Uploaded by Kim Anh Lê

Tiểu luận

advertisement
PHẦN 1: Trong các xu hướng Khu vực hóa, toàn cầu hóa, và hợp tác phát triển, xu
hướng nào là chủ đạo và lâu dài hơn? Giải thích vì sao? Bằng kiến thức đã được học,
lấy ví dụ minh họa về Việt Nam để làm rõ ý kiến của nhóm.
1.1.
Khu vực hoá, toàn cầu hoá, hợp tác phát triển.
Kết quả của xu hướng toàn cầu hoá là tạo nên một nền kinh tế thế giới dưới một
dạng chỉnh thể thống nhất, mỗi quốc gia là một bộ phận không thể tách rời, tác động và phụ
thuộc lẫn nhau. Đây là quá trình vừa hợp tác phát triển vừa đấu tranh sinh tồn. Toàn cầu
hoá mang lại nhiều lợi ích về tăng trưởng và phát triển toàn cầu, hợp tác quốc tế và đẩy
mạnh đầu tư, khai thác khoa học công nghệ. Tuy nhiên, tốc độ toàn cầu hoá càng cao thì
khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia càng tăng.
Khu vực hoá là quá trình các nhóm quốc gia có nhiều điểm chung, đặc biệt là chung
khu vực thúc đẩy hợp tác nhanh hơn bằng cách tạo ra những nhóm liên kết khu vực, mang
các nước lại gần nhau hơn. Khu vực hoá thúc đẩy quá trình toàn cầu hoá nền kinh tế diễn
ra nhanh hơn, mở rộng thị trường cho các quốc gia đồng thời tự do hoá thương mại được
tăng cường. Tuy nhiên, khu vực hoá lại mang đến những mối đe doạ về sự ổn định kinh tế
- xã hội và cũng có thể làm xói mòn nền văn hoá và chủ quyền quốc gia.
Trong mối quan hệ quốc tế giữa các quốc gia hiện nay, xu hướng hợp tác phát triển
vẫn là xu hướng chủ đạo và lâu dài hơn. Toàn cầu hoá hay khu vực hoá không làm cho
quốc gia nào có thể trở thành “ốc đảo thanh bình” bởi vì nhiều nơi trên thế giới vẫn còn
chiến tranh, khủng hoảng trầm trọng. Không một quốc gia nào có thể thịnh vượng mà xung
quanh là các nước nghèo đói. Cùng với các vấn đề về môi trường, bùng nổ dân số, thất
nghiệp gia tăng, đói nghèo hay những căn bệnh thế kỉ đòi hỏi các quốc gia có sự hợp tác để
cùng nhau tìm ra hướng giải quyết. Vì vậy, các quốc gia cần phải chủ động mở cửa, gia
nhập nền kinh tế thế giới, tham gia phân công lao động quốc tế để tìm hướng đi cho nước
nhà và giải quyết những vấn đề toàn cầu. Tóm lại, hợp tác phát triển là một xu thế cần thiết
và lâu bền tạo điều kiện cho các nước cùng phát triển, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo
giữa các quốc gia, đưa các nước lại gần nhau hơn.
1.2.
Ví dụ minh hoạ về Việt Nam.
Cùng với xu thế toàn cầu hoá – khu vực hoá, Việt Nam đã gia nhập vào các tổ chức
thế giới như: gia nhập IMF và WB năm 1956, WTO năm 2007,… và các tổ chức trong khu
vực như: tham gia vào ASEAN năm 1995, ASEM năm 1996, APEC năm 1998,… Đây là
cơ hội đồng thời cũng tạo những thách thức đối với kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội
Việt Nam.
Gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) có thể tạo ra cho Việt Nam nhiều cơ
hội mở rộng thị trường và thu hút đầu tư nước ngoài. Cụ thể là, sau 10 năm gia nhập WTO
(năm 2017), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng gấp 4 lần và vượt mốc
350 tỷ USD; đồng thời thứ hạng về xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng từ vị trí 50 (năm
2007) lên vị trí 26 (năm 2016) (Tổng cục Hải quan, 2017). Tuy nhiên, một trong những yếu
tố bị ảnh hưởng trực tiếp thời hậu WTO là thuế.
