Uploaded by Azui Vincent

Xa hi hc nhp mon-giao trinh VN

advertisement
Xã hội học nhập môn
(giáo trình có bổ sung và cập nhật)
Trần Hữu Quang
Sài Gòn
Tháng 5-2019
Mục lục
Trang
Mục lục.................................................................................................................... 1
Chương 1. Xã hội học là gì ? .................................................................................. 3
A. Đối tượng của xã hội học............................................................................... 4
B. Những nhà sáng lập........................................................................................ 6
C. Phương pháp xã hội học............................................................................... 14
D. Những kỹ thuật nghiên cứu.......................................................................... 20
E. Xã hội học và thực tiễn xã hội...................................................................... 22
Chương 2. Xã hội và cá nhân. Quá trình xã hội hóa ............................................. 25
A. Con người với tư cách là thành viên xã hội ................................................. 25
B. Quá trình xã hội hóa..................................................................................... 29
C. Một thí dụ : Nam giới và nữ giới trong xã hội ............................................. 34
D. Vài dòng kết luận ......................................................................................... 36
Chương 3. Nhóm cơ bản trong xã hội................................................................... 39
A. Khái niệm nhóm........................................................................................... 40
B. Chức năng của nhóm.................................................................................... 42
C. Những công trình nghiên cứu đầu tiên về nhóm.......................................... 44
D. Người thủ lãnh trong nhóm.......................................................................... 56
E. Truyền thông trong nhóm............................................................................. 60
F. Mạng lưới xã hội .......................................................................................... 62
G. Nhóm cơ bản và xã hội đại chúng................................................................ 69
Chương 4. Ý kiến, thái độ và định kiến ................................................................ 72
A. Định nghĩa ý kiến và thái độ ........................................................................ 73
B. Thang thái độ................................................................................................ 75
C. Thái độ, động cơ và niềm tin........................................................................ 78
D. Cơ chế tri giác có chọn lọc........................................................................... 79
E. Thái độ : có thể thay đổi............................................................................... 80
F. Định kiến ...................................................................................................... 81
G. Ý kiến tập thể và thái độ tập thể .................................................................. 84
Chương 5. Vị trí, vai trò và địa vị xã hội .............................................................. 89
A. Vị trí và vai trò............................................................................................. 89
B. Những kỳ vọng nơi vai trò, và sự cưỡng chế của xã hội.............................. 94
C. Hai lý thuyết về vai trò................................................................................. 98
D. Địa vị xã hội............................................................................................... 100
Chương 6. Sự điều tiết xã hội : giá trị, chuẩn mực và nghi thức ........................ 103
A. Giá trị ......................................................................................................... 103
B. Chuẩn mực và quy tắc................................................................................ 105
C. Sự tuân thủ và sự lệch lạc .......................................................................... 110
D. Nghi thức và biểu tượng ............................................................................ 116
Chương 7. Định chế xã hội ................................................................................. 121
A. Khái niệm “định chế xã hội”...................................................................... 121
B. Quá trình định chế hóa ............................................................................... 125
C. Những đặc điểm của định chế.................................................................... 129
Chương 8. Chức năng, cấu trúc và con người tác nhân ...................................... 134
A. Lý thuyết chức năng luận........................................................................... 134
1
B. Phương pháp phân tích chức năng ............................................................. 138
C. Quan hệ nhân quả và phương pháp phân tích nhân quả............................. 141
D. Phương pháp phân tích cấu trúc................................................................. 143
E. Xây dựng mô hình và lý thuyết .................................................................. 146
F. Phương pháp giả lập ................................................................................... 148
G. Nhân tố con người và hành động của tác nhân .......................................... 150
Chương 9. Giai cấp xã hội và sự phân tầng xã hội ............................................. 158
A. Bất bình đẳng xã hội. Đẳng cấp và giai cấp xã hội.................................... 158
B. Lý thuyết mác-xít về giai cấp..................................................................... 161
C. Quan niệm của Max Weber........................................................................ 163
D. Sự phân tầng xã hội.................................................................................... 166
E. Sự di động xã hội........................................................................................ 168
F. Từ mô hình kim tự tháp tới mô hình con quay........................................... 171
Chương 10. Sự chuyển biến xã hội ..................................................................... 177
A. Xung đột..................................................................................................... 177
B. Canh tân ..................................................................................................... 179
C. Khuếch tán ................................................................................................. 180
Tài liệu tham khảo............................................................................................... 185
2
Chương 1
Xã hội học là gì ?
Một cách tổng quát, có thể nói rằng xã hội học là bộ môn khoa học
nghiên cứu về các mối quan hệ xã hội. Xã hội học ra đời do yêu cầu của
bản thân sự vận động của xã hội, đặc biệt là trong những bối cảnh có nhiều
biến động hoặc xung đột xã hội.
Một cuộc đình công chẳng hạn, chỉ là một cuộc đình công ; nhưng
người nào suy nghĩ và khảo sát kỹ hơn thì có thể lý giải cuộc đình công ấy
bằng những nhận định như : tổ chức lao động tồi, lương thấp, công nhân
không gắn bó với nhà máy...; cũng như có thể tiến hành những phân tích về
các nhóm hoặc phe phái trong nhà máy, các loại thái độ của người lao động
và của giới chủ nhân, mức độ chuyên quyền độc đoán của giám đốc, tính
tích cực xã hội của công nhân v.v. Và đằng sau những sự kiện có vẻ nhất
thời ấy ở một nhà máy, người nghiên cứu còn có thể đi đến chỗ đặt vấn đề
và nhận định về cả một hệ thống sản xuất, hay thậm chí toàn bộ một hệ
thống xã hội.
Bất cứ một biến cố hay hiện tượng xã hội nào cũng đều là một kết
quả phức hợp của rất nhiều nhân tố, từ những nhân tố mang tính chất kinh
tế, cho đến những nhân tố mang tính chất chính trị, lịch sử và văn hóa.
Chính tính chất phức tạp của các hiện tượng xã hội và các quá trình xã hội
làm cho ngành xã hội học thường phải nghiên cứu liên ngành (và đôi khi
cũng khó phân định ranh giới) với nhiều bộ môn khoa học xã hội khác như
sử học, nhân học, dân tộc học, tâm lý học xã hội, kinh tế học, và ngôn ngữ
học. Do đó, cũng không có gì đáng ngạc nhiên nếu xã hội học đã từng có
thời bị đồng hóa vào triết học – với tư cách là ngành khoa học khái quát
nhất về con người và vũ trụ.
Thực ra, những suy nghĩ và biện giải về xã hội và về con người trong
xã hội đã xuất hiện từ lâu trong các thời cổ đại, từ những nhà hiền triết ở
Trung Hoa cho đến những nhà hiền triết ở Hy Lạp mấy thế kỷ trước Công
nguyên. Nhưng ngành xã hội học với tư cách là một khoa học thực sự độc
lập chỉ ra đời vào thế kỷ XIX. Thuật ngữ “xã hội học” (sociologie) đã được
Auguste Comte, một triết gia người Pháp, sử dụng lần đầu tiên vào năm
1838 – mặc dù ông hiểu xã hội học như một ngành “vật lý học xã hội”
(physique sociale). Từ sociologie (xã hội học) được ghép bởi từ socius (gốc
3
tiếng La Tinh), có nghĩa là người đồng hành, với từ logos (gốc tiếng Hy
Lạp), có nghĩa là môn học (về một lĩnh vực nào đó).
A. Đối tượng của xã hội học
Những vấn đề mà ngành xã hội học nghiên cứu không phải là những
vấn đề dành riêng cho xã hội học, trái lại, đấy cũng là những vấn đề mà
nhiều ngành khác cũng nghiên cứu. Chẳng hạn, vấn đề tự tử mà nhà xã hội
học Pháp Émile Durkheim nghiên cứu đầu tiên, cũng có thể là đối tượng
quan tâm của nhà tâm lý học. Hay vấn đề tội phạm, nhà xã hội học, nhà tâm
lý học xã hội và nhà luật học đều cùng coi là thuộc phạm vi nghiên cứu của
mình. Vậy thì đối tượng của xã hội học là gì ? Nói cách khác, đâu là đặc
trưng của cách tiếp cận xã hội học ? Trả lời cho những câu hỏi này không
phải là chuyện dễ, nếu ta biết rằng các tác giả đã đưa ra rất nhiều định nghĩa
khác nhau về xã hội học.
Những nhà xã hội học đầu tiên trong thế kỷ XIX như C. H. SaintSimon (1760-1825), Auguste Comte (1798-1857), và Herbert Spencer
(1820-1903) đã từng có một cái nhìn rất lạc quan về ngành xã hội học, khi
họ cho rằng có thể lấy quan điểm thực nghiệm (hay thực chứng, positivism)
làm nền tảng khoa học cho việc nghiên cứu về xã hội. Đối với họ, xã hội
học có khả năng khám phá ra những định luật phổ biến và khách quan của
sự chuyển động của xã hội, cũng giống y như những định luật đã được
khám phá trong ngành vật lý học của Newton hay trong ngành sinh học của
Darwin. Do xuất phát từ quan niệm mang nặng tính chất máy móc (cơ học)
về xã hội, nên tham vọng ấy đã không đứng vững.
Đến cuối thế kỷ XIX, các nhà xã hội học đã đặt ra những mục tiêu
hạn chế hơn cho ngành của mình. Đối với Max Weber (1864-1920), xã hội
học cần quan tâm đến ý nghĩa của hành động xã hội và tính chất duy nhất
của các sự kiện lịch sử, hơn là đi tìm những quy luật tổng quát giống như
trong khoa học tự nhiên. Ngược lại, Émile Durkheim (1858-1917) vẫn cho
rằng lãnh vực xã hội chịu sự chi phối của một số quy luật phổ quát, bằng
chứng là có một số định chế luân lý và luật lệ cũng như một số tín ngưỡng
tôn giáo đã từng tồn tại trong rất nhiều xã hội khác biệt nhau.
Trong lúc các công trình của Durkheim nỗ lực chứng minh rằng xã
hội học là một ngành khoa học độc lập và riêng biệt về các hiện tượng xã
hội, thì cũng đã có nhiều người khác phản bác. Họ cho rằng xã hội học
không phải là một bộ môn riêng biệt, mà chỉ là một ngành tổng hợp kết quả
4
nghiên cứu của các ngành kinh tế học, chính trị học và tâm lý học, bởi lẽ sự
kiện xã hội không phải là một sự kiện riêng biệt, mà là được cấu thành bởi
sự giao thoa giữa các lãnh vực kinh tế, chính trị, địa lý, lịch sử và tâm lý.
Có loại ý kiến khác cho rằng : xã hội học là một lối tiếp cận vốn đặt các sự
kiện và các cá nhân trong một bối cảnh xã hội rộng lớn hơn, và thực ra lối
tiếp cận này không chỉ dành riêng cho nhà xã hội học, mà cũng được vận
dụng bởi giới sử gia, kinh tế gia, nhà báo...
Theo một số tác giả, sự ra đời của ngành xã hội học chính là để trả
lời cho các vấn đề xã hội cụ thể đặt ra kể từ cuộc Cách mạng Pháp 1789,
cũng như những vấn đề phát sinh trong sự chuyển tiếp từ xã hội cổ truyền
sang xã hội công nghiệp nói chung ở châu Âu. Vì thế, nó thường quan tâm
phân tích những vấn đề như tình trạng nghèo khổ ở đô thị, sự bất ổn chính
trị, tỷ lệ chết (tử suất), tội phạm, ly dị, tự tử, v.v. Nhưng phần lớn mọi
người đều phải nhìn nhận là đối tượng của xã hội học đã chịu những ảnh
hưởng sâu xa của Saint-Simon, đặc biệt là của Karl Marx và Friedrich
Engels qua các công trình phân tích về cấu trúc xã hội, về các giai cấp và về
sự chuyển biến xã hội.
Đối tượng của môn kinh tế học là nghiên cứu về các quá trình sản
xuất, trao đổi, phân phối và tiêu thụ các sản phẩm vật chất. Đối tượng của
môn chính trị học là nghiên cứu về nhà nước, về quyền lực và những cách
phân phối và sử dụng quyền lực trong tổ chức xã hội.
Vậy đối tượng của môn xã hội học là gì ? Theo Raymond Aron, xã
hội học là bộ môn khoa học về “cái mang tính xã hội [le social] [...], hoặc
xét trên bình diện sơ đẳng của các mối quan hệ liên cá nhân, hoặc xét trên
bình diện vĩ mô của những tập hợp rộng lớn như các giai cấp, các quốc gia,
các nền văn minh, tức là [...] những xã hội tổng thể.”1
Nhưng chúng tôi cho rằng định nghĩa sau đây tỏ ra hợp lý và xác
đáng hơn : theo Alain Touraine, “xã hội học là môn khoa học về các mối
quan hệ xã hội”.2 Guy Bajoit giải thích thêm về định nghĩa này như sau : đó
là “một môn khoa học về các mối quan hệ xã hội, nghĩa là một môn khoa
học có đối tượng là hiểu và lý giải các ứng xử của con người – những điều
1
R. Aron, Les étapes de la pensée sociologique (1967), Paris, Gallimard, 1993, tr.
16 (chỗ nhấn mạnh là do R. Aron).
2
Đây là câu mà A. Touraine phát biểu vào năm 1971, dẫn lại bởi G. Bajoit, La
maison du sociologue. Pour une théorie sociologique générale, Louvain-laNeuve, Academia-L’Harmattan, 2015, tr. 11.
5
mà họ làm, nói, suy nghĩ hay cảm nhận – bằng cách phân tích những mối
quan hệ mà họ duy trì giữa họ với nhau.”1
Như vậy, có thể hiểu xã hội học là môn khoa học nghiên cứu về các
mối quan hệ xã hội, nhằm mục đích tìm ra những lô-gíc, những cơ chế
thường tàng ẩn trong sự vận động của các mối quan hệ xã hội. Trong lúc
tâm lý học quan tâm chủ yếu đến những hiện tượng tâm lý và ứng xử của cá
nhân, thì xã hội học chú ý chủ yếu đến những ứng xử tập thể hay cộng
đồng, đến cấu trúc xã hội và sự chuyển biến xã hội.
Môn xã hội học quan tâm nghiên cứu những lãnh vực hết sức đa
dạng trong đời sống xã hội. Nhưng vì không ai có thể một mình bao quát
được hết mọi lãnh vực, cho dù có kiến thức tổng quát và thâm sâu đến đâu
chăng nữa, cho nên các nhà xã hội học thường chỉ tập trung vào một hai
lãnh vực chuyên ngành nào đó mà thôi. Chính do vậy mà chúng ta thấy xuất
hiện những bộ môn chuyên ngành như xã hội học công nghiệp, xã hội học
tôn giáo, xã hội học nông thôn, xã hội học chính trị, xã hội học kinh tế, xã
hội học giáo dục, xã hội học truyền thông đại chúng, v.v.2
B. Những nhà sáng lập
Émile DURKHEIM (1858-1917). Nhà xã hội học Pháp. Được phần
lớn mọi người coi như “cha đẻ” của ngành xã hội học, Durkheim là người
đã xác định được đối tượng của môn xã hội học, và thiết lập môn này với tư
cách là một bộ môn khoa học độc lập trong môi trường đại học. Lúc đầu,
ông giảng tại Đại học Bordeaux, sau đó tại Đại học Sorbonne ở Paris.
Chính là trong bối cảnh của trào lưu thực nghiệm trong các ngành
khoa học ở châu Âu vào hậu bán thế kỷ XIX mà trong cuốn Các quy tắc
của phương pháp xã hội học (1895),3 Durkheim quan niệm rằng xã hội học
là bộ môn nghiên cứu về các “sự kiện xã hội” (faits sociaux) và giải thích
chúng theo phương pháp xã hội học.4 Durkheim muốn chứng minh rằng xã
hội học là một bộ môn khoa học thực sự khách quan, xứng đáng sánh vai
1
G. Bajoit, sách đã dẫn, tr. 11.
Xem H. Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle édition
refondue, 2003, tr. 8.
3
Xem É. Durkheim, Các quy tắc của phương pháp xã hội học (1895), Đinh Hồng
Phúc dịch, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2012.
4
Xem R. Aron, Les étapes de la pensée sociologique (1967), Paris, Gallimard,
1993, tr. 362-363.
2
6
với các ngành khoa học thực nghiệm khác. Ông cho rằng thực tại xã hội có
quy luật vận động riêng của nó, chứ không thể giản lược nó hay giải thích
nó bằng những hành vi và động cơ của cá nhân, và rằng các cá nhân đều
được uốn nắn và chịu ảnh hưởng bởi môi trường xã hội của mình.
Durkheim định nghĩa sự kiện xã hội như sau : “Sự kiện xã hội là bất
cứ phương cách hành động nào [...] có khả năng tác động lên cá nhân một
sự cưỡng chế ngoại tại ; hoặc nữa, là bất cứ phương cách hành động nào
mang tính phổ biến trong phạm vi của một xã hội nào đó, đồng thời lại có
một tồn tại riêng, độc lập với các biểu hiện cá thể của nó.”1
Như vậy, theo Durkheim, sự kiện xã hội là sự kiện mang tính chất
khách quan và tính chất cưỡng chế. Nó khách quan là vì nó “tồn tại ở bên
ngoài các ý thức cá nhân”.2 Và nó mang tính chất cưỡng chế (contrainte); ở
đây, từ “cưỡng chế” không được Durkheim hiểu theo nghĩa thông thường
của từ này là cưỡng bách hay áp đặt, mà là một sự cưỡng chế tinh tế mà
người bình thường không ý thức và không dễ nhận ra được. Ông đưa ra
nhiều thí dụ để minh họa cho ý tưởng về sự “cưỡng chế” này của xã hội,
chẳng hạn thời trang y phục : trong một xã hội nhất định, mỗi người buộc
phải ăn mặc theo một kiểu nào đó bởi vì mọi người đều ăn mặc như vậy.3
Một thí dụ khác : “Tôi không bị buộc phải nói tiếng Pháp với những người
đồng bào [của tôi], cũng không bị buộc phải sử dụng những đồng tiền hợp
pháp ; nhưng tôi không thể nào làm khác đi được. Nếu tôi thử tránh tính tất
yếu ấy, toan tính của tôi sẽ thất bại một cách thảm hại.”4
Phương pháp mà Durkheim nhấn mạnh là quan sát, và coi các sự
kiện xã hội như những “sự vật” (choses)5 – nghĩa là cần làm sao hết sức
tránh khỏi các định kiến có sẵn về đối tượng, và thực sự khảo sát các sự
kiện xã hội đúng như chúng xảy ra. Quan điểm xã hội học, theo Durkheim,
là làm sao nhìn ra trong vô số các sự kiện tản mạn một tổng thể xã hội. Ông
nhấn mạnh rằng một sự kiện xã hội này chỉ có thể được giải thích bằng một
sự kiện xã hội khác. Ông viết : “Nguyên nhân quyết định của một sự kiện
xã hội phải được tìm trong các sự kiện xã hội trước đó, chứ không phải
1
É. Durkheim, Các quy tắc của phương pháp xã hội học, Đinh Hồng Phúc
dịch, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2012, tr. 106.
2
É. Durkheim, sách đã dẫn, tr. 89.
3
É. Durkheim, sách đã dẫn, tr. 90.
4
É. Durkheim, sách đã dẫn, tr. 90.
5
É. Durkheim, sách đã dẫn, tr. 107.
7
trong các trạng thái ý thức cá nhân”,1 bởi lẽ đối với các sự kiện xã hội,
“không có lý do nào để người ta đi tìm ở bên ngoài chúng những lý do tồn
tại của chúng.”2
Raymond Aron cho rằng điểm mấu chốt trong tư tưởng xã hội học
của Durkheim là như sau : xã hội là một thực tại khác về bản chất so với
các thực tại cá nhân ; bất cứ một sự kiện xã hội nào cũng đều có nguyên
nhân là một sự kiện xã hội khác, chứ không bao giờ xuất phát từ nguyên
nhân tâm lý cá nhân.3
Vấn đề quán xuyến toàn bộ sự nghiệp nghiên cứu của Durkheim là
đi tìm những nguồn gốc của trật tự xã hội và của sự rối loạn xã hội. Trong
công trình nghiên cứu về Tự tử (1897), Durkheim nhận định : những quyết
định tự tử, tưởng chừng như là những quyết định hoàn toàn mang tính chất
cá nhân, thực ra đều có thể được giải thích là chịu ảnh hưởng bởi những
hình thái liên đới xã hội khác nhau trong các nhóm xã hội khác nhau.
Durkheim quan niệm rằng các chuẩn mực xã hội điều tiết hành vi của cá
nhân thông qua những giá trị mà cá nhân đã nội tâm hóa, và đó chính là cơ
sở của trật tự xã hội và sự ổn định xã hội. Còn sự “phi chuẩn mực”
(anomie), theo Durkheim, là tình trạng thiếu vắng hoặc tan rã của các chuẩn
mực xã hội ; sự “phi chuẩn mực” chính là khái niệm mà Durkheim ưu tiên
sử dụng để giải thích hiện tượng tự tử trong các xã hội hiện đại.4
Ông ta phân biệt bốn loại tự tử trên cơ sở phân tích các con số thống
kê về tự tử xảy ra nơi các cộng đồng xã hội khác nhau : tự tử ích kỷ (suicide
égoiste), tự tử vị tha (suicide altruiste), tự tử định mệnh (suicide fataliste),
và tự tử “phi chuẩn mực” (suicide anomique). Loại tự tử vị tha là hiện
tượng xảy ra khi người ta “hy sinh” vì lợi ích của tập thể, của cộng đồng
của mình – nghĩa là khi người ta gắn bó sâu xa với mục tiêu và lẽ sống của
tập thể, của cộng đồng. Còn loại tự tử định mệnh, chẳng hạn nơi các nô lệ,
là hậu quả của tình trạng áp chế quá sức chịu đựng của con người. Nhưng
đáng chú ý là người ta thường gặp loại tự tử ích kỷ và loại tự tử “phi chuẩn
mực” trong các xã hội hiện đại : loại tự tử ích kỷ xảy ra xuất phát từ tình
trạng cô đơn hay bị cô lập ; còn loại tự tử “phi chuẩn mực” xảy ra khi cá
nhân sống trong tình trạng xã hội không còn luật lệ, quy tắc, hoặc là trong
1
É. Durkheim, sách đã dẫn, tr. 257.
É. Durkheim, Lời tựa cho lần xuất bản thứ nhất, sách đã dẫn, tr. 54.
3
Xem R. Aron, sách đã dẫn, tr. 371.
4
Xem R. Aron, sách đã dẫn, tr. 330.
2
8
tình trạng một xã hội có những luật lệ, quy tắc xung khắc nhau. Cả hai loại
tự tử này thường thấy khi xã hội cổ truyền tan vỡ để chuyển sang một trật tự
xã hội mới, hoặc là khi xảy ra khủng hoảng kinh tế. Durkheim cho rằng
hiện tượng tự tử là một hiện tượng “bình thường” vì nó xảy ra với một tỷ lệ
nhất định nào đó trong bất cứ xã hội nào ; tuy nhiên, khi ở một xã hội hay
một nhóm xã hội nào đó xuất hiện một tỷ lệ tự tử cao hơn một cách “bất
thường” thì đây chính là dấu hiệu của một sự rối loạn xã hội, của một tình
trạng “phi chuẩn mực”.1
Karl MARX (1818-1883). Nhà triết học, kinh tế học, xã hội học, và
nhà hoạt động chính trị, người Đức. Được coi như là một trong những nhà
sáng lập ra ngành xã hội học. Những công trình của Marx mà người ta cho
là có ý nghĩa quan trọng về mặt xã hội học là : Hệ tư tưởng Đức (1845,
cùng tác giả với Friedrich Engels) ; Sự khốn cùng của triết học (1847) ;
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848, cùng tác giả với F. Engels) ; Ngày
18 Sương mù của Louis Bonaparte (1852) ; Tư bản (1867, 1885, 1894) ; và
hai bản thảo xuất bản sau khi ông qua đời là Bản thảo kinh tế và chính trị
1844 (1964), và Grundrisse (1973).
Nhiều công trình của Marx đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển
của tư tưởng xã hội học. Những khái niệm quan trọng về mặt xã hội của
Marx mà người ta thường bàn luận đến là : (1) khái niệm tha hóa (hay vong
thân), mà trước hết là sự tha hóa trong lao động ; (2) quan hệ giữa đời sống
kinh tế và các định chế xã hội khác, quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc
thượng tầng của xã hội ; (3) cơ sở của sự phân hóa xã hội ra thành các giai
cấp chính là các mối quan hệ sản xuất, những quan hệ sản xuất này hàm
chứa những xung đột đối kháng ; (4) mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai
cấp là “động lực của lịch sử”,2 nhưng sự thay đổi của lịch sử không diễn ra
một cách tự phát, tự động, mà là thông qua hành động tích cực của con
người.
Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, nếu Auguste Comte phân tích về xã
1
Xem R. Aron, sách đã dẫn, tr. 339-340. Có thể xem thêm những luận điểm chính
của Durkheim trong bài “Lời giới thiệu” của Trần Hữu Quang, in trong É.
Durkheim, Các quy tắc của phương pháp xã hội học, Đinh Hồng Phúc dịch, Hà
Nội, Nxb Tri thức, 2012, tr. 17-47.
2
Trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản (1848), Karl Marx và Friedrich Engels
viết như sau : “Lịch sử tất cả các xã hội cho đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu
tranh giai cấp” (C. Mác, Ph. Ăng-ghen, Tuyên ngôn của Đảng cộng sản [1848],
trong C. Mác, Ph. Ăng-ghen, Tuyển tập, tập I, Hà Nội, Nxb Sự thật, 1980, tr.
540).
9
hội hiện đại dưới góc độ mà ông gọi là “xã hội công nghiệp”, thì Karl Marx
lại đề cập tới cũng xã hội ấy nhưng dưới góc độ “xã hội tư bản chủ nghĩa”.1
Với nhãn quan của chủ nghĩa duy vật lịch sử, Marx được coi là một nhà lý
thuyết xuất sắc về chủ nghĩa tư bản, qua các lý thuyết về giá trị lao động, về
tích lũy tư bản… và khả năng tiêu vong của chủ nghĩa tư bản xuất phát từ
những mâu thuẫn đối kháng nội tại của xã hội tư bản chủ nghĩa.
Về vai trò tư tưởng của giai cấp thống trị trong một xã hội, Karl
Marx và Friedrich Engels nhấn mạnh như sau trong cuốn Hệ tư tưởng Đức
(1845-1846) : “Trong mọi thời đại, những tư tưởng của giai cấp thống trị là
những tư tưởng thống trị, nói một cách khác, giai cấp nào là lực lượng vật
chất thống trị trong xã hội thì cũng là lực lượng tinh thần thống trị trong xã
hội. Giai cấp nào chi phối những tư liệu sản xuất vật chất thì cũng chi phối
luôn cả những tư liệu sản xuất tinh thần.”2
Trong “Lời tựa” của cuốn Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị
(1859), K. Marx đã tóm tắt toàn bộ quan niệm duy vật lịch sử của mình
trong một đoạn ngắn sau đây : “[T]rong sự sản xuất xã hội ra đời sống của
mình, con người ta có những quan hệ nhất định, tất yếu, không tùy thuộc
vào ý muốn của họ – tức những quan hệ sản xuất, những quan hệ này phù
hợp với một trình độ phát triển nhất định của các lực lượng sản xuất vật
chất của họ. Toàn bộ những quan hệ sản xuất ấy họp thành cấu trúc kinh tế
của xã hội, tức là cái cơ sở hiện thực, trên đó xây dựng lên một kiến trúc
thượng tầng pháp lý và chính trị, và tương ứng với cơ sở thực tại đó thì có
những hình thái ý thức xã hội nhất định. Phương thức sản xuất đời sống vật
chất quyết định các quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tinh thần nói
chung. Không phải ý thức của con người quyết định sự tồn tại của họ ; trái
lại, chính sự tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ. Tới một giai
đoạn phát triển nào đó của chúng, các lực lượng sản xuất vật chất của xã hội
sẽ mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất hiện có, hay [...] mâu thuẫn với
những quan hệ sở hữu, trong đó từ trước đến nay các lực lượng sản xuất vẫn
phát triển. Từ chỗ là những hình thức phát triển của các lực lượng sản xuất,
những quan hệ ấy trở thành những xiềng xích của các lực lượng sản xuất.
Khi đó bắt đầu thời đại của một cuộc cách mạng xã hội. Cơ sở kinh tế thay
đổi thì tất cả cái kiến trúc thượng tầng đồ sộ cũng bị đảo lộn ít nhiều nhanh
1
2
Xem R. Aron, sách đã dẫn, tr. 147.
Karl Marx, Friedrich Engels, Hệ tư tưởng Đức (1845-1846), trong C. Mác, Ph.
Ăng-ghen, Tuyển tập, tập I, Hà Nội, Nxb Sự thật, 1980, tr. 314-315 (những chỗ
nhấn mạnh là do K. Marx và F. Engels).
10
chóng.”1
Max WEBER (1864-1920). Nhà xã hội học, và cũng là nhà triết học,
luật học, kinh tế học và sử học, người Đức. Được nhiều người coi như nhà
sáng lập của nền xã hội học hiện đại.
Đối với Weber, xã hội học phải là một bộ môn “xã hội học thấu
hiểu” (verstehende Soziologie) về các “hành động xã hội”. Ông cho rằng chỉ
khi nào thấu hiểu được các hành động xã hội của các cá nhân, thấu hiểu
được ý nghĩa mà các cá nhân gán cho hành động của họ, thì chúng ta mới
có thể giải thích được một cách thấu đáo các sự kiện xã hội hay các hiện
tượng tập thể. Theo Weber, hành động xã hội là hành động hướng đến ứng
xử của người khác. Thí dụ vị giáo sư khi giảng bài thì nói tương đối chậm
rãi để sinh viên có thể hiểu và ghi chép được ; còn nếu ông ta nói một mình
và nói rất nhanh, bất chấp có ai nghe được hay không, thì đó không phải là
hành động xã hội, vì hành động này không hướng đến một cử tọa nào đó.2
Trong cuốn Kinh tế và xã hội (1921), Weber định nghĩa xã hội học là
“một môn khoa học nhằm thấu hiểu bằng cách lý giải hành động xã hội và
nhờ đó giải thích một cách nhân quả sự diễn tiến và các tác động của nó.”3
Định nghĩa này bao gồm ba vế quan trọng trong lối tiếp cận của Weber :
thấu hiểu (verstehen), tức là nắm bắt được các ý nghĩa của hành động xã
hội ; lý giải (deuten), tức là sắp xếp các ý nghĩa ấy (của chủ thể hành động)
thành những khái niệm ; và giải thích (erklären), tức là làm sáng tỏ tính
chất đều đặn, lặp đi lặp lại của các ứng xử của con người.4
Nếu theo Émile Durkheim, nhà xã hội học cần tập trung chú ý tới
các “sự kiện xã hội” khách quan ở bên ngoài, chứ không cần quan tâm tới
những động cơ hay ý định chủ quan của các cá nhân, thì theo Max Weber,
các sự kiện xã hội khác với các sự kiện vật lý, bởi lẽ chúng luôn luôn được
kiến tạo “từ bên trong” bởi những tác nhân xã hội (tức mang ý nghĩa chủ
1
K. Marx, Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị (1857), trong C. Mác, Ph.
Ăng-ghen, Tuyển tập, tập II, Hà Nội, Nxb Sự thật, 1981, tr. 637-638 (những chỗ
in nghiêng là do chúng tôi – T.H.Q.).
2
Xem R. Aron, sách đã dẫn, tr. 551.
3
M. Weber, The Theory of Social and Economic Organization (1947), A. M.
Henderson và T. Parsons dịch (từ cuốn Wirtschaft und Gesellschaft [Kinh tế và
xã hội, 1921] của Max Weber), New York, The Free Press, 1964, tr. 88 (những
chỗ in nghiêng là do chúng tôi – T.H.Q.).
4
Xem R. Aron, sách đã dẫn, tr. 550.
11
quan), và do vậy, nhà nghiên cứu cần hiểu được “ý nghĩa nội sinh” (sens
endogène) của các hành động xã hội.1 Weber viết : “… trong việc lý giải
hành động về mặt chủ quan trong công trình nghiên cứu xã hội học, những
tập thể ấy2 phải được coi như chỉ là những hệ quả và những hình thái tổ
chức của những hành động đặc thù của những con người cá thể, bởi lẽ
chính những con người cá thể này mới là những tác nhân trong một quá
trình hành động [mà chúng ta] có thể hiểu được xét về mặt chủ quan.”3 Do
đó, theo Weber, các nhà khoa học xã hội trước hết cần tiến hành việc quy
giản những hiện tượng tập thể (nhìn bên ngoài tưởng chừng như là một thực
tại độc lập) vào những hành động của những con người cá thể. Ông viết
tiếp : “… đối với ngành xã hội học, không hề có chuyện một nhân cách tập
thể nào ‘hành động’. Khi một công trình xã hội học đề cập tới một ‘nhà
nước’, một ‘dân tộc’, một ‘công ty’, một ‘gia đình’, hay một ‘lực lượng
quân đội’, hay những tập thể tương tự, thì điều mà người ta muốn nói đến
là, trái lại, chỉ là một hình thức diễn tiến nào đó của những hành động xã
hội đã xảy ra hay có thể xảy ra của những con người cá thể.”4 Đây chính là
đặc trưng của “phương pháp luận [quy về] cá nhân” (methodological
individualism) của Weber, tức là một lối tiếp cận được dùng để giải thích
các quá trình xã hội bằng cách xuất phát từ các cá nhân, đối lập với khuynh
hướng “phương pháp tổng thể luận” (holism).5
Nếu Karl Marx quan tâm phân tích những mâu thuẫn nội tại của xã
hội tư bản chủ nghĩa xét về mặt kinh tế học chính trị, thì Max Weber chú ý
phân tích quá trình lý tính hóa (hay duy lý hóa) toàn bộ đời sống xã hội
trong quá trình chuyển từ xã hội cổ truyền sang xã hội tư bản chủ nghĩa ở
châu Âu.
Trong công trình nổi tiếng Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của
chủ nghĩa tư bản (1904-1905),6 ông ta muốn hàm ý rằng nếu chỉ dựa trên sự
1
Xem P. Pharo, “Problèmes empiriques de la sociologie compréhensive”, Revue
française de sociologie, XXVI, Janvier-Mars 1985, tr. 121.
2
Tức là những “tập thể xã hội” như các nhà nước, các hiệp hội, các công ty hay
các quỹ xã hội mà Weber vừa nói tới ở câu trước.
3
M. Weber, sách đã dẫn, tr. 101.
4
M. Weber, sách đã dẫn, tr. 102.
5
Xem R. Boudon, và F. Bourricaud, Dictionnaire critique de la sociologie, Paris,
PUF, 2e édition, 1986, tr. 307-308.
6
Xem M. Weber, Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản (19041905), Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng và Trần Hữu Quang
dịch, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2008.
12
phân tích kinh tế hay kỹ thuật thì chưa thể giải thích được sự phát triển của
chủ nghĩa tư bản ở châu Âu vào những thế kỷ XVII-XIX, bởi lẽ, theo ông,
các tư tưởng tôn giáo đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình
này, đặc biệt là nền đạo đức khắc kỷ của giáo phái Tin Lành Calvin. Khác
với truyền thống Công giáo, cuộc cải cách Tin Lành đã nhấn mạnh tới tính
tự chủ và độc lập của từng cá nhân : cá nhân nếu được cứu rỗi thì chủ yếu là
do nỗ lực của chính mình, chứ không phải nhờ Giáo hội hay nhờ vào các
nghi lễ. Theo giáo lý Tin Lành, do niềm tin vào tính chất tiền định của một
đời sau được cứu rỗi hoặc bị đọa đầy, nên hầu như ai cũng bị ám ảnh và lo
âu về cái tương lai đời sau ấy. Chính vì thế mà mọi tín đồ đều được khuyên
bảo là cần hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình ở đời này, cần có lối sống
khắc kỷ (tự mình kiềm chế các dục vọng), làm việc cật lực, và phục vụ cho
cộng đồng – chính những hành động này sẽ đảm bảo cho sự cứu rỗi.
Như vậy, theo Weber, nền đạo đức Tin Lành đã tạo ra môi trường
tinh thần cần thiết và thuận lợi cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở
châu Âu, bao gồm : chủ nghĩa cá nhân ; động cơ làm việc thành công ; thái
độ lên án sự xa hoa phung phí cũng như của cải thừa kế ; sự nhìn nhận vai
trò chính đáng của các nhà kinh doanh ; thái độ gắn bó với xã hội. Hiểu
theo nghĩa đó thì chính nền đạo đức Tin Lành cũng là một trong những
luồng tư tưởng dẫn tới tính duy lý của xã hội tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên,
Weber cũng cho rằng : nếu nền đạo đức Tin Lành đóng vai trò quan trọng
trong giai đoạn phát triển ban đầu của chủ nghĩa tư bản, thì vai trò ấy không
nhất thiết còn tồn tại khi chủ nghĩa tư bản đã được thiết lập xong.
Theo Raymond Aron, không ít người ngộ nhận rằng Max Weber đã
tìm cách bác bỏ chủ nghĩa duy vật lịch sử của Karl Marx khi ông ta giải
thích những nhân tố kinh tế bằng những nhân tố tôn giáo. Aron cho rằng
hoàn toàn không phải như vậy. Trong công trình nêu trên, Weber chỉ muốn
chứng minh rằng người ta chỉ có thể hiểu được các ứng xử của con người
trong các xã hội khác nhau nếu đặt chúng trong khuôn khổ nhân sinh quan
hay thế giới quan của họ, rằng những quan niệm tôn giáo thực sự là một
nhân tố có ảnh hưởng quan trọng đối với các lối ứng xử kinh tế, và do đó, là
một trong những nguyên nhân của những chuyển biến kinh tế của các xã
hội.1 Weber không hề có một quan điểm cực đoan và đơn-nguyên nhân
(monokausal) về mối liên hệ nhân quả khi giải thích thực tại xã hội, và ông
cũng chưa bao giờ nghĩ một cách giản đơn rằng chủ nghĩa tư bản chỉ là “sản
1
Xem R. Aron, sách đã dẫn, tr. 530.
13
phẩm” của nền đạo đức Tin lành.1
Theo R. Aron, Weber quan niệm các mối liên hệ nhân quả trong
ngành xã hội học chỉ mang tính chất “cục bộ” và “có khả năng xảy ra”
(relations partielles et probables). Nói cách khác, một bộ phận này của
thực tại xã hội có thể là, hay không là, nguyên nhân của một bộ phận khác
của thực tại xã hội – chứ không bao giờ là nguyên nhân của toàn bộ thực tại
xã hội. Và những mối liên hệ nhân quả này luôn luôn mang tính chất xác
suất, nghĩa là có thể xảy ra hay không xảy ra – chứ không bao giờ mang
tính quyết định tất yếu. Và chính tính chất bất định này trong thực tại xã hội
là điều mà các nhà nghiên cứu khoa học xã hội phải quan tâm, để có thể đi
đến chỗ giải thích được rằng tại sao một hiện tượng xã hội lại xảy ra ở nơi
này, trong xã hội này, chứ không xảy ra ở nơi khác, trong các xã hội khác.2
C. Phương pháp xã hội học
Có thể nói xã hội học là một ngành khoa học thực nghiệm (hay thực
chứng), theo nghĩa là đây không phải là một ngành khoa học quy phạm, như
đạo đức học hay luật học chẳng hạn. Xã hội học không chỉ ra rằng phải làm
gì, cũng không phê phán cái gì tốt hay cái gì xấu căn cứ trên một hệ thống
giá trị nào đó. Ngược lại, xã hội học xuất phát từ những sự kiện xã hội,
những ứng xử thực tế của con người, tìm cách mô tả và giải thích chúng
một cách khách quan. Dưới con mắt nhà xã hội học, một hành vi “đáng lên
án” nào đó, chẳng hạn hành vi phạm pháp, cũng chỉ là một đối tượng
nghiên cứu như bất cứ hành vi bình thường nào khác trong xã hội. Trong xã
hội học, việc xây dựng một khung lý thuyết để giải thích thực tại hoàn toàn
không có nghĩa là nhằm đi đến một phán đoán giá trị về thực tại ấy.3 Còn
việc phán đoán, việc đề ra giải pháp hoặc chọn lựa giải pháp nhằm tác động
vào thực tại, thì đấy là công việc của nhà lãnh đạo thực tiễn hoặc nhà chính
trị.
Durkheim quan niệm rằng : xã hội học, với tư cách là một khoa học
thực nghiệm (hay khoa học thực chứng, science positive), cần coi các sự
kiện xã hội như những “sự vật” – nghĩa là nhà xã hội học phải có con mắt
1
Xem M. Weber, sách đã dẫn, tr. 159-160.
Xem R. Aron, sách đã dẫn, tr. 517-519. Có thể xem thêm bài “Lời giới thiệu”
của Trần Hữu Quang và Bùi Văn Nam Sơn, trong Max Weber, Nền đạo đức Tin
lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản, sách đã dẫn, tr. 11-46.
3
Xem H. Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle édition
refondue, 2003, tr. 11.
2
14
giống như con mắt của các nhà khoa học tự nhiên khi họ quan sát các hiện
tượng vật lý, hóa học hay sinh học. Durkheim khẳng định rằng xã hội có
những cơ chế và quy luật khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn chủ
quan của cá nhân, vì thế chỉ có thể giải thích một sự kiện xã hội này bằng
những sự kiện xã hội khác mà thôi, chứ không thể quy về những nguyên
nhân tâm lý cá nhân như động cơ hay khát vọng. Và các sự kiện xã hội chỉ
trở thành đối tượng nghiên cứu một khi chúng được đưa vào phân tích trong
khuôn khổ xã hội học.
Nói cách khác, người ta không thể khảo sát thực tại xã hội nếu không
xuất phát từ một khung lý thuyết tối thiểu ban đầu. Người làm xã hội học,
cũng giống như trong các ngành khoa học khác, xác định đối tượng nghiên
cứu của mình dựa trên một số ý tưởng hay giả thuyết, dù đấy là những ý
tưởng hay giả thuyết ban đầu của bản thân nhà nghiên cứu, hay là những
giả thuyết xuất phát từ các công trình điều tra xã hội học khác.
Tuy nhiên, xã hội học là một ngành khoa học không chỉ mang tính
chất thực nghiệm (hay thực chứng), mà còn mang tính chất tích lũy (une
science cumulative). Ngày nay, các nhà xã hội học không còn mang những
tham vọng “tiên tri” quá lớn lao như các nhà tư tưởng vào thế kỷ XIX nữa,
mặc dù họ vẫn luôn kính trọng những người “khổng lồ” của thời đại ấy. Các
nhà xã hội học hiện đại thường tỏ ra khiêm tốn hơn.1 Nói như nhà xã hội
học Mỹ Robert K. Merton (1910-2003), thông thường họ chỉ tự giới hạn
vào việc tìm hiểu một nhóm sự kiện xã hội nào đó mang tính nhất quán, rồi
từ đó xây dựng một lý thuyết hạn hẹp, ở tầm trung mô mà thôi.2 Lý thuyết
này sau đó có thể được trừu tượng hóa ở một cấp độ cao hơn, rồi được
chuyển sang một lãnh vực khác để giải thích một nhóm sự kiện khác. Hoặc
lý thuyết trung mô này cũng có thể được kết hợp với một lý thuyết trung mô
khác, vốn được xây dựng trên một nhóm sự kiện khác, để cuối cùng hình
thành nên một lý thuyết tương đối bao quát một chút. Đó chính là ý nghĩa
của tính chất tích lũy của ngành xã hội học.3
Nhà xã hội học không phải là người lúc nào cũng muốn xóa sạch bàn
cờ để làm lại từ đầu ; ông ta không có tham vọng đặt lại toàn bộ một vấn đề
để bắt đầu từ con số không. Để tìm hiểu những sự kiện xã hội nào đó và đi
đến được những lập luận phân tích và lý giải những sự kiện ấy, nhà xã hội
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 11.
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 11.
3
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 11.
2
15
học luôn luôn phải bắt đầu bằng cách xem xét các kết luận của những người
đi trước vốn đã từng nghiên cứu về cũng những sự kiện tương tự, và dựa
trên các kết luận đã có ấy, ông ta tìm cách tiến xa hơn bằng những công cụ
phân tích mới hơn, tinh vi hơn.1
Ngày nay, ai muốn nghiên cứu về hiện tượng tự tử chẳng hạn, đều
không thể không tham khảo lại những cuộc điều tra đã tiến hành trước đây,
đặc biệt là công trình xã hội học đầu tiên của É. Durkheim về vấn đề này.2
Qua đó, xem lại coi người ta đã thu thập những dữ kiện nào, và cuộc điều
tra đang dự định có thể tìm ra những dữ kiện gì mới ; xem xét lý thuyết mà
Durkheim từng đưa ra để giải thích về hiện tượng tự tử có còn thích hợp để
lý giải được thực tế ngày nay hay không ; nếu không, thì nhà nghiên cứu
phải bổ sung hoặc xây dựng lại thế nào cho một khung lý thuyết mới...
“Lý thuyết” là một công cụ trí tuệ giúp ta hiểu một thực tại nào đó,
giải thích một số sự kiện nhất định nào đó. Hiểu theo nghĩa như vậy, khái
niệm “lý thuyết” (theory) hoàn toàn khác biệt với khái niệm “học thuyết”
(doctrine). Một học thuyết là một hệ thống các tín điều và niềm tin, thường
mang tầm vóc tổng quát, toàn diện. Ngược lại, một lý thuyết thường bao
hàm một phạm vi hạn hẹp hơn, nhằm giải thích một hiện tượng xã hội nào
đó, và cũng thường bổ ích và thiết thực hơn là một học thuyết quá tổng
quát. Chẳng hạn, khi đề ra lý thuyết giải thích về hiện tượng tự tử,
Durkheim đã chế tạo ra khái niệm “anomie” (a = không, nomos = luật lệ ;
tạm dịch là tình trạng phi chuẩn mực). Ngày nay, khái niệm này đã trở
thành một trong những khái niệm căn bản trong xã hội học hiện đại và được
dùng rộng rãi để phân tích nhiều cơ chế vận động của xã hội không có liên
quan gì đến hiện tượng tự tử.3
Một trong những phương pháp thường được sử dụng trong xã hội
học là phương pháp so sánh. Người ta thường dùng phương pháp này khi
phân tích những nhân tố thuộc về định chế hoặc thuộc về cấp xã hội vĩ mô
trong những xã hội khác biệt nhau, hay khi phân tích những hiện tượng cụ
thể nào đó trong các xã hội hay các nhóm khác nhau. Phương pháp này khá
hấp dẫn vì nó có nhiều triển vọng đem lại kết quả. Tuy nhiên kèm theo nó
cũng có nhiều cạm bẫy, vì vấn đề được đặt ra là : liệu những đơn vị được so
sánh (các xã hội, các định chế, các tôn giáo, các nhóm, v.v.) và những chỉ
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 11.
Công trình Le suicide (Tự tử) của Émile Durkheim được xuất bản vào năm 1897.
3
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 11-12.
2
16
tiêu được chọn để so sánh, có phải là những cái có thể so sánh được hay
không. Dù vậy, đối với nhà xã hội học, do không thể sử dụng biện pháp thí
nghiệm như trong khoa học tự nhiên hay khoa học kỹ thuật, nên phương
pháp so sánh vẫn thường là một công cụ hữu ích.1
Một phương pháp khác là : xây dựng những mẫu hình (model), hay
những “điển hình ý thể” (tạm dịch từ thuật ngữ ideal type).2 Đây cũng là
phương pháp được các nhà xã hội học chú trọng kể từ khi Max Weber sử
dụng cụm từ này. Weber đã ứng dụng phương pháp xây dựng “điển hình ý
thể” này trong công trình nổi tiếng Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của
chủ nghĩa tư bản (1904-1905). Căn cứ trên giáo huấn đạo đức của giáo phái
Tin lành theo Calvin, Weber đã xây dựng một mô hình ứng xử “điển hình ý
thể” của người theo giáo phái này, và ông nhận xét là mô hình này trùng
khớp hay tương hợp với mô hình ứng xử “điển hình ý thể” của nhà kinh
doanh tư bản chủ nghĩa. Điều này dẫn Weber đi đến chỗ kết luận rằng nền
đạo đức Tin lành đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển
ban đầu của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu.
Một điển hình ý thể, theo Weber, không phải là một mẫu điển hình
bao gồm những đặc điểm chung nhất hoặc thường gặp nhất trong thực tại,
cũng không phải là một mẫu hình lý tưởng mà người ta cần đạt tới.3 Việc
xây dựng các điển hình ý thể chính là nỗ lực của mọi ngành khoa học nhằm
làm cho đối tượng nghiên cứu trở nên khả niệm4 bằng cách tìm ra tính duy
lý nội tại (rationalité interne) của đối tượng nghiên cứu, tức là cái nội dung
mang tính chất cốt lõi nhất của nó. Và xã hội học, theo Weber, chính là nỗ
lực trình bầy lại những cuộc sống con người vốn vô cùng lộn xộn, rối ren và
khó hiểu, nhằm làm cho chúng trở nên khả niệm, tức là có thể hiểu được và
lý giải được.5
Trong cuốn Kinh tế và xã hội (1921), Max Weber cho rằng các điển
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 12.
“Điển hình ý thể” (ideal type) là một mẫu điển hình nằm trong đầu con người,
tức xét trên bình diện ý thể hay bình diện tư tưởng (ideal), chứ không nằm trong
thực tại, tức không tồn tại trên bình diện vật thể (material).
3
Xem J. Scott, G. Marshall (Eds.), A Dictionary of Sociology, 3rd edition revised,
New York, Oxford University Press, 2009, tr. 329-330.
4
Khả niệm (intelligible) là tính chất có thể suy luận được, có thể hiểu được bằng
lý tính.
5
Xem R. Aron, Les étapes de la pensée sociologique (1967), Paris, Gallimard,
1993, tr. 519-520.
2
17
hình ý thể chỉ là những “công cụ phương pháp luận” để hiểu được và lý giải
được các hiện tượng xã hội. Ông viết : “Việc xây dựng một nội dung thuần
túy duy lý của hành động [...] giúp cho nhà xã hội học có được một điển
hình [tức điển hình ý thể] [...]. Bằng cách so sánh với điển hình này, chúng
ta có thể hiểu được những cách thức mà trong đó hành động thực tế bị ảnh
hưởng bởi những nhân tố phi duy lý thuộc đủ mọi kiểu [...], và những
trường hợp mà chúng [tức những nhân tố phi duy lý] gây ra hiện tượng đi
trệch khỏi lối ứng xử vốn được kỳ vọng trên cơ sở giả thuyết là hành động
mang tính thuần túy duy lý.”1
Một vấn đề phương pháp luận nữa cũng khá căn bản, đó là : xã hội
học có thể tìm ra những quy luật (hay định luật, laws) như các ngành khoa
học tự nhiên đã làm hay không ? Trong thế kỷ XIX, trong trào lưu phấn
chấn trước các khám phá và phát minh trong các lãnh vực khoa học và kỹ
thuật và trong niềm tự tin về đà tiến bộ của nhân loại, nhiều nhà xã hội học
cho rằng thực sự có những quy luật xã hội. Nhưng kể từ hậu bán thế kỷ XX
cho tới nay, sau nhiều thất bại trong các giải thích và dự đoán, phần lớn các
nhà xã hội học đều thận trọng hơn, cân nhắc hơn về điểm này. Tuy không
hoàn toàn phủ nhận khả năng có thể có những quy luật xã hội, nhưng người
ta vẫn không dám đi đến kết luận vội vã, mà thường chỉ ghi nhận những
hiện tượng lặp đi lặp lại (regularities): nếu trong thực tế, qua kinh nghiệm
bản thân, người ta luôn luôn bắt gặp hiện tượng A đi kèm với hiện tượng B,
thì điều này chưa hẳn có nghĩa là A là nguyên nhân của B, mà cũng chưa
chắc là A luôn luôn đi liền với B. Hiện tượng A có thể là một trong những
điều kiện thuận lợi cho việc xuất hiện B, hoặc cũng có thể cả A lẫn B đều là
kết quả chung của một nhân tố nào khác còn tiềm ẩn... Tuy vậy, việc nghiên
cứu những hiện tượng lặp đi lặp lại này cho phép ta thực hiện trong chừng
mực nào đấy những dự báo, chẳng hạn theo kiểu : nếu ngày mai ta thấy
hiện tượng A, thì có nhiều khả năng là sẽ xảy ra hiện tượng B. Đây chính là
sự khác biệt căn bản giữa sự dự báo và sự tiên tri.2
Một thí dụ. Ở phương Tây, sự phát triển nhanh chóng của xã hội
công nghiệp đòi hỏi người lao động phải di chuyển, thay đổi chỗ làm nhiều
hơn, được đào tạo chuyên sâu hơn và nhanh hơn... Do đó, kết quả là mô
hình gia đình nhiều thế hệ theo kiểu truyền thống, trong đó cặp vợ chồng trẻ
vẫn sống chung với cha mẹ, và người con có cùng địa vị xã hội như người
cha, không thể phù hợp với một nền công nghiệp đang tăng trưởng. Mặt
1
M. Weber, The Theory of Social and Economic Organization (1947), A. M.
Henderson và T. Parsons dịch, New York, The Free Press, 1964, tr. 92.
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 12-13.
18
khác, thanh niên bây giờ không chọn vợ chọn chồng theo kiểu “môn đăng
hộ đối” hay “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy” nữa ; họ chọn theo những tiêu
chuẩn cá nhân của mình, mà về mặt cá nhân thì hiển nhiên là khía cạnh tình
cảm trở thành động cơ chủ yếu dẫn đến hôn nhân. Nếu thanh niên lấy nhau
vì tình yêu, và nếu họ chọn một nghề nghiệp mà họ đã được học ở trường,
thì các cặp vợ chồng trẻ sẽ không có lý do gì để phải ở chung với cha mẹ
như thời xưa nữa. Họ ra ở riêng, tìm việc làm, thăng tiến dần... Như vậy,
nhìn chung lại, ta thấy có lẽ có một mối liên hệ hàm số giữa hai hiện tượng
thoạt nhìn tưởng chừng như chẳng dính dáng gì với nhau : “tiếng sét ái
tình” và sự phát triển kinh tế của xã hội công nghiệp.
Nhưng mối liên hệ ấy không nhất thiết là liên hệ nhân quả, và lại
càng không chắc là quy luật, nếu ta nhìn vào các xã hội Á Đông như Nhật
Bản chẳng hạn. Hơn nữa, khó mà khẳng định được cái nào là nguyên nhân,
cái nào là hậu quả, khi mà các hiện tượng xã hội thường xuất hiện đan xen
với nhau, tác động lẫn nhau một cách vô cùng chằng chịt. Tính nhân quả
trong xã hội hầu như luôn luôn diễn ra dưới dạng vòng tròn, tức là các hiện
tượng thường tác động lẫn nhau, chi phối và ảnh hưởng lẫn nhau.1
Xét về mặt phương pháp luận, nhìn chung, người ta thấy có hai lối
tiếp cận đối lập nhau trong ngành xã hội học, đó là lối tiếp cận tổng thể luận
(holism), và lối tiếp cận phương pháp luận [quy về] cá nhân
(methodological individualism). Một cách đại thể, có thể nói lối tiếp cận
tổng thể luận cho rằng toàn bộ sự vận hành của xã hội đều xuất phát từ xã
hội, vốn có những cấu trúc và những định chế của nó, áp đặt lên trên mọi cá
nhân thành viên. Lý thuyết mác-xít và khoa kinh tế học cổ điển đều nằm
trong lối tiếp cận này, và ngay nền xã hội học ở Pháp cũng chủ yếu đi theo
khuynh hướng này trong những thập niên 1950 và 1960. Nhưng kể từ cuộc
khủng hoảng kinh tế diễn ra từ năm 1975 trở đi, giới khoa học xã hội ở
Pháp bắt đầu đặt lại vấn đề về lối tiếp cận này, nhất là khi mà nhà xã hội
học Alain Touraine (1925-) đưa ra ý tưởng về “sự trở lại của tác nhân” (le
retour de l’acteur). Lúc này, người ta bắt đầu chú ý hon tới những chiến
lược cá nhân cũng như sự tích hợp của những chiến lược cá nhân, đến mức
mà dần dà lối tiếp cận phương pháp luận [quy về] cá nhân của nhà xã hội
học Raymond Boudon (1934-2013) trở nên thống soái trong nền xã hội học
Pháp, cùng với trào lưu của trường phái Chicago và trào lưu phương pháp
luận thường nhân (ethnomethodology). Tuy nhiên, giữa hai lối tiếp cận đối
lập nhau nêu trên, người ta chứng kiến ngày càng có nhiều công trình xã hội
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 13.
19
học (tôn giáo, tổ chức, nông thôn, chính trị...) tìm cách vượt qua sự đối lập
này, và trong chừng mực nào đó, phối hợp cả hai lối tiếp cận ấy.1
D. Những kỹ thuật nghiên cứu
Vấn đề đầu tiên của một đề tài nghiên cứu xã hội học là làm sao
chuyển từ những khái niệm trừu tượng (trong khung lý thuyết của đề tài)
thành những sự vật và những sự kiện cụ thể trong đời sống hàng ngày, để từ
đó ta có thể khảo sát và đo lường được chúng trong những cuộc khảo sát
thực nghiệm. Nói cách khác, đây là vấn đề thao tác hóa các khái niệm, tức
là biến những khái niệm trừu tượng thành những chỉ báo cụ thể, có thể được
định lượng hóa. Nếu chúng ta muốn vận dụng khái niệm “phi chuẩn mực”
(anomie) của Durkheim chẳng hạn vào công trình nghiên cứu của mình, thì
ta cần phải thao tác hóa khái niệm trừu tượng này thành những chỉ báo cụ
thể, có thể khảo sát và đo lường được, nhằm đi đến chỗ lượng giá được mức
độ phi chuẩn mực của một xã hội hay một nhóm xã hội nào đó. Những chỉ
báo này cho phép ta đo lường được những thành tố khác nhau của tình trạng
phi chuẩn mực. Mặt khác, ta còn phải xác định được những biến số nào tác
động tới tình trạng phi chuẩn mực, và khảo sát mối liên hệ tương quan giữa
những biến số này, v.v. Đấy đều là những khía cạnh thiết yếu đòi hỏi nhà xã
hội học phải hết sức thận trọng và tinh tế trong việc thao tác hóa các khái
niệm lý thuyết trong một công trình nghiên cứu.2
Trong nhiều trường hợp, khi đứng trước một vấn đề nghiên cứu mới,
nhà xã hội học chưa xây dựng được ngay những giả thuyết hay khung lý
thuyết thích hợp, thậm chí cũng chưa hình dung được đối tượng nghiên cứu
ra sao. Trong những trường hợp này, rõ ràng việc đầu tiên phải làm là mô tả
(description). Cũng tương tự như trong bất cứ ngành khoa học nào khác,
việc mô tả phải hết sức chi tiết, cụ thể, càng chính xác càng tốt. Nhưng do
lúc ban đầu thường chưa thể biết rõ những gì cần thu thập và những gì
không cần, nên người nghiên cứu dễ sa đà vào việc mô tả vô số sự kiện
không có ý nghĩa, đồng thời lại dễ bỏ quên những điểm then chốt. Dĩ nhiên,
độ dày của kinh nghiệm nghiên cứu cũng như tầm hiểu biết vấn đề sẽ giúp
cho công việc mô tả đỡ vất vả hơn mà lại sắc sảo hơn.3
Đối với nhà xã hội học, cũng như đối với các nhà khoa học xã hội
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 16-17.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 13-14.
3
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 14.
2
20
khác, vấn đề căn bản là vấn đề khoảng cách giữa người quan sát và đối
tượng được quan sát. Nhà thiên văn học có kính viễn vọng để nhìn ngắm
các ngôi sao trên trời, nhà sinh học có kính hiển vi để đi vào thế giới các tế
bào, còn nhà xã hội học thì lại vẫn dùng những giác quan thông thường của
mình và trí tuệ của mình để khảo sát đối tượng. Do nhà xã hội học cũng là
một thành viên của xã hội mình đang sống, cũng mang trong mình những
tâm thức và tình cảm của xã hội ấy, cũng sử dụng cùng những ngôn từ và
thuật ngữ thông thường của xã hội ấy, nên khi nghiên cứu, ông ta/bà ta rất
dễ rơi vào những lối suy nghĩ rập khuôn hay những cái nhìn thành kiến của
xã hội mà mình đang sống. Chính vì thế, điều cực kỳ quan trọng đối với
một nhà xã hội học là trang bị cho mình hệ thống các kiến thức và các khái
niệm khoa học, cũng như xây dựng những công cụ nghiên cứu chuyên biệt
(như bản câu hỏi, bản hướng dẫn phỏng vấn, bản quan sát...) để “nhìn” đối
tượng (khảo sát và thu thập dữ kiện) một cách khách quan nhất có thể được
– nhằm vượt ra khỏi cái chủ quan có thể có của người nghiên cứu.1
Mô tả, trước hết có nghĩa là đo đếm. Công việc đo lường hiện tượng
và đếm các sự kiện có thể cho phép chúng ta giữ một khoảng cách nhất định
với đối tượng nghiên cứu. Bởi lẽ các bảng biểu số liệu bản thân chúng có
những yêu cầu khách quan mà ta phải tuân theo. Tuy nhiên, điều quan trọng
hơn trong xã hội học là hiểu, mà để hiểu, thì rõ ràng là đếm thôi chưa đủ.
Nhà xã hội học tôn giáo chẳng hạn có thể đếm được số người đi nhà thờ,
nhưng con số này chưa có ý nghĩa bao nhiêu, vì điều mà người ta muốn biết
là số các tín đồ, tức là những người có lòng tin – mà việc đi nhà thờ chưa
phải là tiêu chuẩn cho phép đo lường lòng tin thực sự của các tín đồ.2
Như vậy, chúng ta thấy rõ là ngay việc mô tả ban đầu cũng đã đòi
hỏi một nỗ lực phân tích định tính về đối tượng nghiên cứu, cũng như một
nỗ lực thao tác hóa các khái niệm của đề tài nghiên cứu, nhằm làm sao vạch
ra được tương đối đầy đủ các chỉ tiêu cần thu thập.
Một kỹ thuật nghiên cứu khác cũng thường được dùng trong xã hội
học là chuyên khảo hay đặc tả (monograph). Đây là việc khảo sát chuyên
sâu về một tập hợp xã hội nào đó (một cộng đồng làng, một gia đình, một tổ
chức...) hoặc một hiện tượng (thí dụ tự tử), nhằm tìm hiểu tất cả mọi khía
cạnh, lãnh vực và cơ chế vận động của tập hợp xã hội ấy hoặc của hiện
1
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 14.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 14-15.
21
tượng ấy.1
Sở dĩ ngành xã hội học tiến bộ được là nhờ vào hai công cụ chính
này : chuyên khảo và thống kê. Phương pháp chuyên khảo giúp ta khám phá
và hình dung ra hiện tượng cần nghiên cứu, và đặt hiện tượng này vào trong
mối liên quan với các hiện tượng khác hay các vấn đề khác. Còn phương
pháp thống kê thì giúp ta đo lường quy mô của hiện tượng và tầm vóc của
nó trong tổng thể xã hội hoặc cộng đồng mà ta đang nghiên cứu. Tuy nhiên,
kể cả những nước công nghiệp phát triển, các số liệu thống kê chính thức
đều được thu thập phần lớn nhằm phục vụ cho giới quản lý xã hội và giới
kinh tế học, chứ hiếm khi phục vụ cho nhu cầu của các nhà xã hội học. Vì
thế, nhà xã hội học thường phải tự mình đi thu thập số liệu : tự mình thiết
kế công cụ khảo sát (như bản câu hỏi, bản hướng dẫn phỏng vấn...), tự mình
chọn ra mẫu khảo sát và tự mình tiến hành những cuộc thăm dò... nhằm
phục vụ cho công trình nghiên cứu của mình.2
E. Xã hội học và thực tiễn xã hội
Như đã nói, tư duy xã hội học thường phát triển trong những thời kỳ
khủng hoảng hoặc có nhiều biến động xã hội. Cũng chính vì thế mà các nhà
hoạt động thực tiễn thường mong chờ nhà xã hội học đưa ra những giải
pháp cho những vấn đề cụ thể trước mắt. Chẳng hạn, người kỹ sư nông
nghiệp thắc mắc tại sao nông dân vẫn không chịu áp dụng giống lúa mới, dù
ông ta đã cố hết sức thuyết phục về các lợi ích của giống lúa mới như năng
suất cao, chịu được phèn, kháng được sâu rầy... Nhà sư phạm không hiểu vì
sao tình trạng bỏ bê học hành và hư hỏng trong thanh thiếu niên ngày một
gia tăng. Còn vị giám đốc nhà máy thì đặt vấn đề làm sao khuyến khích
công nhân làm việc hăng hái hơn, và làm cách nào chiêu dụ được nhiều
khách hàng hơn mua sản phẩm của nhà máy mình... Nói chung, những
người làm việc thực tiễn luôn luôn muốn nhà xã hội học đưa ra được cho họ
những “toa thuốc”.
Thực ra, nhà xã hội học không phải là một “thầy thuốc”, lại càng
không phải là nhà “tiên tri”. Dù công việc mô tả và phân tích của nhà xã hội
học có sâu sắc và xác đáng đến đâu đi nữa, thì điều đó vẫn không phải là cơ
sở để cho phép ông ta “báo trước” tương lai, hay tìm ra được biện pháp gì
hữu hiệu tác động vào tương lai.
1
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 15.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 15.
22
Một thí dụ. Những cuộc thăm dò dư luận trước các cuộc bầu cử tổng
thống ở Mỹ chỉ cho người ta biết là : vào thời điểm điều tra T, có 30%
(chẳng hạn) người dân Mỹ đồng ý bầu cho ông Trump, 40% cho bà Clinton,
v.v. ; nhưng qua đó, vẫn không thể biết trước là đến ngày bầu cử T ’, sẽ có
bao nhiêu phần trăm bầu cho người này hay người khác. Bởi lẽ từ thời điểm
T tới T ’ (một tuần, một tháng hoặc một năm), sẽ còn diễn ra nhiều biến cố
khác có thể làm đảo lộn tình hình ; hơn nữa, bản thân việc công bố kết quả
điều tra cũng đã có thể tác động tới sự chọn lựa của cử tri.
Mô tả không phải là dự báo ; tuy nhiên, trong chừng mực nhất định,
nhà xã hội học vẫn có thể căn cứ trên kết quả mô tả để nói rằng : sự kiện A
có nhiều khả năng xảy ra trong những điều kiện B, C, D... nhất định.
Cũng có nhiều trường hợp mà phương pháp xã hội học được sử dụng
để phục vụ trực tiếp cho thực tiễn, đặc biệt là trong việc điều tra về nhu cầu
và thị hiếu của khách hàng, hay về tác dụng của việc quảng cáo cho một sản
phẩm chẳng hạn. Trong thời kỳ Thế chiến thứ hai, trong không quân Mỹ,
người ta đã sử dụng kết quả của những cuộc trắc nghiệm xã hội học để cấu
tạo thành phần các đội bay, nhằm mục đích là làm sao cho mọi người trong
mỗi đội bay có thể “ăn giơ” được với nhau, nhưng đồng thời cũng phải làm
sao để những người này đừng quá thân thiện với nhau đến nỗi chỉ lo vui
chơi mà quên đi nhiệm vụ chiến đấu.
Để giải quyết một số vấn đề tác nghiệp cụ thể, ngành xã hội học có
thể đóng vai trò rất hữu hiệu, kết quả có thể thấy ngay trong thực tiễn.
Nhưng còn những vấn đề lớn và phức tạp hơn của xã hội (thí dụ sự chuyển
biến trong ứng xử của nông dân ; vấn đề ma túy...), thì cho đến nay vẫn
luôn luôn là thách đố đối với các nhà xã hội học. Ngay việc giải thích
những hiện tượng ấy cũng đã từng gây ra biết bao nhiêu cuộc tranh luận
giữa những nhà xã hội học nhiều khi có quan điểm hoàn toàn đối lập nhau.
Đó là chưa nói đến việc dự báo hoặc đề ra giải pháp cho tương lai của vấn
đề thì lại càng khó khăn hơn bội phần.
Với tư cách là công dân trong một xã hội, nhà xã hội học hẳn nhiên
cũng có thể có những chính kiến và lập trường riêng của mình, những thao
thức và hoài bão phục vụ lý tưởng của mình. Nhưng với tư cách là nhà khoa
học, thì do tính chất thường hết sức phức tạp của đối tượng nghiên cứu, nhà
xã hội học luôn phải tôn trọng tính khách quan trong nghiên cứu, và thận
trọng trong việc phân tích và nhận định. Mỗi hiện tượng xã hội vốn được
23
cấu tạo bởi vô số những mối quan hệ xã hội chằng chịt và phức tạp, nhiệm
vụ của nhà xã hội học, nói một cách nôm na, là làm sao gỡ ra, lần ra được
những đầu dây mối nhợ chính yếu : mô tả và lý giải một hiện tượng xã hội,
nhằm mục đích giúp cho người ta hiểu được thực chất của hiện tượng ấy.
