉa mai. Họ đến rất đông, tổng cộng có đến năm triệu, gần như bằng
một nửa số dân bản địa bọn tôi, và cùng với những người mang quốc tịch
khác, họ thuộc quyền kiểm soát của “Chương trình Tái định cư Cách li” của
chính phủ.
Tôi không dám gọi các Trung tâm Tái định cư là nhà tù. Chúng không
thể nào đọ được với kiếp sống mà những người chống đối chính trị phải
chịu đựng; đám nhà văn và giáo viên… tôi có một anh “bạn” bị kết tội đồng
tính. Những câu chuyện về nhà tù mà anh ta kể đúng là vượt xa ngay cả
Trung tâm Tái định cư hà khắc nhất.
Tuy nhiên cuộc sống cũng không dễ dàng gì. Những con người ấy, bất
kể địa vị hay nghề nghiệp họ từng có trước chiến tranh, mới đầu đều phải ra
làm ruộng, mười hai đến mười bốn tiếng một ngày, đi trồng rau trên mảnh
đất hồi trước là trang trại mía của nhà nước. Ít nhất thời tiết cũng thuận lợi.
Nhiệt độ đang giảm, trời thì ngày một tối. Mẹ Thiên Nhiên đối xử với họ rất
tử tế. Đám lính lệ thì ngược lại. “Hãy mừng là các người vẫn còn sống đi,”
họ quát sau mỗi phát vả hoặc cú đá. “Còn phàn nàn nữa là đem quẳng cho
lũ zombie đấy!”
Trại nào cũng có lan truyền tin đồn về cái “hố zombie” đáng sợ, nơi
69
người ta tống những kẻ “gây rối” xuống. Bên DGI [Cục Tình báo] thậm
chí còn cài tù nhân vào trong dân chúng để loan chuyện chúng đã được tận
mắt chứng kiến cảnh có người bị thả chúc đầu xuống một cái hố đầy
zombie háu đói. Đây chỉ để mọi người không hó hé gì, anh hiểu chứ,
chuyện đó hoàn toàn không xảy ra… nhưng mà… cũng có một số tin đồn
về “bọn da trắng ở Miami.” Phần lớn người Cuba gốc Mỹ đều được chào
đón trở về nhà. Bản thân tôi cũng có vài người anh em họ hàng sống ở
Daytona, trầy trật lắm mới sống sót được. Nước mắt tuôn ra trong các cuộc
đoàn tụ vào những ngày đầu hỗn loạn ấy đủ để làm tràn biển Caribbean.
Nhưng còn cái đợt dân tị nạn đầu tiền thời hậu kháng chiến — lũ quí tộc
giàu có ăn ở sung túc trong thời chế độ cũ lúc nào cũng lăm le lật đổ mọi
thứ chúng tôi đã phải mất bao công xây dựng — riêng cái bọn này thì… Tôi
không nói là có bất kì bằng chứng nào cho thấy lũ phản động suốt ngày
ngồi nốc Bacardi Blanka kia đã bị quẳng cho bọn thây ma… Nhưng nếu
đúng thế thật thì cũng kệ cha nhà chúng nó.
[Môi ông hơi nở một nụ cười thỏa mãn.]
Tất nhiên, chúng tôi không thể thực thi hình phạt này đối với người dân
nhà các anh. Tung tin đồn và dọa dẫm là một chuyện, nhưng làm thật thì…
nếu chèn ép dù bất cứ ai quá đà, rất dễ có khả năng xảy ra bạo động. Năm
triệu người Mỹ, tất cả cùng đứng lên nổi loạn? Thật không thể tưởng tượng
được. Chúng tôi đã phải huy động quá nhiều quân chỉ để duy trì mấy cái
trại này thôi rồi, và đây chính là thành công bước đầu trong công cuộc xâm
lược Cuba của người Mỹ.
Chúng tôi không đủ nhân lực để canh giữ năm triệu người và bảo vệ
bốn ngàn kilômét đường bờ biển. Chúng tôi không thể cùng lúc chiến đấu
trên hai mặt trận. Và thế là đã có quyết định giải tán các khu trung tâm, cho
phép mười phần trăm số người Mỹ đang bị giam giữ lao động bên ngoài
theo một chương trình ân xá đặc biệt. Họ sẽ phải làm những công việc
không người Cuba nào muốn — lao động tay chân, rửa bát, lau dọn đường
phố — và mặc dù lương gần như không có, thời gian lao động họ bỏ ra sẽ
được tính theo thang điểm, cho phép họ mua lại tự do cho những người
đang bị giam khác.
Thật là một ý tưởng thiên tài — một tay Cuba ở Florida nào đó đã nghĩ
ra nó — và chỉ trong vòng sáu tháng các trại đều đã sạch ráo. Mới đầu
chính phủ tìm cách theo dõi hết tất cả, nhưng rồi chuyện đó nhanh chóng
trở nên bất khả thi. Chỉ trong vòng một năm, hội “Nortecubanos” ấy đã gần
như trở thành một phần trong mọi mặt của đời sống xã họi chúng tôi.
Các trại tập trung ấy được thành lập chính thức là để ngăn chặn “bệnh
dịch” lây lan, nhưng thứ bệnh dịch ấy lại không bắt nguồn từ lũ thây ma.
Mới đầu chưa ai nhận ra thứ bệnh dịch này, nhất là khi vẫn còn đang bị
bao vây. Nó mới chỉ lẩn khuất đằng sau những cánh cửa đóng kín, vẫn chỉ
được thì thầm bàn tán. Mấy năm sau đó, mọi thứ ít nhiều thay đổi. Nó
không phải một cuộc cách mạng mà giống một giai đoạn tiến hóa hơn, ở
đây có một cuộc cải tổ kinh tế, ở kia có một tờ báo tư được hợp pháp hóa.
Cách nghĩ của mọi người bắt đầu trở nên táo bạo hơn, họ trở nên mạnh
mồm hơn. Dần dần, hạt giống bắt đầu yên lặng cắm rễ. Tôi dắm chắc Fidel
muốn giáng quả đấm sắt của mình xuống cái sự tự do non nớt của chúng tôi
lắm. Có khi hắn đã làm thế thật nếu tình hình thế giới không chuyển biến
theo chiều hướng có lợi cho bọn tôi. Tất cả mọi thứ đều thay đổi khi chính
phủ thế giới quyết định phản công.
Đột nhiên chúng tôi trở thành “Kho Vũ Khí Thắng Lợi.” Chúng tôi là
giỏ bánh mỳ, là trung tâm sản xuất, là nơi đào tạo, là bàn đạp tiến công.
Chúng tôi trở thành căn cứ không quân của cả Bắc lẫn Nam Mỹ, trở thành
70
bến cảng cho mười ngàn con tàu. Chúng tôi có tiền, rất nhiều tiền. Lượng
tiền ấy chỉ trong một đêm đã tạo ra cả một tầng lớp trung lưu và một nền
kinh tế tư bản phát triển rất thịnh vượng, đòi hỏi cần phải có những kĩ năng
và kinh nghiệm của dân Nortecubanos.
Cúng tôi có một sợi dây gắn bó gần như không thể bị phá hủy. Chúng
tôi giúp họ giành lại được Tổ quốc mình và họ cũng giúp chúng tôi chiếm
lại được đất nước. Họ chỉ cho chúng tôi ý nghĩa của nền dân chủ… tự do
không chỉ là một khái niệm mơ hồ, trừu tượng mà là một thứ rất thực tế, rất
cá nhân. Tự do không phải là một thứ có xong để đấy, trước tiên anh phải
muốn có một cái gì đó và rồi mới muốn có tự do để được chiến đấu giành
lấy nó. Đó là bài học những người Nortecubanos đã dạy chúng tôi. Họ đều
có những hoài bão rất lớn, và họ sẵn sàng hi sinh cả mạng sống để thực hiện
những hoài bão ấy. Chứ nếu không thì sao El Jefe phải sợ nó đến vậy?
Tôi không lạ gì chuyện Fidel biết làn sóng tự do ấy sắp đến hất hắn ra
khỏi ghế. Tôi chỉ ngạc nhiên trước cái khả năng lèo lái trước ngọn sóng ấy
của hắn.
[Ông cười lớn, chỉ lên phía bức ảnh một ông Castro già đang phát
biểu ở quảng trường Parque trên tường.]
Thật không thể tin nổi cái lão cáo già này gan đến cỡ ấy, hắn không chỉ
chấp nhận nền dân chủ mới của đất nước mà lại còn tự nhận đó là do công
của mình! Thiên tài. Hắn đích thân chủ trì cuộc bầu cử tự do đầu tiên của
Cuba, ở đó hành động cuối cùng của hắn là tự phế truất bản thân, không
nắm quyền hành nữa. Đó là lí do vì sao di sản hắn để lại là một bức tượng
chứ không hải một vết máu khô trên tường. Tất nhiên siêu cường quốc
Latinh mới nổi này cũng không phải êm ả gì. Chúng tôi có đến hàng trăm
đảng phái chính trị và số lượng các nhóm lợi ích đặc thù mọc lên còn nhiều
hơn cát trên biển. Gần như ngày nào chúng tôi cũng có đình công, có bạo
động, có biểu tình. Chả trách ngay sau cuộc khởi nghĩa là Che đánh bài
chuồn ngay. Đặt bom lên tàu dễ hơn hẳn so với việc bắt chúng chạy đúng
giờ. Ngài Churchill hồi trước có nói câu gì ấy nhỉ? “Dân chủ là bộ máy điều
hành tệ nhất, nhưng điều này không đúng với tất cả những người khác.”
[Ông cười vang.]
ĐÀI TƯỞNG NIỆM CÁC CHIẾN SĨ YÊU NƯỚC, TỬ CẤM
THÀNH, BẮC KINH, TRUNG QUỐC
[Tôi ngờ rằng Đô đốc Xu Zhicai chọn địa điểm này để đề phòng
trường hợp có người chụp ảnh. Mặc dù kể từ sau cuộc chiến đến nay,
chưa một ai từng nghi ngờ lòng ái quốc của anh hay thủy thủ đoàn của
anh, Xu vẫn không muốn liều lĩnh khi ra mắt “độc giả nước ngoài.”
Mới đầu khá e dè, anh chỉ đồng ý thực hiện cuộc phỏng vấn này với
điều kiện tôi lắng nghe câu chuyện dưới cách nhìn “của anh ta” một
cách khách quan. Anh vẫn dứt khoát bám chặt lấy điều kiện này ngay
cả sau khi tôi giải thích rằng cách nhìn nhận của anh ta là duy nhất.]
[Ghi chú: Để cho rõ ràng, tên các địa điểm hàng hải gốc của Trung
Quốc đã được thay thế bằng tên phương Tây.]
Chúng tôi không phải lũ phản bội — đây là cái tôi phải khẳng định đầu
tiên. Chúng tôi yêu đất nước của mình, yêu dân tộc mình, và mặc dù có thể
là chúng tôi không yêu quí gì những người cai trị cả hai, chúng tôi vẫn rất
trung thành với tập thể lãnh đạo.
Nếu tình hình mà không trở nên quá tuyệt vọng thì không bao giờ chúng
tôi có thể tưởng tượng được mình lại hành động như vậy. Khi Thuyền
trưởng Chen lần đầu đưa ra đề xuất của mình, chúng tôi đã bị đẩy đến chân
tường rồi. Chúng hiện diện trong khắp tất cả các thành phố, tất cả các ngôi
làng. Trên toàn bộ cái đất nước rộng chín triệu rưỡi kilômét vuông này, đến
một phân yên ổn cũng không có.
Quân đội, cái lũ kiêu căng tự mãn ấy, cứ liên tục nói là vấn đề đã kiểm
soát được tình hình, ngày nào cũng được kêu là bước ngoặt và trước khi
tuyết rơi cả đất nước sẽ yên ổn trở lại. Đúng cách nghĩ của bọn quân đội: rất
là hung hăng, rất là tự tin quá trớn. Chỉ cần có một đám đàn ông hoặc đàn
bà, cho họ mấy bộ đồng phục, huấn luyện trong vài giờ, đưa cho thứ vũ khí
gì đó, và thế là đã có một đội quân, có thể không phải là đội quân tinh nhuệ
nhất, nhưng vẫn cứ là một đội quân.
Riêng hải quân thì cho dù có của nước nào đi chăng nữa cũng không thể
như thế được. Bất kể con tàu nào, dù có vớ vẩn đến đâu, cũng cần tốn rất
nhiều tài nguyên và năng lượng mới tạo ra được. Quân đội có thể chỉ cần
mất vài giờ là thay thế được hết chỗ bia thịt của mình; đối với chúng tôi, nó
phải mất đến vài năm. Điều này khiến chúng tôi trở nên thực dụng hơn
những người chiến hữu mặc quân phục xanh lá của mình. Chúng tôi ước
định tình hình với con mắt… tôi không muốn nói là cẩn trọng hơn, nhưng
có lẽ là bảo thủ về chiến thuật hơn. Rút lui, củng cố lại, tận dụng tài
nguyên. Cùng một kiểu chiến thuật như Kế hoạch Redeker, nhưng tất nhiên,
quân đội không thèm nghe.
Họ không sử dụng Kế hoạch Redeker sao?
Thậm chí còn không thèm cân nhắc hay đem ra bàn thảo nội bộ. Quân
đội thua sao được? Họ có nguyên cả một kho vũ khí truyền thống khổng lồ,
và nguồn nhân lực “không đáy”… “không đáy,” thật không thể tha thứ
được. Anh có biết tại sao chúng tôi lại có một vụ bùng nổ dân số lớn đến
vậy hồi những năm 1950 không? Bởi vì Mao chủ tịch tin rằng đó là cách
duy nhất để chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. Đây là sự thật
chứ không phải tuyên truyền gì hết. Ai cũng biết là khi đám khói bụi
nguyên tử tan đi, vài ngàn người dân Mỹ hoặc Sô-viết sẽ bị hàng chục triệu
người Trung Quốc áp đảo. Số lượng, đó là chủ trương thời ông bà tôi, và đó
là chiến thuật mà quân đội nhanh chóng sử dụng một khi lực lượng tinh
nhuệ, giàu kinh nghiệm đã bị ăn tươi nuốt sống trong các cuộc bùng phát
giai đoạn đầu. Mấy tay đại tướng toàn một lũ đầu trộm đuôi cướp già khú
đế bệnh hoạn, cứ thế mà ngồi yên ổn trong boongke và ra lệnh bọn thiếu
niên đi nghĩa vụ xông vào trận chiến hết đợt này đến đợt khác. Bọn chúng
có biết rằng mỗi một người lính chết trận giờ đã trở thành một con zombie
đang sống nhăn không? Chúng có nhận ra rằng thay vì khiến lũ thây ma
chết chìm trong cái giếng không đáy của ta, chúng ta mới là những kẻ đang
chết chìm, chết ngạt? Lần đầu tiên trong lịch sử, quốc gia đông dân nhất thế
giới đã bị áp đảo về quân số.
Đó chính là điếu khiến thuyền trưởng Chen chịu hết nổi. Ông biết
chuyện gì sẽ xảy ra nếu cuộc chiến cứ tiếp diễn như thế này, và cơ hội sống
sót của chúng tôi sẽ còn là bao nhiêu. Nếu ông cho rằng vẫn còn chút ít hi
vọng, ông đã tự vác súng xông thẳng vào hàng ngũ bọn thây ma. Ông tin
rằng không sớm thì muộn Trung Quốc sẽ chẳng còn một mống người nào,
và có lẽ dần dần trái đất cũng sẽ chẳng còn ai nữa. Đó là lí do ông nói toạc
hết ý định của mình với các sĩ quan cấp cao của mình, tuyên bố rằng chúng
tôi là những người duy nhất có thể bảo tồn được chút gì đó của nền văn
minh.
Anh có đồng tình với ý kiến của ông ta không?
Mới đầu tôi còn không tin nổi. Lấy thuyền mà đào tẩu, con tàu ngầm
mang đầu đạn hạt nhân ấy ư? Đây không còn là đào ngũ, là bỏ trận tiền để
tự cứu lấy mấy cái xác hèn mọn của mình nữa rồi. Đây là ăn trộm một trong
những tài sản quốc gia quí báu nhất của mẫu quốc. Chiếc Đô Đốc Zheng He
là một trong ba tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và là loại mới nhất thuộc
Mẫu 94, theo như cách gọi của phương Tây. Nó là đứa bé được thai ngén từ
bốn bậc sinh thành: sự hỗ trợ của Nga, công nghệ trên thị trường chợ đen,
thành quả lao động của các hoạt động gián điệp chống phá Mỹ, và cũng
đừng quên cả sự cộng hợp của năm nghìn năm lịch sử Trung Quốc. Đây là
cỗ máy đắt nhất, tân tiến nhất, mạnh mẽ nhất mà đất nước tôi từng chế tạo
ra. Cứ thế mà cuỗm nó đi như một chiếc tàu cứu sinh trên con thuyền Trung
Quốc đang sắp chìm thật là không thể tưởng tượng nổi. Nếu không phải vì
cá tính mạnh mẽ của Thuyền trưởng Chen, không phải vì lòng ái quốc sâu
lắng của ông thì tôi đã không tin đây là lựa chọn duy nhất của chúng tôi.
Công cuộc chuẩn bị mất bao lâu?
Ba tháng. Thật kinh hoàng. Qingdao, cảng gốc của chúng tôi, đang bị
bao vây liên tục. Ngày càng phải triệu tập thêm nhiều đơn vị quân đội để
giữ gìn trật tự, và cứ mỗi đơn vị là lại được huấn luyện ít hơn, trang bị ít
hơn, tuổi đời trẻ hơn hoặc già hơn so với đơn vị trước. Một số tàu nổi phải
đưa một số đội “tốt thí” lên bờ để củng cố hàng phòng ngự căn cứ. Gần như
ngày nào tuyến phòng ngự của chúng tôi cũng bị tấn công. Và đồng thời
trong khi ấy chúng tôi vẫn phải chuẩn bị sẵn sàng tàu bè cho việc hạ thủy.
Đây sẽ được giả như một chuyến đi tuần tra thông thường; chúng tôi phải
tuồn lên khoang cả các thứ nhu yếu phẩm cần thiết cũng như các thành viên
gia đình.
Thành viên gia đình?
Chính xác, đó là điểm mấu chốt của kế hoạch. Thuyền trưởng Chen
thừa hiểu cả đội sẽ không ai rời cảng nếu thân nhân họ không thể đi cùng.
Sao mà làm thế được?
Tìm ra họ hay đưa họ lên tàu?
Cả hai.
Tìm được họ rất là khó khăn. Chúng tôi hầu hết đều có gia đình đang bị
li tán khắp đất nước. Chúng tôi tìm mọi cách liên lạc với họ, sửa lại đường
dây điện thoại hoặc nhờ một đơn vị sắp đi về hướng đó chuyển lời lại hộ.
Luôn chỉ có một thông điệp: chúng tôi sắp sửa phải đi tuần và họ cần phải
có mặt ở buổi lễ. Đôi khi chúng tôi tìm cách khiến nó nghe có vẻ khẩn cấp
hơn, chẳng hạn như có ai đó đang sắp chết và cần gặp người nhà. Chúng tôi
chỉ làm được đến thế. Không ai được phép đi đón họ: quá liều lĩnh. Chúng
tôi không có nhiều đội thuyền viên như trên các tàu mang tên lửa của các
anh. Thiếu đi dù chỉ một người cũng có thể để lại hậu quả khó lường. Tôi
thấy tội cho những thuyền viên khác, tội cho họ phải mòn mỏi chờ đợi. May
mà vợ tôi và mấy đứa nhỏ…
Máy đứa nhỏ? Tôi tưởng…
Rằng chúng tôi chỉ được phép sinh một con? Đạo luật đó đã được sửa
đổi nhiều năm trước khi chiến tranh nổ ra, một giải pháp thực tiễn cho nạn
mất cân bằng giới tính ở một quốc gia chỉ muốn sinh quí tử. Tôi có hai cô
con gái sinh đôi. Tôi rất là may mắn. Vợ tôi cùng lũ nhóc đã ở sẵn khu căn
cứ khi bắt đầu có biến rồi.
Thế còn ngài thuyền trưởng thì sao? Ông ấy có gia đình không?
Vợ ông ấy bỏ đi từ hồi đầu những năm tám mươi. Nguyên cả một vụ
lùm xùm, đặc biệt vào hồi đó. Giờ tôi vẫn không hiểu làm thế nào mà ông
ấy vừa cứu vãn được sự nghiệp, vừa nuôi dạy được thằng con.
Ông ấy có một đứa con sao? Cậu ta có đi cùng các anh không?
[Xu lảng tránh câu hỏi.]
Với nhiều người phần tệ nhất đó là khi phải chờ đợi, biết rõ rằng ngay
cả nếu họ có đến được Qingdao, vẫn có khả năng rất lớn là chúng tôi đã ra
khơi rồi. Thử tưởng tượng xem anh sẽ thấy tội lỗi đến nhường nào. Anh kêu
gọi gia đình quay trở về với mình, có lẽ còn phải rời chỗ trú ẩn tương đối an
toàn của mình để đi, xong đến nơi thì lại bị bỏ mặc ở cảng.
Có nhiều người đến không?
Nhiều hơn dự tính. Khi đêm đến chúng tôi cho họ mặc quân phục và
tuồn lên tàu. Với vài thành viên — bọn trẻ con và người già — chúng tôi
khiêng vào trong các kiên hàng tiếp tế.
Các gia đình ấy có biết chuyện gì đang xảy ra không? Biết điều các
anh sắp làm ấy?
Tôi không nghĩ vậy. Các thuyền viên đều được lệnh giữ im lặng tuyệt
đối. Phía MSS mà đánh hơi được âm mưu của chúng tôi là lũ thây ma sẽ trở
thành vấn đề thứ yếu. Vì thực hiện bí mật như vậy nên chúng tôi buộc phải
rời đi đúng theo lịch trình đi tuần. Thuyền trưởng Chen rất muốn chờ đợi
thêm, biết đâu có thành viên nào chỉ còn vài ngày đường hoặc vài tiếng nữa
là đến nơi! Tuy nhiên, ông biết nó có thể làm hỏng hết mọi sự và đành phải
miễn cưỡng ra lệnh xuất thủy. Ông cố giấu đi cảm xúc của mình và theo
quan điểm của tôi, hầu hết không ai để ý thấy gì. Chỉ mình tôi nhìn thấy
điều ấy trong mắt ông, phản chiếu qua ánh lửa đang dần mất hút ở Qingdao.
Các anh định đi đâu?
Đầu tiên phải đến khu vực tuần tra được giao phó để mọi thứ trông có
vẻ bình thường. Còn sau đó thì không ai biết.
Tìm một chỗ trú chân mới là hoàn toàn bất khả thi, ít nhất trong thời
điểm hiện tại. Đến lúc đó đại dịch đã lây lan đến khắp mọi xó xỉnh trên thế
giới. Không một quốc gia nào dù có xa xôi hẻo lánh đến đâu lại có thể đảm
bảo an toàn cho chúng tôi được.
Thế sao không sang bên chúng tôi, nước Mỹ hay một quốc gia
phương Tây nào đó?
[Anh nhìn tôi một cách lạnh lùng.]
Nếu là anh thì anh có dám không? Chiếc Zheng mang mười sau đầu đạn
tên lửa JL-2; ngoài một cái thì tất cả đều mang bốn đầu đạn đơn đích, với
sức công phá chín mươi nghìn tấn. Điều này khiến nó ngang với một trong
những quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới, có thể hủy diệt cả một thành
phố với chỉ một phát vặn chìa. Anh có dám giao quyền lực đó cho một quốc
gia khác không, nhất là khi quốc gia ấy đã từng có lần sử dụng vũ khí hạt
nhân trong cơn nóng giận? Tôi xin nhắc lại lần cuối, chúng tôi không phải
lũ phản bội. Cho dù nhà cầm quyền của chúng tôi có điên rồ đến cỡ nào
chăng nữa, chúng tôi vẫn là thủy thủ Trung Quốc.
Vậy là các anh hoàn toàn đơn độc.
Rất đơn độc. Không nhà cửa, không bạn bè, không một chỗ cập cảng
cho dù sóng to gió lớn đến đâu. Đô Đốc Zheng He là toàn bộ thế giới của
chúng tôi: thiên đường, trái đất, mặt trời và mặt trăng.
Chắc sống vậy khó khăn lắm.
Mấy tháng đầu tiên thì vẫn chỉ như những chuyến đi tuần thường lệ. tàu
ngầm mang tên lửa được thiết kế ra để lẩn trốn, và đó là điều chúng tôi đã
làm. Trốn rất sâu và rất kín tiếng. Chúng tôi chẳng biết liệu tàu ngầm tấn
công của phe mình có đang lùng sục chúng tôi hay không nữa. Nhiều khả
năng chính phủ nước tôi có những mối lo khác. Tuy nhiên chúng tôi vẫn
thực hiện các đợt diễn tập chiến đấu và đám dân thường được dạy cách giữ
trật tự. Trưởng tàu thậm chí còn lắp đặt hệ thống cách âm cho phòng ăn để
làm phòng học và chỗ vui chơi cho lũ trẻ. Bọn trẻ con, đặc biệt là mấy đứa
nhỏ nhỏ, không ý thức được chuyện gì đang xảy ra hết. Nhiều đứa thậm chí
đã còn phải cùng gia đình vượt qua những khu đất có thây ma, mấy đứa còn
tí bỏ mạng. Chúng chỉ biết là lũ quái vật giờ không có ở đây, chỉ còn trong
những cơn ác mộng thỉnh thoảng chúng vẫn gặp. Giờ chúng an toàn rồi,và
chúng chỉ cần có thế. Chắc trong mấy tháng đầu tiên tất cả chúng tôi đều
cảm thấy như thế. Chúng tôi còn sống, chúng tôi có nhau, chúng tôi an toàn.
So với những gì đang xảy ra ở những nơi khác trên thế giới, chúng tôi còn
muốn gì nữa đây?
Các anh có cách nào theo dõi cơn đại loạn không?
Không có ngay được. Chúng tôi phải lén lút, tránh cả các tuyến đường
thương mại hàng hải và các khu tàu ngầm tuần tra… của cả chúng tôi lẫn
các anh. Chúng tôi cũng có đoán già đoán non. Giờ bệnh dịch đang lây lan
nhanh đến mức nào? Nước nào bị ảnh hưởng nặng nhất? Đã có ai sử dụng
giải pháp hạt nhân chưa? Nếu có thì đây thực sự là ngày tận thế với tất cả
chúng ta. Trong một hành tinh nhiễm xạ nặng, lũ xác chết di động ấy có lẽ
sẽ là những sinh vật duy nhất “còn sống sót.” Chúng tôi chẳng biết phóng
xạ liều cao sẽ ảnh hưởng đến não lũ zombie như thế nào. Liệu nó có thể tiêu
diệt chúng không, khiến phần chất xám trong não chúng mọc lên vô số
những khối u ngày càng lớn dần? Với não người thường thì sẽ là thế, nhưng
bởi vì bọn thây ma đã phá vỡ mọi qui luật tự nhiên nên chắc gì tình huống
này đã khác? Có vài đêm khi ngồi trong phòng ăn cho sĩ quan, khi đang
nghỉ uống trà, chúng tôi thì thầm dựng nên hình ảnh những con zombie
chạy nhanh như báo, lanh lợi như khỉ, não bị đột biến trương phồng lên, co
đập thập thùng và tòi ra khỏi sọ. Thiếu tá Song, sĩ quan trực lò phản ứng, có
mang theo màu nước lên tàu và đã vẽ cảnh một thành phố bị tàn phá. Anh ta
nói đây chỉ là một thành phố vu vơ nào đó thôi nhưng chúng tôi đều nhận ra
được cái đường chân trời đổ nát đó là của Phố Đông. Song lớn lên ở
Thượng Hải. Phía chân trời đứt khúc sáng rực một màu đỏ tối, in trên nền
trời đen kịt của một mùa đông hạt nhân. Một trận mưa tro bụi rải rắc trên
khắp các đống gạch gỗ đổ nát trồi lên trên những hồ thủy tinh bị nung chảy.
Ngoằn ngoèo len lỏi qua trung tâm cái phông nền tận thế ấy là một con
sông xanh nâu bẩn, trông chẳng khác nào một con rắn đang trường qua
hàng loạt các xác chết: da nứt nẻ, não lộ ra, thịt chảy nhớt xuống từ những
cánh tay xương xẩu đâm chìa ra từ những gương mặt mồm há hốc, mắt đỏ
ngầu. Tôi chẳng biết Thiếu tá Song bắt đầu vẽ bức tranh ấy từ bao giờ, chỉ
biết rằng đến tháng thứ ba anh ta bí mật đem ra khoe với một vài người.
Anh ta không muốn cho Thuyền trưởng Chen biết. Hắn đâu có ngu đến thế.
Nhưng chắc có ai đó đã để lộ ra và ngài Đại Ca nhanh chóng bắt hắn ngừng
lại.
Song được lệnh phải vẽ đè lên trên bức họa của mình một thứ gì đó vui
vẻ hơn, cảnh hoàng hôn mùa hè trên hồ Dian. Sau đó anh ta vẽ thêm vài bức
tranh “mang ý nghĩa tích cực” trên bất cứ chỗ vách ngăn nào còn trống.
Thuyền trưởng Chen cũng ra lệnh ngưng tất cả mọi hoạt động bàn tán trong
thời gian giải lao. “Ảnh hưởng xấu đến tinh thần thủy thủ đoàn.” Nhưng tôi
nghĩ chính vì vụ việc ấy mà ông đã tìm cách thiết lập lại liên lạc với thế giới
bên ngoài.
Chủ động liên lạc hay quan sát thụ động vậy?
Cái thứ hai. Ông ta biết bức tranh của Song và các cuộc thảo luận về
ngày tận thế của chúng tôi là hậu quả của việc bị cô lập quá lâu. Cách duy
nhất để ngăn ngừa bất cứ “suy nghĩ nguy hiểm” nào khác là thay thế phỏng
đoán bằng dữ kiện thật. Chúng tôi bị mù thông tin đã gần một trăm ngày
đêm rồi. Chúng tôi cần phải biết chuyện gì đang xảy ra, ngay cả nếu thực tại
cũng tăm tối và vô vọng như bức tranh của Song vậy.
Cho đến lúc này, sĩ quan rađa siêu âm cùng đội ngũ của mình là những
người duy nhất còn có chút thông tin về thế giới phía bên kia thành tàu. Họ
lắng nghe tình hình động tĩnh của biển: tình hình các dòng hải lưu, các “yếu
tố sinh học” như cá tôm và cá voi, và cả tiếng chân vịt quẫy nước đâu đó
vọng lại. Lúc trước tôi có nói chúng tôi đã đi đến những vùng nước hẻo
lánh nhất trên đại dương. Chúng tôi cố tình chọn những khu xa xôi biệt lập
nơi bình thường không có tàu bè nào qua lại cả. Tuy nhiên, trong vòng mấy
tháng vừa qua, đội của Liu ngày càng phát hiện ra nhiều thứ tàu bè. Giờ đây
mặt biển có đến hàng nghìn con tàu đủ thể loại, trong số đó nhiều chiếc
không khớp với dữ liệu chúng tôi lưu trong máy.
Thuyền trưởng ra lệnh giương kính tiềm vọng. Cột ESM được dựng lên
và bị ngợp bởi hàng trăm tín hiệu rađa; cột radio cũng bị tương tự. Cuối
cùng là đến cái ống kính, cả ống kính dò tìm lẫn ống kính tấn công chính,
trồi lên khỏi mặt nước. Đây không giống như trong phim, không có ai gạt
cần điều khiển xuống và nhìn qua một cái ống kính tiềm vọng. Phần ống
kính không xuyên xuống thân trong của tàu. Mỗi ống kính có một máy quay
phim truyền lại tín hiệu đến tất cả các màn hình trên tàu. Chúng tôi không
thể tin nổi mắt mình nữa. Trông cứ như thể nhân loại cho tất cả những gì
mình có ra biển. Chúng tôi nhìn thấy tàu chở dầu, tàu chở hàng, tàu khách.
Chúng tôi thấy có một con tàu kéo theo mấy cái xà lan, chúng tôi thấy tàu
cánh ngầm, tàu chở rác, tàu vét bùn, và đó mới chỉ là sau giờ đầu tiên.
Mấy tuần sau, chúng tôi cũng phát hiện ra vài chục tàu quân sự, chiếc
nào cũng có thể phát hiện ra chúng tôi, nhưng dường như chẳng ma nào
buồn quan tâm. Anh biết chiếc USS Saratoga không? Chúng tôi có thấy nó
được kéo dọc qua biển Nam Đại Tây Dương, buồng lái của nó toàn lều trại.
Chúng tôi có thấy một chiếc chắn chắn là tàu HMS Victory, lướt sóng đi
nhờ một rừng mái chèo tự chế. Chúng tôi thấy chiếc Aurora, chiếc chiến
thuyền hạng nặng thời Thế Chiến Thứ Nhất mà đã khơi mào cuộc Kháng
chiến ở Bolshevik khi thủy thủ đoàn nổi loạn. Tôi chả hiểu họ lôi nó ra khỏi
Saint Petersburg kiểu gì hay lấy đâu ra than để tiếp cho lò hơi của nó.
Có rất nhiều con tàu trông dặt dẹo đúng lẽ là phải cho về vườn mấy năm
trước rồi: xuồng, phà và xà lan trước giờ chỉ quen trôi nổi trên những cái hồ
phẳng lặng hoặc sông suối nội địa, các loại tàu ven biển đáng ra không
được rời bến cảng nơi chúng được thiết kế. Chúng tôi thấy một cái xưởng
cạn nổi kích cỡ bằng một tòa cao ốc lật ngược, boong của nó giờ đây chật
cứng các giàn giáo xây dựng dùng làm nhà cửa tạm bợ. Nó trôi nổi một
cách vô định, không thấy có tàu kéo hay tàu cung ứng gì hết. Tôi chẳng biết
những con người ấy sống sót kiểu gì, hay liệu họ có sống sót được hay
không. Có rất nhiều tàu trôi nổi dập dềnh theo nhịp sóng, kho nhiên liệu cạn
kiệt, không thể nào sản ra năng lượng được nữa.
Chúng tôi có thấy một mớ tàu tư nhân, du thuyền và tàu ca-bin được
buộc lại với nhau, tọa thành một cái bè khổng lồ không người lái. Chúng tôi
cũng thấy nhiều cái bè tự chế kiểu khác nữa, được làm từ gỗ hay lốp xe.
Chúng tôi còn bắt gặp một khu ổ chuột nổi được xây dựng trên nền
móng là hàng trăm túi rác đựng đầy bọt xốp. Nó khiến chúng tôi nhớ đến
đám “thủy quân bóng bàn,” những người tị nạn trong cuộc Cách mạng Văn
hóa đã tìm cách bơi đến Hồng Kông trên những túi bóng bàn.
Chúng tôi thương hại họ, thương hại cho số kiếp vô vọng của những
con người kia. Phải trôi nổi giữa đại dương, bị cái đói, cái khát, say nắng và
đôi khi là chính biển cả hành hạ… Thiếu tá Song gọi đó là “cuộc đại thoái
hóa của loài người.” “Chúng ta đến từ biển,” anh ta nói, “và giờ chúng ta
đang chạy trở về.” Chạy là một từ rất chuẩn xác. Những người này rõ ràng
chưa tính đến việc mình sẽ phải làm gì một khi đã được “an toàn” trên
những con sóng. Họ chỉ nghĩ ở đây sẽ đỡ hơn bị xé xác ở trên cạn. Có lẽ
trong cơn hoảng loạn, họ không nhận ra rằng mình chỉ đang kéo dài cái điều
không thể tránh khỏi mà thôi.
Các anh có tìm cách giúp đỡ họ không? Cho họ thức ăn, nước uống
hoặc kéo họ đi…
Đi đến đâu? Ngay cả nếu chúng tôi có biết bến nào an toàn, thuyền
trưởng cũng không dám liều bị phát hiện. Chúng tôi không biết liệu có ai
đang cầm máy radio không, không biết ai là người đang lắng nghe các tín
hiệu từ đó. Chúng tôi không biết liệu tàu mình có còn đang bị săn lùng hay
không. Và còn cả một mối nguy nữa: bọn thây ma. Chúng tôi thấy rất nhiều
tàu bị nhiễm bệnh, một số tàu các thuyền viên vẫn còn đang chiến đấu để
bảo toàn mạng sống, một số tàu khác thì bọn thây ma là những thuyền viên
duy nhất. Có một lần ở ngoài khơi Dakar, Senegal, chúng tôi bắt gặp một
con tàu khách hạng sang nặng bốn mươi lăm nghìn tấn tên là Nordic
Empress. Ống kính dò tìm của chúng tôi đủ mạnh để thấy rõ từng vệt vân
tay máu me bôi trên cửa sổ phòng khiêu vũ, mọi con ruồi đang bâu vào
đống xương thịt trên khoang. Zombies đang liên tục ngã xuống nước, cứ vài
phút lại có một con. Tôi đồ là chúng thấy cái gì ở đằng xa, một cái máy bay
tầm thấp hay thậm chí là ống kính của chúng tôi và tìm cách với ra. Nó gợi
cho tôi một ý tưởng. Nếu chúng tôi nổi lên mặt nước cách đó khoảng vài
trăm mét, tìm mọi cách dụ chúng ngã xuống thành tàu, chắc chúng tôi sẽ có
thể dọn sạch con tàu mà không cần bắn phát súng nào. Ai mà biết đám dân
tị nạn kia mang theo những gì lên tàu? Chiếc Nordic Empress có khi lại trở
thành một trạm tiếp tế nổi chứ không biết chừng. Tôi trình bày ý tưởng với
hạ sĩ quan trông coi kỉ cương trên tàu và rồi chúng tôi cùng nhau lên bẩm
với thuyền trưởng.
Ông ấy bảo sao?
“Không được.” Không thể nào mà biết được trên cái du thuyền đó có
bao nhiêu con zombie. Tệ hơn, ông ra dấu về phía cái màn hình và chỉ vào
một số con zombie đang rơi xuống. “Nhìn xem,” ông nói, “đâu phải con
nào cũng chìm hết.” Ông ấy nói đúng. Vài con sau khi sống lại vẫn còn mặc
áo phao cứu hộ, còn một số con khác bắt đầu bị các thứ khí phân hủy làm
cho trương phềnh lên. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một con thây ma bị
trương. Đáng ra lúc đấy tôi phải nhận ra rằng đây là chuyện diễn ra như
cơm bữa. Ngay cả nếu chỉ mười phần trăm lượng tàu tị nạn bị nhiễm bệnh,
đó vẫn là 10 phần trăm của hàng trăm nghìn con tàu. Có đến hàng triệu con
zombies vô tình rơi xuống biển, hoặc đổ ùm xuống biển đến cả trăm khi
mấy con tàu kia bị lật do thời tiết mưa bão. Sau mỗi trận dông, chúng tràn
ra che kín mặt nước, trải rộng đến tận chân trời, những trận sóng đầu lắc lư
và tay vung vẩy lung tung. Có lần chúng tôi giương kính dò tìm và chẳng
thấy gì ngoài một mớ xanh xám hỗn loạn. mới đầu chúng tôi tưởng có sự cố
kĩ thuật, chắc do đâm phải thứ gạch đá gì đó, nhưng rồi ống kính tấn công
cho thấy hóa ra chúng tôi đâm trúng lồng ngực của một con thây ma. Và nó
vẫn còn đang giãy giụa, có lẽ ngay cả sau khi chúng tôi đã hạ ống kính
xuống. Nhỡ mà có thứ gì mang chúng nó vào trong tàu…
Nhưng chẳng phải các anh ở dưới nước sao? Lam thế nào mà
chúng…
Nếu chúng tôi nổi lên và có một con bị kẹt trên bong hoặc dưới gầm.
Khi tôi lần đầu mở cửa sập, một bàn tay hôi thối, úng nước phóng về phía
tôi và tóm được tay áo tôi. Tôi trượt chân, ngã xuống cái dầm đua và lăn ra
sàn tàu với một cánh tay đứt rời vẫn còn đang tóm lấy tôi. Phía bên trên tôi,
chắn ánh sáng rọi vào từ chỗ nắp mở là chủ nhân cái cánh tay kia. Không
kịp nghĩ ngợi gì, tôi rút súng bắn thẳng lên phía trên. Xương xẩu và thịt não
rơi xuống đầu chúng tôi như mưa. Chúng tôi may thật đấy… nếu bất cứ ai
có vết thương hở thì… Tôi tự thấy xứng đáng với những lời quở trách nhận
được, mặc dù đáng ra tôi nên bị mắng thậm tệ hơn. Kể từ đó trở đi, chúng
tôi bao giờ cũng lấy ống kính ra nhòm kĩ lưỡng sau khi nổi lên. Tôi có thể
khẳng định cứ ba lần thì sẽ có một trường hợp có vài con đang lăn lê bên
ngoài tàu.
Đó là hồi chúng tôi quan sát, chỉ có nhìn và nghe ngóng tình hình thế
giới xung quanh. Ngoài hai ống kính, chúng tôi còn có thể theo dõi cả hệ
thống rađio dân sự và các buổi truyền hình vệ tinh. Cảnh tượng không đẹp
đẽ gì cho cam. Các thành phố đang chết dần chết mòn, có khi còn là cả một
đất nước. Chúng tôi nghe buổi tường thuật cuối cùng từ Buenos Aires, cả về
vụ các hòn đảo quê nhà của Nhật phải sơ tán nữa. Chúng tôi có nghe được
sơ sơ về các cuộc nổi loạn trong hàng ngũ quân đội Nga. Chúng tôi có nghe
các bản hậu báo cáo về “cuộc chiến tranh hạt nhân qui mô nhỏ” giữa Iran và
Pakistan và rất lấy làm kinh ngạc vì chúng tôi chắc cú là hoặc các anh, hoặc
phía Nga mới là người vặn chìa khóa. Không thấy có gì tường thuật lại từ
phía Trung Quốc hết, từ các bài phát thanh của chính phủ cho đến các buổi
phát thanh bất hợp pháp. Chúng tôi vẫn còn bắt được một số tín hiệu phát đi
của bên hải quân, nhưng tất cả các loại mã đều đã bị thay đổi kể từ khi
chúng tôi đào ngũ. Mặc dù điều này cũng tạo ra một nguy cơ — chúng tôi
không biết liệu hạm đội của mình có được lệnh truy sát chúng tôi hay
không — ít nhất nó cũng cho thấy đất nước chúng tôi chưa chui hết vào
bụng bọn thây ma. Khi mà chúng tôi đã bỏ đi lâu đến thế này thì tin tức nào
cũng được chào đón hết.
