22 Quan ly CTR do thi

advertisement
Quản lý chất thải rắn đô thị: Cần một hướng tiếp cận mới
ThS.Tăng Thế Cường
Bộ Tài nguyên và Môi trường
ThS.Lương Hoàng Tùng
Tổng cục Môi trường
Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ với nhiều đô thị được chuyển từ đô
thị loại thấp lên đô thị loại cao và nhiều đô thị mới được hình thành. Tính đến năm 2011, cả nước
có 755 đô thị các loại và còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh đã trở thành nhân tố tích cực đối với phát triển kinh tế xã hội (KT - XH) của đất nước. Đô thị phát triển kéo theo vấn đề di dân từ nông thôn ra thành thị
và theo đó, dân số đô thị cũng không ngừng gia tăng. Theo dự báo, năm 2015 dân số đô thị là 35
triệu người chiếm 38% dân số cả nước, năm 2020 là 44 triệu người chiếm 45% dân số cả nước
và năm 2025 là 52 triệu người chiếm 50% dân số cả nước.
Bên cạnh những lợi ích về KT - XH, tốc độ đô thị hóa quá nhanh đã tạo sức ép về nhiều
mặt, dẫn đến suy giảm chất lượng môi trường và phát triển không bền vững, gia tăng lượng chất
thải rắn (CTR). Tính bình quân người dân đô thị tiêu dùng năng lượng, vật dụng, thực phẩm...
cao gấp 2 - 3 lần người dân nông thôn, lượng CTR của người dân đô thị cũng cao hơn người dân
nông thôn.
1. Phát sinh CTR ở đô thị ngày càng gia tăng
CTR ở đô thị chủ yếu là CTR sinh hoạt. Lượng CTR sinh hoạt chiếm khoảng 60 - 70%
lượng CTR phát sinh (một số đô thị, tỷ lệ này lên tới 90%), tiếp theo là CTR xây dựng, CTR
công nghiệp, CTR y tế... Thực tế cho thấy, tổng lượng CTR sinh hoạt ở các đô thị phát sinh trên
toàn quốc tăng trung bình 10 - 16 % mỗi năm. Lượng CTR đô thị ngày càng tăng và phức tạp về
thành phần do mức sống ngày càng cao nên sản xuất và tiêu dùng ở các đô thị ngày càng đa dạng
(Bảng 1).
Tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, nơi có tốc độ đô thị hóa, công
nghiệp hóa mạnh, lượng CTR đô thị phát sinh tăng rất nhanh và chiếm tỷ lệ lớn. Chỉ tính riêng
hai đô thị loại đặc biệt (Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh), lượng CTR đô thị phát sinh đã chiếm trên
45% lượng CTR đô thị phát sinh trên toàn quốc.
2. Phân loại và thu gom CTR đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu
Thời gian qua, hoạt động phân loại chất thải tại nguồn được nhiều thành phố như Hồ Chí
Minh, Hà Nội, Đà Nẵng áp dụng thử nghiệm và đã có những kết quả nhất định. Đặc biệt, Dự án
3R-HN do Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ triển khai trên địa bàn Hà Nội đã
mang lại kết quả tích cực trong giai đoạn 2006 - 2010. Tuy nhiên, cho đến nay, đa số các chương
trình phân loại chất thải tại nguồn vẫn chưa được triển khai rộng rãi và duy trì lâu dài do thiếu
nguồn lực tài chính để mua sắm trang thiết bị, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cũng như nguồn
nhân lực triển khai thực hiện. Tại một số nơi triển khai thí điểm mô hình, do hạn chế, thiếu đầu
tư cho công tác thu gom vận chuyển và xử lý CTR theo từng loại, nên sau khi người dân tiến
hành phân loại tại nguồn, rác thải được thu gom và đổ lẫn vào xe vận chuyển để mang đến bãi
chôn lấp chung dẫn đến việc mục tiêu của chương trình phân loại rác tại nguồn không được thực
hiện triệt để. Thêm vào đó, do chưa thực sự quen với việc phân loại CTR tại nguồn nên tỷ lệ
người dân tự nguyện tham gia phân loại rác chỉ khoảng 70%. Kinh phí dành cho công tác tuyên
truyền vận động ban đầu thì có nhưng đến khi kết thúc dự án thì không còn duy trì tuyên truyền.