Còn làm cách nào để phát huy hay hạn chế hiện tượng ấy, thì đấy không
còn là lãnh vực của xã hội học, mà là thuộc về phạm vi cân nhắc và quyết
định của nhà hoạt động thực tiễn hay nhà quản lý xã hội.
24
Chương 2
Xã hội và cá nhân. Quá trình xã hội hóa
Con người từ tấm bé hầu như ai cũng trải qua thời kỳ được cha mẹ
nuôi nấng, dạy dỗ. Rồi sau đó, đứa trẻ phải cắp sách đến trường, như người
ta thường nói trong dân gian Việt Nam, “Không thầy đố mày làm nên”,
nhưng đồng thời người ta cũng nói “Học thầy không tầy học bạn”... Nói
chung, từ nhỏ tới lớn, mỗi người đều học tập (hay nói cách khác là chịu ảnh
hưởng) từ cha mẹ, ông bà, anh chị em trong gia đình, bạn bè chòm xóm,
thầy cô, sách vở, báo chí, phát thanh, truyền hình... và các môi trường xã
hội khác. Đấy chính là những quá trình xã hội hóa.
A. Con người với tư cách là thành viên xã hội
Từ ngàn xưa, người ta đã tranh luận với nhau rằng : trong mỗi con
người, có những mặt nào là do trời phú bẩm sinh, và những mặt nào là do
gia đình và xã hội giáo dục và rèn luyện mà “nên người” ? Mặt nào mang
tính chất quyết định, mặt bẩm sinh hay mặt giáo dục ? Thực ra đấy là một
vấn đề thuộc lãnh vực triết lý, và cũng có thể của cả tâm lý học, nhưng lại
nằm ngoài mối quan tâm của xã hội học. Nhà xã hội học không đặt ra câu
hỏi đó, và chỉ chú tâm nghiên cứu những cơ chế theo đó xã hội tác động
đến cá nhân, chứ không bận tâm đến sự phân biệt giữa cái bẩm sinh và cái
tiếp thụ được từ xã hội nơi từng con người. Nhà xã hội học cũng không tự
hỏi xem giữa cá nhân với xã hội, cái nào quyết định cái nào ; bởi lẽ đối với
ông ta, không có xã hội nào mà không bao gồm các cá nhân trong đó, và
cũng không có những cá nhân nào tách biệt với xã hội của mình.1
Mối quan tâm của nhà xã hội học là tìm hiểu về những khía cạnh
mang tính xã hội nơi các cá nhân, và nhờ đâu và trong chừng mực nào mà
các cá nhân thuộc một xã hội hay cộng đồng nào đó lại cùng có chung một
số đặc điểm về nhân cách và ứng xử.
Dưới con mắt của nhà xã hội học, dĩ nhiên “con người” không thể
được định nghĩa như một đơn vị sinh học – đây là đối tượng của khoa sinh
học hay y học. Cũng không phải chỉ là một đơn vị tâm lý vốn có ý thức,
tiềm thức và vô thức, những đam mê và dục vọng... mà ngành tâm lý học
1
Xem H. Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle édition
refondue, 2003, tr. 19.
25
hay phân tâm học quan tâm nghiên cứu. Và cũng không phải chỉ là một
“sinh vật có lý trí”, biết làm điều thiện tránh điều ác... mà các nhà triết học
hay đạo đức học thường định nghĩa. Tuy không phủ nhận tất cả những khía
cạnh trên, nhưng ngành xã hội học quan tâm đến con người trước hết với tư
cách là một sinh vật xã hội, một con người xã hội. Xã hội học không quan
tâm đến con người với tư cách như một cá thể đơn lẻ, mà là con người trong
mối tương quan với người khác, con người với tư cách là thành viên của
một xã hội, một cộng đồng hay một tập thể nào đó.
Thí dụ sau đây mượn từ ngành nhân học sẽ giúp ta hình dung rõ hơn
chuyện này. Ruth Benedict (1887-1948), nhà nhân học người Mỹ, trong
cuốn Patterns of Culture (Những khuôn mẫu văn hóa, 1934) đã nghiên cứu
một số xã hội Anh-điêng ở Bắc Mỹ và quần đảo Thái Bình Dương, trong đó
đặc biệt có hai xã hội có nhiều đặc tính đối lập nhau, là xã hội người Zuni
và xã hội người Kwakiutl.1
Người Zuni (tộc người bản địa sống ở bang New Mexico, Hoa Kỳ)
là những người “hiền lành”, họ cho rằng hoạt động cơ bản của con người là
sự chiêm ngưỡng, bởi vì điều quan trọng nhất trong cuộc sống là sự hòa
hợp giữa con người với thiên nhiên, và vì thế họ coi khinh những hành
động chiến đấu và cạnh tranh. Ngược lại, người Kwakiutl (tộc người bản
địa sống ở vùng tây bắc của Hoa Kỳ) lại quan niệm rằng con người chỉ
xứng đáng là con người khi dám chống chọi lại người khác, khuất phục
người khác và chiến thắng thiên nhiên.
Giả sử nếu ta đưa một người Zuni sang sinh sống trong xã hội
Kwakiutl, chắc chắn người này sẽ bị coi như một trường hợp bệnh hoạn.
Ngay cả một người Zuni tương đối “hiếu chiến” nhất cũng vẫn sẽ bị xã hội
Kwakiutl coi như người nhu nhược, quá ư hiền lành, thiếu tính chiến đấu.
Ngược lại, một người Kwakiutl trung bình không đến nỗi “hiếu chiến” lắm
nếu đến sống trong xã hội Zuni sẽ là một trường hợp kỳ quặc và sẽ bị coi là
điên. Như vậy, điều vốn dĩ bình thường đối với xã hội Zuni có thể trở thành
điều bệnh hoạn “trái tai gai mắt” đối với xã hội Kwakiutl, và ngược lại cũng
như vậy.
Rõ ràng con người là sản phẩm của các định chế và văn hóa của xã
hội mà trong đó mình sinh trưởng. Nhân cách cá nhân được hun đúc chủ
yếu theo một mẫu mực nào đó mà xã hội đã hình thành. Hệ quả là những lối
1
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 20.
26
xử sự nào được coi là “bình thường” hoặc “bệnh hoạn” là hoàn toàn tùy
thuộc vào nhân sinh quan và cách nhìn của từng xã hội nhất định, và có thể
là ngược lại đối với một xã hội khác. Như vậy, đối với nhà xã hội học,
không có ứng xử xã hội nào tự nó mang tính chất “bệnh hoạn” cả.1 Nhân
cách và lối ứng xử của những đứa trẻ thuộc các tầng lớp lao động bình dân,
thường nô giỡn la cà suốt ngày ngoài đường phố, chắc khác hẳn so với
những đứa trẻ thường được nuông chiều trong những gia đình giàu có. Lối
sống và tác phong của người nông dân hẳn khác xa so với người dân đô thị :
cảm giác bỡ ngỡ, lạc loài của một bác nông dân mới lên thành phố chứng tỏ
môi trường xã hội đô thị có những đặc trưng khác xa so với môi trường
cộng đồng làng xã ở nông thôn, nơi mà bác ta sinh ra và lớn lên, và chắc
hẳn bác ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn thích ứng với môi trường xa
lạ này.
Người ta hay nói đến một trong những khám phá lớn trong các khoa
học xã hội ở thế kỷ XX, đó là lý thuyết phân tâm học của trường phái Freud
về vai trò của việc nuôi nấng ban đầu trong sự hình thành nhân cách của
đứa trẻ từ lúc lọt lòng. Nhưng đối với nhà xã hội học, thì việc nuôi nấng này
không phải là chuyện mang tính chất cá nhân, đơn lẻ, như các nhà tâm lý
học cổ điển thường quan niệm, trái lại luôn luôn tuân theo một khuôn mẫu
đã được mặc nhiên quy định trong khuôn khổ một cộng đồng hay một xã
hội nhất định. Và đây cũng chính là một trong những giả thuyết nền tảng
của xã hội học. Nhà xã hội học quan niệm rằng hệ thống giáo dục đóng vai
trò quyết định trong việc truyền đạt hệ thống các giá trị, chuẩn mực và
những khuôn mẫu nhân cách của một nhóm xã hội hay cộng đồng, và như
vậy tức là làm cho nhóm xã hội hay cộng đồng ấy duy trì sự tồn tại của
mình. Xã hội tái sản xuất chính mình thông qua sự dạy dỗ, giáo dục.
Một giả thuyết quan trọng của nhà xã hội học là : trong hoàn cảnh
bình thường, con người bình thường ứng xử theo cách ứng xử bình thường
mà họ đã được dạy dỗ. Vì thế, nhà xã hội học quan tâm trước hết đến khía
cạnh xã hội này mà con người đã “học” được. Chính nhờ các thành viên có
được những lối ứng xử chung như vậy mà một xã hội mới có thể hoạt động
bình thường và kéo dài sự tồn tại của mình.
Ngay những hành vi thông thường nhất trong cuộc sống hằng ngày
như ăn, mặc, ở, cử chỉ, lối đi đứng, chào hỏi... cũng đều mang dấu ấn của
cộng đồng hay xã hội mà đương sự là thành viên. Các nhà dân tộc học đã
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 20.
27
cho thấy là cách ứng xử của con người trong các hoạt động sinh học, trong
lúc bệnh tật, lúc đến tuổi dậy thì, lúc lập gia đình, lúc sinh con và dạy con,
cũng như lúc qua đời... đều rất khác nhau giữa xã hội này với xã hội khác
trên thế giới. Chúng ta thường gọi đấy là tập quán, là truyền thống, hay nói
rộng ra, là văn hóa.
Lấy một thí dụ. Trong xã hội Pháp, người ta hay nói tới sự khủng
hoảng của tuổi dậy thì, và coi đây như một biểu hiện sinh học “bình
thường”, bởi lẽ khi tới tuổi dậy thì, đám thanh thiếu niên Pháp thường tỏ ra
nổi loạn chống lại quyền lực. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của các nhà
dân tộc học lại khám phá ra rằng ở nhiều xã hội khác, lại không có hiện
tượng này. Nơi tộc người da đỏ Cheyenne ở Bắc Mỹ chẳng hạn, ngay từ
nhỏ, những đứa con trai đã được dạy dỗ làm sao cho chúng giống với cha
chúng nhất. Người ta làm cho chúng những cây cung nhỏ xíu, và khuyến
khích chúng bắn những động vật nào dễ bắn nhất ; nếu bắn trúng, chúng sẽ
được người lớn khen ngợi. Toàn bộ quá trình được dạy dỗ và lớn lên của
những đứa trẻ này là một quá trình học cách làm giống y như người lớn,
chứ chúng không hề có ý định “nổi loạn” hay tự khẳng định để chống lại
cha mẹ của mình. Như vậy, tuổi dậy thì của thanh thiếu niên thuộc tộc
người Cheyenne chính là một giai đoạn bắt chước, thích nghi và tuân thủ
theo các quy tắc xã hội, chứ không phải “nổi loạn” giống như thanh thiếu
niên ở Pháp.1
Một thí dụ khác, đó là sự khủng hoảng của tuổi trung niên (mid-life
crisis). Ý tưởng này xuất phát từ một bài tham luận của nhà phân tâm học
người Canada Elliott Jaques (1917-2003) tại một hội nghị của Hội Phân tâm
học Anh Quốc ở London vào năm 1957. Ông cho rằng đến khoảng 35-40
tuổi, người ta thường trải qua một giai đoạn khủng hoảng kéo dài nhiều
năm. Đến độ tuổi này, tự nhiên người ta lo âu “đến phát bệnh” về sức khỏe
và vẻ bề ngoài của mình, giật mình nhận ra mình đã đi hết nửa đời người,
và cái chết không phải là chuyện chỉ xảy ra với người khác. Đến năm 1965,
ông công bố bài viết mang tên “Cái chết và cuộc khủng hoảng tuổi trung
niên” đăng trên Tạp chí Phân tâm học Quốc tế (tháng 10-1965).3 Kể từ đó,
hầu như toàn bộ giới khoa học cũng như công chúng dường như đã thừa
2
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 23-24.
Dẫn lại theo bài của Pamela Druckerman, “Khủng hoảng trung niên : Chỉ là mốt
hay đúng quy trình ?”, P.T.V.A. chuyển ngữ, Tuổi trẻ Cuối tuần, số ra ngày 55-2019, tr. 18-20.
3
Elliott Jaques, “Death and the Midlife Crisis”, International Journal of
Psychoanalysis, Vol. 46, No. 4, 1965, tr. 502-514.
2
28
nhận lý thuyết này và coi đây là một hội chứng mà ai cũng mắc phải trong
cuộc đời của mình. Một bài báo trên tờ New York Times năm 1971 mô tả
hội chứng này như sau : “Người ấy đau đớn..., mà thậm chí cũng không
hiểu điều gì đang diễn ra trong cơ thể mình ; một thay đổi gì đó về thể chất
làm ảnh hưởng tới xúc cảm... Người ấy vật vã vì do dự, bồn chồn, chán nản,
thấy cái gì cũng ‘chẳng để làm gì’, cảm giác như mình bị giam cầm.”
Nhưng vào đầu thập niên 1980, nhà nhân học người Mỹ Stanley
Brandes bỗng ngờ rằng cuộc “khủng hoảng” giữa đời mà mọi người nói tới
có thể cũng là một thứ do văn hóa tạo ra, khi ông nhớ tới cuốn Tuổi dậy thì
ở Samoa (Coming of Age in Samoa, xuất bản năm 1928) của nhà nhân học
người Mỹ Margaret Mead (1901-1978). Theo Mead, khi người Mỹ nghĩ
rằng thiếu nữ nào cũng sẽ trải qua khủng hoảng tuổi thiếu niên (cảm thấy
hoang mang, lo âu, bối rối), thì nhiều em quả thật bị như vậy ; nhưng người
Samoa1 lại không nghĩ như thế, vì ở Samoa, thiếu nữ vẫn tỏ ra ngoan
ngoãn, bình thường. Năm 1985, Brandes trình bày những suy nghĩ của mình
trong cuốn Bốn mươi : Tuổi và biểu tượng (Forty: The Age and the
Symbol). Sau đó, một số công trình nghiên cứu tiếp tục đi theo giả thuyết
nghi vấn này, trong đó đáng chú ý là chương trình nghiên cứu mang tên là
“Tuổi trung niên ở Mỹ” (Midlife in the United States, MIDUS) bắt đầu từ
năm 1995. Kết quả là họ khám phá ra rằng “đa phần không gặp khủng
hoảng”. Một số người nói đang gặp khủng hoảng tuổi trung niên thì đều là
những người có tâm lý dễ bị khủng hoảng, hoặc “dễ nổi điên” – đối với
những người này thì cả đời họ gặp khủng hoảng, chẳng phải đợi tới tuổi
trung niên. Một nửa trong số những người gặp khủng hoảng tuổi trung niên
nói việc này có liên quan đến một biến cố nào đó, chẳng hạn có vấn đề về
sức khỏe, mất việc, ly dị, chứ không phải do già đi mà khủng hoảng. Theo
chương trình MIDUS, chỉ có khoảng 10-20% người Mỹ trải qua cái gọi là
khủng hoảng trung niên – và do vậy, đây thực ra chỉ là một thứ “huyền
thoại” về khủng hoảng tuổi trung niên.2
B. Quá trình xã hội hóa
Khái niệm “xã hội hóa” (socialization) được các nhà xã hội học dùng
để chỉ quá trình theo đó con người học cách thích ứng với xã hội, tiếp thu
các giá trị của xã hội, và tuân thủ các quy tắc xã hội – quá trình này cho
phép xã hội tồn tại và luân chuyển nền văn hóa của mình từ thế hệ này sang
1
Samoa là một quần đảo ở phía nam Thái Bình Dương, nơi cư trú của tộc người
Samoa.
2
Dẫn lại theo bài của Pamela Druckerman, bài đã dẫn, tr. 18-20.
29
thế hệ khác. Và quá trình này thường được xem như diễn ra hầu như trong
suốt cuộc đời mỗi người.
Theo nhà xã hội học Mỹ gốc Áo Peter Berger (1929-2017) và nhà xã
hội học Mỹ-Áo Thomas Luckmann (1927-2016), lúc sinh ra đời, cá nhân
chưa phải là con người, hiểu theo nghĩa là thành viên của một xã hội : “... cá
nhân không chào đời là một thành viên của xã hội. Anh ta chào đời với một
bẩm tính thiên về xã hội tính [sociality], và rồi anh ta trở thành một thành
viên của xã hội.”1 Chính là nhờ quá trình xã hội hóa mà cá nhân trở thành
một thành viên của xã hội : xã hội hóa là “quá trình dẫn dắt một cá nhân
một cách toàn diện và bền bỉ bước vào trong thế giới khách quan của một
xã hội hay một khu vực của xã hội.”2
Berger và Luckmann là những nhà xã hội học đầu tiên đưa ra phân
biệt giữa xã hội hóa cơ bản (hay sơ cấp) và xã hội hóa thứ cấp (hay thứ
yếu). Xã hội hóa cơ bản (primary socialization) là “quá trình xã hội hóa đầu
tiên mà mỗi cá nhân trải qua trong thời thơ ấu, nhờ đó anh ta trở thành một
thành viên của xã hội.” Còn xã hội hóa thứ cấp (secondary socialization) là
“bất cứ quá trình tiếp theo nào dẫn dắt một cá nhân đã-được-xã-hội-hóa
bước vào những khu vực mới của thế giới khách quan của xã hội của anh
ta.”3
Cũng tương tự như trên, người ta thường còn phân biệt ba giai đoạn
xã hội hóa nơi cuộc sống con người.
1. Giai đoạn xã hội hóa ban đầu nơi đứa trẻ trong gia đình : đây là
môi trường mà, lần đầu tiên trong cuộc đời mình, đứa trẻ có được những
kinh nghiệm về quan hệ giữa người với người. Theo Berger và Luckmann,
đây là giai đoạn quan trọng nhất đối với mỗi cá nhân.4 Người ta dạy cho nó
cách ăn nói với người khác, cách chào hỏi... Nó học được thế nào là “lễ
phép”, là “ngoan”... cũng như phải biết được cái gì là điều xấu phải tránh.
Qua quan sát, nó cũng học được những cách ứng xử giữa cha với mẹ nó,
giữa cha mẹ nó với con cái tức là anh chị em của nó. Nói tóm lại, đứa trẻ ở
giai đoạn này học biết được thế nào là một gia đình, và quan hệ giữa những
1
P. Berger, T. Luckmann, Sự kiến tạo xã hội về thực tại. Khảo luận về xã hội học
nhận thức (1966), Trần Hữu Quang chủ biên dịch thuật, giới thiệu và chú giải,
Hà Nội, Nxb Tri thức, 2015, tr. 192.
2
P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 193.
3
P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 193.
4
P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 194.
30
người thân thuộc diễn ra thế nào.
2. Sau đó là giai đoạn xã hội hóa diễn ra nơi nhà trường (có thể bắt
đầu từ nhà trẻ hoặc mẫu giáo) : ở môi trường này, lần đầu tiên đứa trẻ tiếp
xúc với những người không phải thân thuộc của mình, với thế giới nằm bên
ngoài khuôn khổ gia đình. Lần đầu tiên, đứa trẻ phải ra khỏi môi trường
nhóm cơ bản (gia đình) để bước vào làm quen với những nhóm thứ cấp của
xã hội. Nó được học cách giao tiếp và ứng xử với người lạ. Nó đồng thời
cũng bắt đầu học đánh vần, học viết, tập làm toán, cũng như dần dà học
những kiến thức và kỹ năng khác cần thiết cho cuộc sống trưởng thành của
nó sau này.
3. Và sau cùng là giai đoạn xã hội hóa khi mà con người trưởng
thành bước vào đời, thực sự đảm nhận những vai trò mà hai giai đoạn trước
chưa thể chuẩn bị đầy đủ (như làm chồng hay làm vợ, làm cha mẹ, làm một
nhân viên nơi sở làm...).
Thí nghiệm về phản xạ có điều kiện của Pavlov cho thấy là nếu ta
lặp đi lặp lại nhiều lần một kích thích nơi một con vật, thì dần dà ta sẽ tạo
được nơi con vật ấy một thứ phản xạ tự động. Cũng tương tự như vậy, quá
trình giáo dục xã hội, với những biện pháp chế tài của nó (kể cả khen
thưởng và trừng phạt hoặc chê trách), dẫn đến kết quả là tạo nên nơi đứa trẻ
một số phản xạ và ứng xử mà xã hội mong muốn khi nó đứng trước những
tình huống nhất định. Thí dụ như mỗi lần vâng lời cha mẹ, hoặc tỏ thái độ
kính cẩn khi gặp người già, giúp đỡ người tàn tật... thì được khen ngợi,
khuyến khích ; còn khi ăn vụng, đi đánh lộn, hoặc ăn trộm ăn cắp thì bị
phạt, bị chê cười.
Mặc dù có tính chất ít nhiều cưỡng chế, nhưng đặc trưng cơ bản mà
ta có thể nhận xét trong các quá trình xã hội hóa, đó là việc các cá nhân
thường dần dần tự giác “nhập tâm” những giá trị và quy tắc mà xã hội đã đề
ra, để biến chúng thành những giá trị và quy tắc của chính mình. Một trong
những cơ chế quan trọng nhất của quá trình xã hội hóa ban đầu nơi trẻ em là
bắt chước. Trẻ em 4-5 tuổi thường hay chơi với nhau bằng cách chia nhau
ra đóng những vai trò người lớn, đứa thì đóng vai cô giáo, đứa đóng vai
người cha, vai bác sĩ... – diễn tập lại những vai trò mà chúng đã từng chứng
kiến. Chúng bắt chước người lớn trong trò chơi : thực ra là chúng đang học
bước vào thế giới người lớn. Nói về mặt chữ nghĩa thì nghe có vẻ nghịch lý,
nhưng quả thực quá trình xã hội hóa được thực hiện chủ yếu thông qua quá
trình “cá nhân hóa”, hay nói cách khác là “nội tâm hóa” (internalization)
31
các giá trị đạo lý và xã hội, các quy tắc ứng xử.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy điều này khi quan sát quá trình
một đứa trẻ học một trò chơi mới. Thí dụ chơi lò cò, hoặc chơi rượt bắt...
Lúc đầu, vì còn quá nhỏ, nên đứa trẻ không được nhóm bạn lớn tuổi hơn
cho tham gia trò chơi, viện cớ là “nó không biết chơi”. Dần dà, sau một thời
gian đứng “chầu rìa” để quan sát, đứa trẻ cũng hiểu ra ít nhiều cách chơi, và
đến một lúc nào đó, nó được chấp nhận cho chơi thử. Hẳn nhiên, mọi việc
không bao giờ suông sẻ ngay. Vì chưa nắm rõ hết mọi quy tắc và luật lệ của
trò chơi, đứa trẻ sẽ phạm những lỗi lầm sơ đẳng, rồi tất nhiên là bị “phạt”,
bị chê cười... cho đến khi nào nó chơi được một cách thành thục. Kể từ đó
trở đi, tức là kể từ khi đứa trẻ đã là thành viên đầy đủ của cuộc chơi và đã
“nhập tâm” toàn bộ quy tắc luật lệ của trò chơi, thì nó sẽ phản ứng với
những hành vi vi phạm luật chơi của những đứa trẻ khác, nhân danh luật
chơi, làm như thể nó chính là người đại diện của luật chơi, thậm chí làm
như thể luật lệ của cuộc chơi này chính là của nó, chứ không phải của ai
khác áp đặt cho nó. Và đối với nó, luật lệ của cuộc chơi đương nhiên phải
như vậy, không có gì phải bàn cãi, và những ai muốn chơi thì đều phải tuân
theo luật chơi.
Trước đây, khi nghiên cứu về khái niệm xã hội hóa, nhiều nhà xã hội
học thường dừng lại ở cấp độ vĩ mô và quan niệm rằng đây là một quá trình
quyết định hoàn toàn nhân cách cá nhân. Nhưng về sau, người ta có xu
hướng chú ý hơn đến góc độ vi mô, và cho rằng xã hội hóa là một quá trình
còn mang tính chất tương tác và thương lượng giữa cá nhân với xã hội, chứ
không diễn ra một cách máy móc hay rập khuôn.
Henri Mendras cho rằng quá trình xã hội hóa của mỗi cá nhân bao
gồm ba yếu tố then chốt : (a) yếu tố sinh học của cá nhân (có một số đặc
trưng xuất phát từ di truyền, chẳng hạn có sức khỏe tốt hoặc yếu ớt, mập
hay ốm, cơ thể có tật hay lành lặn... – đây là những điều kiện ảnh hưởng ít
nhiều đáng kể đến quá trình hình thành nhân cách của cá nhân); (b) sự dạy
dỗ của xã hội (xã hội truyền đạt những quy tắc ứng xử cho đứa trẻ thông
qua một số cá nhân và một số định chế) ; và (c) tiểu sử cuộc đời của chính
cá nhân.1
Về yếu tố thứ nhất : yếu tố sinh học. Đề cập tới tầng nền sinh học
của mỗi con người, cũng như mối liên hệ giữa con người với thân thể của
1
Xem H. Mendras. sách đã dẫn, tr. 26-27.
32
mình trong quá trình xã hội hóa, Berger và Luckmann cho rằng “thú tính
của con người được chuyển hóa trong quá trình xã hội hóa, nhưng nó không
bị triệt tiêu.”1 Ngay từ thời thơ ấu, đứa trẻ không phải là không gặp những
khó khăn trong quá trình xã hội hóa, do chính những đặc trưng của cơ thể
sinh học của nó : “Phải nói là con thú bé nhỏ [tức đứa trẻ] luôn chống trả
lại. Định mệnh của nó là phải thua cuộc trong cuộc chiến này – nhưng thực
tế này vẫn không hề loại trừ sự kháng cự của thú tính của nó trước cái lực
ảnh hưởng càng lúc càng sâu đậm hơn của thế giới xã hội. Thí dụ, đứa trẻ sẽ
chống cự lại việc áp đặt cái cấu trúc thời gian của xã hội lên thời gian tính
tự nhiên của cơ thể của nó. Nó không chịu ăn và ngủ theo giờ khắc của cái
đồng hồ, chứ không phải theo những nhu cầu sinh học nhất định của cơ thể
của nó. Sức kháng cự sẽ từng bước bị bẻ gãy trong suốt tiến trình xã hội
hóa, nhưng nó sẽ vẫn còn đó mãi như một sự ấm ức mỗi lần mà xã hội cấm
không cho nó ăn khi nó đói và cấm không cho nó lên giường khi nó buồn
ngủ.”2
Về yếu tố thứ hai : sự dạy dỗ của xã hội trong quá trình xã hội hóa.
Berger và Luckmann cho rằng “[b]ất cứ cá nhân nào cũng đều được sinh ra
trong lòng một cấu trúc xã hội khách quan mà trong đó anh ta bắt gặp
những người thân [significant others] vốn là những người đảm trách việc xã
hội hóa cho anh ta.”3 Thông thường, “những người thân” này chính là cha
mẹ của đứa trẻ, họ đóng vai trò “làm trung giới để chuyển thế giới này” đến
với đứa trẻ. Cha mẹ của đứa trẻ sẽ “lựa chọn những khía cạnh nào đó của
thế giới tùy theo địa điểm của bản thân họ trong cấu trúc xã hội, và cũng tùy
theo các đặc điểm phong cách cá nhân bắt nguồn từ tiểu sử cuộc đời của họ.
Thế giới xã hội được ‘lọc lại’ [filtered] để đến với cá nhân xuyên qua hai bộ
lọc ấy. Như vậy, đứa trẻ thuộc tầng lớp dưới không chỉ hấp thụ một nhãn
quan của tầng lớp dưới về thế giới xã hội, mà nó còn hấp thụ nhãn quan ấy
theo sắc màu đặc trưng mà cha mẹ nó [...] gán vào đấy.”4
Trong quá trình xã hội hóa, nhân cách của mỗi cá nhân được hình
thành qua quá trình tiếp nhận và nội tâm hóa những giá trị và quy tắc mà
các định chế xã hội như gia đình, trường học truyền đạt lại : nếu đứa trẻ
tuân thủ theo cách xử sự mà mọi người chấp nhận, nó sẽ được người ta
khen thưởng, ngược lại, nếu nó không tuân thủ, nó sẽ bị mọi người chê
1
P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 261-262.
P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 264-265.
3
P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 194 (chỗ nhấn mạnh là do chúng tôi,
T.H.Q.).
4
P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 194.
2
33
trách, uốn nắn. Tầm quan trọng của nhân tố xã hội trong việc hình thành
nhân cách là điều không ai bàn cãi ; trường hợp đứa bé-sói là một trường
hợp cực đoan nhưng minh họa rõ nét cho chuyện này. Người ta kể rằng, ở
một ngôi làng tại Ấn Độ, có một đứa bé sơ sinh được một bầy sói cứu sống
và nuôi nấng như một con sói con, nhưng sau đó vài năm, khi người ta tìm
thấy và đưa đứa bé này trở lại xã hội con người, nó không thể trở thành
người được nữa.
Về yếu tố thứ ba : tiểu sử cuộc đời của cá nhân. Nhân cách của một
đứa trẻ không chỉ phụ thuộc vào môi trường xã hội của đứa trẻ, mà còn tùy
thuộc vào lịch sử cuộc sống của bản thân đứa trẻ – nó lớn lên thế nào, học
giỏi hay kém, đã trải qua những biến cố gì trong cuộc sống gia đình... Đứa
trẻ không biết đến một “tha nhân” hay một “xã hội” trừu tượng và mơ hồ,
mà là biết cha nó, mẹ nó, bè bạn xóm giềng cụ thể của nó... Như vậy cũng
có nghĩa là “tha nhân” hay xã hội không tác động đến mọi đứa trẻ một cách
trừu tượng hay đồng loạt như nhau, mà điều đó còn tùy thuộc vào những
đặc điểm của từng hoàn cảnh gia đình, từng cộng đồng, vào tính nết của
người cha, người mẹ, vào môi trường khu xóm, vào hoàn cảnh ra đời và
trưởng thành của đứa trẻ...
Ba yếu tố chủ yếu nói trên (yếu tố sinh học, giáo dục xã hội, và tiểu
sử cá nhân) làm cho mỗi cá nhân, xét về phương diện nào đó, là một cá
nhân độc nhất vô nhị, nhưng xét theo một phương diện khác, mỗi cá nhân
cũng có thể được coi như là một bản mẫu, một trường hợp điển hình cho
một xã hội hay một cộng đồng nào đó. Khía cạnh cá nhân và duy nhất của
mỗi một con người có thể là đối tượng quan tâm nghiên cứu của một nhà
tâm lý học, hoặc của một nhà văn. Còn nhà xã hội học thì lại chú ý khảo sát
những cơ chế tác động của sự dạy dỗ và giáo dục của xã hội đối với cá
nhân, cũng như tầm mức của tác động này đối với các tầng lớp cư dân khác
nhau trong một xã hội nào đó.
C. Một thí dụ : Nam giới và nữ giới trong xã hội
Một trong những thí dụ minh họa có thể giúp chúng ta thấy rõ thêm
tầm mức tác động của quá trình xã hội hóa lên trên mỗi cá nhân, đó là quá
trình xã hội hóa về vai trò giới. Nếu chú ý quan sát, ta sẽ thấy là ngay từ
thời thơ ấu, người ta thường dạy dỗ những đứa bé trai và những đứa bé gái
một cách rất khác biệt nhau. Đứa bé trai thường được khuyến khích chơi
những trò chơi dùng nhiều đến thể lực như đá banh, rượt bắt..., còn đứa bé
gái thì lại thường thiên về những trò chơi gần gũi với bếp núc, nuôi con
34
(chẳng hạn, thường không ai mua búp bê cho con trai). Cha mẹ cũng
thường thiên về khuynh hướng giao một số công việc nhà nhất định như
quét nhà, rửa chén, phụ bếp... cho con gái, chứ không giao cho con trai. Nội
dung dạy dỗ (nói năng, la mắng, khuyên răn...) đối với con trai cũng thường
rất khác so với con gái. Kể cả những định hướng nghề nghiệp cho con cái
sau này khi chúng đã lớn. Tất cả những cung cách ấy trong việc dạy dỗ con
cái nghiễm nhiên đã nhuốm màu một quan niệm nhất định về vai trò của
nam giới và nữ giới trong xã hội người lớn vào một thời kỳ nhất định nào
đó.
Các kết quả khảo sát dân tộc học đã cho thấy một thực tế là trong
mọi xã hội mà người ta quan sát được, nam giới và nữ giới không bao giờ
đảm nhiệm những công việc như nhau và chu toàn những bổn phận giống
nhau. Không có nghề nghiệp nào hay công việc nào là thuần túy của đàn
ông hay thuần túy của đàn bà : trong một xã hội này, người ta thấy nghề
gốm, nghề đan lát và nghề may quần áo là nghề của phụ nữ, nhưng ở một
xã hội khác, những nghề này lại được giao cho đàn ông. Nông nghiệp có thể
hoàn toàn là công việc của nữ giới trong một xã hội này, nhưng hoàn toàn là
công việc của nam giới trong một xã hội khác. Đối với công việc buôn bán
và thương mại thì cũng tương tự như thế. Ngay trong lãnh vực tín ngưỡng,
việc giao tiếp với các đấng thần linh có thể được đảm nhiệm bởi nam giới
hoặc bởi nữ giới, hoặc bởi cả hai, tùy theo từng xã hội đặc thù. Những tập
tục trong hôn nhân cũng có thể rất khác nhau tùy theo từng xã hội, có nơi
thì nam giới phải là người chủ động đi hỏi vợ, nhưng cũng có nơi thì nữ
giới lại là người chủ động trong chuyện này.1
Trong một công trình khá độc đáo về lịch sử Việt Nam, nhà sử học
người Hàn Quốc Insun Yu đã so sánh chủ yếu bộ luật nhà Lê của Việt Nam
với bộ luật nhà Đường của Trung Quốc để tìm ra sự khác biệt về cấu trúc
gia đình cũng như về địa vị của người phụ nữ giữa Việt Nam với Trung
Quốc trong các thế kỷ XVII và XVIII. Công trình của ông đã đi đến chỗ
khẳng định được sự khác biệt như sau : “Gia đình Trung Quốc được biểu thị
bởi uy quyền của người cha đối với mọi thành viên khác trong gia đình, còn
gia đình Việt Nam có đặc trưng là người vợ đã thật sự bình đẳng với người
chồng và tính cá thể hóa của các thành viên trong gia đình.”2
Insun Yu đã chứng minh được vai trò của người phụ nữ trong hai
1
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 32.
Insun Yu, Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, Nguyễn Quang Ngọc tổ
chức dịch và hiệu đính, Hà Nội, Nxb Khoa học xã hội, 1994, tr. 13.
35
kiểu gia đình khác nhau ở Việt Nam thời xưa : “Kiểu gia đình nhỏ [chủ yếu
gồm vợ chồng và con cái] có đặc trưng là địa vị người vợ gần như bình
đẳng với chồng, và con cái có khuynh hướng cá nhân ; kiểu gia đình lớn
[tức bao gồm cả ông bà, chú bác, cô dì...] có xu hướng gia trưởng với uy
quyền tập trung trong tay người chủ gia đình là nam giới. Gia đình nhỏ
chiếm ưu thế hơn trong khối dân chúng ở tầng lớp dưới, họ còn cắm rễ sâu
chặt trong các truyền thống được kính chuộng lâu đời ở Việt Nam ; trong
khi đó, loại gia đình lớn lại được tầng lớp cầm quyền ưu ái hơn, hình thành
thông qua ảnh hưởng của Nho giáo Trung Quốc du nhập vào xã hội Việt
Nam.”1 Ông nhận xét : “[M]ức độ tự do của phụ nữ Việt Nam tùy thuộc vào
vị thế xã hội của họ. Phụ nữ thuộc tầng lớp quan lại có xu thế bị bó buộc
trong gia đình. Họ được dạy các nghi thức Nho giáo – không tự do ra ngoài,
không nói to, không ngồi cùng với nam giới... [...] Phụ nữ thuộc các tầng
lớp dưới thường tham gia công việc nhà nông và buôn bán. Một câu tục ngữ
‘Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa’ đã minh họa cho thấy người phụ nữ
làm việc vất vả trên đồng lúa, cày bừa, cấy lúa và gặt hái mùa màng.”2
Theo Insun Yu, ngay cả về mặt phân chia tài sản gia đình chẳng hạn,
trong lúc “những người con gái Trung Quốc thường bị loại ra khỏi việc
phân chia gia sản mà chỉ được một món hồi môn nhỏ khi về nhà chồng”, thì
ở Việt Nam, “[đ]iều đặc biệt đáng lưu ý là trong gia đình có sự chia đều tài
sản của cha mẹ, động sản cũng như bất động sản, không phân biệt con gái
hay con trai. Con gái cũng có thể thừa kế của hương hỏa để chăm lo việc
thờ cúng tổ tiên.”3
D. Vài dòng kết luận
Trong quá trình xã hội hoá, chính phương pháp dạy dỗ và giáo dục,
trong gia đình và ở nhà trường, là nơi thể hiện tập trung những nhân sinh
quan đặc trưng của một mô hình xã hội hoặc mô hình cộng đồng nào đó.
Chẳng hạn có những xã hội vốn coi trọng việc kinh doanh cũng như những
tính toán thương mại, quan niệm là cần phải cho trẻ con giữ tiền riêng để
chúng biết cách tiêu xài ngay từ nhỏ ; ngược lại, có những xã hội khác lại
bác bỏ hoàn toàn lối dạy dỗ ấy, vì cho rằng đồng tiền “làm hư” con người.
Thống kê của một số nước ở vùng Trung Đông cho thấy tỷ lệ nữ học sinh
thấp hơn rất nhiều so với nam học sinh, vì tại đó theo truyền thống cũ,
1
Insun Yu, sách đã dẫn, tr. 237-238.
Insun Yu, sách đã dẫn, tr. 117.
3
Insun Yu, sách đã dẫn, tr. 182-183.
2
36
người ta quan niệm các vai trò hoạt động xã hội bên ngoài (đi làm, buôn
bán... thậm chí cả việc lái xe hơi) là thuộc về đàn ông, còn chức năng chủ
yếu của người phụ nữ là nội trợ (làm vợ, làm mẹ) mà thôi. Như vậy, có thể
nói lãnh vực giáo dục là nơi tập trung nhất để chúng ta có thể hiểu được các
lô-gíc và nhân sinh quan của một xã hội hay một cộng đồng. Tuy vậy, khi
nghiên cứu về các mối tác động của xã hội đối với cá nhân, chúng ta vẫn
phải khảo sát cả nhiều yếu tố xã hội khác nữa, chẳng hạn như các phương
tiện truyền thông đại chúng (truyền hình, phát thanh, báo chí), cũng như các
nhóm, các đoàn thể hoặc tôn giáo mà cá nhân là thành viên...
Nói đến mối quan hệ giữa cá nhân với xã hội, Norbert Elias (18971990), nhà xã hội học Đức gốc Do Thái, cho rằng người ta thường lầm
tưởng cá nhân và xã hội là “hai sự vật khác nhau, tựa như một cái bàn và
một cái ghế, hay một cái nồi và một cái chảo”, làm như thể “có thể có
những cá nhân mà không có xã hội, và có thể có những xã hội mà không có
cá nhân”.1 N. Elias viết : “Các xã hội được tạo thành bởi các cá nhân, và
những cá nhân này chỉ thủ đắc được tính chất con người đặc thù của mình –
tức là những khả năng nói năng, suy nghĩ, và yêu thương – phụ thuộc vào
mối quan hệ của họ với những người khác, nghĩa là trong ‘xã hội’.”2
Thực ra, chính Karl Marx cũng đã từng cảnh giác về quan niệm coi
xã hội như đối lập với cá nhân, và nhấn mạnh đến mối quan hệ tương tác và
phụ thuộc lẫn nhau giữa con người cá nhân với xã hội. Ông viết trong Bản
thảo kinh tế-triết học năm 1844 : “[B]ản thân xã hội sản xuất ra con người
với tính cách là con người như thế nào thì nó [tức con người] cũng sản xuất
ra xã hội như thế. Hoạt động và sự hưởng dụng những thành quả của hoạt
động, xét theo nội dung của nó cũng như xét theo phương thức tồn tại, đều
mang tính chất xã hội. [...] Chỉ có trong xã hội, tồn tại tự nhiên của con
người mới là tồn tại có tính chất người của con người đối với con người và
tự nhiên mới trở thành con người đối với con người. [...] Trước hết cần phải
tránh không được lại lần nữa đem ‘xã hội’ với tính cách là một sự trừu
tượng3 đối lập với cá nhân. Cá nhân là thực thể xã hội. [...] Cho nên, nếu
1
Xem N. Elias, Qu’est-ce que la sociologie ? (1970), Yasmin Hoffmann dịch, La
Tour d’Aigues, Éd. de l’Aube, 1991, tr. 115, 134.
2
N. Elias, sách đã dẫn, tr. 134-135. Có thể xem thêm bài “Phê phán một số phạm
trù xã hội học và giới thiệu khái niệm ‘cấu hình xã hội’ ” do Trần Hữu Quang
trích dịch từ Norbert Elias, Qu’est-ce que la sociologie ? (1970), Yasmin
Hoffmann dịch, La Tour d’Aigues, Éd. de l’Aube, 1991, tr. 123-161 (có thể
xem tại https://www.academia.edu/38332903/Phê_phán_một_số_phạm_trù_
xã_hội_học_và_giới_thiệu_khái_niệm_cấu_hình_xã_hội_Norbert_Elias_).
3
Thuật ngữ “sự trừu tượng” (abstraction) ở đây có thể được hiểu là sự trừu xuất,
37
con người là một cá nhân đặc thù nào đó và chính tính đặc thù của nó làm
cho nó thành ra một cá nhân và một thực thể xã hội cá thể hiện thực, thì
trong mức độ như thế, nó [tức con người] cũng là một tổng thể, một tổng
thể trong ý niệm, một tồn-tại-cho-mình chủ quan của xã hội đang được tư
duy và đang được cảm giác.”1
1
hay sự trích xuất (chú thích của T.H.Q.).
K. Marx, Bản thảo kinh tế-triết học năm 1844, Bản thảo thứ ba (những chỗ nhấn
mạnh là do K. Marx), trong C. Mác, Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, tập 42, Hà Nội,
Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, 2000, tr. 175-178.
38
Chương 3.
Nhóm cơ bản trong xã hội
Có thể nói lĩnh vực nghiên cứu về nhóm là một trong những lĩnh vực
nghiên cứu chủ yếu của các ngành khoa học xã hội.1
Xét về mặt lịch sử, việc nghiên cứu về các nhóm nhỏ thực ra đã bắt
đầu từ những nhà xã hội học quan tâm đến những vấn đề xã hội như vấn đề
nhà ở hay sự thích nghi của người nhập cư, trong đó điển hình là những
công trình khảo sát của trường phái Chicago, hay kể cả các nhà nhân học
mà điển hình là Malinowski khi ông nghiên cứu về những cộng đồng ở
quần đảo Trobriand (Papua New Guinea) phía tây nam Thái Bình Dương.
Cách tiếp cận nghiên cứu của những nhà xã hội học và nhân học này là
không nghiên cứu xã hội “từ xa”, mà là áp dụng phương pháp “quan sát
tham dự”, nghĩa là phải hiểu được những người mà họ quan sát, nói được
phương ngữ của họ, lý giải được các hành vi và cử chỉ của họ, nói vắn tắt là
hiểu được “cuộc sống nhóm” của họ.
Nói như Raymond Boudon, đối với nhà xã hội học và nhà nhân học,
“sự kiện xã hội đầu tiên, đó chính là nhóm”.2
Trong số những người đầu tiên nghiên cứu về nhóm, chúng ta phải
kể đến William G. Sumner (1840-1910) khi ông khảo sát về cách thức hình
thành những nhóm sở thuộc (tức nhóm mà cá nhân là thành viên, in-groups)
và những nhóm bên ngoài (out-groups), hay Charles Horton Cooley (18641929) với sự phân biệt giữa nhóm cơ bản (primary group) và nhóm thứ cấp
(secondary group). Việc nghiên cứu về những cách thức tổ chức và tương
giao trong nội bộ nhóm là một trong những lĩnh vực trọng tâm của nhiều
nhà khoa học xã hội. Lĩnh vực này thường được gọi là “động lực học
nhóm” (group dynamics), bao gồm những chủ đề như cấu trúc quyền lực
trong nhóm, những kiểu loại gắn kết của cá nhân vào nhóm, những mức độ
ý thức nhóm, những loại hình lãnh đạo, những mối quan hệ thứ bậc giữa
1
Phần lớn nội dung của chương này đã được in trong cuốn Xã hội học, Bùi Quang
Dũng (chủ biên), giáo trình sau đại học, Hà Nội, Nxb Khoa học xã hội, 2013,
Chương IV, tr. 105-142.
2
R. Boudon, F. Bourricaud, Dictionnaire critique de la sociologie, Paris, PUF, 2e
édition revue et augmentée, 1986, tr. 271.
39
các nhóm, v.v.1
A. Khái niệm nhóm
Trong ngành xã hội học, khái niệm “nhóm” (group) hay “nhóm xã
hội” (social group) được hiểu như là một tập hợp con người trong đó các cá
nhân có những mối liên hệ tương giao lẫn nhau, và trong đó tồn tại một kiểu
cấu trúc nào đó. Theo Craig Calhoun, “nói một cách đơn giản nhất thì nhóm
là một số ít người có mối tương giao giữa người này với người khác và
cùng có một căn cước chung [identity].”2 Theo André Akoun và Pierre
Ansart, nhóm là một “tập hợp lớn hoặc nhỏ bao gồm những người có những
đặc trưng chung (ý kiến, thị hiếu, hoạt động).”3 Jean Baechler thì đưa ra
một định nghĩa trừu tượng hơn : nhóm là “một đơn vị hoạt động bao gồm
các tiểu đơn vị”.4
Trước hết, nhóm thường được hình dung như là một nhóm nhỏ, với
số lượng người có giới hạn, nghĩa là chỉ bao gồm một số ít người. Nhưng ít
là bao nhiêu, thì người ta thường không xác định được ; chỉ biết rằng có ít
nhất từ hai người trở lên. Chính vì bao gồm ít người nên trong tiếng Anh,
người ta thường gọi đây là primary group (groupe primaire hay groupe
élémentaire trong tiếng Pháp) mà chúng ta có thể dịch ra tiếng Việt là
“nhóm cơ bản” (hay “nhóm sơ cấp”).
Những người tình cờ cùng ngồi với nhau trên một chuyến xe buýt,
hay những người cùng ngồi xem một bộ phim trong rạp hát, đều không
được coi là những nhóm xã hội, vì không có những mối liên hệ tương giao
đáng chú ý. Người ta chỉ có thể bắt đầu nói đến “nhóm” nếu bác tài xế xe
buýt quen biết những vị khách ngày nào cũng đi cùng chặng đường và
thường chào hỏi hoặc trao đổi với nhau dăm ba câu gì đó. Nói cách khác,
nhóm chỉ hình thành khi thiết lập được những mối tương giao trực tiếp nào
đó với nhau. Tuy nhiên, một nhân viên ngân hàng nói chuyện với khách
hàng đến gởi tiền, một người bán vé xem phim nói với người đứng xếp
1
C. Calhoun (Ed.), Dictionary of the Social Sciences, New York, Oxford
University Press, 2002, tr. 198-199.
2
C. Calhoun, sách đã dẫn, tr. 198.
3
A. Akoun, P. Ansart (Dir.), Dictionnaire de sociologie, Paris, Le Robert, Seuil,
1999, tr. 247.
4
“Un groupe est une unité d'activités composée de sous-unités” (J. Baechler,
“Groupes et sociabilité”, trong R. Boudon, Dir., Traité de sociologie, Paris,
PUF, 1992, tr. 58).
40
hàng đến lượt mua vé... thì những sự tiếp xúc kiểu này chưa tạo thành
nhóm. Để có thể hình thành nên một nhóm, thì những sự tiếp xúc cần phải
đạt tới một cường độ nào đó, một tần số thường xuyên nào đó, và kể cả một
mức độ thân thiện nào đó.1
Chính vì thế mà thuật ngữ “nhóm cơ bản” thường được dùng để chỉ
những loại nhóm có vai trò quan trọng đặc biệt trong đời sống tình cảm của
các cá nhân. Nhà xã hội học người Mỹ Charles H. Cooley là người đã chế
tạo ra thuật ngữ primary group (nhóm cơ bản) và đã phân biệt giữa nhóm
cơ bản và nhóm thứ cấp (secondary group). Trong cuốn Tổ chức xã hội
(Social Organization) xuất bản năm 1909, ông đưa ra định nghĩa như sau :
“Tôi gọi các nhóm cơ bản là những nhóm nào có đặc trưng là có sự liên kết
và sự hợp tác trực diện [hay mặt đối mặt – T.H.Q.] và thân tình. Chúng
mang tính chất cơ bản theo nhiều nghĩa, nhưng chủ yếu ở chỗ chúng mang
tính chất nền tảng trong việc hình thành nên bản tính xã hội và các ý tưởng
chuẩn mực của các cá nhân.”2 Cooley cho rằng, xét về mặt tâm lý, sự liên
kết thân tình trong nhóm cơ bản dẫn đến kết quả là làm cho các cá nhân tính
(individualities) hòa nhập vào trong một tổng thể chung đến mức mà mỗi
cái tôi đều thuộc về đời sống chung của nhóm và đều mang mục tiêu chung
của nhóm. Theo Cooley, cái từ điển hình nhất để mô tả tình trạng này là từ
“chúng ta” (we) : từ này “hàm chứa cái kiểu đồng cảm và đồng hóa lẫn
nhau” trong nhóm.3
Như vậy, Cooley định nghĩa nhóm cơ bản là những nhóm tương đối
nhỏ, có những quan hệ trực diện với nhau, cùng có mục tiêu chung, và nhất
là cùng có một cảm giác thân mật, thân thiện với nhau. Những nhóm có “sự
liên kết và hợp tác thân tình” là những nhóm như : gia đình, nhóm trẻ em
thường chơi với nhau, hàng xóm láng giềng, hay nhóm người lớn tuổi quen
thân với nhau ; và người ta cũng có thể xếp vào đây những dạng nhóm như
câu lạc bộ, hiệp hội thân hữu, hay những nhóm dựa trên một sự tâm đầu ý
hợp nào đó. Theo Cooley, những nhóm này cũng tương tự như cái “nhà trẻ”
1
H. Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle édition
refondue, 2003, tr. 41.
2
“By primary groups I mean those characterized by intimate face-to-face
association and cooperation. They are primary in several senses, but chiefly in
that they are fundamental in forming the social nature and ideals of the
individual” (C. H. Cooley, Social Organization: A Study of the Larger Mind
[1909], Glencoe, Illinois, The Free Press, 1956, ch. iii, p. 23, đoạn trích được in
lại trong T. Parsons, et al. [Eds.], Theories of Society. Foundations of Modern
Sociological Theory, New York, The Free Press, 1965, p. 315).
3
C. H. Cooley, sách đã dẫn, in lại trong T. Parsons, et al., sách đã dẫn, tr. 316.
41
hay “vườn ươm bản tính con người trong thế giới quanh ta”.1 Cooley nhấn
mạnh rằng “bản tính con người” (human nature) không phải là cái gì tồn tại
một cách biệt lập nơi mỗi cá nhân, mà chính là “một thứ bản tính nhóm
[group-nature] hay là giai đoạn cơ bản của xã hội [primary phase of
society], một điều kiện tương đối đơn giản và tổng quát của tâm thức xã
hội.”2
Nhóm cơ bản là loại nhóm có nhiều ảnh hưởng tới đời sống tình cảm
của cá nhân. Còn nhóm thứ cấp là loại nhóm có thể bao gồm số lượng
người đông hơn, trong đó các mối quan hệ giữa các cá nhân có thể không
trực tiếp mà thường thông qua trung gian một số người khác, và nhất là
thông qua những quy tắc tổ chức và ứng xử rõ rệt. Nói cách khác, nhóm thứ
cấp là loại nhóm xã hội trong đó các mối quan hệ đã được định chế hóa, tuy
trong đó cũng có thể có ý thức đoàn kết chung, nhưng không mang tính chất
gần gũi, gắn bó và tình cảm thân thiện giữa từng cá nhân với nhau như
trong một nhóm cơ bản. Tập thể những người cùng làm việc trong một cơ
quan hành chánh, một xí nghiệp, một trường trung học, hay cùng tham gia
sinh hoạt trong một tổ chức nghiệp đoàn, đều thuộc loại nhóm thứ cấp, tuy
rằng trong những tập thể đó vẫn có thể xuất hiện vào một lúc nào đó những
mối liên hệ mang tính chất cơ bản.
Nhìn dưới góc độ tâm lý học, các thành viên của một nhóm thường
có ý thức sở thuộc (vào nhóm), tâm lý gắn bó với nhóm, óc tự hào, thái độ
bảo vệ và thiên vị đối với nhóm của mình. Ngoài ra, đặc trưng của nhóm là
có một số chuẩn mực xã hội chung (quy tắc, giá trị, tập quán, nếp sinh hoạt
văn hóa chung) và một cấu trúc (quy định các vai trò và vị thế khác nhau
trong nhóm, quy định các lối ứng xử, thái độ và niềm tin của các thành
viên).3
B. Chức năng của nhóm
Cuộc sống xã hội của con người luôn luôn bắt đầu từ sinh hoạt trong
những nhóm cơ bản nào đó. Con người học được hay tiêm nhiễm được tính
xã hội là nhờ khởi sự từ cuộc sống trong nhóm. Theo Peter Berger (19292017), con người hầu như luôn luôn có “một niềm khao khát sâu xa là được
1
“Such association is clearly the nursery of human nature in the world about us”
(C. H. Cooley, sách đã dẫn, in lại trong T. Parsons, et al., 1965, tr. 316).
2
C. H. Cooley, sách đã dẫn, in lại trong T. Parsons et al., sách đã dẫn, tr. 317-318.
3
H. Bloch, É. Dépret, A. Gallo, et al. (Dir.), Dictionnaire fondamental de la
psychologie. A-K, Paris, Larousse, Coll. In Extenso, 2002, tr. 542.
42
chấp nhận bởi bất cứ nhóm nào mà [anh ta] thấy là sẵn sàng chấp nhận [anh
ta]”.1
Nhóm đóng vai trò quan trọng đối với trạng thái tâm lý của mỗi
thành viên. Nói chung, việc sở thuộc vào một nhóm thường giúp cho cá
nhân giảm đi nỗi lo lắng của mình trong cuộc sống. Người ta nhận thấy các
ý kiến tập thể thường khó thay đổi hơn so với những ý kiến cá nhân. Thậm
chí đôi khi người ta còn bắt gặp những trường hợp hãn hữu trong đó không
còn ai tin nữa (vào một điều nào đó), nhưng mỗi người vẫn tin rằng mọi
người khác vẫn còn tin (vào điều đó). Điều này chứng tỏ rằng việc tuân
theo niềm tin của cả nhóm (conformity) làm cho cá nhân yên tâm, vì cá
nhân luôn luôn có nhu cầu cảm thấy mình thực sự là thành viên của một tập
hợp nào đó lớn hơn mình, đứng bên trên mình.2
Xét trong mối quan hệ giữa một nhóm với các nhóm khác ở bên
ngoài, các thành viên của một nhóm thường trải qua một quá trình so sánh
với các thành viên của các nhóm khác – quá trình mà Henri Tajfel gọi là
quá trình “tầng lớp hóa xã hội” (catégorisation sociale). Đây là quá trình
theo đó cá nhân tri giác và nhận diện môi trường xã hội mà mình thuộc về,
xét về mặt tầng lớp xã hội. Theo Tajfel, hai chức năng chủ yếu của quá
trình này là như sau : (a) nó cung cấp cho cá nhân những cái mốc quy chiếu
để thông qua đó cá nhân có thể hiểu được môi trường xã hội và lý giải được
các sự kiện xã hội ; (b) nó tham gia vào việc hình thành nên cái căn cước xã
hội (social identity) của cá nhân, bởi lẽ cái căn cước này gắn liền với việc
cá nhân biết mình thuộc về nhóm xã hội nào, và với chiều kích tình cảm và
chiều kích phán đoán vốn xuất phát từ sự sở thuộc ấy.3
Nhóm có nhiều chức năng khác nhau, nhưng chúng ta cần lưu ý hai
đặc điểm sau đây. (a) Trước hết, những nhu cầu mà các thành viên nhóm
nói ra công khai không phải lúc nào cũng là những nhu cầu thực của họ.
Những chức năng thực thụ của nhóm không nhất thiết trùng khớp với
những chức năng hiển hiện (manifest functions). Thí dụ : buổi lễ giỗ trong
văn hóa Việt Nam có chức năng hiển hiện là để tưởng nhớ người thân hoặc
1
2
3
“… a profound human desire to be accepted, presumably by whatever group is
around to do the accepting” (P. Berger, Invitation to Sociology [1963],
Hardmondsworth, Penguin Books, 1966, tr. 87).
Xem M. Grawitz, Méthodes des sciences sociales, 8ème édition, Paris, Dalloz,
1990, tr. 957.
Dẫn lại theo Birgitta Orfali, “Groupe”, trong A. Akoun, P. Ansart (Dir.),
Dictionnaire de sociologie, Paris, Le Robert, Seuil, 1999, tr. 248.
43
ông bà tổ tiên, nhưng chức năng thực thụ của lễ giỗ là nhằm đáp ứng nhu
cầu nhóm họp gia đình thân tộc và nhờ đó mà củng cố mối quan hệ thân
tộc. (b) Những nhu cầu mà nhóm đáp ứng (hay thỏa mãn) trong thời điểm
hiện tại rất có thể không còn là những nhu cầu mà chính nhóm này đã đáp
ứng (hay thỏa mãn) trong quá khứ1 (xem thí dụ về luật cổ La Mã ở chương
8, tr. 138). Ở đây, chúng ta bắt gặp cặp khái niệm chức năng hiển hiện
(manifest) và chức năng tiềm ẩn (latent) mà Robert Merton đã từng phân
biệt (xem thí dụ của Robert Merton ở chương 8, tr. 139).
Phần lớn các cuộc khảo sát và nghiên cứu thực nghiệm đều cho thấy
sự có mặt của “hiệu ứng nhóm” (group effect) đối với các sự kiện xã hội.2
Để đo lường về hiệu ứng nhóm, S. E. Asch đã tiến hành cuộc thí nghiệm
sau đây. Người ta vẽ lên bảng một số đường thẳng có chiều dài khác nhau,
và đề nghị những người tham dự cuộc thí nghiệm trả lời cho biết đường nào
dài, đường nào ngắn. Asch tập hợp riêng một nhóm người và dặn họ trước
rằng họ sẽ đưa ra câu trả lời sai (khẳng định rằng đường A dài hơn đường
B, trong khi thực tế là ngược lại). Sau đó, ông mời một số người khác tham
gia vào cuộc thí nghiệm cùng với nhóm mà ông đã dặn dò riêng từ trước.
Kết quả cho thấy rằng, trong số những người được thí nghiệm, chỉ có một
vài người đưa ra được câu trả lời đúng, còn lại phần lớn thì ứng xử như
sau : (a) có những người thực sự nhìn sai ; (b) có những người nghĩ rằng họ
nhìn sai ; và (c) có những người nghĩ rằng họ nhìn đúng nhưng làm như thể
họ nhìn sai để khỏi bị cô lập khỏi ý kiến chung của đa số trong nhóm. Như
vậy, một cá nhân có thể nhìn thấy đường kẻ A dài hơn đường kẻ B (mặc dù
sự thực không phải như thế), nếu đại đa số mọi người trong nhóm đều nói
rằng đường A dài hơn đường B.3 Cuộc thí nghiệm này cho thấy rằng sở dĩ
cá nhân có xu hướng ngả theo ý kiến hay lập trường chung của cả nhóm là
vì bị thúc đẩy bởi động cơ là luôn luôn muốn tìm sự an toàn cho bản thân.4
C. Những công trình nghiên cứu đầu tiên về nhóm
Việc khám phá ra nhân tố con người, đặc biệt trong lĩnh vực sản
xuất, có thể được coi là đã manh nha khởi sự kể từ khi W. Matter ở Anh
vào năm 1893 nhận thấy rằng khi giảm số giờ lao động trong tuần từ 54 giờ
1
Xem M. Grawitz, Méthodes des sciences sociales, 8ème édition, Paris, Dalloz,
1990, tr. 956.
2
Xem R. Boudon, F. Bourricaud, Dictionnaire critique de la sociologie, Paris,
PUF, 1986, tr. 269.
3
Dẫn lại theo M. Grawitz, sách đã dẫn, tr. 955.
4
Xem R. Boudon và F. Bourricaud, sách đã dẫn, tr. 269.
44
xuống còn 48 giờ thì năng suất lao động gia tăng. Sau đó, trong thời kỳ Thế
chiến thứ nhất, người ta cũng ghi nhận được rằng số vụ tai nạn lao động
giảm hẳn đi một nửa khi giảm số giờ lao động mỗi ngày từ 15 giờ còn 10
giờ. Nhưng thời ấy, người ta mới chỉ mường tượng đây là hệ quả của một
hiện tượng phức tạp mà người ta tạm gọi là sự mệt mỏi.1
Kể từ thập niên 1930, mối quan tâm về các nhóm nhỏ được khởi sự
từ ngành tâm lý học xã hội, nhưng về sau cũng đã phát triển mạnh trong
ngành xã hội học. Lúc đầu, lĩnh vực nghiên cứu này đi theo ba lối tiếp cận
khác biệt nhau, nhưng về sau hòa lẫn vào nhau, đó là : (a) lối tiếp cận của
Elton Mayo và đồng nghiệp của ông ở trường kinh doanh thuộc Đại học
Harvard ; (b) lối tiếp cận của Jacob L. Moreno, và (c) lối tiếp cận của Kurt
Lewin và các nhà tâm lý học thực nghiệm.2
Với những trào lưu nghiên cứu này, nhóm không còn chỉ là một
“trạm quan sát” (observatory) mà đã thực sự trở thành một “phòng thí
nghiệm” (laboratory), nơi mà nhà nghiên cứu cần đi vào để tìm hiểu các
quá trình tương giao giữa các cá nhân và các “luật chơi” trong nhóm xã
hội.3
Năm 1930, nhằm chống lại một số hậu quả lệch lạc của thuyết
Taylor (Taylorism)4 và cũng một phần do những phản ứng của các nghiệp
đoàn đối với thuyết Taylor, George Elton Mayo (1880-1949), một nhà tâm
lý học và xã hội học người Úc, bắt đầu tiến hành những cuộc nghiên cứu về
ảnh hưởng của những nhân tố vật chất như ánh sáng và cường độ lao động
đối với năng suất lao động của công nhân. Chính là nhờ những cuộc nghiên
cứu này mà Mayo khám phá ra rằng những nhân tố tâm lý như mối quan
tâm của công nhân hay mối quan hệ giữa họ với hệ thống điều hành nhà
máy mới là những nhân tố tác động quan trọng hơn đối với hiệu suất lao
1
Xem M. Grawitz, sách đã dẫn, tr. 190.
Xem N. Abercrombie, S. Hill, và B. S. Turner, The Penguin Dictionary of
Sociology, 2nd edition, London, Penguin Books, 1988, tr. 108.
3
Xem R. Boudon và F. Bourricaud, sách đã dẫn, tr. 272-273.
4
Thuyết Taylor (Taylorism) hay còn gọi là thuyết quản trị theo phương pháp khoa
học (scientific management) là một lý thuyết về quản trị do Frederick Winslow
Taylor, một kỹ sư cơ khí người Mỹ, đề xướng vào những thập niên 1880 và
1890 trong ngành công nghiệp chế biến, sau đó ảnh hưởng mạnh trong những
thập niên 1910 và 1920. Mục tiêu của lý thuyết này là nhằm gia tăng hiệu quả
kinh tế và nhất là năng suất lao động, bằng cách phân tích và hợp lý hóa các
công đoạn sản xuất, tiêu chuẩn hóa các hành vi sản xuất tối ưu, chuyển từ sản
xuất tiểu thủ công sang sản xuất hằng loạt...
2
45
động, so với mức độ chiếu sáng hay thời gian nghỉ ngơi của công nhân.1
Với công trình nghiên cứu công bố năm 1933, Elton Mayo được coi
là người đầu tiên đã khám phá ra vai trò của các nhóm nhỏ trong nhà máy.2
Thoạt tiên, hãng Western Electric (Mỹ) mời Mayo đến khảo sát tại một số
phân xưởng của công ty nằm tại quận Hawthorne vì các kỹ sư trong hãng
gặp bối rối không hiểu chuyện xảy ra tại đây. Số là các kỹ sư đã được giao
nhiệm vụ xem phải tăng hay giảm độ thắp sáng trong các phân xưởng. Sau
khi quyết định là phải tăng, họ báo trước cho công nhân để thuận tiện cho
công việc, rồi bắt đầu cho thử các mức độ thắp sáng khác nhau và đồng thời
ghi chép mức năng suất của công nhân. Họ nhận thấy năng suất tăng khi
tăng độ thắp sáng. Sau đó, họ giảm độ thắp sáng để làm một thí nghiệm
ngược lại. Nhưng điều lạ lùng là năng suất không những không giảm, mà
vẫn tăng lên chút ít. Chính vì không giải thích nổi hiện tượng này, nên họ
đã phải nhờ đến các nhà tâm lý học.
Khi mới đến, Mayo đoán chừng là có điều gì đó đã xảy ra, nhưng
ông không hề biết đó là cái gì. Ông quyết định chọn ra một nhóm công nhân
để khảo sát lao động của họ trong những điều kiện thí nghiệm đặc biệt. Có
sáu nữ công nhân tình nguyện tham gia ; người ta giải thích cho họ hiểu
mục đích cuộc nghiên cứu này, và báo trước cho họ biết là thỉnh thoảng sẽ
còn có những cuộc kiểm tra y tế để họ yên tâm. Người ta đưa họ vào làm
việc tại một nơi riêng, trong đó trang bị đầy đủ công cụ khảo sát : từ thiết bị
đo nhiệt độ, đo độ ẩm, cho tới những thiết bị kiểm tra tình trạng thể lực của
công nhân, và thiết bị đo lường năng suất của công nhân. Kể cả những lời lẽ
trao đổi giữa công nhân với nhau cũng được ghi chép lại. Mayo cũng đã sắp
xếp một số thời gian nghỉ giữa giờ và kể cả cho thêm một bữa ăn nhẹ để
giúp họ giải lao và lấy lại sức.
Thế nhưng cuộc thí nghiệm đã dẫn đến một chuyện mà không ai ngờ
trước được. Thời gian đầu, người ta cho nhóm công nhân được nghỉ giữa
giờ hai lần, kết quả là năng suất tăng ; rồi họ tăng lên bốn lần nghỉ giữa giờ,
năng suất lại tăng thêm một chút. Sau đó, họ cho thêm những bữa ăn nhẹ,
năng suất lại tiếp tục tăng lên. Lúc này, họ thử cắt đi những bữa ăn nhẹ,
nhưng năng suất vẫn không hề giảm. Cuối cùng các nhà tâm lý học quyết
định rút đi toàn bộ các điều kiện thí nghiệm, trả nhóm công nhân trở lại với
1
2
Xem M. Grawitz, sách đã dẫn, tr. 190-191.
Dẫn lại theo H. Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle
édition refondue, 2003, tr. 42-44.
46
điều kiện sản xuất giống như ban đầu, thậm chí còn tồi tệ hơn. Thế mà năng
suất lao động lúc này không những không giảm, mà còn tăng thêm một ít !
Sau khi ghi chép và thu thập biết bao nhiêu là con số, sau khi tính
toán các hệ số tương quan giữa tất cả các biến số, nhóm nghiên cứu nhận
thấy là chẳng có yếu tố nào liên quan tới yếu tố nào. Toàn bộ cuộc thí
nghiệm tốn bao nhiêu công sức hình như vô ích vì chẳng đem lại được kết
luận gì. Điều duy nhất ghi nhận được là năng suất lao động của nhóm tăng
lên đều đặn mà không thấy có yếu tố nào giải thích cho hiện tượng này.
Nhóm nghiên cứu cảm thấy hình như đã xảy ra một chuyện gì đó mà các
công cụ đo lường của họ không ghi nhận được.
Cuối cùng đến lúc ấy, Mayo mới khám phá ra một điều bất ngờ vì
ông đã không lường được trước và đã không đưa vào hệ thống các chỉ tiêu
khảo sát : đó là những mối quan hệ tập thể trong nội bộ nhóm công nhân
được nghiên cứu.