Tình hình lương thực đang dần trở thành một vấn đề, không phải ngay
lập tức nhưng cũng đủ sớm để khiến chúng tôi phải cân nhắc các lựa chọn
của mình. Thuốc thang còn là một vấn đề lớn hơn; từ thuốc Tây đến các
loại thảo mộc truyền thống đều đang bắt đầu cạn kiệt do sức tiêu thụ của
đám dân thường. Rất nhiều người cần có thuốc men đầy đủ.
Bà Pei, mẹ của một trong số những sĩ quan phụ trách ngư lôi của chúng
tôi, bị bệnh cuống phổi kinh niên, bà bị dị ứng với một thứ gì đó trên tàu,
nước sơn hay dầu máy, thứ gì đó không thể loại bỏ được. Bà ta tiêu thụ
thuốc thông mũi với cường đọ đáng báo động. Đại úy Chin, sĩ quan chuyên
trách vũ khí của tàu đưa ra một đề nghị rất thực tế đó là “giải quyết” bà cụ
đi. Thuyền trưởng phản ứng lại bằng cách nhốt hắn ở trong phòng trong
suốt một tuần, khẩu phần ăn chỉ phát cho nửa suất, và ngoài các thứ bệnh tật
gây nguye hiểm tính mạng ra thì không được chữa chạy gì hết. Chin đúng là
một thằng máu lạnh, nhưng ít nhất hắn cũng đã chỉ ra các lựa chọn của
chúng tôi. Chúng tôi phải tìm cách gia tăng số lượng đồ tiêu thụ của mình,
hoặc tìm cách tái chế chúng.
Lùng sục mấy chiếc tàu vô chủ vẫn bị cấm ngặt. Ngay cả khi chúng tôi
phát hiện thấy thứ gì trông có vẻ bỏ hoang, vẫn có thể nghe thấy tiếng một
vài con zombie đập rầm rầm ở phía dưới boong. Đánh bắt cá cũng là một
giải pháp, nhưng chúng tôi không đủ nguyên liệu làm lưới và cũng không
muốn bỏ ra mấy tiếng đồng hồ trên mặt nước buông cần câu.
Cuối cùng cũng cũng có một giải pháp được đưa ra bởi một thường dân
chứ không phải thuyền viên. Trong số họ một vài người hồi trước là nông
dân hoặc lương y, và một số có mang theo mấy túi hạt giống. Nếu chúng tôi
cung cấp được cho họ những thứ dụng cụ cần thiết, họ có thể gieo trồng đủ
lương thực cho nhiều năm liền. Một kế hoạch thật táo bạo, nhưng không
phải không có lí. Khu chứa tên lửa đủ rộng để chứa một cái vườn. Chậu với
máng có thể được chế ra từ những thứ có sẵn, và mấy cái đèn cực tím dùng
để cung cấp vitamin D cho thủy thủ đoàn có thể được dùng làm mặt trời
nhân tạo.
Vấn đề duy nhất là đất. Chẳng ai biết tí gì về thủy canh, khí canh, hay
bất cứ phương pháp gieo trồng nào khác. Chúng tôi cần đất, và muốn lấy nó
chỉ có một cách duy nhất. Thuyền trưởng phải cân nhắc rất kĩ vấn đề này.
Cho một đội lên bờ thì cũng nguy hiểm ngang với việc tìm cách đổ bộ lên
một con tàu đầy thây ma, nếu không muốn nói là hơn. Trước khi chiến tranh
nổ ra, phân nửa nền văn minh nhân loại đều sinh sống dọc theo các bờ biển
hoạc các vùng lân cận. Trận đại dịch này đã khiến con số ấy tăng vọt lên
bới nhiều người tìm đường chạy ra biển.
Chúng tôi bắt đầu tìm kiếm ở ngoài khơi khu vực Trung Đại Tây Dương
mạn Nam Mỹ, từ Georgetown, Guyana đến các vùng bờ biền của Surinam,
và Guyana của Pháp. Chúng tôi có tìm thấy mấy dải rừng hoang trông có vẻ
trống trải, ít nhất là khi nhìn qua kính tiềm vọng. Chúng tôi trồi lên và kiểm
tra lại lần hai bằng mắt thường. Vẫn không thấy gì. Tôi xin phép được dẫn
một đội lên bờ. Thuyền trưởng vẫn còn hồ nghi. Ông ra lệnh bấm còi… nó
rống lên inh ỏi… và rồi chúng đến.
Mới đầu chỉ có vài đứa, người ngợm sứt sẹo, mắt mở thô lố, loạng
coạng lê xác ra khỏi rừng. Chúng không thèm để ý đến mép biển, đến
những con sóng đang huých chúng ra sau, quăng ngược chúng lên bãi biển
hoặc kéo chúng ra ngoài khơi. Có một con bị quật vào tảng đá, Ngực nó vỡ
toác, xương sườn gãy chọc tòi ra ngoài thịt. Dù bọt đen đang phòi ra ngoài
mồm nó vẫn còn rú lên dọa chúng tôi, vẫn tìm cách quơ quào về hướng
chúng tôi. Thêm nhiều con nữa xuất hiện, cứ chục con một; chỉ trong vòng
vài phút đã có cả trăm con lao đầu vào ngọn sóng. Chỗ nào chúng tôi cũng
bắt gặp tình cảnh như vậy. Tất cả những người tị nạn xấu số không kịp trốn
ra ngoài đại dương giờ đã trờ thành một hàng rào chết chóc dọc mọi bãi
biển chúng tôi đến.
Các anh có đưa được đội nào lên bờ không?
[Lắc đầu.] Quá nguy hiểm, thậm chí còn hơn cả mấy con tàu. Chúng tôi
quyết định rằng giờ chỉ còn cách kiếm đất trên các đảo ngoài khơi.
Nhưng chắc các anh cũng biết chuyện gì đang xảy ra ở trên các đảo
trên thế giới chứ.
Anh sẽ phải ngạc nhiên đấy. Sau khi rời trạm tuần tra Thái Bình Dương,
chúng tôi chỉ di chuyển loanh quanh khu vực Đại Tây Dương hoặc Ấn Độ
Dương. Chúng tôi có bắt được các tín hiệu liên lạc hoặc quan sát được diễn
biến trên rất nhiều hòn đảo. Chúng tôi đã biết về chuyện quá tải dân số, về
các vụ bạo lực… chúng tôi nhìn thấy chớp lửa của súng trên các đảo
Windward. Đêm đó khi trồi lên, chúng tôi có thể ngửi thấy mùi khói đang
bay về phía Đông biển Caribbean. Chúng tôi cũng được biết về một số hòn
đảo kém may mắn hơn. Đơn cử như quốc đảo Cabo Verde, ngoài khơi nước
Senegal. Chúng tôi chưa kịp nhìn thấy ai mà đã nghe thấy tiếng hú rồi. Dân
cư quá nhiều, kỉ luật quá thấp; chỉ cần một người bị nhiễm bệnh thôi là đủ.
Sau khi chiến tranh kết thúc có bao nhiêu hòn đảo vẫn phải bị cách li? Bao
nhiêu hòn đảo băng giá phía Bắc vẫn còn nằm trong Vùng Trắng?
Quay trở về biển Thái Bình Dương là lựa chọn khả thi nhất của chúng
tôi, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với lại đặt chân về trước cửa đất nước
mình.
Chúng tôi vẫn không biết liệu hải quân Trung Quốc có đang tiếp tục
truy lùng chúng tôi hay thậm chí lực lượng ấy có còn tồn tại hay không nữa.
Chúng tôi chỉ biết rằng mình cần thêm đồ dự trữ và chúng tôi thèm được
tiếp xúc với người khác. Phải mất một thời gian mới thuyết phục được
thuyền trưởng. Ông thực sự rất ngại phải đối đầu với lực lượng hải quân của
nước mình.
Ông ấy vẫn còn trung thành với chính quyền sao?
Vâng. Và còn cả… một vấn đề cá nhân nữa.
Cá nhân à? Tại sao?
[Anh đánh trống lảng.]
Anh đã đến Manihi bao giờ chưa?
[Tôi lắc đầu.]
Trước chiến tranh thật không thể nào tìm được một thiên đường nhiệt
đới lí tưởng hơn. Nó có nhiều hòn đảo bằng phẳng với các rặng dừa và các
đảo nhỏ viền quanh những đàm nước mặn nông, trong vắt. Đây là một trong
những nơi hiếm hoi trên thế giới người ta nuôi cấy ngọc trai đen chất lượng
cao. Tôi có mua một đôi cho vợ mình nhân tuần trăng mật của chúng tôi ở
Tuamotus. Chính nhờ đã từng trực tiếp đặt chân đến quần đảo này mà nó
trở thành một trong những điểm đến khả thi.
Manihi đã thay đổi rất nhiều kể từ khi tôi vẫn còn là một anh thiếu úy
mới kết hôn. Không còn ngọc ngà gì nữa, lũ hàu đã bị ăn thịt hết sạch, còn
các đầm nước mặn thì đặc nghẹt tàu bè cỡ nhỏ, số lượng lên đến hàng trăm
chiếc. Các đảo nhỏ xung quanh thấy toàn lều chõng hoặc chòi xiêu vẹo.
Hàng chục chiếc ca nô tự chế đang giương buồm hoặc được chèo tay đi lại
giữa các rạn san hô phía ngoài và cũng khoảng tầm chục con tàu cỡ lớn
đang thả neo ở chỗ nước sâu. Đây là một khung cảnh tiêu biểu cho thứ mà
nếu tôi nhớ không nhầm thì được các sử gia thời hậu chiến gọi là “Lục địa
Thái Bình Dương.” Đó là văn hóa biển đảo của dân tị nạn trải dài từ Palau
đến Polynésie thuộc Pháp. Đây là một xã hội mới, một quốc gia mới, nơi
dân tị nạn đến từ khắp toàn cầu cùng đoàn kết lại dưới một lá cờ chung:
sinh tồn.
Các anh hòa nhập vào với xã hội ấy như thế nào?
Thông qua việc trao đổi buôn bán. Trao đổi hàng hóa là trụ cột chính
của Lục địa Thái Bình Dương. Nếu tàu của anh có máy chưng cất nước, anh
bán nước lọc. Nếu nó có xưởng máy, anh trở thành thợ máy. Chiếc Madrid
Spirit, một con tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng, bán món hàng chuyên chở
của mình đi làm nhiên liệu nấu ăn. Chính điều này đã gợi cho ông Song ý
tưởng về “phân khúc thị trường” của chúng tôi. Ông là cha của Thiếu tá
Song, một nhà môi giới quĩ đầu cơ ở Thâm Quyến. Ông ta nảy ra sáng kiến
chạy các đường dây điện nổi vào trong khu đầm và cho dùng thuê điện từ lò
phản ứng.
[Anh mỉm cười.]
Chúng tôi trở thành triệu phú, hoặc… ít nhất thì cũng gọi là tương
đương như vậy: thức ăn, thuốc thang, bất cứ thứ linh kiện nào cần thiết
hoặc nguyên liệu để sản xuất chúng. Chúng tôi đã có cái vườn ươm riêng
của mình, cùng với một nhà máy thu hồi chất thải cỡ nhỏ để biến phân
thành phân bón. Chúng tôi “mua” trang thiết bị thể dục, nguyên một cái
quầy rượu nhỏ và hệ thống giải trí cho tất cả các phòng ăn. Bọn trẻ con
được cả đống đồ chơi và kẹo, và quan trọng hơn hết, được tiếp tục học hành
tại một số xà lan đã được cải biên lại thành trường học quốc tế. Chúng tôi
được chào đón vào mọi ngôi nhà, lên mọi con thuyền. Lính tráng và thậm
chí là cả một số sĩ quan của chúng tôi được miễn phí lên bất cứ chiếc nào
trong số năm con tàu “xả hơi” đang thả neo trong đầm. Có gì là khó hiểu
đâu? Chúng tôi thắp sáng màn đêm cho họ, cung cấp năng lượng cho các
thứ máy móc của họ. Chúng tôi mang trở lại những tiện nghi xa xỉ đã bị
quên lãng từ lâu như máy điều hòa và tủ lạnh. Chúng tôi đưa máy tính trở
lại hoạt động và giúp nhiều người sau hàng tháng trời cuối cùng cũng được
tắm nước nóng trở lại. Chúng tôi thành đạt đến mức hội đồng các đảo thậm
chí còn cho phép chúng tôi được miễn bảo đảm an ninh vành đai cho đảo,
mặc dù chúng tôi đã lịch sự từ chối.
Bảo vệ đảo khỏi zombie từ biển lên à?
Chúng luôn là một mối nguy. Đêm nào chúng cũng đi lên đảo hoặc tìm
cách trèo lên mỏ neo của các con thuyền đậu chỗ nước cạn. Một trong số
những “nghĩa vụ công dân” khi ở tại Manihi là phải giúp tuần tra các bãi
biển và tàu bè xem có con zombie nào không.
Anh có nói chúng trèo lên neo. Nhưng bọn zombie trèo leo kém lắm
mà?
Khi có nước giúp làm yếu đi trọng lực thì không. Hầu hết bọn chúng chỉ
phải đi dọc theo dây neo lên đến mặt nước là xong. Nếu cái dây ấy dẫn lên
một con thuyền boong chỉ cách mặt nước vài phân thì… số vụ tấn công xảy
ra trong đầm nhiều ít nhất cũng ngang với trên bãi biển. Đêm bao giờ cũng
tồi tệ hơn hẳn. Đó là lí do chúng tôi được hoan nghênh đến thế. Chúng tôi
xua đi bóng tối, cả bên trên và bên dưới mặt nước. Thật là lạnh tóc gáy mỗi
khi chiếu đèn pin xuống mặt nước và thấy có cái bóng xanh xanh của một
con zombie đang trèo lên dây neo.
Chẳng phải ánh sáng sẽ hút thêm nhiều con đến sao?
Chắc chắn là vậy. Kể từ khi các thủy thủ bắt đầu để đèn đêm, số vụ tấn
công tăng gần gấp đôi. Ấy nhưng cả dân lẫn hội đồng các đảo đều chẳng ai
phàn nàn. Chắc ai cũng thà được nhìn tận mặt kẻ thù của mình trong ánh
sáng còn hơn là ngồi trong bóng tối sợ hãi vẩn vơ.
Các anh ở lại Manihi bao lâu?
Vài tháng. Tôi không biết liệu có thể gọi đó là những tháng ngày tươi
đẹp nhất trong cuộc đời chúng tôi hay không, nhưng hồi đó chúng tôi thực
sự cảm thấy như vậy. Chúng tôi bắt đầu mất cảnh giác, không còn coi mình
là những kẻ đào tẩu nữa. Ở đó còn có một số gia đình Trung Quốc, không
phải cộng đồng hải ngoại hay người Đài Loan gì hết mà là những công dân
đích thực củanước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Họ kể lại với chúng tôi
rằng tình hình giờ tồi tệ đến mức chính phủ gần như không thể quản lí được
đất nước nữa. Theo như họ thấy, khi một nửa số dân đang bị nhiễm bệnh và
lực lượng quân đội dự bị đang liên tục cạn kiệt, chỉnh phủ làm gì có thời
gian và nguồn lực để đi tìm một con tàu ngầm mất tích. Đã có lúc chúng tôi
tưởng mình có thể an cư lạc nghiệp ở cộng đồng trên đảo này ở lại đây cho
đến khi cuộc khủng hoảng trôi qua, hay có lẽ là đến khi trái đất diệt vong.
[Anh nhìn lên cái tượng đài phía trên chúng tôi. Nó được xây dựng
ở vị trí được cho là nơi con zombie cuối cùng ở Bắc Kinh bị tiêu diệt.]
Đêm chuyện ấy xảy ra, Song và tôi phải đi tuần trên bờ biển. Chúng tôi
dừng bên một đống lửa trại và nghe đài của người dân đảo. Có một bài phát
thanh về một thứ thiên tai bí ẩn nào đó ở Trung Quốc. Chưa ai biết đó là gì,
và chúng tôi có đủ thứ tin đồn để mà đoán già đoán non. Lúc ấy tôi đang
ngồi nhìn cái radio, quay lưng lại phía đầm. Đột nhiên phần biển phía trước
mặt tôi sáng rực lên. Tôi vừa quay người lại thì bắt gặp cảnh chiếc Madrid
Spirit nổ tung. Tôi chẳng biết nó còn chứa bao nhiêu lượng khí tự nhiên,
nhưng quả cầu lửa của nó bốc to đùng lên trên không trung, nở rộng ra và
thiêu rụi tất cả mọi thứ trên hai hòn đảo gần nhất. Mới đầu tôi chỉ nghĩ đến
một từ đó là “tai nạn,” một cái van bị ăn mòn hay một anh thủy thủ vô ý nào
đó. Tuy nhiên Thiếu tá Song hồi nãy chứng kiến toàn bộ mọi thứ, và anh ta
đã nhìn thấy vệt khói tên lửa. Nửa giây sau, còi báo động của chiếc Đô Đốc
Zheng hú lên.
Chúng tôi phi trở lại tàu, cái sự thanh bình, cái cảm giác an toàn của tôi,
tất cả đều sụp đổ hết. Tôi biết rằng quả tên lửa đó được phóng từ một trong
số các tàu ngầm của phe tôi. Lí do duy nhất nó bắn trúng tàu Madrid đó là
bởi vì nó ở cao hơn so với mặt nước nên có diện tích bề mặt trên rađa lớn
hơn. Trên tàu lúc ấy có bao nhiêu người? Còn trên hai hòn đảo kia nữa? Đột
nhiên tôi nhận ra chúng tôi càng ở lại lâu thì những người dân đảo kia càng
dễ bị tấn công. Thuyền trưởng Chen chắc cũng nghĩ vậy. Khi lên đến
boong, từ phía cầu trực chiến có lệnh phải xuất thủy. Các đường dây điện
đều bị cắt, quân số được điểm lại, cửa nẻo được đóng kín. Chúng tôi nhằm
hướng vùng nước mặt thoáng và lặn xuống, tất cả đều vào vị trí chiến đấu.
Ở độ sâu chín mươi mét chúng tôi triển khai hệ thống dò tàu ngầm và
ngay lập tức phát hiện ra tiếng nó va vào thành một con tàu khác đang thay
đổi độ sâu. Không phải tiếng “pop-groooaaan-pop” mềm mại của thép mà
là tiếng “pop-pop-pop” liên tiếp của titan. Trên thế giới chỉ có hai quốc gia
sử dụng vỏ tàu tấn công bằng titan: Liên bang Nga và chúng tôi. Sau khi
đếm số lượng bánh răng thì chắc chắn đây là tàu của phe chúng tôi, một
chiếc tàu truy sát Mẫu 95. Khi chúng tôi rời cảng có hai chiếc như thế đang
phục vụ trong quân ngũ. Chúng tôi không biết được đây là chiếc nào.
Chuyện đó có quan trọng không?
[Anh lại không trả lời.]
Mới đầu, thuyền trưởng không muốn đánh nhau. Ông quyết định cho
tàu lặn xuống, cho nó nằm im trên một cái cao nguyên cát ở độ sâu gần sát
giới hạn chịu đựng của tàu. Chiếc Mẫu 95 bắt đầu phát sóng siêu âm chủ
động. Sóng âm thanh vang khắp vùng nước, nhưng không thể xác định
được chúng tôi vì bị lẫn vào với đáy biển. Chiếc 95 chuyển sang chế độ dò
tìm bị động, sử dụng các hệ thống ống nghe dưới nước siêu mạnh của mình
để ghi nhận bất cứ thứ âm thanh nào từ phía chúng tôi. Chúng tôi giảm
công suất lò phản ứng xuống mức tối thiểu, tắt hết các thứ máy móc không
cần thiết, ngưng tất cả mọi hoạt động của thủy thủ đoàn. Bởi vì xác định
thủy âm bị động không phát đi bất cứ thứ tín hiệu gì, chúng tôi không thể
nào xác định được vị trí của chiếc 95 hay thậm chí biết được liệu nó có còn
ở đó không. Chúng tôi cố tìm cách lắng nghe tiếng động cơ chân vịt của nó,
nhưng nó cũng đã trở nên im lặng như chúng tôi. Chúng tôi ngồi đợi nửa
tiếng đồng hồ, không dám cử động, gần như nín thở.
Tôi đang đứng chỗ bộ phận phát sóng siêu âm, mắt dán vào đám dây
điện trên đầu. Đột nhiên Đại úy Liu vỗ vào vai tôi. Ông ta đã bắt được tín
hiệu gì đó thông qua hệ thống máy dò trên thành tàu, không phải là con tàu
ngầm kia mà là cái gì đó khác, gần hơn, ở khắp xung quanh chúng tôi. Tôi
đeo tai nghe vào và nghe thấy có tiếng cào cào, như thể tiếng chuột gặm
vậy. Tôi lặng lẽ ra dấu cho thuyền trưởng lại nghe. Chúng tôi chẳng hiểu đó
là tiếng gì nữa. Đây không phải dòng hải lưu dưới đáy biển, dòng chảy đâu
có mạnh đến thế. Nếu đây là các sinh vật biển, cua hay con gì đó, đáng ra
phải có đến hàng nghìn con. Tôi bắt đầu nghi ngờ… tôi xin phép được
giương kính tiềm vọng quan sát mặc dù biết rằng tiếng động có thể thu hút
sự chú ý của những kẻ đang săn đuổi mình. Thuyền trưởng đồng ý. Chúng
tôi cắn chặt răng đợi ống kính trồi lên. Và rồi, hình ảnh xuất hiện.
Zombie, hàng trăm thằng, bâu đầy thành tàu. Cứ mỗi giây lại có thêm
nhiều con nữa, vừa đi vừa vấp loạng choạng trên nền cát trống, trèo lên đầu
nhau để cào cấu và thậm chí còn cắn vào lớp sắt của chiếc Zheng.
Liệu chúng có thể lọt vào bên trong không? Qua một chỗ cửa mở
hay…
Không, tất cả các nắp cửa đều bị khóa trái từ bên trong và các ống ngư
lôi đều có nắp bảo vệ bên ngoài. Chúng tôi chỉ lo cho cái lò phản ứng. Nó
được làm mát bằng nước biển. Ôngs lấy nước dù không đủ to cho một
người trưởng thành chui lọt nhưng cũng có thể dễ dàng bị chặn. Và thế là
đèn báo hiệu ở ống dẫn nước số bốn bắt đầu lóe lên trong yên lặng. Có đứa
đã cạy tung tấm chặn và giờ đã bị lèn cứng trong ống. Nhiện độ trung tâm
lò phản ứng bắt đầu tăng lên. Tắt nó đi là chúng tôi sẽ không còn chút năng
lượng nào. Thuyền trưởng Chen ra quyết định chúng tôi phải tránh xa chỗ
này ngay.
Chúng tôi rời khỏi đáy biển, cố gắng càng chậm và càng im lặng càng
tốt. Thế vẫn chưa đủ. Chúng tôi phát hiện ra tiếng động cơ chân vịt của
chiếc 95. Nó đã nghe thấy tiếng chúng tôi và đang vào vị trí tấn công.
Chúng tôi nghe thấy tiếng nước được cho vào ống phóng ngư lôi, và tiếng
nắp ngoài của nó mở ra. Thuyền trưởng Chen ra lệnh chuyển sang dò tìm
tàu ngầm chủ động. Làm vậy sẽ khiến vị trí của chúng tôi bị lộ hoàn toàn,
song nó cũng cho chúng tôi biết hướng bắn chuẩn đối với chiếc 95.
Chúng tôi khai hỏa cùng một lúc. Thủy lôi hai bên phóng sượt qua
nhau, cả hai tàu đều tìm cách né tránh. Chiếc 95 nhanh nhẹn, linh lợi hơn,
nhưng nó không có một vị thuyền trưởng như của bọn tôi. Ông biết chính
xác cách né tránh con “cá” đang lao đến, và chúng tôi dễ dàng tránh được
nó, vừa đúng lúc thủy lôi phe tôi tìm được mục tiêu của mình.
Chúng tôi nghe thấy tiếng vỏ tàu 95 rít lên như một con cá voi đang hấp
hối, các vách ngăn của nó sập xuống trong khi các khoang lần lượt nổ tung.
Người ta có nói với chúng tôi rằng nó xảy ra nhanh đến mức thủy thủ đoàn
còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra; hoặc là họ sẽ bị bất tỉnh do thay đổi áp
suất hoặc vụ nổ có thể khiến không khí bắt lửa. Toàn bộ thuyền viên sẽ chết
một cách nhanh chóng, không đau đớn. Ít nhất là chúng tôi hi vọng vậy. Tuy
nhiên, phải chứng kiến cảnh đôi mắt thuyền trưởng mình trông như chết dại
cùng với âm thanh của con tàu kia thật không dễ dàng chút nào.
[Anh ta đoán trước câu hỏi tiếp theo của tôi, tay nắm chặt lại và thở
hắt ra đằng mũi.]
Thuyền trưởng Chen một mình nuôi nấng đứa con của mình, nuôi dạy
cậu ta trở thành một thủy thủ lành nghề, dạy cậu ta phải biết yêu thương và
sẵn lòng phục vụ đất nước, dạy cậu ta không được phép nghi ngờ mệnh
lệnh và trở thành sĩ quan hải quân giỏi nhất Trung Quốc. Ngày hạnh phúc
nhất đời ông là khi Thiếu tá Chen Zhi Xiao đảm nhiệm quyền chỉ huy con
tàu đầu tiên của mình, một chiếc tàu ngầm truy sát Mẫu 95 mới toanh.
Cùng loại với con tàu đã tấn công các anh à?
[Gật đầu.] Đó là lí do Thuyền trưởng Chen tìm mọi cách né tránh hạm
đội của chúng tôi. Đó là lí do vì sao biết chiếc nào tấn công chúng tôi quan
trọng đến thế. Biết được bao giờ cũng tốt hơn, cho dù câu trả lời có là gì đi
chăng nữa. Ông đã phản bội lại lời thề, phản bội Tổ quốc, và giờ chẳng biết
liệu có phải hành động phản bội này đã khiến ông giết chết con trai mình
hay không…
Sáng hôm sau khi Thuyền trưởng Chen không đến trực ca gác đầu tiên,
tôi đén phòng ông để xem tình hình ra sao. Trong phòng tối mù mờ. Tôi gọi
tên ông. Thật nhẹ người, ông ấy đã trả lời, nhưng khi ông bước vào chỗ
sáng… tóc ông đã bạc hết màu, trắng như tuyết thời tiền chiến. Da ông xám
nghoét, mắt trũng sâu. Giờ ông ấy thực sự trông như một ông già, kiệt quệ,
yếu đuối. Lũ quái vật quay trở về từ cõi chết thật không là gì nếu đem so
với những gì ta giấu kín trong lòng.
Kể từ ngày hôm đó, chúng tôi ngưng tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Chúng tôi đi về vùng Bắc Cực băng giá, đến nơi đất trống xa xôi nhất, tăm
tối nhất, và hoang vu nhất mà chúng tôi tìm được. Chúng tôi tiếp tục cuộc
sống thường nhật: bảo dưỡng tàu; trồng lương thực; nuôi dạy và chăm sóc
bọn trẻ theo cách tốt nhất có thể. Khi thuyền trưởng đã mất đi nhuệ khí, tinh
thần toàn bộ thuyền viên tàu Admiral Zheng cũng chẳng khá khẩm hơn gì.
Trong giai đoạn đó, tôi là người duy nhất còn được nhìn thấy mặt ông. Tôi
đưa thức ăn đến, đem đồ đi giặt, hàng ngày báo cáo lại tình hình trên tàu với
ông, và rôi truyền lại mệnh lệnh của ông cho những thuyền viên khác. Nó
cứ quanh đi quẩn lại, hết ngày này sang ngày khác.
Một ngày nọ, cuộc sống đơn điệu của chúng tôi bị phá vỡ khi hệ thống
dò phát hiện dấu hiệu của một chiếc tàu ngầm tấn công Mẫu 95 khác.
Chúng tôi vào vị trí chiến đấu, và đó là lần đầu tiên chúng tôi thấy Thuyền
trưởng Chen rời phòng mình. Ông ngồi vào vị trí trung tâm, ra lệnh tính
toán đường đạn, và nạp đạn vào ống hai và một. Sóng siêu âm dò cho thấy
tàu kia không có dấu hiệu đáp trả tương tự. Thuyền trưởng Chen thấy điều
này đem lại cho chúng tôi một lợi thế. Lần này ông không còn do dự gì nữa.
Kẻ thù sẽ chết trước khi kịp khai hỏa một phát súng. Trước khi ông kịp ra
lệnh, chúng tôi nhận được tín hiệu trên “gertrude,” một từ gốc Mỹ dùng để
chỉ điện thoại ngầm dưới nước. Đó là Thiếu tá Chen, con trai thuyền
trưởng, thông báo ý định hòa hoãn và đề nghị chúng tôi ngưng tấn công.
Cậu ta kể lại với chúng tôi về vụ Đập Tam Sơn, ngọn nguồn của những thứ
tin đồn về cái “thiên tai” chúng tôi đã nghe được ở Manihi. Cậu ta giải thích
rằng trận chiến với chiếc 95 kia là một phần trong cuộc nội chiến nổ ra sau
khi con đập bị phá hủy. Con tàu tấn công chúng tôi thuộc lực lượng trung
thành. Thiếu tá Chen về phe nổi loạn. Nhiệm vụ của cậu ta là tìm bằng ra và
hộ tống chúng tôi về nước. Tiếng hò reo lúc ấy to đến mức có khi trên mặt
nước còn nghe thấy. Khi trồi lên trên lớp băng và chứng kiến cảnh thủy thủ
đoàn hai bên chạy ra ôm chầm lấy nhau dưới cảnh chạng vạng xứ Bắc Cực,
tôi tin rằng cuối cùng chúng tôi cũng được hồi hương, chúng tôi có thể tái
chiếm đát nước và tiêu diệt bọn thây ma. Cuối cùng thì mọi thứ cũng đã kết
thúc.
Nhưng thực tế không phải vậy.
Chúng tôi vẫn còn một nhiệm vụ cuối cùng. Lũ chính trị gia, mấy thằng
già đáng khinh bỉ đã gây ra quá nhiều đau thương ấy vẫn còn đang ẩn náu
trong boongke ở Xilinhot vẫn còn kiểm soát ít nhất một nửa lực lượng bộ
binh đang dần kiệt quệ của đát nước. Ai cũng biết chúng sẽ không bao giờ
đầu hàng; chúng sẽ vẫn điên cuồng bám trụ lấy quyền lực, tàn phá nốt
những gì còn lại của lực lượng quân đội chúng tôi. Nếu cuộc nội chiến bị
kéo dãn thêm lâu nữa, cả Trung Quốc sẽ chỉ còn mỗi bọn thây ma sống sót.
Và các anh quyết định chấm dứt cuộc chiến.
Chúng tôi là những người duy nhất có thể. Các ụ tên lửa trên cạn của
chúng tôi đều đã bị chiếm mất rồi, lực lượng không quân đang bị cấm xuất
kích, hai tàu tên lửa khác của chúng tôi vẫn còn bị buộc vào cột, ngoan
ngoãn ngồi đợi lệnh trong khi lũ thây ma tràn qua các cửa. Thiếu tá Chen
nói rằng chúng tôi là vũ khí hạt nhân duy nhất trong kho vũ khí của phe
phiến quân. Cứ mỗi giây chần chừ là chúng tôi lại phải lãng phí thêm cả
trăm nhân mạng, cả trăm viên đạn mà đáng ra phải để dành cho lũ thây ma.
Vậy là anh phóng tên lửa lên mảnh đất quê hương mình để cứu lấy
nó.
Đó là gánh nặng cuối cùng chúng tôi phải mang trên vai. Chắc thuyền
trưởng cũng để ý thấy tay tôi run run trước khi chúng tôi khai hỏa. “Lệnh
của tôi,” ông tuyên bố, “tôi chịu trách nhiệm.” quả tên lửa mang theo một
đầu đạn khổng lồ với sức công phá nhiều triệu tấn. Đây là đàu đạn nguyên
mẫu, được thiết kế để xuyên qua bề mặt vững chắc của các cơ sở NORAD
ở núi Cheyenne, Colorado của các anh. Trớ trêu thay, boongke của lũ chính
trị gia được thiết kế bắt chước theo các cơ sở trên núi Cheyenne Mountain
gần như về mọi mặt. Khi chuẩn bị lặn xuống, Thiếu tá Chen báo lại rằng
Xilinhot đã bị dính tên lửa trực diện. Lúc lặn xuống dưới mặt nước, chúng
tôi nghe được rằng bên lực lượng trung thành đã đầu hàng và cùng sát cánh
với lực lượng phiến quân đề chiến đấu chống kẻ thù chung.
Các anh có biết rằng họ đã bắt đầu đưa vào thực thi phiên bản Kế
hoạch Nam Phi của riêng mình không?
Ngày hôm sau khi trồi lên khỏi lớp băng thì chúng tôi hay tin. Hôm đó
tôi đến gác và thấy Thuyền trưởng Chen đã ngồi sẵn ở đài trực chiến rồi.
Ông ngồi trong ghế chỉ huy, cạnh tay là một tách trà. Trông ông rất mệt
mỏi, im lặng quan sát các thuyền viên khác xung quanh mình, mỉm cười
như một người cha khi thấy con cái mình được hạnh phúc. Tôi nhận thấy
tách trà của ông đã nguội và hỏi xem liệu ông có muốn một tách khác
không. Ông ngửng lên nhìn tôi, môi vẫn mỉm cười, và chậm rãi lắc đầu.
“Vâng thưa ngài,” tôi nói, chuẩn bị quay về vị trí. Ông với ra nắm lấy tay
tôi, nhìn vào mặt tôi nhưng lại không nhận ra tôi là ai. Ông thì thầm khẽ đến
mức tôi gần như không nghe nổi.
Ông ấy nói gì?
“Ngoan lắm, Zhi Xiao, con ngoan lắm.” Ông vẫn còn nắm lấy tay tôi
khi đôi mắt ông vĩnh viễn nhắm nghiền lại.
SYDNEY, AUSTRALIA
[Clearwater Memorial là bệnh viện sắp được xây dựng mới nhất ở
Úc và đồng thời cũng là bệnh viện lớn nhất kể từ sau khi chiến tranh
kết thúc. Phòng của Terry Knox ở trên tầng mười bảy, “Phòng Tổng
Thống.” Chu cấp chỗ ở sang trọng và thuốc thang đắt tiền, quí hiếm là
điều tối thiểu mà chính phủ của ông ta có thể dành tặng cho vị chỉ huy
người Úc đầu tiên và tính đến nay là duy nhất của Trạm Vũ trụ Quốc
71
tế . Theo như lời ông nói, “Cũng không tệ đối với một thằng con trai
nhà thợ đào Opan ở Andamooka.” Cơ thể đã suy kiệt của ông dường
như có thêm chút sức sống trong cuộc trò chuyện của chúng tôi. Gương
mặt ông đã có sắc trở lại.]
Tôi cũng chỉ mong mấy giai thoại họ kể về chúng tôi có được một hai
cái đúng. Nó khiến chúng tôi trông anh hùng hơn hẳn. [Mỉm cười.] Thật ra
thì, chúng tôi không bị “mắc kẹt,” không phải cái kiểu chẳng hiểu vì sao mà
kẹt lại ở trên đó. Không ai chứng kiến được mọi thứ rõ ràng hơn chúng tôi.
Chẳng ai ngạc nhiên chút nào khi đội thay thế ở Baikonur không phóng lên
72
được, hay khi Houston ra lệnh cho chúng tôi phải vào trong tàu X-38 để
di tản đi. Tôi rất muốn nói rằng chúng tôi đã bất tuân mệnh lệnh hoặc đã
phải đánh lộn lẫn nhau để xem ai sẽ ở lại. Thực tế thì mọi chuyện xảy ra
một cách nhẹ nhàng và hợp lí hơn nhiều. Tôi ra lệnh cho đội khoa học và
bất cứ nhân sự không cần thiết nào khác quay trở về Trái Đất, sau đó cho
những người còn lại quyền lựa chọn muốn ở lại hay không. Khi các con
“tàu cứu sinh” X-38 đã rời đi rồi, chúng tôi sẽ bị kẹt lại đây, nhưng khi tính
đến những gì sẽ bị ảnh hưởng, tôi không nghĩ có ai lại muốn rời đi.
Trạm ISS là một trong những kì quan xây dựng vĩ đại nhất của con
người. Đây là một trạm không gian lớn đến mức đứng dưới Trái Đất nhìn
lên bằng mắt thường vẫn thấy được. Để hoàn tất được nó phải mất đến hơn
mười năm với sự góp sức của mười sáu quốc gia, hàng trăm chuyến du
hành vũ trụ và một lượng tiền lớn đến mức chẳng ai dám nói ra nếu không
được đảm bảo sẽ không bị đuổi việc. Muốn xây được thêm một trạm như
thế nữa sẽ phải tốn công đến thế nào, liệu ta còn có thể xây dựng thêm một
trạm nữa không?
Quan trọng hơn cả cái trạm không gian này là hệ thống vệ tinh vô giá
không thể thay thế được của cả hành tinh. Hồi đó có hơn ba nghìn vệ tinh
trên quĩ đạo, và nhân loại phải dựa vào đó để làm đủ thứ, từ liên lạc đến xác
định phương hướng, từ theo dõi cho đến những thứ bình thường nhưng
không kém quan trọng như dự báo thời tiết. Tầm quan trọng của mạng lưới
này trong thế giới hiện đại cũng tương tự như đường xá trong thời cổ đại,
hoặc đường sắt trong thời đại công nghiệp. Nhân loại sẽ ra sao nếu những
kết nối sống còn này không tồn tại nữa?
Chúng tôi không định cứu vãn tất cả. Làm thế vừa bất khả thi lại vừa
thừa thãi. Chúng tôi chỉ phải tập trung vào những hệ thống tối quan trọng
đối với cuộc chiến này, chỉ cần giữ được vài vệ tinh ở trên trời thôi. Chỉ
từng ấy cũng đáng để cho chúng tôi ở lại.
Người ta có hứa là sẽ đến giải cứu các ông không?
Không, và chúng tôi cũng không trông mong gì vào chuyện ấy. Vấn đề
bây giờ không phải là trở về Trái Đất kiểu gì mà là làm thế nào để sống sót
73
được trên này. Ngay cả với tất cả các bình O2 và nến pecloric dự trữ, ngay
74
cả nếu hệ thống tái chế nước của chúng tôi hoạt động với công suất tối đa,
chúng tôi cũng chỉ có đủ thức ăn trong khoảng hai mươi bảy tháng, và đấy
là nếu tính cả đám động vật thí nghiệm trong các khu thí nghiệm. Chưa có
con nào bị đem ra thử vắcxin nên thịt chúng vẫn ăn được. Tôi vẫn còn có
thể nghe thấy tiếng kêu la của chúng, vẫn thấy được những khối máu trong
môi trường phi trọng lượng. Ngay cả ở trên này anh cũng không thoát được
đám máu. Tôi cố suy nghĩ theo cách khoa học, tính toán hàm lượng dinh
dưỡng của mỗi giọt máu đỏ trôi nổi trong không khí mình hút vào bụng. Tôi
cố nghĩ rằng đây là vì nhiệm vụ chứ không phải vì cái bụng đang đói cồn
cào của mình.
Hãy kể cho tôi chi tiết hơn về nhiệm vụ của các ông đi. Nếu bị kẹt
trong trạm thì làm sao mà mọi người giữ được các vệ tinh ở trong quĩ
đạo?
75
Chúng tôi sử dụng con tàu ATV “Jules Verne 3,” tàu chở đồ tiếp tế
cuối cùng được phóng lên trước khi Guyana thuộc Pháp bị thất thủ. Nó vốn
được thiết kế là tàu đi một lần, dùng để chở rác sau khi lấy hết hàng hóa bên
76
trong ra và rồi phóng trở lại khí quyển Trái Đất để bị thiêu rụi đi. Chúng
tôi đã thêm bảng điều khiển bay và ghế phi công vào cho nó. Ước gì chúng
tôi có thể cho nó thêm cái cửa quan sát tử tế. Định vị qua video không thú
77
vị chút nào; cả phần Hoạt Động Ngoài Phương Tiện nữa, đó là thuật ngữ
dùng để chỉ việc ra khỏi tàu làm nhiệm vụ. Tôi phải mặc đồ bảo hộ đáng ra
chỉ dùng khi quay trở về khí quyển vì không có đất chứa một bộ đồ EVA tử
tế nào.
78
Phần lớn các chuyến du hành của tôi đều có đích đến là ASTRO, một
trạm xăng trên vũ trụ. Vệ tinh, loại chuyên dùng để theo dõi của quân sự đôi
khi cần phải thay đổi quĩ đạo để nhận mục tiêu mới. Chúng cần phải khởi
động các động cơ đẩy, làm tiêu hao trữ lượng nhiên liệu hidrazin ít ỏi của
mình. Từ thời trước chiến tranh, quân đội Mỹ đã nhận ra rằng có một trạm
tiếp nhiên liệu ở sẵn trên vũ trụ sẽ đỡ tốn kém hơn là cứ phải liên tục cho
người lên. Đó là lí do ASTRO ra đời. Chúng tôi chỉnh lại nó một chút để nó
có thể tiếp nhiên liệu cho một số vệ tinh khác nữa, nhất là các mẫu dân sự
cần thỉnh thoảng được nâng lên một chút để tránh bị lệch quĩ đạo. Đây thật
là một cỗ máy kì diệu: nó giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Chúng tôi
có rất nhiều thứ công nghệ như thế. Có cái gọi là “Canadarm,” một con sâu
đo máy dài mười lăm mét hai giúp thực hiện các nhiệm vụ bảo trì cần thiết
đối với lớp vỏ ngoài của trạm. Chúng tôi có “Boba,” đám người máy được
chúng tôi lắp thêm động cơ đẩy để có thể hoạt động trong trạm cũng như
79
trên các vệ tinh. Chúng tôi cũng có cả một đội PSA, những con rô bốt trôi
nổi tự do trông như quả nho và cũng to cỡ ấy. Tất cả những thứ công nghệ
tuyệt vời này được thiết kế ra để giúp cho công việc của chúng tôi được trở
nên dễ dàng hơn. Ước gì chúng không hoạt động hiệu quả đến thế.
Mỗi ngày chúng tôi có đến một tiếng hay thậm chí là hai tiếng chẳng có
gì để làm cả. Anh có thể ngủ, anh có thể tập thể dục, có thể đọc lại mớ sách
đã nhẵn mặt, có thể nghe Radio Free Earth hoặc nghe những bản nhạc mọi
người mang theo (nghe đi nghe lại). Tôi chẳng biết mình đã nghe cái bài hát
của Redgum ấy bao nhiêu lần: “Mong Chúa cứu rỗi, tôi mới có mười chín.”