Hình 1. Mức giảm thuế quan trung bình theo các cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO
Nguồn: Bộ Thương mại (MOT) và MOF
Thuế nhập khẩu thời kì hậu WTO đã thay đổi đáng kể, mức thuế đối với các mặt
hàng nông nghiệp giảm từ 23,5% xuống còn 21%, với các mặt hàng phi-nông nghiệp giảm
từ 16,6% xuống còn 12,6% (Hình 1) (World Bank, 2016). Điều này gây bất lợi lớn đối với
ngân sách Việt Nam.
Trong cộng đồng ASEAN, năng suất lao động của Malaysia cao gấp 5 lần, Thái Lan
cao gấp 2,5 lần so với Việt Nam. Trong quý I năm 2021, chỉ có 26% lao động có bằng,
chứng chỉ sơ cấp trở lên (Tổng cục Thống kê, 2021). Không những thế, trình độ ngoại ngữ
của lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế. Chất lượng và năng suất lao động thấp gây khó
khăn lớn cho Việt Nam trong quá trình cạnh tranh với các nước trong khu vực. Do đó, việc
gia nhập các tổ chức toàn cầu hay khu vực đều mang đến những khó nhăn nhất định đối với
nền kinh tế của Việt Nam.
Nhận thấy được tính lâu bền của xu hướng hợp tác phát triển, một trong những đường
lối đối ngoại của Việt Nam là độc lập, tự chủ, hoà bình và hợp tác trong mối quan hệ với
các nước. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, các nước và các đối tác đã hỗ
trợ cho Việt Nam hơn 8 triệu liều vaccine. Ngoài ra, Việt Nam còn nhận được sự hỗ trợ về
thiết bị y tế, vật tư y tế từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…. (Bộ Y Tế, 2021).
Kết quả trên đã khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam trong mối quan hệ hợp tác
phát triển rất hiệu quả và hoàn toàn đúng đắn.
Trong mối quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam và Nhật Bản, chính phủ Nhật Bản
luôn có những hỗ trợ to lớn đối với công cuộc cải cách kinh tế của Việt Nam. Đến nay, khối
lượng ODA mà chính phủ Nhật Bản đã cam kết cung cấp cho Việt Nam chiếm 40% tổng
khối lượng ODA mà cộng đồng quốc tế đã cam kết. Cùng với đó, mối quan hệ giữa Việt
Nam và Hoa Kì không ngừng phát triển. Hoà Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất Việt Nam.
Tổng kim ngạch Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kì trong 6 tháng đầu năm 2021 là 45,1 tỷ
USD trên tổng 157,63 tỷ USD (Bộ Công Thương, 2021).
Tóm lại, Việt Nam vẫn không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ với các nước
trên thế giới nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động hội nhập nền khu
vực hoá, toàn cầu hoá nhưng vẫn đảm bảo chủ quyền quốc gia và bản sắc dân tộc. Lợi ích
lâu dài luôn được đặt lên hàng đầu trong quá trình hội nhập quốc tế. Do đó, hợp tác phát
triển vẫn luôn là lựa chọn được ưu tiên của Việt Nam trong mối quan hệ với các quốc gia
trên thế giới.
PHẦN 2: Cho đến thời điểm hiện tại, trong số các hình thức liên kết kinh tế vĩ mô,
hình thức liên kết nào ở cấp độ cao nhất? Liên minh châu Âu có phải là liên minh kinh
tế hoàn hảo nhất không? Giải thích và cho ví dụ minh họa. Liên hệ thực tiễn đối với
việc Việt Nam gia nhập các liên kết kinh tế vĩ mô hiện nay.
2.1.
Các hình thức liên kết kinh tế vĩ mô.
