ĐỀ 5 Câu 1: (3,0 điểm) Em hãy đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới: Tôi vừa trở về sân bay Nội Bài sau một chuyến bay dài từ TP.HCM. Chuyến bay dài hơn thường lệ, bởi một cuộc tấn công điện tử thực hiện vào hạ tầng hàng không Việt Nam, một cuộc tấn công chưa từng có. Không còn thông báo điện tử, tất cả đều phải thông báo bằng giấy in. Hệ thống máy tính không hoạt động, thủ tục làm bằng tay. Thứ tự các chuyến bay và cổng ra tàu bay thay đổi liên tục và chỉ được thông báo qua loa phóng thanh. Bởi ngay cả hệ thống loa sân bay cũng đã bị tấn công. Và trong khung cảnh tưởng như sẽ vô cùng hỗn loạn ấy, lại là một sự trật tự đáng ngạc nhiên. Gần như không ai phàn nàn. Tất cả mọi người đều xếp hàng trật tự. Không thấy sự vội vàng chen lấn như ngày thường. Mọi người nhường nhịn và thông cảm cho nhau lẫn cho hãng hàng không. Không có sự cáu gắt hay giục giã, mọi người ngồi trò chuyện với nhau, chia sẻ tin tức. Tất cả đều biết rằng mình đang là nạn nhân của một cuộc tấn công. Một cuộc tấn công không báo trước. Và không ai bảo ai, tất cả quyết định rằng họ sẽ cùng đoàn kết và hỗ trợ nhau dù chỉ bằng sự im lặng. Ngày thường, một chuyến bay delay, một thông báo không chính xác, sẽ nhận không biết bao nhiêu nhiếc móc to tiếng. Nhưng hôm qua, trước một cuộc tấn công, tôi chỉ nhìn thấy hình ảnh của một dân tộc đoàn kết. Một hành vi phá hoại, vốn chủ đích tạo ra sự hỗn loạn, lại đẩy mọi người xích gần lại với nhau. Chính hành vi của những kẻ tấn công khiến cho người Việt bộc lộ những đức tính tốt đẹp của mình. Những kẻ tấn công chiều qua đã tắt đi được những màn hình điện tử vô tri ở sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng vô tình, lại bật lên ý chí đoàn kết của những con người Việt Nam. Đó là một cuộc tấn công thất bại. Và đám đông tôi nhìn thấy, cho dù rất trật tự và nhẫn nại, lại cho thấy sẽ thật bất hạnh cho bất kỳ kẻ nào lăm le tấn công dân tộc này. (Điều kỳ diệu sau cuộc tấn công – Hoàng Minh Trí) a. Xác định phép liên kết được sử dụng trong hai câu văn in đậm. (0,5 điểm) b. Vì sao tác giả lại cho rằng sự trật tự ở sân bay sau hành vi tấn công hệ thống an ninh sân bay của những kẻ phá hoại là “đáng ngạc nhiên”? (0,5 điểm) c. Vì sao tác giả lại cho rằng: “Và đám đông tôi nhìn thấy, cho dù rất trật tự và nhẫn nại, lại cho thấy sẽ thật bất hạnh cho bất kỳ kẻ nào lăm le tấn công dân tộc này”? (1,0 điểm) d. Nêu ý kiến của bản thân về đức tính tốt đẹp mà người Việt đã bộc lộ sau hành vi tấn công hệ thống an ninh sân bay của những kẻ phá hoại. (Trả lời trong khoảng 3 – 5 dòng) (1,0 điểm) Câu 2: (3,0 điểm) Có một người con trai đến tuổi trưởng thành. Anh ta có được việc làm trong ngành công thương nghiệp, hoặc có chân trong giới quan chức. Tự tay anh ta xoay xở xây lên được một căn nhà, sắm sửa được mọi vật dụng thiết yếu trong gia đình mà không cần nhờ vả người khác và cưới được một cô vợ như ý. Anh ta sống tằn tiện, sinh con, nuôi con cái ăn học. Anh ta cũng có được một khoản tiền tiết kiệm, phòng khi “trái gió, trở giời” còn có cái để chi tiêu. Anh ta mãn nguyện vì cho rằng như thế là mình đã có được cuộc sống độc lập. Dư luận xã hội cũng đều đánh giá anh ta là một người hoàn hảo và bản thân anh ta cũng lấy làm đắc chí. Các bạn nghĩ sao về con người này? Tôi thì không nghĩ rằng anh ta là một con người hoàn hảo.” (Trích Khuyến học – Fukuzawa Yukichi) Từ quan điểm trên của Fukuzawa Yukichi, anh (chị) hãy viết bài văn ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) với nhan đề: “Một con người hoàn hảo”. Câu 3: (4,0 điểm) Nhận xét về truyê ̣n ngắ n Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long), có ý kiến cho là: “Một trong những yế u tố tạo nên sức hấ p dẫn và góp vào thành công của truyê ̣n ngắ n này là vẻ đẹp của một con người sống cống hiến”. Bằng hiểu biết về tác phẩm, em hãy phân tích nhân vật anh thanh niên để làm rõ nhận xét trên. Liên hệ với một nhân vật trong tác phẩm hoặc ngoài đời thực để thấy sự gặp gỡ giữa các tác giả khi viết về đề tài này. GỢI Ý Câu 1: (3,0 điểm) a. Phép liên kết được sử dụng trong hai câu văn in đậm: phép lặp từ (chuyến bay). b. Tác giả cho rằng sự trật tự ở sân bay sau hành vi tấn công hệ thống an ninh sân bay của những kẻ phá hoại là “đáng ngạc nhiên” vì bình thường chỉ một sự số nhỏ ở sân bay cũng sẽ có những lời trách cứ, những sự rối loạn nhất định. c. Nguyên nhân tác giả cho rằng: “Và đám đông tôi nhìn thấy, cho dù rất trật tự và nhẫn nại, lại cho thấy sẽ thật bất hạnh cho bất kỳ kẻ nào lăm le tấn công dân tộc này”: ˗ Đây là hình ảnh thu nhỏ của một quốc gia luôn có tinh thần đoàn kết rất cao mỗi khi dân tộc gặp thử thách; ˗ Đó cũng là cội nguồn làm nên sức mạnh diệu kì có thể đánh bại bất kì kẻ thù xâm lược nào. d. Ý kiến của bản thân về đức tính tốt đẹp mà người Việt đã bộc lộ sau hành vi tấn công hệ thống an ninh sân bay của những kẻ phá hoại: ˗ Đức tính tốt đẹp mà người Việt đã bộc lộ sau hành vi tấn công hệ thống an ninh sân bay của những kẻ phá hoại chính là tinh thần đoàn kết. ˗ Giá trị của đức tính này đã được thể hiện qua mấy ngàn năm lịch sử hào hùng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. ˗ Phải hiểu rõ ý nghĩa cao quí của tình đoàn kết, không nên mượn danh, núp bóng, hô hào đoàn kết để thực hiện những điều không tốt, phục vụ cho lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm mà bỏ quên tập thể, cộng đồng. (Lưu ý: viết thành đoạn văn) Câu 2: (3,0 điểm) a. Giải thích vấn đề: ˗ Hoàn hảo là trọn vẹn, tốt đẹp hoàn toàn, không có gì để chê trách, không có bất kì hạn chế hay khiếm khuyết nào. ˗ Theo Fukuzawa Yukichi, sự hoàn hảo của một con người không chỉ thể hiện ở việc cá nhân tự tổ chức cho bản thân một đời sống đầy đủ, yên ổn. Muốn trở nên hoàn hảo, con người ấy bên cạnh tập trung hướng đến việc đảm bảo những lợi ích cho cá nhân và gia đình còn phải sống có hoài bão lớn lao, có trách nhiệm đối với người khác, cống hiến hết mình cho xã hội. b. Bàn luận vấn đề: ˗ Đề được xem là có một cuộc sống mãn nguyện đáng tự hào, để trở thành một con người hoàn hảo, mỗi cá nhân cần xác định mục đích quan trọng của cuộc đời là phải biết ước mơ những gì cao cả hơn vật chất thông thường, phải có trách nhiệm đối với cộng đồng. ˗ Ước mơ lớn lao là động lực vươn lên, là đích đến rực rỡ; sống biết chia sẻ sẽ nhận lại ý nghĩa tương ứng, sẽ gắn kết người với người, tăng thêm niềm tin và hi vọng vào cuộc đời. Chính những điều đó khiến chất lượng cuộc sống của con người tốt hơn thêm, giá trị hơn. ˗ Xác định trách nhiệm và hành động vì xã hội, vì người khác, nuôi trong lòng những hoài bão lớn lao và nhiệt thành cống hiến cũng chính là xây dựng cho bản thân một lí tưởng sống tốt đẹp, giúp mỗi cá nhân dần hoàn thiện theo thời gian. ˗ Khi đóng khung đời sống cá nhân trong những nhu cầu cần thiết hằng ngày, nếu có được đầy đủ những yếu tố ấy (như việc làm, nhà cửa, tiền bạc…) thì đó chỉ có thể là thỏa mãn, không thể gọi là toại nguyện và cũng không có gì đáng khen ngợi. c. Bài học nhận thức và hành động: ˗ Cần lên án những người chỉ biết thu vén cho đời sống cá nhân ổn định, đầy đủ mà hoàn toàn vô tâm với mọi điều xung quanh, vô cảm trước những mảnh đời nhiều thiệt thòi, những số phận bất hạnh. Cũng cần phê phán lối sống xem trọng vật chất mà quên đi những giá trị tinh thần lớn lao, sống thiếu ước mơ, lí tưởng. ˗ Vấn đề này đòi hỏi những việc làm, những hành động cụ thể. Bên cạnh việc tích cực tham gia những hoạt động công ích, những công tác thiện nguyện trong khả năng của bản thân, mỗi người còn cần phải động viên, khuyến khích người khác cùng tham gia, chung tay vì cộng đồng. Và trước khi xác định và thực hiện nghĩa vụ đối với xã hội, mỗi cá nhân cần sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình. Câu 3: (4,0 điểm) a. Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Nguyễn Thành Long quê ở Quảng Nam, có nhiều đóng góp cho văn học Việt Nam hiện đại ở thể loại truyện ngắn và bút kí. - Tác phẩm ra đời năm 1970, trích từ tập Giữa trong xanh, là kết quả sau chuyến đi thực tế ở Lào Cai của tác giả. Đây cũng là tác phẩm tiêu biểu cho đề tài viết về cuộc sống mới, con người mới. b. Giải quyết vấn đề: Lí giải: “sự cống hiến” của anh thanh niên được thể hiện ở quan niệm sống, ở cách sống hết mình của anh. Chứng minh: Trong quan hệ với đời sống xã hội: có lý tưởng, quan niệm sống đúng đắn; say mê công việc, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao - Anh nhận thấy khi con người ta say mê với công việc, công việc không còn là trách nhiệm nữa mà đã trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc, là lẽ sống. - Với anh hạnh phúc chính là khi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đóng góp một phần công sức của mình cho thành công của một tập thể. - Anh thanh niên say xưa kể về công việc của mình với một niềm tự hào không chút giấu giếm. Trong chàng trai trẻ tuổi này còn còn có những hoài bão, khát vọng cao đẹp, khát vọng được đi đến những vùng đất mới để xây dựng cuộc sống mới ở vùng đất Tây Bắc. Đây cũng chính là lí tưởng sống cao đẹp của con người trong thời đại lúc bấy giờ. Trong quan hệ với người khác: thân thiện, chu đáo, nhiệt tình, cởi mở - Sự thân thiện được thể hiện trong thái độ cởi mở và bộc trực của anh trong lần gặp gỡ đầu tiên với người họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ. Chạy về nhà cắt hoa tặng cô kĩ sư trẻ, chuẩn bị pha nước trà mời khách, chu đáo rót từng chén trà cho khách. Anh hồ hởi kể cho những vị khách nghe về công việc của mình, tặng những món quà để làm kỉ niệm. - Anh còn là một chàng trai sống rất tình cảm và chu đáo. Nghe tin vợ bác lái xe bị đau, anh đi đào củ tam thất để làm quà. Lúc chia tay với những vị khách mới quen, anh tặng họ một làn trứng để ăn trưa. c. Liên hệ: ˗ Có thể so sánh với nhân vật Lục Vân Tiên trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga. Gặp bọn cướp hãm hại dân lành là một thử thách, một cơ hội hành động cho nhân vật. Không chịu nổi cảnh bất bình, chàng đã “nổi trận lôi đình”, quyết “ra sức anh hào” để “cứu người cho khỏi lao đao buổi này”. Chỉ một mình, không vũ khí trong khi bọn cướp đông lại gươm giáo đủ đầy, thanh thế lẫy lừng. Lục Vân Tiên vẫn dũng cảm ra tay “Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô” để đánh cướp. Hành động mạnh mẽ của Lục Vân Tiên thể hiện hình ảnh con người đã cống hiến quên mình vì việc nghĩa, luôn sẵn lòng bênh vực kẻ yếu, tỏ rõ đức độ của người nghĩa hiệp: “Giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha”. Vân Tiên cũng đã từ chối mọi sự đền đáp của Nguyệt Nga. Chàng cười và trả lời: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn” và đặc biệt nêu rõ quan niệm sống của mình: “Nhớ câu kiến ngãi bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng” cho thấy chàng là một người lấy việc nghĩa làm lí tưởng sống, lí tưởng cống hiến của bản thân. - ˗ Cả hai nhân vật đều là người anh hùng trong cuộc đời thường, họ đã cống hiến quên mình vì xã hội, vì người khác. Họ có lí tưởng sống tốt đẹp, đều rất khiêm nhường, bình dị trong cả cử chỉ đến lời ăn tiếng nói. Chính họ đã khái quát được quan niệm sống đúng đắn và tích cực của tác giả, trở thành những nhân vật tư tưởng (đại diện cho tác giả) ấn tượng được tô đậm với bút pháp lí tưởng hóa.