Đây là bài yêu thích của cha tôi, nó gợi cho ông nhớ lại quãng thời gian ở
Việt Nam. Tôi cầu nguyện rằng với những gì được huấn luyện trong quân
ngũ, ông và mẹ tôi sẽ sống sót qua cơn đại nạn này. Tôi chưa nhận được tin
tức gì từ ông hay bất cứ ai ở Oz kể từ khi chính quyền chuyển về Tasmania.
Tôi rất muốn tin rằng họ không sao hết, nhưng khi quan sát những gì xảy ra
trên Trái Đất, một hoạt động hầu như ai nấy cũng làm trong lúc rảnh rỗi,
khiến cho tôi muốn hi vọng cũng không được.
Người ta đồn rằng trong thời chiến tranh lạnh, vệ tinh do thám của Mỹ
có thể đọc được cả một quyển Pravda trong tay một công dân Sô-viết. Tôi
chẳng biết có phải vậy thật hay không. Tôi không biết hồi đó các thứ công
nghệ phát triển tới đâu. Nhưng với những chiếc vệ tinh hiện đại ngày nay
mà chúng tôi câu được tín hiệu thì lại khác — chúng có thể hiển thị cảnh
bắp thịt bị rứt rời và xương xẩu bị bẻ gãy. Anh có thể đọc được môi những
nạn nhân đang khóc lóc van xin, hay nhìn thấy rõ màu mắt của họ khi họ
trút hơi thở cuối cùng. Anh có thể thấy rõ máu đỏ bắt đầu chuyển sang màu
nâu khi nào, và trên nền xi măng xám ở London thì trông nó khác với nền
cát trắng ở Cape Cod ra sao.
Chúng tôi không kiểm soát được những gì đám vệ tinh quan sát. Mục
tiêu của chúng do quân đội Mỹ quyết định. Chúng tôi chứng kiến rất nhiều
trận đánh — Trùng Khánh, Yonkers; Chúng tôi theo dõi một tiểu đội lính
Ấn Độ tìm cách cứu những thường dân bị kẹt ở sân vận động Ambedkar tại
Delhi, rồi sau đó chính mình cũng bị mắc kẹt và phải rút về công viên
Gandhi. Tôi thấy chỉ huy của họ ra lệnh cho lính của mình xếp đội hình
thành một ô vuông, giống kiểu đội hình Limeys sử dụng thời thực dân. Nó
cũng có tác dụng, ít nhất là trong chốc lát. Đó là cái phần duy nhất chúng
tôi thấy khó chịu khi theo dõi qua vệ tinh; anh chỉ có thể quan sát, không
thể lắng nghe. Chúng tôi không biết rằng những người lính Ấn Độ ấy đang
vơi dần đạn, chỉ biết rằng lũ Zed đang bắt đầu tiến lại gần. Chúng tôi thấy
một chiếc trực thăng lượn lờ bên trên và thấy viên chỉ huy cãi vã với cấp
dưới của mình. Chúng tôi không biết đó chính là Đại tướng Raj-Singh,
chúng tôi còn không biết ông ta là ai. Đừng có nghe những lời chỉ trích
người ta nói về ông ta, về việc ông ta đánh bài chuồn khi tình hình trở nên
nguy cấp. Chúng tôi đã chứng kiến tất cả. Ông ta đã cố gắng chống cự, và
người của ông ta đã phải lấy báng súng ra nện vào mặt ông ta. Ông ta bất
tỉnh hoàn toàn khi được đưa lên trực thăng. Cảm giác khi ấy thật là tồi tệ,
được chứng kiến tất cả mọi thứ ở rất gần nhưng lại không làm gì được.
Chúng tôi cũng có thiết bị quan sát riêng, cả vệ tinh nghiên cứu dân sự
lẫn các thứ trang thiết bị ở trên trạm. Hình ảnh chúng cung cấp không tốt
bằng nửa vệ tinh quân sự nhưng vẫn rõ nét một cách kinh hoàng. Nhờ mấy
bức ảnh đấy mà lần đầu tiên chúng tôi được chứng kiến cảnh những bầy
đàn khổng lồ ở Trung Đông và các bình nguyên lớn của Mỹ. Chúng to lớn
thật sự, kéo dài đến hàng cây số, to ngang các đàn trâu ở Mỹ ngày xưa.
Chúng tôi chứng kiến cuộc di tản của Nhật và không thể không ngạc
nhiên trước qui mô của nó. Hàng trăm con tàu, hàng ngàn chiếc thuyền cỡ
nhỏ. Chúng tôi đếm không xuể số lượng trực thăng lượn đi lượn lại giữa các
đội tàu và các mái nhà, hoặc bao nhiêu chiếc máy bay phản lực hướng về
phía Bắc, mạn Kamchatka.
Chúng tôi là những người đầu tiên phát hiện ra hố zombie, những chỗ
trũng bọn thây ma đào khi chúng đuổi theo các loại động vật dưới lòng đất.
Mới đầu chúng tôi tưởng đây chỉ là vài trường hợp riêng lẻ nhưng rồi chúng
tôi để ý thấy chúng xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới; đôi khi có nhiều hố
được đào cạnh nhau. Có một cánh đồng ở miền nam nước Anh — chắc chỗ
đó có nhiều thỏ — lỗ chỗ hố, đủ thể loại kích thước, độ sâu. Rất nhiều hố
có những vệt ố lớn, sẫm màu. Mặc dù chúng tôi không thể phóng lên đủ to
nhưng cũng khá chắc đó là máu. Cá nhân tôi thấy đây là ví dụ đáng sợ nhất
cho thấy kẻ thù của ta có động cơ gì. Chúng không có tri thức, chỉ có bản
năng sinh học. Có lần tôi đã được thấy một con Zed đuổi theo cái gì đó ở sa
mạc Namib, chắc là chuột chũi. Con chuột chũi kia đã đào một cái hố rất
sâu vào bên sườn một đụn cát. Con thây ma càng cố đuổi, cát càng tiếp tục
tràn xuống và lấp đầy cái hố. Nó không thèm dừng, không thèm phản ứng
gì hết, tiếp tục đào bới như thường.Tôi ngồi xem cái hình ảnh mờ nhạt của
con G kia đào bới và đào bới và đào bới suốt năm ngày liên tiếp, rồi đột
nhiên một sáng nọ nó đột ngột dừng, đứng dậy bỏ đi như thể chưa chuyện
gì xảy ra vậy. Chắc nó không đánh hơi thấy gì nữa. Con chuột kia được
lắm.
Các thứ thiết bị hỗ trợ quang học kia dẫu gì vẫn không thể tạo được hiệu
ứng như khi nhìn trực tiếp bằng mắt thường. Qua khung cửa sổ chúng tôi có
thể thấy bầu sinh quyển mong manh của ta. Có nhìn thấy sự tàn phá nặng nề
đối với hệ sinh thái mới hiểu tại saocác hoạt động môi trường thời hiện đại
lại bắt đầu từ chương trình vũ trụ của Mỹ. Có quá nhiều đám lửa, và tôi
không chỉ muốn nhắc đến các tòa nhà, các khu rừng, hay thậm chí là dàn
80
khoan dầu bén lửa — thật không ngờ đám nhà Saudi lại dám làm thế
—
Tôi còn tính cả những đám lửa trại nữa, phải có đến ít nhất một tỉ vệt cam
bé xíu bao phủ khắp bề mặt Trái Đất như bóng đèn điện ngày xưa vậy. Cả
hành tinh ngày nào, đêm nào cũng trông như thể đang bốc cháy vậy. Chúng
tôi không tài nào tính được hàm lượng tro bụi nhưng cũng ước tính nó
ngang với một cuộc chiến tranh hạt nhân cấp thấp giữa Mỹ và Liên Xô cũ,
và đấy là còn chưa tính đến cuộc chiến tranh hạt nhân thật giữa Iran và
Pakistan. Chúng tôi ngắm nhìn và ghi lại cả cuộc chiến ấy nữa, ánh chớp và
ánh lửa khiến mắt tôi nổ đom đón suốt mấy ngày. Mùa thu hạt nhân đã bắt
đầu đến, lớp khăn che phủ màu nâu xám ngày càng dày thêm.
Như thể đang nhìn xuống một hành tinh lạ vậy, hoặc là Trái Đất trong
thời kì đại tuyệt chủng. Dần dần các thiết bị quang phổ thông thường trở
nên vô dụng trong lớp bụi, và chúng tôi chỉ còn cảm ứng nhiệt hoặc rađa.
Bề mặt tự nhiên của Trái Đất đã bị che phủ bởi một bức tranh biếm họa vẽ
lên bằng những khối màu cơ bản. Chính nhờ một trong những hệ thống đó,
thiết bị cảm biến Aster trên vệ tinh Terra, mà chúng tôi được chứng kiến
cảnh Đập Tam Sơn vỡ tung.
Khoảng mười ngàn tỉ ga lông nước, cuốn theo gạch ngói, phù sa, đất đá,
cây cối, xe cộ, nhà cửa, và cả những mảnh vỡ to bằng cả ngôi nhà của đập!
Trông nó chẳng khác gì một con rồng nâu và trắng đang phóng thẳng ra
biển Đông. Khi ôi nghĩ về những con người nằm trên đường đi của nó… bị
kẹt trong những ngôi nhà được chặn hết các cửa nẻo, không thể chạy trốn
cơn thủy triều vì bên ngoài còn lũ Zed. Không ai biết đêm đó bao nhiêu
người chết. Thậm chí đến ngày hôm này, xác người vẫn còn được tìm thấy.
[Một bán tay xương xẩu của ông nắm lại, bàn tay kia bấm vào nút
“tự tiếp thuốc.”]
Khi tôi nhớ lại cái cách giới cầm quyền Trung Quốc bao biện cho
chuyện đó… Anh đã đọc bản sao chép bài nói của tổng thống Trung Quốc
chưa? Nhờ ăn cắp tín hiệu từ vệ tinh Sinosat II của họ, chúng tôi được xem
buổi phát thanh. Lão ta gọi đó là “một thảm kịch không lường trước được.”
Thật sao? Không lường trước được thật à? Không ai lường được là con đập
được xây dựng trên một đường nứt gãy vẫn còn đang hoạt động à? Không
ai lường được rằng hồi trước động đất đã xảy ra sau khi tăng khối lượng hồ
81
chứa và rằng khi đập còn vài tháng nữa mới hoàn tất nhưng nền móng của
nó đã xuất hiện các vết nứt à?
Lão gọi đó là “một tai nạn không thể tránh khỏi.” Đồ mất dạy. Họ có đủ
quân để tiến hành chiến tranh trực diện ở gần như mọi thành phố lớn nhưng
không thể điều vài anh cảnh sát giao thông ra bảo vệ người dân khỏi một
thảm họa đang chờ được xảy ra à? Chả nhẽ không ai hình dung được hậu
quả của việc bỏ hoang cả các trạm cảnh báo động đất lẫn trạm kiểm soát
đập tràn khẩn cấp sao? Và rồi đến nửa chừng thì bọn chúng lại thay đổi
giọng điệu, nói rằng đã làm mọi thứ có thể để bảo vệ đập, và rằng ở thời
điểm xảy ra thảm họa, các anh lính dũng cảm trong Quân đội Giải phóng
Nhân dân đã hi sinh để tìm cách giữ đập. Ái chà, tôi đã theo dõi cái Đập
Tam Sơn này từ hơn một năm trước khi thảm họa xảy ra. Những người
quân nhân duy nhất tôi nhìn thấy đã hiến dâng tính mạng mình từ rất lâu
trước đó rồi. Bọn kia thực sự nghĩ dân chúng sẽ tin một lời nói dối trắng
trợn đến thế à? Chúng thực sự không nghĩ sẽ có nổi loạn hay sao?
Hai tuần sau khi cuộc khởi nghĩa bắt đầu, chúng tôi nhận được tín hiệu
đầu tiên và cũng là duy nhất từ trạm vũ trụ Yang Liwei của Trung Quốc.
Đây cũng là một cơ sở có người điều khiển trên vũ trụ, song nó không thể
nào bì được với một kiệt tác như trạm của chúng tôi. Nó được thiết kế khá
cẩu thả, bao gồm một vài môđun Shenzhou và thùng nhiên liệu Long March
được hàn ghép lại với nhau, chẳng khác gì phiên bản cỡ lớn của Phòng thí
nghiệm Không gian cũ của Mỹ.
Chúng tôi đã tìm cách liên lạc với họ suốt mấy tháng rồi. Chúng tôi
thậm chí còn không chắc có ai trên đó không. Đáp trả chúng tôi luôn là một
giọng ghi âm nói tiếng Anh Hồng Kông chuẩn, yêu cầu chúng tôi giữ
khoảng cách nếu không sẽ sử dụng “vũ lực.” Thật quá lãng phí! Đáng ra hai
bên đã có thể hợp tác, trao đổi hàng hóa, kinh nghiệm. Ai mà biết ta đã có
thể đạt được những gì nếu chịu dẹp mẹ nó ba cái chuyện chính trị sang một
bên và cùng đoàn kết lại như con người với nhau.
Chúng tôi tự thuyết phục mình rằng cái trạm đấy không có ai ở, và rằng
việc dọa sử dụng vũ lực kia chỉ là một chiêu lừa mà thôi. Vậy nên tất cả đều
82
ngạc nhiên quá đỗi khi bắt được tín hiệu trên điện đài. Đây không còn là
giọng ghi âm nữa, nghe mệt mỏi, hoảng sợ, và chỉ kéo dài vài giây trước
khi đường truyền bị ngắt. Chỉ cần có thế, tôi phóng lên chiếc Verne và bay
về phía trạm Yang.
Vừa mới nhìn thấy nó trên đường chân trời thôi tôi đã có thể nhận ra quĩ
đạo của nó đã bị thay đổi khá nhiều. Khi đến gần, tôi hiểu vì sao. Khoang
tàu thoát hiểm họ đã bị nổ, và bởi vì nó vẫn nằm ở nút không khí chính, cả
trạm đã bị giảm áp khí trong vòng vài giây. Để cho chắc, tôi xin phép được
hạ cánh. Không ai đáp. Khi lên đến trạm, tôi thấy mặc dù rõ ràng ở đây đủ
rộng cho cả một đội bảy hay tám người, nó lại chỉ có chỗ ngủ và đồ nghề cá
nhân dành cho hai. Trạm Yang có một lượng rất lớn hàng tiếp tế, đủ thức
ăn, nước uống và nến O2 cho ít nhất năm năm liền. Mới đầu tôi chẳng hiểu
tại sao. Trên trạm không có trang thiết bị nghiên cứu khoa học, không có
công cụ thu thập tình báo. Mọi sự trông cứ như thể chính phủ Trung Quốc
cho hai người này vào không gian chả để làm gì cả. Trôi nổi được mười lăm
phút, tôi phát hiện kíp nổ nhanh đầu tiên. Trạm không gian này chẳng khác
83
nào một thiết bị ODV khổng lồ. Nếu các kíp nổ này được kích hoạt, các
thứ gạch đá phóng ra từ cái trạm vũ trụ bốn trăm tấn ấy sẽ có thể gây thiệt
hại hoặc phá hủy bất cứ trạm vũ trụ nào khác, đồng thời khiến các chuyến
du hành vũ trụ khác phải tạm ngưng suốt mấy năm liền. Đây là chính sách
“Vũ trụ Cháy xạm,” “không ăn được thì đạp đổ.”
Tất cả các hệ thống trên trạm vẫn còn hoạt động tốt. Không có hỏa
hoạn, không có thiệt hại gì về cấu trúc, chẳng thấy có gì có thể gây ra vụ tai
nạn ở chỗ khoang tàu thoát hiểm cả. Tôi phát hiện ra xác của một phi hành
gia Trung Quốc, tay vẫn còn nắm lấy chốt mở khoang. Anh ta mặc bộ đồ
thoát hiểm được điều áp, phần kính trên mặt vỡ nát do đạn bắn. Tôi đoán là
người bắn anh ta đã bị cuốn ra ngoài vũ trụ. Như vậy theo phỏng đoán của
tôi, cuộc cách mạng ở Trung Quốc không chỉ diễn ra trên Trái Đất, và người
đàn ông cho nổ khoang tàu thoát hiểm kia là người đã cố liên hệ với chúng
tôi. Đồng đội anh ta chắc thuộc phe bảo thủ. Có thể là ngài Trung thành
viên đã được ra lệnh kích hoạt các kíp nổ. Zhai — đó là cái tên ghi trên
hành lí cá nhân của anh ta — Zhai tìm cách tống tay kia ra ngoài không
gian và đã phải xơi một viên đạn. Một câu chuyện kể cũng khá li kì. Tôi sẽ
nhớ nó như thế.
Có phải nhờ thế mà các anh kéo dài thời hạn ở trên đó? Sử dụng đồ
tiếp tế từ trạm Yang?
[Ông giơ ngón cái.] Chúng tôi tận dụng từng phân một để chế biến linh
kiện và lấy nguyên liệu thô. Bọn tôi rất muốn kết nối hai trạm vào với nhau
nhưng không có đủ dụng cụ cũng như nhân lực để làm việc đó. Chúng tôi
có thể dùng tàu thoát hiểm để quay trở về Trái Đất. Nó có lớp chống nhiệt
và đủ chỗ cho ba người. Rất là hấp dẫn. Nhưng cái trạm này đang ngày
càng mất quỹ đạo, chúng tôi cần phải đưa ra quyết định ngay lập tức, quay
về Trái Đất hay lấy đồ tiếp tế cho trạm ISS. Anh cũng biết chúng tôi chọn gì
rồi đó.
Trước khi rời trạm, chúng tôi mai táng anh chàng Zhai kia. Chúng tôi
đặt anh vào buồng ngủ, mang đồ đạc của anh ta về trạm ISS và nói vài lời
cảm ơn anh trong khi trạm Yang bốc cháy trong bầu khí quyển Trái Đất. Ai
mà biết được, có khi anh ta lại thuộc phe trung thành chứ không phải phe
phiến quân, nhưng đằng nào thì cũng thế, nhờ có anh ta mà chúng tôi mới
sống được. Chúng tôi ở lại trên vũ trụ được thêm ba năm nữa, điều ấy sẽ là
không thể nếu không có chỗ thực phẩm của Trung Quốc.
Tôi vẫn thấy việc đội thay thế chúng tôi lên đây bằng một con tàu tư
nhân là một trong những trớ trêu của cuộc chiến. Spacecraft Three, một con
tàu gốc là để chở du khách lên vũ trụ. Người điều khiển đội một cái mũ cao
bồi, mặt mang một nụ cười to, rộng và rất Mỹ. [Ông cố giả giọng Texas.]
“Ai cần đi nhờ không?”[Ông cười, sau đó nhăn mặt và lại tự tiếp thuốc.]
Thỉnh thoảng lại có người hỏi liệu chúng tôi có hối tiếc quyết định ở lại
trên trạm không. Tôi không thể đại diện cho đồng đội của tôi. Trước khi
chết cả hai đều nói nếu được quay ngược lại thời gian họ cũng sẽ có những
quyết định tương tự. Sao mà tôi dám bất đồng quan điểm với họ chứ? Tôi
không hối tiếc giai đoạn vật lí trị liệu sau đó, làm quen lại với xương xẩu
của mình và nhớ ra tại sao Chúa ban cho mình đôi chân. Tôi không hối tiếc
việc bị phơi nhiễm quá nhiều bức xạ vũ trụ trong những lần thực hiện các
chuyến EVA, trong suốt thời gian ở trên trạm ISS mà không có hệ thống che
chắn thích hợp. Tôi không hối tiếc bị như thế này. [Ông ra dấu về phía căn
phòng bệnh và những thứ máy móc gắn vào người ông.] Chúng tôi đã
đưa ra quyết định của mình, và tôi nghĩ bọn tôi đã làm nên điều khác biệt.
Cũng không tệ đối với một thằng con trai nhà thợ đào Opan ở Andamooka.
[Ba ngày sau cuộc phỏng vấn, Terry Knox qua đời.]
ANCUD, ĐẢO CHILOE, CHILE
[Mặc du thủ đô chính thức đã rời về Santiago, khu căn cứ tị nạn
một thời này vẫn là trung tâm kinh tế và văn hóa của cả nước. Ernesto
Olguin sống ở một ngôi nhà trên bãi biển Peninsula de Lacuy, mặc dù
công việc chủ tàu buôn của ông khiến ông phải lênh đênh ngoài biển
gần như quanh năm suốt tháng.]
Lịch sử gọi nó là “Hội nghị Honolulu,” nhưng đáng ra phải gọi là “Hội
nghị tàu Saratoga” vì chúng tôi chỉ loanh quanh trên mỗi đấy. Chúng tôi
sống trong những căn phòng chật hẹp và các hành lang ngột ngạt, ẩm ướt
suốt mười bốn ngày liền. USS Saratoga: từ một tàu sân bay bị ngưng hoạt
động trở thành tàu chuyên chở dân tị nạn, và rồi cuối cùng trở thành trụ sở
Liên Hợp Quốc trên biển.
Mà nó đáng ra cũng không được gọi là hội nghị. Nó giống một trận
phục kích hơn. Đáng ra chúng tôi phải trao đổi về các thứ chiến lược và
công nghệ. Ai cũng háo hức muốn xem cách người Anh gia cố đường cao
84
tốc của họ, thú vị không kém gì buổi biểu diễn Mkunga Lalem trực tiếp.
Đáng ra chúng tôi cũng phải tìm cách tái thiết lập lại trao đổi quốc tế, dù chỉ
là ở qui mô nhỏ hẹp. Đó là nhiệm vụ của tôi. Nói chính xác hơn, tôi phải
tìm cách hợp nhất lực lượng thủy quân còn sót lại của ta vào hệ thống các
đoàn tàu vận tải quốc tế. Tôi cũng chẳng biết sẽ gặp những gì trong chuyến
công du đến Super Sara. Và tôi cho là cũng chẳng ai lường trước được câu
chuyện lại diễn tiến như vậy.
Ngày đầu tiên của buổi hội nghị, chúng tôi họp mặt giới thiệu. Đang
mệt mỏi và nóng nực trong người nên tôi chỉ mong được tiến hành nhanh
nhanh chóng chóng mà không phải nghe ba cái mớ diễn văn chán ngấy. Sau
đó đại sứ Mỹ đứng dậy, và tôi cảm thấy Trái Đất như ngừng quay.
Đã đến lúc phản công, ông ta nói, đã đến lúc vùng lên từ sau chiến lũy
và bắt đầu tái chiếm các vùng đất nằm dưới quyền kiểm soát của lũ thây
ma. Mới đầu tôi tưởng ông ta chỉ muốn nói đến các chiến dịch nhỏ lẻ: giành
lại thêm một số hòn đảo có thể cho người sinh sống được, hoặc mở lại khu
vực kênh đào Suez/Panama. Các giả thuyết của tôi không trụ được lâu. Ông
ta nói rõ hẳn ra đây sẽ không phải các chiến dịch xâm nhập nhỏ lẻ. Phía Mỹ
đang định tấn công tổng lực, liên tục xông lên cho đến khi “mọi dấu vết của
chúng phải được thanh trừng, gột rửa và nếu cần thiết, xóa sổ khỏi bề mặt
Trái Đất.” Trích y lời ông ta. Chắc ông ta nghĩ dẫn lời Churchill sẽ tạo được
hiệu ứng tốt. Sai trầm trọng. Thay vào đó, cả phòng đột nhiên nhao nhao lên
cãi vã.
Một bên hỏi việc quái gì phải hi sinh thêm nhân mạng, chịu đựng thêm
dù chỉ một tổn thất không đáng có nữa trong khi ta chỉ việc ngồi im một chỗ
đợi kẻ thù thối rữa hết ra. Chẳng phải chuyện đó đang xảy ra rồi sao? Chẳng
phải những con zombie thời đầu đã bắt đầu có dấu hiệu phân hủy cấp cao
rồi sao? Thời gian là đồng minh của ta, không phải của chúng. Tại sao
không để mẹ thiên nhiên cáng đáng hết mọi việc?
Phe kia phản bác lại rằng đâu phải con thây ma nào cũng đang phân
hủy. thế còn những con giai đoạn sau, những con giờ vẫn còn đang mạnh
khỏe thì sao? Chẳng nhẽ một con không đủ khiến cho đại dịch quay trở lại?
Và còn cả những con hiện đang lượn lờ ở những quốc gia phía trên đường
tuyết rơi thì sao? Chúng ta sẽ phải đợi chúng trong bao lâu đây? Vài thập
kỉ? Vài thế kỉ? Liệu dân tị nạn từ những quốc gia ấy có còn cơ hội hồi
hương nữa không?
Và đó là lúc tình hình bắt đầu xấu đi. Rất nhiều quốc gia xứ hàn hồi
trước được coi là “cường quốc.” Có vị đại biểu từ một quốc gia “đang phát
triển” tranh luận một cách khá gay gắt rằng có lẽ đây chính là hình phạt cho
việc các nước kia đã bóc lột và đè nén “các quốc gia nạn nhân ở phía Nam.”
Ông ta nói rằng có lẽ thông qua việc khiến các “bá vương da trắng” bận bịu
lo giải quyết các vấn đề của riêng mình, bọn thây ma sẽ cho các nước khác
trên thế giới cơ hội được phát triển mà “không bị các nước đế quốc can
thiệp.” Có khi bọn thây ma không chỉ tàn phá thế giới này. Có khi chúng đã
mang đến cho ngày mai sự công bằng. Ừ thì dân nước tôi cũng chẳng ưa gì
lũ gringo phương Bắc, và dưới thời Pinochet gia đình tôi đã phải chịu đủ
cực khổ để biến nó thành thù oán cá nhân, nhưng giờ là lúc tình cảm phải
nhường chỗ cho sự thật khách quan. Làm gì có “bá vương da trắng” nào khi
mà các nền kinh tế năng động nhất thế giới thời tiền chiến là Trung Quốc và
Ấn Độ, còn trong thời chiến thì dứt khoát đó lại là Cuba? Sao mà có thể nói
đây chỉ là vấn đề của các nước phương Bắc khi còn rất nhiều người đang
phải sống lay lắt trên dãy Himalayas, hay dãy Andes của chính đất nước
Chile chúng tôi? Không, người đàn ông này cũng như tất cả những người
đồng quan điểm với ông ta không nói đến sự công bằng cho ngày mai. Họ
chỉ muốn trả thù cho ngày hôm qua.
[Thở dài.] Mặc dù đã trải qua bao nhiêu chuyện, chúng ta vẫn không
thể suy nghĩ tỉnh táo hoặc ngưng thò tay ra siết cổ nhau.
Tôi đang đứng bên đại biểu Nga, cố ngăn không cho bà ta trèo ra khỏi
ghế thì nghe thấy một giọng người Mỹ khác. Lần này là tổng thống của họ.
Ông ta không hét, không thèm tìm cách giữ trật tự. Ông ta cứ thế nói với cái
giọng bình tĩnh, chắc chắn mà từ bấy đến nay chưa một nhà lãnh đạo nào
bắt chước được. Ông ta thậm chí còn cảm ơn “các vị đại biểu” vì những “ý
kiến đóng góp quí giá” của họ và công nhận rằng nếu nhìn nhận từ góc độ
quân sự, ta không có lí do gì để “liều lĩnh.” Chúng ta đã cầm hòa được với
bọn thây ma và dần dần, các thế hệ tương lai sẽ có thể tái chiếm hành tinh
mà gần như không bị chút nguy hiểm nào. Vâng, chiến lược phòng thủ của
ta đã cứu sống được loài người, thế nhưng còn tinh thần loài người thì sao?
Bọn thây ma không chỉ tước đi của ta đất đai và người thân. Chúng còn
tước đoạt lòng tự tin của ta khi trở thành loài sinh vật bá chủ địa cầu. Chúng
ta trở thành một giống loài run sợ, nhu nhược, bị đẩy đến bờ vực tuyệt
chủng, chỉ mong ngày mai sẽ ít khổ hơn ngày hôm nay. Chẳng nhẽ di sản
chúng ta để lại cho con cháu lại là nỗi lo sợ và cảm giác tự ti, những thứ đã
biến mất kể từ thời tổ tiên khỉ của ta còn đang rúm ró trên những tán cây
cao? Chúng sẽ phải xây dựng lại một thế giới kiểu gì đây? Liệu chúng có
còn ý chí muốn xây dựng lại nữa không? Chúng có dám tiếp tục phát triển
không khi biết hồi trước mình còn không đủ sức giành lại tương lai? Và nếu
trong tương lai bọn thây ma quay trở lại thì sao? Liệu hậu duệ của ta sẽ
đứng lên chiến đấu chống lại chúng hay khuỵu gối đầu hàng và chấp nhận
sự diệt vong mà chúng sẽ cho là không thể tránh khỏi? Chính vì lí do ấy mà
chúng ta phải giật lại quyền làm chủ hành tinh. Chúng ta phải tự chứng tỏ
với bản thân rằng mình có thể làm được, và hãy để nó trở thành bức tượng
đài minh chứng vĩ đại nhất của cuộc chiến. Con đường trở về với văn minh
nhân loại khó khăn gian khổ, hay sự thoái hóa đáng thất vọng của loài linh
trưởng đã từng một thời kiêu hãnh trên Trái Đất. Đó là lựa chọn của chúng
ta, và bây giờ ta cần phải đưa ra quyết định.
Đúng kiểu dân Norteamericano, mắt hướng lên tận trời trong khi mông
vẫn kẹt trong đám bùn đen. Nếu đây mà là một bộ phim Mỹ, thể nào anh
cũng sẽ thấy có một hai thằng đầu bò nào đó đứng lên chậm rãi vỗ tay, và
rồi những người khác cũng sẽ hùa theo, sau đó sẽ thấy nước mắt lăn xuống
má ai đó hoặc mấy thứ giả tạo vớ vẩn gì đó kiểu kiểu ấy. Ai cũng nín lặng.
Không ai cử động. Ngài tổng thống tuyên bố buổi chiều tất cả sẽ nghỉ giải
lao và cân nhắc lời đề nghị của ông ta, và rồi khi hoàng hôn buông xuống
thì họp tiếp để bình bầu.
Là tùy viên hải quân, tôi không được phép tham gia bầu cử. Trong khi
đại sứ Chile quyết định số phận đất nước chúng tôi, tôi chẳng biết làm gì
ngoài việc ngồi thưởng ngoạn cảnh mặt trời lặn trên biển Thái Bình Dương.
Tôi ngồi trên bãi đáp, chen vào giữa mấy cái cột phong điện và pin mặt trời,
giết thời gian cùng mấy người cùng cương vị bên Pháp và Nam Phi. Chúng
tôi không nói chuyện công việc, có tìm bất cứ chủ đề nào khác không liên
quan đến chiến tranh. Bọn tôi quyết định bàn về rượu. Thật may là bọn tôi
ai cũng đã từng sống gần hoặc đã từng làm việc trên một vườn nho hay gia
đình có liên đới đến nó: Aconcagua, Stellenboch, và Bordeaux. Đó là đề tài
nói chuyện của chúng tôi, và cũng như mọi chủ đề khác, nó lại dẫn về cuộc
chiến.
Aconcagua đã bị thiêu hủy, đốt trụi trong các cuộc thử nghiệm thảm họa
với bom napan của nước tôi. Stellenboch giờ đang trồng lương thực. Khi
dân chúng sắp chết đói đến nơi thì nho được coi là thứ hàng xa xỉ.
Bordeaux đã bị chiếm giữ, bị bàn chân của lũ thây ma giày xéo cũng như
phần còn lại của lục địa Pháp. Thiếu tá Emile Renard lạc quan một cách
đáng sợ. Ai mà biết được, anh ta nói, có khi chất dinh dưỡng từ xác bọn
chúng sẽ giúp đất màu mỡ lên ấy chứ. Chẳng biết chừng hương vị còn được
cải thiện một khi ta giành lại được Bordeaux, nếu ta dám giành lại nó. Khi
mặt trời bắt đầu lặn, Renard lôi từ trong túi ra một chai Chateau Latour sản
xuất năm 1964. Chúng tôi không tin nổi mắt mình nữa. ’64 là một thứ rượu
cực hiếm thời tiền chiến. Rất may là năm đó vườn nho kia được bội thu và
đã ra quyết định hái nho vào cuối tháng tám chứ không phải đầu tháng chín
như thường lệ. Tháng chín năm ấy mưa đến rất sớm và rơi tầm tã khiến các
vườn nho khác úng hết, biến Chateau Latour thành một thứ gần như Chén
Thánh. Cái chai Renard đang cầm trên tay có lẽ là chai cuối cùng còn sót
lại, biểu tượng hoàn hảo của cả một thé giới có lẽ chúng tôi sẽ không bao
giờ còn được gặp lại. Đó là thứ vật dụng cá nhân duy nhất anh ta mang theo
được trong cuộc di tản. Đi đâu anh ta cũng mang nó theo, dự định sẽ cất giữ
nó cho đến… có lẽ là đến mãn đời bởi vì nhiều khả năng sẽ không còn
mộtchai rượu nào như thế được sản xuất nữa. Nhưng giờ đây, sau bài phát
biểu của tổng thống Mỹ…
[Ông liếm môi, nhấm nháp kí ức ấy.]
Nó không được bảo quản tốt lắm, và mấy cái ca nhựa cũng không giúp
cải thiện mùi vị. Chúng tôi không quan tâm. Tất cả đều nhấm nháp từng
hớp một.
Ông có vẻ tự tin vào cuộc bình bầu nhỉ?
Tôi đoán sẽ không có chuyện tất cả cùng nhất trí, và tôi đoán đúng bỏ
bố ra. Mười bảy phiếu “Chống” và ba mươi mốt phiếu “Trắng.” Ít nhất
những người bỏ phiếu chống còn sẵn sàng chịu hậu quả lâu dài mà lá phiếu
mình gây ra… và đúng là họ đã gặp hậu quả thật. Liên Hiệp Quốc hồi đấy
chỉ có bảy mươi hai đại diện, vậy nên có thể thấy số lượng ủng hộ không
nhiều. nhưng mà nó cũng không ảnh hưởng gì đến tôi và hai anh “bợm
nhậu” nghiệp dư của tôi. Đối với cá nhân chúng tôi, đất nước chúng tôi, con
cháu chúng tôi, lựa chọn đã an bài: tấn công.
CHITỔNGẾN TRANH
LỰC
TRÊN BOONG KHINH KHÍ CẦU MAURO ALTIERI, CÁCH MẶT
HỒ VAALAJARVI, PHẦN LAN CHÍN TRĂM MÉT
85
[Tôi đứng cạnh đại tướng D’Ambrosia trong khoang CIC của thứ
có thể coi như câu trả lời của Châu Âu đối với chiếc khinh khí cầu D-29
điều khiển được của Mỹ. Tất cả các thành viên trong đoàn im lặng làm
viêc bên màn hình đang tỏa sáng nhờ nhớ của mình. Thỉnh thoảng lại
có người nói vào loa trên tai nghe một câu nhận lệnh nhanh chóng, khẽ
khàng bằng tiếng Pháp, Đức, Tây Ban Nha hoặc Ý. Viên đại tướng chúi
người theo dõi bàn biểu đồ bằng video, giám sát toàn bộ chiến dịch như
Chúa trời vậy.]
“Tấn công” — khi mới nghe thấy từ đó, ruột gan tôi rên lên “ôi mẹ
kiếp.” Anh có thấy lạ không?
[Trước khi tôi kịp trả lời…]
Tất nhiên là có rồi. Chắc anh nghĩ đám “trùm sò” nghe thế phải sướng
lắm, máu nóng cứ thế mà bốc lên, cái kiểu “giữ mũi chúng để ta ra đá đít.”
[Lắc đầu.] Tôi chẳng biết ai đã tạo ra cái mô týp các vị tướng phải liên
tục kêu đánh, đầu óc bã đậu, chẳng khác gì huấn luyện viên trung học. Có lẽ
là Hollywood, hoặc báo chí dân sự, hoặc có thể chính chúng tôi đã tạo ra nó
khi để mấy thằng hề nhạt nhẽo, tự cao tự đại — bọn MacArthurs và Halseys
và Curtis E. LeMays — gây dựng nên hình ảnh của mình trong mắt công
chúng. Tôi muốn chỉ ra rằng đấy chính là hình tượng của những người mặc
quân phục, và nó khác quá xa sự thật. Việc phải xuất quân tấn công khiến
tôi sợ gần chết, chủ yếu bởi vì tôi sẽ không phải mặt tôi sẽ bị trưng ra giữa
trận tiền. Tôi sẽ cử những người khác ra chết thay, và đây là thứ tôi bắt họ
phải chống lại.
[Ông quay về hướng cái màn hình ở bức tường phía xa, gật đầu ra
hiệu với người điều khiển, và hình ảnh trên đó trở thành một tấm bản
đồ lục địa Mỹ thời chiến tranh.]
86
Hai trăm triệu con zombie . Chưa cần nói đến đánh đấm, thử hỏi có ai
tưởng tượng được một con số như thế không? Chí ít lần này ta còn biết
mình đang chiến đấu chống cái gì, nhưng khi tính cộng gộp tất cả những
kinh nghiệm ta có, tất cả những dự kiện ta tổng hợp được về nguồn gốc,
sinh lý học, điểm mạnh, điểm yếu, động cơ và tâm tính của chúng, viễn
cảnh đưa ra vẫn rất u tối.
Cuốn sách dạy chinh chiến, cuốn cẩm nang chúng ta liên tục cập nhật kể
từ khi hai con khỉ lần đầu tát nhau, là hoàn toàn vô dụng trong tình huống
này. Chúng ta phải viết lại từ đầu một quyển hoàn toàn mới.
Mọi quân đội, từ quân đội được cơ khí hóa cho đến bọn du kích trên
núi, đều phải tuân theo ba quy luật: họ phải được sinh ra, chăm nuôi và chỉ
đạo. Sinh ra: anh cần cơ thể sống, nếu không chẳng có quân đội gì hết;
chăm nuôi: một khi có quân đội rồi, họ phải được cung cấp các thứ nhu yếu
phẩm; và còn chỉ đạo: cho dù lực lượng chiến đấu có được phân quyền đến
mức nào đi nữa thì vẫn phải có người mang chức quyền đứng lên nói “theo
tôi.” Sinh ra, chăm nuôi và chỉ đạo; và trong ba cái này, bọn thây ma chẳng
bị ràng buộc bởi qui luật nào hết.
Anh đã đọc quyển Phía Tây Không Có Gì Lạ chưa? Remarque đã vẽ lên
một bức tranh rất sống động tả cảnh nước Đức dần trở nên “trơ trọi,” nghĩa
là khi cuộc chiến sắp kết thúc, họ không còn chút quân lính nào nữa. Anh
có thể gian lận quân số một chút, cử người già, trẻ nhỏ ra trận, nhưng rồi
dần dà cũng sẽ đến lúc kịch trần… trừ khi mỗi lần giết xong một tên địch,
hắn sống lại và về phe ta. Đó là cách thức hoạt động của lũ Zack, bổ sung
hàng ngũ bằng cách tiêu diệt quân ta! Và nó chỉ có tác dụng một chiều. Lây
bệnh cho con người, họ biến thành zombie. Giết một con zombie, nó trở
thành cái xác. Chúng ta càng lúc càng yếu đi, trong khi chúng thì ngày một
mạnh lên.
Quân đội nào của con người cũng cần có đồ tiếp tế, riêng quân của
chúng thì không cần. Không lương thực, không đạn dược, không nhiêu liệu,
thậm chí không cần cả nước uống hay không khí để thở! Không có tuyến
đường hậu cần nào để chặt đứt, không có kho chứa hàng nào để phá hủy.
Không thể bao vây và khiến chúng chết đói, hay để chúng “chết dần chết
mòn.” Đem nhốt một trăm con zombie vào trong phòng và ba năm sau mở
cửa ra chúng sẽ vẫn nguy hiểm như cũ.
Thật buồn cười là ta chỉ có thể diệt được bọn zombie nếu tiêu hủy não
của chúng vì trong một nhóm, chúng không có cơ quan đầu não chung gì
cả. Không có bộ máy lãnh đạo, không có hệ thống cấp bậc chỉ huy, không
có đường dây liên lạc hay quan hệ hợp tác ở bất cứ cấp độ nào. Không có
tổng thống để ám sát, không có boongke tổng chỉ huy để tấn công. Mỗi con
zombie là một đơn vị tự trị, độc lập, hoàn toàn tự động, và chính cái thế
mạnh này đã thực sự tóm gọn toàn bộ cuộc xung đột.
Anh chắc đã nghe đến cụm từ “chiến tranh tổng lực”; nó xuất hiện khá
nhiều lần trong lịch sử loài người. Gần như thế hệ nào cũng có một thằng
phổi bò tuyên bố rằng người dân của mình quyết định tiến hành “chiến
tranh tổng lực” chống lại một kẻ thù nào đó, nghĩa là mọi người đàn ông,
mọi người phụ nữ và mọi đứa trẻ trong quốc gia ấy sẽ giành ra mọi giây
phút của cuộc đời để mang lại thắng lợi. Điều này là hoàn toàn không thể ở
hai cấp độ. Thứ nhất, không đất nước hay quốc gia nào có thể dốc toàn sức
cho chiến tranh; điều này là phi lí. Có thể có tỉ lệ cao, đông người làm việc
chăm chỉ trong một thời gian dài, nhưng mà tất cả mọi người lúc nào cũng
lao động ư? Thế còn những kẻ trốn việc, hoặc là những người phản đối
quân ngũ thì sao? Những người không đủ sức khỏe, những người bị thương
tật, những người quá già hoặc quá trẻ thì vứt đi đâu? Thế còn khi họ ăn,
ngủ, tắm giặt hay ỉa đái thì sao? Chả nhẽ đó lại là “đái ỉa giành chiến
thắng”? Đó là lí do đầu tiên khiến con người không thể tiến hành chiến
tranh tổng lực. Lí do thứ hai đó là quốc gia nào cũng có giới hạn của mình.
Có thể trong đất nước ấy sẽ có những con người sẵn sàng hi sinh tính mạng;
có thể họ chiếm tỉ lệ khá cao trong dân số, nhưng toàn bộ dân tộc đó rồi sẽ
đến mức mà họ không thể chịu đựng nổi nữa, cả về tâm lí lẫn tình cảm. Bên
Nhật sau khi bị Mỹ ném cho mấy quả bom nguyên tử đã chạm ngưỡng ấy.