Liên kết kinh tế vĩ mô là hình thức liên kết kinh tế theo khu vực đang trở thành mô
hình chủ yếu của nền kinh tế thế giới. Trong đó, liên kết kinh tế giữa các Nhà nước dựa trên
cơ sở kí kết các hiệp định quốc tế - liên kết kinh tế Nhà nước. Có 6 hình thức liên kết kinh
tế vĩ mô: Thoả thuận mậu dịch ưu đãi (PTA), Khu vực mậu dịch tự do (FTA), Liên hiệp
thuế quan (C.U), Thị trường chung (C.M), Đồng minh về kinh tế hoặc hợp nhất kinh tế
hoàn toàn (E.U), Đồng minh tiền tệ (M.U). Hình thức Thoả thuận mậu dịch ưu đãi là hình
thức lỏng lẻo nhất, thấp nhất và hiện không còn tồn tại. Hình thức liên kết cao nhất là hình
thức Liên minh tiền tệ. Liên minh tiền tệ là mô hình hội nhập kinh tế ở giai đoạn cao nhất
dựa trên cơ sở một thị trường chung duy nhất cộng thêm thực hiện chính sách kinh tế và
tiền tệ chung. Hình thức liên kết kinh tế này đáp ứng được các đặc điểm của một hình thức
liên kết kinh tế cao nhất. Thứ nhất, hình thành nên đồng tiền chung thống nhất thay cho
đồng tiền riêng của các nhà nước thành viên. Thứ hai, thống nhất chính sách lưu thông tiền
tệ. Thứ ba, xây dựng hệ thống ngân hàng chung thay cho các ngân hàng trung ương của các
nước thành viên. Thứ tư, xây dựng cơ sở tài chính, quỹ tiền tệ chung, tín dụng chung đối
với các nước đồng minh, các tổ chức tiền tệ quốc tế và tiến tới Liên minh chính trị. Việc
xây dựng một môi trường thị trường chung như trên góp phần tạo ra một thị trường khu
vực rộng lớn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Hơn nữa, điều này giúp mỗi quốc gia
tăng cường sức mạnh cạnh tranh, phát triển quan hệ trên thị trường quốc tế. Tóm lại, Liên
minh tiền tệ được xem là hình thức liên kết kinh tế cao nhất tiến tới thành lập một quốc gia
kinh tế chung.
2.2.
Liên minh châu Âu.
Được thành lập năm 1993, Liên minh Châu Âu (EU) đã tập hợp sức mạnh của các
quốc gia, thiết lập một khu vực tiền tệ ổn định ở Tây Âu, về lâu về dài hình thành một liên
minh tiền tệ và kinh tế thống nhất tiến tới tăng cường liên kết về mặt chính trị. Liên minh
này đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Hiện nay, liên minh Châu Âu chiếm 40% hoạt
động ngoại thương của thế giới và có quan hệ chặt chẽ với nhiều trung tâm và khu vực trên
thế giới. Tuy nhiên, đây vẫn không phải là một liên minh hoàn hảo.
Đầu tiên, những khủng hoảng mà Liên minh Châu Âu luôn phải đối mặt đã nói lên
những khiếm khuyết của liên minh này. Vào thời điểm tài chính toàn cầu rơi vào khủng
hoảng đỉnh điểm (năm 2009), GDP của EU giảm 4,5%. Không những thế, năm 2021, mức
nợ công trong năm 2020 (102,7% GDP) cao hơn 16,7% so với năm ngoái (86%) (Thời báo
Tài chính Việt Nam, 2020).
Thứ hai, khoảng cách giàu nghèo giữa các nước thành viên trong liên minh này ngày
càng lớn. Năm 2010, chênh lệch giữa nước giàu nhất EU (Luxembourg) và nước nghèo
nhất (Bulgaria) là 6 lần (Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, 2011). Mặc dù đều là thành
viên trong cộng đồng EU nhưng hộ gia đình ở Đan Mạch thì giàu hơn hộ gia đình Romania
22 lần (Hương Giang, 2021). Kết quả trên cho thấy, Liên minh EU vẫn chưa rút ngắn được
khoảng cách giàu nghèo giữa các nước trong cộng đồng của mình.
Cuối cùng, sự rời đi của Anh Quốc khỏi khối liên minh EU năm 2020, còn gọi là hội
chứng Brexit đã gây ảnh hưởng to lớn về kinh tế và quan hệ hợp tác trong khối. Cùng với
tác động của dịch COVID-19, nền kinh tế EU phải đối mặt với nhiều vấn đề về pháp luật,
con người, tài chính, sự bất ổn nội bộ khối,… Theo đó, nền kinh tế của liên minh này có
dấu hiệu suy giảm trầm trọng, nợ công và nợ doanh nghiệp ngày càng gia tăng.
Tóm lại, những khủng hoảng mà EU gặp phải, sự chênh lệch giàu nghèo giữa các
nước thành viên và đặc biệt là sự ra đi của Anh đã chứng minh Liên minh Châu Âu (EU)
không phải là một liên minh kinh tế hoàn hảo.
2.3.
Liên hệ thực tiễn đối với việc Việt Nam gia nhập các liên kết kinh tế vĩ mô hiện nay.