Khi được tách ra để lập thành nhóm thí nghiệm, sáu nữ công nhân ấy
đã nhanh chóng cảm thấy “ăn ý” với nhau, họ biết là đang được mọi người
chú ý đến mình, thậm chí còn được chăm sóc. Họ có cơ hội thoát ra khỏi
con mắt kiểm soát của người quản đốc, và có thể nói chuyện với nhau một
cách thoải mái bất cứ cái gì họ muốn, lại còn được nhiều lần giải lao và ăn
nhẹ trong buổi làm việc... Nói cách khác, họ đã được tạo điều kiện để có
một bầu không khí nhóm lý tưởng để làm việc – chính điều này giải thích
tại sao năng suất lao động lại tăng lên đều đặn.
Cuộc khảo sát của Mayo cho thấy hiệu ứng của việc sở thuộc vào
một nhóm đối với các ứng xử cá nhân. Cách thức mà cá nhân phản ứng với
môi trường lao động phụ thuộc phần lớn vào bầu không khí của nhóm và
vào mức độ hài lòng xã hội của họ, và từ đó mới có thể dẫn tới một kết quả
năng suất lao động cao hơn. Điều này chứng tỏ rằng không chỉ có các đòn
bẩy kích thích kinh tế mà cả những yếu tố tưởng thưởng xã hội (thông qua
sự hài lòng trong nhóm) cũng có tác dụng động viên, khuyến khích đối với
người công nhân. Ngoài ra, còn một khám phá quan trọng thứ hai qua cuộc
thí nghiệm này của Mayo : khi mà cấu trúc và tổ chức chính thức xem nhẹ
các nhu cầu xã hội của người công nhân, thì các nhu cầu này sẽ được thỏa
mãn thông qua một cấu trúc phi chính thức – vốn là một mạng lưới liên hệ
tình cảm hình thành tự phát giữa con người với con người mà công ty
không thể lường trước. Do vậy, vấn đề là làm sao đồng nhất được cấu trúc
chính thức với cấu trúc phi chính thức, làm sao để một tổ lao động trở thành
47
một “nhóm” thực thụ, làm sao để người chỉ huy trở thành người thủ lãnh
(leader), làm sao để người ta không còn phải nói đến việc tuân lệnh mà chỉ
nói đến sự gắn bó và tán thành (adhesion), không nói đến quyền lực mà chỉ
nói đến sự ảnh hưởng.1
Thoạt nhìn thì khám phá của Mayo có vẻ quá tầm thường. Nhưng
đối với một công ty lớn, nơi mà người ta thường chỉ quan tâm tới các biện
pháp kích thích bằng đồng lương (biện pháp kinh tế), chỉ chú ý cải thiện các
điều kiện lao động mà thôi, thì khám phá này làm cho người ta ý thức lại về
tầm quan trọng của những mối liên hệ tốt giữa các cá nhân với nhau trong
các nhóm lao động. Khám phá của Mayo về tầm quan trọng của nhân tố
con người, hơn là những nhân tố vật chất, đã mau chóng thu hút sự chú ý
của giới quản trị doanh nghiệp, và khiến cho họ kể từ đó, ngoài các kỹ sư,
bắt đầu phải nhờ đến sự tư vấn của các nhà tâm lý học xã hội (counsellors).2
Người thứ hai mở đường cho việc nghiên cứu về nhóm là nhà tâm
bệnh học và tâm lý học xã hội người Mỹ gốc Rumani, Jacob Levy Moreno
(1889-1974).
Trong thời gian phụ trách một trại tỵ nạn ở vùng Tyrol sau Thế chiến
thứ nhất, Moreno nhận xét rằng các cá nhân sẽ thích nghi nhanh hơn và tìm
được sự quân bình dễ dàng hơn nếu họ được tự mình lập ra những nhóm
theo sở thích của họ, thay vì bị ghép thành nhóm một cách võ đoán hoặc
ngẫu nhiên. Khi trở về Mỹ, ông đã tiến hành nhiều công trình nghiên cứu về
nhóm, và ông ta kể lại rằng sở dĩ ông đã nảy ra ý tưởng về môn “trắc lượng
học xã hội” (sociometry) chính là nhờ quan sát đám trẻ em chơi đùa trong
một công viên.3
Moreno cho rằng phương pháp phân tích của Freud không đầy đủ, vì
các hiện tượng tâm lý cá nhân đã không được xét đến trong môi trường của
các “nhóm nhỏ”. Muốn hiểu các vấn đề tâm lý của một cá nhân, cần đặt
người này trong tập thể của anh ta. Với môn trắc lượng học xã hội, tham
vọng của Moreno là nghĩ rằng phương pháp này có thể áp dụng cho “tất cả
những gì có thể đo lường trong ngành xã hội học”.4 Thực ra, ngày nay thuật
ngữ sociometry được dùng theo nghĩa là một kỹ thuật phân tích áp dụng đặc
1
Xem H. Bloch et al. (Dir.), Dictionnaire fondamental de la psychologie. A-K,
Paris, Larousse, 2002, tr. 391-392.
2
Xem M. Grawitz, sách đã dẫn, tr. 191.
3
Xem M. Grawitz, sách đã dẫn, tr. 977.
4
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 44.
48
thù cho các “nhóm nhỏ”. Với phương pháp trắc nghiệm trắc lượng xã hội
(sociometric test), người ta hỏi mỗi thành viên trong một nhóm xem họ
thích ai và không thích ai trong số các thành viên của nhóm. Sau khi cho
mọi người trong nhóm trả lời cho bản trắc nghiệm này, người ta lập được
một dạng sơ đồ về các mối quan hệ mà Moreno gọi là “sơ đồ xã hội”
(sociogram), trong đó người ta có thể thấy rõ những sợi dây tình cảm gắn
bó hoặc không gắn bó giữa các cá nhân với nhau.1 Cách tiếp cận của
Moreno dựa trên ý tưởng cho rằng mỗi nhóm xã hội là một hệ thống các lực
tình cảm xã hội (système de gravitation socio-affective) vốn phụ thuộc vào
cấu hình của các mạng lưới lực đẩy và lực hút mà nhà nghiên cứu có thể
nhận diện thông qua cấu trúc của nhóm.2
Lấy thí dụ một nhóm bao gồm năm người A, B, C, D và E (xem Sơ
đồ 1). Trên sơ đồ, nếu người này thích người kia, người ta kẻ một đường
thẳng có mũi tên từ người này đến người kia. Nếu hai người cùng thích
nhau thì kẻ đường thẳng có mũi tên cả hai chiều. Nếu người này không
thích người kia thì vẽ đường thẳng đứt đoạn.
Sơ đồ 1. Sơ đồ xã hội của một nhóm năm người
A
C
B
D
E
Chú thích :
thích ai
ghét ai
Nguồn : Henri Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle
édition refondue, 2003, tr. 44.
Sơ đồ 1 cho thấy cá nhân E đóng một vai trò đặc biệt trong nhóm :
anh ta được mọi người trong nhóm chọn, vì thế có nhiều khả năng là anh ta
là người lãnh đạo nhóm (người ta thường gọi đây là “ngôi sao”, star, do có
hình dạng giống như ngôi sao trong sơ đồ). Có những người không được ai
chọn ; nhưng cũng có những trường hợp chẳng hạn hai người chọn lẫn nhau
– điều này cho phép hình dung những cặp cá nhân đặc biệt gắn bó với nhau
1
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 44.
Xem H. Bloch et al. (Dir.), sách đã dẫn, tr. 392.
49
trong nội bộ nhóm.1
Trong “sơ đồ xã hội” của một nhóm, mỗi người được đặc trưng bởi
mức độ trải rộng của mình (expansivity), tức là số người mà anh ta chọn, và
vị thế của mình, tức là số người chọn anh ta. Như vậy, chúng ta có thể nhận
diện được ai là đóng vai trò trung tâm, ai là người lãnh đạo, ai là người bị
cô lập hay bị ghét bỏ (không được ai chọn). Bên cạnh kỹ thuật lập sơ đồ,
người ta cũng có thể lập một bảng dưới dạng ma trận trong đó trình bầy các
mối liên hệ giữa các cá nhân trong một nhóm (gọi là “ma trận xã hội”,
sociomatrix), với những ký hiệu như ++ (cả hai đều chọn lẫn nhau), – – (cả
hai đều ghét nhau), 00 (bàng quan, tức cả hai đều không chọn nhau), – +
hoặc + – (người này thích người kia, nhưng người kia lại không thích người
này).2
Kỹ thuật vẽ “sơ đồ xã hội” có thể giúp chúng ta phân tích tình hình
nội bộ các nhóm. Chẳng hạn, nếu một nhóm có bốn người mà trong đó có
hai cặp cá nhân chỉ chọn lẫn nhau, thì nhóm này có nguy cơ dễ chia rẽ khi
phải giải quyết những vấn đề quan trọng (nhóm 1 trong Sơ đồ 2). Còn một
nhóm bốn người mà trong đó mọi người đều chọn lẫn nhau thì có nhiều khả
năng là một nhóm vận hành trôi chảy, có hiệu quả (nhóm 2 trong Sơ đồ 2).
Sơ đồ 2. Sơ đồ xã hội của hai nhóm bốn người
x
x
x
x
x
x
x
x
Nhóm 2
Nhóm 1
Nguồn : Henri Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle
édition refondue, 2003, tr. 45.
Tuy nhiên, trong kỹ thuật trắc nghiệm này, nếu người ta đặt ra những
câu hỏi chi tiết hơn thì sẽ có những kết quả chính xác hơn. Chẳng hạn, câu
trả lời có thể hoàn toàn khác cho câu hỏi “Ông/bà thích ai nhất ?”, so với
câu hỏi “Ông/bà thích làm việc chung với ai nhất ?” hay câu hỏi “Ông/bà
thích đi chơi với ai nhất trong nhóm sau giờ làm việc ?” Ngoài ra, chúng ta
cũng có thể đặt ra một câu hỏi khác : “Theo ông/bà thì những ai thích
1
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 44-45.
Xem M. Grawitz, 1990, tr. 980.
50
ông/bà nhất ?”1
Như vậy, cùng một nhóm có thể có những cấu trúc khác nhau, tùy
theo góc độ xem xét về mặt tình cảm hay về mặt công việc. Đây là một
phương pháp rất thiết thực có thể áp dụng vào việc phân chia các nhóm trẻ
em trong một lớp học, hoặc để sắp xếp những vị thực khách vào ngồi cùng
một bàn ăn trong một bữa tiệc chẳng hạn. Trong Thế chiến thứ hai, người ta
đã ứng dụng cách trắc nghiệm này để cấu tạo những phi hành đoàn máy bay
ném bom : mỗi nhóm phi hành đoàn không thể bao gồm những người lúc
nào cũng xung khắc nhau, nhưng đồng thời cũng không nên có mối liên hệ
thân thiện với nhau quá mức.2
Lợi ích của phương pháp trắc lượng học xã hội của Moreno là giúp
cho nhà nghiên cứu có được một lối tiếp cận khách quan đối với các hiện
tượng chủ quan, xác định được mức độ gắn bó trong một nhóm, nhằm cải
thiện sự gắn bó, nếu cần thiết, bằng cách thay đổi thành phần cấu tạo trong
nhóm.3
Về sau, H. Jennings, một đệ tử của Moreno, còn cải tiến bản trắc
nghiệm của Moreno bằng cách chia ra ba loại hoàn cảnh khác nhau : (a)
muốn cư trú gần những ai ; (b) muốn làm việc với những ai ; (c) muốn chơi
với những ai. Ba loại hoàn cảnh này cho phép đo lường những tiêu chuẩn
tình cảm (a và c) và chức năng (b), đồng thời cho phép hình dung chính xác
hơn vai trò của những người được chọn.4
Dựa trên các kỹ thuật trắc lượng học xã hội của J. Moreno và các
khung quan sát của R. Bales, các nhà tâm lý học xã hội còn phân biệt giữa
cấu trúc chính thức (formal) của một tổ chức (các phòng ban hay tổ đội, các
chức vụ mà sơ đồ tổ chức đã quy định), với cấu trúc phi chính thức
(informal) vốn có thể xuất hiện ngoài dự kiến (những mạng lưới liên kết
bằng các mối liên hệ tình cảm). Người ta thường phải nhờ cậy đến sự tham
gia của các nhà tâm lý học xã hội nhằm làm cho hai cấu trúc chính thức và
phi chính thức này trùng khớp với nhau, với mục tiêu là củng cố sự đoàn
kết trong nhóm và làm cho những người trưởng nhóm (chính thức) ý thức
hơn về các mối liên hệ tình cảm giữa con người với nhau (human
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 45.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 45.
3
Xem H. Bloch et al., sách đã dẫn, tr. 392.
4
Xem M. Grawitz, sách đã dẫn, tr. 979.
2
51
relations).1
Sau Mayo và Moreno, nhà tâm lý học xã hội Mỹ gốc Đức Kurt
Lewin (1890-1947) mới thực sự là người nghiên cứu kỹ lưỡng nhất về các
nhóm nhỏ. Người ta gọi ông là cha đẻ của môn “động lực học nhóm”
(group dynamics), nghĩa là bộ môn nghiên cứu về những cơ chế vận hành
nội tại của các nhóm.2
Thực ra, thuật ngữ group dynamics trong tiếng Anh có thể được hiểu
theo một trong ba nghĩa sau đây : (a) hiểu theo nghĩa nguyên thủy, đây là bộ
môn do Kurt Lewin lập ra, nghiên cứu về cơ chế vận hành của nhóm xét
như là một hệ thống tổng hòa của các lực nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động
của nhóm ; (b) hiểu theo nghĩa rộng, đây là lĩnh vực nghiên cứu và ứng
dụng liên quan tới các quá trình nhóm ; và (c) hiểu theo nghĩa hẹp, đây là
một phương pháp huấn luyện nhằm giúp cho người ta hiểu được cơ chế vận
động của nhóm thông qua kinh nghiệm sinh hoạt nhóm.3
Kurt Lewin đã xuất phát từ lý thuyết hình thái (hay cũng có thể gọi
là lý thuyết tổng thể, gestalt theory)4 để đi đến xác lập một lối phương pháp
luận mới : khi khảo sát một sự vật, người ta không thể chỉ chăm chăm vào
việc khảo sát các đặc trưng và các yếu tố của sự vật mà không quan tâm tới
cách thức tổ chức và cấu trúc giữa các yếu tố này với nhau. Ứng dụng vào
lĩnh vực nghiên cứu về ứng xử, Lewin cho rằng các ứng xử của con người
phụ thuộc vào bối cảnh trong đó diễn ra các ứng xử, và vì thế chúng chính
là hệ quả của sự tương thuộc giữa các biến số nhân cách với các biến số
hoàn cảnh.5
1
Xem H. Bloch et al., sách đã dẫn, tr. 544.
Kurt Lewin là người đã lập ra Trung tâm nghiên cứu về Động lực học Nhóm
(Research Center for Group Dynamics, RCGD) ở trường đại học Massachusetts
Institute of Technology (MIT) (Hoa Kỳ) vào năm 1945.
3
Xem H. Bloch et al., sách đã dẫn, tr. 389-390.
4
Lý thuyết Gestalt (trong tiếng Đức, Gestalt có nghĩa là hình thái ; gestalt theory
trong tiếng Anh, gestaltthéorie trong tiếng Pháp) phát sinh ở Đức vào đầu thế
kỷ XX, nhằm chống lại lý thuyết liên tưởng (associationism) thịnh hành vào thế
kỷ XIX. Lý thuyết hình thái nhấn mạnh đến sự cấu hình và tính chất ưu trội của
cái tổng thể so với các bộ phận trong việc tri giác (perception): khi nhìn một sự
vật hay một hiện tượng nào đó, người ta thường tri giác trực tiếp và trước hết
cái hình thái (form), tức là cái tổng thể, của sự vật hay hiện tượng ấy, chứ
không phải là tri giác những bộ phận của sự vật hay hiện tượng ấy (xem H.
Bloch, 2002, tr. 529).
5
Xem H. Bloch et al., sách đã dẫn, tr. 390.
2
52
Lewin nhấn mạnh rằng nhóm là một tổng thể có cấu trúc đặc trưng,
chứ không phải chỉ là một sự tổng cộng của các bộ phận. Lewin cho rằng
nhóm và môi trường xung quanh của nó tạo nên một “trường” (field) mang
tính chất linh hoạt – sự ổn định hay sự thay đổi của trường này phụ thuộc
vào cách tương tác giữa các “lực” tâm lý-xã hội (force) (chẳng hạn như áp
lực của các chuẩn mực, sự cưỡng lại ảnh hưởng của nhóm, việc theo đuổi
những mục tiêu nhất định). Do vậy, theo Lewin, tình trạng nhóm là một tình
trạng quân bình giữa các lực tâm lý-xã hội mạnh ngang nhau và nghịch
chiều nhau, chứ không phải chỉ là một kết cấu bao gồm sự thích nhau và sự
không thích nhau giữa các cá nhân như theo cách hiểu của Moreno.1
Ở Mỹ, vào năm 1943, do khó khăn kinh tế trong thời kỳ Thế chiến
thứ hai, Kurt Lewin được giao nhiệm vụ làm sao cho người tiêu dùng giảm
mức tiêu thụ thịt bò bít-tết, và chấp nhận ăn nhiều hơn các loại thịt bò nạm,
lòng bò... Vấn đề là người tiêu dùng Mỹ lúc ấy đã quá quen với thịt bít-tết
và chê thịt nạm. Lewin quyết định chọn phương pháp thuyết phục. Giai
đoạn đầu, ông mời một nhóm các bà nội trợ đến dự một số buổi thuyết
trình : một nhà kinh tế giải thích là trong hoàn cảnh chiến tranh, do mức sản
xuất thiếu hụt nên cần thay đổi tập quán tiêu thụ để giảm bớt khó khăn về
thực phẩm ; sau đó, một chuyên gia dinh dưỡng học lên chứng minh rằng
thịt nạm cũng như lòng bò, óc bò đều có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần
thiết ; cuối cùng, một đầu bếp giỏi lên trình bày cách làm những món ăn
ngon nhất với những thứ thịt ấy.
Đồng thời, Lewin còn áp dụng một phương pháp thứ hai : ông cũng
mời đến một nhóm các bà nội trợ, nhưng thay vì để cho ba chuyên viên trên
thuyết trình, thì họ chỉ phải trả lời cho các câu hỏi mà các bà nội trợ nêu ra.
“Tại sao lại không mua được thịt bò ngon như mọi khi ?” “Ăn lòng bò và
thịt nạm thì làm sao đủ chất bổ bằng thịt bít-tết ?” v.v. Cuối cùng thì qua
các câu trả lời, cả ba chuyên viên đều trình bày đủ các nội dung cần nói y
như trong trường hợp trên. Như vậy, điều khác biệt giữa hai phương pháp ở
đây không phải là nội dung truyền đạt, mà là mối quan hệ giữa người truyền
đạt và người nghe.2
Kết quả cuộc thí nghiệm đã cho thấy là phương pháp thứ hai có tác
dụng thuyết phục các bà nội trợ hiệu nghiệm hơn. Với phương pháp thứ
1
Xem B. Orfali, “Groupe”, trong A. Akoun, P. Ansart (Dir.), Dictionnaire de
sociologie, Paris, Le Robert, Seuil, 1999, tr. 247.
2
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 46.
53
nhất, ảnh hưởng của các buổi thuyết trình chỉ làm thay đổi có 3% số phụ nữ
nội trợ. Còn với phương pháp thứ hai (hỏi và trả lời), kết quả có đến 32%
phụ nữ nội trợ thay đổi tập quán.1
Tại sao lại có sự thay đổi ? Khi ngồi dự thuyết trình, người nghe
thường trở nên thụ động ; đôi khi có thể họ cũng cười ồ lên hoặc xì xào khi
nghe điều gì đó dí dỏm hoặc khó chịu, nhưng hầu như hoàn toàn không có
liên hệ gì cả giữa những người nghe với nhau. Trái lại, trong phương pháp
thứ hai, khi người nghe được quyền nêu ra các thắc mắc, thì một mặt họ trở
nên chủ động hơn, cá nhân từng bà nội trợ đều cảm thấy có liên quan, mặt
khác, điều có ý nghĩa quan trọng ở đây là giữa những người tham dự dần
dần hình thành những mối quan hệ tương tác về ý kiến : họ nghe ngóng, bàn
tán lẫn nhau, hỏi thêm, rồi cùng đồng ý với nhau hoặc cùng phản đối về
điểm nào đó... Nói cách khác, lúc này, giữa những người nghe đã xuất hiện
một thứ sinh hoạt “nhóm”, và những gì mà nhiều ý kiến trong nhóm đã tán
thành thì dễ tác động hơn và làm cho cá nhân thành viên dễ noi theo.2
Suy ra từ thí nghiệm trên, theo các nhà tâm lý học xã hội, nguyên
nhân chủ yếu gây ra thái độ cưỡng lại sự thay đổi chính là xu hướng hành
xử giống như mọi người, không dám làm khác mọi người (conformism).
Một khi các bà nội trợ đã tham gia thảo luận trong nhóm và cùng đi đến
quyết định thay đổi một chuẩn mực, thì lúc này, việc chấp nhận một chuẩn
mực mới không còn là một quyết định cá nhân, mà là tuân theo một chuẩn
mực mới của cả nhóm.3 Trong trường hợp này, khi chấp nhận sự thay đổi,
cá nhân không còn cảm thấy cô lập nữa ; ngược lại, cá nhân sẽ cảm thấy
đơn độc nếu mình không làm theo xu hướng vận động của cả nhóm.4
Kurt Lewin cũng đã tiến hành một thí nghiệm khác đáng chú ý. Tại
một nhà hộ sinh nọ, vị bác sĩ trước khi chia tay với các bà mẹ vừa sinh con
trở về nhà, đều có một số lời khuyên trong đó có nói là nên cho trẻ sơ sinh
uống nước cam vắt sau vài tuần gì đó. Nhưng nhà hộ sinh nhận thấy sau
một thời gian là phần lớn các bà mẹ đều không nghe theo lời khuyên của
bác sĩ. Lúc đầu, người ta tưởng là với động cơ muốn cho con hay ăn chóng
lớn, các bà mẹ sẽ dễ dàng được thuyết phục bởi lời khuyên nhủ của chính vị
bác sĩ đã đỡ đẻ cho họ. Nhưng thực tế lại ngược lại.
1
Xem M. Grawitz, sách đã dẫn, tr. 975.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 46.
3
Xem H. Bloch et al., sách đã dẫn, tr. 391.
4
Xem M. Grawitz, sách đã dẫn, tr. 976.
2
54
Lúc ấy, thay vì nói chuyện riêng lẻ với từng bà mẹ, Lewin đã tập hợp
lại năm hay sáu bà mẹ vừa sinh con, và gợi ý với họ là có lẽ họ cũng có một
số thắc mắc cần hỏi thêm bác sĩ trước khi ra về, nhất là về chuyện cho các
cháu bé ăn uống thế nào, và bác sĩ có mặt ở đây sẽ sẵn sàng giải đáp. Thế là
họ nêu ra hàng loạt câu hỏi, và dĩ nhiên rồi ra bác sĩ cũng nói về chuyện cho
cháu bé uống nước cam... Kết quả là cách làm này thuyết phục các bà mẹ
hữu hiệu hơn nhiều so với cách làm trước.1
Lewin lý giải hiệu quả thuyết phục của phương pháp này như sau.
Khi người phụ nữ trẻ mới sinh con trở về môi trường gia đình của họ, nơi
mà theo tập quán truyền thống người ta chẳng bao giờ cho bé sơ sinh uống
nước cam, thì thế nào bà nội hay bà ngoại cũng sẽ phản đối vì cho rằng đứa
bé còn quá nhỏ, áp dụng cách cho uống nước cam quá sớm là điều nguy
hiểm... Nhưng nếu người phụ nữ trẻ ấy trở về nhà với cảm giác là mình
cũng nằm trong nhóm những phụ nữ trẻ “tiến bộ” nắm được những kiến
thức khoa học mới nhất, thì có nhiều khả năng là cô ấy sẽ dễ gạt bỏ những
luận điểm cũ và nuôi con theo cách cho ăn mới.
Nếu người ta thường sợ đổi mới, chính là bởi vì người ta không
muốn hay không dám vi phạm các quy tắc luật lệ trong “nhóm” của mình ;
như vậy, nếu lập được một nhóm mới với những quy tắc luật lệ mới, thì sẽ
tạo được điều kiện để cá nhân dễ dàng thay đổi hơn.2
Người ta đã áp dụng một số nguyên tắc sinh hoạt nhóm mà Lewin đã
tìm ra để nghiên cứu cách ứng dụng và phổ biến những kỹ thuật mới vào
trong sản xuất, và điều này đã được phát triển trong rất nhiều công trình xã
hội học công nghiệp cũng như tâm lý học xã hội về công nhân.
Do nhóm được hiểu như là nơi biểu hiện tập trung nhất của các mối
liên hệ tình cảm, nên các nhà tâm lý học xã hội thường coi nhóm như một
công cụ huấn luyện nhằm mục tiêu thiết lập những mối liên hệ nhân bản
giữa con người với nhau.3 Vào năm 1947, Lewin đã cùng với các đệ tử của
mình xây dựng một mô hình huấn luyện theo nhóm mà ông gọi là “nhóm
T” (T-group, tức là Training Group, nhóm huấn luyện). Theo phương pháp
này, ông tập hợp khoảng mười người không quen biết nhau vào một nhóm,
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 47.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 47.
3
Xem H. Bloch et al., sách đã dẫn, tr. 544.
2
55
sinh hoạt chung với nhau ở cùng một địa điểm trong vòng nhiều ngày,
nhằm tạo điều kiện cho những người tham gia ý thức được và hiểu được các
quá trình tâm lý thường diễn ra trong các mối liên hệ liên cá nhân. Kỹ thuật
sinh hoạt nhóm này về sau còn được mở rộng sang cả lĩnh vực tâm lý trị
liệu.1
Theo R. Boudon và F. Bourricaud, trong ba lối tiếp cận điển hình
nghiên cứu về nhóm mà chúng tôi trình bầy trên đây, lối tiếp cận của Elton
Mayo đại diện cho xu hướng thực nghiệm và ứng xử luận (behaviorism),2
lối tiếp cận của Jacob Moreno thì thiên về xu hướng chẩn đoán nhằm mục
đích trị liệu, còn lối tiếp cận của Kurt Lewin thì mang tính chất tâm lý học
xã hội và nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa cá nhân với vai trò nhằm xây
dựng môn động lực học xã hội.3
D. Người thủ lãnh trong nhóm
Trước hết cần xác định ý nghĩa của khái niệm “thủ lãnh” hay “lãnh
đạo”. Trong tiếng Anh, thuật ngữ leader (người thủ lãnh, người lãnh đạo)
hay leadership (sự lãnh đạo, hay vai trò thủ lãnh) có gốc là động từ “to
lead”, có nghĩa là dẫn đường (= đi trước), hay chỉ đường cho ai đó. Như
vậy, “lãnh đạo” hoàn toàn khác với khái niệm “chỉ huy” (to command, to
order) theo nghĩa là “ra lệnh”. Trong quân đội, người sĩ quan chỉ huy đơn vị
của mình – anh ta ra lệnh và người lính thuộc cấp phải thi hành mệnh lệnh,
nếu không sẽ bị trừng phạt. Nhưng trong sinh hoạt của một nhóm, chẳng
hạn một nhóm bạn bè, thì người thủ lãnh nhóm không phải là người ra lệnh,
cũng không phạt, mà chỉ là người có ảnh hưởng hay có uy tín nhiều nhất
đối với ý kiến của cả nhóm.
Theo lối suy nghĩ thông thường, người ta thường định nghĩa thủ lãnh
là người tài ba, vì nếu không tài ba thì không thể làm thủ lãnh. Rồi người ta
còn nói tới một số phẩm chất tinh thần và đạo đức của người thủ lãnh, như
thông minh, tận tụy, trung thực... Nhưng có phải người thông minh nhất lúc
1
Xem H. Bloch et al., sách đã dẫn, tr. 544 ; và B. Orfali, bài đã dẫn, tr. 247.
Thuyết ứng xử luận (behaviorism) là một trường phái tâm lý học vốn chủ trương
chỉ quan tâm tới những ứng xử (behavior) có thể quan sát được, và xem nhẹ
những yếu tố chủ quan của hoạt động con người như ý thức, ý định hoặc ý
nghĩa của ứng xử đối với tác nhân có liên quan. Giới xã hội học thường không
chấp nhận quan niệm tách biệt giữa ứng xử với ý nghĩa xã hội của ứng xử, và
thường sử dụng thuật ngữ “hành động” (action) để phân biệt giữa một hoạt
động có ý nghĩa với một ứng xử thuần túy (xem N. Abercrombie, 1988, tr. 19).
3
Xem R. Boudon và F. Bourricaud, sách đã dẫn, tr. 272-273.
2
56
nào cũng trở thành người lãnh đạo ? Hiển nhiên là không.
Để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn như trên, nhà xã hội học cần xem
xét mối liên hệ giữa cá nhân với nhóm, chứ không phải là những đặc điểm
thuần túy cá nhân của người thủ lãnh hay của các thành viên của nhóm. Bởi
lẽ sự lãnh đạo là một hiện tượng tương giao giữa người và người trong một
nhóm.1
Nhiều nhà nghiên cứu đã tìm cách thiết lập một bản danh mục liệt kê
các đặc trưng vật chất và tinh thần của một người lãnh đạo, nhưng cuối
cùng thì họ đều đi đến chỗ nhận ra rằng người lãnh đạo không phải là một
cá nhân có được một số phẩm chất thiên phú nào đó nói chung, mà là một
người có một số khả năng nào đó phù hợp với một hoàn cảnh nhất định. Do
vậy chúng ta cần xem xét người lãnh đạo trong mối tương quan với các nhu
cầu của nhóm.2
Lấy thí dụ một nhóm bạn sinh viên sau giờ học, người thì rủ đi uống
cà-phê, người thì nói là nên đi coi phim gì đó, người khác lại đề nghị rằng
hay nhất là đi kiếm cái gì ăn... Và rồi thế nào cũng có một người nào đó nêu
ra ý kiến cuối cùng mà cả nhóm đều đồng ý. Nhưng cũng trong nhóm đó,
có thể là trong mỗi lãnh vực (giải trí, học tập, ăn uống, văn nghệ...), lại xuất
hiện một người khác nhau có ảnh hưởng quyết định đến cả nhóm. Trong
những trường hợp này, vai trò thủ lãnh xuất hiện do người này nắm bắt và
diễn đạt được mục tiêu chung của mọi người trong nhóm. Vị thủ lãnh nào
đưa ra một đề nghị xa lạ với mọi người, thường sẽ bị bác ngay, và nhóm sẽ
tìm ra một vị thủ lãnh mới. Với thời gian, vai trò thủ lãnh này có thể trở nên
ổn định : một nhóm bạn già có thể có thói quen là luôn luôn nghe theo ý
kiến của ông A hay bà B.
Cái làm cho người thủ lãnh có uy tín ảnh hưởng tới nhóm không
phải chỉ do người này có sáng kiến hay, phù hợp với nhóm, có kiến thức về
chuyện gì đó, mà trước hết do người này có mối liên hệ tốt với mọi người
trong nhóm ; “liên hệ tốt” ở đây có nghĩa là gần gũi và thấu hiểu những tâm
tư của mọi người. Điều làm cho một người trở thành thủ lãnh của một nhóm
là phương cách mà anh ta đưa ra đề nghị và được cả nhóm hưởng ứng. Điều
quan trọng nơi một người thủ lãnh không phải là những phẩm chất cá nhân
của anh ta, mà là vai trò xã hội của anh ta : chính người thủ lãnh làm cho
1
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 47-48.
Xem M. Grawitz, sách đã dẫn, tr. 958.
57
nhóm nhất trí với nhau, cố kết với nhau, để hoàn thành được mục tiêu của
nhóm.1
Theo R.M. Stodgill, người lãnh đạo là người mà các thành viên khác
của nhóm nhìn nhận là người lãnh đạo, và là người giúp cho nhóm đạt được
các mục đích của mình. Do đó, nếu có nhiều hoàn cảnh khác nhau hoặc
nhiều chức năng khác nhau của nhóm, thì cũng sẽ có bấy nhiêu kiểu lãnh
đạo hay chỉ huy khác nhau.2
Thông thường chúng ta biết rằng có những người thủ lãnh chỉ thích
điều khiển, chỉ huy, chứ không thích nghe người khác ; ngược lại, cũng có
những thủ lãnh vừa gợi ý người khác nói, vừa chịu khó lắng nghe trước khi
quyết định. Như vậy, có thể tạm phân biệt ba kiểu lãnh đạo : dân chủ, độc
đoán, và thả lỏng. Ba kiểu này hoàn toàn khác nhau về mặt cấu trúc truyền
thông.
Để nghiên cứu về ba kiểu lãnh đạo ấy, R. Lippitt và R. K. White
trong một cuộc thí nghiệm vào năm 1938-1939 đã tập hợp ba nhóm trẻ em
thuộc cùng một tầng lớp kinh tế-xã hội và mang những đặc trưng tương
đồng với nhau, hàng tuần chơi chung với nhau trong hai tiếng đồng hồ (làm
mô hình máy bay, làm mặt nạ...), và đưa vào mỗi nhóm một người hướng
dẫn (người lớn) điển hình cho một trong ba kiểu lãnh đạo nói trên.3
Chẳng hạn trong trò chơi làm mô hình máy bay. Trong nhóm “độc
đoán”, người hướng dẫn dĩ nhiên sẽ tìm cách hấp dẫn các em, nhưng chính
anh ta là người quyết định là mọi người phải làm gì, và làm vào lúc nào.
Còn trong nhóm “dân chủ”, người hướng dẫn chỉ nêu câu hỏi gợi ý và tìm
cách làm cho mọi em hoặc phần lớn mọi em đều đồng ý về cách tiến hành
sao cho lý thú nhất ; sau đó các em tự phân công công việc với nhau sau khi
bàn cãi và thỏa thuận chung ; và người hướng dẫn cũng tham gia vào một
phần công việc như các em. Trong nhóm “thả lỏng”, người hướng dẫn
không tham gia mà cũng chẳng hướng dẫn gì cả, ai muốn làm gì thì làm,
người hướng dẫn chỉ trả lời khi có em nào hỏi mà thôi.
Thí nghiệm trên đây đưa lại mấy kết luận sau.
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 48-49.
Dẫn lại theo M. Grawitz, sách đã dẫn, tr. 958.
3
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 49-51 ; xem thêm M. Grawitz, sách đã
dẫn, tr. 958-959.
2
58
a. Về hiệu quả của mỗi loại lãnh đạo : nhóm “thả lỏng” là nhóm có
năng suất thấp nhất ; ngược lại, nhóm độc đoán có năng suất cao nhất ;
nhưng nhóm dân chủ thì làm ra sản phẩm có chất lượng đẹp và tốt nhất.
b. Nếu người hướng dẫn vắng mặt vài phút, các em trong nhóm độc
đoán sẽ dừng công việc ngay lập tức và tận dụng ngay khoảnh khắc tự do
ngắn ngủi này để tán chuyện và chạy nhảy tứ tung. Nhưng ngược lại, các
em trong nhóm dân chủ vẫn tiếp tục cặm cụi làm máy bay khi vắng mặt
người hướng dẫn ; rõ ràng là có một thứ “kỷ luật” nào đó mà các em đã
thỏa thuận với nhau đã được “nội tâm hoá” và được tuân thủ tốt hơn là
nhóm độc đoán, cho dù không có mặt người hướng dẫn.
c. Về mặt tâm lý nhóm, các em trong nhóm dân chủ tỏ ra hứng thú
nhiều hơn, có động cơ làm việc mạnh hơn nhóm thứ nhất ; mặt khác, các
em này còn nhắc đến chữ “chúng mình” nhiều lần – điều này bộc lộ một sự
đoàn kết, một thứ ý thức cộng đồng, một ý thức về cái “chúng ta”.
Cuộc thí nghiệm này còn cho thấy rằng bầu không khí của nhóm hay
đặc biệt là mức độ hung hăng (aggressiveness) của những đứa trẻ không
phụ thuộc vào những biến số cá nhân, mà phụ thuộc vào những kiểu quản lý
khác nhau. Kiểu “thả lỏng” và kiểu độc đoán dễ dẫn đến những hành vi
hung hăng thường xuyên nhất và mạnh nhất. Còn với kiểu quản lý dân chủ
thì tuy không phải là không xuất hiện những hành vi hung hăng, nhưng loại
hành vi này càng lúc càng giảm dần và không đạt đến mức độ kịch phát có
thể gây nguy hại cho sự vận hành của nhóm.1
Thực ra, cuộc thí nghiệm trên đây đã diễn ra trong điều kiện giả tạo,
nên những kết luận trên mang tính chất hết sức giản lược – thí nghiệm này
chỉ nhằm cho thấy ba “típ” lãnh đạo xét một cách trừu tượng nhất. Thực tế
xã hội phức tạp hơn nhiều. Chẳng hạn trong một số công trình nghiên cứu
về xã hội học công nghiệp, người ta đã khám phá ra là mức độ hài lòng và
năng suất của công nhân có liên hệ tương quan với một số nét dân chủ nơi
lề lối tác phong của người đốc công ; nhưng những người đốc công được
công nhân đánh giá cao nhất lại không phải là những người tham gia lao
động cùng với công nhân, mà là những người dành hết thời gian vào việc
điều khiển, lãnh đạo.2
1
2
Xem H. Bloch et al., sách đã dẫn, tr. 390-391.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 51.
59
Khi nghiên cứu về từng “típ” lãnh đạo, người ta thường xét đến
những nhân tố như :
- cách ra quyết định,
- cách phân công công việc,
- có trực tiếp tham gia công việc cùng với nhóm hay không,
- cách đánh giá, nhận xét.
Trong thực tế xã hội, không thể có những “típ” thuần túy như đã nêu
trên kia (dân chủ, độc đoán, hay thả lỏng), mà là có nhiều mô hình biến
thiên tùy thuộc vào sự kết hợp giữa các nhân tố vừa kể. Như vậy, điều quan
trọng trong một công trình nghiên cứu xã hội học là sau khi đã xây dựng
được khung lý thuyết (chẳng hạn về các “típ” lãnh đạo điển hình), cần trở
về với thực tế xã hội để xem xét cách kết cấu giữa các nhân tố để từ đó mới
có thể hiểu được và lý giải được những hiện tượng muôn hình vạn trạng
trong xã hội.1
E. Truyền thông trong nhóm
Ngoài khía cạnh lãnh đạo trong nhóm, người ta còn thường nghiên
cứu về khía cạnh truyền thông trong nhóm. Mỗi nhóm thường có một kiểu
cấu trúc khác nhau ; các mối liên hệ giao tiếp và truyền thông giữa các cá
nhân trong nhóm tùy thuộc vào cấu trúc ấy, và vì thế cũng ảnh hưởng trở lại
tới kiểu lãnh đạo trong nhóm.
Người ta có thể vẽ ra một số kiểu cấu trúc truyền thông khác nhau
trong các nhóm. Trong những thập niên 1950 và 1960, A. Bavelas và H. J.
Leavitt cùng các đồng nghiệp ở trường đại học Massachusetts Institute of
Technology (MIT) (Hoa Kỳ) đã tiến hành một loạt các cuộc thí nghiệm trên
các nhóm nhỏ. Trong một cuộc thí nghiệm với các tổ lao động (bao gồm
năm người) đang làm một số công việc nhất định, họ đề nghị những công
nhân này không nói chuyện với nhau mà chỉ trao đổi với nhau qua những
thông điệp ghi ra trên những mẩu giấy. Thông qua kỹ thuật này, các nhà
nghiên cứu đã ghi nhận được ai trao đổi với ai, với tần số nhiều hay ít, và
sau đó xác định được vị thế của từng người trong mỗi cấu trúc truyền thông
(xem Sơ đồ 3). Nhờ kết quả này mà họ đã nhận diện được tác động của
từng dạng cấu trúc truyền thông (tức dạng mạng lưới xã hội của nhóm) đối
với sự vận hành và hiệu quả của các nhóm.2
1
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 51.
Dẫn lại theo N. Katz, et al., “Network Theory and Small Groups”, Small Group
Research, Vol. 35, No. 3, June 2004, tr. 318 ; và M. Grawitz, sách đã dẫn, tr.
60
Sơ đồ 3. Những dạng cấu trúc truyền thông trong nhóm năm người
A
C
C
B
D
B
B
C
D
D
E
A
Vòng tròn
E
A
E
Dạng chữ Y
Chuỗi
C
B
E
B
C
A
D
D
E
Mọi người đều
tiếp xúc với nhau
A
Dạng bánh xe
Nguồn : Nancy Katz, et al., “Network Theory and Small Groups”, Small Group
Research, Vol. 35, No. 3, June 2004, tr. 319.
Bavelas và Leavitt nhận thấy mức độ tập trung hóa (centralization) –
tức là mức độ tập trung thông tin về một người – có ảnh hưởng quan trọng
đối với hiệu quả vận hành của một nhóm. Tuy nhiên, sự tập trung hóa chỉ
có lợi trong trường hợp thực hiện một công việc đơn giản, và sẽ gây khó
khăn trong trường hợp phải đảm nhiệm những công việc phức tạp.1
Dĩ nhiên người ta còn có thể vẽ nhiều kiểu khác nữa về cấu trúc quan
hệ truyền thông trong nhóm. Nhưng ở đây, dạng bánh xe là kiểu thường
thấy phổ biến nhất trong các sơ đồ tổ chức ở các xí nghiệp : một số người
tập trung xung quanh một người ở vị trí trung tâm. Mô hình chữ thập này là
mô hình mang tính chất tập trung hóa mạnh nhất, và do đó thường cũng là
mô hình hiệu quả nhất trong tổ chức điều hành sản xuất : người đứng đầu
nhóm trực tiếp chỉ huy từng người trong nhóm, và ngược lại, từng người
trong nhóm chỉ quan hệ trực tiếp với người đứng đầu.
Nhưng trong một môi trường lao động khác, một nhóm các nhà
1
960-961.
Xem N. Katz, et al., bài đã dẫn, tr. 318.
61
nghiên cứu chẳng hạn, thì mô hình tập trung như trên lại không thể thích
hợp nữa, vì không thể đem lại hiệu quả mong muốn. Bởi vì nhóm nghiên
cứu là nơi có nhiệm vụ tạo ra thông tin, tìm ra cái mới, do đó kết cấu quan
hệ trong nhóm thường mang dạng mà trong đó mọi người đều tiếp xúc với
nhau : nói cách khác, các thành viên của một nhóm nghiên cứu phải thường
xuyên trao đổi, tranh luận với nhau, chứ không thể chỉ liên hệ hay chỉ tuân
lệnh người trưởng nhóm, vì như vậy thì sẽ chẳng đi đến kết quả gì lý thú
trong hoạt động nghiên cứu.
Như vậy, ta thấy là tính chất lãnh đạo trong nhóm, cũng như mô hình
cấu trúc truyền thông trong nhóm, đều tùy thuộc vào mục tiêu và chức năng
hoạt động của nhóm, chứ không thể có một mô hình nào tối ưu xét về mặt
lý thuyết.1
F. Mạng lưới xã hội
Trong các thập niên 1990 và 2000, nhiều nhà nghiên cứu đã trở lại
với câu hỏi mà Bavelas và các đồng nghiệp đã nêu ra – đâu là mạng lưới tối
ưu cho hiệu suất của nhóm ? –, nhưng lần này họ mở rộng ra nghiên cứu ở
thực địa chứ không chỉ giới hạn trong phòng thí nghiệm.2
Theo S. Wasserman và K. Faust (1994), mạng lưới xã hội (social
network) là một tập hợp bao gồm những tác nhân (= những cái mấu, nodes)
và những mối liên hệ (= những “sợi dây nối”, ties hay edges) giữa những
tác nhân này. Những cái mấu có thể là các cá nhân, nhóm, tổ chức, hoặc các
xã hội. Những sợi dây nối có thể nằm ở một cấp độ phân tích mà thôi
(chẳng hạn những sợi dây nối giữa cá nhân với cá nhân), hoặc nằm trên
nhiều cấp độ phân tích (chẳng hạn những sợi dây nối giữa cá nhân với
nhóm).3
Các mối liên hệ (ties) có thể xuất hiện dưới nhiều dạng thức khác
nhau : không định hướng (Joe tham dự một cuộc họp cùng với Jane) hoặc
có định hướng (Joe khuyên can Jane, hoặc Joe nhận lời khuyên của Jane),
khác biệt về nội dung (Joe nói chuyện với Jack về thời tiết, và nói với Jane
về thể thao), về tần số (hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng...), về phương tiện
truyền thông (nói chuyện trực diện, viết thư, gởi e-mail, nhắn tin qua điện
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 52-53.
Xem N. Katz, et al., bài đã dẫn, tr. 320.
3
Dẫn lại theo N. Katz, et al., bài đã dẫn, tr. 308.
2
62
thoại di động...), hay khác biệt về tính chất, từ tích cực (Joe thích Jane) tới
tiêu cực (Joe ghét Jane).1
Trong thực tiễn xã hội, những mạng lưới xã hội có thể được hình
thành nhằm mở rộng hoặc củng cố hiệu quả của các mối liên hệ xã hội của
mình, chẳng hạn như mạng lưới đồng nghiệp, mạng lưới bạn bè thân hữu…
Mỗi mạng lưới có một kiểu cấu trúc hoặc một dạng tập hợp xã hội nào đó.
Việc nghiên cứu về mạng lưới xã hội có thể được coi như khởi sự từ
môn trắc lượng học xã hội (sociometry) của Moreno. Vào năm 1943,
Moreno đã tiến hành khảo sát các trẻ em trong cùng một lớp học và hỏi xem
“Em muốn ngồi cạnh ai ?” nhằm phân biệt được những mạng lưới bao gồm
những đứa trẻ ưa thích nhau. Dựa trên một sơ đồ trắc lượng học xã hội, nhà
nghiên cứu có thể tìm cách xác định tính chất của những sự chọn lựa của
những đứa trẻ (ưa thích, không ưa thích, bàng quan), mức độ thân thiện và
các thái độ giữa chúng với nhau. Về sau, các nhà nghiên cứu đã mở rộng
phương pháp khảo sát này vào việc phân tích những mạng lưới có những
cấu trúc đa dạng và phức tạp hơn như bạn bè, xí nghiệp, cộng đồng địa
phương, hiệp hội, láng giềng, khu phố.2
Mặc dù cụm từ social network được sử dụng từ lâu theo ý nghĩa khá
lỏng lẻo là tập hợp những mối liên hệ giữa các thành viên của các hệ thống
xã hội ở mọi cấp độ, từ cấp độ liên cá nhân tới cấp độ quốc tế, nhưng thuật
ngữ social network này chỉ thực sự được xác lập nội hàm chặt chẽ kể từ khi
John A. Barnes sử dụng nó một cách có hệ thống vào năm 19543 để mô tả
những mô thức liên kết giữa con người với nhau, thâu tóm được những khái
niệm còn chung chung mà trước đó giới khoa học xã hội thường sử dụng
như những “nhóm có đường ranh giới” (bounded groups) như bộ tộc, gia
đình, hay những “phạm trù xã hội” (social categories) như giới tính, dân
tộc.
Lĩnh vực nghiên cứu về các mạng lưới xã hội có một thời gian suy
thoái trong những thập niên 1970 và 1980, nhưng được chú ý khai triển
mạnh trở lại trong thập niên 1990, nhất là xét trong mối liên quan với khái
1
Xem N. Katz, et al., bài đã dẫn, tr. 309.
Xem P. Ansart, “Réseau”, trong A. Akoun, P. Ansart (Dir.), Dictionnaire de
sociologie, Paris, Le Robert, Seuil, 1999, tr. 452.
3
John A. Barnes, “Class and Committees in a Norwegian Island Parish”, Human
Relations, Vol. 7, No. 1, Feb. 1954, pp. 39-58.
2
63
niệm vốn xã hội sau công trình của Putnam năm 1993.1
Phương pháp phân tích mạng lưới xã hội (social network analysis),
dựa trên lý thuyết về mạng lưới (network theory), đã trở thành một trong
những kỹ thuật chủ đạo trong lĩnh vực xã hội học hiện đại. Phương pháp
này thường sử dụng các kỹ thuật biểu đồ để sau đó tiến hành phân tích xã
hội học về các mạng lưới xã hội. Phương pháp phân tích mạng lưới xã hội
cũng đã thu hút được sự quan tâm của các ngành khoa học xã hội và được
sử dụng khá rộng rãi trong các ngành như nhân học, sinh học, nghiên cứu
truyền thông, kinh tế học, địa lý học, tin học, khoa học về tổ chức, tâm lý
học xã hội, và ngôn ngữ học xã hội.
Có nhiều loại liên hệ (ties) khác nhau mà nhà nghiên cứu có thể khảo
sát, chẳng hạn như : liên hệ truyền thông (chẳng hạn : ai nói với ai, ai cung
cấp thông tin hoặc đưa ra lời khuyên cho ai), liên hệ chính thức (ai phải báo
cáo cho ai), liên hệ tình cảm (ai thích ai, hoặc tin ai), liên hệ lưu chuyển vật
chất hay quy trình lao động (ai đưa tiền cho ai, ai cung cấp vật tư cho ai...),
liên hệ gần gũi về mặt không gian (proximity ties) (ai ở gần ai về mặt không
gian vật lý hoặc trong không gian điện tử), liên hệ hiểu biết (chẳng hạn : ai
biết rằng ai biết ai).2
Hình dạng của một mạng lưới xã hội có thể giúp chúng ta phân tích
mức độ hiệu quả hay lợi ích đem lại cho các cá nhân thành viên của một
mạng lưới. Những mạng lưới nhỏ, hẹp và chặt chẽ thường ít đem lại những
mối lợi cho cá nhân hơn so với những mạng lưới có nhiều mối liên hệ lỏng
lẻo (không chặt) với những cá nhân nằm ngoài mạng lưới chính. Những
mạng lưới càng mở rộng, càng có nhiều mối liên hệ xã hội lỏng lẻo, thì
càng có nhiều khả năng du nhập những ý tưởng mới và những cơ hội mới
cho các thành viên của mình hơn là những mạng lưới khép kín có những
mối quan hệ rườm rà và nặng nề. Một nhóm bạn bè chẳng hạn nếu chỉ chơi
thân với nhau mà thôi thì cũng chỉ chia sẻ với nhau một số vốn kiến thức
chung và một số cơ hội nào đó mà thôi. Nhưng một nhóm cá nhân có liên
hệ với nhiều giới xã hội khác với mình thì có nhiều khả năng tiếp cận được
những nguồn thông tin rộng rãi hơn. Đối với một cá nhân, thà có những mối
liên hệ với nhiều loại mạng lưới thì hay hơn là có nhiều mối liên hệ bên
trong chỉ một mạng lưới duy nhất. Một cá nhân cũng có thể tạo ra ảnh
hưởng bằng cách làm môi giới để nối kết mạng lưới của mình với một
1
2
Xem N. Katz, et al., bài đã dẫn, tr. 319.
Xem N. Katz, et al., bài đã dẫn, tr. 308.
64
mạng lưới khác.1
Mark Granovetter (1943-) là tác giả đã có công phân biệt giữa mối
liên hệ mạnh (strong tie) (gia đình, bạn bè) với mối liên hệ yếu (weak tie)
(liên hệ quen biết), trong đó cường độ của mối liên hệ được đo lường một
cách tổng hợp từ những chỉ báo như khối lượng thời gian, cường độ tình
cảm, mức độ thân thiện, và những dịch vụ mà hai bên làm cho nhau (ở đây,
Granovetter chỉ đề cập tới loại liên hệ tích cực [thích nhau], chứ không đề
cập tới loại liên hệ tiêu cực [ghét nhau]).2
Sơ đồ 4. Hai thí dụ về “sơ đồ xã hội” (sociogram) : những sợi dây liên hệ “bắc
cầu” giữa hai nhóm trong một mạng lưới xã hội ở cấp độ vi mô
Chú thích : Hình (a) : Cây cầu địa phương ở cấp độ 3 ; Hình (b) : Cây cầu địa
phương ở cấp độ 13.
Mỗi điểm A, B, C... biểu hiện cho một người.
–––––– = mối liên hệ mạnh
– – – – = mối liên hệ yếu.
Nguồn : Mark S. Granovetter, “The Strength of Weak Ties”, American Journal of
Sociology, Vol. 78, Issue 6, May 1973, tr. 1365.
Theo Granovetter, “cây cầu” (bridge) là khái niệm dùng để chỉ sợi
1
2
Xem J. Scott, Social Network Analysis, London, Sage, 1991.
Xem M. Granovetter, “The Strength of Weak Ties”, American Journal of
Sociology, Vol. 78, Issue 6, May 1973, tr. 1361-1362.
65
dây liên hệ nào biểu hiện lối đi duy nhất nối kết giữa hai điểm trong một
mạng lưới. Trong Sơ đồ 4a, đường nối A-B không hẳn là một cây cầu, bởi
lẽ người ta còn có thể nối hai điểm A với B bằng con đường A-E-I-B. Tuy
vậy, đường A-B là con đường ngắn nhất để F, D và C có thể đi đến B ; do
đó, chúng ta có thể coi đường A-B là một cây cầu. Chức năng bắc cầu của
đường A-B được thể hiện rõ nét hơn trong Sơ đồ 4b : đường A-B là cây cầu
giúp cho các điểm C, D, E và các điểm khác có thể đến được điểm B.1 Nói
cách khác, chúng ta có thể hiểu “cây cầu” chính là sợi dây liên hệ A-B mà
nếu ta xóa đi trong sơ đồ thì hai khu vực không còn liên hệ với nhau được
nữa.
Theo Granovetter, đây là sơ đồ phản ánh chu trình quảng bá thông
tin xảy ra trong phần lớn các trường hợp trong thực tế xã hội.
Granovetter đặt tên cho đường nối A-B là “cây cầu địa phương ở cấp
độ n” (local bridge of degree n), với điều kiện n là con đường ngắn nhất
giữa hai điểm, và n > 2. Trong Sơ đồ 4a, đường A-B là một cây cầu địa
phương ở cấp độ 3, còn trong Sơ đồ 4b thì nó ở cấp độ 13. Granovetter giải
thích thêm rằng cây cầu trong một mạng lưới xã hội có chức năng cũng
tương tự như những chiếc cầu trong một hệ thống đường sá : chiếc cầu nào
(nối liền hai khu vực) mà càng nhiều người dân (tức là ở cấp độ càng lớn)
buộc phải đi qua vì không có lối đi nào khác, thì chiếc cầu ấy càng đóng vai
trò quan trọng trong hệ thống.2
Granovetter đã chứng minh rằng sợi dây liên hệ mang tính chất “bắc
cầu” (bridging) giữa các nhóm khác nhau trong xã hội luôn luôn là một mối
liên hệ yếu – lẽ tất nhiên, không phải mối liên hệ yếu nào cũng đều mang
tính chất bắc cầu, nhưng các “cây cầu” hầu như luôn luôn đều là những mối
liên hệ yếu, vì những mối liên hệ mạnh thường có xu hướng chỉ co cụm lại
vào trong nội bộ nhóm của mình mà thôi.3
Những mối liên hệ mạnh có hiệu quả trong trường hợp mà một cá
nhân cần tìm đến những ai mà họ tin cậy để có được sự hỗ trợ về mặt tình
cảm. Nhưng những mối liên hệ yếu lại có hiệu quả hơn trong trường hợp
mà cá nhân muốn đi tìm những thông tin mới lạ từ những người nằm ngoài
vòng tiếp xúc thân cận.
1
Xem M. Granovetter, bài đã dẫn, tr. 1364.
Xem M. Granovetter, bài đã dẫn, tr. 1365
3
Xem M. Granovetter, bài đã dẫn, tr. 1363-1364, 1376.
2
66
Qua kết quả phỏng vấn những người đã tìm được việc làm qua
những mối liên hệ quen biết cá nhân (với mẫu điều tra là 54 người ở vùng
ngoại ô thành phố Boston), Granovetter nhận thấy như sau : 16,7% trả lời là
nhờ những người mà họ thường tiếp xúc (gặp ít nhất hai lần mỗi tuần),
55,6% nhờ những người mà họ thỉnh thoảng tiếp xúc (gặp trên một lần mỗi
năm, nhưng ít hơn hai lần mỗi tuần), và 27,8% nhờ những người mà họ rất
ít tiếp xúc (gặp mỗi năm một lần hoặc ít hơn). Những con số này cho thấy
chiều hướng ngả hẳn về phía những mối liên hệ yếu. Trong nhiều trường
hợp, họ tìm được việc làm là nhờ vào một người nằm ở ngoài rìa của mạng
lưới tiếp xúc hiện tại, tình cờ có dịp gặp lại, chẳng hạn như một người bạn
học cũ, một đồng nghiệp xưa hoặc một người chủ trước mà họ rất ít khi liên
lạc.1
Khi phân tích kết quả nhiều cuộc khảo sát dựa trên sự phân biệt giữa
mối liên hệ mạnh với mối liên hệ yếu, Granovetter đã khám phá ra rằng
thông tin có thể phát tán thông qua các mối liên hệ yếu rộng rãi hơn nhiều
so với khi thông qua các mối liên hệ mạnh – bởi lẽ trong các nhóm có mối
liên hệ thân thiết với nhau như gia đình hay bạn bè (có mối liên hệ mạnh),
sự truyền thông thường chỉ dừng lại trong nội bộ nhóm chứ ít khi lan tỏa ra
ngoài.2 Granovetter viết như sau : “Bất cứ cái gì cần được quảng bá thì đều
có thể lọt đến tai nhiều người hơn, và đi xuyên qua những không gian xã
hội lớn hơn (tức là độ dài của con đường truyền thông), nếu được truyền tải
thông qua những mối liên hệ yếu hơn là những mối liên hệ mạnh.” Chính vì
vậy mà tin đồn thường phát tán mạnh thông qua những mối liên hệ yếu
(những người không thân thiết), chứ không phải qua những mối liên hệ
mạnh (những người thân thiết).3
Khác với Louis Wirth là người cho rằng những mối liên hệ yếu
thường sản sinh ra những tình trạng tha hóa vì tình trạng quan hệ lỏng lẻo
trong xã hội, Granovetter cho rằng chính những mối liên hệ yếu đã tạo ra
những điều kiện cần thiết để các cá nhân có thể hội nhập vào các cộng đồng
rộng lớn hơn, trong khi đó, những mối liên hệ mạnh, do nuôi dưỡng và
củng cố sự cố kết cục bộ, thường có xu hướng dẫn đến tình trạng “phân
1
Xem M. Granovetter, Changing Jobs: Channels of Mobility Information in a
Suburban Community, Doctoral dissertation, Harvard University, 1970, tr. 7680, dẫn lại trong M. Granovetter, bài đã dẫn, tr. 1371.
2
Xem M. Granovetter, bài đã dẫn, tr. 1368-1369.
3
M. Granovetter, bài đã dẫn, tr. 1366.
67
mảnh” trong toàn bộ xã hội (overall fragmentation).1
Granovetter đã áp dụng nguyên tắc phân tích này để giải thích hiện
tượng lan truyền thông tin trong xã hội, những cơ hội di động nghề nghiệp,
và sự hình thành những tổ chức cộng đồng.
Vào khoảng năm 2001, Sparrowe và một số đồng nghiệp đã tiến
hành khảo sát những nhóm lao động phải làm những công việc phức tạp và
khám phá ra rằng những nhóm nào có kiểu truyền thông phi tập trung hóa
(decentralized communication) thì có hiệu suất công việc cao hơn hẳn so
với những nhóm theo dạng truyền thông tập trung. Cummings và Cross
trong một công trình khảo sát 182 nhóm lao động làm những công việc
phức tạp thuộc một tổ chức toàn cầu (công bố năm 2003) cũng cho thấy
những nhóm có dạng truyền thông phi tập trung đạt hiệu suất cao hơn so
với những nhóm truyền thông tập trung.2
Các công trình nghiên cứu về mạng lưới xã hội cho thấy các mạng
lưới xã hội có thể vận hành ở nhiều cấp độ khác nhau, từ cấp độ gia đình
cho tới cấp độ quốc gia, và thường đóng một vai trò hết sức mấu chốt trong
việc xác định cách thức giải quyết các vấn đề, trong sự vận hành của các tổ
chức, cũng như về mức độ và cách thức mà các cá nhân đạt được các mục
tiêu của mình.
Mạng lưới xã hội có thể được dùng để đo lường vốn xã hội, tức là
những giá trị mà cá nhân có thể thu nhận được từ mạng lưới xã hội.
Ngoài ra, mạng lưới xã hội cũng có thể được vận dụng để khảo sát
mối quan hệ tương tác giữa các công ty, bằng cách tìm hiểu xem có những
mối liên hệ phi chính thức nào đã liên kết các nhà lãnh đạo doanh nghiệp
với nhau, cũng như những hiệp hội hay những sợi dây liên kết giữa cá nhân
nhân viên các công ty với nhau. Những mạng lưới này có thể tạo điều kiện
cho các công ty thu thập thông tin, thúc đẩy hoặc ngăn chặn khả năng cạnh
tranh lẫn nhau, hay kể cả trường hợp có thể đụng độ nhau trong các chiến
lược xác định giá cả sản phẩm hoặc thậm chí cả chiến lược kinh doanh.
Phương pháp phân tích mạng lưới xã hội cũng còn được áp dụng vào
lĩnh vực công tác xã hội khi mà những người làm công tác xã hội cố gắng
1
2
Xem M. Granovetter, bài đã dẫn, tr. 1378.
Dẫn lại theo N. Katz, et al., bài đã dẫn, tr. 320.
68
giúp cho đối tượng của mình thoát ra khỏi hoàn cảnh “bị loại trừ” (cô đơn,
“cá biệt”) hay hoàn cảnh thụ động (chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ nhà nước
hay của cán bộ công tác xã hội) bằng cách đưa họ vào những mạng lưới
đoàn kết hoặc tương trợ nhau, trong đó các thành viên chấp nhận nhau và
cùng coi nhau như thành viên của một nhóm.1
G. Nhóm cơ bản và xã hội đại chúng
Trong cuộc Thế chiến thứ hai, Bộ Chiến tranh Mỹ đã yêu cầu các
nhà tâm lý học xã hội nghiên cứu xem làm cách nào nâng cao tinh thần
chiến đấu của người lính Mỹ, chẳng hạn làm sao thuyết phục họ về lý tưởng
bảo vệ nền dân chủ cũng như các giá trị của nền văn minh Tây Âu. Nhưng
cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra là điều quan trọng nhất đối
với tâm lý người lính là những mối quan hệ cá nhân trong nội bộ từng tiểu
đội, giữa người lính và người lính, giữa người lính với hạ sĩ quan và sĩ
quan. Chính yếu tố này củng cố tinh thần kỷ luật cũng như tinh thần chiến
đấu của người lính.2
Một cuộc nghiên cứu khác tương tự cũng đã được E. Shils và M.
Janowitz tiến hành đối với quân đội Đức quốc xã vào cuối cuộc Thế chiến.
Lúc ấy, quân đội Đồng minh đã thực hiện nhiều chiến dịch tuyên truyền đại
quy mô nhắm vào hệ tư tưởng Quốc xã, nhằm kêu gọi binh lính Đức rã ngũ,
vì cho rằng lính Đức bị tiêm nhiễm nặng bởi hệ tư tưởng này. Thế nhưng,
khi khai thác những tù binh bắt được, người ta mới vỡ lẽ là những lập luận
tuyên truyền của Đồng minh nhắm vào hệ tư tưởng Đức quốc xã chẳng có
tác động nào đáng kể, mà chính là những lời kêu gọi như “Các bạn đã sai
lầm vì đã đi theo những vị chỉ huy đưa các bạn tới thất bại...” mới làm cho
họ nhụt chí. Chính những lời tuyên truyền liên quan tới hoàn cảnh cá nhân
cũng như tới những vị chỉ huy trực tiếp của họ mới làm cho họ giao động
và đầu hàng.
Hai kết quả nghiên cứu trên đây cho thấy là trong hai môi trường xã
hội khác nhau rất xa về hệ tư tưởng cũng như về tổ chức xã hội, những nhân
tố lý tưởng hay ý thức hệ đều chỉ có tác động trong chừng mực phụ thuộc
vào cấu trúc của các nhóm cơ bản cũng như các mối quan hệ giữa cá nhân
và cá nhân trong nhóm.3
1
Xem P. Ansart, “Réseau”, trong A. Akoun, P. Ansart (Dir.), Dictionnaire de
sociologie, Paris, Le Robert, Seuil, 1999, tr. 453.
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 53.
3
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 53-54.
69
Trước đây, người ta thường nghĩ rằng trong các “xã hội đại chúng” –
vốn là đặc điểm của các xã hội công nghiệp phát triển –, các phương tiện
truyền thông đại chúng như báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình đều có
những tác động trực tiếp đến đông đảo độc giả hay khán thính giả. Thế
nhưng, công trình nghiên cứu của E. Katz và P. Lazarsfeld về mối quan hệ
giữa thông tin và việc mua hàng tại một thành phố ở Mỹ đã cho thấy là :
thông tin đại chúng không tác động trực tiếp đến các cá nhân, mà là luôn
luôn thông qua trung gian của một số cá nhân nào đó ; những cá nhân này
thường là những người “có uy tín” nhất định, nên họ thường đóng vai trò
“hướng dẫn dư luận” (opinion leader) đối với những nhóm cơ bản xung
quanh họ. Việc một người quyết định đi coi phim gì, chọn tiệm giặt ủi nào
hay chọn mua bộ vét-tông nào, cũng thường theo quy trình này : có thể anh
ta cũng đã đọc được quảng cáo về những thứ này ở đâu đó, nhưng anh ta
chỉ quyết định mua sau khi hỏi han, bàn bạc thêm với một số người mà anh
ta quen biết và tin tưởng.1
Nhiều cuộc điều tra trước đây ở nông thôn châu thổ sông Cửu Long
cũng đã khám phá những kết luận tương tự. Khó mà thuyết phục được nông
dân một vùng nào đó chịu trồng một giống lúa mới chẳng hạn, nếu trước đó
người ta chưa thuyết phục được những bậc “lão nông tri điền” trồng thử cho
mọi người thấy tận mắt hiệu quả.2
Tất nhiên, quá trình tác động của truyền thông đại chúng trong môi
trường đô thị phức tạp hơn so với môi trường nông thôn, bởi lẽ ở đô thị,
một người có thể là thành viên của nhiều nhóm cơ bản khác nhau (chứ
không phải chỉ thuộc một hay hai nhóm như ở nông thôn). Nhưng sự tác
động về cơ bản vẫn theo diễn trình như vậy, nghĩa là thông qua những tầng
nấc trung gian trước khi ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng của cá nhân.
Nói cách khác, các quá trình truyền thông đại chúng thường phải được tiếp
nối bởi những quá trình truyền thông liên cá nhân thì mới đạt tới những
hiệu ứng tác động nhất định đối với từng cá nhân. Điều này chứng tỏ vai trò
quan trọng của các nhóm cơ bản đối với cá nhân trong đời sống xã hội.
Ngày nay, khái niệm nhóm đã trở thành một trong những khái niệm
then chốt và xâm nhập vào hầu hết các ngành khoa học xã hội và nhân văn,
bởi lẽ nó giúp cho nhà nghiên cứu khảo sát những mạng lưới cá nhân đã
được định hình hoặc đang định hình trong xã hội. Các ngành nghiên cứu
1
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 55.
Xem Trần Hữu Quang, “Người nông dân Nam bộ và sự đổi mới kỹ thuật”, Tập
san Khoa học và Phát triển, số 15, tháng 4-1984, tr. 31-36
70
này đều phải đề cập tới khái niệm nhóm, nhất là khi phân tích các tập thể,
các cộng đồng, tổ chức, hay kể cả khi phân tích ở cấp độ xã hội tổng thể.1
Thậm chí Mark Granovetter còn quan niệm rằng phương pháp phân tích
mạng lưới xã hội có thể được sử dụng như một công cụ để nối kết giữa cấp
độ phân tích lý thuyết xã hội học vi mô với cấp độ vĩ mô.2
Trong ngành xã hội học, lĩnh vực nghiên cứu nhóm là một lĩnh vực
phong phú, cho phép tìm hiểu sâu mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau
và giữa cá nhân với nhóm cơ bản của mình, tuy nhiên điều này vẫn không
miễn trừ cho nhà xã hội học việc khảo sát và nắm bắt những thực tại rộng
hơn trong đó diễn ra đời sống của các nhóm. Bởi lẽ tổng thể xã hội không
phải chỉ là một tập hợp những nhóm nhỏ đặt cạnh nhau.3
1
Xem B. Orfali, bài đã dẫn, tr. 248.
Xem M. Granovetter, bài đã dẫn, tr. 1360.
3
Xem R. Boudon và F. Bourricaud, sách đã dẫn, tr. 276-277.