Đám dân Việt Nam đáng lẽ ra cũng sẽ chạm trần nếu chúng ta biếu họ thêm
87
mấy quả, nhưng thật là cảm ơn Chúa nhân từ, chúng ta gục trước họ. Đó
là bản chất của chiến tranh giữa người với người, hai bên tìm cách đẩy nhau
đi quá giới hạn chịu đựng, và cho dù ta có thích chiến tranh tổng lực đến thế
nào đi chăng nữa, cái giới hạn kia sẽ luôn ở đó… trừ khi đó là bọn thây ma.
Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta phải đối đầu với một kẻ thù liên tục
phát động chiến tranh tổng lực. Chúng không có giới hạn chịu đựng. Chúng
không bao giờ thương lượng, không bao giờ đầu hàng. Chúng sẽ chiến đấu
đến cùng bởi vì khác với chúng ta, tất cả bọn chúng đều có thể cống hiến
mọi giây phút của cuộc đời cho công cuộc ăn tươi nuốt sống hết mọi sinh
vật trên Trái Đất. Đó là kẻ thù đang đợi ta bên kia dãy Rockies. Đó là cuộc
chiến chúng ta phải đương đầu.
DENVER, COLORADO, MỸ
[Chúng tôi vừa ăn tối tại nhà gia đình Wainio xong. Allison, vợ
Todd, đang ở trên tầng giúp cô con gái Addison làm bài tập. Todd và
tôi ở trong bếp dưới nhà rửa bát đĩa.]
Quân đội mới trông như thể vừa quay ngược thời gian lại vậy. Nó khác
xa hoàn toàn quân đội đã cùng tôi chiến đấu và tí nữa là cùng tôi xuống mồ
ở Yonkers. Chúng tôi giờ không còn được cơ khí hóa nữa — không có xe
88
tăng, không pháo binh, không móc xích gì hết, kể cả mấy chiếc Bradley.
Chúng là lực lượng dự bị, đang được chỉnh sửa lại để dành khi chúng tôi tái
chiếm các thành phố. Không, thứ phương tiện có bánh duy nhất của chúng
89
tôi, mấy chiếc Humvees và vài chiếc M-trip-Bảy ASV, đều được dùng để
chở đạn dược và quân trang. Chúng tôi phải cuốc bộ suốt toàn bộ chặng
đường, đi hàng một như trong mấy bức tranh vẽ thời Nội Chiến. người ta
nhắc nhiều đến “phe Xanh” chọi với “phe Xám,” chủ yếu bởi vì màu da lũ
Zack và màu áo bộ BDU mới của chúng tôi. Họ chẳng buồn nhuộm màu để
ngụy trang nữa; nhuộm vào để làm gì? Và tôi cũng đoán rằng xanh dương
là thứ màu rẻ nhất hồi đó. Bộ BDU trông như bộ áo liền quần của đội
SWAT. Nó rất nhẹ, thoải mái và được dệt lẫn với sợi Kevlar, ít nhất tôi nghĩ
90
là Kevlar, sợi chống cắn. Nó có kèm găng và mũ trùm kín mặt. Về sau,
khi phải chiến đấu cận chiến ở đô thị, cái mũ kia đã cứu rất nhiều sinh
mạng.
Cái gì trông cũng có vẻ cổ xưa. Mấy cái Thông não trông như vũ khí
trong, tôi chẳng biết nữa, Chúa tể những Chiếc nhẫn chăng? Lệnh của bọn
tôi là chỉ được dùng chúng khi cần kíp, nhưng hãy tin tôi đi, bọn tôi cần
dùng đến nó rất nhiều. Dùng sướng lắm, anh biết đấy, được vung vẩy
nguyên cái khối thép đó. Nó tạo cảm giác rất cá nhân, rất mạnh mẽ. Anh có
thể cảm thấy sọ chúng nứt toác ra. Máu khi ấy bốc hết lên đầu, như thể anh
vừa tự tay giành lại mạng sống vậy. Tất nhiên tôi cũng không ngại phải bóp
cò đâu.
91
Vũ khí chính của chúng tôi là khẩu SIR . Lớp gỗ khiến nó trông như
súng thời Thế Chiến Thứ Hai vậy; chắc nếu làm bằng hợp kim thì khó đưa
vào sản xuất đại trà. Tôi không rõ khẩu SIR gốc gác ra sao. Tôi có nghe nói
nó là một phiên bản được cải biên của khẩu AK. Tôi cũng thấy bảo nó là
phiên bản giản lược của khẩu XM 8 mà quân đội đang định đưa vào sử
dụng làm vũ khí tấn công thế hệ mới. Nghe đồn nó được phát minh, thử
nghiệm và lần đầu đưa vào sản xuất trong cuộc vây hãm của thành phố
Hero, và sau đó đồ án của nó được chuyển tới Honolulu. Thật tình mà nói
thì tôi không biết, và tôi cũng chẳng quan tâm. Nó giật rất mạnh và chỉ có
chế độ bắn bán tự động, nhưng nó lại cực kì chính xác và không bao giờ bị
kẹt! Anh có thể lê nó qua bùn đất, quẳng vào cát, ngâm vào nước muối
trong mấy ngày liền. Cho dù anh có làm gì, nó cũng sẽ không bao giờ khiến
anh thất vọng. Phụ kiện duy nhất của nó là một bộ linh kiện, trang bị máy
và một số nòng súng với độ dài khác nhau. Có thể dùng nó làm súng bắn
tầm xa, súng trường tầm trung hoặc cạc bin tầm gần, tất cả đều gọn trong
vòng một tiếng đồng hồ, chỉ cần với tay vào balô là xong. Nó cũng có lưỡi
lê, loại gập ra gập vào, dài tầm hai mươi phân, dùng trong trường hợp khẩn
cấp khi không có sẵn cái Thông não. Chúng tôi hay đùa nhau là “cẩn thận
đấy, chọc lòi mắt nhau ra bây giờ,” và tất nhiên, chúng tôi khiến khối thằng
bị chột. Ngay cả nếu không có lưỡi lê, khẩu SIR vẫn dùng để đánh cận
chiến tốt, và khi tổng hợp lại tất cả những thứ khiến nó trở nên tuyệt vời
92
đến thế, cũng dễ hiểu vì sao chúng tôi luôn kính cẩn gọi nó là “Ngài.”
Chúng tôi chủ yếu dùng đạn NATO 5.56 “PIE Anh Đào.” PIE là viết tắt
93
của từ chất nổ kích hoạt bằng pháo . Một thiết kế tuyệt vời. Khi chui vào
trong sọ bọn Zack nó sẽ vỡ nát ra và mảnh văng sẽ nướng chín não chúng.
Không sợ làm văng chất xám mang mầm bệnh đi lung tung, và cũng không
94
cần đem đốt làm gì cho lãng phí. Khi làm nhiệm vụ BS , anh thậm chí còn
không cần chặt đầu chúng trước khi đem chôn. Chỉ việc đào hố rồi lăn cái
xác xuống.
Vâng, đây là một quân đội hoàn toàn mới, từ quân bị đến quân nhân.
Cách thức tuyển mộ đã thay đổi, và giờ đây để làm lính cần có những thứ
khác. Vẫn có những yêu cầu như cũ — thể lực, đầu óc, có động lực và nề
nếp kỉ luật để vượt qua thách thức trong các điều kiện vô cùng khó khăn —
nhưng tất cả những thứ đó đều chẳng có nghĩa lí gì nếu anh không chịu nổi
áp lực về lâu về dài của lũ G. Rất nhiều bằng hữu của tôi hóa dại do quá
căng thẳng. Một số người gục ngã, một số khác lấy súng tự sát, số khác bắn
cả đồng đội. Đây không phải là chuyện dũng cảm hay không. Có lần tôi
được đọc quyển cẩm nang sinh tồn của bên SAS ở Anh. Nó có nói về tính
cách của một “chiến binh,” nói rằng gia đình anh phải ổn định cả về mặt
tâm lí lẫn tài chính, và rằng khi còn trẻ không được phép thích phụ nữ.
[Cười.] Cẩm nang sinh tồn… [Lấy tay giả động tác thủ dâm.]
Những đám lính mới, họ có thể là bất cứ ai: hàng xóm của anh, cô dì
của anh, cái lão thầy dạy thay lập dị ngày trước, hay cái lão lười béo ú ở
DMV. Từ mấy tay chào mời bảo hiểm cho đến cái gã mà tôi dám thề là
Michael Stipe, Mặc dù tôi không tài nào mà bắt hắn thú nhận được. Tôi
thấy cũng có lí cả; bất cứ ai không đủ khả năng thì đã không sống được đến
bây giờ. Ai cũng là một cựu binh về mặt nào đó. Cộng sự của tôi, Xơ
Montoya, năm mươi hai tuổi, bây giờ chắc vẫn còn là một bà xơ. Dù cao có
hơn mét sáu và chỉ nặng gần bốn nhăm kí, bà ấy vẫn bảo vệ được cả một
lớp ở trường đạo suốt chín ngày với một cái đèn nến bằng sắt dài chưa đến
hai mét. Tôi chả hiểu làm sao mà bà ta vác được cái ba lô kia mà không
phàn nàn chút nào, từ khu tập kết ở Needles cho đến tận khu giao chiến ở
ngoại ô Hope, New Mexico.
Hope. Tôi không đùa đâu, thị trấn ấy có tên là Hope thật.
Họ nói đám tướng tá chọn địa điểm ấy bởi địa hình rộng rãi trống trải,
phía trước là sa mạc, phía sau là núi. Họ nói nơi đây rất thích hợp cho trận
đánh mở màn, và cái tên chả liên quan gì hết. Ừ, phải rồi.
Bộ phận chỉ huy rất muốn chiến dịch thử nghiệm này diễn ra tốt đẹp.
Đây là trận tiến công trên cạn lớn đầu tiên của ta kể từ sau Yonkers. Đây là
lúc mà mọi thứ đều kết hợp lại.
Qui mô lớn vậy cơ à?
Ừ, tôi nghĩ vậy. Con người mới, dụng cụ mới, cách huấn luyện mới, kế
hoạch mới — mọi thứ đều quyện lại để sẵn sàng cho phát súng mở màn
này.
Trên đường hành quân chúng tôi có bắt gặp vài con G. Chó nghiệp vụ
phát hiện ra chúng và huấn luyện viên của chúng mang vũ khí giảm thanh
sẽ xử bọn kia. Chúng tôi không muốn thu hút sự chú ý của quá nhiều con
cho đến khi chuẩn bị xong xuôi. Chúng tôi muốn lợi thế thuộc về mình.
Chúng tôi bắt đầu trồng “vườn”: cắm mấy cây cọc dán băng dính DayGlo cam theo từng hàng cách nhau mười mét. Chúng dùng đế đánh dấu tầm
bắn, cho chúng tôi thấy phải nhắm vào đâu. Có vài người phải làm mấy việc
nhẹ nhàng như phát quang bụi rậm hoặc xếp lại các thùng đạn.
Số còn lại thì chẳng có việc gì làm ngoài ngồi đợi, ăn chút gì đó, kín
đầy bình nước hoặc chợp mắt một chút nếu thấy ngủ được. Chúng tôi đã rút
ra nhiều điều kể từ Yonkers. Cấp trên muốn chúng tôi được nghỉ ngơi. Vấn
đề là nó làm cho bọn tôi có quá nhiều thời gian để suy nghĩ.
Anh đã xem cái bộ phim Elliot làm về chúng tôi chưa? Có cái cảnh lửa
trại và đám lính ngồi tán gẫu với nhau, chia sẻ các câu chuyện và mơ ước
về tương lai, và thậm chí còn có cả cái tay chơi kèn hamônica nữa. Chẳng
giống vậy chút nào. Thứ nhất, lúc ấy vẫn đang trưa, không có lửa trại,
không có chơi kèn hamônica dưới ánh sao, với cả ai cũng im lặng hết.
Chẳng cần nói vẫn biết mọi người đang nghĩ gì, “Chúng ta đang làm cái
quái gì ở đây vậy trời?” Giờ chỗ này là nhà bọn Zack, và bọn tôi sẵn lòng
biếu chúng. Chúng tôi đã được nghe rất nhiều bài giáo huấn về “Tương lai
của Tinh thần Con người.” Có Chúa mới biết chúng tôi đã nghe bài phát
biểu của tổng thống bao nhiêu lần, nhưng ông ấy không phải ngồi chễm chệ
trên sân trước nhà lũ Zack. Tình hình phía bên kia dãy Rockies đang tiến
triển tốt. Chúng tôi đang làm cái quái gì ở đây vậy trời?
Vào tầm lúc 13:00, điện đám bắt đầu lẹt xẹt, những người huấn luyện
chó đã phát hiện ra thây ma đang gọi. Chúng tôi lên đạn sẵn sàng và vào vị
trí bắn.
Đây là điểm cốt lõi trong chiến thuật mới của chúng tôi, cũng lần về quá
khứ như những thứ khác. Chúng tôi đi theo hàng ngang, có hai hàng: một
hàng chủ lực, một hàng dự bị. Hàng dự bị là để khi có ai ở hàng trước cần
thay đạn, hỏa lực họ sẽ không bị mất đi. Theo lí thuyết mà nói, khi tất cả
mọi người đều đang thay đạn hoặc đang bắn, chúng tôi có thể liên tục hạ
bọn Zack cho đến chừng nào hết sạch đạn thì thôi.
Chúng tôi có thể nghe tiếng sủa, lũ chó đang dụ chúng đến. Lũ G đã bắt
đầu xuất hiện ở đường chân trời, có đến hàng trăm con. Tôi bắt đầu run mặc
dù đâykhông phải lần đầu tôi đối mặt lũ Zack kể từ trận Yonkers. Tôi đã
tham gia các chiến dịch càn quét ở LA. Tôi đã thực hiện nghĩa vụ của mình
ở dãy Rockies mỗi khi mùa hè làm tan băng trên các tuyến đường lên núi.
Lần nào tôi cũng run như cầy sấy.
Bọn chó được gọi về, phóng ra phía đằng sau hàng phòng ngự của ta.
95
Chúng tôi chuyển sang sử dụng PEM . Giờ quân đội nào cũng có. Người
Anh dùng kèn túi, bên Trung Quốc dùng tù và, phía Nam Phi vỗ súng vào
96
với assegai và hô những câu khẩu hiệu chiến tranh của Zulu. Chúng tôi thì
chơi Iron Maiden. Riêng tôi thì chẳng thích thú gì nhạc metal. Tôi chuộng
rock cổ điển hơn, và bài “Driving South” của Hendrix là bản nhạc mạnh
nhất tôi từng nghe. Nhưng tôi cũng phải công nhận, đứng trước gió cát sa
mạc với bài “The Trooper” nện thình thình trong ngực kể cũng thú phết.
PEM không phải là để dọa dẫm gì Zack. Nó là để khích lệ tinh thần chúng
tôi, khiến lũ Zack trông bớt đáng sợ hơn, nói như đám người Anh là “xõa
bớt đi.” Vừa đúng lúc Dickinson còn đang rú lên “Khi rơi xuống chỗ chết”
thì tôi đã hăng máu lắm rồi, SIR đã nạp đạn sẵn sàng, mắt nhìn thẳng về
phía cái đàn đang tiến đến gần, càng lúc càng lớn dần lên. Tôi như thể đang
nói, “Nhanh lên, Zack, chiến thôi!”
Khi chúng sắp đến cột mốc đánh dấu đầu tiên, tiếng nhạc bé dần đi. Các
đội trưởng hét lên, “Hàng đầu, chuẩn bị!” và hàng đầu tiên quì xuống. sau
đó có lệnh “Ngắm!” và rồi, khi chúng tôi còn đang nín thở, khi nhạc vừa
mới tắt hẳn, chúng tôi nghe thấy tiếng “BẮN!”
Hàng đầu tiên giật lên, nghe như tiếng một khẩu SAW đang ở chế độ
liên thanh và hạ hết lũ G vừa vượt qua cột mốc đầu tiên. Chúng tôi đã được
nhận lệnh rất rõ ràng, chỉ nhắm vào những con vượt qua hàng mốc đàu tiên.
Đợi những con khác. Chúng tôi đã luyện tập như thế này suốt bao tháng
trời. Giờ nó đã thành bản năng. Xơ Montoya nâng vũ khí lên trên đầu, đó là
dấu hiệu bà hết đạn. Chúng tôi đổi vị trí, tôi mở chốt an toàn, nhắm mục
97
tiêu đầu tiên. Con này là dân ngơ, chắc chưa chết được đến một năm. Mái
tóc vàng bẩn thỉu của nó chỗ có chỗ không, da dẻ thì nhăn nheo, khô ráp.
Cái bụng trương phềnh của nó lồi lên dưới lớp áo phông đen đã bạc màu
với dòng chữ G NGHĨA LÀ GANGSTA. Tôi nhắm vào chính giữa hai con
mắt bé tí, xanh đục của nó… anh biết không, mắt chúng không phải tự
nhiên trông đục ngầu thế đâu, đó là vì bề mặt của mắt chúng bị xước do bụi
bay vào, có đến hàng nhìn vết vì bọn Zack không có nước mắt. Đôi mắt
xanh dương trầy trụa ấy nhìn thẳng về phía tôi khi tôi bóp cò. Viên đạn
khiến nó ngã ngửa, khói bốc lên từ cái lỗ trên trán. Tôi hít một hơi, nhắm
mục tiêu tiếp theo, và thế là xong, tôi đã vào guồng.
Nguyên tắc chiến đấu là cứ một giây bắn một phát. Chậm rãi, đều như
máy.
[Anh bắt đầu búng ngón tay.]
Trong trường bắn chúng chúng tôi tập cùng máy đếm nhịp, các huấn
luyện viên liên tục nói “Chúng không vội vã gì hết, việc gì các anh phải
vội?” Đó là cách giữ bình tĩnh, căn nhịp cho mình. Chúng tôi cũng phải
chậm rãi, máy móc như chúng. “G hơn lũ G,” họ bảo vậy.
[Anh búng tay theo nhịp rất chuẩn.]
Bắn, chuyển vị trí, nạp đạn, uống chút nước từ bình, lấy thêm băng đạn
từ phía bên “Sandler.”
Sandler?
Ừ, Đội Tiếp Đạn, đơn vị quân dự bị này không có nhiệm vụ gì khác
ngoài việc đảm bảo chúng tôi không bao giờ bị cạn hết đạn dược. Anh chỉ
có một số lượng băng đạn nhất định trên người và nạp đạn vào từng băng
rất mất thời gian. Đội Sandler chạy dọc hàng phòng ngự thu thập các băng
đạn rỗng, nạp đạn từ các thùng và rồi chuyển lại cho những ai ra tín hiệu.
98
Người ta kể là khi quân đội bắt đầu luyện tập cùng RT , có một tay bắt đầy
giả giọng Adam Sandler, anh biết đấy, “Thằng Bưng Nước” — “Thằng
Bưng Đạn.” Đám sĩ quan không ưa cái trò đấy lắm, nhưng Đội Tiếp Đạn lại
rất kết. Sandler thật đúng là những cứu hộ viên, chạy đi chạy lại như múa
vậy. tôi không nghĩ có ai ngày hoặc đêm hôm đó lại bị thiếu dù chỉ một viên
đạn.
Đêm hôm đó?
Chúng đến liên tục, nguyên cả một Đàn Chuỗi.
Có phải đó là tên gọi các đàn cỡ lớn?
Không chỉ có vậy. Một con G nhìn thấy anh, đuổi theo anh và hú lên.
Cách đó một cây, một con G nữa nghe thấy tiếng hú đó, lần theo nó và cũng
hú lên tiếp, rồi lại có một con cách đó một cây, rồi đến một con nữa. Đùa
chứ, Nếu cái khu đó mật độ đủ dày, nếu cái chuỗi đó không tài nào cắt đứt
được, ai mà biết chúng kéo nhau đến từ tận chỗ nào. Và đây mới chỉ là nói
một con một thôi đấy. Thử nghĩ xem nếu cứ mỗi cây lại có mười, một trăm,
một ngàn con.
Xác chúng bắt đầu chất chồng lên nhau, tạo thành một cái hàng rào
nhân tạo ở cột mốc đầu tiên, cái núi tháp ấy cứ cao dần lên mỗi phút. Chúng
tôi đang xây một pháo đài thây ma, dân đến tình huống là giờ chỉ việc khử
bất cứ cái đầu nào thò lên trên đỉnh. Ban chỉ huy đã có tính trước đến
99
chuyện. Họ có một cái tòa tháp tiềm vọng gì đó cho phép các sĩ quan chỉ
huy nhìn sang phía bên kia bức tường. Họ cũng có liên kết thời gian thực tải
xuống từ vệ tinh và máy bay trinh sát không người lái, còn đám lính tráng
chúng tôi chẳng biết họ đang thấy những gì. Land Warrior đã bị dẹp đi nên
chúng tôi chỉ phải tạp trungvào những thứ phía trước mặt.
Chúng tôi bắt đầu bị tấn công từ tất cả các phía, hoặc là vòng quanh bức
tường hoặc là từ bên sườn và thậm chí là cả từ đằng sau. Ban chỉ huy cũng
đã tiên liệu chuyện này và ra lệnh chúng tôi vào đội hình RS.
100
Khung Vuông Gia Cố
.
Hoặc tôi đoán là “Raj-Singh,” lấy theo tên của cái tay đã phát minh ra
nó. Chúng tôi tạo thành những hình vuông rất kín, vẫn có hai hàng, xe cộ và
các thứ linh tinh đi vào giữa. Chia nhỏ chúng tôi ra thế này kể cũng hơi liều.
Ý tôi là, ừ thì cái lần đầu ở Ấn Độ nó không phát huy tác dụng bởi vì hết
đạn. Nhưng cũng chẳng ai đảm bảo được chuyện ấy sẽ không xảy ra với
chúng tôi. Nhỡ bọn chỉ huy đột nhiên đầu óc có vấn đề, không mang đủ đạn
hoặc đánh giá thấp lực lượng lũ Zack ngày hôm đó thì sao? Có khi lại thêm
một trận Yonkers nữa; không biết chừng còn tệ hơn vì sẽ chẳng ai sống sót
nữa.
Nhưng các anh có đủ đạn mà.
Thừa là đằng khác. Đám xe cộ chất hàng cao đến nóc. Chúng tôi có
nước uống, chúng tôi có người thay thế. Nếu cần nghỉ năm phút, chỉ việc
giơ vũ khí lên là sẽ có một Sandler nhảy vào thay chân. Anh có thể ăn mấy
101
miếng I-Ration,
rửa mặt, giãn gân cốt, giải quyết nỗi buồn. chẳng ai tình
102
nguyện xin nghỉ, nhưng họ có những đội KO
, các bác sĩ tâm lí chiến trận
liên tục quan sát tình hình mọi người làm ăn đến đâu. Họ đã đi cùng chúng
tôi trong những ngày đầu trên trường bắn, biết rõ tên tuổi mặt mũi chúng
tôi, và chả hiểu làm sao mà biết được khi nào căng thẳng trên chiến trường
bắt đầu ảnh hưởng đến hiệu suất của chúng tôi. Chúng tôi chẳng ai biết, tôi
thì dứt khoát không rồi. Có mấy lần tôi bắn trượt hoặc bắn trong vòng nửa
giây chứ không phải một. Đột nhiên tôi thấy có ai vỗ vai và tôi biết mình
phải ra ngoài ngồi năm phút. Chiến lược này hiệu nghiệm phết. Chưa gì tôi
đã quay trở lại hàng ngũ, bàng quang trống trải, dạ dày im lặng, cổ bớt vẹo
và cơ bớt co rút. Nó làm nên cả một sự khác biệt lớn lao, và nếu có ai nghĩ
chúng tôi không cần đến nó có thể thử ngắm bắn một mục tiêu di động suốt
mười lăm tiếng đồng hồ.
Thế còn khi đêm đến?
Chúng tôi dùng đèn pha từ xe, đèn sáng rất mạnh, màu đỏ để không ảnh
hưởng tới tầm nhìn đêm. Bên cạnh cái màu sáng đỏ, thứ ghê rợn duy nhất
khi chiến đấu trong đêm đó là ánh sáng phát ra từ viên đạn khi nó chui vào
đầu lũ thây ma. Chính thế mà chúng tôi mới gọi đó là đạn “PIE Anh Đào.”
Nếu hợp chất hóa học trong đạn không được pha trộn theo tỉ lệ đúng, nó sẽ
sáng đến mức khiến mắt chúng đỏ rực lên. Đây mà đem trị táo bón thì đúng
là không gì bằng, nhất là sau này, vào những đợt phải gác đêm, khi có một
con vồ lấy anh từ trong bóng tối. Cứ thử tưởng tượng đôi mắt đỏ rực đó
xem, thời gian như ngừng trôi vài giây trước khi nó gục xuống. [run rẩy.]
Sao mà anh biết khi nào trận chiến kết thúc?
Chắc khi chúng tôi ngừng bắn? [Cười.] Đùa thôi, câu hỏi hay đấy. Tôi
cũng chẳng rõ, chắc tầm 04:00, chúng bắt đầu vơi dần. Bớt có đầu thò ra
hơn. Tiến rên rỉ bắt đầu bé dần. Các sĩ quan chỉ huy không nói cho chúng
tôi biết rằng cuộc tấn công sắp kết thúc, nhưng anh có thể thấy họ nhìn qua
ống nhòm, nói chuyện trên điện đàm. Anh có thể thấy vẻ nhẹ nhõm trên
gương mặt họ. Hình như phát súng cuối cùng được bắn trước khi bình minh
lên. Sau đó, chúng tôi ngồi đợi tia sáng đầu tiên hé rạng.
Cảnh tượng lúc ấy trông hơi ma quái, mặt trời nhô lên từ trên đỉnh
những ngọn núi xác hình vành đai. Chúng tôi bị vây cứng, chỗ nào xác
cũng chất cao ít nhất sáu mét. Tôi chẳng rõ hôm đó chúng tôi giết hết bao
nhiêu đứa, tùy người được hỏi mà số liệu sẽ khác.
Các xe Humvee có lưỡi ủi phải mở đường qua cái vành đai xác ấy
chúng tôi mới chui ra được. Vẫn còn một số con G sống sót, đây là mấy con
chậm chân không kịp nhập hội hoặc tìm cách trèo lên xác đồng đội nhưng
bị trượt xuống dưới mô đất. Khi bắt đầu đem đống xác đi chôn thì chúng
lồm cồm bò ra. Đó là lần duy nhất đức ngài Thông não có cơ hội trổ tài.
Ít nhất chúng tôi không phải ở lại làm nhiệm vụ BS. Có một đơn vị khác
đợi sẵn để đến dọp dẹp. Chắc cấp trên thấy hôm nay bọn tôi đã làm đủ rồi.
Chúng tôi hành quân mười dặm về phía Đông, dựng trại ngoài trời với chòi
103
canh và tường Concertainer . Tôi mệt lử người. Tôi không nhớ gì chuyện
đi tẩy rửa hóa học, nộp lại quân trang để khử trùng, nộp lại vũ khí để kiểm
tra: toàn đại đội không chiếc nào bị kẹt. Tôi thậm chí còn chả nhớ việc
mình chui vào túi ngủ.
Sáng hôm sau chúng tôi được dậy muộn thoải mái. Sướng ra phết. Cuối
cùng thì tôi cũng bị đánh thức dậy bởi tiếng người lao xao; ai cũng đang
nói, đang cười, đang kể chuyện. Cảm giác này thật là khác, một trăm tám
mươi độ so với ngày hôm kia. Tôi chẳng hiểu phải tả cái cảm xúc của mình
lúc ấy như thế nào, Có lẽ đó chính là cái “giành lấy tương lai” mà tổng
thống đã nói. Tôi chỉ biết rằng mình thấy tuyệt vời hơn bao giờ hết trong
suốt cuộc chiến tranh. Tôi biết đây sẽ là một con đường vô cùng dài. Tôi
biết chiến dịch xuyên suốt nước Mỹ của chúng tôi mới chỉ bắt đầu, nhưng
không sao, theo như lời tổng thổng phát biểu vào tối hôm đó, cuối cùng sự
khởi đầu của điểm kết thúc đã đến.
AINSWORTH, NEBRASKA, MỸ
[Darnell Hackworth là một người rụt rè, nói năng nhỏ nhẹ. Ông
cùng vợ điều hành một nông trại hưu trí cho những cựu binh bốn chân
thuộc Quân đoàn K-9 của quân đội. Mười năm trước gần như bang
nào cũng có một cái nông trại như thế này. Bây giờ chỉ còn có mỗi đây.]
Theo như tôi thấy thì công lao của chúng chẳng bao giờ được ghi nhận
đúng mức. Có cái quyển sách Dax dành cho trẻ con cũng khá được, nhưng
nó lại bị đơn giản hóa quá, và chuyện cũng chỉ về một con chó đốm
Dalmatian giúp một đứa trẻ mồ côi đến được nơi an toàn. “Dax” thậm chí
còn không ở trong quân ngũ, với lại giúp đỡ trẻ lạc chỉ là một phần rất nhỏ
trong những gì lũ chó đã đóng góp cho cuộc chiến.
Đầu tiên họ dùng chó để phân biệt, để chúng đánh hơi những người bị
nhiễm bệnh. Hầu hết các nước đều bắt chước cách cho người ta đi ngang
qua chuồng chó của Israel. Luôn cũng phải nhốt chúng trong chuồng nếu
không chúng có thể tấn công người khác, cắn xé lẫn nhau, hay thậm chí tấn
công cả huấn luyện viên của mình. Thời kì đầu của cuộc chiến xảy ra rất
nhiều trường hợp như thế, lũ chó như hóa dại. Chó nào cũng vậy, dù là của
cảnh sát hay của quân đội. Đó là do bản năng, do cái nỗi sợ vô thức, gần
như ngấm trong tận máu. Chiến đấu hay bỏ chạy, và chúng vốn được sinh ra
để chiến đấu. Rất nhiều huấn luyện viên đã mất tay, chân, cổ họng bị cào
xé. Không thể trách lũ chó được. Thật ra, bản năng ấy chính là thứ phía
Israel muốn viện đến, và có lẽ nhờ nó ta mới cứu sống được cả triệu mạng
người.
Đó là một chương trình rất tốt, nhưng nó cũng lại chỉ là một phần rất
nhỏ trong số những gì chó có thể thực hiện được. Nếu bên Israel và sau đó
là rất nhiều những quốc gia khác tìm cách lợi dụng bản năng đó, chúng tôi
tin rằng mình có thể tích hợp nó vào chương trình huấn luyện thường xuyên
của chúng. Tại sao lại không cơ chứ, chúng ta đã làm được điều đó với
chính bản thân mình, và ta có tiến hóa gì hơn chúng mấy đâu?
Tất cả đều bắt đầu từ bài huấn luyện. Phải dùng chó con; lũ cựu binh
khuyển hồi trước chiến tranh dù có được rèn rũa nề nếp đến đâu cũng sẽ lên
cơn. Bọn chó con sinh ra trong thời kì khủng hoảng gần như được ngửi mùi
xác chết ngay từ khi vừa chui ra khỏi bụng mẹ. Nó có ở trong không khí
nhưng chỉ có vài phân tử, không đủ cho ta nhận thấy, chỉ có vài phân tử,
vừa đủ để tác động vào tiềm thức. Nhưng không phải như vậy nghĩa là tự
nhiên chúng trở thành chiến binh hết. Giai đoạn đầu tiên và quan trọng nhất
là phải cho chúng làm quen bước đầu. Lấy một nhóm chó con bất kì hay
thậm chí cả một lứa cũng được, cho chúng vào một căn phòng có lưới thép
ngăn cách. Chúng nó ở một bên, bên kia là Zack. Không cần đợi lâu mới có
phản ứng. Nhóm đầu tiên chúng tôi gọi là B. Chúng bắt đầu rên ư ử và tru
lên. Chúng không chịu nổi rồi. Chúng khác xa lũ A. Chúng nhìn thẳng vào
mắt lũ Zack, đó là điểm mấu chốt. Chúng thủ thế, nhe nanh ra và gừ lên một
tiếng trầm trầm như thể muốn nói, “Lùi lại!” Chúng biết tự chủ, và đó là
nền tảng của chương trình này.
Nhưng việc chúng kiểm soát được bản thân không có nghĩa là chúng tôi
sẽ kiểm soát được chúng. Phần huấn luyện cơ bản khá giống với chương
104
trình chuẩn hồi trước chiến tranh. Chúng có chịu nổi PT không? Chúng
có chịu nghe lệnh không? Chúng có đủ trí thông minh và đủ tính kỉ luật để
trở làm lính không? Chật vật lắm, và tỉ lệ bị đào thải là 60 phần trăm.
Chuyện đám chó mới tuyển vào bị thương tật nặng nề hay thậm chí là bị
giết không có gì là bất thường cả. Ngày nay nhiều người gọi đó là vô nhân
tính, mặc dù với các huấn luyện viên thì họ không thông cảm như vậy.
Đúng, chúng tôi cũng phải tham gia luyện tập cùng với lũ chó, ngay từ
105
những ngày đầu khi tập Cơ bản cho đến hết mười tuần AIT. Tập luyện
mệt kinh khủng, nhất là mấy bài Huấn luyện với Kẻ thù Sống. Anh có biết
rằng chúng tôi là đơn vị đầu tiên sử dụng Zack để thực tập không? Trước cả
bên bộ binh, tước cả Đặc công, thậm chí trước cả đám Zoomy ở Willow
Creek. Đó là cách duy nhất để biết xem anh có trụ nổi không, cả khi làm
việc cá nhân lẫn khi hợp tác cùng nhau.
Nếu không làm thể thì sao cho chúng làm nhiều nhiệm vụ khác nhau
như vậy được? Đầu tiên là Nhử mồi, loại nhiệm vụ nổi danh nhờ Trận
Hope. Khá đơn giản; cộng sự của anh lùng lũ Zack rồi sau đó dụ chúng vào
tầm bắn của ta. Lũ K khi làm mấy nhiệm vụ đầu thì nhanh lắm, xông vào,
sủa một chút, rồi sau đó phóng thẳng về vùng tiêu diệt. Sau này chúng bắt
đầu quen việc hơn. Chúng biết cách chỉ đi trước vài phân, chậm rãi lùi lại,
đảm bảo chắc chắn lùa được số lượng mục tiêu tối đa. Như vậy, chính
chúng mới là người nắm quyền điều phối.
Còn có cả nhiệm vụ Nghi trang. Giả sử như anh đang thiết lập phòng
tuyến nhưng không muốn Zack xuất hiện quá sớm. Đồng đội của anh sẽ đi
vòng quanh khu bị chiếm đóng và khi đến được mạn bên kia thì bắt đầu
sủa. Rất nhiều trận giao chiến cần sử dụng đến phương pháp này, và nhờ đó
mà chúng tôi mới sử dụng được chiến thuật “Lemming.”
Trong trận Denver, chúng tôi bắt gặp một tòa cao ốc bên trong có vài
trăm người tị nạn. Họ bị kẹt bên trong đấy với mấy người mang bệnh và giờ
đã thành thây ma hết. Trước khi người của ta xông vào đó, một con K nghĩ
ra trò chạy lên mái tòa nhà đối diện và bắt đầu sủa dụ Zack lên tầng trên.
Hiệu nghiệm ngoài sức tưởng tượng. Bọn G leo lên tận nóc nhà, nhìn thấy
con mồi, lao ra bắt và thế là lộn nhào xuống đất. Sau trận Denver, Lemming
được đưa luôn vào sách chiến thuật. Chiến lược này được bộ binh sử dụng
ngay cả khi không có lũ K ở bên. Cảnh trên nóc nhà xuất hiện một tay lính
gọi với sang tòa nhà chứa zombie ở gần đó không phải hiếm.
Nhưng nhiệm vụ chính và thường xuyên nhất của các đội K là phải đi
106
do thám, cả SC lẫn LRP. SC là Càn quét và Dọn dẹp
, đi kèm các đơn vị
quân đội khác như trong chiến đấu bình thường. Đây mới là lúc thấy rõ
được tác dụng của bài huấn luyện. Chúng không chỉ đánh hơi thấy lũ Zack
cách ta cả dặm mà cách sủa của chúng còn cho ta biết chính xác mình sắp
phải đương đầu với cái gì. Căn cứ vào độ cao của tiếng gầm gừ, tần suất sủa
của chúng là đủ biết mọi thông tin cần thiết rồi. Trong những lần cần im
lặng thì có thể nhìn ngôn ngữ cơ thể. Chỉ cần nhìn độ cong của lưng và độ
dựng của lông lũ K là được. Sau khi thực hiện vài nhiệm vụ, bất cứ huấn
luyện viên có trình độ nào, và ở đây chúng tôi chỉ thu nhận những người có
khả năng, đều có thể hiểu được mọi tín hiệu của người đồng đội mình.
Chúng đã cứu được rất nhiều người khi phát hiện ra những con thây ma
chìm dưới bùn hay lũ què cụt trong đám cỏ cao. Tôi không đếm nổi đã bao
lần chúng tôi được cảm ơn vì đã phát hiện ra một con G bị che khuất, không
thì tí nữa nó xơi luôn cái chân.
107
LRP là Tuần Tiễu Tầm Xa , khi ấy cộng sự của anh phải đi thám thính
ở xa phòng tuyến, đôi khi phải đi liên tục mấy ngày để trinh sát tình hình
khu vực bị chiếm đóng. Chúng có mặc một bộ giáp đặc biệt có gắn thiết bị
tải phim và máy định vị GPS, cung cấp thông tin chính xác trên thời gian
thực về số lượng và vị trí của kẻ địch. Có thể đánh dấu vị trí của lũ Zack lên
trên bản đồ bằng cách kết hợp những gì cộng sự của mình quay được với vị
trí của nó trên hệ thống GPS. Về mặt kĩ thuật thì chắc điều ấy tuyệt vời lắm,
có được tin tình báo ở thời gian thật như hồi trước chiến tranh. Bộ chỉ huy
rất khoái chuyện này. Tôi thì không; Tôi lúc nào cũng rất lo cho cộng sự
của mình. Những lúc như thế căng thẳng không tả nổi, mình thì được ngồi
trong phòng đầy máy tính, điều hòa mát rượi — an toàn, thoải mái và hoàn
toàn vô dụng. Sau này áo giáp đời mới được lắp thêm đường truyền radio
để huấn luyện viên có thể truyền lệnh hoặc ít nhất là hủy bỏ nhiệm vụ. Tôi
không được làm việc với những thứ như thế. Ngay từ đầu đã phải luyện tập
với nó rồi. Không thể đào tạo lại một con K đã từng trải. Đâu ai dạy chó già
chiêu thức mới được. Rất xin lỗi, đùa nhạt quá. Tôi rất hay phải nghe mấy
tay bên tình báo đùa kiểu thế; trong khi mình đứng sau lưng thì bọn nó vừa
ngồi quan sát mấy cái màn hình chết dẫm ấy, vừa tự trầm trồ ngắm “Tài sản
108
Thu thập Dữ liệu.” Chúng cho thế là hay lắm. Bọn tôi cũng vui bỏ mẹ
khi được đặt cho cái tên viết tắt DOA.
[Ông lắc đầu.]
Tôi chỉ biết đứng đó chắp tay sau đít, quan sát qua điểm nhìn của cộng
sự mình trong khi nó phải trườn bò luồn lách qua rừng rú, đầm lầy, hoặc
thành phố. Các khu đô thị là nơi gian khổ nhất. Đó là chuyên môn của
nhóm tôi. Thị trấn Chó săn. Anh đã nghe đến cái tên ấy bao giờ chưa?
Trường Dạy Chiến tranh Đô thị cho K-9 đúng không?
Đúng nó rồi, thị trấn ấy có thật: nằm ở Mitchell, Oregon. Chỗ đó được
niêm phong, bỏ hoang, và đầy G còn đang sống nhăn. Thị trấn Chó săn.
Đáng ra nên gọi nó là Thị trấn Chó sục vì chủng ở Mitchell phần lớn là chó
sục cỡ nhỏ. Giống Cairn và Norwich và JR, rất thích hợp lùng sục những
chỗ đổ nát và những chỗ hẹp. Tôi thấy mình rất hợp với lũ chó ở đây. Tôi
làm việc với một con dachle. Cho tới nay, chúng vẫn là những chiến binh
đô thị tối thượng. Khỏe khoắn, thông minh, và thành thạo những chỗ không
gian kín, nhất là mấy con cỡ nhỏ. Đây là lí do người ta tạo ra giống này;
“chó săn lửng,” đó là nghĩa của từ dachshund trong tiếng Đức. Chính vì thế
mà trông chúng như cái xúc xích: để chúng có thể đi săn trong những cái
hang lửng nhỏ hẹp. Chắc anh cũng hiểu loại chó này rất hợp chui ống thông
khí và các nơi phải trườn bò khi phải chiến đấu ở khu vực thành phố. Khả
năng chui qua ống dẫn nước, ống thông khí, len lỏi giữa các bức tường hay
gì đó mà không bị hoảng loạn là một kĩ năng sinh tồn rất đáng giá.
[Đúng lúc ấy, chúng tôi bị chen ngang. Một con chó khật khưỡng
đến bên Darnell. Nó già rồi. mõm trắng phau, lông tai và lông đuôi đã
rụng hết, còn trơ mỗi da.]
[Nói với con chó.] Lại đây, tiểu thư.
[Darnell cận thận bế nó lên lòng. Nó cũng nhỏ thôi, chắc không quá
ba bốn cân gì đó. Mặc dù nó trông hơi giống một con dachshund lông
mượt cỡ nhỏ, lưng nó trông ngắn hơn chủng bình thường.]
[Nói với con chó.] Mày sao rồi, Maze? Khỏe không cưng? [Nói với
tôi.] Tên đầy đủ của nó là Maisey nhưng chúng tôi chẳng bao giờ gọi nó
thé. “Maze” nghe hợp phết đúng không?
[Ông một tay vuốt chân sau con chó còn tay kia gãi cổ nó. Nó
giương đôi mắt trắng đục lên nhìn ông, liếm liếm bàn tay ông.]
Giống thuần chủng bao giờ cũng bị loại thẳng. Tâm tính quá thất
thường, quá nhiều vấn đề sức khỏe, đủ mọi thứ vấn đề khi sản giống chỉ vì
yếu tố mỹ quan. Các giống đời sau [Ông chỉ về phía con chó trên đùi]
luôn phải là lai, bất cứ thứ gì có thể giúp tăng cường thể lực và bình ổn tâm
thần.
[Con chó thiu thiu ngủ. Darnell hạ giọng xuống.]