Các công ty môi trường đô thị (URE-NCO) ở các nơi có dự án thí điểm cũng không lập kế hoạch
để tiếp tục duy trì và phát triển dự án, nên các dự án vẫn chỉ dừng ở thử nghiệm.
Công tác xã hội hóa việc thu gom và vận chuyển CTR tại nhiều địa phương đang được
thực hiện rộng rãi. Ở các đô thị lớn cấp thành phố, URE-NCO đảm nhận việc thu gom, vận
chuyển và xử lý CTR đô thị; Các đô thị nhỏ cấp thị trấn, các hợp tác xã, các tổ chúc tư nhân đảm
nhiệm công việc này với mức chi phí thỏa thuận với người dân thông qua sự chỉ đạo của chính
quyền địa phương.
Tỷ lệ thu gom trung bình ở các đô thị đã tăng từ 72% năm 2004 lên khoảng 80 - 82% năm
2008 và đạt khoảng 83 - 85% cho năm 2010. Như vậy, còn khoảng 15-17% CTR đô thị chưa
được thu gom, vứt bừa bãi hoặc đốt lộ thiên gây ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ thu gom này không
đồng nhất giữa các đô thị. Các đô thị loại đặc biệt, đô thị loại 1, tỷ lệ thu gom đạt mức cao hơn,
như Hà Nội đạt khoảng 90 - 95% ở 4 quận nội thành cũ, TP. Hồ Chí Minh đạt 90 - 97%, Huế, Đà
Nang, Hải Phòng đều đạt khoảng 90% ở khu vực nội thành. Đa số các đô thị loại 2 và 3 đều đạt
tỷ lệ thu gom ở khu vực nội thành đạt trên 80%. Ở các đô thị loại 4 và 5, do nguồn lực hạn chế,
phần lớn do các hợp tác xã hoặc tư nhân thực hiện, thiếu vốn đầu tư trang thiết bị, nên tỷ lệ thu
gom không cao.
Một vấn đề cũng cần được quan tâm, đó là hiện nay, hầu hết các đô thị mới chỉ có các điểm
tập kết rác mà thiếu địa điểm trung chuyển rác. TP. Hồ Chí Minh là nơi đã có 2 trạm trung
chuyển lớn tập trung rác từ các điểm tập kết về. Các nơi khác, kể cả Hà Nội đều chưa có trạm
trung chuyển rác đúng nghĩa mà chỉ có các điểm tập kết rác được phân bố theo khu vực của
thành phố. Tuy nhiên, các điểm tập kết và trung chuyển rác này cũng chưa đảm bảo các tiêu
chuẩn về vệ sinh môi trường, gây nhiều bức xúc cho cộng đồng sinh sống xung quanh.
3. Tái chế, tái sử dụng và xử lý, tiêu hủy CTR đô thị cần một cách tiếp cận mới
Mặc dù CTR đô thị có đến 60-65% thành phần hữu cơ, nhưng hiện nay do phần lớn CTR
đô thị chưa được phân loại chất thải tại nguồn, nên nếu hoạt động đủ công suất thì số lượng rác
thải được xử lý làm phân hữu cơ chỉ dưới 2.500 tấn/ngày, chiếm chưa đến 10% lượng CTR đô
thị phát sinh trên phạm vi toàn quốc. Đây là một sự lãng phí rất lớn đối với một nguồn tài nguyên
có thể tái sử dụng.