2
71
Chương 4
Ý kiến, thái độ và định kiến
Làm thế nào để biết được tâm trạng của một cá nhân hay một nhóm
người nào đó ? Người ta thường có hai cách. Cách thứ nhất là quan sát xem
họ hành động thế nào, phản ứng thế nào, ứng xử thế nào... Những điều này
có thể phản ánh tâm trạng của họ. Cách thứ hai là đề nghị họ phát biểu bằng
lời lẽ các suy nghĩ và ý kiến của họ, chứ ta không chỉ quan sát các hành vi
của họ. Dĩ nhiên ở đây, cái khó là trong thực tế, lời nói và việc làm không
phải lúc nào cũng đi đôi với nhau, ăn khớp với nhau, nhưng điều này hoàn
toàn không có nghĩa là họ nói dối. Nhiệm vụ của nhà xã hội học là làm thế
nào để mô tả và giải thích các ứng xử và các lời lẽ của đối tượng mà mình
khảo sát, và lý giải sự khác biệt nếu có giữa lời nói và hành vi trong trường
hợp này. Nếu ta hiểu rõ được tâm trạng của một cá nhân hay một nhóm
người nào đó, thì ta có thể dự đoán được họ sẽ nói gì hay làm gì trong
những tình huống tương tự.
Muốn biết xem người dân có tin vào Thượng đế hay không, ta nên
hỏi thẳng họ chuyện này, hay là nên quan sát coi họ có đi nhà thờ vào ngày
chủ nhật ? Cả hai cách này đều không ổn, vì cả chuyện đi nhà thờ lẫn
chuyện khẳng định bằng lời lẽ niềm tin của mình đều có thể chỉ đơn giản là
những biểu hiện của việc làm theo lề thói xã hội mà thôi. Nhà xã hội học
không thể từ đó rút ra kết luận về niềm tin của họ, nếu không tiến hành
khảo sát và lý giải một cách tinh tế hơn và sâu hơn.1
Nơi giới khoa học xã hội, ở đây chúng ta thấy có hai khuynh hướng
khác biệt nhau. Các nhà dân tộc học cho rằng những điều mà người ta nói
thường không quan trọng lắm, cho nên cần phải quan sát xem họ sống thế
nào. Còn các nhà tâm lý học thì lại nghĩ rằng chỉ cần đặt ra những câu hỏi
một cách khéo léo là có thể thu thập những câu trả lời có giá trị, có thể được
trực tiếp sử dụng để phân tích và lý giải.2 Đối với nhà xã hội học thì có lẽ
một giải pháp thích đáng nằm ở chỗ làm sao kết hợp được cả hai phương
pháp ấy, tùy vào bối cảnh từng đề tài mà chú trọng phương pháp này hay
phương pháp kia.
1
Xem H. Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle édition
refondue, 2003, tr. 64.
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 64-65.
72
Phương pháp thăm dò công luận (public opinion) đã được sáng chế
và hoàn chỉnh vào thập niên 1940 bởi George Gallup (1901-1984), một
chuyên viên về kỹ thuật điều tra và chọn mẫu, người Mỹ. Đây là phương
pháp cho phép đo lường ý kiến hay tâm trạng của một nhóm xã hội hay một
quốc gia vào một thời điểm nhất định. Phương pháp này bây giờ không còn
chỉ là công cụ của ngành tâm lý học xã hội, mà trở thành một công cụ quản
lý xã hội.1
A. Định nghĩa ý kiến và thái độ
Ý kiến (opinion) là một phán đoán chủ quan, dựa trên một cách hiểu
biết nào đó về thực tại, bộc lộ một tâm trạng hay một cách nhìn của một cá
nhân hay một nhóm xã hội. Mỗi người thường cho rằng ý kiến của mình là
đúng. Người lao động Pháp cho rằng rượu vang là thứ nước uống cần thiết
trong bữa ăn. Người Việt Nam thì cho rằng hầu như bất cứ món ăn gì cũng
không thể thiếu nước mắm. Có một thời, đa số dân da trắng ở Nam Phi cho
là trình độ thông minh của người da trắng cao hơn so với dân da đen...
Trong công việc khảo sát thực địa, để có công cụ thuận tiện cho thao
tác điều tra và phân tích, người ta thường định nghĩa khái niệm “ý kiến”
như sau : một ý kiến là sự đồng ý (hoặc sự phản đối) với mức độ đậm nhạt
nào đó đối với một vấn đề nào đó, vào một thời điểm nào đó.2 Vì thế, nếu ta
đặt cũng một câu hỏi nhưng vào một thời điểm khác, có bối cảnh xã hội
khác, thì rất có thể cá nhân sẽ không trả lời giống y như lần trước nữa.
Chẳng hạn một câu hỏi cho cử tri Mỹ, “Ông/bà có thích Tổng thống
Bush hay không ?” Và câu trả lời có thể là “rất thích”, “hơi thích”... cho đến
“rất ghét”. Nhưng nếu ta thay đổi cách nêu mệnh đề (thí dụ :"Tổng thống
Bush có làm ông/bà hài lòng không ?”), hoặc xê dịch thời điểm điều tra (thí
dụ trước hay sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh, trước hay sau một đợt tăng
thuế...), thì chắc hẳn câu trả lời của cùng một người có thể sẽ khác nhau rất
xa. Đó là điều bình thường, bởi lẽ người ta có thể thay đổi ý kiến tùy theo
diễn biến của hoàn cảnh bên ngoài.
Thái độ (attitude) có thể được định nghĩa là một tâm thế ít nhiều ổn
định, dựa trên đó người ta có những ứng xử và những ý kiến về một chủ đề
1
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 65.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 66.
73
nào đó.1
Nếu ta đặt ra một loạt câu hỏi cho một cá nhân, thông thường ta sẽ
nhận thấy là những câu trả lời của cá nhân này bộc lộ một mối liên hệ nhất
quán nào đó giữa chúng với nhau. Chẳng hạn, nếu một người Pháp đã nói là
“rất thích” Tổng thống Mitterrand (thuộc Đảng xã hội), thì có nhiều khả
năng là người này sẽ không ưa Đảng cộng hòa hay Mặt trận quốc gia thuộc
cánh hữu, và rất có thể người này sẽ bầu cho Đảng xã hội, ủng hộ những lập
trường của đảng này, v.v. Như vậy là đằng sau những ý kiến phát biểu về
chuyện này, chuyện khác, ở một mức độ sâu hơn, chúng ta có thể khám phá
ra thái độ của người ấy.
Thái độ là cái luôn luôn có quan hệ với một đối tượng nào đó, dù đó
là một sự vật, một tổ chức xã hội, hay là một giá trị. Trong xã hội học,
người ta thường định nghĩa “thái độ” là hệ thống những điều xác tín tương
đối ổn định, liên quan đến một đối tượng nào đó, và xuất phát từ một cách
đánh giá nào đó về đối tượng ấy. Hệ thống các xác tín này dẫn đương sự
đến một kiểu phản ứng hay ứng xử nào đó nhất định. Nói cách khác, có thể
nói “thái độ” là cái làm cho một cá nhân sẵn sàng phản ứng theo một kiểu
nhất định khi gặp một đối tượng hay hoàn cảnh nào đó.2 Như vậy, thái độ
không phải chỉ là một phản ứng riêng lẻ, cá biệt, mà là một lối phản ứng
nào đó tương đối ổn định và lâu dài đối với một đối tượng. Một người
không ưa mèo sẽ khua chân đá con mèo đi mỗi khi con mèo đi ngang chạm
vào chân mình, hay sẽ đứng lên đuổi khi thấy con mèo bước vào phòng
mình... Phản ứng “ghét mèo” sẽ trỗi dậy mỗi khi bắt gặp vật kích thích
(stimulus) là con mèo.3
Về mối liên hệ giữa ý kiến và thái độ, nhà tâm lý học người Anh gốc
Đức Hans J. Eysenck (1916-1997) đã đưa ra sơ đồ sau đây để mô tả cấu
trúc của các ý kiến và các thái độ.4 Trước hết là những ý kiến lẻ tẻ, ngẫu
nhiên (cấp 1) ; một người ngày hôm nay phát biểu thế này, nhưng thực ra ý
kiến này không quan trọng đối với anh ta, vì ngày mai anh ta có thể ủng hộ
ý kiến khác. Kế đó là những ý kiến lặp đi lặp lại tương đối thường xuyên
nơi một cá nhân, đấy là những ý kiến ổn định (cấp 2). Sau đó, ở mức độ sâu
hơn, chúng ta có thể khám phá ra những “thái độ” (cấp 3), chẳng hạn thái
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 67.
Xem M. Grawitz, Méthodes des sciences sociales, 8ème édition, Paris, Dalloz,
1990, tr. 571.
3
Xem M. Grawitz, sách đã dẫn, tr. 572.
4
Dẫn lại theo M. Grawitz, sách đã dẫn, tr. 573-574.
2
74
độ phân biệt chủng tộc ; lúc này không còn là ý kiến cá biệt, lẻ tẻ, mà là một
tập hợp nhiều ý kiến tương đối ổn định – cấu tạo nên thái độ. Và cuối cùng
là mức độ thâm sâu nhất mà Eysenck gọi là ý thức hệ (ideology) (cấp 4) :
các thái độ thường có mối liên hệ nhất quán với nhau, do cùng xuất phát từ
một thứ ý thức hệ chung (thí dụ : ý thức hệ bảo thủ, thường bao gồm thái độ
phân biệt chủng tộc, thái độ đề cao quyền lực trong việc giáo dục trẻ em,
cùng một số thái độ chính trị, xã hội và tôn giáo khác).
Tuy nhiên, về mối liên hệ giữa thái độ và hành động, giới khoa học
xã hội, nhất là nơi các nhà tâm lý hội xã hội, đã từng không ngừng tranh
luận từ lâu là liệu có mối liên hệ trực tiếp hay không giữa hai vế này. Sau
gần 60 năm tranh luận, người ta mới đi tới chỗ đồng ý với nhau rằng “thái
độ [...] chỉ là một trong những nhân tố ảnh hưởng tới ứng xử”.1 Và theo một
tác giả khác thì người ta chỉ có thể kết luận rằng “nói tóm lại, các thái độ có
những ảnh hưởng tới ứng xử” ; ông viết : “Tuy nhiên, vấn đề là liệu những
ứng xử đặc thù nào đó có chịu ảnh hưởng bởi một thái độ cụ thể thì điều
này tùy thuộc vào các hoàn cảnh, và do đó, đây là một vấn đề thường
nghiệm cụ thể.”2
B. Thang thái độ
Khái niệm “thái độ” định nghĩa như trên đây, do đó, không phải là
điều mà ta có thể quan sát trực tiếp, mà là được phân tích thông qua việc
tổng hợp nhiều chỉ báo khác nhau. Thái độ là một nhân tố nằm bên dưới,
tàng ẩn, chi phối các lời nói hoặc hành động, và thường mang nặng tính
chất cảm tính. Thái độ thường không phải là cái mà cá nhân tự mình xác
lập, mà là hệ quả của những tác động của môi trường xung quanh ; quá
trình xã hội hóa (trong đó chủ yếu là giáo dục) chính là quá trình hình thành
nơi cá nhân những thái độ phù hợp với các giá trị và quy tắc của một nhóm
hoặc của một xã hội.
Trong một bản câu hỏi, nếu ta sắp xếp những câu hỏi về một số ý
kiến khác nhau theo một trật tự nào đó, ta có thể đi đến chỗ nhận diện ra
được một thái độ đối với một vấn đề nào đó. Kỹ thuật phân tích thái độ này
1
2
Icek Ajzen, Martin Fishbein, Understanding Attitudes and Predicting Social
Behavior, 1980, dẫn lại theo J. Scott, G. Marshall (Eds.), A Dictionary of
Sociology, 3rd edition revised, New York, Oxford University Press, 2009, tr.
30.
Richard Eiser, Social Psychology: Attitudes, Cognition and Social Behaviour,
1986, dẫn lại theo J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 30-31.
75
được gọi là “thang thái độ” (attitude scale). Qua đó, ta có thể khám phá
được sự nhất quán của từng loại thái độ.
Bảng 1. Thang phân tích thái độ trong một bản câu hỏi
Cá nhân
1
2
3
4
5
6
số 1
+
+
+
+
+
–
số 2
+
+
+
Câu hỏi
số 3
+
+
+
+
–
–
–
–
–
số 4
+
số 5
+
+
–
–
–
–
–
–
–
–
–
Nguồn : Henri Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle
édition refondue, 2003, tr. 67.
Lấy một thí dụ : nếu một người da trắng nào đó trả lời đồng ý cho
mệnh đề “Người da đen là người xấu xí, tôi không thích nhìn thấy họ” (câu
hỏi số 1), thì có ít nhiều khả năng là người này, khi trả lời cho các câu hỏi
tiếp theo, sẽ quan niệm rằng phụ nữ chỉ đóng vai trò phụ thuộc trong xã hội
(câu số 2), rằng một người cha mẫu mực trong gia đình phải là một người
cha đầy quyền uy (câu số 3). Và kế đó, người này sẽ ủng hộ một chính
quyền độc tài (câu số 4), cũng như cuối cùng sẽ đặt nặng giá trị chủng tộc
(tức là óc phân biệt chủng tộc giữa người da trắng và người da màu) (câu số
5).
Tiếp đó, sẽ có những người khác trả lời nhiều cách khác nhau cho
các câu hỏi trên (đồng ý = + , không đồng ý = – ). Sắp xếp lại những người
được phỏng vấn theo cách thức mà họ trả lời các câu hỏi (tương tự như
trong Bảng 1 trên đây), chúng ta có thể thấy được một trật tự thứ bậc trong
cách trả lời cho các câu hỏi nêu trên. Từ đó, chúng ta có thể hình dung và
phân loại những nhóm người từ mức độ có óc phân biệt chủng tộc nặng
nhất (trả lời đồng ý cho cả năm câu hỏi), đến nhóm người hoàn toàn không
có óc phân biệt chủng tộc (trả lời không đồng ý cho tất cả những câu hỏi
này). Nói cách khác, kỹ thuật phân tích này giúp chúng ta đo lường (tức là
định lượng hóa) một thái độ.
Những chiều kích khác nhau của thái độ phân biệt chủng tộc (bộc lộ
qua năm câu hỏi nêu trên) đã được công trình nghiên cứu của Adorno và
các đồng nghiệp đưa ra trong một thang đo mà họ gọi là thang F (tức là
thang đo lường thái độ phát-xít). Các công trình nghiên cứu về sau đã
chứng minh cho thấy mối tương quan chặt chẽ giữa năm câu hỏi trên :
những người mang nặng thành kiến phân biệt chủng tộc thường cũng trả lời
76
đồng ý cho tất cả các mệnh đề này. Kỹ thuật phân tích thái độ dựa trên cách
sắp xếp các câu hỏi theo thứ bậc như trên được gọi là thang đo Guttman
(Guttman scale, đặt theo tên của Louis Guttman vốn là nhà tâm lý học đã
hoàn chỉnh phương pháp này), hay còn được gọi là phương pháp phân tích
theo trật tự thứ bậc (hierarchical analysis).1
Trong lãnh vực đo lường thái độ, cũng còn có một kỹ thuật khác đơn
giản hơn và thường được sử dụng nhiều hơn, đó là thang đo Likert (Likert
scale, đặt theo tên của nhà tâm lý học Rensis Likert). Trong bản câu hỏi,
người ta lập ra một số mệnh đề, khẳng định hoặc phủ định, nhằm làm sao
nhận được những ý kiến khác biệt nhau nhất về chủ đề đang được khảo sát.
Thí dụ, trong một công trình nghiên cứu về sự cảm nhận của người dân đối
với tính công bằng xã hội (social justice), người ta đưa ra những mệnh đề
như “Tình trạng phân phối thu nhập ở Hoa Kỳ là không công bằng”, và
“Trong xã hội Hoa Kỳ, mọi người đều có cơ hội bình đẳng để được thụ
hưởng một nền giáo dục tốt”. Người ta đề nghị người trả lời đánh dấu vào
mỗi mệnh đề ý kiến của mình : hoàn toàn đồng ý, đồng ý, không có ý kiến,
không đồng ý, và hoàn toàn không đồng ý. Sau đó, mỗi câu trả lời sẽ được
mã hóa bằng một trị số điểm tương ứng : 2, 1, 0, –1, –2. Những trị số
điểm này sẽ được tổng hợp theo từng nhóm chủ đề, hoặc cũng có thể được
xử lý bằng phương pháp phân tích nhân tố (factor analysis) để tìm ra những
chiều kích của vấn đề đang được khảo sát.2
Như vậy, thái độ là một khái niệm trừu tượng. Vốn xuất phát từ các
nhà tâm lý học xã hội, khái niệm này bao hàm bốn đặc điểm chính sau đây :
(1) Ta không thể quan sát trực tiếp một thái độ, vì đây là một “biến
số được suy diễn” (inferred variable) căn cứ trên một số ý kiến và một số
ứng xử khác nhau. Đây là một nhân tố ẩn tàng, nằm bên dưới, mà ta có thể
khám phá thông qua phương pháp phân tích nhân tố chẳng hạn, và giúp ta
giải thích được một số ý kiến nào đó.
(2) Vì thái độ là một tâm thế ít nhiều ổn định, nên nó được dùng để
nói đến đặc trưng của một người hay một nhóm, chứ không phải chỉ là đặc
trưng của những hành vi của họ.
(3) Các thái độ thường được phân ra làm hai cực, và thường mang
1
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 66-67.
Xem J. Scott, G. Marshall (Eds.), A Dictionary of Sociology, 3rd edition revised,
New York, Oxford University Press, 2009, tr. 419. Có thể xem thêm M.
Grawitz, Méthodes des sciences sociales, 8e édition, Paris, Dalloz, 1990, tr.
883-884 ; Nguyễn Xuân Nghĩa, Phương pháp và kỹ thuật trong nghiên cứu xã
hội, Hà Nội, Nxb Lao động, 2016, tr. 94-97.
77
nặng cảm tính về một chủ đề nào đó, vì chúng thường có liên quan tới niềm
tin và các giá trị. Thái độ luôn luôn bao hàm một cực thuận và một cực
chống (chẳng hạn hoàn toàn có óc phân biệt chủng tộc và hoàn toàn không
có óc này ; hoàn toàn gia trưởng và hoàn toàn không gia trưởng...).
(4) Các thái độ là những cái được thủ đắc và chịu ảnh hưởng của
những nhân tố ngoại tại. Do đó, xã hội hóa chính là quá trình xác lập nơi
các cá nhân những thái độ thích hợp, có liên quan tới các giá trị và các
chuẩn mực của một nhóm xã hội nhất định.1
C. Thái độ, động cơ và niềm tin
Những thái độ đầu tiên của mỗi con người được hình thành từ lúc
tuổi còn thơ, nhờ quá trình dạy dỗ ban đầu trong gia đình. Có thể coi đấy là
những thái độ mang tính chất nền tảng, nằm sâu xa trong tâm khảm mỗi
người, bàng bạc trong cuộc sống mỗi người. Dần dà khi lớn lên, hình thành
những thái độ khác cụ thể hơn, nhằm đáp ứng cho từng hoàn cảnh sống.
Như vậy, chúng ta có thể phân biệt : một đằng là những thái độ nền tảng –
cơ sở duy trì nhân cách trong suốt cuộc sống một con người ; đằng khác là
những thái độ cụ thể hơn – giúp con người phản ứng với tình huống này,
thay đổi ý kiến trước tình huống khác, v.v. nghĩa là nói chung nhằm thích
ứng với các hoàn cảnh sống cụ thể trong cuộc đời.2
Ở đây, chúng ta cũng cần bàn thêm tới khái niệm “động cơ”
(motivation) và “niềm tin” (hay điều xác tín, belief trong tiếng Anh,
croyance trong tiếng Pháp).
Động cơ có thể được hiểu là khía cạnh “động” của thái độ. Đây là
thuật ngữ dùng để chỉ cái gì thúc đẩy con người hành động và ứng xử.
Trong những năm gần đây, người ta thấy ngày càng có nhiều công ty tiến
hành những cuộc điều tra khảo sát về động cơ mua hàng của khách hàng.
Như vậy tức là khi nói về “động cơ”, người ta thường hiểu đó là loại thái độ
thúc đẩy người ta hành động ; còn khi nói về “thái độ”, người ta thường
muốn nói đến loại thái độ được biểu hiện ra bằng những ý kiến.3
Nếu động cơ là khía cạnh “động” của thái độ, thì niềm tin là khía
cạnh tri nhận (cognitive) của thái độ. Chính vì biết một điều gì đó về một
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 67-68.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 69.
3
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 69.
2
78
hoàn cảnh nào đó, nên chúng ta mới có một thái độ nào đó đối với hoàn
cảnh này. Hiểu theo nghĩa này, thì thái độ là kết quả của một sự hiểu biết
nào đó và một niềm tin nào đó vốn tạo nên nơi cá nhân một số động cơ nhất
định.1
Khảo sát về động cơ thường là phức tạp hơn so với việc khảo sát về
các ý kiến. Khác với một cuộc thăm dò ý kiến theo đó chúng ta có thể đặt ra
những câu hỏi tương đối đơn giản để hỏi một số lượng mẫu đại diện tương
đối lớn, một cuộc khảo sát về động cơ thường được tiến hành với một số
lượng mẫu khá ít (chừng một vài chục người chẳng hạn) điển hình cho một
số tầng lớp xã hội nào đó, qua đó chúng ta chỉ nêu ra một vài câu hỏi, rồi để
cho đương sự tự do phát biểu, bộc bạch tâm tư của họ. Đây chính là kỹ
thuật phỏng vấn tự do, hoặc phỏng vấn không hướng dẫn, và chúng ta sẽ xử
lý các kết quả phỏng vấn theo phương pháp định tính nhằm nhận diện ra
các động cơ.2
D. Cơ chế tri giác có chọn lọc
Người ta đã khám phá ra rằng cái làm cho thái độ của mỗi người
tương đối ổn định, chính là cơ chế tri giác có chọn lọc (selective
perception). Đứng trước một thực tại, người ta thường chỉ nhìn cái mà
người ta muốn nhìn, hay nói đúng hơn, là người ta chỉ nhìn cái gì có ý nghĩa
đối với mình. Chính thái độ tàng ẩn mà người ta có sẵn về thực tại đã làm
cho người ta có cái nhìn chọn lọc ấy ; và đồng thời, cái nhìn chọn lọc này
lại càng củng cố thêm cho thái độ có sẵn.
Trong một công trình nghiên cứu ở Pháp,3 người ta đã làm thử một
thí nghiệm như sau. Người ta trình bày cho một nhóm người nghe về những
đặc trưng chung của một người công nhân bình thường : công nhân là người
làm việc hưởng lương trong một xí nghiệp, có những đặc điểm nhất định về
tay nghề, văn hóa, cũng như về lập trường chính trị (chẳng hạn công nhân
thường bầu cho Đảng cộng sản) v.v. Và người ta thêm vào trong bản mô tả
ngắn gọn ấy mệnh đề sau : “Công nhân là người thông minh”. Sau đó,
người ta đề nghị những người có mặt nhắc lại những điều vừa nghe.
Những người vốn có thiện cảm với giới thợ thuyền đều nói lại rằng
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 70.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 70.
3
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 71.
2
79
công nhân là người thông minh, và lập lại đầy đủ các đặc trưng vừa được
trình bày. Ngược lại, những người vốn có thái độ không ưa giới thợ thuyền
thì cũng lập lại gần như đủ các đặc trưng nói trên, ngoại trừ chi tiết duy nhất
mà họ không nhắc lại, đó là : công nhân là người “thông minh”. Họ chỉ ghi
nhớ những đặc trưng phù hợp với định kiến có sẵn của họ về công nhân
(làm việc ở nhà máy, làm công ăn lương...), nhưng về điểm “người công
nhân thông minh” thì vì điều này không ăn khớp với định kiến của họ, nên
nó đã bị trí nhớ của họ gạt ra ngoài.
Khi đứng trước tình cảnh đối lập giữa định kiến với một thực tế (như
trường hợp trên đây), người ta thường có mấy cách phản ứng như sau :
(1) phủ định một cách đơn thuần, bằng cách “quên” đi chi tiết nói
rằng công nhân là người thông minh ;
(2) giải pháp thứ hai là bóp méo đi cho phù hợp với định kiến của
mình, chẳng hạn thay vì nói công nhân là người “thông minh”, thì lại nói là
họ “khôn khéo” hoặc “lanh lợi” với hàm ý có pha một chút mỉa mai vào đó
cho phù hợp với quan niệm coi thường công nhân ;
(3) phủ nhận hoàn toàn hình ảnh người công nhân này, cho rằng đây
là một hình ảnh vô lý, không nhất quán, vì công nhân không phải như vậy ;
(4) thay đổi lại định kiến của mình khi thấy có nhận định mới mẻ
này – nhưng giải pháp thứ tư này rất hiếm khi xảy ra, vì con người ta luôn
luôn có xu hướng bảo vệ định kiến cố hữu của mình ; và thường người ta
cần phải trải qua rất nhiều kinh nghiệm trái ngược thì mới xem xét lại định
kiến của mình.1
E. Thái độ : có thể thay đổi
Tuy nhiên, cần phải nói là thái độ chỉ là điều tương đối ổn định mà
thôi – nghĩa là thái độ có thể thay đổi. Nhất là trong hoàn cảnh một xã hội
đang biến chuyển nhanh, người ta thường buộc phải thích ứng theo các
hoàn cảnh thực tế, và buộc phải làm sao cho những suy nghĩ và thái độ căn
bản của mình phù hợp với những môi trường mới. Khi một người thay đổi
môi trường xã hội hoặc môi trường nghề nghiệp, anh ta buộc phải thay đổi
cách nhìn vốn có của mình (thái độ và ứng xử) đối với môi trường mới, giới
đồng nghiệp mới. (Thí dụ : một người thăng tiến từ vị trí công nhân lên vai
trò của một cán bộ quản lý.)
Một công trình khảo cứu của Seymour Lieberman đã chứng minh
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 71-72.
80
rằng thái độ của cá nhân có thể thay đổi khi họ chuyển đổi vị trí xã hội.1
Vào đầu thập niên 1950, tại một nhà máy nọ, trong vòng chưa đầy một
năm, có 23 công nhân được đề bạt lên làm đốc công, và 35 công nhân được
bầu làm đại diện nghiệp đoàn để thay thế cho những người đại diện đã hết
nhiệm kỳ. Tuy nhiên hai năm sau đó, do kinh tế suy thoái, nhà máy phải
cho nhiều người nghỉ việc. Hệ quả là có 8 đốc công bị cho xuống chức
thành công nhân thường.
Qua kết quả khảo sát bằng một bản câu hỏi (có 16 câu hỏi),
Lieberman nhận thấy những công nhân nào đã được thăng lên làm đốc công
thì có thái độ ủng hộ ban giám đốc rõ rệt hơn, và có thái độ thù nghịch hơn
với các nghiệp đoàn. Trong khi đó, những người bị mất chức đốc công thì
phần lớn đều có trở lại thái độ của mình trước khi được thăng chức. Những
người được bầu làm đại diện nghiệp đoàn thì có thái độ ủng hộ nghiệp đoàn
nhiều hơn, nhưng vẫn không có thái độ thù nghịch đối với ban giám đốc.
Theo Lieberman, sự thay đổi thái độ diễn ra đậm nét nơi các đốc công, hơn
là nơi các đại diện nghiệp đoàn ; điều này có thể dễ dàng được giải thích là
do các đốc công là những người đã thay đổi hoàn toàn vị trí của mình trong
nhà máy, trong khi đó, các đại diện nghiệp đoàn vẫn còn là công nhân.2
F. Định kiến
Các thái độ và động cơ có thể được kết tinh lại thành một định kiến
(hay thành kiến) có cấu trúc chặt chẽ, trong đó các thái độ càng được củng
cố bởi những đặc điểm của nhân cách (personality). Dựa trên thang đo F
của Adorno (đã đề cập ở mục B trên đây) vốn bao hàm cả chiều kích thái độ
độc đoán chuyên quyền, lẫn chiều kích nhân cách, Hans Eysenck đã áp
dụng phương pháp phân tích nhân tố vào việc khảo sát các ý kiến chính trị,
và ông đã nhận diện ra được hai nhân tố : nhân tố R (thái độ chính trị : xu
hướng bảo thủ / xu hướng tự do3), và nhân tố T (nhân cách : cứng rắn /
1
S. Lieberman, “The Effects of Changes in Roles on the Attitudes of Role
Occupants”, Human Relations, Vol. 9, No. 4, tr. 385-402, dẫn lại theo H.
Mendras, sách đã dẫn, tr. 72-73.
2
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 73.
3
Trong lãnh vực chính trị, xu hướng bảo thủ (conservatism) là xu hướng không
muốn có, và ngăn cản, những sự thay đổi mạnh mẽ hoặc đột ngột trong xã hội.
Còn xu hướng tự do (liberalism) là xu hướng tôn trọng các ý kiến và ứng xử
của người khác, nhất là khi những ý kiến và ứng xử ấy khác với ý kiến của cá
nhân mình ; những người theo xu hướng này cho rằng mỗi cá nhân phải được
quyền chọn lựa lối hành xử của mình mà không bị ai áp đặt.
81
mềm mỏng).1 Sự phối hợp giữa hai nhân tố này cho thấy có bốn khuynh
hướng chính trị, như được trình bầy trong bảng dưới đây.
Bảng 2. Các khuynh hướng chính trị, dựa trên hai nhân tố
Nhân tố R
(thái độ chính trị)
Xu hướng
bảo thủ
Xu hướng
tự do
Nhân tố T (nhân cách)
Cứng rắn
Mềm mỏng
Thiên hữu
Thiên hữu
cứng rắn
mềm mỏng
Thiên tả
Thiên tả
cứng rắn
mềm mỏng
Nguồn : Henri Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle
édition refondue, 2003, tr. 73.
Trong bảng trên, nhân tố R là chiều kích bao hàm những xu hướng
chính trị đối lập nhau (bảo thủ / tự do) ; còn nhân tố T là nhân tố gắn liền
với hai xu hướng nhân cách : hướng nội và hướng ngoại. Trong nhân tố T,
xu hướng “cứng rắn” là xu hướng thiên về thái độ hiếu chiến, thái độ thống
trị, do đó đây cũng thường là một thái độ bất khoan dung (intolerance),
thiên về sự giản lược và lối tư duy cụ thể. Những người “cứng rắn” thường
có lập trường chính trị cực đoan, luôn kiên quyết tin vào những điều mà họ
đã xác tín, và đồng thời, họ cũng có chung những đặc điểm về nhân cách.2
Định kiến về chủng tộc là thứ định kiến mà người ta có thể bắt gặp
hầu như trong mọi nền văn minh trên thế giới. Trong một bài viết nổi tiếng,
Marie Jahoda (1907-2001), nhà tâm lý học xã hội người Anh-Áo, đã cho
thấy là định kiến về chủng tộc có chức năng trấn an những cá nhân nào
đang lo âu về nhân cách của chính mình. Bà viết : “Sự hận thù đối với
những người ngoài nhóm [của mình] giúp cho người ta chấp nhận chính
mình. Cho dù phương thuốc này có dối trá hay giảo quyệt đến đâu chăng
nữa, thì nó vẫn mang một tầm quan trọng then chốt cho sự quân bình tâm lý
của người nào cảm thấy bất an. Người ta dễ loại bỏ người khác hơn là loại
bỏ chính mình. [...] Định kiến xuất hiện khi mà thái độ thù nghịch đối với
một người ngoài nhóm không thể bị lay chuyển bởi kinh nghiệm, và khi mà
thái độ này đảm nhiệm một chức năng tâm lý nơi kẻ có nó [tức có thái độ
này].”3 Jahoda đưa ra một thí dụ về định kiến chủng tộc : một người có lập
trường bài Do Thái, nếu có một bạn thân là người Do Thái, sẽ tìm cách
thoát ra khỏi mâu thuẫn này bằng cách khẳng định rằng bạn ông ta là một
1
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 73.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 74.
3
M. Jahoda, “La fonction psychologique du préjugé racial” (1960), trong H.
Mendras, Éléments de sociologie. Textes, Paris, Armand Colin, 1978, tr. 92-93.
2
82
trường hợp ngoại lệ, và rằng anh bạn này hoàn toàn không có những tật xấu
của một người Do Thái.1
Tuy nhiên, các định kiến không phải chỉ được giải thích bằng những
lý do cá nhân, mà còn được củng cố bởi những yếu tố xã hội và kinh tế.
Theo H. Mendras, khi mà một khu phố ở Mỹ trở thành nơi có đa số cư dân
là người da đen, hay ở Pháp, là người Magreb (vùng Bắc Phi), thì giá cả nhà
cửa sụt xuống 50%, và người Mỹ da trắng hay người Pháp “gốc” sẽ thấy trị
giá căn nhà của mình chỉ còn một nửa, nếu bán đi cũng khó lòng kiếm được
một chỗ khác tương tự. Ngay cả trường học của khu phố, nếu bao gồm đa
số là trẻ em da đen hay trẻ em người Magreb thì cũng hay bị “dán nhãn” và
khinh miệt, và các gia đình trung lưu thường tìm cách dời sang khu phố
khác để con em mình được học hành “tử tế” hơn.2
Định kiến về giới cũng là một vấn đề được bàn luận và phân tích rất
nhiều trong những thập niên gần đây, kể cả ở Việt Nam. Trong một công
trình khảo sát vào năm 2010 về chiều kích giới trong sách giáo khoa từ tiểu
học tới trung học của nền giáo dục phổ thông ở Việt Nam, chúng tôi đã tìm
hiểu cấu trúc giới của các nhân vật xuất hiện trong sách giáo khoa và đặc
điểm của từng giới xét theo vai trò và nghề nghiệp của các nhân vật.3 Kết
quả cho thấy mặc dù chưa thể kết luận về định kiến giới, nhưng đã có nhiều
bằng chứng chứng tỏ một xu hướng thiên vị nam giới khá rõ rệt.
Nhìn chung trong toàn bộ sách giáo khoa của sáu môn được khảo
sát, các nhân vật nam giới xuất hiện nhiều hơn hẳn so với nữ giới, nhất là
trong văn bản (chữ viết). Phần lớn các nhân vật trong văn bản đều là nam
giới, chiếm 69%, nữ giới chỉ đạt 24% (còn lại 7% là trung tính hoặc không
rõ). Trong các hình ảnh, sự chênh lệch nam/nữ có phần nhẹ hơn : nam
chiếm 58%, nữ 41% (và 0,6% là không rõ).
1
Xem M. Jahoda, bài đã dẫn, tr. 85.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 75.
3
Bằng cách áp dụng phương pháp phân tích nội dung (content analysis), chúng
tôi đã tiến hành xử lý và phân tích các cuốn sách giáo khoa của sáu môn học
chính ở cả ba cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, và trung học phổ thông). Đó là
các môn như sau : (1) Tiếng Việt, ngữ văn : Tiếng Việt từ lớp 1 tới lớp 5, Ngữ
văn từ lớp 6 tới lớp 12 ; (2) Toán : Toán từ lớp 1 tới lớp 9, Hình học từ lớp 10
tới lớp 12, Đại số lớp 10, Đại số và giải tích lớp 11, Giải tích lớp 12 ; (3) Đạo
đức, giáo dục công dân : Đạo đức từ lớp 1 tới lớp 5, Giáo dục công dân từ lớp 6
tới lớp 12 ; (4) Khoa học : Tự nhiên và xã hội từ lớp 1 tới lớp 3, Khoa học từ
lớp 4 tới lớp 5 ; (5) Lịch sử, địa lý : Lịch sử và địa lý từ lớp 4 tới lớp 5, Lịch sử
từ lớp 6 tới lớp 12 ; và (6) Anh văn : từ lớp 6 tới lớp 12.
2
83
Xét theo từng cấp học, sách giáo khoa cấp tiểu học đưa ra một hình
ảnh khá cân bằng về cấu trúc giới, nhất là đối với các nhân vật trong lứa
tuổi thiếu nhi ; nhưng càng lên cấp học cao hơn, tỷ lệ nữ giới giảm dần và
tỷ lệ nam giới tăng mạnh hơn. Trong nội dung văn bản, số nhân vật nam
giới xuất hiện từ tỷ lệ 51% nơi sách giáo khoa cấp tiểu học, 67% nơi cấp
trung học cơ sở, và lên tới 81% nơi cấp trung học phổ thông. Còn trong
hình ảnh, số nhân vật nam giới chiếm từ tỷ lệ 56% nơi cấp tiểu học, 57%
nơi cấp trung học cơ sở, và lên tới 71% nơi cấp trung học phổ thông.
Mặt khác, thế giới của phụ nữ trong sách giáo khoa có xu hướng bị
khuôn hẹp vào không gian gia đình : nếu phụ nữ vắng bóng hơn so với nam
giới ở phần lớn các cuốn sách giáo khoa của các cấp học lẫn các môn học,
thì ngược lại, phụ nữ lại xuất hiện nhiều hơn trong vai trò làm mẹ (đông
hơn so với vai trò người cha), vai trò làm vợ (đông hơn so với vai trò người
chồng), hay vai trò bà nội hay bà ngoại (đông hơn so với vai trò ông nội hay
ông ngoại). Trong khi đó, hình ảnh nam giới được trình bầy theo hướng
thiên về các hoạt động bên ngoài gia đình và các hoạt động chuyên môn
nghề nghiệp ngoài xã hội nhiều hơn hẳn so với nữ giới.
Công trình này đi đến nhận xét như sau : một cách tổng quát, “có thể
nói thế giới người lớn trình bày cho học sinh qua sách giáo khoa chủ yếu là
một thế giới của đàn ông.”1
G. Ý kiến tập thể và thái độ tập thể
Nhiều cuộc điều tra xã hội học đã chứng minh rằng, đối với cùng
một vấn đề, vào một thời điểm nhất định, có thể có những ý kiến cá nhân và
một ý kiến tập thể. Chẳng hạn đối với cùng một câu hỏi, ta thấy có nhiều
người trả lời đồng ý. Nếu số người này được chọn một cách tình cờ và họ
chẳng có liên hệ gì với nhau, thì chuyện có nhiều người trả lời đồng ý cho
câu hỏi ấy chỉ là một chuyện ngẫu nhiên, và đơn giản là họ có cùng một ý
kiến về câu hỏi ấy, thế thôi. Nhưng nếu số người ấy được chọn trong một
nhóm xã hội nhất định, thì ta có thể coi ý kiến đồng ý ấy là một ý kiến tập
thể, vì đó là ý kiến của đa số các thành viên của nhóm xã hội đó.2
1
Xem Trần Hữu Quang, “Khảo sát chiều kích giới trong sách giáo khoa của nền
giáo dục phổ thông ở Việt Nam”, Tạp chí Khoa học xã hội (TP.HCM), số 5
(153), 2011, tr. 7-18.
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 75.
84
H. Mendras đưa ra một thí dụ như sau. Giả sử một cuộc điều tra ở
Pháp cho thấy những người có mức thu nhập từ 5.000 tới 10.000 franc
không thích ông Jacques Chirac1 lắm, trong khi những người có thu nhập
trên 20.000 franc thì lại rất thích ông ta. Đây là ý kiến của những người
thuộc về những tầng lớp xã hội khác nhau, chứ không thuộc về những nhóm
xã hội khác nhau. Có thu nhập ở một mức nào đó không có nghĩa là thuộc
một nhóm xã hội, mà chỉ đơn giản là nằm trong một tầng lớp nào đó mà
thôi. Trong ngành xã hội học, sự phân biệt giữa một tầng lớp xã hội (dựa
trên một tiêu chuẩn hoặc một đặc điểm nào đó) với một nhóm xã hội (vốn
có những đặc trưng của nó)2 là một điều hết sức căn bản.3
Chúng ta hãy xem thí dụ sau.4 Tại một thị trấn nhỏ gần New York
(Mỹ) mang tên Elmwood, người ta dự tính xây lại ngôi trường, vì đã quá
cũ. Nhưng vì lúc đó, số lượng học sinh của thị trấn không còn đông bao
nhiêu, nên người ta bèn tham khảo ý kiến người dân xem họ muốn xây
dựng ngôi trường ngay tại thị trấn của họ, hay tại một thị trấn khác gần đó,
hay tại một địa điểm nằm giữa hai thị trấn. Vì câu hỏi được nêu ra một cách
chung chung và trong bối cảnh mà người dân không quan tâm tới vấn đề
này, nên kết quả người dân trả lời như sau : 15% cho rằng cần xây trường
ngay tại Elmwood, 62% nói là sao cũng được, và 3% nói là nên xây tại nơi
khác. Như vậy, ta thấy lúc này chưa có ý kiến tập thể về vấn đề này.
Sau đó ít lâu, thị trấn này nhận được một thông tư của Bộ Quốc gia
Giáo dục chỉ thị rằng cần phải xây dựng lại sớm ngôi trường này, và vì thế
cần xác định ngay địa điểm để tiến hành xây dựng. Lúc đó, người ta lại đặt
lại câu hỏi như lần trước, nhưng kết quả trả lời lần này như sau : 77% nói là
cần xây trường ngay tại Elmwood, 6% không có ý kiến nhất định, và 1% trả
lời là cần xây tại nơi khác. Kết quả này cho thấy tại thị trấn ấy vừa nảy sinh
một ý kiến tập thể, do lúc này vấn đề đã thu hút mối quan tâm của mọi
người và buộc họ suy nghĩ.
Qua thí dụ trên đây, chúng ta đi đến nhận định như sau : kết quả của
cuộc điều tra lần đầu cho thấy ở thị trấn Elmwood chưa hình thành một ý
kiến tập thể về vấn đề xây trường (vì vấn đề chưa được đặt ra một cách bức
bách, cụ thể, nên mọi người còn thờ ơ với câu hỏi nêu ra). Nếu trình bầy kết
1
Ông Jacques Chirac làm tổng thống Pháp từ năm 1995 tới năm 2007.
Về khái niệm nhóm xã hội, xin xem lại Chương 3.
3
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 76.
4
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 77.
2
85
quả này trên biểu đồ, ta sẽ thấy đường biểu diễn có dạng hình quả chuông
(thường được gọi trong thống kê là phân phối Gauss, hay phân phối chuẩn)
(xem Biểu đồ 1). Trong biểu đồ này, số đông nhất là số người có ý kiến
lưng chừng, “sao cũng được”, hoặc không có ý kiến. Đối với bất cứ vấn đề
gì, nếu ta hỏi ý kiến một nhóm người nào đó vốn không có ý kiến tập thể,
để xem họ nghĩ gì, thì chắc chắn ta sẽ có kết quả các câu trả lời theo dạng
hình quả chuông. Điều này có nghĩa đây chỉ là tổng cộng các ý kiến cá
nhân, chứ không phải là một ý kiến tập thể được đông đảo nhiều người chia
sẻ.1
Biểu đồ 1. Tổng cộng các ý kiến cá nhân (có dạng phân phối chuẩn)
Số người
trả lời
–
Phản đối
=
Không ý kiến
+
Ủng hộ
Nguồn : Henri Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle
édition refondue, 2003, tr. 76.
Nhưng qua lần điều tra thứ hai ở thị trấn Elmwood, ta thấy đã hình
thành một ý kiến tập thể rõ rệt. Nếu trình bày kết quả trên biểu đồ, ta sẽ
thấy là thông thường, các ý kiến tập thể sẽ mang một trong những dạng
phân bố như trong Biểu đồ 2 : (a) đa số sẽ thiên về ý kiến phản đối hoặc
không đồng ý ; (b) đa số sẽ thiên về ý kiến ủng hộ hoặc đồng ý ; (c) đường
biểu diễn sẽ mang chữ U nếu các ý kiến phân hóa ra hai cực, một bên phản
đối (hoặc không đồng ý) và một bên ủng hộ (hoặc đồng ý).2
1
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 76.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 76.
86
Biểu đồ 2. Ý kiến tập thể (có những dạng phân phối khác nhau)
–
=
+
–
=
+
–
=
+
Nguồn : Henri Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle
édition refondue, 2003, tr. 76.
Một thí dụ khác sau đây sẽ cho chúng ta thấy rằng : các ý kiến tập
thể bộc lộ thế nào là tùy thuộc vào bối cảnh.1 Người ta đã hỏi ý kiến những
người theo hai hệ phái Tin Lành là phái methodist (Giám lý) và phái baptist
(Báp-tít) để xem họ tán thành nghi lễ rửa tội bằng cách vẩy nước hay bằng
cách nhúng người vào nước. Ta cần biết rằng đây là một điểm hệ trọng
trong quan niệm thần học của mỗi phái : phái methodist cho rằng phải vẩy
nước lên người được rửa tội ; còn phái baptist thì quan niệm là phải nhúng
cả người vào nước. Cuộc điều tra này đã được tiến hành ngay sau khi các
tín đồ vừa bước ra khỏi nhà thờ.
Hầu hết những người methodist (91%) đều trả lời là phải vẩy nước,
9% thì nói là dù sao cũng có thể tạm chấp nhận cả cách nhúng cả người vào
nước, 0% chống lại việc vẩy nước. Ngược lại, những người theo phái
baptist trả lời như sau : 0% đồng ý là phải vẩy nước, 24% đồng ý cả cách
vẩy nước lẫn cách nhúng người vào nước, và 76% cho rằng nhất thiết phải
nhúng người vào nước.
Thế rồi người ta lại đặt cũng câu hỏi này, nhưng lần này lồng nó vào
trong một bản câu hỏi liên quan đến những lãnh vực khác, và hỏi trong một
bối cảnh không có dính dáng gì tới tôn giáo. Kết quả như sau : nơi người
methodist, lần này, chỉ có 16% cho là phải vẩy nước (so với tỷ lệ lần trước
là 91%), 78% nói là cách nào cũng được, và 7% nghĩ là phải nhúng người
vào nước. Còn nơi người baptist, 0% cho là phải vẩy nước, 85% đồng ý với
cả hai cách, và chỉ còn 15% cho là phải nhúng cả người vào nước (so với tỷ
lệ lần trước là 76%).
1
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 77.
87
Như vậy, chúng ta chứng kiến là trong hai trường hợp khác nhau,
người ta có thể có những ý kiến hoàn toàn khác biệt nhau, thậm chí đối lập
nhau. Trong trường hợp này, chúng ta không thể nhận định là có những
người nói dối hoặc không tin vào điều mình nói, vì nhà xã hội học không
bao giờ được đưa ra những phán đoán giá trị (không bao giờ kết luận rằng
sự kiện này hay sự kiện kia đúng hay sai, phải hay trái, tốt hay xấu...), mà
chỉ xác nhận là có thực tế ấy mà thôi. Vậy ở chỗ này, cần lý giải sự chênh
lệch giữa hai kết quả trên đây thế nào ?
Chúng ta cần lưu ý rằng câu hỏi đã được nêu ra trong hai bối cảnh
hoàn toàn khác nhau : một đằng là khi các đương sự vừa dự lễ xong, và một
đằng là ở một hoàn cảnh khác không liên quan đến sinh hoạt tôn giáo.
Trong một bối cảnh ngoài đời, thường nhật, không liên quan gì tới tôn giáo,
khi đứng trước câu hỏi này, họ chỉ đơn giản bộc lộ những ý kiến cá nhân
của họ. Nhưng với bối cảnh vừa bước chân từ nhà thờ ra, họ đang còn được
bao trùm bởi không khí nghi lễ, ứng xử của họ lúc ấy chủ yếu là ứng xử với
tư cách là thành viên của giáo hội của họ ; chính vì thế mà họ đã ngay lập
tức trả lời câu hỏi theo dạng của một ý kiến tập thể. Trong bối cảnh vừa dự
lễ xong, ứng xử của các tín đồ chịu sự chi phối của những thái độ tập thể
sâu xa trong lòng họ ; còn trong một bối cảnh thường nhật khác, thì ảnh
hưởng của những thái độ tập thể ấy còn ở dạng tiềm ẩn, không được bộc lộ
ra.1
Thí dụ trên đây cho thấy là việc giải thích các kết quả thăm dò dư
luận là chuyện không đơn giản chút nào. Bởi lẽ khi đứng trước cùng một
vấn đề, một người có thể những ý kiến tưởng chừng như mâu thuẫn nhau,
nhưng thực ra là phụ thuộc vào bối cảnh mà câu hỏi được nêu ra. Cũng do
đó, vấn đề được đặt ra ngay từ khi chuẩn bị điều tra là : câu hỏi nên được
nêu ra trong bối cảnh nào. Mặt khác, cũng không nên hỏi người ta những
chuyện mà thực ra họ không có hoặc chưa có ý kiến, đơn giản là bởi vì
thông thường người ta dù không có ý kiến cũng cố gắng trả lời cho xong
chuyện, hoặc là “trả lời đại” bằng cách đưa ra một ý kiến nào đấy để khỏi
mất lòng điều tra viên...
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 78.
88
Chương 5
Vị trí, vai trò và địa vị xã hội
Một cách tổng quát, chúng ta có thể hình dung thuật ngữ “vai trò”
(role) được sử dụng trong xã hội học theo ý nghĩa tương tự như các “vai
diễn” trên sân khấu. Trong một vở kịch, mỗi diễn viên phải đóng đúng vai
của mình theo như kịch bản. Không phải là hoàn toàn vô lý khi một số nhà
văn đã so sánh cuộc đời con người như một sân khấu trên đó mỗi người
phải đóng trọn vai của mình. Quả thực, mỗi người trong chúng ta, dù muốn
hay không muốn, đều phải đảm nhận một số vai trò nhất định trong cuộc
sống mà chúng ta học được trong quá trình xã hội hóa.
A. Vị trí và vai trò
Dưới con mắt xã hội học, bất cứ tổ chức hay định chế xã hội nào
cũng đều bao gồm những “vị trí” (position) và tương ứng với chúng là
những “vai trò” (role) nhất định mà mỗi người phải đảm nhiệm. Mỗi vị trí
luôn luôn có những mối liên hệ với những vị trí và những vai trò khác trong
cùng một định chế. Mỗi vị trí (hay mỗi “chức danh” trong một tổ chức, như
chúng ta thường gọi) bao hàm một số nhiệm vụ nhất định. Những nhiệm vụ
này cấu tạo nên vai trò mà mỗi người ở vào một vị trí nào đó phải đảm
nhận.
Trong một trường trung học chẳng hạn, chúng ta thường thấy có
những vị trí như sau : học sinh, giáo viên, hiệu trưởng, hiệu phó, ban đại
diện học sinh, ban cán sự lớp, nhân viên văn phòng, nhân viên vệ sinh, v.v.
Mỗi vị trí đều có vai trò của mình. Vai trò của người giáo viên là giảng dạy.
Vai trò của người học sinh là học hành, rèn luyện. Còn vai trò của người
hiệu trưởng là lãnh đạo và điều hành toàn thể các hoạt động của nhà trường.
Lấy thí dụ vai trò A là vai trò của một giáo viên. Vai trò này đã được
định nghĩa một cách rõ rệt bởi một xã hội nào đó vào một thời kỳ nhất định.
Vai trò xã hội của giáo viên có những mối quan hệ với một số vai trò xã hội
như : B, học sinh ; C, ban giám hiệu ; D, các giáo viên khác ; và E, phụ
huynh học sinh.
89
Sơ đồ 5. Mối quan hệ giữa vai trò A (thí dụ : giáo viên) với các vai trò khác
Nguồn : Henri Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle
édition refondue, 2003, tr. 81.
Vai trò A (của người giáo viên) được xác định bởi những “kỳ vọng”
hay “mong đợi” của những vai trò khác. Học sinh chờ đợi nơi người giáo
viên chuyện giảng bài, dạy dỗ, hướng dẫn, khuyên nhủ... và người giáo viên
cố gắng đáp lại sự mong đợi ấy. Các giáo viên đồng nghiệp khác cũng
mong mỏi nơi người giáo viên này một lề lối làm việc và tư cách xử sự
nghiêm túc, đúng mực. Ban giám hiệu nhà trường lẫn phụ huynh cũng đều
có những kỳ vọng và đòi hỏi nhất định nơi hiệu quả công việc của người
giáo viên.
Dĩ nhiên cũng có thể có một vài giáo viên nào đó làm ngược lại với
những điều mong đợi của học sinh hay của ban giám hiệu, nhưng những
trường hợp này không hề phủ nhận sơ đồ các vai trò trên đây, bởi lẽ khi cố
ý làm ngược lại, thì có nghĩa là họ cũng đã nhìn nhận là có những kỳ vọng
nhất định đối với họ.
Học sinh mong đợi người giáo viên giảng dạy cho mình một cách
hấp dẫn, hứng thú. Và ngược lại, giáo viên mong đợi học sinh cố gắng học
hành, hiểu những điều mình giảng dạy, và đạt được kết quả tốt khi kiểm tra
cuối năm để chứng tỏ với mọi người rằng mình cũng là một giáo viên dạy
giỏi. Mối quan hệ này được coi là một mối “quan hệ đối xứng” (rapport
symétrique) giữa vai trò giáo viên và vai trò học sinh vốn gắn liền chặt chẽ
với nhau.1
Hiển nhiên là người ta không thể hình dung vai trò người thầy nếu
không có học trò, và ngược lại cũng vậy. Tương tự như thế, không thể nói
đến vai trò “người cha” hay “người mẹ” nếu không nói đến một “người
1
Xem H. Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle édition
refondue, 2003, tr 80-81.
90
con”. Tuy nhiên, nói như S. F. Nadel,1 cũng có một số vai trò trong xã hội
không nhất thiết phải đối xứng với, hay ràng buộc vào, một vai trò khác.
Chẳng hạn, đối diện với vai trò nhà văn, người ta có thể nói đến vai trò độc
giả, nhưng thông thường người ta khó xác định được vai trò này một cách
rõ rệt, vả lại, cũng có thể có nhà văn không có độc giả.
Khái niệm “vị trí xã hội” (status) được nhà nhân học Mỹ Ralph
Linton (1893-1953) định nghĩa như “chỗ đứng mà một cá nhân chiếm giữ
trong một hệ thống nhất định vào một thời điểm nhất định”.2 Còn vai trò là
“tổng thể những khuôn mẫu văn hóa gắn liền với một vị trí nhất định. Do
đó, nó bao hàm các thái độ, các giá trị và các lối ứng xử mà xã hội gán cho
một cá nhân và tất cả những ai chiếm giữ vị trí ấy.”3
Chúng ta cũng có thể nói ngược lại : xã hội là một mạng lưới được
dệt nên bởi các vị trí và vai trò. Thí dụ “trẻ em” là một vị trí : ai trong
chúng ta cũng đều coi trẻ em không phải là người lớn, chúng còn phải học
hành, phải được dạy dỗ, phải vâng lời cha mẹ (chẳng hạn trong các xã hội
Á Đông)… Phụ nữ cũng có vị trí riêng của mình, tùy theo xã hội – mỗi xã
hội đều có quan niệm cụ thể của mình về quan hệ giữa nam và nữ (xã hội
này thì “trọng nam khinh nữ”, xã hội khác lại quan niệm ngược lại, và cũng
có xã hội lại đề cao sự bình đẳng nam nữ). Tuổi tác, giới tính thường là
những đặc trưng tạo nên các vị trí. Nhưng “vị trí” này không phải là do đặc
trưng riêng của mỗi người mà có, mà là do quan niệm của xã hội định đoạt.
Thí dụ, đối với xã hội Việt Nam, thông thường chúng ta hiểu “người
cha” là người sinh ra đứa con (cha ruột). Nhưng đối với một số tộc người ở
châu Úc và châu Phi, thì họ lại phân biệt rõ “người cha” khác với “người
đàn ông sinh ra đứa con”. Cũng trong số những dân tộc này, khái niệm “anh
em” không phải là chỉ là anh em ruột (tức có cùng một người cha), mà bao
gồm cả những người con của anh hay em trai của cha mình (tức anh em họ)
– chẳng hạn, anh em họ tôi có quyền và có thể đến ở gia đình tôi bất cứ lúc
nào, và ở luôn nếu muốn, và lúc ấy cha mẹ tôi phải coi họ như con ruột, cho
ăn, nuôi nấng, dạy dỗ...
1
S. F. Nadel, La théorie de la structure sociale, Paris, Minuit, 1970, dẫn lại theo
H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 90.
2
R. Linton, The Cultural Background of Personality, 1945, dẫn lại theo J.-P.
Durand, R. Weil (Dir.), Sociologie contemporaine, Paris, Ed. Vigot, 3e édition
revue et augmentée, 2006, tr. 133.
3
R. Linton, dẫn lại theo J.-P. Durand, R. Weil, sách đã dẫn, tr. 133.
91
Đôi khi người ta không phân biệt rõ khái niệm vị trí với khái niệm
vai trò, và cũng có người dùng lẫn lộn cả hai. Nhưng chúng ta cần phân
biệt : vị trí xã hội được hiểu như là chỗ đứng của mỗi người trong không
gian xã hội. Còn vai trò xã hội là khái niệm dùng để chỉ toàn bộ những
nghĩa vụ và quyền lợi vốn gắn liền với một vị trí xã hội nào đó. Nói cách
khác, “vị trí” là cái cho biết mỗi người là ai (trẻ em, người cha, bác sĩ...) ;
còn “vai trò” là cái cho biết những điều mà người ta phải làm ở vị trí ấy
(trẻ em còn nhỏ nên phải đi học ; người cha phải nuôi nấng và giáo dục con
cái ; bác sĩ phải chăm sóc, chữa trị bệnh nhân...).
Khi nói đến một vị trí nào đó, chúng ta luôn luôn nhìn vị trí này xét
trong mối tương quan với các vị trí khác. Khi đứng ở một vị trí xã hội nào
đó, những ứng xử của chúng ta chủ yếu được quy định bởi những đòi hỏi
mà các vị trí xã hội khác đã gán cho vị trí ấy. Ở mỗi vị trí (công nhân, giám
đốc, bác sĩ, bệnh nhân, giáo viên, học sinh...), chúng ta đều phải thực hiện
vai trò của mình – theo những quy tắc và chuẩn mực mà xã hội đã quy định.
Vị trí và vai trò là những khái niệm khách quan, không phụ thuộc
vào ý muốn chủ quan của người nắm giữ vị trí và vai trò ấy. Trong thực tế,
tùy theo tính khí và đặc điểm của mỗi người, người ta có thể đảm nhận vai
trò của mình một cách nóng tính hơn hoặc điềm đạm hơn so với người
khác, nhưng vẫn luôn phải tuân theo khuôn khổ chủ yếu của vai trò mà
mình đang đảm nhận. Giả sử tôi giữ vai trò của một nhân viên cảnh sát giữ
gìn trật tự giao thông, thì nếu ngày hôm nay tôi bị bệnh, hẳn sẽ phải có một
người khác được phân công thay thế và đảm nhận nhiệm vụ này, không
khác gì tôi. Như vậy, vai trò không phụ thuộc vào cá nhân, và thường tồn
tại trong một thời gian khá dài : hết cá nhân này đến cá nhân khác cứ tuần
tự luân phiên nhau mà đảm nhận một vai trò nhất định. Khi tôi mặc bộ đồng
phục cảnh sát, thì lúc đó tôi phải ứng xử và hành động trong tư thế của một
nhân viên công lực, chứ không phải với tư cách là cá nhân tôi nữa. Nếu tôi
là một bác sĩ đang khám bệnh trong phòng mạch, với chiếc áo choàng trắng
trên người, thì tự khắc tình huống này buộc tôi phải ứng xử như một bác sĩ,
nghĩa là với tất cả mọi nghĩa vụ, mọi tác phong và cử chỉ của một người
bác sĩ. Giả sử tôi phải chẩn đoán bệnh cho một người bạn của tôi, thì hẳn
nhiên là trong lúc bắt mạch, đo huyết áp, cho toa thuốc... tôi phải coi người
ấy trước hết như một bệnh nhân. Và lẽ tất nhiên, anh bạn ấy, lúc đang được
tôi khám bệnh, cũng tự coi mình như một bệnh nhân, và mong mỏi tôi hành
xử công việc của mình như một bác sĩ thực thụ, chứ không còn là một
người bạn thường hay tán chuyện gẫu với anh ta.
92
Về mặt xã hội học, khái niệm “vai trò” thường được sử dụng làm
đơn vị để phân tích các định chế xã hội. Thực ra, mối quan tâm của một
công trình nghiên cứu xã hội học không phải là bản thân các vị trí hay các
vai trò, mà là mối quan hệ giữa các vị trí và vai trò ấy. Vai trò là một khái
niệm quan trọng, vì nó chứng minh cho thấy rằng cuộc sống của cá nhân
chủ yếu là do nhiều vai trò xã hội khác quy định, và do đó thường phải tuân
theo một số khuôn mẫu có sẵn.
Mỗi người thường phải đảm nhận nhiều vị trí và vai trò. Chẳng hạn :
một người đàn ông có thể là một người cha trong gia đình, là một nhân viên
ở xí nghiệp, là một người bạn trong nhóm bạn thân, là thành viên của câu
lạc bộ âm nhạc, là chủ tịch chi hội phụ huynh ở lớp học của đứa con của
mình v.v. Và khi chuyển từ vai trò này sang vai trò khác, người ta thường
cũng phải thay đổi nhanh chóng cung cách ứng xử và tác phong cho phù
hợp. Người cha trong gia đình, buổi sáng sau khi âu yếm và đùa cợt với con
cái một cách thảnh thơi trước lúc đi làm, thì khi đến sở làm, ông ta phải có
ngay thái độ nghiêm túc, kỷ luật và tận tụy với công việc. Một người có thể
sẽ hết sức ngạc nhiên khi tình cờ bắt gặp một người bạn của mình trong tư
thế của một người lãnh đạo đang “hò hét” đối với nhân viên của mình : có
thể anh ta không thể tưởng tượng người bạn hiền lành vui tính của mình lại
có thể nghiêm khắc đến như vậy nơi sở làm...
Giữa những vai trò xã hội khác nhau, đôi khi xảy ra những tình
huống xung khắc lẫn nhau đến mức khó xử. Những trường hợp này thường
được gọi là tình trạng xung đột vai trò (role conflict). Thí dụ một người mẹ
khi con mình bị bệnh thì thường hết sức khổ tâm vì không biết là nên ở nhà
chăm sóc cho con hay là cứ phải đến sở làm như thường lệ. Nếu ở nhà thì e
rằng ban giám đốc trừ lương, đánh giá xấu, thậm chí cho nghỉ việc. Còn nếu
cố gắng đi làm thì cả ngày hôm ấy có lẽ bà ta sẽ áy náy vừa lo lắng cho con,
vừa cảm thấy một cảm giác tội lỗi nào đó...
Đến đây, chúng ta thấy rằng khái niệm “các mối quan hệ xã hội”
trong xã hội học không hẳn được dùng để nói về các quan hệ giữa cá nhân
này với cá nhân khác, mà là để chỉ những mối quan hệ giữa các vai trò xã
hội. Con người ta sống và giao tiếp với nhau chủ yếu thông qua các vai trò
của mình. Người thầy thuốc tiếp xúc với bệnh nhân, người giám đốc xí
nghiệp quan hệ với công nhân, hay kể cả người mẹ trò chuyện với con gái...
đều phản ánh trước hết những mối quan hệ giữa vai trò này với vai trò khác.
Những lối ứng xử của mỗi vai trò ít nhiều đều đã được khuôn mẫu
93
hóa. Và người ta không thể không tuân theo khuôn mẫu ấy, nếu không
muốn bị xã hội chê trách, phê phán – chẳng hạn một người mẹ không thể bỏ
bê việc chăm sóc con cái, một vị tu sĩ thì phải đạo đức và mẫu mực, một vị
bác sĩ thì phải biết tận tình chăm sóc bệnh nhân, một cầu thủ bóng đá thì
phải tận lực tập luyện và đá giỏi...
B. Những kỳ vọng nơi vai trò, và sự cưỡng chế của xã hội
Khi đảm nhận một vai trò nào đó, người ta luôn luôn chú ý đáp ứng
lại những điều mà người khác kỳ vọng hay mong đợi nơi mình
(expectations). Người học sinh phải “đóng vai” của mình (nghĩa là phải học
hành, xử sự...) thế nào để thỏa mãn được sự mong muốn và đòi hỏi của nhà
trường và thầy giáo. Ngược lại, người thầy giáo cũng buộc phải đóng đúng
vai trò người thầy, theo như sự chờ đợi của học trò lẫn yêu cầu của nhà
trường, dù muốn hay không muốn.
Theo Peter Berger, vai trò có thể được định nghĩa là “một sự phản
ứng điển hình đối với một kỳ vọng điển hình”.1 Chính xã hội đã quy định
sẵn lối phản ứng (hay lối ứng xử) điển hình của mỗi vai trò. Hay nói theo
ngôn ngữ sân khấu, xã hội đã cung cấp sẵn kịch bản cho mọi vai diễn.2
Theo Berger, mỗi vai trò đều có “kỷ luật bên trong” của nó (inner
discipline), tức là thứ kỷ luật mà mỗi tác nhân tự áp đặt cho mình, từ bên
trong chủ quan của mình, chứ không phải áp đặt từ bên ngoài vào tác nhân.
Ông viết : “Vai trò đã nhào nặn nên, định hình và đưa cả hành động lẫn
người hành động vào khuôn khổ. [Người ta] [r]ất khó mà giả vờ ở thế giới
này. Bình thường thì ta trở thành cái vai mà ta đóng.”3
Trong xã hội, mỗi cá nhân luôn luôn có một số vai trò nhất định
phải đảm nhiệm trong cuộc đời của mình. Berger đưa ra một thí dụ : một
người sinh viên theo học hai lớp khác nhau với hai giảng viên khác nhau,
mỗi lớp có thể có nhiều tính chất đặc thù (chẳng hạn có lớp thì giảng viên
gần gũi với sinh viên, nhưng có lớp thì giảng viên lại tỏ ra xa cách...),
nhưng tình hình chung ở cả hai lớp thực ra đều giống nhau (cũng tương tự
như ở các lớp khác mà người sinh viên đã trải qua) đến mức đủ để người
sinh viên phải có lối ứng xử thích hợp nhằm đóng vai sinh viên của mình
1
“… a typified response to a typified expectation” (Peter Berger, Lời mời đến với
xã hội học : một góc nhìn nhân văn [1963], Phạm Văn Bích dịch, Hà Nội, Nxb
Tri thức, 2016, tr. 175).
2
Xem P. Berger, sách đã dẫn, tr. 175.
3
Xem P. Berger, sách đã dẫn, tr. 179.
94
một cách đúng đắn.1
“Sân khấu” xã hội có những luật lệ và quy tắc của nó mà mọi người
phải tuân thủ, tùy theo vai trò mà mình đóng trong xã hội (“sắm vai” gì).
“Kịch bản” đã được định đoạt sẵn từ trước, và khó có ai có thể làm khác đi
được : phần còn lại dành cho sự sáng tạo hay sự năng động của mỗi “diễn
viên” có lẽ chỉ là ở chỗ “nhập vai” tốt hơn hay dở hơn, “với ít hay nhiều
hứng khởi” hơn mà thôi.2
Vào phòng mạch của một bác sĩ chẳng hạn, chúng ta chờ đợi (kỳ
vọng) là ông ta sẽ hỏi han về sức khỏe, về bệnh tình, cho toa thuốc... chứ
chúng ta không thể tưởng tượng nổi là một bác sĩ lại có thể đề nghị chúng ta
đánh một ván bài chẳng hạn. Ở các vai trò xã hội khác cũng đều như vậy :
một cảnh sát giao thông, một người công nhân quét đường, một thầy giáo,
một người cha... mỗi vai trò đều có sẵn những chuẩn mực và quy tắc riêng
trong kịch bản mà người ta phải tuân theo, nếu không muốn bị xã hội lên
án, chê cười (chế tài). Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta có thể phải
đóng nhiều vai khác nhau, nhưng trong đa số các trường hợp, chúng ta đều
buộc phải tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực và giá trị mà xã hội đã định đoạt
cho từng vai trò đó.
Quá trình xã hội hóa chính là quá trình mà mỗi cá nhân học cách
đóng các vai trò của mình trong xã hội, để gia nhập vào xã hội. Phần lớn
quá trình học “đóng vai” này đều diễn ra một cách rất tự nhiên, không vất
vả, và hầu như vô ý thức. Từ hồi còn rất nhỏ, mỗi đứa trẻ đều đã bắt đầu
chơi làm nhà, giả đóng vai người cha hoặc người mẹ, vai cô giáo, vai bác sĩ,
chơi các thứ đồ chơi như búp bê, chơi đồ hàng, nghe kể chuyện cổ tích,
nghe cha mẹ nói chuyện... Qua tất cả những trò chơi và sinh hoạt ấy, đứa trẻ
dần dà tiêm nhiễm về hình ảnh thế nào là vai trò người đàn ông, người cha,
thế nào là vai trò người mẹ, người phụ nữ.