Chúng rất mạnh mẽ, luyện tập rất nhiều, không chỉ luyện tập cá nhân
mà còn luyện tập theo nhóm để thực hiện các nhiệm vụ LRP. Thực hiện
nhiệm vụ đường dài, nhất là khi phải băng qua những nơi hoang vu, bao giờ
cũng rất nguy hiểm. Đây không chỉ do Zack mà còn do cả những con K
khác. Còn nhớ chúng dữ dằn ra sao không? Những con thú cưng và thú
hoang tụ lại thành những bầy đàn chuyên đi săn mồi. Chúng rất đáng quan
ngại, nhất là khi phải di chuyển giữa những vùng ít thây ma, lúc nào cũng
lùng sục tìm kiếm con mồi. Hồi đầu khi ta chưa đưa chó hộ tống vào, rất
nhiều nhiệm vụ LRP đã phải bị hủy bỏ.
[Ông ra dấu về phía con chó đang ngủ.]
Nó có hai đứa vệ sĩ. Pongo, một con giống lai giữa Pit Bull và
Rottweiler, và Perdy… thực tình tôi cũng chẳng biết Perdy là cái giống gì,
nửa chó chăn cừu, nửa khủng long đuôi gai. Tôi sẽ chẳng dám cho Maze lại
gần chúng nếu chưa được cùng trải qua khóa tập huấn cơ bản với huấn
luyện viên của chúng. Hóa ra chúng thực sự là những vệ sĩ cừ khôi. Chúng
đã xua đi các đàn chó hoang đến mười bốn lần, hai lần thực sự phải đánh
nhau. Tôi chứng kiến Perdy xông vào một con tai cụp nặng chín chục cân,
lấy hàm kẹp sọ nó. Qua mic theo dõi trên giáp của nó mà chúng tôi vẫn có
thể nghe thấy tiếng sọ nứt.
Với tôi vấn đề khó khăn nhất là đảm bảo làm sao Maze chuyên chú vào
nhiệm vụ. Nó rất máu đánh nhau. [Mỉm cười với con dachshund đang
ngủ bên dưới.] Chúng làm công việc vệ sĩ rất giỏi, luôn đảm bảo đưa nó
được đến nơi cần đến, chờ nó, và luôn đưa nó về an toàn. Bọn chúng thậm
chí còn hạ được vài con G trên đường làm nhiệm vụ.
Nhưng thịt lũ Z độc lắm mà?
À vâng…không phải, không phải, không phải, chúng chẳng bao giờ
cắn. Thế là chết ngay. Hồi chiến tranh mới bắt đầu đi đâu cũng thấy K chết,
nằm im ở đó, không có vết thương. Nhìn thế là hiểu ngay chúng ăn phải thịt
mang mầm bệnh. Đó là một trong những lí do việc tập huấn rất là quan
trọng. Chúng phải biết cách tự vệ. Zack có rất nhiều lợi thế về thể hình,
nhưng chúng không giữ được thăng bằng. Lũ K có thể tông vào chỗ xương
vai hoặc chỗ sau lưng, đẩy chúng ngã sấp mặt. Những con cỡ nhỏ có thể
ngáng giò, luồn xuống dưới chân hoặc tông vào khớp gối. Maze rất thích
trò đó, quật chúng ngã ngửa!
[Con chó cựa mình.]
[Nói với Maze.] Ôi, xin lỗi nhé tiểu thư. [Tiếp tục gãi gáy nó.]
[Nói với tôi.] Khi lũ Zack đứng dậy được thì anh đã câu được thêm năm
hay thậm chí là mười, mười lăm giây.
Chúng tôi cũng chịu hi sinh nhiều. Một số con K bị trượt ngã gãy
xương… Nếu chúng ở gần lực lượng của ta, huấn luyện viên của chúng có
thể dễ dàng đến đón, đưa chúng về nơi an toàn. Phần lớn bọn chúng còn
được trở lại làm nhiệm vụ.
Thế còn những con khác thì sao?
Nếu chúng ở xa quá, làm nhiệm vụ Nhử mồi hay LRP… xa quá không
cứu được và quá gần chỗ bọn Zack… chúng tôi có xin được cấp Kíp Nổ
Nhân Đạo, những túi thuốc nổ tí hon gắn kèm vào áo giáp của chúng để có
thể kích nổ nếu tình hình có vẻ vô phương cứu vãn. Chúng tôi không được
đồng thuận. “Lãng phí tài nguyên.” Sư mẹ bọn nó. Giúp chấm dứt sự đau
khổ cho một chiến sĩ bị thương được coi là lãng phí nhưng còn nếu biến
chúng thành Chó Lựu thì được cân nhắc ngay!
Gì cơ ạ?
“Chó Lựu.” Đó là cái tên không chính thống của cái chương trình chỉ
một chút xíu nữa thôi là được bật đèn xanh. Có thằng khốn nạn nào đã đọc
được ở đâu đó rằng trong Thế Chiến Thứ Hai, Nga có sử dụng “chó mìn,”
đeo thuốc nổ vào lưng chúng và huấn luyện cho chúng chạy xuống dưới
gầm xe Phát xít. Lí do duy nhất khiến mấy tay Ivan ngưng chương trình này
cũng chính là lí do tại sao ta không triển khai chương trình của ta: tình hình
không còn tuyệt vọng đến mức ấy nữa. Anh còn phải tuyệt vọng đến cỡ nào
nữa đây?
Họ sẽ không thú nhận điều này nhưng tôi nghĩ chúng phải ngưng do sợ
lại có thêm một vụ Eckhart nữa. Vụ đó khiến đám kia tỉnh hẳn người. Anh
có biết về vụ đó, đúng không? Trung sĩ Eckhart, mong Chúa phù hộ cô ta.
109
Cô ta là một huấn luyện viên cấp cao, hoạt động cùng AGN. Tôi chưa
được gặp cô ta bao giờ. Cộng sự của cô ta đang thực hiện nhiệm vụ Nhử
mồi phía ngoại ô Little Rock, rơi xuống một cái rãnh, gãy mất chân. Bọn
thây ma chỉ cách đó vài bước chân. Eckhart vớ lấy khẩu súng trường, định
ra ngoài đón nó về. Có một tay sĩ quan đứng ra chặn cô ta lại, lải nhải một
mớ về điều lệ và đưa ra mấy cái lí do nửa mùa. Cô ta cho hắn ăn nguyên
nửa băng đạn. Cảnh sát Quân sự xông ra tóm lấy cô ta, ghì cô ta xuống đất.
Cô ta có thể nghe thấy tiếng lũ thây ma vây lấy cộng sự mình.
Chuyện gì đã xảy ra?
Họ treo cổ cô ta, xử tử công khai, thu hút sự chú ý của công luận. Tôi
cũng hiểu, không, hiểu thật đấy. Kỉ luật là trên hết, đó là tất cả những gì
chúng ta có. Nhưng rốt cuộc cũng có chút thay đổi. Huấn luyện viên được
phép đi đón cộng sự của mình về, ngay cả nếu làm thế là họ đang đánh liều
cả mạng sống của mình. Chúng tôi giờ không còn là tài sản nữa, chúng tôi
là bán tài sản. Lần đầu tiên quân đội nhìn nhận chúng tôi dưới tư cách một
đội thống nhất, rằng bọn chó không phải một thứ linh kiện có thể thay thế
khi “hỏng.” Họ bắt đầu để ý tới số liệu những huấn luyện viên tự sát sau khi
mất cộng sự của mình. Chúng tôi có tỉ lệ tự sát cao nhất trong số tất cả các
quân chủng. Nhiều hơn cả Đặc Công, nhiều hơn cả Đăng Kí Mộ, thậm chí
110
còn nhiều hơn cả mấy tay bệnh hoạn ở China Lake.
Tại Thị trấn Chó săn,
tôi có gặp huấn luyện viên từ mười ba nước khác nhau. Ai cũng nói vậy.
Việc anh đến từ đâu, văn hóa hay tiểu sử anh là gì không quan trọng, tình
cảm của anh sẽ luôn là vậy. Ai lại có thể trải qua mất mát lớn lao như thế
mà vẫn tỉnh bơ được? Những ai như thế ngay từ đầu đã không thể trở thành
huấn luyện viên rồi. Đó chính là điều khiến chúng tôi trở nên độc đáo, khả
năng gắn kết với một thứ còn không thuộc cùng giống loài. Thứ khiến nhiều
người trong số đám bạn của tôi quay súng tự sát cũng chính là thứ khiến
chúng tôi trở thành đơn vị thành công nhất trong toàn bộ lực lượng quân đội
Mỹ.
Vào một ngày nọ, trên một đoạn đường bỏ hoang ở Colorado Rockies,
quân đội đã nhận ra tôi mang trong người những phẩm chất như thế. Tôi đã
phải cuốc bộ kể từ khi trốn ra khỏi căn hộ của mình ở Atlanta, suốt ba tháng
liền chỉ bỏ chạy, lẩn trốn, lục lọi đồ ăn. Tôi bị còi xương, sốt, sụt xuống chỉ
còn hơn bốn ba cân. Tôi bắt gặp hai gã ở dưới một gốc cây. Chúng đang
châm lửa. Đằng sau chúng là một con chó. Chăn cẳng và mỏm nó bị chúng
lấy dây giày trói gô lại. Máu khô đọng thành vết trên mặt nó. Nó nằm đó,
mắt đờ đẫn, rên rỉ phều phào.
Chuyện gì đã xảy ra?
Thực tình thì tôi không nhớ. Chắc tôi lấy gậy ra đập một thằng. Người
ta phát hiện thấy cây gậy gãy vụn trên vai hắn. Lúc họ phát hiện ra tôi thì
tôi đang đè ngửa thằng còn lại ra, nện liên tục vào mặt hắn. Bốn ba cân,
chết đói đến nơi rồi, ấy vậy mà tôi vẫn nện cho thằng kia một trận nhừ tử.
Mấy anh Vệ binh phải lôi tôi ra, còng tôi vào một cái xe, cho tôi mấy phát
bạt tai thì tôi mới hoàn hồn. Đến đấy thì tôi nhớ. Một trong những thằng bị
tôi tấn công đang ôm lấy tay, thằng kia thì nằm đó, máu chảy ròng ròng.
“Bình tĩnh xem nào,” viên trung úy nói, tìm cách tra vấn tôi, “Mày sao thế
hả? Sao lại làm thế với bạn bè mày?” “Hắn không phải bạn tôi!” thằng tay
gãy la lên, “Hắn điên mẹ nó rồi!” Còn tôi thì cứ liên tục lảm nhảm “Đừng
hại con chó! Đừng hại con chó!” Tôi nhớ mấy anh Vệ binh cười vang. “Lạy
Chúa,” một người nói trong khi nhìn xuống hai thằng kia. Viên trung úy gật
đầu, rồi sau đó nhìn lại về phía tôi. “Anh kia,” ông ta nói, “tôi nghĩ chúng
tôi sẽ có việc cho anh đấy.” Tôi đã được tuyển vào như thế đó. Đôi khi anh
tìm được con đường của riêng mình, đôi khi nó tìm thấy anh.
[Darnell vỗ về Maze. Nó mở một mắt ra, vẫy vẫy cái đuôi chỉ còn
mỗi da.]
Con chó ấy kết cục ra sao?
Ước gì tôi có thể kể cho anh một câu chuyện với kết thúc kiểu Disney,
chẳng hạn như nó trở thành cộng sự của tôi và cứu được cả một trại trẻ mồ
côi khỏi hỏa hoạn hay gì đó. Chúng đã lấy đá đập vào đầu để nó bất tỉnh.
Các chất dịch đã tụ lại trong khoang tai của nó. Nó điếc hẳn một tai và mất
một nửa khả năng nghe ở tai kia. Nhưng mũi nó vẫn còn hoạt động được và
diệt chuột khá tốt sau khi tôi tìm được nhà cho nó. Nó săn được đủ chuột
cho gia đình ấy ăn suốt mùa đông. Chắc đấy cũng là một dạng kết thúc của
Disney, Disney với thịt chuột Mickey hầm. [Cười nhẹ.] Anh muốn nghe
điều gì kì quái không? Hồi trước tôi ghét chó lắm.
Thật ư?
Rất khinh bỉ chúng; toàn mấy bọn đầy vi trùng, bẩn thỉu, hôi hám, dãi
nhớt nhỏ lung tung, suốt ngày quấn chân người ta và làm cái thảm khai
nồng nặc. Trời đất, tôi ghét chúng lắm. Tôi là cái thể loại khi đến nhà anh sẽ
không thèm vuốt ve bọn chó. Tôi là cái loại khi ở chỗ làm sẽ trêu chọc
những người để ảnh chó trên bàn. Anh có biết cái loại suốt ngày dọa sẽ gọi
ban Kiểm soát Động vật đến khi con chó nhà anh sủa vào ban đêm không?
[Chỉ về phía mình.]
Cách chỗ tôi sống một nhà là một cửa hàng thú cưng. Hồi trước trên
đường đi làm ngày nào tôi cũng băng qua chỗ ấy, không hiểu có tay ủy mị,
ngu dốt nào lại đi bỏ ra từng ấy tiền để mua về một con chuột đồng biết sủa
to quá khổ. Trong Cuộc Đại Loạn, đám thây ma bắt đầu bu quanh cái cửa
hàng ấy. Tôi chẳng biết chủ nhân nó đâu. Ông ta đã đống hết các cổng
nhưng bỏ lại lũ thú vật bên trong. Tôi có thể nghe thấy tiếng chúng qua cửa
sổ phòng ngủ nhà mình. Suốt ngày, suốt đêm. Anh biết đấy, chúng chỉ là lũ
chó con, được có vài tuần tuổi. Chúng như những đứa bé đang khiếp đảm
kêu khóc mong mẹ mình hoặc bất cứ ai đến cứu.
Tôi nghe thấy chúng chết dần chết mòn, từng con một khi nước uống
trở nên cạn kiệt. Lũ thây ma không lọt được vào trong. Chúng vẫn còn tụ ở
ngoài cổng khi tôi bỏ trốn, phóng ngang qua chỗ đó mà không dám dừng lại
nhìn. Tôi còn biết làm gì đây? Tôi không có vũ khí, không được đào tạo gì
hết. Tôi không thể chăm lo cho chúng. Tôi còn gần như không thể tự chăm
lo lấy bản thân. Tôi biết làm gì đây?… Một cái gì đó.
[Maze thở hắt ra trong mơ. Darnell nhẹ nhàng vuốt ve nó.]
Đáng ra tôi đã có thể làm gì đó.
SIBERIA, THÁNH QUỐC NGA
[Người dân trong khu ổ chuột này phải sống trong điều kiện hết sức
nguyên thủy. Không điện, không nước. Các túp lều được túm tụm lại
với nhau đằng sau một bức tường đẽo ra từ mấy cái cây bao quanh.
Gian lều nhỏ nhất là của Cha Sergei Ryzhkov. Việc vị giáo sĩ già này
vẫn còn sống được đến nay là cả một điều kì diệu. Dáng đi đứng của
ông làm lộ vô số những vết thương lãnh phải trong và sau cuộc chiến.
Cái bắt tay của ông cho thấy tất cả các ngón tay của ông đều đã bị bẻ
gãy. Khi cố gượng cười, ông để lộ ra rằng tất cả những cái răng nếu
không sâu đen xì thì cũng đã bị bẻ đi từ lâu rồi.]
Muốn hiểu được quá trình trở thành một “thánh quốc” của chúng tôi và
quốc gia ấy tại sa lại khởi nguồn từ một gã như tôi, ông cần phải hiểu được
bản chất cuộc chiến chống lũ thây ma của tôi.
Cũng như rất nhiều cuộc xung đột khác, đồng minh mạnh mẽ nhất của
chúng tôi là Tướng quân Mùa đông. Cái lạnh tê tái ấy được bầu trời tối sầm
sì của hành tinh kéo dãn ra thêm và làm càng làm cho khắc nghiệt hơn.
Chính nó đã cho chúng tôi thời gian cần thiết để chuẩn bị giải phóng đất
nước. Không như bên Mỹ, chúng tôi phải chiến đấu trên hai mặt trận.
Chúng tôi có rào chắn Ural ở phía Tây, và đàn thây ma Châu Á ở phía Đông
Nam. Siberia cuối cùng cũng đã được bình ổn nhưng chưa được an toàn
hẳn. Chúng tôi có rất nhiều người tị nạn đến từ Ấn Độ và Trung Quốc, rất
nhiều con zombie bị đông cứng giờ đã tan băng, và cứ thế lặp lại mỗi đợt
xuân về. Chúng tôi cần những ngày đông tháng giá ấy để tái tổ chức lực
lượng, ổn định dân cư, kiểm kê và phân phối số lượng vũ khí khổng lồ của
chúng tôi.
Chúng tôi không có bộ máy sản xuất phục vụ chiến tranh như ở các
nước khác. Ở Nga không tồn tại một Bộ Tài nguyên Chiến lược: không có
ngành công nghiệp nào ngoài chuyện kiếm đủ thức ăn để cho dân chúng
không chết đói. Thứ duy nhất chúng tôi có là di sản để lại của một quốc gia
công nghiệp quân sự. Tôi biết người phương Tây các anh vẫn cười nhạo sự
“ngu xuẩn” này của chúng tôi. “Bọn Ivan hoang tưởng” — các anh gọi
chúng tôi như vậy — “đi chế xe tăng, súng ống trong khi nhân dân cần xe
hơi, bơ sữa.” Vâng, Liên minh Xô-viết làm việc rất ngược đời và không
hiệu quả và vâng, nó cũng đã làm phá sản nền kinh tế của chúng tôi khi sản
xuất hàng núi vũ khí quân sự, nhưng khi Mẹ Tổ quốc cần đến chúng, chúng
những núi vũ khí ấy đã cứu sống đám con của bà.
[Ông chỉ về phía tấm áp phích đã mờ treo trên bức tường phái sau
lưng. Trên đó là hình ảnh mờ mờ của một người lính Xô-viết già từ
trên thiên đường chìa tay xuống tặng lại cho một thanh niên Nga với
nét mặt đầy hàm ơn khẩu tiểu liên cũ. Bên dưới đó là dòng chữ
“Dyedooshka, Spaciba” (Xin cảm ơn các bậc ông cha).]
Tôi là giáo sĩ thuộc đơn vị Súng trường Cơ giới Ba hai. Chúng tôi là
đơn vị Hạng D; trang thiết bị hạng tư, loại cũ nhất trong kho vũ khí của
chúng tôi. Với những khẩu tiểu liên PPSH và súng trường phát một MosinNagant, chúng tôi trông như thể mấy tay diễn viên phụ trong mấy bộ phim
cũ về cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại vậy. Chúng tôi không có mấy bộ
quân phục mới xa hoa như các anh. Chúng tôi phải mặc áo chẽn thời ông
cha để lại: lớp len của chúng thô ráp, mốc meo, bị nhậy cắn, thậm chí còn
không đủ để giữ ấm chứ đừng nói là chống cắn.
Tỉ lệ thương vong của chúng tôi rất cao, phần lớn là khi chiến đấu trong
các khu vực thành thị, và hầu hết là do đạn dược có vấn đề. Mấy viên đạn
ấy thậm chí còn già đời hơn chúng tôi; Một số viên đã nằm trong thùng từ
trước khi Stalin trút hơi thở cuối cùng, liên tục bị thiên nhiên tàn phá.
Chẳng thể biết được khi nào sẽ bị “Cugov,” tức vũ khí kêu đánh “kích” một
phát khi con zombie đang sắp đè ngửa mình ra rồi. Chuyện này xảy ra rất
thường xuyên đối với đơn vị Súng trường Cơ giới Ba hai.
Chúng tôi không được qui củ và có tổ chức như quân đội các anh.
Chúng tôi không áp dụng chiến thuật Khung vuông Raj-Singh chặt chẽ hay
chủ trương chiến đấu tiết kiệm “một phát chết một” của các anh. Các trận
đánh của chúng tôi rất luộm thuộm và tàn khốc. Chúng tôi rải đạn súng máy
hạng nặng DShK lên kẻ thù, lấy súng phun lửa và tên lửa Katyusha ra nhấn
chìm chúng và rồi đè bẹp bánh những chiếc xe tăng T-34 cổ lỗ. Làm vậy
thật là thiếu hiệu quả, lãng phí và dẫn đến quá nhiều thương vong không
đáng có.
Ufa là trận đánh tiến công lớn đầu tiên của chúng tôi. Nó là lí do tại sao
kể từ ấy chúng tôi thôi không vào các khu vực thành thị nữa và bắt đầu xây
tường ngăn cách chúng ra khi mùa đông đến. Trong mấy tháng đầu đó
chúng tôi đã học được rất nhiều bài học, xông thẳng vào trong đống đổ nát
sau khi nã đạn pháo hàng giờ liền, chiến đấu chiếm lại từng khu nhà một,
từng căn nhà một, từng gian phòng một. Bao giờ cũng có quá nhiều zombie,
quá nhiều viên đạn lạc, và quá nhiều thanh niên bị cắn.
111
Chúng tôi không có những viên thuốc L như trong quân đội các anh.
Cách duy nhất để giải quyết những người mang bệnh là tặng họ một viên
đạn. Nhưng ai sẽ bóp cò đây? Những người lính khác dứt khoát sẽ không
thực hiện. Giết đồng đội mình, ngay cả để ban cho người nhiễm bệnh cái
chết nhân từ, vẫn quá giống cuộc thanh trừng. Đó chính là điều trớ trêu. Các
cuộc thanh trừng đã mang lại cho lực lượng vũ trang của ta sức mạnh và
tính kỉ luật để có thể sẵn lòng làm mọi thứ được sai, mọi thứ ngoại trừ
chuyện này. Nếu yêu cầu hay kể cả là ra lệnh cho lính tráng giết lẫn nhau thì
sẽ đều đi quá đà và có thể gây ra một cuộc nổi loạn nữa.
Có một giai đoạn trách nhiệm đó thuộc về những người lãnh đạo, các sĩ
quan và các thượng sĩ. Đây thật là một quyết định tai hại. Phải nhìn vào mặt
họ, vào mặt những chàng trai đáng ra anh phải chăm lo, những chàng trai đã
sát cánh bên anh chiến đấu, cùng chia nhau chiếc chăn với mẩu bánh mì,
cứu mạng lẫn nhau... Liệu còn ai có thể tập trung vào cái trọng trách nặng
nề của người chỉ huy sau khi thực hiện một hành động như vậy?
Chúng tôi bắt đầu nhận thấy các sĩ quan chỉ huy thực địa trở nên tha hóa
rõ rệt. Lơ là bổn phận, rượu chè, tự sát — tự sát gần như trở thành đại dịch
trong lực lượng sĩ quan của chúng tôi. Đơn vị của tôi mất đi bốn vị chỉ huy
giàu kinh nghiệm, ba thiếu úy và một thiếu tá, tất cả chỉ nội trong tuần đầu
triển khai của chiến dịch đầu tiên. Trong số mấy ông thiếu úy, hai ông lấy
súng tự xử, một người thì ngay sau khi thực hiện chuyện kia, người còn lại
thì vào tối hôm đó. Vị trung đội trưởng thứ ba chọn giải pháp bị động hơn
mà chúng tôi gọi là “tự sát trong chiến đấu.” Ông ta xung phong thực hiện
những nhiệm vụ ngày càng nguy hiểm, hành động như một tên tân binh liều
lĩnh chứ không phải một thủ lĩnh dầy trách nhiệm. Ông hi sinh khi đang tìm
cách chống lại cả tá thây ma với chỉ một cái lưỡi lê.
Thiếu tá Kovpak thì lặn mất tăm. Không ai biết khi nào. Chúng tôi biết
chắc chắn ông ta không thể bị bắt đi được. Toàn bộ khu vực ấy đã được càn
quét rất kĩ lưỡng và không một ai, hoàn toàn không một ai dời trại mà
không có người đi kèm. Chúng tôi đều phỏng đoán được chuyện gì đã xảy
ra. Đại tá Savichev đưa ra tuyên bố chính thức rằng viên thiếu tá được cử đi
thực hiện nhiệm vụ trinh sát tầm xa và không bao giờ trở lại. Ông ta thậm
chí còn tiến cử ông ta Huân chương Rodina hạng nhất. Anh không thể ngăn
được tin đồn, và không gì có thể khiến tinh thần binh sĩ xuống thấp hơn
việc biết rằng sĩ quan chỉ huy mình đã có người đào ngũ. Tôi không thể
trách gì ông ta, đến giờ vẫn không thể. Kovpak là một người tốt, một thủ
lĩnh mạnh mẽ. Trước khi khủng hoảng xảy ra ông ta đã ba lần đi đến
Chechnya công tác và một lần đến Dagestan. Khi bọn xác chết bắt đầu sống
lại, ông ta không chỉ đã ngăn không cho đại đội mình nổi loạn mà còn dẫn
đầu tất cả bọn họ hành quân bộ, mang cả quân nhu lẫn những người bị
thương từ Curta trên dãy núi Salib về đến Manaskent trên biển Caspi. Sáu
mươi lăm ngày, ba mươi bảy trận đánh lớn. Ba mươi bảy! Đáng ra ông ta đã
có thể trở thành một hướng dẫn viên — ông ta quá xứng đáng — và đã
được bên STAVKA mời sang bởi kinh nghiệm chiến đấu dày dặn. Nhưng
không, ông tình nguyện được điều về chiến trường ngay lập tức. Và giờ ông
ta là kẻ đào ngũ. Họ gọi đây là “Cuộc Thanh Trừng Thứ Hai” bởi hồi đó
gần như cứ mười sĩ quan thì lại có một người tự sát, cuộc thanh trừng đó tí
nữa thì đập tan mọi hi vọng tiến hành chiến tranh của ta.
Vậy nên lựa chọn logic duy nhất còn lại đó là để họ tự làm việc đó. Tôi
vẫn có thể nhớ được mặt mũi họ, bẩn thỉu, lấm tấm mụn, đôi mắt đỏ ngầu
của họ mở rộng ra khi họ ngậm khẩu súng vào mồm. Còn biết làm gì nữa
đây? Không lâu sau họ bắt đầu tự sát theo nhóm, tất cả những ai bị cắn
trong khi chiến đấu đều tụ tập lại ở bệnh viện, cùng nhau bóp cò. Chắc vậy
họ thấy thoải mái hơn khi biết mình không phải chết một mình. Đó là niềm
an ủi duy nhất của họ. Niềm an ủi chắc chắn tôi không thể ban cho họ được.
Tôi là một người truyền đạo ở một quốc gia đa mất đức tin từ lâu. Hàng
chục năm dưới chế độ cộng sản và sau đó là nền dân chủ vật chất đã khiến
thế hệ Nga ấy không biết đến hoặc không cần đến “thứ thuốc phiện của
nhân dân.” Là một cha xứ, nhiệm vụ của tôi chủ yếu là thu thập những bức
thư gửi gia đình của nhũng chàng trai bị kết án tử và phân chia bất cứ chai
vodka nào tôi tìm thấy được. Sự tồn tại của tôi gần như là vô dụng. Tôi biết
điều đó, và căn cứ vào xu hướng phát triển của quốc gia này, tôi không tin
là điều ấy sẽ thay đổi.
Chuyện xảy ra ngay sau trận Kostroma, chỉ vài tuần trước khi phát động
cuộc tấn công chính thức vào Moscow. Tôi phải đến bệnh viện để cho
những người bị nhiễm bệnh được hưởng quyền lợi cuối cùng của mình. Họ
đã bị cách li, một số bị cào xé rất nghiêm trọng, số còn lại vẫn còn khỏe
mạnh, tỉnh táo. Người đầu tiên cùng lắm chỉ mười bảy. Thằng bé không bị
cắn, được thế có khi còn đỡ. Một con zombie bị bánh xích khẩu súng tự
động SU-152 cuốn đứt cẳng tay. Nó chỉ còn lại thịt treo lủng lẳng và xương
tay gãy, cạnh lởm chởm, sắc như dao. Nếu đó chỉ là cánh tay thì nó chỉ tóm
được thằng bé thôi. Đằng này nó lại đâm xuyên qua lớp áo chẽn của cậu ta.
Thằng bé nằm trên chiếu, bụng chảy máu ròng ròng, mặt xám ngoét, khẩu
súng trường run rẩy trong tay. Cạnh nó là một hàng gồm năm người lính
nhiễm bệnh khác. Tôi nói mình sẽ cầu nguyện cho linh hồn bọn họ. Tất cả
đều nhún vai hoạc lịch sự gật đầu. Tôi thu thập các bức thư của họ như
thường lệ, cho họ chút nước, thậm chí còn chia cho họ mấy điếu thuốc lá,
quà của sĩ quan chỉ huy. Mặc dù tôi đã làm chuyện này nhiều lần rồi, không
hiểu sao tôi thấy rất khác. Người tôi không hiểu sau cứ nhộn nhạo, một cảm
giác căng thẳng, ngứa ngáy len lỏi qua tim và phổi. Tôi cảm thấy người run
bần bật khi những người lính đặt nòng súng xuống dưới cằm. “Đếm đến
ba,” người lớn tuổi nhất nói. “Một… hai…” Họ chỉ đếm được đến đấy.
Thằng bé mười bảy tuổi bật ngược lại và ngã xuống sàn. Những người khác
đực mặt ra nhìn vào lỗ đạn trên trán nó, rồi nhìn vào khẩu súng vẫn còn bốc
khói trong tay tôi, trong tay Chúa.
Chúa đã nói với tôi, tôi có thể cảm nhận được lời lẽ của Ngài vang lên
trong đầu. “Không được phép phạm tội nữa,” Ngài nói với tôi, “không được
tống một linh hồn nào xuống địa ngục nữa.” Rất rõ ràng, rất đơn giản. Để
cho sĩ quan giết lính tráng đã khiến chúng tôi mất đi quá nhiều chỉ huy tốt,
và để lính tráng tự giết mình đã khiến Chúa trời mất đi quá nhiều sinh linh
tốt. tự sát là một tội ác, và chúng tôi, những đầy tớ của ngài — những người
được chọn để trở thành người chăn dắt trên cõi thế — là những kẻ duy nhất
phải gánh vác trách nhiệm giải thoát những linh hồn đang mắc kẹt trong các
cơ thể mang bệnh kia! Tôi đã nói vậy với chỉ huy đơn vị sau khi ông ta phát
hiện ra việc tôi làm. Đó cũng chính là thông điệp mọi giáo sĩ trên chiến
trường nhận được, và rồi đến cả những vị cha xứ thường dân trên khắp Mẫu
Quốc Nga.
Sau này người ta gọi đây là hành động “Tẩy uế Cuối cùng.” Đó là bước
đầu trong một phong trào tôn giáo thậm chí còn vượt qua cả cuộc nổi dậy
của người Iran hồi những năm 1980. Chúa hiểu rằng đám con của người từ
lâu đã không được người yêu thương. Chúng cần được chỉ dẫn, cần lòng
dũng cảm, cần hi vọng! Anh có thế nói đây chính là lí do sau cuộc chiến
chúng tôi trở thành một quốc gia tôn giáo và vẫn tiếp tục xây dựng lại đất
nước dựa trên nền tảng đức tin ấy.
Có thật là triết lí ấy đã bị làm lệch lạc đi để phục vụ các mục đích
chính trị không?
[Im lặng.] Tôi không hiểu.
Tổng thống đã tự phong mình là thủ lĩnh các Nhà thờ…
Chẳng lẽ một nguyên thủ quốc gia không được phép cảm nhận tình yêu
của Chúa sao?
Thế còn việc tổ chức các cha xứ thành những “biệt đội thần chết,” và
rồi ám sát người khác dưới danh nghĩa “tẩy uể những người mắc bệnh”?
[Im lặng.] Tôi không biết anh đang nói gì.
Chẳng phải đó là lí do mà ông không giữ được quan hệ với Moscow
nữa sao? Chẳng phải đó là lí do ông ở đây sao?
[Thêm một khoảng lặng dài. Chúng tôi nghe có tiếng chân tới gần.
Có ai đó gõ cửa. Cha Sergei mở ra và thấy một đứa bé ăn mặc rách
rưới. Gương mặt tái nhợt, hoảng sợ của nó lấm lem bùn đất. Nó nói với
giọng địa phương nghe rất hốt hoảng, vừa la vừa chỉ lên phía đầu
đường. Vị linh mục già trịnh trọng gật đầu, vỗ vai thằng bé và quay
sang phía tôi.]
Rất cảm ơn anh đã đến thăm. Giờ tôi xin phép nhé?
[Trong lúc tôi đứng lên ra về, ông mở cái rương gỗ lớn phái chân
giường ra, lấy ra quyển kinh thánh và một khẩu súng lục thời Thế
Chiến Thứ Hai.]
TRÊN BOONG TÀU USS HOLO KAI, NGOÀI BỜ BIỀN QUẦN
ĐẢO HAWAII
[Deep Glider 7 trông giống một cái máy bay hai thân hơn là một con
tàu ngầm cỡ nhỏ. Tôi nằm sấp mặt chỗ mạn phải tàu, nhìn qua một cái
khoang buồng lái bằng kính dày, trong suốt. Lái tàu của tôi, Thượng sĩ
Hải quân Michael Choi, vẫy tôi từ phía mạn tàu bên trái. Choi là một
trong những “lão làng,” nhiều khả năng là tay lặn cừ khôi nhất trong
112
Quân đoàn Chiến đấu Dưới sâu (DSCC ) của hải quân Mỹ. Phần tóc
mai đã bạc và những vết chân chim trên mặt ông tương phản hoàn
toàn với sự nhiệt tình đầy sức trẻ vị thượng sĩ này. Khi tàu mẹ hạ
chúng tôi xuống khu biến Thái Bình Dương thất thường, tôi phát hiện
ra trong cách nói của Choi có hơi đớt giọng “dân ván lướt.”]
Cuộc chiến của tôi không có hồi kết. Thậm chí còn có thể nói là nó đang
ngày một leo thang. Tháng nào chúng tôi cũng phải mở rộng qui mô chiến
dịch và nâng cấp tài nguyên cũng như nhân lực. Người ta nói rằng vẫn còn
tầm từ hai mười đến ba mươi triệu con thỉnh thoảng vẫn bị sóng đánh dạt
lên bờ hoặc kẹt vào lưới bắt cá của ngư dân. Không thể nào làm việc trên
một giàn khoan dầu ngoài biển hay sửa cáp xuyên đại dương mà không gặp
phải một đàn. Đây là mục đích của chuyến đi lặn này: tìm chúng, theo dõi
chúng, và dự đoán hướng di chuyển của chúng để có thể đưa ra cảnh báo
sớm.
[Chúng tôi chạm mặt nước nghe đánh tõm một cái. Choi mỉm cười,
kiểm tra dụng cụ, và chỉnh kênh điện đàm từ băng tần của tôi sang của
tàu mẹ. Phần nước phía trước vòm quan sát của tôi thoáng sủi bọt
trắng, sau đó chuyển sang xanh nhạt khi chúng tôi lặn xuống.]
Đừng có mà hỏi về đồ lặn hay áo chống cá mập làm bằng titan nhé bởi
vì cuộc chiến của tôi không cần ba cái thứ đó. Súng phóng lao và đạn dưới
nước và lưới bắt zombie ở sông… tôi không cấp cho anh mấy cái đó được.
Nếu anh muốn đồ dân sự thì hãy đi nói chuyện với đám thường dân.
Nhưng quân đội cũng có sử dụng những phương pháp kia mà.
Chỉ trong chiến dịch trên sông thôi, và gần như chỉ có quân đội thực
hiện. Trước giờ tôi chưa từng mặc đồ lặn hay áo bảo hộ kiểu đó… ờ thì… ít
113
nhất là không phải khi chiến đấu. Cuộc chiến của tôi chỉ cần đến ADS .
Đồ Lặn Khí Quyển. Nó như kiểu một bộ đồ du hành vũ trụ lai với áo giáp.
114
Công nghệ này đã có được vài trăm năm, kể từ khi có thằng cha phát
minh ra một cái thùng với kính che mặt và lỗ chui tay. Sau đó ta có những
thứ như Tritonia và Neufeldt-Kuhnke. Chúng trông như đồ trong phim viễn
tưởng thời những năm 1950 vậy, “Người máy Robby” hay đại loại thế. Nó
trở nên lỗi mốt khi… anh có muốn nghe không?
Có chứ, xin ông cứ tiếp tục…
Ừ thì, cái thứ công nghệ ấy trở nên lỗi mốt khi người ta phát minh ra đồ
lặn. Nó chỉ quay trở lại khi thợ lặn cần phải xuống sâu, rất sâu, để xây dựng
các giàn khoan dầu ngoài biển. Anh biết đấy… xuống càng sâu áp suất càng
lớn; áp suất càng lớn thì càng nguy hiểm khi mặc đồ lặn hay những thứ
dùng khí thở tương tự. Anh sẽ phải ngồi trong buồng giảm áp vài ngày và
đôi khi là vài tuần liền. Nếu vì một lí do gì đó anh phải lao lên mặt nước…
anh sẽ bị giếng chìm, khí ga ở trong máu, ở trong não… và đấy là còn chưa
nói đến những ảnh hưởng lâu dài về sức khỏe như hoại tử xương do đem
truyền vào trong cơ thể những thứ tự nhiên không cho phép.
[Ông dừng lại để kiểm tra dụng cụ.]
Cách an toàn nhất để lặn, để xuống được sâu hơn, ở lại được lâu hơn đó
là cho cơ thể được bao bọc trong một lớp áp lực như trên mặt đất.
[Ông ra dấu về phía bộ đồ chúng tôi đang mang trên người.]
Cũng như chúng ta bây giờ — an toàn, được bảo vệ, cơ thể của ta về cơ
bản vẫn còn ở trên mặt đất. Đó là công dụng của ADS, độ sâu và thời gian
lặn của nó chỉ bị giới hạn bởi lớp giáp và lượng không khí.
Vậy nó giống như một cái tàu ngầm cá nhân?
“Tàu lặn.” tàu ngầm có thể ở dưới nước suốt mấy năm liền, tự tạo ra
điện, ra không khi. Tàu lặn chỉ bơi dưới nước được trong một quảng thời
gian ngắn, giống như tầu ngầm thời Thế Chiến thứ Hai hoặc cái thứ mà ta
đang mặc tên người đây.
[Nước bắt đầu tối dần, chuyển sang màu mực tím.]
ADS về bản chất là một bộ giáp nên rất lí tưởng cho việc chiến đấu dưới
đại dương. Tôi không muốn chê bai gì mấy bộ giáp hạng nhẹ, áo chống cá
mập hay các bộ đồ lặn khác. Chúng có độ linh hoạt, tính cơ động và tốc độ
cao hơn gấp mười lần nhưng chỉ được ở chỗ nước nông thôi, và nếu mà anh
bị mấy thằng khốn nạn kia chúng nó tóm thì… Tôi đã từng bắt gặp thợ lặn
bị gãy tay, gãy xương sườn, ba người bị gãy cổ. Chết chìm… nếu ống dẫn
khí bị thủng hay bộ điều áp bị rứt ra khỏi miệng. Ngay cả nếu đội mũ bảo
hộ hay mặc đồ nhái có giáp bên dưới thì chúng cũng chỉ cần ghì anh xuống,
đợi khi anh hết không khí. Tôi đã chứng kiến nhiều người bị như thế, hoặc
tìm cách bơi lên bề mặt và để chứng tắc mạch hoàn thành nốt công việc của
lũ Zack.
Thợ lặn có hay bị thế không?
Đôi lúc, nhất là hồi mới đầu, nhưng chuyện đó không bao giờ xảy ra với
chúng tôi. Chúng tôi không sợ bị nguy hiểm về thân thể. Cả người lẫn hệ
thống trợ khí đều được bọc trong hợp kim nhung hay vỏ tổng hợp chịu bền.
Hầu hết các khớp nối của tất cả các mẫu đều làm từ thép hoặc titan. Cho dù
Zack có vặn tay kiểu gì, ngay cả nếu chúng có tóm chắc được, khá khó bởi
mọi thứ rất nhẵn và tròn, bẻ gãy được tay chân chúng tôi vẫn là điều không
thể. Nếu cần phải trồi lên thì chỉ cần vứt bỏ cục dằn hoặc máy đẩy nếu có…
bộ đồ nào cũng đều nổi được. Chúng nổi lên như cái núi chai vậy. Nó chỉ
nguy hiểm mỗi chuyện là bọn Zack có thể bấu lấy anh trong lúc anh nổi lên.
Có mấy lần bạn tôi trồi lên cùng với mấy ông khách quá giang, sống chết
bám lấy…hoặc là chỉ liều chết bám lấy thôi. [Cười.]
Gần như không ai phải nổi lên trong chiến đấu. Hầu hết các mẫu ADS
đều có hệ thống duy trì sự sống khẩn cấp trong vòng bốn mươi tám tiếng.
Cho dù có bị bao nhiêu con G đánh hội đồng, cho dù nếu nguyên một tảng
đất đá gì đó rơi ụp xuống người hay chân mắc phải cáp ngầm, anh vẫn có
thể ngồi yên ổn, thoái mái ở đấy đợi viện binh. Không ai lại đi lặn một
mình, và tôi nghĩ lần lâu nhất một thợ lặn ADS phải đợi là sáu tiếng. Có
mấy lần, nhiều hơn số đầu ngón tay, có người bị tóm, báo lại tình hình rồi
nói rằng tình hình không có gì nguy hiểm cả và cả đội chỉ càn đến hỗ trợ
sau khi hoàn tất nhiệm vụ.
Ông nói là các mẫu ADS. Có nhiều hơn một loại sao?
Chúng tôi có cả đống: dân sự, quân sự, cũ, mới… ừ thì… tương đối
mới. Hồi chiến tranh không chế ra mẫu nào cả nên chúng tôi phải làm việc
với những gì có sẵn. Mấy mẫu đời cũ có cái còn có từ hồi những năm bảy
mươi, bộ JIM và SAM. Rất mừng là tôi chưa phải mặc mấy bộ đó bao giờ.
Chúng chỉ có khớp đăng và khe miệng thay vì mũ chụp, ít nhất mấy mẫu
JIM cũ là như thế. Tôi có biết một tay thuộc Lực lượng Tàu Đặc nhiệm
Anh. Hắn có mấy cái khối tụ máu trông rất tởm dọc đùi trong, chỗ da bị
khớp chân của bộ JIM kẹp. Đám SBS đấy là những thợ lặn rất lành nghề,
nhưng tôi không dám đổi vị trí với họ đâu.
Hải quân Mỹ có ba mẫu cơ bản: bộ Hardsuit 1200, 2000, và bộ Exosuit
Mark 1. Cục cưng của tôi đó, bộ exo. Cái thứ này chẳng khác nào khoa học
viễn tưởng, nó trông như thể được làm ra để chiến đấu chống lũ mối khổng
lồ ngoài hành tinh. Nó nhỏ gọn hơn hai bộ Hardsuit kia và đủ nhẹ để nếu
cần có thể bơi. Đây là một ưu điểm vượt trội so với bộ Hardsuit, đúng hơn
là so với tất cả các mẫu ADS khác. Có thể hoạt động phía bên trên kẻ thù
mà không cần máy kéo hay bộ đẩy, thế là quá đủ để bù cho việc anh không
thể gãi chỗ ngứa được. Mấy bộ Hardsuit đủ to để anh có thể rụt tay vào
trong và điều hành các trang thiết bị phụ.