Một trong những hình thức liên kết kinh tế vĩ mô mà Việt Nam tham gia đó là hình
thức Khu vực mậu dịch tự do (FTA). Đến nay, Việt Nam đã tiến hành thực thi và ký kết 17
FTA. Trong đó, bảy FTA được ký kết là các Hiệp định Thương mại Tự do giữa ASEAN và
các nước, hai FTA đang trong vòng đàm phán là Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt
Nam và Khối EFTA (VN-EFTA) và Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Isarel
(VIFTA).
Các Hiệp định Thương mại Tự do giữa ASEAN và các nước lần lượt có hiệu lực qua
các năm (Hình 2). Năm 2018, sau Hiệp định FTA giữa ASEAN – Trung Quốc có hiệu lực,
thương mại giữa ASEAN tăng 619,5 tỷ USD so với ban đầu. Sau hiệp định AANZFTA,
hơn 96% các dòng thuế mặt hàng xuất khẩu từ Australia qua các nước ASEAN sẽ được xoá
bỏ vào năm 2020. Gần đây nhất, sau hội nghị trực tuyến sáng ngày 5 tháng 8 năm 2021,
New Zealand dành 29 triệu USD (New Zealand) hỗ trợ ASEAN ứng phó với dịch bệnh.
Cũng trong hội nghị này, tổng số tiền Canada đóng góp và hỗ trợ lên tới 8 triệu USD. Từ
đây, thúc đẩy khởi động cuộc đàm phán về FTA giữa ASEAN và Canada (Báo Tiền Phong,
2021).
Hình 2. Các Hiệp định Thương mại Tự do giữa ASEAN và các nước
Là một thành viên của ASEAN từ năm 1995, và gia nhập vào Khu vực mậu dịch tự
do của ASEAN năm 1996, Việt Nam đã đón nhận được nhiều cơ hội cũng như những
thách nhất định sau các Hiệp định FTA giữa ASEAN và các nước.
Về cơ hội, các hiệp định góp phần đưa Việt Nam thâm nhập vào thị trường quốc tế
nhanh hơn, thu hút được đầu tư nước ngoài, nhận được nhiều ưu đãi hơn từ các nước tham
gia. Về thách thức, tham gia AFTA và các FTA giữa ASEAN – các nước, đồng nghĩa rằng
Việt Nam phải cắt giảm các dòng thuế, sự chênh lệch trình độ giữa các nước thành viên
cũng gây khó khăn cho Việt Nam trong việc cạnh tranh.
Hiệp định thương mại tự do giữa Viêt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) được
phê chuẩn vào tháng 6 năm 2020. Theo cam kết trong hiệp định, EU sẽ loại bỏ 99,2% số
dòng thuế nhập khẩu đối với Việt Nam. Theo đó, số dòng thuế nhập khẩu mà Việt Nam
cam kết loại bỏ là 48,5%. Kết quả mà Việt Nam đạt được sau hiệp định là chỉ số toàn ngành
công nghiệp tháng 11 năm 2020 tăng 9,2% so với cùng kì năm ngoái (Minh Hậu, 2020).
Những kết quả sau Hiệp định thương mại tự do giữa Viêt Nam-Hàn Quốc (VKFTA)
cũng đáng được ghi nhận. Số vốn mà Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng cao.
Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, Hàn Quốc có tổng số vốn đầu tư cao nhất,
chiếm 17%-19% tổng số vốn đầu tư nước ngoài Việt Nam nhận được (Vũ Thị Yến, 2021).
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong hai tháng đầu năm 2021 giữa Việt Nam và Hàn Quốc
35,69 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kì năm ngoái (Tổng cục Hải Quan, 2021).
Bằng việc tham liên kết kinh tế vĩ mô (cụ thể là hình thức liên kết kinh tế Khu vực
mậu dịch tự do) với các quốc gia và tổ chức kinh tế trên thế giới, quá trình hội nhập quốc
tế của Việt Nam ngày càng được thăng hoa. Mặc dù quá trình đó vẫn gặp những khó khăn
nhưng Việt Nam vẫn luôn từng ngày vượt qua và từng bước phát triển một cách toàn diện
hơn. Trong quá trình hội nhập, Việt Nam vẫn luôn coi trọng và giữ gìn bản sắc dân tộc, đặt
chủ quyền và lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Đồng thời, Việt Nam cũng sẵn sàng là bạn, là
đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế.
Download