Trong quá trình xã hội hóa, xã hội có những hình thức chế tài khác
nhau (bao gồm cả khen thưởng lẫn trừng phạt) để buộc từng cá nhân phải
tuân thủ theo quá trình này. Lẽ tất nhiên, có những biện pháp hình phạt
nặng nhẹ khác nhau, tùy theo lĩnh vực và tùy theo mức độ vi phạm. Nhưng
quá trình xã hội hóa có đặc điểm là làm cho các cá nhân dần dần tự giác và
tự nguyện tuân thủ các lề luật, quy tắc của xã hội. Họ thường “nội tâm hóa”
1
2
Xem P. Berger, sách đã dẫn, tr. 175.
Xem P. Berger, sách đã dẫn, tr. 161.
95
tốt đến mức coi các lề luật và quy tắc đó như của chính mình mà mình phải
bảo vệ và đấu tranh với người khác để hệ thống chuẩn mực này được tôn
trọng.
Cũng tương tự như quá trình học chơi nhảy lò cò của một đứa trẻ :
lúc đầu, vì chưa biết và chưa thuộc luật chơi, nên nó thường phạm lỗi,
thường bị bạn bè đồng lứa trách móc, chê cười, hay thậm chí đuổi ra, không
cho chơi. Dần dà, một khi nó đã quen với trò chơi và thuộc nằm lòng các
quy tắc, thì đến lượt nó, nó sẽ lên tiếng cảnh cáo nếu có đứa bạn nào đó
chơi “ăn gian” hoặc vi phạm luật chơi – lúc này, nó bảo vệ luật chơi làm
như thể luật chơi là của chính nó vậy.
Trong cuộc sống, do mỗi vai trò đều có những kỳ vọng riêng mà xã
hội đòi hỏi, nên mỗi khi phải đảm nhận một vai trò mới, nhân cách của mỗi
người cũng có thể thay đổi theo. Người phụ nữ sau khi lấy chồng thì ở vào
một vị thế khác so với khi còn son trẻ ; do đó, với vai trò mới này, người
phụ nữ có thể sẽ xử sự khác trước, “chững chạc” hơn chẳng hạn.
Trong một cuộc thí nghiệm nổi tiếng về sự “đóng vai” (role-taking)
vào năm 1971, nhà tâm lý học Mỹ Philip Zimbardo ở Đại học Stanford
(Mỹ) đã cho làm một nhà tù giả, có lính canh mặc sắc phục, và có thể thức
sinh hoạt y như nhà tù thật.1 Những người tình nguyện tham gia cuộc thí
nghiệm này được chia làm hai nhóm : “tù nhân”, và “lính cai ngục” ; đám
“lính cai ngục” được chỉ thị là phải tự họ nghĩ ra cách kiểm soát tù nhân.
Đám “tù nhân” không bao lâu sau bộc lộ những hành động chống đối, nổi
loạn ; thế là “lính cai ngục” phản ứng lại, thậm chí đánh đập hung hăng đến
nỗi những người tổ chức cuộc thí nghiệm phải hoảng sợ. Cuộc thí nghiệm
dự tính kéo dài hai tuần bị buộc phải chấm dứt dở dang sau sáu ngày, vì
nhiều “tù nhân” đã bắt đầu tỏ những dấu hiệu điên cuồng, khóc lóc... không
kiểm soát nổi nữa, và người ta sợ là nếu kéo dài thì có nguy cơ dẫn những
khủng hoảng về tâm thần.
Tuy đó chỉ là một cuộc thí nghiệm, tức mang tình huống giả tạo, và
những người tham gia đều biết là sẽ không kéo dài, nhưng nó chứng tỏ rằng
việc đóng một vai trò nào đó có thể ảnh hưởng rất lớn đến ứng xử và nhân
cách của con người. (Chúng ta cũng có thể liên tưởng tới một số vở kịch
trong đó có những màn mà diễn viên “nhập vai” tốt đến mức khóc thật,
1
Xem https://en.wikipedia.org/wiki/Stanford_prison_experiment, truy cập ngày
14-1-2018.
96
hoặc đánh thật…)
Ở đây chúng ta bắt gặp một trong những chủ đề từng được tranh luận
rất nhiều trong ngành xã hội học, đó là vấn đề “kiểm soát” và cưỡng chế
của xã hội đối với cá nhân : những kỳ vọng và đòi hỏi của xã hội nơi mỗi
vai trò có phải là những điều hoàn toàn áp đặt đối với mỗi cá nhân chúng ta
hay không ? Người ta thường phân biệt ba loại kỳ vọng (kỳ vọng tất yếu, kỳ
vọng nghĩa vụ, và kỳ vọng không cưỡng chế) mà xã hội và các nhóm xã hội
thường có để thúc đẩy cá nhân tuân thủ các quy tắc xã hội.1
Kỳ vọng tất yếu (tiếng Pháp : attentes nécessaires, tiếng Anh :
necessary expectations) là loại kỳ vọng mà xã hội buộc cá nhân phải tuân
thủ bằng mọi giá : bất cứ công dân nào cũng đều được giả định là đã biết
pháp luật và có nghĩa vụ tất yếu là phải tôn trọng pháp luật và trật tự công
cộng. Ai vi phạm điều luật nặng nhẹ nào đó thì sẽ chịu hình thức chế tài
tương ứng. Thí dụ, điều mà người kỳ vọng (mong đợi, hay đúng hơn là đòi
hỏi) nơi vai trò người thủ quỹ ở một ngân hàng là không bao giờ “lem
nhem” với công quỹ ; nếu xảy ra chuyện này, người thủ quỹ sẽ bị bắt giam
và bị đưa ra toà án phán xử, và dĩ nhiên không còn được giữ “vai trò” thủ
quỹ nữa.
Kế đến là loại kỳ vọng mang tính chất nghĩa vụ (tiếng Pháp : attentes
obligatoires, tiếng Anh : compulsory expectations). Trong nhiều nhóm xã
hội, các kỳ vọng đối với các thành viên trong nhóm tuy cũng là điều bắt
buộc (nghĩa vụ của mỗi thành viên), nhưng không mang tính chất cưỡng
bức và không dẫn tới những biện pháp gắt gao như trong trường hợp trên.
Chẳng hạn, các thành viên của Hội luật gia, hay các đoàn viên của một
Đoàn công tác xã hội, đều có những nghĩa vụ và quyền lợi của mình, phù
hợp với điều lệ và nội quy của tập thể. Những ai hành động ngược với kỳ
vọng của tập thể, thì tùy theo mức độ nặng nhẹ của chuyện vi phạm nội quy
này mà bị xử lý, phê bình hoặc khai trừ ra khỏi tập thể.
Cuối cùng là loại kỳ vọng không bắt buộc (tiếng Pháp : attentes
facultatives, tiếng Anh : optional expectations). Trong một số nhóm xã hội,
khi một thành viên đi ngược lại kỳ vọng của nhóm hoặc vi phạm nội quy
của nhóm, người này sẽ không bị đe dọa hứng chịu biện pháp cưỡng bức cụ
thể nào. Nhóm chỉ áp dụng những áp lực tinh thần để tác động vào thành
viên (cá nhân sẽ sợ “mất uy tín” của mình trước mặt người khác, sợ gây ra
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 86-87.
97
“xì-căng-đan”...).
Bên cạnh những biện pháp chế tài mang tính chất trừng phạt như nói
trên, xã hội còn có những biện pháp chế tài tích cực : khen ngợi, và thưởng.
Đối với những kỳ vọng bắt buộc, thì khi làm đúng theo kỳ vọng này, cá
nhân chỉ làm tròn phận sự của mình : người ta không việc gì phải thưởng
một người thủ quỹ không ăn cắp công quỹ. Nhưng còn đối với những kỳ
vọng không bắt buộc, thì thường có kèm theo những hình thức khen thưởng
tích cực. Nếu người thủ quỹ ấy làm việc tươi tỉnh, niềm nở và mau lẹ đáp
ứng mọi yêu cầu của khách hàng, thì người ấy sẽ được khách hàng vui vẻ
cám ơn, và có thể cuối tháng còn được phần thưởng của ban giám đốc...
Áp lực của xã hội thực ra được thực hiện chủ yếu thông qua những
biện pháp tích cực hơn là tiêu cực. Những biện pháp chế tài về mặt hành
chính hay pháp lý (đưa ra tòa án...) thường chỉ được áp dụng nhằm đạt được
một trật tự xã hội tối thiểu nào đó ; trong khi đó, toàn bộ xã hội muốn vận
hành tốt thì không thể thiếu nhiều biện pháp mang tính chất khuyến khích
tích cực hơn. Bởi lẽ, biện pháp trừng phạt thường chỉ làm người ta sợ mà
tránh, chứ không phải là biện pháp thúc đẩy người ta chu toàn tốt các vai trò
trong xã hội. Mỗi cá nhân trong xã hội thường đều muốn “thành đạt” trong
cuộc sống của mình, cố gắng chu toàn vai trò của mình để đáp lại kỳ vọng
của người khác, và qua đó muốn người khác đánh giá tốt về mình, nghĩa là
đạt được một uy tín xã hội nào đó.
C. Hai lý thuyết về vai trò
Có hai khuynh hướng lý thuyết chính liên quan đến vai trò.
Khuynh hướng lý thuyết thứ nhất cho rằng quá trình xã hội hóa
chính là quá trình trong đó xã hội áp đặt các khuôn mẫu vai trò cho các thế
hệ trẻ tuổi. Quá trình lớn khôn và trưởng thành của mỗi đứa trẻ có thể được
coi như “rập khuôn” trong các mô thức vai trò đó. Khuynh hướng lý thuyết
mang tính chất “chức năng luận” này thường bị chỉ trích là quan niệm một
cách quá máy móc về quá trình học “đóng vai” nơi các thành viên xã hội.
Đúng là lý thuyết này có thể giải thích được sự khác biệt, chẳng hạn, giữa
tính độc lập của phụ nữ người Mỹ với tính phục tòng của người phụ nữ Á
Đông (thí dụ : “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, còn
nhỏ ở nhà thì phục tòng cha, khi đi lấy chồng thì phục tòng chồng, rồi khi
chồng chết thì phục tòng con trai). Nhưng để giải thích những dị biệt về vai
trò trong lòng một xã hội, thì lý thuyết này không còn hiệu nghiệm nữa.
98
Người đại diện cho khuynh hướng này là Ralph Linton. Linton coi vai trò là
những lối ứng xử đã được quy định sẵn và áp đặt, tương ứng với những vị
thế (status) nhất định. Linton phân biệt hai loại vị thế : vị thế ấn định sẵn
(hay đã được gán sẵn, ascribed status), là vị thế mà mỗi người thừa hưởng
ngay từ lúc chào đời (như giới tính, dòng dõi, phận làm con...) ; và vị thế
thủ đắc (achieved status), là loại vị thế chủ yếu phụ thuộc vào nỗ lực của cá
nhân (như nghề nghiệp, thành viên của tổ chức xã hội nào đó...). Trong
những xã hội công nghiệp phát triển, các vị thế thủ đắc ngày càng chiếm vị
trí quan trọng hơn so với các xã hội cổ truyền.1
Tuy trường phái chức năng luận cũng công nhận là vai trò thường
được xác định trong mối quan hệ với các vai trò khác, nhưng họ phủ nhận
rằng quan hệ tương tác có thể thay đổi vai trò hoặc tạo ra vai trò mới. Bởi lẽ
vai trò được quy định bởi những chuẩn mực xã hội (social norms), và bắt
nguồn từ một hệ thống văn hóa chung của xã hội. Quan niệm này có thể bị
đẩy đến chỗ cực đoan khi cho rằng ứng xử của con người là điều đã được
quy định sẵn hoàn toàn – nghĩa là người ta không thể làm khác đi –, và việc
đảm nhận một vai trò nào đó chỉ có nghĩa là làm theo những quy tắc nhất
định.
Khuynh hướng lý thuyết thứ hai được đại diện bởi George Herbert
Mead (1863-1931), một nhà triết học, tâm lý học và xã hội học người Mỹ.
Ông được coi là một tác giả tiên phong của trường phái lý thuyết tương tác
biểu tượng (symbolic interactionism). Khuynh hướng lý thuyết này bác bỏ
quan niệm cho rằng mỗi vai trò đều đã được quy định sẵn một cách máy
móc và đầy đủ trong kịch bản, và người nào đóng vai nào thì phải theo y
như đã ghi trong kịch bản. Các tác giả theo trường phái chọn một mô hình
giải thích khác, theo đó họ so sánh việc học “đóng vai” ngoài đời giống như
học theo một thứ kịch bản gợi ý, một thứ kịch bản mở. Loại kịch bản này
buộc các “diễn viên” phải linh hoạt với hoàn cảnh thực tế, phải ngẫu hứng
bổ sung hoặc tạo ra những chi tiết thích hợp, phải thương lượng với các vai
trò đối tác của mình ngay trên “sân khấu” cuộc đời để biết rằng mình cần
phải làm gì, làm thế nào, làm cho ai...
G. H. Mead mô tả vai trò như là kết quả của một quá trình tương
tác/tương giao mang tính chất tập tành và sáng tạo. Vừa quan sát người lớn,
vừa thông qua các trò chơi và trí tưởng tượng, trẻ em phát triển “cái tôi” của
1
R. Linton, The Study of Man, 1936, dẫn lại theo J.-P. Durand, R. Weil, sách đã
dẫn, tr. 133.
99
mình bằng cách học đảm nhiệm các vai trò (role-taking = “đóng vai”) của
người lớn, như vai trò người cha, người mẹ, bác sĩ, cô giáo… Đến khi trở
thành người lớn, người ta vẫn không ngừng tiếp tục học việc đảm nhiệm
các vai trò. Bất cứ vai trò nào cũng đều bao hàm quan hệ tương giao
(interaction) với các vai trò khác. Nếu một cô giáo kỳ vọng người học trò
đóng vai “học trò” thế nào, thì điều này ắt hẳn cũng phải có liên hệ tương
ứng với kỳ vọng của học trò đối với người đóng vai “cô giáo” của mình.
Quá trình tương tác (hay tương giao) có nghĩa là : khi đóng vai trò của
mình, người ta lúc nào cũng xem xét lại vai trò của mình trong mối tương
quan với các vai trò khác. Như vậy, cách phản ứng của người khác (trong
các vai trò khác) sẽ củng cố hoặc thay đổi quan niệm của mỗi người về vai
trò của mình ; và do đó, người ta sẽ duy trì, hoặc sẽ thay đổi cách thực hiện
vai trò của mình. G. H. Mead dùng khái niệm “tạo vai” (role-making) để
mô tả quá trình theo đó lối ứng xử của một vai trò nào đó có thể được thay
đổi hoặc chế tạo ra trong các mối quan hệ tương tác/tương giao.
Giữa hai khuynh hướng lý thuyết nói trên, chúng ta khó mà kết luận
được khuynh hướng nào có ích cho chúng ta hơn trong quá trình phân tích
thực tế. Có lẽ cái đúng nằm ở đâu đó giữa hai thái cực của sự tuyệt đối hóa
quá đáng và sự coi thường quá đáng tính chất quy định của các khuôn mẫu
vai trò đối với ứng xử của con người xã hội.
D. Địa vị xã hội
Trong xã hội học Mỹ, thuật ngữ “social status” (địa vị xã hội, hay vị
thế xã hội) thường được hiểu theo hai nghĩa : (1) một vị trí (position) cụ thể
nào đó trong cấu trúc xã hội, chẳng hạn như vị trí người cha, vị trí một luật
sư (mỗi vị trí này tương ứng với một vai trò, như đã nói trên) ; (2) một địa
vị xã hội bao quát hơn (global status), theo nghĩa là toàn bộ những đánh giá
của xã hội (social evaluations) đối với một cá nhân hay một nhóm – đánh
giá về mặt uy tín, thế lực, trọng vọng, danh giá (có lẽ tương đương với khái
niệm “công danh sự nghiệp”). Hiểu theo nghĩa thứ hai này, thuật ngữ social
status có lẽ cần được dịch là địa vị xã hội. Như vậy, địa vị xã hội là thuật
ngữ được dùng để chỉ chỗ đứng của một người trong một hệ thống phân
tầng xã hội (social stratification), trong đó nó được xếp thứ hạng căn cứ
trên các tiêu chuẩn kinh tế, chính trị, nghề nghiệp và văn hóa.1
Theo nhà luật học và sử học người Anh Henry Maine (1822-1888),
1
Xem J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 730.
100
chúng ta có thể hình dung lịch sử của các xã hội Tây phương như một sự
chuyển dịch từ địa vị (status) sang khế ước (contract) : nghĩa là, từ một
cách tổ chức xã hội theo kiểu tiền tư bản trong đó các tầng lớp xã hội nằm
trong một trật tự thứ bậc nhất định, sang một kiểu xã hội của các mối quan
hệ thị trường giữa các cá nhân, vốn ràng buộc với nhau thông qua các khế
ước.1
Khác với nhiều tác giả khác, Max Weber trong cuốn Kinh tế và xã
hội (1921) cho rằng việc sở hữu tài sản hay việc nắm giữ những vị trí quản
lý nào đó hoàn toàn chưa đủ để ta có thể gán cho một người nào đó một địa
vị xã hội nhất định (mặc dù những điều này có thể dẫn tới một địa vị xã
hội), bởi lẽ xác định như vậy thì chưa tính đến yếu tố học vấn và đào tạo
của người này, cũng như yếu tố uy tín của nghề nghiệp hoặc của gia đình
xuất thân của người ấy. Theo Weber, có ba yếu tố quan trọng nhất để xác
định những nguồn gốc của một địa vị xã hội, đó là : (a) một lối sống (style
of life) đặc thù, trong đó đặc biệt là lối sống của một loại nghề nghiệp nào
đó ; (b) một vị trí có uy thế (hay uy tín, thanh thế, prestige) xuất phát từ gia
đình xuất thân ; và (c) việc nắm giữ một quyền hành chính trị hoặc tôn giáo
xét như là sự độc quyền của những nhóm xã hội riêng biệt.2 Như vậy, ta có
thể thấy đối với Weber, khái niệm địa vị xã hội có liên hệ mật thiết với khái
niệm uy thế xã hội (hay thanh thế xã hội) của một tầng lớp xã hội nhất định,
chứ không chỉ căn cứ trên các tiêu chuẩn kinh tế mà thôi.
Gerhard Lenski cho rằng người ta có thể giải thích thái độ chính trị
bằng sự tương hợp giữa các địa vị xã hội (status congruence).3 Và ông đi
đến kết luận như sau : trong xã hội Mỹ, sự tương hợp giữa các địa vị xã hội
của một cá nhân nào đó thường khiến cho người này thiên về lập trường
cánh hữu. Nói cách khác, nếu một người có vị trí nghề nghiệp tương đối
cao, cư trú ở một khu sang trọng, thuộc một giáo phái Tin lành nào đó, và
có gốc gác Mỹ lâu đời (đây là bốn nhân tố quan trọng nhất thường được các
nhà xã hội học Mỹ sử dụng để xếp loại một người nào đó trên thang bậc
1
Xem Henry Maine, “Từ vị thế tới khế ước” (“From Status to Contract”, trích từ
cuốn của H. Maine, Ancient Law, Dent, 1917, tr. 99-100, in lại trong V. Aubert
[Ed.], Sociology of Law. Selected Readings, Harmondsworth, Penguin Books,
1969, tr. 30-31), Trần Hữu Quang dịch (xem https://www.academia.edu/
31730286/Từ_vị_thế_tới_khế_ước).
2
Xem M. Weber, The Theory of Social and Economic Organization (1947),
translated by A. M. Henderson and T. Parsons (from Wirtschaft und
Gesellschaft [1921] of M. Weber), New York, The Free Press, 1964, tr. 428429.
3
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 91-92.
101
phân tầng xã hội), thì người này có nhiều khả năng sẽ bầu cho đảng cánh
hữu. Đồng thời, nếu một người nằm ở đáy bậc thang phân tầng xã hội (về
các mặt nghề nghiệp, tôn giáo, chủng tộc, và môi trường sống), thì người
này cũng sẽ bầu cho đảng cánh hữu. Nhưng trong trường hợp có sự bất
tương hợp giữa các nhân tố trên (chẳng hạn một người có vị trí nghề nghiệp
rất cao, cư trú ở một khu nhà giàu, nhưng lại theo đạo Công giáo, và có gốc
gác người Ý) thì người này có nhiều khả năng sẽ bầu cho đảng cánh tả.
Lẽ tất nhiên, kết luận trên đây của Lenski chỉ có hiệu lực đối với xã
hội Mỹ, chứ khó mà áp dụng được vào những xã hội khác. Tuy nhiên,
người ta có thể sử dụng thuật ngữ “bất tương hợp giữa các địa vị xã hội”
(status inconsistency) để chỉ những tình trạng trục trặc hoặc không ổn về
mặt địa vị xã hội (mâu thuẫn giữa các địa vị xã hội). Chẳng hạn, những
người tuy có bằng cấp cao (tức có khả năng đạt địa vị cao trong xã hội),
nhưng vì chỉ kiếm được việc làm với lương thấp và uy thế thấp, nên nằm ở
địa vị xã hội tương đối thấp. Hay một người thuộc dòng dõi quý tộc nay sa
sút, nên phải mở quán nước bình dân để kiếm sống. Một sinh viên mới tốt
nghiệp không tìm được việc làm, phải phụ việc nhà hoặc đi làm lao động
chân tay. Người đàn ông đứng tuổi nào nếu “tán tỉnh” các cô gái trẻ thì sẽ
dễ bị đàm tiếu, chê cười... (Thông thường, tuổi tác, giới tính, và nghề
nghiệp là ba loại vị thế dễ xảy ra mâu thuẫn nhất trong một xã hội.) Một nữ
bác sĩ khi phải khám bệnh cho một nam bệnh nhân, có thể gặp lúng túng,
khó xử, nếu mối quan hệ giữa hai vị trí bác sĩ-bệnh nhân lại bị xen vào bởi
mối quan hệ giữa hai vị trí giới tính. Vị bác sĩ này khi đó sẽ tìm cách thoát
ra khỏi tình huống này, hoặc bằng cách từ chối không khám bệnh cho người
này, hoặc thay đổi thái độ và trở nên hết sức khô khan, cáu kỉnh...
Công trình nghiên cứu của F. Miyamoto và S. Dornbusch (1956) đã
chứng minh cho thấy là việc tự đánh giá của mỗi người về địa vị xã hội của
mình thực ra cũng phản ánh cách đánh giá của người khác về mình. Họ đề
nghị những người được điều tra lượng giá về chính mình và về những người
xung quanh trong nhóm của mình (bằng cách cho điểm) xét về mức thông
minh, tính dễ mến, sức thu hút, và về mức độ tin cậy. Kết quả cho thấy cách
lượng giá của mỗi người về chính mình có hệ số tương quan rất chặt chẽ
với cách đánh giá của người khác về mình.1
1
S. Frank Miyamoto and Sanford M. Dornbush, “A Test of Interactionist
Hypotheses of Self-Conception”, American Journal of Sociology, Vol. 61, No.
5, March 1956, pp. 399-403.
102
Chương 6
Sự điều tiết xã hội :
giá trị, chuẩn mực và nghi thức
Vấn đề thường được đặt ra trong xã hội học là : xã hội làm cách nào
để uốn nắn các cá nhân của mình, làm cho họ có cùng những đặc điểm
chung về lối ứng xử, lối sống, phong tục, tập quán ? Làm thế nào cá nhân
có thể hội nhập được vào xã hội ?
Một trong khái niệm đã được sử dụng rất nhiều trong nền xã hội học
Mỹ là “social control”. Thuật ngữ này trước đây thường được dịch là “kiểm
soát xã hội” (trong tiếng Pháp cũng thường được dịch một cách không
chính xác là contrôle social). Thực ra, trong tiếng Anh, chữ control bao
hàm trước hết ý nghĩa sự điều hành, sự chỉ huy, hay sự điều khiển. Chúng
tôi cho rằng có lẽ nên dịch khái niệm social control là “sự câu thúc của xã
hội” (tương ứng với cụm từ tiếng Anh : social coercion, hay tiếng Pháp :
contrainte sociale) hay “sự điều tiết của xã hội” (tiếng Pháp : régulation
sociale) thì đúng hơn.
Sự điều tiết của xã hội đối với cá nhân được thực hiện chủ yếu thông
qua các nghi thức, các chuẩn mực và các giá trị. Nói cách khác, mỗi xã hội
đều uốn nắn, rèn luyện, điều khiển và chi phối các thành viên của mình
bằng cách làm cho mỗi người phải tiếp thu và nhập tâm những giá trị nhất
định mà xã hội đã quy định. Từ đó, mọi người đều chấp nhận một nền đạo
lý chung, đều tôn trọng những chuẩn mực chung trong lối sống, biểu hiện
qua phong tục, tập quán. Chính nhờ vậy mà xã hội được cố kết, thống nhất,
và duy trì sự tồn tại của mình.
A. Giá trị
Bất cứ xã hội nào cũng đều có những quan niệm nhất định về cái
thiện, cái ác, cái gì tốt đẹp, cái gì xấu xa, điều gì nên làm và điều gì cần
tránh, điều gì là danh dự và điều gì là nhục nhã. Mỗi lần chúng ta quở trách
một đứa trẻ khi nó làm điều gì tầm bậy rằng “Không được làm như vậy !
Không biết xấu hổ à ?”, thì tức là chúng ta đang đưa vào đầu đứa trẻ những
giá trị và quy tắc của xã hội, buộc nó phải học thế nào là “lẽ phải”, là “tử
tế”, thế nào là “thuần phong mỹ tục” v.v. Mỗi người chúng ta đều “cảm
thấy”, đều “biết” cái gì là xấu, cái gì là tốt, mặc dù trong đó có nhiều điều
103
chúng ta không thể chứng minh được là tại sao nó tốt hay tại sao nó xấu.
Trong một bối cảnh xã hội nhất định, giá trị là cái gì vượt lên trên cá nhân,
áp đặt lên cá nhân : giá trị mang tính chất như một chân lý hiển nhiên, tuyệt
đối, và không thể bàn cãi.
Lẽ tất nhiên, quan niệm về các giá trị của mỗi xã hội có thể mỗi
khác : những giá trị về lòng trung thực, lòng hiếu thảo, lòng thủy chung, về
hạnh phúc gia đình, về hôn nhân, về tình yêu, về sự thành đạt trong cuộc
sống, về đồng tiền... ở phương Đông có thể được hiểu rất khác so với
phương Tây, ở Việt Nam cũng được hiểu rất khác so với Mỹ chẳng hạn.
Ngay trong nội bộ một xã hội, giá trị của các nhóm xã hội hay các tầng lớp
cũng có thể khác biệt nhau. Những giá trị đạo lý sống nơi giới thợ thuyền
không giống so với giới tư sản hoặc giới quý tộc. Như vậy, giá trị là cái gì
mang tính chất tương đối, nghĩa là nó luôn luôn phải được đặt trong khuôn
khổ một nhóm xã hội hay một xã hội nhất định. Nhưng dù vậy, các giá trị
đối với mỗi người, mỗi nhóm xã hội, mỗi xã hội, vẫn là cái gì tất yếu, tuyệt
đối, đương-nhiên-phải-như-vậy.
Chúng ta có thể định nghĩa giá trị như sau : giá trị (value) là điều mà
một xã hội hay một nhóm xã hội coi là phải, là tốt, là đúng đắn, và là cơ sở
để dựa vào đó mà suy nghĩ, phán đoán và ứng xử.
Giá trị có thể được hiểu như những “lý tưởng tập thể” (idéaux
collectifs, theo É. Durkheim), tức là những điều chi phối và lèo lái các tư
tưởng và hành động của con người theo khuôn mẫu của xã hội. Theo lời của
Émile Durkheim, “một xã hội không thể được hình thành và tồn tại nếu
không tạo ra lý tưởng.”1 Trong mỗi xã hội, các giá trị thường cố kết với
nhau thành một hệ thống, hay một “thang giá trị”, có tính nhất quán, mặc dù
vẫn có thể có một số giá trị đối lập nhau trong đó.
Một công trình nghiên cứu đối chiếu của một nhà dân tộc học và một
nhà tâm lý học2 đã khảo sát về những giá trị cơ bản nơi người Mỹ và người
Mexico và nhận thấy : trong khi người Mỹ vùng Texas có đặc điểm là cá
nhân chủ nghĩa, thì người Mexico lại nhấn mạnh chủ yếu đến các giá trị đại
gia đình, đến mức có thể gọi là “duy gia đình” (familialism). Suy nghĩ của
người Mỹ là hướng đến tương lai, giá trị của mỗi người là ở chỗ phải thành
1
Dẫn lại theo H. Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle
édition refondue, 2003, tr. 95.
2
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 96.
104
đạt, con người phải khuất phục thiên nhiên. Ngược lại, người Mexico lại
thường hướng về quá khứ để tìm những tấm gương mà noi theo. Do vậy,
giá trị của thời gian cũng hoàn toàn khác nhau giữa người Mỹ và người
Mexico.
Hệ thống giá trị không những luôn luôn phù hợp với vũ trụ quan và
nhân sinh quan, với những huyền thoại và những niềm tin của một xã hội,
mà còn luôn ăn khớp với sự vận hành của các sinh hoạt kinh tế và xã hội
của xã hội này. Trong xã hội nông nghiệp, người ta thường đề cao sự gắn
bó với ruộng đất, tính cần cù, chịu khó chịu khổ, óc tằn tiện, vì đấy là
những đức tính hết sức cần thiết đối với một nông dân. Và thông thường,
khi cấu trúc xã hội thay đổi, thì cách suy nghĩ và hệ thống giá trị của người
ta cũng thay đổi theo. Nhưng nói như thế không hẳn có nghĩa rằng đấy là
một mối quan hệ mang tính nhân quả. Quả đúng là người làm nghề nông ở
châu Âu hiện nay đã mất đi dần những phẩm chất “nông dân” sau quá trình
áp dụng những kỹ thuật và máy móc canh tác hiện đại. Nhưng nếu nói rằng
những nông dân nào đã nhanh chóng hiện đại hóa cách canh tác của họ
cũng chính là những người tiếp thu hệ thống giá trị “hiện đại” vốn được
truyền đạt thông qua nhà trường, qua các phong trào thanh niên và các
phương tiện truyền thông đại chúng (báo chí, truyền thanh, truyền hình), thì
điều này chưa chắc đúng.1
Khi Max Weber nghiên cứu về những mối tương quan giữa nền đạo
lý của giáo phái Tin lành Calvin với tinh thần của nhà doanh nghiệp tư bản
chủ nghĩa, ông ta đã nhấn mạnh tới vai trò của “đạo lý” : “[N]ghĩa vụ của
mỗi người là làm gia tăng số vốn của mình, và điều này được giả định như
là một mục đích tự thân. Thực ra, điều được thuyết giảng ở đây không phải
chỉ đơn giản là một ‘kỹ thuật sống’, mà là một thứ ‘đạo đức học’ đặc thù.
Vi phạm những quy tắc đạo đức ấy không chỉ là điều ngu xuẩn, mà phải bị
xem như là một thứ xao nhãng nghĩa vụ.”2 Cái mà Weber vừa nhấn mạnh
không phải chỉ là “óc kinh doanh”, mà thực sự là một tâm thế hay một ethos
của cả một nền đạo lý. Và chính nền đạo lý này – vốn là nền tảng của hệ
thống giá trị –, tức là sự “cưỡng chế xã hội” này, là điều kiện thuận lợi cho
sự sinh sôi nảy nở của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu.
B. Chuẩn mực và quy tắc
1
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 97.
M. Weber, Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản (19041905), Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng và Trần Hữu Quang
dịch, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2008, tr. 91 (chỗ nhấn mạnh là do M. Weber).
105
Khi điều tiết cuộc sống của các cá nhân và các nhóm trong một xã
hội, các giá trị được biểu hiện (tức là được cụ thể hóa) thông qua những
chuẩn mực, quy tắc và tập tục xã hội. Nói cách khác, những chuẩn mực là
những quy tắc sống và ứng xử, cụ thể hóa các giá trị mà xã hội đang đề cao.
Theo H. Mendras, “các giá trị [values] là những cái định hướng cho hành
động xã hội ; còn các chuẩn mực [norms] thì áp đặt các quy tắc [rules] ứng
xử.”1
Một chuẩn mực là “một kỳ vọng ứng xử mà mọi người [trong một xã
hội nhất định] đều đồng ý – đây được coi là điều đáng mong muốn, nên
làm, và là điều phù hợp xét về mặt văn hóa.”2 Khái niệm kỳ vọng luôn luôn
đi đôi với khái niệm vai trò, vốn thường được định nghĩa là một tập hợp
những chuẩn mực gắn liền với một vị trí xã hội nào đó.3 Erving Goffman
định nghĩa chuẩn mực là “một cách thức hướng dẫn cho người ta hành động
một cách đều đặn [tức là một cách giống nhau] bằng những biện pháp chế
tài xã hội ; những biện pháp chế tài tiêu cực trừng phạt những ai vi
phạm, còn những biện pháp chế tài tích cực thì tưởng thưởng cho những ai
tuân thủ một cách mẫu mực.”4
Cũng giống như đối với các thái độ, ở đây, đối với các chuẩn mực,
chúng ta thường không thể quan sát trực tiếp, mà là suy luận ra thông qua
những ý kiến và hành vi cụ thể.
Một thí dụ : mọi người trong một tổ học tập đều cho rằng hút thuốc
lá là điều có hại cho sức khỏe, và trong thực tế, không bao giờ có người nào
hút thuốc trong mỗi lần họp tổ. Vậy đó có phải là một chuẩn mực của tổ
hay không ? Không nhất thiết, bởi lẽ nếu ngày nào đó tự nhiên có một tổ
viên hút một điếu thuốc thì chắc là cũng không có ai cấm đoán. Điều này
khác với tình hình trong một lớp học : hút thuốc trong giờ học là điều cấm
kỵ (lúc này, rõ ràng không hút thuốc là một chuẩn mực) ; dù là nhà trường
có thể không nêu ra hình phạt trong nội quy, nhưng nếu có ai đó bỗng phì
phèo một điếu thuốc giữa giờ học thì tức khắc những người xung quanh sẽ
quay lại tìm xem ai đang phà khói thuốc bằng con mắt trách móc, và thường
1
H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 98.
J. Scott, G. Marshall (Eds.), A Dictionary of Sociology, 3rd edition revised, New
York, Oxford University Press, 2009, tr. 518.
3
Xem J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 518.
4
E. Goffman, La mise en scène de la vie quotidienne, tome 2, Les relations en
public, traduit de l’anglais par Alain Kihm, Paris, Ed. Minuit, 1973, tr. 101.
2
106
thường như thế cũng đủ để “kẻ thủ phạm” này phải nhanh chóng dụi tắt
điếu thuốc đi.1
Như vậy là ta thấy có sự khác biệt giữa một ý kiến chung và một
chuẩn mực : chuẩn mực được hình thành khi các thành viên trong nhóm bắt
đầu phản ứng và có hình thức trừng phạt nào đó mỗi khi có ai vi phạm. Một
chuẩn mực cũng có thể phai nhạt dần với thời gian, và lúc này không còn ai
nghĩ đến chuyện trừng phạt nữa.
Theo một cuộc điều tra trước đây,2 thì trong xã hội Pháp, đại đa số
(80%) người dân đều quan niệm rằng sự trinh tiết là điều hết sức quan trọng
đối với người thiếu nữ ; thế nhưng sau đó, khi người ta hỏi tiếp là, theo như
họ biết, thì các cô thiếu nữ có những quan hệ tình dục với một người nam
giới hay với người chồng tương lai trước khi cưới hay không, khoảng 4050% nói là có. Điều hiển nhiên là trong xã hội, có thể có những quy tắc đạo
đức và những chuẩn mực ứng xử không được mọi người tuân thủ trong xã
hội ; và có những chuẩn mực dần dà bị phai nhạt theo đà chuyển biến xã
hội. Ngày nay, trong xã hội Tây Âu, quan niệm về sự trinh tiết không còn
như trước, và chuẩn mực này chỉ còn tồn tại nơi một số nhóm nhỏ. Tuy vậy,
điều này không hề có nghĩa là bây giờ mọi người đều chuyển sang quan
niệm tự do tình dục : theo điều tra, phần lớn thiếu nữ chỉ có quan hệ tình
dục với một người “bạn” của mình mà thôi (họ gọi nhau là “bạn”, chứ
không phải “chồng” hoặc “vợ”, vì chưa cưới nhau). Mô hình “sống chung”
(tiếng Pháp : concubinage) mà không cưới hay chưa cưới (nghĩa là có thể
làm lễ cưới sau 5-7 năm sống chung) đang ngày càng lan truyền trong hầu
hết các tầng lớp thanh niên trẻ tuổi ở Tây Âu. Có lẽ đây là một thứ chuẩn
mực mới đang hình thành (đang được định chế hóa) nơi các xã hội ấy, để
thay thế những chuẩn mực cũ về sự trinh tiết và hôn nhân vốn từng được đề
cao và tôn trọng trong xã hội cổ truyền.3
Thí nghiệm của Kurt Lewin (đã trình bầy ở mục C của Chương 3)
trong việc chuyển từ tập quán ăn thịt bít-tết sang thịt nạm nơi các bà nội trợ
ở Mỹ trong thời kỳ Thế chiến thứ hai đã cho thấy một số cơ chế hình thành
và thay đổi các chuẩn mực trong các nhóm xã hội.
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 98-99.
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 99.
3
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 99.
2
107
Một thí dụ khác nổi tiếng, từng được Robert Merton trích dẫn,1
chứng minh ảnh hưởng quan trọng của các chuẩn mực. Vào thời gian Thế
chiến thứ hai, ở Mỹ, trong không quân, nói chung người lính được đề bạt
thăng cấp rất nhanh, trong khi đó ở các đội hiến binh thì lại rất chậm. Thế
nhưng một cuộc điều tra về tâm tư nơi các sĩ quan và hạ sĩ quan hiến binh
cho thấy là họ tương đối hài lòng về khả năng thăng cấp của mình, và
ngược lại, nơi không quân thì lại rất ấm ức, bực bội. Nếu nhìn trên bình
diện tâm lý cá nhân thì đây là hiện tượng khó hiểu, bởi lẽ chính những
người được hưởng nhiều cơ may nhất lại là những người bất mãn nhất.
Nhưng nếu xét về phương diện chuẩn mực của nhóm, thì chúng ta thấy là
người lính hiến binh coi thời gian chờ được thăng cấp là chuyện bình
thường vì mọi người cũng đều phải chờ đợi như nhau, trong khi đó, trong
lực lượng không quân, thời gian chờ đợi quả là nặng nề vì người ta thấy bạn
bè xung quanh cứ được thăng cấp liên tục...
Các cuộc điều tra của Renaud Sainsaulieu2 về các mối quan hệ trong
xí nghiệp đã cho thấy là mỗi môi trường lao động đều có những chuẩn mực
ứng xử riêng biệt mà cá nhân buộc phải biết và tuân theo, nếu không sẽ bị
đồng nghiệp tẩy chay. Tại phân xưởng, nơi mà các thao tác của người thợ
thường mang tính chất máy móc và làm theo dây chuyền, đặc trưng ứng xử
của công nhân là thiên về tính chất “đồng loạt” (unanimism) ; ai làm điều gì
khác với tập thể thì thường dễ bị nghi ngờ là muốn xa rời tập thể hoặc có
nguy cơ làm mất tính đoàn kết, thống nhất chung. Đối với cán bộ quản lý
thì ngược lại, do đặc điểm công việc quản lý là mỗi người phải tự đảm
đương trách nhiệm của mình chứ không thể dựa vào tập thể, và vì mỗi chức
vụ thường chỉ có một người đảm trách, trong cả một hệ thống tôn ti phẩm
trật, nên mỗi người phải xác định cho mình một chiến lược riêng biệt để
ứng xử, không giống với những người khác. Còn các nhân viên hành chánh
văn phòng thì thường đều chỉ lo bảo vệ vị trí và đồng lương của mình, do
đó, dù không hợp nhau đi nữa, họ cũng buộc phải “hòa thuận và thỏa hiệp”
với nhau để cùng tồn tại.
Khi các điều kiện lao động thay đổi, thì khuôn mẫu ứng xử cũng
thay đổi theo. Chẳng hạn, nơi những xí nghiệp trang bị công nghệ hiện đại,
người thợ thường không còn lối ứng xử “đồng loạt” như trước, bởi vì lúc
này yêu cầu của lối sản xuất kỹ thuật cao đòi hỏi mỗi người đều phải chủ
động tự mình có kế hoạch riêng để nâng cao không ngừng về trình độ
1
2
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 100.
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 100.
108
chuyên môn, và nếu có thể, để thăng tiến cả về cấp bậc.1
Một hệ thống chuẩn mực mà ai cũng đều biết là các chuẩn mực hay
quy tắc xã giao. Cách bắt chuyện với ai, cách xin lỗi hoặc cảm ơn, cách
chào hỏi, bắt tay hay cúi đầu thế nào, cách ăn mặc, cách ăn uống... bất cứ
hành vi nào cũng đều thường phải tuân theo những quy tắc nhất định mà
chúng ta đã được dạy dỗ từ nhỏ. Thông thường, chúng ta thực hiện những
hành vi này gần như theo phản xạ, nhưng mỗi lần vô ý làm sai, thì thế nào
chúng ta cũng đâm ra áy náy. Như vậy có nghĩa là, để tuân thủ các quy tắc,
chính mỗi người chúng ta cũng áp dụng những hình phạt cho chính mình,
chứ không phải chỉ có hình phạt từ bên ngoài, từ phía người khác.2
Chính kết quả nội tâm hóa ấy làm cho chúng ta thường rất khó mà
thay đổi chuẩn mực của mình, và khó mà chấp nhận những chuẩn mực
khác. Khi gặp những người nước ngoài với những cung cách ứng xử và xã
giao riêng của họ, về mặt chủ quan, chúng ta thường khó mà tránh được
cảm giác cho rằng họ “thô lỗ”, “hững hờ” hoặc “làm quá đáng”...3
Các chuẩn mực thường có thể khác biệt tùy theo các vai trò. Chẳng
hạn, trong sinh hoạt gia đình, chuẩn mực dành cho người con chắc chắn
khác với chuẩn mực đối với người cha hay người mẹ.
Vả lại, cách tuân thủ cũng còn tùy thuộc vào mức độ nội tâm hóa các
chuẩn mực. Chẳng hạn định chế hôn nhân bao hàm một hệ thống chuẩn
mực nhất định, quy định các mối quan hệ giữa vợ chồng với nhau. Tuy
nhiên, trong thực tế, người ta tuân theo những quy tắc này một cách ít nhiều
lỏng lẻo, tùy theo mức độ tiếp thu những quy tắc ấy. Dĩ nhiên ở đây, sự
chung thủy được coi là quy tắc hệ trọng nhất ; nhưng còn chuyện người vợ
có thường xuyên làm bữa ăn sáng cho chồng mình hay không, thì điều này
ít hệ trọng hơn và tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa đôi bên. Chuyện người
chồng đi chơi một mình với bạn bè mà không đưa vợ mình theo là một
chuyện kỳ quặc không thể chấp nhận được đối với một số cặp vợ chồng nào
đó ; nhưng ngược lại, đối với nhiều cặp khác, thì đấy lại là chuyện bình
thường.4
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 100-101.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 101.
3
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 101.
4
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 102.
2
109
Như vậy, ở cấp độ tổng quát, là các giá trị, như lòng chung thủy, sự
thành công, sự lương thiện, tình đoàn kết v.v. Còn ở cấp độ hành động của
các vai trò, là các chuẩn mực. Mỗi giá trị được biểu hiện ra bằng những
chuẩn mực nào đó. Thực tế cũng hay thường xảy ra những mâu thuẫn trong
ứng xử : chẳng hạn, trong một kỳ thi, nội quy phòng thi thường là học sinh
không được chép bài hay hỏi bài lẫn nhau ; trong khi đó, yêu cầu trong
quan hệ giữa học sinh với nhau là phải giúp đỡ, tương trợ nhau. Trong
trường hợp này, kết quả ứng xử ngả theo khuynh hướng nào là tùy thuộc
vào giá trị (lương thiện, hay đoàn kết) mà từng nhóm học sinh coi là quan
trọng hơn hết.1
Cuối cùng, nói đến chuẩn mực, chúng ta không thể không nói tới
định chế (institution). Định chế thường được dùng theo hai nghĩa. Thứ nhất
là theo nghĩa thông dụng : người ta thường hiểu định chế là một tổ chức xã
hội. Nghĩa thứ hai : thuật ngữ “định chế” được dùng để chỉ một tập hợp
những thói quen hay tập tục mà người ta thường xuyên lặp đi lặp lại trong
một hệ thống xã hội nào đó – những thói quen này được duy trì bởi những
chuẩn mực xã hội, và có ý nghĩa quan trọng trong cấu trúc xã hội. Nói cách
khác, định chế là tổng thể các chuẩn mực được áp dụng trong một hệ thống
xã hội ; những chuẩn mực này quy định cái gì là đúng đắn, chính đáng
(legitimate), và cái gì không đúng đắn hay không chính đáng trong hệ thống
ấy.
Nếu “vai trò” là thuật ngữ dùng để chỉ những khuôn mẫu ứng xử, thì
“định chế” là một khái niệm tổng quát hơn, bao gồm nhiều vai trò. Nhà
trường là một định chế xã hội, trong đó bao gồm các vai trò học sinh, các
vai trò giáo viên... Một trường tiểu học X nào đó là một “tổ chức xã hội” ;
còn “định chế giáo dục” là toàn bộ hệ thống các nhà trường trong một xã
hội nhất định.
Cả hai khía cạnh của định chế (tổ chức và chuẩn mực) đều quan
trọng khi người ta muốn nghiên cứu về sự vận hành của một tổ chức, lẫn
động thái của các chuẩn mực trong tổ chức này.
C. Sự tuân thủ và sự lệch lạc
Trong bất cứ hoàn cảnh xã hội nào, thông thường thế nào cũng có
những người không tôn trọng hoặc làm trái với các chuẩn mực. Đó là hiện
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 102-103.
110
tượng mà xã hội học gọi là sự lệch lạc (deviance), đối lập với sự tuân thủ
(conformity). Hai khái niệm này hoàn toàn không hàm ý phán đoán về giá
trị, mà chỉ đơn giản ghi nhận hành vi làm theo hay không làm theo những
chuẩn mực nào đó.
Thí nghiệm nổi tiếng của nhà tâm lý học xã hội người Mỹ Stanley
Milgram (1933-1984) đã cho thấy rằng khi một cá nhân được đưa vào hoàn
cảnh thí nghiệm thì họ có thể tuân theo những mệnh lệnh mà họ thường
không tán thành trong hoàn cảnh bình thường. Thí nghiệm này được ông
tiến hành vào đầu thập niên 1960 : Milgram đề nghị người sinh viên tham
gia cuộc thí nghiệm áp dụng những hình phạt bằng sốc điện đối với một
người khác (thực ra đây là kẻ thông đồng với cuộc thí nghiệm) ; nếu người
này càng đưa ra những câu trả lời sai, thì người sinh viên tham gia thí
nghiệm càng phải tăng mạnh số hiệu điện thế (volt). Mặc dù nghe thấy
những lời la hét đau đớn (giả tạo) và những lời van xin của kẻ trả lời sai,
nhưng người sinh viên tham gia thí nghiệm vẫn “tuân theo” quy định và
tăng càng mạnh sốc điện : kết quả là có 62% sinh viên tham gia thí nghiệm
đã chấp nhận áp dụng sốc điện lên tới 450 volt.1
Hành vi “lệch lạc” hiểu theo nghĩa xã hội học ở đây không phải là
hành vi phạm pháp, vốn là đối tượng của ngành tội phạm học. Thật vậy, có
nhiều loại ứng xử mà xã hội chê trách, không chấp nhận, nhưng vẫn không
mang tính chất bất hợp pháp hay phạm pháp. Chẳng hạn như nói tục, rượu
chè be bét, kết bè kết đảng để ăn chơi...
Thực ra, trong xã hội, hầu như không có tổ chức nào ép buộc thành
viên phục tùng tuyệt đối tất cả mọi chuẩn mực và quy tắc của mình. Trong
một nhà trường, nếu chúng ta liệt kê ra tất cả các chuẩn mực của một người
học sinh gương mẫu, thì chắc hẳn sẽ kiếm được rất ít học sinh đạt hết các
chuẩn mực này. Ngay trong tôn giáo, người ta cũng không thể đòi hỏi mọi
người phải trở thành “thánh” cả. Mức độ nương nhẹ, dễ dãi hay lơi lỏng
(laxism) đối với các chuẩn mực đến mức nào, là tùy theo từng nhóm xã hội,
hoặc từng tổ chức xã hội.2
Trước hết, mức độ “dễ dãi” (hay “châm chước”) đối với các chuẩn
mực phụ thuộc vào dộ thâm niên của thành viên trong nhóm. Người mới gia
1
S. Milgram, Obedience to Authority, 1974, dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn,
tr. 103.
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 103.
111
nhập nhóm thường hăng hái tuân thủ mọi quy tắc của nhóm, hơn nhiều so
với các thành viên cũ. Người công nhân mới được tuyển, người tân sinh
viên, người tín đồ mới, người lính tân binh... hay bị những người cũ nhìn
với con mắt hoài nghi, bởi vì những người mới thường cố gắng chấp hành
rất đầy đủ các quy định để chứng tỏ mình cũng là thành viên – tích cực một
cách “quá đáng” dưới con mắt của các thành viên cũ.1 Và cũng chính là
trong bầu không khí này mà “ma cũ nhát ma mới” : “ma cũ” đã quá rành rẽ
cách vận dụng các quy tắc nên có nhiều cách để hù dọa “ma mới” !
Mặt khác, mức độ “dễ dãi” đối với các chuẩn mực cũng phụ thuộc
vào vị trí trong nhóm. Trong phần lớn các nhóm, ở vị trí càng cao thì càng
phải gương mẫu, tức càng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc, chuẩn
mực. Việc tuân thủ các chuẩn mực thường được hiểu như một tiêu chuẩn để
tiến thân, đạt đến vị trí cao hơn trong một nhóm. Nhưng cũng có những
nhóm trong đó mức độ thâm niên và uy tín lại cho phép người ta khỏi cần
chú ý đến các quy tắc, và ngược lại, chính những người mới vào và những
người có uy thế thấp mới là những kẻ buộc phải tuân thủ đầy đủ các quy
tắc.2
Trong thực tế, bất cứ hệ thống hay tổ chức xã hội nào cũng đều có
những “vùng tối” – những phạm vi trong đó người ta có thể tự cho phép
mình vi phạm quy tắc mà không sợ bị trừng phạt cách này cách khác. Đấy
cũng là cái may, bởi lẽ, trong cuộc sống bình thường hàng ngày, nếu bất cứ
hành vi nào cũng bị soi mói, bị tố giác và chỉ trích ngay mỗi khi vượt ra
ngoài chuẩn mực, thì e rằng người ta thật “khó sống” ! Thật vậy, “vùng tối”
cũng là một điều cần thiết để một nhóm hay một định chế có thể vận hành
bình thường. Nếu một người thủ trưởng biết hết mọi thứ xảy ra trong đơn vị
của mình, thì e rằng ông ta sẽ khó mà điều khiển nổi ; nếu cha mẹ muốn
biết hết mọi chuyện mà con mình đã làm, thì, thứ nhất, đó là điều không thể
làm được, và thứ hai, không khí gia đình sẽ trở nên hết sức nặng nề đối với
đứa con.3
Hành vi lệch lạc là hành vi mà vào lúc nào đó, người ta làm khác
hoặc làm trái với chuẩn mực. Còn “kẻ lệch lạc” là kẻ thường xuyên có
những hành vi lệch lạc so với các chuẩn mực xã hội. Thường trong nhóm
nào cũng có những người ít quan tâm tới công việc của nhóm, chẳng trông
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 103.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 103-104.
3
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 104.
2
112
đợi gì ở nhóm, và nội tâm hóa các chuẩn mực kém hơn so với những người
khác. Trong một lớp học, người học sinh “lười” là kẻ thường ngồi ở cuối
lớp, đó là kẻ không chấp nhận các quy tắc của nhà trường, thậm chí lãnh
đạm trước những hình thức chế tài của kỷ luật.
Kẻ “lệch lạc” hay kẻ “ngoài lề” ấy có thể xuất phát từ nhiều động cơ
khác nhau. Chẳng hạn, vốn là con của gia đình nông dân hay gia đình lao
động rất nghèo, người học sinh ấy không có hy vọng gì là có đủ điều kiện
để được học tiếp hoặc kiếm được nghề nghiệp gì sau khi tốt nghiệp phổ
thông ; vì thế, chuyện phấn đấu học cho hết cấp là điều vô nghĩa đối với
người này : đằng nào thì cũng phải trở về làm ruộng, hoặc buôn thúng bán
bưng giúp cha mẹ. Nhưng cũng có những học sinh con nhà khá giả, quen
được cha mẹ nuông chiều và cho tiền, nên cũng chẳng thiết học để làm gì,
vì về sau, thế nào cha mẹ cũng kiếm được cho một chỗ làm… Đối với cả
hai trường hợp ấy, chuyện học hành đều là vô nghĩa.1
Cũng có những trường hợp lệch lạc do mâu thuẫn giữa các chuẩn
mực hay các vai trò. Chẳng hạn người giáo sư đại học, với hai vai trò chính
của mình là giảng dạy và nghiên cứu. Với tư cách là người nghiên cứu, ông
ta có quyền được tự do trình bày các ý kiến riêng của mình, dù là đối lập
với các quan niệm chung của xã hội ; nhưng đồng thời, với tư cách là giáo
sư nằm trong một tổ chức giáo dục của quốc gia, nên dù muốn hay không
muốn, ông ta cũng là một nhân vật mà mọi người xem như một nhà mô
phạm, gương mẫu, nghĩa là phải có những quan niệm và ứng xử phù hợp
với khuôn mẫu mà xã hội đã quy định.2
Cũng có những kẻ có hành vi lệch lạc hay tự gạt mình ra “ngoài lề”
của nhóm, vì đang có tham vọng gia nhập hay đồng hóa với một nhóm khác
(thường được gọi là “nhóm quy chiếu”, reference group). Trong một xí
nghiệp chẳng hạn, có những công nhân đang có cơ hội được đề bạt hoặc
đang muốn thăng tiến lên những chức vụ quản lý, nên dù vẫn còn là công
nhân, nhưng họ tự đồng hóa mình với những cách suy nghĩ của ban giám
đốc : thí dụ, cho rằng xí nghiệp cần có lời nhiều, kỷ luật lao động còn quá
lỏng lẻo, nghiệp đoàn đòi hỏi quá đáng cho quyền lợi công nhân... Người ta
gọi đây là quá trình xã hội hóa “diễn ra trước thời hạn” (anticipated
socialization).
1
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 104.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 104.
113
Cuộc khảo sát của Seymour Lieberman (đã đề cập ở Chương 4) cho
thấy là những công nhân nào trở thành đốc công thì đều thay đổi thái độ của
họ đối với ban giám đốc, và ngược lại, khi họ trở về vị trí công nhân bình
thường, thì lại có lại những thái độ như trước kia.1 Công trình nghiên cứu
của Odile Benoit Guilbot cũng cho thấy công nhân thuộc những nhà máy
hiện đại thường đều hiện đại hóa lối sống của họ, trong khi công nhân đang
làm việc tại những nhà máy cổ truyền thì thường không thay đổi tập quán
của mình.2
Ngoài ra, đáng chú ý là có những hình thức “lệch lạc” do bản thân
những mâu thuẫn trong cấu trúc xã hội gây ra. Robert K. Merton3 đã đặc
biệt phân tích điều này : trong xã hội Mỹ, giá trị lớn nhất, được mọi người
đề cao hơn hết, đó là sự thành công về kinh tế – với mẫu mực là một con
người tự mình giành được sự thành đạt (self-made man). Nhưng không phải
ai trong xã hội cũng dễ dàng đạt được điều này ; không phải ai cũng lên làm
tổng thống hay làm tổng giám đốc được. Chính mâu thuẫn giữa giá trị xã
hội và khả năng hiện thực hóa giá trị này đã khiến cho nhiều người, nhất là
những tầng lớp nằm ở dưới đáy bậc thang xã hội, dễ đâm ra ấm ức, bực bội,
vì ý thức rằng hầu như không có chút hy vọng gì thành công về công danh
sự nghiệp. Do đó, đối với đại đa số người dân, thì giá trị thành đạt ấy chỉ
được coi như một lý tưởng xa vời, và họ đành chấp nhận thái độ tuân thủ
các chuẩn mực của nhóm của mình (người nhân viên văn phòng, người
công chức...); đặc trưng của lối sống này là rập khuôn, hay “nghi thức chủ
nghĩa”. Đồng thời, cũng có những trường hợp có năng lực và điều kiện
phấn đấu, và cuối cùng thành công ; nhưng cũng có những trường hợp sử
dụng những con đường và những phương tiện bất hợp pháp để giành lấy
thành công về kinh tế, như buôn lậu (mafia), hoặc kinh doanh với những thể
thức bất chính, lường gạt. Đây là một thí dụ điển hình về hậu quả có thể có
của sự mâu thuẫn giữa giá trị xã hội và những phương tiện mà các tầng lớp
xã hội khác nhau có thể sử dụng để đạt tới giá trị ấy.
Để đối phó với mâu thuẫn giữa giá trị thành đạt của xã hội với khả
năng hiện thực, một kiểu ứng xử nữa mà Merton nêu ra là thoát ly : từ chối
mọi giá trị của xã hội và mọi chuẩn mực của nhóm. Đó là trường hợp
những kẻ sống lang thang mà trong xã hội Pháp, người ta gọi là clochard,
1
S. Lieberman, “The Effects of Changes in Roles on the Attitudes of Role
Occupants”, Human Relations, Vol. 9, No. 4, pp. 385-402, dẫn lại theo H.
Mendras, sách đã dẫn, tr. 105.
2
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 105.
3
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 105.
114
hoặc trường hợp những kẻ ẩn tu ở Ấn Độ – tuy hoàn toàn thoát ly khỏi xã
hội, nhưng cả hai loại nhân vật này thường đều được xã hội kính trọng, vì
họ là hiện thân cho một số giá trị cao cả của xã hội. Những kẻ sĩ ở Việt
Nam thời xưa vì bất mãn với triều đình mà rũ áo từ quan, lui về cuộc sống
ẩn dật, thường càng được người dân quý phục, nể trọng.
Theo Merton, đối lập với thái độ thoát ly, là thái độ phản kháng,
hoặc nổi loạn : phủ nhận hoàn toàn các giá trị và chuẩn mực của xã hội
đương thời bằng cách nổi loạn và đấu tranh để thay đổi xã hội.
Cũng tương tự như những cách đối phó và thích ứng khác nhau mà
Merton nêu ra trong trường hợp có những mâu thuẫn giữa các giá trị xã hội
và những khả năng hiện thực hóa các giá trị ấy, nhà kinh tế học và chính trị
học Mỹ gốc Đức Albert O. Hirschman (1915-2012) đã nói đến ba khả năng
điển hình, đó là exit (thoát ly), voice (nổi loạn), và loyalty (trung thành).1
Trong các xã hội Tây Âu, người ta thấy thanh thiếu niên thường lâm
vào hoàn cảnh phạm pháp hoặc nghiện ngập ma túy. Theo H. Mendras,
thông thường người ta hay đặt ra câu hỏi là tại sao kẻ phạm pháp lại phạm
pháp, hay tại sao kẻ nghiện ma túy lại đâm ra nghiện ngập ma túy, và người
ta thường đi tìm những nguyên nhân tâm lý và xã hội của những hiện tượng
này. Đây cũng chính là cách thức mà luật sư thường nêu ra để biện hộ cho
hoàn cảnh của thân chủ nhằm giảm án cho họ. Nhưng đối với nhà xã hội
học, thì cần đặt ra câu hỏi ngược lại : tại sao mọi người không đi ăn trộm,
ăn cắp ? tại sao mọi người lại không đi vào con đường nghiện ngập ma
túy ? Nếu đặt câu hỏi theo kiểu này, ta sẽ có thể nhận thấy là, trong phần
lớn các trường hợp, thanh thiếu niên sở dĩ không sa vào con đường phạm
pháp hay nghiện ngập ma túy là do được sự chăm sóc, nâng đỡ và bảo vệ
của gia đình. Như vậy, chính là do thiếu sự chăm sóc và nâng đỡ của gia
đình mà một số thanh thiếu niên đã sa vào những con đường ấy.2
Trong một công trình nghiên cứu mang tính cổ điển về tình trạng
lệch lạc, nhà xã hội học Mỹ Howard S. Becker (1928-) đã phân tích con
đường làm thế nào mà người ta trở thành một kẻ hút cần sa. Lúc đầu, người
ta phải tập cách hút, sau đó tập cách cảm nhận các hiệu ứng, và cuối cùng là
tập cách thưởng thức các hiệu ứng của cần sa. Tuy nhiên, sau cả ba giai
đoạn ấy (trong đó người tập hút cảm thấy có những lúc chóng mặt, khó
1
2
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 105-106.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 106.
115
chịu, ngứa ngáy, khát nước, mất cảm giác về không gian và thời gian…),
theo Becker, người hút cần sa chỉ thực sự quyết định tiếp tục hút nếu được
ủng hộ bởi một nhóm bạn luôn thuyết phục rằng chẳng có việc gì phải sợ và
cứ hút thì sẽ thấy khoái lạc.1
Liên quan tới điểm vừa nêu trên, P. Berger và T. Luckmann cũng
từng nhấn mạnh vai trò của cộng đồng xã hội khi nói tới kinh nghiệm hoán
cải tôn giáo ở Damas của thánh Phao-lô : “Chỉ có trong lòng cộng đồng tôn
giáo, tức ecclesia [giáo hội], sự hoán cải mới có thể thực sự được bảo tồn
như một điều khả tín. Điều này không có nghĩa là phủ nhận rằng sự hoán
cải có thể diễn ra trước khi gia nhập cộng đồng – ông Saul gốc ở Tarsus chỉ
tìm ra cộng đồng Ki-tô giáo sau ‘kinh nghiệm Damas’ của ông ta. Nhưng
[...] [đ]iều quan trọng thực sự là [ông ta] có khả năng tiếp tục nhìn nhận
kinh nghiệm ấy một cách nghiêm túc hay không; nghĩa là có duy trì được
một sự ý thức về tính khả tín của kinh nghiệm ấy hay không. Đây chính là
chỗ mà cộng đồng tôn giáo phải can dự vào. Cộng đồng này mang lại cái
cấu trúc khả tín thiết yếu cho thực tại mới. Nói cách khác, ông Saul có thể
trở thành Phao-lô trong sự cô đơn của kinh nghiệm xuất thần tôn giáo,
nhưng ông ta chỉ có thể tiếp tục là Phao-lô trong bối cảnh cộng đồng Ki-tô
giáo vốn đã công nhận ông ta như vậy và đã xác nhận ‘con người mới’ mà
bây giờ ông ta định vị căn cước của mình vào đó. [...] Người ta không thể
tiếp tục là một tín đồ Islam nếu nằm ngoài cộng đồng umma của đạo Islam,
không thể tiếp tục là một Phật tử nếu nằm ngoài sangha,2 và có lẽ không có
tín đồ Ấn Độ giáo nào bên ngoài Ấn Độ. Tôn giáo luôn luôn phải có một
cộng đồng tôn giáo, và muốn sống trong một thế giới tôn giáo thì người ta
buộc phải gia nhập vào cộng đồng này”3
D. Nghi thức và biểu tượng
Việc định chế hóa các giá trị và chuẩn mực còn được thực hiện thông
qua các nghi thức và các biểu tượng. Nghi thức (ritual) là một khuôn mẫu
1
Xem Howard S. Becker, Outsiders: Studies in the Sociology of Deviance (1963),
dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 106.
2
Umma trong tiếng Ả Rập có nghĩa là dân tộc hoặc cộng đồng, thường được dùng
để nói về cộng đồng tín đồ đạo Islam. Sangha trong tiếng Phạn có nghĩa là hiệp
hội hay cộng đồng, trong tiếng Việt là “tăng già” hay “tăng đoàn”, được dùng
để nói về cộng đồng tu sĩ Phật giáo.
3
P. Berger, T. Luckmann, Sự kiến tạo xã hội về thực tại. Khảo luận về xã hội học
nhận thức (1966), Trần Hữu Quang chủ biên dịch thuật, giới thiệu và chú giải,
Hà Nội, Nxb Tri thức, 2015, tr. 231-232 (những chỗ nhấn mạnh là do hai tác
giả).
116
ứng xử thường được lặp đi lặp lại mà người ta cử hành/thực hiện vào những
thời điểm thích hợp, trong đó có thể bao gồm cả việc sử dụng một số biểu
tượng.1 Còn biểu tượng (symbol) là một sự vật hay một hành vi tượng trưng
cho một cái gì khác ; biểu tượng chính là đơn vị ý nghĩa nhỏ nhất của các
nghi thức, các huyền thoại...2 (thí dụ chiếc nhẫn cưới trong nghi lễ hôn
nhân, hay nước, muối, dầu ô-liu... trong các nghi lễ tôn giáo).
Theo P. Berger và T. Luckmann, việc lưu truyền từ thế hệ này sang
thế hệ khác các “kiến thức” về truyền thống của một định chế nào đó và về
các giá trị và chuẩn mực đối với từng vai trò trong định chế ấy, để đạt được
hiệu quả, thì còn cần đến sự giúp sức hay hỗ trợ của các nghi thức và biểu
tượng. “[Các] ‘kiến thức’ [ấy] có thể cần phải được tái khẳng định thông
qua những vật biểu tượng (chẳng hạn linh vật, hoặc huy hiệu trong quân
đội), và/hoặc những hành động biểu tượng (chẳng hạn nghi thức tôn giáo
hay nghi thức quân đội). Nói cách khác, người ta có thể cần đến các đồ vật
và hành động cụ thể để dễ ghi nhớ.”3 E. Goffman cho rằng nghi thức là
“một hành vi hình thức đã trở thành tập tục, thông qua đó một cá nhân biểu
lộ sự tôn trọng và sự kính nể của mình đối với một đối vật có giá trị tuyệt
đối, đối với chính đối vật này hoặc kẻ đại diện cho đối vật này.”4
Các nhà dân tộc học thường định nghĩa “nghi thức” (ritual) là một
chuỗi hành vi cố định được thực hiện trong một bối cảnh tôn giáo hay ma
thuật huyền bí. Thực ra, các nghi thức không chỉ có trong khung cảnh tôn
giáo hay tín ngưỡng, mà kể cả trong nhiều lãnh vực của đời sống hàng
ngày. Nhà dân tộc học Pháp Claude Lévi-Strauss (1908-2009) đã từng cảnh
giác về chuyện các nhà dân tộc học đi đâu cũng thấy toàn là ma thuật và
những điều cấm kỵ (taboo), bằng cách nói dí dỏm như sau : một nhà dân
tộc học thuộc một hành tinh khác có lần đến trái đất này để khảo sát, và
khám phá ra người dân trên trái đất thường tỏ ra kinh hãi một cách đầy mê
tín dị đoan mỗi lần chạy xe đến gần lằn vạch vàng ở các ngã tư đường, nhất
là khi bánh xe lỡ cán lên vạch này ; thực ra, chúng ta chỉ tôn trọng lằn vạch
vàng theo nếp thói quen, chứ không hề có cảm xúc mê tín hay giá trị tình
cảm gì trong đó cả...5
1
J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 653.
J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 750.
3
P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 108.
4
E. Goffman, La mise en scène de la vie quotidienne, tome 2, Les relations en
public, traduit de l’anglais par Alain Kihm, Paris, Ed. Minuit, 1973, tr. 73.
5
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 109.