Trang thiết bị nào vậy?
Đèn pin, máy quay, hệ thống máy dò siêu âm. Hardsuit là đồ chính
hãng, exo là hàng chợ. Anh không cần để ý đến các thứ thông tin hiển thị
hay máy móc linh tinh gì cả. Anh không dễ bị sao nhãng hay phải làm nhiều
việc cùng một lúc như khi mặc bộ Hardsuit. Bộ exo gọn nhè và đơn giản,
cho phép anh tập trung sử dụng vũ khí hoặc để ý phần không gian phía
trước.
Các ông sử dụng những loại vũ khí gì?
Mới đầu chúng tôi dùng M-9, một phiên bản sao chép rẻ tiền của thiết bị
APS của Nga, được chỉnh sửa lại một chút. Tôi nói là “được chỉnh sửa” bởi
vì không thết bị ADS nào có bộ phận tay. Anh có bộ vuốt bốn ngạnh hoặc
tay càng cua công nghiệp đơn giản. Cả hai đều có công dụng làm vũ khí cận
chiến — tóm lấy đầu một con G và siết vào — nhưng chúng khiến bọn tôi
không thể dùng súng được. mấy chiếc M-9 được gắn vào cườm tay và có
thể dùng điện phóng ra. Nó có laze chỉ đường để tăng độ chính xác và vỏ
đạn chứa khí bắn ra mấy cái que sắt dài hơn một phân. Vấn đề lớn nahats đó
là chúng được thiết kế cho các chiến dịch chỗ nước cạn. Ở độ sâu chúng tôi
cần, chúng bị ép bẹp dúm lại như vỏ trứng vậy. Được khoảng một năm thì
chúng tôi có mẫu hiệu quả hơn, loại M-11, phát minh ra bởi cùng cái tay đã
sáng chế cả Hardsuit lẫn exo. Tôi hi vọng cái tay Canuck điên đó được chết
ngập trong huy chương vì những gì hắn đã làm cho chúng tôi. Chết nỗi là
DeStRes thấy chi phí sản xuất của nó quá cao. Họ cứ nói với bọn tôi rằng
cái mớ vuốt với mấy thứ công cụ xây dựng có sẵn là đủ để cân lũ Zack rồi.
Sao họ lại thay đổi ý định?
Troll. Chúng tôi đang ở khu vực Bắc Hải sửa bệ khí tự nhiên của Na Uy
thì đột nhiên chúng kéo đến… Chúng tôi có tính sẵn là mình sẽ bị tấn công
— tiếng ồn và các thứ ánh sáng ở khu công trường bao giờ cũng thu hút đến
cả một toán. Chúng tôi không biết gần đó có nguyên một đoàn. Lính canh
của chúng tôi có người báo động, chúng tôi tiến về phía chỗ đèn hiệu của
anh ta và đột nhiên chúng tôi bị bao vây. Đánh cận chiến dưới nước là cả
một cơn ác mộng. Đáy biển bị khuấy tung lên, tầm nhìn coi như không có,
như thể phải đánh nhau trong một cốc sữa vậy. Bọn zombie khi bị đánh
trúng không chỉ chết luôn mà hầu hết đều rã ra, các mảnh cơ, nội tạng, chất
não trộn vào với bùn và xoáy quanh người anh. Bọn trẻ ngày nay… toàn
hàng khủng. Tôi nói nghe như ông già nhà tôi nhưng phải công nhận là
cũng đúng, bọn trẻ ngày nay, lớp thợ lặn ADS tân binh được mặc đồ Mark 3
và 4, chúng có bộ “ZeVDeK” — Đồ nghề Dò tìm khi Tầm nhìn bị Hạn
115
chế — với ảnh dò sóng siêu âm màu và thiết bị thị giác sáng yếu. Hình
ảnh được truyền lên màn hình HUD ngay trên tấm kính che mặt như trong
máy bay chiến đấu vậy. Thêm một cặp tai nghe lập thể dưới nước nữa và
thế là đã có lợi thế hơn hẳn bọn Zack về mặt cảm quan rồi. Hồi bọn tôi mới
dùng không được như thế. Chúng tôi chẳng thấy, chẳng nghe được gì —
chúng tôi thậm chí còn không thể cảm thấy liệu có con G nào đang tìm cách
tóm lấy chúng tôi từ phía sau lưng không.
Tại sao vậy?
Bởi vì một trong những thiếu sót cơ bản của một bộ ADS đó là nó hoàn
toàn không có xúc giác. Đây là một bộ giáp vậy nên anh không thể cảm
nhận được cái gì ở thế giới bên ngoài, ngay cả nếu có một con G thò ra tóm
lấy anh. Trừ khi thằng Zack ấy chủ động giật, tìm cách kéo hoặc xoay anh
lại thì có khi anh còn không biết nó đang ở đó cho đến khi nó dí vào tận mặt
anh. Đêm hôm đó ở Troll… ánh đèn trên mũ bảo hộ của chúng tôi chỉ làm
rách việc thêm bởi chúng tạo ra ánh sáng rất lóa thỉnh thoảng lại bị một cái
tay hay một cái mặt con thây ma thò vào. Đó là lần duy nhất tôi ghê…
không phải sợ mà là ghê, anh hiểu chứ, đang lần mò trong cái bãi nước đục
ngầu thì đột nhiên có một cái tay thối rữa đập thẳng vào kính che mặt.
Đám công nhân khoan dầu dứt khoát không chịu quay lại làm việc dù bị
dọa là sẽ bị trừng phạt thích đáng cho đến khi chúng tôi, đoàn hộ tống của
họ, được vũ trang tử tế hơn. Họ đã mất nhiều người lắm rồi, bị phục kích từ
trong bóng tối. Đúng là không thể tưởng tượng nổi. Anh đang mặc đồ lặn,
làm việc trong màn đêm đen kịt, mắt cay xè do phải nhìn vào đèn hàn,
người tê đi vì lạnh hoặc vã mồ hôi như tắm trong luồng nước sôi thải ra từ
hệ thống. Đột nhiên anh cảm thấy có cái tay tóm, thấy răng cắn. Anh vật
lộn, kêu cứu, cố chống trả hoặc tìm cách bơi đi trong khi họ kéo anh lên. Có
lẽ mấy phần thi thể sẽ nổi lên mặt nước, có lẽ người ta sẽ chỉ kéo lên được
một cái cáp đứt rời. Đó là lí do DSCC trở thành một đơn vị chính thức.
Nhiệm vụ của chúng tôi là phải bảo về thợ khoan dầu, đảm bảo công cuộc
khai thác. Sau này chúng tôi chuyển sang dọn dẹp đổ bộ bãi biển và dọn
dẹp cảng bể.
Dọn dẹp đổ bộ bãi biển là gì?
Nói đơn giản là giúp bên lục quân đổ bộ lên bờ. Sau vụ Bermuda, đợt
đổ bộ đường biển đầu tiên, chúng tôi nhận ra rằng lực lượng đổ bộ liên tục
bị G tấn công từ trong những con sóng. Chúng tôi phải thiết lập vành đai,
chăng một cái lưới bán nguyệt quanh khu vực đổ bộ, đủ sâu để tàu bè đi qua
nhưng cũng phải đủ cao để ngăn lũ Zack lại.
Đó là nhiệm vụ của chúng tôi. Hai tuần trước khi tiến hành đổ bộ, sẽ có
một con tàu thả neo cách bờ vài dặm và bắt đầu bật hệ thống rađa siêu âm
chủ động. Làm vậy là để dụ bọn Zack ra xa khu vực bãi biển.
Chẳng phải hệ thống rađa siêu âm ấy cũng sẽ dụ thêm zombie từ
những vùng nước sâu sao?
Cấp trên bảo với chúng tôi rằng đó là “nguy cơ chấp nhận được.” Chắc
họ chẳng còn thứ đồ gì tốt hơn. Đó là lí do phải để bên ADS vào cuộc, quá
nguy hiểm đối với thợ lặn thông thường. Ai cũng biết nguyên cả một đàn
đang tụ tập dưới cái tàu phát tiếng binh binh kia, và rằng một khi nó trở nên
yên lặng, mình sẽ trở thành cái mục tiêu lồ lộ nhất. Hóa ra chuyện này dễ
như ăn bánh. Tần suất bị tấn công tính đến nay vẫn là thấp nhất, và khi lưới
đã được mắc lên, tỉ lệ thành công gần như là tuyệt đối. Chỉ cần một đội rất
nhỏ để cảnh giới, có thể là hạ một hai con G nào đó tìm cách trèo qua. Thực
tình thì họ cung không cần đến chúng tôi cho những nhiệm vụ như thế này.
Sau ba cuộc đổ bộ, họ quay trở lại sử dụng thợ lặn thường.
Thế còn dọn dẹp cảng bể?
Cái này thì lại không dễ chút nào. Đây là giai đoạn kết thúc của cuộc
chiến, khi lúc này không chỉ còn cần đổ bộ nữa mà còn cần phải mở lại các
cảng biển để cho các chuyến đi xa bờ. Đây là một chiến dịch phối hợp
khổng lồ: thợ lặn, các đơn vị ADS, thậm chí cả tình nguyện viên thường
dân với chỉ một bộ đồ lặn và khẩu súng phóng lao. Tôi đã hỗ trợ dọn dẹp
Charleston, Norfolk, Boston, mẹ sư cái cảng Boston, và cơn đại ác mộng
của chiến tranh dưới nước, thành phố Hero. Tôi biết bọn bộ binh thường
hay ca cẩm về việc phải dọn dẹp thành phố, nhưng hãy thử tưởng tượng
một thành phố ngầm dưới nước xem, thành phố của đủ thứ tàu bè, xe cộ,
máy bay chìm, chưa kể mọi loại gạch đá đỏ nát không ai tưởng tượng nổi.
Trong đợt di tản, rất nhiều tàu chở hàng cần phải kiếm thêm chỗ và thế là
họ vứt hết chỗ hàng trên boong xuống biển. Ghế bành, lò nướng, hàng núi
quần áo. Ti vi màn hình Plasma mỗi khi bị giẫm lên là lại kêu đánh rắc một
cái. Tôi luôn tưởng tượng đó là tiếng xương kêu. Tôi cũng hơi hoang tưởng
rằng mình có thể thấy bọn Zack đằng sau mỗi chiếc máy giặt và máy sấy,
trèo lên trên những núi điều hòa hỏng. Đôi khi đó chỉ là do tôi tưởng tượng
ra, nhưng đôi khi… Tệ nhất… tệ nhất là phải dọn mấy con tàu chìm. Bao
giờ cũng có một số tàu bị chìm trong khu vực cảng. Một số tàu chẳng hạn
như chiếc Frank Cable, thuyền lai dắt tàu ngầm cỡ lớn được chuyển sang
chở người tị nạn, bị chìm ngay chỗ cửa vào của cảng. Trước khi lôi nó lên,
chúng tôi phải đi dọn từng buồng một trên tàu. Đây là lần duy nhất tôi cảm
thấy bộ exo vướng víu, khó điều khiển. Tôi không đến mức bị cộc đầu vào
mọi hành lang, nhưng thực tình là tôi cảm thấy y như vậy. Rất nhiều cửa bị
các đống đổ nát chặn mất. Chúng tôi hoặc là phải mở đường đi xuyên qua
chỗ đó, hoặc là đi xuyên qua boong và vách ngăn. Đôi khi boong tàu đã bị
yếu đi do hư hỏng hay ăn mòn. Tôi đang loay hoay mở đường đi qua bức
vách phía trên phòng máy của tàu Cable thì đột nhiên bị cả cái boong sập
xuống đầu. Trước khi kịp bơi đi, trước khi kịp suy nghĩ… đã có cả trăm
thằng ở trong phòng máy rồi. Tôi bị ngập trong một biển tay chân và thịt
thối. Nếu như tôi mà có bị ác mộng, hiện thì không có nhé, nhưng nếu có
thật thì tôi sẽ lại ở dưới đó, có điều lần này tôi hoàn toàn không có giáp bảo
hộ….
[Tôi rất ngạc nhiên khi thấy mình đến được đáy biển nhanh chóng
thế. Nó trông như một vùng sa mạc hoang vu căn cỗi, sáng trắng lên
trên nền bóng tối vĩnh cửu. Tôi thấy những rặng san hô xoắn gãy gục
và bị bọn thây ma chà đạp lên.]
Chúng đây rồi.
[Tôi nhìn và thấy cả một đàn, khoảng chừng sáu mươi đứa đang đi
ra từ trong màn đêm của hoang mạc.]
Bắt đầu thôi.
[Choi kéo tôi lên phía bên trên chúng. Chúng thò tay lên quơ quào
lấy ánh đèn của bọn tôi, mắt mở rộng, hàm há hốc. Tôi có thể thấy tia
laze đỏ mờ ngắm vào mục tiêu đầu tiên. Một giây sau, một mũi phi tiêu
nhỏ cắm ngập vào ngực nó.]
Một…
[Ông căn chỉnh tia laze vào mục tiêu thứ hai.]
Hai…
[Ông bơi xuống phía cuối đàn, đánh dấu mỗi con với một phát bắn
không gây chết.]
Thật xót hết cả ruột khi không được giết chúng. Ý tôi là, tôi hiểu mục
tiêu là để theo dõi hoạt động của chúng, thiết lập một hệ thống cảnh báo.
Tôi biết rằng nếu có đủ nguồn lực để giết hết chúng thì ta đã làm rồi. Cơ
mà…
[Ông đánh dấu mục tiêu thứ sáu. Cũng như những con khác, con
này không để ý gì đến cái lỗ nhỏ trên xương ức của mình.]
Sao mà chúng làm được như vậy? Sao mà chúng vẫn còn ở đây? Không
gì có thể ăn mòn kinh như nước mặn. Bọn G này đáng ra đã phải chết hết
rồi, thậm chí trước cả bọn trên cạn. Quần áo chúng thì đã rách hết từ lâu,
bất cứ thứ gì có nguồn gốc hữu cơ như vải hay da.
[Bọn thây ma bên dưới chúng tôi trần truồng như nhộng.]
Sao chúng không hề hấn gì hết? Có phải do nhiệt độ không, hay là áp
suất? và tại sao mà chúng lại có thể chịu được áp suất như thế? Ở độ sâu
này hệ thống thần kinh của con người đáng lí ra phải bị ép nát bét ra như
thạch Jell-O rồi chứ. Đáng ra chúng còn không thể đứng được chứ đùng nói
đi đứng và “suy nghĩ,” hay là cái qui trình của khỉ gì đó hiện đang có trong
não chúng. Sao mà chúng làm được như thế? Dám cá cấp trên biết hết và lí
do duy nhất họ không nói cho tôi biết đó là…
[Đột nhiên ông bị ánh đèn nhấp nháy trên dụng cụ của mình làm
cho xao nhãng.]
Ê, ê, ê. Xem này.
[Tôi nhìn xuống bảng điều khiển của mình. Thật không hiểu nổi các
số hiệu này là sao.]
Nóng phết, chỉ số phóng xạ rất cao. Chắc đến từ biển Ấn Độ Dương,
Biển Iran hay Paki, hay có thể là từ cái tàu tấn công của Trung Quốc bị
chìm ở Manihi. Nghe có lí đấy chứ?
[Ông bắn thêm một mũi phi tiêu nữa.]
Số anh may đấy. Đây là lần lặn trinh sát có người cuối cùng. Tháng sau
116
sẽ chuyển sang dùng ROV
100 phần trăm.
Đã có nhiều tranh cãi xoay quanh chuyện đưa ROV vào trong chiến
đấu.
117
Còn lâu. Bà Tầm quá quyền lực. bà ta sẽ không bao giờ để cho Quốc
hội lấy người máy ra thay cho chúng tôi.
Lập luận của họ có phần nào đúng không?
Lập luận nào, ý anh là liệu người máy đánh đấm có hiệu quả hơn thợ
lặn ADS không à? Vớ vẩn. Ba cái cớ “hạn chế mất mát về người” toàn là bố
láo hết. Chúng tôi chưa từng có thương vong trong chiến đấu, không mất
đến dù chỉ một người! Cái thằng họ cứ liên tục lôi tên ra, Chernov, hắn bị
giết sau khi chiến tranh kết thúc, ở trên cạn, khi hắn say bí tỉ và lăn ra ngủ
trên đường tàu. Mồ tổ lũ chính trị gia.
Có thể ROV có hiệu quả kinh tế cao hơn, nhưng chúng không thể nào
tốt hơn được. Tôi không chỉ nói về trí tuệ; tôi đang nói về nhiệt huyết, bản
năng, khả năng chủ động, mọi thứ đã làm nên chúng tôi. Đó là lí do tôi vẫn
còn ở đây, cả bà Tầm nữa, và gần như tất cả những cựu binh đã từng thử
liều trong cuộc chiến nữa. Phần lớn chúng tôi vẫn còn là người trong cuộc
bởi vì đây là nghĩa vụ, bởi vì họ vẫn chưa sáng chế ra được mọt mớ máy
móc để thay thế chúng tôi. Tin tôi đi, khi họ thực hiện được điều đó, không
những tôi sẽ không bao giờ nhìn mặt một bộ exo nào nữa mà tôi sẽ rời lực
lượng hải quân luôn, chơi một quả Alpha Tháng Mười Một Alpha.
Đó là cái gì vậy?
118
Action in the North Atlantic
, một bộ phim chiến tranh trắng đen cũ.
Trong đó có một tay, anh có biết cái gã đóng “Skipper” trong phim
119
Gilligan’s Island không? Chính ông già của hắn đấy. Hắn có nói câu
này… “Tôi sẽ vác mái chèo lên vai và đi sâu vào trong đất liền. ngay khi có
người hỏi ‘Anh vác cái gì trên vai đấy?’, đó sẽ là chặng dừng chân cuối
cùng của tôi.”
QUEBEC, CANADA
[Nông trại nhỏ này không có bờ tường, cửa sổ không có chấn song
và cửa không có khóa. Khi tôi hỏi chủ nhà về chuyện này ông ta chỉ
cười và tiếp tục ăn. Andre Renard, anh trai người hùng chiến tranh
huyền thoại Emil Renard, đã yêu cầu tôi giữ kín địa chỉ chính xác nơi
ông ở. “Tôi không sợ đám xác chết đến tìm tôi,” ông nói lạnh băng,
“nhưng tôi hơi ớn đám người sống.” Người đàn ông trước mang quốc
tịch Pháp di cư đến đây sau khi miền Tây Châu Âu chính thức kết thúc
các hoạt động thù địch. Mặc dù đã nhận được nhiều lời mời từ phía
chính phủ Pháp, ông vẫn dứt khoát không quay về.]
Bất cứ ai tuyên bố rằng chiến dịch của họ “là phần việc khó khăn nhất
trong cuộc chiến” đều là đồ nói dối hết. Toàn một lũ công ngốc nghếch vỗ
ngực khoe khoang về “chiến tranh rừng núi” hay “chiến tranh rừng rậm”
hay “chiến tranh đô thị.” Đô thị, ôi, lũ kia thích khoe khoang về các khu đô
thị lắm! “Không gì có thể kinh hoàng hơn việc phải chiến đấu trong một
khu đô thị!” Ồ thật sao? Thử chui xuống dưới nó xem.
Anh có biết tại sao Paris không có cao ốc không, ý tôi là cái thành phố
Paris tử tế thời tiền chiến ấy? Anh có biết tại sao họ phải xây mấy con quái
vật làm từ kính và thép ấy ở tận La Defense, xa trung tâm thành phố đến
vậy không? Vâng, cũng có lí do thẩm mỹ, cần lưu giữ vẻ tiếp nối và niềm
tự hào dân tộc… không như cái mớ kiến trúc lai tạp gọi là London. Nhưng
cái lí do logic và thực tế cho việc Paris không có những tòa nhà chọc trời
theo kiểu Mỹ đó là vì phần đất bên dưới bị đào hầm nhiều quá rồi, không
thể chống chịu được.
Có các nấm mộ La Mã, các mỏ cung cấp đá vôi cho phần lớn thành phố,
thậm chí cả các boongke của Quân Kháng Chiến thời Thế Chiến Thứ Hai
và vâng, chúng tôi có lực lượng Kháng Chiến! Rồi còn có cả đường tàu
điện ngầm hiện đại, đường dây điện thoại, ống dẫn ga, ống dẫn nước… và
còn cả mấy hầm mộ nữa. Gần sáu triệu xác người được chôn ở dưới đó, lấy
từ các nghĩa trang trước Cách mạng, hồi đó các xác chết bị quăng vào như
rác rưởi. Lắm bức tường trong khu các hầm mộ chỉ toàn đầu lâu với xương
xẩu, sắp xếp theo cách thức rất quái dị. Thậm chí ở một số chỗ xương đan
chéo vào nhau còn có công dụng giữ những đống xác lỏng lẻo đằng sau ở
nguyên vị trí. Lúc nào tôi cũng nghĩ mấy cái đầu lâu đang cười nhạo mình.
Tôi không nghĩ mình lại có thể trách cứ những người tìm cách sống sót
trong cái thế giới ngầm đó. Hồi đó họ không có quyển hướng dẫn sinh tồn,
họ không có Radio Free Earth. Hồi đấy vẫn còn đang là Cuộc Đại Loạn. Có
lẽ một số người tưởng mình biết rõ mấy đường hầm này và quyết định vào
thử, có vài người đi theo, rồi lại thêm vài người nữa. Tiếng đồn loang xa,
“dưới đất rất an toàn.” Tổng cộng có đến một phần tư triệu, tính theo số
lượng xương, hai tram năm mươi ngàn người tị nạn. Có lẽ nếu họ có tổ
chức, biết đường mang theo thức ăn và dụng cụ hay chỉ cần đủ khôn để
đóng cửa hầm phía sau lưng lại và đảm bảo chắc chắn rằng những người
chui theo vào không bị nhiễm bệnh …
Ai lại có thể khẳng định rằng những thứ họ trải qua lại có thể bì được
với những thứ chúng tôi phải chịu đựng cơ chứ? Cái tối tăm, cái hôi thối…
chúng tôi gần như không có kính nhìn đêm, mỗi trung đội chỉ được phát
một cặp, và đấy là nếu anh may mắn. Chúng tôi còn thiếu cả pin dự phòng
cho đèn pin nữa. Lắm khi cả đội chỉ còn một cái hoạt động được, phỉa đưa
cho người đi đầu, rọi soi bóng tối với tia sáng đỏ rực.
Không khí dưới đấy rất độc, toàn mùi nước công, hóa chất, thịt thối
rữa… mấy cái mặt nạ phòng độc có cũng như không bởi hầu hết các bộ lọc
đều đã quá hạn sử dụng. Chúng tôi phải đội bất cứ thứ gì tìm được, các mẫu
đời cũ của quân đội hoặc mũ cứu hỏa che toàn đầu khiến anh vã mồ hôi như
lợn, làm anh vừa mù vừa điếc. Chả bao giờ anh biết mình đang ở đâu cả,
phải nhìn qua cái kính che mặt bám đầy hơi nước, giọng đồng đội thì nghe
nghèn nghẹt, còn cả cái tiếng lẹt xẹt của người trực điện đài nữa.
Chúng tôi phải dùng bộ có dây nối vì tín hiệu truyền qua không khí quá
bất ổn, anh hiểu chứ? Chúng tôi dùng dây điện thoại cũ, dây đồng chứ
không phải sợi quang. Chúng tôi rứt nó ra khỏi ống dẫn và mang theo cả
một cuộn to đùng để kéo dài phạm vi. Đó là cách duy nhất để giữ liên lạc,
và phần lớn thời gian cũng là cách duy nhất để không bị lạc.
Dưới đó rất dễ lạc. Tất cả các bản đồ đều được vẽ từ thời tiền chiến,
không tính tới những sửa đổi tạo bởi những người sống sót, bao gồm hàng
loạt những đường hầm, hốc tường thông nhau, chưa kể đủ kiểu hố đột nhiên
xuất hiện trước mặt. Hôm nào cũng sẽ bị lạc ít nhất một lần, đôi khi còn
nhiều hơn, và rồi sau đó phải lần theo dây đi ngược lại, kiểm tra lại bản đồ
xem nhầm lẫn ở đâu. Có lần chỉ mất vài phút, có lần mất đến vài tiếng, hay
thậm chí vài ngày. Khi một đội khác bị tấn công, anh có thể nghe thấy tiếng
họ kêu gào trên bộ đàm hoặc vang vọng trong các con hầm. Các âm thanh
thật là ghê tởm; chúng chế nhạo anh. Tiếng la hét và tiếng rên rỉ đến từ mọi
hướng. Chẳng bao giờ xác định được chúng từ đâu ra. Ít nhất khi nói qua
điện đàm, anh còn có thể xác định vị trí đồng đội mình. Đấy là nếu họ
không quá hoảng loạn, nếu họ biết mình đang ở đâu, nếu anh biết mình
đang ở đâu…
Phải chạy. Anh phi qua các hành lang, đầu đập tưng tưng vào trần hầm,
lấy tay, đầu gối mà lết đi, thành khẩn lạy Đức Mẹ Đồng Trinh rằng bạn bè
mình trụ được lâu hơn chút nữa. Anh đến nơi, phát hiện ra mình bị nhầm,
đây chỉ là gian phòng trống, và tiếng kêu cứu vẫn còn ở xa lắm.
Rồi khi đến đúng nơi, có thể sẽ chẳng còn gì ngoài máu và xương. Nếu
may mắn có thể bọn zombie vẫn còn đó, anh có cơ hội trả thù… nếu mất
quá lâu mới đến được chỗ họ, anh sẽ phải xử lí cả đám bạn vừa sống lại của
anh nữa. Đánh giáp lá cà. Gần như thế này này…
[Ông rướn người qua bàn, mặt ông cách tôi có vài phân.]
Không có trang thiết bị chuẩn gì hết; cái gì thấy dùng được là dùng.
Không được dùng súng, anh hiểu chứ. Không khí dưới đó, đám khí ga, rất
dễ cháy. Ánh lửa từ khẩu súng…
[Ông giả tiếng một vụ nổ.]
Chúng tôi có khẩu Beretta-Grechio, súng cạc bin hơi của Ý. Nó kiểu
như súng khí nén của trẻ con. Bắn được năm phát, sáu hoặc bảy nếu dí hẳn
vào sọ lũ kia. Một vũ khí tốt, nhưng chẳng bao giờ có đủ. Và anh cũng cần
phải cẩn thận! Nếu băn trượt, nếu viên đạn mài vào đá, nếu hòn đá ấy đủ
khô, nếu tóe ra tia lửa… toàn bộ đường hầm sẽ bén lửa và phát nổ ngay,
chôn sống bọn họ, hoặc tạo ra những quả cầu lửa nung chảy mặt nạ vào với
mặt mình. Đánh tay đôi bao giờ cũng hơn. Đây…
[Ông đứng lên chỉ vào một thứ trên chỗ bếp lò. Tay cầm của nó
được bọc trong một khối thép bán nguyệt. Thò ra từ khối thép ấy là hai
mũi thép dài hai mươi phân vuông góc nhau.]
Anh hiểu lí do không? Không có đất để múa kiếm. Nhanh chóng, thẳng
qua hốc mắt, hoặc ngay trên đỉnh đầu.
[Ông biểu diễn một đòn đấm và đâm kết hợp.]
Tôi tự thiết kế đấy, phiên bản hiện đâị của thứ mà cụ tổ tôi dùng ở
Verdun. Anh biết Verdun chứ — “On ne passé pas” — Chúng mày đừng
hòng vượt qua!
[Ông tiếp tục ăn.]
Không có đất để xoay sở, không cảnh báo gì hết, đột nhiên chúng vồ lấy
anh, có thể là thẳng trước mặt hoặc từ phía một hành lang bên sườn anh còn
không biết có ở đó. AI cũng có mặc giáp… giáp xích hoặc da dày… gần
như cái nào cũng rất nặng, rất ngột ngạt, áo khoác và quần da ướt đẫm, áo
giáp xích kim loại. Anh cố gắng đánh lại, người thì đã mệt lử rồi, nhiều
người tháo mặt nạ ra, cố hít không khí, hít vào cái mùi hôi thối. Nhiều
người chết trước khi kịp đưa lên trên mặt đất.
Tôi dùng giáp xà cạp, bảo vệ chỗ này (chỉ về phía cườm tay) và găng,
da bọc xích sắt, có thể tháo ra dễ dàng khi không phải đánh nhau. Chúng do
tôi tự thiết kế hết. Chúng tôi không có bộ quân phục của Mỹ, nhưng chúng
tôi có bộ đi đầm lầy của các anh, mấy đôi ủng cao, chống thấm, dệt kèm sợi
chống cắn. Bọn tôi cần chúng.
Hè năm đó nước lên cao lắm; mưa xối xả còn sông Seine thì chảy như
mùa lũ. Lúc nào cũng ẩm ướt. Nấm mốc mọc trên kẽ ngón tay, ngón chân,
mọc trong đũng. Nước lúc nào cũng ngập ngang mắt cá chân, đôi khi ngang
gối hoặc ngang thắt lưng. Phải cực kì thận trọng, đi chậm rãi, thậm chí bò
hẳn ra — đôi lúc chúng tôi phải bò qua những chỗ nước thối ngập đến tập
khuỷu. Và đột nhiên mặt đất biến mất. Đầu anh đập cái tõm vào trong mấy
chỗ hố chưa được đánh dấu. Anh chỉ có vài giây để đứng lên trước khi nước
ngập vào trong mặt nạ. Anh quơ quào, quẫy đạp, đồng đội phải tóm lấy anh
và nhanh chóng lôi ra khỏi đó. Chết đuối là vấn đề nhỏ nhất. Đang quẫy
đạp, cố gắng nổi lên với đủ thứ trang thiết bị nặng trịch trên người thì đột
nhiên mắt họ trợn trừng lên, và anh nghe được tiếng la nghèn nghẹt của họ.
Anh có thể cảm nhận được khoảnh khắc họ bị tấn công: đột nhiên ngã
xuống với một thằng chó đẻ ở trên người. Nếu anh không mang ủng đi đầm
lầy… bàn chân coi như đi tong, có khi là nguyên cái giò; nếu anh đang bò
và ngã chút mặt xuống… đôi khi anh đi nguyên cái mặt.
Khi ấy chúng tôi phải rút về vị trí phòng ngự và đợi bên Cousteaus, thợ
lặn được đào tạo để hoạt động và chiến đấu trong những đường hầm ngập
nước. Họ chỉ có đèn pin và bộ đồ chóng cá mập cắn, nếu may mắn, và cùng
lắm là không khí đủ cho hai tiếng. Đáng ra họ phải được móc cáp an toàn
nhưng hầu hết đều không muốn. cáp rất dễ rối và làm chậm qui trình của
họ. Những người đàn ông, đàn bà ấy có cơ hội sống sót là một phần hai
mươi, tỉ lệ thấp nhất trong số tất cả các ngành của bất cứ lực lượng quân đội
120
nào, tôi không quan tâm bất cứ ai nói gì khác.
nhận Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh?
Bảo sao họ tự khắc được
Và làm thế để làm gì? Năm mươi nghìn người chết hoặc mất tích.
Không chỉ bên Cousteaus, tất cả chúng tôi, toàn bộ cục. Năm mươi ngàn
nhân mạng chỉ trong có ba tháng. Năm mươi ngàn người trong khi khắp nơi
trên thế giới tiến độ cuộc chiến đang dần chậm lại. “Xông lên! Xông lên!
Đánh! Đánh!” Đâu cần phải như thế. Bên Anh mất bao lâu để dọn sạch
London? Năm năm, ba năm sau khi cuộc chiến chính thức chấm dứt đúng
không? Họ tiến hành rất chậm rãi, rất an toàn, từng khu vực một, tốc độ
chậm, cường độ chậm, mức thương vong thấp. Chậm rãi và an toàn, cũng
như hầu hết các thành phố lớn khác. Tại sao chúng tôi lại phải làm vậy? Có
cái vị tướng Anh nào đó, ông ta nói cái gì mà “Quá đủ những anh hùng phải
gục ngã rồi…”
“Anh hùng,” chúng tôi là thế đó, đây là thứ các nhà lãnh đạo của chúng
tôi muốn, đó là thứ nhân dân chúng tôi nghĩ họ cần. Sau tất cả những gì đã
xảy ra, không chỉ trong cuộc chiến này mà còn cả các cuộc chiến tranh
trước nữa: Algeria, Đông Dương, bọn Phát-xít… Anh hiểu ý tôi chưa…?
Anh đã nhìn ra cái sự đau buồn và tủi nhục chưa? Chúng tôi hiểu ý ngài
tổng thống Mỹ khi ông ta nói về chuyện “lấy lại lòng tự tin”; chúng tôi hiểu
rõ hơn tất cả. Chúng tôi cần những anh hùng, những cái tên và những địa
danh mới để khôi phục lại niềm tự hào.
Nhà thờ Ossuary, pháo đài Port-Mahon Quarry, khu Bệnh viện… đó là
những khoảnh khắc sáng giá của chúng tôi… khu Bệnh viện. Bọn Phát-xít
xây dựng nó để nhốt bệnh nhân tâm thần, và theo như lời đồn là để họ chết
đói đằng sau những bức tường xi măng ấy. Trong cuộc chiến này nó trở
thành bệnh xá cho những ai mới bị cắn. Về sau, khi càng lúc càng có nhiều
thây ma sống lại và nhân tính của những người sống sót dưới đó ngày càng
mờ nhạt đi, y chang mấy cái đèn điện của họ, họ bắt đầu quẳng những
người bị nhiễm bệnh và có Chúa mới biết là những ai nữa vào trong cái kho
thây ma ấy. Một đội tiền trạm xông vào trong đó mà không biết có cái gì ở
phía bên kia. Đáng ra họ có thể lui quân, cho nổ hầm, giam bọn chúng lại…
Một đội đơn thương độc mã chống lại đến ba trăm con zombie. Mỗi một
đội do em trai tôi dẫn đầu. Giọng nói của thằng bé là thứ cuối cùng chúng
tôi nghe thấy trước khi điện đài của họ im lặng hoàn toàn. Những lời cuối
cùng của nó là:“On ne passé pas!”
DENVER, COLORADO
[Thời tiết rất thích hợp cho một chuyến dã ngoại ra công viên
Victory. Việc suốt cả mùa xuân này chưa ai phát hiện con zombie nào
càng cho mọi người cái cớ để ăn mừng. Todd Wainio đứng ở chỗ sân
ngoài, đợi trái banh tầm cao mà anh nói sẽ “chẳng bao giờ đến.” Có lẽ
anh nói đúng. Chẳng ai để ý gì chuyện tôi đang đứng ngay cạnh anh.]
Họ gọi đó là “con đường dẫn tới New York.” Đó là một con đường rất
dài. Chúng tôi có ba Nhóm Quân chính: phía Bắc, Trung Tâm, và Phía
Nam. Chiến lược tổng thể là cùng nhau tiến lên hết khu vực Đại Bình
nguyên, băng qua Trung Tây và rồi tách nhau ra ở Appalachians, hai bên
cánh đi càn quét dọc Bắc Nam, đích đến là Maine và Florida, sau đó đi dọc
bờ biển và nhập lại với NQ Trung Tâm trong khi họ vượt núi. Mất đến ba
năm liền.
Sao chậm vậy?
Cho anh chọn lí do đấy: di chuyển bộ, địa hình, thời tiết, kẻ địch, chủ
trương giao chiến… Chủ trương là phải tiến lên theo hai hàng vũng chãi,
hàng này đằng sau hàng kia, kéo dài từ Canada đến tận Aztlan… Không,
Mexico, hồi đó nó chưa là Aztlan. Anh có để ý thấy khi máy bay rơi, đám
nhân viên cứu hỏa hay ai đó phải kiểm tra hiện trường họ tiến hành như thế
nào không? Tất cả đi thành một hàng, rất chậm rãi, đảm bảo chắc chắn rằng
không bỏ qua dù chỉ một phân đất. Chúng tôi là thế đó. Chúng tôi không bỏ
qua phân nào giữa dãy Rockies và biển Đại Tây Dương. Cứ khi nào phát
hiện ra Zack, đi theo nhóm hoặc đi một mình, đội FAR sẽ dừng lại…
FAR?
121
Lực lượng Phản ứng Thích hợp . Anh không thể dùng cả Nhóm Quân
chỉ vì một hai con zombie. Rất nhiều con G già, những đứa bị nhiễm bệnh
trong giai đoạn đầu của cuộc chiến đã bắt đầu trông tởm lắm rồi, héo quắt
lại, sọ bắt đầu lòi ra ở một số chỗ, vài cái xương đâm xuyên qua thịt. Một số
đứa thậm chí còn chẳng đứng được nữa, và đó là những con cần phải dè
chừng. Chúng bò nằm sấp bụng bò về phía anh, hoặc ụp mặt xuống quơ
quào trong vũng bùn. Anh ra lệnh cho một nhóm dừng lại, một trung đội,
thậm chí cả một trung đoàn tùy vào số lượng thây ma, vừa đủ để hạ hết bọn
chúng và dọn sạch bãi chiến trường. Lỗ hổng trong hàng ngũ của đơn vị
FAR được một lực lượng với quân số tương đương ở hàng hai cách đó một
cây rưỡi trám vào. Nhờ vậy hàng đầu không bao giờ bị phá đội hình. Chúng
tôi hành quân kiểu đó khắp dọc đất nước. Nó công nhận là rất hiệu nghiệm,
nhưng cha mẹ ơi, tốn thời gian gần chết. Đêm đến cũng là lúc phải dừng.
Khi mặt trời lặn thì dù anh có tự tin đến mấy hay khu vực trông có vẻ an
toàn đến đâu thì cũng đã đến lúc hạ màn, chờ sáng hôm sau.
Và rồi còn cả sương mù nữa. Tôi tưởng tượng nổi sao mà sâu trong lục
địa thế này rồi sương vẫn có thể dày đến thế. Tôi vẫn muốn hỏi một tay khí
tượng học hay ai đó về việc này. Toàn bộ hàng đầu bị khựng lại, lắm khi
đến mấy ngày. Phải ngồi im đó trong khi tầm nhìn bằng không, thỉnh
thoảng một con K bắt đầu sủa hoặc cso ai đó cuối hàng la lên “Có địch!”
Anh nghe thấy tiếng rên rỉ và rồi một hình hài sẽ xuất hiện. Đứng im đợi
122
bọn chúng khó kinh hoàng. Có lần tôi được xem một bộ phim, một thước
phim tài liệu của BBC về quân đội Anh. Do nước Anh quanh năm sương
mù nên họ không được phép dừng. Phim có quay được một cảnh đấu súng,
chẳng thấy gì ngoài ánh lửa nháng lên và mấy cái bóng hình mờ mờ ảo ảo
123
ngã gục xuống. Đâu cần thêm cái nhạc nền ghê rợn đó làm gì.
không thôi tôi đã hãi lắm rồi.
Xem
Chúng tôi cũng phải chậm bước lại để bắt nhịp cùng với các nước khác,
bên Mexico và Canada. Quân đội cả hai quốc gia kia đều không đủ nhân lực
để giải phóng đất nước. Giao kèo là họ giúp bảo vệ biên giới chúng tôi
trong khi chúng tôi dọn dẹp nhà cửa. Một khi nước Mỹ đã an toàn, chúng
tôi sẽ cung cấp cho họ những thứ cần thiết. Đó là khởi điểm của lực lượng
đa quốc gia Liên Hiệp Quốc, nhưng tôi được giải ngũ trước đó lâu rồi. Với
tôi, lúc nào mọi thứ cứ nhanh rồi lại chậm, phải chậm rãi băng qua những
khu địa hình hiểm trở hoặc khu đô thị. À đấy, không gì làm chậm tiến độ
như các khu thành phố.
Chiến lược luôn là phải bao vây khu vực mục tiêu. Chúng tôi thiết lập
các tuyến phòng ngự bán kiên cố, dùng mọi thứ để trinh sát, từ vệ tinh cho
đến lũ K nghiệp vụ, làm đủ mọi trò để dụ lũ Zack ra, và chỉ tiến vào trong
khi đã chắc chắn không còn con nào nữa. Khôn khéo, an toàn và tương đối
dễ dàng. Ừ, phải rồi!
Tính từ việc bao vây “khu vực,” ai làm ơn cho tôi biết khu vực ấy bắt
đầu từ đâu cái? Thành phố giờ chẳng còn là thành phố nữa, chúng phát triển
ra thành các khu ngoại ô mở rộng, anh biết đấy. Ruiz, sĩ quan quân y của
chúng tôi, gọi đó là “khu đất trám.” Trước chiến tranh cô ta làm về bất động
sản và giải thích rằng các khu đất đắt giá nhất bao giờ cũng là những khu ở
giữa hai thành phố. Mẹ cha cái “đất trám” ấy, tất cả chúng tôi đều ghét nó.
Đối với chúng tôi, điều ấy nghĩa là phải đi dọn từng khu nhà một trong cái
chỗ ấy trước khi nghĩ đến việc thiết lập vành đai cách li. Các khu đồ ăn
nhanh, trung tâm thương xá, các ngôi nhà rập khuôn rẻ tiền, nối tiếp nhau
kéo dài vô tận.
Ngay cả khi đông về vẫn không được an toàn hơn tí nào. Tôi ở trong
Nhóm Quân phía Bắc. Mới đầu tôi tưởng thế là ngon rồi. Cứ một năm thì
sáu tháng tôi sẽ chẳng phải gặp một con G nào còn sống cả, đúng hơn là
tám tháng, căn cứ vào tình hình thời tiết trong giai đoạn chiến tranh. Tôi
cho rằng khi nhiệt độ giảm xuống, chúng tôi sẽ chẳng khác nào mấy anh
công nhân đổ rác: tìm chúng, Thông não chúng, đánh dấu để mang đi chôn
khi tuyết tan, chuyện nhỏ. Nhưng đáng ra tôi phải bị xơi một phát Thông
não khi nghĩ rằng Zack là mối nguy duy nhất.
Chúng tôi phải giải quyết cả quisling, cũng như bọn thây ma thật, nhưng
không bị đông cứng. Chúng tôi có các đơn vị Thu hồi Nhân mạng, đại khái
chỉ là ban kiểm soát động vật cấp cao. Họ cố hết sức bắn thuốc mê bất cứ
tên quisling nào chúng tôi gặp trên đường, trói chúng lại, chở về trại cải tạo,
hồi đó chúng tôi vẫn tưởng mình có thể cải tạo chúng.