Bên cạnh đó, hoạt động tái chế chất thải như giấy, nhựa, kim loại... hầu hết là hoạt động tự
phát do tư nhân và các làng nghề đảm nhiệm. Theo ước tính, lượng chất thải là giấy, kim loại,
nhựa có thể tái chế chiếm khoảng 8% lượng CTR thu gom. Tuy nhiên, công nghệ tái chế phần
lớn là thủ công, lạc hậu, chất thải từ hoạt động tái chế này hầu hết đều không được xử lý và thải
ra môi trường gây ô nhiễm nặng nề.
Tỷ lệ CTR được chôn lấp hiện nay chiếm khoảng 76 - 82% lượng CTR thu gom đuợc.
Trong đó, ước tính khoảng trên 50% lượng chất thải được chôn lấp không hợp vệ sinh. Đó là do,
nhiều tỉnh, thành phố hiện vẫn chưa có bãi chôn lấp hợp vệ sinh và nhà máy xử lý rác. Các khu
xử lý tập trung, các khu liên hợp xử lý CTR liên tỉnh đã được Bộ Xây dựng thiết kế quy hoạch.
Tuy nhiên, tính khả thi của các khu này đối với việc xử lý CTR đô thị còn có những bất cập,
chẳng hạn đối với các chất thải thông thường, nếu xử lý tập trung liên tỉnh thì chi phí vận chuyển
sẽ cao. Mặt khác, các địa phương được xác định trong quy hoạch để xây dựng khu liên hợp xử lý
CTR về cơ bản cũng không muốn chất thải từ các địa phương khác chuyển sang địa bàn tỉnh
mình để xử lý hay chôn lấp.
Công nghệ xử lý CTR tại Việt Nam được nhận định sẽ được phát triển theo hướng giảm
thiểu tối đa lượng rác thải chôn lấp và tăng cao tỷ lệ tái chế, tái sử dụng. Có nhiều nhà đầu tư đã
đến Việt Nam mang theo các công nghệ đa dạng, tuy nhiên một số công nghệ đã không đáp ứng
yêu cầu. Cho đến nay, Bộ Xây dựng đã cấp giấy phép cho 4 công nghệ nội địa trong lĩnh vực xử
lý CTR sinh hoạt: công nghệ SERAPHIN của Công ty Môi trường Xanh; công nghệ ANSINHASC của Công ty Tâm Sinh Nghĩa; công nghệ ép CTR thành viên nhiên liệu của Công ty Thủy
lực máy và công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt của Trung tâm Nghiên cứu
ứng dụng Công nghệ mới và Môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai rộng rãi các công nghệ trên
thực tế vẫn cần được nghiên cứu và kiểm chứng trong thời gian tiếp theo.
Để có thể tiếp cận theo hướng giảm thiểu tối đa lượng rác thải chôn lấp và tăng cường tỷ lệ
tái chế, tái sử dụng, trước hết cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân lực, vật lực, thiết bị
nhằm làm tốt hoạt động phân loại rác tại nguồn; Xây dựng các trạm trung chuyển đảm bảo tiêu
chuẩn về vệ sinh môi trường tại các địa phương; đồng thời, cần huy động các nguồn lực khác
nhau nhằm xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển CTR.
Đối với công tác xử lý chất thải, cần quan tâm thích đáng đến việc lựa chọn mô hình công
nghệ xử lý CTR đô thị phù hợp, khả thi với chi phí đầu tư thấp, phù hợp với tính chất rác thải ở
nước ta, như tỷ lệ tái chế cao, diện tích sử dụng đất ít, thi công nhanh, dễ sửa chữa và thay thế
thiết bị, có khả năng xử lý hết rác trong ngày, không cần bãi chôn lấp rác có quy mô lớn, không
có nước rỉ rác...
Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng trong sử dụng, tiêu dùng
các sản phẩm cũng như ý thức trong việc phân loại rác tại nguồn sẽ đóng góp một phần không
nhỏ nhằm giảm thiểu lượng rác và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý CTR.
TCMT 08/2012
Download