2
117
Erving Goffman (1922-1982), nhà xã hội học Mỹ gốc Canada, đã
từng phân tích rất sâu và chi tiết những “nghi thức tương giao” (interaction
rituals) trong đời sống hàng ngày, những quy tắc xử sự theo những nghi
thức hết sức da dạng (chẳng hạn giữa người này với người khác khi đi lại
trên đường phố, gặp nhau nơi công cộng, chào hỏi nhau …) mà nhờ đó các
tác nhân trong xã hội hợp tác với nhau để cùng sống được với nhau trong
một thực tại chung, và cũng nhờ đó mà mỗi tác nhân bảo tồn được ý thức về
cái tôi của mình.1
Xã hội nào, dù là cổ truyền hay hiện đại, cũng đều có những nghi
thức riêng của mình. Từ việc tổ chức lễ lạt, hay tiếp tân, tiếp khách, xã giao
hàng ngày, cho đến cách ăn mặc, trang phục, hay trang hoàng nhà cửa, cách
xếp đặt vị trí ngồi ăn, cách dọn bữa ăn và thứ tự các món ăn... (ngồi chiếu
trên, chiếu dưới, mời ai cái đầu heo...). Chúng ta biết là các nghi lễ ngoại
giao đều có những quy tắc nhất định phải tôn trọng. ở Anh, khi họp chính
phủ thì các vị bộ trưởng ngồi ngang hàng với nhau xung quanh bàn họp
chính phủ ; nhưng còn khi nào dự lễ đăng quang của Nữ hoàng, thì người ta
lại sắp xếp chỗ ưu tiên cho hoàng gia, sau đó là theo thứ tự các phẩm trật
quý tộc, còn các thành viên chính phủ thì bị xếp ra ngoài trật tự này. Mỗi
nghi thức đều khẳng định vị trí của từng cá nhân trong một hệ thống xã
hội.2
Ở Việt Nam thời xưa, chuyện địa vị hay ngôi thứ trong các làng xã
cổ truyền là cũng là một điều rất hệ trọng, nhất là khi diễn ra những nghi
thức của làng vào các dịp lễ lạt và mâm cỗ. Đào Duy Anh mô tả như sau :
“Một vấn đề mà người trong làng cho là quan trọng nhất là vấn đề ngôi thứ,
khi làng họp ở đình để bàn việc công hay để ăn cỗ sau khi tế thần, thì người
nào phải theo ngôi nấy mà ngồi, nếu ngồi sai thứ tự thì làng bắt vạ. Ở nhà
quê người ta thường tranh nhau ‘ăn trên ngồi trước’ rất kịch liệt, hoặc dùng
tiền bạc để mua ấm mua nhiêu với làng, hay quyên mua phẩm hàm với nhà
nước, hoặc dùng thần thế hay mưu mô để giành lấy một chức dịch trong
làng. Câu tục ngữ ‘Một miếng giữa làng bằng sàng xó bếp’ [hay ‘Miếng thịt
làng, sàng thịt mua’] đủ miêu tả xác đáng cái tinh thần tranh ngôi thứ ở
1
Xem Erving Goffman, Interaction Ritual: Essays on Face-to-Face Behaviour,
1967, dẫn lại theo J. Scott, G. Marshall (Eds.), A Dictionary of Sociology, 3rd
edition revised, New York, Oxford University Press, 2009, tr. 653. Về tư tưởng
của Erving Goffman, có thể xem thêm Nguyễn Xuân Nghĩa, “Một số chủ đề cơ
bản trong tư tưởng xã hội học của Erving Goffman : tương tác, căn tính và trật
tự xã hội”, Tạp chí Khoa học xã hội (TP.HCM), số 1 (161), 2012, tr. 60-71.
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 110.
118
hương thôn.”1
Ngay trong hoạt động thể thao ngày nay, ta thấy cũng có những nghi
thức rất rõ rệt. Trong một cuộc chạy đua marathon ở New York hay bất cứ
thành phố nào khác, hoặc trong một trận bóng đá, người ta thấy các vận
động viên đều phải mặc một thứ trang phục phù hợp nhất định, kể cả những
người cổ võ (fan) cho một đội bóng nào đó... Rồi việc trao giải cho những
người về nhất, hoặc cho đội bóng giành được chức vô địch… cũng có
những nghi thức nhất định (thượng cờ, trao cúp, trỗi lên âm nhạc…), sau đó
là đủ loại nghi thức của công chúng ngoài đường phố để ăn mừng chiến
thắng của “đội nhà”…2
Nhà dân tộc học người Pháp gốc Đức Arnold van Gennep (18731957) đã nghiên cứu về những nghi thức chuyển đổi trong vòng đời (rites of
passage). Ông cho rằng mỗi người không phải chỉ được sinh ra trong xã hội
một lần là xong, mà còn cần được tái tạo thông qua những nghi thức chuyển
đổi trong từng chặng của cuộc đời.3 Đây là những nghi thức mà xã hội nào
cũng có, để đánh dấu những bước chuyển tiếp của cá nhân từ vị trí này sang
vị trí khác, từ nhóm xã hội này sang nhóm xã hội khác : chào đời, trưởng
thành, hôn nhân, và qua đời. Nghi thức nào cũng gồm có ba giai đoạn : giai
đoạn tách ra, giai đoạn khởi sự, và giai đoạn gia nhập. Các nghi thức đánh
dấu sự trưởng thành (thường vào tuổi dậy thì) đáng chú ý nhất vì chúng
đánh dấu bước gia nhập của một đứa trẻ vào xã hội đàn ông hay vào xã hội
đàn bà. Đứa con trai để trở thành một người đàn ông phải rời bỏ thế giới
đàn bà (của mẹ nó) để gia nhập vào thế giới đàn ông, và chính nó cũng phải
ý thức rằng nó không còn là trẻ con nữa, mà là một người lớn, một người
đàn ông. Nghi lễ có ba giai đoạn : trước hết, là tách rời khỏi phụ nữ và trẻ
em ; giai đoạn khởi sự, thường là giả chết, hoặc rút lui vào trong rừng sâu
một thời gian (biến mất khỏi thế giới này) ; cuối cùng là tái sinh vào thế
giới của những người lớn và những người đàn ông.4
Nơi một số dân tộc, người ta hoặc là có tục lệ cắt bì cho con trai (lúc
mới sinh, lúc dậy thì, hoặc khi đã lớn), hoặc là cắt âm vật cho con gái (họ
giải thích rằng có làm vậy thì mới thực sự trở thành phụ nữ, vì âm vật có vẻ
như là dấu vết của dương vật). Cũng có một số tập tục khác như cắt bỏ
1
Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương (1938), Sài Gòn, Nxb Bốn phương
(tái bản), 1951, tr. 129.
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 110.
3
Xem J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 653.
4
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 111.
119
ngón tay út, nhổ một cái răng, cắt móng tay, cắt tóc hay cạo đầu… Đấy đều
là những biểu tượng mang ý nghĩa quan trọng, và có tác dụng để phân biệt
với những người khác. Những người chưa cắt bì thì không phải là tín đồ ;
những phụ nữ nào chưa cắt âm vật thì chưa thực sự là phụ nữ…1 Nhiều xã
hội hiện đại không còn những tập tục tương tự, nhưng lại nảy sinh những
tập tục mới, với những biểu tượng mới.
Các nghi thức và biểu tượng đều gắn liền với vũ trụ quan, nhân sinh
quan, với các giá trị và chuẩn mực của xã hội. Nghi thức có tác dụng củng
cố thêm vai trò của các định chế. Lễ cưới chẳng hạn, phản ánh đầy đủ định
chế gia đình, với mọi quy tắc và chuẩn mực (ở Việt Nam chẳng hạn, rước
dâu : người phụ nữ rời bỏ gia đình cha mẹ mình ; lễ gia tiên ở nhà trai : gia
nhập vào gia tộc người chồng...).
Vì thế, các nghi thức và lễ lạt thường được giữ gìn theo đúng các thủ
tục đã định, bởi lẽ, phủ nhận một nghi lễ, thì điều này cũng tương tự như
phủ nhận cả một trật tự xã hội. Theo H. Mendras, việc phủ nhận hôn nhân
của những thế hệ thanh niên Pháp sau năm 1968 (hiện tượng nam nữ yêu
nhau sống chung với nhau, chứ không làm đám cưới) được coi như bao
hàm một thái độ chính trị và một thái độ bác bỏ tình trạng thống trị của nam
giới trong xã hội.2
Tuy nhiên, trong nhiều xã hội cổ truyền, đôi khi cũng có những nghi
thức thoạt nhìn thì có vẻ như chế riễu hay nhạo báng trật tự chính thức,
nhưng thực ra lại có chức năng là củng cố trật tự xã hội. Chẳng hạn nơi tộc
người Zulu (một tộc người ở Nam Phi), hằng năm thường có một nghi lễ
kéo dài bốn ngày, trong đó phụ nữ, vốn đóng vai trò rất mờ nhạt trong cuộc
sống thường nhật, nhưng lúc này lại tỏ ra rất chủ động và hành xử ngược
với các quy tắc thông thường ; họ trần truồng đi lại nghênh ngang trong
làng, hoặc ngược lại, ăn mặc như đàn ông, mang vũ khí, coi sóc gia súc, và
buộc cánh đàn ông cư xử như đàn bà và phải ở lại trong các túp lều, trong
lúc họ chiếm lãnh trung tâm ngôi làng. Nhưng một khi nghi lễ kết thúc, tất
cả lại đâu vào đấy, mỗi giới trở về vị trí của mình, và điều kỳ lạ là trật tự xã
hội càng được củng cố sau những ngày trải qua nghi lễ cổ truyền ấy. Nói
cách khác, những nghi thức mang tính nổi loạn này có tác dụng “trừ tà” đối
với mọi ý định nhen nhúm lật đổ trật tự xã hội.3
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 111.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 112.
3
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 112-113.
2
120
Chương 7
Định chế xã hội
Trong gia đình cổ truyền Việt Nam, người con trai trưởng thường có
một vị trí được đề cao đặc biệt, và trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của
người này được coi là nặng nề và quan trọng hơn, khác hẳn so với những
người con trai thứ và những người con gái khác. Chẳng hạn, khi trưởng
thành, người con trai trưởng có trách nhiệm chính trong việc phụng dưỡng
cha mẹ, phải kế nghiệp cha mẹ và gánh vác công việc của gia đình dòng
họ... Về mặt hình thức bên ngoài, người ta có thể thấy rõ điều này ngay
trong những dịp lễ tết hay ma chay trong gia đình : người con trai trưởng
phải làm theo những nghi thức nhất định trong việc trang phục, cúng bái...
Những chuẩn mực và quy tắc này chính là những lề lối ứng xử đã được
định hình thành khuôn mẫu đối với vai trò người con trai trưởng. Trong
khuôn khổ gia đình Việt Nam cổ truyền, mỗi vị trí (vợ, chồng, cha, mẹ, con
trai trưởng, con trai thứ, con gái...) đều có một khuôn mẫu ứng xử đặc thù
vốn đã trở thành nền nếp hay lề thói, đã trở thành truyền thống – điều mà
ngành xã hội học gọi là đã được định chế hóa, cũng tương tự như đối với vị
trí và vai trò người con trai trưởng vừa nói trên.
A. Khái niệm “định chế xã hội”
Định chế xã hội là gì ? Định chế, theo nghĩa đen, là một hệ thống
hay một chế độ đã được thiết lập, đã được đặt định sẵn.1 Hiểu trong khuôn
khổ xã hội học, thì định chế xã hội2 không phải là một nhóm người, cũng
không phải là một tổ chức hay một hiệp hội, như người ta thường dùng
trong một số lĩnh vực khác. Ở đây, chúng ta có thể hiểu định chế xã hội là
một hệ thống các quan hệ xã hội, bao gồm những vai trò đã được thiết lập
theo những chuẩn mực ứng xử nhất định mà xã hội đã thừa nhận. Nó được
định hình theo thời gian, khi mà các mối quan hệ xã hội và một số ứng xử
nhất định được lặp đi lặp lại, rồi dần dần biến thành tập quán, và cuối cùng
1
2
Đào Duy Anh định nghĩa định chế là “chế độ đã nhất định từ trước” (Đào Duy
Anh, Hán Việt từ điển giản yếu [1932], Sài Gòn, Nxb Trường Thi tái bản, 1957,
tr. 283).
Thuật ngữ “định chế xã hội” tương ứng với cụm từ tiếng Anh “social
institution”. Trong tiếng Việt, khái niệm này cũng còn được một số tác giả gọi
là “thiết chế xã hội” hoặc đôi khi là “thể chế xã hội”.
121
kết tinh thành một khuôn mẫu, tức là một tập hợp các vai trò, với những
chuẩn mực và quy tắc của từng vai trò, mà phần lớn mọi thành viên của một
cộng đồng xã hội nhất định đều mặc nhiên thừa nhận và tự nguyện tuân thủ.
Lấy thí dụ về định chế gia đình : nói tới “định chế gia đình”, không phải là
ta nói tới gia đình ông X hay gia đình bà Y, mà là đề cập tới một khuôn
mẫu gia đình của một xã hội nhất định trong một thời đại nhất định.
Nếu “vai trò” là thuật ngữ dùng để chỉ những khuôn mẫu ứng xử, thì
“định chế” là một khái niệm tổng quát hơn, bao gồm nhiều vai trò. Nhà
trường, chẳng hạn, là một định chế xã hội, trong đó bao gồm các vai trò học
sinh, vai trò giáo viên, vai trò hiệu trưởng...
Nhiều tác giả trong giới khoa học xã hội trên thế giới đã đưa ra nhiều
cách định nghĩa khác nhau về khái niệm định chế xã hội, tùy theo từng góc
độ quan tâm. Émile Durkheim coi định chế là “tất cả các niềm tin và
phương cách ứng xử do tập thể thiết lập”, và do đó, xã hội học chính là môn
“khoa học về các định chế, về sự hình thành và sự vận hành của chúng”.1
Theo Talcott Parsons trong cuốn The Social System (1951), định chế xã hội
là một “phức hợp các vai trò đã được định chế hóa vốn mang một ý nghĩa
cấu trúc chiến lược trong một hệ thống xã hội nhất định”.2 John Scott thì
nhấn mạnh đến khía cạnh giá trị và chuẩn mực khi ông định nghĩa định chế
xã hội là một “hệ thống các chuẩn mực có liên hệ hỗ tương vốn bắt nguồn
từ những giá trị mà mọi người đều thừa nhận và được phổ biến trong một
xã hội hay một nhóm xã hội nhất định như là những cách thức hành động,
tư duy và cảm xúc chung”.3
Douglass North (1920-2015), nhà kinh tế học Mỹ thuộc trường phái
định chế luận, định nghĩa “các định chế là những luật chơi [rules of the
game] trong một xã hội, [...] là những điều bó buộc [constraints] do con
người đặt ra” – những điều bó buộc này định hình và chi phối các mối
tương giao giữa con người với nhau trong toàn bộ các lãnh vực chính trị, xã
hội và kinh tế.4
1
É. Durkheim, Các quy tắc của phương pháp xã hội học (1895), Đinh Hồng Phúc
dịch, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2012, tr. 79.
2
Dẫn lại theo G. Ritzer, J.M. Ryan (Eds.), The Concise Encyclopedia of
Sociology, Chichester, U.K., Wiley-Blackwell, 2011, tr. 323.
3
J. Scott, Sociology. The Key Concepts, London, Routledge, 2006, tr. 90.
4
Xem D. North, Institutions, Institutional Change and Economic Performance,
Cambridge, Cambridge University Press, 1990, tr. 3.
122
Khi nói tới một trường trung học X nào đó, chúng ta coi đó là một
“tổ chức xã hội” ; nhưng còn khi nói tới “định chế nhà trường”, thì chúng ta
đề cập tới một mô hình nhà trường nói chung trong một xã hội nhất định.
Khái niệm định chế trừu tượng hơn khái niệm tổ chức. Định chế không phải
là một tổ chức, cũng chẳng phải là một hiệp hội.
Theo Alan Wells, “các định chế xã hội phục vụ cho sự điều tiết
chuẩn tắc đối với ứng xử của con người.”1 Ông nói chẳng hạn nếu quan sát
xứ Ruritania,2 ta sẽ thấy rằng theo tục lệ thì người ta phải cưới nhau trước
khi có con, và đây được coi là điều “bình thường”. Ai cũng phải quan tâm
chăm sóc con cái của mình, nếu không, sẽ bị trừng phạt. Vợ chồng và con
cái buộc phải có nghĩa vụ với nhau hơn bất cứ ai khác, và phần lớn đều
sống như thế. Người ta buộc phải chăm sóc cha mẹ già của mình, nếu
không thì hàng xóm sẽ chê bai. Vợ và chồng phải sống với nhau ; nếu
không, họ sẽ cảm thấy áy náy, và sẽ bị người ta đàm tiếu. Họ phải sống hòa
thuận với nhau, bởi nếu không, láng giềng sẽ thấy tội nghiệp cho họ hoặc
chê cười họ.3
Các định chế xã hội không bao giờ có “thành viên” (members),
nhưng chúng lại luôn luôn có những người thực thi (followers). Đây là một
sự phân biệt hết sức quan trọng mà Paul Horton và Chester Hunt nhấn
mạnh, vì có nắm rõ được sự phân biệt này thì chúng ta mới hiểu được thế
nào là định chế. Lấy một thí dụ minh hoạ : một tôn giáo không phải là một
tập hợp người, nhưng đó là một hệ thống các tư tưởng, tín lý, niềm tin, nghi
thức, và các mối quan hệ. Còn một giáo hội mới là một tập hợp người, tức
là một tổ chức bao gồm các thành viên tin theo các tín lý và tuân thủ theo
các nghi thức của tôn giáo ấy.4 Như vậy ở đây, sự khác biệt chủ yếu là như
sau : định chế là một hệ thống tư tưởng, vai trò và ứng xử (xét về mặt trừu
tượng); còn tổ chức (hay hiệp hội) là một nhóm các thành viên đảm nhiệm
những vai trò ấy theo những chuẩn mực ứng xử ấy (xét về mặt cụ thể). Khi
nào không còn ai tham gia các vai trò này nữa, thì định chế đang nói đây sẽ
tiêu vong.
Cũng tương tự như chúng ta phải phân biệt giữa trò chơi bóng đá và
1
A. Wells, Social Institutions, London, Heinemann, 1970, tr. 6.
Ruritania là tên của một xứ sở tưởng tượng nằm ở miền trung châu Âu trong các
tiểu thuyết của Anthony Hope.
3
Xem A. Wells, sách đã dẫn, tr. 6.
4
Xem P.B. Horton, C.L. Hunt, Sociology, 6th edition, New York, McGraw-Hill
Book Company, 1984, tr. 211.
2
123
một đội bóng đá. Trò chơi bóng đá là một tập hợp các luật lệ, quy tắc, kỹ
thuật và thủ thuật. Trò chơi bóng đá không thể không có cầu thủ bước ra
sân thi đấu ; nhưng cầu thủ bóng đá không phải là trò chơi bóng đá, họ chỉ
là một nhóm người tham gia chơi trò này.
Do vậy, theo A. Wells, định chế xã hội bao hàm ba thành tố chính,
đó là vai trò, nhóm xã hội, và chương trình.1 Nó bao gồm một số vai trò nào
đó (thí dụ vợ, chồng, con…) thuộc một nhóm xã hội nào đó (thí dụ gia
đình) và tiến hành thực hiện một chương trình hành động nào đó (thí dụ
cuộc sống gia đình).
Đối với Peter Berger và Thomas Luckmann, định chế được ví như
một “kịch bản chưa được viết ra của một vở kịch”, trong đó các hành động
và xử sự của các vai trò đều “đã được lập trình” sẵn.2 “Sự hiện thực hóa vở
kịch phụ thuộc vào việc các diễn viên/tác nhân [actors] còn-đang-sống diễn
đi diễn lại những vai [roles] đã được ấn định trong vở kịch. Các diễn
viên/tác nhân là hiện thân của các vai và hiện thực hóa vở kịch bằng cách
trình diễn nó trên sân khấu hữu quan. Cả vở kịch lẫn định chế đều không
tồn tại thực sự bên ngoài sự trình diễn trở đi trở lại này.”3 Nói khác đi, nếu
không có diễn viên, nếu vở kịch không được trình diễn, thì sẽ không có vở
kịch, không có định chế. “[C]hính các vai trò làm cho các định chế có thể
tồn tại và luôn luôn tồn tại như một sự hiện diện có thực trong kinh nghiệm
của các cá nhân đang sống.”4
Bàn về tâm thế của con người cá nhân trong lòng các định chế xã
hội, P. Berger viết như sau : “Các cấu trúc của xã hội trở thành các cấu trúc
của ý thức của chính chúng ta. Xã hội không dừng lại ở mặt ngoài lớp da
của chúng ta. Xã hội thẩm thấu vào chúng ta cũng chẳng khác gì như nó
bao bọc chúng ta. Sự giam hãm của chúng ta vào xã hội được thiết lập bằng
sự khuất phục cũng không mạnh gì hơn bằng sự thông đồng [của chính
chúng ta]. Quả là đôi khi chúng ta bị ép phải phục tùng. [Nhưng] thông
thường thì chúng ta bị mắc bẫy bởi chính cái bản chất xã hội của chúng ta.
Những bức tường giam cầm chúng ta [tức các định chế xã hội] đã có sẵn ở
đấy trước khi chúng ta xuất hiện trên sân khấu [cuộc đời], nhưng chúng
1
Xem A. Wells, sách đã dẫn, tr. 8-11.
Xem P. Berger, T. Luckmann, Sự kiến tạo xã hội về thực tại (1966), Trần Hữu
Quang chủ biên dịch thuật, giới thiệu và chú giải, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2015,
tr. 113.
3
P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 113.
4
P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 114.
2
124
cũng luôn luôn được xây dựng lại bởi chính chúng ta. Chúng ta bị phản bội
và rơi vào vòng cầm tù với sự hợp tác của bản thân chúng ta.”1
Con người không thể sống ngoài các định chế. Con người-sinh vật
không thể trở thành con người-xã hội nếu thiếu các định chế. P. Berger đã
nhắc tới ý tưởng của nhà khoa học xã hội Đức Arnold Gehlen (1904-1976)
khi ông này cho rằng định chế đối với con người đóng vai trò cũng giống
như bản năng đối với các động vật, vì định chế chính là “một cơ quan điều
tiết”, nhằm “định hướng cho hành động của con người”, nó “cung cấp
những thể thức thủ tục để qua đó đưa hành vi con người vào khuôn khổ,
thành mẫu hình, và buộc phải đi theo những lối mòn mà xã hội mong
muốn.”2
Mỗi định chế đáp ứng một số nhu cầu nhất định của xã hội. Người ta
thường phân biệt bốn loại định chế xã hội cơ bản sau đây. (1) Các định chế
chính trị, điều tiết việc nắm giữ và sử dụng quyền lực trong xã hội. (2) Các
định chế kinh tế, mang chức năng sản xuất và phân phối các sản phẩm và
dịch vụ. (3) Các định chế thân tộc, liên quan đến hôn nhân, gia đình, dòng
họ, và quá trình xã hội hóa trẻ em. Và (4) các định chế văn hóa, liên quan
đến tôn giáo, phong tục, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, khoa học, truyền
thông đại chúng...3
B. Quá trình định chế hóa
Định chế là một sản phẩm của đời sống xã hội. Nó được định hình
theo thời gian, khi mà một số ứng xử nào đó của con người được lập đi lập
1
P. Berger, Invitation to Sociology – A Humanistic Perspective, New York,
Anchor Books, Doubleday, 1963, tr. 121. Xem thêm P. Berger, Lời mời đến với
xã hội học : một góc nhìn nhân văn (1963), Phạm Văn Bích dịch, Hà Nội, Nxb
Tri thức, 2016, tr. 220-221.
2
Xem P. Berger, Lời mời đến với xã hội học : một góc nhìn nhân văn (1963),
Phạm Văn Bích dịch, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2016, tr. 162. Theo chúng tôi, có
thể dịch lại câu này như sau : các định chế “cung cấp những thể thức thủ tục để
qua đó đưa hành vi con người vào khuôn khổ, phù hợp với khuôn mẫu, và buộc
phải đi theo những lối mòn mà xã hội mong muốn” (bản gốc : “… institutions
provide procedures through which human conduct is patterned, compelled to
go, in grooves deemed desirable by society” [P. Berger, Invitation to Sociology
– A Humanistic Perspective, New York, Anchor Books, Doubleday, 1963, tr.
87]).
3
Có thể xem thêm về sự phân biệt giữa các định chế xã hội chính thức và các định
chế xã hội phi chính thức trong Trần Hữu Quang, “Định chế xã hội phi chính
thức : Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn xã hội ở Tây nguyên”, Tạp chí Khoa
học xã hội (TP.HCM), số 2 (210), 2016, tr. 12-24.
125
lại, rồi dần dần biến thành tập quán, biến thành cái mà chúng ta thường gọi
là lề thói, nề nếp hay phong tục – tức là vô hình trung trở thành những
chuẩn mực và quy tắc của ứng xử.
Định chế hóa (institutionalization) chính là quá trình định hình (hay
xác lập) của những chuẩn mực mà con người ở mỗi vị trí và vai trò nhất
định trong xã hội phải tuân theo trong cung cách ứng xử của mình. Chuẩn
mực (norm) là điều mà xã hội mong mỏi và đòi hỏi cá nhân phải tôn trọng
khi ứng xử trong tư thế của một vị trí và vai trò nào đó.
Một cuộc ẩu đả trong quán nhậu là một loại ứng xử ngoài định chế ;
nhưng một trận thi đấu trong võ đường thì lại bao gồm những cung cách và
tác phong đã được định chế hóa. Các mối quan hệ xã hội có thể được định
chế hóa khi (a) một hệ thống các vị trí và vai trò đã được phát triển và định
hình, và (b) hệ thống các chuẩn mực tương ứng với các vị trí và vai trò đó
được đại đa số mọi người trong xã hội thừa nhận.
Theo P. Berger và T. Luckmann, quá trình định chế hóa diễn ra qua
các bước như sau : sự tập quán hóa, sự điển hình hóa, và từ đó là sự xuất
hiện của các vai trò, và cuối cùng là sự ra đời của một định chế.
Khởi sự là tiến trình tập quán hóa (habitualization): “Bất cứ hành
động nào được lặp đi lặp lại thường xuyên cũng sẽ đến lúc được đúc thành
một khuôn mẫu [pattern], khuôn mẫu này sau đó có thể được sao chép lại
mà không tốn nhiều công sức.”1 Lấy thí dụ về việc một người tiến hành chế
tạo một chiếc xuồng trên một hòn đảo hoang, Berger và Luckmann nhận xét
rằng chính nhờ tiến trình tập quán hóa mà mỗi buổi sáng, người này có thể
tiếp tục công việc mà mình đã làm từ ngày hôm trước, thay vì phải thắc mắc
đặt lại câu hỏi là mình phải bắt đầu từ đâu, và trong số hàng trăm cách có
thể có để chế tạo chiếc xuồng, thì anh ta chỉ chọn theo một cách mà thôi.2
Hai tác giả này viết : “[S]ự tập quán hóa khiến cho người ta không còn cần
phải định nghĩa lại từ đầu và từng bước một đối với mỗi tình huống. [...] Do
vậy, người ta có thể tiên liệu được những việc cần làm trong những tình
huống này. Ngay cả những khả năng chọn lựa cách xử sự cũng có thể đã
được ấn định theo những tiêu chuẩn có sẵn. Những quá trình tập quán hóa
này diễn ra trước bất cứ quá trình định chế hóa nào.”3
1
P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 83.
P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 83.
3
P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 84.
2
126
Tiếp theo là tiến trình điển hình hóa (typification). Theo Berger và
Luckmann, trong đời sống thường nhật, chúng ta thường nhìn nhận người
khác thông qua “những lược đồ điển hình hóa” và dựa trên đó mà chúng ta
“‘đối xử’ trong những lần gặp gỡ trực diện.”1 Chẳng hạn, nếu tôi là một
nhân viên bán hàng người Mỹ, tôi có thể nhìn một khách hàng mới tới nào
đó như “một người đàn ông”, “một người Âu châu”, và “một người vui
tính”, và thế là tôi quyết định sẽ dẫn anh ta đến một nơi giải trí vui vẻ ở thị
trấn trước khi tìm cách bán cho anh ta món hàng của tôi. Nhưng sau đó, tôi
mới vỡ lẽ ra rằng tuy anh ta là “một người đàn ông” và “một người Âu
châu”, nhưng anh ta cũng là một nhà đạo đức bảo thủ, và sự vui tính bề
ngoài lúc đầu của anh ta thực ra là một biểu hiện của thái độ khinh thường
đối với người Mỹ nói chung và đối với nhân viên bán hàng người Mỹ nói
riêng. “Lẽ dĩ nhiên, đến lúc ấy, lược đồ điển hình hóa của tôi sẽ phải được
sửa đổi lại, và chương trình buổi tối sẽ được dự liệu khác đi cho phù hợp
với sự sửa đổi này. Tuy nhiên, cho dù gặp những trường hợp bị thách thức
tương tự, thì những điều đã được điển hình hóa ấy sẽ vẫn có hiệu lực cho
đến khi vấp phải chuyện gì khác, và sẽ vẫn định đoạt các hành động của tôi
trong tình huống này.”2
Do vậy, theo Berger và Luckmann, “trong đa số trường hợp, những
cuộc gặp gỡ của tôi với tha nhân trong đời sống thường nhật thường mang
tính chất điển hình [typical] theo hai nghĩa – tôi nhìn nhận tha nhân như
một mẫu điển hình [type], và tôi tương giao với anh ta trong một tình huống
tự nó cũng mang tính chất điển hình [typical].”3
Berger và Luckmann viết : “Sự định chế hóa diễn ra mỗi khi có một
sự điển hình hóa hỗ tương4 đối với những hành động đã-được-tập-quán-hóa
của một số loại điển hình tác nhân nào đó.”5 Những “điển hình tác nhân”
này chính là những vai trò xã hội. Hai tác giả này viết tiếp : “Những sự điển
hình hóa [...] luôn luôn là những sự điển hình hóa mà mọi người đều chia
sẻ. Mọi thành viên của nhóm xã hội cụ thể hữu quan đều biết đến chúng, và
ngay chính định chế cũng điển hình hóa cả các tác nhân cá thể cũng như các
1
P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 51.
P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 51-52.
3
P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 52.
4
Tức là người này nhìn nhận người khác thông qua một số “lược đồ điển hình
hóa” nào đó, và ngược lại, người khác cũng nhìn nhận người này qua một số
“lược đồ điển hình hóa”.
5
P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 85.
2
127
hành động cá thể. Định chế đặt định rằng những hành động theo điển hình
X sẽ được thực hiện bởi những tác nhân thuộc điển hình X [tức vai trò X].
Chẳng hạn, định chế pháp luật đặt định rằng phải chặt đầu theo những cách
thức đặc thù nào đó trong những hoàn cảnh đặc thù nào đó, và những điển
hình cá nhân đặc thù nào đó sẽ thi hành việc chặt đầu (chẳng hạn các đao
phủ, hoặc các thành viên của một đẳng cấp ô uế, hoặc những trinh nữ dưới
một độ tuổi nào đó, hoặc những người đã được chỉ định bởi một lời sấm
truyền).”1
Một định chế xã hội được hình thành khi các vị trí và vai trò đã được
“định chế hóa” bằng các chuẩn mực. Nói cách khác, mỗi vai trò, một khi đã
được định chế hóa, đều được quy định bởi một loạt chuẩn mực về ứng xử
(từ đó mới có khái niệm “khuôn mẫu ứng xử” – behavior pattern).
Tuy nhiên, định chế xã hội không phải là một thực tại cố định hay
bất biến. Nó luôn luôn nằm trong quá trình biến chuyển và đổi thay. Theo
Cao Huy Thuần, định chế là “một quá trình biện chứng” bao hàm cả cái “đã
được định chế” (institué) lẫn cái “đang định chế” (instituant) : “Định chế
không phải là một tổng thể đã hoàn thành, có cấu trúc mạch lạc, bền vững,
mà là một cái gì đang hoàn thành, luôn luôn đang hoàn thành. Đó không
phải là một ‘sự vật’, mà là một ‘thực tiễn’.”2
Lấy thí dụ trong phong tục cưới hỏi ở nước ta ngày xưa, ông bà
thường quan niệm phải “môn đăng hộ đối”. Mặt khác, với quan niệm “nam
nữ thụ thụ bất thân”, con trai và con gái không được phép tự mình làm quen
với nhau. Vì thế, trong chuyện cưới xin, phải theo quy tắc “cha mẹ đặt đâu,
con ngồi đấy” : ai không làm theo phong tục này thì sẽ bị họ hàng làng xóm
chê cười hoặc lên án. Nhưng ngày nay, chúng ta thấy phần lớn thanh niên
khi lập gia đình không còn theo kiểu ấy nữa, mà ngược lại, thường tự mình
chọn lựa “ý trung nhân” tương lai của mình chứ không còn dựa trên ý kiến
của cha mẹ (tuy đôi lúc cũng có “xin phép” cha mẹ), và hầu như cũng
không còn quan tâm bao nhiêu tới quan niệm “môn đăng hộ đối” nữa khi
chọn lựa người chồng hay người vợ tương lai của mình... Đó là những dấu
hiệu chứng tỏ rằng định chế hôn nhân hiện nay có lẽ đang thay đổi, và một
số chuẩn mực và quy tắc mới đang dần dần được “định chế hóa”, nghĩa là
đang (hay đã) trở thành khuôn mẫu, thay thế những chuẩn mực và quy tắc
1
2
P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 85.
Cao Huy Thuần, “Định chế : cái ‘đã’ và cái ‘đang’”, Tạp chí Thời đại (Paris), số
5, 2001, tr. 4.
128
cũ ngày xưa.
R. Boudon và F. Bourricaud đưa ra hai thí dụ sau đây để cho thấy
tiến trình định chế hóa vẫn không ngừng diễn ra trong bất cứ xã hội nào và
vào bất cứ giai đoạn nào. Trong các xã hội tư bản chủ nghĩa trước đây, mối
quan hệ giữa giới chủ doanh nghiệp với giới công nhân thường hay xảy ra
những vụ xung đột, đình công... thậm chí nhiều lúc còn mang tính chất bạo
động. Do vậy, những cơ quan trọng tài đã đưa ra cho cả hai phía một số đề
nghị về biện pháp và chính sách vì lợi ích chung nhằm hóa giải xung đột,
chẳng hạn những chính sách an sinh xã hội dành cho công nhân (mức lương
cơ bản, thời gian lao động tối đa, nhà ở, bảo hiểm y tế...), các điều kiện
tuyển dụng nhân công, các tiêu chuẩn cho việc đề bạt, thăng tiến... Hai phía,
tức giới chủ và giới thợ, dần dà từng bước đạt được những thỏa thuận, và
xây dựng được những quy trình nhằm thực thi những điều đã thỏa thuận ấy.
Đây chính là những kết quả của tiến trình định chế hóa trong doanh nghiệp
tư bản chủ nghĩa. Một thí dụ khác : chuyện “cứu giúp người nghèo” trước
đây trong các xã hội Tây Âu chỉ là một bổn phận mang tính chất thuần túy
tôn giáo. Nhưng tình hình đã thay đổi kể từ khi mà, thay vì phó mặc cho
“lòng tốt” của từng cá nhân, chuyện ấy được bảo đảm bởi những chính sách
bảo hiểm xã hội và những chế độ thuế khóa mà mọi người bắt buộc phải
đóng. Trong cả hai thí dụ vừa nêu, sự định chế hóa đã diễn ra xuất phát từ
lãnh vực đạo đức và tôn giáo, rồi thông qua những quá trình thương lượng
tập thể, để cuối cùng trở thành những điều luật và những nghĩa vụ mà mọi
người trong xã hội buộc phải tuân thủ.1
C. Những đặc điểm của định chế
Mỗi định chế xã hội bao gồm một số vai trò nhất định. Và, như đã
nói, mỗi vai trò đều có những chuẩn mực ứng xử và quy tắc ứng xử nhất
định. Các chuẩn mực ứng xử, các vai trò xã hội, và nói rộng ra là các định
chế xã hội, đều tồn tại độc lập, nằm ngoài các ý thức cá nhân và không phụ
thuộc vào ý muốn chủ quan của từng cá nhân ; hơn nữa, chúng còn được áp
đặt lên trên các cá nhân, nghĩa là các cá nhân buộc phải tuân theo. Khi sinh
ra và lớn lên trong xã hội, mỗi cá nhân đều được “xã hội hóa”, nghĩa là đều
phải học các quy tắc ứng xử tương ứng với từng vai trò mà mình đảm nhận,
trong khuôn khổ những định chế xã hội nhất định.
Mỗi vai trò, khi đã được định chế hóa (institutionalized role), đều
1
Xem R. Boudon, F. Bourricaud, Dictionnaire critique de la sociologie, Paris,
PUF, 2e édition revue et augmentée, 1986, tr. 334.
129
bao gồm một loạt chuẩn mực mà xã hội đã đề ra và cá nhân phải tuân theo,
dù muốn hay không muốn. Các vị thẩm phán một khi đã ngồi vào ghế quan
tòa thì thường đều hành xử công việc của mình một cách rất giống nhau, dù
cá tính giữa người này với người khác có khác nhau đến mấy đi nữa. Các vị
sư sãi hay các vị linh mục trong các nghi lễ tôn giáo cũng y như thế : mỗi cá
nhân không được phép làm khác hơn những điều đã được quy định (tức đã
được định chế hóa) đối với vai trò mà mình đang đảm nhận. Kể cả những vị
tổng thống hay những ông vua, dù đầy quyền thế đến mấy, cũng không
thoát khỏi quy luật này và cũng bị những giới hạn nhất định trong ứng xử
của mình. Vua nước Anh Edward VIII vì nhất định muốn cưới một người
phụ nữ đã ly dị chồng (điều mà luật lệ của hoàng cung cũng như của giáo
hội Anh giáo không cho phép) nên đã buộc phải thoái vị để nhường lại ngôi
vua cho người khác (vào năm 1936).
Trong các định chế, ứng xử của mỗi vai trò (role behavior) đều được
lèo lái và quy định bởi những kỳ vọng của xã hội đối với vai trò đó (role
expectations). Nhiều nhân viên khi đã được đề bạt lên làm lãnh đạo thường
mong muốn duy trì mối quan hệ thân thiện và hữu hảo với những nhân viên
đồng nghiệp cũ, nhưng rất ít có ai làm được điều này, vì vai trò mới của họ
đương nhiên buộc họ phải có những lối ứng xử thích hợp (với tư cách là
người lãnh đạo) đối với nhân viên cấp dưới, trong đó có thể có cả những
người bạn cũ của họ.
Trong thực tế, đúng là sự khác biệt về cá tính giữa các cá nhân có thể
ảnh hưởng tới lề lối xử sự trong các hoạt động của một định chế nào đó.
Một vị giám đốc này có thể nóng tính, trong khi người giám đốc kia lại
trầm tính, ôn tồn hơn. Vị giáo sư này có thể năng động, hoạt bát, trong khi
một vị giáo sư khác lại có vẻ chậm chạp, ít nói hơn... Nhưng nhìn chung, cá
nhân thường không có nhiều khoảng “tự do” lắm khi đang hành xử trong
một vai trò nào đó, vì anh ta chủ yếu phải ứng xử theo những đòi hỏi của
chức trách mà anh ta đang đảm nhận. Người ta nhận thấy những xung đột
trong một tổ chức cũng có khi bắt nguồn từ những khác biệt về cá tính giữa
người này với người khác, nhưng thông thường vẫn là do những va chạm
giữa các vai trò trong định chế. Một vị quản đốc phân xưởng dễ bực tức với
một cán bộ kiểm tra về chất lượng, vì người quản đốc thì phải lo sao cho bộ
máy sản xuất đạt được chỉ tiêu đề ra, còn người cán bộ kiểm tra thì lại chú ý
tìm những khuyết tật của sản phẩm để sửa chữa.
Các tổ chức (organization) thường có văn bản nội quy hoặc điều lệ
rõ ràng để điều phối hoạt động của mình. Nhưng các định chế xã hội
130
thường chỉ dựa trên những quy định và luật lệ bất thành văn, những cái mà
chúng ta thường gọi là “phong tục”, là “truyền thống”, là “nề nếp”... Phần
lớn các chuẩn mực ứng xử của các vai trò trong các định chế xã hội (như
cha mẹ, nhà giáo, người lính, người thầy thuốc...) đều thuộc loại này, nghĩa
là không thành văn, không có văn bản, nhưng mọi người đều mặc nhiên
hiểu là có những ràng buộc tinh thần chặt chẽ truyền từ đời này sang đời
khác, mà mỗi người đã học được trong quá trình xã hội hóa. Trong thực tế,
nhiều điều quy định trong các văn bản điều lệ của các tổ chức chính là cụ
thể hóa, viết ra thành lời lẽ trên giấy trắng mực đen những điều vốn bàng
bạc trong các định chế xã hội.
Định chế xã hội luôn luôn bao hàm sự kiểm soát xã hội. Theo P.
Berger và T. Luckmann, định chế “kiểm soát cách xử sự của con người
bằng cách thiết lập các khuôn mẫu xử sự định sẵn, các khuôn mẫu này lèo
lái cách xử sự đi theo một hướng nào đó nhất định chứ không đi theo những
hướng khác.”1 Do các thế hệ đến sau thường gặp khó khăn trong chuyện
tuân thủ các khuôn mẫu, nên trật tự định chế thường “phải thiết lập các biện
pháp chế tài.”2 “Trẻ em phải được ‘dạy cách cư xử’, và một khi đã được
dạy thì chúng phải ‘tuân theo khuôn phép’. Người lớn cũng buộc phải như
vậy, lẽ dĩ nhiên.”3
Tuy nhiên, bên cạnh sự kiểm soát xã hội và tính chất cưỡng chế của
các khuôn mẫu ứng xử trong các định chế xã hội, R. Boudon và F.
Bourricaud còn nhấn mạnh tới chiều kích tin cậy (confiance) trong các mối
quan hệ diễn ra trong lòng các định chế xã hội. Sự tin cậy giữa bệnh nhân
với thầy thuốc chắc hẳn phải là một điều kiện không thể thiếu cho sự thành
công trong việc điều trị bệnh tật của các định chế bệnh viện. Và điều này
cũng hoàn toàn đúng đối với mối quan hệ sư phạm giữa thầy và trò trong
định chế nhà trường, hay mối quan hệ giữa luật sư với thân chủ của mình
trong định chế tư pháp. Sự tin cậy lẫn nhau giữa vai trò này với vai trò khác
trong từng định chế chính là nền tảng để thiết lập nên những mối quan hệ
ổn định giữa các thành viên trong một cộng đồng vốn có chung những luật
lệ và phong tục mà mọi người đều chia sẻ.4
Một đặc điểm cũng quan trọng nữa là các định chế xã hội có thể hết
1
P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 86.
P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 96.
3
P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 96.
4
Xem R. Boudon, F. Bourricaud, Dictionnaire critique de la sociologie, Paris,
PUF, 2e édition revue et augmentée, 1986, tr. 333.
2
131
sức khác biệt nhau giữa xã hội này với xã hội khác, cũng như giữa thời
điểm này với thời điểm khác trong cùng một xã hội. Để minh họa chuyện
này, Alan Wells đề cập tới xã hội của người Nayar ở Malabar, miền nam
Ấn Độ, mà nhiều người đã nghiên cứu và thảo luận.1 Phong tục trong xã hội
đa phu của người Nayar này là phụ nữ thường có một người chồng ; nhưng
người phụ nữ chỉ ở với người chồng này chừng ba ngày mà thôi, và sau đó
thường không còn liên lạc gì với người này nữa. Bà thường có một số người
tình mà mọi người đều thừa nhận, trong đó có những người tình thường
xuyên và có những người thì thỉnh thoảng mới là người tình của bà. Vì thế,
người ta thường không biết rõ ai là người cha ruột của đứa con của bà. Tuy
vậy, trong số những người tình của bà, ai muốn được công nhận là cha của
đứa con thì phải trả chi phí cho việc sinh đẻ. Nhưng điều này vẫn không hề
làm cho người chồng hay bất cứ người tình nào có được bất cứ quyền gì đối
với người mẹ và đứa con. Người mẹ và đứa con vẫn luôn luôn là thành viên
thuộc về dòng họ của bà mẹ. Như vậy ở đây, người ta thấy hoàn toàn không
có loại hình gia đình “hạt nhân” vốn phổ biến ở các xã hội Tây phương ; và
mặt khác, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng hết sức khác biệt.2
Wells đặt ra câu hỏi là liệu có thể áp dụng thuật ngữ “hôn nhân” để nói
chung cho cả tình huống của người Nayar trên đây lẫn tình huống hôn nhân
của người Âu Mỹ hay không. Nói như E. R. Leach, làm điều này hoàn toàn
không ổn chút nào.3 Hiển nhiên đây là vấn đề mà nhà nghiên cứu khoa học
xã hội cần hết sức thận trọng trong việc định nghĩa những khái niệm mà
mình sử dụng, nhất là những khái niệm vốn đã thông dụng trong môi trường
văn hóa-xã hội mà mình đang sinh sống.
Mỗi định chế đều có tính độc lập tương đối, nhưng trên phạm vi toàn xã
hội, các định chế đều không thể không có ảnh hưởng tương tác lẫn nhau. Những
thay đổi trong định chế này có thể dẫn đến những thay đổi trong các định chế
khác. Thí dụ mà chúng ta dễ thấy nhất là định chế gia đình. Trong quá trình
công nghiệp hóa và đô thị hóa, với những sự thay đổi lớn lao về sự phân công
lao động trong định chế kinh tế, gia đình dần dần chuyển hóa, không còn giống
như hình ảnh gia đình cổ truyền nữa. Hình thức “đại gia đình” (ba bốn thế hệ)
từng bước nhường chỗ cho “gia đình hạt nhân” (hai thế hệ). Quá trình chuyển từ
lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp làm mờ nhạt dần vai trò
1
Kathleen Gough, “The Nayars and the Definition of Marriage”, Journal of the
Royal Anthropological Institute, Vol. 89, Pt. 1, 1959, pp. 23ff., dẫn lại theo A.
Wells, sách đã dẫn, tr. 12.
2
Xem A. Wells, sách đã dẫn, tr. 12.
3
E. R. Leach, Rethinking Anthropology, 1961, dẫn lại theo A. Wells, sách đã dẫn,
tr. 13.
132
quyền lực chủ gia đình của người chồng, người cha : trong đô thị, người vợ có
thể phải đi làm ở một nhà máy khác, có đồng lương riêng, những đứa con lớn
lên cũng sẽ được học hành nhiều hơn, và có nhiều khả năng kiếm được việc làm
và sớm độc lập về kinh tế. Từ đó, khi lập gia đình, thế hệ trẻ sẽ không còn quan
tâm lắm tới phong tục “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” nữa... Gia đình lúc này
không còn là một đơn vị sản xuất nông nghiệp trong đó người giám đốc đơn vị
kinh tế này cũng đồng thời là người gia trưởng của gia đình, như trong xã hội
nông thôn cổ truyền nữa. Hiển nhiên là sự chuyển biến trong định chế kinh tế đã
gây ra những hệ quả thay đổi rõ rệt trong định chế gia đình.
Theo P. Berger và T. Luckmann, định chế xã hội có thể được hình dung
qua ba giai đoạn hay đúng hơn là ba mô-men1 như sau. (a) Trước hết, lúc ban
đầu, nó là “sản phẩm ngoại thể hóa [externalization] của hoạt động con người”.
(b) Nhưng rồi sau đó, nó trở nên khách quan do quá trình khách thể hóa
(objectivation) – “[đ]iều nghịch lý là con người có khả năng tạo ra một thế giới
mà rồi sau đó anh ta trải nghiệm nó như một cái gì đó không phải là một sản
phẩm của con người.” Và (c) mô-men thứ ba là sự nội tâm hóa (internalization):
thế giới định chế vốn đã được khách thể hóa “sẽ được phóng chiếu ngược trở lại
vào trong ý thức [con người cá nhân] trong suốt tiến trình xã hội hóa”.2
Nếu định chế là sản phẩm của xã hội, thì ngược lại, cũng có thể nói
rằng hình thái phát triển của một xã hội hay của một nền kinh tế phụ thuộc
phần lớn vào tính chất cũng như sự vận hành của các định chế.3 Theo D.
North, quá trình biến đổi xã hội theo thời gian chính là quá trình “biến đổi về
mặt định chế” (institutional change), và đây là “chìa khóa để hiểu được biến
chuyển lịch sử”.4
1
Thuật ngữ moment là một thuật ngữ khó dịch ra tiếng Việt. Khi dịch thuật ngữ
das Moment của Hegel trong cuốn Hiện tượng học tinh thần, nhà triết học Bùi
Văn Nam Sơn đã sử dụng từ phiên âm ra tiếng Việt là “mô-men”, với lời giải
thích như sau : mô-men “vừa là yếu tố bản chất hay phương diện (Seite) của
một toàn bộ xét như một hệ thống tĩnh tại, vừa là một giai đoạn bản chất trong
một toàn bộ xét như một tiến trình vận động biện chứng” (xem Georg W.F.
Hegel, Hiện tượng học tinh thần (1807), Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, Hà
Nội, Nxb Văn học, 2006, tr. 4-5, xem chú thích số 8 của Bùi Văn Nam Sơn).
2
P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 94.
3
Xem thêm Trần Hữu Quang, “Phát triển các định chế xã hội : Một trong những
tiền đề xã hội của quá trình phát triển ở thành phố Hồ Chí Minh”, Tạp chí Khoa
học xã hội (TP.HCM), số 11 (87), 2005, tr. 20-26.
4
Xem D. North, sách đã dẫn, tr. 3.
133
Chương 8
Chức năng, cấu trúc và con người tác nhân
Trong các chương vừa qua, chúng ta đã tìm hiểu một số khái niệm
chính trong ngành xã hội học. Có lẽ cũng cần nhấn mạnh lại ở đây là xã hội
học không phải là một mớ kiến thức cần phải học thuộc, mà thực ra là một
cách nhìn các hiện tượng xã hội, một lối đặt vấn đề và nghiên cứu vấn đề.
Vì thế, trong chương này, chúng ta sẽ đề cập đến một số phương pháp phân
tích từng thịnh hành trong ngành xã hội học.
A. Lý thuyết chức năng luận
Trong đời sống hàng ngày, người ta thường hiểu từ chức năng (tiếng
Anh : function, tiếng Pháp : fonction) theo nghĩa là một tác dụng hữu ích
nào đó của một đồ vật. Chẳng hạn một đôi đũa được dùng để ăn cơm, cái
ghế là để ngồi ; như vậy, chức năng của đôi đũa là giúp ta ăn cơm, còn chức
năng của cái ghế là giúp ta có chỗ ngồi.
Nhưng trong ngành sinh học, thuật ngữ chức năng được hiểu theo
một nghĩa khác : mỗi cơ quan hay bộ phận trong một cơ thể có một chức
năng nhất định cần thiết cho sự vận hành của toàn bộ cơ thể ; chẳng hạn,
trái tim có chức năng là bơm máu đưa di khắp cơ thể, bao tử có chức năng
tiêu hóa thực phẩm… Từ thế kỷ XIX, nhiều nhà khoa học xã hội đã chịu
ảnh hưởng bởi cách nhìn này, và đưa hình ảnh này vào việc phân tích các
xã hội : xã hội được nhìn giống như một cơ thể gồm nhiều cơ quan, bộ
phận ; hoạt động của xã hội cũng có thể được so sánh tương tự như sự vận
hành của một bộ máy, trong đó mỗi chiếc bánh răng hay mắt xích đều có
vai trò của nó. Nhà khoa học xã hội người Anh Herbert Spencer (18201903) không những coi xã hội giống như một cơ thể sống mà còn quan
niệm rằng xã hội cũng sẽ tiến bộ theo định luật tiến hóa (tương tự như quan
niệm “chọn lọc tự nhiên” của Darwin) trong đó cái gì mạnh nhất, khỏe nhất
sẽ sống sót.1
Ngoài ảnh hưởng của cách nhìn sinh học và cách nhìn tiến hóa,
1
Xem J. Scott, G. Marshall (Eds.), A Dictionary of Sociology, 3rd edition revised,
New York, Oxford University Press, 2009, tr. 723. Về lý thuyết tiến hóa luận
trong khoa học xã hội, có thể xem thêm Bùi Thế Cường, “Đến với các lý thuyết
xã hội học : Quan điểm tiến hóa”, Tạp chí Xã hội học, số 4 (84), 2003, tr. 75-85.
134
ngành xã hội học còn bị tác động bởi phương pháp tư duy trước đây của các
nhà dân tộc học : vốn khảo sát những cộng đồng xã hội tộc người có quy
mô hạn hẹp, các nhà dân tộc học trước đây thường có ấn tượng rằng mỗi xã
hội là một chỉnh thể trong đó mỗi yếu tố đều có chức năng của nó, và mỗi
chức năng đều hợp lý và cần thiết cho sự vận hành của toàn bộ xã hội.
Chính cách nhìn này đã làm phát sinh trường phái chức năng luận trong xã
hội học.
Thực ra, cũng đã có không ít nhà tư tưởng từng rơi vào lối suy nghĩ
giản đơn và đôi khi ấu trĩ ấy. Nhà văn Pháp Bernardin de Saint-Pierre (thế
kỷ XVIII) từng cho rằng quả dưa tây sở dĩ có khía là để người ta dễ cắt
thành miếng và phân chia trong gia đình. Còn nhà sử học Pháp J. Michelet
(thế kỷ XIX) thì bày tỏ sự khâm phục thiên nhiên vì mỗi đứa trẻ đều có một
người mẹ để chăm sóc khi nó chào đời.1
Nhà nhân học xã hội người Anh Alfred R. Radcliffe-Brown (18811955) định nghĩa chức năng như sau : “Chức năng của mỗi tục lệ cụ thể
trong xã hội chính là sự đóng góp của tục lệ này vào đời sống xã hội xét
như toàn bộ sự vận hành của hệ thống xã hội. Định nghĩa này giả định rằng
mỗi hệ thống xã hội [...] đều có một sự thống nhất nào đó, mà ta có thể gọi
là sự thống nhất mang tính chức năng [unité fonctionnelle] và định nghĩa nó
như một tình trạng cố kết hay hợp tác hòa hợp giữa tất cả mọi yếu tố của hệ
thống xã hội – điều này loại trừ [khả năng xảy ra] những cuộc xung đột kéo
dài và không thể hóa giải."2
Còn nhà nhân học người Ba Lan Bronisław K. Malinowski (18841942) thì viết : “Phương pháp phân tích chức năng đối với văn hóa xuất
phát từ nguyên lý cho rằng, trong tất cả các loại hình văn minh, mỗi phong
tục, mỗi đồ vật vật chất, mỗi ý tuởng và mỗi niềm tin đều đảm nhiệm một
chức năng thiết yếu nào đó.”3
Émile Durkheim là nhà xã hội học được coi là quan điểm gần gũi
nhất với trường phái chức năng luận. Ông thường lấy những thí dụ trong
ngành sinh học để mô tả những hiện tượng xã hội. Ông ví xã hội cũng
tương tự như một cơ thể, trong đó mỗi thành tố vận hành để duy trì sự vận
hành của các thành tố khác, cũng giống như mỗi bộ phận của một cơ thể
1
Dẫn lại theo H. Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle
édition refondue, 2003, tr. 116.
2
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 116.
3
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 116.
135
đều vận động nhằm duy trì sự vận động của các bộ phận khác và của toàn
bộ cơ thể. Đây chính là nền tảng dẫn tới quan niệm của ông về sự “liên đới
hữu cơ” trong xã hội.1
Theo Durkheim, trong xã hội học, có hai lối giải thích khác nhau :
giải thích theo chức năng, và giải thích theo lịch sử ; và ông cho rằng cả hai
lối giải thích này đều cần thiết. Lối thứ nhất (functional explanation) nhằm
giải thích một sự kiện xã hội hoặc một hành động căn cứ trên các hệ quả
của nó – tức là sự đóng góp của nó vào việc duy trì một tổng thể xã hội ổn
định. Chẳng hạn các định chế tôn giáo thường có chức năng sản sinh và bảo
tồn sự liên đới trong xã hội.2 Ngay hành vi tội phạm chẳng hạn, theo ông,
có tác dụng phân định và củng cố (thông qua các hình phạt) những ranh
giới của một lối ứng xử chuẩn mực mà xã hội đã thừa nhận, vì thế “hành vi
phạm tội là [một hiện tượng] bình thường, bởi lẽ một xã hội không có tội
phạm là điều tuyệt đối không thể có.”3 Durkheim viết : “Xếp hành vi phạm
tội vào các hiện tượng xã hội học bình thường [phénomènes de sociologie
normale], thì điều này không chỉ đơn giản là nói rằng nó là một hiện tượng
không thể tránh khỏi, tuy rất đáng tiếc, do tính hung bạo bất trị nơi con
người, mà còn khẳng định rằng nó là một nhân tố của trạng thái sức khỏe
[của] xã hội, một phần không thể thiếu của bất cứ xã hội lành mạnh nào.”4
Hiện tượng tội phạm chỉ trở thành bất bình thường, hay “mang tính chất
bệnh hoạn”, khi mà trong một xã hội nào đó, “nó đạt tới một tỉ lệ quá cao”.5
Còn lối giải thích theo lịch sử (historical explanation), theo
Durkheim, là một lối giải thích một sự kiện hay một hành động bằng diễn
trình (tức quá trình xảy ra) của sự kiện hay hành động ấy.6
Nhưng Durkheim cũng từng nhấn mạnh rằng trong xã hội, cũng có
những yếu tố phi chức năng (afunctional), tức là những yếu tố tuy trước kia
có chức năng, nhưng sau đó đã mất đi chức năng của chúng và vẫn tiếp tục
1
Durkheim quan niệm có hai loại liên đới : sự “liên đới máy móc” (solidarité
mécanique trong tiếng Pháp, mechanical solidarity trong tiếng Anh) vốn tồn tại
trong các xã hội cổ truyền, và sự “liên đới hữu cơ” (solidarité organique trong
tiếng Pháp, organic solidarity trong tiếng Anh) vốn tồn tại nơi các xã hội hiện đại.
2
Dẫn lại theo J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 267.
3
É. Durkheim, Các quy tắc của phương pháp xã hội học (1895), Đinh Hồng Phúc
dịch, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2012, tr. 191.
4
É. Durkheim, sách đã dẫn, tr. 190.
5
É. Durkheim, sách đã dẫn, tr. 190.
6
Xem J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 267.
136
tồn tại.1 Ấy thế mà có những người như nhà nhân học Mỹ Clyde Kluckhohn
(1905-1960) vẫn cố giải thích “chức năng” của những yếu tố phi chức năng
ấy, chẳng hạn như khi ông nói như sau : “Những chiếc cúc khâu ở đầu ống
tay áo vét-tông của đàn ông, bây giờ tuy vô ích, nhưng có chức năng duy trì
các tập tục và bảo tồn truyền thống. Nói chung, người ta thường cảm thấy
thoải mái hơn khi người ta có cảm tưởng là có một sự liên tục nào đó trong
ứng xử của mình và có ấn tượng là mình vẫn đang theo những tập tục chính
thống mà xã hội đã công nhận”. Giải thích như thế thực ra chẳng giải thích
được gì cả, vì “chức năng” nào cũng đều mang tính chất tự duy trì, và trấn
an những ai tuân theo.2
Quan điểm chức năng luận về sau được khai triển mạnh mẽ bởi nhà
xã hội học Robert Merton. Tác giả người Mỹ này phân biệt giữa những
chức năng hiển hiện (manifest functions) (tức là những hệ quả được nhắm
đến, hoặc những hệ quả mà các thành viên xã hội đều biết và quan tâm), với
những chức năng tiềm ẩn (latent functions) (tức là những hệ quả không
được nhắm đến, những hệ quả mà các thành viên không biết hay không có ý
thức về chúng) (xem thí dụ ở tr. 139).
Trong xã hội, không những có những yếu tố phi chức năng, mà
thường còn có những yếu tố mang chức năng rối loạn (tạm dịch từ chữ
dysfunctional). Các tác giả theo trường phái chức năng luận trước đây
không bao giờ đề cập tới những yếu tố này. Bởi lẽ cách nhìn của họ về một
xã hội chỉnh thể, hòa hợp, đã không giúp họ nhận ra những yếu tố đi ngược
lại trật tự chung.3
Michel Crozier (1922-2013), nhà xã hội học Pháp, đã phân tích
những vấn đề liên quan tới chức năng (function) và chức năng rối loạn
(dysfunction) trong bộ máy hành chánh. Trong xã hội hiện đại vốn ngày
càng phức tạp và đòi hỏi ngày càng nhiều chuyên gia tham gia vào việc
quản lý, bộ máy hành chánh tất nhiên cũng phát triển theo đà tiến triển ấy.
Nhưng một khi bộ máy này ngày càng “phình” ra, thì các nhà hành chánh
cũng có thể có xu hướng trở nên quan liêu hơn, “rối loạn chức năng” hơn,
bằng cách ngày càng gia tăng các loại thủ tục, giấy tờ, luật lệ... Cơ chế hành
chánh vốn có chức năng phục vụ cho việc quản lý tốt một xã hội, đến một
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 116.
Dẫn lại theo H. Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, 1989, tr.
107.
3
Xem H. Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle édition
refondue, 2003, tr. 117.
2
137
lúc nào đó có thể quay ngược lại và cản trở chức năng này.1
Nhiều người đã chỉ trích lý thuyết chức năng luận, cho rằng trường
phái này phản ánh một thứ ý thức hệ bảo thủ. Quả vậy, một khi quan niệm
rằng cái gì trong xã hội cũng đều có chức năng của nó, thì người ta cũng dễ
đi đến chỗ nghĩ rằng : bởi vì mọi chuyện đã như vậy, thì mọi chuyện cũng
sẽ phải tiếp tục như vậy. Trường phái chức năng luận không thể giải thích
được những xung đột xã hội hoặc chuyển biến xã hội, vì nó nhìn mọi hoạt
động xã hội như những cái đang tương tác với nhau nhằm duy trì sự cân
bằng và sự ổn định trong xã hội.2
Tuy nhiên, trong lúc cần tránh những nguy cơ của trường phái chức
năng luận, nhà xã hội học vẫn có thể sử dụng khái niệm “chức năng” một
cách có hiệu quả trong công việc nghiên cứu của mình. Việc phân tích theo
phương pháp chức năng, nếu được tiến hành một cách tinh tế trong một
cuộc khảo sát thực nghiệm, vẫn có thể đi đến những kết quả không những
không mang tính bảo thủ, mà còn mang tính cách mạng. Chẳng hạn khi nhà
xã hội học đặt lại vấn đề về những chức năng hiển hiện của một số định chế
xã hội nào đó, và từ đó khám phá ra những định chế xã hội khác có khả
năng thay thế... Ở đây, ta thấy việc đặt lại vấn đề về hiện trạng xã hội chính
là một thế mạnh của ngành xã hội học.
B. Phương pháp phân tích chức năng
Để thoát khỏi những cái bẫy của lý thuyết chức năng luận, đồng thời
để hiểu rõ hơn sự vận hành của xã hội, nhà xã hội học cần chú ý tới một số
nguyên tắc nêu ra sau đây. Phương pháp phân tích chức năng (functional
analysis) không phải là một kỹ thuật nghiên cứu ; nó thực sự là một thái độ
tinh thần của nhà nghiên cứu.3
1. Trước hết, bất kỳ yếu tố xã hội nào cũng phải được đặt trong mối
liên hệ với một đơn vị xã hội nhất định. Không thể có chức năng nào có liên
quan tới toàn bộ xã hội, một cách trừu tượng và chung chung, mà luôn luôn
là chức năng của một cái gì đó, đối với một cái gì đó. Chức năng rối loạn
(dysfunction) cũng vậy : một yếu tố có thể mang chức năng rối loạn của một
cái gì đó đối với một cái gì đó. Cùng một yếu tố có thể có chức năng đối
1
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 117.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 117.
3
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 117-119.
2
138
với một đơn vị xã hội này, nhưng có chức năng rối loạn đối với một đơn vị
xã hội khác, và đồng thời lại phi chức năng đối với một đơn vị xã hội thứ
ba.
Thí dụ, nhiều tác giả từng cho rằng một trong những chức năng xã
hội chủ yếu của tôn giáo là hội nhập xã hội, củng cố sự đoàn kết hay sự cố
kết trong xã hội. Điều này có thể đúng, chẳng hạn đối với giáo hội Công
giáo vốn là tôn giáo của đại đa số người dân trong xã hội Pháp vào thế kỷ
XIX. Tuy nhiên, đối với xã hội Mỹ, vốn bao gồm nhiều tôn giáo và nhiều
giáo phái khác nhau, thì mỗi tôn giáo và giáo phái có thể có chức năng hội
nhập đối với các tín đồ của mình, nhưng lại mang tính chất chức năng rối
loạn đối với xã hội Mỹ nói chung, xét trong chừng mực mà các tôn giáo và
giáo phái thường tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau – trừ phi ta cho rằng
những xung đột tôn giáo cũng là một nhân tố hội nhập của xã hội Mỹ. Dù gì
đi chăng nữa thì ta vẫn thấy là cùng một yếu tố (tôn giáo chẳng hạn) có thể
mang tính chức năng đối với một đơn vị xã hội này, nhưng lại là chức năng
rối loạn đối với một đơn vị xã hội khác. Tình hình xung đột tôn giáo ở
Liban hay Ireland là những thí dụ điển hình về chuyện này.1
2. Nguyên tắc thứ hai trong phương pháp phân tích chức năng : khả
năng hoán đổi về chức năng trong xã hội. Cùng một chức năng có thể được
đảm nhiệm bởi những yếu tố xã hội hay những định chế xã hội khác nhau,
tùy theo không gian và thời gian ; và cùng một yếu tố xã hội cũng có thể
thay đổi chức năng của mình theo thời gian.
Về điểm này, Durkheim đã đưa ra thí dụ sau.2 Luật cổ La-mã quy
định : đứa con sinh ra trong gia đình hôn nhân nhất thiết phải là đứa con của
người chồng của mẹ nó. Mục đích của điều luật này là nhằm dành cho
người cha quyền được có những đứa con do vợ mình sinh ra. Luật lệ ở Pháp
hiện nay vẫn còn giữ quy định này, nhưng chức năng của quy định ấy đã
hoàn toàn khác xưa. Điều luật ấy bây giờ nhằm mục đích kiếm cho đứa trẻ
một người cha, vì đứa trẻ nào cũng cần phải có cha. Trong xã hội La-mã cổ
đại, người ta chỉ trở thành một người đàn ông thực sự khi làm cha ; còn
trong xã hội Pháp hiện nay, trẻ con không thể sống thiếu cha, cho nên người
ta tìm đủ mọi cách để cho chúng có cha. Như vậy, chúng ta thấy là một điều
luật pháp lý – mà ta coi là một yếu tố xã hội – có thể mang một chức năng
nào đó trong xã hội này, nhưng ở một xã hội khác nó lại mang một chức
1
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 117-118.
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 118.
139
năng trái ngược lại.
Mặt khác, chúng ta cũng có thể nhận thấy một chức năng có thể
được đảm nhận bởi nhiều định chế xã hội khác nhau. Thí dụ : trong những
xã hội “nguyên thủy” cổ xưa, việc dạy dỗ và xã hội hóa trẻ em chủ yếu
được thực hiện thông qua gia đình và buôn làng ; nhưng trong xã hội ngày
nay, thì việc này vừa do gia đình, vừa do trường học, các phương tiện
truyền thông, lẫn các tổ chức đoàn thể...
3. Nguyên tắc thứ ba là cần phân biệt và phân tích những chức năng
tiềm ẩn (latent) và những chức năng hiển hiện (manifest). Ngoài những
chức năng hiển hiện mà thường mọi người thành viên trong định chế đều
biết, đều ý thức, còn có những chức năng tiềm ẩn, tức bị giấu kín, mà họ
không biết, không ý thức được.1 Robert Merton đã từng nhắc tới trường hợp
những người Anh-điêng Hopi (sinh sống ở miền Arizona, Mỹ) : họ có
những nghi lễ nhảy múa nhằm cầu cho trời mưa ; bất kể dù việc này có ảnh
hưởng thế nào đối với thời tiết, thì nghi thức nhảy múa của họ tạo ra một
hậu quả mà chính họ không ý thức (tức là chức năng tiềm ẩn), đó là chức
năng đoàn kết bộ tộc của họ.2
Điều cần chú ý ở đây là phương pháp phân tích chức năng luôn luôn
đặt các yếu tố xã hội trong khuôn khổ một tổng thể xã hội, một hệ thống xã
hội : nhằm mục đích tìm những liên hệ chức năng giữa các yếu tố xã hội,
khảo sát xem xã hội vận hành thế nào. Có thể nói đây là cách phân tích
đứng từ góc độ bên trong của hệ thống. Chính vì thế mà mối nguy cơ của
phương pháp này là : do cố gắng tìm hiểu sự vận hành của hệ thống, nên
nhà xã hội học dễ sa đà vào chỗ vượt ra khỏi phạm vi giải thích thực tại để
đi đến thái độ biện minh cho trật tự vận hành sẵn có của thực tại. Vì vậy,
phương pháp phân tích chức năng thường rất khó mà hiểu được và lý giải
được sự chuyển biến của xã hội. Trong khi đó, điều mà xã hội học quan tâm
là không chỉ lý giải cách vận hành của xã hội vào một thời điểm T, mà còn
là cố gắng tìm hiểu xem bằng cách nào mà một xã hội có thể thay đổi từ
thời điểm T sang thời điểm T ' – nói khác đi, là làm sao một hệ thống chức
năng có thể chuyển biến theo dòng thời gian.3
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 119.
Dẫn lại theo M. Grawitz, Méthodes des sciences sociales, 8e édition, Paris,
Dalloz, 1990, tr. 477-478.