Bọn người hoang nguy hiểm hơn nhiều. Rất nhiều đứa không còn bé
bỏng gì nữa, vài đứa đã thành thanh niên, có đứa trưởng thành hẳn rồi.
Chúng rất nhanh nhẹn, ranh ma, và nếu chúng quyết định đánh nhau chứ
124
không bỏ chạy, anh sẽ có một ngày rất tồi tệ. Tất nhiên, bên HR bao giờ
cũng tìm cách gây mê chúng và tất nhiên, không phải lúc nào cũng được.
Khi một đứa người hoang nặng chín chục cân đang nhắm thẳng hướng anh
mà lao tới, vài CC thuốc an thần sẽ chẳng hạ nỏi nó trước khi nó chạm mục
tiêu. Rất nhiều thành viên bên HR bị nện cho tơi bời, vài người phải bị đánh
dấu cho vào túi xác. Bên chỉ huy phải can thiệp vào, cho một toán lính đi
theo yểm trợ. Nếu mấy mũi tiêu không chặn nổi chúng, chúng tôi sẽ ra tay.
Không thứ gì có thể kêu la chói tai hơn một thằng người hoang với một
viên PIE đang cháy trong bụng. Mấy tay bên HR rất có vấn đề với vụ này.
Đây toàn tình nguyện viên, người nào cũng bám chặt lấy cái phương châm
rằng mạng sống của bất cứ con người nào cũng đều đáng cứu cả. Giờ lịch
sử đã chứng minh họ đúng, cứ nhìn vào những người mà họ cải tạo lại được
xem, những người mà nếu phải tay chúng tôi thì đã bắn không cần hỏi han.
Nếu họ có đủ nguồn lực, biết đâu họ đã có thể làm điều tương tự đối với lũ
động vật.
Lạy Chúa, lũ thú hoang, tôi hãi bọn đấy nhất. Tôi không chỉ nói riêng gì
chó. Chó chúng tôi xử lí được. Chó lúc nào cũng báo trước ý định tấn công
125
126
của mình. Tôi đang nói về lũ “Flies” : tên đầy đủ là F-Lions , bọn mèo
hoang, nửa sư tử núi, nửa cọp răng kiếm thời kỉ băng hà. Có lẽ chúng là sư
tử núi thật, vài con trông rất giống, hoặc có thể chúng là một chủng mèo
nhà nào đó phải dữ dằn lắm mới sống được đến giờ. Tôi nghe đồn ở phương
127
Bắc chúng phát triển lên to lắm, do quy luật tự nhiên hay tiến hóa gì đó.
Tôi không rõ lắm về mấy thứ sinh thái học này, kiến thức của tôi chỉ độc có
mấy chương trình tự nhiên hời tiền chiến. Tôi nghe đồn là bởi vì chuột bây
giờ như bò ngày xưa vậy; phải đủ nhanh và đủ không khéo mới thoát được
bọn Zack, sống nhờ ăn xác chết, sinh sản ra đén hàng triệu con trong các
hốc cây và khu phế tích. Bản thân chúng đã trở nên rất dữ dằn, vậy nên thứ
gì đủ khả năng săn nó cũng sẽ phải dữ hơn nhiều. Bọn F-lion là như vậy đó,
to gấp đôi lũ mèo thời tiền chiến, nanh, vuốt đủ cả, và cực kì thèm máu
nóng.
Chắc bọn chó nghiệp vụ vất lắm.
Anh đùa à? Chúng thích cực, kể cả mấy con dachmutt cũng thế, nó giúp
chúng cảm thấy như được làm chó trở lại. Tôi đang nói về bọn tôi kia, bị
phục kích từ một tán cây hay mái nhà trên cao. Chúng không xông thẳng về
phía bọn tôi như lũ chó hoang, chúng ngồi im đợi, từ tốn chờ đến khi anh
đến quá gần, không thể giương vũ khí lên được.
Ở ngoại ô Minneapolis, đội của tôi đang dọn dẹp một chuỗi cửa hàng.
Tôi vừa mới chui qua cửa sổ một quán Starbuck và thì đột nhiên có ba con
nhảy bổ vào người tôi từ sau quầy thanh toán. Chúng đẩy tôi ngã ngửa, bắt
đầu cắn xé tay với mặt tôi. Anh nghĩ tôi bị cái này kiểu gì?
[Anh chỉ vào vết sẹo trên má.]
Tôi nghĩ thương vong duy nhất cả ngày hôm đó là cái quần lót của tôi.
Bên cạnh bộ BDU chúng tôi bắt đầu mặc giáp phòng thân, áo vét, mũ
giáp… Lâu quá rồi chưa mặc giáp nên tôi quên khuấy mất chúng khó chịu
thế nào, nhất là khi đã quen mặc giáp mềm.
Bọn người hoang có biết dùng súng không?
Chúng không biết làm bất cứ thứ gì ra dáng con người, chính vì thế mới
gọi là hoang. Không, bộ giáp phòng thân là để bảo vệ khỏi những người
bình thương chúng tôi bắt gặp. Không phải bọn phiến quân có tổ chức, chỉ
128
là vài anh LaMOE lẻ tẻ. Thành phố nào cũng có một hai mạng, một gã
hay một nàng nào đó xoay sở sống sót được. Tôi nhớ có lần đã đọc được
rằng Mỹ có số lượng LaMOE cao nhất trên thế giới, có cái gì đó về bản tính
cá nhân của chúng ta hay gì gì đó. Họ lâu lắm rồi chưa được gặp người
sống, hầu hết các vụ bắn nhau mới đầu chỉ là do vô tình hoặc theo phản xạ.
Hầu hết các trường hợp bọn tôi đều có thể bảo họ ngưng bắn. Những người
đó bọn tôi gọi là RC, Robinson Crusoe — đó là từ lịch sự dùng để chỉ
những người tử tế.
Còn đám LaMOE là cái bọn đã quen với việc một mình xưng bá một
phương rồi. Làm bá chủ cái gì thì tôi cũng chịu, G và quisling và cái lũ thú
hoang, nhưng chắc theo cách nhìn nhận của bọn kia thì chúng cuộc sống
của chúng đang rất ngon lành, và giờ chúng tôi đến để tước đoạt đi tất cả.
Tôi đã từng dính một phát.
Chúng tôi đang tiến dần vào tòa tháp Sears ở Chicago. Chicago, chỗ đó
khiến tôi gặp ác mộng đủ ba kiếp liền. Hồi đó đang là giữa mùa đông, gió
thổi qua mặt hồ lạnh đến mức đứng còn không vững, và đột nhiên tôi cảm
thấy như vừa bị thiên lôi cho phát búa vào đầu. Đạn từ một khẩu súng săn
mạnh. Sau vụ đó tôi không dám hé răng phàn nàn về đống áo giáp nữa. Cái
bọn ở trong tháp đã thành lập cả một vương quốc riêng, và chúng sẽ không
trao lại cho bất kì ai. Đó là một trong những lần hiếm hoi chúng tôi chuyển
sang chiến tranh thông thường; SAW, lựu, đó là lúc Bradley bắt đầu được
đưa vào sử dụng lại.
Sau vụ Chicago, bên chỉ huy hiểu ra rằng giờ chúng tôi ở trong một môi
trường đa nguy cơ. Thế là bắt đầu phải mặc giáp cứng trở lại, ngay cả trong
mùa hè. Cảm ơn nhiều nhé, Thành phố Gió. Mỗi đội đều được phát một tờ
rơi về “Tháp Mối Nguy.”
Nó được sắp xếp theo khả năng gặp phải, không phải độ nguy hiểm.
Zack ở chân tháp, sau đó đến thú hoang, người hoang, quislings, và cuối
cùng là LaMOE. Tôi biết có mấy tay ở NQ phía Nam rất hay ca cẩm là bên
đấy chúng phải làm việc vất vả hơn, bởi vì với chúng tôi mùa đông đã xử lí
toàn bộ lũ Zack. Ừ, đúng rồi, và thay thế nó với một kẻ thù khác: mùa
đông!
Họ nói nhiệt độ trung bình giảm bao nhiêu, mười độ, mười lăm độ ở
129
một số nơi à? Vâng, chúng tôi nhàn hạ lắm, tuyết xám phủ đến ngang eo,
vừa làm vừa biết rằng cứ năm cái kem Zack được xử lí là đợt tuyết tan đầu
tiên sẽ có ít nhất chừng ấy hoạt động trở lại. Ít nhất đám quân ở phía Nam
biết rằng khi họ dọn sạch một khu vực, khu vực ấy sẽ sạch sẽ y nguyên như
thế. Họ không phải lo bị thọc hậu như chúng tôi. Mỗi khu vực chúng tôi càn
quét ít nhất ba lần. Chúng tôi sử dụng mọi thứ, từ que chọc và chó nghiệp
vụ cho đến máy dò hiện đại. Làm đi làm lại, và vào giữa mùa đông. Chúng
tôi có nhiều người chết vì cóng giá hơn bất cứ thứ gì khác. Ấy vậy mà cứ
khi xuân về, anh biết, tự khắc anh biết… nó sẽ như thế này, “ôi mẹ kiếp, lại
từ đầu à?” Ý tôi là, cho đến tận ngày hôm nay, mặc dù đã càn quét mấy
chục lần và có cả đống tình nguyện viên dân sự, mùa xuân vẫn như mùa
đông hồi trước, nó là cách mẹ thiên nhiên báo cho ta biết đến lúc tạm ngưng
cuộc sống thoải mái lại rồi.
Xin hãy kể cho tôi về công cuộc giải phóng những vùng bị cô lập.
Rất là mệt mỏi, trận nào cũng vậy. Mấy vùng này vẫn đang bj vây hãm,
có đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn con. Những người ở trong pháo đài
đôi ở Comerica Park/Ford Field có cái hào chứa tổng cộng ít nhất là một
triệu con G. Ba ngày liên tiếp đạn bay mù trời, khiến Hope trông như mấy
cuộc xung đột nho nhỏ. Đó là lần duy nhất tôi nghĩ có khi ta sẽ bị chúng
đánh bật. Chúng chết chất chồng lên nhau cao đến mức tôi cứ nghĩ có khả
năng mình sẽ bị chôn sống trong một trận lở xác. Sau những trận chiến như
vậy, anh sẽ hoàn toàn kiệt sức, cả thể xác lẫn tinh thần. Anh chỉ muốn đi
ngủ, không muốn làm gì khác, không cần ăn hay tắm hay thậm chí là làm
tình. Anh chỉ muốn tìm chỗ nào đó ấm cúng, khô ráo để nhắm mắt lại và
quên đi mọi thứ.
Phản ứng của những người được cứu ra sao?
Khá lẫn lộn. Các khu quân sự chẳng có gì mấy. Một đống thứ nghi thức
chỉnh tề, dựng cờ hạ cờ, “nghỉ – nghiêm,” ba thứ hầm bà lằng tương tự như
vậy. Cũng có hơi mè nheo một chút. Anh biết đấy, cái kiểu “chúng tôi
không cần được ai cứu.” Tôi hiểu mà. Ai chả muốn là người cưỡi ngựa
xông đến từ phía bên kia quả đồi, chẳng ai thích làm kẻ ở trong tháp. Ừ,
đúng là anh không cần ai cứu cả đâu, bồ tèo ạ.
Đôi lúc chuyện ấy lại là thật. Giống như mấy tên bên không lực ở ngoại
ô Omaha vậy. Đó là địa điểm thả hàng chiến lược, thường xuyên có máy
bay đến thả hàng và gần như luôn đúng giờ. Họ thậm chí còn sướng hơn
chúng tôi, đồ ăn tươi, tắm nước nóng, giường êm. Cảm giác như chính
chúng tôi mới là người được cứu vậy. Bên cạnh đó, ta có đám lính thủy
đánh bộ ở đảo Rock. Đám này không bao giờ chịu câm về chuyện mình
phải sống kham khổ thế nào, và chúng tôi cũng không phiền hà gì chuyện
đó. Sau những gì họ trải qua, ít nhất chúng tôi cũng phải cho họ quyền ca
thán. CHưa một lần gặp trực tiếp ai nhưng tôi cũng đã có nghe kể chuyện.
Thế còn về các khu thường dân?
Khác xa. Chúng tôi được tôn thờ! Họ hò reo ầm ỹ. Thật đúng những gì
anh tưởng tượng về chiến tranh, giống trong những bức ảnh lính Mỹ tiến
vào Paris đen trắng hay gì đó. Chúng tôi chẳng khác gì các siêu sao. Tôi
được… ờ thì… từ đây đến thành phố Hero City dễ có nhiều thằng nhóc
trông hao hao giống tôi lắm… [Cười.]
Nhưng cũng có ngoại lệ mà.
Ừ. Không phải lúc nào cũng có nhưng sẽ thường xuất hiện một người,
một gương mặt giận dữ trong đám đông quát vào mặt anh. “Sao lâu thế lũ
chó?” “Chồng tôi chết cách đây hai tuần rồi!” “Mẹ tôi chết khi đợi các
người!” “Mùa hè vừa rồi chúng tôi mất đến một nửa số người!” “Khi chúng
tôi cần các người ở đâu hả?” Người ta giơ ảnh lên, toàn ảnh chân dung. Khi
tiến vào Janesville, Wisconsin, có người giơ một cái biển, trên đó là ảnh
một bé gái đang nhăn nhở cười. Bên trên có dòng chữ “Thà muộn còn hơn
không?” Anh ta bị chính người của mình nện cho một trận; đáng ra họ
không nên làm thế. Đó là những thứ chúng tôi phải chứng kiến, những thứ
khiến chúng tôi nằm thao thức mặc dù đã không được ngủ năm đêm rồi.
Phải hiếm lắm, cực hiếm ấy, chúng tôi mới đặt chân đến một khu vực
mà mình hoàn toàn không được chào đón. Ở thành phố Valley, Bắc Dakota,
họ tỏ rõ thái độ, “Mẹ chúng mày, bọn quân đội! Chúng mày bỏ rơi bọn tao,
bọn tao cần chúng mày!”
Đó có phải một khu vực li khai không?
Ồ không, ít nhất họ còn cho chúng tôi vào. Bên nổi loạn lấy súng ra
chào mừng anh. Tôi chẳng bao giờ phải lại gần mấy khu đó. Bên chỉ huy có
một đơn vị đặc nhiệm chuyên xử lí lũ nổi loạn. Có lần tôi thấy họ trên
đường, đang tiến thẳng về phía Black Hills. Đó là lần đầu tiên tôi thấy lại xe
tăng kể từ khi vượt dãy Rockies. Không ổn rồi; anh có thể đoán ngay câu
chuyện sẽ có kết cục ra sao.
Có rất nhiều tin đồn đại về những cách thức sinh tồn đáng ngờ mà
một số khu vực cách li sử dụng.
Thật thế à? Đi mà hỏi họ.
Anh đã phải chứng kiên lần nào chưa?
Chưa, và tôi cũng không muốn. Người ta có định kể cho tôi nghe,
những người mà chúng tôi giải phóng ấy. Họ giấu kín trong lòng lâu quá
rồi, giờ chỉ muốn nói ra cho nó nhẹ. Anh biết tôi nói gì với họ không, “Giữ
tiếp trong lòng đi, cuộc chiến của mấy người chấm dứt rồi.” Tôi không
muốn đeo thêm gánh nặng vào người, anh hiểu ý tôi chứ?
Thế còn về sau thì sao? Anh có nói chuyện với họ không?
Có, và tôi có đọc về các vụ điều trần.
Anh cảm thấy ra sao?
Mẹ kiếp, biết sao được. Tôi có quyền gì mà đánh giá người ta? Tôi
không ở đó, Tôi không phải đối mặt với những thứ như thế. Cái cuộc nói
chuyện này đây, cái câu hỏi “nếu mà” đó, hồi đấy tôi không có thời gian
cho nó. Tôi có việc cần làm.
Tôi biết các nhà sử gia vẫn hay nói rằng Quân đội Mỹ có con số thương
vong rất thấp trong các cuộc tiến công. Thấp, đấy là khi so với các nước
khác, Trung Quốc hoặc Nga. Thấp, đó là nếu chỉ tính số lượng thương vong
gây ra do Zack. Có đến cả triệu cách xuống suối trên đường và có đến hơn
hai phần ba không nằm trong cái kim tự tháp ấy.
Bệnh tật là một nguyên nhân lớn, đủ thứ bệnh mà đáng ra phải biến từ
thời Trung Cổ hay đại loại thế. Vâng, chúng tôi có uống thuốc, được tiêm
ngừa, ăn uống tử tế, liên tục được kiểm tra, nhưng có quá nhiều thứ độc hại
ở khắp nơi, trong bùn đất, trong nước, trong mưa, trong không khí chúng tôi
hít thở. Mỗi lần tiến vào một thành phố hay giải phóng một vùng, ít nhất
phải có một người bị loại ra, nếu không chết thì cũng bị cho vào cách li. Ở
Detroit, chúng tôi mất nguyên cả một trung đội vì cúm Tây Ban Nha. Vụ đó
khiến bộ chỉ huy phát hoảng, cách li cả một tiểu đoàn suốt hai tuần.
Còn có cả bom mìn và bẫy các kiểu nữa, một số là của dân thường, một
số được đặt lại trong đợt rút về phía Tây của ta. Hồi đó nghe thì rất có lí. Cứ
thế rải mìn ra rồi đợi bọn Zack lao vào tự sát. Vấn đề duy nhất đó là mìn
không có công dung như vậy. Chúng không khiến cả người nổ tung, chúng
chỉ thổi bay đi cái giò hay cái mắt cá hoặc “cậu nhỏ.” Đó là mục đích thiết
kế của chúng, không phải để giết người mà là để làm bị thương, khiến quân
đội phải tốn thêm nguồn lực giữ cho họ còn sống, và sau đó gửi họ về nhà
trên chiếc xe lăn để cứ mỗi lần nhìn thấy là Ba Má Thường Dân lại nghĩ
rằng có lẽ ủng hộ cuộc chiến này không phải là ý hay cho lắm. Nhưng bọn
Zack không có nhà cửa, không có Ba Má Thường Dân. Mìn chỉ có tác dụng
tạo ra một đống thây ma què cụt, khiến công việc trở nên khó khăn hơn bởi
vì ta muốn chúng đứng thẳng lên để còn nhận ra cho dễ, không phải lăn lê
bò toài trong đám có, chờ được dẫm lên như bom mìn vậy. Anh không thể
nào biết được chỗ nào có mìn; phần lớn các đơn vị chôn chúng xuống trong
cuộc lui quân đã đánh dấu sai vị trí hoặc đánh mất thông số tọa độ hoặc đơn
giản là không còn sống nữa để mà báo lại cho anh biết. và rồi còn cả cái lũ
LaMOE ngu độn kia nữa, đặt toàn hầm chông và bẫy dây súng ngắn.
Một đồng đội tôi đã hi sinh như vậy, trong một cái siêu thị Wal-Mart ở
Rochester, New York. Hắn sinh ra ở El Salvador nhưng lớn lên ở Cali. Anh
đã bao giờ nghe đến danh bọn Boyle Heights Boyz chưa? Đó là một băng
nhóm sừng sỏ ở LA, bị trục xuất về El Salvador do nhập cư bất hợp pháp.
Tay bạn của tôi sống ở đó trước khi chiến tranh nổ ra. Hắn phải lặn lội về từ
tận Mexico trong những ngày tồi tệ nhất của Cuộc Đại Loạn, cuốc bộ với
chỉ một cái rựa. Hắn mất hết người thân, bạn bè, chỉ còn có quê hương mới
ấy. Hắn rất yêu đất nước này. Hắn làm tôi nhớ đến ông mình, cũng cái kiểu
dân nhập cư như thế. Và rồi hắn ăn một viên đạn súng săn hai mươi phân
vào mặt, chắc là bẫy do một tên LaMOE đã tắt thở từ lâu. Mẹ cha cái mớ
mìn với bẫy ấy.
Và rồi còn cả các vụ tai nạn nữa. Rất nhiều tòa nhà đã bị yếu đi trong
các cuộc xung đột. Thêm vào đó là mấy năm liền không được tu sửa, hàng
đống tuyết đè lên. Cả cái mái nhà đổ ùm xuống đầu, không hề có dấu hiệu
cảnh báo trước, toàn bộ kết cấu cứ thể mà sụp xuống. Tôi cũng đã mất một
người bạn vì lí do đó. Cô ta phát hiện ra địch, một thằng người hoang chạy
về phía cô ta từ một cái bãi sửa xe bỏ hoang. Cô ta khai hỏa, và chỉ cần thế
là đủ. Tôi chẳng biết bao nhiêu cân tuyết và băng đã làm sập cái mái nhà ấy.
Cô ta… chúng tôi… khá thân nhau, anh biết đấy. Chúng tôi không làm gì
hết. Chắc chúng tôi nghĩ như thế thì sẽ thành “chính thức” mất. Chắc bọn
tôi nghĩ nếu để thế này thì nhỡ chẳng may có ai bị làm sao, mọi thứ sẽ dễ
dàng hơn.
[Anh quay lại phía khán đài, mỉm cười với vợ.]
Vô dụng.
[Anh im lặng một lát, hít một hơi thật sâu.]
Còn cả những thương vong tâm lí nữa. Nhiều hơn tất cả những thứ khác
cộng lại. Có mấy lần chúng tôi tiến vào các khu được phòng thủ và chẳng
thấy gì ngoài xương bị chuột gặm. Tôi đang nói về những khu vực không bị
bọn thây ma áp đảo, những khu vực bị thất thủ do đói kém hoặc bệnh tật,
hoặc chỉ là khi cảm thấy ngày mai không đáng thức dậy. Có lần chúng tôi
xông vào một nhà thờ ở Kansas, trông rõ ràng là đám người lớn đã giết hết
lũ trẻ con trước. Trong trung đội của tôi có một tay người Amish, hắn đọc
hết các bức thư tuyệt mệnh của họ, ghi vào trong tâm khảm rồi sau đó cứa
lên người mình mấy vết bé xíu tầm một phân để “khỏi quên.” Thằng điên
ấy từ cổ đến chân ngang dọc vết khứa. Khi trung úy phát hiện ra… thằng
đần ấy bị tống ngay vào trại.
Hầu hết các trường hợp loạn thần dều xảy ra sau khi chiến tranh kết
thúc. Không phải do căng thẳng, mà là vì không còn căng thẳng nữa, anh
hiểu không. Chúng tôi ai cũng biết mọi chuyện sắp đến hồi kết, và tôi đoán
là do nhiều người đã phải chịu đựng quá lâu rồi, họ nghe thấy một giọng thủ
thỉ rằng: “Ê bồ tèo, mọi thứ êm xuôi rồi, chú mày đi được rồi đấy.”
Tôi có quen một tay đô như con trâu mộng, hồi trước là đô vật chuyên
nghiệp. Chúng tôi đang đi dọc tuyến đường cao tốc gần Pulaski, New York,
thì đột nhiên gió đưa mùi từ một cái xe tải đến. Nó chất đầy nước hoa,
không phải loại sang trọng gì cho cam, chỉ là mấy thứ đồ rẻ tiền ở các khu
thương xá. Hắn đứng khựng lại và bật khóc tu tu. Không thể dỗ nổi. Hắn
vốn là một tay quái thú với số lượng thây ma hạ được đến hơn hai ngàn,
thậm chí có lần hắn còn nhấc một con G lên làm gập đánh cận chiến. Bốn
người bọn tôi phải lấy cáng ra khiêng hắn. Chắc mùi nước hoa gợi cho hắn
nhớ đến ai đó. Chúng tôi chẳng biết đó là ai.
Có thêm một gã nữa, không có gì đặc biệt, gần năm mươi, đầu hói, bụng
hơi phệ, ít nhất là theo tiêu chuẩn thời đó, mặt mũi giống mấy tay trong các
mẩu quảng cáo về bệnh ợ chua. Chúng tôi đang ở Hammond, Indiana, dò
sát địa điểm phòng ngự cho trận vây hãm Chicago. Hắn vào thám thính căn
nhà ở cuối dãy phố bỏ hoang, hoàn toàn nguyên vẹn ngoại trừ mấy cái cửa
sổ được đóng ván kín và cửa chính bị đập vỡ. Mặt hắn trông lạ lạ, cười
nhăn nhở. Đáng ra chúng tôi phải kịp biết trước khi hắn phá đội hình, trước
khi nghe thấy tiếng súng. Hăn ngồi trong phòng khách, trên một cái ghế
bành mòn vẹt, khẩu SIR kẹp giữa gối, mặt vẫn cười. Tôi nhìn lên mấy bức
ảnh trên lò sưởi. Đây là nhà hắn.
Đó là những ví dụ cực đoan, đến tôi cũng đoán được. Rất nhiều trường
hợp khác anh chẳng bao giờ nhận ra. Đôi với tôi, vấn đề không phải là ai
phát điên mà là ai không bị. Nghe có vô lí không?
Có một đêm ở Portland, Maine, Chúng tôi đang ở công viên Deering
Oaks, dò xét một đống xương trắng phớ đã có ở đó từ hồi Cuộc Đại Loạn.
Có hai gã nhặt lên mấy cái hộp sọ và bắt đầu nhảy nhót theo nhạc bài Free
to Be, You and Me. Tôi nhận ra vì anh tôi có mua đĩa, bài đó ra đời trước
thời của tôi. Một số tay lính già hơn rất khoái chí. Một đám đông bắt đầu tụ
tập, mọi người cười và hú hét về phía hai cái hộp sọ. “Hi-Hi-tôi là một đứa
bé. — chứ mấy người nghĩ tôi là ai, một ổ bánh sao?” Và khi nhảy xong thì
tất cả đột nhiên đồng thanh hát, “Tôi nhìn thấy một mảnh đất…” lấy xương
đùi ra chơi như đàn banjô. Tôi nhìn quanh đám đông và thấy bác sĩ tâm lí
của đại đội tôi. Tôi chẳng bao giờ đánh vần nổi tên hắn, bác sĩ Chandra gì
130
đó. Tôi bắt gặp ánh mắt của ông ta và nhìn ông ta như muốn hỏi “Ê, bác
sĩ, lũ này điên hết rồi đúng không?” Ông chắc cũng hiểu bởi vì tôi thấy ông
cười và lắc đầu. Nó làm tôi phát hoảng; ý tôi là, nếu những người trông hâm
hấp thực chất lại không sao, thế thì sao mà biết ai điên thật rồi?
Đôi trưởng của tôi, chắc anh cũng sẽ nhận ra cô ta. Cô ta có ở trong
Trận chiến của Năm Trường Đại học. Còn nhớ cái con bé cao, trông như
chiến binh amazon với cái lưỡi mác không, đứa hát cái bài gì đó ấy? Trông
cô ta không giống như trong phim. Cô ta đã mất đi một số đường cong và
giờ quả đầu đinh đã thay thế mái tóc dài, đen mượt. Cô ta là một thủ lĩnh
giỏi, “Trung sĩ Avalon.” Một ngày nọ chúng tôi phát hiện ra một con rùa.
Rùa hồi đó hiếm như kì lân vậy, gần như chả thấy bao giờ. Avalon mang cái
vẻ mặt mà, tôi cũng chẳng rõ nữa, như một đứa bé vậy. Cô ta mỉm cười.
Trước giờ cô ta chưa bao giờ cười. Tôi nghe thấy cô ta thì thầm gì đó với
con rùa mà mới đầu tôi tưởng là vô nghĩa: “Mitakuye Oyasin.” Sau này tôi
mới phát hiện ra đó là tiếng Lakota, nghĩa là “mọi mối quan hệ của tôi.” Tôi
thậm chí còn chẳng biết cô ta mang dòng máu da đỏ. Cô ta chẳng bao giờ
nói về chuyện đó, về bản thân mình. Và đột nhiên, như một bóng ma, bác sĩ
Chandra xuất hiện, tay ông khoác lên vai cô như đã làm với những người
khác và lại đưa ra lời đề nghị nhẹ nhàng: “Thôi nào, trung sĩ, đi làm tách cà
phê nào.” Cùng ngày hôm đó, tổng thống qua đời. Chắc ông ta cũng đã
nghe tấy giọng nói dó. “Ê bồ tèo, mọi thứ êm xuôi rồi, chú mày đi được rồi
đấy.” Tôi biết rất nhiều người không tán đồng với ông phó tổng thống, cho
rằng ông ta không thể nào thay chân ngài tổng thống được. Tôi rất thông
cảm với ông ta, chủ yếu bởi vì tôi ở trong cùng tình cảnh với ông ta. Sau
khi Avalon đi, tôi trở thành đội trưởng.
Chuyện cuộc chiến sắp kết thúc không quan trọng. Dọc đường vẫn còn
rất nhiều trận chiến, rất nhiều người tử tế cần nói lời giã biệt. Khi đến được
Yonkers, tôi là người cuối cùng trong cái đám ở Hope còn sót lại. Tôi chẳng
biết mình cảm thấy ra sao khi đi qua cái đống đổ nát hoen rỉ ấy nữa: xe tăng
bỏ không, xe tin tức bị đập nát, những cái xác người. Tôi không nghĩ mình
cảm thấy gì nhiều. Lãnh đạo có rất nhiều việc cầm làm, rất nhiều gương mặt
mới cần phải được chăm lo. Tôi có thể cảm tấy ánh mắt của bác sĩ Chandra
sói vào người tôi. Ông không tiên lại gần, không để lộ ra gì cả. Khi bước
lên cái sà lan bên bờ dòng sông Hudson, ánh mắt chúng tôi chạm nhau. Ông
ta mỉm cười lắc đầu. Tôi thoát rồi.
TẠM BIỆT
BURLINGTON, VERMONT
[Tuyết đã bắt đầu rơi. Một cách miễn cưỡng, “lão khùng” quay
bước trở về nhà.]
Anh có biết Clement Attlee không? Tất nhiên là không rồi, biết để làm
gì? Thằng đó đúng là một kẻ vô dụng, một tay tầm thường hạng ba chui
được vào trong sách sử chỉ vì đã chiếm ghế của Winston Churchill trước khi
Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt. Cuộc chiến ở Châu Âu đã kết thúc và người
dân Anh cảm thấy họ đã phải chịu đựng đủ rồi, nhưng Churchill vẫn muốn
giúp Mỹ chống Nhật, tuyên bố rằng chừng nào cuộc chiến vẫn chưa kết
thúc ở khắp mọi nơi, điều ấy có nghĩa là nó vẫn còn tiếp diễn. Và thử nhìn
xem chuyện gì đã xảy đến với con sư tử già ấy. Chúng tôi không muốn bộ
máy điều hành của mình bị như vậy. Chính thế mà khi lục địa Mỹ được giải
phóng chúng tôi tuyên bố chiến thắng ngay.
Ai cũng biết cuộc chiến chưa thực sự kết thúc. Chúng tôi vẫn phải giúp
đỡ những đồng minh của mình và dọn dẹp những nơi vẫn còn bị thây ma
cai trị trên thế giới. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng bởi vì nhà cửa
chúng ta đã gọn gàng ngăn nắp rồi, chúng ta phải cho người dân được
quyền trở về. Đó là khi lực lượng da quốc gia của Liên Hợp Quốc được
thành lập, và chúng tôi ngạc nhiên một cách sung sướng khi thấy mới chỉ có
tuần đầu mà đã có nhiều tình nguyện viên đến thế. Chúng tôi thậm chí còn
phải từ chối một số người, cho họ vào danh sách dự bị hoặc giao họ nhiệm
vụ huấn luyện những tay lính trẻ không có cơ hội tham gia cuộc càn quét
khắp toàn bộ nước Mỹ của ta. Tôi biết mình bị trỉ trích nhiều vì lựa chọn
Liên Hợp Quốc chứ không thành lập một đội quân chỉ có người Mỹ, và nói
thật, tôi cũng chẳng thèm quan tâm. Nước Mỹ là một quốc gia công bằng,
người dân của nó muốn có một giao kèo công bằng, và khi giao kèo đó
chấm dứt trên biển Đại Tây Dương, anh phải bắt tay họ, trả tiền cho họ, và
để cho bất cứ ai muốn có lại một đời sống riêng tư.
Có thể nó đã khiến cho các chiến dịch ở nước ngoài của ta bị chậm lại
một chút. Các đồng minh của ta đã bắt đầu tự đứng được trên đôi chân của
mình, nhưng chúng tôi vẫn còn vài Vùng Trắng cần phải xử lí: các dãy núi,
các đảo tuyết, đáy biển, và rồi còn cả Iceland nữa…Iceland sẽ khó nhằn
đây. Ước gì bọn Ivan cho chúng tôi cùng hỗ trợ dọn dẹp Siberia, nhưng dù
sao thì Ivan vẫn cứ là Ivan. Và chúng ta thỉnh thoảng vẫn bị tấn công ngay
trên sân nhà cứ mỗi dịp xuân về, hay gần các hồ và bãi biển. Ơn trời là số
vụ tấn công đang giảm dần, nhưng điều đó không có nghĩa là thiên hạ được
phép mất cảnh giác. Chúng ta vẫn đang trong thời kì chiến tranh, và cho
đến khi mọi dấu vết của chúng đã được thanh trừng, gột rửa và nếu cần
thiết, xóa sổ khỏi bề mặt Trái Đất, mọi người sẽ vẫn phải chung tay góp sức
thực hiện nghĩa vụ của mình. Sẽ rất tuyệt vời nếu đó là bài học mọi người
rút ra được sau những tháng ngày đau khổ này. Chúng ta đòng cam cộng
khổ, vậy hãy chung tay góp sức mà hoàn thành nghĩa vụ của mình.
[Chúng tôi dừng lại bên một cây sồi già. Người bạn đồng hàng của
tôi nhìn nó từ gốc đến ngọn, nhẹ nhàng lấy cây gậy chọc chọc nó. Và rồi
ông nói với cái cây…]
Chú mày làm tốt lắm.
KHUZHIR, ĐẢO OLKHON, HỒ BAIKAL, THÁNH QUỐC NGA
[Một cô y tá chen vào giữa cuộc phỏng vấn của chúng tôi để cho
Maria Zhuganova uống mấy viên vitamin trước sinh. Maria đang
mang bầu bốn tháng. Đây sẽ là đứa con thứ tám của chị.]
Tôi chỉ tiếc mỗi chuyện không được ở lại trong quân đội để “giải
phóng” nước cộng hòa cũ của mình. Chúng tôi đã thanh trừng hết lũ zombie
bẩn thỉu ra khỏi Mẹ Tổ Quốc, và giờ đã đến lúc bước ra ngoài biên giới
quốc để gia tham chiến. Ước gì tôi được ở đó, cái ngày chúng tôi sát nhập
lại Belarus và với vương quốc của mình. Họ nói rằng sắp tới sẽ là Ukraine,
còn sau đó nữa thì ai biết. Ước gì tôi cũng có thể tham gia, nhưng tôi có
những “nhiệm vụ khác”…
[Chị nhẹ nhàng vỗ vào bụng mình.]
Tôi chẳng biết trên khắp Rodina có bao nhiêu phòng khám như thế này
nữa. Chắc chắn là không đủ. Rất ít những phụ nữ trẻ, còn khả năng sinh sản
như tôi không bị nghiện ngập, nhiễm AIDS hay trở thành thây ma. Các nhà
lãnh đạo của chúng tôi nói rằng thứ vũ khí lợi hại nhất trong tay người phụ
nữ Nga hiện nay chính là tử cung của họ. Nếu điều đó đòng nghĩa với việc
không bao giờ được biết mặt cha những đứa con của tôi, hay…
[Mắt chị thoáng đánh xuống dưới.]
…đến tận cả những đứa con của tôi, thì thế cũng được. Tôi phục vụ Mẹ
Tổ Quốc, và tôi phục vụ bà với toàn bộ trái tim mình.
[Chị bắt gặp ánh nhìn của tôi.]
Có phải anh đang băn khoăn không hiểu sao cái “sự tồn tại” này lại có
thể phù hợp với chính sách của một nhà nước chính thống kiểu mới như thế
này đúng không? Anh có thể ngưng được rồi đấy, bởi vì nó không thể. Ba
cái mớ giáo điều kia là dành cho quần chúng nhân dân. Cho họ chút thuốc
phiện để họ ngoan ngoãn vâng lời. Tôi không nghĩ có ai trong số những nhà
lãnh đạo của chúng tôi, hay thậm chí cả Giáo hội, thực sự tin vào những gì
mình đang rao giảng, có lẽ cùng đã có một người, Lão Cha Ryzhkov già
trước khi bị tống vào vùng hoang dã. Lão ấy không còn thứ gì nữa, không
như tôi. Tôi vẫn còn có thể cống hiến cho Mẹ Tổ Quốc thêm vài đứa trẻ
nữa. Đó là lí do tôi được đối xử tử tế đến vậy, được phép nói năng tự do đến
vậy.
[Maria liếc về phía tấm kính một chiều đằng sau lưng tôi.]
Họ định làm gì tôi? Đằng nào thì tôi không còn hữu ích nữa, tôi cũng đã
sống lâu hơn nhiều phụ nữ khác rồi.
[Chị làm một cử chỉ rất thô tục vè phía tấm kính.]
Và ngoài ra, họ muốn anh được nghe câu chuyện này. Đó là lí do họ cho
anh nhập cảnh, để lắng nghe câu chuyện của chúng tôi, đẻ hỏi những câu
muốn hỏi. Anh cũng biết là mình đang bị lợi dụng, đúng không? Nhiệm vụ
của anh là phải kể lại câu chuyện của đất nước chúng tôi cho nhân dân của
mình, cho họ thấy chuyện gì sẽ xảy ra nếu có người định nhờn mặt với
chúng tôi. Cuộc chiến đã đưa chúng tôi về lại với cội nguồn, giúp chúng tôi
nhớ ra thế nào là một người Nga chân chính. Chúng tôi lại trở nên mạnh
mẽ, chúng tôi lại được nể sợ, và đối với dân tộc Nga,điều ấy đồng nghĩa với
việc cuối cùng thì chúng tôi cũng lại được an toàn! Lần đầu tiên trong vòng
gần một thế kỉ, chúng tôi có thể cảm thấy ấm áp trong bàn tay bao bọc của
một Caesar, và tôi chắc anh cũng biết trong tiếng Nga từ Caesar nghĩa là gì.
BRIDGETOWN, BARBADOS, LIÊN BANG TÂY ẤN
[Quầy rượu gần như đã trống vắng. Hầu hết đám khách khứa ở đây
đã tự bỏ đi hoặc bị cảnh sát lôi đi. Những nhân viên trực đêm cuối cùng
đang thu dọn những cái ghế gãy, mấy cái li vỡ và lau đi những vũng
máu trên sàn. Ở trong góc quán, những người Nam Phi say xỉn cuối
cùng đang hát bài ca trong thời chiến “Asimbonaga” của Johnny Clegg
một cách tràn đầy cảm xúc. T. Sean Collins lơ đãng ngâm nga vài âm
rồi uống nốt chỗ rượu rum còn lại và nhanh cóng ra hiệu lấy thêm li
nữa.]
Tôi bị nghiện giết chóc, và nói thế là đã tử tế lắm rồi. Anh có thể nói
rằng như thế không hẳn là chính xác, chúng chết hết rồi nên tôi cũng không
hẳn là giết ai. Vớ vẩn; tất cả đều là giết chóc hết, và nó khiến máu trong
người anh sôi lên sùng sục. Vâng, tôi có thể nói xấu mấy tay lính đánh thuê
hồi trước chiến tranh thoải mái, bọn cựu binh Việt Nam và Hell’s Angel,
nhưng giờ đây tôi chẳng khác gì bọn họ, chẳng khác gì những tên đặc công
rừng chẳng bao giờ về được nhà, kẻ cả khi xác có về được đến nơi, hay
những tên phi công thời Thế Chiến Thứ Hai sẵn sàng đổi xe Mustangs lấy
xe máy. Anh sống trong giai đoạn lúc nào cũng căng thẳng nên những thứ
khác đối với anh chẳng khác nào án tử.
Tôi đã cố hòa nhập lại, ổn định cuộc sống, giao hảo bạn bè, kiếm một
công việc và cùng góp tay giúp xây dựng lại nước Mỹ. Nhưng tôi không chỉ
đã chết, lúc nào tôi cũng nghĩ về việc giết chóc. Tôi bắt đầu nghiên cứu cổ,
đầu người khác. Tôi nghĩ, “Hmmmm, thằng cha kia thùy trán chắc dày lắm,
mình phải đi đằng hốc mắt.” Hoặc là “nện một phát vào chỗ hậu chẩm chắc
sẽ khử được ả kia nhanh thôi.” Và rồi đến ông tổng thống mới, “lão khùng”
— Lạy Chúa, tôi là cái quái gì mà được gọi người khác như vậy chứ? —
khi tôi nghe ông ta phát biểu ở một cuộc mít tinh, tôi nghĩ ra ít nhất năm
mươi cách để hạ gục ông ta. Đó là lúc tôi phải ra đi, vì lợi ích của người
khác cũng như của mình. Tôi biết sẽ đên một ngày tôi chạm giới hạn, uống
say, dính vào một vụ ẩu đả, mất kiểm soát. Tôi biết một khi bắt đầu, tôi sẽ
không dừng được, vậy nên tôi chào tạm biệt và tham gia vào nhóm Impisi,
cùng tên với Lực Lượng Đặc nhiệm Nam Phi. Impisi: trong tiếng Zulu là
Linh cẩu, những kẻ dọn dẹp xác chết. Chúng tôi là một đơn vị tư nhân,
không có luật lệ, không băng rôn, chính vì vậy mà tôi chọn họ chứ không
vào Liên Hợp Quốc. Chúng tôi tự đặt giờ làm việc, tự chọn vũ khí.
[Anh chỉ vào thứ trông như một cái mái chèo bằng thép được vót
nhọn ở bên cạnh mình.]
“Pouwhenua” — kiếm được nó từ một người anh em Maori, cầu thủ đội
All Blacks hồi tiền chiến. Bọn Maori này gớm lắm. Trong trận ở One Tree
Hill, chỉ năm trăm người bọn họ chống lại nguyên một nửa đất nước
Auckland đầy thây ma. Pouwhenua là một thứ vũ khí khó dùng, mặc dù
chiếc này làm bằng thép chứ không phải gỗ. Nhưng đó là lợi thế của việc
làm lính đánh thuê. Bóp cò thì làm sao mà hăng tiết lên được? Phải khó
khăn, phải nguy hiểm, và càng có nhiều G thì càng tốt. Tất nhiên, sớm
muộn gì rồi thì cũng sẽ chẳng còn con nào nữa. Và khi điều ấy xảy ra…
[Đúng lúc đó chiếc Imfingo rung hồi chuông báo rời bến.]
Tàu của tôi đây rồi.
[T. Sean ra hiệu cho người bồi bàn, sau đó thảy một đồng xu bạc lên
bàn.]