3
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 120. Về phương pháp phân tích chức năng
trong khoa học xã hội, có thể xem thêm Bùi Thế Cường, “Phân tích chức năng
trong nghiên cứu xã hội”, trong Bùi Thế Cường (chủ biên), Phương pháp
2
140
C. Quan hệ nhân quả và phương pháp phân tích nhân quả
Phương pháp phân tích chức năng khá gần gũi với phương pháp
phân tích nhân quả (causal analysis) vốn cũng gặp những khó khăn không
kém so với phương pháp trên. Theo định nghĩa của nhà triết học người Anh
Francis Bacon (1561-1626), thì A là nguyên nhân của B khi A có trước B,
và bất cứ sự thay đổi nào nơi A cũng làm cho B thay đổi theo, trong lúc các
biến số khác không thay đổi.1 Nhưng trong thực tế xã hội, hiếm có khi nào
người ta kết luận được mối quan hệ nhân quả theo định nghĩa như vậy giữa
hai hiện tượng xã hội A và B. Cái mà người ta thường quan sát được là thấy
rằng A và B có mối tương quan với nhau. Và mối tương quan này có thể là :
– A gây ra B,
– B gây ra A,
– A và B đều có mối quan hệ nhân quả với nhau, nghĩa là cả hai đều
là nguyên nhân của nhau,
– cả A và B đều là kết quả của một nguyên nhân C.2
Nếu chúng ta thấy là hiện tượng A có một mối liên hệ thống kê nào
đó với hiện tượng B, thì mối liên hệ này có thể nằm trong một trong những
dạng sau : (a) A là nguyên nhân gây ra B ; hoặc (b) A ảnh hưởng tới B ;
hoặc (c) A là điều kiện thuận lợi để xảy ra B ; hoặc (d) A và B tác động hỗ
tương lẫn nhau... Mặt khác, thông thường trong xã hội, không bao giờ có
hiện tượng nào chỉ chịu tác động của một nhân tố mà thôi, trái lại bất cứ
hiện tượng nào cũng luôn luôn là hệ quả phức hợp của nhiều nhân tố khác
nhau – và chính hiện tượng này cũng có thể tác động ngược lại các nhân tố
ấy.
Thí dụ, khi nghiên cứu về vấn đề kế hoạch hóa gia đình, người ta
thường chứng kiến thấy qua các bảng thống kê là phụ nữ có trình độ học
vấn càng cao, thì càng có tỷ lệ đông hơn chấp nhận các biện pháp hạn chế
sinh đẻ. Thoạt nhìn, người ta dễ lầm tưởng rằng trình độ học vấn là nguyên
nhân dẫn đến thái độ tự giác hạn chế sinh đẻ nơi người phụ nữ. Nhưng thực
ra, có lẽ vấn đề phức tạp hơn nhiều. Nếu coi việc hạn chế sinh đẻ là một
biến số phụ thuộc cần được giải thích (Y), thì có lẽ ta không thể coi trình độ
học vấn là một nguyên nhân, lại càng không phải là nguyên nhân tác động
nghiên cứu xã hội và lịch sử, Hà Nội, Nxb Từ điển Bách khoa, 2010, tr. 162180.
1
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 120.
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 120.
141
trực tiếp, mà đúng hơn đó chỉ là một (X1) trong những điều kiện (X1, X2,
X3...) dẫn đến Y. Bởi lẽ, ở đây, chúng ta cũng còn có thể phân tích hoàn
cảnh kinh tế của gia đình (X2), nghề nghiệp của bản thân người phụ nữ
(X3), môi trường sinh sống (nông thôn hay đô thị...) (X4), cấu trúc của định
chế gia đình (X5), và mức độ áp lực xã hội của các đợt vận động tuyên
truyền về kế hoạch hóa gia đình (X6), cũng như những nhân tố khác như
phương pháp nuôi dạy con cái, cách tổ chức đời sống gia đình, v.v. Vả lại,
xét dưới một góc độ khác, chúng ta cũng có thể hình dung chính biến số
học vấn cũng là một trong những hệ quả của các nhân tố hoặc điều kiện kể
trên. Như vậy, rõ ràng là không thể nói một cách giản lược rằng trình độ
học vấn là nguyên nhân dẫn đến quyết định hạn chế sinh đẻ nơi phụ nữ.
Trong việc phân tích xã hội học, cái mà chúng ta đặc biệt quan tâm
không phải là bản thân hiện tượng A hay hiện tượng B xét một cách cô lập,
mà là mối quan hệ giữa A và B, xét trong một tổng thể, trong một cấu trúc.
Và vì phần lớn các hiện tượng xã hội đều có quan hệ tác động lẫn nhau và
chịu tác động của nhiều nhân tố xã hội khác nữa, nên người ta thường tránh
dùng mệnh đề khẳng định theo kiểu “A là nguyên nhân của B”, mà thường
nói một cách dè dặt hơn là “A và B có mối tương quan phụ thuộc lẫn nhau”,
hoặc “A chịu ảnh hưởng một phần nào đó từ B”… Vấn đề ở đây cũng hơi
tương tự như vấn đề thường được đặt ra là con gà có trước, hay quả trứng
có trước. Câu trả lời trong xã hội học có lẽ phải nói là cả hai, bởi lẽ mối
quan hệ “nhân quả” trong thực tại xã hội không bao giờ diễn ra theo kiểu
một chiều, mà luôn luôn theo đường vòng tròn, nghĩa là tác động hỗ tương
lẫn nhau.1
Một khái niệm trong ngành điều khiển học có thể gợi ý cho chúng ta
thấy rõ hơn điều vừa nói : đó là khái niệm feed-back (phản hồi, tức là tác
động ngược lại). Nói một cách nôm na, nó giống như một thứ thiết bị nhiệt
kế của chiếc tủ lạnh : khi máy phát lạnh đến một độ lạnh nào đó, thì độ lạnh
này làm cho thiết bị ấy tự động ngắt dòng điện, và máy phát lạnh ngưng
chạy ; nhưng khi nhiệt độ lại ấm lên đến mức nào đó, thì thiết bị ấy sẽ lại
nối mạch điện và làm cho máy lạnh khởi động trở lại. Nói cách khác, cái
này vừa là nguyên nhân của cái kia, và ngược lại. Phần lớn các hiện tượng
xã hội đều mang cơ chế feed-back tương tự.2
Trong phương pháp phân tích nhân quả, người ta thường dùng kỹ
1
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 121.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 121.
142
thuật lập mô hình nhân quả để hình dung và lập giả thuyết về cấu trúc quan
hệ giữa các hiện tượng xã hội (xem lại thí dụ về hạn chế sinh đẻ nêu trên để
lập thử một mô hình). Với kỹ thuật này, người ta có thể sử dụng phương
pháp tương quan hồi quy bội (multiple regression), hoặc phương pháp phân
tích theo từng bước (path analysis), hoặc phương pháp tuyến tính lôgarit
(log linear analysis). Xuất phát điểm là xây dựng một mô hình trong đó bao
gồm các biến số mà chúng ta cho rằng đó là những nhân tố có ảnh hưởng
tới hiện tượng cần giải thích. Sau đó, sử dụng một trong những kỹ thuật
thống kê nêu trên để kiểm tra xem mô hình có phù hợp với thực tế hay
không. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các kỹ thuật tính toán thống kê không hề
cho phép chúng ta chứng minh là có hay không có mối quan hệ nhân quả ;
giá trị của mô hình mà nhà nghiên cứu lập ra tùy thuộc chủ yếu vào chỗ mô
hình này có phù hợp với thực tại xã hội hay không. Ưu điểm của phương
pháp lập mô hình là giúp người nghiên cứu có thể trình bày cơ chế và cấu
trúc của các quan hệ giữa các hiện tượng xã hội đang được xem xét.
D. Phương pháp phân tích cấu trúc
Quan niệm cơ bản của phương pháp phân tích cấu trúc là luôn luôn
xem xét một yếu tố trong tổng thể của nó, vì một yếu tố riêng lẻ và cô lập
thì không thể có ý nghĩa, mà chỉ có ý nghĩa khi đặt nó trong một tổng thể
hay một hệ thống. Người ta thường coi phương pháp phân tích cấu trúc là
đối lập với phương pháp phân tích chức năng, nhưng cũng có nhiều tác giả
cho rằng thực ra cả hai phương pháp này đều cùng có chung một lối tiếp
cận khoa học.1
Một hệ thống là một tổng thể trong đó các yếu tố có những mối quan
hệ với nhau theo một kiểu nào đó ; nếu một yếu tố hoặc một mối quan hệ
thay đổi, thì điều này làm cho các yếu tố và các mối quan hệ khác cũng thay
đổi theo. Ở đây, mối quan tâm của nhà xã hội học chính là nghiên cứu về
cấu trúc của hệ thống, và quan điểm của phương pháp phân tích cấu trúc là
luôn luôn coi toàn bộ các sự kiện như một hệ thống. Các khái niệm then
chốt ở đây là yếu tố (element), mối quan hệ (relation), và cấu trúc
(structure), chứ không phải là chức năng (function) hay sự vận hành như
trong phương pháp phân tích chức năng.
Điều cần nhấn mạnh lại ở đây là một tổng thể hoàn toàn không phải
là sự tổng cộng của các yếu tố. Một nhóm xã hội chẳng hạn, là một thực tại
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 121.
143
xã hội khác hẳn về chất so với một con số tổng cộng các cá nhân nào đó. Và
người ta chỉ có thể hiểu được một xã hội hay một tổ chức nào đó nếu nắm
được mối quan hệ giữa các yếu tố với nhau và cách thức mà các yếu tố này
được kết cấu hay được sắp đặt (khái niệm agencement) trong tổng thể.1
Cũng giống như các khái niệm xã hội học khác, ở đây những khái
niệm như cấu trúc, yếu tố hay quan hệ đều không “tồn tại” trong thực tế –
nghĩa là chúng ta không thể quan sát chúng một cách trực tiếp được. Chúng
là những “khái niệm” mà chúng ta sử dụng để phân tích – hay nói cách
khác, là những công cụ trừu tượng được người ta tạo ra để xây dựng thành
một hệ thống tư duy nhằm mục đích giải thích thực tại.2 (Có thể định nghĩa
“khái niệm” [concept] như sau : một khái niệm là ý nghĩa của một thuật ngữ
vốn được coi là một đơn vị nhỏ nhất của tư duy, cũng tương tự như “từ” là
đơn vị nhỏ nhất của ngôn ngữ.)
Chúng ta có thể mô tả một cách vắn tắt phương pháp phân tích cấu
trúc như sau : xuất phát từ những điều đã khảo sát và ghi nhận được trong
thực tế, người ta chọn lọc, rút tỉa ra những yếu tố mà người ta cho là quan
trọng nhất, có ý nghĩa nhất, rồi từ đó xây dựng lại một mô hình trừu tượng
của thực tại. Nhưng chúng ta cần lưu ý rằng bản thân việc chia cắt thực tại
(tức “phân tích”) ra thành những yếu tố trừu tượng cách ly với tổng thể là
một việc không đơn giản chút nào. Nếu chúng ta làm thịt một con gà và lấy
dao cắt nó ra từng mẩu bằng nhau bất kể bộ phận nào, thì sau đó e rằng khó
mà có thể ráp lại các mẩu đã cắt ; ngược lại, nếu chúng ta chịu khó lấy dao
lần theo các mấu xương để cắt ra nào là cánh, nào là đùi, chân... thì sau đó
mới có thể xếp chúng lại theo đúng “cấu trúc” của hình thù một con gà.
Một thí dụ điển hình về phương pháp phân tích cấu trúc là những
công trình nghiên cứu của các nhà nhân học về hệ thống thân tộc. Nhờ
những kết quả khảo sát và phân tích nơi các cộng đồng tộc người, các nhà
nhân học đã khám phá ra rằng chính những quy tắc của định chế hôn nhân
(những điều cấm kỵ loạn luân) đã tạo ra một hệ thống thân tộc nhất định và
đóng kín.3
Khi giải thích định chế tôtem4 nơi các bộ tộc ở vùng Bắc Mỹ hay ở
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 121-122.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 122.
3
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 123.
4
Tôtem (hay “vật tổ”) thường được hiểu là một con vật hoặc một loại thảo mộc
mà một cộng đồng tộc người chọn và tôn thờ làm biểu tượng đặc biệt của mình.
2
144
Úc, C. Lévi-Strauss đã dẫn lại cách lý giải của Radcliffe-Brown về huyền
thoại về chim ưng và quạ khoang ở vùng Tây Úc (cả hai đều chuyên ăn thịt,
nhưng chim ưng thì săn mồi, còn quạ khoang thì chuyên ăn thịt thối).
Radcliffe-Brown viết : “Nếu xét đến vài chục câu chuyện cùng loại hình, ta
phát hiện chúng có cùng một chủ đề. Những sự giống nhau và khác nhau đó
giữa các loài thú được thể hiện bằng ngôn ngữ của tình bạn và của sự xung
đột, của sự đoàn kết và của sự đối kháng. Nói khác đi, đời sống thú vật là
một thế giới được biểu thị dưới hình thức các mối quan hệ xã hội cũng như
các quan hệ chiếm ưu thế trong xã hội loài người.”1 Lévi-Strauss cho rằng
khi một cộng đồng tộc người chọn một tôtem làm biểu tượng của mình, họ
đã dựa trên “các chủng loại tự nhiên [vốn] được sắp xếp thành cặp đối lập”,
và cặp chim ưng-quạ khoang vùng Tây Úc chính là thể hiện nguyên tắc cấu
trúc luận, đó là “sự thống nhất hai từ đối lập nhau”. Ông viết : “Nhờ vào
một danh mục đặc biệt, gồm các từ chỉ thú vật và thực vật, [...] cái gọi là
định chế tôtem chỉ làm một việc là lí giải theo cách của nó [...] những tương
quan và những đối lập có thể được hình thức hóa một cách khác ; chẳng
hạn, trong vài bộ tộc ở Bắc Mĩ và Nam Mĩ, bằng những đối lập thuộc loại
hình : trời-đất, chiến tranh-hòa bình, thượng lưu-hạ lưu, đỏ-đen, v.v. [...].
Như vậy, định chế tôtem rốt cuộc chỉ là một cách đặc thù nhằm trình bày
ngắn gọn một vấn đề tổng quát : làm thế nào để sự đối lập, thay vì là một
trở lực cho sự hội nhập, được dùng để tạo ra sự hội nhập đó.”2 Theo LéviStrauss, điều mà nhà nghiên cứu cần quan tâm không phải là những chi tiết
vô cùng đa dạng mà người ta có thể tìm thấy nơi các xã hội khác nhau, mà
chính là những điều phổ quát nằm ngay trong những cấu trúc chung của
tinh thần con người.3
Một thí dụ khác về phương pháp phân tích cấu trúc là bài viết của
nhà xã hội học người Pháp Pierre Bourdieu (1930-2002) khi ông mô tả căn
nhà của tộc người Kabyle ở miền bắc Algeria.4
1
Dẫn lại theo Claude Lévi-Strauss, Định chế tôtem hiện nay (1962), Nguyễn
Tùng dịch, chú giải và giới thiệu, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2017, tr. 243.
2
C. Lévi-Strauss, sách đã dẫn, tr. 244-246.
3
Xem J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 738.
4
Xem bài “Ngôi nhà hay là thế giới đảo ngược” của Pierre Bourdieu, do Trần
Hữu Quang dịch (9-2002) từ bài “La maison ou le monde renversé”, trích từ
cuốn Le sens pratique của Pierre Bourdieu, Paris, Éditions de Minuit, 1980, tr.
441-461 (có thể xem tại https://www.academia.edu/38333507/_Ngôi_nha_
hay_la_thê_giơ_i_đảo_ngươ_c_của_Pierre_Bourdieu).
145
E. Xây dựng mô hình và lý thuyết
Như đã nói trên, trong phương pháp phân tích cấu trúc, nỗ lực của
nhà xã hội học là xây dựng được một mô hình trừu tượng về thực tại, nhằm
giải thích thực tại. Về khái niệm mô hình (tiếng Anh : model, tiếng Anh :
modèle), Claude Lévi-Strauss viết như sau : “Nguyên tắc căn bản là khái
niệm cấu trúc không có liên quan gì tới thực tại thường nghiệm, mà là liên
quan tới một mô hình được xây dựng theo thực tại ấy.”1 Như vậy, cấu trúc
hay mô hình không tương ứng với một thực tại nào cả ; chúng là những khái
niệm trừu tượng được dùng để cắt nghĩa thực tại. Theo Lévi-Strauss, mô
hình trước hết có tính chất hệ thống ; nó bao gồm nhiều yếu tố, và bất cứ
thay đổi nào nơi một yếu tố sẽ làm thay đổi toàn bộ các yếu tố khác. Thứ
hai, bất cứ mô hình nào cũng đều thuộc về một loại mô hình mà trong đó
chúng có những kiểu thay đổi tuơng tự nhau. Thứ ba, do vậy, người ta có
thể dự đoán mô hình sẽ chuyển biến thế nào mỗi khi có sự thay đổi nào đó
nơi một trong các yếu tố của mô hình. Và cuối cùng, người ta phải xây
dựng mô hình thế nào để sự vận hành của nó có thể giải thích được toàn bộ
các sự kiện quan sát được.2
Như vậy, mô hình là cái có tham vọng thâu tóm được tổng thể xã hội
đang được nghiên cứu, nhằm xây dựng được một lý thuyết (hiểu như một
hệ thống những lập luận và khái niệm, được dùng như một công cụ trí tuệ
nhằm giải thích thực tại). Theo H. Mendras, ta có thể kể ra đây mấy bước
trong quá trình đi đến một lý thuyết.3
a. Trước hết là công việc định nghĩa và “mài dũa” các khái niệm.
Đôi khi công việc này dẫn đến những cuộc tranh luận hết sức chi tiết về một
thuật ngữ nào đó, sôi nổi đến mức mà người ngoài ngành có thể cho là cầu
kỳ hoặc vô bổ, nhưng thực ra đây là việc làm hết sức cần thiết đối với bất
cứ ngành khoa học nào, nhằm tránh những sự lẫn lộn về sau.
b. Một khi các dữ kiện đã được thu thập và phân tích nhờ vào các
khái niệm, thì công việc thứ hai của nhà nghiên cứu là lý giải : tức là bước
đầu đưa ra những nhận định nhằm sắp xếp lại các dữ kiện theo một trật tự
nào đó, cố gắng tìm ra ý nghĩa của trật tự ấy, nói cách khác là cố gắng giải
thích. Ở đây, nếu ta có sẵn được một khuôn khổ lý thuyết tốt, thì không có
1
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 125.
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 125.
3
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 125-126.
2
146
vấn đề gì. Nhưng thông thường, ta dễ rơi vào chỗ hài lòng với một số lý giải
cục bộ, chủ yếu dựa vào phương pháp loại suy, chứ không chứng minh cho
kết luận của mình, và từ đó tưởng là mình đã hiểu, đã nắm được toàn bộ
vấn đề. Chẳng hạn, ta thường thấy có nhiều cách lý giải khác nhau về cùng
một hiện tượng, và không ai kiểm chứng được là cách nào đúng nhất. Một
thí dụ lấy từ một công trình nghiên cứu về người lính Mỹ trong Thế chiến
thứ hai : xem xét mối tương quan giữa mức độ trầm uất về mặt tâm lý với
trình độ học vấn.1
Bảng 3. Mối tương quan giữa mức độ trầm uất tâm lý và trình độ học vấn
Trình độ
học vấn
Mức độ trầm uất tâm lý
Nặng
Nhẹ
1
2
3
4
Cao
Thấp
Nguồn : Henri Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle
édition refondue, 2003, tr. 126.
Dù chưa biết kết quả điều tra là thế nào, nhưng ta vẫn có thể hình
dung những cách lý giải như sau. Nếu ô số 1 có một tỷ lệ cao, thì có thể nói
là : thời gian dài được đi học ở nhà trường đã làm cho người lính khó thích
ứng với những hoàn cảnh khó khăn cực khổ trong quân ngũ. Còn ngược lại,
nếu tỷ lệ cao lại tập trung vào ô số 3, thì : do trình độ học vấn yếu, nên cá
nhân đã không được chuẩn bị đầy đủ để thích ứng với môi trường mới trong
quân ngũ. Cách giải thích nào nghe cũng có vẻ hợp lý, “xuôi tai” ; quả thực,
khó mà phán đoán được cách lý giải nào đúng hơn hay tốt hơn. (Trong cuộc
điều tra, thực tế là ô số 3 có tỷ lệ cao.)2
c. Trong nghiên cứu thực nghiệm, chúng ta thường tìm cách phát
hiện ra những hiện tượng lặp đi lặp lại, để từ đó đi tới kết luận, chẳng hạn,
mỗi lần có A thì có nhiều khả năng có B đi kèm theo. Đây là cách có thể
gọi là việc khái quát hóa từ thực nghiệm (empirical generalization), tức là
đưa ra một mệnh đề nhận xét mối liên hệ tương đối chặt chẽ giữa hai hoặc
nhiều biến số. Phần lớn các công trình nghiên cứu khoa học xã hội thường
đầy dẫy những mệnh đề theo kiểu này. Chẳng hạn, người ta thường nhắc tới
định luật nổi tiếng của Ernst Engel3 : trong việc chi tiêu của một hộ gia
đình, tỷ lệ chi cho lương thực thực phẩm nghịch biến với mức tăng của tổng
ngân sách gia đình ; định luật này đúng với đa số các trường hợp, nhưng
1
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 126.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 126.
3
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 126.
2
147
cũng có một số trường hợp thì lại không phải như vậy. Nhận định này có
thể là nền tảng ban đầu giúp ta tiến đến chỗ xây dựng một lý thuyết, nhưng
bản thân nó chưa phải là lý thuyết, mà mới chỉ là một nhận định về một sự
kiện lặp đi lặp lại trong thực tế.
d. Lý thuyết thực thụ là một tổng thể những mệnh đề nhất quán có
liên hệ lô-gic với nhau, cho phép người nghiên cứu giải thích được nhiều sự
kiện thực tế, và nhất là giải thích được cả những nhận định mang tính chất
khái quát hóa thực nghiệm trên đây. Cho đến khi nào mà lý thuyết này
không còn giải thích được thực tại nữa vì nảy sinh những sự kiện mới bác
bỏ nó, thì người ta phải thay nó bằng một lý thuyết khác “đúng” hơn, phù
hợp với thực tại hơn. Như vậy, lý thuyết là một công cụ mang tính chất tạm
thời mà nhà nghiên cứu sử dụng để phác thảo các giả thuyết và xây dựng
đối tượng nghiên cứu.1
F. Phương pháp giả lập
Trong cuốn sách nghiên cứu về tình trạng bất bình đẳng về các cơ
hội, Raymond Boudon đã áp dụng phương pháp lập mô hình trong việc
nghiên cứu xã hội học.2 Ông cho rằng nếu đi tìm những nguyên nhân hoặc
những nhân tố ảnh hưởng tới sự di động xã hội, thì người ta chỉ có thể đi
đến những nhận định khó mà được kiểm chứng hoặc bác bỏ. Chẳng hạn,
trước tình hình con cái của công nhân vào đại học rất ít, người ta có thể cho
rằng đó là vì chúng không có động cơ học lên cao ; nhưng ngược lại, có ý
kiến khác cho rằng đó là vì bản thân nhà trường đại học là nơi nuôi dưỡng
nền văn hóa tư sản và vì thế chính nó đào thải con cái tầng lớp công nhân ra
ngoài. Cả hai luận điểm này đều có vẻ hợp lý, và không loại trừ nhau,
nhưng chúng ta không có cách gì để đo lường xem nhân tố nào mang tính
chất quyết định hơn nhân tố nào : di sản văn hóa của gia đình, hay động cơ
học lên cao.
R. Boudon không đi tìm nguyên nhân như trên, ông làm theo cách
khác. Ông xây dựng một mô hình đơn giản và thuần túy lý thuyết, trong đó
ông coi chương trình học bao gồm tám bộ lọc (tức tám chặng học vấn),
phân biệt giữa những học sinh “sống sót” (tức học tiếp lên lớp trên) với
những học sinh bị “rơi rớt” tức bị loại ra (từ lớp sáu tới lớp 12, vào đại học,
“trụ” lại ở đại học, và tốt nghiệp đại học). Bằng những con số lý thuyết, ông
1
2
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 126.
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 127.
148
đã định lượng hóa mô hình của mình sao cho khớp với các số liệu khảo sát
trong thực tế : sau đó, mô hình “giả lập” (simulation) của Boudon đã cho
phép tính toán được những tỷ lệ phần trăm của những học sinh “sống sót”
(còn học tiếp) phân theo các thành phần gia đình xuất thân ở mỗi chặng học
vấn.
Theo H. Mendras, ta có thể áp dụng phương pháp giả lập như trên để
khảo sát tình trạng bất bình đẳng về cơ hội học vấn trong một xã hội X nào
đó, dựa trên ba tiên đề cơ bản sau :
1. Có một sự bất bình đẳng nặng nề về cơ hội học vấn, tùy theo các
nguồn gốc xã hội xuất thân.
2. Trình độ học vấn có ảnh hưởng then chốt đến địa vị xã hội.
3. Không có sự tương hợp giữa cấu trúc học sinh trong nhà trường
với cấu trúc xã hội.1
Sau đó, ta thể hiện ba tiên đề trên đây thành những con số, cho một
mẫu bao gồm tổng số là 10.000 học sinh, trong đó S1, S2, S3 là ba mức
trình độ học vấn, và C1, C2, C3 là ba tầng lớp xã hội. 80% số con em tầng
lớp xã hội cao nhất C1 đạt trình độ học vấn cao nhất S1 (320 người), 80%
trong số còn lại của C1 đạt trình độ S2 (64 người), và số còn lại (16 người)
đạt trình độ S3. Đối với con em tầng lớp C2, cũng tính toán tương tự như
vậy cho số chỗ còn lại ở các trình độ S1, S2 và S3. Và cuối cùng còn lại là
số chỗ dành cho con em tầng lớp xã hội C3.
Bảng 4. Bảng giả lập về mối tương quan giữa các tầng lớp xã hội với trình độ học
vấn
Tầng lớp
xã hội
C1
C2
C3
Tổng cộng
S1
320
544
136
1.000
Trình độ học vấn
S2
64
2.349
587
3.000
Tổng cộng C
S3
16
1.107
4.877
6.000
400
4.000
5.600
10.000
Nguồn : Henri Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle
édition refondue, 2003, tr. 128.
Kỹ thuật giả lập như trên đây là một phương pháp cho phép chúng ta
giản lược một hiện trạng xã hội nào đó vào một mô hình định lượng, và rồi
từ đó đối chiếu kết quả giả lập này với những dữ kiện xã hội thực tế để xem
mô hình lý thuyết của chúng ta phù hợp đến mức nào (tức là để kiểm chứng
mô hình lý thuyết). Chúng ta cũng có thể dùng kỹ thuật giả lập này để lập
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 127-128.
149
những bảng khác tương tự, chẳng hạn đối với những tương quan giữa địa vị
xã hội của người cha với địa vị xã hội của người con, để nghiên cứu về mức
di động xã hội...
Phương pháp phân tích của R. Boudon như trên đây cũng có thể
được gọi là phương pháp phân tích hệ thống : đây là phương pháp coi hệ
thống như một cái “hộp đen”, nghĩa là nhà nghiên cứu không đi vào khảo
sát sự vận hành bên trong hệ thống, mà chỉ xem xét những mối quan hệ trao
đổi giữa hệ thống ấy với môi trường xung quanh, tức là với các hệ thống
khác. Boudon không khảo sát các định chế nhà trường, cũng không tìm hiểu
phương pháp sư phạm, mà ông ta chỉ khảo sát số học sinh và sinh viên lúc
vào trường, và số bị “rơi rớt” ra ở từng chặng.1
G. Nhân tố con người và hành động của tác nhân
Cho đến hậu bán thế kỷ XX, phần lớn các lý thuyết xã hội học đều
dựa trên các phương pháp phân tích nêu trên đây (phân tích hệ thống, phân
tích cấu trúc, phân tích chức năng, xây dựng mô hình). Nét đặc điểm chung
của các lối tiếp cận ấy là luôn tìm hiểu về những cách sắp xếp (agencement)
giữa các yếu tố trong xã hội. Người ta thường gọi đấy là lối tiếp cận theo xu
hướng tổng thể luận (holism) – vì nó luôn luôn coi xã hội như một tổng thể,
hay như một hệ thống trong đó các yếu tố tương tác với nhau ; nhà xã hội
học vì thế phải nghiên cứu những mối quan hệ giữa các yếu tố hay các định
chế ấy, chứ không dựa trên lối ứng xử của các cá nhân. Xu hướng “tổng thể
luận” này có một điểm bất tiện quan trọng là không giúp ta hiểu được
những cơ chế của sự chuyển biến xã hội, và thường cho rằng việc phân tích
các ứng xử cá nhân chỉ thuộc lãnh vực tâm lý học xã hội.2
Đối lập với các lý thuyết tiếp cận trên đây, người ta thấy trong nền
xã hội học Mỹ có những trường phái chủ trương tiếp cận đối với xã hội chủ
yếu từ góc độ cá nhân và quan hệ tương tác giữa các cá nhân. Đó là trường
phái “phương pháp luận thường nhân” (ethnomethodology) và trường phái
“tương tác biểu tượng” (symbolic interactionism). Theo hai trường phái
này, xã hội được phân tích thông qua sự tương tác giữa các cá nhân, vốn
diễn ra không ngừng, và người ta cần chú ý tới ý nghĩa của các biểu tượng
vốn được sản sinh ra trong các quá trình tương tác. Vì ý nghĩa được hình
thành trong sự trao đổi và tương giao giữa các cá nhân với nhau, nên ta cần
1
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 129.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 131.
150
quan sát các cá nhân ngay trong các tình huống của họ bằng cách tham gia
vào cuộc sống của họ. Quan sát tham dự là một kỹ thuật nghiên cứu đã
được sử dụng từ khá lâu, chẳng hạn được Whyte áp dụng để nghiên cứu về
những băng nhóm thanh thiếu niên người Ý ở Boston (Mỹ), hay R.
Sainsaulieu trong công trình xã hội học về lao động (nhà nghiên cứu vào
làm việc trong phân xưởng y như một công nhân bình thường), hay những
công trình nghiên cứu về tình trạng lệch lạc và tình trạng ngoài lề trong xã
hội.1
Thực ra, lối tiếp cận nhấn mạnh tới con người cá nhân đã từng được
đề xướng bởi Max Weber, Georg Simmel, hay Alexis de Tocqueville.2
Trong một lá thư gởi cho nhà kinh tế học Robert Liefmann vào năm 1920,
Max Weber khẳng định rằng xã hội chỉ có thể được lý giải từ góc độ hành
động của các cá nhân và các nhóm ; ông viết như sau : “Xã hội học cũng
vậy, nó chỉ có thể được tiến hành từ những hành động của một hoặc một vài
hoặc nhiều cá nhân riêng lẻ. Chính vì thế, nó buộc phải áp dụng những
phương pháp cá nhân luận một cách nghiêm túc.”3
Đó chính là nền tảng của “phương pháp luận cá nhân chủ nghĩa”
(tiếng Anh : methodological individualism, tiếng Pháp : individualisme
méthodologique) mà nhà xã hội học Pháp Raymond Boudon đề cao. Khái
niệm “cá nhân chủ nghĩa” ở đây hoàn toàn không phải là khái niệm thường
được hiểu trong lãnh vực đạo đức. Đây cũng không phải là một phương
pháp hoàn toàn dựa trên các cá nhân, mà là phương pháp phân tích chú
trọng đến vai trò của các tác nhân xã hội, dù đó là những cá nhân, những
nhóm hay những tập thể cá nhân vốn hành động giống nhau trong những
hoàn cảnh nào đó, và/hoặc cùng có chung những giá trị, chuẩn mực hoặc
động cơ nào đó. Mặt khác, đây cũng không phải là một thứ xu hướng “duy
tâm lý” (psychologism) – vốn là xu hướng muốn giải thích các hiện tượng
xã hội bằng tính tình hay bằng những đặc trưng tâm lý của các cá nhân –, vì
điều này vi phạm nguyên tắc mà Durkheim đã nêu, đó là cần giải thích một
sự kiện xã hội này bằng một sự kiện xã hội khác.4
Trong nền xã hội học Pháp sau Thế chiến thứ hai, hầu hết giới
nghiên cứu đều bị cuốn theo xu hướng tổng thể luận. Nhưng kể từ thập niên
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 131.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 131.
3
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 131.
4
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 131.
2
151
1960, một số nhà xã hội học bắt đầu đề cập đến khái niệm hành động cá
nhân và hành động tập thể, và bổ sung khái niệm này vào trong khuôn khổ
phân tích xã hội học của mình. Có thể nói xu hướng này được đánh dấu từ
cuốn sách Xã hội học về hành động (Sociologie de l'action) của Alain
Touraine vào năm 1965.1
Ở Pháp, chính các nhà xã hội học nông thôn và các nhà kinh tế học
nông thôn là những người đầu tiên nhấn mạnh trở lại lối tiếp cận cá nhân
luận nói trên. Chúng ta biết là mỗi người chủ hộ nông dân cá thể đều là chủ
của một doanh nghiệp riêng, vì thế ông ta hầu như hoàn toàn tự do trong
các quyết định của mình. Do đó, cái gọi là quá trình hiện đại hóa sản xuất
nông nghiệp không bao giờ diễn ra một cách bằng phẳng, đồng loạt. Có
những nông dân áp dụng máy móc và kỹ thuật mới rất nhanh, nhưng cũng
có những nông dân chần chừ lâu hơn ; vả lại, mỗi nông dân có thể có một
chiến lược hiện đại hóa riêng : thâm canh hay quảng canh, đổi giống lúa
mới hoặc áp dụng biện pháp bón phân mới, trồng lúa hay chuyển sang cây
công nghiệp hay chăn nuôi... Khả năng lựa chọn hành động của nông dân
trong thực tế là vô cùng đa dạng. Nhưng nhìn chung, chính sự tích hợp của
vô vàn những hành động riêng lẻ ấy đã cấu tạo nên toàn bộ quá trình hiện
đại hóa nông nghiệp ở Pháp. Tuy vậy, quá trình này nhanh hay chậm, mang
đặc điểm này hay đặc điểm khác, cũng hết sức dị biệt giữa địa phương này
với địa phương kia.2
Trong các công trình nghiên cứu về một số làng xã do Trung tâm
Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS) của Pháp vào đầu thập niên 1960,3
các dự đoán đều bị bác bỏ 10 năm sau đó, bởi lẽ các nhà nghiên cứu đã
chưa lượng giá đủ những khả năng hành động tập thể của từng làng xã.
Chẳng hạn, có những làng chấp nhận ký hợp đồng nuôi gà công nghiệp, có
những làng khác lại không chịu. Mặt khác, trong những năm đó, hầu như
làng nào cũng phát triển rất nhiều dạng hoạt động kinh tế phi nông nghiệp,
và nhờ đó mà đa số nông dân đều chịu ở lại nông thôn – vì thế, quá trình di
dân hàng loạt bỏ nông thôn đổ về đô thị đã không xảy ra như các nhà
nghiên cứu đã dự đoán. Như vậy, người ta có thể phân tích mỗi làng với tư
cách là một tác nhân tập thể (acteur collectif) có thể có chiến lược riêng và
những chọn lựa riêng của mình ; và sự tích hợp (agrégation) của 32.000
ngôi làng trên cả nước Pháp đã tạo nên toàn cảnh bức tranh hiện đại hóa
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 132.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 132.
3
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 132-133.
2
152
nông thôn hết sức mạnh mẽ và sinh động vào thập niên 1970.
Trong bộ môn xã hội học về tổ chức, người ta chỉ có thể hiểu rõ hơn
sự vận hành của cả một bộ máy nếu khảo sát được các chiến lược của các
cá nhân trong lòng tổ chức, những mối quan hệ quyền lực giữa cấp trên với
cấp dưới, hay giữa các phòng ban.
Trong việc nghiên cứu về sự di động xã hội, người ta ngày càng chú
ý hơn tới các chiến lược của các cá nhân, nhất là khi phân tích về hệ thống
nhà trường đại học. Việc phân tích các bảng thống kê về sự di động xã hội
phân theo các tầng lớp xã hội cần được bổ sung bằng việc nghiên cứu các
chiến lược học hành, cũng như các chiến lược nghề nghiệp và xã hội của
các cá nhân. Nhà xã hội học cần tự đặt mình vào vị trí của tác nhân, để hiểu
được những thế mạnh và thế yếu của anh ta, những điều ràng buộc, những
khó khăn, cũng như những mục tiêu và động cơ của anh ta...
Ta có thể nhận thấy sự phong phú của lối tiếp cận cá nhân luận, và
sự thích đáng của lối tiếp cận này trong việc phân tích những xã hội hiện
đại vốn ngày càng phức tạp và đa dang hóa – điều mà một lối tiếp cận tổng
thể luận khó lòng đáp ứng.
Tuy nhiên, xét về mặt lý thuyết, ngày nay giới khoa học xã hội
không còn tranh luận giữa lối tiếp cận tổng thể luận với lối tiếp cận cá nhân
luận nữa, mà đã chuyển sang thảo luận nhiều hơn về mối quan hệ giữa hai
khái niệm : khái niệm “cấu trúc” (structure), và khái niệm “hành động của
tác nhân” (agency).1 Thuật ngữ agency (tạm dịch là “hành động của tác
nhân”) thường được đặt bên cạnh thuật ngữ structure (cấu trúc) để hàm ý
nhấn mạnh tới tính chất bất định của các hành động của con người, tương
phản với tính chất tất định (hay quyết định luận) của các lý thuyết cấu trúc
luận. Khái niệm agency khiến chúng ta chú ý hơn tới bản chất tâm lý và tâm
lý xã hội của các tác nhân, và mang hàm ý về khả năng hành động tự giác
và chủ động của các tác nhân trong xã hội.2
Phần lớn các lý thuyết xã hội học ngày nay thường khác biệt nhau là
do chú trọng tương đối nhiều hơn vào một trong hai khái niệm vừa nêu :
“cấu trúc” hoặc “hành động của tác nhân”.3 Quan điểm khách thể luận
1
Xem J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 343.
Xem J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 11.
3
Xem J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 11. Có thể xem thêm Bùi Thế Cường,
“Các lý thuyết về hành động xã hội”, Tạp chí Khoa học xã hội (TP.HCM), số 6
2
153
(objectivism) nhấn mạnh tới khái niệm cấu trúc, cho rằng thực tại xã hội
bao gồm những mối quan hệ và những lực áp đặt lên trên các cá nhân,
không phụ thuộc vào ý thức và ý chí của họ. Ngược lại, quan điểm chủ thể
luận (subjectivism) nhấn mạnh tới khái niệm “hành động của tác nhân”, cho
rằng thực tại xã hội chỉ là tổng thể của vô số hành vi lý giải mà thông qua
đó người ta cùng nhau kiến tạo nên các ý nghĩa của các hành động tương
giao trong xã hội.1
Một số nhà xã hội học đã tìm cách vượt qua tình trạng nhị nguyên
luận này, điển hình như P. Berger, T. Luckmann, P. Bourdieu và A.
Giddens.
Theo nhà xã hội học Mỹ gốc Áo Peter Berger (1929-2017), lâu nay
người ta thường có một quan niệm sai lạc coi cá nhân và xã hội như hai
thực thể biệt lập và đối diện nhau, xã hội được nhìn như một thực tại bên
ngoài cá nhân và có sức mạnh áp đặt và cưỡng chế lên trên cá nhân.2
Theo Peter Berger và nhà xã hội học Mỹ-Áo Thomas Luckmann
(1927-2016), “mối quan hệ giữa con người, [xét như là] nhà sản xuất, với
thế giới xã hội, [xét như là] sản phẩm của anh ta, là và luôn luôn là một mối
quan hệ mang tính biện chứng. Nghĩa là, con người [...] và thế giới xã hội
của anh ta tương tác lẫn nhau. Sản phẩm tác động ngược trở lại nhà sản
xuất.”3 Berger và Luckmann kết luận bằng ba mệnh đề sau đây về mối quan
hệ biện chứng giữa con người với xã hội : “Xã hội là một sản phẩm của con
người. Xã hội là một thực tại khách quan. Con người là một sản phẩm của
xã hội.”4 Và vào giữa thập niên 1960, hai tác giả này còn nói thêm rằng giới
xã hội học Mỹ có xu hướng bỏ quên mệnh đề đầu tiên trong mối quan hệ
biện chứng giữa con người cá nhân với xã hội.5
(94), 2006, tr. 57-71.
Xem L. Wacquant, “Chapter 16. Pierre Bourdieu”, trong Rob Stones (Ed.), Key
Sociological Thinkers, New York, Palgrave Macmillan, 2nd edition, 2007, tr.
266-267.
2
Xem P. Berger, Lời mời đến với xã hội học : một góc nhìn nhân văn (1963),
Phạm Văn Bích dịch, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2016, tr. 171. Xem thêm Trần Hữu
Quang, “Xã hội và con người theo Peter Berger”, Tạp chí Khoa học xã hội
(TP.HCM), số 3 (151), 2011, tr. 72-80.
3
P. Berger và T. Luckmann, Sự kiến tạo xã hội về thực tại. Khảo luận về xã hội
học nhận thức (1966), Trần Hữu Quang chủ biên dịch thuật, giới thiệu và chú
giải, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2015, tr. 94.
4
P. Berger, T. Luckmann, sách đã dẫn, tr. 94 (do chính hai tác giả nhấn mạnh).
5
Trần Hữu Quang, “Sự biện chứng của xã hội theo P. Berger và T. Luckmann và
1
154
Theo nhà xã hội học người Pháp Pierre Bourdieu (1930-2002),
những khía cạnh khách quan và chủ quan của đời sống xã hội là không thể
tách rời nhau, vì thế ông cho rằng không thể đối lập giữa cái vĩ mô với cái
vi mô, giữa “cấu trúc” với “hành động của tác nhân”.1 Theo Loïc
Wacquant, nhằm vượt qua sự đối lập giữa quan điểm khách thể luận với
quan điểm chủ thể luận, Bourdieu đã xây dựng một lý thuyết dựa trên
những khái niệm chính sau đây : tập tính (habitus), vốn (capital), và trường
lực (field).2
Tập tính (habitus) là một hệ thống những thiên hướng (disposition)
mà nhờ đó chúng ta tri nhận, phán đoán và hành động trong thế giới xã hội.
Tập tính là cái mà mỗi cá nhân chúng ta đã sở đắc được trong suốt quá trình
xã hội hóa, phụ thuộc vào các điều kiện xã hội và dòng đời của mỗi người,
thông qua việc nội tâm hóa những sự câu thúc và những khả thể của đời
sống xã hội bên ngoài. Như vậy, tập tính vừa có những nét chung (chẳng
hạn tập tính của một chủng tộc, một giai cấp, một giới tính...), vừa có những
nét riêng biệt của từng cá nhân (vì tiểu sử dòng đời của mỗi người mỗi
khác). Tập tính được hình thành do vị trí mà từng cá nhân chiếm giữ trong
một trường lực (trong xã hội), tức là phụ thuộc vào số vốn mà mỗi người có
được (bao gồm vốn kinh tế, vốn văn hóa và vốn xã hội).
Còn trường lực (champ trong tiếng Pháp, field trong tiếng Anh), theo
Bourdieu, là những lãnh vực xã hội khác nhau như nghệ thuật, khoa học,
tôn giáo, luật pháp, chính trị, v.v. – mỗi lãnh vực là một không gian được
cấu tạo bởi những vị trí (vị trí của mỗi cá nhân được xác định bởi số vốn mà
mình có) và những quy tắc nhất định mà mỗi cá nhân phải tuân thủ nếu
muốn tồn tại trong đó. Do đó, mỗi trường lực cũng là một đấu trường trong
đó các vị trí và các định chế luôn luôn đấu tranh và giành giật lẫn nhau để
khẳng định chỗ đứng của mình. Hành động xã hội của con người không
phải chỉ do tập tính, mà cũng chẳng phải chỉ do trường lực quyết định,
nhưng chính là hệ quả của mối quan hệ giữa tập tính và trường lực, giữa các
thiên hướng (của cá nhân) và vị trí (của cá nhân trong trường lực); hành
động xã hội của con người là hệ quả của sự tương hợp (hoặc sự bất tương
hợp) giữa các cấu trúc tinh thần (của cá nhân) với các cấu trúc xã hội.3
trào lưu kiến tạo luận xã hội”, Tạp chí Khoa học xã hội (TP.HCM), số 6 (202),
2015, tr. 77-88.
1
Xem J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 11.
2
Xem L. Wacquant, bài đã dẫn, tr. 267.
3
Xem L. Wacquant, bài đã dẫn, tr. 267-269.
155
Do vậy, Bourdieu cho rằng tập tính (habitus) vừa là cái đã được cấu
trúc hóa (structured) (bởi các lực và các khuôn mẫu xã hội sẵn có), vừa là
cái đang cấu trúc hóa (structuring) (vì nó định hình và sản sinh ra những
hoạt động đa dạng của cá nhân trong những lãnh vực khác nhau của đời
sống xã hội).1 Chính vì thế, theo Bourdieu, tập tính “[vừa là] sản phẩm của
cấu trúc, [vừa là] cái sản xuất ra hành động thực tiễn, và [vừa là] cái tái sản
xuất ra cấu trúc.”2
Bourdieu tóm tắt lý thuyết về hành động thực tiễn của con người cá
nhân trong công thức sau đây :3
[(tập tính) (vốn)] + trường lực = hành động thực tiễn.
Nhà xã hội học người Anh Anthony Giddens (1938-) cũng là người
muốn vượt qua sự đối lập nhị nguyên giữa quan điểm khách thể luận với
quan điểm chủ thể luận thông qua lý thuyết structuration (tạm dịch là “sự
hình thành cấu trúc”) của ông.4 Giddens phê phán và bác bỏ cả thuyết chức
năng luận lẫn thuyết tiến hóa luận mà ông cho là đều quá “đóng kín”, vì
theo ông, các hiện tượng xã hội và các sự kiện xã hội luôn luôn mang tính
ngẫu nhiên, “mở” (open-ended), tức khó lòng đoán định trước được. Ông
tìm cách vượt qua sự phân chia cổ truyền của ngành xã hội học giữa hành
động và cấu trúc bằng cách tập trung vào khái niệm “hành động thực tiễn xã
hội” (social practices) của các tác nhân ; theo ông, các thực tiễn xã hội vừa
sản xuất ra, vừa được sản xuất bởi, các cấu trúc. Theo Giddens, các cấu trúc
không phải nằm bên ngoài hành động của các tác nhân xã hội, nhưng chúng
chính là những quy tắc và những nguồn tài nguyên luôn luôn được sản xuất
và được tái sản xuất bởi các tác nhân trong hành động thực tiễn của họ.5
1
Xem L. Wacquant, bài đã dẫn, tr. 268.
Dẫn lại theo L. Wacquant, bài đã dẫn, tr. 268. Nguyên văn câu của Wacquant ở
đây như sau : “This is why Bourdieu defines it [i.e. habitus] variously as ‘the
product of structure, producer of practice, and reproducer of structure’, the
‘unchosen principle of all choices’, or ‘the practice-unifying and practicegenerating principle’ that permits ‘regulated improvisation’ and the
‘conductorless orchestration’ of conduct” (L. Wacquant, bài đã dẫn, tr. 268). Về
tư tưởng của P. Bourdieu liên quan tới tập tính (habitus), có thể xem thêm
Nguyễn Xuân Nghĩa, Lý thuyết xã hội đương đại. Một số nhà tư tưởng quan
trọng từ nửa cuối thế kỷ XX đến nay, TP.HCM, Nxb Đại học Quốc gia
TP.HCM, 2017, tr. 74-83, và 291-294.
3
Xem Nguyễn Xuân Nghĩa, “Pierre Bourdieu và Anthony Giddens về song đề cấu
trúc/hành động”, Tạp chí Khoa học xã hội (TP.HCM), số 10 (170), 2012, tr. 75.
4
Xem J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 11.
5
Xem J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 740.
2
156
Ông cho rằng “[c]ấu trúc vừa là phương tiện, vừa là kết quả của các hoạt
động của con người mà nó [tức cấu trúc] không ngừng tổ chức”, và các
thành viên của xã hội luôn luôn có khả năng “hiện thể hóa [instantiating]
những đặc trưng của cấu trúc”.1 Chính vì thế, cấu trúc chính là cái đã được
hóa thân vào trong hành động của con người thành viên xã hội.2
1
2
Xem bài “Về lý thuyết ‘hình thành cấu trúc’ (structuration)” do Trần Hữu
Quang trích dịch từ Anthony Giddens, Social Theory and Modern Sociology
(1987), Stanford (California), Stanford University Press, 1996, tr. 59-61 (có thể
xem tại https://www.academia.edu/38332868/Về_lý_thuyết_hình_thành_cấu_
trúc_structuration_của_Anthony_Giddens).
Về tư tưởng của A. Giddens liên quan tới lý thuyết structuration, có thể xem
thêm Nguyễn Xuân Nghĩa, sách đã dẫn, tr. 241-249, và 297-302.
157
Chương 9
Giai cấp xã hội và sự phân tầng xã hội
Cấu trúc các tầng lớp và giai cấp xã hội là một trong những lãnh vực
quan tâm lớn của ngành xã hội học, và cũng là một vấn đề đã từng và vẫn
còn gây ra những cuộc tranh luận gay gắt trong ngành này. Trước khi đi vào
tìm hiểu một vài lý thuyết quan trọng về chủ đề này, chúng ta hãy xem xét
một số khái niệm chính.
A. Bất bình đẳng xã hội. Đẳng cấp và giai cấp xã hội
Trong hầu hết các xã hội cho đến nay, thực tế mà chúng ta luôn luôn
chứng kiến là có những tình trạng bất bình đẳng nào đó giữa những cá nhân
với nhau. Nói chính xác hơn, ta có thể nhận thấy giữa các vai trò khác nhau
trong xã hội, có những sự khác biệt về lợi thế gắn liền với chúng. Có những
vai trò chịu trách nhiệm chỉ huy hay điều khiển, còn những vai trò khác thì
bị chỉ huy, bị điều khiển. Có những người làm giám đốc doanh nghiệp, làm
cán bộ chuyên viên, và có những người làm công ăn lương. Mặt khác, cũng
có những khác biệt về thu nhập : người bác sĩ không có cùng mức thu nhập
như người thợ sửa xe, vị giám đốc lãnh một mức lương khác hẳn so với một
nhân viên đánh máy... Ngoài ra, cũng có một số vai trò được người ta kính
trọng hơn so với một số vai trò khác. Lẽ tất nhiên, lương tri thông thường
cho rằng nghề nào cũng tốt, cũng cao quý như nhau ; nhưng trong thực tế
thì người làm nghề hốt rác vẫn thường không được trọng vọng lắm so với
một vị bộ trưởng chẳng hạn. Theo Henri Mendras, quyền hành (authority),
thu nhập (income) và uy thế (prestige) chính là ba chiều kích chính của
những sự bất bình đẳng trong xã hội.1
Trong lịch sử nhân loại, người ta thấy có nhiều loại chế độ xã hội với
những kiểu bất bình đẳng khác nhau. Trong xã hội theo chế độ nô lệ
(slavery), người nô lệ chỉ là một đồ vật của ông chủ, hoàn toàn không có
chút quyền và chút tự do nào ; ông chủ có toàn quyền đối với người nô lệ
của mình, kể cả quyền bán người này đi hoặc thậm chí quyền sinh sát.
Trong xã hội theo chế độ nông nô (serfdom), nông nô (serf) là người nông
dân bị lệ thuộc vào vị lãnh chúa và đất đai của ông ta mà không thể nào rời
bỏ được ; tuy nhiên, người nông nô vẫn có được một tư cách pháp nhân nào
1
Xem H. Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle édition
refondue, 2003, tr. 202.
158
đó (trong khi nô lệ thì hoàn toàn không có) vì vị lãnh chúa không thể bán
anh ta đi.1
Một loại chế độ xã hội khác là chế độ đẳng cấp. Một hệ thống “đẳng
cấp” (caste) là một hệ thống bao gồm những nhóm xã hội được phân định
một cách hết sức rạch ròi theo một thứ bậc nhất định trong trật tự xã hội –
thường đặt nền tảng trên tôn giáo, tín ngưỡng. Điển hình cho khái niệm này
là hệ thống đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ cổ truyền.2 Hệ thống này xuất phát
từ bộ luật Manu (tiếng Phạn là Manu-Msrti), vốn là pho sách cổ nhất và
quan trọng nhất của Ấn Độ giáo. Theo Lê Xuân Khoa, trong bộ luật này, có
trình bày chi tiết về hệ thống tứ đẳng cấp (chaturvarna) trong xã hội và “qui
định rõ các chức phận, quyền hạn cùng với các luật lệ phù hợp cho mỗi
đẳng cấp ấy.”3 Hệ thống này bao gồm bốn đẳng cấp chính (theo thứ tự từ
cao đến thấp) : Brâhmana (đẳng cấp tăng lữ Bà-la-môn), Kshatriya (đẳng
cấp chiến binh và quý tộc, có nhiệm vụ cầm quyền), Vaishya (đẳng cấp
thương nhân và địa chủ), và Shûdra (đẳng cấp thợ thuyền và tôi tớ). Đẳng
cấp nào đứng trên được coi là “trong sạch” hơn đẳng cấp bên dưới. Ngoài
ra, nằm dưới đáy xã hội là những người hoàn toàn bị gạt ra ngoài xã hội,
ngoài hệ thống đẳng cấp, tức là những người mà người ta thậm chí “không
được đụng đến” (untouchables). Trật tự của hệ thống này dựa trên mức độ
uy thế và mức độ “trong sạch” hay mức độ “ô uế” của mỗi đẳng cấp mà
giáo lý Ấn Độ giáo đã quy định. Mỗi người đều sinh ra trong đẳng cấp của
mình, và không thể thoát ra ngoài đẳng cấp của mình, chỉ được phép lập gia
đình với người cùng đẳng cấp với mình ; mỗi người đều biết mình thuộc
đẳng cấp nào. Đây là một kiểu hệ thống xã hội “đóng kín”. Lê Xuân Khoa
mô tả đặc trưng của đẳng cấp tăng lữ Bà-la-môn như sau : “Việc tế tự chẳng
phải ai cũng làm được. Chỉ có những tu sĩ Bà-la-môn hiểu biết các nghi
thức và thần chú bí mật mới có đủ tư cách hành lễ, làm nhiệm vụ trung gian
giữa loài người với thần linh.” Sự “độc quyền về tinh thần” cộng với những
“đặc quyền” của đẳng cấp này đã khiến cho họ “sớm trở thành một đẳng
cấp có thế lực nhất, nắm giữ vận mạng tâm linh của toàn thể nhân dân Ấn
Độ.”4
Trong xã hội Rwanda (ở miền trung châu Phi), có hai đẳng cấp là
Tutsi và Hutu ; hai đẳng cấp này thường xuyên xung đột với nhau, thậm chí
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 203.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 204.
3
Lê Xuân Khoa, Nhập môn triết học Ấn Độ, Sài Gòn, Trung tâm Học liệu, Bộ
Giáo dục, tái bản, 1972, tr. 42 và 82.
4
Lê Xuân Khoa, sách đã dẫn, tr. 41 và tr. 63-64.
2
159
đôi khi xung đột một cách đẫm máu. Tuy nhiên, xét trên bình diện cá nhân
thì người Tutsi chuyên trồng trọt vẫn thường có những mối liên hệ trao đổi
hoặc buôn bán với người Hutu vốn chuyên chăn nuôi và vốn nắm giữ quyền
lực trong cả xã hội.1
Một khái niệm “đẳng cấp” khác từng tồn tại trong thời kỳ phong kiến
ở châu Âu (tiếng Anh : estate ; tiếng Pháp : état hay ordre), cũng được
dùng để chỉ những tầng lớp xã hội hoàn toàn khác biệt và ngăn cách nhau,
nhưng chủ yếu đặt nền tảng trên pháp lý hơn là trên tín lý tôn giáo như
trường hợp ở Ấn Độ. Người ta thường bắt gặp cách phân chia thành ba
đẳng cấp chính : tăng lữ (hay giáo sĩ, clergy), quý tộc (nobles), và thứ dân
(tiếng Anh : third estate, tiếng Pháp : tiers-état). Thứ dân bao gồm hai loại
là thị dân và nông dân. Theo T. H. Marshall, một “đẳng cấp” (estate) là
“nhóm người có cùng một địa vị [status], hiểu theo nghĩa mà các nhà luật
học gán cho từ này. Một địa vị theo nghĩa này là một vị trí gắn liền với một
số quyền và nghĩa vụ, một số đặc ân và bổn phận, một số tư cách pháp lý
hoặc không có tư cách pháp lý [trong một số lãnh vực], vốn được thừa nhận
công khai và có thể được xác định và bắt phải tuân theo bởi cơ quan công
quyền, và trong nhiều trường hợp, bởi tòa án.”2
Chẳng hạn ở Pháp trong thời kỳ Chế độ cũ (Ancien régime) (từ thế
kỷ XV đến cuộc cách mạng năm 1789), tổ chức xã hội bao gồm ba đẳng
cấp có địa vị pháp lý hoàn toàn khác biệt nhau. Giới tăng lữ được hưởng
một số đặc quyền, chẳng hạn không phải đóng thuế ; nhưng vì họ không
được phép lập gia đình, nên họ không được hưởng quyền thừa kế về chức
vụ. Giới quý tộc ngược lại có được quyền thừa kế, cũng như nhiều đặc
quyền đặc lợi khác, nhưng đồng thời cũng có một số lãnh vực hoạt động
kinh tế mà một nhà quý tộc không được phép làm, nếu còn muốn mang
tước quý tộc. Còn giới thứ dân (tiers-état) là những người còn lại, không
phải là giáo sĩ, mà cũng chẳng phải là quý tộc.3 Khác với chế độ đẳng cấp
của Ấn Độ giáo vốn mang tính chất hoàn toàn đóng kín, chế độ “đẳng cấp”
ở châu Âu phong kiến mang tính chất tương đối “mở” hơn : chẳng hạn giới
tăng lữ ở Pháp là một “đẳng cấp mở” vì những người thuộc đẳng cấp khác
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 204.
T. H. Marshall, “The Nature and Determinants of Social Status”, trong Class,
Citizenship, and Social Development, 1964, dẫn lại bởi J. Scott, G. Marshall
(Eds.), A Dictionary of Sociology, 3rd edition revised, New York, Oxford
University Press, 2009, tr. 225.
3
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 204.
2
160
cũng có thể tiến thân vào đây.1
Đối lập với khái niệm đẳng cấp trên đây, người ta nói tới khái niệm
giai cấp (class) khi mà sự phân chia xã hội ra thành những nhóm khác nhau
không còn được thừa nhận về mặt pháp lý hay về mặt tôn giáo nữa. Ở Pháp,
kể từ cuộc cách mạng năm 1789, hiến pháp minh định rằng mọi người sinh
ra đều bình đẳng như nhau, tức là không cho phép có gì khác biệt giữa một
nhà quý tộc với một thị dân, xét về mặt pháp lý. Người ta cho rằng những
sự khác biệt, nếu có, chỉ là những sự khác biệt về mặt thực tế, do năng lực
cá nhân chênh lệch nhau. Tuy nhiên, trong thực tế, người ta vẫn thấy có
những tình trạng bất bình đẳng rõ rệt, chẳng hạn đứa con của một người thợ
thì ngay từ khi chào đời, đã có một thân phận hết sức khác biệt so với đứa
con của một nhà tư sản. Theo H. Mendras, “sự bình đẳng ‘về mặt pháp lý’
theo bản Tuyên ngôn nhân quyền và sự bất bình đẳng kinh tế và xã hội nơi
các công dân chính là hai nguyên tắc mâu thuẫn nhau chi phối sự vận hành
của các xã hội tư bản chủ nghĩa.”2
B. Lý thuyết mác-xít về giai cấp
Như mọi người đều biết, Karl Marx3 không phải là người đầu tiên sử
dụng thuật ngữ “giai cấp” ; một số nhà kinh tế học trước ông đã dùng từ
này. Nhưng phải nói là kể từ Marx thì thuật ngữ này trở thành một trong
những khái niệm quan trọng trong công cuộc phân tích về cấu trúc của xã
hội, đặc biệt là xã hội tư bản chủ nghĩa.
Thực ra Marx, trong các công trình của mình, chưa đưa ra một định
nghĩa rạch ròi về giai cấp. Có lẽ đây là điều mà ông đã định làm, vì nó đã
được nêu trong đề cương phác thảo của một phần của bộ Tư bản mà ông ta
chưa kịp hoàn thành. Qua các trước tác đã được công bố, người ta thấy
Marx sử dụng thuật ngữ “giai cấp” có lúc theo nghĩa rộng, và có lúc theo
một nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, ông áp dụng khái niệm giai cấp vào tất cả
những xã hội trong đó có sự đối lập giữa tầng lớp những kẻ thống trị và
tầng lớp những kẻ bị trị. “Xã hội có giai cấp” xuất hiện kể từ sau xã hội
cộng sản nguyên thủy, từ thời Cổ đại trở đi (với chế độ chiếm hữu nô lệ),
thời Trung cổ (với chế độ phong kiến), kể cả trong những xã hội mà ông gọi
là theo “phương thức sản xuất châu Á”, cho đến chế độ tư bản chủ nghĩa về
1
Xem J. Scott, G. Marshall, sách đã dẫn, tr. 225.
H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 204.
3
Ở đoạn này, chúng tôi chủ yếu dựa trên H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 205-207.
2
161
sau này.
Nhưng mặt khác, Marx cũng có lúc muốn phân biệt giữa khái niệm
Stand (đẳng cấp) và khái niệm Klasse (giai cấp) để vạch rõ một đường phân
ranh giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và những xã hội tiền tư bản. Hiểu theo
nghĩa này, giai cấp chỉ xuất hiện khi ra đời chủ nghĩa tư bản, tức là khi bắt
đầu hình thành giai cấp tư sản và giai cấp công nhân. Còn trong những xã
hội tiền tư bản, thì xã hội thường được chia ra thành những đẳng cấp
(Stand) mang tính chất tôn giáo hoặc pháp lý.
Trong các công trình viết về xã hội tư bản chủ nghĩa Pháp hay Đức,
Marx cũng thường phân tích sự tồn tại đồng thời của nhiều giai cấp (tư sản,
công nhân, nông dân...). Nhưng cũng có nhiều chỗ ông chỉ nói đến hai giai
cấp chủ yếu là giai cấp tư sản và giai cấp công nhân : đấy là lúc ông muốn
nói đến một mô hình lý thuyết về cấu trúc giai cấp của chủ nghĩa tư bản.
Đối với Marx, giai cấp không thể được định nghĩa bằng nghề nghiệp, cũng
không phải bằng quy mô thu nhập, mà là vị trí của một tầng lớp xã hội
trong quá trình sản xuất – nghĩa là xét trong mối quan hệ với các giai cấp
khác. Cái làm cho các tầng lớp công nhân trở thành một “giai cấp”, không
phải ở chỗ đây là những nhóm nghề nghiệp có cùng chung một hoàn cảnh
hay cùng có một số đặc điểm nào đó, nhưng ở chỗ công nhân cùng bị bóc
lột về giá trị thặng dư bởi một giai cấp xã hội khác, đó là giai cấp tư sản.
Còn giai cấp tư sản thì được định nghĩa như là những kẻ chiếm đoạt giá trị
thặng dư của giai cấp công nhân ; sở dĩ họ làm được như vậy là vì họ sở
hữu các tư liệu sản xuất. Nói cách khác, sự đối lập giữa hai giai cấp có thể
được tóm tắt là sự đối lập giữa một bên là những kẻ không có tư liệu sản
xuất và chỉ có thể bán sức lao động của mình, và một bên là những kẻ sở
hữu tư liệu sản xuất và chiếm đoạt giá trị thặng dư của người lao động.
Lối phân tích mác-xít về giai cấp luôn luôn đi đôi với sự phân tích về
cuộc đấu tranh giữa các giai cấp. Sự đối lập giữa các giai cấp, theo lý thuyết
mác-xít, không thể làm cho xã hội đạt được trạng thái quân bình, ổn định.
Trái lại, sự phát triển của hệ thống kinh tế sẽ làm cho tư bản ngày càng
được tích lũy về phía các nhà tư sản, còn những người công nhân và nông
dân lao động thì sẽ ngày càng bị bần cùng hóa đi một cách tương đối. Và
cuộc đấu tranh giai cấp sẽ gay gắt đến mức ngày nào đó làm bùng nổ ra một
cuộc cách mạng, và thay đổi chính hệ thống giai cấp này.
Khái niệm mác-xít về giai cấp là một khái niệm bao quát. Tuy nó
được phân tích trên cơ sở các quan hệ trong lãnh vực kinh tế, nhưng ý nghĩa
162
của nó bao trùm lên nhiều lãnh vực khác nhau. Chẳng hạn, những khác biệt
về lối sống được giải thích như là những khác biệt về các lối ứng xử giữa
các giai cấp. Lãnh vực tư tưởng cũng thế : “Trong mọi thời đại, những tư
tưởng của giai cấp thống trị là những tư tưởng thống trị, nói một cách khác,
giai cấp nào là lực lượng vật chất thống trị trong xã hội thì cũng là lực
lượng tinh thần thống trị trong xã hội. Giai cấp nào chi phối những tư liệu
sản xuất vật chất thì cũng chi phối luôn cả những tư liệu sản xuất tinh
thần.”1 Nói khác đi, không thể có sự độc lập giữa đời sống tinh thần, các giá
trị, các hoạt động nghệ thuật, pháp lý và chính trị, với sự tồn tại của các giai
cấp xã hội. Nhà nước trong một xã hội do giai cấp tư sản thống trị, chỉ có
thể là một nhà nước tư sản, tức là một phương tiện để giai cấp tư sản bảo vệ
những đặc quyền đặc lợi của mình và xác lập các quyền của mình. Theo
Marx, nhà nước là một công cụ của giai cấp thống trị, chứ không phải là
một trọng tài giữa các giai cấp khác nhau.2
Chúng ta thấy là quan điểm và cách phân tích mác-xít về giai cấp
gắn liền chặt chẽ với nhãn giới của học thuyết mác-xít về sự phát triển của
xã hội loài người, mà con đường tất yếu là đi đến chủ nghĩa xã hội và sau
đó là chủ nghĩa cộng sản.
C. Quan niệm của Max Weber
Khác với quan điểm phân tích của Marx về giai cấp vốn dựa trên nền
tảng quan hệ kinh tế, nhà xã hội học Max Weber quan niệm rằng có ba loại
phân tầng xã hội khác nhau : (a) các giai cấp xã hội (dựa trên chiều kích
kinh tế), (b) trật tự thứ bậc của các địa vị xã hội (chiều kích xã hội), và (c)
trật tự thứ bậc của các quyền lực chính trị (chiều kích chính trị).3
Trong lãnh vực kinh tế, Weber cũng sử dụng khái niệm “giai cấp”
tương tự như Marx đã dùng, nhưng xuất phát điểm của định nghĩa về giai
cấp của Weber không phải là vị trí trong quá trình sản xuất (như Marx quan
niệm), mà là khả năng tiếp cận các hàng hóa và dịch vụ trên thị trường.
Các cá nhân, do có những khác biệt về nguồn gốc gia đình, về nghề nghiệp,
năng lực, trình độ học vấn, vốn liếng, khác biệt về nơi cư trú hay về những
yếu tố khác, nên có những cơ may khác nhau, không đồng đều, trong việc
1
Karl Marx, Friedrich Engels, Hệ tư tưởng Đức (1845-1846), trong C. Mác, Ph.
Ăng-ghen, Tuyển tập, tập I, Hà Nội, Nxb Sự thật, 1980, tr. 314-315 (những chỗ
nhấn mạnh là do K. Marx và F. Engels).
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 207.
3
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 209.
163
tiếp cận và hưởng dụng của cải.
Định nghĩa của Weber về giai cấp gắn liền hoàn cảnh giai cấp với sự
tồn tại của một thị trường. Trong những nền kinh tế chưa có kinh tế thị
trường, thì chưa có giai cấp và đấu tranh giai cấp. Những người nô lệ trong
xã hội cổ đại chẳng hạn không phải là một giai cấp, mà là một thứ đẳng cấp,
sự tồn tại của họ mang tính chất pháp lý trong xã hội, và không có quan hệ
gì với thị trường. Mỗi giai cấp được xác định bởi vị trí của mình trong
khung cảnh cạnh tranh, và mỗi hoàn cảnh giai cấp là một hoàn cảnh xét
trong mối quan hệ với thị trường.1
Weber không lần nào đưa ra rõ rệt một danh sách đầy đủ các giai
tầng, nhưng người ta thấy ông thường phân biệt những giai tầng sau đây :
giai tầng công nhân ; giai tầng thống trị ; giai tầng tiểu tư sản (bao gồm
những người lao động tự do, buôn bán nhỏ, thợ thủ công, v.v. vốn có một
hoàn cảnh kinh tế giống nhau trong thị trường, trong đó các cá nhân có thể
có chung một số quyền lợi); giai tầng trí thức (đây là những người tuy
không có tài sản, nhưng có một vị trí xã hội nào đó do đã được đào tạo về
chuyên môn, chẳng hạn kỹ sư, cán bộ, viên chức hành chánh… kể cả khu
vực công lẫn khu vực tư).3
2
Theo Weber, lợi ích giai tầng có thể không dẫn đến một hành động
chung nào cả, mà chỉ có những hành động quần chúng (actions de masse) –
đây chỉ là kết quả trùng hợp ngẫu nhiên về hành vi của những người có
cùng hoàn cảnh giai tầng như nhau, mà hoàn toàn không có ý thức gì về
hoàn cảnh chung này. Nhưng trái lại, hành động giai tầng (actions de
classe) theo Weber là những hành động trong đó mọi người đều có ý thức là
mình có quyền lợi giống nhau và đồng lòng cùng nhau bảo vệ những quyền
lợi ấy. Trong những xã hội tiền tư bản (chẳng hạn những xã hội có đẳng
cấp), nếu đại đa số mọi người đều coi trật tự xã hội là chuyện “tự nhiên”
hay đương-nhiên-phải-như-vậy, thì những người thuộc một đẳng cấp dưới
sẽ chẳng bao giờ thắc mắc đi tìm nguyên nhân của hoàn cảnh hiện tại của
họ, và do đó họ sẽ không có những “hành động giai tầng”.4
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 209.