Tôi vẫn còn chút hi vọng. Nghe có vẻ điên, nhưng biết đâu được. Chính
vì thế mà tôi tiết kiệm phần lớn số tiền kiếm được thay vì cống lại cho nước
chủ nhà hoặc tiêu pha vào những thứ có trời mới biết. Chuyện đó có thể xảy
ra, mọi thứ có thể chấm dứt được. Một người anh em Canada của tôi,
“Mackee” Macdonald, ngay sau khi dọn dẹp xong hòn đảo Baffin, hắn
quyết định mình đã chịu đủ rồi. Tôi nghe đồn giờ hắn đang ở Hi Lạp, trong
một tu viện hay gì đó. Chuyện ấy có thể xảy ra. Có lẽ vẫn còn một cuộc
sống bình thường dành cho tôi. Tôi được phép mơ chứ, đúng không? Tất
nhiên, nếu chuyện đó không xảy ra, nếu đến một ngày không còn Zack nữa
mà mọi sự vẫn chưa chấm dứt…
[Anh đứng dậy rời đi, khoác vũ khí lên vai.]
Thì cái sọ cuối cùng tôi phải đập có lẽ sẽ là của chính tôi.
CÔNG VIÊN HOANG DÃ TỈNH SAND LAKES, MANITOBA,
CANADA
[Jesika Hendricks cho nốt “mẻ” cuối cùng trong ngày lên xe trượt
tuyết, mười lăm cái xác và một núi các mảnh thi thể.]
Tôi cố gắng không cảm thấy tức giận hay cay đắng vì sự bất công này.
Tôi ước gì mình có thể hiểu hết sự tình. Có lần tôi được gặp một cựu phi
công Iran đang đi lang thang ở Canada tìm chỗ định cư. Anh ta nói rằng dân
Mỹ là những người duy nhất anh ta từng gặp mà lại không thể chấp nhận
rằng người tốt có thể gặp chuyện xấu. Có lẽ anh ta nói đúng. Tuần trước tôi
có nghe đài và vô tình nghe đúng kênh [Tên được giấu vì nguyên do pháp
lí]. Anh ta vẫn làm những trò như thường lệ — đùa tục và văng bậy và động
đến việc quan hệ tình dục tuổi vị thành niên — và tôi có nghĩ, “Tay này
sống sót còn bố mẹ mình thì không.” Không, tôi cố không cảm thấy xót xa.
TROY, MONTANA, MỸ
[Bà Miller và tôi đứng trên sàn phía sau, ở bên dưới là lũ trẻ con
đang chơi ở sân chính.]
Anh có thể đổ lỗi cho giới chính trị gia, giới thương nhân, các vị tướng,
cho “bộ máy,” nhưng thực chất nếu anh muốn đổ lỗi cho ai đó, hãy đổ lỗi
cho tôi. Tôi là hệ thống của nước Mỹ, tôi là bộ máy. Đó là cái giá phải trả
khi sống trong nền dân chủ; ai cũng phải chịu trách nhiệm. Tôi hiểu tại sao
Trung Quốc phải mất lâu đến thế mới chấp nhận nó, và tại sao Nga lại nói
“kệ mẹ nó” và quay trở về với cái hệ thống hiện tại của họ. Thật là tuyệt vời
khi có thể nói, “Ê, đừng nhìn tôi, đâu phải lỗi của tôi.” Thực ra thì đúng vậy
đấy. Đó là lỗi của tôi và lỗi của tất cả những người thuộc thế hệ tôi.
[Bà nhìn xuống chỗ bọn trẻ.]
Không biết các thế hệ tương lai sẽ nói gì về chúng ta nhỉ. Ông bà tôi đã
trải qua cuộc Đại Suy Thoái, Thế Chiến Thứ Hai, và rồi quay trở về xây
dựng nên một giai cấp trung lưu lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Có Chúa
chứng giám, họ không hoàn hảo gì cho cam, nhưng họ cũng gần như đã đạt
được giấc mơ Mỹ. Sau đó đến thời bố mẹ tôi và mọi thứ lộn tùng phèo hết
cả — sự bùng nổ dân số, thế hệ của “cái tôi.” Và rồi đến lượt chúng ta.
Vâng, chúng ta đã chặn được đại dịch zombie, nhưng cũng chính chúng ta
là kẻ đã để cho nó lên tầm đại dịch. Ít nhất bây giờ chúng ta đang tự dọn
dẹp đống bừa bộn của mình, và có lẽ đó là thứ văn bia tốt nhất ta có thể hi
vọng đạt được. “Thế hệ Z, họ tự lau dọn đống bày bừa của mình.”
TRÙNG KHÁNH, CHINA
[Kwang Jingshu đến khám nhà bệnh nhân cuối cùng trong ngày,
một cậu bé bị bệnh đường hô hấp. Mẹ thằng bé lo rằng nó lại bị bệnh
lao. Mặt bà có lại chút sắc khi ông bác sĩ trấn an rằng nó chỉ bị viêm
phế quản. Bà nước mắt ngắn dài tiễn chúng tôi ra con đường bụi bặm.]
Thật là dễ chịu khi lại được thấy mặt bọn trẻ, ý tôi là những đứa được
sinh ra sau chiến tranh, những đứa không biết gì về một thế giới có thây ma.
Chúng biết không được chơi gần chỗ nước non, không được ra ngoài chơi
một mình hoặc sau khi trời tối khi xuân hoặc hạ về. Chúng không biết sợ,
và đó chính là món quà quí giá nhất, món quà duy nhất ta có thể ban lại cho
chúng.
Đôi khi tôi có nghĩ về cái bà già ở khu Đại Xưởng Mới, về những gì bà
ấy đã trải qua, những cuộc biến động tưởng như không bao giờ dứt đã làm
nên thế hệ của bà ta. Giờ ba ta chính là tôi, một lão già phải chứng kiến đất
nước này bị phân tán quá nhiều lần. Âý vậy mà lần nào chúng tôi cũng bình
tĩnh lại, xây dựng lại và đổi mới đất nước. Và chúng tôi sẽ một lần nữa thực
hiện được điều đó — Trung Quốc, và cả thể giới. Tôi không tin vào cuộc
sống sau cái chết — dù đến chết vẫn là một nhà cách mạng — nhưng nếu
nó có tồn tại thật, tôi có thể tưởng tượng ra cảnh lão đồng chí già Gu cười
vào mặt tôi khi tôi chân thành nói rằng mọi thứ rồi sẽ ổn thôi.
WENATCHEE, WASHINGTON, MỸ
[Joe Muhammad vừa hoàn thiện xong kiệt tác mới nhất của mình,
bức tượng một đàn ông cao hơn ba mươi phân đeo một cái Baby Bjorn
rách nát, bước đi ra dáng loạng choạng, đôi mắt vô hồn nhìn thẳng về
phía trước.]
Tôi sẽ không nói cuộc chiến là một điều tốt. Tôi không bệnh hoạn đến
thế, nhưng anh cũng phải công nhận rằng nó đã giúp mọi người trở nên gần
gũi nhau hơn. Bố mẹ tôi hồi trước luôn mồm nói họ nhớ cái cảm giác cộng
đồng khi còn ở Pakistan. Họ không bao giờ nói chuyện với những người
hàng xóm ở Mỹ, không bao giờ mời họ sang nhà chơi, gần như chẳng buồn
nhớ tên trừ những lúc phàn nàn về chuyện nhạc bật quá to hoặc chó sủa
váng nhà. Không thế nói rằng xã hội ta ngày nay cũng thế. Và đó không chỉ
là giữa những người hàng xóm với nhau, hay thậm chí là người trong một
nước. Dù có đi đâu, có nói chuyện với ai, tất cả chúng ta đều có một trải
nghiệm chung rất mạnh mẽ. Hai năm trước tôi có đi trên một chuyến tàu
khách, chuyến Pan Pacific Line đi qua các hòn đảo. Chúng tôi gặp đủ thứ
khách thập phương, và mặc dù các tiểu tiết có thể khác nhau, các câu
chuyện hầu như đều na ná nhau cả. Tôi biết thế này là hơi lạc quan quá bởi
tôi dám chắc rằng ngay kh mọi thứ trở về “bình thường,” một khi con hay
cháu chúng ta được lớn lên trong một thế giới hòa bình, chúng sẽ ngay lập
tức trở lại thành những con người ích kỉ, hạn hẹp và đối xử mất dạy với
nhau như chúng ta hồi trước. Nhưng liệu những thứ ta đã trải qua thực sự có
thể biến mất hết không? Có lần tôi được nghe một câu tục ngữ của người
Châu Phi rằng “Qua sông kiểu gì cũng dính ướt.” Tôi rất muốn tin điều đó.
Đừng hiểu nhầm ý tôi, tôi cũng có nhớ một số thứ trong thế giới trước
kia, chủ yếu chỉ là đồ đạc, những thứ tôi từng có hoặc từng nghĩ rằng một
ngày kia mình sẽ có. Tuần trước chúng tôi có tổ chức tiệc tân hôn cho một
gã trai trẻ cùng khu. Bọn tôi mượn được cái đầu đĩa DVD duy nhất còn hoạt
động và mấy bộ phim khiêu dâm thời tiền chiến. Có cái cảnh Lusty Canyon
đang bị ba thằng phang trên nóc một chiếc xe mui xếp BMW Z4 xám bạc,
và trong đàu tôi chỉ có một suy nghĩ Ái chà, ngày nay đâu còn ai sản xuất
xe như thế nữa.
TAOS, NEW MEXICO, MỸ
[Chỗ thịt nướng đã gần chín. Arthur Sinclair lật mấy miếng thịt
đang sôi xèo xèo lại, hít hà hơi khói.]
Trong số các công việc đã trải qua, không gì sướng hơn làm cớm tiền tệ.
Khi ngài tân thử tướng đề nghị tôi quay lại với vai trò chủ tịch SEC, tôi tí
nữa thì hôn bà ấy một phát. Tôi đoán chắc là cũng như khi được lên làm ở
DeStRes, tôi được nhận công việc này vì chẳng còn ai muốn làm. Vẫn còn
rất nhiều thách thức phía trước, phần lớn đất nước vẫn còn dùng “đơn giá
hàng hóa.” Thuyết phục mọi người ngưng trao đổi hàng hóa và tin tưởng
vào đồng đô la Mỹ… không dễ một chút nào. Đồng peso của Cuba vẫn là
thống soái, và rất nhiều công daan thuộc tầng lớp khá giả của ta vẫn còn có
tài khoản ngân hàng ở Havana.
Chỉ riêng việc giải quyết vấn nạn tiền thặng dư là đủ khiến cho bất cứ
bộ máy chính quyền nào phải đau đầu rồi. Sau khi chiến tranh kết thúc
người ta tìm thấy cả đống tiền, Trong các két sắt vô chủ, trong các ngôi nhà,
trên các xác chết. Sao mà biết được ai là kẻ trộm ai là những người đã thực
sự cất kín tiền của mình đi, nhất là khi hồ sơ sở hữu giờ hiếm như xăng
dầu? Đó là lí do làm cớm tiền tệ là công việc quan trọng nhất của tôi.
Chúng tôi phải xử lí những thằng khốn đang ngăn cản không cho sự tự tin
quay trở lại với nền kinh tế Mỹ, không chỉ bọn trộm cắp vặt mà cả những
đứa cỡ bự nữa, mấy thằng khốn đang tìm cách mua nhà trước khi những
người sống sót có thể đến lấy lại, hoặc đang vận động hành lang để bãi bỏ
chế độ điều phối thực phẩm cũng như những thứ hàng hóa sinh tồn quan
trọng khác… và cái thằng Breckinridge Scott, vâng, ông hoàng Phalanx,
vẫn còn đang trốn chui trốn nhủi như chuột trong cái Pháo đài Khốn kiếp
miền Nam Cực của hắn. Hắn vẫn chưa hay biết gì hết nhưng tôi đã có nói
chuyện với mấy anh Ivan để họ không gia hạn hợp đồng thuê nhà cho hắn.
Ở nhà có rất nhiều người đang mong được gặp hắn, nhất là bên IRS.
[Ông mỉm cười và xoa tay vào nhau.]
Lòng tự tin, đó là chất dầu giúp cho bộ máy tư bản chạy được. Nền kinh
tế của ta chỉ có thể hoạt động nếu người ta tin vào nó; như FDR đã nói,
“Thứ duy nhất chúng ta phải sợ chính là nỗi sợ hãi.” Bố tôi chấp bút cho
ông ta đó. Ít nhát là theo lời ông ấy nói.
Nó dã bắt đầu rồi đấy, chậm thôi nhưng chắc chắn bắt đầu rồi. Cứ mỗi
ngày trôi qua chúng ta lại có thêm vài tài khoản được mở ở các ngân hàng
Mỹ, thêm một vài doanh nghiệp tư nhân được thành lập, chỉ số Dow lại
tăng thêm vài điểm. Nó cũng như thời tiết vậy. Cứ mỗi năm mùa hè lại dài
thêm ra, bầu trời lị xanh thêm hơn. Mọi thứ đang tốt đẹp dần lên. Cứ đợi mà
xem.
[Ông thò tay vào trong cái thùng lạnh, lấy ra hai cái chai màu nâu.]
Nước hoa quả không?
KYOTO, NHẬT BẢN
[Đây là một ngày trọng đại đối với Hiệp hội Khiên bảo vệ. Cuối
cùng họ cũng đã được công nhận là một chi nhánh độc lập của Lực
lượng Phòng vệ Nhật Bản. Nhiệm vụ chính của họ sẽ là dạy cho dân
thường ở Nhật cách tự vệ chống lại bọn thây ma. Sứ mệnh liên tục của
họ cũng sẽ bao gồm tiếp thu những kĩ thuật tự vệ có vũ khí cũng như
tay không từ những tổ chứ không thuộc Nhật Bản, và giúp phát triển
những kĩ thuật đó trên khắp thế giới. Thông điệp phản đối súng ống
cũng như ủng hộ quan hệ hợp tác quốc tế của Hiệp hội đã được hưởng
ứng nhiệt liệt, thu hút sự chú ý của giới phóng viên cũng như quan
chức ở gần như tất cả các quốc gia thuộc Liên Hiệp Quốc. Tomonaga
Ijiro đứng đầu hàng, mỉm cười và cúi chào các vị khách. Kondo
Tatsumi cũng đang mỉm cười, đứng cuối phòng nhìn về phía người thầy
của mình.]
Anh cũng biết tôi không tin vào ba cái thứ tâm linh vớ vẩn này, đúng
không? Theo tôi thấy, Tomonaga chỉ là một lão hibakusha già đầu óc có vấn
đề, nhưng thầy đã khởi đầu một thứ rất tốt đẹp mà tôi nghĩ sẽ mang tính
sống còn đối với tương lai Nhật Bản. Thế hệ của thầy muốn thống trị thế
giới, và thế hệ của tôi sẵn lòng để thế giới, ở đây là đất nước của các anh,
thống trị mình. Cả hai con đường đều tí nữa đã khiến quê hương chúng tôi
bị diệt vong. Phải có một con đường nào đó khác tốt hơn, một lựa chọn cho
phép chúng tôi tự bảo vệ mình, nhưng sẽ không đến mức khiến các nước
khác cảm thấy bất an và thù địch. Tôi không thể khẳng định được đây sẽ là
con đường đúng đắn; tương lai quá trắc trở, không thể thấy xa được. Nhưng
tôi sẽ cùng với thầy Tomonaga bước đi trên con đường này, tôi và rất nhiều
người khác nữa. Ngày càng có nhiều người đến nhập hội với chúng tôi. Chỉ
có “các vị thần” mới biết điều gì đang chờ đợi chúng tôi ở phía cuối con
đường.
ARMAGH, IRELAND
[Philip Adler uông nốt li rượu, đứng dậy ra về.]
Chúng ta không chỉ mất đi nhân mạng khi bỏ mặc họ cho lũ thây ma.
Tôi chỉ muốn nói có thế thôi.
TEL AVIV, ISRAEL
[Sau khi ăn xong, Jurgen giật lại tờ hóa đơn từ trên tay tôi.]
Xin để đấy, tôi chọn chỗ ăn, để tôi đãi. Hồi trước tôi gét món này lắm,
trông cứ như bãi nôn. Một tối nọ, nhân viên của tôi phải lôi tôi ra đây, một
lũ Sabra choai choai với khẩu vị lạ kì. “Ăn thử xem nào, đồ yekke già,” họ
nói. Họ gọi tôi là “yekke.” Nó có nghĩa là đồ bảo thủ, còn định nghĩa chính
xác của nó là người do thái gốc đức. Cả hai nghĩa đều đúng.
Tôi có trong chiến dịch “Kindertransport,” cơ hội cuối cùng để tuồn trẻ
em Do Thái ra khỏi Đức. Đó là lần cuối tôi được nhìn thấy gia đình mình
còn sống. Trong một thị trấn nhỏ ở Ba Lan có một cái ao, nơi ấy chúng vẫn
đổ tro xuống. Nửa thế kỉ đã trôi qua mà giờ cái ao ấy vẫn xám đục ngầu.
Tôi có nghe nói rằng không ai sống qua được vụ tàn sát chủng tộc Do
Thái, ngay cả những người hiện vẫn đang sống cũng đã bị thương tật không
thể cứu chữa được, nhuệ khí của họ, linh hồn của họ, cái con người hồi
trước của họ, tất cả đều đã ra đi vĩnh viễn. Tôi không muốn tin đó là sự thật.
Nếu đó mà là đúng thì không ai trên Trái Đất này sống sót qua khỏi cuộc
đại chiến thây ma.
TRÊN BOONG TÀU USS TRACY BOWDEN
[Michael Choi đứng dựa vào lan can chỗ quạt đuôi của tàu, mắt
nhìn về phía đường chân trời.]
Anh có biêt ai đã thua trong trận Thế Chiến Z này không? Bọn cá voi.
Chúng cũng không có nhiều cơ hội lắm, nhất là khi có đến vài triệu người
chết đói trôi dạt trên đại dương và phân nửa lực lượng hải quân thế giới
được chuyển thành hạm đội đánh bắt cá. Cũng chẳng tốn công gì nhiều, chỉ
cần thả bom từ trực thăng xuống, quá xa để gây ra thương tổn về thể xác,
nhưng cũng đủ gần để khiến chúng bị điếc và choáng váng. Chúng không
để ý thấy tàu đánh bắt cho đến khi đã quá muộn. Ở cách đó vài dặm anh vẫn
có thể nghe thấy tiếng đầu đạn nổ, tiếng kêu của chúng. Không dì dẫn
truyền âm thanh tốt như nước cả.
Thật là một tổn thất quá lớn, anh không cần phải là một tên hippe mới
nhận ra điều đó. Cha tôi làm việc ở Scripps, không phải cái trường nữ sinh
ở Claremont mà là một viện hải dương học ngoại ô San Diego. Đó là lí do
tôi gia nhập lực lượng hải quân và tại sao mà tôi yêu biển đến vậy. Không
thể nào không thấy bọn cá voi xám California được. Chúng thật là oai
phong. Sau khi bị săn bắn đến mức suýt nữa thì tuyệt chủng, chúng đã bắt
đầu quay trở lại. Chúng không còn sợ ta nữa và đôi khi anh còn có thể chèo
ra đủ gần để chạm vào chúng. Chúng có thể giết chết ta chỉ trong nháy mắt,
chỉ cần quẫy nhẹ cái đuôi a ba mét rưỡi kia hoặc huých cái thân hình nặng
hơn ba chục tấn của mình là đủ. Thợ săn cá voi thời trước vẫn thường gọi
chúng là cá quỉ vì khi bị dồn đến cùng đường chúng chiến đấu rất dữ dội.
Nhưng chúng biết ta không muốn làm hại chúng. Chúng thậm chí còn để ta
vỗ về hoặc nếu cảm thấy muốn bảo vệ con cái, chúng chỉ nhẹ nhàng đẩy ta
ra xa. Sức mạnh quá lớn, tiềm năng hủy diệt quá lớn. Những con cá voi
xám California ấy thực sự là những sinh vật kì thú, và giờ đây chúng biến
mất hết rồi, cung với cả lũ cá voi xanh, lũ cá kình, lũ cá voi lưng gù và cá
voi đầu bò. Tôi có nghe đồn là có người đã nhìn thấy vài con cá voi trắng và
kì lân biển sống sót dưới lớp băng Nam Cực, nhưng chắc cũng không đủ để
tạo ra một hồ gen tử tế. Tôi biết vẫn còn một số con cá voi sát thủ chưa bị
sứt sẹo gì, nhưng cứ nhìn vào tình hình ô nhiễm ngày nay và hiện trạng
lượng cá trong các khu sông hồ ở Arizona đang ngày càng ít đi, tôi không
quá lạc quan vào triển vọng của chúng. Ngay cả nếu Mẹ Thiên Nhiên có
tạm hoãn thi hành án cho lũ cá voi sát thủ, để chúng thích nghi như đã làm
với lũ khủng long, các gã khổng lồ dịu dàng cũng đã vẫn biến mất mãi mãi.
Nó gióng như trong bộ phim Oh God nơi Đức Chúa Toàn Năng thách con
người tự làm ra một con cá thu. “Các người không thể,” ngài nói, và trừ khi
mấy anh bên lưu trữ di truyền đến được trước mấy quả ngư lôi, ta cũng sẽ
không thể nào tạo ra một con cá voi xám California nữa.
[Mặt trời lặn xuống phía chân trời. Michael thở dài.]
Vậy nên lần sau khi có ai nói với anh rằng tổn thất thực sự của cuộc
chiến này là “sự vô tôi của chúng ta” hay “một phần nhân tính của ta”…
[Ông nhổ xuống nước.]
Gì cũng được. Đi mà nói với lũ cá voi ấy.
DENVER, COLORADO, MỸ
[Todd Wainio tiễn tôi ra bến tàu, nâng niu mấy điếu thuốc lá Cuba
100 phần trăm tôi mua tặng anh làm quà chia tay.]
Ừ, đôi khi tôi cũng mất kiểm soát, lên cơn vài phút, có lẽ khoảng một
giờ. Nhưng mà bác sĩ Chandra bảo thế không sao. Ông ta mở phòng tư vấn
ở ngay chỗ VA này. Ông ta bảo tôi rằng đấy là chuyện bình thường, giống
như mấy trận động đất nhỏ để giảm bới áp lực trên khe nứt. Ông ta nói
chính những ai không có mấy cái “xung chấn nhỏ” như thế này mới cần
phải dè chừng.
Chỉ cần một chút kích thích thôi là đủ để tôi hóa dại rồi. Thi thoảng khi
tôi ngửi thấy mùi gì đó, hoặc nghe giọng ai quen quen. Tháng trước khi
đang ăn tối, đài có bật một cái bài hát, tôi không nghĩ họ đang nói về cuộc
chiến của tôi, thậm chí tôi còn không nghĩ đây là đài Mỹ. Cái chất giọng và
một số ngôn từ nghe rất khác, nhưng còn đoạn điệp khúc… “Mong Chúa
cứu rỗi, tôi mới có mười chín.”
[Tiếng chuông vang lên thông báo tàu của tôi sắp khởi hành. Xung
quanh chúng tôi mọi người bắt đầu lên tàu.]
Buồn cười ở chỗ những kí ức sống động nhất của tôi lại trở thành biểu
tượng chiến thắng của quốc gia.
[Anh chỉ vào cái bức tranh tường khổng lồ phái sau lưng chúng tôi.]
Đó chính là bọn tôi, đứng trên bờ sông Jersey ngắm bình minh New
York. Chúng tôi vừa nhân được tin, hôm đó là ngày VA. Không có tiếng reo
hò, không có tiệc tùng gì hết. Mọi thứ cứ như mơ vậy. Hòa binh ư? Điều ấy
có nghĩa là gì? Tôi đã sợ hãi quá lâu, đã chiến đấu và chém giết và đợi cái
chết tới gần lâu quá đến mức mình đã coi nó như một phần trong đời sống
thường nhật rồi. Tôi cứ ngỡ đây là một giấc mơ, đôi khi tôi vẫn còn cảm
thấy thế mỗi khi nhớ lại ngày hôm đó, cái lúc mặt trời bừng lên phía trên
thành phố Hero.
Đây là một câu chuyện hư cấu. Tên tuổi, nhân vật, địa điểm cũng như
các sự kiện đều do tác giả tưởng tượng ra hoặc được chế tác lại. Nếu có sự
trùng hợp nào với những con người dù còn sống hay đã chết, các sự kiện
hay các địa danh, tất cả đều hoàn toàn là ngẫu nhiên.
Copyright © 2006 by Max Brooks
All rights reserved.
Truyện được xuất bản ở Mỹ bởi Nhà Xuất Bản Crown, ấn phẩm của
Tập đoàn Xuất Bản Crown, đơn vị trực thuộc Random House, Inc., New
York. www.crownpublishing.com thương hiệu Crown đã được đăng kí bản
quyển bởi Random House, Inc.
Brooks, Max.
World War Z : lịch sử truyền miệng của cuộc đại chiến zombie/ Max
Brooks.— tái bản lần 1.
1. War—Humor. I. Title.
PN6231. W28B76 2006
813'.6—dc22
2006009517
eISBN-13: 978-0-307-35193-7
eISBN-10: 0-307-35193-9
v1.0
LỜI CẢM ƠN
Xin trân trọng cảm ơn vợ tôi, Michelle, vì đã yêu thương và hỗ trợ tôi
hết mực. Cảm ơn Ed Victor, vì đã giúp khởi đầu dự án này. Cảm ơn Steve
Ross, Luke Dempsey, và toàn bộ đội ngũ của Nhà Xuất Bản Crown. Cảm
ơn T. M. vì đã trông chừng cho tôi. Cảm ơn Brad Graham ở tờ Washington
Post; Ts. Cohen, Whiteman, và Hayward;
Cảm ơn giáo sư Greenberger và Tongun; Rabbi Andy; Cha Fraser;
STS2SS Bordeaux (USN fmr); “B” và “E”; Jim; Jon; Julie; Jessie; Gregg;
Honupo; và bố, vì đã cho con “yếu tố con người.”
Và cuối cùng, xin được chân thành cảm ơn ba con người đã cho tôi cảm
hứng viết cuốn sách này: Studs Terkel, Đại tướng Sir John Hackett quá cố,
và tất nhiên, ngài George A. Romero thiên tài và đáng sợ.
Notes
[←1]
Trích từ “Những câu nói của Chủ tịch Mao Trạch Đông,” gốc là “Tình hình Chính
sách của Ta sau Chiến thắng trong cuộc Kháng chiến chống Nhật Bản,” 13 tháng tám,
1945
[←2]
Một loại xe thời ền chiến sản xuất ở nước Cộng hòa Nhân dân.
[←3]
Viện Bệnh Truyền Nhiễm Và Kí Sinh Trùng trực thuộc Bệnh viên Liên hiệp Đầu
ên, Đại học Dược Trùng Khánh.
[←4]
Guokia Anquan Bu: Bộ An ninh Quốc gia thời ền chiến.
[←5]
Shetou: “Đầu rắn,” chuyên vận chuyển lậu “renshe,” hay dịch thô ra là “đầu rắn”
của dân tị nạn.
[←6]
Liudong renkou: Thành phần “dân số trôi nổi” của Trung Quốc, chỉ những người
lao động chân tay vô gia cư
[←7]
Tiên nâu: biệt danh dành cho một loại thuốc phiện trồng ở tỉnh Badakhshan
thuộc Afghanistan.
[←8]
PTSD: Post-Trauma c Stress Disorder - Hội chứng Chấn thương Tâm lý.
[←9]
Có ý kiến cho rằng trước chiến tranh, cơ quan sinh dục của những người Xuđăng bị kết tội ngoại nh sẽ bị cắt và đem bán ở chợ đen.
[←10]
PEM: proton exchange membrane – màng trao đổi proton
[←11]
PRC: People’s Republic of China – Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa
[←12]
PLO: Pales ne Libera on Organiza on – Tổ chức Giải phóng Pales ne
[←13]
Hậu duệ của Yassin: Một tổ chức khủng bố thanh thiếu niên lấy theo lên Sheikh
Yassin quá cố với luật lệ chiêu mộ rất nghiêm ngặt. Mọi tử sĩ đều không được phép
quá mười tám tuổi.
[←14]
“Trong mắt thánh Allah, những kẻ không có đức n là đều là lũ súc vật đê ện
nhất, vậy nên chúng không thèm n.” Trích trong kinh Koran, phần tám 8, khổ 55.
[←15]
Đến lúc này, chính phủ Israel đã hoàn thành chiến dịch “Moses II,” đưa người
“Falasha” gốc Ethiopia cuối cùng vào Israel
[←16]
Vào thời điểm đó, chưa ai biết liệu chủng virút này có thể sống sót trong các thứ
chất thải bên ngoài cơ thể người hay không.
[←17]
Khác với hầu hết xe tăng các nước khác, chiếc “Merkava” của Israel có cửa sau
để triển khai quân.
[←18]
CIA, gốc là OSS, mãi đến tháng sáu năm 1942 mới được thành lập, sáu tháng sau
khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng.
[←19]
Trước chiến tranh, một “trò chơi bắn súng” online có tên là “America’s Army”
được chính phủ Mỹ tung lên cho chơi miễn phí, vài người cho rằng đây là để chiêu
binh.
[←20]
“Hill” ở đây là gọi tắt của Capitol Hill ở Washington D.C nơi Quốc hội Mỹ tổ chức
họp hành và "Penn Ave" ở đây chỉ Pennsylvania Avenue, nơi có Nhà Trắng.
[←21]
Chỉ là lời đồn; mặc dù kẹo M&M đỏ trong giai đoạn 1976 – 1985 đã bị loại bỏ, họ
không sử dụng chất nhuộm đỏ số 2.
[←22]
Một hình thức giảm thiểu thuế thu nhập cá nhân ở Mỹ
[←23]
Ở Ấn Độ ngày xưa tồn tại một lớp người được coi là hạ đẳng so với những tầng
lớp khác.
[←24]
BMP là một loại xe bọc thép chở quân do Sô-viết sáng chế và sử dụng, và giờ là
do quân đội Nga sử dụng.
[←25]
Semnadstat là một tạp chí dành cho các thiếu nữ ở Nga. Tên của nó, 17, đã được
sao chép bất hợp pháp từ một tạp chí cùng tên khác ở Mỹ.
[←26]
IRA: Individual Re rement Account – Tài khoản Hưu trí Cá nhân
[←27]
G: tên ếng lóng chỉ zombie trong thời chiến
[←28]
Zack: Tên lóng chỉ zombie trong chiến tranh.
[←29]
FOL: Family of Latrines - Hố xí Quân sự
[←30]
Mặc dù đây chỉ là nói phóng đại, số liệu thời ền chiến cho thấy Yonkers có tỉ lệ
phóng viên trên quân nhân cao hơn bất cứ trận đánh nào trong lịch sử.
[←31]
G: Tên lóng chỉ zombie trong chiến tranh.
[←32]
Loại đạn chuẩn 40-mm hồi trước chiến tranh chứa 115 đầu đạn phi êu.
[←33]
SAW: Một loại súng máy hạng nhẹ, tên đầy đủ là Squad Automa c Weapon.
[←34]
JSF: Joint Strike Fighters.
[←35]
JSOW: Joint Standoff Weapon.
[←36]
Phiên bản kế hoạch Redeker của Đức.
[←37]
BRO: Border Roads Organiza on – Tổ chức các Tuyến đường Biên giới.
[←38]
Bộ Tài nguyên Chiến lược
[←39]
RKR: Resource-to-Kill Ra o
[←40]
“Gấu” là biệt danh của chỉ huy chương trình NST thời Chiến tranh Vùng Vịnh.
[←41]
Vidkun Abraham Lauritz Jonsson Quisling: Tổng thống Na Uy được Phát xít bổ
nhiệm thời Thế Chiến Thứ Hai.
[←42]
Asymptoma c Demise Syndrome
[←43]
Apocalyp c Despair Syndrome
[←44]
Inland Empire ở California là một trong những khu vực cuối cùng được giải
phóng
[←45]
Malcolm Van Ryzin: Môt trong những nhà làm phim thành công nhất Hollywood
[←46]
DP: Director of Photography – Đạo diễn Hình ảnh.
[←47]
JSOW được dùng cùng với rất nhiều loại bom đạn không kích khác ở Yonkers.
[←48]
Thông n hơi bị cường điệu hóa. Lượng chiến đấu cơ bị “bị xếp xó” trong Thế
Chiến Z không nhiều bằng lượng bị bắn hạ trong Thế Chiến Thứ Hai.
[←49]
AMARC: Aerospace Maintenance and Regenera on Center – Trung tâm Bảo trì
và Phục hồi Hàng không, ngoại ô Tucson, Arizona
[←50]
Meg: Biệt danh các phi công đặt cho khẩu súng lục tự động .22. Có lẽ với vẻ
ngoài bao gồm bộ giảm thanh dài, báng gập và ống ngắm, nó trông giống mẫu đồ
chơi “Megatron” của dòng Hasbro Transformers. Điều này vẫn chưa được kiểm
chứng.
[←51]
Trong giai đoạn này của cuộc chiến, bộ quân phục mới (BDU – Ba le Dress
Uniform) chưa được đưa vào sản xuất đại trà.
[←52]
“Baby-Ls”: Vốn là thuốc giảm đau nhưng nhiều quân nhân sử dụng nó làm thuốc
ngủ..
[←53]
Mặc dù Machu Picchu không gặp nhiều biến động trong cuộc chiến, những
người sống sót ở Vilcabamba cũng có phải trải qua một trận bùng phát dịch nhỏ
trong hàng ngũ của mình.
[←54]
Zed: Tên lóng chỉ zombie trong chiến tranh.
[←55]
Hàng phòng ngự chính của Anh được thiết lập dọc khu Bức tường Antonine của
La Mã cổ.
[←56]
Ubunye: một từ gốc Zulu ý chỉ Sự hợp nhất
[←57]
Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều về việc này, nhiều nghiên cứu khoa học thời
ền chiến đã chứng minh rằng khả năng làm chậm lại quá trình ô-xi hóa của dòng
sông Ganges chính là ngọn nguồn “phép màu” của nó.
[←58]
Phiên bản Kế hoạch Redeker của Nam Triều Tiên
[←59]
Đã có một số báo cáo chỉ ra rằng trong đợt chết đói năm 1992 có xảy ra nạn ăn
thịt người và rằng một số nạn nhân là trẻ con.
[←60]
Hitoshi Matsumoto và Masatoshi Hamada là hai trong số những diễn viên hài
ứng khẩu nổi ếng nhất Nhật bản thời ền chiến
[←61]
“Siafu” là tên một loại kiến ăn thịt ở Châu Phi. Thuật ngữ này được sử dụng lần
đầu bởi Tiến sĩ Komatsu Yukio khi ông phát biểu trước Nghị viện.
[←62]
Ai cũng công nhận Nhật Bản có tỉ lệ tự tử cao nhất trong giai đoạn Cuộc Đại
Loạn.
[←63]
Bosozoku: Các băng đảng xe máy trẻ tuổi ở Nhật, nổi ếng nhất trong thời
những năm 1980 và 1990.
[←64]
Ikupasuy: Tên gọi của một loại gậy Ainu nhỏ dùng để cầu nguyện. Sau này khi
được hỏi về sự sai lệch này, sư phụ Tomonaga trả lời rằng người thầy của ông, ông
Ota, đã nói cho ông cái tên đó. Liệu rằng có phải ông Ota cố ý gán cho dụng cụ làm
vườn của mình một kết nối tâm linh nào đó hay chỉ đơn giản là đã quá xa rời nền
văn hóa của mình (cũng như nhiều người Ainu khác cùng thời với ông),chúng ta sẽ
không bao giờ biết được.
[←65]
Chi-tai: Vùng.
[←66]
Đến nay vẫn chưa ai xác minh được mức độ phụ thuộc vào thị giác của thây ma.
[←67]
Haya-ji: Thần gió.
[←68]
Oyamatsumi: Thần cai trị các ngọn núi và núi lửa.
[←69]
General Intelligence Directorate
[←70]
Đến nay vẫn chưa ai biết được chính xác số lượng tàu của quân đồng minh cũng
như tàu trung lập thả neo ở các cảng của Cuba trong giai đoạn chiến tranh.
[←71]
Tên gốc: Interna onal Space Sta on (ISS).
[←72]
“Tàu cứu sinh” dùng để quay trở về khí quyển của trạm
[←73]
Trạm ISS ngưng chế ôxi bằng phương pháp điện phân để ết kiệm nước.
[←74]
Các thông số kĩ thuật thời ền chiến cho thấy công năng tái chế nước của tàu ISS
là 95 phần trăm.
[←75]
ATV: Automated Transfer Vehicle – Phương ện Chuyên chở Tự động.
[←76]
Nhiệm vụ phụ của tàu dùng một lần ATV đó là lấy thiết bị đẩy để giữ cho trạm
không bị lệch quĩ đạo.
[←77]
Extra Vehicle Ac vi es (EVA)
[←78]
ASTRO: Autonomous Space Transfer and Robo c Orbiter – Trạm Chuyển giao Vũ
trụ Tự động và Tàu Quĩ Đạo
[←79]
PSA: Personal Satellite Assistance – Hỗ trợ Vệ nh Cá nhân
[←80]
Cho đến nay, không ai biết tại sao gia đình hoàng gia Saudi lại ra lệnh đốt hết các
bãi dầu của vương quốc mình.
[←81]
Hồ chứa nước của Đập Katse ở Lesotho được xác nhận là đã gây ra vô số xáo
trộn địa chấn kể từ khi nó được hoàn thành vào năm 1995.
[←82]
Trạm ISS có điện đài dân sự để cho phép phi hành đoàn trò truyện với học sinh.
[←83]
ODV: Orbital Denial Vehicle – Chuyên cơ Ngăn chặn Vũ trụ
[←84]
Mkunga Lalem: (Con lươn và thanh kiếm), môn võ chống zombie hàng đầu thế
giới.
[←85]
CIC: Combat Informa on Center – Trung tâm Thông n Chiến đấu
[←86]
Đã có xác nhận rằng ít nhất hai mươi lăm triệu trong số đó bao gồm dân tị nạn
đến từ Mỹ La nh bị giết trong khi đang m cách đi lên phía Bắc Canada.
[←87]
Đã có một số ý kiến cho rằng có một vài nhân vật trong quân đội Mỹ công khai
ủng hộ việc sử dụng vũ khí nhiệt hạch hạt nhân trong chiến tranh Việt Nam.
[←88]
Móc xích: từ lóng để chỉ các loại xe cộ di chuyển trên bánh xích trong chiến
tranh.
[←89]
M-trip-Bảy ASV: Cadillac Gauge M1117 Armored Security Vehicle - Xe bọc thép
Cadillac Gauge M1117.
[←90]
Thành phần cấu thành bộ quân phục mới của quân đội (BDU – Ba le Dress
Uniform) vẫn được giữ bí mật.
[←91]
SIR: Standard Infantry Rifle – Súng Bộ binh Tiêu chuẩn
[←92]
Khẩu súng có tên viết tắt giống với từ “ngài” (sir) trong ếng Anh.
[←93]
PIE: Pyrotechnically Ini ated Explosive.
[←94]
BS: Ba lefield Sani za on – Dọn dẹp Chiến trường.
[←95]
PEM: Primary En cement Mechanism – Cơ Chế Nhử Chính.
[←96]
Một thứ khí cụ đa năng làm bằng thép, được đặt theo tên ngọn giáo ngắn
truyền thống của Zulu.
[←97]
Từ long để chỉ những con zombie sống lại sau khi Cuộc Đại Loạn kết thúc.
[←98]
RT: Recharge Team - Đội Tiếp Đạn.
[←99]
Thiết bị Hỗ Trợ Quan Sát trong Chiến đấu M43.
[←100]
Reinforced Square.
[←101]
I-Ra ons: Intelligent Ra ons – Thực phẩm Thông minh, được thiết kế để đạt
hiệu quả dinh dưỡng tối đa
[←102]
KO: Knock Out – Hạ Gục.
[←103]
Concertainer: Một loại rào chắn rỗng đúc sẵn, chế ra từ Kevlar và được nhét đầy
dất cùng với/hoặc là gạch đá.
[←104]
PT: Physical Training – Rèn luyện Thể chất.
[←105]
AIT: Advanced Individual Training – Huấn luyện Cá nhân Cấp cao.
[←106]
Sweep and Clear.
[←107]
Long Range Patrol.
[←108]
Data Orienta on Asset (DOA).
[←109]
AGN: Army Group North – Nhóm Quân phía Bắc
[←110]
Cơ sở nghiên cứu vũ khí ở China Lake.
[←111]
Thuốc L (Lethal – gây chết): thuật ngữ chỉ những viên thuốc độc, một trong
những lựa chọn dành cho những chiến binh Mỹ bị nhiễm bệnh trong Thế Chiến Z.
[←112]
DSCC: Deep Submergence Combat Corps.
[←113]
ADS: Atmospheric Diving Suit.
[←114]
John Lethbridge, vào khoảng năm 1715
[←115]
Zero Visibility Detec on Kit.
[←116]
ROV: Remotely Operated Vehicles – Phương ện Điều khiển Từ xa
[←117]
“Đại tướng Cá Tầm”: biệt danh dân thường gán cho chỉ huy đương nhiệm của
DSCC
[←118]
Bộ phim có tên viết tắt là A No A, gọi lóng là Alpha November Alpha (Alpha
Tháng Mười Một Alpha)
[←119]
Alan Hale Cha.
[←120]
Tỉ lệ thương vong cao nhất trong số các lực lượng đồng minh đến nay vẫn được
tranh cãi.
[←121]
Force Appropriate Response.
[←122]
Lion’s Roar, sản xuất bởi hãng phim Foreman cho đài BBC.
[←123]
Bản không lời của bài “How Soon Is Now,” sáng tác bởi Morrissey và Johnny
Marr, thể hiện bởi anh em nhà Smiths.
[←124]
HR: Humans Reclaima on – Thu hồi Nhân mạng
[←125]
Phát âm giống như từ “bay” trong ếng Anh (flies), chủ yếu bởi vì đòn vồ mồi
của chúng tông rất giống đang bay.
[←126]
F-Lions: Feral Lions - sư tử hoang
[←127]
Tính đến hiện tại, không có số liệu khoa học nào có thể minh chứng cho những
ứng dụng của học thuyết Bergmann trong giai đoạn chiến tranh.
[←128]
LaMOE: Last Man on Earth – Người Sống sót Cuối cùng. Đọc là Lay-moh với chữ
e câm
[←129]
Số liệu về diễn biến thời ết trong chiến tranh vẫn chưa chính thức được xác
nhận.
[←130]
Thiếu tá Ted Chandrasekhar.
Download