Ở đây, theo thiển ý chúng tôi, có lẽ khái niệm “class” của Max Weber nên được
dịch bằng thuật ngữ “giai tầng” thì thích hợp hơn là thuật ngữ “giai cấp” (hiểu
theo nghĩa mác-xít).
3
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 209-210.
4
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 210.
2
164
Đây là một điểm khác biệt giữa Marx và Weber : Weber quan niệm
rằng các cuộc đấu tranh giai cấp chỉ có thể xảy ra khi người ta có ý thức về
lợi ích giai cấp của mình ; Marx, ngược lại, cho rằng chính là thông qua các
cuộc đấu tranh mà ý thức giai cấp được hình thành.
Xét về chiều kích xã hội của sự phân tầng xã hội, Weber đưa ra khái
niệm mà ông gọi là các địa vị xã hội (social status). Weber định nghĩa địa
vị xã hội là vị trí trong một trật tự thứ bậc về uy thế (prestige) hay về “danh
giá xã hội” (social honor). Mỗi địa vị đều có đặc trưng về lối sống, về cách
tiêu dùng, ăn mặc, cư trú, cưới hỏi, cũng như một kiểu giáo dục nào đó
riêng biệt. Ngay trong các xã hội Tây phương ngày nay, người ta vẫn có thể
ghi nhận rõ nét hiện tượng phân biệt giữa các địa vị xã hội. Cụ thể nhất là
thông qua cách ăn mặc. Thời trang (hay “mốt” y phục) ban đầu thường do
những tầng lớp xã hội thượng lưu tung ra, sau đó lan ra các tầng lớp xã hội
khác. Nhưng không phải vì thế mà cứ hễ có tiền mua sắm quần áo chẳng
hạn là leo lên được nấc thang “danh giá xã hội”. Các nhóm địa vị xã hội
cũng được xác định thông qua khả năng hôn nhân : người ta thường có xu
hướng cưới nhau giữa những người nằm trong cùng một địa vị xã hội với
mình. Mặt khác, mỗi địa vị xã hội thường có những kiểu cách ứng xử và
ngôn ngữ riêng, không những để phân biệt với các tầng lớp xã hội khác mà
còn để bảo vệ những đặc quyền đặc lợi của mình : chẳng hạn nếu muốn gia
nhập vào một nhóm nghề nghiệp thuộc hạng “danh giá”, người sinh viên
mới tốt nghiệp không phải chỉ cần chứng minh khả năng chuyên môn của
mình là đủ, mà còn phải chứng tỏ những dấu hiệu cho thấy mình là thành
viên của giai tầng này (cách ăn mặc, lối ăn nói, cách dùng thuật ngữ chuyên
môn...).1
Chiều kích thứ ba trong cách phân tầng xã hội của Weber là sự phân
chia theo quyền lực chính trị. Ở đây, ông đề cập tới các đảng phái chính trị.
Khác với hai cách phân tầng xã hội trên (theo hoàn cảnh kinh tế và theo địa
vị xã hội), ở đây, đối với các đảng phái chính trị, cá nhân hoàn toàn có thể
tự do gia nhập hay không gia nhập. Đảng phái là một hiệp hội nhằm giành
quyền lực cho một nhóm người lãnh đạo, với mục tiêu là tranh thủ và đảm
bảo những lợi ích vật chất và uy thế cho các thành viên của đảng phái.
Trong các xã hội Tây Âu, người ta thấy có những chính đảng được lập ra để
đấu tranh cho quyền lợi của một giai cấp nhất định, thí dụ đảng cộng sản
(đại diện cho quyền lợi của giai cấp công nhân) hay đảng nông dân ; nhưng
cũng có những chính đảng chỉ đại diện cho những nhóm quyền lợi hoặc
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 210.
165
những nhóm có những xu hướng cá biệt và thường đối lập nhau.1
Nói tóm lại, Max Weber quan niệm sự phân tầng xã hội theo ba
chiều kích khác nhau : kinh tế (cơ may và hoàn cảnh kinh tế của các cá
nhân), xã hội (địa vị xã hội và uy thế xã hội của các cá nhân), và chính trị
(vị trí của họ trong trật tự chính trị). Tuy nhiên, tùy vào mỗi xã hội cụ thể
mà mỗi chiều kích phân tầng có tầm quan trọng khác nhau : chẳng hạn có
những xã hội mang chiều kích kinh tế mạnh hơn, có những xã hội khác lại
mang chiều kích chính trị nhiều hơn, và cũng có những xã hội khác lại coi
uy thế hay danh giá xã hội là điều quan trọng nhất.2
D. Sự phân tầng xã hội
Trong truyền thống xã hội học Mỹ, khi nghiên cứu về cấu trúc xã
hội, các nhà xã hội học thường sử dụng khái niệm “phân tầng xã hội”
(social stratification) để nói về tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Họ
quan niệm là trong những xã hội hiện đại, xã hội thường có thể được phân
chia thành những tầng lớp (stratum) khác nhau, xét một cách tổng hợp theo
một số đặc trưng như quy mô thu nhập, mức độ giàu có, uy thế nghề
nghiệp, tuổi tác, chủng tộc... Mỗi tầng lớp đứng ở một vị trí nhất định trong
bậc thang xã hội, có những cơ may thăng tiến riêng, và có những lối sống
đặc thù.
Có nhiều cách phân loại các tầng lớp xã hội theo khuynh hướng này.
Trước hết, là cách phân loại chủ yếu theo nghề nghiệp. Trong xã hội Mỹ,
người ta cho rằng hệ thống nghề nghiệp đóng vai trò quyết định trong việc
xác định địa vị xã hội và mức thu nhập. Quả vậy, thông thường khi biết vị
trí nghề nghiệp của một người chủ hộ gia đình, chúng ta có thể đoán biết
được là hộ gia đình này thuộc về địa vị xã hội nào. Lối phân chia này dựa
trên hai tiêu chuẩn : uy thế của nghề nghiệp và mức thu nhập.3 Các nhà xã
hội học Mỹ thường phân biệt các tầng lớp xã hội như sau : (1) các nghề tự
do,4 (2) các nhà điền chủ, chủ xí nghiệp và các viên chức, (3) các nhân viên,
(4) công nhân lành nghề và đốc công, (5) công nhân nửa lành nghề, và cuối
cùng (6) công nhân không lành nghề.
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 210.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 211.
3
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 212.
4
Các nghề tự do là những nghề mà người lao động làm việc độc lập, chứ không
phải làm công ăn lương tại một doanh nghiệp, một công ty hay một cơ quan.
2
166
Tuy nhiên, uy thế (prestige) của nghề nghiệp thì khá mơ hồ và khó
đo lường. Một trong những thang đo lường về uy thế được nhiều người biết
đến là thang của Cecil C. North và P. K. Hatt trong một cuộc điều tra tiến
hành vào năm 1947.1 Với một số lượng mẫu điều tra đại diện cho cả nước
Mỹ, người ta đề nghị mỗi người được hỏi hãy xếp loại các nghề nghiệp
khác nhau (bằng cách cho điểm từ 1 đến 5), và sau đó người ta tính số điểm
bình quân nơi mỗi nghề nghiệp. Như vậy, với số điểm bình quân này, người
ta có thể xác định mức độ “uy thế” của mỗi nghề nghiệp khác nhau trong xã
hội. Dĩ nhiên, về mặt kỹ thuật, người ta đã thận trọng đề ra những biện pháp
khác nhau để đảm bảo tính khách quan. Thí dụ, thay đổi trật tự trình bày
các nghề nghiệp trong bản câu hỏi, nhằm tránh trường hợp những nghề
được nêu trước thì được đánh giá cao hơn những nghề được nêu sau. Người
ta còn đề nghị những người trả lời giải thích thêm coi tại sao họ lại đánh giá
nghề này có uy thế hơn nghề khác. Và mặt khác, người ta cũng phải cân
nhắc về mức độ đồng tình đối với uy thế từng nghề nghiệp : con số bình
quân 3 chẳng hạn, hẳn sẽ có ý nghĩa rất khác nếu so sánh giữa trường hợp
số điểm trải ra từ 1 đến 5, với trường hợp tập trung trong khoảng cách từ 3
đến 4 điểm.
Ở xã hội Mỹ, với thang đo lường về uy thế nghề nghiệp như trên,
người ta thấy đứng đầu bảng là chức vụ thẩm phán Tòa án tối cao, đứng
hạng hai là các bác sĩ, đồng hạng với các Thống đốc tiểu bang... Qua kết
quả nghiên cứu này, người ta cũng thấy có một sự trùng hợp ngồ ngộ : có
uy thế ngang hàng nhau là viên phi công đường bay dài, họa sĩ có tranh
được triển lãm, chủ nhà máy có trên 100 công nhân, và... nhà xã hội học !2
Dĩ nhiên, trong kết quả trên, có những khác biệt về đánh giá nơi các
tầng lớp dân cư khác nhau trong xã hội. Chẳng hạn các tiểu bang miền đông
bắc của Mỹ đánh giá các nghề nghiên cứu khoa học cao hơn so với các tiểu
bang phía nam ; ở nông thôn, người ta có xu hướng đánh giá cao hơn các
nghề nông nghiệp, và đánh giá hơi thấp hơn nghề ca sĩ so với người dân đô
thị... Nhưng nhìn chung, những khác biệt ấy tương đối yếu, và người ta có
thể nhận định là có một sự đồng tình tương đối cao trong xã hội Mỹ về bậc
thang uy thế của các nghề nghiệp.3
1
C. North, P. K. Hart, “Jobs and Occupations: A Popular Evaluation”, Opinion
News, Vol. 9, 1949, tr. 313, dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 212-213.
2
Xem H. Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, 1989, tr. 191.
3
Xem H. Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle édition
refondue, 2003, tr. 213.
167
Tuy nhiên, cách phân loại về phân tầng xã hội theo uy thế nghề
nghiệp như vừa nói trên vẫn có những điểm không ổn của nó. Chẳng hạn,
người ta có thể đánh giá (bằng cách cho điểm) ngang nhau nghề làm nông
và nghề bác sĩ, nhưng điều này không có nghĩa là người ta đặt nghề làm
nông và nghề bác sĩ ngang nhau trên bậc thang xã hội. Nói cách khác, có
những kích thước khác nhau trong khái niệm “uy thế nghề nghiệp” : người
ta có thể tôn trọng người bác sĩ vì đây là người có chuyên môn giỏi, tôn
trọng vị bộ trưởng vì đó là người có thế lực, và tôn trọng một người làm
nông vì đó là người làm ra lương thực thực phẩm cần thiết cho mọi người.
Và chắc hẳn là người ta thường không đặt ngang hàng ba người này trên
cùng một bậc thang xã hội. Như vậy, hiển nhiên là có những khía cạnh khác
nhau trong uy thế cần phân biệt. Vì thế, North và Hatt còn phân biệt thêm
tám thang đo cụ thể cho tám lãnh vực nghề nghiệp (mà họ gọi là tám situs):
chính trị (phân biệt từ cấp quốc gia cho đến cấp địa phương), trí thức (từ
những nghề tự do như bác sĩ, kỹ sư, luật sư... cho đến các ngành nghiên cứu
cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, và cuối cùng là các công chức), kinh doanh
(tùy thuộc vào quy mô của xí nghiệp), giải trí và thẩm mỹ (cao nhất là các
ngành nghệ thuật, sau đó là các nhà báo...), nhà nông (những người làm
nghề nông), lao động chân tay, nghề nghiệp quân sự, dịch vụ.1
Tuy cách phân loại trên vẫn không thể xếp loại toàn bộ các nghề
nghiệp trong xã hội, nhưng nó vẫn được người ta sử dụng một cách có hiệu
quả, đặc biệt chẳng hạn vào các công trình nghiên cứu về tình hình và nhu
cầu tiêu thụ nơi dân chúng. Quả vậy, người ta đã nhận thấy là cách thức tiêu
thụ nơi người dân phụ thuộc phần lớn vào quy mô thu nhập và cấu trúc
phân tầng xã hội theo uy thế nghề nghiệp như nói trên.2
E. Sự di động xã hội
Khi nghiên cứu về cấu trúc các tầng lớp xã hội hay về tình trạng bất
bình đẳng trong xã hội, các nhà xã hội học Tây phương thường đề cập đến
khái niệm “di động xã hội” (social mobility) để chỉ sự di chuyển của các cá
nhân giữa các bậc thang trong xã hội – thường được xét chủ yếu về thang
bậc nghề nghiệp.
Người ta thường phân biệt hai loại di động xã hội : di động liên thế
hệ (intergenerational) là sự di chuyển giữa hai thế hệ (so sánh về nghề
1
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 213.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 213-214.
168
nghiệp hay địa vị xã hội giữa người con với người cha); và di động nội thế
hệ (intragenerational) là sự di chuyển về địa vị xã hội của cùng một cá
nhân qua những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của mình.1
Người ta cũng hay nói tới sự di động mang tính chất cấu trúc
(structural mobility), tức là quá trình di động nghề nghiệp do cấu trúc kinh
tế của xã hội thay đổi. Chẳng hạn, chúng ta biết là nước Pháp đã thay đổi
hẳn cấu trúc kinh tế kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay, sau những quá
trình khôi phục và phát triển kinh tế. Kèm theo đó, lẽ dĩ nhiên, cấu trúc các
tầng lớp nghề nghiệp cũng thay đổi theo (xem Biểu đồ 3).
Biểu đồ 3. Diễn tiến của cấu trúc xã hội Pháp, từ năm 1945 đến năm 1996
Nguồn : O. Marchand et C. Thélot, Le travail en France (1800-2000), Paris,
Nathan, 1997, dẫn lại theo H. Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand
Colin, nouvelle édition refondue, 2003, tr. 215.
Theo H. Mendras, vào năm 1946, nước Pháp có 33% là nông dân
trong tổng số lao động xã hội ; con số này vào năm 1996 chỉ còn 4%. Tầng
lớp cán bộ (cadres)2 vào năm 1946 chỉ chiếm 6%, nhưng ngày nay lên tới
1
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 214.
“Cán bộ” (cadre) trong xã hội Pháp có nghĩa là người làm công ăn lương,
thường tốt nghiệp đại học, giữ một chức trách quản lý hay điều hành nào đó
trong một doanh nghiệp hoặc một cơ quan nhà nước.
169
25%. Như vậy, xét về mặt con số, ta thấy ngay là toàn bộ con cái của nông
dân vào năm 1946 không thể tiếp tục làm nghề nông ngày nay. Và đối với
tầng lớp cán bộ, cho dù muốn tuyển dụng chỉ từ con cái của cán bộ mà thôi
thì cũng không thể nào đủ đáp ứng cho số cán bộ ngày nay.1
Sau đây là vài kết quả của cuộc điều tra vào năm 1985, so sánh số
liệu năm 1946 với số liệu năm 1985 (xem Bảng 5 dưới đây). Vào năm
1985, hầu như toàn bộ nông dân (90%) đều là con trai của nông dân, trong
khi đó, chỉ có 1/3 số con trai của nông dân là tiếp tục làm nghề nông. Đồng
thời, 77,5% cán bộ hiện nay không phải là con trai của cán bộ (trong đó có
30% là con trai của công nhân và nhân viên), nhưng 59,8% con trai của cán
bộ đều tiếp tục trở thành cán bộ. Lẽ tất nhiên, việc thay đổi về số lượng
nhóm cán bộ đã cho phép một số con trai của công nhân có cơ hội “thăng
tiến”, nhưng đa số con trai của cán bộ vẫn giữ được nghề của cha mình.
Bảng 5. Nhóm nghề nghiệp của con trai, phân theo nhóm nghề nghiệp của người cha
Nhóm nghề nghiệp
của người cha (1946)
1. Cán bộ
2. Chủ doanh nghiệp
3. Các nghề tự do
4. Thợ thủ công, tiểu thương
5. Nhân viên
6. Công nhân
7. Nông dân
8. Không rõ
Tổng cộng
1
59,8
30,6
31,8
18,4
22,8
7,7
5,0
6,8
15,4
Nhóm nghề nghiệp của con trai (1985)
2
3
4
5
6
3,4 20,7
5,8
6,0
3,8
0,7 10,0
20,2 12,3 23,2
1,1 31,3
8,8
8,8 18,0
2,6 20,0 24,9
7,9 24,4
0,8 31,7
8,9 13,9 21,5
0,6 22,0
9,3 10,2 48,9
0,6 12,0
8,1
6,8 33,6
0,7 17,0
9,4 12,2 52,9
1,4 20,7 11,2
9,0 33,8
Tổng
7
cộng
0,5
100
3,2
100
0,1
100
1,8
100
0,3
100
1,4
100
100
33,8
1,0
100
8,4
100
Ghi chú : * Số thứ tự của các nhóm nghề nghiệp của con trai tương ứng với số thứ
tự của các nhóm nghề nghiệp của người cha.
** Cách đọc bảng trên đây như sau : trong số 100 con trai của cán bộ, 59,8% cũng
làm cán bộ, 3,4% làm chủ doanh nghiệp, 20,7% làm các nghề tự do…
Nguồn : INSEE, Enquête Formation-qualification professionnelle 1985, dẫn lại
theo H. Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle édition
refondue, 2003, tr. 216.
Nhìn tổng quát, ta thấy có một xu hướng chung là sự phân bố các
nghề nghiệp chuyển dần lên phía trên (hay là upgrading như người ta nói
trong tiếng Anh). Những tầng lớp nghề nghiệp bên dưới có ít thành viên
hơn, và những tầng lớp nghề nghiệp cao có nhiều thành viên hơn. Điều này
có nghĩa là sự di động lên diễn ra mạnh hơn là sự di động xuống.
Tuy nhiên, mặc dù có xu hướng thăng tiến như vừa nêu trên, nhưng
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 215.
170
phần đông con cái vẫn tiếp tục giữ vị trí nghề nghiệp của cha mình. Bảng
thống kê trên cho thấy : 59,8% con trai của cán bộ tiếp tục làm cán bộ ;
83,9% con trai của cán bộ nằm ở ba tầng lớp cao nhất (cán bộ, chủ doanh
nghiệp, nghề tự do), và chỉ có 3,8% con trai của cán bộ đi làm công nhân.
Trong khi đó, gần một nửa số con trai của công nhân đều tiếp tục làm công
nhân (48,9%), và chỉ có 7,7% con trai của công nhân trở thành cán bộ.1
Trong Bảng 5 trên đây, ta có thể nhận thấy xu hướng “bất động xã
hội” (social immobility) (tức là không di chuyển về địa vị xã hội) trên một
đường chéo từ bên trái phía trên xuống bên phải phía dưới (những con số in
đậm). Xu hướng này xảy ra đặc biệt đậm nét ở hai cực của bậc thang phân
tầng xã hội. Nói cách khác, ta thấy có một “hiệu ứng trần” và một “hiệu ứng
sàn”, và sự di động diễn ra mạnh mẽ hơn hết nơi các tầng lớp giữa, đúng
như Simmel từng dự đoán.2 Con cái của những người làm nghề tự do và
con cái của các nhân viên có tương đối nhiều khả năng trở thành cán bộ
(31,8% và 22,8%), nhưng đồng thời cũng có xác suất cao là tụt xuống làm
công nhân (18,0% và 21,5%).
Mặt khác, người ta cũng nhận thấy có một tác động “gia truyền” nhất
định : trong những trường hợp con cán bộ đi làm công nhân, thì phần lớn
đều có ông nội cũng từng làm công nhân. Người mẹ cũng có ảnh hưởng đến
địa vị xã hội của con cái : 80% con cái của cán bộ có bằng cấp cao đạt được
bằng Tú tài nếu có mẹ học đến bậc đại học, nhưng con số ấy chỉ còn 64%
nếu người mẹ không học lên đại học.3
F. Từ mô hình kim tự tháp tới mô hình con quay
Cho tới nay, theo H. Mendras, phần lớn giới khoa học xã hội trên thế
giới đều thường nhìn cấu trúc xã hội dưới dạng kim tự tháp, trong đó người
ta có thể phân ra chi tiết hoặc gộp lại các tầng lớp hoặc các bậc thang, tùy
theo cách lập luận. Sự di động xã hội theo hướng đi lên chính là chiều
hướng vận động chung của phần lớn các xã hội trên thế giới, chủ yếu nhờ
vào thành quả của các hệ thống giáo dục ngày càng mở rộng (xem Sơ đồ
6).4 Trên đỉnh của kim tự tháp là giới ưu tú (hay tinh hoa, elite), nắm quyền
lãnh đạo, tập trung vào tay mình hết mức có thể được của cải, văn hóa,
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 216.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 217.
3
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 217-218.
4
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 221.
2
171
quyền lực, và do đó vừa đóng vai trò cách tân, vừa đóng vai trò lãnh đạo xã
hội. Tầng lớp trên có số người đông hơn so với giới ưu tú, tuy có của cải ít
hơn nhưng cùng chia sẻ nền văn hóa với giới ưu tú, đóng vai trò truyền đạt
và chính đáng hóa quyền lực và những sự cách tân (của giới ưu tú) xuống
cho các tầng lớp trung lưu. Các tầng lớp trung lưu thì thường cố gắng thích
ứng với các chuẩn mực ứng xử từ tầng lớp trên đưa xuống, với hy vọng
được thăng tiến về mặt xã hội. Trái lại, các tầng lớp bình dân, tức các tầng
lớp dưới, với những nguồn lực kinh tế và tài chánh nghèo nàn hơn, thường
có một nền văn hóa riêng và một ý thức hệ riêng nhằm cưỡng lại những ảnh
hưởng đến từ bên trên, và thường hoài nghi hoặc đặt vấn đề về tính chính
đáng của các tầng lớp bên trên.1
Sơ đồ 6. Cấu trúc xã hội theo mô hình kim tự tháp
Nguồn : Henri Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle
édition refondue, 2003, tr. 222.
Pierre Bourdieu đã từng trình bầy một nhãn quan về xã hội Pháp
tương tự như mô hình trên đây trong cuốn sách mang tên là Sự biệt trội (La
distinction, 1979), dựa trên kết quả của một cuộc điều tra tiến hành vào thập
niên 1960.2
Tuy nhiên ngày nay, theo H. Mendras, cách nhìn theo mô hình kim
tự tháp như trên không còn phù hợp nữa với những sự biến đổi xã hội đang
diễn ra ngày càng mạnh trong cấu trúc xã hội của các xã hội Tây phương.
Các tầng lớp trung gian (tức những tầng lớp nằm ở khoảng giữa trong hệ
thống phân tầng xã hội) ngày càng sinh sôi nảy nở phức tạp hơn, cùng với
những cơ hội di động xã hội theo hướng đi lên ngày càng đa dạng hơn.
Toàn bộ tình hình này khiến cho việc phân tích xã hội dưới góc độ giai cấp
1
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 221.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 221.
172
như từng thịnh hành trong thế kỷ XIX và thế kỷ XX đang dần dần không
còn thích hợp nữa.1
H. Mendras cho rằng có một số lý do như sau khiến cho lối nhìn cấu
trúc xã hội theo dạng kim tự tháp không còn phù hợp đối với các xã hội Tây
phương bây giờ. Trước hết, người ta càng ngày càng khó xếp hạng các nghề
nghiệp trên một thang đo duy nhất, bởi lẽ hệ thống kinh tế ngày càng đa
dạng hóa, xu hướng “tam đẳng hóa” (tertiarization)2 không những đang
diễn ra mạnh, mà còn xuất hiện cả xu hướng “tứ đẳng hóa”
(quaternization),3 vốn không ngừng tạo ra những chuyên ngành mới và
những nghề mới. Cách tổ chức sản xuất trong thời kỳ “hậu Ford”4 khiến
xuất hiện những mạng lưới xã hội (dạng tổ ong), chứ không còn dạng trật tự
thứ bậc theo kiểu kim tự tháp như trước nữa. Xét về mặt di động xã hội,
người ta ngày càng khó so sánh địa vị nghề nghiệp của người con với người
cha, vì sự phân loại nghề nghiệp đã hết sức khác biệt so với trước kia.
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 220-221.
Lâu nay, các hoạt động kinh tế thường được phân chia ra làm ba khu vực : (a)
nông nghiệp, đánh cá và khai thác tài nguyên thiên nhiên (thường được gọi là
khu vực đệ nhất đẳng, primary sector), (b) công nghiệp chế biến và xây dựng
(khu vực đệ nhị đẳng, secondary sector), và (c) dịch vụ (khu vực đệ tam đẳng,
tertiary sector). “Tam đẳng hóa” (tertiarization) là khái niệm nói về xu hướng
ngày càng giảm bớt các hoạt động của khu vực đệ nhất đẳng và khu vực đệ nhị
đẳng để chuyển sang khu vực đệ tam đẳng (tức các dịch vụ), vốn chiếm tỷ lệ
ngày càng áp đảo trong cơ cấu kinh tế của một quốc gia.
3
“Tứ đẳng hóa” (quaternization) là một thuật ngữ mới mẻ được M. Peneder, S.
Kaniovski và B. Dachs chế tạo ra (dựa trên khái niệm “tam đẳng hóa” vừa nêu
trên) để nhấn mạnh xu hướng ngày càng quan trọng của những ngành dịch vụ
thâm dụng tri thức (knowledge-intensive services) vốn đang phát triển rất mạnh
ở các nước phát triển kể từ cuối thế kỷ XX đến nay (M. Peneder, S. Kaniovski,
B. Dachs, “What Follows Tertiarisation? Structural Change and the Role of
Knowledge-Based Services”, The Service Industries Journal, Vol. 23, No. 2,
2003, tr. 47-66, dẫn lại theo Robert Stehrer et al., Convergence of Knowledgeintensive Sectors and the EU’s External Competitiveness, The Vienna Institute
for International Economic Studies (WIIW), Research reports, No. 377, April
2012).
4
Mô hình sản xuất “hậu Ford” (Post-Fordism) là xu hướng diễn ra từ cuối thế kỷ
XX tại hầu hết các nước công nghiệp phát triển. Một số đặc trưng của mô hình
này là như sau : sản xuất những mặt hàng quy mô nhỏ ; sản phẩm được chuyên
môn hóa ; quy trình sản xuất dựa trên công nghệ thông tin ; chú trọng đến từng
loại người tiêu dùng nhất định... Mô hình “hậu Ford” đối lập với mô hình
“Ford” (Fordism, từng thống lãnh trong suốt thế kỷ XX) vốn là một mô hình tổ
chức sản xuất hàng loạt do Henry Ford khởi xướng vào năm 1908 dựa trên
những nguyên tắc tổ chức lao động một cách khoa học, trong đó công nhân làm
việc trên từng dây chuyền sản xuất, mỗi người chỉ thực hiện một số thao tác
được chuyên môn hóa nhằm nâng cao năng suất lao động.
2
173
Thứ hai, nghề nghiệp là một chỉ báo thích đáng về địa vị xã hội nếu
nó tương đối trùng khớp với mức thu nhập và trình độ học vấn. Nhưng ngày
nay, cả ba yếu tố này ngày càng không liên quan với nhau.
Thứ ba, trước kia, phụ nữ thường làm cùng nghề với người chồng
(nông dân, tiểu thương, hoặc công nhân), hoặc chỉ làm nội trợ (nơi thị dân
chẳng hạn) ; vì thế, người ta thường dễ xếp loại địa vị xã hội của gia đình
thông qua nghề nghiệp của người chồng. Nhưng bây giờ, phụ nữ phần lớn
đều đi làm, có nghề nghiệp riêng, và do đó có thể có sự khác biệt lớn về địa
vị xã hội của hai người phối ngẫu trong cùng một gia đình. Do đó, rất khó
mà xếp loại được địa vị xã hội của từng gia đình.1
Đứng trước thực tế đang diễn ra nhiều biến đổi xã hội như vậy,
Henri Mendras đã đề nghị đưa ra một sơ đồ khác để có thể nhận diện cấu
trúc xã hội của các nước công nghiệp phát triển, đó là mô hình con quay
(hay bông vụ). Mô hình này nhấn mạnh rằng sự vận động là nét chủ đạo
trong xã hội, trong khi mô hình kim tự tháp thì dễ làm cho người ta có cảm
giác về một sự ổn định nào đó của xã hội. Mô hình con quay cũng dựa chủ
yếu trên tình hình phân bố thu nhập, vốn là chiều kích chính của sự xếp
loại. Trong sơ đồ này, Mendras mô tả các tầng lớp xã hội như những
“chòm sao” (constellation), vì hình ảnh chòm sao gợi lên ý tưởng là có
những tầng lớp có thể phình ra và trở nên năng động hơn, trong khi những
tầng lớp khác thì có thể co lại, tương tự như các chòm sao trong các dải
thiên hà (xem Sơ đồ 7).2
Sơ đồ này bao gồm những thành tố như sau. Trước hết là chòm sao
bình dân, bao gồm công nhân và nhân viên có mức thu nhập và trình độ học
vấn thấp. Công nhân gồm phần lớn là nam giới, còn nhân viên gồm phần
lớn là nữ giới, và hai nhóm này có xu hướng lấy nhau làm vợ làm chồng
(nhóm này chiếm khoảng 50% trong dân số).
Sau đó là chòm sao trung tâm, bao gồm các “cán bộ”3 thuộc khu vực
công (từ giáo viên cho tới viên chức cao cấp) và khu vực tư nhân. Mức thu
nhập của nhóm này hết sức phân tán (có thể chênh lệch nhau nhiều), nhưng
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 221.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 223.
3
“Cán bộ” (cadre) trong xã hội Pháp có nghĩa là người làm công ăn lương,
thường tốt nghiệp đại học, và có thể giữ một chức trách quản lý hay điều hành
nào đó trong một doanh nghiệp hoặc một cơ quan nhà nước.
2
174
hầu hết đều đạt trình độ học vấn trên Tú tài (Tú tài + hai năm học tiếp), và
địa vị của họ trong thang bậc nghề nghiệp cũng tương đối ngang nhau.
Nhóm này được coi là trung tâm vì chính họ đưa ra và thực hiện những ý
tưởng cách tân (nhóm này chiếm khoảng 25% dân số).
Sơ đồ 7. Cấu trúc xã hội của các nước công nghiệp phát triển theo mô hình con
quay
Nguồn : Henri Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle
édition refondue, 2003, tr. 222.
Những người làm việc tự do (tiếng Anh : freelancers, tiếng Pháp :
indépendants) có những điểm đặc thù của nghề nghiệp của mình ; đây là
một chòm sao nhỏ trải dài từ trên xuống dưới (chiếm khoảng 15% dân số).
Hai đỉnh bao gồm đỉnh phía dưới cùng là những người nghèo (chiếm
khoảng 10% dân số), và đỉnh trên cùng là giới ưu tú, giàu có nhất. Nhưng
đỉnh trên cùng này không phải là giới ưu tú lãnh đạo giống như trong mô
hình kim tự tháp : nó chỉ là một nhóm điều hành xã hội, tựa như những
người kiểm soát không lưu có nhiệm vụ điều hành các chuyến bay. Thành
viên của nhóm này không phải là những nhà cách tân xã hội, và họ cũng
không còn cai trị xã hội theo nghĩa cũ. Chẳng hạn, những người chủ doanh
nghiệp bây giờ luôn luôn phải theo dõi những kết quả khảo sát thị trường
cũng như diễn biến của thị trường chứng khoán để điều hành doanh nghiệp
của mình.1
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 223.
175
Theo H. Mendras, mô hình con quay trên đây không phải là một sơ
đồ mô tả xã hội. Nó chỉ là một sơ đồ giúp ta nhìn xã hội theo một quan
điểm nhất định, và từ đó, giúp ta đặt ra những vấn đề xã hội đặc trưng của
một xã hội công nghiệp phát triển mà cụ thể là xã hội Pháp ngày nay – vì
một mô hình chỉ là một công cụ giúp ta “đọc” được, “hiểu” được một xã
hội.1
Kết luận đầu tiên có thể rút ra từ mô hình con quay trên đây là không
còn “tầng lớp trung lưu” mà ta thấy trong mô hình kim tự tháp. Theo
Mendras, ta không thể rơi vào sự nhầm lẫn khi cho rằng cả một đất nước
(như Pháp chẳng hạn) bây giờ là một tầng lớp trung lưu vĩ đại, bởi lẽ nói
“trung lưu” là nói rằng có những tầng lớp trên và những tầng lớp dưới ; nếu
mọi người đều là “trung lưu” thì rõ ràng không còn ai là “trung lưu” nữa.
Mặt khác, ta thấy rằng trong mô hình con quay nêu trên, sự phân ly chủ yếu
là giữa hai chòm sao chính (chòm sao trung tâm và chòm sao bình dân) –
đây là điều kế tục sự phân ly trước đây giữa những người lao động trí óc
với những người lao động chân tay, giữa những người đã tốt nghiệp trung
học (có bằng Tú tài) với những người chưa đạt tới trình độ này (bây giờ thì
ngưỡng phân ly là bằng Tú tài + hai năm học tiếp). Vậy sự phân ly ấy có
biến mất hay không khi mà mọi người đều nâng cao trình độ học vấn nhờ
vào hệ thống nhà trường ngày nay và nhờ những phương thức học tập xen
kẽ và linh hoạt ? Liệu chòm sao trung tâm có bị chia nhỏ ra khi mà tri thức
ngày càng đóng vai trò quan trọng và sự phân phối tài sản ngày càng trở
nên bất bình đẳng ? Liệu sự phân bố về công ăn việc làm (ngày càng gia
tăng) của phụ nữ có góp phần khiến cho sơ đồ con quay này phình ra thêm
hay không ?2 Đấy là vài câu hỏi mà H. Mendras đặt ra khi ông thử hình
dung những xu hướng biến đổi sắp tới có thể xảy ra trong cấu trúc phân
tầng của xã hội Pháp.
1
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 223.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 223.
176
Chương 10
Sự chuyển biến xã hội
Sự chuyển biến xã hội (social change) là một trong những lãnh vực
nghiên cứu chủ yếu của ngành xã hội học. Vì xã hội nào cũng không ngừng
chuyển biến, nên các nhà xã hội học thường bận tâm tìm hiểu xem vì sao lại
xảy ra thay đổi, thay đổi diễn ra thế nào... Khi nói đến chuyển biến xã hội,
chúng ta có thể hiểu thuật ngữ này theo hai nghĩa : sự thay đổi của xã hội,
tức là khi chúng ta muốn nói đến sự thay đổi ở tầm vĩ mô ; hoặc là, sự thay
đổi trong xã hội, tức là ý muốn đề cập đến những thay đổi ở tầm vi mô hoặc
trung mô. Thực ra, sự chuyển biến xã hội về mặt vĩ mô có thể bao hàm hoặc
không bao hàm những thay đổi ở cấp vi mô (chẳng hạn xã hội Nhật Bản đã
chuyển sang xã hội tư bản chủ nghĩa mà vẫn duy trì nhiều định chế xã hội
cổ truyền như tập tục trong gia đình, vai trò người phụ nữ...). Và mặt khác,
ngược lại, những chuyển biến ở cấp vi mô cũng có thể đạt đến mức nào đó
thì dẫn đến chỗ làm đảo lộn hẳn cả trật tự xã hội vĩ mô.
Ở đây, chúng ta hãy xem xét một vài nhân tố thường được coi là
nguyên nhân dẫn đến sự chuyển biến xã hội, đó là : xung đột, canh tân, và
khuếch tán.
A. Xung đột
Nhiều nhà dân tộc học và nhân học, chẳng hạn Ruth Benedict,1 đã
phân biệt những xã hội chuộng hòa bình (sociétés iréniques) tức là những
xã hội trong đó người ta hết sức tránh các cãi vã, xung đột, với những xã
hội chiến đấu (sociétés agonistiques) tức là những xã hội đề cao tính chiến
đấu và khả năng khuất phục người khác (thí dụ : xã hội Zuni so với xã hội
Kwakiutl, đã đề cập ở mục A, chương 2). Nhà nhân học Mỹ Ernestine
Friedl2 đã từng mô tả cách dạy dỗ tính gây hấn cho trẻ con trong một làng
Hy Lạp : ngay từ hồi còn rất nhỏ, đứa con trai đã phải tập làm quen với thái
độ luôn luôn cảnh giác, cha mẹ và các anh nó thường đặt nó trước những
trò mưu mẹo và gài bẫy nó, nếu rơi vào bẫy thì nó sẽ bị chê cười, còn nếu
thoát ra khỏi bẫy thì được khen ngợi. Đứa anh trai có nghĩa vụ phải bảo vệ
em gái và mẹ mình ; bất cứ cuộc cãi lộn nào ở trong quán cũng thường kết
1
Dẫn lại theo H. Mendras, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, nouvelle
édition refondue, 2003, tr. 226.
2
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 226.
177
thúc bằng lời thách thức “Hãy ra khỏi đây nếu mày là người đàn ông”. Đối
với người Tây Ban Nha, nếu khích bác tính nam nhi của một người đàn ông
hoặc nói đụng đến danh dự của một người đàn bà, thì đấy là một điều sỉ
nhục chỉ có thể thanh toán bằng một trận đánh nhau. Đối với tộc người
Teda,1 thì một người muốn trở thành đàn ông phải là người đã giết một
người đàn ông khác.2
Thực ra, những mô tả dân tộc học trên đây chủ yếu đề cập tới khía
cạnh nhân cách xã hội, hơn là bản thân những xung đột xã hội theo đúng
nghĩa của từ này. Mặt khác, hình ảnh về một xã hội như thế nào là còn tùy
thuộc vào lăng kính của nhà nghiên cứu. Một thành phố nhỏ của Mexico là
Tepotzlan đã được hai nhà nhân học khảo sát.3 Người đầu tiên là Robert
Redfield (1897-1958): do mang mục tiêu là đi tìm một xã hội cổ truyền, nên
ông đã chú ý tới tính nhất quán về mặt văn hóa và xã hội của thành phố này,
tới những định chế và những phong tục chung, và do đó đã vẽ lên một bức
tranh yên bình và hài hòa về thành phố này. Sau đó, học trò của ông ta là
Oscar Lewis (1914-1970) đã đến nghiên cứu lại thành phố này, và đã nhấn
mạnh tới những mối mâu thuẫn và tranh chấp, những cuộc cãi vã và đánh
lộn, những hiện tượng bất bình đẳng và bạo lực – những hình ảnh ngược
hẳn với công trình nghiên cứu trước.
Đứng trên quan điểm nghiên cứu, chúng ta cần giả định rằng bất cứ
xã hội nào cũng đều có những nhóm có quyền lợi khác nhau và vì thế đến
một lúc nào đó đều có thể đi đến tình trạng xung đột. Như vậy, để tiến hành
tìm tòi, chúng ta cần xác định coi đâu là những hoàn cảnh hay tình thế gây
ra xung đột, xung đột giữa nhóm nào với nhóm nào, và xã hội có những
phương tiện và định chế nào để ngăn ngừa và giải quyết các xung đột ấy.
Đối với nhà xã hội học, sự xung đột là một dịp tốt để phân tích, bởi
lẽ qua đó, các đối thủ mới “xuất đầu lộ diện” (điều này khó thấy trong sinh
hoạt thường ngày), các thứ “vũ khí” của mỗi bên mới trở nên công khai,
đồng thời sự liên minh, nếu có, giữa những nhóm người nào đó có thể bộc
lộ cho thấy có những nhóm cùng quyền lợi, cùng lối suy nghĩ. Và cuối
cùng, trừ phi trở lại tình trạng cũ, còn nếu không thì sự xung đột có thể trở
thành một cơ chế làm xã hội chuyển biến nhanh chóng.4
1
Teda là một trong hai nhóm thuộc tộc người Toubou (hay Tubu), sinh sống ở
miền bắc của Chad, gần vùng biên giới với Libya và Niger (châu Phi).
2
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 226.
3
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 225.
4
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 228.
178
B. Canh tân
Đối với các cộng đồng làng xã hoặc bộ tộc cổ truyền, vốn sinh sống
tương đối cô lập, thì những thay đổi hoặc canh tân về kỹ thuật thường đến
từ bên ngoài : do những quan hệ tiếp xúc với những cộng đồng láng giềng
chung quanh, do du khách hoặc thương nhân từ phương xa mang lại...1 Và
người ta đã nhận thấy là những canh tân kỹ thuật dù nhỏ nhưng có thể dần
dà dẫn đến những thay đổi lớn về mặt xã hội. Người ta đã đưa ra một số
nhận định như sau.
– Để có thể du nhập được một yếu tố kỹ thuật mới (cải tiến, canh
tân...), thì yếu tố này phải có khả năng ăn khớp được với hệ thống kỹ thuật
hiện hành, nghĩa là bổ sung chứ không phải là mâu thuẫn với hệ thống ấy.
Mặt khác, nó phải đáp ứng một nhu cầu nào đó của xã hội và không xung
khắc với hệ thống giá trị lẫn hệ thống quyền lực của xã hội ấy.
– Một khi một yếu tố kỹ thuật mới đã được du nhập, thì nó phải được
truyền đạt lại từ thế hệ này sang thế hệ sau, bởi lẽ có như vậy thì những
người thuộc thế hệ sau mới có thể coi đây là một yếu tố nằm trong tập quán
kỹ thuật, trong truyền thống của cộng đồng.
– Sau khi đã xác lập được chỗ đứng của mình, thì yếu tố kỹ thuật
mới có thể tác động và làm thay đổi dần hệ thống kỹ thuật hiện hành, và từ
đó nó có khả năng thúc đẩy tính năng động xã hội. Bởi lẽ, nhờ áp dụng yếu
tố kỹ thuật mới ấy mà người dân có thể mở ra dễ dàng ứng dụng thêm ngày
càng nhiều những tiến bộ kỹ thuật khác nữa. Mặt khác, kết quả gia tăng sản
lượng có thể tạo điều kiện gia tăng dân số... Vào thời Trung cổ ở Pháp, việc
áp dụng vòng dây đeo cổ vào con ngựa đã làm cho con ngựa có thể kéo xe
chở hàng hóa nặng hơn, cày những luống cày sâu hơn, từ đó mức sản xuất
và buôn bán đều tăng, những quan hệ về quyền lực trong xã hội cũng thay
đổi theo.2
Công trình nghiên cứu của Mc Kim Marriott3 về một ngôi làng ở Ấn
Độ cho thấy là các nông dân biết rất rõ về các ưu điểm của giống lúa mới,
nhưng nếu họ không chịu trồng thì không phải do họ bị “lạc hậu” hoặc “trì
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 229.
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 229.
3
Dẫn lại theo H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 230.
2
179
trệ” bởi thói quen cũ, mà đơn giản chỉ là vì hạt lúa quá cứng nên phụ nữ
không thể xay bằng cối xay bằng đá được, và rơm rạ thì cũng quá cứng nên
trâu bò không thể ăn được. Muốn thuyết phục được nông dân trồng loại
giống lúa mới này, thì người ta phải đồng thời tính toán để thay đổi các cối
xay lúa và đi tìm một nguồn thực phẩm khác cho trâu bò.
Người ta kể lại rằng khi hoàng đế Justinien của Byzance (thế kỷ VI)
hay biết là có một trong số kẻ nô lệ của ông ta đã sáng chế ra một hệ thống
tài tình nhằm sử dụng sức nước vào cối xay, thì ông ta cho gọi người nô lệ
này đến để khen ngợi, ban thưởng, rồi giải phóng và cấm anh ta không được
tiết lộ sáng chế này ra, vì ông ta nói rằng nếu áp dụng sáng chế này thì ông
ta sẽ không biết sử dụng đám nô lệ của mình vào việc gì nữa. Phải chờ đến
thế kỷ X, nghĩa là gần năm thế kỷ sau, các vị lãnh chúa phong kiến mới bắt
đầu cho lắp đặt các cối xay nước vì nhờ đó họ có thể thu thuế xay lúa của
nông dân với giá cắt cổ. Một tiến bộ kỹ thuật nói chung chỉ được chấp nhận
nếu nó tương thích (phù hợp) với hoàn cảnh xã hội.1
Ngày nay, khi cần ứng dụng những cải tiến hoặc tiến bộ kỹ thuật (cả
trong nông nghiệp lẫn công nghiệp, đặc biệt là khi áp dụng kỹ thuật máy
điện toán), người ta thường không quên hình dung trước những vấn đề hay
những “hậu quả xã hội” : chẳng hạn, phải sa thải bớt số lượng công nhân,
phải đào tạo lại người lao động, triệt tiêu mất những ngành nghề truyền
thống quý báu, thay đổi trong các mối quan hệ giữa công nhân và công
nhân, v.v.
C. Khuếch tán
Trong chương 3, chúng ta đã xem kết quả nghiên cứu của Kurt
Lewin về tác dụng của nhóm nhỏ đối với các bà nội trợ trong việc quyết
định tiêu thụ loại thịt bò không phải bít-tết trong thời kỳ chiến tranh. Chúng
ta cũng đã thấy là E. Katz và P. Lazarsfeld nhận định về kiểu thông tin
nhiều tầng nấc trong việc ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của người
dân.
Người ta thường lầm tưởng rằng mỗi khi một cá nhân quyết định làm
điều gì đó thì họ đã suy nghĩ, tính toán kỹ lưỡng về cái lợi, cái hại, và sau
đó chọn lựa một cách duy lý phương cách tối ưu để hành động. Thực tế
hoàn toàn không phải như vậy : các công trình nghiên cứu đã cho thấy là
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 230.
180
quá trình lấy quyết định thường là một quá trình dài và bị tác động bởi
nhiều yếu tố xã hội khác nhau, kể cả những yếu tố truyền thống, cảm tính,
phi duy lý..., và mặt khác các cá nhân thường đều có những mục tiêu khác
nhau. Nói cách khác, quyết định của một cộng đồng hay một nhóm xã hội
hoàn toàn không phải là một thứ quyết định mang tính duy lý hay tối ưu
nhất.1
Trong một công trình nghiên cứu về quá trình khuếch tán (diffusion)
một loại thuốc mới, người ta muốn tìm hiểu coi các bác sĩ quyết định dùng
loại thuốc mới này để ghi toa cho bệnh nhân như thế nào, nhanh hay
chậm... Người ta đã thử so sánh nơi hai nhóm bác sĩ khác nhau : nhóm thứ
nhất làm việc nội trú trong các bệnh viện, và nhóm thứ hai là những bác sĩ
làm việc ở các phòng mạch tư. Cần lưu ý là dùng loại thuốc nào là điều hệ
trọng trong việc điều trị, nên các bác sĩ thường rất cân nhắc. Nơi các bác sĩ
làm việc ở bệnh viện, do môi trường làm việc tập thể, họ có điều kiện dễ
dàng bàn bạc và tham khảo ý kiến lẫn nhau về loại thuốc mới được tung ra
thị trường ; vì thế nhìn chung, họ nhanh chóng quyết định chấp nhận dùng
loại thuốc mới để chữa trị bệnh nhân. Ngược lại, đối với giới bác sĩ chỉ làm
việc ở phòng mạch tư, do điều kiện làm việc riêng lẻ, ít khi có dịp gặp gỡ
nhau mà chủ yếu chỉ tiếp xúc với sách báo y học hoặc ca-ta-lô quảng cáo
của xí nghiệp dược, cho nên nhìn chung họ đi đến quyết định áp dụng loại
thuốc mới chậm hơn so với giới bác sĩ nội trú ở bệnh viện. Biểu đồ đường
biểu diễn của hai quá trình này nơi hai giới bác sĩ hoàn toàn khác nhau.
Biểu đồ 4. Quá trình áp dụng loại thuốc mới nơi giới bác sĩ nội trú ở bệnh viện
Số bác sĩ
áp dụng thuốc mới
(tần số lũy tiến)
Thời gian
1
Xem H. Mendras, sách đã dẫn, tr. 231.
181
Biểu đồ 5. Quá trình áp dụng loại thuốc mới nơi giới bác sĩ làm việc ở phòng
mạch tư
Số bác sĩ
áp dụng thuốc mới
(tần số lũy tiến)
Thời gian
Kết quả nghiên cứu trên đây một lần nữa lại khẳng định vai trò của
nhóm xã hội trong việc lấy quyết định của các cá nhân, cũng như vai trò của
những người “hướng dẫn dư luận” trong chu trình truyền đạt thông tin.
Trong xã hội Pháp, người ta đã nhận xét thấy là những sự canh tân
hoặc thay đổi trong tập quán, trang phục, lối sống... thường diễn ra xuất
phát từ những giới có địa vị cao trong bậc thang xã hội. Lúc đầu, tầng lớp
thượng lưu dư tiền của là những người đầu tiên mua sắm đầu máy viđêô và
máy quay phim viđêô, tủ đông lạnh, và thuyền buồm du lịch ; họ là những
kẻ đầu tiên đi du lịch đến những đất nước xa xăm, xây cất nhà nghỉ hè ở
vùng quê... Nhưng rồi dần dà, những tập quán tiêu dùng ấy lan xuống đến
những tầng lớp trung lưu. Cách đây một thế kỷ, ở vùng bờ biển Côte d'Azur
(phía nam nuớc Pháp) chỉ có giới quý tộc Anh và sau đó giới tư sản Pháp
đến nghỉ mát ; ngày nay thì mọi tầng lớp đều đã có thể tới được nơi này.
Nhưng trong khi đó, thì giới quý tộc và thượng lưu lại đã tìm ra những nơi
khác đặc biệt hơn, dành riêng cho họ, chẳng hạn họ xây dựng những khu vila rộng rãi và đầy đủ tiện nghi vui chơi ở sát bờ biển, biệt lập và cách xa
những nơi đông người – điều mà giới trung lưu hiện tại chưa làm theo nổi.
Những công trình nghiên cứu về quá trình cải tiến các kỹ thuật canh
tác trong nông nghiệp cho thấy là nếu những cải tiến được một số trung
nông nhỏ áp dụng, thì thường sau đó ít ai làm theo, nhưng nếu do trung
nông khá hoặc nông dân giàu có áp dụng thì thường dễ dàng thuyết phục
được đa số các nông dân khác.
182
Hiển nhiên là quá trình khuếch tán nhanh hay chậm các cải tiến kỹ
thuật nói riêng hay những thay đổi khác nói chung đều ảnh hưởng ít nhiều
đến quá trình chuyển biến của toàn xã hội. Các nhà làm chính sách và các
nhà quản lý đều luôn luôn ý thức rằng những thay đổi, dù nhỏ hoặc chỉ liên
quan đến kỹ thuật, đều có thể dẫn đến những hậu quả xã hội nhất định mà
họ phải lường trước, thậm chí có thể gây ra những tác dụng đi ngược lại
điều mà họ mong muốn.
*
Thực ra, những khía cạnh xem xét trên đây chỉ là một trong những
hướng phân tích có thể có đối với vấn đề chuyển biến xã hội. Ngoài hướng
phân tích theo nguyên nhân của chuyển biến như nêu trên, người ta còn có
những hướng phân tích khác, như : (1) phân tích theo cấp độ (vĩ mô hoặc vi
mô) ; (2) phân biệt sự chuyển biến xuất phát từ bên ngoài hay từ bên trong
của cộng đồng xã hội hoặc định chế xã hội ; (3) phân tích theo tác nhân của
sự chuyển biến (tầng lớp trí thức ưu tú, tư sản, hoặc công nhân...) ; (4) phân
tích theo tính chất của sự chuyển biến (tiệm tiến thông qua sự thay đổi dần
dần của hệ thống giá trị và hệ thống các định chế, hoặc là đột biến bằng
cách thay đổi đột ngột toàn bộ hệ thống xã hội).1
Trong lịch sử lý thuyết xã hội học, có hai khuynh hướng lớn trong
việc giải thích các chuyển biến xã hội. Thứ nhất là loại lý thuyết mang quan
điểm tiến hóa xã hội (theories of social evolution), cho rằng các xã hội
chuyển biến một cách tuần tự từ những cấu trúc xã hội đơn giản sang những
cấu trúc xã hội phức tạp hơn, từ những xã hội nông nghiệp sang những xã
hội công nghiệp và đô thị... Nằm trong đường hướng này là những tác giả
như Auguste Comte, Herbert Spencer, hay Émile Durkheim.2 Xét về mặt
nào đó, lý thuyết chức năng luận cũng tiếp tục dựa trên quan điểm này khi
họ quan niệm chuyển biến xã hội là sự thích ứng của một hệ thống xã hội
với môi trường xung quanh của mình. Hướng lý thuyết thứ hai là những lý
thuyết về chuyển biến xã hội mang tính chất cách mạng (theories of
revolution), mà người tiền bối là Karl Marx : hướng lý thuyết này nhấn
1
2
Nhân đây, độc giả có thể xem thêm bài của Bùi Thế Cường, “Một lịch sử ngắn
về quan niệm phát triển”, Tạp chí Khoa học xã hội (TP.HCM), số 10 (98), 2006,
tr. 67-79.
Về lý thuyết tiến hóa luận, có thể xem thêm Bùi Thế Cường, “Đến với các lý
thuyết xã hội học : Quan điểm tiến hóa”, Tạp chí Xã hội học, số 4 (84), 2003, tr.
75-85.
183
mạnh tới các mâu thuẫn, xung đột và đấu tranh giữa các giai cấp trong xã
hội tư bản chủ nghĩa để làm nền tảng giải thích sự chuyển biến về mặt cấu
trúc của xã hội vĩ mô.
184
Tài liệu tham khảo
1. Abercrombie, Nicholas, Stephen Hill, and Bryan S. Turner, The Penguin
Dictionary of Sociology, 2nd edition, London, Penguin Books, 1988.
2. Akoun, André, et Pierre Ansart (Dir.), Dictionnaire de sociologie, Paris,
Le Robert, Seuil, 1999.
3. Aron, Raymond, Les étapes de la pensée sociologique (1967), Paris,
Gallimard, Collection Tel, 1993.
4. Bajoit, Guy, La maison du sociologue. Pour une théorie sociologique
générale, Louvain-la-Neuve, Academia-L’Harmattan, 2015.
5. Barnes, John A., “Class and Committees in a Norwegian Island Parish”,
Human Relations, Vol. 7, No. 1, Feb. 1954, pp. 39-58.
6. Berger, Peter L., Invitation to Sociology – A Humanistic Perspective, New
York, Anchor Books, Doubleday, 1963.
7. Berger, Peter L., Lời mời đến với xã hội học : một góc nhìn nhân văn
(1963), Phạm Văn Bích dịch, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2016.
8. Berger, Peter L., và Thomas Luckmann, Sự kiến tạo xã hội về thực tại.
Khảo luận về xã hội học nhận thức (1966), Trần Hữu Quang chủ biên dịch
thuật, giới thiệu và chú giải, Hà Nội, Nxb Tri thức, Tủ sách Tinh Hoa,
2015.
9. Bloch H., É. Dépret, A. Gallo, et al. (Dir.), Dictionnaire fondamental de la
psychologie. A-K, Paris, Larousse, Coll. In Extenso, 2002.
10. Boudon, Raymond (Dir.), Traité
universitaires de France, 1992.
de
sociologie,
Paris,
Presses
11. Boudon, Raymond, et François Bourricaud, Dictionnaire critique de la
sociologie, Paris, Presses universitaires de France, 2e édition revue et
augmentée, 1986.
12. Bourdieu, Pierre, “Ngôi nhà hay là thế giới đảo ngược”, Trần Hữu Quang
dịch (9-2002) từ bài “La maison ou le monde renversé”, trích từ cuốn Le
sens pratique của Pierre Bourdieu, Paris, Éditions de Minuit, 1980, tr. 441461 (có thể xem tại https://www.academia.edu/38333507/_Ngôi_nha_
hay_la_thê_giơ_i_đảo_ngươ_c_của_Pierre_Bourdieu).
13. Bùi Quang Dũng (chủ biên), Xã hội học, giáo trình sau đại học, Hà Nội,
Nxb Khoa học xã hội, 2013.
14. Bùi Thế Cường, “Đến với các lý thuyết xã hội học : Quan điểm tiến hóa”,
Tạp chí Xã hội học, số 4 (84), 2003, tr. 75-85.
15. Bùi Thế Cường, “Các lý thuyết về hành động xã hội”, Tạp chí Khoa học
xã hội (TP.HCM), số 6 (94), 2006, tr. 57-71.
16. Bùi Thế Cường, “Một lịch sử ngắn về quan niệm phát triển”, Tạp chí Khoa
học xã hội (TP.HCM), số 10 (98), 2006, tr. 67-79.
17. Bùi Thế Cường, “Phân tích chức năng trong nghiên cứu xã hội”, trong Bùi
Thế Cường (chủ biên), Phương pháp nghiên cứu xã hội và lịch sử, Hà Nội,
Nxb Từ điển Bách khoa, 2010, tr. 162-180.
185
18. Bùi Thế Cường (chủ biên), Phương pháp nghiên cứu xã hội và lịch sử, Hà
Nội, Nxb Từ điển Bách khoa, 2010.
19. Calhoun, Craig (Ed.), Dictionary of the Social Sciences, New York,
Oxford University Press, 2002.
20. Cao Huy Thuần, “Định chế : cái ‘đã’ và cái ‘đang’”, Tạp chí Thời đại
(Paris), số 5, 2001, tr. 1-8.
21. Cooley, Charles H., Social Organization: A Study of the Larger Mind
(1909), Glencoe, Illinois, The Free Press, 1956, ch. iii, pp. 23-31, đây là
đoạn trích được in lại trong T. Parsons, et al. (Eds.), Theories of Society.
Foundations of Modern Sociological Theory, New York, The Free Press,
1965, pp. 315-318.
22. Durand, Jean-Pierre, et Robert Weil (Dir.), Sociologie contemporaine,
Paris, Ed. Vigot, 3e édition revue et augmentée, 2006.
23. Durkheim, Émile, Các quy tắc của phương pháp xã hội học (1895), Đinh
Hồng Phúc dịch, với Lời giới thiệu của Trần Hữu Quang, Hà Nội, Nxb Tri
thức, Tủ sách Tinh hoa, 2012.
24. Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển giản yếu (1932), Sài Gòn, Nxb Trường
Thi tái bản, 1957.
25. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương (1938), Sài Gòn, Nxb Bốn
phương (tái bản), 1951.
26. Elias, Norbert, Qu’est-ce que la sociologie ? (1970), Yasmin Hoffmann
dịch từ bản gốc tiếng Đức (Was ist Soziologie?, 1970), La Tour d’Aigues,
Éd. de l’Aube, 1991.
27. Elias, Norbert, “Phê phán một số phạm trù xã hội học và giới thiệu khái
niệm ‘cấu hình xã hội’ ”, Trần Hữu Quang trích dịch từ Chương 4 (“Tính
chất phổ quát của các xã hội con người”), trong Norbert Elias, Qu’est-ce
que la sociologie ?, Yasmin Hoffmann dịch, La Tour d’Aigues, Éd. de
l’Aube, 1991, tr. 123-161 (có thể xem tại https://www.academia.edu/
38332903/Phê_phán_một_số_phạm_trù_xã_hội_học_và_giới_thiệu_khái_
niệm_cấu_hình_xã_hội_Norbert_Elias_).
28. Giddens, Anthony, Social Theory and Modern Sociology, Stanford
(California), Stanford University Press, 1996.
29. Giddens, Anthony, “Về lý thuyết ‘hình thành cấu trúc’ (structuration)”,
Trần Hữu Quang trích dịch từ Anthony Giddens, Social Theory and
Modern Sociology (1987), Stanford (California), Stanford University
Press, 1996, tr. 59-61 (có thể xem tại https://www.academia.edu/
38332868/Về_lý_thuyết_hình_thành_cấu_trúc_structuration_của_Anthon
y_Giddens).
30. Goffman, Erving, La mise en scène de la vie quotidienne, tome 2, Les
relations en public, Alain Kihm dịch từ bản gốc tiếng Anh, Paris, Ed.
Minuit, 1973.
31. Granovetter, Mark S., “The Strength of Weak Ties”, American Journal of
Sociology, Vol. 78, Issue 6, May 1973, pp. 1360-1380.
32. Grawitz, Madeleine, Méthodes des sciences sociales, 8e édition, Paris,
Dalloz, Coll. Précis Dalloz, 1990.
33. Hegel, Georg W. F., Hiện tượng học tinh thần (1807), Bùi Văn Nam Sơn
dịch và chú giải, Hà Nội, Nxb Văn học, 2006.
186
34. Horton, Paul B., and Chester L. Hunt, Sociology, 6th edition, New York,
McGraw-Hill Book Company, 1984.
35. Jahoda, Marie, “La fonction psychologique du préjugé racial” (1960), in
H. Mendras, Éléments de sociologie. Textes, Paris, Armand Colin, 1978,
pp. 81-112.
36. Katz, Nancy, David Lazer, Holly Arrow, and Noshir Contractor, “Network
Theory and Small Groups”, Small Group Research, Vol. 35, No. 3, June
2004, pp. 307-332.
37. Lê Xuân Khoa, Nhập môn triết học Ấn Độ, Sài Gòn, Trung tâm Học liệu,
Bộ Giáo dục, tái bản, 1972.
38. Lévi-Strauss, Claude, Định chế tôtem hiện nay (1962), Nguyễn Tùng dịch,
chú giải và giới thiệu, Hà Nội, Nxb Tri thức, Tủ sách Tinh hoa, 2017.
39. Maine, Henry, “Từ vị thế tới khế ước” (“From Status to Contract”, trích từ
cuốn của Henry Maine, Ancient Law, Dent, 1917, tr. 99-100, in lại trong
Vilhelm Aubert [Ed.], Sociology of Law. Selected Readings,
Harmondsworth, Penguin Books, 1969, tr. 30-31), Trần Hữu Quang dịch
(xem https://www.academia.edu/31730286/Từ_vị_thế_tới_khế_ước).
40. Marx, Karl, Bản thảo kinh tế-triết học năm 1844, Bản thảo thứ ba, trong C.
Mác, Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, tập 42, Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia, Sự
thật, 2000, tr. 65-255.
41. Marx, Karl, và Friedrich Engels, Hệ tư tưởng Đức (1845-1846), trong C.
Mác, Ph. Ăng-ghen, Tuyển tập, tập I, Hà Nội, Nxb Sự thật, 1980, tr. 259369.
42. Marx, Karl, và Friedrich Engels, Tuyên ngôn của Đảng cộng sản (1848),
trong C. Mác, Ph. Ăng-ghen, Tuyển tập, tập I, Hà Nội, Nxb Sự thật, 1980,
tr. 539-586.
43. Marx, Karl, “Lời tựa” trong Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị
(1859), trong C. Mác, Ph. Ăng-ghen, Tuyển tập, tập II, Hà Nội, Nxb Sự
thật, 1981, tr. 633-641.
44. Mendras, Henri, Éléments de sociologie. Textes, Paris, Armand Colin,
Collection U, série Sociologie, 1978.
45. Mendras, Henri, Éléments de sociologie, Paris, Armand Colin, Collection
U, série Sociologie, 1989 ; nouvelle édition refondue, 2003.
46. Nguyễn Xuân Nghĩa, “Một số chủ đề cơ bản trong tư tưởng xã hội học của
Erving Goffman : tương tác, căn tính và trật tự xã hội”, Tạp chí Khoa học
xã hội (TP.HCM), số 1 (161), 2012, tr. 60-71.
47. Nguyễn Xuân Nghĩa, “Pierre Bourdieu và Anthony Giddens về song đề
cấu trúc/hành động”, Tạp chí Khoa học xã hội (TP.HCM), số 10 (170),
2012, tr. 71-82.
48. Nguyễn Xuân Nghĩa, Phương pháp và kỹ thuật trong nghiên cứu xã hội,
Hà Nội, Nxb Lao động, 2016.
49. Nguyễn Xuân Nghĩa, Lý thuyết xã hội đương đại. Một số nhà tư tưởng
quan trọng từ nửa cuối thế kỷ XX đến nay, TP.HCM, Nxb Đại học Quốc
gia TP.HCM, 2017.
50. North, Douglass C., Institutions, Institutional Change and Economic
Performance, Cambridge, Cambridge University Press, 1990.
187
51. Parsons, Talcott, Edward Shils, Kaspar D. Naegele, and Jesse R. Pitts
(Eds.), Theories of Society. Foundations of Modern Sociological Theory,
two volumes in one, New York, The Free Press, 1965.
52. Pharo, Patrick, “Problèmes empiriques de la sociologie compréhensive”,
Revue française de sociologie, No. XXVI, Janvier-Mars 1985.
53. Ritzer, George, and J. Michael Ryan (Eds.), The Concise Encyclopedia of
Sociology, Chichester, U.K., Wiley-Blackwell, 2011.
54. Scott, John, Social Network Analysis, London, Sage, 1991.
55. Scott, John, Sociology. The Key Concepts, London, Routledge, 2006.
56. Scott, John, and Gordon Marshall (Eds.), A Dictionary of Sociology, 3rd
edition revised, New York, Oxford University Press, 2009.
57. Stehrer, Robert, et al., Convergence of Knowledge-intensive Sectors and
the EU’s External Competitiveness, The Vienna Institute for International
Economic Studies (WIIW), Research reports, No. 377, April 2012.
58. Trần Hữu Quang, “Người nông dân Nam bộ và sự đổi mới kỹ thuật”, Tập
san Khoa học và Phát triển, số 15, tháng 4-1984, tr. 31-36.
59. Trần Hữu Quang, “Phát triển các định chế xã hội : Một trong những tiền
đề xã hội của quá trình phát triển ở thành phố Hồ Chí Minh”, Tạp chí
Khoa học xã hội (TP.HCM), số 11 (87), 2005, tr. 20-26.
60. Trần Hữu Quang, và Bùi Văn Nam Sơn, “Lời giới thiệu”, trong Max
Weber, Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản, Bùi Văn
Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng và Trần Hữu Quang dịch, Hà Nội,
Nxb Tri thức, 2008, tr. 11-46.
61. Trần Hữu Quang, “Xã hội và con người theo Peter Berger”, Tạp chí Khoa
học xã hội (TP.HCM), số 3 (151), 2011, tr. 72-80.
62. Trần Hữu Quang, “Khảo sát chiều kích giới trong sách giáo khoa của nền
giáo dục phổ thông ở Việt Nam”, Tạp chí Khoa học xã hội (TP.HCM), số
5 (153), 2011, tr. 7-18.
63. Trần Hữu Quang, “Lời giới thiệu”, trong Émile Durkheim, Các quy tắc
của phương pháp xã hội học, Đinh Hồng Phúc dịch, Hà Nội, Nxb Tri thức,
2012, tr. 17-47.
64. Trần Hữu Quang, “Sự biện chứng của xã hội theo P. Berger và T.
Luckmann và trào lưu kiến tạo luận xã hội”, Tạp chí Khoa học xã hội
(TP.HCM), số 6 (202), 2015, tr. 77-88.
65. Trần Hữu Quang, “Định chế xã hội phi chính thức : Những vấn đề lý
thuyết và thực tiễn xã hội ở Tây nguyên”, Tạp chí Khoa học xã hội
(TP.HCM), số 2 (210), 2016, tr. 12-24.
66. Wacquant, Loïc, “Chapter 16. Pierre Bourdieu”, trong Rob Stones (Ed.),
Key Sociological Thinkers, New York, Palgrave Macmillan, 2nd edition,
2007, tr. 261-277.
67. Weber, Max, The Theory of Social and Economic Organization (1947),
translated by A. M. Henderson and Talcott Parsons (from Wirtschaft und
Gesellschaft [1921] of Max Weber), with an introduction of Talcott
Parsons, New York, The Free Press, 1964.
68. Weber, Max, Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản
(1904-1905), Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng và Trần
188
Hữu Quang dịch, với Lời giới thiệu của Trần Hữu Quang và Bùi Văn Nam
Sơn, Hà Nội, Nxb Tri thức, Tủ sách Tinh hoa, 2008.
69. Wells, Alan, Social Institutions, London, Heinemann, 1970.
70. Yu, Insun, Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, Nguyễn Quang
Ngọc tổ chức dịch và hiệu đính, với lời giới thiệu của Phan Huy Lê, Hà
Nội, Nxb Khoa học xã hội, 1994.
189
Download